Hình Ảnh Đà Lạt trước và sau 75

Mình tính không muốn kể về Đà Lạt xưa nữa, thích nói chuyện ngày mai hơn. Thiên hạ quen và không quen, lại gửi cho hình ảnh xưa của Đà Lạt khiến mình lại tò mò, xem đây là đâu trong ký ức. Càng bay về vùng trời ký ức thì lại lòi ra đủ thứ kỷ niệm, đành phải viết lại nếu không nó lùng bùng trong đầu khó chịu.


Hôm nay, nhận được 29 tấm ảnh Đà Lạt xưa và nay của một người không quen gửi tặng. Tác giả lấy tấm ảnh xưa trước 75, rồi đến lại ngay góc ấy để chụp lại không gian ngày nay để so sánh xưa và nay khiến mình thất kinh. Tác giả là dân Số 4, nay sinh sống tại Sàigòn, còn trẻ, muốn tìm lại gốc tích quê xưa. Có một cô, khoe với mình đã thực hiện một cuốn sách về di sản Đà Lạt. Hóa ra giới trẻ Đà Lạt ngày nay, cũng chú ý về lịch sử Đà Lạt, cũng như thế hệ ông bà, cha mẹ họ đến lập nghiệp ra sao. Tương tự như mình khi xưa, muốn tìm hiểu về cuộc đời ông bà cụ, ông bà nôi và ngoại,…


Nhớ năm 1992, về lại Đà Lạt lần đầu tiên thì hình ảnh Đà Lạt như các tấm ảnh của ông người nhật Doi Kuro chụp. Phải công nhận te tua nhưng vẫn còn dáng xưa của Đà Lạt, khi mình vội vã rời bỏ, chỉ có là không sơn phết lại như một cô gái già, không son phấn. Trước 75, gần tết, mấy phố tiệm nhà cửa được người Đà Lạt, quét vôi lại để ăn tết. , . Nên ngày Xuân với mai anh đào nở rộ, rất đẹp.


Suốt 20 năm ở hải ngoại, mình ấp ủ những hình ảnh Đà Lạt xưa ấy, mong có ngày trở về, nhìn lại Đà Lạt để rồi thất vọng, ra đi. Mình tải lên đây để ai xa xứ Đà Lạt, có thể tưởng tượng lại nét đẹp ngày xưa của Đà Lạt.

Đây là hình khi xưa, đầu đường Duy Tân, bên trái là tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, có cái lò điện. Đối diện là tiệm VĨnh Hoà, kế bên là tiệm thuốc tây Minh Tâm, của cô Minh và chú Phấn, con của ông bà Võ Quang Hàm. Mấy dãy phố này là do ông Võ Đình Dung xây cất, sau về hưu và bán lại cho các chủ nhân mấy tiệm ở đây. Ông Võ Đình DUng là một trong 5 người của hội đồng thị xã Đà Lạt khi xưa. 2 người Việt và 3 người Pháp. Mình có kể trong bài sự hình thành khu Hoà Bình.
Sự khác biệt giữa 80 năm trời. Dãy phố này kéo dài đến đường Thành Thái. Khác biệt kiến trúc của tấm ảnh trên rất giống nhau, chiều cao, cùng mái, cửa sổ,…làm theo tiêu chuẩn của kiến trúc sư pháp đề đặt ra trong họa đồ chính, 
phát triển Đà Lạt, 6 mét chiều ngang, cho phép 2 tầng. Tiệm ăn Chic Shanghai gồm 2 căn nhập lại. Sau này đến thời Việt Nam Cộng Hoà sau 63, mới có vụ nhà thầu xây cao hơn 4 tầng như khách sạn Thuỷ Tiên và khách sạn Mộng Đẹp. Bắt đầu sự tàn phá kiến trúc, không gian mà người Pháp và đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, tiếp tục xây dựng.

Hội An được du khách tây mến, yêu thích vì những căn nhà cổ. Thành phố này, có một quan lớn, biết giữ gìn không cho xây cất bừa bãi nên còn giữ chút gì không gian xưa, giúp dân tình kiếm sống với ngành du lịch. 

Sau Mậu Thân, chiến tranh gia tăng khắp nơi, dân tình ở quê, chạy giặc vào Đà Lạt nhiều nên cắm dùi chiếm đất xây nhà cửa, không theo các bản đồ phát triển của người Pháp để lại. Để hôm nào, rảnh mình viết về dân số Đà Lạt từ khi thị xã được thành lập đến nay, để hiểu lý do Đà Lạt phát triển một cách man rợ. Khởi đầu từ đệ nhị cộng hoà, với khách sạn Mộng Đẹp và Thuỷ Tiên. Ông chủ khách sạn Mông Đẹp, nGuyễn linh Chiểu, thầu khoán xây chợ Đà Lạt, xây hơn một tầng theo giấy phép, chạy chọt mấy ông lớn sau khi ông Diệm bị lật đổ nên tha và khách sạn Thuỷ Tiên cũng chơi cha kiểu này, khiến dân Đà Lạt quen thói, không theo bản vẽ của thành phố. Có gì thì dúi tí tiền cho mấy ông lớn Đà Lạt xưa.

Thời ông Diệm, có ông thị trưởng Trần Văn Phước xây cất các công trình như chợ Đà Lạt, khu Hoà BÌnh,…. Bản hiệu các tiệm buôn bán tại Đà Lạt rất nhỏ, theo kích thích đàng hoàng. Mình quên rồi vì đọc lâu ngày nhưng có chuẩn mực. Nhớ đến chỗ ông thợ vẽ các pano, Nguyễn Đình Nghi, đường Minh Mạng, cạnh nhà sách Khai Trí, đối diện bi-da Hồng Ngọc. Thấy ông ta làm sẵn các pano theo kích thước quy định.

Người dân cắm dùi, xây nhà loạn lên, mấy đại gia chặt cây Đà Lạt để cung ứng cho việc xây nhà, giàu to. Đà Lạt phát triển nhanh chóng, không theo lề lối. Với tư duy ao làng nên xây lại căn nhà như ở quê với mấy tấm tôn và nhà gỗ. Dạo ấy nhà xây bằng gỗ thông đầy. Đường Hai Bà trưng và Cường Để, thương phê bình căm đùi, xây nhà đủ kiểu. Xóm mình cũng vậy.
Đây là đầu đường Minh Mạng, chỗ tiệm Viễn Xương LOng, Đức Xương Long của gia đình Huỳnh Quốc Lương trong một buổi rước lễ Phật đản hay Thánh Mẫu. Dãy phố này cũng do ông Võ Đình Dung xây cất rồi bán lại cho các chủ tiệm ở đây. Thiết kế kiến trúc ngày nay, không cần kiến trúc sư vì không cần cửa sổ, cứ lấy mấy pano quảng cáo là xong việc. Khu Hoà bÌNh được khởi đầu bởi dãy nhà của ông Đội Có hai tầng, chỗ bến xe Tùng nGhĩa, sau đó đến dãy phố Bùi Thị Hiếu. 

