Từ Bolsa đến El Monte

Từ Bolsa đến El Monte

Nhớ dạo mới sang Cali sinh sốngmình hay được bạn bè rũ đi ăn cơm bao bụng (buffet) ở mấy tiệm ăn á châu như Todai, Hokkaido. Cái khó là khi đi ăn ở mấy tiệm này, con người tham lam muốn cho đáng đồng tiền bỏ ra nên ăn ngày chưa đủ tranh thủ ăn đêm, đến nổi căng cái bụng, đi không nổi. Ở New York thì không có trò ăn bao bụng, có thể có nhưng mình không biết.

Dạo gần đây, ít khi đi ăn bao bụng vì hết còn thèm ăn như xưa, mấy đứa con như thế hệ trẻ ngày nay, bắt đầu chú ý đến ăn uống. Con gái cứ dùng cái app, để đo bao nhiêu calorie đã ăn trong ngày, thằng con thì ngay cả sinh nhật của nó, có mua bánh kem mà nó thích nhất, nó và đám bạn không đụng mõm tới.

Mấy tuần trước, chạy ngang mấy tiệm Todai thì thấy đóng cửa thì khá ngạc nhiên. Hôm trước đi dự buổi Linh Ca thì một anh bạn, khi xưa có tiệm ăn tàu, giải thích là vùng quận Cam, đồ ăn quá đắt so với vùng El Monte, Alhambra. Anh ta kể, đi ăn điểm sấm nhà hàng tàu trên vùng El Monte, tính ra mỗi người trả đâu $5, người cao niên trên 65 tuổi thì được bớt nên chỉ trả có $3.5 còn ăn bao bụng ngon hơn Todai thì chỉ trả $7.59 trong tuần còn cuối tuần và tối thì $10.59 trong khi tiệm Todai chém đến gấp 3 nên phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh.

Mình hỏi lí do họ bán rẽ thì được biết người Trung Quốc sang Hoa Kỳ mở tiệm để rữa tiền, đăng ký xin thẻ xanh. Khi được chấp nhận là người di dân thì bán lại cho đồng hương ở bên tàu nên tiệm tàu cứ vài ba năm là đổi chủ, đổi tên. Anh ta kể những nhà hàng Việt Nam, do người từ Việt Nam sang mỡ để nhập cư chính thức qua các chương trình đầu tư tại Hoa Kỳ, thêm rút tiền ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam. Báo chí Hoa Kỳ cho hay năm 2015, có đến 1 ngàn tỷ mỹ kim chạy ra khỏi Trung Quốc. Theo tờ báo WSJ, Hoa Kỳ có bắt tại fi trường được nhiều du khách đem tiền mặt như Nam Hàn, Trung Quốc,... qua mỹ nhưng vì có lợi cho Hoa Kỳ nên họ làm ngơ.

Có mấy tiệm ăn đại hàn, cũng ăn bao bụng giá có$11.95, ăn uống thoải mái trong khi ở Nam Hàn, mình phải trả hai cục thịt nhỏ $50, lại dở. Mấy người bạn gốc đại hàn cũng nói với mình là đồ ăn của triều tiên ngon nhất là ở Cali và New York vì ngon và rẽ mà mình cũng nhất trí. Ở quận Cam có một tiệm mà người đại hàn nào cũng nói, tiệm này ăn món bbq đại hàn số một, ngon hơn mấy tiệm ăn bao bụng.

Cái ngạc nhiên là sự tiếp đón của mấy người phổ ky đàng hoàng hơn những người chạy bàn ở Bolsa. Họ mướn sinh viên trẻ nên lối phục vụ của họ như người Mỹ nên khi tính tiền, thực khách cho tiền boa như ở tiệm ăn mỹ. Chẳng bù lại mấy tiệm ăn ở Bolsa thì chủ lấy hết tiền boa để trả nhân công nên đã giết hết khả năng làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. 

Vào tiệm ăn Việt Nam ở vùng này như vào tiệm ăn quốc doanh. Chưa kịp ngồi, mấy người chạy bàn đã hỏi gọi món gì với cái mặt hình sự như thể thực khách đến xin đồ ăn. Có nhiều tiệm bớt 50% nhưng lại ma giáo tính thêm tiền nước lạnh, nước trà nên cũng chết. Ma giáo dùng quảng cáo hạ giá rồi chém thực khách bằng cách khác nên cũng không thọ. Người việt sang đây, vẫn đem văn hoá mì ăn liền từ cố hương nên sẽ không trụ lâu trong đời sống cạnh tranh ở Hoa Kỳ.

Có những tiệm ăn do đám trẻ làm chủ nên họ mướn sinh viên và làm theo kiểu mỹ dù có đắt nhưng ăn thấy thoải mái, ngon miệng như Tản Đà thì phải, kêu: "cơm ngon người ăn không ngon, ăn không ngon...." người Việt thế hệ thứ nhất, nay đã lớn tuổi, không còn là thực khách, người tiêu dùng chính là giới trẻ cho nên muốn thành công, phải nhắm vào giới trẻ thì phải thay đổi cách làm ăn, chớ gian xảo, chúng viết chê bai trên mạng là coi như tiêu tùng.

Mình được biết là dân gốc Ấn Độ thì chuyên mua mấy nhà nghỉ, Motel để đầu tư vào Hoa Kỳ để nhận thẻ xanh rồi bán lại cho người đồng hương. Mấy năm gần đây thì thấy ở Quận Cam, mọc đầy các chổ đấm bóp, rẽ đâu $15/ giờ. Người tàu sang đây mở mấy tiệm này để được nhập cư, rồi kêu cần thợ chuyên nghiệp từ Trung Quốc, để đem người sang. Mỗi người trả mấy chục ngàn nên chắc cũng không lỗ.

Hôm nay có cặp vợ chồng quen, đến thăm vườn, hái quýt, cam, bưởi và bơ, luôn tiện Mụ Vợ nhờ đem cho mấy bà bạn của mụ luôn, thấy họ đem về đâu cả chục phần. Mình thì lo làm cho xong để về, còn mụ vợ thì cứ kéo mình lại, kêu chụp hình làm mình điên tiếc. Thấy mụ vợ dẫn bạn đi thăm vườn, tung tăng như đứa bé, thấy thương chi lạ. Có lần mụ vợ đòi lên vườn, đứng không thì buồn, mụ vợ kiếm việc làm bằng cách ngắt lá cành để thấy trái bơ. Mình chỉ muốn khệnh cho mụ vợ một cái. Lá bơ để che nắng cho trái bơ không bị cháy, mụ lại nghĩ, ngắt hết lá để làm trái to thay vì nuôi lá. Chán mớ đời!

Xung quanh vườn, 20 mẫu không có hàng rào, lại nằm ngay cạnh công viên của thành phố nên dân đi dã ngoạn, hay ghé lại vườn mình hái bơ, bỏ túi. Mình có gắn mấy tấm bảng đề private property nhưng không có con tây thằng mỹ nào chịu đọc. Cuối cùng mình nghĩ ra cách là gắn mấy cái bảng đề "vùng đang xịch thuốc sâu với cái hình đầu lâu", hi vọng đám đi dã ngoạn, quý trọng sức khoẻ của họ, không dám bước gần mấy cây bơ vì sợ hít phải thuốc trừ sâu. Nghề làm vườn có nổi khổ của nó. Cáo cắn phá hệ thống tưới để uống nước, rồi người ăn cắp,... Nhưng đã mang cái nghiệp thì phải chịu gánh cái thánh giá đi lên đồi Calgary.

