Hình ảnh Đàlạt năm Mậu Thân

 Ông Nguyễn Kính gửi cho mình trên 800 tấm ảnh của Đàlạt, có mấy tấm khiến mình nhớ đến những ngày Việt Cộng tấn công vào Đàlạt năm Mậu Thân, đã thay đổi mình từ một đứa bé ngu ngu, bắt buộc phải lớn nhanh như Phù Đổng để trực diện cái chết, cuộc chiến quốc-cộng, sự tàn phá của bom đạn và sự đổ nát của chiến tranh.


Hình này chụp cầu thang chợ đi từ lầu trên, thấy tiệm chụp hình Hồng Châu trước Mậu Thân. Nghe nói ông Hồng Châu có một số hình ảnh rất nhiều về Đàlạt, nay do con trai của ông ta cất ở bên Mỹ. Gặp được ông này tha hồ mà xem hình ảnh ngày xưa của Đàlạt. Có nhiều người bán hàng rong mà Việt Cộng kêu là bọn ký sinh trùng, trong đó có những người nằm vùng, mẹ nuôi của chúng khi xưa.


Hình này chụp chắc từ trên xe chạy ngay Khu Hoà Bình. Thấy lính mỹ đi với mấy bà mỹ.

Hình này cho thấy khu phố này bị cháy cùng lúc với cây xăng ở bến xe đò Tùng Nghĩa. Thấy chiếc xe Traction khiến mình nhớ tới thời ông cụ được cấp cho một chiếc công-xa, hiệu này. Biết đâu 1 trong 2 người đứng cạnh xe là ông cụ mình.


Hình này chụp trong lớp của trường của Grand Lycee ở trên lầu. Năm Mậu Thân mình học ở dãy nhà dưới.

Hình này chụp ở ngoài dãy lớp cong cong với tháp chuông. Việt Cộng cứ leo vào đây, trực thăng bắn như điên chẳng hư hao gì nhiều.


Hình này chụp cho thấy ngoài lớp gạch phủ ở ngoài, phía trong là bê tông.

Hình này chụp cái tháp chuông Đàlạt bị hư hại khi quân đội Việt Nam Cộng Hoà đánh chiếm lại trường. Mình nghe một tên học chung khi xưa ở Văn Học, nói là bố hắn, thầu khoán, tu sửa lại trường. Tên này, có lần họp mặt khi mình về thì có người kêu hắn là nằm vùng trước 75, nay cũng Đảng viên, giàu có.

Hình ảnh từ Google nên khó lưu qua IPad nên mình phải chụp. Ai có biết cách thì chỉ dùm.

Đặc biệt, mái nhà đều được lợp bởi loại đá ardoise của Tây nên sau này nhìn ảnh chụp từ trên cao lại thấy họ xài gạch ngói của Đàlạt. Có thể khi xây trường, cái chuông chỉ dùng ardoise để lợp mái vì mỏng thay vì gạch ngói. 



Hình này chụp Hành lang, sau này mình được lên đây học, hình như các phòng thí nghiệm đều ở dãy này.

Hình này chụp trước rạp xi-nê Hoà Bình của ông chủ nhà hàng Chic Shanghai làm chủ cũng như cây xăng Caltex ở bến xe đò. Thấy tấm banderolle “Cung Chúc Tân Xuân” te tua, có chiếc xe quân đội mỹ, trên veranda có hai người lính gác canh. Nghe nói Việt Cộng chui lên tháp còi hụ để bắn máy bay. Sau này ra hải ngoại, xem phim mới đoán có lẻ mỹ cho người bắn sẻ, bắn chết mấy tên tử thủ trong tháp chuông mới không dội bom nát khu Hoà BÌnh.



Hình này chụp thấy chiếc xe Jeep của quân đội bị cháy. Mình có kể vụ này khi có người gửi hình và nói bố anh ta ở trong chiếc xe do 4 sĩ quan của tiểu khu lên phố Hoà Bình ăn phở Bằng thì bị Việt Cộng bắn B40. Lần trước về Việt Nam, ăn cơm với mấy người bạn học cũ, một cô nói cho biết là người mà mình kể sống sót bò xuống cầu thang chợ là bố của cô 



Hình này chụp một nhà thờ nào ở Đàlạt mà mình không nhớ. Ai biết chỉ dùm. Theo ông Nguyễn Kính là nhà thờ Tin Lành, đường Phạm Phú Thứ, gần Dinh 3.

Có một ông lính mỹ cho biết là dạo ấy ông ta đón gở phi trường Cam Ly, bị Việt Cộng tấn công, sau thì không quân mỹ đến giải cứu và có bắn phá nhà thờ này vì Việt Cộng núp ở trong để tấn công tiểu khu Đà Lạt, ngay góc Hùng Vương và Pasteur

Hình này chụp trên đường Bá Đa Lộc, từ kho bạc chạy vào. Đường xuống dốc bên phải xuống phường Lạc Thành hay chi đó, toàn nằm vùng không. Họ có đánh một lần trung tâm thẩm vấn, bên tay trái trên cái dốc mà mình có lần được ba thằng HÙng chở vô đây xem, thấy thằng Vui còn bà Thủ bị nhốt trong đó.


Hình này chụp khiến mình nhớ khúc đường mấy chiếc xe Honda, xác Việt Cộng nằm la liệt khi họ tấn công vào đồn trung tâm thẩm vấn. Không thấy người nhà đến nhận xác đem về chôn. Trưa mình đi xem, ruồi bu đen nghẹt. Bên tay trái nơi chiếc xe gắn máy là đường Bá Đa Lộc, chạy vào trường la-san Adran  Chán Mớ Đời 

Những hình ảnh trên không diễn tả được tâm trạng của mình trong thời gian Việt Cộng đánh vào Đàlạt đầu năm rồi sau đó thêm 1 lần nữa. Lần đầu thì mình thấy máy bay bà già bắn trái khỏi xuống trên Số 4 rồi sau đó, các khu trực cơ Skyraiders, từ phía ấp Du Sinh bay lại thả bom Napalm, lửa phừng lên phía số 4, hơi nóng phựt lại khu nhà mình ở, độ 2 cây số đường chim bay.

Còn trực thăng bay trên đầu xóm mình, bắn đại liên M60 hay hoả tiễn xuống số 4 hay nhà thờ Domaine De MArie . Cái khổ là máy bay bắn từ trên xóm mình, hay chỗ nhà thương ở đường Calmette thì các vỏ đạn theo vận tốc của máy bay, rơi theo đường Parabol xuống xóm mình hay vườn ở Hai Bà Trưng. Sau khi đánh nhau thì con nít hàng xóm, chạy đi lượm vỏ đạn để chơi.

Có lần mình đang đứng dưới cây mai ở trước nhà mình, xem bắn nhau với 2 ông lạ mặt. Bổng nhiên mình đi vào nhà, không nhớ rõ là em mình kêu vào ăn cơm hay bên tai có tiếng ai bảo mình vào nhà. Mình mới đi có 10 thước, dưới mái hiên nhà thì một trận mưa vỏ đạn 60mm rơi xuống ngay chỗ mình mới đứng. Một ông lạ mặt bị vỏ đạn đại liên rớt ngay đầu, phọt máu ra như suối. Nhìn lại không biết có phải nằm vùng hay không vì người lạ mặt ít khi vào khu nhà mình.