Sau này, ông Võ Đình Dung mới xây dãy phố nhà hàng Mekong, Việt Hoa và dãy phố Chic Shanghai. Nếu nhìn kỹ, theo kiến trúc và kích thước do kiến trúc sư trưởng thành phố ấn định. Nay thì chỉ thấy bảng quảng cáo và cờ xí.
Chỗ này chụp từ cầu thang chợ đi lên góc Lê Đại HÀnh. Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng
Khu Hoà Bình, chỗ tiệm đồng hồ Tiến Đạt, không gì thay đổi, ngoại trừ các đường dây điện thoại, chằn chịt. Ngược lại phía bên đồi, chỗ nhà lao xưa thì khách sạn xây đầy.
Đường Mình Mạng, góc chưa thay đổi lắm, ngoại trừ dây điện thoại 
Khu rạp Hoà Bình không thay đổi, ngoại trừ các ống điện bắt trên tường cho đèn đêm. Khi xưa, có lẻ sang trọng hơn một tí, nay thì móc treo đồ bán như chợ trời. Tiến Đạt thành Phương, Anh Lân thành Hiếu Hằng,…
Bao nhiêu cửa sổ bị che lấp bởi mấy pano quảng cáo. Chắc trong phòng rất ẩm vì không mở cửa sổ.
Đường Hàm Nghi, khu Hoà Bình. Thấy tiệm sách Liên Thanh, góc Bùi Thị Hiếu. Hình này chụp sau 75, chắc do ông Kuro chụp vì trước 75, khá sạch sẽ, sơn vôi mỗi năm. Chỗ nhà cao tầng là giang sơn của Easy Rider
Chợ Cũ hay Chợ Cây, sau khi chợ Đà Lạt mới, được xây dưới thời đệ nhất cộng hoà, chỗ này được ông chủ tiệm Chic Shanghai mướn để xây lại thành khu phố Hoà BÌnh và rạp xi nê Hoà Bình. trở thành rạp xi nê Hoà BÌnh. Nay hàng ghế đã được thay đổi. Mình nhớ khi xưa có 3 loại màu cho ghế; xanh đỏ vàng nay thì không nhận ra phía trong của rạp chiếu bóng
Góc Đường Tăng Bạt Hổ và Hàm Nghi, bên hông tiệm ăn Mekong, nơi làm đám cưới ông bà cụ mình 68 năm về trước. Hình như bây giờ cũng là tiệm cà phê, thấy quảng cáo man rợ. Hôm nay, có ông thần nào, hỏi mình còn nhớ đến chị Yvonne, ngồi két ở tiệm Mekong. Dạo ấy đâu có tiền để vào mấy chốn này. Khá lắm là ngồi lề đường ở dốc Minh Mạng, uống ly sữa đậu nành của bà 7 Quốc. Có một lần đi bộ từ chợ về, đi ngang đây thì thấy ông cụ mình đang ngồi uống cà phê với bạn. Ông cụ chạy ra kêu mình vào, kêu chai nước cam vàng BGI cho uống. Vào đây ngửi mùi tiệm ăn, phê không thể tả. Đó là lần đầu và cũng lần cuối được ngồi trong tiệm ăn này. Nhớ là ngồi ghế nệm, màu đỏ Bordeaux, không phải mấy ghế đẩu với chân bằng sắt nhé. Không như ở mấy tiệm phở, lấy ghế đẩu rồi chồng lên nhau. Khi có khách thì lấy cho ngồi.
Góc đường Lê Đại Hành, có chiếc xe Jeep của ông cụ mình vì dạo ấy, Đà Lạt chỉ có độc nhất một chiếc xe Jeep sơn màu xanh da trời. Khách sạn Mộng Đẹp, (Modern), sau khi quân đội Mỹ rời Việt Nam. Nay được dịch thành Nice Dream. Phía bên đồi nhà lao, nơi mẹ mình bị tây nhốt 6 tháng trời, nay được xây cất hết đất luôn.
Nếu mình không lầm thì đây là đường La Sơn Phủ Tử gần Mả thánh, cuối đường mình thấy cái dốc lên đường Ngô Quyền. Thấy chiếc xe Lam, chở hoa liểng đi trước, như xe của chú Thành, người làng Dưỡng Mong vì Đà Lạt có 2 chiếc có đầu xe như của chú và chiếc xe tang chở hòm đi sau. Sau khi đọc bài này, người gửi ảnh cho biết là đám tang của ông ngoại của anh ta, nhà ở Ngô Quyền năm 1981. Ngay bên trái của tấm ảnh là nhà của Trần Văn Tiến, có xe hàng chở hàng Sàigòn Đà Lạt. Nay bảo mình nhận ra chỗ nào không thì chịu.
Cà phê Tùng nổi tiếng Đà Lạt. Cột điện xi măng được thay thế bằng cột điện bằng sắt nhỏ hơn nhưng dây điện thoại đầy. Bên cạnh là giày Tân Việt, còn đi tới một tí là nhà in Lâm Viên. Sau này mấy người con đổi thành khách sạn Europa. Thiên hạ cứ hỏi mình biết tiệm cà phê này, cà phê nọ,.. thú thật khi xưa, mình không uống cà phê thêm còn bé, không có tiền để đến những nơi này. Chỉ nhớ có gặp một cô, kêu là con gái của tiệm cà phê ở đường Phan Bội CHâu. Nay là tiến sĩ, dạy ở đại học Pomona, đang tìm cách sản xuất cà phê hưu cơ. Có nhớ một ông thần tên Thông, con trai của tiệm cà phê Tùng này, học chung với mình ở Yersin khi xưa nhưng không chơi với nhau. Chỉ nhớ là có học chung và gặp lại Phước, con nhà in Lâm Viên. Con gái tiệm Liên Thanh hình như có học chung ở petit lycee, còn tiệm Đại Việt, không chơi nên không có kỷ niệm để kể. Chán Mớ Đời  (Còn tiếp)

Hôm nào mình về Đà Lạt, phải đến tiệm cà phê buổi sáng Chez Nous ở đường Phan Đình Phùng uống thử, nghe nói ngon cực đỉnh, cà phê gốc.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo ăn bơ Sơn đen 



Nguyễn Hoàng Sơn 








Các tiệm chụp hình xưa tại Đà Lạt

 Hôm rày, có một chị dân Đà Lạt, đọc bài của mình rồi cung cấp thêm những chi tiết khác về Đà Lạt, khiến mình ngạc nhiên vì chị ta biết đến những người mình quen khi xưa. Hỏi ra là em dâu của một người bạn học Văn Học khi xưa, có lần mình đã kể về anh ta. 

Tên Vũ Văn Tùng, người trồng cây si Hàng Thị Ngọc Hiền một thời, nay sinh sống tại Sàigòn. Anh chàng này làm phó, còn mình làm trưởng lớp 11B và 12B nên khá thân. Sáng đi học, từ nhà mình đi theo đường Hai Bà Trưng, đến góc Cẩm Đô thì có anh ta đứng đợi, ngay quán hớt tóc để đi chung đến trường ở đường Hoàng Diệu. Hình như lớn tuổi hơn mình, để tóc dài, bận áo sơ mi màu đu đủ, quần ống loa. Lúc nào cũng chải đầu láng cóng. Mình về Đà Lạt, có tìm anh ta. Đến nhà thì ngay cầu thang lên nhà thương, toàn là nhà san sát và cao ngất đồi luôn. Hỏi mấy người bạn học cũ, không ai nhớ đến anh chàng này. Sau 75, đi xứ khác thì ít ai nhớ ngoài trừ những tên như mình lênh bênh ở không gian vô định.

 Có người cho thêm tin tức về Đà Lạt, như đưa thêm mấy mảnh mosaic để mình ráp thêm vào hình ảnh, ký ức của Đà Lạt xưa. Càng ngày càng lộ rõ hình ảnh Đà Lạt một thời mình sinh ra và lớn lên rời bỏ. Mình vội vã trở về Đà Lạt thăm người thân, lại vội vã ra đi như kẻ si tình, không dám nhìn lại người xưa, đã thay đổi quá nhiều.

Đà Lạt xưa, ít ai có máy chụp hình nên muốn có ảnh thì phải ra tiệm chụp hình, chụp hình phông của họ dàn cảnh sẵn. Ngoài ra du khách viếng bờ hồ hay khu chợ Đà Lạt nhất là khi Tết đến với hoa mai anh đào thì có một nhóm phó nhòm chụp hình dạo. Họ chụp xong thì rửa đem lại nhà hay khách sạn. Rửa ảnh thì dễ, chỉ cần hai chậu nước, bỏ hoá  học vào là có thể rữa ngay.

