Những thiên sứ một thời


Đi Trung Á chơi, viếng những địa danh được nghe đến trong các lớp sử địa khi xưa, nhớ lại những thầy cô đã dạy mình khi xưa, những người hàng xóm xưa tại Đà Lạt, đã giúp mình có chút kiến thức. Họ nói một điều gì khiến mình nhớ đời hay cho mượn sách báo đọc đã giúp thay đổi cuộc đời mình. Ông tây dạy sử địa nói về Con Đường Tơ Lụa hay dãy núi Caucase trên bản đồ làm mình muốn viếng thăm các nơi này. Hình ảnh đó cứ lêu bêu trong trí nhớ của mình để rồi ngày nay, cố gắng đi thăm viếng để thoả mãn trí nhớ. Vợ mình hay la, sao cứ nhớ mấy chuyện vớ vẩn, không lo làm ăn như thiên hạ.


Mình nghiệm một điều, những gì nghe nói, đọc trên sách vỡ mà không trải nghiệm thì chỉ là hư không. Viếng thăm Trung Á và vùng Caucase có 3 tuần lễ mà mình chứng nghiệm cũng như mục thị những gì đã học và đọc về vùng này, mới hiểu được lịch sử và kinh tế, suy vong của vùng này. Lý do nào họ giàu có để rồi tàn theo thời gian vì không thức thời, thay đổi theo trào lưu của thế giới, kỹ nghệ tiến bộ.


Ông tây dạy pháp văn, giảng về vỡ kịch thơ “Andromaque” của Jean Racine khiến mình mơ mơ về một ngày nào đó, viếng thăm thành Troie để rồi sau này mình đi viếng Thổ Nhĩ Kỳ để duyệt lại tình sử Andromaque và hoàng tử Hector. Tưởng tượng trên thành, nơi Andromaque, một phụ nữ mang thai, nhìn chồng bị Achilles, giết chết rồi kéo lê thân xác xung quanh thành, để ngàn người Vui triệu người sầu rồi sau đó phải chịu hy sinh để kẻ thắng cuộc hiếp dâm, để cứu giọt máu của người chồng quá cố. Bị kịch của Hy Lạp như các bi kịch khác trong chiến tranh, kẻ thắng cuộc định đoạt cuộc đời, gia tộc người thua cuộc.

Thấy hình áo quần truyền thống của phụ nữ Ba Tư đẹp. Không biết hoa thật hay hoa giả

Có lẻ người có ảnh hưởng, đã thay đổi hướng đi của đời mình là thầy Lưu Văn Nguyên, dạy mình hình học năm 11B. Dạo ấy, mới lớn mình không biết tương lai đi về đâu. Đúng hơn là không có mộng ước gì cả. Con mình lớn lên tại Hoa Kỳ, có những mộng ước của tuổi thơ thay dần theo năm tháng. Học đường khuyến khích theo đuổi và thực hiện giấc mơ của chúng. Còn thanh niên Việt Nam khi xưa, chỉ có độc nhất một đáp án: Đi Lính với những khẩu hiệu khá mơ hồ, chiến đấu cho tự do, dân tộc. Mình đoán ngoài Bắc cũng ra rã tuyên truyền giải phóng miền Nam khiến thanh niên xung phong hay bị đưa vào chiến trường miền nam. Chú mình bị B52 dập chết trên đường mòn Hochiminh.


Thấy trong xóm mấy anh lớn tuổi hơn mình, rớt tú tài đi lính rồi mấy tháng sau Chết. Người đậu tú tài rồi vào trường võ bị như anh Thống, ở dốc Hai Bà Trưng, gần cư xá Bưu Điện, ra trường đậu thủ khoa rồi cũng chết nên mình hơi mất định hướng. Mấy người bạn học chung lớp sinh 1955, đang chơi đùa, đá banh, ngắm gái với nhau, bổng nhiên nhận được giấy gọi nhập ngủ sau mùa hè Đỏ Lửa. Việt Nam Cộng Hoà đôn quân để đánh nhau với quân bắc Việt, nơi đó có chú và họ hàng của mình cũng đi bộ đội, sinh Bắc tử nam trong cuộc nội chiến như khi xưa Trịnh Nguyễn phân tranh.


Đậu bằng trung học pháp (B.E.P.C) xong thì mình qua trường Văn Học. Thầy Chử Bá Anh cho học bổng, không còn bị mấy sư huynh nhà dòng, kêu ra khỏi lớp, về nhà lấy tiền đóng học phí để được vào lớp lại vì chỉ tiêu học đường là Tiên Học Phí, Hậu Học Văn. Đỡ tốn biết bao nhiêu tiền cho bà cụ, tháng nào cũng chạy ngược chạy xuôi nuôi 10 đứa con. Mình vẫn nhớ ơn thầy Chử Bá Anh.


Một anh bạn rủ đi thăm mấy ông thầy. Mình có xe gắn máy và anh ta cần xe ôm. Nay mình về Đà Lạt thì anh ta làm tài xế Uber, đón đưa từ phi trường chở mình đi chơi khắp nơi. Anh này là hậu duệ của gia tộc ông Ngô Thời Nhậm. Theo anh ta kể trong gia phả có đề gia tộc có 2 tiến sĩ nhưng không ghi biết tên, khuyên con cháu sau này, nếu không được đi học thì vẫn cố gắng học. Sau 75, thuộc diện con cháu ngụy quân ngụy quyền nên không được tiếp tục học đại học, anh ta vẫn cố nghe lén đài BBC và đài VOA để học thêm anh ngữ. Sau này, Đổi Mới, Việt Cộng cần người biết anh ngữ nên anh ta được trọng dụng, nay về hưu là đại gia tại Đà Lạt.

Thầy Lưu Văn Nguyên khi mình về Đà Lạt trước khi thầy qua đời. Năm sau, mình về Đà Lạt kịp đi đám thầy. Thầy nói là thương Phạm Minh Cường còn hơn con ruột vì chăm sóc cho thầy vào tuổi già.