Sau Mậu Thân, mình có lên Số 4 xem thì thấy gần như bình địa. Nhà dì 3 Ca, kêu mệ ngoại mình là dì biến mất, cây ổi gì bị cháy hết, lác đác vài cụm chất bom Napalm còn tòng teng lẫn mùi khét của napalm. Giữa sân nhà có quả bom nặng 90 cân, nằm chình ình. Kinh

Mình nghe dượng và mấy người con kể là ngày mồng 3, dượng 3 Ca kêu anh Việt lên nhà trên bàn thờ, để bưng mấy cái bánh tét xuống hầm được đào phía sau để cả gia đình ăn. Anh Việt hay anh Hiệp nhìn ra sân thì hình ảnh làm anh ta muốn xỉu. Anh chỉ biết ới ới, lết xuống hầm dã chiến mới đào hôm mồng 2, phiá sau nhà.

5 phút sau, cả gia đình gồng gánh, bỏ chạy xuống nhà mình tá túc. May quá nếu trái bom nổ thì xem như cả gia đình đi tây luôn. Dạo ấy bên cạnh nhà mình có căn nhà trống của ty Công Chánh nên gia đình dì Ba Ca tá túc phía trên, còn gia đình chú NHị và chú Hai, làm vườn cho mẹ mình thì được bố trí phía dưới nhà bếp.

Sau này, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cho tiền để mấy người bị cháy nhà được xây lại. Cứ mỗi ngày thấy anh Hiệp và anh cu em, cu anh, cứ trộn cát và xi-măng để làm hắc-lô để xây nhà lại. Khi đầy đủ thì chở lên số 4 để xây nhà.

Mình không hiểu tạo sao lại khu số 4, phía đường Ngô Quyền bị banh hết. Có lẻ nằm vùng ở đây nhiều, vác súng bắn máy bay trinh sát bà gìa cất cánh từ phi trường Cam-Ly nên bị bỏ bom. Sau Mậu Thân, trên số 4, Việt Cộng nằm vùng đêm đêm về giết mấy người làm cho chính quyền Việt Nam Cộng Hoà khiến ông cụ mình sợ nên cũng khăn gói với mình, tối ra phố ngủ ở nhà bà Phúng ở 11 Duy Tân.

Cạnh nhà mình có nhà ông Đề, giám đốc trung tâm thẩm vấn, hay đem tù về nhà làm cỏ vê. Xung quanh rào dây kẽm gai tròn như nhà bác Lê Công Oai, vua bắt nằm vùng ở Đàlạt. Hình như có lần nằm vùng về tính đột nhập vào nhà ông Đề nhưng mấy cái lon coca kêu leng keng nên ông Đề đem súng ra bắn loạn cào cào. Có lần ông cụ mình nghe tiếng động ban đêm nên cũng hoảng vác súng Nhân Dân Tự vệ ra bắn loạn lên khiến một sợi dây điện bị đứt dây, phải kêu nhà đèn lên sửa lại. Chán Mớ Đời 

Mình không nhớ hôm nào, mồng 3 hay mồng 4 chi dó, chỉ biết là Việt Cộng ở ngoài phố, khu Hoà Bình, bị máy bay bắn ná thở nên bỏ chạy rút lui về số 4, số 6. Họ đi từng đoàn dưới đường Hai Bà Trưng. Họ tưởng nhân dân Đàlạt sẽ hưởng ứng họ nhưng nhà nào cũng đóng hết, không ai mở cửa để vào tìm mẹ nuôi chiến sĩ nên bỏ chạy tá lả. Có vài người trốn trên tháp chuông của Hoà BÌnh đều bị giết.

Mấy tháng sau, Việt Cộng lại đánh tiếp. Từ nhà mình nhìn qua đồi cạnh ấp Mỹ Lộc, thấy mấy cái lô cốt mà Việt Cộng bị còng chân vào súng máy nên không trốn được. Họ bị bắt buộc phải tử thủ. Mình thấy lính võ bị, đánh từ dưới đồi đánh lên, lâu lâu có một hai người bị trúng đạn.

Nếu mình không lầm thì trường Việt-Anh và trường Văn Học Có mở cửa để các người chạy giặc Việt Cộng tạm trú. Hình như trường Đoàn Thị Điểm cũng có người chạy nạn vào đó ở tạm mấy tháng đến khi yên mới trở lại nhà.

Nhìn lại thì biến cố Mậu Thân đã làm mình già trước tuổi, bắt đầu hiểu Chiến tranh là gì. Mình tự hỏi Việt Cộng sao họ tàn ác vậy mà người ta vẫn theo họ là sao. Họ giết lính mỹ thì không sao những tại sao lại giết đồng bào, những người dân vô tội. Những hình ảnh của Đại Lộ Kinh Hoàng khi họ chiếm Quảng Trị, đã theo mình đến ngày hôm nay.

Ngày nay, họ lại cũng tàn độc ngay cả đồng chí của họ. Kinh

Nhs

Đường Yersin Đàlạt xưa

 Thấy mấy tấm hình do Nguyễn Kính chuyển tới khiến mình nhớ đến trường học ngày xưa trên đường Yersin mà sau 75 thì Việt Cộng dẹp hết để xoá tan tàn tích của chế độ cũ nên mình ghi lại để sau này khỏi quên.

 

Theo mình hiểu thì đường Hùng Vương được khởi đầu từ đường Huyền Trân Công Chúa (trường Couvent des oiseaux ) và đường vào Cam Ly, chạy đến ngã 3 Lê Quý Đôn, và từ đó con đường được tiếp nối bởi đường Yersin, chạy thẳng đến Dinh Bảo Đại, góc cây xăng Kim Cúc.



Hình này cho thấy đường Hùng Vương, góc Lê quý Đôn và Yersin, khởi đầu chỗ trường tiểu học Yersin.



Hình này cho thấy đường Hùng Vương, Nhìn trên cao, có lẻ chụp từ tháp chuông nhà thờ Con Gà, vì thấy nóc nhà của ty Cảnh Sát, bên phải là trường bà sơ Nazareth. Bên tay phải có một khoảng đất trống mà người ta sử dụng để làm các hội chợ trước Mậu Thân. Hồi nhỏ bố mẹ mình hay dẫn đến đây để xem mô tô bay, thảy vòng vào đầu vịt,...



Hình này cho thấy đường Hùng Vương, Chụp từ thư viện Đàlạt đi lại phía tiểu khu và trường tiểu học Yersin. Bên tay trái, thấy một phần của trường trung học kỹ thuật La-san.  Chỗ trạm biến điện bên tay trái là tiểu khu của Đàlạt Tuyên đức, nơi có mấy thùng phui xăng, được sơn màu trắng và viền đỏ. Việt Cộng có đánh một lần dù có hàng rào chống B40. Đối diện tiểu khu là nhà của cô Ngô Thị Liên, ngày ngã 3 Bà Triệu và Yersin.



Hình này cho thấy đường Hùng Vương, bên tay trái là thư viện Đàlạt mà mình vào lần đầu khi chơi với Ngô Văn Thuỷ, hắn dẫn mình vào mượn sách đọc. Bên phải là trung tâm văn hoá mỹ, mà mình đi học hội Việt-Mỹ, phải bò lại đây để đóng tiền cho mỗi khoá mới. Có mẹ của Tú-Anh Long làm tại đây. Dạo ấy nghe mình cô nàng nói tiếng mỹ khiến mình phục lăn. Phần đầu là văn phòng còn phía sau là nơi để triển lãm hay tổ chức các buổi nói chuyện.



Hình này cho thấy đường Hùng Vương, đi về hướng nhà thờ COn Gà, bên tay phải có vạt đất Trống mà sử dụng cho các hội chợ Tết, rao lô tô khá vui. Sau Mậu Thân thì bỏ luôn vì giới nghiêm. Thấy xa xa nóc nhà thờ Con Gà và khách sạn Hotel du Parc, còn bên trái là khuôn viên của trường Nazareth . Hàng rào dây kẽm có lẻ họ làm để tránh thương phế binh cắm dùi vì sau Mậu Thân, thương phế binh, cắm dùi, chiếm đất thiên hạ để làm nhà cho vợ con ở khiến chính phủ không dám làm gì cả vì họ đã hy sinh một phần thân thể của họ để chóng trả Việt Cộng.



Cổng vào trường Nazareth .


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, Nhìn từ trên cao phía sau Hotel du parc . Có 1 phần ty bưu điện bên trái, trạm xăng Shell phái sau khách sạn Palace.



Hình này cho thấy đường Hùng Vương,Khách sạn Hotel du parc.


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, cây xăng Shell, phía sau lưng của khách sạn Palace.


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, Chụp từ cầu thang phía sau khách sạn Palace, thấy cây xăng và khách sạn du Parc.


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, thời tây Chưa xây khách sạn du Parc, tây thực dân cưỡi ngựa và mấy ông Mọi Hay người Chàm. Phía sau là ty bưu điện.


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, ty bưu điện Đàlạt xưa thời tây. Mình nhớ năm 1974, có chở 2 anh em Phạm Thành Nguyên đến đây để gọi điện thoại cho anh của 2 tên này ở Gia Nã Đại, lo giấy tờ cho thằng Nguyên đi du học. Hai anh em cứ hét trong máy, mình ở ngoài nghe như chửi lộn. Về nhà mẹ 2 ông thần này cứ hỏi đi hỏi lại giọng thằng Nam có thay đổi không, còn nói được tiếng Việt,... Trong khi thằng Nguyên thì suốt nguyên tuần lễ, cứ kể là nghe giọng anh nó như ngồi trước mặt khiến mình phục nó như điên vì chưa bao giờ cầm Điện thoại trong đời còn nó đã cầm và còn nói chuyện bên Gia Nã Đại. Phục lăn.


Hình này cho thấy đường Hùng Vương, Ty bưu điện khi xưa. Nhớ là khi 2 anh em thằng Nguyên vào đây, phải đưa số điện thoại rồi cô ngồi quầy, gọi về tổng đài ở Sàigòn rồi mới móc nối ra sao đó rồi ngồi đợi đến khi họ gọi tên, kêu vào buồng số 2, nghe điện thoại. Mình phục lăn chiêng hai anh em tên này. Văn mình đại chúng quá.

Từ khúc này chạy về Nguyễn Tri phương thì mình không nhớ nhiều, chỉ biết có Kho Bạc rồi một số dinh thự,... Ai nhớ thì bổ túc dùm. Cảm ơn trước.

Nhs



Máy bay rớt tại Đàlạt xưa

 Nhìn tấm ảnh này khiến mình nhớ đến vụ trực thăng rớt tại Thuỷ Tạ, còn vụ này thì mình không nhớ vì nhỏ tuổi, dạo ấy chưa có xe gắn máy nên không lội bộ đi ra phố hoài được nên không nhớ.

 

 Hình do Nguyễn Kính gửi


Mình có đọc thiên hạ kể về vụ này nhưng lại nói năm 1974 trong khi tấm ảnh thì được biết xảy ra ngày 18 tháng 2 năm 1970, có thể là gần tết tại Đàlạt.

 

Hình được ghi chú bằng anh ngữ nên đoán chắc là phi công mỹ bị lâm nạn. Xem hình thì có thể định vị ở ngay dốc Lê Đại Hành, đối diện là cây xăng Caltex. Ngày nay chợ Âm-phủ mỗi đêm được mở tại đây. Cũng may là máy bay rớt ngay chỗ này, thường không có ai đi qua đi lại, chừng 50 thước nữa thì dính ngay cây xăng Caltex.

 

Mình cố gắng tìm tài liệu của không quân mỹ về vụ này không thấy. Bác nào có thì cho em xin để bổ túc.

 

Rớt trực thăng thì mình nhớ có lần, một chiếc trực thăng của không lực Việt Nam Cộng Hoà, rớt trên hồ Xuân Hương, ngay Thuỷ Tạ. Sau người nhái mỹ đến lặn tìm rồi dùng Chinook cẩu lên và đưa đi đâu. Dạo ấy, máy bay trực thăng nhỏ thì hay đậu cạnh hồ Xuân Hương, còn Chinook thì đậu trong sân vận động.


Thiên hạ bảo là mấy ông phi công này, bay đến Đàlạt, đi chơi với em gái hậu phương rồi khi giả từ, bay một vòng lượn chào các em gái Đàlạt thì đâm xuống hồ. Người thì kêu cái cánh quạt quay dính vào cột thuỷ lôi của Thuỷ Tạ, người thì kêu đủ trò nên mình chả biết tin ai. Mình có ra đây xem với thằng Bi, hàng xóm. Họ chận lại ngoài đường, đâu có cho ai vào nên chỉ nghe thiên hạ bàn tán theo sự tưởng tượng của họ. Có lần mình có kể về vụ này thì có một ông viết email cho một chị bạn, nhờ chuyển lại cho mình, kêu là chứng nhân vụ này, ông ta đang ngồi ăn ở Thuỷ Tạ,…. Trí nhớ ông ta hơi mập mờ nên không dám tin hoàn toàn.


Cận cảnh của Thuỷ Tạ với huy hiệu của nhà hàng nổi này, do Đào Trọng Ân gửi cho mình.


Một ông khác thì kể lái xe Honda từ am Sohier đến Thao Trường thì thấy chiếc trực thăng bay vòng vòng rồi, chào đón các em gái hậu phương rồi cánh quạt dính vào cột Thuỷ Lôi, rớt xuống hồ khiến, nổ cái đùng, cháy ngập trời khiến ông ta hoảng tiều, té xe gắn máy,….

 

Có người cho mình biết là máy bay rớt là của ICCS . An ninh quân đội đến khách sạn Palace, niêm phong rồi tuỳ viên quân sự mỹ đến đem Vali đi trong khi dân địa phương kháo nhau là chào em gái hậu phương đủ trò. Không có tài liệu nào về điều tra vụ rớt máy bay trực thăng này trong khi phản lực cơ F-5 của phi công Toàn rớt ở bờ hồ thì mỹ có điều tra và đăng vụ này.


Có một chuyện ly kỳ khác là một chiếc trực thăng bị mất cắp tại Thuỷ Tạ. Tối ngày 7 tháng 11 năm 1973, đài BBC loan tin có một chiếc trực thăng UH-1 của phi đoàn 219, bị không tặc. Được biết vào 9 giờ sáng có chiếc máy bay đi từ Quảng Đức vào Nha Trang nhưng thời tiết xấu nên bay lên Đà Lạt. Lúc đầu họ muốn gửi máy bay ở tiểu khu nhưng không gặp vị chỉ huy nên tính bay vào fi trường Cam Ly nhưng lại không có phương tiện di chuyễn ra thành phố nên họ bay đến đậu trước Thuỷ Tạ.

 

Hình chụp cho thấy người Mỹ cho làm hàng rào chỗ trực thăng hay đậu bên hồ Xuân Hương. Sau khi quân đội rút lui thì chắc mấy ông cho rút hết cọc và kẽm gai Khiến vụ ăn cắp trực thăng mới xảy ra.


Sau này người ta khám phá ra là có ông thiếu uý không quân tên Hồ Duy H, được đi học lái bên mỹ về nhưng rồi người ta siêu tra ra thấy ông ta có liên hệ với Hà Nội nên không cho bay nữa. Ông ta sợ bị bắt nên trốn lên Đàlạt, ngụ tại nhà của nằm vùng, lâu quá mình không nhớ nhà ai. Một hôm, ông ta đi ngang qua cây xăng Esso nên nảy ra ý định ăn cắp trực thăng rồi bay vào mật khu Việt Cộng để tránh an ninh quân đội bắt

 

Năm mình học 12B, đang giờ ra chơi độ 10:00 giờ sáng, mình đang đứng với Trần Thiện Tân, ngoài sân trường Văn Học, bổng thấy một chiếc phản lực cơ F5 lượn èo èo, rất thấp từ hướng Cam Ly bay xà xuống đường Cường Để rồi không thấy máy bay lên lại rồi một tiếng nổ ẦM, khói lên mịt mù phía đường Cường Để. Mình tưởng bỏ bom như tết Mậu Thân. Ăn cơm trưa xong thì mình có chạy ra hồ Xuân Hương xem. Tối đó đài BBC loan tin ở ấp Ánh Sáng có một tên fi công bảo con nít trong xóm là khi thấy F5 lượn xuống là hắn, Lê Đình Toàn.

 

Xui cho anh fi công này là lúc xuống quá thấp nên không kịp lên gấp để tránh cầu Ông Đạo nên lộn cù lèo rớt xuống hồ, máy móc gì nổ banh, bay lên đồi cù làm mấy người đi ngang qua cầu ông Đạo hay bán hàng xung quanh đó chết oan. 


Theo tin tức do Nguyên lưu chuyển thì được biết là kết quả cuộc điều tra là cánh máy bay vướng vào dây cột truyền tin, hãm tốc độ nên bay lên không được. Không biết vườn chỗ nào. Ai biết chỉ dùm. Cảm ơn.


Người Việt kỵ đem người chết ngoài đường về nhà nên họ đặt bàn thờ và hòm cúng ngay khúc cầu Ông Đạo, có độ 6 ,7 đám ma dạo ấy, chạy xe ngang thấy ớn ớn nên sau này mỗi lần chạy xe sang khúc đó là mình dỡ mũ hay khấn lâm râm. Nghe nói gia đình fi công Lý Tống khi xưa ở ấp Ánh Sáng nhưng không biết có thật không.

 

Mình nghe nói có lần, một chiếc máy bay bà già, loại trinh sát, bị rớt trên sân cù nhưng có lẻ còn bé nên không nhớ. Ai nhớ hay biết thêm chi tiết thì cho mình xin. Cảm ơn trước.

 

Nhs


Đọc trên mạng, xem link


https://sites.google.com/site/datutieuvuparis/trang-giai-tri/-vinh-hieu/phi-vu-dhieu-cay


Tuấn Nam Nguyễn:  Năm đó mình học tại trường kỹ thuật lasan .trưa hôm mình và ba người bạn trốn học xuống dưới đập Hồ xuân Hương bơi. Và thường nhóm mình hay đi xuống dưới cây thông nơi máy bay rớt  nhưng hôm đó cả nhóm kéo nhau lên rạp Hòa bình.Đang đi lên dốc thì lúc đó thấy một trực thăng đang chao đảo trên khách sạn Mộng đẹp và quay xuống bến xe cũ và vòng lại đâm vào bờ dốc ngay cây thông .khi mình đến xem thì tất cả đều đã chết không một ai nhảy ra trực thăng ơ cư ly thấp nhờ vậy mà dân Dalat thoát nạn hôm đó. đã lâu quá rồi bây giờ không biết nhưng người bạn mình hôm đó còn sống hay đã mất


Dalat xảy ra hai tai nạn trực thăng và một phi cơ. Một vu mất trực thăng. Trực thăng roi  ơ thủy tạ khác với roi ơ cho âm phủ. Vụ này dân Dalat ai cũng biết.


Do Nguyen Luu cho biết


Thử ráng Google thì kiếm được đoạn này mô tả tai nạn của chiếc F-5A, trong cuốn sách "F-5 Tigers Over Vietnam". Nguyên nhân do đầu cánh bên phải của máy bay vướng vào sợi dây neo của cột thông tin, làm máy bay giảm tốc độ và văng xuống hồ. Xem paragraph 2.





 

 

 

 

Nổi buồn chiến tranh

 Nhìn tấm ảnh này, đám tang với đoàn xe nhà binh chạy ngang qua rạp Ngọc Hiệp, đi về hướng Mã Thánh ở Số 6 khiến mình nhớ đến những ngày tháng xưa ở Đàlạt, đi tiễn mấy người quen, bạn bè, chết trận.

 



Trước rạp Ngọc Hiệp, trong hẻm cạnh tiệm Minh Tâm, mình có đi đám tang của Sỹ, anh họ của Nguyễn Đình Tài, học trên mình đâu 1, 2 lớp gì đó. Tập nhu đạo với mình và Không Thủ đạo ở Ngã 3 Chùa. Sau này đi lính Nhảy Dù rồi chết trận. Tên Mai Thế Lương rên, kêu khiêng cái hòm to và nặng quá.

 

Xóm mình thì có thằng Nhân, con bà Hành trên đường Thi Sách, học Văn Học, trên mình 2 năm, hay đánh bóng bàn với mình. Rớt tú tài, đi lính ra trận ở Cai Lậy chết. Một hôm, xe nhà binh chở quan tài của hắn, đậu trước cửa nhà mẹ hắn khiến bà hoảng tiều. Mình nghe khóc rống trên đường Thi Sách nên chạy lên, thấy mấy ông lính bàn giao cái quan tài rồi mẹ hắn cần cái  tăng để quan tài của hắn nằm lù lù với tấm ảnh trẻ 18 tuổi. Láng giềng hắn có thằng Vui, học Trần Hưng Đạo, nằm vùng bị bắt nhốt ở Trung Tâm Thẩm Vấn. Hai tên cùng tuổi ở cách nhau có 3 căn nhà, đi theo hai đường khác nhau.

 

Trên xóm Thi Sách, có một tên cũng hơn mình đâu 3 tuổi, hồi nhỏ hắn hay làm diều chơi rồi bán cho mình. Rớt tú tài, đi Biệt Động Quân, về phép, đào ngủ luôn, quân cảnh có ghé nhà hỏi thăm. Sau 75, thì thiên hạ mới biết hắn đào ngủ, giác ngộ đã sai đường lạc lối, trở về với cách mạng sớm. Nghe nói sau 75, được cách mạng chỉ đạo, bán trà khá lắm.

 

Ở dốc Hai Bà Trưng, gần cư xá Bưu Điện, gần nhà ông Chi, có một anh chàng hơn mình đâu 4 tuổi, tên gì quên rồi, hình như Ngữ, người Huế. Mình hay lên nhà anh ta chơi, thấy ông thần này học đêm học ngày. Đậu tú tài, vào trường Võ Bị, ra trường đậu Thủ Khoa. Nghe nói bắn cung 4 phương trời chi đó. Gia đình ăn khao lớn lắm. Ra trận đầu tiên. Chết. Xe nhà binh chở về, đi đám ma. Chán Mớ Đời 

 

Đám tang thấy chiếc xe nhà binh GMC chở quan tài và người thân, phía trước có chiếc xe Jeep dẫn đường, chở ông sư hình như thầy Từ Mãn của chùa Linh Sơn. Chắc đến nhà tụng kinh để làm lễ di quan. Có vài ông lính, cầm súng bắn vài phát đạn giả, xếp lá cờ lại, giao cho tang quyến rồi hạ huyệt.

 

Nói cho ngay, thấy mấy người quen bạn chơi trong xóm, lớn tuổi hơn mình thay nhau chết. Đậu tú tài, cũng chết. Không đậu cũng chết. Học xong đại học, ra trận chết. Không học cũng chết nên mình chả biết phải làm gì vì tương lai là tổ quốc ghi ân với nhành dương liễu. Chán đời mình chả biết làm gì ngoài tập võ hay đánh bi-da.

 

May là mình qua Văn Học gặp thầy Lưu văn Nguyên, khuyên lo học để đi du học. Thêm gặp thằng Nguyên và Hùng con Cua, có anh đi du học ở Gia-nã-đại nên mình tìm ra một lối thoát cho tương lai nên bắt đầu chịu khó học và được đi du học. Mấy năm trước về thăm Đàlạt, có gặp thầy Nguyên, thầy nhớ có viết lá thư cho trường đại học bên Tây, khi mình nộp đơn xin Du học. Lần sau mình về thì vừa kịp đi đám tang của thầy. Nghe nói thầy đi tù, ở nhà vợ thầy phải lấy anh lái để nuôi con. Đám tang thầy, có thấy vợ cũ của thầy đi nhưng không để tang.

 

Nói chung thì thế hệ của mình sống không có viễn tưởng tương lai như con của mình ngày nay. Khi xưa, con gái thì tương lai làm goá phụ như bài thơ của ông Nguyễn Tất Nhiên được ông Phạm Duy phổ nhạc: “…

Năm năm rồi trở lại

Một mầu tang ngút trời

Thương người em năm cũ

Thương góa phụ bên song…

 

Con trai thì sẽ thành ”CỐ” nên hay đánh lộn lùng tùng xèng. Nếu không qua Văn Học chắc cuộc đời mình có một lối đi khác. Ghi lại đây để cảm ơn thầy Nguyên đã chỉ cho mình một lối thoát khỏi nổi buồn chiến tranh của thế hệ mình.

 

Mình đi tây rồi một tuần sau HÙng Con Cua đi, rồi 3 tuần lễ sau thằng Nguyên, rồi mấy chị em Chử Thị. Vài tháng sau, Sàigòn mất nên cũng có một số người di tản. Số còn lại phải trải qua cơn đại nạn “ngăn sông cấm chợ”, đánh tư sản mại bản, vượt biển như vợ mình.

 

Mấy trăm tấm ảnh của anh Kính gửi mình, đưa mình về rất nhiều hình ảnh của tuổi thơ, không có khát vọng trong cuộc chiến Quốc-Cộng mà chính mình cũng không hiểu tại sao mấy tên bạn quen khi xưa lại chết trong nổi buồn chiến tranh.

 

Nhs

Tìm chồng tìm vợ qua mạng

 Mấy năm trước, mình mua tin tức của mấy tên chuyên gia tài chánh nên đánh liều mua cổ phiếu của công ty Match Group (MTCH), một công ty giúp các linh hồn đơn côi tìm đối tượng qua mạng. 

 

Quá rẻ so với thời mình đi kiếm vợ, phải tốn tiền máy bay, bay đi Hoa Kỳ, Ý Đại Lợi, Boston, Texas, Colorado, Cali,…để được mai mối.

 

Ngày nay chỉ cần lướt mạng là có hình ảnh các đối tượng, thích thì kéo cái rẹt qua phải, không thích thì kéo cái rẹt qua trái. Chỉ trả đâu $10/ tháng mà có thể chọn lựa hàng ngàn cô gái trên mạng. Kinh.

 

Theo thống kê thì 1/3 các mối tình hữu nghị được phát hiện qua mạng và 1/4 đưa đến hôn nhân. Nói rõ hơn là 12 triệu mối tình hữu nghị tại Hoa Kỳ và 3 triệu hôn nhân được phát hiện qua mạng Internet.

 

Được biết là 61% các giới tuổi từ 18 đến 29 tuổi là hiện đang hay đã từng tìm bạn bốn phương trên mạng. Còn tuổi từ 30 đến 59 tuổi thì chỉ có 44% và trên 6 bó thì chỉ có 11%. Chắc già rồi nên đã yên bề gia thấthoặc chán trò kiếm vợ kiếm chồng, hay không biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật ngày nay. Kinh

 

Người ta tiên đoán là vào năm 2031, 50% các cuộc tình hữu nghị sẽ khởi đầu trên mạng. Công ty đang dẫn đầu là Match Group, họ có mặt khắp nơi với các ngôn ngữ khác nhau. Có đâu 6% dân số Hoa Kỳ là hội viên.

 

Cũng có những công ty làm mai khác chuyên về tìm mối tình hữu nghị nhưng đa số đều được công ty Match Group thu mua hết. Ở Việt Nam có chương trình “Bạn Muốn Hẹn Hò” bắt chước người Nhật, nghe nói khá thành công trong việc làm mai làm mối.

 

Đi làm về, ngồi chít chát hết đối tượng này rồi nhảy qua đối tượng khác, không tốn tiền điện thoại viễn liên như mình khi xưa. Gọi từ Luân đôn qua Boston hay Cali khiến công ty British Telecom tưởng là có người ăn cắp số điện thoại của mình. Ngày nay đi tìm bạn quá rẻ.

 

Trước mùa đại dịch, công ty có bị tai tiếng khiến mình teo chim nhưng trong mùa đại dịch, thiên hạ không đi đâu được, bị cấm cung nên biến thành các hội viên của công ty này khiến lợi tức lên như điên.

 


Cho thấy ngày nào thiên hạ còn yêu thì còn phải trả tiền để tìm người yêu khiến mình vui mừng vì cổ phiếu gia tăng không ngờ. Tháng trước, anh bạn hỏi có còn giữ Shopify không do anh ta giới thiệu, mình nói không biết để về xem vì cả năm không mở ra xem. Về nhà tò mò mở ra xem khiến mình thất kinh muốn té xỉu. Đúng là sang nhờ vợ, giàu nhờ bạn. Anh bạn lâu lâu kêu mình nên mua cổ phiếu của công ty này hay công ty nọ. Thừa cơ hội mình mua luôn Zoom , hôm nay mở ra xem ngất ngư con tàu đi.

 

Thừa thắng xông lên, mình nghe lời tên chuyên gia tài chánh mà mình mua tin tức hàng tháng của hắn để mua một công ty dược phẩm, sắp sửa được FDA cho phép bán một loại thuốc để trị bệnh có 2 tỷ người trên thế giới. Chán Mớ Đời 

 

Nhs

 

 

Những cây xăng Đàlạt khi xưa

 Hồi nhỏ mình không để ý đến mấy cây xăng tại Đàlạt đến khi bà cụ mua cho chiếc xe gắn máy cũ vì chạy xe hết xăng, đẩy xe lên dốc Đàlạt khá châm. Nhìn lại thì người ta chọn địa điểm làm cây xăng rất quan trọng vì tất cả đều ở các cứ điểm của Đàlạt thời đó.

 Có lẻ cây xăng mà ai đi ra khỏi hay vào Đàlạt đều phải chạy ngang là cây xăng Shell Kim Cúc, ở đường Nguyễn Tri Phương, thường được các xe ngừng lại đỗ xăng trước khi xuống đèo Prenn. Bà chủ Kim Cúc quen bà cụ mình.

 

Cây xăng thứ nhì là Caltex ở bến xe đò, cạnh ấp Ánh Sáng vì các xe đò hay xe hàng, đỗ xăng trước khi lên đường. Từ đường Lê Đại Hành, chạy từ khu Hoà BÌnh xuống nằm bên tay phải. Nghe nói chủ cây xăng này là ông chủ rạp Hoà Bình và tiệm ăn Chic Shanghai. Mình có đọc đâu đó; cây xăng này được mở do chính quyền Đàlạt, dưới thời thị trưởng Trần Văn Phước khuyến khích nên cho đất, khi họ muốn làm bến xe đò ở đầu ấp Ánh Sáng. Cùng thời, ông chủ Chic Shanghai cũng là người thuê 20 năm, bỏ tiền ra để tân trang lại rạp Hoà Bình và cho thuê mấy tiệm xung quanh rạp Hoà BÌnh. Không biết con cháu của ông chủ này còn sống hay không. Ai biết thì cho mình biết để liên lạc để hỏi thêm vài tin tức.

