1 triệu đô trả hiếu

Hoa Kỳ là nước yêu chuộng thể thao nhất hai môn banh bầu dục và bóng chuỳ. Các học sinh, đa số bị cha mẹ thúc đẩy chơi banh vì đó là con đường đi đến vinh quang, tiền bạc, giàu sang nhanh nhất.
Theo tài liệu cho hay là các cầu thủ có trung bình là 6, 10 năm chơi sau khi xong đại học, thường được ký giao kèo chơi cho các đội bóng hàng triệu trở lên nhưng khi giải nghệ thì trong vòng 12 năm, 1/6 cựu cầu thủ khai phá sản, điển hình cầu thủ bóng rổ Dennis Rodmann, một thời nổi tiếng, nay khai phá sản sống trong một chung cư nghèo nàn. Được biết là tiền lương của các cầu thủ này trong vài năm, nhiều hơn cả những người tốt nghiệp đại học, lãnh lương cả đời.
Trong cuốn sách "new money: staying rich", cựu cầu thủ banh bầu dục Phillip Buchanon của đội Raiders, và chơi cho đội đâu 10,12 năm sau đó trở về trường, học tiếp nên mới viết cuốn sách.
Theo cầu thủ Buchanon thì ngày ông ta được NFL chọn để chơi thì chính ngày đó, bà mẹ ông ta nói ông ta nợ bà ta 1 triệu đô vì bà ta sinh ra ông và nuôi nấng lên và ông cậu thì nói nợ ông ta $300,000 đô. Khi được gia nhập NFL thì ông Buchanon kể bổng nhiên các nhóm cho ông ta mượn tiền, và lúc ấy còn trẻ nên không biết quản lý tiền bạc nên mua nhà cho bà mẹ, sắm xe chiến đấu cho mẹ, anh em họ hàng xúm lại xin tiền mượn tiền. Một người làm cầu thủ, cả họ được nhờ như Sơn đen vẫn nói. Người người trồng bơ, cả xin bơ miễn phí, sơn đen kêu trả tiền nước thì giận. Chán Mớ Đời 
Mình nhớ có một khách hàng người Việt, băng đảng sao đó bị bắn trong quán cà phê, bị liệt từ cổ xuống. Gia đình bỏ bê, không chăm sóc ngoài ông cha. Đến khi luật sư đòi được công ty bảo hiểm đền 3 triệu, họ lấy 50% và nhờ mình làm cách nào để anh ta sống thoải mái đến khi qua đời. Anh ta kể là khi được tiền thì anh chị, bồ cũ chạy lại nhà săn sóc, đón đưa đi chơi, mượn tiền rồi không trả nên mình phải làm cái quỹ annuity, mỗi tháng chỉ được rút một ít để sống đến 30 năm. Có tiền có bạn có gia đình, không tiền không bạn không gia đình.
Năm ngoái có người phát hiện một anh chàng cuốc bộ 10 dậm để đi làm vì không có xe nên bỏ lên trên mạng, yêu cầu mọi người giúp đỡ anh này mua được chiếc xe cũ, ai ngờ cuộc lạc quyên lên đến $300,000 nên mua được xe mới. Mấy tháng sau, báo chí phỏng vấn cuộc đời mới thì anh chàng này cho biết, ước gì trở lại cuộc đời năm ngoái vì họ hàng xúm lại mượn tiền, gái khi xưa chê bai nay kiếm cớ rủ anh ta đi chơi để mua quà,...
Vấn đề là ngày nay, hỏi cầu thủ Buchanon thì anh ta không biết là làm được bao nhiêu tiền trong cuộc đời cầu thủ của anh ta. Người ta đoán là 5 năm đầu là 12 triệu, 5 năm sau là 20-30 triệu. Cuốn sách nói về những lỗi lầm của anh ta tiêu tiền một cách vô tội vạ, tốn mấy triệu đô trong các hộp đêm với bạn bè nhưng may thay anh ta có đầu tư nên khi giải nghệ, về mặt tài chính anh ta còn sống sót, không như các cầu thủ khác. Có một cầu thủ kể ông ta mua mấy chiếc xe Lamborghini, Ferrari mà không biết lái số tay nên bỏ trong nhà đậu xe đến khi cần tiền thì bán rẻ cả chục lần.

Ông Buchanon kể là khi được NFL tuyển lựa thì anh ta khi ấy mới có 21 tuổi mà nợ nần chồng chất vì ngân hàng hay các công ty cho vay tiền kiểu line of credit, mua nhà mua xế cho mẹ, cho anh em gia đình,... Mỗi tháng phải gửi cho bà mẹ $20,000 hay $240,000/ năm rồi khi bà ta đòi thêm để mua này nọ. Ông Buchanon tính là 1 triệu chia cho 18 năm nuôi cho ông ta thành cầu thủ, tính ra là $55,555.55/ năm. Từ khi cuốn sách ra đời thì bà mẹ giận và không nói chuyện với ông ta nữa.
Người ta tính trung bình ở Hoa Kỳ, cha mẹ tốn độ $250,000 để nuôi một người con đến tuổi 18. Trong cuốn Pricing the priceless Child, giáo sư đại học Princeton, bà Viviana Zelizer, cho hay vào thế kỷ 19 ở Hoa Kỳ, người ta nhận nuôi các trẻ em là vì khả năng lao động, làm việc, chớ không phải vì yêu thương gì cả, thời còn chế độ nô lệ, do đó thời đó có những nô lệ da trắng mà lịch sử ít khi nhắc đến. Cứ nghĩ nô lệ là người bị bắt cóc tại phi châu đem sang.
Vì kinh tế! Đến khi có những luật lệ về lao động trẻ em ra đời thì xã hội mới có cái nhìn khác về trẻ em thay vì một đơn vị sản xuất lao động. Vào những thập niên 1920 thì con nít được ưa chuộng nhất là con gái tóc vàng, mắt xanh. Người ta nhận con nuôi vì những hình ảnh của thời lãng mạn vì giá trị tinh thần hơn là vì giá trị kinh tế như xưa.
Các kinh tế gia tốn nhiều thời gian để nghiên cứu giá trị của con cái trong xã hội, gia đình. Trong thời kỳ nông nghiệp thì con nít có giá trị của nó nhất là con trai, khoẻ mạnh nên có thể làm việc đồng áng, nặng nề và con gái thì bớt giá trị, do đó người ta trọng nam khinh nữ. Thêm vào khi về già, người ta nhờ vào con cái chăm sóc cho mình nên phụ nữ sinh sản khá nhiều vì hy vọng trong tuổi già có con chăm sóc, do đó người ta để gia tài là cho con trai trưởng.
Bà cụ mình được cô em đưa đi Huế thăm quê ngoại
Ngày nay, thời đại công nghiệp thì xã hội đã thay đổi, phụ nữ sinh sản ít thậm chí còn không muốn sinh con đẻ cái vì bận công ăn việc làm. Do đó ngày nay cha mẹ có sổ hưu nên không trông mong gì về con cái cả. Có ông kia kể là có mấy người con nên lâu lâu ông ta hỏi mai mốt bố già thì đứa nào thay tả cho bố, cả đám con nhăn mặt ngoại trừ một cô con gái, nói con sẽ thay cho bố nên ông ta viết di chúc để lại cho con gái nhiều hơn đám con trai.
Trong cuốn "Someday, all this will be yours: a history of inheritance and old age", giáo sư Hendrik Hartog, cho hay là khi xưa ở Hoa Kỳ, về già người ta thường kêu một người trẻ thường là con họ về ở chung, để lo cho họ và nói sau này khi họ qua đời thì mọi tài sản sẽ thuộc về người đó. Vấn đề là người trẻ đó dọn vô, lo cho họ nhưng rồi nhiều khi cuối cùng không được gì hết vì họ không để lại di chúc nên rốt cuộc nhà nước lấy hay những người con của người quá cố lấy theo luật của nhà nước. Do đó các bác nên lập di chúc và làm Living trust cho con cháu để khỏi bị nhà nước đem ra toàn xét xử chia cho thiên hạ.
Vào thế kỷ 19, Hoa Kỳ vẫn sử dụng luật của Anh Quốc nên có sự mất tin tưởng trong gia đình, khi chăm sóc cha mẹ về già. Một người con hay một người trẻ chỉ dọn về ở với cha mẹ vào tuổi già nếu có sự thương lượng là của cải để lại sẽ thuộc về họ, di chúc,... Sự thừa hưởng tài sản là một sự đảm bảo cho tương lai cho cha mẹ được sự chăm sóc của người thừa hưởng gia tài. Nếu không được hưởng gia tài thì tội vạ gì phải bưng bô, thay tả.... cha chung không ai khóc. Có lẻ vì vậy khi xưa, ở Việt Nam gia tài đều để lại cho con trai trưởng. Nếu để lại chia đều cho các con thì chắc gia đình xào xáo. Đưa đến tình trạng mẹ chồng nàng dâu trưởng, mày muốn hưởng gia tài của tao thì phải cung phụng tao, hầu hạ tao đến chết. Cô dâu trưởng buột vì tương lai của nhân dân nên đành chịu nhục rồi quay lại đì con dâu của mình sau này. Còn dâu thứ thì không được gì hết nên chả sợ.
Thế kỷ 19, người ta vẫn sử dụng luật Victorian của Anh quốc nên trong làng, nếu chính quyền địa phương phải nuôi người già thì họ tìm mấy người con, bắt đóng thuế khá cao nên mấy người con buộc phải đem cha mẹ về nuôi để tránh thuế cao vì đâu phải ai cũng có nhà cửa, ruộng nương để lại cho con cháu. Cái này hay à.
Có những luật ở Hoa Kỳ về trách nhiệm đối với cha mẹ mà quần chúng ít biết đến vì ngày nay với An Sinh xã Hội, quỹ hưu trí nên người ta ít áp dụng luật. Nghe nói có đến phân nữa các tiểu bang có ra luật chăm sóc cha mẹ. Ngày nay bên tầu, một quốc gia theo truyền thống Khổng giáo, lấy đạo hiếu làm đầu mà Bắc Kinh phải ra luật, bắt con cái phải chăm sóc cha mẹ về già nhưng luật pháp có ép buộc con cái chăm sóc cho bố mẹ? Theo chế độ một con thì một người đi làm phải nuôi bố mẹ, ông bà nội và ông bà ngoại thì hết tiền. Chưa kể lập gia đình thì khốn hơn. Vì phải nuôi con mình, rồi thêm bố mẹ vợ, ông bà ngoại vợ.
Có lần mình đi viếng ở Song Pha, một trung tâm nuôi dưỡng gồm côi và người già neo đơn mà Lửa Việt bảo trợ hàng năm. Có cảnh con cháu nghèo quá, đem bố hay mẹ lại trước cổng rồi thả đó. Người trong trại mồ côi ra đem vào nuôi.
Bà cụ ăn sáng tại khách sạn
Thời mẹ vợ mình còn sống nhưng lãng trí, mỗi chủ nhật, đồng chí gái đều đến thăm đưa mẹ đi ăn với một ông anh vợ. Bà chị vợ lâu lâu từ Boston, bay qua thăm mẹ vài ngày dù bà cụ không nhận ra. Nghe đồng chí gái kể khi xưa, mẹ vợ mình nuôi mấy người con ăn học thành tài, bác sĩ kỹ sư, nha sĩ,..., nên ngày nay con cái nhớ ơn, đóng góp tiền bạc để mướn người giúp việc lo cho bà cụ, không phải lãnh trợ cấp chính phủ dù họ hàng đểu cổ suý đi xin nhưng mấy người con kêu là nuôi mẹ không được để trả hiếu thì mang tội bất hiếu.
Trong cuốn The Memoirs of Gluckel of Hameln, do một phụ nữ Do Thái vào thế kỷ 17, kể về làm sao bà ta nuôi nấng mười mấy người con khi ông chồng qua đời. Có đoạn như sau kể về một con chim đem 3 con chim con qua biển. Vì gió to nên con chim bố chỉ có thể cặp vào mỏ một con chim và bay qua eo biển. Giữa đường, con chim bố hỏi con chim con, con thấy bố phải chống chọi với gió to của biển cả để đưa con qua biển, sau này lớn khôn, bố về già, con có chăm sóc cho bố không? Con chim con trả lời; bố ráng đưa con qua biển an toàn, sau này bố già, muốn gì con cũng lo hết. Nghe tới đó, con chim bố hả cái mỏ ra và nói: láo toét và con chim con rơi xuống biển.
Con chim bố bay về lại bờ, ngậm con chim con thứ 2, rồi cũng hỏi câu hỏi tương tự nên con chim con thứ 2 cũng trả lời như con chim thứ 1 và cũng có cái kết cuộc tương tự. Đến khi con chim bố hỏi con chim thứ 3 thì con chim này trả lời; con biết bố đang cố gắng dù có nguy đến tính mạng, để đưa con qua eo biển nhưng con không dám hứa là sẽ nuôi, chăm sóc bố sau này nhưng con biết chắc một điều là sau này khôn lớn, có con thì cũng sẽ cố gắng chăm sóc nuôi con mình như bố đang làm.
Đố các bác, con chim bố sẽ hành xử ra sao? Thả con chim xuống biển hay đưa qua eo biển?
Nếu nhìn lại cuộc đời thì chúng ta thấy nuôi con cực khổ đến chừng nào. Những đêm dài con đau, ho mình chỉ muốn ho dùm con nhưng chả có ai nghĩ mình muốn con trả hiếu. Nếu nó không về báo mình là đủ hạnh phúc rồi. Còn nhớ công nuôi con mình thì phải nhớ đến công ơn bố mẹ mình thì khó có số tiền nào đủ lớn để báo hiếu. 
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 




29.7.2019