Loại máy ngày xưa mình thấy là loại nhìn xuống để xem khung ảnh theo quang học

Nếu mình không lầm, đa số người Việt ở Đà Lạt có máy ảnh Pentax, lâu lâu ai có máy Canon là xịn hết chỗ chê. Người mai mối ông bà cụ mình là chú Lữ, sửa đồng hồ chỗ tiệm ông bà Võ Quang Hàm, có máy chụp hình, không nhớ loại gì nhưng khi chụp thì nhìn xuống cái máy thay vì nhìn vào cái hình chữ nhật như loại máy sau này.

Photo Hồng Châu ngay cầu thang chợ Mới Đà Lạt.

Mình nhớ Chú Chín, chồng của thím Mai, làm việc với cô Tuý tại nhà bảo sanh Hiền Chi, hay đứng ở Bờ hồ, cạnh cầu Ông Đạo để chụp hình cho du khách. Trước khi đi tây, ông bà cụ mình có nhờ chú chụp toàn gia đình mình trước khi rời Đà Lạt đi tây. Lúc mình sang Cali thì chú đã qua đời, chỉ có gặp thím Mai, đỡ đẻ bà cụ mình năm một tại nhà bảo sanh Hiền Chi. Khi mình sang Văn Học, có học chung với Đa, con trai độc nhất của chú thím. Khi mới sang Cali, mình ở nhà Đa mấy tuần trước khi tìm mướn được căn hộ trên Los Angeles. Sau này cả gia đình này đại diện nhà trai đi hỏi vợ cho mình. Sau này, Đa hay về Việt Nam làm ăn nên ít gặp lại. Đồng chí gái hay liên lạc với vợ anh chàng, con của bác Hoà, trồng hoa hồng Đà Lạt, làm ty Công Chánh khi xưa. Có gặp lại ông bà cụ mình khi sang Hoa Kỳ chơi. Nay đã qua đời.

Nói đến mấy tiệm chụp hình Đà Lạt xưa. Có lẻ là một thành phố du lịch nên tiệm chụp hình ở Đà Lạt khá đông. Mình nhớ tiệm Mỹ Dung ở đường Minh Mạng, cạnh tiệm Anh Võ, gần photo Đại Việt. Tiệm Mỹ Dung này quen với bà cụ mình nên mỗi lần cần chụp hình căn cước, làm thẻ học sinh, là chạy vào đây chụp. Họ bắt đợi cả tuần hai tuần mới đến lấy hình được. 


Mỗi lần đến chụp hình là họ, chải đầu đủ trò, bắt ngồi nơi ghế, kêu nhìn ống kính, còn ông chụp hình thì lấy tấm vải che phủ cả cái đầu rồi kêu cười lên, nhấn nút cái phèo. 

Hình 4x6 chụp ở tiệm Mỹ Dung

Ngoài ra đi học Yersin, hàng năm có vụ chụp hình chung cả lớp với thầy cô giáo. Bố của một người học chung mình không nhớ tên, đến chụp. Lớp khi xưa có cả 40 học sinh, chơi khá lắm là 5 tên.


Sang tây đi học, có phòng rửa hình nên sau khi chụp hình là có thể rửa ngay. Dễ như ăn cơm. Có tiệm chụp hình, chắc làm ăn khấm khá, sau này thấy tiệm này hùn tiền với mấy đại gia khác như ông Đoàn, xây mấy căn nhà ngay vạt đất đi lên dốc Nhà Làng, đường Phan Đình Phùng, đối diện khách sạn Cẩm Đô. Mình có bò vào đây, xem mấy ông thần Yersin chơi nhạc như Trình, con ông Đoàn, chơi trống…. Nghe nói anh chàng này hiện ở Texas.


Mình nhớ tiệm photo Đại Việt, cạnh tiệm Anh Võ trưng bày một cái máy chụp hình nhỏ như trong phim trinh thám, gián điệp nên mình muốn mua. Phải để dành tiền đến hai năm mới mua được cái máy. Mua về chụp hình được một lần thì bị hàng xóm chôm mất.

Ảnh này cho thấy tiệm Đại Việt, đi xuống một chút có tiệm Mỹ Dung

Đi xuống đường Minh Mạng, đối diện tiệm bi da Hồng Ngọc, cạnh nhà trồng răng của ông hàng xóm Nguyễn Văn Nghi, có tiệm chụp hình Hồng Thuỷ. Có anh bạn học, đọc bài này và có gửi tấm ảnh 4x6 chụp ở tiệm Hồng Thuỷ. Nói chung mấy tiệm chụp hình đều cha truyền con nối. Tiệm này là của con rể ông Trần Văn CHâu, chủ tiệm chụp hình Hồng Châu ở ngay cầu thang đi xuống chợ Mới Đà Lạt. Theo chị này, chủ tiệm tên Dũng. Đi xuống cuối đường Minh Mạng, cạnh tiệm nước đá Thuỷ Tinh, có một tiệm chụp hình Văn Hoa. Hình như con trai tên Hiệp, nối nghiệp ngày nay, quay video cho đám cưới, du khách.

Hình này cho thấy đường Thành Thái, có kem Việt Hưng, tiệm chụp hÌnh Harvest, Người Ảnh, gà Gala, và cuối cùng là rạp xi nê Ngọc Lan. Phần dưới có tiệm chụp hình Văn Khánh

Có lần mình đọc đâu đó, con ông Châu nói là có đem theo qua mỹ, các negatif của hình ảnh bố anh ta chụp khi xưa. Không biết làm sao liên lạc được để xem phim chụp của ông Châu. Ông này khi xưa, có quen bà cụ mình. Mình nhớ bên cạnh, có một tiệm bán đồ cho du khách. Hồi nhỏ mình hay vào đây vào mùa hè, lấy hàng về để xâu chuỗi hột màu đủ loại kiểu người Thượng đeo để họ bán cho du khách, kiếm tiền. Ông này có mấy tấm ảnh Đà Lạt, chụp từ trên máy bay bà già.


Đà Lạt có một nhiếp ảnh gia khá nổi tiếng ở hải ngoại, Phí Văn Trung, con của ông Lãm trong dốc Đào Duy Từ. Có người gửi cho mình một tấm ảnh gia đình chụp tại tiệm chụp hình Nam Sơn, cạnh Chic Shanghai.


Tương tự ở đường Duy Tân, ngay góc Thủ Khoa Huân, có tiệm chụp hình của ông Lợi Ký lâu năm. Sau này ông ta truyền nghề cho con trai, mở tiệm Văn Khánh, chỗ đường vào chợ Đà Lạt, cạnh Nam Đô ngân hàng. (Nay cháu nội ông Ký là Dũng  con chú Khánh vẫn nối nghiệp chụp hình tại tiệm Lợi Ký nhưng nay đổi tên là Ván Khánh…

Hình này chắc chụp sau 75 nên không thấy phòng trồng răng Nguyễn Văn Nghi và tiệm chụp hình Hồng Thuỷ. Đã đổi tên 

(Ông cụ Ký còn người con trai thứ hai cũng mở tiệm chụp hình ở đường Thành Thái gần tiệm kem Việt Hưng đó là tiệm Harvest).

Nghe nhắc đến tiệm chụp hình Harvest mới nhớ cạnh tiệm kem Việt Hưng có một tiệm chụp hình tên này. Sau này, thời ông Kỳ, cấm sử dụng ngoại ngữ đặt tên cho bảng hiệu nên họ đổi lại thành “Người Ảnh”.