Cứ mỗi ngày, sau ăn cơm, lại đến thăm các thầy như thầy Đan Đình Soạn, dạy Công Dân, giáo sư trường Chiến Tranh Chính Trị, thầy Hồ Thanh Tâm, dạy Sử Địa, thầy Lý Công Thuận dạy đại số. Các thầy cho mượn sách đọc như cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, giúp mình hiểu thêm về cộng sản, lý do phải đánh Việt Cộng. 


Người đã gây ảnh hưởng nhiều nhất về cuộc đời mình là thầy Nguyên, đã thay đổi hướng đi đời mình. Ngồi nói chuyện về tương lai thì thầy khuyên mình ráng học, đậu cao để đi du học, cả phí đời. Thầy đã gieo hạt mầm mà chính mình cũng không tin tưởng lắm vì dạo ấy đi du học như đi lên trời nhưng cũng cố gắng học. Từ đó, mình hết đi chơi vớ vẩn, đi học về thì ôn bài, làm bài tập, đọc sách thêm. Sáng thì chạy qua Ngã Ba Chùa tập võ với anh Minh, rể ông Xu Huệ.


Dạo đó, có một cặp vợ chồng dọn đến nhà bà Thường, số 47/3 Hai Bà Trưng. Ông chồng, tên Nhân đi xây dựng nông thôn, cô vợ làm ở ty công chánh. Một hôm, chú gọi lại ngồi nói chuyện ngoài sân rồi chú kêu vào nhà, lấy cho mình mượn tủ sách Học làm Người của ông Hoàng Xuân Việt biên soạn, với mấy cuốn thuộc loại Đắc Nhân Tâm. Nghe kể ông Hoàng Xuân Việt dịch sách học làm người nhưng quên dịch cuốn học làm chồng và vợ vì nghe đâu vợ ông ta bỏ ông ta. Nghe nói chú Nhân nay rất thành công, mình về Đà Lạt, gọi điện thoại nhưng không ai bắt điện thoại cả. Chưa có duyên gặp lại.


Đem về nhà đọc ngấu nghiến. Nói cho ngay tiếng Việt mình lúc đó cực tồi mà tiếng Tây cùng ngang lứa vì không có tiền mua sách. Phải đánh vần, nhiều khi phải hỏi cô em kế, nghĩa của mấy từ mình không biết. Nhà không có tự điển. Đi học chỉ có cuốn tự điển Petit Larousse, sau này đem theo qua Tây. Dạo ấy, có chị Gái hàng xóm, hay cho mình mượn sách tiểu thuyết để đọc. Nay chị ta ở đâu gần Canoga Park trên Los Angeles. Chưa có dịp gặp lại.


Sau khi đậu tú tài, mình nhờ thầy Nguyên viết cho lá thư giới thiệu đại học bên tây để nộp đơn. Thầy viết lá thư bằng pháp ngữ rất chuẩn. Hai ông cậu bà con, du học bên Tây, con của ông bà Phúng và ông bà Đàng ở số 9 và 11 Duy Tân, xin vào đại học Roubaix và giấy tờ bảo lãnh. Trời ị trúng đầu, mình được đi Tây. Nhớ có chào thầy trước khi đi Tây, thầy cảm thấy hãnh diện về mình, đã nghe lời thầy, cố gắng học để du học. Mấy chục năm sau, gặp lại thầy, thầy nhắc đến lá thư xưa, viết ra sao.

Hôm trước, mình nói chuyện với một người dì bên Úc, con ông bà Phúng. Mình kể nhờ hai cậu, con ông bà PHúng và Đàng giúp đỡ mà mình mới đi Tây được. Dì lại kể cuộc đời lạ lắm. Anh của dì, du học từ năm 1955 giúp mình đi tây thì sau này mẹ mình lại giúp gia đình dì vượt biển đi Úc. Dì cho ông chồng, em rể của thầy Phạm Kế Viêm, đi vượt biển mấy lần, vàng vòng gì bay hết, đi thăm nuôi khi ở tù, công an khu vực làm khó dễ. Cuối cùng mẹ mình tìm được tuy-dô cho Dượng đi, qua bên đó rồi trả vàng sau. Chuyến đó lại đi lọt. Nay cả gia đình đoàn tụ, sống hạnh phúc bên Úc Đại Lợi. Cho thấy cuộc đời rất hay. Mình giúp ai rồi sau đó, họ lại giúp con cháu của mình.


Qua Tây thì mình gặp nhiều người tốt lắm. Ông Yves Gignac, chủ tịch hội cựu chiến binh Pháp, cho mình học bổng của hội, cho quần áo cũ bận suốt mấy năm trời. Qua ông này mình mới hiểu thêm về OAS, vì ông ta nằm trong tổ chức này, bị De Gaulle cho đi tù mấy năm. Qua ông ta mình có ăn cơm với mấy ông tướng ngày xưa, tham chiến tại Việt Nam như Raoul Salan, Bigeard, bác sĩ Grovin, y sĩ trưởng ở Điện Biên Phủ,… chính ông Gignac là tác giả của cuốn Le Dragon D’Annam. Cả hơn năm trời, ông ta gặp ông Bảo Đại hàng tuần với bà Monique để phỏng vấn, để đặt câu hỏi ông Bảo Đại kể lại chuyện xưa. Từ ông ta mình học cách đọc sách. Ông này chả có bằng cấp đại học gì cả mà hiểu biết rất nhiều. Chắc khi ở tù đọc sách nhiều.


Ông ta có giới thiệu mình một nhân vật nổi tiếng của hải quân Pháp mà có lần có phim nói về nhân vật này do Jacques Perrin đóng. Le Crabe Tambour. Ông này tham chiến tại Việt Nam, rồi Algerie, tham gia OAS, ám sát hụt De Gaulle rồi đi tù. Khi xuống thành phố Nimes chơi, mình có ngủ lại nhà ông ta mấy hôm, được ông Pierre Guillaume chở đi vẽ Pont Du Gard. Hình như ông ta có quen Bob Denard, một tay lính đánh thuê khét tiếng phi châu. Ông có kể khi ông Bảo Đại lên tàu của ông ta để ký giấy tờ nhận Việt Nam do người Pháp trao trả lại sau Điện Biên pHủ.