Đóng mấy cái bảng xong thì mụ vợ rũ cặp vợ chồng bạn chạy lên El Monte ăn cơm bao bụng. Mình chạy lại tiệm mà anh bạn giới thiệu. Quả như anh ta nói, giá cuối tuần là $10.59, người cao niên được bớt $3.00. Tiệm này sạch sẽ, nhà vệ sinh rất sạch so với tiêu chuẩn nhà hàng tàu, không hôi hám, trang trí nội thất sáng sủa.

Điều mình nhận thấy đầu tiên là nhóm thực khách, rất đông, ai nấy to như lợn, ngồi ăn thoải mái với giá $10.59 thì chắc chắn nhà hàng lỗ là cái chắc. Họ có món cá sống sashimi mà mình thích nên chơi hai đĩa đầy cá sống, ăn với gừng và wasabi. Họ có sushi nhưng chỉ độ 6 loại, ít hơn một tiệm ở Irvine, nhưng tiệm này đắt hơn gấp 3.

Mình ăn thử món sườn bbq thì khá ngon, có phần ăn kiểu bếp Mông Cổ, lấy thịt hành, rau quả rồi đưa cho đầu bếp xào cho ăn, thịt bò steak khá mát mắt nhưng chỉ nhìn cho biết chớ không gọi. Cái hay là tiệm rẽ nên mình không tham ăn cho đáng đồng tiền bát gạo, chỉ ăn vừa đủ, không tham lam. Chơi hai đĩa cá sống là đã ứ bụng, làm một đĩa rau và một đĩa trái cây là xong, chẳng bù lại khi đi ăn bao bụng ở sòng bài thì giá trên $50 / người nên ăn chết bỏ nhưng ăn ở sòng bài Bellagio thì chất lượng cao cấp hơn.

Ăn xong đến nhà Chức Nữ, cô nàng than là Ngưu Lang bị đau mà ở xa không có vợ săn sóc. Nói có đồ xôi hạt sen cho mình, đem về mai ăn nhưng lại quên mất tiêu khi ra về. Cô nàng đưa đến nhà người em, cắt cành thanh long về ươm rồi chạy về nhà, tắm rửa xong thì làm một giấc mới dậy thì nhận tin nhắn của Chức Nữ là cậu em hứa sẽ cho cây saboche, cao 2 thước.

Tình cờ mình gặp ông Pachaco ở viện nghiên cứu thanh long, ông ta cho biết là bơ được nhập cảng từ mễ tây cơ quá nhiều, gấp 10 lần sản lượng bơ được trồng tại cali nên giá bán không cao như xưa. Mình có gặp hai ông cựu fi công, về hưu, mua nông trại bơ thì được biết khi xưa, họ khá giả bán bơ nhưng từ ngày Hoa Kỳ ký kết hiệp ước thương mại NAFTA thì mễ tây cơ xuất cảng trái cây, bơ qua Hoa Kỳ với giá rẽ nên thu nhập của họ ít lại thêm nước lại bị khan hiếm, đắt hơn xưa.

Ông Pacheco về hưu nhưng có cái vườn nhỏ nhưng trồng cây ăn trái loại exotic như sabote màu trắng, bơ, lựu, thanh long,... Có người mua sĩ, đặt ông ta thêm ông có bán ở Farmers Market, chợ nông dân mà dân chịu khó, để ý đến ăn uống thì hay lại đây để mua rau cải, hữu cơ thay vì đi siêu thị.

Ngồi nói chuyện với ông Pacheco thì mình mới nghĩ đến việc trồng thanh long và mấy loại cây quả khác để trồng vì một cân anh thanh long bán sĩ giá gấp 3,4 lần giá bơ nhưng lại ít tiêu thụ nước như bơ. Ngoài ra ông Pacheco còn ươm cành thanh long, ông ta kể năm ngoái nội tiền ươm cây thanh long, ông ta kiếm trên $5,000. Mỗi cành bán $15 rồi mấy công ty khác sẽ cho sang chậu rồi bán cho Home Depot.

Đọc trên mạng, họ cho biết là lá mảng cầu gai và quả giúp chống bệnh ung thư nên tính trồng vài cây, để sau này ai đau thì hái cho họ uống nhưng hỏi ra thì vùng Cali này, trồng không được vì khi lạnh dưới 60 độ F thì cây chết. Nghe nói ở Florida có trồng vì không lạnh về mùa đông như Cali. Tuần sau chắc chạy lên bứng cây saboche của Chức Nữ, đem về trồng trên vườn hay ở nhà.

Tuần vừa rồi chạy mệt thở từ Bolsa lên El Monte qua ngỏ Riverside nên khá mệt, hôm nay nằm nhà. Mình mới mua cái app cho iphone, tự động đếm số dặm khi di chuyễn để ghi vào quicbooks để khai thuế. Cứ chạy một dặm thì chính phủ cho trừ đâu 57 xu, một năm chạy 20,000 dặm là coi như được trừ $11,400.00 vào lợi tức.

Hè này đi Âu Châu chơi với vợ con nhưng không biết đồng chí gái có xin nghỉ được không vì công việc nhiều, vợ kêu nếu bận quá thì mình sẽ đi với thằng con vì con gái sẽ đi phược với con nhỏ bạn mỹ, lỡ có chuyện gì thì mình ở âu châu, có thể đỡ đòn dùm còn cô nàng sẽ ráng bay qua một tuần như năm ngoái ở Nam Hàn. Công ty của đồng chí gái mất dạy, bắt phải lấy hè nếu không là mất mà xin lấy hè thì xếp kêu không được vì công việc nhiều. Cuối tháng 3 này, mấy đứa con nghỉ springbreak, có thể dù lên miền bắc Cali nếu con gái được nhận vào trường đại học trên đó còn không thì đi viếng mấy trường được nhận để chọn. Qua hè, chỉ còn hai vợ chồng ở nhà với hai cái ipad, cuộc đời sẽ đẹp bao nhiêu.

Nhs

Tagine de Marrakech

Tagine de Marrakech

Hôm qua, Bích Đào mời vài người đến ăn trưa ở nhà hàng Vân, nghe đến bánh xèo, nói đến bánh xèo là nhớ đến nhà hàng Vân, để ra mắt sư phụ và sư mẫu từ miền bắc Cali xuống. Mình và DCG và cô con gái ghé lại để gặp sư mẫu của Bích Đào, chuyên luyện nha sâu tróc gốc trên bắc Cali. Có gặp lại Hân cô kiếm khách và Diễm độc con cầu tự.

Nghe nói Hân cô kiếm khách cũng đang bái sư phụ của Bích Đào làm thầy. Sư phụ của hai người này thì đe mọi người rằng tương lai, con cháu mình phải đương đầu với dân ăn cà ri nị chớ không phải con cháu tàu phù nên khuyên con cháu nên lấy chồng hay vợ ăn cà ri thì mới có công ăn việc làm.

Câu chuyện lái sang máy in 3D, 3 chiều và trong tương lai là 4 chiều thì con cháu mình kiếm việc rất khó. Mình kể mới đọc trong Business Insider, một bài báo kể muốn vô đại học Harvard thì rất khó vì trường chỉ nhận có 5.6% số thí sinh, đại học Stanford thì 5.1% nhưng đi xin việc thì Wal-Mart lại khó nhất vì họ chỉ nhận 1%, bài báo đơn cử 60,000 người nộp đơn mà công ty này chỉ nhận có 600 người để làm việc cho họ.