Ngoài ra nếu mình không lầm, có một tiệm chụp hình ngay khách sạn Thuỷ Tiên, góc Trương Vĩnh Ký và Duy Tân, cạnh nhà ông Đàng, số 9 Duy Tân. Du khách ngụ tại khách sạn, chụp hình luôn. Nghe nói cũng thuộc con cháu ông Lợi Ký. Tiệm này tên Văn Khánh, sau đó chuyển xuống cạnh Nam Đô Ngân Hàng.

Khách sạn Thuỷ Tiên, góc Trương Vĩnh Ký và Duy Tân, có một tiệm chụp hình

Mình không nhớ ở đường Phan Đình Phùng có những tiệm chụp hình khác ngoài Việt Hoa. Ai biết thì cho xin, để bổ túc. Cảm ơn.

Không nhớ rõ nhưng có lẻ tiệm giữa là Văn Khánh photo. Chỗ này, khi xưa đói diện khách sạn Mộng Đẹp, mỹ đóng ở đó nên tha hồ rữa hình cho lính mỹ nên chắc giàu.

Thiên hạ mách dùm. Cảm ơn 


Tiệm chụp hình ở đường vô chợ là tiệm Văn Khánh con của ông Ký có tiệm chụp hình Lợi Ký … nay cháu nội ông Ký là Dũng  con chú Khánh vẫn nối nghiệp chụp hình tại tiệm Lợi Ký nhưng nay đổi tên là Ván Khánh…

Ông cụ Ký còn người con trai thứ hai cũng mở tiệm chụp hình ở đường Thành Thái gần tiệm kem Việt Hưng đó là tiệm Haverst


Sony NguyenUsa tiệm chụp hình ngay góc đường Trương Vĩnh Ký và Duy Tân là tiệm chụp hình Văn Khánh sau này chuyển xuống kiosque đường vô chợ và cũng là tiệm chụp hình đầu tiên ở Dalat chụp hình màu lấy liền trong 5’…

Sony NguyenUsa và  H nhớ có nhiếp ảnh gia nổi tiếng là Nguyễn Bá Mậu cũng ở cuối đường Mình Mạng cũng trong phạm vi có tiệm chụp hình Văn Hoa mà bác Mậu cũng một thời với bác Hồng Châu và mất năm 1990 do bệnh ung thư.Bác Mậu có hai người con trai cũng theo nghề chụp hình là Nguyễn Bá Trung và một người nữa tên gì thì H quên mất , không biết   tiệm chụp hình Văn Hoa có phải  là của bác Nguyễn Bá Mậu hay không ?

Có người cho biết tiệm Việt Hoa không phải của ông Nguyễn Bá Mậu. Mình nghe ôn thần tên Hiệp, cựu học sinh ở Văn Học nói là con của tiệm này khi xưa.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 








Gà đẻ trứng vàng

Sau khi giải thích cho cả lớp, bài học đầu tiên khởi đầu sự làm giàu là tiết kiệm, để dành 10% số tiền tạo ra, kiểm soát sự tiêu xài, loại bỏ tiêu pha những thứ không cần thiết cho cuộc sống. Từ từ Chí phèo thấy cuộc sống dựa trên 90% tiền lương cũng không có gì thiếu thốn, bù lại cái hồ bao càng ngày càng đầy ắp.

Sáng hôm sau, Chí Phèo hỏi các học viên có gì thắc mắc hay không. Ai cũng đồng ý với ý tưởng để dành tiền, bớt tiêu xài hoang phí. Thay vì đi ăn tiệm, ở nhà nấy ăn, vừa rẻ vừa có sự đồng cảm với vợ con. Chí Phèo nói tiếp.

Cuộc sống lứa đôi tỏng niềm hạnh phúc vô biên

Sau khi cắt bớt chi tiêu, mua áo quần tạo dáng, chúng ta dành dụm được một số tiền, chúng ta phải bắt số tiền ấy làm việc ngày đêm, làm nô lệ cho chúng ta, tiền lời của chúng mới giúp chúng ta làm giàu được. Tôi mất hết số tiền dành dụm đầu tiên vì đưa cho một người không biết gì về thương mại. Hắn là thợ mộc nhưng nghe ai nói mua xe cũ đem về Việt Nam bán lấy lời. Hắn đem xe về Việt Nam, không biết luật lệ gì cả nên khi bị bắt đóng thuế 200% là hắn ngọng, phải bỏ của chạy lấy người. Tôi mất hết số tiền để dành vì tin người không chuyên nghiệp. Đó là bài học đầu tiên tỏng cách làm giàu chọn mặt gửi vàng.

Không nản chí, tôi tiếp tục để dành tiền và đưa cho những người nấu bánh tét, bánh mức, bán chợ tết lời gấp bội nhất là họ gửi đi các tiểu bang khác bán nên tiền tôi để dành có khá hơn. Tiền trong hồ bao của các anh không làm các anh giàu có mà là lợi tức do tiền của các anh làm ra mới giúp các anh giàu có. Các anh phải xây dựng một nguồn lợi tức mà khi các anh đau ốm, suối nguồn lợi tức vẫn tiếp tục chảy về. Như khi xưa, thầy cô dạy chúng ta về câu chuyện gà đẻ trứng vàng. Chúng ta phải kiên nhẩn nuôi gà ăn no béo để đẻ trứng.

Từ từ các đồng tiền để dành của tôi sinh ra tiền, rồi tiền đó sinh ra tiền như con gà đẻ trứng, nở ra gà con rồi gà con đẻ trứng, nở ra gà cháu rồi đẻ trứng nở ra gà chắt,… cứ thế mà tôi giàu lên. Tôi dùng số tiền ấy để đầu tư khi có cơ hội, thần tài gõ cửa đến.

Một nông dân, sinh ra một người con trai. Hắn muốn cho con trai một số vốn 1 lượng vàng nên đưa cho một tên cho vay ăn lời. Bảo để dành đến khi nào người con trai lớn 20 tuổi thì sẽ lấy lại để giúp con lập gia đình,… khi người con đến tuổi trưởng thành thì tên nông dân đến hỏi tên cho vay ăn lời, số tiền 10 lượng vàng nay đến đâu. Tên cho vay kêu vì để trong vòng 20 năm nên tiền lời sinh ra tiền lời nên 10 lượng vàng nay thành tổng cộng 30.5 lượng.

Tên nông dân rất vui nhưng không cần tiền nên bảo ông cho vay tiền cứ giữ đó, khi nào cần sẽ lấy. Khi người con đến tuổi 50 thì người cha đi thăm ông bà, người cho vay trả cho người con 167 lượng vàng. Trong suốt 50 năm số tiền nhân lên gần gấp 17 lần. Từ 1 lượng vàng, nay người con có đến 167 lượng nhân cho $2,000/ lượng.

Tiền để dành, nếu không có thần tài gõ cửa thì cứ cho vay, lâu ngày cũng đẻ ra trứng để khi cần chúng ta có thể sử dụng khi về già. Ở Hoa Kỳ, đi làm họ có những quỹ hưu trí cho chúng ta để dành hàng tháng đến khi về hưu thì sẽ có một số tiền để tiêu xài chơi những ngày tháng không làm ra lợi tức.

Các anh bàn bạc với nhau, xem có cách nào khác để giúp tiền của các anh đẻ ra tiền để khi hữu sự, đau ốm, có thể sử dụng. Ngày mai cho tôi biết kết quả cuộc trao đổi. Nhớ là nói chuyện đàng hoàng, không phải dzô dzô. Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 





Ăn tết con mèo quý


Năm nay, vợ chồng mình ăn tết hơi vội vã. Đi ta bà cả tháng, về lại nhà vào đêm 30. Lật đật, cúng giao thừa rồi ngủ. Bị jetlag nó vật nên thức giấc vào những giờ giấc bất thường vì Nam Mỹ cách đến 5 múi giờ. Mò mò trên Facebook, thấy mấy tin nhắn chúc mừng năm mới của những người không quen. Mình hay nhận tin nhắn của thiên hạ, cho thêm tin tức về Đà Lạt nên cảm ơn, chúc họ và gia quyến một năm mới an khang và thịnh vượng rồi đi ngủ lại.