Mấy người kia ăn cơm với họ được vài lần khi họ lên Paris có việc. Ông tướng Bigeard đầu hàng tại Điện Biên Phủ, có nói với mình là thất trận, ông ta vẫn phục ông Võ Nguyên Giáp. Mình có hỏi về Trung Cộng giúp đỡ nhưng ông ta chỉ cười. Hình như dạo đó ông ta là dân biểu của vùng ông ta ở. Lâu lâu lên Paris để họp quốc hội. Bác sĩ Grovin thì kể mỗi sáng đi bơi 1 cây số nên sau này qua Cali, sáng là mình bò đi bơi 1 cây số. 


Ông Guillaume là Tây mà lối sống rất Á đông, ông ta ngủ không dùng gối mà lại dùng cái miếng gỗ của người Tàu, lót dưới cổ, móng tay để dài như các kẻ sĩ nho giáo ngày xưa, thậm chí giường cũng trải chiếu ngủ, không nằm nệm. Không vợ con gì cả. Thời trẻ đi đánh giặc rồi bị ở tù, ra tù thì quá tuổi. Sau này để nhà lại cho người cháu trai, lấy vợ Maroc, con người em hay anh chết trận mà mình có gặp tại Rabat. Ăn cơm nhà anh ta. Ông Guillaume dặn mình là qua Ma-rốc thì cẩn thận với phụ nữ tại đây. Họ sống trong nền văn hoá áp bức phụ nữ nên tìm cách thoát khỏi xứ họ nên hay dụ khị đàn ông. Sang xứ này thấy phụ nữ đẹp nức nở, may là mình không ở lại làm việc với một kiến trúc sư người Việt, bạn vua Hassan II, nếu không giờ này cũng Alah Akbar.

Cũng qua ông Gignac, mình được giới thiệu hai gia đình; gia đình ông Marco, sinh ra tại Algerie và bị đuổi qua Pháp. Ông ta làm thầu khoán, giàu có, qua gương ông ta sau này mình bỏ nghề kiến trúc làm thầu khoán. Và một gia đình nữa là tên Lebrousse, một cựu chiến binh tại Đông-Dương. Họ hay mời mình lại nhà ăn Giáng Sinh cho đỡ buồn khi thiên hạ đón mừng Chúa ra đời, cứu nhân loại. Sau này về hưu tại Saint Jean de Luz nên mình hết gặp lại cũng như mấy người con lập gia đình đi mất biệt,


Ngoài ra có hai gia đình người Pháp đã giúp đỡ mình rất nhiều trong thời gian đi học. Gia đình Cayla qua một anh bạn, cháu rể của bà Cayla. Bà Cayla cho mình mướn căn phòng ô-sin trên lầu nhưng rồi sau vài tháng, bà ta không lấy tiền nữa. Xem mình như con nuôi trong nhà. Tết hay tiệc tùng gì đều hú mình đến dự với gia đình bà ta. Khi mấy người em mình vượt biển sang thì họ bảo lãnh sang Pháp, nuôi trong nhà, dạy tiếng Tây. Mấy người em mình vẫn liên lạc con cháu của họ vào những buổi họp mặt gia đình. Sang năm mình tính về Tây thăm mấy bà này trước khi họ về thiên quốc. Lần chót về, gia đình mình có xuống Grenoble, họp mặt đại gia đình của ông bà, rất vui. Nay chúa ngoại cháu nội đầy.

Một gia đình khác là Pellerin, ông bà nội của một anh bạn học dưới mình 3 lớp, xem như đàn em trong trường kiến trúc. Quen gia đình này thì mới biết giàu sang là sao. Họ có mấy chung cư cho mướn ở đại lộ Wagram, gần Champs Elysees. Khi xưa, họ là một trong những nhà thành lập công ty xà bông Roget Gallet. Họ có nhà ở ngoại ô Paris để con cháu cuối tuần ra đó chơi, đánh quần vợt, bơi lội. Có căn nhà nghỉ mát ở Villefranche gần Nice ở miền nam Pháp để mùa đông xuống đó ở. Ngoài ra họ có mấy trăm mẫu rừng ở Saint Severs, Normandie để đi săn. Bà vợ là con của một thượng nghi sĩ của Pháp nên họ giàu từ nhiều đời.


Mình có đi đến đó mấy lần với tên bạn và bố anh ta vào mùa thu. Họ có súng đi săn chim rừng và một lâu đài ở Vauville, Normandie, ngay biển. Họ có mời mình đến ở mấy ngày, thấy giàu sướng thiệt. Ông bà PELLERIN cho mình một căn phòng ô-sin ở đường Wagram khiến mình phải ở chỗ này vài ngày, chỗ nhà bà Cayla ít ngày trong tuần. Cách đây mấy năm, nghe tin anh bạn bị lẫn dù trẻ hơn mình 3 năm nên về thăm. Nhìn bạn trả nhớ về không thấy buồn vì không có ai để kể chuyện xưa, những kỷ niệm của thời trẻ. Cô vợ ngồi cạnh rất buồn.

Ở Hoa Kỳ thì phải kể đến ông bà Wilson mà mình hay gọi Rich Dad, đã giúp mình và dạy rất nhiều trong việc thương lượng mua nhà cho thuê. Ông Jack Fullerton dạy mình về thuế vụ trong khi ông Mic Blackwell chỉ mình cách quản lý người thuê nhà. 


Năm ngoái ba người này rủ nhau về thiên quốc khiến mình hụt hẫng, mất 3 người thầy, không biết nói chuyện với ai khi muốn mua nhà cửa. Nói cho ngay thì mấy năm qua mình mua nhà không cần hỏi mấy người này vì cảm thấy quyết định đúng đắn thêm họ cũng bệnh tật, sức khỏe Yếu. Cho thấy cuộc đời có hợp có tan. 