 

Sau này, chính quyền của ông Nguyễn Hợp Đoàn, tỉnh tưởng và thị trưởng Đà Lạt cuối cùng, có chương trình dời bến xe đò ra đường Nguyễn Tri Phương, mà nay Hà Nội làm bến xe đò Đàlạt nhưng có lẻ tình hình chiến sự, ngân quỹ chưa cho phép, trì hoãn rồi 1975 đến. Chỗ bến xe, họ tính làm một khu thương mại khác. Xe đò, xe be vào Đàlạt gây lộn xộn giao thông trong thành phố. Đưa các bến xe đò ra ngoại ô là hợp lý, giúp các người chạy xe Lam và Taxi kiếm thêm tiền.

Có ông thần nào còm, kêu Đà Lạt không có xe Lam khiến mình buồn cười. Chắc ông ta sinh sau 75. Mình có tấm ảnh này, đoán là các người chạy xe Lam Đà Lạt đi biểu tình hay chi đó, vì thấy có gắn biểu ngữ nới hông xe. ai biết thì chỉ dùm. Cảm ơn

 Nếu chạy về Chi Lăng (Saint Benoît ) thì phải chạy ngang cây xăng Esso của gia đình thằng Nam, học chung với mình. Đám học chung gọi “Nam Esso”, nhà ở đường Hai Bà Trưng, gần góc cầu Cẩm Đô, bên trái là nhà thầy Thành Bắp Sú, mới qua đời. Nếu mình không lầm thì còn có một cây xăng khác phía sau lưng khu Hoà Bình, chỗ bến xe đò Tùng Nghĩa hay ngay góc Phan Bội Châu, bị cháy bởi Việt Cộng đốt trước khi bỏ chạy trong cuộc tổng công kích Mậu Thân khiến khu phố Photo Hồng Châu bị cháy. Lâu quá không nhớ rõ vì mình chưa bao giờ đỗ xăng tại đây. Thường mình đỗ xăng ở cây xăng Esso chỗ Nam Esso. Lý do là ông cụ mình có công xa nên được chính phủ cho bông xăng, còn dư thì đưa mình ra đỗ tại đây. 

 

Theo bộ nhớ của mình thì Đàlạt có vài cây xăng như đường Phan Đình Phùng có 2 trạm đổ xăng; 1 ở cạnh rạp Ngọc Hiệp, khi xưa toạ lạc rạp xi nê LangBiang của gia đình ông thầu khoán Cai Sớm, 1 trong những người đến lập nghiệp đầu tiên tại Đà Lạt, bố của bác Bê, an ninh quân đội Đà Lạt, và một ở Ngã 3 Chùa. Sau thì rạp xi nê bị cháy, ông cai sớm không muốn xây lại vì có rạp Ngọc Hiệp được xây gần đó. Có lẻ ông ta bán cho chủ cây xăng Ngọc Hiệp, hình như có vài cô con gái cỡ tuổi mình. Cây xăng nằm giữa tiệm cơm Kim Linh và cái hẻm có quán mì quảng nổi tiếng của ông Bắc kỳ, bên hông tiệm bán vật liệu xây dựng Đức Lập. Con trai là hàng xóm mình bên cali. Thông thường các xe be, vận tải hay đậu ở sau hai tiệm ăn Như Ý và Kim Linh, có chỗ sửa vá xe.

 

Đi theo đường Hàm Nghi xuống Ngã 3 Chùa thì có một cây xăng nằm ngay ngã 3 Phan Đình Phùng và Hàm Nghi nên dân cư Đàlạt thường gọi là Cây Xăng Ngã 3 Chùa, nếu mình không lầm cũng của hãng Shell. Mình không nhớ là trên số 6 có trạm xăng hay không. Nếu không thì ai có xe phải chạy ná thở đến Ngã 3 chùa để đỗ, khá bộn tiền.

Cây xăng Esso ngay Thuỷ Tạ
Cây xăng Kim Cúc, có người gửi 


Cây xăng này có lần bị Việt Cộng đặt chất nổ, tương tự nhà ông phó khu phố 1, ở gần đó bị đặt chất nổ. Chỗ này có hợp tác xã rau Đà Lạt, nơi làm trụ sở nhân dân tự vệ, hình như ông Phấn làm đoàn trưởng Nhân dân tự vệ khu vực này. Chỗ này có tiệm thuốc tây của bà Mười Võ. Bên cạnh có chỗ dạy nhảy đầm cho dân chơi Đà Lạt. Lý do mình nhớ, có lần mình đang chạy xe thì có một tên tự xưng là dân Sàigòn, ngoắc lại hỏi trường dạy khiêu vũ ở đâu thì mình chỉ hắn. Họ kêu sẽ cho bọn dân Đà Lạt biết tài nhảy đầm của hắn ra sao. Gần đó có một nhà nhận xay gạo cho dân Đà Lạt. Mỗi lần nhà mình đỗ bánh căn hay bánh xèo là đem gạo sang cho họ xay rồi trả tiền, đúng hơn là trước cổng chùa Linh Sơn. Ngưng chỗ này cả càng viết càng nhớ nhiều chuyện xưa Đà Lạt. Chán Mớ Đời 

 

Có điều dân bán xăng ma đầu lắm vì họ đỗ ít lại, cứ 1/10 lít, dần dần đủ giàu. Nhất là dân chạy công xa, có phiếu mua xăng đỗ đầy mà còn dư xăng là ngọng, cần đem theo cái can xăng để đỗ thêm nếu không là phải tặng cho cây xăng, làm giàu cho chủ.

 

Có dạo, xăng dầu khan hiếm sau mùa hè đỏ lửa, Hoa Kỳ bớt viện trợ, vật giá leo thang thì có màn dân tình bán xăng pha trong mấy cái chai. Mình thấy nhiều nhất ở đường Cường Để hay dọc theo sân vận đồng ở đường Cộng Hoà. Đi xe mà hết xăng thì gặp loại xăng pha dầu hôi này cũng phải mua. Chán Mớ Đời 

 

Hình Cây xăng Kim Cúc ở góc Nguyễn Tri Phương và Yersin (nay Hùng Vương). Khi xưa, Hùng Vương chỉ từ ngã 3 đường lên Huyên Trân Công Chúa và vào Cam Ly, đến Petit Lycée (Lê Quý đôn)

 

Hình này chụp từ đường Nguyễn Tri Phương. Thấy có bảng chỉ dẫn đường. Hướng Cam Ly theo đường Hùng Vương, thẳng ra chợ Đàlạt, hình như đường Nguyễn Trường Tộ, hướng Dran (Đơn Dương), có lẻ là tiếng dùng của người thiểu số, chạy về đường Trần Hưng Đạo.

 

Hình cây xăng Kim Cúc của hãng Shell. Nếu mình không lầm cái trạm bơm dầu Diesel, nằm phía ngoài để xe vận tải có thể đậu, không làm chướng ngại cho mấy xe nhỏ hay gắn máy.


Nếu chạy chút xíu đến Hôtel du Parc gần kho bạc, sẽ thấy một trạm xăng nhỏ, của công ty Shell, phía sau khách sạn Palace. Chắc khi xưa, tây cho xây dựng hai khách sạn này, một Palace dành cho mấy ông chủ bự, đắt và chỉ có 26 phòng, còn Hôtel Du Parc dành cho tuỳ tùng nên có trạm xăng để đỗ xăng cho xe của họ lên Đà Lạt.