Sáng sau, lên vườn để xem xét tình hình ra sao vì mưa khá nhiều khi mình đi chơi ở Nam Cực. Về nhà, mở máy ra xem có tin tức gì lạ, bổng thấy tin nhắn trả lời của một người không quen, đã chúc tết hôm qua. Tò mò mở ra xem, đoán là người này biết mình khi xưa ở Đà Lạt, lần mò lên xem thông tin của người gửi khiến mình thất kinh. Hoá ra đối tượng một thời ở Đà Lạt, mình đã từng kể.


Cô nàng kêu là cúng ông Táo, bị ngã gãy vai chi đó, tháng sau về Sàigòn giải phẫu. Cuối năm còn bị xui. Cởi cọp cả năm nên khi nó ngừng không báo trước nên hạ thổ hơi nhanh. Mình cho biết sẽ có mặt tại Đà Lạt 2 ngày vào tháng 2 nhưng cô nàng bảo, sẽ về Sàigòn, mổ vai nên chắc không gặp lại cả nhóm Văn Học khi xưa. Cuộc đời phải có duyên mới gặp lại nhau được.


Có cô nào ở Thái Phiên, chúc tết, muốn tặng cuốn sách về Đà Lạt. Hy vọng sẽ gặp cô này khi về Đà Lạt. Mình chỉ ở Đà Lạt có hai đêm 17 và 18/2 nên không biết có gặp được ai không. Có duyên thì gặp nên không dám hẹn trước, tương tự với mấy người bạn học Yersin khi xưa, nay ở Sàigòn hay Đà Lạt. Mình sẽ có mặt ở Sàigòn ngày 26/2 đến 28/2 thì bay về Hoa Kỳ.

Ăn Tết với đại gia đình bên vợ xong. Trong tuần, đồng chí gái kéo đi ăn Tết với mấy người bạn cô nàng. Mỹ ăn tết có một ngày, người Việt mình chơi đến cả tháng như bài ca dao nào khi xưa bị bắt học thuộc lòng. Đại khái ngày nào cũng phải đi ăn rồi tối thứ sáu lại kéo đi dự tiệc gây quỹ của một đoàn hướng đạo ở Quận Cam. Mình không quen ai cả, ngược lại thiên hạ đều biết đồng chí gái nên chỉ biết ngồi ăn, hay đứng khép nép, lặng lẽ sau lưng đồng chí gái. Hình như mấy hội họp này đa số là phụ nữ. Lác đác vài ông ngồi chầu rìa như mình hay phải làm phó nhòm bất đắc dĩ.


Trên sân khấu, ca sĩ hát, mấy bà nhảy lên sân khấu xeo phì, không biết ai là ca sĩ ai là múa sĩ hay xeo-sĩ. Có hai ca sĩ sinh đôi, lên hát rồi kêu nóng muốn cởi đồ. Hỏi thiên hạ cho phép cởi đồ. Họ kể mới đi hát ở Boston về, ngủ được 2 tiếng, chạy ra đây hát rồi ra phi trường đi Chicago, diễn show khác. Đầu năm họ phải “bay” show khắp Hoa Kỳ, hái Lộc đầu năm không hết.


Thấy thiên hạ nhảy đầm khiến mình lo mà mụ vợ lại kêu ra sàn nhẩy, đông như quân nguyên, không có chỗ đứng, nói chi nhảy. Có tên nào buồn đời, đem súng vào ria một băng là hét lên đời tôi cô đơn yêu ai cũng cô đơn. Mình ngồi đối diện cửa ra vào, trông chừng, xem xét mấy chỗ nào có cửa thoát hiểm trong khi mụ vợ, chạy đi chụp hình tạo dáng với mấy bà bạn. Có ai mang súng đi vào thì trốn dưới bàn ngay.


Lý do là đêm giao thừa, trong lúc mình trên đường từ phi trường về nhà, có hai vụ nổ súng bắn chết trên chục mạng ở phố Tàu trên Los Angeles. Nghe nói có ông nào người Tàu, gốc Việt, buồn đời đêm giao thừa, vác súng đến hai vũ trường, đúng hơn là câu lạc bộ nhảy đầm, rồi rỉa súng liên thanh, đưa mười mấy người đang nhảy Cha Cha, mừng Xuân mừng thủ trưởng, theo ông bà lên bàn thờ an vị. Kinh


Mình đi đâu, ăn uống, chỗ đông người, tai nạn nghề nghiệp nên hay xem xét cửa thoát hiểm. Lý do là Cali hay bị động đất, quan sát địa thế để lỡ có động đất thì kiếm chỗ núp, tốt nhất là dưới bàn rồi cửa thoát hiểm. Khách sạn hay tiệm của Mỹ thì mình không sợ, chỉ sợ mấy chỗ Việt Nam và Mễ. Đường thoát hiểm mà họ chất đồ tùm lum, chật đường, chất mấy bao bột ngọt tận trần nhà hay gạo, thùng chảo,… có cháy là coi như chết cháy trong hoả lò, thành vịt tắt kinh luôn.

Bơ đến mùa ăn được rồi thêm quýt đường. 1 ngày mình ăn 9 trái trừ cơm, thành lập tu đạo bơ 

Trong cộng đồng người á đông, khi về già, có phong trào khiêu vũ, tham gia câu lạc bộ khiêu vũ như tập thể thao, tập Thái Cực Quyền. Mấy người độc thân thì có thể trò chuyện, mời nhau đi khiêu vũ. Lại nghe nói câu lạc bộ khiêu vũ Lai Lai, địa điểm năm kia họ có quay một phim tài liệu, nói về cặp vợ chồng người Việt, tìm lại nhau qua khiêu vũ, được giới thiệu cho giải Oscar . 


Cuốn phim nói về cuộc đời một cặp vợ chồng người Việt gốc Hoa. Họ quen nhau khi còn trẻ tại một buổi khiêu vũ sinh nhật thân hữu ở CHợ Lớn. Như bao nhiêu phụ nữ, lúc đầu không thích ông chồng nhưng khi ông ta dìu bà theo điệu nhảy thì bà ta cảm thấy tự tin nên đi chơi với ông ta qua các bal nhảy đầm tại Việt Nam, của giới thượng lưu Sàigòn khi xưa.


Rồi 30/4/75 đến, ông ta báo cho bà ta biết là sẽ xuống thuyền vượt biển. Sang Hoa Kỳ, ông ta bảo lãnh bà sang mỹ. Chắc ông ta khai bà ta là vợ nên sau mấy năm, được đoàn tụ. Lấy nhau có con nhưng bà ta mất đi cảm giác gần gũi với chồng vì hệ luỵ của hậu 75 khiến bà ta bị tổn thương tâm lý. Chỉ làm bổn phận của người vợ, người mẹ. Khi con lớn, bổng nhiên có phong trào khiêu vũ rầm rộ xuất hiện nên hai ông bà đi nhảy đầm lại và tham gia câu lạc bộ, học khiêu vũ cấp cao tại câu lạc bộ mới xẩy ra vụ nổ súng. Bà vợ cho rằng khi khiêu vũ với ông chồng thì cảm giác được dìu đi như lần đầu gặp ông ta trở lại. Họ từ từ tìm lại những cảm giác thương yêu ngày xưa.


Cuốn phim này khiến mình suy nghĩ khá nhiều về đời sống vợ chồng khi về già. Làm sao tạo lại cảm giác ban đầu khi mấy đứa con đã vào đại học, chỉ còn hai vợ chồng già ở nhà. Khi xưa, hai vợ chồng cuối tuần sơn nhà cho thuê, nay mụ vợ không thèm sơn nữa. Rủ đi vườn cũng chê.


Lâu lâu có anh vợ rủ đi nhảy đầm ở câu lạc bộ khiêu vũ. Mình cũng muốn bắt chước cặp vợ chồng trong phim, tìm lại vòng tay kiếm vợ kiếm chồng khi xưa. Vấn đề là sau 30 năm khói lửa, nội chiến từng ngày, cả hai đều to béo ra nên phải ra sức dang tay nối vòng tay lớn, mới ôm nhau nổi nên Chán Mớ Đời, hết muốn đi luôn.

Các nước tây phương ra sức giúp Ukraine đánh Putin cho bỏ ghét

Mình thích du lịch nên rủ đồng chí gái đi nhưng nội chiến từng ngày vẫn tiếp diễn sau bao nhiêu năm khói lửa, đối choại từng ngày với kẻ nội thù khi đi du lịch. Được cái là hai vợ chồng có đối thoại, từ từ trở thành đối choại theo tông La thứ. Từ từ chỉ còn đồng chí gái độc thoại trong khi mình đã bay theo giấc điệp. Lâu lâu vợ không thấy mình trả lời, đánh thức kêu sao ngủ rồi. Vợ nói phải nghe, ai cho ngủ. Chán Mớ Đời 


Mình dậy sớm, không muốn mất thì giờ nên đi bộ xem phố trong khi đồng chí gái ngủ. Về lại khách sạn là bị la, sao bỏ tui một mình. Ngồi trong phòng thì phải mở đèn thì không được mở vì thủ trưởng đang ngủ. Nằm nướng thì không được, cựa quậy qua lại lại đánh thức nàng. Chỉ có đi tàu, bị say sóng thì mình nằm thẳng cẳng trong phòng. Không ai muốn muốn đối choại, đối thoại gì cả. Gia đạo yên vui. Hoan hô sóng tình yêu gây chóng mặt.


Ông thần ria thiên hạ lên bàn thờ, tự sát luôn nên không ai biết ấp giáp gì cả. Thiên hạ đoán ông ta ghen với cô bồ hay vợ cũ gì đó. Hồi trẻ bị đào đá đít thì tuy ê nhưng vẫn còn có cơ hội đi kiếm đào khác. Nay trên 7 bó thì kiếm hơi khó nên căm thù chế độ cũ, đợi đến đêm 30, hát anh đến thăm em đêm 30 với súng liên thanh ra ria thiên hạ chơi thay vì đốt pháo. Xem mấy xác chết, không có người yêu, nên vác súng đến câu lạc bộ Lai Lai. Có ông thần nào, nhảy ra chụp súng khiến ông bỏ chạy rồi khi cảnh sát dí. Ông thần tự xử luôn. Như ông Tám Bolsa kêu:

Buổi chợ đông con cá hồng em chê lạt

Đến buổi chợ tàn con tép ruộng cũng phải mua


Hôm qua lên vườn, hái bơ cho Cô cháu bán. Kêu một ông Mỹ ở bên cạnh đến lấy bơ. Ông ta và vợ đến. Ông này cũng lạ, gặp mình một lần, rồi xin làm gác dan dùm mình, kiểu công an khu vực. Hể có xe lạ hay ai vào vườn mình thì ông ta gọi báo cho biết. Mỗi lần có xe lạ vào, ông ta gọi thì mình cho biết, thợ mình đem đất, đá vào,…


Mình tính thiết bị một hệ thống Internet trong vườn mình. Để có thể mở hay tắt nước từ nhà hay bất cứ ở đâu trên thế giới. Mình đã có hệ thống xem độ ẩm của đất để tưới thêm hay bớt lại qua vệ tinh.

Con cháu ăn tết ở Hoa Kỳ 

Vấn đề là trong vườn không có điện. Muốn làm hệ thống với năng lượng mặt trời. Mình hỏi ông hàng xóm, có thể làm hệ thống wifi tại nhà ông ta. Mỗi tháng mình trả tiền cho ông ta sử dụng luôn. Vấn đề làm sao có hệ thống wifi cho khắp nơi trên 20 mẫu. Ông ta đồng ý nhưng thấy cũng hơi ngại vì vườn rộng quá, sợ wifi không lan toả hết nơi.


Mình có tìm được một bà tàu, bán hệ thống năng lượng wifi mặt trời nhưng ở rất xa, cách chỗ mình đến 4 tiếng lái xe. lỡ hư kêu họ thì tết côngo mới đến.


Hôm qua gặp ông ta lại thì ông ta nói, cứ cần thì gọi ông ta, ông ta bò vô vườn, tắt mở hệ thống nước cho mình. Thấy khoẻ nên nhất trí. Mình hẹn hôm nay, sau khi đi lễ, ông ta sẽ đến, mình sẽ chỉ ông ta tải cái App về rồi chỉ cách tắt nước và mở nước là xong. Thật ra bác nào có rành về vụ này thì cho em biết, để cài đặt hệ thống này. Đi chơi em vẫn xem xét được và mở hay đóng hệ thống tưới nước thì cho em biết. Cảm ơn trước.


Cuộc đời mình lạ lắm, cứ gặp nhiều người, không quen biết từ đâu, đến tự nguyện giúp đỡ. Đó là một may mắn trong cuộc đời. Còn trúng số độc đắc là lấy được mụ vợ đồng chí gái.


Hôm nay, lấy bánh chưng trong tủ lạnh ra để chiên lại ăn. Bánh bị mốc. Chắc họ nấu cả tháng trước, để đông đá. Bà chị dâu mua dùm, nay mới lấy ra ăn không được đành bỏ. Thế là năm nay không được ăn bánh chưng. Đành ăn 3 trái bơ thế bánh chưng đầu năm. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Ăn cơm tây, ngủ tàu tây với vợ việt

Khi xưa, nghe người lớn nói: “ăn cơm tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” nên mình hơi thắc mắc vì họ nói đến những điều mình chưa bao giờ trải nghiệm. Lý do là cơm tàu, ngoài mì chú Lìn bán ngoài chợ, xe mì Cẩm Đô, và xe mì vịt tiềm ở đường Phan Đình Phùng, cạnh tiệm Công Thành ăn ba ngày tết khi có tiền lì xì, mình chỉ được ăn cơm tàu được 2 lần ở tiệm Kim Linh và Như Ý ở đường Phan Đình Phùng. Thêm 1 lần ăn cưới bà Dì, được đãi tại nhà hàng Nam Sơn, khu Hoà BÌnh. Do đó trải nghiệm của mình về cơm tàu tại Việt Nam rất ít. Sau này, đi giang hồ tứ xứ, mình thấy cơm tàu không có gì gọi là ngon ngoại trừ nhiều mỡ dầu và bột ngọt. Thậm chí qua đến Trung Cộng, ăn trong mấy nhà hàng của công ty du lịch đưa đến, ăn dỡ ngoại trừ hôm ăn tại khách sạn 5 sao ở Bắc Kinh.


Hai lần ăn cơm tàu ở tiệm Kim Linh và Như Ý tại Đà Lạt, cả hai lần gia đình mình gọi món Tả Pí Lù, mà ngày nay thiên hạ gọi Lẩu. Cái nồi đặt trên cái lò dầu hôi, làm bằng đồng, rồi bỏ rau cải, thịt vào nhúng, chấm nước xì dầu ăn, và cơm là chính. Có lẻ bữa ăn ngon miệng nhất ở Đà Lạt, tại tiệm ăn Ninh Hoà, trên đường Cường Để. Trước khi đi Tây, bà cụ dẫn mình lại đây ăn một bữa để nhớ quê hương là chùm khế ngọt để 20 năm sau mới trở về. Món thịt bò 7 món với nem Ninh Hoà.