Nhìn lại thì chặng đường đời đi qua, mình may mắn gặp rất nhiều người tử tế, thuộc nhiều chủng tộc, việt có, Tây có, Ý có, Mỹ có, Ma-rốc có,… Họ cho mình ăn một bữa cơm, cho quá giang xe một chặng đường, tặng một cuốn sách, nói một điều gì đã giúp mình thay hướng đi như đi làm việc ở một nước khác, giới thiệu một người tình, người bạn đời. Đó là những thiên sứ được gửi đến giúp đỡ mình trên đường đời.

Đời rất kỳ lạ. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 








Hiệp kỵ cuối tuần

 Cuối tuần rồi, vợ chồng chị vợ từ Boston bay sang đi du thuyền bên Mễ. Nhân cơ hội mấy anh em trong nhà họp mặt hiệp kỵ bố mẹ vợ. Mẹ vợ mất vào lễ giáng sinh còn bố vợ thì ngày Lễ Tạ Ơn. Hiệp kỵ cho tiện con cháu. Ở Hoa Kỳ thì giỗ hay sinh nhật cũng phải đợi đến cuối tuần mới tổ chức, không như ở Việt Nam, họ hàng hay hàng xóm đều ghi lại ngày kỵ giỗ và cứ đúng ngày họ đến ăn kỵ. Không biết đến đời con mình thì sao. Hy vọng chúng thấy mình làm cho ông bà ngoại, ông nội thì sau này bắt chước còn không thành ma đói, làm cô hồn đợi ngày 5 tháng 5 đi ăn giựt thiên hạ.

Cả nhà tổ chức sinh nhật cho ông anh cả, hơn mình 13 tuổi. Chị dâu nổi tiếng nấu ăn ngon, nay truyền nghề cho cô con gái. Cô cháu kêu chú Sơn thích ăn rau nên con đổ bánh xèo cho chú ăn rau. Ăn xong bánh xèo cô cháu thì hết muốn ra bolsa ăn bánh xèo. Ở bolsa thì dầu mỡ còn cháu rể đổ bằng chảo ít dầu, mỏng và dòn tan. Ngon cực. Xem như hai vợ chồng cô cháu được truyền thụ tay nghề 100% của chị dâu. 

Chị dâu khi xưa ở Sàigòn mướn chỗ trước nhà ai, mỗi ngày nấu nồi bún bò bán đắt khách đến nổi bà chủ nhà, tham lấy chỗ lại để bán. Không ai đến ăn cả nên kêu chị dâu lại nhưng sắp đi đoàn tụ gia đình nên thôi. Ăn bánh xèo xong thì đem bánh sinh nhật ra kêu ông anh thổi nến khiến mình lo, kêu để 1 cây tượng trưng thôi vì nhớ cuốn phim Ý Đại Lợi, Nuovi Mostri cũng tổ chức sinh nhật ông nội, kêu ông nội thổi nến, họ sắp 90 cây nến trên cái bánh. Khi ông ta thổi tắt hết 90 cây nến thì hết hơi lăn đùng cái mặt vào chiếc bánh. Chết tại chỗ. Ngày sinh Nhật và ngày chết trùng ngày. Khỏe đời cho con cháu. 


Sáng hôm sau, cả nhà đi ăn phở gà xong thì ra thăm mộ bố mẹ vợ. Mình lãnh phần đem hương. Sau đó đi chợ mua thức ăn cúng. Con cháu ngày nay không nấu nướng gì cả. Mua cho tiện. Con cháu kéo đến lạy bàn thờ ông bà. Bà chị vợ kêu ba me nay chắc đi đầu thai rồi, mong ba me làm người tốt như đối với tụi con khi xưa rồi cuối cùng phán ba me phù hộ cho con cháu,… khiến mình cười. Muốn cha mẹ siêu thoát nhưng lại muốn cha mẹ ở lại phù hộ con cháu ăn nên làm ra thì làm sao ông bà siêu thoát được. Đó là nghịch lý cuộc đời. Chúng ta thương cha mẹ hay ta thương ta hơn. 

Có cô cháu dâu gốc Nhật đang chuẩn bị đập bầu con so. MÌnh hỏi khi nào là ngày vượt cạn, cô cháu cho biết Tết ta. Mình nói có xem tử vi gì không. Cô cháu dâu kêu không. Mình nói kêu thằng cháu đi xem tử vi cho đứa bé vì nó ra sớm hay trễ có thể khác giờ sẽ thay đổi đời của cháu. Cuối năm ta hay đầu năm mới ta. Cô cháu gốc Nhật nên chắc không quen vụ tử vi như người Tàu và người Việt, mặt đực ra như ngỗng ị. 


Mình kể chuyện anh bạn quen, chuyên gia tử vi. Kỹ sư nhưng không hiểu sao lại mê chấm tử vi. Anh ta lấy cô vợ bác sĩ, em một người bạn. Đám cưới em anh ta, ông bố nhờ mình đại diện nhà gái nói đôi lời với nhà trai.


Sau cô vợ có bầu, vào nhà thương. Anh ta không phụ vợ đẻ như mấy lớp dạy hộ sinh mà cứ lấy laptop xem sao và giờ nào tốt để sinh con có Tam Hoá. Anh ta kêu vợ Hold on! Giờ này không tốt, ráng thêm hai tiếng qua giờ Tý tốt hơn. Mụ vợ đau đẻ quá, chửi anh ta quá trời. Sau đó anh ta tự an ủi thôi kệ sau này nó trở thành triệu phú cũng được. Nếu bà xã ráng nín thêm 90 phút thì nó sinh vào giờ tý thì tuyệt, có Tam Hoá. Làm lớn, chính trị gia chi đó hợp với mộng ước đời anh ta.


Sau này, thấy vợ chồng anh ta ly dị nên chả hiểu anh ta chấm tử vi ra sao mà phải hát Adieu Julie Candy. Và từ đó, mình không gặp lại. Mấy đứa cháu nghe mình kể chuyện tử vi cười quá. Mình nói cô cháu dâu. Make sure just Hold on! Wait for the right time to push for the Best Star.

Viết tới đây thì nhớ dạo đồng chí vợ sinh con đầu lòng. Cô nàng chuyển bụng ngày cuối năm. Hối hả chở vô nhà thương vì không biết có đúng hay không vì cả tuần vợ kêu chở vô nhà thương mấy lần rồi lại đưa về. Kêu chưa đúng giờ Tam Hoá. Đâu như mẹ mình khi xưa đẻ như gà. Đi chợ xong thấy chuyển bụng, đi đến nhà hộ sinh Hiền Chi của bà Tôn Thất Chí. Rặn một cái như gà là ra đứa con. Kinh


Trước đó có học lớp tiền sản Lamaze, phụ vợ vượt cạn thay vì ra bờ sông lặn hụp khi vợ đi biển, mồ côi một mình như mấy người đàn ông xưa ở quê mình. Vô nhà thương vợ kệ đau. Y tá đến hỏi thăm tình hình, how are you doing? Mình muốn động viên vợ, kêu she is doing fine. Mụ vợ rống lên kêu No! I’m not Okey. Rồi chửi mình một tăng. Người chi mà vô hậu. Dôn ơi là dôn. Từ ngày lấy nhau, chưa bao giờ mình bị vợ chửi tát nước như vậy. Từ đó sợ vợ luôn đến giờ. 


May là bác sĩ đến truyền thuốc giảm đau nếu không chắc mụ vợ chửi mình như bà nào ở nhà bảo sanh Hiền Chi khi xưa. Mẹ mình sinh mình tại nhà thương bác sĩ Phán, sinh cô em kế tại nhà bảo sanh Trương Thị Lập, dưới phòng mạch bác sĩ Lương. Còn mấy người kia thì tại nhà bảo sanh Tôn Thất Chí. Có lần mình vào thăm mẹ mình mới sanh, thì nghe phòng bên cạnh, có tiếng bà nào la hét kinh hoàng. Tiên sư bố mày, bà bảo để bà ngủ mày cứ đè bà ra rồi nhét cái mả cha mày vào, bây giờ bà đau đẻ, mày trốn đâu rồi. Cái thằng khốn nạn. Chạy đâu rồi. Tiên sư bố mày. Mình quen ở ngoài chợ Đà Lạt nghe mấy bà chửi nên không để ý lắm. Có vợ bị vợ chửi khi lâm bồn thì mới nhớ lại và hiểu lý do phụ nữ chửi chồng khi để rồi quen thói chửi luôn đến chết. 

Có lần, đồng chí gái có thai lần thứ hai, mình đọc thơ Trăng Sáng Vườn Chè cho thai nhi vì nghe nói, thai nhi nghe nhạc thì sẽ sáng dạ, thông minh, ra đời sẽ có khiếu về âm nhạc như Beethoven. Mình thì thích nghe cải lương như mụ vợ thì không nên Mình đọc thơ việt ngữ cho thai nhi để sau này con hiểu và học tiếng Việt cho dễ. Mình chỉ thuộc thơ trường phái nông dân trồng bơ nên đọc cho mụ vợ nghe. Mụ vợ thuộc dạng các Mệ, dòng Tôn Thất nên quen thơ đài cát, đài trang, kiểu ông Hàn Mạc Tử bán trăng vì hết tiền trả tiền cơm tháng. Nay nghe thơ nông dân có vẻ thích lắm, cười sẽ giúp sinh con vui vẻ sau này nên kể lại đây cho mấy bác gái xem có đúng ý các bác hay không.


Hôm qua em đi hái chè 
Gặp thằng phải gió nó đè em ra 
Em lạy mà nó chẳng tha 
Nó đem đút cái mả cha nó vào 
Bấy giờ em biết làm sao ? 
Nếu em càng giẩy nó vào thêm sâu 
Cái gì như thể củ nâu 

Cái gì như cái cần câu vật vờ

Nghe tới đây, mụ vợ cường khoái chí, hỏi anh tìm đâu ra vậy. Mình thì lạ lắm, thi ca cổ điển thì mình nghe như vịt nghe sấm, còn loại theo kiểu bình dân học vụ như thế này mình nghe hay đọc một lần là thuộc. Chán Mớ Đời 

Hôm sau em đến vườn chè 
Kiếm thằng phải gió em đè nó ra 
Nó lạy rối rít xin tha 
Nhưng em cứ đút mả cha nó vào 
Bây giờ mới sướng làm sao 
Nên em càng giẩy cho vào thêm sâu 
Giẩy sao cho dập củ nâu 

Giẩy sao cho gẩy cần câu vật vờ

Nhớ hồi học việt văn với cô giáo Liên, cứ nghe bằng bằng trắc trắc chi đó là mệt.

Mười năm thắm thoát trôi qua 
Gặp lại phải gió nó già hơn xưa 
Mừng như nắng hạn gặp mưa 
Em đè nó xuống em lùa chim ra 
Nó nằm nó khóc nó la 
Em ngồi em bóp mả cha ngày nào 
Khi xưa củ cứng cần cao 

Ngày nay củ xẹp cần dâu cần xìu

Cái này bắt chước ông Trần Quảng Nam với 10 năm tình cũ, Khe Khe 10 năm không gặp tưởng tượng thằng phải gió ra sao.

Sáng nay ngồi nấu nước chè 
Nhớ lại chuyện củ nó đè trong tim 
Ngồi buồn ngó xuống con chim 
Xưa sao hùng dũng giờ im thế này 
Lắc qua lắc lại mỏi tay 
Nó vẫn ủ rủ ngây ngây khờ khờ 
Hởi người em gái xóm mơ 
Cần câu còn đó mồi trơ..... hết rồi


Vợ chuyển bụng, bể nước ối rất lâu đến 22 tiếng đồng hồ thì bác sĩ kêu mỗ bụng lấy thằng con ra. Lúc đầu, mới vào nhà thương, xem ngày giờ mình nghĩ năm nay có thể khấu trừ thuế được $500 vì có thằng con sinh ra đời trước giao thừa. Ai ngờ thằng con thuộc diện con cháu phản động nên đến 17:17 chiều mồng 1 mới được ông bác sĩ lấy từ trong bụng mẹ nó ra sau 22 tiếng đồng hồ rặn. Kinh. Nói cho ngay, không có khoa học, mổ dám hai mẹ con đi đoong luôn vì thằng ngon nằm ngược. Con gái mình cũng ngược, chả hiểu tại sao. Chắc con cháu phản động.


Mụ vợ mỗi lần sinh nhật thằng con, nhớ chuyện xưa là kêu mình ra chửi một tăng. Đến phiên con gái thì ít cứng đầu hơn, chỉ chuyển bụng có 18 tiếng sau khi bị bể nước ối. Cũng phải mổ nên đồng chí gái đóng cửa khẩu, bế môn toả cảng, kêu không sinh con nữa. Kêu đụ rồi. Thấy vợ đau đẻ, thấy thương, mình tự hứa chừa không đụng vợ nữa nhưng rồi sau khi ở cử xong, nín chịu không được đành lấy cái mả cha ngày nào ra xài. 


Mình có ông anh vợ, có 3 con thì leo lên thuyền đi vượt biển. Sang Hoa Kỳ thì sản xuất thêm một đứa nên cán bộ xã hội kêu trai hay gái chỉ 4 mà thôi. Nhà nước không cho thêm trợ cấp. Anh ta chạy về nói bà vợ “thôi đụ rồi”. Bà vợ đang cho con bú, kêu đụ khi mô thế là làm thêm 2 trự ra đời. Kinh


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 







 

Tắm heo về già

Hôm trước, Khoa nhờ mình chia sẻ kinh nghiệm về tập luyện với các học trò của thầy Trần Như Đẩu. 16 năm trước, đi du lịch bên Pháp, thăm em và bạn bè thì cảm thấy chân mình không ổn. Thêm đầu gối rất đau, leo lên cầu thang là một cực hình nên mỗi ngày chỉ leo lên lầu khi đi ngủ. Về cali khám bác sĩ thì được biết chân mình cần mang đồ lót giày để khỏi đau.
Cuộc đời lạ lắm! Mình hay gặp những người xa lạ, họ nói mình điều gì, hay cho mượn cuốn sách rồi biến mất, lại giúp thay đổi hướng đi cuộc đời của mình. Mình hay gọi những người này là thiên sứ, được thượng đế gửi đến báo cho đứa con hoang đàng. Đi hè về, con mình gia nhập đoàn hướng đạo nên khi đưa con đến sinh hoạt với các hướng đạo sinh khác, mình phải ở lại lỡ có chuyện gì thì các trưởng biết đâu mà tìm mình. Có một phụ huynh, không hiểu lý do, cứ tìm gặp mình, xà tới nói về môn phái Hồng Gia suốt 3 tiếng đồng hồ, kêu mình ráng đi tập. Mình nói ngày xưa ở Việt Nam có tập đủ thứ rồi; Thái Cực Đạo, Nhu Đạo, Vovinam, nay không ham nữa. Mỗi ngày đi bơi một cây số là vui rồi.

Tuần nào anh ta cũng lại gặp mình dù có tìm cách trốn anh ta. Nói hoài nên mình nghĩ bò lại võ đường một lần để anh ta không làm phiền nữa. Hôm Ấy, anh ta lại vắng mặt nhưng đã đến nên vào tập. Sau khi tập, mình tính dọt nhưng có một bác tên Bách, râu tóc bạc phơ, đưa cho mình bộ đồ tập và kêu đóng tiền nên đành trả tiền và tự nhủ tập 3 tháng, thấy không khá thì nghỉ. Sau 6 tháng, mình đi thử máu, bác sĩ cho biết là cholesterol từ 240 xuống 180 nên mình tiếp tục. Anh bạn như đã hoàn thành nhiệm vụ được bề trên giao phó, nghỉ tập luôn từ đó. Gặp nhau tại chỗ sinh hoạt hướng đạo thì anh ta kêu tập ở nhà. Xong om


Đi tập, có tính cầu tiến, hỏi mấy người tập trước mình, tò mò hỏi thêm cách tập cho mau tiến bộ. Người thì nói tập như thế này, người thì kêu tập như thế kia. Cùng một thầy mà mỗi người giải thích khác nhau nên mình chới với. Buồn đời mình lên mạng thì khám phá ra một nhóm người Việt tập Hồng Gia nhưng tại sân nhà ai thay vì ở võ đường. Xem nhà cửa thì mình đoán là ở Cali nên liên lạc và gặp Khoa. Sau khi nói chuyện với Khoa thì mình quyết định theo tập với Khoa.

Lúc đầu tập ở Đông Phương Hội thì Khoa cho tập đủ trò, kiếm, Wusu, Thái Cực Quyền, Hồng Gia, Bạch Hạc, ngạnh công, thiền đủ trò, Trạm Trang Công, Vịnh Xuân Quyền. Chặt chai bia, xé cuốn niên giám, chém gạch,…


Một hôm đi bài Tiểu Niệm đầu của Vịnh Xuân Quyền. Thay vì đi 5 phút như mọi lần, Khoa hướng dẫn đi 45 phút. Khi đi chậm thì mới nhận ra là các khúc xương, lóng tay liên kết với nhau như các bộ phận đồng hồ, quay từ từ các khớp này cuốn theo cái trục, quay vòng vòng khiến mấy cái kim đồng hồ quay theo từng nấc.


Mình nhận ra những gì đọc hay nghe ai nói sẽ khiến mình đi tìm cái gì đó khá mơ hồ. Nhiều người cứ đọc bài của ai viết rồi xào nấu lại hay kim-dung-hoá theo cách của họ. Trên thực tế họ chưa ngộ được nhưng nói lên để thoả mãn cái bản ngã của họ.



Chú Ký, bạn nối khố ông cụ trong quân đội cũng như 15 năm trại cải tạo, có kể mình câu chuyện. Ngày xưa, có một anh chàng muốn trở thành lực sĩ cử tạ, nghe nói trên núi có một ông thầy dạy giỏi lắm nên mò lên núi để học. Anh ta lên núi thì gặp ông thầy hỏi đi đâu đó. Anh ta trả lời là muốn trở thành lực sĩ cử tạ và nghe nói thầy là người giỏi, có thể giúp anh ta trở nên một lực sĩ. Ông thầy chỉ cục đá giữa sân và nói anh ta bê cục đá lên. Anh ta cố gắng cách mấy cũng không xê dịch được cục đá.


Ông thầy đồng ý hướng dẫn anh ta trở thành lực sĩ với điều kiện là nghe lời ông ta, không được hỏi gì cả. Ông cho biết là phận sự của anh ta là mỗi sáng bế con heo con xuống núi, tắm cho nó rồi bế về, không được để xuống đất. Thái rau cho con heo ăn. Ngày này qua tháng nọ anh ta thức dậy sớm, bê con heo xuống núi, tắm rữa ở con suối rồi bế lên lại. 


Hai năm sau, anh ta Chán Mớ Đời vì mỗi ngày phải bế con heo xuống núi rồi bế lên núi mà ông thầy chả dạy gì cả. Một hôm tức quá, anh ta hỏi ông thầy, sao con ở trên núi với thầy gần 2 năm mà thầy không dạy gì cả cứ tắm heo và cho heo ăn. Ông thầy vuốt râu rồi cười. Chỉ tảng đá năm xưa ở ngoài sân, rồi kêu anh ta ra bê tảng đá. Anh ta tự hỏi, ông thầy chơi khăm, trước đây anh ta cố lay chuyển, không được. Như phép lạ, anh ta bê được tảng đá như bế con heo. Anh ta tắm heo mỗi ngày, không để ý trong gần 2 năm qua con heo to lớn và nặng hơn tảng đá. Công việc anh ta bế heo xuống và lên núi mỗi ngày vô hình trung giúp sức khoẻ anh ta tăng dần theo trọng lượng của con heo.

Mình chợt nhận ra là mục đích tập dưỡng sinh là để có sức khoẻ, không phải để trở thành cao thủ độc cô cầu bại. Khi nhận thức ra mục đích tập dưỡng sinh, mình không cần đọc sách báo gì cả hay nghe ai tám về võ thuật. Cứ tập đều đặn mỗi ngày, lâu lâu Khoa nói cần tập thêm hay cố gắng vài điểm nào thì mình nghe theo. Mỗi ngày chỉ tập Hồng Gia, Thái Cực Quyền và Trạm Trang Công.


Ngày này qua năm nọ từ từ sức khoẻ mình tăng trưởng, khoẻ hơn 16 năm về trước. Nay mình leo lên đỉnh Kilimanjaro, cao nhất Phi châu, hay Machu Pichu ở Peru. Chẳng bù khi xưa không leo nổi cầu thang. Mỗi ngày, chịu khó tập như anh chàng tắm heo. Tương tự trong đời sống, mỗi ngày mình phải đọc sách tối thiểu 1 tiếng đồng hồ.


Tắm heo thì không có thời gian luận anh hùng võ lâm trên núi võ Bolsa. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Nhớ ơn cứu tử

Hôm trước, đọc tờ báo tây cho biết thành phố nhỏ bé tên Le Chambon-sur-Lignon, vừa nhận được một số tiền là $2 triệu Euro từ di chúc của một người áo tên Eric Schwam. Người dân của thành phố này cho biết, ông này muốn trả ơn thành phố này đã cứu ông ta và gia đình thoát sự truy đuổi của quân đội Nazi cách đây 80 năm khi quân đội Nazi chiếm đóng một phần nước Pháp. Lính Đức quốc xã hốt các người dân gốc Do Thái khắp âu châu, đẩy vào các trại tập trung. Nghe nói có đến 6 triệu người gốc do thái bị giết.


Ông Schwam ghi trong di chúc, yêu cầu thành phố sử dụng tiền ông ta để giúp các sinh hoạt giáo dục của làng và cho học bổng các học sinh địa phương. Tại sao ông ta không cho những cơ quan thiện nguyện mà lại cho thành phố này.

Ông Eric Schwam, người đã hiến tặng trên 2 triệu đô cho ngôi làng đã cứu giúp gia đình ông ta khi chạy trốn sự săn đuổi của quân đội Nazi

Ngôi làng Le Chambon-sur-Lignon, có một truyền thống cứu giúp các người tỵ nạn lâu đời. Vào thế kỷ 17, khi các người theo đạo Tin Lành mà người Pháp gọi Les Huguenots, chạy trốn các cuộc lùng bắt của chính quyền công giáo. Ở Pháp có dạo có cuộc chiến tôn giáo (Guerre des Religions) Sau này có đến 200,000 theo đạo Tin Lành ở Pháp chạy loạn qua Thuỵ Sĩ hay các nước theo Tin Lành.

Hai vợ chồng mục sư đã kêu gọi con chiên của họ cứu giúp người do thái chạy trốn Đức quốc xã.


Trong đệ nhị thế chiến dưới sự dẫn dắt của một vị mục sư trong làng, cứu giúp các người gốc Do Thái trốn đến đây, bị truy lùng bởi quân đội Nazi. Họ dấu các người tỵ nạn do thái trên núi gần làng. Khi nào quân đội nazi rời làng thì họ chạy lên rừng núi để kêu họ trở về nhà. Sau ông mục sư bị bắt còn người em thì bị dời qua trại tập trung ở Đức và chết tại đó.


Ít ai biết rõ làm sao gia đình ông Schwam lưu lạc đến làng Le Chambon/Lignon. Chỉ biết họ đến pháp và bị chế độ Vichy nhốt trong trại Rivesaltes, gần biên giới Tây Ban Nha. Trại này có đâu 8,000 tù nhân và được chuyển đến trại Auschwitz và các trại tập trung khác. Trại này đóng cửa vào năm 1942 và đa số các người gốc do thái đều bị chuyển đến các trại tập trung và bị kết liễu cuộc đời. Không ai biết gia đình Schwam bằng cách nào chạy thoát đến làng này.


Ngôi làng có truyền thống cứu giúp người tỵ nạn
Ngôi làng nằm phía nam của của  thành phố lớn thứ nhì của Pháp ; Lyon

Sau chiến tranh, gia đình ông ta trở về Áo quốc, bố ông ta là bác sĩ ở thành Vienne nhưng ông ta ở lại Pháp. Eric Schwam, qua đời vào tuổi 90, đến làng này vào năm 1943, được dấu trong một ngôi trường và ở tại làng đến năm 1950. Ông ta học dược khoa tại Lyon rồi lập gia đình với một phụ nữ pháp trong vùng và không có con.


Thị trưởng của thành phố cho biết số tiền nhận được rất lớn, sẽ được dùng cho các hoạt động giáo dục và tặng học bổng cho học sinh địa phương theo di chúc của ông Schwam.


Nghe kể người dân trong làng dấu các người tỵ nạn trong làng, làm giấy tờ giả cho họ và giúp họ vượt biên giới sang Thuỵ Sĩ. Có thể mấy người Huguenots này qua Thụy Sĩ lập ra phái Calvinist do một ông người Pháp tên Jean Calvin. 

Từ thế kỷ 17, dân trong làng đa số là người theo đạo Tin Lành, những người từng bị chính quyền công giáo truy lùng. Trong đệ nhị thế chiến, làng này đã cứu giúp trên 2,500 người gốc do thái thoát các cuộc truy lùng của nazi và các “tây gian”, những người tây bán nước, làm tay sai cho người đức. (Collaborateur)


Ngoài ra, dân làng cũng cứu các linh mục trong thời gian sau cách mạng Pháp 1789 và các người thuộc phe cộng hoà trong thời gian nội chiến tại Tây Ban Nha và gần đây họ giúp mấy các người tỵ nạn đến từ phi châu, trung đông. Trước đó, các linh mục ra lệnh truy lùng các người theo đạo Tin Lành, khiến họ bỏ chạy trốn qua Thuỵ Sĩ hay các xứ khác ở âu châu dễ dãi với người theo đạo Tin Lành. Sau đó con cháu họ không nề hà khi cách mạng truy lùng mấy vị linh mục có dính dáng đến hoàng cung, vẫn cứu giúp họ. Cho thấy tin thần của họ như đã hiểu rõ sự ruồng bỏ, truy lùng vì đức tin của họ. Nhà thờ công giáo lo sợ như thời Sô Viết, ai không tin vào chủ nghĩa cộng sản thì họ bỏ vào các viện tâm thần để chửa trị. Anh không tin là vì anh bị điên.


Mình thấy mấy người tỵ nạn, la lối như Mỹ trắng, kêu không cho người di dân nhập cư nữa. Kêu là di dân bất hợp pháp. Khi người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do, ai may mắn, không chết trên biển cả, đến các đảo của Nam Dương, MÃ lai, Thái Lan,…đâu có chiếu khán nhập cảnh, xem như di dân lậu. Nhiều người còn kể là bị lính của mấy xứ này đối xử tệ bạc. Ngày nay chúng ta có sổ thông hành Hoa Kỳ nhưng không nên quên quá khứ một thời. Những người di dân lậu, đều trả mấy cây vàng hay mạng sống của họ, để ra đi vì chính phủ họ tham nhũng, bạo ngược hay không cho họ thờ phụng tín ngưỡng của họ.

Trẻ em do thái được dân làng cứu thoát.


Mình có xem một phim tài liệu về vụ bài chống người nhập cư của một phóng viên người anh nhưng vợ là người Mỹ, con ông ta cũng lấy quốc tịch mỹ. Hoa Kỳ là một quốc gia có truyền thống nhận các người di dân, tỵ nạn từ thời lập quốc khi người âu châu đến Hoa Kỳ. Người da trắng đến từ âu châu đâu có xin chiếu khán mấy ông người bản địa. Họ được người bản địa giúp đỡ khi lên bờ rồi từ từ lấn chiếm đất đai của người bản địa để thành lập Hoa Kỳ. Nay người Mỹ da trắng rất lo sợ cho tương lai vì họ sẽ thành thiểu số vì người da trắng không chịu đẻ. Trong khi di dân da màu đầu năm sinh trai, cuối năm sinh gái. Họ lo ngại nền chính trị của Hoa Kỳ sẽ bị các chủng tộc da màu khác nắm giữ.


Người do thái hùng mạnh vì họ luôn luôn sử dụng Holocaust do đó mình phải viết kể cuộc hành trình tìm tự do của vợ mình vượt biển ra sao, cho con và mấy đứa cháu hiểu. Hôm trước, đi chơi thì có anh tổ chức tàu vượt biển có vợ mình đi theo tàu. Anh ta tổ chức họp mặt các người trên chuyến tàu PB 835 để con cháu của những người này hiểu về quá khứ, đau thương khi 30/4 đến, đi cải tạo rồi bỏ nước ra đi. Anh ta mời mình nhưng không tham dự được vì đang ở Uzbekistan. Tiếc là vợ chồng đi chơi không có nhà để đem mấy đứa con lại.

Khi xưa, ở Việt Nam học lịch sử, thầy kêu người Pháp thực dân gian ác. Đến khi mình sang Pháp thì thấy người Pháp rất tốt bụng. Họ giúp đỡ người tỵ nạn đen vàng đến từ khắp nơi. Có thể người Pháp sang Việt Nam là những người xấu. Họ lạm dụng vai trò của chính phủ Pháp tại Việt Nam nên lợi dụng để làm giàu trên xương máu của người Việt như những chuyện nghe kể trong các rừng cao su, hầm mỏ. Mình không sống vào thời đó nên không hiểu nhiều.


Mình vẫn mang ơn người Pháp đã giúp đỡ mình khi mới sang tây nhất là sau 30/4/75. Họ cho mình học bổng, cho mình mướn nhà không lấy tiền, giáo dục mình. Ơn này mình không bao giờ quên. Chắc sang năm phải về Pháp thăm lại một số ân nhân trước khi họ về thiên quốc. Khi mấy người tỵ nạn đến Hoa Kỳ, nhớ ơn mấy người Pháp đã giúp mình khi đến pháp, mình có dành một căn hộ để giúp một gia đình Syria ở tạm trong thời gian làm thủ tục giấy tờ tỵ nạn,…


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn