Tết Mậu Thân

Trong suốt 17 năm sống tại Đàlạt, có lẻ Tết Mậu Thân đã để lại nhiều dấu tích nhất trong tâm khảm mình. Từ một đứa bé thơ ngây, chỉ biết đánh đáo, bắn bi hay phá xóm, đến khi hiển thị biến loạn này, mình như bị bắt buộc làm Phù Đổng, phải vươn vai lớn mạnh, tâm trí bị ám ảnh bởi cái chết, tiếng súng, bom đạn. Nghi ngờ ai nằm vùng, ai chống cộng nên từ dạo ấy mình chơi toàn với con gia đình chống cộng, dân di cư.
Mình nhớ Tết năm ấy, nhà mình ăn Tết rất lớn nghĩa là có chả thủ, thịt đông, bánh tét, dưa hành,… Mọi năm ông cụ mình chỉ mua 2 phong pháo Điện Quang nhỏ để đốt đêm Giao Thừa và ngày mồng 3 khi cúng ông bà. Năm ấy, ông cụ mình làm cây nêu, hình ảnh thân thương của quê nội, đem theo vào nam, khi ông cụ chạy thoát cuộc bao vây của du kích trong làng năm ông lên 18 tuổi.
Nghe kể đêm đó, du kích bao vây nhà ông bà nội như được kể qua bài hát “Người Anh Vĩnh Bình” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, chỉ khác kết cục là ông cụ trốn được thay vì bị chặt đầu như người anh Vĩnh Bình. Ông cụ đã nghi ngờ khi chiều ở trên đê nên đã đề phòng, chỉ kịp chào bà nội “con đi” rồi vượt hàng rào hàng xóm, trốn ra Hà Nội rồi gia nhập quân đội vào nam. Và cũng từ đêm ấy, ông bà nội lấy ngày ấy làm ngày giỗ của ông cụ vì nghĩ chắc du kích đã giết ông cụ rồi quăn xác ở đâu, trong làng sợ không dám lên tiếng đến khi Cộng sản hoàn toàn làm chủ Việt Nam năm 1975 thì ở quê mới khám phá ra ông cụ thoát hiểm đêm ấy nhưng lại bị đi tù.


Năm ấy pháo rẻ, ông cụ mua đâu 10 cái bánh pháo Điện Quang, rồi nối lại nhau dài đến 2 thước treo lên mái hiên nhà, treo lũng lẵng, nơi cái gậy treo cờ. Mình được ông cụ cho phép, cầm cây hương, dí vào ngòi pháo. Xì xì xì tạch tạch tạch tạch đùng….. Những tiếng pháo đại nổ in ỏi. Đám con nít hàng xóm vây quanh, mình cầm cây hương, vươn mặt oai phong nhìn bọn chúng thèm thò. Mấy đứa con nít hàng xóm, đứa thì bịt tai, đứa thì chạy lại lượm pháo bị đẹt, không cháy hay nổ, để mở ra, đổ thuốc súng, đốt cái xèo làm cháy đen nền xi măng.
Ngoài ra ông cụ còn cho mình một bánh pháo Điện Quang riêng, tháo ra hết pháo để dành bắn nhau. Mình lấy cái thước vuông, đi học, dài 30 cm, được sơn 4 màu vàng xanh đỏ trắng. Lấy cái đinh cột xuống cái thước có chấn miếng gỗ với dây cao su ở một đầu, phía đầu kia thì cột dây cao su dài. Bấm cái đinh lên, kê cái tim pháo để cái đinh kẹp lại, lấy dây cao su ở đầu kia, kéo căng ra, móc vào viên pháo. Lấy cây hương đốt lửa xong, châm vào cái tim pháo, cháy đứt cái tim, sợi dây cao su sẽ bắn viên pháo về phía trước đến khi nổ tung cái đùng. Chơi xong thì pháo cháy nám hết cây thước. Chán mớ đời.
Ngoài ra mình còn chơi trò, cắm pháo vào bãi cứt bò trên đường Thi Sách, đợi cô nào bận áo dài, gần đi ngang đến, châm lửa rồi bỏ chạy, pháo nổ bắn cứt bò bay tứ tung như mìn Claymore, để rồi nghe đám con gái chửi thề. Sướng chi lạ. Hay lấy lon sữa bò, úp trên pháo, lòi cái tim ra, rồi đợi có chiếc xe gắn máy hay ông T, chạy xe đạp lại gần, đốt pháo nổ tung cái lon lên trời khiến mấy người lái xe hay ông T, giật mình ngã xuống đường. Vui chi lạ! Sau này có con không dám chỉ chúng chơi pháo kiểu này. Chán mớ đời. Một đời ngu dại.
Ngày mồng một chơi pháo đã, được lì xì, bận áo quần mới. Mỗi đứa trong nhà được bà cụ sắm cho hai bộ quần áo để bận cả năm. Bộ bận còn bộ kia để giặt, ngoài ra còn có vụ tiếp thu áo quần của anh hay chị lớn để bận lại…. Tối giao thừa, bà cụ kêu mấy anh em đun nước sôi, tắm gội cho bay hết cái xui của năm tháng cũ.
Sáng mồng hai thức dậy thì thấy ông bà cụ lo lắng, không cho mấy anh em chạy ra sân, bảo ở trong nhà rồi nghe đài Sàigòn, có ông Nguyễn Cao Kỳ, kêu gọi quân nhân về phép, ra trình diện tại các nơi có quân đội đóng, còn công chức thì trình diện ở công sở,… lâu quá rồi không nhớ gì nhiều, chỉ nhớ ông này có cùng ngày sinh nhưng khác năm với mình, quê ông ta cách quê nội mình độ 30 cây số. Mình chỉ nhớ dạo ấy đi về mấy chỗ như Tùng Nghĩa, Đa Thiện thì hay thấy những tấm bảng đề: Chính phủ NCK là chính phủ của dân nghèo….
Dạo ấy ở Đàlạt, ngay cạnh hội trường Hoà Bình, phía mấy kiosk bán hoa lan, họ có làm một pháp trường hình chữ U, chất bao cát xung quanh cái cột để trói tử tội, để bắn những ai tham nhũng, đầu cơ tích trữ, để làm gương. Mỗi lần ra chợ, đi ngang qua thấy ớn ớn dù Đàlạt chưa bắn ai. Dạo ấy ông NCK ra lệnh bắn Tạ Vinh, một gian thương giàu có ở Chợ Lớn. Nghe vợ ông ta kể là đại diện thương gia Chợ Lớn đến nhà đưa 200 triệu đồng để ông ta tha mạng cho Tạ Vinh nhưng ông ta từ chối. Ông này nhường cho ông Thiệu làm tổng thống và đứng sau làm phó tổng thống, sau này bị chặt vây cánh hết.
Rồi mồng 3, thì thấy trực thăng lượn trên trời khu nhà mình, bắn hoả tiển, đại liên M60 xuống khu số 4, làm vỏ đạn rơi xuống khu nhà mình ở, làm lũng mái tôn hay mái ngói, đến mùa mưa phải vá mệt thở. Rồi máy bay khu trục Skyraider thả bom Napalm xuống khu Số 4, khỏi xăng bay mịt mù. Vá mái tôn thì lấy xăng ngâm mấy miếng nhựa (foam) của mấy thùng đồ mỹ màu trắng, tránh lung lay khi di chuyển, làm nhão ra rồi trét lên chỗ lũng. Hết dột.
Rồi thấy lính chạy đến khu nhà mình canh gác nên mọi người chui vào trong nhà. Trên nhà thờ Domaine de Marie, VC núp trong nhà thờ, gác chuông bắn sẻ ra rồi lính bắn trả lại. Trên xóm Thi Sách, cạnh nhà ĐGL, có ông Đức, em của nhà trồng răng Nguyễn Văn N, mở cửa sổ xem bắn nhau bị VC bắn trúng ngay bụng, chở lên nhà thương. Mình và vài người đứng dưới cây mai, nở hoa xuân đỏ rực, xem máy bay bắn hay oanh tạc vùng số 4 còn hay hơn xem xi nê.
Máy bay lượn vòng vòng, rồi khi chiếc máy bay bà già từ phi trường Cam Ly lượn trên trời, nghe Cóc cóc, tiếng AK 47 rồi máy bay bà già L-19 bắn đạn khói xuống rồi bay mất, 2 chiếc khu trục thay phiên nhau quần vòng vòng rồi bắt đầu chúi xuống, nhắm hướng Số 4 bay tới rồi thấy bom được thả ra từ chỗ trường Đa Nghĩa, vài giây sau thì thấy một làn khói đen bùng lên rồi tới màu đỏ rồi nghe Ầm, làm tức ngực, rồi mùi khét khét của nhựa bốc lên.
Sau đó khu trục cơ, vòng lại rồi bay xuống bắn đại liên rồi dọt tiếp. Rồi trực thăng đến, cũng bay lòng vòng trên khu xóm nhà mình, bắn đại liên hay hoả tiển về phía Số 4 hay nhà thờ Domaine de Marie mà VC cho người vào chiếm. Đứng trong sân nhìn lên thấy rõ tên mỹ, cầm đại liên bắn ào ào, tầm độ 100 thước chiều cao. Sau này xem xi nê hay truyền hình thì thấy y chang mấy tên mỹ bắn đại liên mà khi xưa, mình nhìn thấy trong vụ đánh Mậu Thân.
Xóm mình, cách nhà thờ Domaine theo đường chim bay độ 300 thước, nằm dưới đồi nhà thờ nên đứng nhìn lên. Có lần, trên nhà thờ, VC bắn B40 vào chiếc M113 nhưng hụt, bay xuống đường Thi Sách, bay vào bụi chuối của bà làm vườn, chửi cả xóm khi bị mình và thằng K (sau này làm hiệu trưởng trường học nào ở Đàlạt) ăn trộm buồng chuối, nổ cái ầm, cây cối bay tứ tung, khiến dân trong xóm hết dám ra đường xem trực tiếp xi nê chiến tranh.
Mình đứng xem trực tiếp cảnh chiến tranh thì bổng nhiên mình nghe ai nói bên tai, đi vào nên đi vào nhà. Không nhớ là em mình hay bà cụ hay ai đó. Mình vừa bước đâu 10 mét, dưới cái mái hiên nhà thì một trận mưa vỏ đạn rơi lụp cụp xuống ngay sân. Mình nghe la ó thì quay lại, thấy ông đứng cạnh mình trước đó 5 giây ôm đầu té dưới đất. Một vỏ đạn M60 rơi trúng đầu. Mình không biết mặt ông này, vì không ở trong xóm, sau này đoán là VC nằm vùng, đang quan sát. Người đi chung với ông ta đưa ông ta đi đâu. Dạo ấy con nít hàng xóm và mình lượm vỏ đạn khá nhiều, móc lại với nhau đeo trên vai như Rambo.
Mấy ông hàng xóm tụ tập, to nhỏ không biết tin tức được cập nhập từ đâu. Ông thì nói VC đang tấn công Tiểu Khu, ngay góc Đào Duy Từ, ông thì nói họ đang tấn công đài phát hành Đàlạt, Hôtel Du Parc ngày xưa. Rồi Grand Lycée bị chiếm,…
Rồi lại nghe bắn nhau phía Khu Hoà Bình, thấy cháy phía đó. Có người đi đường ngang xóm kêu tiệm bà Cháu ở đường Phan Bội Châu, bán xe gắn máy bị cháy, đối diện bến xe Tùng Nghĩa. Bà ni hình như người cùng làng với bà cụ mình. Nghe nói có tên VC nào leo lên gác chuông của rạp Hoà Bình, bắn sẻ máy bay… lâu quá không nhớ nổi.
Ngày mồng 4, thì thấy gia đình Dì 3 Ca, trên số 4, bà con với bà cụ mình, gồng gánh chạy xuống nhà mình tản cư. Mấy người khác chạy giặc thì chạy vô trường Việt Anh, Đoàn Thị Điểm hay các trường khác tạm trú. Dì 3 Ca gọi mệ ngoại mình bằng Dì. May quá, căn nhà bên cạnh số 47/2 bỏ trống. Căn này do gia đình mình ở từ khi dọn từ Ấp Ánh Sáng về nhưng khi ông bà Hai, xây nhà ở dưới Địa Dư thì gia đình mình dọn qua số 47/1, rộng rãi hơn, thêm có đất sân rộng, sau này ông bà cụ cắm dùi miếng đất bên cạnh, xây căn nhà 2 tầng.
Gia đình Dì ở căn này thêm hai cặp vợ chồng làm vườn cho ông bà cụ trong Sú Tía, trốn VC, chạy ra ở luôn đây đến khi chú 2, chú Nhị đi lính thì gia đình mình bỏ làm vườn luôn. Dượng 3 Ca kể là mồng hai thì VC về, đi ngang nhà từ Số 6, nên dượng kêu mấy người con đào hầm phía sau vườn. Cả nhà kéo nhau ra ngoài hầm núp như thời Tây đổ bộ sau 45 ở Huế. Sáng mồng 4, thấy hơi yên nên sai người con lên nhà bưng đĩa bánh tét, trái cây cho em út ăn. Người con chạy lại hầm, mặt xanh đít nhái, nói không ra hơi, kêu ba ra coi.
Trước sân nhà có trái bom 100lbs, không nổ nằm chình ình giữa sân, xung quanh là cây mận, ổi và hoa cháy rụi. 2 phút sau, cả gia đình chạy xuống nhà mình, cách số 4 độ 2 cây số. Khởi đầu cho cuộc tản cư Mậu Thân, có dịp mình kể những chuyện vui thời tản cư Mậu Thân, không đi học mấy tháng, ở nhà chơi với đám anh bà con này và hàng xóm.
Mồng 5 Tết thì cô hàng xóm chạy qua nhà mình, khuôn mặt ngày thường rất xinh nhưng hôm đó xanh như đít nhái, run run nói với ông bà cụ mình: em thấy họ đi ngang nhà mình, đông lắm dưới đường Hai Bà Trưng. Đám VC này ra phố nhưng nhà ai cũng là cửa tiệm nên có cửa sắt nên họ không vào được, không chào đón quân đội bác Hồ như tuyên truyền, bị máy bay truy kích nên rút về Số 4.
Đàlạt theo trí nhớ của mình thì chỉ có đánh nhau độ 3 ngày là xong om.
Trên trường thông báo lên lấy bài tập về làm trong thời gian bãi khoá bất đắc dĩ. Cô Liên cho bài thằng Bờm, mình đã ngu mà thằng bờm này có vẻ ngu hơn, trâu bò không lấy chỉ lấy nắm xôi. Gợi nhớ con cháu bần cố nông.
Tưởng VC đi rồi, bị đánh văng khắp nơi, ai ngờ mấy tuần sau, mấy ông Kẹ lại tổng công kích đợt 2. Kỳ này thấy máy bay bắn phá tiếp. Từ nhà mình nhìn qua bên đồi Ấp Mỹ Lộc, cạnh chùa Linh Sơn, thấy mấy cái hầm VC, mà sau này người ta khám phá ra cấp chỉ huy, xiềng chân mấy ông kẹ nên chỉ có tử thủ. Hình như sau khu này là trường Chiến Tranh Chính Trị. Mình thấy sinh viên trường Võ Bị, cầm súng Garant dài, chạy ngang chạy dọc từ đường Phan Đình Phùng lên, để tránh đạn của mấy ông kẹ tử thủ ngay mấy cái lô cốt.
Lâu lâu thấy ông té xuống, có người đứng dậy, có người không. Độ 2 tiếng sau thì họ phá được 4 ổ châu mai, quăn lựu đạn nổ ầm ầm như xi nê. Đó là lần cuối mình được xem đánh trận hay chạy giặc. Sau đó thì mỗi tối, mình với ông cụ ra phố ngủ tại nhà bà con ở đường Duy Tân đến khi yên tịnh mới dám ngủ đêm ở nhà. Lý do là đêm đêm, VC nằm vùng về, họ xử tử mấy ông công chức hay khu phố trưởng ở Số 4. Mấy nhà có cha chồng làm công an ở khu xóm mình đều có hàng rào kẻm gai, treo mấy lon bia, coca không để làm hiệu khi ai đụng đến. Có thằng chơi bắn bi với mình, nay bị bắt ở trung tâm thẩm vấn. Hỏi ra mới biết là nằm vùng. Từ dạo ấy mình phải cẩn thận quan sát đám học chung.
Sau đó thì xem truyền hình, phim thời sự cứ thấy mấy bà đeo tang khóc ở Huế, mới biết VC về chôn sống, giết người kiểu Việt Minh khi xưa, làm thịt công chức, quân nhân của VNCH. Sau này bà Nhả Ca có viết thuật lại mấy vụ này trên báo Sóng Thần thì phải, hay Tiền Tuyến, mình có đọc hàng ngày. Mình cũng không rõ lắm đến khi chị H, từ quê bà cụ vào, giúp việc cho gia đình mình, kể ông anh bị họ chôn sống với mấy người trong làng, như chồng Mụ Rớt bán bún bò nổi tiếng, bị bắn trước nhà, trước mặt vợ con khiến mình rùng mình. Sau này qua Tây đọc về Lenin mới hiểu cách mạng bạo lực.
Sợ nhất là một sáng chủ nhật, mình thức dậy, ra sân chơi thì thấy ai treo cổ mấy cái hình nộm HCM, Lê Duẫn nơi cây Mimosa nhà mình. Dạo ấy mình chưa bao giờ thấy hình HCM, thấy mấy cái hình nộm HCM khiến mình kinh khiếp, chạy vào nhà báo ông cụ. Ông cụ để đó mấy ngày mới dẹp. Chắc có ai làm trong chương trình Phụng Hoàng, treo nơi cây nhà mình để quan sát. Mình đi trong xóm thì ít thấy nhà nào bị treo hình nộm.
Hơi dài thôi hôm nào kể tiếp.
Hôm trước, Chức nữ cho một số táo tàu mà cô nàng tự phơi khô. Mình nấu với tim hạt sen cho đồng chí gái uống, khỏi cần thuốc ngủ. Vợ kêu ngủ tới sáng luôn. Bác nào có bệnh mất ngủ thì dùng thử. Em cũng uống nên không nghe vợ ngáy bên tai.
Xong om
Nhs

Chuyện tình Nữu Ước

Dạo đi làm ở New York, mình có quen một tên Bắc kỳ, sinh hoạt ở hội Thanh Niên Thiếu Niên, thường được mọi người gọi là Sơn Taxi. Hắn thua mình đâu 2 tuổi, cũng đang kiếm vợ. Hắn kể; đọc cuốn "Đời Phi công" của ông Nguyễn Xuân Vinh nên mê làm phi công nhưng dáng người nhỏ bé nên đi học kỹ sư hàng không như tác giả "đời phi công". Khi hắn vào học đại học thì ngành này thịnh lắm nhưng khi ra trường thì đúng thời điểm, tổng thống Reagan và Gorbachov, kí hiệp ước về vũ khí hạt nhân nên ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ được cắt giảm, khiến mấy công ty làm về quốc phòng sa thãi nhân viên như rạ.
Ra trường, kiếm không được việc làm, hắn đi lái taxi ở New York, kiếm tiền tạm sống, đợi thời. Hắn có một tên bạn thân, cùng sinh hoạt với ca đoàn của nhà thờ ở quận Bronx, phía bắc Manhattan, tên là Hải Phòng, tên Hải nhưng gốc Hải Phòng. Tên này nhờ ở trại tị nạn hongkong lâu năm, học được nghề thợ mộc nên sang New York, hắn làm nghề thợ mộc, đóng bàn, đóng tiệm, sửa nhà cho dân mít nên cũng kha khá.
Hắn hay nhờ mình vẽ hoạ đồ, nộp xin phép thành phố. Hắn xúi mình đi thi lấy bằng thầu khoán nhưng dạo đó mình chỉ muốn kiếm vợ, chưa cần tiền, không ngờ sang Cali, cuộc đời đưa đẩy mình làm thầu khoán. Hai tên này thân nhau từ khi còn ở trại tỵ nạn Whiteheads, Hongkong. Sơn Taxi thì thuộc thành phần con cháu của Bắc kỳ 54, còn tên Hải Phòng thì vượt biên từ Hải Phòng sang Hongkong, rồi được Mỹ nhận cho định cư.

Vợ mình Văn người

Mình thường nghe người lớn tuổi kêu "văn mình vợ người" nên hay thắc mắc không hiểu lắm nhưng không dám hỏi, sợ bị chửi đồ ngu. Không biết lý do gì, mà người ta khen vợ người khác, lại chê vợ nhà, ngược lại cho văn của mình là số một còn văn người khác là cà chớn.
Có lẻ khi xưa, ở làng quê, ít ai học chữ, truyền thông không như ngày nay nên lâu lâu ai hứng làm được bài thơ, vài người bạn biết chữ trong làng xúm lại, nhậu xỉn, bình bầu nên tự cho là số một như con ếch ở đáy giếng, kêu ẹc ẹc còn ngày nay sách báo tràn lan nên không thể tự cho văn thơ của mình là số một.
Mình tình cờ viết kể vài kỷ niệm của thời đi học ở Đà Lạt cho cô bạn học cũ ngày xưa rồi cô nàng hỏi còn nhớ gì khác kể tiếp, hứng lên viết ào ào chuyện đời xưa như sợ quên ký ức một thời. Viết xong mình cũng không nhớ đã viết gì vì không đọc lại. Hôm trước đi Yosemite chơi thì đồng chí gái mở nghe đài phát thanh Văn Học, có anh bạn kể lý do anh ta đọc lại và chọn lựa một số bài tiêu biểu để in thành tập “Mực tím sơn đen”.
Lúc đó mới hiểu ý định của anh ta. Anh ta cho biết những câu hỏi mình đặt ra về bản sắc, văn hoá,…, tố chất Việt sau 43 năm xa Đà Lạt cũng là những câu hỏi mà chính anh ta cũng tự hỏi. Anh ta kể nếu in hết thì mất đến 3 ngàn trang. Rốt cuộc cuốn sách đúng 471 trang mà cô em ở Đà Lạt kêu đúng số nhà của gia đình ở từ 52 năm nay. Mình không bao giờ nghĩ đến in sách vì ngay trong Ipad cũng để lộn xộn nhưng anh bạn này mến nên bỏ công sức rất nhiều, soạn theo thứ tự rồi xuất bản để bạn bè đọc cho vui như một kỷ yếu của trường Văn Học.
Lâu lâu có người imeo nói thích đọc loại thể bài về loại này, loại kia, người thì yêu cầu, đặt hàng viết về đề tài nào đó như Áo lụa Hà Đông, lịch sử ngục Bastille, nói đọc những gì mình viết đở mất công đọc sách Bình Dân Học Vụ,… có người kể là đi xe với nhóm bạn, lấy bài mình viết, đọc cho mấy người bạn trong xe để quên đường xa. Mấy người này rảnh thì đọc bài thâu băng để hms tải lên đài phát thanh Văn Học cho vui.
Cũng có người đề nghị bỏ dấu chấm phẩy vì đọc mệt thở, người thì kêu ráng xem lại tự vị dấu hỏi dấu ngã. Nhiều khi mình viết với iPhone nên lười đổi Keyboard. Đọc i-meo của họ khiến mình vui nhất là những lời khuyên chân thành, giúp mình cố gắng đừng xúc phạm thiên hạ vì có nhiều người không thích tên cúng cơm của họ đăng trên diễn đàn, ngược lại có người gọi điện thoại hỏi tên này con kia mày viết tắc là ai bú xua la mua.
Có người 10 giờ đêm, gọi hỏi câu gì mày viết tao chịu lắm nay bổng quên mẹ nó mất khiến mình như bò đội nón, không biết đâu mà trả lời. Hắn ngủ không được vì không nhớ lại đánh thức mình dậy. Mấy tuần nay mình cứ đoán mò xem cái cụm từ ấy là gì. Nhiều khi đang viết, bí chữ nên chế luôn, ai hiểu thì hiểu vì ngữ vựng tiếng Việt của mình rất ít vì học chương trình pháp ngữ khi xưa rồi học đại học ở Pháp quốc, nay ở Hoa Kỳ nên tiếng Việt cũng lọng cọng nên các bác châm chước dùm, đừng kêu em mất gốc.
Nói đến đây thì phải cảm ơn những bạn đã bỏ công thành lập diễn đàn, xếp bài vỡ trên trang nhà để bạn học cũ có thể tìm lấy mà đọc hay nghe nhạc. Người thì ghi lại hết tất cả điện thoại, imeo của bạn học xưa mà hôm trước Cô Liên có nhắc đến. Những công sức âm thầm của những chiến sĩ vô danh đó thường không được nhắc đến. Nay tổ chức hội ngộ, họ lại tốn công, sửa soạn cho bạn học cũ và thầy cô giáo ngày xưa gặp nhau. Đó là những chân tình của những kẻ không muốn được nêu tên, đã đóng góp nhiều tiền bạc, thời gian để mọi người có một diễn đàn nho nhỏ để tìm lại nhau.
Tuần trước, có anh chàng lâu nay không thấy vào diễn đàn, nay từ Việt Nam mua vé sang Hoa Kỳ chơi luôn tiện ghé Cali thăm cô Liên, bổng kể những kỷ niệm ngày xưa học cô những gì. Có cô hát hay nhưng dạo này không thấy xuất hiện, bổng gửi những chuyện đời vui vui lượm lặt, chia sẻ với bạn học cũ,…
Tương tự ở làng thì quanh đi quảnh lại cũng chỉ bao phụ nữ nên khi họ lên tỉnh thì khám phá ra nhiều cái lạ, thời trang như nhà thơ Nguyễn Bính khi xưa, ghen khi thấy cô gái trong làng đi tỉnh về, hoa đồng cỏ nội chút gì bay đi. Dạo mới sang Tây, mình thấy Đầm đẹp mê tơi, rồi sang Ý thì lại mê gái ăn spaghetti rồi sang Tây Ban Nha lại thấy đẹp nức nở rồi đi Đan Mạch, Thuỵ Điển thì mê gái tóc vàng, mắt xanh đến khi sang Mỹ thì thấy phụ nữ đẹp lạ lùng. Ở lâu quen thì thấy không có chi là đặc biệt nhiều khi thấy hơi thô thô, tương tự gái gốc Việt đều khác nhau vì bị ảnh hưởng văn hoá của nước sở tại.


Còn "vợ người" theo mình hiểu là vợ người ta hơn vợ mình thì mình như ngỗng ị. Nhiều người bạn chửi mình sao lại khen đồng chí gái khiến mình đã ngu lâu dốt sớm lại càng ngu bền vững, ngu có lập trường. Vợ mình thì mình khen chớ có khen vợ chúng đâu lại đi quở thiên hạ.
Ngày nay, có hai trường phái sử dụng máy điện toán: Apple và Microsoft. Công ty Apple có làm phật lòng khách hàng dùng máy móc của họ trước đây nhưng khách hàng vẫn trung thành tha thứ, đưa đến những iphone ngày nay nếu không thì đã xập tiệm từ lâu như AOL,… công ty Microsoft thì có đông khách hàng hơn nhưng khách hàng không trung thành với công ty này, kiểu xài tạm.
Mình có nhiều người quen, lấy vợ lấy chồng kiểu Microsoft nên khi thấy phần mềm khác thì khen chồng người ta như thế này, vợ người ta như thế kia, không bảo vệ thương hiệu của mình, mua dùng không đếm xỉa chi đến Microsoft. Anh dùng Microsoft Office nhưng thấy Google cho ra lò loại không tốn tiền thì anh bỏ trong khi người sử dụng Apple thì nhất trí dùng phần mềm của công ty này từ đầu đến mai sau cho dù phải trả giá đắt hơn.
Lấy vợ lấy chồng tương tự như xài Apple hay Microsoft. Mình phát hiện ra đồng chí gái và cố tạo dựng thương hiệu cho mối tình hữu nghị "Sơn Trinh", môi liền môi, răng liền răng, đời đời bền vững dù sông có cạn núi có mòn theo kiểu Apple. Vợ mình dù có cà chớn đến đâu cũng là vợ mình. Nếu vợ mình cà chớn là lỗi tại mình chớ không dính dáng gì đến thằng hàng xóm.
25 năm quản lý đời mình, đồng chí gái đã trải qua nhiều gian nan. Những ngày đầu, đem về giới thiệu gia đình bị bà con họ hàng chê bai, nói lấy chồng nghèo, để họ giới thiệu bác sĩ, nha sĩ nhưng đồng chí vợ vẫn kiên định, giữ lập trường, kiên quyết thoát ly theo mình làm cách mạng 1 cuộc sống 2 đời người. Mình nhớ tên 2b kể khi hắn đi lấy vợ, đàn bà có nhiều ước muốn, họ lên chương trình, năm này mua sắm cái này, năm tới mua cái kia,… đến khi gặp đồng chí gái thì mới hiểu.
Đồng chí vợ ra chỉ thị mua nhà trước khi làm đám cưới nên bao nhiêu tiền để dành, rút ra mua cái nhà. Ngày cưới, hai vợ chồng ngồi đếm tiền sau khi chào bàn để trả tiền nhà hàng. Đến khi mời ông bà cụ sang chơi năm 2000 thì đồng chí gái kêu mua cái nhà khác cho tươm tấc để ông bà cụ ở chơi cho vui và từ đó mình mới nghĩ đến mua nhà cho thuê. Nay thì đồng chí gái lại cấm mình mua thêm nhà, đành phải mua lén rồi về viết bản tự thú. Mình chỉ có một đam mê là tìm mua nhà không phải đặt cọc, ngoài ra không có gì làm mình nức nở cả.
Mình có tìm đủ mọi cách để xem vợ mình có khuyết điểm gì không thì không thấy, chỉ thấy đồng chí vợ cho ta mùa xuân. Có lẻ mình chủ quan. Đọc cuốn "Đắc nhân tâm" của ông Dale Carnegie thì có đoạn kể một bà vợ tham gia hội phụ nữ vùng lên. Bà ta hỏi ông chồng viết xuống 12 điều mà ông ta cần bà ta thay đổi. Chiều về ông chồng ghé tiệm hoa, mua cho bà vợ một tá đoá hồng rồi viết cho bà vợ là em không có khuyết điểm gì cả, cứ tiếp tục như vậy. Bà vợ khóc như mưa bất, chìm đắm trong hạnh phúc. Nhiều khi chấp nhận, thương người phối ngẫu, không cần họ phải thay đổi gì cả mà lại hay. Lâu lâu thấy khuyến mải, mua chậu lan về tặng vợ.
Có dạo mình đọc một cuốn sách của một tên mỹ nói là mỗi ngày hắn viết nhật ký, xem có cái gì hay của người vợ rồi ghi lại nên bắt chước nhưng mình thì thuộc loại đại lười, sau một tuần lễ ghi lại những ưu điểm thì mấy cái hay của đồng chí gái làm biến mất mấy cái tật cằn nhằn, cửi nhửi thường nhật như cái loa phường nên từ đó xem đồng chí vợ là tối thượng. Như xem Apple là tối cao, quang vinh, luôn tôn thờ. Ngược lại ai lấy vợ Microsoft thì cứ khen đáo, khen để vợ thằng hàng xóm, diễn biến hoà bình, ôm vào thì ôm đầu máu.
Trên facebook, có tên nào ngu dại, khen vợ người kể: "1 year ago, I swapped my wife for another attractive woman, I thought my wife was slovenly and unkempt. A year later, I met my ex-wife, she is incredible! She was just as beautiful as she has been the day we first met. And I understood everything. I didn't perceive the wonderful woman and mother in my wife. She created a cozy home and looked after the kids. She dedicated her free time not to herself but to me. She wasn't embarrassed by her sagging bust, and was proud of the fact she breastfed. She needed my support but I didn't even clean the dishes after myself. I didn't perceive the wonderful woman and mother in my wife but another man saw this."
Tình nghĩa vợ chồng như trồng cây, phải chăm sóc, tưới, vun sới, cắt tỉa cành xấu để cây hạnh phúc mới lên đều chớ một người bón phân, một người bỏ muối vào thì cây không sớm thì muộn phải chết.
Lâu lâu nhận imeo của vài người bạn, kêu chào nhà văn khiến mình ngượng vì không bao giờ có ý làm nhà văn. Nhà văn là người kiếm sống nhờ bài viết của mình trong khi mình chỉ bán được vài cuốn trên Amazon do một tên bạn mua tặng cho vợ hắn, 1 của một anh bạn đồng môn của đồng chí gái ở Việt Nam gửi mua mà cũng không thấy tiền nhuận bút gì cả. Mình chỉ tình cờ viết kể vài kỷ niệm của thời học trò rồi cô bạn kêu viết tiếp thì mình viết tiếp, không ngờ lên đến 3,000 trang mà nay thì chắc nhiều hơn mà mình cũng không cần nhiều đọc giả. Ai thích thì họ đọc rồi chuyền cho nhau nhưng mình đoán có độ 10 người đọc là quá.
Có cô bạn ngày xưa ở Việt Nam, nói là đều lưu hết những bài mình viết khiến mình rất cảm động. Cô này kêu khi xưa mình giỏi toán mà sao ngày nay lại viết kể chuyện đời xưa, đời nay hay ngày mai khiến mình ớ ớ, không biết trả lời. Có lẻ cô nàng sống ở Việt Nam nên quen cách phân chia, chọn lọc của chế độ, ai có quyền viết, ai có quyền hát,... phải là nhà văn ưu tú nhân dân anh hùng mới được viết, hay nghệ sĩ nhân dân mới được hát, trình diễn, ngoài ra chỉ được đọc và nghe.
Mình thích đọc văn thiên hạ hơn vì học hỏi được nhiều điều còn những gì mình viết thì trong vòng 1/2 tiếng đồng hồ, nhớ cái gì viết cái nấy, ai hỏi lại thì cũng chả nhớ đã viết gì, lại viết lén vợ cả bị la. Ai không nhớ cái gì mình viết thì đừng bắt chước ông thần kia gọi mình vào lúc 10:00 đêm. Mình cũng mù tịt vì không bao giờ đọc lại những gì đã viết.
Nay gãy chân, chắc là ngồi nhà viết mệt thở.
Sơn Đen

Làm sao giảm cân

Có mấy chị bạn gọi điện thoại, yêu cầu kể về những vấn đề liên quan đến sức khoẻ như ung thư, béo phì, cao áp huyết,… vì những thông tin mà họ nhận được từ bạn bè hay trên mạng rất đối nghịch với nhau, khiến ai nấy đều trớ trơ trơ trớ. Một chị bạn kêu có lần đọc tin tức cho biết mỗi ngày phải ăn một trái chuối trước khi đi ngủ rồi vài tuần sau lại có bài viết cho rằng không nên ăn chuối vì những lý do này nọ khiến chị ta lớ quớ. Chị này là vợ một bác sĩ danh tiếng. He he he
Vấn đề là mình không có học về y khoa hay dinh dưỡng cho nên hơi khó kể, thêm nếu đọc tài liệu bằng anh ngữ, pháp ngữ rồi dịch ra việt ngữ thì mình cũng bù trớt vì những ngôn từ y khoa khá xa lạ với mình, mà muốn hiểu thì phải điều nghiên khá nhiều thời gian. Bạn bè đọc thì chắc cũng sẽ lơ mơ cơ lờ mờ vờ hết. Ngày xưa học Vạn Vật năm 11 B và 12 B, môn Vạn Vật là hệ số 1 nên chỉ học đại khái 1 giờ mỗi tuần nay chả nhớ gì cả. Mình kể để các bác tìm tòi kiếm tài liệu mà đọc, chớ dại tin vào những gì em kể hay trải nghiệm nhé. Cẩn báo trước nhé.
Đi học thì người ta nói không ai giữ tiền bạc của mình kỹ lưỡng bằng chính mình còn sức khỏe là vàng nên mình cũng phải tìm hiểu để giữ gìn sức khỏe cho mình, không nên khoán cho bác sĩ hoàn toàn. Tuần này, báo chí đưa tin có ông bác sĩ nào ở Houston mỗ bệnh nhân, gây chết và bị tật cả đời lên đến mấy chục người mới bị bỏ tù.

Những người đàn bà trên mạng

Sau hội ngộ Văn Học ở San Jose thì ông thần Nhị Anh hứng chí thành lập một nhóm GoogleGroup lấy tên Dalatvanhoc. Lúc đầu chỉ có hai thằng viết cho nhau để đả thông tư tưởng say 40 năm xa cách, sau này có mấy người bạn học chung khi xưa gia nhập còn những ông bà học lớp trên mình ở Văn học xem đám bọn mình là đàn em nên không chơi nhưng dần dần lại thấy một đám lão bà nhảy vào quậy phá xôm trò lắm. Có nhiều người lên mạng tìm đalat thì khám phá trường Văn Học ngày xưa nên liên lạc. Mình nhớ có dạo lên mạng thấy một cựu học sinh Văn Học, học trên mình 5 năm, nhắn tin tìm bạn học cũ ở Văn Học xưa nhưng dạo ấy chưa có Trang Nhà của cựu học sinh Văn Học. Muốn bắt chim thì phải làm chuồng cho nhiều để rãi rác khắp nơi trên mạng chớ làm có một chuồng cái rồi giấu trong nhà thì có chim nào hay biết mà tìm về.
Mỗi ngày mấy lão bà gửi cho nhóm những thông tin "người cày có ruộng". Có thông tin thì mình đã đọc lâu nhưng có lẻ chạy vòng vòng trên mạng tiếng Việt nên lần hồi lại tải về lại mình nhưng cũng có những thông tin mới khá hay. Khi nhận được các thông tin của bạn bè gửi thì mình rất quý nhưng khi gửi cho một nhóm đông thì thông tin kia nhiều khi lại làm cho những người nhận không quen buồn cười.
Có hôm một bà gửi những suy tầm về nhân sinh quan có tựa "Nhớ" để giúp các bạn già luyện trí nhớ trong tuổi hoàng hôn của đời mình khiến có nhiều tranh cãi rồi hôm sau có người gửi cho nhóm thông tin với tựa đề "Quên" , khuyên chúng ta hãy quên, không nên nhớ, thứ lỗi cho mọi người về những điều họ đã làm phiền rồi lại có thông tin khác "Bất công " đưa ra những ví dụ để chứng minh có sự bất công đối với phụ nữ. Chưa đọc xong thì có người gửi đến bài giảng về những tấm lòng từ bi, hỉ, xã,... Nói chung là đọc các thông tin trên mạng rất tương phản từ người mà mình chỉ quen trên mạng tạm gọi là bạn ảo nhiều khi muốn trở thành "sát thủ đầu mưng mủ".
Có người lại gửi những mẫu truyện ngắn hay những bài báo mà người đọc thấy bất bình thường. Theo một số người quen làm báo chí ở VN thì đa số những phóng viên cứ bựa ra những mẫu chuyện để bán báo lá cải. Con người sống trong lầm than nên cần những món ăn tinh thần giúp họ quên đi những nổi buồn lo toan thường nhật, chạy tiền kiếm cơm vất vã, cần những gương sáng giúp mình mơ ước trong tâm khảm để vượt lên cảnh nghèo đói. Ngày xưa, nhóm Tự Lực Văn Đoàn làm báo, xuất bản sách để bài trừ những hủ tục phong kiến, đưa Tây học vào Văn hoá VN cho nên mình hơi nghi ngờ về những bài báo đăng toàn những chuyện không tưởng vì mục đích dân vận Nhà nước.
Có hôm nhận được một bài báo kể một anh chàng sinh viên nghèo ở quê lên học đại học được một cô gái cành vàng lá ngọc mê. Mình không biết cành vàng lá ngọc thời nào? Trước 75 hay sau 75? Trước 75 thì công nhận khá dĩ vì ngày xưa có nhiều học trò nghèo nhưng thông minh được các gia đình giàu đem về nuôi làm gia sư rồi gã con gái cho như trường hợp tác giả bài thơ "Màu tím hoa sim" hay kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Nếu sau 75 thì chắc chắn là không vì cành vàng lá ngọc thuộc giới cán bộ cao cấp thì không thể nào lấy những người không có cùng giai cấp lí lịch, có thể gây ảnh hưởng cho tương lai chính trị của gia đình.
Câu chuyện kể cô gái cành vàng lá ngọc chấp nhận về quê làm nghề giáo viên còn anh nhà nghèo thì bị tai nạn nên chỉ nằm một chỗ ngáp ruồi. Hàng ngày cô vợ sau khi dạy, lo chuyện cơm nước, nắn bóp đôi chân nên sau mấy năm trời thì anh chàng đi đứng lại được và có một đại học nước ngoài mời sang giảng dạy 3 năm nhưng không muốn đi vì quen được vợ nuôi, không biết lao động nhưng cuối cùng cô vợ muốn có lợi nhuận thêm nên bảo đi. Anh chàng đi dạy ba năm xong về nước và muốn tạo sự bất ngờ nên không muốn báo cho gia đình biết nhưng khi đến phi trường TSN thì thấy cô vợ đứng đón nói là ngày nào em cũng ra phi trường đứng đợi anh từ ba năm qua. Giáo viên ở quê, lấy xe đò lên thành phố, bao nhiêu thời gian nhưng ngày nào cũng ra phi trường đứng đợi? Chán Mớ Đời 
Cho thấy người Việt mình vẫn còn những tư tưởng quái đản, mơ những gì không tưởng trên trời. Một anh chàng không đi dạy ở quê suốt 3 năm trời, nay lành bệnh, được một đại học quốc tế mời đến dạy trong khi cô vợ lại ở nhà, chiều chiều ra phi trường đợi như Thiếu Phụ Nam Xương. Muốn dạy đại học ở xứ tây phương, mỗi năm giáo sư phải viết nhiều bài nghiên cứu,… cái khổ người Việt mình lại cả tin nên tư duy rất lây bây như người đi trên mây.
Hãng Intel đầu tư vào VN, xây một nhà máy tân tiến và cần tuyển 125 người tốt nghiệp đại học về công nghệ thông tin để đưa đi tu nghiệp nhưng sau khi khảo sát và phỏng vấn biết bao nhiêu người tốt nghiệp tại VN thì chỉ nhận được 26 người VN có khả năng theo học lớp bổ túc này và số còn lại phải thuê kỹ sư Ấn độ. Cho nên bảo một anh nhà quê, không làm lụng trong vòng mấy năm, bị tai nạn lại được mời giảng dạy tại đại học quốc tế thì đúng là siêu Việt. Ông Ngô Bảo Châu nhờ ra khỏi nước mới học đến nơi đến chốn nên mới được đại học Chicago mời dạy chớ học tại chức ở VN thì cũng có bằng tiến sĩ nhưng ngoại quốc đâu có công nhận. Nghe báo chí Hà Nội cho hay có nhiều viện trưởng đại học, có học hàm tiến sĩ nhưng chưa học xong lớp 3 tưởng làng. Đó là báo ở Việt Nam.
Mình nghĩ người VN có cái bệnh tạm gọi là bệnh "Phù Đổng". Ngày xưa, mình học lịch sử nói đúng hơn là dã sử nói về một cậu bé, sinh ra không nói gì cả nhưng khi giặc Ân đến thì cậu Bé bổng nhiên mở miệng nói, xin đi đánh giặc. Kêu Bố mẹ thổi cơm, ăn mấy nồi rồi tự nhiên vươn vai là to lớn rồi nhổ các bụi tre ra trận đánh tan giặc rồi bay về trời.
Mình có tìm kiếm thì không thấy chính sử nói về giặc Ân từ Tàu tràn qua xâm chiếm VN. Mình nghe kể trong trại cải tạo, một quản giáo dạy sĩ quan ngụy về lịch sử VN; bà Triệu Ẩu lấy ông Lạc Long Quân, sinh ra 100 cái trứng sau đó 50 người con theo mẹ xuống miền Nam làm lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ còn 50 người con ở lại học tập để giải phóng miền Nam. Có một anh lính đánh thuê ngụy bảo " Chính sử và dã sử không thể lấy nhau được" thì bị cùm nhốt ca xô một tháng. Nghe nói ông quản giáo này ngày nay có bằng tiến sĩ tại chức.
Trong chiến tranh thường các nhà cầm quân giỏi về chính trị nên tạo ra những huyền thoại nhằm động viên dân quân. Ông Tào Tháo trong truyện Tam Quốc, thấy binh sĩ khát nước nên bảo đằng trước có rừng cây me khiến ai nấy đều nhõ nước miếng quên khát và hăng hái tiến lên. Mình có coi một chương trình của đài Military nói về cuốn sách của ông Trần Hưng Đạo viết về cách chống quân Nguyên và trong chiến tranh VN với Mỹ thì quân đội miền Bắc dùng các chiến thuật du kích chiến trong cuốn tài liệu chiến sử này.
Có một học giả người Anh qua VN để quay và thực hiện những hầm hố du kích của quân lính của ông Trần Hưng Đạo khi xưa. Ông Nguyễn Trãi tạo ra huyền thoại thần Kim Quy, tặng gươm thiêng cho ông Lê Lợi rồi viết trên lá cho kiến ăn rồi thả theo dòng suối để người dân tin tưởng có người được trời phái xuống trần gian để phá quân Minh. Sau khi thành công thì Nhà Lê phải giết Nguyễn Trãi để huyền thoại kia được sống mãi. Gần đây chúng ta thấy những huyền thoại Lê Văn Tám hay Trần Dân Tiên ,.. được bộ chính trị nắn tạo ra những thần tượng này để động viên nhân dân trong thời gian chống Mỹ.
Dạo sang Mỹ chơi lần đầu, Nhị Anh có nói là xứ Mỹ to lớn nên khi một người ra ứng cử thì phải viết một cuốn sách về đời tư của họ và đưa ra những tư tưởng chính trị của mình để giúp cho quần chúng biết về mình. Sau này sang Mỹ sinh sống thì nghiệm khá đúng. Bà Sarah Palin, cựu thống đốc tiểu bang Alaska, mà dân chúng chưa bao giờ nghe tên bổng nhiên được ông Mc Cain mời đứng chung liên danh làm ứng cử viên Phó tổng thống thì trong vòng một tuần lễ sách viết về bà này xuất bản ra ào ào giúp tên tuổi bà ta lên như diều gặp gió.
Mình đọc tài liệu nói 4,5 người của Đảng Cộng sản viết về cuộc đời của ông Hồ rồi kí tên là Trần Dân Tiên. Người của VNCH không biết nên cứ tưởng ông Hồ là tác giả nên cứ viết báo chửi ông Hồ. Cuốn “Le Dragon D’Annam, nói về cuộc đời của cựu hoàng Bảo Đại, do một người Pháp viết mà mình có quen rất thân, mới qua đời cách đây 4 năm. Mỗi tuần ông ta gặp ông Bảo Đại để thu băng và đặt câu hỏi. Ở ngoại quốc, các chính trị gia hay ai viết sách đều có một người do nhà xuất bản chỉ định viết chung. Người viết nhà nghề phỏng vấn nhân vật rồi xếp đặt thứ tự để viết lấy nhuận bút cho nên tất cả các sách về tiểu sử đều do người khác viết. Cho nên không nên chửi bới Trần Dân Tiên.
Nói về bệnh Phù Đổng thì người mình hay "nổ", cứ mơ làm Phù Đổng như người ta mơ trúng số đề hay độc đắc. Có lẻ những câu chuyện dã sử này đã huyễn hoạch đầu óc người VN khiến họ có những giấc Phù Đổng nồng cháy, cứ nghĩ sẽ làm được cái gì to lớn rất nhanh. Hàng tuần trên Đài MSNBC có cho chiếu chương trình "American Greed", điều tra các vụ lường gạt vì lòng tham của con người. Ai cũng muốn giàu có nhưng không chịu khó tiết kiệm và chăm chỉ làm việc nên cứ nghe ai nói là đầu tư tiền lấy lời nhanh là đem hết tiền bạc đưa cho rồi mất hết.
Họ không biết là muốn giàu thì phải có kế hoạch và thời gian và nhất là chịu khó làm việc thì mới mong một ngày nào sẽ có cuộc sống sung túc. Vì lòng tham nên họ bị lừa gạt, mất tiền mất của. Cách đây vài năm, có một người quen trong đoàn hướng đạo mời vợ chồng mình đi ăn để nghe một tên Mỹ trẻ đâu 23 tuổi nói chuyện về đầu tư có lời 24%. Mình lên trên mạng xem thì không thấy tên công ty này nên từ chối không đi làm người mời giận. Sau này nghe kể những người nghe bà này đầu tư tiền đều mất hết.
Hồi còn bé, con nít được nghe kể các chuyện thần thoại để giúp chúng mơ ước nhưng trẻ em bên Mỹ nghe chuyện thần thoại để học những hậu quả nếu về ứng xử như các nhân vật trong chuyện cổ tích. Thí dụ truyện Cinderella, cô bé sống với bà kế mẫu và em cùng cha khác mẹ. Cô ta ứng xử tốt với chim muôn nên được giúp đỡ khi kế mẫu bắt nhặt hết đậu. Vì mãi nhảy đầm với Hoàng tử nên cô ta ra về trể nên y phục dạ hội biến mất nên trẻ em học thói quen là không bao giờ trể hẹn. Trong khi VN có truyện tương tự Tấm Cám nhưng người mình dạy con nít căm thù, rung cây cho cô em chết rồi làm mắm gửi cho kế mẫu ăn. Kinh hoàng. Tại sao chúng ta phải gieo trong đầu một đưa bé căm thù, giết chị em mình.
Mình có nói cô con gái là đừng bao giờ mơ làm công chúa ngủ trong rừng để đợi Hoàng tử đến cưới. Ngày xưa, con gái không được đi học cho nên cuộc đời khó thay đổi ngoại trừ lọt vào mắt xanh của một vị Hoàng tử hay con nhà giàu. Ngày nay con có thể tự làm công chúa và ai lấy con phải hãnh diện có một người vợ giỏi và thông minh. Hồi con mình còn nhỏ thì mỗi tối phải kể chuyện cổ tích cho các cháu. Các cháu mê nghe kể về VN vì dạo đó VN là nơi xa lạ nhưng mình không dám kể các chuyện như Lưu Bình Dương Lễ, Tấm Cám,... phải dùng chuyện cổ tích ngoại quốc rồi pha chế tiếng Việt.
Một phụ nữ Mông Cổ trong bộ y phục cổ truyền
Làm sao mình có thể dạy con là công chúa vì vô tình không biết ông Chủ Động Tử nghèo, trốn dưới cát nên tắm không may ông này thấy nên phải lấy ông ta hay Lưu Bình Dương Lễ là bạn học rồi kêu vợ mình đi hầu thằng bạn nối khố của mình cho nó ăn học thành tài. Vợ mình mà xem như một món đồ chơi, đưa cho bạn xài đở vài năm? Coi thường giá trị của đàn bà, tình nghĩa vợ chồng. Có lẻ vì được giáo huấn theo tinh thần này từ nhỏ mà ở VN, cứ 3-4 giờ chiều trở đi, ta thấy đàn ông rủ nhau nhậu mà quên về với vợ con?
Tuần rồi đọc một bài nghiên cứu về các sắc tộc da vàng di cư tại Mỹ thì người VN so với Ấn Độ, TQ, Đại Hàn, Phi thì trình độ giáo dục thấp nhấp, đa số người Việt không thạo anh ngữ cho nên lương bổng cũng không bằng các cộng đồng á châu khác. Nói chung thì dân Ấn Độ khá nhất vì đa số là giới trung lưu di cư sang Hoa Kỳ, có bằng cấp đại học tương tự lớp người di tản VN năm 75 nhưng sau này thì lớp vượt biên thì ít người có bằng cấp đại học, sang đây cũng có ít người đi học lại vì phải đi làm kiếm tiền gửi quà cho gia đình rồi thế hệ sang đoàn tụ thì trình độ giáo dục rất thấp vì sau 75, rất nhiều người bỏ học vì thời cuộc.
Trong cuốn Perfume Dreams của Andrew Lam, con của tướng Lâm Quang Thi, có kể cuộc gặp gở với một Việt Kiều cùng xóm. Anh này mới sang Mỹ có 3,4 năm về thăm quê hương là chùm khế ngọt. Hôm đó, trời mưa nên một cô osin hàng xóm hỏi anh ta có muốn gặp con bà chủ cũng Việt kiều nên anh ghé sang nhà chơi thì thấy ông Việt Kiều này bận đồ complet màu trắng như Ngô tổng thống đi kinh lí, trên tường có treo bằng tiến sĩ xuất thân đại học Harvard mà tiếng Anh của ông Việt Kiều không được trôi chảy lắm lại rất khó nghe. Câu chuyện này nói lên tính ưu Việt của người mình vì hồi nhỏ mình hay nghe Thiên Hạ nói người mình rất thông minh cho nên qua Mỹ là ai cũng vào đại học Harvard, 2,3 năm sau là đậu tiến sĩ cả.
Phụ nữ Ba Tư trong bộ y phục cổ truyền
Ai về VN cũng nổ là kỹ sư, bác sĩ vì đâu có ai kiểm chứng khiến nạn người bị lừa tình, lừa tiền,...Tại sao chúng ta phải nổ thay vì nói sự thật thì có gì xấu xa? Người Mỹ sinh tại Mỹ mà học lấy cái bằng tiến sĩ đã khó trong khi người mình mới sang thì Anh Văn còn kém thì làm sao trong 2-3 năm là đậu tiến sĩ Harvard? Có vài trường hợp đặc biệt. Mình có Anh bạn quen sang năm 75 thì lấy được hai bằng tiến sĩ nhưng anh này đậu B.A. của đại học canada từ VN qua chương trình hàm thụ nên sang Mỹ thì học thêm lấy tiến sĩ, dạy đại học Columbia, New York, nhưng phải công nhận anh ta rất thông minh có bộ nhớ cực tốt. Mình có quen ba anh em Nguyễn Tuệ, Nguyễn Tiến và Nguyễn Tài, vượt biên đều có bằng tiến sĩ cả. Hai người đầu thì tốt nghiệp đại học M.I.T, còn Tài thì UCSF. Tuệ có 7 cái bằng của M.I.T còn Tiến là ông mai của vợ chồng mình.
Có lẻ chúng ta nên nhìn lại chính mình, tự tìm hiểu khả năng của chúng ta, gạt bỏ những giấc mơ nồng cháy Phù Đổng và bắt đầu với mốc thời gian hôm nay để định hướng tương lai của mình thì mới hy vọng có sự thay đổi cho các thế hệ mai sau. Phải biết năng lực của mình để học hỏi sửa đổi để hoàn thiện nhất là sống không phải nói láo hay trong mộng huyễn. Còn tiếp tục mơ làm Phù Đổng thì sẽ trở thành những sát thủ sức đầu mưng mủ.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

Rượu và Phô mát *

Mình nhớ dạo đi làm 6 tháng ở Torino, thủ phủ của hãng xe hơi Fiat và thu thập tài liệu cho luận án ra trường của mình, rồi đi vòng nước Ý thêm 3 tháng, xuống tận đảo Sicily, quê hương của Mafia. Khi về lại Paris, thì phải mất 3-4 tuần mới suy nghĩ bằng tiếng Tây lại được vì trong đầu cứ lùng bùng tiếng Ý. Khi ở Ý, lúc đầu thì mình nghĩ bằng tiếng Tây rồi dịch ra tiếng Ý để nói rồi từ từ cứ nghĩ và nói theo tiếng Ý. Sau này đi Tây Ban Nha thì cứ nghĩ bằng tiếng Ý để dịch ra tiếng Tây Ban Nha rồi qua Ý thì cứ nghĩ đến tiếng Tây Ban Nha trước nên hơi điên điên.

Khi gặp lại bạn Tây Đầm ở Paris thì mình cảm thấy lạ lạ vì nghe bọn họ nói chuyện về ái ân (histoire de cul) khá nhiều nên tự hỏi tại sao không nhận ra điều này trước đây. Sau này nói chuyện với một tên bạn Tây ở Mỹ hai năm về, hắn cũng có cảm tưởng như mình và mất một thời gian để hoà nhịp lại với văn hoá Pháp. Có lần ở Anh, một tên làm chung kể tối hôm trước Đài BBC chiếu phim tây Betty Blue, hắn nói mới bắt đầu hắn đã thấy cảnh nóng, phim mở đầu bằng cảnh Béatrice Dalle và Jean Hughes Anglade đang yêu nhau. Nói chung Văn hoá Tây là phải thi hành 5 cái khoái trên đời. La joie de vivre. Còn ở Hoa Kỳ thì  ăn và ăn nhiều.
Bên Ý, gặp nhau thì nói chuyện chính trị, chống đối nhà thờ vì dạo đó 35% dân Ý theo đảng cộng sản hoặc về đá banh. Chủ nhật nào, cả thành phố như chết, người nào tin Chúa thì đi nhà thờ còn không thì đi xem đá banh. Trên tay mỗi người có một cái radio nhỏ cầm tay. Họ coi đá banh trước mặt nhưng lại nghe trực tiếp truyền thanh của những trận đấu khác. Dân Ý cá độ khá nhiều. Mafia dính vào nên bắt các cầu thủ bán độ nếu không thì họ giết như cầu thủ Paolo Rossi, người đá lọt lưới Ba Tây 3 bàn và Tây Đức để đem vinh quang vô địch thế giới cho Ý. Ông này bị treo giò mấy năm nhưng vẫn được ăn lương. Ngày nay, coi đá banh là thấy quảng cáo cá độ tứ xứ ngay cả bên tàu, thái lan, VN,...Chiều về thì dân ý ghé lại nhà cha mẹ ăn Spaghetti theo thông lệ của gia đình. Dân Ý nghèo hơn Pháp nhưng ra đường là áo quần chỉnh tề, chơi đồ xịn.

Dân Tây gặp nhau là ăn uống, rồi lên giường. Ngày xưa, rượu thường do các tu viện trồng nho để làm rượu cho thánh lễ vì rượu nghe nói tượng trưng là máu, bánh mì là thịt của Chúa. Dân tình ít ai làm vì cực lại không lời. Trong đệ nhất thế chiến, lính ra trận không dám uống nước vì bị vũ khí hoá học làm ô nhiễm nên họ phải uống rượu thay nước nên quen. Ai sống sót trở về thì bắt đầu uống rượu nên từ từ dân làng khắp nơi mới bắt đầu nghề trồng nho làm rượu bán.

Năm 1976 có một hiện tượng mà Tây gọi là Jugement de Paris. Đây là câu chuyện thần thoại Hy Lạp, khi nữ thần Éris, không được mời dự đám cưới nên đem trái táo có ghi người công bằng nhất đến buổi tiệc rồi hỏi 3 nữ thần Aphrodite, Athens và Hera ai là người công bằng nhất. 3 nữ thần này mới nhờ Paris, em của hoàng tử Hector, sau này bắn chết Achille. Aphrodite hứa với Paris là sẽ tặng cho hắn người đẹp nhất thế gian nên hắn kêu Aphrodite, đưa đến cuộc chiến nổi tiếng thành Troie với con ngựa gỗ. Paris mê Helen n’en dẫn cô nàng bỏ chạy, khiến ông chồng nổi khùng đem quân đi đánh thành Troie, để rồi nước này tiêu tan. Đi Thổ Nhĩ Kỳ, có ghé sang thành phố này.
Một trong nhiều tấm tranh kể về Huyền thoại trái táo cho người công bằng nhất. Các nữ thần đều được vẽ ở truồng hết.
Họ tổ chức một cuộc thử rượu (Blind tasting), không phải bịt mắt mà dùng những cái ly đen để che màu rượu. Năm đó rượu California, vùng Napa Valley về nhất, thắng rượu của Tây nên từ dạo đó kỹ nghệ trồng nho làm rượu bắt đầu phát triển ở bên Mỹ. Đất vùng Napa ngày nay rất đắt vì dân giàu ở San Francisco, mua vài mẫu đất, xây nhà nghỉ hè, trồng nho làm rượu riêng. Mấy chục năm sau hình như 2006, có một tổ chức nếm rượu được tổ chức ở New Jersey thì rượu Cali lại về nhất. Đa số các nhà trồng rượu Tây sang Mỹ đầu tư, họ mang giống nho của vùng của họ sang trồng bên Cali nên thường thấy các tên quen thuộc của rượu Pháp. Nghe kể trung bình một người Mỹ muốn nghiên cứu, chơi rượu thì phải tốn ít nhất $15,000.00; tiền đi dự seminar, mua mấy tủ lạnh chuyên về rượu,...đọc báo chí được mua bởi các công ty rượu, quảng cáo là uống rượu sẽ bớt mỡ trong máu. Trong khi bên Tây ngày nay dân chúng bớt uống rượu vì lâm sàng cho thấy rượu phá hoại sức khoẻ, chỉ làm để bán khắp thế giới.

Dạo mình còn sinh sống tại Paris thì khoảng tháng 10 là thấy các tiệm ăn treo bảng Le nouveau Beaujolais est arrivé! Rượu này làm bằng loại nho Gamay, có nhiều đường, hái sớm hơn nên làm rượu sớm. Rượu này thuộc vùng Bourgogne. Sau này nghe nói năm 2001 thì dân Tây tẩy chay loại rượu này vì họ pha chế thêm đường. Có một tên chuyên thử rượu nổi tiếng gọi là (vin de merde) rồi thưa kiện ỏm cù tỏi. Nhớ dạo còn VN, thầy cô giảng về hái nho, mình mơ khi sang Tây hè đi hái nho, kiếm tiền đến khi sang Tây gặp một tên mít, sinh đẻ bên Lào, kể đi hái nho cực lắm phải đeo cái gù, 4-5 giờ sáng phải dậy để đi hái sớm nếu không khi mặt trời lên là nóng banh xác. Trời lạnh tay lạnh cóng nên nhiều khi lấy kéo cắt nho lại cắt tay nên không dám ghi tên. Mình thì không biết uống rượu, cứ thử một ngụm là đầu óc lên mây, mặt đỏ rần rần. Nghe nói ai uống rượu mà bị đỏ mặt thì dễ bị ung thư nên các hảng rượu Tây phải bỏ thêm hoá chất vào rượu để bán cho thị trường Á Châu để người da vàng uống tránh đỏ mặt nhưng tác hại vẫn còn.

Hồi học trường Tây mình chỉ nghe về rượu Bordeaux của vùng Dordogne miền Tây Nam Pháp. Rượu nổi tiếng nhất là château Margaux của vùng Dordogne. Nghe nói vùng này có khoản 7,000 château. Vùng này thuộc Vương quốc Anh đầu thế kỷ 11 nên không bị giáo hội Pháp áp chế. Mỗi năm, các tàu chở rượu vùng này về Anh để bán nên có lẻ vì vậy các nước khác biết đến rượu Pháp qua rượu Bordeaux. Sau đệ nhị thế chiến, ông Baron Rothchild đã có ý kiến tiếp thị; bỏ rượu vào chai để bán thay vì các thùng tonneau như xưa, đã giúp thị trường buôn bán rượu phát triển nhanh chóng. Mình có đọc một cuốn sách về dòng họ Rothchild, kể lí do vì sao qua bao nhiêu can qua mà dòng họ này vẫn vững chắc, giàu có đến nay cho nên các đại gia đình như Kennedy, Bush,... đã theo cách sinh hoạt để sinh tồn của dòng Rothchild vì thông thường như VN thường nói ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Hôm đi Bermuda, có chạy qua biệt phủ của dòng họ này.

Trong lịch sử loài người thì thường thường đời cha làm ăn khá, thành công thì đời con tạm tạm nhưng đến đời cháu là coi như gia sản của dòng họ cạn sạch. Giáo sư Amy Chua của đại học Yale mà Thiên Hạ hay gọi Tiger Mom mới ra cuốn sách với ông chồng, nghiên cứu về các giống dân di dân như Á Châu , Phi Châu cũng xác nhận là đến thế hệ thứ ba thì dân da vàng học hết giỏi, tà tà như Mỹ trắng sinh đẻ tại đây.
Rượu rosé 

Rượu Pháp có loại đỏ, trắng, champagne, rosé hay vin gris. Đỏ thì uống với nhiệt độ của phòng ăn, trắng thì uống lạnh như rosé, Champagne. Rượu rosé được làm bằng nho đỏ và trắng tương tự như champagne. Mình thấy tây đầm hay uống rượu này khi ăn cơm Việt hay Tàu nhưng không hiểu lí do. Có lẻ vì đồ ăn tàu hay Việt Nam pha đủ trò, vừa thịt heo vừa cá,.. Champagne thì được bỏ thêm gaz carbonique do mấy linh mục của tu viện Saint Hilaire, sau này một ông cố đạo tên Dom Pérignon ở vùng này hoàn thiện các bỏ chai nên được gọi méthode champenoise.
Rượu Champagne. Mẹ mình thích uống lắm lần sau về Đà Lạt sẽ đem về cho bà cụ uống 
Mỗi lần mình sang Ý là phải đem theo rượu Pinot noir để tặng cho dân Ý vì họ thích loại này. Dân Ý thì chê rượu Tây, còn Tây thì chê rượu Ý, Merlot là Merde nên mình cũng chả hiểu theo ai. Bọn Tây thì khá cầu kỳ khi ăn uống. Mới bắt đầu thì họ uống apéritif, rượu khai vị thường là Pernod hay Ricard, loại pastis pha với nước lạnh, ăn mấy món như jambon, saucisson,..mấy món này thì uống rượu đỏ, sau đó thì ăn soupe (buổi tối) còn không thì cứ hors d'œuvre rồi đến món chính. Món chính thì tuỳ loại; cá đồ biển thì uống rượu trắng còn thịt thì uống rượu đỏ.

Nếu nói theo mấy ông thầy thuốc Bắc thì cá là thuộc loại âm nên uống rượu trắng, có dương tính để bảo hoà như người ta bỏ thêm gừng khi kho cá hay nấu canh cá. Thịt là Dương nên uống rượu đỏ là âm để bảo hoà. Rượu đỏ thì cũng đủ trò, món gì phải uống với rượu vùng nào. Cứ mỗi món là đổi rượu khác, ăn fromage lại có đủ loại đủ kiểu rượu, khi ăn tráng miệng thì uống champagne. Uống cà phê thêm ly Cognac cho tiêu cơm... Về Việt Nam, thấy thiên hạ uống rượu mạnh như uống nước lã nên mình rất ngạc nhiên vì tây chỉ muốn một ly nhỏ còn dân mình thì uống như khát nước, không phải để thưởng thức rượu.

Rượu bên Tây làm xong phải được một cơ quan của hiệp hội rượu, khám nghiệm xem có đúng tiêu chuẩn nếu không thì sẽ loại thành vin de table, loại rượu uống khi ăn cơm bình dân, hàng ngày. Mình nhớ rượu này rẻ hơn là nước. Một chai perrier đắt hơn một bình rượu này. Vào quán rượu, dân Tây hay ăn một sandwich làm bằng baguette, trét bơ rồi mấy lát sauccisson hay jambon, cornichon và một ballon rouge (ly rượu đỏ có hình tròn).

Bên Tây, ăn uống cầu kỳ nên mất thì giờ, sang Mỹ thì gọn hơn. Dân Mỹ uống rượu hằm bà lằn nhất là khi gặp dân VN thì càng vui nữa. Dân mít mình dạo này kinh tế khá khá nên bắt đầu uống rượu cho vẻ đại gia thì mình thấy họ bỏ đá lạnh vào rượu để uống như Mỹ uống Coca Cola. Mình thấy nhiều Annam mít cũng cầm ly dành cho Cognac để uống rượu đỏ, bỏ đá cục rồi cũng bắt chước ai đó lắc lắc cái ly, ngửi mùi rồi nuốt cái ực như kẻ sành sỏi về rượu.
Lúc làm rượu, cần phải có rất ít oxygen trong rượu nên khi khui rượu ra thì để trong ly rồi lắc nhẹ để oxygen hoà vào rượu để oxy hoá thì mới đúng vị để uống. Bên vợ, có một người bà con lấy chồng người Bỉ nên mỗi lần kỵ giổ gặp nhau là tên này lè lưỡi với mình khi thấy mấy tên bà con bên vợ làm bộ, làm tịch uống, nghiền ngẫm về rượu. Hè thì đám bạn xưa ở Âu Châu gửi con của họ sang chơi, ở nhà mình vài tuần, tập nói tiếng Mỹ với con mình là vị chi có champagne. Tập tục của họ khi đi xa là đem tặng chai champagne, phải bỏ vào tủ lạnh rồi uống với con họ như chấp nhận con họ vào nhà mình. Loại rượu mạnh thì tuỳ loại tuỳ ly để uống. Vùng Champagne nổi tiếng về loại rượu cùng tên, mình có ghé lại viếng nhà thờ ở thành phố Reims, đẹp nức nở.

Dân Tây ít uống bia hơn dân Đức. Họ hay uống thứ gọi là panaché, nước ngọt như Sprite, 7 up rồi pha với bia hơi uống không say không trả tiền. Mỗi lần mình bị cảm là cứ ghé vô bar gần nhà, gọi 1 ly Grog, họ pha rượu Rhum, bỏ chanh, nước nóng và đường. Nhắm mắt nhắm mũi uống cái ực rồi leo lên lầu 8, lăn ra giường ngủ, sáng mai dậy là khoẻ như chim.

Khí hậu vùng Normandie và Bretagne thì không trồng nho được nhưng họ trồng nhiều táo, và làm thức uống làm bằng táo được gọi là cidre de pommes có nồng độ chất cồn khá cao. Mình có uống một lần thấy ngon khi ăn crêpe bretonne nhưng chóng mặt nên chừa. Bên Mỹ cũng có loại này nhưng không có cồn có lẻ pha nhiều hay độ men rất ít.

Có lần đi vùng Alsace thăm cô bạn ở thành phố Munster thì được bố của cô này cho uống thử Schnapps, loại rượu mạnh nấu bởi trái táo, mận....mình uống thử một ly nhỏ thì đầu óc quay cuồng tới ngày hôm sau mới tỉnh dậy. Bên Ý cũng có loại rượu tương tự gọi là Grappa. Hai vùng Alsace và Loraine của Pháp này nằm ngay biên giới của nước Đức. Họ nói thổ ngữ lai lai tiếng Đức như Thụy Sĩ vùng nói tiếng Đức. Hai vùng này cứ thay phiên nhau đổi quốc tịch; khi Đức thắng thì họ thuộc về Đức, khi Tây thắng thì thuộc về Tây.

Trong thời đệ nhị thế chiến, bố của cô bạn bị đi lính cho Đức Quốc Xã, bị bắt cầm tù nhưng ông ta kêu là may vì được giao cho quân đội Mỹ quản lí còn một số đồng đội không may bị đưa đi Tây Bá Lợi Á, tẩy não, chết khá nhiều. Bố cô bạn cho mình mượn chiếc xe đạp thời Đức quốc xã, nặng chình chịt để mình đạp viếng con đường rượu (route des vins) khá nổi tiếng ở vùng Alsace. Vùng này nổi tiếng làm rượu trắng nhiều như loại Ríesling hay Muscat có lẻ ít mặt trời và đất.

Dạo đó hè mình có bài tập: nghiên cứu sự phát triển một cái làng nên chọn làng Riquewihr; phải đo rồi vẽ lại cái làng, lịch sử,... nên mỗi ngày phải đạp 50-60 km đi vẽ rồi ghé lại mấy hầm rượu, họ cho thử một ly rồi lên xe đạp tới khuya mới bò về nhà cô bạn. Vùng này bị ảnh hưởng văn hoá Đức nên dân tình uống bia khá nhiều. Hè họ hay tổ chức các hội, kiểu octoberfest như thành phố Munich nhưng nhỏ hơn trong các làng. Mình có đi dự một hội này gần Munster thì dân bận đồ cổ truyền kiểu Đức, rồi nhảy múa dân ca, uống bia và ăn zauerkraut; một loại bắp sú ngâm như dưa cải của mình, lên men rồi nấu ăn với saucisse, thịt heo ba rọi, mỡ màn nức nở,...khoai tây.
Phô mát của vùng Musnter, Alsace, ngon Bùi nhưng thối như sầu riêng.
Tỉnh Munster này có một đặc sản là fromage mang tên Munster, ăn rất bùi nhưng thối nức nở. Mình nhớ khi về lại Paris, có mua về mấy miếng làm quà cho mấy người bạn. Mình để trong hành lí và gác lên porte bagage thì từ từ mấy hành khách ngồi chung toa bỏ đi sang toa khác. Sau này mới hiểu họ không chịu được mùi thối của fromage này nên tự dạo đó mỗi lần lấy xe lửa đi xa là mình mua một miếng fromage này bỏ trong toa là có chỗ nằm thẳng cẳng khỏi phải cần trả tiền couchette. Có lần mình thoáng nghe một bà đầm kêu il pue ce chinois! Thế là đổ tội cho mấy chú Ba.
Có lẻ có dịp về pháp lại, mình sẽ dẫn vợ đi viếng vùng này nhất là thành phố Colmar rất đẹp 
Kiến trúc vùng này hoàn toàn bị ảnh hưởng của Đức và thời tiết. Dân đây chịu khó làm việc như dân Đức, không biểu tình như các xứ miền Nam Pháp. Các hãng xe mở các nhà máy ở đây khá nhiều. Anh của cô bạn mình làm ca đêm trong hầm than, cứ thấy hắn ho hoài, ngày thì ngủ, nên chả có thì giờ đi tán gái. Trai trong vùng đi học đại học xa hay chạy ra các tỉnh lớn kiếm việc làm nên các cô đầm ở tỉnh nhỏ quay qua quay lại chỉ có con trai vùng Phi châu thuộc địa cũ của Tây, di dân sang làm thợ trong các nhà máy đến tán nên người lớn bực mình vì thấy con gái đi với trai đen.

Nói đến phô mát thì hồi ở Đà Lạt mình chỉ nghe đến La Vache qui rit, sang Tây thì đa dạng. Tây hay nói là mỗi ngày ăn một loại phô mát đến cuối năm vẫn không hết. Dạo sinh viên, cuối tuần thường các tiệm ăn của đại học đóng cửa, ngoại trừ vài nơi có kí túc xá nên mình hay mua bánh mì và phô mát ăn cho qua bữa. Mỗi lần đi chơi xa với đám bạn thì tìm loại phô mát địa phương để nếm. Mình thích nhất là Brie, ăn rất bùi, nay ở Mỹ cũng thường mua về ăn.
Phô mát Ý Đại Lợi Mozzarella, bác sĩ cho biết cái nước trong hộp đựng phô mát này, không nên bỏ mà húp vì rất bổ dưỡng 
Phô mát Ý thì thích nhất Mozarella, đa số phô mát của ý được làm bởi sữa dê. Đồng chí gái thích nhất món bánh mì, tẩm dầu ô liu, cà chua khô rồi nướng phô mát Mozarella nên lâu lâu phải mua về làm cho đồng chí ăn. Bên Ý, buổi chiều khoảng 5-6 giờ dân Ý hay lấy bánh mì, tỏi, dầu ô liu, sang hơn thì thêm cà chua rồi nướng trong lò ăn rất phê, sau đó thì dắt nhau đi dạo trong phố, tối về thì ăn tối. Món này dân Ý gọi Bruschetta, cô con gái rất thích nên lâu lâu phải làm. Bên Ý cũng điên điên, ăn spaggetti thì có loại bỏ phô mát khô parmigiano, có loại không được bỏ nên đi ăn với gái Ý, không biết mấy cái điểm này, được xem là dân Taru, nhà quê là không bao giờ nhìn lại mặt.

Sống 18 năm bên Âu Châu nhưng mình không uống rượu nên cũng không rành về môn này. Chỉ nhớ lâu lâu, có rượu mà bạn bè bảo là cực ngon thì nếm một tí cho biết nhưng mê nhất là phô mát. Phô mát mà có chút rượu đỏ thì tuyệt nhưng cũng tuỳ loại làm bằng sữa dê hay bò nên cũng rối nên tốt nhất ăn với nho còn Tây bày nhiều trò ăn phô mát với nhiều loại bánh mì khác nhau nên cũng điên. Cứ như người Việt mình mà khoẻ, cứ lấy ly, đổ rượu và thêm vài cục đá là phê như mình thấy mấy ông cán bộ ăn ở tiệm chả cá Lã Vọng, nổi tiếng ở Hà Nội.

Ăn cá lại uống rượu đỏ trong ly cối thêm mấy cục đá và Dzô ô ô....nói như ngoại trưởng Pháp Talleyrand:" c'est pire qu'un crime, c'est une faute" mà ông tổng thống Nixon đã lập lại trên truyền hình Pháp khi được hỏi về tội Watergate mà ông ta đã ra lệnh cho hạ cấp gắng ống nghe trong căn cứ của Đảng dân chủ.
Bú xua La mua
Sơn đen

Mùa xuân vắng mẹ

Tết này là tết thứ 49, mình đón xuân vắng mẹ. Tự hứa sang năm đúng 50 năm rồi về ăn Tết với gia đình. Mình nhớ mãi cái Tết đầu tiên xa nhà, một mình trong căn phòng ô sin, lạnh giá ở Paris. Lúc đầu mình tính ăn Tết xong rồi đi tây, vì đã trễ niên học nhưng ông cụ mình bảo đi ngay vì tình hình chiến sự, Việt Nam Cộng Hoà vừa mất tỉnh Phước Long, sợ đôn quân, cấm không được xuất ngoại. Hỏi ra mình là tên đầu tiên của niên khoá 73-74 rời Việt Nam, mấy ngày sau là HCC . Coi như ăn Tết cuối cùng ở Việt Nam là năm 1973, rất nhiều kỷ-niệm.

Mình đến Tây mấy tuần trước Tết 75, nếu không lầm là năm Con Mèo. Ma mới nên không quen ai người Việt cả nên đêm giao thừa, chỉ biết thu mình trong căn phòng nhỏ, thì thầm bài hát khi xưa, mỗi lần Tết về là nghe đài radio, phát thanh “Xuân này con không về” của Trịnh Lâm Ngân, bài ruột của ca sĩ Duy Khánh: "con biết bây giờ mẹ chờ em trông, khi thấy hoa đào..." mình không thấy hoa đào chỉ thấy bông tuyết rơi như nước mắt của người con xa xứ lần đầu.


Mẹ mình tại Kyoto, Nhật Bản năm 2019
Khi xưa hàng năm cứ đến Tết, ông cụ mua băng nhạc Trường Sơn của ông Duy Khánh, nghe rỉ rả trước và mấy ngày Tết. Những bài hát như Đêm Đông, Chiều Mưa Biên Giới nhất là Xuân Này Con Không Về, mình có nghe như nước đổ đầu vịt, không để ý nhưng trong đêm Giao Thừa xa xứ đầu tiên thì lòng mình bồi hồi, những lời của những bài hát này bổng như dòng sông ký ức cuộn chảy từ tâm khảm kéo về. Lúc đó mới hiểu tâm sự của ông cụ, xa quê vắng mẹ nên cứ nghe Duy Khánh hát đi hát lại. Ông cụ, dạo ấy xa vắng mẹ đã trên 25 năm, từ ngày du kích bao vây nhà để giết người không theo họ. Trốn thoát đêm đó, vào nam. Thêm sau 75 đi tù 15 năm, tổng cộng là 40 năm xa quê, mới có cơ hội gặp lại bà nội vài tháng trước khi bà qua đời.

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Nước biển mêng mông không đong đầy tình mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn,
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không (mình thấy bài thơ này trên tường của một tiệm ăn Việt Nam tại Budapest nên chép lại)

Bổng nhiên mình thèm được nhìn lại một giây phút thôi, một tít tắt được chìm đắm, lặn ngụp trong dung dịch không gian của mái ấm gia đình mà trước đây vài tuần, mình không để ý. Khao khát được nghe các em tranh dành, gây gổ dọa về mét anh Sơn....

Nhưng có lẻ mình thèm nhất được gặp lại mẹ dù trong giây phút. Mình tiếc sao cả đời mình chưa từng ôm mẹ, để nói con thương mẹ như bài thơ "Bông Hồng Cài Áo" của ông Thích Nhất Hạnh. Khi rời Đà Lạt, mình không nhớ có ôm mẹ hay không. Hay như bạn của ông Đổ Trung Quân, the thẻ ngày xưa, chào mẹ ta đi, mẹ ta thì khóc ta đi thì cười,… 

Mình, như bao thằng con trai mới lớn, muốn làm macho để rồi đây trong căn phòng lạnh lẻo tại Paris, chỉ biết tiếc, thèm thuồng, ước gì gặp lại mẹ, sẽ không muốn làm đàn ông, chỉ muốn ôm mẹ như ngày còn bé, đợi mẹ đi chợ về, mua quà, bánh kẹo cho. Hay khóc một dòng sông nhớ cha nhớ mẹ, nhớ em,…


Mẹ và hoa Anh-đào tại Đông Kinh 2019
Ngày xưa, cứ Tết đến, lính hay công chức, sinh viên xa nhà cũng đều nói về quê ăn Tết nhưng có lẻ họ vội vã về quê, để gặp lại mẹ hơn là ăn tết. Hồi nhỏ hay nghe mấy anh lính kêu hoặc xâm trên tay câu: "xa quê hương nhớ mẹ hiền" thì không hiểu nhưng ngày đầu tiên đặt chân xuống Paris thì mình mới ngộ câu này.

Khi nghe đến cụm từ "quê cha đất tổ", con người thấy cái gì cao xa vời vợi nhưng khi nghe đến cụm từ "quê mẹ", lòng người bổng trầm ấm lại, đầy cảm xúc như vòng tay êm ấm ngày nào được mẹ bế trên tay với giòng sữa từ khi lọt lòng mẹ, vẫn theo ta mãi đến cuối cuộc đời.

Hôm mồng một, chở vợ ra thăm mộ ông bà ngoại, thấy fong cảnh nghĩa địa tưng bừng, bao nhiêu chậu hoa, cây đào với fong bì lì xì được cắm bên các mộ phần, có người đem pháo ra đốt cho người thân. Mình cắm hương cho ông bà ngoại rồi cắm cho các mộ xung quanh, không có thân nhân ra thăm mộ trong khi vợ, ngồi thẩn thờ trước mộ song thân. Thương vợ mồ côi khi xuân đã về nhưng lòng vợ trơ trọi vì vắng mẹ cha. Mình chỉ biết lặng yên bên cạnh trong khi vợ đang chơi vơi lội ngược về giòng sông của ký ức.

Sau đó ra biển, hai vợ chồng đi một vòng rồi ghé lại Phước Lộc Thọ, chúc tết mấy người quen bán hàng. Xem thiên hạ đốt pháo, múa lân khiến mình nhớ đến tết Mậu Thân, năm cuối cùng được ngửi mùi pháo vì sau đó bị cấm. Ghé chùa thắp hương cho mấy người dì của vợ và ông bà ngoại. Thấy thiên hạ xì xụp lạy, bái xin xăm. Nếu được cái xăm xấu thì vái nữa, xin tiếp cho đến khi được quẻ tốt. Do đó ở Mỹ, cái gì cũng tốt, xấu thì bỏ đi làm lại. Một văn hoá đầy ắp tư duy tích cực, nhờ vậy họ mới tiến xa, không sợ hãi trước tương lai mù mờ. Từ từ chùa chỉ in các quẻ xâm tốt để câu like các Phật tử, được xem là chùa này linh lắm, xin gì được nấy.

Đi ăn sinh nhật cô em. Có chị bạn kêu sẽ lên thăm bà cụ trước khi đi Mỹ thăm cháu nội. Đời vui khi có bạn học cũ đến thăm mẹ mình, mỗi khi lên Đà Lạt.

Có lẻ trời phật, thượng đế đã ban tặng cho con người một người mẹ như một mùa xuân bí ẩn, khi không còn, sự côi quạnh và tiếc nuối sẽ đeo dai đẳng đến tận cuối đời như nhắc lại những khắc khoải của giấc mơ trong đêm thâu của loài người. Khi còn bà ngoại, mỗi lần Tết đến vợ mình như trẻ lại, như con nít, tung tăng, đưa mẹ đi chợ tết, đi chùa. Nay mất mẹ rồi, Tết đến nhưng vợ mình cảm thấy lạc loài, thẩn thờ trong 3 ngày tết.

Hôm qua, gọi bà cụ chúc Tết, tiền Tết thì đã gửi cho bà cụ trước rồi để bà cụ lo Tết, ngoài quê, trong nhà, nội ngoại, chạp mộ,... Mình chỉ nhớ khi xưa, bà cụ trước Tết là gửi tiền cho ôn mệ ngoại, ngoài làng để họ hàng chạp mộ rồi tại Đà Lạt, người cùng làng, họp nhau đi tảo mộ trước Tết trên mả thánh, sau đó kéo nhau về ăn bún bò ở nhà chú Thành, lái xe Lambretta trên Số 4.

Ngày nay mình ở xa nên chỉ biết gửi tiền cho bà cụ lo cho tròn bổn phận. Thằng con đi học xa, cũng tranh thủ về nhà 24 tiếng đồng hồ để cúng tổ tiên, gọi điện thoại chúc Tết ông bà nội ở Việt Nam. Hy vọng hai đứa con vẫn tiếp tục giữ truyền thống này lâu dài.

Hôm nay, cúng ông bà, đốt nén hương với lòng trầm ngâm, nhìn tấm ảnh của ông cụ, nói lên sự gian khổ của một đời người, bị đày đoạ 15 năm trong lao tù cộng sản. Với những ai còn mẹ, hãy mỉm cười hạnh phúc vì đó chính là mùa xuân, đẹp nhất nơi quê người vì mẹ là mùa xuân, nắng ấm theo chúng ta đến cuối con đường đời.

Có khi nào em thật lòng mong ước
Phép nhiệm màu cho sống lại thời xưa
Rồi nhè nhẹ êm êm em khẻ bước
Giữa quê hương thương biết mấy cho vừa
Có khi nào em mong mùa nắng cháy
Giữa Paris em nhớ đến Đà Lạt
Những lúc ngắm dòng sông Seine cuộn chảy
Có khi nào em nhớ hồ Xuân Hương ( văn đoàn Lam Sơn)

Tết năm nay, mình vẫn ăn Tết xa nhà. Ăn Tết với mấy đứa cháu và con xong thì bay qua Florida, đi tứ xứ đầu năm. Khi có con có gia đình bé nhỏ thì phải chịu. Hy vọng sang năm về quê rồi ăn tết ở Đà Lạt sau 50 năm vắng bóng.


Nguyễn Hoàng Sơn