Hình nhìn từ trên cao, phía sau khách sạn Hôtel du Parc. Do Nguyễn Kính gửi thêm để bổ túc.


Hình chụp từ cầu thang phía sau khách sạn Palace. Thấy trạm cây xăng Shell chỉ có một trạm đỗ xăng.

Đối diện chỗ vào Thuỷ Tạ, có cây xăng Esso. Nay hình như là chỗ nhà vệ sinh. Chắc cũng sẽ bị san bằng vì họ đã san bằng căn biệt thự của bà dược sĩ Nguyễn Thị Hai. Một ngày đẹp trời nào đó sẽ mọc lên một khách sạn to lớn như khách sạn nào mới xây ở đường Nguyễn Trường Tộ, xây nhiều hơn bản vẽ, phạt mấy triệu đồng.

 

Cây xăng Esso, ở ngay ngã tư, góc đường Trần Quốc Toản, đối diện là Thuỷ Tạ. Sau cái bảng Esso là một con đường nhỏ mà khi xưa ông tài xế của một ngân hàng hình như Tín Nghĩa, cùng với 2 tên khác, giả bị cướp xe, khi đem tiền lên kho bạc. Mình quên tên rồi, dân Đà Lạt hay gọi đường lên kho bạc vì kho bạc nằm phía sau khách sạn Palace, chỗ góc đường Bá Đa Lộc, đi vào trung tâm thẩm vấn. Tài xế bị bỏ lại tại đèo Prenn. Ông cảnh sát, quên tên (ông này quen với bố mình) khệnh cho ông tài xế một trận là khai ra đồng loã hết. Nhìn lại biết đâu lại Việt Cộng nằm vùng. Tổ chức cướp tiền cho Việt Cộng. Ai có thêm tin tức vụ này thì cho em xin. Chỉ nhớ báo chí đăng là ông tài xế với nhiều tòng phạm, chận xe lại ngay trên đường này rồi chạy xuống Sàigòn, tới chỗ đèo Prenn thì họ trói ông tài xế lại, rồi xô chiếc xe xuống hố, ôm tiền chạy về Sàigòn. Không hiểu ông ta lại bò ra đường kêu gọi cầu cứu. Ăn cướp thường là diệt khẩu. Mình có đến dự cảnh ông ta bị cảnh sát bắt diễn lại cách bị ăn cướp chận đường ra sao. Dân Đà Lạt bu lại xem đông như ruồi.

 


 Hình này chụp từ đường Thành Thái, trước rạp Ngọc Lan, quán phở nhìn xuống. Trạm xăng Caltex, ở ngoài bến xe đò. Thấy có đến 4 trạm bơm xăng, có lẻ trạm xăng lớn nhất Đàlạt.

 


Hình này chụp từ cầu Ông Đạo khiến mình nhớ thời học sinh. Đi đâu cũng phải đem theo giấy tờ, thẻ học sinh và chứng chỉ hoãn dịch. Chỗ này, Tuần cảnh đậu hay chận xét giấy tờ, trên khu Hoà Bình cũng có trước rạp xi-nê Hoà Bình. Trước rạp xi-nê Ngọc Hiệp cũng có, hình như ông Lai (anh em Lai Thái một thời du đảng khét tiếng, đàn anh của Xí rổ, từng chém Đại-Ca-Thay trước vũ trường La Tulipe Rouge), sau này đi tuần cảnh hay đậu xe jeep trước rạp xi-nê để bắt lính. Ngay bùng binh Duy Tân, Cường Để cũng có 1 trạm của tuần cảnh. Ai mà chở 3 là phải ngừng xe, cho một tên đi bộ qua trạm kiểm soát. Cũng vì vậy mà một tên bạn học cũ bị chân quấn vào bánh xe Honda của mình.


Mình đoán là dưới Chi Lăng chắc chắn phải có một cây xăng. Hình như mình có thấy trong một tấm ảnh ở bến xe Chi Lăng. Lười đi tìm tấm ảnh mà mình có kể trong vụ thiếu tá Lê Xuân Phong của đại đội 302 với hạ cấp suýt bị quân cảnh của trường Võ Bị đánh, bắn súng tùm lum.

 

Nhớ tới đây thôi. Cái khổ là càng kể chuyện xưa Đà Lạt lại càng nhớ thêm nên phải ngưng viết. Ai nhớ cái gì thì cho mình biết để bổ túc vào bài. Cảm ơn trước.


 Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nhs


Đối diện hai anh cảnh sát ( mang kiếng đen ) và chiếc xe jeep lùn ( trên hình cuối ) là đầu cầu Ông Đạo , năm 1974 có chiếc F-5 sau phi vụ ở Pleiku nghe nói bị " thương " , và nổ ở vị trí đầu cầu Ô Đạo , phi công tử nạn ( hình như là người ấp Ánh sáng ) và một số thường dân nữa ! Sơn đen còn nhớ sự kiện này chứ ? Ở vị trí đầu cầu này cũng thường có Tuần cảnh bắt xe gắn máy chở ba - Đời học sinh mình cũng đôi lần bị Tuần cảnh hỗn hợp , hay Quân trấn xét hỏi giấy tờ ( trong khi đi với mấy thằng bạn cùng lớp to con lớn xác thì không bị xét hỏi giấy tờ ? ) , nghi trốn quân dịch ; đi học luôn phải đủ các giấy tờ sau : Thẻ học sinh + Thẻ căn cước + Lược giải cá nhân + Thẻ động viên tại chỗ ( Mình còn giữ đầy đủ 4 loại trên ) - Cây xăng ngã 3 chùa là cây xăng của Ô Vấn ( bạn ba mình dân Hiến binh thời TT Ngô Đình Diệm ) , năm 1969 bị "vi xi " đặt chất nổ gây cháy , khói đen ngút trời ( vì phía sau có chốt gác Nhân dân tự vệ ) , sáng hôm đó mình đi học ( THĐ ) theo hướng này ( đổ dốc ngã ba chùa ) bị phong tỏa , phải quay lại đi theo đường Nguyễn Công Trứ . . . Nhớ thời đó chạy xe đi học , Ô bô cho vài cái coupon xăng để thủ theo , khi cần có thể ghé vào cây xăng ( phát hành coupon ) để đổ xăng ! . . .


NHS: mời đọc bài về Thuỷ TẠ , có kể rõ mấy vụ này. Cảm ơn

Rước Thánh Mẫu tại Đàlạt xưa

 Nhìn tấm ảnh khiến mình nhớ đến khi xưa, nghĩa là trước Mậu Thân, mỗi lần có lễ Phật Đản hay lễ rước Thánh Mẫu là mình bò đi xem. Sau Mậu Thân thì có lệnh giới nghiêm sau 9 giờ tối nên các sinh hoạt cộng đồng của thị xã trước đây về khuya như chợ Đêm, rước thánh Mẫu, Phật Đản, thả lồng đèn ở hồ Xuân Hương bị đình chỉ.

Có người đọc cho biết, xin bổ túc ở dây. Xin cảm ơn anh Tho Nguyên Duy

Sai rồi bạn ơi. Đây là xe hoa mừng Phật đản (khoảng 63~65) của Khuôn hội Bồ Đề (ấp Xuân An). Xin chào! 

Xin đính chính thông tin của anh Sơn. Bức hình này là chụp Lễ Phật Đản (có lẽ năm 1965). Xe hoa của Khuôn hội Bồ Đề làm hình con rồng, toàn bằng lá và bẹ chuối. Năm đó tôi có tham gia làm xe hoa này. Người đứng bên trái đặt tay lên miệng con rồng là ba của tôi, là Khuôn trưởng Bồ Đề. Tôi có biết bác Tế, trước khi thành lập Tổ tiên Chính giáo thì bác cũng là hội viên thuộc khuôn hội Bồ Đề. bác là giáo viên trường Tiểu học Xuân An. 

(Tổ tiên chính giáo đại đạo sinh tồn được thành lập ngà 1/1/1964. Đọc bài mình viết về đạo này)

Chú Châu tiệm giặt ủi Thanh Châu người Huế có cô con gái tên Sương học sinh Bùi thị Xuân và là đoàn sinh GDPT sinh hoạt hàng tuần trên chùa Linh Sơn. Thời ấy vui quá chừng..... Cám ơn trí nhớ của anh bạn Sơn. Tôi muốn hỏi thăm bạn Sơn về người con trai của bác Quán tên là Đoàn thất Đường, trước học cùng tôi tại trường THD, nay khồng biết Đường ở đâu và ra sao rồi? Bạn Sơn có biết tin tức gì không? Có lần về Đalat tôi có thấy Liễu, em gái Đường nhưng không có dịp để hỏi, vì chỉ nhìn thấy cô Liễu thôi. 

 

Hình này được chụp trên đường Minh Mạng, ngay chỗ tiệm bánh Lợi Xương Viên, khi xưa mẹ mình hay mua đèn trung thu và bánh trung thu, bánh heo nướng (loại chỉ có bột, nặn thành con heo rồi nướng, quẹt chút đường, thêm chút phẩm đỏ) tại đây. 


Bên cạnh là tiệm bán và sữa radio, truyền hình Công Đồng. Bố mình mua cái máy truyền hình cũ ở đây. Đối diện là tiệm giày Mỹ Hưng, mướn nhà của ông Tư, anh ruột của mệ ngoại mình. Sau này ông muốn bán cho bà cụ mình nhưng không hiểu sao, mẹ mình không mua. Hình như tiệm giày Mỹ Hưng mua thì phải. Hồi nhỏ mình hay ra đây chơi vì gia đình chú Ký, mướn ở tầng trên lầu. Gia đình Mỹ Hưng ở dưới.

 

Trước khi đi tây, mẹ mình đem ra tiệm này, kêu đóng cho mình một đôi giày. Sang tây mang được vài lần rồi quăn vì trông giống giày nông dân của tây. Mấy tên tây học chung cười vì kiểu giày có cục u trước mũi giày mà dạo đó giới choai choai ở Việt Nam hay mang.

 

Trông hình thì mình nhận ra bác Tế, người bận áo Par-dessus, quen gia đình mình, ở góc Cẩm Đô. Sau 75, khi Việt Cộng bắt ông cụ mình thì bác Tế trốn ra ngoài Nha Trang chi đó. Cuối cũng bị bắt, lên án đi tù với ông cụ mình. Bác là đạo trưởng của giáo phái Tổ Tiên Chính Giáo tại Đàlạt, có cái đình chính ở số 2 Cường Để. 

 

Việt Cộng tịch thu, không biết có trả lại hay không vì miếng đất khá to. Mình hay lên đây chơi hoài vào các ngày lễ Thánh Mẫu, ăn thoải mái. Mình thích nhất món chè kê với bánh đa.

 

Mấy người kia thì mình nhận ra nhưng quên mất tên vì không thân, đi lại với bố mẹ mình. Hình này có lẻ rước Thánh Mẫu với các xe hoa. Thường thì họ mướn xe Taxi hay xe đò Minh Trung vì có bọt ba-ga trên mui để làm xe hoa, thậm chí mình thấy chú Thành chạy xe Lam ở đường Hai Bà Trưng, cạnh nhà bà Cáp, cũng dùng xe Lam để làm xe hoa, đón Thánh Mẫu từ tổ đình ở đường Cường Để về số 4, số 6, hay ấp HÀ Đông, chỗ am Mệ Cai.

 

Mình nghe kể hồi nhỏ, bà cụ bán vía mình tại am Mệ Cai ở ấp Thánh Mẫu vì khó nuôi nên ngày rằm bà cụ hay dẫn mình lên am Mệ Cai để cúng, thắp hương. Dạo đó nhà mình ở ấp Ánh Sáng, do vài người làng Kế Môn, Thừa Thiên di cư vào thành lập. Tuổi thơ mình cứ lãng vãng trong khuôn viên của cái am này, chơi cầu tuộc nơi mấy thang cấp đi vào, có mấy cây vối làm hàng rào. 


Hồi nhỏ mình thấy người Huế uống nước lá vối, vị hơi chát chát, rẻ hơn trà Bảo Lộc. Trước khi đi tây, mình có ghé lại Am Mệ Cai để thắp hương thì thấy mấy bậc thang cấp rất nhỏ mà trong ký ức thì rất rộng lớn vì dạo ấy 5,6 tuổi. Ông Cai khi vào Đà Lạt, làm Cai lục lộ nên người ta gọi ông Cai có cái vườn trồng rau, dành một phần để người gốc Huế làm cái am để thờ Thánh Mẫu.

 

Mỗi năm ở Đà Lạt có lễ rước Thánh Mẫu từ Tổ đình ở đường Cường Để, góc đường Thành Thái về số 4, số 6, ấp Hà Đông.  Các lễ này hình như đều do người gốc Huế, di cư vào Đà Lạt tổ chức, mọi người cầm đuốc hay lồng đèn đi theo xe hoa. Vui lắm khi có mấy ngày lễ này, tha hồ ăn bánh in, chè đậu xanh đánh với xôi đậu xanh hay chè kê với bánh tráng ở am Mệ Cai, không khí tấp nập. Hơn 50 năm rồi mình chưa được ăn lại chè kê, lần chót là ngày cuối cùng ở Đà Lạt. Hình như Mệ Cai có người con trai tên Châu, có tiệm giặt ủi ở đường Minh Mạng, ngay góc Tăng Bạt Hổ, đối diện Vọng Nguyệt Lầu, có thời làm trọng tài đá banh sau này thì ông 5 ngựa trù trì tất cả mấy trận đá ở Đà Lạt.

 

Bức ảnh này chụp ngay góc tiệm giặt ủi Thành Châu, ngay ngã 3 Tăng Bạt Hổ và Minh mạng, chỗ Vọng Nguyệt Lầu.

 

Hình ảnh khó quên ở am Mệ Cai là mấy bà lên đồng trong khi ban cổ nhạc đánh mấy bài nhạc với đàn nguyệt, phách, trống,.. . Mấy bà lên đồng, bận áo vàng, áo đỏ,.. có kim tuyến, đội khăn vành, cầm hai cái kiếm hay hai cái lục lạc, đi chân không múa bú xua la mua, lâu lâu hét thật to, lại có người bổ lăn ra sàn đất, tay chân như bị kinh phong rồi bà con xúm lại lạy chết bỏ, miệng dạ thưa cô,..., làm mình sợ, chạy ra sân chơi với mấy đứa trẻ khác, có mẹ đang lên đồng. Sân có cái trang nhỏ thờ ai đó cũng không nhớ, đối diện ngay chính điện của cái am còn bên phải thì có cái chòi đựng phân bón để làm vườn, ruồi nhặn nhất là ruồi xanh to như con ong bay loạn xạ.

 

Mình nhớ có mấy ông đánh đàn như dượng Vĩnh Tường, chồng dì Mến, khi xưa cũng giúp việc với mẹ mình cho gia đình ông bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh, số 11 Duy Tân. Có lẻ vì vậy mà lớn lên mình vẫn thích nghe nhạc cổ truyền Việt Nam. Chỉ tội là phải nghe lén vì mụ vợ không cho nghe.

 

Mình có kể dài về vụ rước Thánh Mẫu rồi. Ai tò mò thì tìm trên bờ lốc Muctimsonden.com

 

Xong om

 

Nhs