Các công ty của Mỹ đang từ từ rút ra khỏi TQ, chuyễn phần sản xuất của họ về nước, không phải vì nhân công Mỹ rẽ mà vì họ dùng rô bô để sản xuất. Ngày nay người ta in súng AR 15 bằng máy in 3 chiều. Mình nhớ cách đây hai tuần, nghe một y sĩ chuyên mỗ tim, kể là họ đang nghiên cứu và sẽ thực hiện trong vòng 10 năm tới là in một quả tim của bệnh bằng cách dùng tế bào của chính bệnh nhân, ông ta thêm vào là sẽ in thêm 2 cái van sơ cua để lỡ một cái bị nghẹt vì ăn phở hành trần nước béo nhiều quá, sẽ mở ra và nối van sơ cua cho nên o Ngọc Hải nói là trong tương lai, con người có thể sống đến 140 tuổi có thể xẩy ra. Mình có anh bạn mới làm lễ thượng thọ 100 tuổi cho ông bố, hỏi ông già có vui không thì ông cụ trả lời không. Lí do là bạn bè chết hết nên cô độc.

Ăn xong thì có màn chụp hình kỹ niệm rồi sư mẫu và sư phụ của Bích Đào, Hân đi đón Quách Phù đang tu luyện ở băng đảo San Diego. Trong 4 năm tới chắc sẽ gặp cặp Quách Tĩnh và Hoàng Dung nhiều vì Quách Phù đi học đại học gần quận Cam. Mình chạy về nhà ngũ trưa trong khi đồng chí gái và con gái đi cắt tóc, chuẫn bị đi Pháp 10 ngày.

Mình hay dẫn gia đình đi ăn cơm của nhiều xứ khác nhau, nhất là những quốc gia mình từng thăm viếng hay có làm việc một thời gian ngắn trong quá khứ nhưng dần dà DCG không muốn đi ăn thử, trãi nghiệm các món ăn lạ nên cứ ra Bolsa ăn. Con gái mình hỏi cái tiệm ăn mà mình hay dẫn đi ăn khi xưa, món couscous thì mình nói tiệm Marrakech thì con gái muốn đi thì hỏi mẹ. Con gái đòi thì mụ vợ đồng ý vì thương con nên tối hôm qua gia đình mình bò lại ăn couscous tagine.

Tiệm Marrakech này có hai ba tiệm ở miền nam Cali, khởi đầu là ở San Diego, sau đó chủ chạy lên Los Angeles mở một tiệm rồi ghé lại Quận Cam mở một tiệm. Sau này, họ mở thêm một tiệm ở Newport Beach nhưng sau vụ khủng bố 9/11 thì thiên hạ sợ dân Á Rập nên ít người dám vào nên họ chạy về lại tiệm ở Costa Mesa, cạnh đó.

Tối hôm qua, cả gia đình kéo nhau đi ăn, tiệm ít khách hơn mọi lần vì lễ Phục Sinh. Mình gọi món Tagine cừu, vợ thử thịt thỏ còn con gái thì couscous cừu. Tiệm này được trang hoàng như cái lều của người dân berber, sống trong sa mạc Sahara, ghế thì như các gia đình mà mình đã viếng ở Bắc Phi; ghế nệm như sa lông, có gối để nằm ăn xung quanh cái bàn tròn thấp. Bồi bàn đem cái ấm nước và cái thau để mọi người rửa tay vì xứ này ăn bốc. Khác với xứ Maroc, thay vì đàn bà ăn riêng ở dưới bếp, vợ con mình được cùng mâm cùng chiếu với mình. nói đến ăn bốc làm mình nhớ đến dạo ở Maroc, được mời đi dự một đám cưới. Cứ nghe nhạc rệp ra rã, khác thì cứ nhảy múa, vỗ tay đến khuya mới được cho ăn. Khách dự chồm lại dành đồ ăn bằng tay. Họ quen bốc nên không sao còn mình không quen bị bỏng tay nên đợi cho nguội, ai ngờ quay đi quay lại là hết mâm đồ ăn, đói teo chim đi về.

Dạo mình ở Maroc thì mê nhất là món Tagine của thành phố Marrakech. Ơ sa mạc, thiếu nước nên người dân dùng cái nồi tagine để nấu ra gu vì ít dùng nước để nấu nên thịt, đậu, cà rốt,...không bị nát nhừ như ra gu nấu kiểu Tây. Lò tagine được làm bằng đất sét như cái siêu thuốc bắc, gồm 2 phần; cái đĩa sâu và cái nắp hình cối nên hơi nóng lên cao đọng lại thành nước giọt xuống nên ít cần nước. Cách thức nấu ăn kiểu cái lò Hoà Lan. Món cừu ra gu của mình hết xẩy. Món khai vị là loại bánh có thịt gà, hạt nhân,...tẩm chút đường bột trắng cuối cùng là món baclava, một loại tráng miệng làm với mật ong uống với trà đường và lá bạc hà mà mình hay uống khi ở Bắc Phi. Vợ mình nói sẽ mua cái tagine để mình nấu couscous cho cả nhà ăn.

Nhưng giây phút vui nhất của bửa cơm là khi cô gái bận đồ múa bụng, đeo castagnettes đi từng phòng để biểu diễn màn múa bụng. Vợ mình và cô con gái thì đeo khăn ngay bụng còn mình thì đội cái mũ Fez hay Tarboosh rồi cả gia đình múa bụng theo điệu nhạc rệp với cô gái. Đồng chí gái bảo mình tặng tiền cho cô vũ nữ thì không biết nhét vào đâu vì cô ta ăn bận rất hở hang, bỏ vào nịt vú hay quần lót. Kéo cái quần của cô nàng ra để gắn tiền rất khó vì cô nàng cứ rung rung, lắc lắc cái bụng thêm phần lại sợ đồng chí gái nghĩ bậy. Từ ngày đồng chí gái đi tập Zumba nên có vẽ thích trò này nên chắc sẽ trở lại không còn chê bai như trước.

Tháng 6 này thằng con về, mình sẽ dẫn vợ con lên Glendale, gần Los Angeles, ăn cơm Ba Tây. Vùng này có dân Ba Tây và Armenian sinh sống khá đông.  Thức ăn Armenian thì không ngon lắm. Đồ ăn Ba tây có màn thịt nướng của họ làm rất ngon. Trên bàn có hai cục gỗ sơn màu xanh và đỏ, cứ 5-10 phút thì họ đem thịt đủ loại cho mình chọn ăn. Mình thích nhất món xúc xích của họ, thịt họ ướp làm kiểu Sousvlaki của Hi Lạp. Khi nào mình ăn ớn rồi thì để cục gỗ màu đỏ đứng lên bàn để báo hiệu là thua non để họ khỏi đem thịt tới bàn. Tiệm Ba Tây này thì cuối tuần họ có màn Rio Carnaval, có mấy cô gái bận độ lễ hội Mardi Gras, múa Samba,..khá vui thêm ai muốn nhảy Samba thì cứ tự nhiên ra sàn nhảy với mấy cô bận bikini, ngực to như trái dừa. U chầu, u chầu.

Không có tiền như bác Lăng, đi Ba Tây xem giải túc cầu thế giới thì chịu khó lái xe 45 phút để cảm nhận chút gì về xứ Samba và Jugo Bonito. Ngoài ra đám Mỹ quen hay rũ đi tới mấy cái tiệm ăn có nhạc miền nam để thực khách nhảy kiểu thời di cư sang, khá vui vui.  Cuối tuần lễ Phục Sinh nên chả thích lên vườn, gặp lại sư phụ của Bích Đào, Hân, Diễm,..kể chuyện đời xưa. Thấy hình Toto về Việt Nam, nhậu chết bỏ. Thấy vài người trông mặt rất quen nhưng không nhớ tên, phải nhờ Diễm Độc Con Cầu Tự thì mới biết tên nhưng cũng bù trớt.

NHS

Las Vegas 2015

Las Vegas 2015

Tuần rồi, lần đầu tiên sau 21 năm hai vợ chồng mình đi xa không có con cái đi theo. Từ ngày có bầu thằng con đầu là đi đâu cũng nai theo con dại. Nói đi xa nhưng thật ra mình đi học khoá về thuế má, hành chánh, đầu tư do một tổ hợp luật sư, CPA,...tổ chức  nên cũng không có thì giờ đi chơi với vợ. Lúc đầu, mình tính đi một mình với cặp vợ chồng quen nhưng rồi mụ vợ nổi hứng đòi đi theo để xem một trung tâm nghỉ hè mà bạn của mụ giới thiệu. Mụ tính kỷ niệm ngày thành hôn năm nay mướn cái condo ở đây với mấy đứa con.

Đi thì phải để cô con gái ở nhà một mình nên hai vợ chồng cũng lo, may có con bạn đồng ý, tối ghé lại ngủ nên hơi an tâm mà đi. Trong xe thì mụ vợ được dịp giáo huấn, phê bình quan điểm, lập trường của mình còn mình thì can trường nhất quyết không tự phê tự kiểm. Mụ rên là từ ngày lấy mình chỉ có biết tiết kiệm, không tiêu xài khiến mình cũng hơi buồn, thương mụ, không may lấy chồng nghèo. Mụ doạ là tháng 3 này sẽ nhận được bonus thì sẽ tiêu cho sướng vì tiền của mụ và cấm mình dùng số tiền đó mua thêm nhà. Mình nói mụ là muốn lấy chồng biết làm ăn, lo cho con hay thích lấy chồng đi nhảy đầm, đánh bài, gái gú, nợ như chúa chổm làm mụ nằm ngủ.

Cái vé tham dự seminar giá $1,495.00 nhưng mình có cặp vơ chồng mà đã giúp họ mua căn nhà 15 năm về trước lời 1 triệu, đem qua Texas mua mấy chục căn hộ, vừa mới bán bỏ vào Charitable Remainder Trust. Họ là khách hàng của tổ hợp này nên mình là khách của họ nên trả $295.00 nên mới dám đi. Mình có rũ vài người quen đi, thằng cháu vợ làm gần 400 ngàn một năm, rên đóng thuế quá nhưng hắn bận đi sinh nhật của bạn. Người mỹ hay nói a winner always finds a way to win. Khách sạn thì có giá đặc biệt dành cho tham dự viên của seminar đâu $139.00/ đêm. Mình đặt phòng nhưng dặn casino gửi imeo cho mình mỗi khi có khuyến mại. Một tuần trước ngày đi thì casino gửi cho mình điện thư khuyến mãi $89.00/ đêm thì mình gọi lại để đổi reservation với giá $89.00/ đêm.

2 ngày trước khi lên đường thì lại nhận imeo $45.00 cho đêm đầu tiên còn hai đêm sau thì $39.00 nên lại phải gọi lại để đổi. Mình gửi imeo của casino cho tên bạn, kêu nó đổi. Tên này lại không nghe lời mình, chạy vô website của casino thì trên mạng bảo hết phòng nên nó lại phải mò lên chổ khác rốt cuộc trả $139.00/ đêm cho 3 đêm. V  nó hỏi mình làm sao lấy phòng rẽ thì mình nói là đừng bao giờ thương lượng với internet vì chúng không hiểu loài người, biết thương lượng là gì, phải gọi và nói chuyện với  điện thoại viên vì họ biết các chương trình khuyến mãi. Nếu mình khen họ ít câu là họ cho mình phòng rẽ nhất.

Lúc lên phòng thì khám phá ra tụi lễ tân đưa cho mình phòng hai giường, thường đắc hơn phòng một giường như mình đã đặt. Mình gọi cho lễ tân, than phiền thì họ nói là phòng một giường hết nên họ nâng cấp lên phòng 2 giường không phải trả thêm tiền nhưng mình không chịu nên cô tiếp viên ở lễ tân nói, sẽ cho mình $25.00 trừ vào tiền ăn nhưng mình đọc câu thần chú từ ngày rời Đà Lạt: Can you do better?  nên cuối cùng thì họ bớt $25.00/ đêm cho tiền thuế và cho $50.00 tiền ăn. Tiểu bang Nevada không đánh thuế lợi tức nhưng ở khách sạn là phải chi $25.00-$28.00/ đêm cho tiền ngủ tại khách sạn thêm thuế địa phương nên thường thường phải trả thêm $40-$50.00/ đêm. Mụ vợ ngồi nghe mình thương lượng, nói đi với anh, mắc cở quá vì lúc nào cũng thương lượng trả giá. Nói vậy chớ sau khi lấy mình trên hai mươi mấy năm nay, mụ vợ cũng học được vài mánh để trả giá.

Las Vegas là thành phố mới được thành lập vào đầu thế kỷ 20 nhưng tấp nập, đông dân cư hơn khi tổng thống Hoover kí đạo luật xây dựng cái đập thuỷ điện Boulder sau này được đổi tên là Hoover Dam, có cái hồ nhân tạo dùng cho thuỷ điện rất lớn. Dạo bà cụ mình sang thì có đến hồ Mead này, mình có mướn cái tàu lớn của dân có tàu, cho thuê khi không sử dụng, lái chạy vòng vòng 4 tiếng. Lúc xây dựng cái đập thuỷ điện này thì nhân công trên 30,000 ở tứ xứ kéo về đây làm cho công trình, rồi đám ma cô, ma cạo đem các chị em ta đến thành lập nhà thổ để giúp nhân công giải quyết vấn đề sinh lí và các sòng bạc bắt đầu được thành lập do xã hội đen gồm dân gốc Ý, Do Thái và Mormon từ tiểu bang Utah qua. Sau đệ nhị thế chiến, Bugsy Siegel xây dựng casino Flamingo mà trong phim Bố già (Godfather) do đạo diễn Francis Coppola có cảnh ông này tát anh của Michael Corleone rồi bị bắn xuyên cái kính khi đang nằm trong phòng đấm bóp. Ông này làm ăn chung với Meyer Lansky mà trong Godfather II, là nhân vật Ross mà Michael Corleone gặp ở Havana rồi bị tên đại sát thủ của gia đình Corleone xiết cổ trong ngày làm lễ rửa tội cho con trai. Sau này tỷ phú Howard Hughes bỏ tiền xây casino rồi các nhóm tài phiệt khác cũng đổ tiền vào biến thành phố này trở nên nổi tiếng khắp thế giới.

Mình thì không thích đánh bài vì khi xưa chứng kiến ông cụ mình đánh bài, thua, mượn tiền thiên hạ, nợ nần như chúa chổm rồi bà cụ mình lại còng lưng buôn bán để trả nợ cho ông cụ. Lần đầu tiên mình đi casino là ở đảo Lido, cạnh Venice bên Ý nhưng khi đến nơi thì không có tuxedo nên họ không cho vào nên mấy tên sinh viên đi chung với mình lấy tàu đi về. Sau này, sang New  York thì có tên bạn lái taxi, rũ đi Atlantic với bác sĩ Lê Văn Lân ở New Jersey. Tới  nơi thì gặp mấy tên Việt Nam quen Sơn Taxi, thua bài đi thất tha thất thểu, có cô rên là phải đi theo để cản chồng đánh lớn, thua tiền lại ghé ATM, rút tiền để đánh tiếp, để con ở nhà thấy thương tâm.

Sang định cư ở Cali thì nghe thiên hạ kể về Las Vegas, bà dì của vợ kêu là đèn chớp chớp như lên thiên đàng. Bà dì của vợ kể lần đầu tiên đi sòng bài, người con dẫn đi coi show ở truồng kiểu Lido ở Paris, cho ngồi hàng ghế đầu thấy mấy con đầm hở ngực nhảy múa tùm lum. Ông bố kêu bụ của mấy đứa ni cũng như bụ của me mi chớ có chi là đặc biệt mô. Lần đầu tiên mình đi LV cách đây đúng 21 năm, khi ông anh vợ rũ, ở lại casino The Mirage, do ông Steve Wynn mới xây xong rất rộng lớn, không như các sòng  bài nhỏ bé ở Atlantic, New Jersey mà người ta gọi ở đây là Megaresort. 

Ông Donald Trump, gáy tùm lum nhưng đến LV thì thấy cái binh đinh của ông ta èo uột nên chắc ông ta ít tiền hơn mấy tên chủ sòng bài ở thành phố này, chưa có ai phá sản như ông. Phía trước của casino, có một núi lửa nhân tạo, cứ mổi tiếng có show cho núi lửa phun rồi nước chảy,... Bên cạnh có casino Treasury Island, có show hải tặc cướp tàu, đánh  nhau như mấy phim mà mình coi hồi nhỏ. Sau này thì Bellagio ra đời có show về nước thêm có buffet rất nổi tiếng. Lần cuối gia đình mình ghé lại resort này trên đường đi viếng công viên quốc gia Zion ở tiểu bang Utah, hai đứa con ăn buffet đến nổi đi không nổi. Dạo mấy đứa con còn nhỏ thì hay cho chúng đi MGM, mỗi lần mình đi học seminar ở đây vì có dòng sông nhân tạo hay Mandalay có bãi biển nhân tạo. Thả vợ con ở resort rồi mình đi học, chiều kéo nhau đi ăn.

Thành phố Las Vegas có một khu gọi là Strip, nơi tụ tập tất cả các sòng bài lớn. Chu vi của trung tâm này lại không thuộc về thành phố Las Vegas, mà thuộc về County Clark nên thành phố LV không được đóng thuế lợi tức khu này cho nên đất chổ này là kim cương chớ không phải vàng. Quận hạt Clark chỉ thu thuế điền trạch mỗi năm cho nên chủ sòng bài làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, còn thuế liên bang thì CPA của họ biết cách trả ít. Trong thành phố của mình đang cư ngụ, có một phần không thuộc về thành phố nên không thấy có cơ sở thương mại, đường không có đèn,...

Mình dụ mụ vợ vào học với mình để hiểu những gì mình làm nhưng mụ nhất quyết không, chỉ thích đi shopping. Nói cho ngay mụ vợ là dân gốc Huế nên cũng chắt chiu, không tiêu bậy. Mình hỏi vô spa cho tụi nó làm đẹp nhưng mụ kêu tốn tiền. Thường khi đi seminar, mình hay đi ăn với những người mới quen vì người Mỹ hay nói: 5 năm tới, cuộc đời của bạn vẫn như cũ ngoại trừ bạn làm quen với những người bạn mới và đọc sách mới hay nôm na giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ. Your network is your net worth. Lần này thì sau khi tan lớp thì phải lật đật đưa vợ đi ăn. Mụ nói có tên đồng nghiệp mách có một tiệm ăn chuyên nấu các món sò nên chạy đi kiếm cái tiệm, đến nơi thì tiệm này đã đổi chủ nên lại bò đi ăn phở gần đó. Chán mớ đời!

Cô con gái nhắn tin là bơi đua mới về. Đây là lần đầu tiên con gái đi bơi không có mình xem. Trước khi đi mình nói với cô nàng là khi b đi bài quyền TCQ 24 thức rất chậm. Lúc đầu bố đi rất chậm nhưng cuối cùng thì cơ thể cứ bắt bố đi nhanh hơn . Bố phải dùng cái óc của bố để kiểm soát cơ thể đừng đi nhanh, tương tự khi con bơi lúc đầu rất nhanh nhưng gần cuối thì cơ thể sẽ làm con chậm lại vì thế muốn bơi nhanh là đầu óc phải chăm chú vào vận tốc và quên đi cơ thể đang nói, kêu gọi bơi chậm lại. 

Ngày hôm sau cô nàng nhắn tin, nói bơi nhanh hơn 2 giây cho 200 yard bơi ngữa và đứng đầu. Chiều vào chung kết thì bơi nhanh hơn hai giây và đoạt huy chương vàng. Bơi nhanh 4 giây trong một ngày, khá hi hữu. Dạo trước, mình hay bàn với thằng con về chiến thuật để bơi, mình đọc trên internet các huấn luyện viên khác chỉ cách nhưng ít khi bàn với con gái. Nay thằng con đi học xa nên có thì giờ với cô con gái nên từ hai năm nay, cô nàng bơi nhanh hơn xưa. Huấn luyện viên của đội chỉ để ý đến những đứa bơi rất nhanh như trong đội có một con mỹ hơn con gái mình 1 tuổi mà đã vô địch thế giới về hạng thiếu niên, đại học Stanford cho học bổng ngay tháng 10 trong khi học sinh phải đợi đến tháng 2,3 mới biết mình được nhận vào trường. Có mấy huấn luyện viên khác của đội nhưng mà bơi sinh đông quá nên cũng bù trớt.

Đang ngồi trong lớp, mụ vợ nhắn tin hỏi muốn ăn phở trước khi về hay mua bánh mì thịt ăn trên xe, mình trả lời bánh mì cho nhanh, về xem cô con gái ra sao. 6 giờ tối mới ra, chạy một mạch về nhà đúng 4 tiếng, chỉ có nói chuyện với cô con gái một tí rồi đi ngủ. Cô nàng than với mẹ là sống ở nhà có một mình, đi bơi không có bố làm lo sợ, phải chạy vào nhà thằng bạn, trong đội hướng đạo gần hồ bơi, xin mẹ thằng đó cho nằm ở sa lông ngủ một giấc đến chiều, vô bơi lại vì về nhà nghỉ thì sợ ngủ quên, không có bố đánh thức. Lần đầu cũng là lần cuối, lần sau đi học, chắc để mụ vợ ở nhà. Tiền mình thương lượng để trả rẽ hơn thì mụ vợ xài hết. Chán mớ đời!

Nhs
020815




Đi Hoà Lan

Đi Hoà Lan

Dạo còn sinh viên mình hay làm hướng dẫn viên cho hội "auberges de la jeunesse" ở Paris vào dịp nghỉ lễ. Bên Âu Châu, có hệ thống "lữ quán trọ thanh niên" tại các tỉnh để giúp giới trẻ đi du lịch rẻ tiền. Chỉ cần làm thẻ hội viên là có thể ngủ lại các quán trọ này. Nhiều khi phải quét nhà, chùi dọn phòng tắm khi ghé lại các nơi này nhưng cái thú là rẻ và gặp nhiều nhóm trẻ khác, để chia sẻ kinh nghiệm du lịch nhiều khi rũ nhau đi chung một chặn đường. Mình gặp nhiều người mà sau 40 năm vẫn còn liên lạc. Công việc của hướng dẫn viên thì không có gì khó khăn, chỉ cần biết ngoại ngữ để hỏi đường, lo giấy tờ, chia phòng cho các nhóm trẻ đi du lịch, trong xe buýt thì kể về lịch sử các thành phố thăm viếng, kể chuyện tếu lâm, làm cho không khí trong xe vui vẽ, giúp mọi người làm quen nhau. Vừa được đi chơi vừa được trả tiền. 

Nhìn lại thì thấy lạ, trong xe buýt thì cả đám Tây đầm lại nghe một tên mít nói chuyện về lịch sử Âu Châu. Thật ra thì dân trí của Tây nói chung thì không khá lắm, ngoại trừ dân tốt nghiệp đại học. Dạo vào dân Tây, mình phải đi trình diện quân dịch 3 ngày để khám sức khoẻ... Vô trại lính thấy chung quanh dân Tây bằng tuổi mình ngố ngố, nói cười khá thô tục khiến mình cảm thấy lạc lõng như vào xứ nào ấy. Lúc đó  mới hiểu mình chỉ quen giới sinh viên nên tưởng lầm dân Tây đều là thông thái. May có một thằng Tây cũng sinh viên, cùng cảnh ngộ nên hai thằng gặp nhau mừng quá nên đi đâu cũng như hình với bóng. Khi vào gặp tên bác sĩ thì mình nói tôi sinh đẻ ở VN trong chiến tranh nên sợ súng đạn nên tên này gạch tên mình khỏi phải đi quân dịch.

Chuyến đi đầu tiên làm hướng dẫn viên là Amsterdam, hải cảng nổi tiếng và là trung tâm tài chánh của Hoà Lan. Thành phố này được xem là thủ đô của nước Hoà Lan nhưng thành phố chính trị, nơi chính phủ, quốc hội họp mặt là Den Haag, nơi có toà án quốc tế để xử các tù nhân, can phạm mang tội ác diệt chủng... Lúc mới đến Hoà Lan thì điều mình cảm nhận đầu tiên là dân bản xứ rất là cao, chắc là nhờ uống sữa và ăn pho mát nhiều. Đối với dân Tây thì mình thuộc loại trung bình nhưng với dân Hoà Lan thì thua cả cái đầu. Sau này mình có một tên bạn thân người Hoà Lan ở thành phố Maestricht thì thấy hắn uống mỗi ngày một lít sữa. Dân ở đây rất cấp tiến, ngày xưa cũng có nhiều thuộc địa nên ngày nay có đủ loại dân từ Surinam, Nam Dương,... đến lập nghiệp. Xứ này lấy màu cam làm màu của đất nước nên đi đâu cũng thấy màu cam. Vào thế kỷ 16 là đất của vua Tây Ban Nha, sau đóng thuế quá nặng và bị bạc đãi đạo tin lành nên dân chúng nổi dậy dành độc lập còn được gọi cuộc chiến 80 năm.

Đi chuyến này chỉ có 7 ngày nên chỉ chạy qua vài địa danh của xứ này nhưng không có thì giờ ngừng lại nhiều. Mình thường nghe dân Tây gọi xứ này là Pays Bas nhưng không hiểu sau này được dân địa phương giải thích là Holland do hai từ Hol Land, nghĩa là thấp và đất vì có nhiều nơi đất thấp hơn mặt biển như Rotterdam dưới 7m. Dạo đó chạy xe trong các hầm xây dưới biển thì thấy vĩ đại sau này Âu Châu xây đường xe lửa dưới eo biển Manche nối liền Anh quốc và Pháp. Nước Hoà Lan bị ảnh hưởng bởi bờ biển nên các đê chấn nước rất nhiều nên kỹ thuật của họ rất cao. Khi xưa thì họ dùng các máy cối xay quạt gió để đóng và mở nên ngày nay vẫn còn thấy các cối xay này nhưng không được sử dụng nửa. Khi đê ở Louisanne, Hoa Kỳ bị vỡ thì kỹ sư Mỹ phải thuê kỹ sư Hoà Lan làm tư vấn để thiết kế lại.

Nhóm ở lại quán trọ thanh niên của Amsterdam. Amsterdam tương tự Bruges của Bỉ mà dân Âu Châu hay gọi Venise của miền Bắc, có nhiều con kênh cho thuyền di chuyễn. Vào mùa Đông thường bị đóng băng nên dân xứ này trượt băng trên các con kênh khiến môn này được xem là môn thể thao mùa Đông của nước này. Phải công nhận dân xứ này giỏi sinh ngữ vì gặp học sinh trung học đều nói Anh ngữ rất chuẩn. Lối dạy sinh ngữ trong trường chuyên về thực hành hơn là chương trình của Tây, nặng về viết, văn phạm nhiều hơn. Mình có tên bạn KTS quen khi làm việc chung ở Thụy Sĩ thì ngoài tiếng Hoà Lan, hắn nói rất thông thạo Đức ngữ, Anh ngữ còn Pháp ngữ thì yếu nhất. Có lần hai thằng đi xe lửa từ Basel đến Lausanne thì hắn nói tiếng Pháp trong khi mình nói tiếng Đức khiến trong toa xe dân Thụy sĩ cứ nghĩ bọn này điên. Hắn muốn thực tập tiếng Pháp còn mình thì tiếng Đức.

Đến Amsterdam thì ai cũng phải đi xem khu phố màu đỏ vì trong cửa hiệu nhà thổ, có mấy cái ghế và các cô ngồi ăn bận rất hở hang, khoe hàng chớ không đứng đường như ở Paris khu Saint Denis. Ai thích thì mở cửa đi vào thương lượng, nếu ok thì lên lầu, đưa nhau lên đỉnh yêu đương. Hôm sau thì xe chở cả đoàn đi thăm một cái đập cao hơn mặt đất rồi đi xem các cánh đồng hoa Tulipe. 

Nước này nổi tiếng về hoa Tulipe được gia nhập vào thế kỷ 18 bởi đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ. Xe chạy qua những cánh đồng mênh mông toàn là hoa Tulipe rồi ghé lại các Trung tâm bán hoa và pho mát, nơi có dân địa phương bận đồ xưa, mang guốc gổ chào mời, múa nhạc cổ truyền. Xứ này hay được nhắc đến Tulipmania vì có dạo dân chúng khắp Âu Châu thích trồng Hoa Tulipe vì bán rất có lời tương tự ở VN có thời chim cút. Thiên Hạ rũ nhau nuôi chim cút để làm giàu và bị sạt nghiệp nhiều về vụ này. Tulipmania là vụ đầu tiên bên Âu Châu. Ngày nay Hoà Lan có kỹ nghệ trồng hoa tulip, hồng,.. , để sản xuất cho toàn thế giới, nghe nói 90% hoa ở Âu châu được mua từ Hoà Lan.

Lần thứ hai mình ghé Hoà Lan thăm tên bạn ở Maestricht, nơi có trụ sở của cộng đồng Âu Châu. Mình lấy xe lửa đến thành phố Liège, nước Bỉ gần biên giới Hoà Lan. Tên bạn từ Hoà Lan sang Bỉ đón mình về thăm gia đình hắn rồi chở đi thăm các thành phố khác. Nhà cửa tương tự như bên Anh quốc, xây bằng gạch nhưng sạch sẽ hơn, có l xứ này chuyên buôn bán nên ít thấy các ống khói kỹ nghệ. Có điều rất lạ là cửa sổ trước nhà rất to nhưng họ không làm màn để che nên ở ngoài đều nhìn thấy các sinh hoạt trong nhà, nói lên tính tình cởi mở, thoáng của dân địa phương. Họ ăn tương tự như dân Bỉ, buổi sáng jambon, xúc xíc, pho mát với bánh mì, trưa thì họ ăn buổi chính vì tối thì ăn nhẹ. Nói chung thì đồ ăn của họ không ngon bằng dân Latinh.

Tên bạn chở mình đi viếng thành phố Delphs nơi hắn tốt nghiệp trường kiến trúc. Thành phố này rất sinh động vì ngoài đường gặp toàn sinh viên, tương tự như khi đến Cambridge hay Oxford. Thành phố này được mệnh danh là Venise du nord vì có nhiều con kênh cho tàu bè di chuyễn. Mùa đông thì dân tình đi trượt thiết hài vì bị đóng băng.

Ở đây vài ngày sau đó thì mình lấy xe lửa về lại Paris,rồi sang Anh quốc làm việc. Tên bạn có ghé thăm khi lên Glasgow học thêm về thiết kế đô thị sau đó thì mình sang Mỹ làm việc rồi dọn nhà nên mất tin tức của hắn. Gần đây, mình dò trên LinkedIn thì tìm ra hắn, mừng hết lớn. Hắn không lập gia đình, ở với chung nhà do bố mẹ hắn để lại với cô em gái đã li dị vì bệnh trầm cảm lâu rồi. Bố mẹ hắn đã qua đời còn hắn thì có một văn phòng kiến trúc nhỏ ở Maestricht. Hi vọng năm tới, mình về thăm Âu châu sẽ ghé lại thăm hắn và vài người bạn ở Đức, Ý, Áo,..

Nhs


Huế Bolsa

Huế Bolsa

Dạo mình mới sang Cali, đi làm ở Los Angeles. Cuối tuần thì xuống khu Little Sàigòn chơi, mấy cô em kết nghĩa hay kéo mình và đồng chí gái, đi ăn bún bò ở tiệm phở Công Lý. Tiệm phở do chủ Bắc kỳ, lại nấu bún bò cay không thể tả, gân, thịt rất vừa lại cay cay còn món phở của họ thì chưa bao giờ đụng đến. Tiệm này có tên Mễ chạy bàn, cứ hỏi ít cay hay cay nhiều. Sau này vợ mình không thích ăn ở đây vì cũ kỷ, bẩn bẩn nên chỉ mua về ăn. Dân Mễ di cư lậu, làm việc trong các tiệm Việt nên dần dần bập bẹ tiếng Việt để tiếp khách. Tiệm Song Long toàn là đầu bếp Mễ và có một anh Mễ chạy bàn, phụ bà chủ. Tiệm Mirada, Vân bánh xèo,... cũng vậy, toàn Mễ trong bếp và chạy bàn. Ra Brodard thấy mấy bà Mễ đứng góinem cuốn cả ngày. Vài năm nữa đi nghỉ hè bên Mễ là có cơm Việt Nam hecho Mexico.

Các tiệm ăn Việt ở vùng Bolsa, ngày nay mướn người gốc Mễ để giúp điều hành, nấu ăn,... Vừa rẻ lại chịu khó, không như dân Việt,  có giấy tờ nên lớn lối, hạch sách chủ trong khi dân Mễ, đa số là di dân lậu nên chịu khó làm việc không kêu than. Vào tkhá iệm Việt mà thấy mấy ông chạy bàn gốc mít là mình phải gọi Ông Chủ, để họ cảm thấy quan trọng, đối xử mình khá hơn một tí.

Nhớ dạo mượn một bà giữ trẻ gốc Việt, giữ đứa con gái, sáng đi chiều về mà bà ta cứ đì mình, đòi nghỉ , đòi tăng lương cuối cùng cho bà ta nghỉ, để bà đi làm nhà hàng được lương cao hơn còn mình thì đem cô con gái tới nhà trẻ, sáng đưa, chiều đón. Hai tuần sau, bà giữ trẻ đi làm nhà hàng mệt quá, gọi điện thoại xin làm lại nhưng không dám mượn bà ta. Có mượn một bà lo cho mẹ vợ. Bà này cứ nổi chướng, đòi thêm tiền, ăn ở không tốn tiền, mỗi tháng bỏ túi $1,200, không đóng thuế, lãnh tiền già đâu trên $850.00 đi Việt Nam chơi may tìm được một bà khác đỡ đỡ hơn nên cho bà kia nghỉ, nay cứ gọi xin đến giúp bà cụ, lấy tiền ít hơn. $850.00 được chính phủ phát cho hàng tháng, trả tiền thuê một cănphòng là $500.00/ tháng còn $350 thì chỉ vạch lông mà vuốt.

Hồi mới phát hiện ra mối tình hữu nghị của đồng chí gái, cô nàng dẫn về nhà thì gia đình bị bắt buộc mời mình ở lại dùng cơm nhưng lạy trời đừng ăn. Mình thuộc thành phần giác ngộ cách mạng đã lâu nên hỏi có cay không thì bà mẹ vợ bảo không, mình ngồi xuống ăn. Lần sau khi nghe mình hỏi thì ông anh vợ trả lời cay, mình cũng kéo ghế , ngồi xuống ăn cho nên sau này  không ai dám trả lời cả, cứ kêu ngồi xuống ăn đi. Mình theo chủ nghĩa thực dụng, kiếm vợ được hay không thì tính sau, còn trước mắt là ăn đã, không nở bề ngang thì nở bề dọc. Mẹ đồng chí gái thấy mình ăn thật tình, không khách sáo thì bảo u chầu! thằng ni thiệt thà hè nên đồng Ý cho gia nhập hộ khẩu.

Sau này lấy vợ "các mệ" thì coi như ăn đồ Huế mệt thở. Kỵ giỗ gì cũng thấy bánh bèo, bánh nậm, bánh bộc lọc, tré, bánh ướt tôm chấyĐược cái là mấy bà dì của đồng chí gái nấu ăn rất ngon. Khi các bà dì lần lần ra đi thì con cháu thuê nhà hàng tàu, đem đồ tới nhà rồi phục vụ luôn, con cháu khỏi nấu ăn, chỉ vát đít đến ăn không theo truyền thống nấu món gì mà Ôn Mệ khi xưa thích thì mình lại thèm mấy món Huế. 

Vào thập niên 90 thì có vài tiệm nấu chuyên món Huế ở Bolsa như Huế Rendez Vous,...rồi câu lạc Bộ báo Chí có dư chổ nên có người đề nghị nấu đồ ăn cho mọi người ăn khi đến họp thì có người xung phong nấu món Huế cực ngon khiến dần dần khách đến ăn Đông hơn dự tính. Cuối cùng thì người đứng tên mướn mặt bằng, lấy lại để tự nấu bún bò, kiếm tiền thì dỡ, không ai lại ăn nữa trong khi người nấu chính gốc, mở tiệm Ngự Bình ở góc Magolia và Westmisnter thì khách lại kéo về đấy nhưng món bún bò có vẽ xuống cấp. Còn chổ câu lạc bộ cũ thì đóng tiệm, có nhạc sĩ một thời học chính trị kinh doanh Đà Lạt, nhảy vào mở quán bún bò, nhiều lần chạy ngang, tính vào ăn nhưng không thấy thực khách nên không dám vô. Nay đóng cửa.  

Từ ngày ăn được tô bún bò của mụ Diễm, tuy thuộc thành phần thế hệ 8X nhưng nấu ăn phê không thể tả nên từ dạo đó mình không dám kêu bún bò khi đi ăn tiệm nữa. Lâu lâu nhà có khách là đặt mụ Diễm nấu cho một nồi bún bò. Mụ này nấu rất kỹ, nấu sôi thịt cho ra mỡ để đổ đi, nghe kể rất công phu mà giá tiền rất tình nghĩa, tô bún bò của mụ Diễm thơm lừng lựng mùi xã còn chơi thêm tô ớt bên cạnh. Nay Mụ Diễm ra tiệm bán bún bò đặc biệt ngon nhất Bolsa. Ai muốn thưởng thức vị huế 100%, ra tiệm Ghiền Mì Gõ ở trên đường Bolsa, góc Bushard.

Còn mấy món Huế khác thì đặt ở tiệm Hương Giang. Ông chủ tiệm này quen chi với bà cụ mình vì biết rõ tông tích bên ngoại của mình, ông thầy Chiêm ở Đà Lạt, đủ trò. Mỗi lần vợ sai đi lấy đồ, đặt ở tiệm này là một vấn đề. Họ không nhận tiền trước, kêu đặt hàng rồi hẹn ngày giờ đến lấy là phải đợi thêm một tiếng dù đến đúng hẹn nên mình sợ lắm. May làm quen được tên Quang Dũng, đứng thâu tiền nên hắn nhí nha nhí nhô dùm mình. Có lần mình lại ăn mì quảng thì hỏi hắn ca sĩ nào đang hát thì hắn kéo ghế xuống ngồi, nói liên tu ti về Quang Dũng bú xua la mua nên từ dạo ấy hắn gọi mình là Quang Dũng và khi gọi đặt hàng theo lời dặn của đồng chí gái thì cũng kêu hắn là Quang Dũng nên từ dạo đó bớt đợi chờ. Trước khi ra lấy đồ, mình gọi hắn để hắn xếp đồ ăn sẵn cho mình. 

Tiệm Hương  Giang này lúc đầu chỉ mở tiệm nhỏ ở cạnh Cơm tấm Thuận Kiều rồi sang thêm một tiệm trong khu Dakao. Rồi mở thêm một tiệm có vẽ thanh lịch hơn ở đường Westminster nhưng thấy vắng khách. Họ sống nhờ đặt hàng đem về. Có mấy tiệm khác như Liên Huế 1-2 cũng nhận đặt đồ ăn Huế nhưng tiệm này vẫn đông. Mình có thằng bạn thèm đồ Huế vì mẹ hắn gốc Trung, ở trên Fresno, xứ có hai tiệm phở nấu cho Mường ăn nên mỗi lần lên thăm hắn là phải đặt tiệm này bỏ Đông lạnh rồi ra lấy với cái thùng lạnh, đem lên cho hắn.

 Mình thích nhất mà là cơm Hến của người Huế. Có lần bà cụ mình sang chơi mấy tháng, làm cho ăn lại món cơm Hến tuyệt chiêu mà ngày xưa mỗi lần còn cơm nguội. Bà cụ mình nấu ăn rất ngon lại nhanh. Dạo còn ở Đà Lạt đi chợ về vào khoảng 6:00 chiều. Bà cụ xào nấu chút xíu là xong. Bà làm khoai Tâychiên khiến mấy đứa cháu nội ăn nhớ đời. Về Đà Lạt là các cháu vòi bà nội nấu cho chúng ăn. 

Ở đây có quán Hỷ nấu món Huế, trang trí nội thất khá khá hơn một tí so với các tiệm khác nên thực khách đến cũng đông. Có lần dẫn PĐK vào đây ăn thì hắn khen ngon. Chủ tiệm này ra thêm Quán Hợp, bán phở Bắc nhưng dạo này hơi xuống cấp thấy khách bớt. Vợ mình mê trà Kỳ Anh của tiệm này nên mình phải pha cho Mụ uống cả đến tiệm này chặt đẹp mà hình như Mụ thích trà do mình pha vì cứ ai mời ăn ở nhà họ là Mụ sai mình làm đem tới.

Dạo này mình thích quán  Vỹ Dạ hơn. Món cơm hến ở đây ăn được tuy chưa bằng của bà cụ mình nhưng họ chỉ bán vào cuối tuần thôi. Rau cỏ họ cho khá nhiều, ăn đã mồm. Ngày thường đông khách nên cuối tuần phải chầu chực nhưng bánh bèo chén của họ rất ngon. Có lẻ họ sẽ lấy bớt khách của Hương Giang. 

Hôm trước có o mô nói là phở 8 dơ lắm. Có cô bạn của o kể là thấy thợ lượm thịt rớt dưới đất để nấu. Có người kể là mấy tiệm lấy rau thừa của thực khách rồi bỏ vào đĩa cho khách mới vào.  Muốn chắc ăn thì chỉ nấu ở nhà là đảm bảo sạch sẻ. Có dạo mình hay xem mấy chương trình Restaurant Impossible, Hotel Impossible, coi người ta trang trí nội thất mấy tiệm ăn hay khách sạn thì thấy nhà hàng Mỹ cũng dơ kinh hoàng, buộc phải đóng cửa. Mình có ông thợ chuyên đi thụt ống cống nghẹt của mấy tiệm ở Bolsa nên rùng mình không dám đến ăn những tiệm được ông ta kể. 

Mình hay đọc báo xem mấy tiệm ăn bị thanh tra của sở y tế bắt đóng cửa để sửa chữa vì vi phạm các tiêu chuẩn y tế. Coi xong thì tra hỏi chủ nhà để hỏi xem có muốn bán tiệm hay không. Nhiều khi họ chán nên sẽ bán tiệm với giá tình nghĩa. Thường thì thấy các tiệm ăn Việt bị đóng cửa nên khi thấy tiệm Việt, dán thông cáo là đi nghỉ hè là biết sở y tế đã ghé qua.

Nói cho đúng đến tuổi đời mình thì cũng không còn chú ý ăn uống như xưa.  Có thì ăn không thì nhịn chớ không kiếm tìm tiệm mới mở để đi ăn thử. Mình nói đến tiệm phở 86 gần tiệm Dakao tuy không ngon lắm nhưng mình hay ghé để tìm lại hình ảnh năm xưa của thời còn ở Đà Lạt. Trời mùa đông, ăn phở vừa xem họ trụng giá thịt, khỏ khỏ cái vá, xem 3 nồi lớn để đun thịt, 2 cái nồi nhỏ để nấu phở; một chín rồi để bán còn nồi kia đang nấu. Ở Paris, khi xưa có một tiệm Tàu, trên Boul Miche thì phải, khúc vườn Lục Xâm Bảo, có xe mì trước tiệm, treo vịt quay, gà quay,... thấy hấp dẫn, khiến dân Tây xem rồi vào ăn rất đông.

Phần mình nấu phở thì dễ lắm. Mua mấy lon gia dụng nấu phở của công ty Quốc Việt. Họ nấu xương nước phở cho đặc lại thành cao rồi bán trong hộp, mình chỉ cần pha chế rồi bỏ hành thêm xương nấu rồi thái thịt filet mignon, làm phở tái trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Khỏe re. Mấy đứa con thích ăn sau khi bơi vào mùa đông. Hôm trước cô con gái nói phở là món ăn mà cô nàng có thể ăn cả đời không ngán là biết nước phở đã ngấm trong máu, không sợ con mất gốc. Khác khác khà.

Nhs