Showing posts with label Thiên hạ sự. Show all posts
Showing posts with label Thiên hạ sự. Show all posts

Biệt đội Thiên Nga của Việt Nam Cộng Hoà

 Tình cờ đọc một bài báo của Hà Nội, nói về Biệt Đội Thiên Nga của Việt Nam Cộng Hoà khiến mình thất kinh. Bài báo khen mấy người nằm vùng như Phạm Ngọc Thảo, Phạm Ngọc Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Đinh Văn Đệ,.. ngược lại họ lại chửi Biệt Đội Thiên Nga nào là Thiên Nga Chân dài, rắn độc, đủ thứ từ ngữ chửi bới. Tò mò đọc mới khám phá ra biệt đội cảnh sát của Việt Nam Cộng Hoà khi xưa, được huấn luyện để trà trộn vào các tổ chức thân cộng ở Sàigòn khi xưa như hội Phụ NỮ Đòi Quyền Sống của bà Ngô Bá Thành, các tổ chức tôn giáo thân cộng như ni cô Huỳnh Liên, linh mục Nguyễn NGọc Thanh,.. mà khi xưa mình thường nghe báo chí nói về họ nhưng sau 75, không thấy họ đâu hết.

Mình đồng ý là trong chiến tranh, hai bên đều tìm cách cài gián điệp vào đối phương để lấy tin tức mật lợi cho mình như trường hợp Ukraine vừa qua, khám phá ra trùm tổ an ninh hoạt động cho Putin. Hà Nội cài được người của họ trong chính quyền, quân đội miền nam thì Việt Nam Cộng Hoà cũng phải cài người của họ trong hàng ngủ của Hà Nội ở miền nam như trường hợp điệp viên X92 mà Frank Snepp, có kể là điệp viên giỏi nhất của họ được cài trong mật khu Việt Cộng. Ông này sau 75 bị bắt, vì không chịu di tản và tự tử trong tù. Mình có kể vụ này rồi.

Thiếu tá cảnh sát quốc gia Nguyễn Thanh Thuỷ, đứng đầu biệt đội Thiên Nga

Tò mò mình lên mạng kiếm được tài liệu nói về BIệt Đội Thiên Nga, mà người đứng đầu là thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ, từng là sinh viên trường Chính Trị KInh Doanh Đà Lạt. Sau 75, bị đi tù đến 13 năm rồi được di dân qua Hoa Kỳ theo diện H.O.

Tình cờ đọc bài báo của Hà Nội về Biệt Đội Thiên Nga của Việt Nam Cộng Hoà 

Được biết năm 1965, Việt Nam Cộng Hoà thành lập học viện Cảnh Sát Quốc Gia, để đào tạo các sĩ quan của ngành cảnh sát, nhận học viên cả nam cả nữ qua cuộc thi tuyển vào. Tốt nghiệp sẽ được đưa đi khắp 4 vùng chiến thuật.

Qua hồi ký của ông Đặng Chí Bình, điệp viên được Việt Nam Cộng Hoà huấn luyện để xâm nhập vào miền bắc để hoạt động. Đa số đều bị bắt khi vừa nhảy toán, trên đường xâm nhập bằng đường biển và đường mòn. Lý do là nằm vùng của Hà Nội nằm trong dinh tổng thống và các ngõ ngách của chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Chính ông Đinh Văn Đệ, cựu thị trưởng Đà Lạt, sau này làm đại biểu Đà Lạt ở quốc hội, kể trên báo Việt Cộng là ông ta nằm vùng rồi đi sang Hoa Kỳ với phái đoàn miền nam để xin viện trợ, ông ta nói nhỏ với quan chức Hoa Kỳ là không nên, hết hy vọng. Chán Mớ Đời 

Ông Đặng Chí Bình còn kể người huấn luyện ông ta là người của Hà Nội. Khi họ lấy cung ông ta ở Hoả Lò thì có đưa hình ông ta chụp với ông Phan tại Sàigòn. Mình có ông cậu bà con, làm trong chiến dịch Phượng Hoàng, tháng 4/75, về nhà sửa soạn đem vợ đi di tản, khám phá ra vợ mình là nằm vùng nên tự sát luôn. Chắc bao nhiêu tin mật đều được bà mợ chuyển cho Hà Nội.

Sau Mậu Thân, để chống lại sự xâm nhập của nằm vùng, Việt Nam Cộng Hoà gia tăng huấn luyện một nhóm cảnh sát đặc biệt toàn là nữ, dễ qua mặt Hà Nội. Họ gọi biệt đội Thiên Nga, trực thuộc khối Đặc Biệt của bộ tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia. Biệt Đội này có nhân lực khắp 4 vùng chiến thuật. Dạo ấy nam phải đi lính nên khó mà trà trộn vào sinh hoạt của xã hội miền nam lúc bấy giờ.

Mình xin trích lại đây một phần bài mình đọc trên mạng về sự thành lập của biệt đội Thiên Nga, đăng trên hươngdươngtxt.com 

Công việc khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn, từ vấn đề tuyển mộ, đào tạo nhân viên...cho đến công tác tìm đầu mối, xây dựng cơ sở, giám thị, v.v...

-Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có văn phòng tại Khối Đặc Biệt

-Biệt Đội Thiên Nga Thủ Đô và 11 quận có văn phòng tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quận Đô Thành

-Biệt Đội Thiên Nga Vùng I, II, III, IV và tại các tỉnh trên toàn quốc từ Quảng Trị đến Cà Mau

 Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có 4 ban: Ban Hành Chánh, Ban Tổ Chức Phát Triển, Ban Huấn Luyện và Ban Hoạt Vụ. Nhiệm vụ của Thiên Nga Trung Ương là thành lập cơ sở văn phòng, tuyển mộ nhân viên, tổ chức huấn luyện, tìm đầu mối, phát triển công tác. Đồng thời, Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương đôn đốc và hướng dẫn các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sái Quốc Gia, thành lập Biệt Đội Thiên Nga địa phương ở 11 quận Đô Thành và tại các tỉnh. Biệt Đội Thiên Nga địa phương tuyển mộ nữ nhân viên gửi về Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương ở Sài gòn để đưa đi thụ huấn các khoá học tình báo tại trường Tình Báo Trung Ương. Các phụ nữ được tuyển mộ phải có ít nhất là văn bằng Trung học Đệ nhất cấp hoặc cao hơn, ngoại trừ các quả phụ của Cảnh Sát không đòi hỏi điều kiện văn bằng như trên, nhưng ít nhất phải có bằng Tiểu học.

Các nữ nhân viên được tuyển lựa này gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần khác nhau trong xã hội: có thể là người bán rau cải ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe bus, nhân viên bưu điện, điện lực, thư ký văn phòng, học sinh, sinh viên, cô giáo và vũ nữ, v.v...Các nữ nhân viên lần lược được học qua các lớp Tình báo căn bản (4 tuần), Theo dõi (6 tuần), Cán bộ điều khiển (8 tuần),...và đặc biệt là khoá tác xạ tại trường Tình Báo Trung Ương. Khóa sinh phải đủ điểm cho lớp trước mới có thể lên lớp kế tiếp. Trong thời gian thụ huấn, các khóa sinh phải ở nội trú và mang bí số.

Việc giảng dạy do các Giảng viên Tình báo phụ trách, còn giám thị do các nhân viên Thiên Nga Trung Ương đảm nhận. Các khóa sinh sau khi thụ huấn chuyên môn trở về đơn vị tại các địa phương, nơi đã gởi đi học, và bắt đầu nhận công tác do các ngành Đặc Biệt phân nhiệm. Công tác trực thuộc sự hướng dẫn của phụ tá Đặc Biệt địa phương và báo cáo thành quả công tác về Thiên Nga Trung Ương.

Tại Trung Ương, ngoài các lớp kể trên, các nữ nhân viên Thiên Nga còn theo học các lớp kỹ thuật như: nhiếp ảnh (chụp hình bí mật), học lái xe gắn máy và xe hơi, một số được học thêm các lớp thẩm vấn. Biệt Đội Trưởng, phụ tá Biệt Đội Trưởng Thiên Nga Trung Ương và các Cán Bộ Điều Khiển đều là nữ Sĩ Quan Cảnh Sát tốt nghiệp khoá I Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Riêng Biệt Đội Trưởng và Phụ Tá đã tốt nghiệp thêm khóa Trưởng Phòng Đặc Biệt tại trường Tình Báo Trung Ương vào năm 1967

Ngoài các nữ Sĩ quan và nhân viên Cảnh Sát chính thức, Biệt Đội Thiên Nga còn sử dụng một số rất đông nữ hồi chánh viên, nữ can phạm chính trị, các công nhân hãng, xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ (ngoài cơ quan cảnh sát), các bạn hàng chợ, các học sinh sinh viên trường trung học và đại học...để làm mật báo viên cho Biệt đội. Số cộng tác viên gấp nhiều lần số nhân viên chính thức.

Các nhân viên Trung Ương đi công tác hoạt vụ đều có học khóa chuyên môn tình báo để được hướng dẫn rõ ràng chi tiết công tác họ phải đảm nhận cũng như cách thức bảo vệ an ninh tối đa cho họ. Các nữ nhân viên hoạt vụ đều có bí số và bí danh. Tùy vào công tác, họ được tạo cho một nguỵ tích với tất cả giấy tờ tùy thân và lý lịch mới.