Ngủ nhà Tây thì có lẻ ở Việt Nam, thấy mấy biệt thự của tây thực dân đẹp nên người Việt ước ao được ở trong đó, đến khi mình sang tây thì thấy nhà cửa tây đẹp thật nhưng không tiện nghi như nhà ở Hoa Kỳ. 8 năm trời ở Paris, mình ở trong căn phòng dành cho người giúp việc mà tây gọi “chambre de bonne”, tạm dịch phòng ô-sin. Chả có nước nôi gì cả. Mùa đông thì lạnh cóng còn mùa hè thì nóng chảy mỡ vì ở lầu chót, dưới mái nhà, không có thiết bị đồ cách nhiệt. Nói chung, nhà của tây cũ nên không có máy lạnh vào mùa hè. Chỉ có máy sưởi vào mùa đông.

Đây là hàng ăn đồ khai vị trên tàu tây khi mình đi Nam Cực. Theo mình ngon hơn cơm tàu. Ít dầu mỡ

Lấy vợ nhật thì đoán là khi xưa, có mấy cô gái người Nhật Bản sang Việt Nam ở Sàigòn, làm cô đầu, chuẩn bị điếu thuốc phiện cho tây hay làm hộ lý. Xưa kia Nhật Bản cũng nghèo, thất mùa nên dân chúng di cư sang các nước khác như Hoa Kỳ, các nước ở vùng Nam Mỹ mà ngày nay hậu duệ làm tổng thống mấy xứ này. Chắc họ chìu chuộng Tây thực dân tốt nên mấy thông ngôn, thầy ký kêu lấy vợ nhật để được chìu chuộng. Sau này viếng xứ Nhật Bản thì thấy ít người đẹp như gái Việt Nam hay phi luật tân. Chìu chuộng thì thật ra nước nào cũng như nhau. Vợ chồng lấy nhau quen, lâu ngày vợ không thèm để ý đến ông chồng nên họ hay tìm mấy con mèo trẻ hơn để được chìu chuộng nhưng lại tốn tiền. Tiền của mình là của vợ nên vợ không cần chìu chuộng. Xong om

Ăn cơm tây có vấn đề muỗng nĩa khá mệt. Việt Nam chỉ cần có đôi đũa là xong. Việt Nam theo phương cách miễn dịch bầy đàn, còn tây thì miễn dịch cá nhân.

Đi chơi ở Nam Cực, mình lựa đi tàu tây, một chị quen qua mạng, nói họ cho ăn đồ tây ngon lắm, đáng đồng tiền bát gạo đành nhắm mắt qua cầu, ghi danh đi dù đắt hơn tàu mỹ.


Tàu nhỏ hơn chiếc tàu mình đi lần đầu tiên qua Mễ, có đến 6 tiệm ăn, còn tàu nhỏ của Tây chỉ có 2 tiệm ăn. Một ăn tự chọn, bao bụng và một thì được phổ ky thuộc địa, phục vụ tận tình, chỉ cần cho tiền boa là họ vui rồi. Nói cho ngay chỉ có du khách Mỹ là cho tiền boa. Không thấy dân tây cho. Mình ngồi ăn với mấy tây đầm, chỉ thấy mình cho tiền boa. Thật ra, tiền boa đã trả rồi nhưng thấy dân tình, bỏ xứ đi xa làm việc kiếm tiền nuôi gia đình nên mình đồng cảm. 


Các phục vụ viên đa số là người đến từ Bali, Nam Dương, Phi Luật tân hay dân của thuộc địa của Pháp ngày xưa như Ile de Maurice, Ma-rốc,… có hai người sommelier với cái broche màu bạc, xem mới vào nghề sau khi học nghề ngửi mùi và nếm rượu. Dân làm sommelier lâu ngày sẽ có cái broche bằng vàng đeo nơi áo. Có điểm lạ là mấy người này, dù mình ít gặp họ nhưng lại nhớ tên mình. Cứ kêu Mít tờ Sony. Có lẻ tên Sony khiến họ dễ nhớ. Ở Phi Châu cũng vậy. Mình hay giới thiệu đồng chí gái là Panasonic khiến họ cười.

Món fromage với bánh mì. Họ làm confiture fraise ăn rất đỉnh, khô khô với Fromage. Chà là cũng khô không nhão nhẹt. Tuyệt cú mèo 
Món khai vị mình tự chọn mỗi bữa, cá mòi, cá hồi, saucisse và prosciuto Ý Đại Lợi . Mình đổ thêm dầu olive ăn cho bớt khô.

Đi tàu tây thì họ cho ăn cơm tây, do công ty một đầu bếp danh tiếng của pháp đảm trách. Mình chỉ ăn trưa và tối vì buổi sáng thường là không đói, không quen ăn sáng. Có ăn một bữa để xem sao, thì cũng omelette vớ vẫn, ít món hơn ăn sáng của người Anh hay mỹ. Nhớ khi xưa, ăn sáng ở quán cà phê, tây đầm hay kêu ly cà phê và cái croissant. Chỉ qua Anh quốc thì họ ăn thiệt tình buổi sáng, thịt ba chỉ, trứng rán, bánh mì nướng đủ trò với khoai tây chiên,.. Xong om


Ăn cơm tây thì có vấn đề sử dụng nhiều ly, nhiều dao nĩa. Đồng chí gái nhìn vào bàn thất kinh vì có 2 dao 3 nĩa, 2 muỗng trên bàn cùng 2 cái ly. Khi ăn cá thì họ bỏ thêm con dao dùng để ăn cá. Hỏi ăn bằng cái nào. Mình nói tuỳ, dao nhỏ và nĩa nhỏ để ăn khai vị, dao lớn và nĩa lớn cho món chính. Còn muỗng to để ăn súp, muỗng nhỏ ăn kem và cuối cùng nĩa nhỏ để ngang trên cái đĩa là ăn bánh ngọt….

Chỗ này họ để các fromage, bánh mì baguette và mấy đồ phụ để ăn với fromage
Mấy ngày đầu, mình kêu steak á căn đình rất ngon và mềm nhưng sau 3 lần là oải, hết muốn nuốt. Ông Mỹ quen cũng chới với. Nói đi vùng này để ăn thịt bò á căn đình nhưng cũng oải.
Món hải sản và spaghetti. Spaghetti thì hơi thất bại. Phải để người ý nấu theo kiểu Al dente mới ngon

Thấy đồng chí gái hỏi khiến mình nhớ đến phim Nhật Bản mang tên Tampopo, Bồ Công Anh, xem đâu 40 năm rồi tại New York. Trong phim có nhiều đoạn về ăn uống cách thức phương tây. Cảnh thứ nhất là có hai đại diện công ty họp mặt, ăn uống để bàn việc làm ăn. Họ vào một khách sạn sang trọng, có nhà hàng Pháp có phòng riêng để bàn bạc. Mỗi bên có 3 người. Một bên có một anh trẻ, chắc làm thư ký, ôm hồ sơ, cặp cho xếp, bị xếp khỏ đầu vì hậu đậu. 

Đồng chí gái mỗi bữa ăn, có chút rượu đỏ cho môi nồng má hồng. Mình thì không uống 
Món mực ăn rất đỉnh
Bơ demi sel để trong cái lon, lấy dao riêng để quét bơ lên bánh mì, ăn phê không tả. Có mấy lỗ nhỏ, bơ chảy thì chảy xuống mấy cái lỗ để khỏi mất đẹp. Ăn bơ với bánh mì làm mình nhớ thời sinh viên, mua baguette và thỏi bơ, về nhà trét ăn khi tiệm ăn đại học đóng cửa. Sang sang thì mua thoải sô-cô-la thêm.

Khi maître d’ đưa thực đơn với những món ăn viết bằng tiếng Tây, mấy ông nhật già chới với, hỏi ăn gì thì xin cho thêm thời giờ để nghiên cứu. Cuối cùng có một ông kêu cho món cá và súp. Thế là 4 ông kia đều nhất trí ăn món cá sole meunière và súp consommé và uống bia Heineken, để khỏi cảm thấy nhà quê, không biết gì về thức ăn Tây. Kêu bia Heineken của Hoà Lan, cảm thấy mình thuộc đỉnh cao trí tuệ. Thật ra 2 món này ở Nhật Bản ăn rất thường, consomme như sup Miso.


Đến khi hỏi anh chàng trẻ thì anh ta điều nghiên kỹ lưỡng thực đơn, đọc tiến Tây như người Nhật Bản, mình đoán anh ta đã có lần đến Paris, có đến ăn ở tiệm ăn nổi tiếng Taillevent. Anh ta hỏi về món Quenelles boudin và escargot vol au vent, hỏi làm bằng sauce gì,..khiến ông xếp bên cạnh đá chân dưới bàn. Anh ta còn hỏi rượu Tây, nói kêu sommelier vào cho anh ta hỏi, có nên uống với loại rượu khá lạ, tên Corton Charlemagne, mình chưa bao giờ nghe đến khi ở bên tây. Chắc dính gì đến vua tây mang tên Charlemagne. Sommelier là người học về rượu, sẽ giúp thực khách chọn loại rượu nào để uống với món ăn của mình gọi.


Xem thì buồn cười nhưng nếu nghĩ hơn thì thấy thương họ như thế hệ bố mẹ mình. Mấy ông xếp lớn Nhật Bản của thế hệ hậu chiến tranh, cố gắng làm việc để tái thiết xứ này lại. Họ không có thì giờ để hưởng thụ như thế hệ trẻ qua hình ảnh của anh thư ký, đã đến Paris. Thế hệ trẻ muốn hưởng thụ, không còn lao động vinh quang như thế hệ đi trước.


Thường mấy người quen, gốc việt lớn tuổi ở Hoa Kỳ, khen con họ biết chọn thức ăn khi vào nhà hàng mỹ,… họ không rành vì quen ăn đồ Việt Nam. Con gọi món gì thì ăn món đó. Khi xưa, mình ở âu châu, ít ăn đồ việt nên biết nhiều món của tây, ý, Thụy sĩ,…


Mình thấy bạn bè ở Hoa Kỳ, khi họ uống rượu nho, hay bỏ đá vào như uống coca. Gặp tây chắc họ bị đứng tim. Thật sự tuỳ mỗi văn hoá, không thể nào đánh giá nhau được. Nếu người Mỹ uống rượu, bỏ thêm đá mà họ thích thì cứ tự nhiên, không nên chê bai.


Nhớ hôm ăn cơm với ông Steve và Bruno, cựu giám đốc của Citi BAnk, từng làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Ngân hàng mua công ty địa phương nào đó rẻ rồi phái hai ông này đến để cải tổ lại rồi bán lấy lời nên họ rành ăn uống ở tây hay âu châu. Ông Steve kêu phục vụ viên, cho sommelier đến để ông ta hỏi. Cô sommelier đến nói nên uống loại nào, giá thêm 120 Euro, ông ta nói chỉ cần rượu thường, miễn phí thôi làm cô sommelier buồn năm phút. 


Theo mình hiểu ở tây có nhiều vùng trồng nho làm rượu. Mỗi món ăn mỗi vùng thì thường họ uống rượu, làm tại vùng đó nên khi gọi món ăn tây, thường phải biết món ở vùng nào để gọi rượu vùng đó. Có lần mình làm việc ở Paris cho một ông chủ người vùng Charente, ăn món gà với Pineau de Charente. Về vùng Bretagne ăn crêpes thì uống nước dấm táo thay vì uống rượu,…


Lần trước mình đi tàu mỹ, thấy anh bạn mua chai rượu đỏ để uống. Không hết thì nhờ họ cất, mai uống tiếp. Còn tàu tây này thì rượu uống líp ba ga, không trả tiền thêm ngoại trừ kêu loại rượu đặc biệt. Đồng chí gái nhâm nhi một chút rượu đỏ còn mình thì không uống nên lỗ. Một chai rượu giá thêm 120 Euro khá đắt. Nhất là tàu lắc lư đầu óc choáng váng.

Về nhà, ăn bơ trừ cơm, sáng trưa chiều tối

Trở lại cuốn phim Bồ Công Anh, có cảnh bên ngoài phòng ăn có một lớp dành riêng để dạy mấy bà Nhật ăn cơm ý, spaghetti. Bà giáo sư dạy, phải cầm thìa ra sao, rồi lấy nĩa xoắn xoắn spaghetti, bỏ vào cái muỗng rồi đưa muỗng lên miệng ăn, nhai từ tốn, không gây tiếng động. Đúng lúc đó, người ta nghe tiếng nuốt rụp rụp nên tò mò nhìn xung quang. Khám phá ra một ông Tây đang ăn spaghetti, nuốt ào ào, nghe ào ào ào nên mấy cô học viên, bắt chước ăn nuốt ào ào. Chán Mớ Đời 


Ăn uống là một cái thú. Đây phải cầm dao nĩa đủ trò, không được nhai rồng rộc, còn gì là thú nữa. Chán Mớ Đời 


Mỗi bữa ăn, các món khai vị đều tương tự, có vài món khác nhưng mình chỉ ăn prosciutto và cá. Họ đưa thực đơn, có mấy món chính thay đổi, ngoại trừ món thịt bò Steak, hamburger cho du khách mỹ. Các món chính mình ăn được như blanquette de veau, boeuf bourgignon,… những món khi xưa, được ăn khi còn sinh sống bên âu châu.


Phim Nhật Bản Bồ Anh Công, nói về một cô chủ tiệm mì Ramen tên Bồ Công Anh (tampopo) không đông khách lắm. Một hôm có một anh tài xế vận tải, trời mưa, ghé lại ăn và chê mì dỡ nên giới thiệu thầy ramen, để học bí quyết làm mì và nước lèo. Khá vui. Cuối cùng thì cô chủ quán lấy anh tài xế. Nhờ phim này mình mới biết đến món mì ramen của Nhật Bản.

Khi vượt Drake eo biển thì sóng đánh tới cửa sổ ầm ầm.

Đi chơi mà ăn uống líp ba ga có cái mệt là phải ăn dù không đói. Đồng chí gái kêu đi ăn không cả uổng nên khó hạn chế ăn uống. Đi Nam Mỹ như Chí lợi và Á Căn Đình, ăn sáng tại khách sạn vì đã trả bao gồm trong giá tiền, trưa hai vợ chồng không ăn đợi đến chiều. Trên tàu tây thì ăn mệt thở nên hai vợ chồng cùng một lứa béo phì ra. Về nhà bớt ăn lại. Nhìn đói.


Theo mình thì cơm Ý Đại Lợi vẫn ngon hơn cơm tây. thức ăn pháp được cải tiến như ngày nay, khi bà Catherine de Medicis, lấy vua Pháp, đem đầu bếp theo qua Pháp, để nấu cho bà ta và hoàng cung. Từ đó người Pháp mới biết nấu ăn ngon. Mình vẫn thích ăn cơm Ý Đại Lợi hơn vì có nhiều món rất ngon, tuỳ mỗi vùng. Mình giang hồ khắp nước Ý Đại Lợi nên có dịp thưởng thức nhiều món, còn tây thì chỉ đi vài vùng như Alsace, Normandie, Bretagne, Aix En Provence,…nên ít biết về ẩm thực pháp. Xong om


Nay có thời gian nhìn lại chuyến đi Nam Cực, phải công nhận rất đẹp, chỉ có 4 ngày nằm giường với kẻ nội thù, chóng mặt, say sóng say tình là hơi tiếc. Còn mấy ngày kia thì quá vui. Đúng là chuyến đi để đời.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn