Petit Lycée Đàlạt ngày xưa

 Có anh chàng cựu học sinh Adran, gửi cho mình một số ảnh liệu của Đàlạt xưa khiến mình thất kinh khi thấy tấm ảnh này. Hình ảnh đầu tiên khi mình đến trường tiểu học tây ở Đàlạt. Hôm ấy, ông cụ mình ghé trường vườn trẻ Ấu Việt, xin phép cho mình về sớm, đưa mình đến đây, gặp ông tây đưa cuốn sách rồi hỏi bú xua la mua. Mình trả lời gần như đúng hết, ngoại trừ khi ông tây chỉ cái hình tròn, hỏi cái gì thì mình trả lời: ”lơ cái mâm”. Ra về, mình bị ông cụ chửi te tua, kêu ngu lâu dốt bền thế. Nhưng cũng bà rá được nhận vào học trường tây. Chán Mớ Đời 

 

Từ trường Ấu-việt, đi rẽ dốc Bà Triệu, lên Hùng Vương, rồi rẽ phải đi xuống cái dốc, có bên tay phải 2 căn nhà kiếng của tây đẹp nức nở. Mình có thấy ảnh 2 căn nhà này, để chút mình viết xong sẽ mò bỏ vô đây. Đi xuống thì thấy ngã 3 này, rồi rẻ vô tay trái.



 

Tới gần một chút sẽ thấy bên phải có một cái ao nhỏ rồi một con đường mòn mà sau này mình đi học mỗi ngày, phải băng qua đây. Nơi này, mình chứng kiến hai tên trong lớp; Khoa và Tuấn Trung đánh lộn. 2 tên đều là dân Số 4, gốc Huế, cứ đánh nhau như điên. Có hôm tên Tuấn Trung, đeo theo con dao rồi cứ lụi tên Khoa, tên này lấy cái cặp ra đỡ tưng tưng. Sau này Tuấn Trung đánh lộn với tên Từ Lê Bình, nay ở Pháp quốc. Lâu lâu có liên lạc với mình. Tuấn Trung thì chết vì nghiện sì-ke trước 75, còn Khoa thì mình thấy hình của mấy người bạn học cũ về Đàlạt làm hội ngộ. Mình về đi kiếm không ra.

 


 

Hình này cận cảnh hơn, thấy hàng rào của nhà ông hiệu trưởng với nhà to đùng bên phải. Có cái cổng đi vào, nếu đi trễ thì phải vào văn phòng hiệu trưởng xin giấy phép vào lớp. Bên tay trái có nhà của ông gác dan. Hình này chắc chụp trước khi mình vào học vì mình nhớ có hai cái nhà dù để học sinh trú mưa khi mùa mưa, bên tay trái. Một cho nam sinh và một cho nữ sinh.

 



Hình từ đường HÙng Vương, chụp con đường mòn, đi tắt đến trường, nơi hai tên Tuấn Trung và Khoa hay đập lộn. Bên trái có cái ao do nước mưa từ trên trường đỗ về đây.

 



Hình cổng trường đóng khi chuông reo. Hình như dạo ấy có cái chuông, ông gác dan, lắc lắc khi đến giờ vào học hay ra chơi. Bên phải là nhà của hiệu trưởng.



Có ai ra nhận hàng. Ông Kính đọc bài xong lại gửi tấm này. Nhớ ông Tây đen làm gác dan hay giám thị chi đó.

 

 

Hình này cho thấy lúc ra về, Xe nhà binh đến đón rước con mấy ông tướng tá học khá đông như trong lớp mình có con của ông Tôn Thất Đính, Dương Quang Trực, sau này đảo chính tùm lùm nên chúng biến mất luôn. Năm 10 ème, mình ngồi cạnh con Ông Tôn Thất Đính. Sau đảo chính ông Diệm, hắn lo lắng vì không gặp bố rồi một ngày đẹp trời, không thấy hắn trở lại.

 

Từ cổng đi vào như mình đã kể, qua khỏi khuôn viên nhà hiệu trưởng thì bên tay phải có dãy nhà dành cho lớp 11 ème, 10 ème mà mình học năm đầu và năm thứ 2 ở đây.

 



 

Lớp mình học năm 11 và 10 ème ngay chỗ ông bận áo quần trắng đứng. Bên trái có préau cho mấy lớp nhỏ, rồi bên tay trái là văn phòng ông hiệu trưởng. Hình này chụp chắc lúc mới xây xong vì mình nhớ khoảng đất trống, có vườn hoa, rồi họ rãi sõi nhỏ. Xem hình sau, sẽ thấy vườn hoa kiểu tây. Sau này mình qua tây, thấy không xa lạ lắm.

 



Phía bên tay phải là một góc của văn phòng hiệu trưởng, có hành lang đi lên mấy bực thang đến dãy nhà bên trái, các lớp 8 ème, 7ème học, có préau phía sau, đối diện văn phòng y tá. Mình học ở ngay lớp giữa, ngay hai cái cầu thang đi lên.

 

Phía bên tay trái, có con đường chạy vòng lên phía bên kia mấy lớp này, đưa đến nhà trọ của dân nội trú.

 



Chỗ cầu thang trước văn phòng hiệu trưởng mà mỗi năm, các lớp đứng chụp hình kỷ niệm. Đố các bác em đứng ở đâu? Trong hình có Phạm Ngọc Liên, gặp lại cách đây 3 năm, Hùng Con cua (gia nã Đại),  Phù Du Chương (Cali), Đinh Anh Quốc (Virginia), Lê Việt Quốc (Vancouver), Lê Nam Sơn (Bảo Lộc), Tạ Hoài Hương (con thầy Tạ Tất Thắng), Đặng Vũ Anh Tuấn (Seattle), Trần Bảo Sơn (pháp), Tùng (không nhớ họ), Phạm Công Bình (Cali).



Hình bên phải là lớp cuối của dãy này. Chỗ này ra chơi của các lớp 9 ème, 8 ème, và 7 ème thì các lớp lớn chơi phía chỗ bãi cát và bãi cỏ trước nhà nội trú. Mình còn tấm ảnh, chụp học sinh ra chơi, để mò lại xem ở đâu.

 



Thấy tấm ảnh này thì mình đoán ở trong dãy nhà nội trú. Thấy con nhà giàu đi học nội trú, ở dortoire như trại lính khiếp luôn. Không bao giờ được vào khu này.

 

Nói chung mình cũng ê a học “nos ancêtres sont des gaulois » (tổ tiên chúng ta là người xứ Gaule) mấy năm ở ngôi trường này. Nhìn lại thì chỉ nhớ mấy tên học chung lớp đánh nhau. Một lần được miễn học, được cô giáo dắt ra đường Hùng Vương, đón Ngô Tổng Thống từ phi trường Cam Ly về toà hành chính, có ông Mỹ nào ngồi chung xe. Xe huê kỳ đen với cắm cờ hai bên xe, thêm cò Giao và ông cò nào quên tên, lái xe Moto dẫn đường, thổi tu huýt ầm không gian một thời trong khi học sinh như mình cầm cờ Việt Nam phất trong tiếng hát Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng thống,...


Cách đây 3 năm, các lớp có họp mặt nhân dịp cô giáo việt-văn, Ngô Thị Liên sang Cali chơi nên mới có gặp nhau lại. Rất vui vì chả ai nhớ ai nhưng lại được làm quen vài người đồng môn cũ.


TB: 

Tải bài này lên mạng rồi, thì có một người Đàlạt gửi cho tấm ảnh này nên bỏ lên thêm. Hôm nào rảnh sẽ kể tiếp qua tấm ảnh.




Có mấy tấm ảnh Grand lycée để hôm nào kể tiếp chuyện ngày xưa.

 

Nhs

Tấm ảnh kỷ niệm về Đàlạt #2

 Mình mới bỏ lên bờ lốc bài về bức ảnh trường Việt-Anh thì có một anh chàng, cựu học sinh Adran, đọc bài của mình, gửi cho 2 tấm ảnh khác về trường Việt-Anh. Có một tấm không ảnh (Elleco’s Photo) chụp từ cầu Cẩm Đô ngược về trường Việt-Anh, khá hấp dẫn nên mình viết tiếp. Anh Kính gửi một số tài liệu về Đàlạt vì có đâu 800 tấm ảnh cũ của Đàlạt xưa. Kiểu này tha hồ mà bay về dĩ vàng của thời xưa.


 

Anh ta gửi đường dẫn về 800 tấm ảnh xưa của Đàlạt. Mình đã có một số nhưng có một số khác thì chưa nên để hôm nào, rảnh sẽ soạn lại theo từng khu phố của Đàlạt xưa, rồi tải lên bờ lốc cho bà con xem.

 

Tấm không ảnh này được chụp ngược lại tấm không ảnh trước, từ ngã 3 Cẩm Đô về Hải Thượng, thấy trường Việt, trường Thăng Long cũ, trường Tân Sanh, nhà bảo sanh Trương Thị Lập và bác sĩ Phạm Trọng Lương. Thấy đường Hải Thượng, Hai BÀ Trưng và Phan Đình Phùng, 1 khúc Duy Tân, đường Cường Để, Lê Quý Đôn và xa xa  trên đồi là đường Thủ Khoa Huân.

 

Cận cảnh thì có đường Cẩm Đô, có chiếc cầu Cẩm Đô, nối liền đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng sau này) qua đường Hai Bà Trưng. Có con dốc leo mấy bực thang lên bệnh viện Đàlạt. Thấy có dãy nhà 2 tầng của bố mẹ Vy Nhật Tảo bên cạnh con suối mà dân cư khu này, đem rác ra đỗ, làm nghẹt cả dòng suối, gây lụt lội khi mùa mưa đến.

 

Con suối nhìn kỷ thì thấy chảy qua đường Hải Thượng rồi rẻ phải về đường Hoàng Diệu rồi nhập vào con suối từ Ấp Ánh Sáng chạy dọc đường Cường Để về Cam Ly.

 

Bên tay phải, cận cảnh có quán cắt tóc trước nhà Vũ Văn Tùng, mê Hàng Thị Ngọc Hiền, ở phía sau dốc. Nơi mình xuống tóc một thời lỡ dại, cá với đám bạn. Chúng rũ mình cạo đầu vào mùa hè rồi khi mình cạo đầu xong thì chúng sợ quá nên không dám cạo.

 

Phía bên trái theo thấy có ngã ba đường Duy Tân và Phan Đình Phùng. Đặc biệt là thấy cái biệt thự to đùng của gia đình Lê Huy Hà, học chung với mình ở Yersin, nghe nói mới qua đời năm ngoái hay năm kia trên đường từ Gia-nã-đại về Thái Lan.

 

Sau lưng căn nhà của gia đình Lê Huy Hà thì thấy đường Thủ Khoa Huân, nối với đường Duy Tân. Mình ít khi đi đường này lắm vì chả có gì ngoài những biệt thự. Mình có đến 1 trong hai cái nhà trên đồi này (Thấy trong hình) mà một cô học sinh chung lớp 11 B Văn Học khi xưa ở trọ. Không biết cô ta từ đâu đến ở trọ, học Văn Học, chỉ biết hơn mình mấy tuổi nhưng thằng Huỳnh Kim Sang mê cô nàng. 

 

Một hôm, hắn với thằng Hiệp 11A, thủ môn của trường Văn Học rũ mình đến nhà Nguyễn Thị Ri chơi. Tên Hiệp thì đang đả thông tư tưởng với Nguyễn Thị Đức 11B, mỗi ngày hắn viết thư nhờ mình đưa lại cho đối tượng. Hai cặp ngồi nói chuyện chi đó, mình Chán Mớ Đời nên ra vườn xem. Vài tháng sau thì đôn quân, 2 tên này sinh 1955 nên đành xếp chuyện yêu đương đi lính, Nguyễn Thị Ri thì cũng biệt tăm luôn, vô bưng hay về quê lấy chồng. Nguyễn thị Đức thì nay lấy một tên học chung lớp khi xưa, ở đường Thi Sách, gần nhà mình. Tên này không nhận ra mình khi đi với Ngô Văn Thuỷ dù khi xưa, mình chở hắn đi đá banh và rũ mình vào Nhân Dân Tự Vệ phường 2.

 

Thấy trường tàu Tân Sanh cho học sinh người gốc Hoa. Mình vào trường này mỗi khi có đánh bóng rỗ, nhất là đại hội thể thao học sinh Đàlạt Tuyên Đức. Dân gốc Hoa thích chơi bóng rỗ nên chỉ có mấy trường dòng Lasan mới đấu lại trường Tân Sanh.

 

Trên đường Hai BÀ Trưng thì có dãy nhà hai tầng của trường Thăng Long cũ, trước đó có tên Hiếu Học thì phải. Có con đường đất nhỏ đi từ Đường Hai Bà Trưng qua Phan Đình Phùng, chắc góc nhà của hai bác Nguyễn Đình Thừa, quen bà cụ mình. Mình chưa bao giờ đi ngõ tắt này cả.

  

Nhìn mấy tấm ảnh này mới nhớ lại thời xưa, chớ về Đàlạt ngày nay thì không biết đâu là bến bờ. Còn gia đình nên phải về chớ không có cái gì nối lại với mình như xưa khi ra đi thì nổi nhớ không nguôi, nay về lại thì Chán Mớ Đời.

 

Mình sẽ lựa mấy tấm ảnh do anh Nguyễn Kính gửi, có kỷ niệm thời lớn lên Đàlạt rồi tải lên đây từ từ, ai có tin tức hay thông tin khác thì cho mình hay, sẽ cập nhật hoá. Cảm ơn trước.


Có nhiều tấm ảnh khiến mình thất kinh, làm mình nhớ về những chuyện thời bé mà lâu nay chả bao giờ nghĩ đến. Để từ từ mình kể lại những con phố cũ của Đàlạt xưa.


Hôm trước, có ông thần nào hỏi: “ Tối qua , gọi cho Hữu Ân , hỏi có biết Sơn đen ở " xóm công chánh " ? Ân trả lời quá biết ! Sơn đen xà lỏn leo cây ổi , thuở nhỏ cũng quậy quá trời ! Rất nhiều chuyện vui của " Khi xưa ta bé " và " Những ngày xưa thân ái " ! Tôi cũng dân ĐL , bạn học với Đôn , Ân lớp 3 trường Đa Nghĩa , bây giờ thì cựu THĐ 6875 ! Trên sáu bó hết rồi nên hay quên chuyện trước mắt , hay nhớ về chuyện xưa cũ ! Đành mượn lời cụ Vũ Đình Liên : " . . . Những người muôn năm cũ , hồn bây giờ ở đâu . . ." Rất vui có dịp đồng hành muctimsonden . Ân gởi lời hỏi thăm Sơn đen !”


Tên Ân này, con bà Tân Ốm, hàng xóm. Để hôm nào mình kể chuyện về gia đình tên này thời xưa. Mẹ hắn, có thể nói là ghét mình nhưng chỉ niềm nở, vui vẻ khi mình đến nhà mua chè, bác ấy nấu, bỏ trong bịch nylon, bán cho con nít lối xóm. Hay lên nhà mình để mắng vốn. Hình như bác ấy mới mất năm ngoái hay năm kia. Mình có gặp cô em út. Chán Mớ Đời 


Mình đang gom một số hình ảnh của 2 trường Yersin 

Khi xưa đi học, nhất là Petit Lycée mà có dạo mình kể, nay mới tìm được hình ảnh cũ, thấy không khác như những gì mình đã kể nhưng có hình ảnh thì người ta nhận ra. Để hôm nào, mình bỏ lên bờ lốc thêm đang gom hình ảnh xung quanh rạp Ngọc HIệp vì mình có rất nhiều kỹ niệm ở khu này.


Nhs

Bức ảnh Đàlạt đầy kỷ niệm #1

Hôm nay, bò lên Facebook thì thấy trên trang nhà của ông Lê Huy Cầm, đăng tấm không ảnh của ông Mỹ Jim Schicht chụp năm 1969. Thấy có trường Việt Anh và một khúc đường Hai Bà Trưng từ dốc Hải Thượng đến cầu Cẩm Đô. Khiến bao kỷ niệm một thời, như mạch nước của Mannon Des Sources của nhà văn Marcel Pagnol, được cha con Jean Florette khai mở lại, nhất là năm cuối thi Tú tài, tuôn trào dòng suối ký ức một thời của mình nên ghi lại đây. Hy vọng những ai có những kỷ niệm của một thời ở Đàlạt trước 1975 sẽ kể tiếp.

 

Mình thấy nhà của một cô bạn, học Yersin khi xưa nên gửi cho cô ta, hỏi nhà ai đây?

 

Sau đây là các email của cô nàng gửi cho mình:

 

Email#1

 

Đường phố lạ quá có phải đầu đường Hai  bà Trưng không nhà cửa xây nhiều nên không còn nhận ra

 

Sau đó lại nhận email#2

 

Anh Sơn 

 

Hình này chụp năm nào thấy giống nhà em nhưng bên đường là con sông cạnh trường Việt Anh trong hình không thấy

 

Rồi như chưa đủ ngạc nhiên cô nàng lại gửi tiếp email #3

 

Nhà em đúng rồi xéo bên kia nhà là trường Thăng Long cùng phía trường Việt Anh nhìn kỹ thấy con sông 

Hình này quý lắm cám ơn anh Sơn nhiều 


(Theo chị bạn thì căn nhà cũng của ông bà Võ Đình Dung, bố mẹ thuê)

 

Mình chỉ biết ngáp rồi kêu Chán Mớ Đời.

 

Trong tấm ảnh thấy toàn diện trường tư thục Việt-Anh của thầy Lê Phỉ, người Huế mà mình có học Nhật ngữ, anh-ngữ của Hội Việt-Mỹ và khoá hè trước khi qua trường Việt tại đây. Bên cạnh có một khúc ga-ra Trung Tín của gia đình Nguyễn Trung Thiện, học Yersin với mình hồi tiểu học. Nếu mình không lầm, tường Việt Anh lúc đầu do con trai ông Võ Đình Dung thành lập rồi sau đó cho thầy Phỉ, đại uý Việt Nam Cộng Hoà, mướn lại và đổi tên Việt Anh. Sau này, thấy mấy tấm ảnh của Thầy Lê Phỉ mới biết thầy Tùng là hướng đạo sinh. Mình có kể một bài về thầy Lê Phỉ.

 

1 đoạn đường Hai Bà Trưng, có nhà cô bạn, lẻ loi với mấy mảnh vườn xung quanh và đất trống. Nơi làm chứng cho cuộc tình của hai vợ chồng nhạc sĩ du ca Nguyễn đức Quang, hàng xóm của mình. Chị vợ từ Sàigòn lên Đàlạt học, ở trọ ở đây. Nghe kể anh Quang hay đạp xe đạp, chở em trai, Vinh Kennedy đến đây, đả thông tư tưởng cô gái đến từ Sàigòn. Hình như tên Hồng.

 

Có ga ra ông Ba Đời nếu mình không lầm. Khúc này có đến 4 cái ga ra: STT của ông tây lai Leconte, Lê Khánh, Nguyễn văn Tính của gia đình Nguyễn Trung Thiện, và Ga ra ông Ba Đời, nghe nói sau này dọn về đâu gần đèo Prenn. Ai nhớ thì cho mình hay để bổ túc. Có người lại nói ga-ra này là của ông Hồ, bố của Nguyễn thị Quy, nữ sinh Văn Học. Mình chỉ nhớ mài mại. Thời đó còn bé, không để ý mấy chuyện này. Ai biết thì cho xin để bổ túc thêm.

 

Xéo phía bên kia đường là trường Thăng Long cũ, nơi ông cụ mình đi học đêm mỗi tối để thi bằng tiểu học, để được lên ngạch công chức của ty công chánh Đàlạt. Có lẻ mình học tính ông cụ nên ra trường mình vẫn tiếp tục học thêm dù chả làm ra tiền. Đối diện trên đồi, là nhà của Hạnh, học chung với mình khi xưa, có ông anh làm bác sĩ, hay đàn hát mỗi khi có họp mặt người Đàlạt tại năm Cali. 

 

Rồi cuối cùng là khúc cầu Cẩm Đô với dãy nhà 2 tầng của bố mẹ Vy Nhật Tảo, học chung với mình ở tiểu học. Dạo ấy nhà hắn còn sơ sài, bằng tôn, sau xây nhà lầu thì hắn hết chơi với mình, chắc sợ mình vào nhà chôm đồ. Chán Mớ Đời 

 

Hình này do một cựu học sinh Lasan Adran tên Nguyễn Kính gửi. Thấy dãy nhà 2 tầng của gia đình Vy Nhật Tảo, cái dốc đi lên nhà thương, và nhà của Hạnh giữa mấy cây thông bên phải. Hôm nào mình viết tiếp về tấm ảnh này. Anh này nói có đâu 800 tấm ảnh Đàlạt cũ, sẽ gửi cho mình. U chau u chau. Cảm ơn Anh

Vy Nhật Tảo, khi xưa hay chơi dích hình với mình, nghe nói tên này, nay trở thành nhạc sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Đọc báo thì nghe hắn kể, sau 75 nhờ biết đàn nên hắn không bị đi lao động, xung phong vào tổ văn công, lập công với chính quyền mới. Có hai cô bạn học cũ kể về Việt Nam, có gặp và chụp hình với hắn ở Việt Nam và gửi cho mình. Nghe nói hắn có học ban C ở Văn Học nhưng mình không nhớ.

 

Dãy nhà của bố mẹ hắn xây 2 tầng ngay góc đường Hai BÀ Trưng, và đường nối liền Hai BÀ Trưng và Phan Đình Phùng qua chiếc cầu Cẩm Đô vì có khách sạn và tiệm ăn tên Cẩm Đô, của bác tên bạn Huỳnh Quốc Hùng, tiệm thuốc bắc Con Cua. Khi hai bác định cư tại Pháp quốc thì có tìm ra mình. Mình hay ghé lại thăm hai bác mỗi khi về Paris chơi. Sau này nghe nói bác trai đã qua đời còn cô em thì ở viện dưỡng lão, có thể đã qua đời. Lâu quá không tin tức gì của HÙng Con Cua. Cầu Cẩm Đô, khi xưa thường được gọi là cầu Cửu Huyền, chắc là do ông ta làm như cầu Bá Hộ CHúc. Mình nhớ hồi bé, dọn về đường Hai Bà Trưng, cầu này còn làm bằng gỗ, đi qua ớn lắm. Xe cộ chạy đến đường Hải Thượng mới quẹo về đường Hai Bà Trưng.

 

Khúc này, có căn nhà bằng gỗ, sơn màu gụ, nhà của chị Ánh, học sinh Văn Học, trên mình 2 lớp mà mình có theo tên hàng xóm vào đây chơi. Hình như có cô em cùng tuổi với mình, tên Vân, học sinh trường Bùi Thị Xuân. Nghe nói hắn cưới được cô chị sau 75 nhưng rồi chị Ánh qua đời vì ăn bo bo chi đó. Gần đây, có liên lạc với bà chị và mấy cô em của hắn qua mạng. Chuyến về Sàigòn vừa rồi, có hai cô em hàng xóm mời đi ăn. Tiệm gì mình quên tên nhưng rất ngon, có thực đơn, to dầy như cuốn tự điển bách khoa, nặng chình chịch.

 

Có nhà của Vũ Văn Tùng, gốc Bắc kỳ đi cư, bên hông cái thang cấp lên dốc đến nhà thương, học chung với mình khi xưa năm 11 b và 12B, mà nay về Đàlạt hỏi bạn học cũ thì thằng nào thằng nấy ngơ ngơ ngáo ngáo, không nhớ hắn. Trước nhà hắn có quán hớt tóc mà có thời mình đến đây, cạo trọc đầu. Ông thợ cắt tóc hỏi đi hỏi lại mấy lần trước khi đẫy tông-đơ khiến tóc Sơn đen rụng sân chùa, mặt thì mụn đầy như tổ ong. Chán Mớ Đời gần đây có cô nào tự xưng là em dâu của Tùng, kêu hắn ở Sàigòn.

 

Con đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng chạy song song, có hai con suối chạy theo ra đến khúc đường Lê Quý Đôn rồi nhập với dòng suối từ Ấp Ánh Sáng, chảy từ Hồ Xuân Hương về thác Cam Ly hôi thối. 


Mấy ngày nay, thấy tin tức Đà Lạt cho biết, cá hồ Xuân Hương chết hơi nhiều. Có người cho biết nước hồ dơ thối lắm.

 

Lý do là rác rưới mà dân chúng sống ở ven 2 con suối mà chị bạn kêu là con sông, đem rác của họ ra đỗ xuống hai con suối này. Vào mùa mưa thì nước chảy từ Số 6 về, bị rác làm nghẹt nên nước dâng lên làm lụt mấy cái vườn và đường. Rác được kéo chảy trôi về thác Cam ly nên du khách ra đó cứ xem là dòng sông Tô Lịch của Đàlạt. 

 

Nay mình về thì thấy họ làm đê, xây cất talus, làm lại con suối để khỏi bị lỡ đất. Vào mùa mưa thì thấy nước chảy rất xiết. Chỉ có điều mình không biết cống rãnh ở Đàlạt được xử lý ra sao hay như Sông Đuống của quê mình mà thi sĩ Hoàng Cầm đã tả cô hàng xén răng đen, nay làm đen thối. Khúc Đường Lê Quý Đôn, có abattoir, lò sát sinh, giết heo bò mỗi ngày rồi đỗ xuống suối trôi về Cam Ly. Hỏi thiên hạ ai cũng như bò đội nón. Thác Cam Ly nghe nói vẫn thơm như trước 75, thậm chí còn tệ hại hơn. 

 

Đất ở ven 2 con suối này, đa số thuộc về ông bà Võ Đình Dung, thầu khoán ở Đàlạt. Chỗ cư xá ty Công Chánh (khúc nhà bác NHị và ông BA LÀo) đi qua đường Phan Đình Phùng thì phải băng ngang vườn ông 3 Đà, có cái giếng mà mình hay đến đó xin xách nước hồi nhỏ. Ông bà 3 Đà mướn đất của ông bà Võ Đình Dung để làm vườn cũng như khu vườn, chỗ nhà cậu Liễu, bán thuốc Cẩm lệ, chỗ cư xá Địa Dư băng qua đường Phan Đình Phùng, hoặc Chợ Nhỏ có tiệm thuốc Tây Lâm Viên và nhà máy của ông 3 Hoà, chuyên may liểng đám ma. 

 

Ông bà Võ Đình Dung cũng cho đất và cúng dường để xây chùa Linh Sơn, cạnh trường Bồ Đề. Nghe anh bạn kể là con gái của ông bà du học bên Tây rồi sau 1954, có về Đàlạt, giao con cho ông bà nuôi rồi tập kết ra Bắc. Sau 75, có về lại Đàlạt sau đó chết vì ung thư. Chắc du học cùng thời với cô Ngô thị Liên, dạy việt văn. 

 

Dãy phố ở khu Hoà Bình là do ông Võ Đình Dung xây rồi sau này bán lại cho mấy người chủ tiệm ở đây. Xem hoạ đồ trong bài “Khu Hoà Bình”. Trở lại tấm ảnh. 

 

Hồi nhỏ mình hay đi bộ ban đêm với mẹ mình, đi đón ông cụ, học đêm ở trường Thăng Long để thi bằng tiểu học mà người lớn khi xưa hay kêu bằng “ri-me” (primaire).

 

Năm hè lên 11, thì mình có học khoá hè ở trường Việt-Anh thì khám phá ra một đối tượng rất xinh, tên Hoàng Lan, nữ sinh Bùi Thị Xuân, nhà ở khúc trường Thăng Long cũ, trước đó có tên Hiếu Học. Nếu mình không lầm thì thầy Chử Bá Anh có thời làm hiệu trưởng, sau đó dọn về đường Hoàng Diệu, thành lập trường Văn Học.

 

Trường Việt-Anh do thầy Lê Phỉ làm hiệu trưởng, mướn của ông bà Võ Đình Dung để làm trường học, do đó chỉ thấy lợp bằng tôn, vách gỗ, ván ép. Được cái là có sân đá banh, bóng chuyền phía bên đường Hai Bà Trưng.



Hình cổng trường Việt-Anh. Chỗ này xẩy ra vụ đụng xe với vợ thầy Phạm Kế Viêm. Thấy cái lớp mà mình học nhật-ngữ màu trắng, phía sau cái cổng. Hình do anh Nguyễn Kính gửi. Cảm ơn


Có dạo, có tên bạn học chung rủ mình đi học Nhật-ngữ ở trường Việt-Anh, có ông thầy chùa, Lê Trung Trang, anh của tướng Lê Trung Tường, du học ở Nhật Bản về, dạy. Lâu lâu đọc báo Tây thì có nhiều tên tây ba-lô kể về Đàlạt, gặp ông thầy này. Dạo ấy có anh Lê Công Vui, con bác Cháu, chị dâu của bà dì mình, bán mắm ngoài chợ, nhà ở Ấp Ánh Sáng đi du học ở Nhật Bản, khiến mình thèm nhỏ dãi nên bò đến học, mơ một ngày nào thực hiện phong trào Đông-Du của ông Phan Bội Châu. Có nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, và vài ông thầy không nhớ tên học chung. Học được một năm thì gặp thằng Nguyên, HÙng Con Cua, có anh đi du học ở Gia-NÃ-Đại nên rủ mình đi du học với chúng nên bỏ vụ học tiếng Nhật.

 

Mình hay đến chiều thứ 2, 4 để học anh-ngữ theo thời khoá biểu của hội Việt-Mỹ. Dạo ấy hội này có mướn hai trường để dạy anh-văn; trường tiểu học Đoàn Thị Điểm ở trên đường Trương Vĩnh Ký, sau đông học sinh theo học thì họ mướn thêm trường Việt-Anh. Mình thích học trường Việt-Anh hơn vì gần nhà.


Nhớ dạo ấy, phi thuyền Apollo đáp xuống mặt trăng nên hội Việt-Mỹ cho xem phim phi thuyền đáp xuống mặt trăng, cho học sinh mấy cái nút đeo ở áo. Nói chung thì mình không có khiếu ngoại ngữ, học hoài mà không đậu, may có cô hàng xóm học chung, đưa đề thi trước nên đậu. Nay liên lạc lại được thì cô nàng kêu là tiếng mỹ học ngày xưa sao quên hết. Chán Mớ Đời 

 

Mình có kỷ niệm ở cổng ra vào trường Việt-Anh. Dạo ấy mình đâu 16, 17 tuổi nhưng lái xe Jeep ông cụ đi chở gạo cho bà cụ hay đưa mấy đứa em đi học. Một hôm, lái xe về thì mình vừa chạy xe đến cổng trường Việt Anh thì có chiếc xe con cóc VW của vợ thầy Phạm Kế Viêm, cũng từ trong trường chạy ra. Thay vì nhường xe mình, cô mới đưa thầy đi dạy nên cứ đâm đầu ra, không ngừng xe đợi thế là đâm vào xe mình. Mình hoảng tiều vì không có bằng. Đứng đợi.

 

Cô Viêm cũng hoảng tiều, la hét om sòm, chạy vào trường rồi thầy Viêm chạy ra. Thầy thấy mình và xe ông cụ. Thầy hỏi con ông Đoài phải không, mình gật đầu, thầy nói đi đi. Hú hồn. Sau này mình khám phá ra vợ thầy Viêm là chị của ông dượng mình, dược sĩ, rể ông bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh, số 11 Duy Tân. Nay ở Usc Đại Lợi, vượt biển cùng ghe với em trai mình. Chán Mớ Đời 

 

Nhìn con đường Hai Bà Trưng trong hình thì mình lại nhớ đến những ngày đi bộ đến trường với CBMT. Cô nàng đi học từ đường Phan Đình Phùng, băng qua cầu Cẩm Đô, còn mình thì từ Hai BÀ Trưng bò đến Hoàng Diệu. Đi từ xa mà thấy CBMT, thì cô nàng cố ý đi chậm lại đợi mình, còn mình khi đi qua Cẩm Đô mà thấy cô nàng thì cũng chậm chậm lại đợi. Chả nhớ nói hưu nới vượn gì với nhau mà con đường sao thấy dài mệt thở. Đến trường thì thấy đám con trai đứng ở quán Ba Cai la hét om sòm. Kỳ về Đà Lạt vừa qua, có ghé nhà thăm cô nàng bị té gãy vai khi cúng ông Táo.

 

Bây giờ trở lại Đàlạt như Từ Thức về quê, không nhận ra đâu là đâu. Chỉ thấy đường Hai Bà Trưng toàn là quán ăn và quán nhậu, còn đường Thi Sách thì quán cà-phê.


Dạo này mình theo dõi vài nhóm Đàlạt nên thấy nhiều hình ảnh của Đàlạt khi xưa. Dạo về Sàigòn, mình có gặp ông Tam Thái, nhiếp ảnh gia, có đưa mình xem một số ảnh liệu của Đàlạt khi xưa mà ông ta định xuất bản. 

 

Từ từ mình sẽ thu thập thêm tài liệu để viết về Đàlạt. Để sau này, có ai đó sẽ tiếp tục hay bổ sung. Ai có tài liệu về Đàlạt thì cho mình xin. Cảm ơn trước.

 

Nhs

 

Email #4


Bài viết hay lắm anh Sơn gợi lại bao nhiêu kỷ niệm khi nhìn thấy ngôi nhà cũ

Theo ba em kể nhà em cũng là của ông Võ Đinh Dung 
Tối hôm qua em gởi cho mấy bà chị cũng có người không nhận ra 
Giữa vườn rau và trường Thăng Long có đường đất nhỏ đi đến 1 cái.cầu Bắc ngang con sông đi thẳng ra đường phan đinh phùng nói là cái cầu cho oai nhưng chỉ là cây thông phía trên hơi bằng phẳng để đi hôm nào trời mưa thì phải đi vòng qua Cẩm đô để qua đường phan đình Phùng 
Dalat thì có nhiều đường lắt  Tối hôm qua em gởi cho mấy bà Bài Sỏn  viết  về Đa LAt làm chú 
Nhớ nỏi Sinh ra lập nghiệp  có nhiều kỷ niệm..
Nói về lớp tiếng Nhật có bả xã chú học. Thầy đạy là Thiền sư Lê Trung Tranganh ruột thiếu tướng Lê Trung Tường vùng hai.
Dạo chú o 31 Quang Trung Đa Lat có làm một cái Cốc đễ ong sinh hoạt và Thiền (theo yêu cầu Thầy).
Mấy năm sau 75 VC chị Đinh cư trú chùa khu Du Sinh ..
Sau đó..Khi ong ve lai chùa  Linh Son và qua đời  có chú thím đưa tiễn!!
Mộ ong được lập uy nghi trên đồi Mộ khu  Du Sinh ĐL 
Thêm tài liệu Sởn đọc cho vui.


Email cua bạn mẹ mình gửi khi đọc bài của mình.

Hôm nay, tôi còn Mẹ

 Mình nói chuyện qua điện thoại với bà cụ mình ở Đàlạt mỗi tuần, để được cập nhật hoá đời sống mấy người em và cháu ở Đàlạt. Mình sợ nhất là khi mẹ mình kể về bà này ông nọ ở gần nhà hay buôn bán khi xưa ở chợ Đàlạt, qua đời. 

Tuần rồi, mẹ mình kể bà Tác, ở gần xóm trên đường Thi Sách mà mình có gặp lại lần trước khi về thăm Đàlạt, mới qua đời. Bác ấy, làm ya-ua bán kiếm tiền thêm, giao tận nhà. Cô con gái thì mở tiệm cà-phê. Mình có kỷ niệm với bác trai. Khi xưa, làm cho nha Địa Dư, có chiếc xe Lam, chở khách sau những giờ làm việc, kiếm thêm tiền nuôi vợ con. Bác là một người công chức mà mình kính trọng so với các ông khác trong xóm, chỉ lo đánh bài, nhậu nhẹt hay gái gú.

 

Mẹ mình dạo đó, buôn bán thêm gạo đường nên nhờ bác Tác, sáng đến nhà hay trưa trong giờ nghỉ trưa, chở gạo đường, đi giao cho khách hàng. Mình chở giao tận nhà mấy bao gạo, còn bác ấy chở cho mấy tiệm bán gạo. Sáng sớm, vừa hết còi hụ giới nghiêm ở khu Hoà Bình, là thấy bác Tác trai, chạy xe đến sân nhà mình, mình phụ bác khiêng mấy bao gạo, đường lên xe Lam của bác rồi chạy qua Ngã BA Chùa, tập võ ở hãng cưa ông Xu Huệ.


Hình cô em chụp, đưa mẹ đi làm người mẫu cao tuổi

 

Mẹ mình không có môn bài bán nhu yếu phẩm nên phải chở đi sáng sớm để tránh cảnh sát hỏi thăm. Sau này mình mới hiểu là chính quyền miền nam, sợ tiếp tế cho Việt Cộng.

 

Ngoài chợ Đàlạt, có cô Ba Chỉ, tiệm BÌnh Lợi, làm kinh tài cho Việt Cộng, lâu lâu xe hàng của cô ta bị Việt Cộng bắt tịch thâu hết đồ. Thật ra là cố ý chở vào mật khu của Việt Cộng nhưng hô hoán là bị Việt Cộng chận đường, đem vào mật khu. Nghe kể, sau 75, cô BA Chỉ làm lớn lắm rồi Hà Nội cho người ngoài bắc vào, thay thế hết các thành phần Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nay về Đại Ninh sinh sống.

 

Mẹ mình mua lậu của mấy ông cha nhà dòng Chúa Cứu Thế hay mấy bà Sơ, được mỹ viện trợ gạo đường, ăn không hết, đem bán cho bà cụ, rồi bà cụ bán lại cho các tiệm có môn bài. Cứ mua chỗ này ít bao, chỗ kia ít thùng dầu, rồi bán kiếm tiền nuôi 10 đứa con. Mình được đi tây là công lao một đời của mẹ mình, gánh gạo nuôi 10 đứa con.


Vườn hoa của mẹ
Hoa ở nhà

Có tên đại uý nào, thua bài, đem bán gạo của đại đội của ông ta cho bà cụ. Sau đó hắn lừa bà cụ chuyến sau vì hết gạo, đi thưa như kiến kiện củ khoai. Tiểu đoàn trưởng kêu hắn hết gạo chi đó. Mẹ mình làm ăn cũng bị giựt nhiều. Thiên hạ mượn tiền rồi quỵt luôn.

 

Nói chuyện với mẹ mình thì tên những người xưa ở Đàlạt thường được nhắc đến. Như tuần rồi, mẹ mình kể về bà Sáu Còm, ở đường Duy Tân mà ông ngoại mình kêu bằng O, không biết bà con thế nào nhưng đa số những người ở khu Hoà Bình đều biết mẹ mình cả vì thời con gái, mẹ mình ở đường Nguyễn Biểu. Nhắc đến dì Nghĩa, cũng gọi bà Sáu CÒm bằng o, ở dãy nhà ông Ba Tây, trên đường Thi Sách, bán đồ hộp mỹ gần bể nước ngoài chợ.  

 

Nói về bà Tác thì mình lại nhớ đến thằng Quý, con bà ta, nhỏ hơn mình một tuổi. Thằng này mất dạy lắm, chơi bắn bi mà thua là nó giựt lại, mình lạng quạng là nó khệnh mình. Nó có thằng anh to lớn hơn mình và thằng hàng xóm tên Vui, con bà Thủ hơn mình 4 tuổi nên hay bị chúng đập. Mình thà để thằng nhỏ hơn mình đánh còn hơn hai tên lớn hơn khệnh. Thằng Vui, sau này theo Việt Cộng bị bắt nhốt ở trung tâm thẩm vấn, mình có thấy nó trong xà lim khi viếng thăm trung tâm này với bác Lê Công Oai, bọ của Huỳnh Kim Sang.

 

Sau Mậu Thân, trường Lasan Adran, có mở lớp dạy Thái Cực Đạo, do ông Sâm, huấn luyện viên của Cảnh Sát Dã Chiến dạy nên mình mò đi học, rồi khám phá ra cậu Ân, bà con với bà cụ mình, dạy Nhu đạo nên ghi tên học luôn. Cậu này và cậu Luyện, tiệm giặt ủi đường Duy Tân, đều là đồng môn của cậu MẠnh (Nẫm), con bà Hiệp Thạnh, số 11 Duy Tân. Sau này cậu Mạnh đi tây, dạy võ cho tây đầm. Cậu Luyện dạy ngoài Thao Trường.

 

1 tháng sau khi học võ, đang chơi với thằng Quý, bổng nhiên nó đòi lại bi, rồi tính khệnh mình. Sau một tháng học Thái Cực Đạo và Nhu Đạo, mình có cảm tưởng như Vương Vũ trong Độc Thủ Đại Hiệp nên khệnh nó lại. Mình không bao giờ quên ánh mắt của nó lúc ấy. Rất ngạc nhiên khi bị đá cho một cái và một đòn Seoi Nage. Buồn cười, mình ra đòn chưa thuần thục lắm nhưng hôm đó, hình như bao căm thù của những năm tháng bị ăn hiếp khiến mình bổng nhiên mạnh như LÝ Tiểu Long, mình quật đòn vai nó ngã cái rầm dưới đất. Cứ như Ukraine đánh lại Nga La Tư.

 

Nó đứng dậy mình bồi thêm một đá bá vơ khiến mặt nó xanh như đít nhái và từ đó nó hết dám ăn hiếp mình. Lần trước về, mình có hỏi bác Tác gái thì được biết thằng Quý, nay bán cà phê lề đường ở đường Lê Quý Đôn, nó không nhớ mình. Đưa điện thoại nói chuyện thì tên này bị bệnh quên Sơn đen bị nó ăn hiếp.


Mình gặp lại Nguyễn Anh Tuấn, trên đường Thi Sách, khi đang đi với Ngô Văn Thuỷ. Hắn chào Thuỷ nhưng mình thì nó nhìn ngơ ngơ, lắc đầu, kêu không nhớ dù xưa kia đi đá banh, hắn rủ mình đi nhân dân tự vệ với hắn đủ trò. Sau hắn đi lính với em họ Huỳnh Kim Sang, mất liên lạc, nay gặp lại nhưng duyên chưa tròn vì đầu óc quên thời xa xưa. Nó lấy vợ, cô họ chung lớp khi xưa hắn kết trước khi đi lính.

 

Giây phút đó xem cái mặt thằng Quý, khiến mình giác ngộ cách mạng là đừng để ai bắt nạt vì chúng sẽ làm tới. Ra hải ngoại mình không sợ thằng tây nào hết đến khi lấy vợ thì lại sợ vợ. Từ đó mình mê học võ đến giờ. 

 

Nói chuyện với mẹ mình qua Facebook, được nhìn thấy mẹ khiến mình vui nhưng cũng buồn vì không biết có ngày nào, mẹ mình lại hỏi như bài thơ “Mẹ tôi, trả nhớ về không” của ông Trần Trung Quân, kể lại câu chuyện của người bạn về thăm mẹ sau bao nhiêu năm xa vắng, khóc vì người mẹ ngơ ngác, không nhận ra.

 

Nhìn mẹ mình qua iPad, trên 90 tuổi, vẫn làm đỏm, cắt tóc khiến mình cảm động vì ngày xưa, khi mình còn ở nhà, chỉ thấy mẹ mình đi làm tóc mỗi lần đi ăn cưới ai. Ăn bận lam lũ, mỗi ngày cuốc bộ ra chợ đi buôn, để nuôi đàn con 10 đứa trong khi hàng xóm lái xe hơi, đi nhảy đầm. Sau này mình lớn lên thì biết chạy xe gắn máy nên đưa đón mẹ đi chợ.

 

Nhìn lại, mình thấy nay mẹ mình tương đối là may mắn hơn một số người quen, bạn. Tết vừa rồi, mẹ mình có đi chơi ở Hàn quốc với mấy người em. Tây cũng đi rồi, Hoa Kỳ thì đi mấy lần, có thẻ xanh nhưng không thích ở mỹ, lại về Việt Nam. Á châu đều đi các nước Đông Nam Á, Trung Cộng, Hàn quốc, Nhật Bản,… hè vừa qua, mẹ mình đi Dubai họp mặt với mấy đứa con và cháu từ khắp nơi hội tụ lại sau Covid. Hồi đầu năm, mình về đưa mẹ đi viếng Phuket vài ngày.


Mình nhớ năm đưa mẹ từ Hoa Kỳ về, luôn tiện ghé thăm mùa hoa Anh Đào ở Nhật Bản. Có lẻ lần đi đó, mình có nhiều kỷ niệm nhất với mẹ vì chỉ có hai mẹ con đi nên có dịp tâm sự về cuộc đời của mẹ. Mình chơi sang, cho mẹ mình đi máy bay hạng thương gia, ở khách sạn 5 sao nên mẹ vui lắm. Cứ hỏi tốn bao nhiêu con nhưng mình không nói, cuối cùng mình nói thì mẹ mình, mặt xanh như người bị trúng gió, sót của vì chưa bao giờ nghĩ phải bỏ một số tiền lớn như vậy để di chuyển. Khi xưa, mẹ mình nhịn ăn nhịn mặc để cho mình đi tây.

 

Mẹ nuôi mình ăn học trường tây rồi cho đi du học bên tây thì một chuyến hạng thương gia, khách sạn 5 sao, không có nghĩa lý gì cả. Như bài hát ”gánh mẹ”của Quách Beem 

 

Cho con gánh mẹ một lần,

Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con. 

Cho con gánh mẹ đầu non, 

Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời….


 https://youtu.be/cnUi__2hhyU


Đúng thật, cả đời mẹ đã gánh con biển trời. Có nhiều người bạn muốn trả hiếu cho bố mẹ nhưng đã đi xa nên mình cảm thấy hạnh phúc được đi chơi với mẹ, để hiểu về cuộc đời của mẹ hơn vì mình chỉ sống với mẹ có 18 năm tại Đà Lạt.

 

Mỗi lần mẹ mình đi Sàigòn thì hay đi xe đêm, ngủ đến sáng là đến Sàigòn. Mình nói cô em là nên mua vé máy bay cho mẹ nhưng mẹ quen tính tằn tiện để nuôi con. Có lẻ mình là người trong mấy anh em, mẹ tốn tiền nhiều nhất vì khi xưa mẹ cho học trường Tây rồi đi du học bên Tây.

 

Khi đọc bài thơ “Mẹ ta trả nhớ về không” của ông Đỗ Trung Quân khiến mình nhớ đến mẹ. Không biết có ngày nào, gặp lại mẹ trong tình cảnh được diễn tả qua bài thơ.

 

Mình nhớ trước khi mình đi tây, mẹ mình đưa mình đi chào các bạn hàng, bà con. Mình thì vui vì sắp được tham gia một cuộc phiêu lưu mới trong đời mà mình đã ấp ủ từ lâu trong khi mẹ quay đi để che hai hàng nước mắt.

 

Ngày xưa chào mẹ, ta đi

mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười

mười năm rồi lại thêm mười

ta về thì khóc, mẹ cười lạ không

ông ai thế? Tôi chào ông

mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi

ông có gặp thằng con tôi

hao hao...

tôi nhớ...

nó ...người ...như ông.

mẹ ta trả nhớ về không

trả trăm năm lại bụi hồng...

rồi...

đi…

(Đỗ Trung Quân)

 


https://youtu.be/9DV6C3RyOtA


Ngày mình trở lại Đàlạt, sau 20 năm xa vắng, may mắn là mẹ vẫn nhận ra mình. Sau 20 năm, nuôi đàn con và thăm nuôi chồng ở trại cải tạo 15 năm khiến mẹ mình già đi rất nhiều. Chân mẹ mình đi cà nhắc vì bị ngã, gãy xương khi đi thăm nuôi bố mình nên mùa đông lạnh, đau lắm, chỉ biết ngồi khóc trong khi mấy cô em xoa dầu. May là được cô em bảo lãnh sang pháp để mỗ nên mẹ mình đi đứng lại như xưa, kêu là thuốc tiên.

 

Hôm trước, có vợ chồng anh bạn học cũ thời tiểu học, ghé lại nhà tặng bánh để cúng bàn thờ ông cụ. Anh bạn thì mình ít gặp ở trung học, cô vợ là học sinh Văn Học nhưng mình không quen, có gặp một lần ở Cali trong hôm hội ngộ với cô giáo Ngô Thị Liên. Lên Đàlạt, họ tìm đến thăm bà cụ mình khiến mình rất cảm động. Họ chụp hình gửi cho mình xem. Có lẻ họ có con du học ở Gia NÃ đại nên hiểu lòng người mẹ ở xa nghìn trùng nên đã giúp mình tìm lại hình ảnh của mẹ.

 

Mình cảm ơn vợ chồng Phước Đức đã đến thăm mẹ mình. Người già ở nhà buồn, có bạn của con ghé lại, khơi lại vài kỷ niệm giúp bà cụ vui. Mẹ mình kể con gái của Cò Đào, buôn bán ngoài chợ ngày chỗ tiệm Bùi Vàng khi xưa, hay đọc mực tím sơn đen, gặp mẹ cũng kể về mình khiến mẹ mình vui.


Có mấy người tỏng xóm, đọc bài mình, cũn ghé thăm mẹ mình, để an ủi tuổi già. Người già cô đơn lắm. Nếu có ai đến thăm, hỏi chuyện là mừng, nói từ đầu đến cuối.

 

Mình chợt nhận ra: “hôm nay, tôi còn Mẹ”


Mùa Vu-lan 2020

 

Nhs

Sự khác biệt về kinh tế với người da màu


 

Mình hay nghe truyền thông hay thậm chí người Việt kêu người da đen nghèo khó vì văn hoá của cộng đồng của họ. Nếu chịu khó tìm hiểu thêm thì chúng ta đồng ý là nạn kỳ thị chủng tộc đã khiến cộng đồng người da đen, không tiến nổi trong xã hội do người da trắng lãnh đạo ngoại trừ các tài tử da đen, cầu thủ thể thao còn lại thì nói chung về kinh tế rất thấp so với người Mỹ da trắng.


Tỷ lệ thành công của người mỹ gốc á châu tại Hoa Kỳ rất thấp so với người Mỹ da trắng. Có thể chúng ta nghe một vài học sinh gốc việt học giỏi thì cứ đinh ninh là người Việt mình tài ba, thành công. Nhìn chung thì chúng ta còn thua xa người Mỹ gốc Ấn Độ, góc tàu, Nhật Bản, đại hàn,...


Chính phủ Hoa Kỳ có ra đạo luật “loại trừ người Tàu” (Chinese Exclusion Act) vì người Mỹ da trắng kỳ thị người Tàu, ghét họ hơn cả người da đen. Theo nghiên cứu của Pew thì lý do người da vàng đang bắt kịp người da trắng về lợi tức là xã hội Hoa Kỳ bớt kỳ thị người da vàng, chớ không phải vì người á đông yêu chuộng, khuyến khích con cái học hành. Có dịp mình sẽ kể rõ hơn. Xem đồ thị của nghiên cứu.



 

Năm 1965, thượng nghị sĩ Patrick Moynihan của tiểu bang New York, người có lúc tranh đấu cho người Việt tỵ nạn tại các trại tỵ nạn á châu. Ông này có xuất bản một bản phúc trình cho quốc hội Hoa Kỳ với tựa đề “the Negro Family”. Ngày nay, người ta cấm dùng từ “Negro”.

 

Bản phúc trình cho rằng 25% người da đen được sinh ra ngoài hôn thú, so với 5% người da trắng. Dạo ấy chưa có luật lệ phá thai tự do. Người da đen nghèo vì đàn ông không tìm được việc làm để nuôi gia đình. Tỷ lệ thất nghiệp gấp đôi người da trắng.

 

Bản phúc không được đón nhận rộng rãi vì dạo ấy các lãnh tụ da đen đang tranh đấu đòi quyền bình đẳng với mục sư Martin Luther King Jr., nên họ ngại bản phúc trình này sẽ làm cho mọi việc rối thêm nên được cất vào kho.

 

Năm 1986, 20 năm sau người ta nhận thấy bản phúc trình của ông Moynihan đúng về gia đình cần có cả bố lẫn mẹ. Khủng hoảng xã hội dấy lên mọi nơi. Phụ nữ da trắng đơn côi chiếm 30%, còn phụ nữ da đen thì lên đến 70%. Mẹ đơn côi da trắng có bằng cấp đại học thì chiếm 5%, có bằng trung học thì chiếm 40% và không tốt nghiệp trung học thì 65% gần bằng người da đen.

 

Từ năm 1965, nghèo ta thấy tỷ lệ ly dị và người mẹ đơn côi thuộc cộng đồng người Mỹ da trắng gia tăng khủng khiếp, lên đến 30%. Đa số là thuộc giới lao động. Họ bị ảnh hưởng của các tổ chức kêu gào quyền bình đẳng dựa theo chủ nghĩa mát xít, đấu tranh giai cấp, người phụ nữ bị giới đàn ông đàn áp từ mấy ngàn năm qua.


Người ta nói một phụ nữ ly dị, thông thường phải dọn vào ở chung với một người Bồ khác trong vòng 12 tháng. Lý do là để chia sẻ tiền thuê nhà vì lương bổng của họ không đủ trả tiền thuê nhà và nuôi con. Người phụ nữ hoàn toàn tự do, không bị lệ thuộc vào người đàn ông nếu họ có khả năng tự chủ về tài chánh còn nếu không thì muôn đời sẽ bị lệ thuộc.


Trong cuộc sống lứa đôi, các người đồng tính cũng bị lệ thuộc với người bạn cùng giới tính nếu khả năng kinh tế không tự chủ được. Được cái là họ không có con, nếu có thì phiền phức hơn.

 

(Hình này cho thấy tỷ lệ người da đen hay da trắng đều như nhau ở giai cấp lao động.)


Giai cấp trung lưu vẫn tôn trọng giá trị gia đình, tỷ lệ người da đen nghèo cao gấp 2.5 lần người da trắng. Cho thấy hôn nhân bị tan nát ở giai cấp lao động bất chấp chủng tộc nào. Còn giai cấp trung lưu, có bằng cấp đại học thì ít hơn. Mình có một bà thuê nhà, có đến 4 người chồng vì 4 đứa con khác họ, ăn tiền trợ cấp.

 

Người ta giải thích là khi con trai lớn lên, chúng noi gương của bố hay ông nội. Đi làm trong các nhà máy sản xuất, hầm mỏ than,.. Người đàn ông đi làm có thể nuôi cả gia đình, người mẹ ở nhà, lo phần nuôi con, quán xuyến nhà cửa. Nhưng dần dần các công việc này được chuyển ra ngoại quốc đến các nhà máy ở Trung Cộng, Mễ Tây Cơ,.. Hay được cơ giới hoá, tự động hoá khiến người mỹ thuộc giới lao động mất việc và không có khả năng đi học lại để tìm công ăn việc làm mới. 

 

Người đàn ông mỹ mất niềm tin vào gia đình, vào chính mình, sinh ra nghiện ngập, trộm cắp,…và gia đình bị tan vỡ. Dù là người Mỹ da đen rất ngoan đạo, tin vào chúa,…hơn người da trắng. Càng nghèo thì càng tin vào kinh thánh để giúp ra khỏi nghèo khó. Về thăm bạn bè ở âu châu thì thấy dân tình ít đi nhà thờ, nhà thờ được sử dụng làm trung tâm thương mại, nhà sách,...

 

Luận về trách nhiệm, trước nhất cần có hy vọng nhưng khi giới trẻ mất niềm tin vào chính mình thì khó mà vươn lên. Khi thằng con ra trường, không có kinh nghiệm nên không ai mượn nên dần dần nó mất niềm tin vào bản thân, tương lai. May sau này kiếm được việc, dù lương ít nhưng cũng giúp nó tự hãnh diện, tin tưởng vào chính mình để đi lên. Có anh bạn kể thằng con khóc vì đi tìm việc làm gần cả năm không được dù có bằng kỹ sư.

 

Ở Hoa Kỳ có một cộng đồng khác cũng lâm vào tình trạng người da đen là người Mỹ da đỏ. Họ cũng bị đưa vào các trại, vùng cách biệt của họ hoặc đưa mấy đứa trẻ đến các vùng định cư để học theo lối sống người Mỹ da trắng. Cộng đồng này cũng te tua không kém. Để lần sau kể về họ mà mình có dịp tiếp xúc với họ khi đi chơi ở Arizona. Trở lại người da đen.

 

Tổng thống Johnson với chiêu bài khi ứng cử “Great Society”, quyết chiến chống lại sự nghèo đói. Người ta nhận thấy năm 1959, 55% người da đen sống trong sự nghèo đói nhưng đến năm 1969 thì chỉ còn lại 30%, giảm gần 50%. Đó là một sự tiến bộ nhờ chương trình “xoá đói giảm nghèo” của Đảng Dân Chủ? Không! Dạo ấy kinh tế mỹ lên như diều, khắp thế giới mua hàng của Hoa Kỳ nên các hãng xưởng được mở đầy khắp nước Mỹ giúp chống lại sự nghèo khổ của giới lao động.


Cách tốt nhất là làm cho kinh tế tăng trưởng thì sẽ giảm bớt nạn thất nghiệp. Khi có việc làm người ta sẽ tin vào tương lai, mua nhà, để dành tiền cho con đi học, hưu trí ra sao,....

 

(Đồ thị này cho thấy tỷ lệ nghèo đói của người da đen xuống khi kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng)


Chính phủ cho thành lập chương trình “xoá đói giảm nghèo” Welfare để giúp giới nghèo và người ta đổ lỗi cho chương trình này khiến người da đen, khó thoát khỏi cái vòng kim cô của welfare. Như các ký sinh trùng ăn bám vào chính phủ, tiền thuế của người Mỹ khác đóng. Chính phủ không nên xen vào, để họ tự tìm con đường sống như con thú ở rừng phải tự tìm thức ăn thay vì đến nơi đông du khách để được cho ăn.

 

Người ta xem tỷ lệ người da đen thất nghiệp từ năm 1960 đến năm 2018 thì đều giống như người da trắng, chỉ khác là gấp đôi.


 

Có một điều trong việc lãnh trợ cấp là nếu gia đình có một người đàn ông thì sẽ không được lãnh trợ cấp vì người Mỹ có cái nhìn chung; xem thường một người đàn ông không nuôi được vợ con mình. Nếu anh là người da đen, đi tìm việc làm, khả năng tìm việc rất khó vì sự kỳ thị chủng tộc. Để vợ con có thể lãnh trợ cấp thì anh phải biến ra khỏi nhà để vợ con có thể xin xã hội trợ cấp. Mình có kể là một cặp vợ chồng, 3 đứa con, có thể lãnh trợ cấp một năm $72,000 nếu họ hiểu cách, luồn lách mà mình đã kể rồi.


Bà cụ mình kể có nói chuyện với một bà gốc việt. Bà ta kể là hai vợ chồng ly dị nhưng vẫn sống chung nên không hiểu. Mình giải thích là họ ly dị để ăn thêm tiền trợ cấp. Không có gì là đặc biệt.

 

Do đó người chồng, tìm không ra việc làm vì ngành sản xuất bị đóng cửa, thuyên chuyển qua Trung Cộng, Mễ tây cơ,… các công ty sản xuất xe hơi Hoa Kỳ te tua vì Nhật Bản qua mặt do đó giới thợ thuyền của kỹ nghệ Hoa Kỳ chới với, thất nghiệp. Khi xưa, anh gia nhập công đoàn lao động, được bênh vực, lương cao ngất trời xanh dù làm nghề tay chân, nay công ty không thể trả bảo hiểm y tế, hưu trí,…mà các công đoàn lao động đòi hỏi nên khai phá sản như General Motors,...

 

Khi tổng thống Clinton ký sắc lệnh cho phép Trung Cộng tham gia WTO, vô hình trung làm tan nát ngành kỹ nghệ Hoa Kỳ, đưa đến nạn thất nghiệp, tạo dựng một giai cấp được mang tên “vô dụng” (useless Class). Giai cấp này, họ ủng hộ ông Trump vì hy vọng sẽ tìm lại cuộc sống vàng son khi xưa mà các người chống Trump gọi họ là ”cuồng Trump”. Thật ra chính phủ nên giúp họ được huấn luyện lại vì các công việc chuyển qua các nước khác, sẽ không bao giờ trở lại vì ngành sản xuất sẽ được tự động hoá hết.

 

Họ là nạn nhân của kinh tế, chính trị, mất việc, không được trang bị kỹ thuật để tìm việc khác ngoài cách đi bán sì-ke. Ông Clinton còn chơi cú 3 strikes , bị bắt 3 lần là ở tù mọt gông đưa đến tình trạng tù nhân ở Hoa Kỳ đông nhất thế giới. Chính phủ Mỹ chi tiêu cho mỗi người tù trên $52,000 / năm.

 

Tại sao không thả những người tù nhẹ ra rồi dùng số tiền này để giúp họ được huấn nghệ lại để tìm công ăn việc làm, sản xuất, đóng góp công sức cho xã hội.

 

Mấy người bạn của mình chống Cuồng Trump vì họ có bằng cấp đại học, có lương bổng cao, ở khu sang trọng. Như mình hỏi đám mỹ da trắng là có ai có bạn là người da đen thì ai nấy đều trả lời không. Những người kêu gọi Black Lives Matter nhưng nếu con gái hay con trai họ, đem một người bạn da đen về, nói là muốn cưới thì họ sẽ xử sự ra sao? Nói rất dễ nhưng thực hành rất khó do đó mình rất sợ các người tự nhận là trí thức.

 

Nông dân như mình, cuốc đất hay làm thợ hồ thì mình mới cảm nhận được sự khó khăn của cuộc sống của người lao động, nhân công hay nông dân. 

 

Mỗi lần lên mạng, mình thấy thiên hạ choảng nhau về Trump nên có dạo mình ngưng vào mạng xã hội một tháng để tìm lại cân bằng cho đầu óc. Người chống Trump thì cứ thấy cái gì khen tụng Trump hay đả phá đảng Dân Chủ thì kêu “fake News” còn người cuồng Trump cũng tương tự kêu Fake News.

 

Mình là nông dân, theo chủ nghĩa libertarian tư bản nên không chống ai cũng không theo ai cả. Chỉ đọc tin tức để xem tình hình kinh tế sẽ ra sao mà lo cho vợ con sau này. Mình thấy mấy năm trước giá vàng bạc rẻ nên mua mỗi tháng để dành để tránh lạm phát. Mua tài liệu để xem cần phải làm gì để tránh nạn lạm phát trong tương lai khi không còn khả năng lao động kiếm tiền. 

 

Mình tìm tin tức, thông tin để tính chuyện, chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra ngày mai thay vì cải cọ về fake News, cuồng Trump,… chính phủ tây phương in tiền như giấy lộn để tạo ra lạm phát, xù nợ thiên hạ nên mới có trò COVID-19. 

 

Thôi em ngưng để lên vườn vì không phải Fake News. Chán Mớ Đời  

Nhs 

 

 

 

Tại sao phải mở cửa cho phụ nữ

 Có dạo mình nghe hội thoại trên đài phát thanh về đề tài: đàn ông có nên hay không mở cửa xe cho phụ nữ khiến thiên hạ gọi vào chửi bới nhau như điên.

Các người theo nữ quyền, ảnh hưởng của của chủ nghĩa mát-xít, đấu tranh giai cấp cho rằng đó là hành vi nhằm phong toả, bắt phụ nữ lệ thuộc vào đàn ông, không được bình đẳng, mất tự do, khiến phụ nữ phục tòng đàn ông trong chế độ phụ hệ, cần được diệt trừ.

 

Các người không theo chủ nghĩa nữ quyền thì cho rằng đó là sự lịch sự tối thiểu giữa đàn ông và phụ nữ sống chung trong xã hội, một lối tương tác, người làm cái này người làm cái kia như trong nền văn minh canh nông, chồng cày ruộng, lo việc đồng áng thì vợ trồng rau, nấu cơm,….mỗi người một việc.

 

Mình nhớ dạo mới sang làm việc tại New York, đi xe buýt, đang ngồi, thấy một bà mỹ độ 30 tuổi bước vào thì phản ứng tự nhiên, quen từ bên tây, âu châu, mình đứng dậy nhường chỗ cho bà ta. Bà ta không cảm ơn còn mắng mình là đồ misogyne. May lúc đó chưa có phong trào #MeToo, nếu không thì mệt. Chán Mớ Đời 

 

Chúng ta đang sống trong một văn hoá thời A-còng nhưng vẫn còn lát đát, phất phơ đâu đấy những đầu óc tiểu tư sản, địa chủ còn sót lại. Mình thì có dòng máu phản động địa chủ cường hào ác bá nên hay bị chửi khơi khơi. 

 

 á châu, trong vòng giao tiếp xã hội thì mọi tục lệ đều được dựa trên căn bản kính trên nhường dưới. Người lớn tuổi đều được xem trọng còn phụ nữ thì còn ảnh hưởng của nho giáo nên vẫn còn chưa được xem bình quyền.

 

Mình về quê, phụ nữ không được xem là quan trọng vì đã làm dâu họ nhà khác nên không dính dáng vào chuyện họ hàng của họ. Mấy ông chú họ cứ lên tiếng bác bỏ mấy mụ đàn bà. Ra đình ăn cổ thì chỉ có đàn ông đi và đem về cho con trai. Nhà nào có con gái thì chỉ có cúng làm cổ cho thiên hạ xơi còn chả có gì đem về. 

 

Dạo sang tây thì mình cũng hay tìm sách để học cách sống với tây đầm để chúng không chê mình là nhà quê (nhaque) nên nhớ mại mại sau đây vài điều:

 

1/ Đi xuống cầu thang: 

đàn ông hay ai nhỏ tuổi hơn phải đi trước phụ nữ. Lý do là nếu phụ nữ té thì mình đi trước đỡ họ được hay họ xô mình té luôn nhất là mấy bà mỹ béo như lợn. 

 

Thường xuống cầu thang thì phép tắc khi xưa là phụ nữ không nhìn xuống chân của mình mà vênh vênh cái mặt nhìn thiên hạ nên có thể dẫm lên váy đầm của mình,…

 

2/ lên cầu thang:

Đàn ông phải đi trước vì ý tưởng té xuống cầu thang khi đi lên rất hiếm, mà khi té xuống thì khó mà giữ lại. Lỡ phụ nữ bận váy ngắn, thì nhìn lên thấy hết sự việc, bất lịch sự,...

 

3/ Khi đến viếng nhà ai thì nên để ai vào trước. 

Đa số là người ta để người phụ nữ vào nhà trước. Lý do là phụ nữ luôn luôn ăn bận, chưng diện đẹp nên người ta dành quyền ưu tiên cho phụ nữ được thiên hạ trầm trồ chiêm ngưỡng trước.

 

Đàn ông chỉ đi vào trước nếu gia chủ chỉ biết họ để có thể giới thiệu người phụ nữ cho gia chủ.

 

4/ Lên xe:

Kiểu cách này ảnh hưởng từ thời thế kỷ 18 lúc đó giới giàu có quý tộc đi xe ngựa kéo. Khi xe đến thì nếu chỉ có một cửa thì người đàn ông nên vào trước, rồi ngồi xích phía bên kia, để cho phụ nữ lên sau. Lý do là phụ nữ bận áo quần cồng kềnh, xem xi-nê thấy kinh luôn. Họ lên xe đã khó khăn mà bắt họ phải xít phía bên kia để Bồ hay chồng leo lên. Lúc nào cũng để phụ nữ ngồi phía có lề đường vì họ là người xuống trước. 

 

Nên nhớ thời xưa, trước khi Napoleon lên ngôi thì ở âu châu hay Nhật Bản,…đều chạy xe, cởi ngựa bên trái. Mình có kể vụ này rồi vì rút kiếm cho dễ khi bị tấn công, tương tự các cầu thang tròn bên âu châu đều đi lên phía bên trái để đánh trả khi gia chủ bị tấn công.

 


Do đó nói ga lăng thì phải tuỳ hoàn cảnh, thời đại. Ngược lại nếu có cửa bên kia thì người đàn ông mở cửa cho phụ nữ lên xe vì thường họ đeo ví, ô, áo quần cồng kềnh, có thể đạp lên váy dài. Đóng cửa lại rồi đi vòng bên kia để lên sau. 

 

5/ vào tháng máy:

Thang máy bên Tây không như ở Hoa Kỳ, bé tí tẹo mà lại lĩnh kĩnh. Mở hai cửa ngoài trước rồi có cửa accordeon bên trong mà phụ nữ thì hay ăn bận cồng kềnh nên đàn ông phải giữ cửa cho phụ nữ ra vào tháng máy. 

 

6/ Ai vào tiệm ăn trước:

Khi xưa, đàn ông đi làm nên có lợi tức và giao thiệp bên ngoài nên họ luôn luôn đặt chỗ ngồi trong nhà hàng nên thông thường họ vào nhà hàng trước để cho tiền bao để có chỗ ngồi kín đáo hay hầu bàn hiểu Ý của khách hàng để tạo cuộc gặp gỡ đầy thú vị. Ngày nay thì nếu phụ nữ đặt bàn thì phụ nữ vào trước để cho biết tên để người ta xem đặt bàn chỗ ngồi ở đâu. Dạo mình chưa lấy vợ, thì vào nhà hàng mình đều dúi tiền bao cho bồi bàn để chúng chăm sóc đối tượng như hoàng hậu, công chúa. Sau này lấy vợ thì một đồng cũng không nhả. Chán Mớ Đời 

 

7/ các nơi công cộng:

Tại các nơi công cộng như tiệm sách, nhà ga,…thì đàn ông thường đi vào trước. Lý do là để xem tình hình ra sao trước khi để phụ nữ vào như vào một quán bar mà thấy một đám đầu trâu mặt ngựa thì rút lui ngay thay vì để mấy bà vào trước.

 

Đi xe lửa thì đàn ông nên đi trước, lên toa xe trước để tìm chỗ, xách Vali để phụ nữ thong thả lên sau. Nhớ khi xưa ở Đàlạt, đi đem xi-nê, chen lấn mua vé như điên. Mình nhớ dạo ở Luân Đôn, ra phi trường tiễn một đối tượng. Tay ôm hôn đối tượng nhưng chân mình đạp lên Vali của đối tượng, sợ tên nào chôm mất.

 


Nói gì thì nói nhưng quen sống ở âu châu nên mình vẫn tuân thủ làm theo kiểu âu châu, trọng nể phụ nữ, người già, em bé. Ra đường thì cũng mở cửa cho vợ, cho mọi người vì chả mất đồng nào, không cần phải dùng biện chứng luận để đấu tranh giai cấp, giới tính vì chả đi đến đâu. Ai cũng có lý do của họ nên tôn trọng họ thay vì đả kích đủ loại. Chán Mớ Đời 

 

Nhs