Nhằm mục đích nhu cầu bảo mật công tác, Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có những kiosque buôn bán lẻ, có điện thoại công cộng để làm nơi liên lạc (hộp thư sống và chết), v.v...và một nhà an toàn làm nơi tiếp xúc với tình báo viên, mật báo viên, nhất là tình báo viên từ mật khu về. Vì là Biệt Đội tình báo nữ mang tên loài chim Thiên Nga, nên mỗi kế hoạch công tác đều có ám danh của một loài chim khác như Sơn Ca, Hoạ Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến, v.v...Còn các công tác phối hợp với các cơ quan bạn thì dùng ám danh của sông núi như Trùng Dương, Trường Sơn, v.v...Do sự thay đổi cơ cấu của Khối Đặc Biệt và để thích ứng với tình hình chính trị phức tạp nên cuối năm 1972, Biệt Đội Thiên Nga mang ám danh mới: Đoàn Đặc Nhiệm G423g để bảo mật hoạt động.

Song song với việc xây dựng tổ chức, đào tạo nhân viên, Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương luôn nổ lực tìm đầu mối, lập kế hoạch công tác, tìm cách xâm nhập, len lỏi vào các hội đoàn Phụ Nữ Việt Nam, hội đoàn bạn hàng các chợ, hội Phụ nữ đòi quyền sống, các lực lượng đấu tranh thuộc thành phần thứ ba, các thành phần tôn giáo khuynh tả có Việt Cộng xách động, các tổ chức sinh viên học sinh đấu tranh thân Cộng Sản để kịp thời ngăn chặn những tên Việt Cộng nằm vùng, triệt phá những âm mưu có nguy hại cho an ninh quốc gia. Không những thế, Biệt Đội Thiên Nga còn xâm nhập vào tận mật khu của Việt Cộng để thu thập tin tức tình báo góp phần tiêu diệt các cơ sở đầu não của Cộng Sản.

Nhìn lại quá trình công tác của các nữ nhân viên Thiên Nga, phải thừa nhận rằng công việc của họ rất nguy hiểm, tính mạng lúc nào cũng bị đe dọa. Qua các tài liệu tịch thu được của Việt Cộng, sau những thất bại nặng nề, chúng rất đề cao cảnh giác “nữ Thiên Nga”. Việt Cộng luôn tìm cách ám sát những ai chúng nghi ngờ là nhân viên Thiên Nga. Còn các nhân viên Thiên Nga len lỏi vào các hội đoàn tham dự các cuộc biểu tình, tuyệt thực, chống đối nên cũng phải chịu “hưởng” hơi, cay, dùi cui của Cảnh Sát. Các chị em Thiên Nga còn phải hy sinh những tình cảm riêng tư, thời gian dành cho gia đình, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để làm tròn bổn phận công dân yêu nước đấu tranh cho lý tưởng tự do.

Thật khó có thể ghi lại hết những chiến công thầm lặng của các nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga, tuy vậy những công tác sau đây là ví dụ điển hình về các hoạt động của Biệt Đội Thiên Nga.

Một trong các công tác mà Việt Cộng vẫn còn tức tối là việc cung cấp lương thực thực phẩm cho phái đoàn Quân Sự Bốn Bên vào họp tại trại David, Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Mặc dù chúng nghi ngờ nên chúng đề nghị chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm cho hai phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức CS Bắc Việt) và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhưng cuối cùng nhà thầu chúng chọn lại là của Biệt Đội Thiên Nga. Công tác này mang ám danh là Trùng Dương, hoạt động cho đến ngày cuối cùng 28-04-1975.

Công tác mang ám danh là Hải Âu đã cài được một nhân viên Thiên Nga vào Hội đoàn phụ nữ đối lập và tạo được niềm tin nên được Việt Cộng chọn đi học lớp tình báo chung với chúng.

Công tác len lỏi vào Hội phụ nữ đòi quyền sống, hoạt động chung với một cán bộ nằm vùng. Mãi đến sau 1975, tên nữ cán bộ mới biết đến người thư ký của Ban Xã Hội là nhân viên Thiên Nga. Lúc ấy tên nữ cán bộ là Đại úy Công an tức tối đề nghị gia tăng 6 tháng tù trong khi chị nhân viên Thiên Nga đã có giấy ra trại. Công tác này mang ám danh Hoạ Mi.

Trong 5 năm liền, một nữ Huyện uỷ viên của Việt Cộng đã hợp tác với Biệt Đội Thiên Nga. Sau 30-04- 1975, chị vẫn giữ chức Huyện uỷ của một Huyện gần Saigon. Cho đến sáu tháng sau đó, Việt Cộng mới truy ra được từ hồ sơ còn sót lại ở địa phương, nên đã khai trừ chị khỏi Đảng Cộng Sản và giam chị ở Chí Hoà. Chị đã may mắn không bị chúng xử tử hình. Sau tôi gặp lại chị ở trại Hàm Tân, chị mới vỡ lẽ tôi- người tên Năm tiếp xúc với chị năm xưa-là Thiếu Tá Biệt Đội Trưởng Thiên Nga. Công tác này được mang tên Hoàng Oanh.

Các công tác, hoạt động của Thiên Nga càng thành công tốt đẹp bao nhiêu thì Việt Cộng càng tức tối lên án, càng đề cao cảnh giác với nhân viên Thiên Nga. Do đó những bản án không xét xử trả thù hèn hạ dành cho các nữ nhân viên Thiên Nga của Cộng Sản là từ 3 năm đến 13 năm trong các trại tù “cải tạo”. Tuy vậy các chị em nhân viên của Thiên Nga vẫn hãnh diện, giữ vững nhân cách, lập trường, vượt qua những giao lao của năm tháng tù đày.

Tôi rất xúc động khi phải nhắc lại quá khứ của Biệt Đội Thiên Nga, với những anh thư đã đem hết những hăng say, nhiệt tình, tinh thần chống Cộng mãnh liệt của tuổi trẻ, hiến dâng để bảo vệ đất nước miền Nam Việt Nam . Tôi rất hãnh diện về Biệt Đội Thiên Nga, các nữ nhân viên từ Hạ sĩ quan đến Sĩ quan, cùng các cộng tác viên đã giữ trọn khí tiết trong lúc sống khổ sở trong lao tù hay trong sự kềm kẹp của chế độ Cộng Sản ngoài xã hội, sau khi được thả về. Tôi mong ước một ngày gần đây những nữ Thiên Nga hải ngoại sẽ gặp lại các bạn Thiên Nga còn ở lại Việt Nam , tay bắt mặt mừng trong niềm vui thấy đất nước thật sự có tự do dân chủ.

Tôi viết bài này, cũng mong quý bạn có cái nhìn rõ hơn về người Cảnh Sát Quốc Gia, trong đó có những nữ Cảnh Sát, những chị bán hàng, những anh chị em sinh viên...đã có một thời hiến dâng máu xương cho đất nước. (Thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ) hết trích 

Bà thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ, tốt nghiệp khoá đầu tiên sĩ quan học viện Cảnh Sát Quốc Gia, từng học trường chính trị kinh doanh Đà Lạt. Sau này được giao phó thành lập và đứng đầu 1 toán nữ điệp viên, cài trong mật khu và nhóm thân cộng tại miền Nam. Theo mình chưa chắc một số nhóm họ thân cộng. Trong một thể chế dân chủ thì người ta gọi là Đối Lập. Cho thấy khi xưa, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà cũng khá dễ dãi đối với phe chống lại ông Thiệu. Ngày nay, chúng ta hay nói về những người chống chính quyền Việt Nam Cộng Hoà là thân cộng. 

Ở trong một xã hội dân chủ thì người ta phải chấp nhận sự đối lập. Ông Trump lên bên Dân Chủ ngày nào cũng chửi, ông Biden lên thì bên cộng hoà cũng chửi. Nhưng nhờ có đối lập chửi bới mới khiến chính quyền thận trọng không làm bừa vì người dân sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm. Điển hình ông thủ tướng Anh quốc, phải từ chức vì thuộc cấp bất mãn về đường lối ông ta lãnh đạo.

Có thể nhiều nhóm bị nằm vùng trà trộn vào và có nhóm được Hà Nội thành lập.

Sinh viên đại học Đà Lạt, biểu tình ở Khu Hoà Bình. Mình hỏi một anh bạn, tốt nghiệp viện đại học Đà Lạt, dạy trường Bùi Thị Xuân về vụ này thì anh ta cho biết. Hồi đó thấy chúng rủ đi thì đi theo chớ có biết gì đâu. Để hôm nào mình hỏi anh ta thêm về vụ này để hiểu thêm thời con nít của mình khi thấy lựu đạn cay bên chùa Linh Sơn, sinh viên mỗi chiều là cứ phát loa như cái loa phường mình nghe ở quê ông cụ vào buổi sáng.

Dạo trước 75, mình hay thấy báo chí đưa tin về các cuộc biểu tình của Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, hội quả phụ tử sĩ Việt Nam, hội nữ Phật tử Lòng Hoa, nhóm công giáo của linh mục Chân Tín và Nguyễn NGọc Lan. Thương phế binh cắm dùi, đủ trò. Nhóm ni cô Huỳnh Liên và vài nhân vật của phía Ấn Quang móc nối đưa điệp viên của Biệt Đội Thiên Nga và mật khu để huấn luyện và hoạt động cho Việt Cộng đến 1975 mới bị phát giác. Nhìn lại thì ở ngoài bộ đội miền Bắc đánh khắp nơi, trong thành phố thì có nằm vùng, chính quyền của ông Thiệu, kể ra là giỏi mới cầm cự được lâu, xem như 10 năm.

Mình có nói chuyện với vài người Mỹ thì họ cho biết chính quyền Việt Nam Cộng Hoà dạo ấy tốt vì có đối lập, khác với Nam Hàn, Đài Loan và các nước Nam Mỹ.

Nói cho ngay, Hà Nội rất giỏi về tình báo, cho người của họ trà trộn vào chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Giới sinh viên học sinh thì các lãnh tụ như Huỳnh Tấn Mẫm lại được ông Kỳ và ông Dương Văn Mình bao che, là thế nào. Có lẻ họ chống lại ông Thiệu nên tìm cách dùng ông Mẫm làm con cờ chính trị cho họ.

Một vài thành viên của biệt đội Thiên Nga. Nghe nói họ tuyển lựa toàn mấy cô đẹp

Mấy người nghệ sĩ như Kim Cương và Thanh Nga đều là nằm vùng của Hà Nội. Họ móc nối để bà Kim Cương để lấy Phạm Duy Lân, không biết có bà con với gia đình họ Phạm Duy, Đổng Lý VĂn PHòng bộ thông tin. Ông này được bà Thanh Nga tháp tùng khi đi phó hội nghị Paris. Hay chuyện Thẩm Thuý Hằng được bố trí lấy Tony Oánh, bộ trưởng kinh tế, phó thủ tướng một thời. Mình biết một đại gia Đà Lạt, khi xưa từng là người tình của bà Thẩm Thuý Hằng. Có lẻ vì vậy mà sau 75, ông Tony Oánh không đi mỹ dù bạn học ở Hoa Kỳ bảo lãnh. Mình có đọc một bài báo trên báo mỹ không nhớ là ở đâu, chắc NYT. Bạn của ông ta làm lớn ở Hoa Kỳ.

Ai tò mò thì tìm đọc cuốn sách Biệt Đội Thiên nga của bà Nguyễn Thanh Thuỷ, có bán trên Amazon.

Mình mò mò tìm về những tin tức về chiến tranh Việt Nam thì thấy khi xưa, ở miền nam, không có chiến tuyến, không biết ai là bạn, ai là kẻ thù vì nằm vùng xâm nhập quá đông. Năm 1954, có đến 1 triệu người từ miền Bắc di cư vào nam, và 300,000 người từ miền nam tập kết ra Bắc. Khởi đầu cuộc chiến thì được xem miền nam thắng thế về mặt chính trị vì có hơn 1 triệu người bỏ làng quê, cha ông đất tổ để vào nam tránh nạn cộng sản trong khi đó chỉ có 300,000 tập kết ra Bắc.

Sau đó người thân của những người tập kết ra Bắc, được nằm vùng móc nối làm nội tuyến cho Hà Nội. Trong khi đó ở ngoài Bắc, dân chống đối chế độ đã bỏ vào nam, còn lại thì bị đàn áp trong xã hội cộng sản. Ông Đặng Chí Bình điệp viên được gửi ra Bắc, kể là ông ta tìm cách về Hà Nội không bị lộ diện. Có gặp người ở Hà Nội để móc nối nhưng khi vào nhà thờ gặp một cha cố, đưa thư của linh mục Hoàng Quỳnh thì phải, sau đó ông ta phát hiện ra bị theo dõi và cứ thế mà ông ta được họ thả đi vòng vòng để xem có gặp ai khác rồi tóm cổ ông. Sau này, được thêm hai cuốn tiếp thì Ông cho biết chính ông linh mục là người chỉ điểm ông ta cho công an, phản gián Hà Nội. Chán Mớ Đời 

Mình nghe kể một ông cậu bà con, có người em làm cho chiến dịch Phượng Hoàng, tự tử sau 75. Ông này thì từng làm trưởng ty cảnh sát Đà Lạt, lại nằm vùng cho Việt Cộng. Người ta nghi ngờ thì ông cho Việt Cộng đặt mìn ở nhà cậu, nhưng xa một tí để khỏi chết. Cuối cùng thì được thuyên chuyển đi đâu. Lần đầu tiên về Đà Lạt, mình có gặp cậu, kể mới đi Gia-nã-đại về (năm 1992). Mình ngạc nhiên nên hỏi ông cụ, mới kể. Chán Mớ Đời 

Có dạo ở Đà Lạt cứ lâu lâu nghe mìn nổ, nằm vùng đặt mìn ở cây xăng Ngã Ba Chùa, ngay bên cạnh nhà bà dì của mình. Trụ sở khu phố I ở đường Duy Tân, để giết ông trưởng phó khu phố. Ông này không chết, lại chết thằng bé nào. Mình nghe kể vài khu phố trưởng là nằm vùng nên mình không biết đâu là bến bờ. Nghĩ lại cũng đúng vì ở Số 4, khu phố 2, nơi mình cư ngụ thì họ hay về ban đêm để giết mấy ấp trưởng,… ai mà sống sót chắc nằm vùng cho họ.

Ông Nguyễn Hưng Quốc ở Úc Đại Lợi, có kể sau 75, đi theo ông thầy đến nhà của ông Hoài Thanh, phê bình văn học của Hà Nội, dọn vào Sàigòn. Ông này nói theo cơ bản bọn nGuỵ là xấu nhưng sao chúng sáng tác quá hay,… không nhớ rõ nguyên câu.

45 năm sau, Việt Cộng toàn hát nhạc Bolero của Sàigòn khi xưa, nhạc Hà Nội sáng tác trong thời chiến tranh không ai hát hay nghe. Ngay nhạc sĩ Trần Tiến còn tuyên bố trên truyền hình là hãy dẹp bỏ Nhạc Đỏ đi. 

Mình hay xem phim đại hàn nói về thời sau 1953, khi đất nước họ bị chia đôi như Việt Nam để so sánh xem lý do nào họ trở thành cường quốc như ngày nay. Giới cầm quyền của Nam HÀn xiết chăt, kiểm soát dân miền nam Triều Tiên rất mạnh, vì có nằm vùng của Bắc Hàn cài ở lại, hay có thân nhân ở miền Bắc, rất độc tài như các nhóm quân phiệt. Trong khi miền nam Việt Nam thì cứ cho phép đối lập để bị Hà Nội lợi dụng thành lập các nhóm của Hà Nội, để tìm cách đánh về mặt chính trị quốc tế.

Được cái là Đài Loan và Nam Hàn dần dần họ nới rộng ra, cho phép tự do ngôn luận, đối lập như ở Tây Phương. Họ trở nên giàu có thịnh vượng. Nhìn các nước á châu lại buồn cho Việt Nam. Chán Mớ Đời 

Trước 1989, Ba Lan thuộc khối Varsovie, GDP hàng năm mỗi đầu người là đâu trên $1,700. Sau 35, GDP mỗi đầu người lên đến trên $17,000. Dân Ukraina thấy đường lối của Ba Lan phát triển xứ họ nên muốn theo nên mới xẩy ra vụ Putin đánh chiếm.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tấm ảnh kỷ niệm về Paris một thời

 Hôm nay, thấy trang nhà của Pháp, đăng 2 không ảnh khiến mình nhớ lại thời sinh viên, đã đi nát khu vực này. Tấm không ảnh đầu cho thấy sự thiết kế của kiến trúc Pháp theo tinh thần cartesien, như điện Versailles đã ảnh hưởng đến sự thiết kế thủ đô của Hoa Kỳ. 

Pháp quốc giúp người Mỹ đánh bại quân đội Anh quốc, với sự tham gia cuộc chiến của tướng La Fayette, khiến người Anh quốc tống cổ 60,000 người Pháp sinh sống tại Gia-nã-đại, 1 số di cư về vùng Louisiana. Có lẻ vì vậy, người Mỹ muốn đoạn tuyệt với văn hoá Anh quốc, nên mời các kiến trúc sư pháp sang thiết kế thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Khi xưa, Pháp quốc và Anh quốc là hai nước hùng mạnh nhất âu châu nên tìm cách hạ nhau. Thấy người di dân ở thuộc địa của Anh quốc, nổi lên chống lại vua Anh quốc, bị bị sưu thuế cao, nên triều đình pháp tăng viện như ngày nay Hoa Kỳ giúp Ukraine. Cuối cùng tốn tiền quá nên đánh thuế dân pháp, gây bạo loạn đưa đến cuộc cách mạng 1789. Sau này lại giúp ông Mễ đánh Hoa Kỳ, kêu vô ơn nên te tua, banh ta lông. Lại mất Louisiana, bán rẻ lại.

Hình này cho thấy cái trục thẳng từ vườn Tuileries, nơi nhà vua và giới quý tộc ra đây chơi khi họ còn sống tại Paris, ở Port Royal, bên tay phải, sau đại lộ Rivoli. Sau nhà vua cho xây điện Versailles và dời đô về đấy, nên vua chúa không biết đời sống dân chúng ra sao, gây nên cuộc cách mạng long trời lỡ đất.

Nói chung địa ốc của Paris ở phía tây thì đắt tiền hơn phía bên đông Paris. Lý do là gió thổi từ phía tây qua hướng đông nên đa số các nhà máy xưa đều nằm phía đông. Mấy tháng đầu khi mới sang Paris thì mình ở thành phố Pantin, phía đông, thấy nhà cửa bị khói bám đầy. Sau này mình mướn được phòng ô sin ở Neuilly Sur Seine thì thiên hạ tưởng mình giàu. Cả đời anh gặp mình cũng tưởng mình giàu. Chán Mớ Đời 

Phòng ô sin 2 thuốc bề ngang, 3 thước bề dọc, không có sưởi vào mùa đông. Lúc đó chưa học được cách nung cục gạch như ai từng ở Pháp kể, để sưởi ấm mùa đông. Mà nếu biết thì không biết làm sao để nung cục gạch vì trong phòng nhỏ bé không có lò nấu. Mình có mua cái lò ga căm trại để nấu cơm khi thèm. Còn nung gạch thì chắc khôgn được. Chán Mớ Đời 

Dạo còn sinh viên, mình hay ra đây vào cuối tuần để tập vẽ, đẹp lắm. Mình thích hơn là vườn Lục Xâm Bảo mà ông Cung Trầm Tưởng đã nói đến. Khi mới qua Tây, phải bò ra vườn Luxembourg, ngay ngày đầu tiên để viếng vườn này. Rồi đi qua khu vực La tinh. Khu vực này khi xưa, chỉ toàn là đại học, sinh viên khắp nơi về Paris học, dạo ấy toàn là dạy bằng tiếng la tinh vì Pháp quốc hay các nước lân cận đều nói thổ ngữ. Do đó người ta ra đây nghe sinh viên trò chuyện bằng tiếng la tinh nên người dân sở tại mới gọi khau La-tinh (quartier latin).

Trong tấm ảnh, bên trái là dòng sông Seine, đục ngầu, dơ không ai dám tắm. Khi xưa, chỗ cái đảo La Cité thì các tay mỗ lợn, ngựa, bò xong thì quăng đồ dơ, xương xẩu máu me xuống sông Seine. Đọc mấy sách vở kể về thời đó kinh hoàng lắm. 

Hồi nhỏ, mình nghe mấy ông Cũng Trầm Tưởng, Phạm Duy nói về Paris khiến mình mê, muốn đi tây để rồi khi sang đó, thấy sự thật và từ đó mình không đọc thơ nữa vì biết thi sĩ là những tên vớ vẩn, viết bú xua la mua để chim gái.

Chỗ bùng binh ở dưới cho thấy một đường thẳng kéo dài lên đến khu vực La Défense, trung tâm hành chánh, thương mại mới ngoài Paris. Đi thêm nữa sẽ về phía Saint Germain des Pres, Versailles. Dạo ấy mình ở Neuilly sur Seine, nằm giữa Paris và La Défense.

Công viên Les Tuileries rất rộng, được xây cất cho vua chúa du ngoạn nằm giữa sông Seine và đại lộ Rivoli với những Arcades đẹp tuyệt vời. Mình thăm viếng tất cả thủ đô của Châu Âu nhưng không có đại lộ nào đẹp như đại lộ này. Ở Bologna bên Ý Đại Lợi thì có nhưng rất ngắn ngủi, không hoành tráng như ở Paris.

Gần cổng vào của công viên có hồ nước với 8 cạnh. Có cây cối lạ và viện bảo tàng Orangerie, hình như chỗ này người ta trưng bày tranh của thế kỷ 20 nhất là mấy tấm tranh của Claude Monet. Lâu quá nên không chắc.

Ngoài cổng có một Khải hoàn môn nhỏ hơn Khải hoàn môn trên đại lộ Champs Elysees, được gọi là arc de triomphe Austerlitz, được xây để tưởng nhớ chiến thắng lừng lẩy của hoàng đế Napoleon. Đặc điểm là vào ngày 2 tháng 12 mỗi năm, vào lúc 5 giờ chiều nếu đứng ngay góc này, nhìn về phía Tây, qua trục đại lộ Champs Elysees thì thấy mặt trời lặn trong khung vòng tròn của Khải hoàn môn này. Mình có ra đây một lần ngày 2 tháng 12 để xem thì đúng thật. Rất lạnh vào mùa đông, đứng đợi.

Thật sự kiến thiết đô thị của Pháp sau cách mạng 1789, có rất nhiều ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng long trời lỡ đất. Có ông bá tước tên Hausmann được Napoleon giao cho công việc thiết kế lại thủ đô. Đi chiếm tài nguyên các nước trên thế giới nên có tiền, muốn xây dựng lại Paris. Trước đó, các đường phố của Paris rất chật hẹp, quanh co nên khi bạo loạn nổi dậy thì lính nhà vua không trấn áp được. Dân tình bỏ chạy vào các xóm núp. Nếu đọc cuốn Les Miserables của ông Victor Hugo sẽ thấy, không có cầu tiêu, nhà tắm, cống rãnh.

Khi Napoleon kêu ông bá tước này thiết kế lại đô thị, ông ta cho phá tan hết mấy khu quanh co và làm các đại lộ thẳng bong. Lý do là khi có biểu tình, quân đội của Napoleon, có thể đem súng đại bác ra đặt giữa đường để bắn vào đám biểu tình. Dân không thoát nên không còn bạo loạn. Dạo ấy, người Pháp có tinh thần như Tận cập Bình, lộn xộn là đem bắn, mà phải dùng đại bác. Không thằng tây con đầm nào dám lộn xộn gì nữa.

Đến thời De Gaulle, sinh viên, bị ảnh hưởng của cuộc cách mạng văn hoá bên tàu do Mao sến sán tổ chức nên sinh viên xuống đường biểu tình, họ nạy mấy cục đá làm đường lên, chọi cảnh sát nên sau đó chính phủ De Gaulle cho làm lại đường xá hết để tránh sinh viên ném đá bể đầu cảnh sát cơ động.

Đi viếng Tiệp Khắc, thấy họ lại làm các con đường với đá ong nhỏ lại như xưa, tạo dựng lại khung cảnh xưa. Chán Mớ Đời 

Qua Khải hoàn môn Austerlitz thì sẽ thấy công trường Concorde, ở giữa họ cho dựng cái bút tháp (obelisk) của Ai Cập, mà quân đội Napoleon, sang bên đó đánh chiếm rồi vác về, làm của họ. Nếu đứng đây nhìn qua dòng sông sẽ thấy chiếc cầu Hoà Hợp (concorde), đến quốc hội của người Pháp, còn gọi là Palais Bourbon. Khi xưa, học lịch sử tây, mấy ông tây nói về mấy địa điểm này khiến mình bò đội nón nên ai cũng kêu mình ngu như bò.

Nếu mình không lầm là sau cuộc cách mạng, họ cãi nhau ở quốc hội sau đó bắt mấy dân biểu phản động, chống lại cách mạng đem ra công trường Hoà Hợp (concorde), đem lên máy chém đầu để hoà hợp hoà giải dân tộc. Chán Mớ Đời 

Đi lên một chút là vườn Champs Elysees, mà bên tay phải là toà đại sứ Hoa Kỳ. Lâu lâu đi ngang đây mình thấy người ta xếp hàng để vào toà đại sứ xin chiếu khán. Đi lên chút nữa bên tay phải đường gì quên là điện Elysees của tổng thống Pháp, gần đó là hôtel Matigon của thủ tướng pháp,..

Bên tay trái là Grand Palais de la découverte, mình hay đến đây xem triển lãm tranh. Thời sinh viên đi viếng viện bảo tàng miễn phí nên mùa đông, cuối tuần, trời lạnh, mình bò vào viện bảo tàng để trốn lạnh và xem tranh,…

Sau đó đi theo đại lộ Champs Elysees tới Khải Hoàn Môn chính. Mình hay đi bộ từ trường về nhà. Vào mùa đá bóng, cứ thứ tư là mình bò lại đây, có một tiệm cho thuê máy truyền hình, hình như tên Locatel, đứng xem đội Saint Étienne của Pháp đá. Dạo đó có Rocheteau, Herve,…đá. Trời lạnh, toàn dân da màu, nghèo không có máy truyền hình, đứng xem. Sau này mình quen mấy thằng tây thích đá banh nên đến nhà xem ké.

Đại lộ này dài lắm, mấy cây số, mình nhớ có một góc đường, có siêu thị Monoprix, mình hay vào đây mua đồ. Có lần, một bà đầm hỏi mình có phải người Thuỵ Điển khiến mình thất kinh. Không biết bà ta chửi xéo mình hay chưa bao giờ gặp một người Tàu. Trong khu này, bên trong có một tiệm ăn MacDonalds, đông khách nhất nước Pháp.

Chỗ này có hai tiệm ăn nổi tiếng là Lido và Le Fouquet. Mình có ăn ở tiệm Lido rồi và Au Fouquet, lần chót về Paris có ghé lại đây. Mình tính ngủ lại khách sạn này luôn để sáng đi bộ ở Champs Elysees nhưng không có phòng.

Qua Khải Hoàn Môn mà ngày nay người ta gọi công trường Charles De Gaulle, để nhớ đến ông tổng thống đã anh dũng kháng chiến chống lại Hitler từ bên Anh quốc, thì đến một khu hí viện, được gọi là Palais gì đó quên tên, hình như Palais de congrès thì phải. Mình có vào xem một lần khi đi nghe Khánh Ly từ bên Mỹ qua hát. Cảm động. Bao nhiêu năm nghe lại tiếng Việt nhất là bài “bên đời hiểu quạnh” một lần chợt nghe quê quán tôi xưa, giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì. Lòng thật bình yên mà sao buồn thế,… dạo ấy nghe mấy bài này xong là chỉ có khóc nên từ đo mình không nghe nhạc việt đến giờ vì buồn, làm mất ý chí.

Ông Pierre, thuộc lính hải quân pháp, từng chiến đấu tại Việt Nam, mà sau này có cuốn phim “Le crabe tambour”, kể về cuộc đời của ông ta từ Việt Nam đến Algérie rồi vào tù vì theo OAS, muốn lật đổ De Gaulle vì ông này giao trả đọc lập lại cho người dân Algerie. Mình có ghé thăm ở Nimes, ông ta nói mình muốn thành công thì phải bỏ đám bạn Việt Nam của mày. Lý do là như các nhóm mất quê hương, hay tụ nhau lại, than khóc như các nhóm tỵ nạn khác như Nga, Đông âu nên mình ít giao thiệp với người Việt ở âu châu.

Sau đó là đến Porte de Maillot, thành phố Neuilly sur Seine nơi mình ở 8 năm trời. Thành phố này có bệnh viện Hoa Kỳ, nổi tiếng, dân giàu có là đến đây nằm.

Xem trong ảnh, bên tay trái, có vùng xanh, đó là Bois de Boulogne, là khu rừng gần nhất ở phía tây của Paris. Khi mình ở Neuilly Sur Seine, mỗi sáng mưa, tuyết, hè , mình đều chạy bộ trong rừng này. Từ nhà, đi bộ xuống trạm métro Les Sablons, băng qua vườn Jardin d’acclimatation , là đến. Cuối tuần thì mò đi kiếm mấy thằng Tây để đá banh.

Có lần mình đang chạy bộ, thấy một tên tây chạy rồi một bà đầm rượt theo chửi rủa, tùm lum. Hỏi ra mới biết là ngôi rừng ngày là nơi các chị em ta tụ họp đi khách ban đêm. Không hiểu 6 giờ sáng, bà đầm này vẫn còn làm tăng ca bị tây chơi chạy. Chán Mớ Đời  

Hình này thì cho thấy đại lộ Rivoli, dài từ quảng trường Concorde tới cuối viện bảo tàng Louvre. Bên tay trái là vườn Tuileries, đã kể trên còn bên phải là viện bảo tàng Louvre.

Khi đi học, mỗi sáng mình đi xe métro đến trạm Louvre, leo ra khỏi trạm ngay góc Rivoli và Rue Du Louvre, chỗ này là nhà của hai vợ chồng quen Cecile và Lionel. Cecilia là cháu ông bà Cayla, nên từ đó mình quen mướn căn phòng ô sin ở Neuilly của họ. Sau đó họ cho ở không lấy tiền. Lionel chết rất trẻ, đi đám ở nhà thờ trước Louvre, hình như tên nhà thờ là Saint-Germain-l’Auxerrois.

Từ métro, mình đi bộ xuống phía sông Seine, rồi quẹo phải leo lên Passerelle des Arts. Trong hình thấy cái cầu nhỏ nhất bên tay phải, có tàu bên cạnh và cái mõm của đảo ngay Pont Neuf (cầu Mới), nơi có tượng của vua Henri 8, nổi tiếng bắt mấy cô bồ, không được tắm 3 tháng trước khi thả gà ra đá với ông ta.

Đối diện với cầu Passerelle des Arts là viện hàn lâm của pháp (institut de france). Mình vẽ ná thở chỗ này, mỗi ngày sau khi ăn trưa. Không có tiền đi uống cà phê với tụi học chung, bò ra đây ngồi vẽ. Nhờ đó mà sau này mình vẽ khá lên.

Có lẻ chỗ này là điểm gây ấn tượng nhất cho mình tại Paris. Sáng đi bộ qua cầu xem mặt trời mọc ở phía sau nhà thờ Notre Dames de Paris tỏng sương mù. Đẹp nức nở. Chiều về thì hay thấy mấy người cầm đàn đánh trên cầu, thiên hạ ngừng lại nghe và cho tiền. Có khi hứng họ ôm nhau nhảy. Sau này mình về thì thấy thiên hạ mua ổ khoá, khoá nơi lang cang để thể hiện mối tình baguette và saucisson.

Lò mò lại đường Rue de Seine, rồi đến trường. Hôm trước, gặp con trai của anh bạn, sắp sang Paris học tiến sĩ về thông minh nhân tạo, mình nói là cơm đại học bên đó dỡ lắm. Nó nói học đại học Paris 11 ở vùng Orsay. Khi xưa, 6 năm trời mình ăn ở đại học, ớn luôn, thức ăn tây do người ả rập nấu, ngược lại bên Ý Đại Lợi thì cơm đại học xá ngon cực. Năm mình đi làm bên Ý Đại Lợi, ăn ở đại học xá thì được xem là năm thần tiên nhất của đời sinh viên. Anh bạn kêu, không bằng bên Nga la tư, ông thần này đi học bên Nga nên nói thức ăn của xã hội chủ nghĩa còn cực tồi lắm. Được cái là nhà nước liên Xô bao cấp hết.

Nhớ mấy tháng đầu đến Pháp, trễ niên học nên mình phải đi làm, trưa đi ăn, ghé đại học Jussieu để ăn ở cơm đại học. Chưa phải sinh viên nên phải kiếm mấy tên sinh viên Việt Nam, nhờ mua phiếu ăn, đâu 2.3 quan một bữa. Sau này, tây biết tẩy nên xét thẻ sinh viên. Sau này, cứ mua baguette với một thỏi sô cô la, bẻ ra nhét sô cô la trong bánh mì, ăn uống nước cầm hơi. Khi đi học thì hay ăn ở đường Saint Andre des Arts, không nhớ là thuộc đại học nào. Dạo đó thì có thẻ sinh viên thì có thể vào ăn bất cứ đại học xá nào. Có lẻ tiệm ăn cho sinh viên có chất lượng nhất là ở Cité Universitaire. Hơi xa cho mình vì phải lấy xe điện ngầm và đổi mấy lần. Thường thì xuống đây cuối tuần. Chán Mớ Đời 

Phía bên trái, gần trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật, gần sông Seine, là nhà ga xe lửa Orsay. Sau này họ đổi thành một viện bảo tàng. 

Có lẻ kỷ niệm khó quên nhất là khi mình đi làm bồi cho một tiệm ăn nhỏ Việt Nam vào buổi tối cuối tuần. Được trả công lại được ăn cơm Việt Nam. Bà chủ này tội lắm, người làm cho gia đình ông tướng Dương Văn Minh. Không biết lý do nào bà ta lại chạy sang Paris, có một thằng con trai, đâu bằng tuổi mình học lớn hơn. Anh chàng này trong tuần phụ mẹ nhưng cuối tuần thì đi nhảy đầm, đánh bài, chả học hành gì cả.

Có lần, mình ghé lại ăn thì không thấy ông con, hỏi đâu rồi, kêu nó đi đánh bạc, báo cô rồi. Khách vào đông, thật sự tiệm nhỏ, chứa tối đa 16 thực khách. Thấy bà ta vừa nấu ăn vừa chạy bàn, thực khách đợi nên mình nhảy vào phụ bà ta, bưng đồ cho thực khách. Cuối bữa, bà ta cho mình ăn bún thịt nướng sau đó tặng cho một ít tiền tươi. Mừng quá. Bà ta kêu mỗi thứ 7, chủ Nhật lại phụ bà ta vì thằng con đi chơi.

Thế là mình đến phụ bà ta hàng tuần, được trả 100 quan, lại cho xơi hai tô bún thịt nướng. Một hôm, khách đông quá nên khi đóng cửa thì métro đóng cửa. Mình kêu taxi về thì trả 120 quan, lỗ 20 quan cho buổi tối đi làm. Từ đó mình đi bộ về nhà sau 12 giờ đêm. Đi bộ 10 cây số, leo lên 8 tầng lầu thì sáng hôm sau hết bò dậy chạy bộ. Chán Mớ Đời 

Nhiều hôm trời mùa đông lạnh kinh hoàng, vẫn phải lết trong sương gió. Không muốn làm lãng tử như mấy ông nhà thơ kể, lạnh buốt mà lết sau 6 tiếng chạy bàn. Kinh

(Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đường xe lửa Sông Pha - Đà Lạt

 Lâu rồi, mình nghe nói Hà Nội đang tính làm lại đường xe hoả từ Sông Pha lên Đà Lạt khiến mình thất kinh. Lý do là tốn tiền mà có mấy ai đi, lại khiến dân Đà Lạt nai lưng ra đóng thuế. Nghe nói dự án lên đến 1 tỷ đô la, nhưng kinh nghiệm cho mấy ông tầu thầu thì chắc sẽ đội vốn lên 2, 3 tỷ. Du khách? Nay có tuyến đường xe hoả chạy từ Đà Lạt xuống Trại Mát mà du khách cũng ít ai đi. Phong cảnh bị phá nát bởi nạn lâm tặc thêm họ làm rẩy, toàn là các tấm nylon che làm vườn khắp nơi. Chán Mớ Đời 

Ngày nay du khách không có thời gian để mất 2 ngày 2 đêm để đi từ Song Pha lên Đà Lạt như xưa nhất là phong cảnh đã bị phá nát. Ngay mình sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt còn không muốn trở lại để chứng kiến sự tàn phá hoàn toàn thị xã Đà Lạt  thì khó mà bắt được du khách ngoại quốc. Để chở hàng hoá như xưa? Chán Mớ Đời 

Mình có viết về người Pháp xây dựng đường xe hoả này rồi. Chỉ nhắc lại là theo tài liệu tây mình đọc thì họ ước đoán có trên 25,000 người Việt chết khi làm đường tại đây. Rất đông người thiểu số bị bắt đi làm phu, không công, khiến nhiều bộ lạc bỏ chạy qua Lào. Theo mình thì con số người Việt chết còn cao hơn vì người Pháp chắc không kể hết.

Có ông Bill Robie từng tham chiến tại Đà Lạt, có chụp ảnh rất nhiều ảnh Đà Lạt từ trực thăng, rất mê về xe lửa nên có nghiên cứu và viết về đường xe hoả này. Ông ta là người đã quyên tiền để phát phần thưởng cho mấy học sinh nghèo của hai trường Bùi Thị Xuân và Trần Hưng Đạo mà chúng ta thường thấy hình của ông ta trên các trang nhà dính dáng đến Đà Lạt. Ông ta có thành lập một trang trên facebook, mang tên Dalat Historic.

Đây mình xin tải vài tấm ảnh mình có do một anh cựu học sinh Adran gửi. Mình cũng chưa có thì giờ xem hết. Khi nào rãnh sẽ xem thấy có nhớ gì sẽ kể cho mấy bác nghe.

Tấm ảnh này thấy có người Chàm, người Việt và người dân tộc thiểu số, khai phá rừng núi để người Pháp xây dựng tuyến đường xe hoả từ Song Pha lên Đà Lạt.
Hình cho thấy người thượng làm việc nhiều còn người Việt thì làm Xu, có mang giày bốt trong khi người thượng đi chân đất.
Hình này cho thấy dân an-nam-mít cũng chân đất, xẻ núi bằng tay chân, với sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Mình nghe con gái tiệm Hiệp Thạnh, số 11 Duy Tân kể ông Võ Quang Tiềm và ông Nguyễn Văn Phúng, em trai bà Tiềm, dạo ấy may áo quần rồi gánh 3 ngày 3 đêm đi xuống mấy chỗ công trường này để bán cho người phu, nhờ vậy mới có tiền để phát triển thương mại tại Đà Lạt sau này. Nghe nói mấy ông 30 nhiều lắm, rất tiếc hồi nhỏ mình không hỏi mấy ông này. Mình vào nhà thì thấy trong một căn phòng để hai cái hòm khiến mình thất kinh. Khi xưa, người lớn hay mua hòm trước để lỡ có đi tây phương thì con cháu có sẵn hòm, không phải đóng, mất thời gian. Sau 75 qua đời thì may có sẵn hòm để liệm và chôn nếu không thì bó chiếu.

Mình đoán mấy ông tàu chắc cũng gánh hàng đem xuống đây bán cho dân làm ở đây. Đa số là người Việt sinh sống tại Đà Lạt, người từ Huế vào. Sau này mới có người vào từ Hà Tỉnh, Nghệ An để làm vườn, trồng rau cãi cho tây, thành lập ấp Hà Đông, Nghệ Tỉnh. Chiến tranh nên dân Quảng chạy vào Đà Lạt cũng nhiều. Có lẻ vì vậy giọng người Đà Lạt hơi lai giọng Quảng.

Mình có anh bạn kể là ông ngoại anh ta là 1 trong 100 người Việt đến lập nghiệp tại Đà Lạt, có giấy khen của thị trưởng. Gia đình anh chàng này ở trong hẻm Nữ Công Gia Chánh. Dân miền nam tương đối giàu có nên ít hơn. Còn dân Chàm và người thượng thì bị bắt theo làm rất nhiều. Tài liệu pháp nói như vậy theo mình hiểu là bắt làm nô lệ, như người phi châu, bị bắt sang mỹ châu làm việc không công.

Đường rầy ở đèo Ngoạn Mục. Thấy 2 bên đường, có hai cái mương chạy song song với đường rầy. Đúng người Pháp xây dựng rất tốt. Về Đà Lạt, mình đi Phan Rang, con đường của tây làm thời Bảo Đại còn ở truồng mà vẫn tốt hơn đoạn đường Hà Nội làm sau này.
Xem hình khiến mình thất kinh vì vách núi có thể xập như chơi.
Cầu này tên gì mình quên nhưng đã có rất nhiều người phu bị chết khi xây chiếc cầu này.
Eo Gió
Ga Kabeu, đường rày phải chạy cong theo sườn núi để lên Đà Lạt.
Thấy dốc lên kinh hoàng, lúc lên cao thì móc vào đường răng cưa, chạy rất chậm. Mình chắc chắn là không đi xe này vì rất chậm. Quen sống ở ngoại quốc, cái gì cũng nhanh.
Để thực hiện mấy cầu này, có rất nhiều phu xe hoả chết nhiều vì té xuống hoặc bị thương tàn phế.
Thật ra đầu tàu cũng không kéo nổi nhiều toa xe lửa vì máy yếu, chạy bằng củi. Thêm vào bỏ ra 1 tỷ để chở được 100 hành khách. Hành khách phải trả bao nhiêu tiền để lấy lại vốn?

Có mấy đường hầm xuyên núi, sau này bỏ hoang thấy thương.
Ga Đà Lạt được xem là đẹp nhất đông Nam Á vào dạo đó, do một nhà thầu Việt Nam tên Võ Đình Dung lãnh và thực hiện. Có thời là nhà ga của hàng không Việt Nam khi Việt Cộng phá đường rầy này nên xe lửa không còn hoạt động. Khi mình đi tây thì xuống chỗ này làm thủ tục lên máy bay, rồi xe ca của hàng không Việt Nam chở xuống phi trường Liên Khương.
Hình ảnh vua Bảo Đại khánh thành đường xe hoả Song Pha và Đà Lạt. Mình không biết có phải ông Diệm muốn truất phế ông Bảo Đại và việt minh cũng muốn tuyên truyền nên hai bên đè nhau tuyền truyền ông này là Playboy, chả làm gì cả làm mất nước. Mình nghĩ một ông vua của xứ nhược tiểu thì khó mà làm gì được cho nên cũng không chửi vua. Thấy ông ta đều có mặt với thực dân tây để khánh thành nhiều vụ ở Việt Nam nên thấy chắc người Pháp cũng nể ông ta. Dù sao cũng biết nói tiếng tây như tây. Mình nhớ khi phỏng vấn vua Bảo đại, người viết cuốn sách Dragon d’Annam, kể cho mình nghe là ông ta không đi làm, sống rất nghèo với bà vợ cuối cùng Monique, được bà ta đi làm nuôi. Ông ta nói vua một nước, không thể hạ thân đi làm. Mình cũng bắt chước ông ta nên lấy vợ để đồng chí gái nuôi còn mình thì lêu bêu 1 đời rong ruổi.
Sau 30 năm nuôi mình, đồng chí gái kêu hết ngu rồi nên về hưu. Chán Mớ Đời 
Ảnh chụp năm 1948. Trong thời gian thế chiến, người Pháp lên Đà Lạt nghỉ hè nhiều vì không thể trở về mẫu quốc, nhờ đó mà Đà Lạt được phát triển tiếp nếu không thì người Pháp đã bỏ cuộc giấc mộng cuồng vĩ của họ.
Chiếc xe ca màu vàng là của công ty hàng không Việt Nam mà mình có đi được một lần khi bay xuống Sàigòn đi Tây. Lần đầu tiên đi máy bay, mình cảm thấy chảnh chọe kể gì.
Ga ở Đơn Dương
Tây Đầm lên Đà Lạt từ Phan Rang để nghỉ mát. Mình khi xưa cứ nghe thiên hạ đi nghỉ hè lên Đà Lạt, gọi là đi nghỉ mát nên viết thư cho ông Trẻ ở Sàigòn, nói là muốn về Sàigòn nghỉ mát khiến thiên hạ cười cả đời. Cứ gặp mình là chỉ mặt cười. Đúng là ngu chi mà ngu vô hậu.

Đang đào hầm dưới đèo Ngoạn Mục
Ga Tháp Chàm

Khi tây về nước thì người dân Đà Lạt và xung quanh vẫn sử dụng xe hoả. Mình có đi một hai lần gì đó với ông cụ, đi thăm ai ở Trại MÁt hay Cầu Đất gì đó. Ông lái tàu hoả, đứng đầu bên trái, nghe nói ông ta bị thương khi Việt Cộng đặt mìn. Nói chung thời đó, chở rau cải từ Trại Mát, Cầu Đất lên Đà Lạt để bán.
Chiếc cầu này nghe nói có trên 5,000 nhân công bỏ mạng khi xây dựng.
Xe hoả dùng để chở hàng hoá, có lính nghĩa quân đi theo để bảo vệ mấy ông kẹ phá hoại nhưng rồi cuối cùng họ cũng đặt mìn nổ banh ta lông
Lính mỹ mua rau quả của nhà vườn Đà Lạt chở xuống Phan Rang và Nha Trang. Mình có kể vụ đóng thùng gỗ đựng rau này rồi ở nhà ông Lào, xóm Địa Dư
Xe lửa có đầu máy chỉ kéo được 5 toa còn ở Hoa Kỳ thì xe hoả chở hàng, đứng đợi xe lửa chạy qua cũng mất 15 phút, Chán Mớ Đời 
Rau cải Đà Lạt được bán cho quân đội mỹ, nhiều tiền hơn nên dạo đó dân Đà Lạt ăn rau quả thối nhiều hơn. Đồ tốt thì bán cho mỹ. Tương tự ngày nay, đồ biển tốt như tôm xuất cảng, người Việt ăn đầu tôm. Chán Mớ Đời 
Hình ảnh của bài viết của anh Nguyễn Thịnh kể về vụ Hà Nội bán lạc xoong đầu máy xe lửa và đường rày răng cưa cho Thuỵ Sĩ. Họ đem về xứ họ tân trang lại, làm tuyến đường lên núi, hốt bạc du khách phải mua vé cả năm trước đó. Có lẻ Hà Nội nghe vậy nên muốn làm lại tuyến đường này để móc túi du khách.

Người Thuỵ Sĩ ăn mừng vì đã mua được đồ rẻ tiền để làm giàu còn Hà Nội thì ăn mừng đã tống khứ được đồ của thực dân về xứ, lại được tiền. Nghe nói $500,000 nay phải bỏ ra bạc tỷ đô la để làm lại. Hồi nhỏ thầy cô dạy cái đường rầy là của ta, ông pháp ông tây làm ra, chúng ta nên gìn giữ lấy. Chán Mớ Đời 



Mình tình cờ đọc được bài của anh Nguyễn Thịnh viết về vụ bán đường rầy và đầu máy cho Thụy Sĩ. Mình và anh ta có email qua lại. Quên hỏi là hình ảnh của anh ta lấy từ đâu hay là anh ta có tham gia trong vụ này mới có hình ảnh. Nghe nói nay du khách muốn đi xe hoả này ở Thuỵ Sĩ, phải mua vé trước 6,7 tháng giá đâu $120 một người. 

Có lẻ vì vậy Hà Nội muốn thành lập lại đường rầy này để kiếm tiền du khách. Vấn đề là Thuỵ Sĩ người ta không phá rừng, phong cảnh vẫn đẹp. Có dạo mình đi dạy ở đại học bạc khoa Lausanne, thấy nhiều góc phố tựa tựa Đà Lạt, cứ nghĩ một ngày nào đó sẽ trở lại Đà Lạt để thiết kế Đà Lạt theo các thành phố núi ở Thuỵ Sĩ, ai ngờ sau này về thăm Đà Lạt thì thất kinh.

Mình không muốn tiêu cực nhưng đọc trên mấy trang nhà du lịch như TripAvisor, du khách Tây kêu đi không bao giờ trở lại Việt Nam vì bị chặt chém vô tội vạ. Mình đi Peru, thấy mấy người bán đồ kỷ niệm cho du khách, mình chỉ lắc đầu cảm ơn là họ bỏ đi, không làm áp lực để bán nên cảm thấy dễ chịu. Trong lòng muốn đem đồng chí gái viếng thăm xứ này. Đi thăm đền Angkor, dân Miên cũng không làm áp lực, nhẹ nhàng, không thích thì họ bỏ đi, không chửi chém lại.

Ở Phi Châu nhất là Ma-rốc, dân bán đồ réo mình như muốn đánh còn ở Việt Nam thì vui lòng khách đến, phật lòng khách đi. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Xung quanh chợ Đà Lạt trước 1963

 Hôm nay, ngồi lọc một ít hình ảnh cũ Đà Lạt, thấy có mấy tấm ảnh xung quanh Chợ Mới Đà Lạt, trước khi ông Diệm bị lật đổ thấy tiếc vì sau đó, ông Trần Văn Phước, thị trưởng Đà Lạt bị Hội Đồng Cách Mạng cách chức, lấy cung, xem có ăn gian khi xây chợ và không tìm chứng cứ nào cả. Lấy bụng ta suy bụng người.

Giới theo nịnh chế độ mới, tố cáo ông Phước là ăn gian, ăn hối lộ những khi đưa sổ sách ra thì thấy ông ta không ăn một đồng của dân thị xã Đà Lạt. Nên nhắc lại công ơn của thị trưởng Trần Văn Phước, ông ta mượn tiền ngân hàng để xây và sau đó bán các gian hàng cho những người như mẹ mình, đã thu vốn lại và trả hết cả vốn lẫn lời. Mình có kể vụ này rồi.

Theo mình hiểu, ông Trần Văn Phước là thị trưởng người Việt tại chức lâu nhất. Sau ông ta có vài người chỉ được bổ nhiệm vài năm hay vài tháng, đặc biệt có một nữ thị trưởng đầu tiên, tên Nguyễn Thị Hậu, mình có người dì bà con, làm thư ký cho bà, khen bà này giỏi lắm. Nghe nói bà ta đã từng làm người mẫu cho Cát Tường Le Mur ngoài Hà Nội. Người cuối cùng trước khi Đà Lạt di tản là ông Nguyễn Hợp Đoàn. Ông này sang Hoa Kỳ, mở tiệm bán đồ trang trí nội thất rất thành công. Ở Cali, cũng có một ông tướng mở tiệm loại này khá thành công, nay qua đời, cái tiệm chắc con cháu bán nên đã được phá huỷ để xây trung tâm văn hoá, thương mại.

Sau 1963, Đà Lạt bắt đầu xây lộn xộn. Các cuộc chỉnh lý liên tục, thay thị trưởng như chong chóng nên không có ai làm gì cho sự phát triển Đà Lạt, để lại dấu ấn thêm các ông tá được chỉ định làm thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức, để lo về an ninh, vì Việt Cộng đánh phá. Mình chỉ biết ông Nguyễn Hợp Đoàn có chương trình dời 2 bến xe đò ở trong thị xã ra ngoại ô, ở đường Nguyễn Tri Phương mà ngày nay mình thấy họ làm ở địa điểm đã dự tính trước 1975. Ông cụ mình làm ở Ty Công CHánh và Công Quản Nước Đà Lạt nên hay kể cho bạn nghe còn mình thì hóng chuyện người lớn. Chán Mớ Đời 

Mình thấy bản vẽ thiết kế chợ Đà Lạt và xung quanh của kiến trúc sư Nguyễn Duy Thức thì không thấy khách sạn Mộng Đẹp và nhà hàng La Tulipe Rouge. Những địa điểm này được thiết kế xây vườn Bách Thảo, hoa để du khách và thị dân du ngoạn, ngày nay người ta gọi là vùng xanh. Sau này, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được chỉ định, thiết kế đô thị khu Hoà Bình và Chợ Mới Đà Lạt nên mới thấy các khu phố hai bên chợ và nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. 

Mình thấy cái cầu nổi đi vào chợ là điểm hay nhất của thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, chỉ tiếc là cầu thang lớn đi xuống chợ, không được liên kết với nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. Dượng Thụ đã từng ở La MÃ 3 năm, có thể dùng cầu thang chỗ công trường Tây Ban Nha làm mẫu.

Xem hình trên, mình đoán được chụp trên mái nhà của Khu Hoà Bình. Cận cảnh là khu thương mại, có “arcade “ không biết tiếng Việt gọi là gì, sau này kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, thiết kế phá bỏ, bù lại thì thêm khách sạn Mộng Đẹp và nhà hàng La Tulipe Rouge hai bên cầu thang đi xuống chợ. Mình có kể trong bài sự thành lập Khu Hoà Bình.

Ngoài ra thay vì làm vườn hoa như dự định, họ xây thêm mấy căn phố bên phải của đại lộ đi vào từ bùng binh, căn đầu tiên là cà phê Hạnh Tâm, có một ngân hàng tên Nam Đô và tiệm chụp hình gì quên tên, chắc phải lục lại mấy bài viết của mình trước đây. Già rồi nên bắt đầu quên. Chỉ nhớ là ở đường Duy Tân có một tiệm, con trai ông này, tên gì có chữ Khánh, ra đó mở để chụp hình lưu niệm cho du khách đến xứ hoa Anh Đào.

Ta thấy từ bùng binh cầu Ông Đạo chạy vào chợ có một đại lộ rộng thênh thang, hai bên đại lộ là bãi cỏ và vườn hoa. Hai bên hông vườn hoa , có hai con đường nhỏ để xe hơi có thể chạy ra, hay để đậu xe, ngoại quốc gọi là lộ chửa cháy. 

Trong trường hợp có sự cố ở trong chợ, xe không vào được vì kẹt xe,…thì xe cứu hoả có thể chạy theo hai đường nhỏ này vào. Mình về Đà Lạt thì thấy đông nghẹt, xe và người chen chút, chỉ cầu mong là đừng cháy chợ vì sẽ có người chết rất nhiều, không thoát được và xe vòi rồng cũng không chạy vào được. Mình có đi vòng vòng để xem có những vòi nước lớn để khi khi có cháy thì nhân viên cứu hỏa có thể sử dụng để chửa cháy thì tuyệt nhiên không thấy. Bệnh nghề nghiệp. Khi vào rạp xi nê hay đi xem hát, khách sạn,…mình luôn luôn xem lối thoát chửa cháy. Chán Mớ Đời 

Khi xưa, ở hai đầu chợ, đều có bể nước nên khi có hoả hoạn, người ta có thể lấy nước dội để dập tắt lửa nhỏ. Nay thì tuyệt nhiên không thấy. Có lẻ họ dấu chỗ nào mình không thấy.

 Mình nhớ sau này, khi có chợ Tết thì hai bên đại lộ từ Cầu Ông Đạo chạy vào, xe đậu nghẹt nhưng không thấy ai đậu xe ở hai đường nhỏ cả.

Dọc con đường Lê Đại Hành đã thấy trồng mấy cây mai, nở vào mùa xuân, đẹp lạ lùng. Mấy kiosque ở đường Thành Thái, nằm thấp dưới, không choáng tầm nhìn của dãy nhà, đúng hơn là cư xá công chức bên tay phải. Tiệm kem Việt Hưng là căn đầu, của một ông người bắc, nhà đâu trong đường Trần BÌnh Trọng, mình có học ở vườn trẻ Thanh Ngọc với hai cô cháu của ông ta.

Thị trưởng Trần Văn Phước (ngồi giữa), người có công xây dựng Đà Lạt sau khi người Pháp về nước. Ông này sinh trưởng tại Nam Vang, được ông Ngô Đình Diệm bổ nhiệm lên Đà Lạt. Ông ta mượn tiền để xây chợ Đà Lạt, được xem là ngôi chợ đẹp nhất Đông Nam Á dạo đó.

Mình kể cho những người cùng thế hệ của mình hay lớn tuổi chớ thế hệ của em mình thì chắc như bò đội nón, chả hiểu mô tê chi. Cuối đường Thành Thái là rạp xi-nê Eden, sau này bán lại người Việt, đổi tên lại Ngọc Lan và Ngọc Hiệp.

Phía bên kia hồ Xuân Hương thấy con đường Trần Quốc Toản, nối liền với Phạm Ngũ Lão ngay ngã ba đường lên dốc nhà thờ Con Gà. Không nhớ đường này gọi là gì. Hình như Lê Đại Hành, kéo dài từ đây qua cầu Ông Đạo rồi lên đến khu Hoà Bình. Bên tay trái, thấy biệt thự của bà dược sĩ Nguyễn Thị Hai mà nay họ mới đập bỏ, để nới rộng con đường Trần Quốc Toản. Phía sau hơi mờ là khách sạn Palace.

Hình này, cho thấy họ đang làm đường, tráng nhựa, thấy chiếc xe hủ lô của ty công chánh khiến mình nhớ vài kỷ niệm về làm đường ở Đà Lạt khi xưa. Hình này cho thấy họ mới trồng mấy cây tùng nhỏ ở ngay bùng binh, sau này to lớn hơn, không biết bây giờ còn hay không.

Bên phải là một phần của chợ mới Đà Lạt vừa mới xây xong, cầu thang to lớn để nối với khu Hoà Bình. Chúng ta thấy dãy phố do ông Võ Đình Dung xây cất cho thuê, sau này thì bán lại, khá nhiều mấy người gốc Hoa mua như Chic Shanghai, Vĩnh Chấn. Mình chỉ nhớ căn đầu bên trái, chỗ cầu thang đi băng đến đường Trương Vĩnh Ký, là nhà ông trồng răng của ông Trình, mình có học chung con ông ta tên Huy. Tên này đánh vũ cầu rất hay.

Điều phản cảm nhất trong tấm ảnh này là khách sạn Thuỷ Tiên 4 tầng, được xem là cao nhất Đà Lạt thời đó, nằm chình ình sau dãy phố của ông bà Võ ĐÌnh Dung. Bên phải chỗ cái talus là dãy phố rất tây, có arcades để tránh nắng vào buổi chiều. Nếu đi phố thì ai cũng thấy phía dẫy phố đồng hồ Tiến Đạt và tiệm thuốc Anh Lân, đều có máy tấm vãi che nắng vào buổi chiều để tránh nắng lọt vào. Có dịp mình sẽ kể rõ hơn. Sắp đi chơi cả tháng nên không biết có nhớ khi về. Ai thích thì nhắn mình.

Tấm này chắc được chụp cùng lúc với tấm trên cho thấy bên tay trái, đã bắt đầu thực hiện vườn hoa ngay cầu thang, còn phía bên phải thì bến xe đò Chi Lăng đã hoạt động, không thấy La Tulipe rouge hay khách sạn Mộng Đẹp. Tấm ảnh này chỉ rõ cầu thang chợ đi lên rồi nói tiếp với cầu thang chỗ phòng trồng trăng nha sĩ Trình, và đường Trương Vĩnh Ký. Mấy cái bàn với dù được dựng lên để bán đồ kỷ niệm cho du khách nhưng không có ai mua cả, cuối cùng quăng. Lý do không ai muốn mỗi ngày phải đem đồ đến bán rồi tối đem về. Đà Lạt mùa mưa gió là chết, không có chỗ núp.

Ông này xin phép xây 3 tầng nhưng chơi cha thiên hạ, xây thêm 1 tầng và đóng phạt nhè nhẹ, thị dân Đà Lạt mất một công viên để ra đây chơi. Phải bò đến vườn Bích câu mới có chỗ để tâm sự buồn vui đời anh em.

Hình này sau 1963, ông thầu khoán xây chợ mới Đà Lạt, tên Nguyễn Linh Chiểu, chạy chọt làm sao mua miếng đất chỗ cái vườn hoa bên cạnh cầu thang lớn, xây cái khách sạn to đùng. Cái mất dậy là ông ta xây lậu thêm 2 tầng, khiến che mất quang cảnh của thị dân từ khu Hoà Bình xuống hồ Xuân Hương. Nghe nói ông ta có bị phạt nhưng nhẹ, đút lót một tí là xong với quan chức đệ nhị cộng hoà.

Nếu mình không lầm cửa chính đi vào nhà hàng từ cầu thang. Khi có tiền mình hay đến đây mua bánh mì thịt có pâte gan, ăn ngon kể gì. Chỗ này có nhảy đầm, ăn uống dành cho giới thượng lưu Đà Lạt khi xưa. Ca sĩ Khánh Ly khởi nghiệp tại vũ trường này. Mình không biết Xí Rổ chém Đại Ca Thay ở đây hay phía dưới bên sẽ đò. Nghe kể khi xưa, Xí Rổ giỏi võ.
Nhà hàng La Tulipe Rouge, được xây cất 2 tầng, để không che quang cảnh từ khu Hoà Bình. Trong khi khách sạn Mộng Đẹp chơi cha, xây thành 4 tầng, che lấp hết. Hình này cho thấy cái tháp chuông, điểm nhấn của Đà Lạt tương tự khi người ta trông về phía nam thì sẽ thấy tháp chuông nhà thờ Con Gà.
Tấm ảnh này chụp ngày trên đường Lê Đại Hành, cho thấy khách sạn Mộng Đẹp của ông Nguyễn Linh Chiểu, xây lậu thêm 2 tầng nên che lấp quang cảnh của Đà Lạt nhìn từ khu Hoà Bình, nhất là từ xa người ta thấy khách sạn này che mất cái tháp chuông của khu Hoà Bình. Mình thích tấm ảnh này vì có chiếc xe Jeep của ông cụ. Đà Lạt khi xưa chỉ có một chiếc xe Jeep tư nhân, sơn màu xanh da trời, thêm bảng số nữa.
Họa đồ thiết kế đầu tiên của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, rể Đà Lạt cho thấy chiếc cầu nổi, nối khu Hoà Bình vào lầu 2 Chợ Mới. Thấy cầu thang cắt ngang dãy phố nhà hàng La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp. Đặc biệt là các kiosque dọc bên đại lộ từ cầu Ông Đạo chạy vào, khác với hoạ đồ cuối cùng. Bãi đậu pedalo nhà hàng Thanh Thuỷ sau này.

Mấy căn phố trên đại lộ vào chợ mới Đà Lạt. Căn đầu tiên bên phải là tiệm cà phê Hạnh Tâm
3 căn phố gần chợ. Dạo ấy thị dân Đà Lạt ít ai có xe nên đi bộ mệ thở
3 căn phố như hình trên nhưng hình màu, chắc người Mỹ chụp vì dạo ấy ít người Việt chơi hình màu lắm. Có tiệm hớt tóc, còn 2 căn phố kia chưa có người mua hay mướn, một sau này là tiệm chụp hình còn Nam Đô Ngân Hàng là căn thứ 4.
Hình này chắc chụp từ trực thăng, thấy mấy căn phố cách nhau, đại lộ vào chợ, hai bên có con đường nhỏ để vòng ra. Khách sạn Mộng Đẹp (Modern) nằm sát dốc Lê Đại Hành. Mình thấy đường Thành Thái có tiệm gà Gala với cái nóc nhà khác với tiệm kia. Bên trái là rạp xi nê Ngọc Lan.
Hình chụp từ đầu đại lộ đi vào, bên phải các căn phố đang được xây cất. Khi xưa đi bộ chỗ này mệt thở vì to rộng. Vào dịp Tết thì họ cấm xe đi vào phía sau chợ nên xe đậu suốt hai bên đường đầy. Lý do là họ dùng đường để làm chợ cho những ai muốn kiếm thêm tiền đẻ ăn Tết. Đông lắm. Bên trái chợ, có căn 3 tầng, đối diện photo Hồng Châu, sau này bị phá bỏ.

Bên tay phải cầu thang cũng khệnh nhà hàng La Tulipe rouge, trông rất phản cảm, làm mất vẻ oai vệ của cầu thang. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn