Kinh nguyệt là cấm kỵ

Nhớ có dạo, đồng chí gái nổi hung la lối chi mình, sau đó thằng con nói nhỏ, bố đừng có buồn vì mẹ đang có kinh nguyệt khiến mình hoảng tiều. Con nít bên Mỹ ở tiểu học, trường đã dạy sinh lý, cho biết phụ nữ có kinh nên hay nổi cơn gạu bất thình lình để bạn học con trai hiểu để bố trí tư tưởng sợ vợ khi lớn lên.
Chẳng bù lại ngày xưa mình không biết gì, nếu tò mò hỏi người lớn là bị chửi, con nít đừng có tò mò, câm mồm. Theo tài liệu của World Menstruation Network, trung bình có 800 triệu phụ nữ có kinh trên thế giới. Có một chi tiết khiến mình buồn cười là theo Thiên Chúa Giáo, họ đổ lỗi cho bà Eva, xúi dục ông Adam làm bậy nên mới bị đày xuống hạ giới do đó thượng đế bắt bà ta bị cực hình, kinh nguyệt tương tự như một phụ nữ bị hiếp dâm là người ta bảo lỗi tại người phụ nữ còn đàn ông thì vô tội. Lỗi tại chim mọi đằng. Penis Culpa.
Từ "Hysteria" của Hy Lạp có nghĩa là "Uterus", để nói đến người phụ nữ khi có kinh nguyệt hay bị hưng phấn. Cái lạ là khắp thế giới, các nền văn minh từ Tây đến Đông, đều cấm kỵ nói về kinh nguyệt của người phụ nữ. Không hiểu lý do, vì ngu dốt, hay vì mấy ông cố đạo không lấy vợ nên chưa bao giờ chứng kiến cảnh vợ mình bị hành kinh để cảm thông. Tương tự khi người vợ bị Hậu Mãn Kinh thì càng te tua nữa, hay đưa đến người chồng có vợ bé vì không hiểu quá trình y học của thân thể người phụ nữ. Mình có ông anh họ bên vợ, te tua vì bà vợ bị hậu mãn kinh đến 10 năm tình cũ. Kinh hoàng.

Nam quyền hay Nữ quyền?

Mỗi lần chạy xe lên vườn, mình hay thấy bên xa lộ một cái bảng đề "Quyền Làm Cha" nên thấy là lạ, mò xem là cái gì mới khám phá ra vấn đề khi ly dị thì đa phần người phụ nữ thường được lãnh phần trông nom, dạy dỗ con cái trong khi người cha gặp nhiều trở ngại thăm nom và chăm sóc con cái.
Trong phim Matrix có một đoạn khiến mình suy nghĩ nhiều là khi họ hỏi tài tử Keenu Reeves chọn 1 trong hai viên thuốc: màu đỏ thì sẽ hiểu biết, tự do tư duy còn viên thuốc màu xanh thì sẽ như người nghê thường, không biết gì, được sự an toàn như người trong mộng.
Trong cuộc đời mình phải tự chọn những quyết định: tìm hiểu căn cơ của vấn đề hay cứ đón nhận sự giải thích của ai đấy để khỏi phải suy nghĩ cho mệt óc. Mình hay đọc tài liệu nhiều phía thay vì một chiều để tìm hiểu nguyên do vì báo chí thì họ chỉ đưa tin nào dựt gân, câu khách không nêu rõ vấn đề.
Có câu chuyện kể một giáo sư, người Hy Lạp sang một xứ khác ở Âu châu. Ông ta ngạc nhiên khi thấy sinh viên xứ này đam mê học cổ ngữ Hy Lạp, một ngôn ngữ chết như tiếng La Tinh mà ngay chính người xứ ông không còn đam mê kiểu chữ Hán hay chữ Nôm ngày nay ở Việt Nam.

Versailles và vệ sinh

Khi xưa, hoàng tộc của Pháp sống ở trung tâm Paris, trong hoàng cung Palais Royal, gần vườn Tuileries, bên cạnh đường Rivoli rồi qua ở cung điện Louvres, cạnh bờ sông Seine. Sau đó vua Louis 14 xây cung điện Versailles, ở cách Paris độ 17 cây số, đẹp nguy nga, có thể xem là đẹp nhất Âu Châu. Mình đã viếng các lâu đài của các dòng vua khác ở Âu châu như nhà Hapsburg của Áo Quốc ở Wien, Hoà Lan, Anh quốc,…nhưng cung điện Versailles vẫn đẹp nhất.
Mel Brooks có làm một cuốn phim khiến mình tò mò hỏi vòng vòng; lâu đài Versailles to lớn nhưng không có nhà vệ sinh. Trong phim, có mấy cảnh, Mel Brook đóng vai nô bộc, cầm cái xô đi vòng vòng rồi mấy bà bận đồ đẹp, đứng nói chuyện rồi bỏ đi chỗ khác thì thấy một bãi cứt, Mel Brook đến gắp bỏ vào sô. Chán mớ đời.
Cho thấy vua chúa, hoàng tộc khi xưa cũng ỉa đồng, ỉa vất như người mình, chỉ có là bận đồ đẹp. Không biết mấy bà bận váy đầm, có mấy sợi dây thắt lưng chật bó để giúp đồ ăn đừng xuống, sợ đi cầu bất tử hay sao mà xem phim cứ thấy họ cột dây lại cho chặt cái bụng. Có bác gái nào giải thích cho em biết lý do nào ngày xưa mấy bà cột dây bụng lại. Nghe kể bà hoàng hậu Catherine de Medecis, bắt các người ra vào trong hoàng cung, bận corset vì bà ta ghét người mập. Từ đó áo quần mới có kiểu bó như đòn chả thủ.

Biện luận = Bạo lực

Dạo mình mới sang mỹ, đọc báo thấy người gốc Việt chửi nhau mệt nghỉ. Người thì lên án người kia viết như cục cứt, không đầu không đuôi, người thì chê người nọ vô học. Thậm chí họ còn đánh nhau giết nhau. Đọc kỷ lại thì thấy họ đều là nạn nhân của VC, bỏ nước ra đi nên mình hơi thắc mắc, cùng một lứa bên trời lận đận, tại sao họ không đồng tâm hợp lực giúp nhau như người Minh hương khi xưa, phản Thanh phục Minh, làm người Hảo Hớn, làm người Việt Tốt.
Mình làm nghề kiến trúc sư nên lâu lâu cũng phải đứng trong buổi họp trình bày công việc của mình. Một hôm, thằng boss nói với mình là mày cần phải tập luyện nói trước khi buổi họp, để diễn đạt ý của mày rõ ràng và ngắn gọn hơn. Anh ta khuyên mình nên gia nhập các nhóm Toatsmasters, để tập nói chuyện trước công chúng. Mình ghi danh đi theo nhóm ở nhà thờ Kiếng ở Garden Grove. Mỗi sáng thứ 3 vào 6:00 sáng tham dự với nhóm này được mấy năm để tập nói trước công chúng, để bỏ cái tính "xuất khẩu thành thơ", một trong những tố chất việt trong người mình. Nhóm chỉ cho mỗi người nói đúng 2 phút về một đề tài, rồi họ phê bình, góp ý để giúp mọi người nói khá, rành mạch hơn trong tương lai.

Nghe mẹ kể chuyện xưa

Mỗi lần mình gặp lại mẹ thì hay ngồi nghe mẹ kể chuyện ngày xưa, phần nào chưa nghe thì mình mở iphone ra thâu. Câu chuyện mẹ mình kể thường được chia thành 2 phần; thời sau 30/04/75 và thời con gái. Khi kể thì mẹ mình ít khi ngừng như sợ quên câu chuyện. Từ hai năm nay, mình bắt đầu nhận thấy trí nhớ mẹ mình bắt đầu có những ngắc khoảng nên càng muốn nghe mẹ để sau này khi mẹ mình có trả nhớ về không thì không tiếc nuối.
Mấy cô em mình ở Việt Nam, nghe kể hoài nên khi mẹ mở đài phát thanh là mấy cô cười rồi biến mất, còn lại mình ngồi nghe. Mình xa mẹ gần hai thập kỷ mới gặp lại rồi địa lý xa xôi nên chỉ gặp nhau 2, 3 năm một lần. Từ ngày ông cụ mất thì gặp mỗi năm. Mấy cô em không hiểu nên cứ cành nanh, cho rằng mẹ mình thương mình nhất. Mẹ đều thương mọi người như nhau nhưng thích gặp mình để kể chuyện đời xưa, mình ngồi nghe mẹ, lâu lâu thì nhắc tên ai đó ở trong họ hay ở Đàlạt để mẹ moi trong ký ức, kể thêm chi tiết cuộc đời của mẹ.
Mình cảm thấy may mắn, bằng tuổi mình vẫn còn có cơ hội đi chơi với mẹ nhất là còn có thể nói chuyện với mẹ. Có nhiều người bạn tâm sự là khi xưa, bận lo con cái, công việc đến khi rảnh rỗi thì bố mẹ đau ốm hay đã qua đời.
Mình có anh bạn, bác sĩ than là mỗi lần về Việt Nam, không nói chuyện được với mẹ anh ta. Mẹ anh ta với thói quen hàng ngày, đi mót củi, nấu ăn,… trong khi anh ta thèm được nghe mẹ kể về cuộc sống, những mơ ước hay nghe anh ta kể về cuộc sống bên mỹ,… anh ta xa nhà từ năm lên 13 tuổi, được một gia đình mỹ nhận làm con nuôi, đem về Hoa Kỳ sau Mậu Thân, gặp lại gia đình sau 30 năm. Anh ta xây nhà cho mẹ ở quê, lo đầy đủ về vật chất nhưng không đả thông tư tưởng được với mẹ anh ta, cho thấy có mẹ là may mắn mà nói chuyện được với mẹ là một hạnh phúc vô biên.
Ông Trần Trung Quân có kể câu chuyện về một người bạn, nói thời ông ta xa nhà, có lẻ đi bộ đội rồi sau này trở về thì mẹ ông ta bị lẫn nên có làm bài thơ “trả nhớ về không” kể lại câu chuyện này, rồi có ai sáng tác ra nhạc nhưng quên tên. Nghe rất thấm vào những chiều nhớ tới mẹ.
ngày xưa chào mẹ, ta đi
mẹ ta thì khóc , ta đi thì cười
mười năm rồi lại thêm mười
ta về thì khóc, mẹ cười lạ không
ông ai thế ? Tôi chào ông
mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
ông có gặp thằng con tôi
hao hao...
tôi nhớ...
nó ...người ...như ông.
mẹ ta trả nhớ về không
trả trăm năm lại bụi hồng...
rồi..
đi...
ĐỖ TRUNG QUÂN
Bài thơ này cũng nói lên tâm trạng mình. Khi mình chào bà con, bạn bè ở Đàlạt, đi du học thì mẹ mình hay quay mặt đi để dấu những dòng nước mắt, trong khi mình vui vẻ, cười sung sướng khi mộng đi du học được toại nguyện. 10 năm rồi lại thêm 10, gần 20 năm sau mình mới trở lại Đàlạt.
Mình may mắn không như ông bạn của nhà thơ Đổ Trung Quân là khi mình về lại Đàlạt thì mẹ mình vẫn còn minh mẫn. Mình ngồi nghe mẹ kể chuyện, những khó khăn trong cuộc sống dứoi thời cách mạng, không ở bên cạnh giúp mẹ, ngoài những thùng quà.
Hình ảnh của mẹ dạo ấy mất đi cái tính đài cát của cô gái Huế. Thay vì bận áo dài như xưa, nay bận áo bà ba, đi khập khiễng, hỏi ra mới biết là những ngày đi thăm nuôi ông cụ mình ở trại cải tạo, bị té gãy xương hông. Mùa đông lạnh, đau, chỉ biết khóc, chịu đựng, tảo tần nuôi con và thăm nuôi chồng.
Sau này, cô em ở Pháp bảo lãnh mẹ sang Pháp để giải phẩu vì Hoa Kỳ chưa có bang giao với Việt Nam. Nhìn mẹ đi đứng lại bình thường, mẹ kêu thuốc tiên khiến mình muốn khóc.
Chuyến đi thăm vùng Đông Bắc kỳ này, chỉ có mình đi với mẹ vì đồng chí gái bận đi làm. Mẹ mình có cái bệnh là hay bị chóng mặt khi đi xe nên mình tính đi xe lửa để mẹ mình khỏi chóng mặt và biết xe hoả ở xứ mỹ này ra sao nhưng nghĩ lại bất tiện vì xứ mỹ không có xe thì như què nên phải mướn xe nên lâu lâu hỏi mẹ có mệt không.
Mẹ có cái bệnh là khi được hỏi có mệt không thì câu trả lời luôn luôn là không dù là đang bị chóng mặt,… cứ thấy trạm “rest area” thì ngừng xe cho mẹ đi vệ sinh. Tình mẹ lạ lắm, cứ hy sinh cho con cho chồng, không than van, không bao giờ đòi hỏi gì cả ở con cái. Đó là hình ảnh người mẹ ưu tú, người vợ nhân dân. Bạn bè hẹn thì cứ 5 phút lại gọi, hỏi đi đến đâu rồi. Không dám lái xe nhanh thêm phải ngừng dọc đường cho mẹ bớt chóng mặt.
Lên xe là mẹ bắt đầu kể chuyện cho tới khi xe ngừng. Câu chuyện lúc nào cũng khởi đầu bằng “Con ơi! Thời cách mạng vào Khổ lắm con”. Hai tiếng “con ơi” tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa đầy uẩn ức của một thời, có lẻ gian nan nhất cuộc đời mẹ. Sau đó là mẹ kể đến những thống khổ của mười mấy năm trường, chắt chiu để nuôi con, thăm nuôi chồng ở trại cải tạo. Những người CM30, tìm cách lập công, tống cổ gia đình mình đi kinh tế mới, bỏ thư nặc danh phản động,…vì sự sống con người trở nên tàn ác với đồng loại.
Có lẻ những người sống trong chế độ cộng sản thích được kể về gian nan của họ cho những người may mắn như mình, không biết mùi cộng sản. Kể cho những người cùng cảnh ngộ không phê bằng những người không đồng cảnh. Mình nhận thấy bạn bè, người thân thích kể thời bao cấp cho mình như được trải lòng những uẩn ức trong tâm can.
Rồi đến buôn bán, làm ăn được ơn trên phù hộ nên có tiền để nuôi 9 đứa con, cho hai đứa đi vượt biển. Ngày đi buôn đi bán, tối lại phải đi học tập khu phố,.. Bị dân CM30 gài những câu hỏi về phụ nữ Việt Nam, con người mới của xã hội chủ nghĩa,… những câu trả lời của mẹ mình khiến mình thán phục vì mẹ mình cả đời chưa bao giờ được đi học. Ôn ngoại đi kháng chiến, mệ ngoại nuôi một đàn con, chạy tản cư. Mẹ được xem là đầu vì người chị đầu đã vào Sàigòn giúp việc cho ông cậu, chăm sóc đàn em và giúp mệ ngoại buôn bán ở chợ Vỹ Dạ.
Mẹ mình không được đi học nhưng ôn ngoại mình lại nuôi hai người cháu ăn học, làm đến chức thanh tra giáo dục của VNCH xưa. Mệ ngoại mình cũng không biết chữ. Khi xưa mình hay đọc sách, kinh phật cho mệ ngoại nghe, đi xi nê thì đọc phụ đề việt ngữ cho mệ, bị khán giả xung quanh cứ kêu suỵt suỵt hoài. Có lẻ vì vậy, sau này mình đọc sách nhiều như thể đọc dùm cho mẹ và mệ ngoại, hai người đàn bà mù chữ thân thương của mình.
Chồng tôi đã sai đường lạc lối, được cách mạng cho đi học tập cải tạo, tôi hy vọng một ngày trở về, chồng tôi thành một người công dân của xã hội nghĩa. Riêng tôi, cũng dạy 10 con của tôi thành cháu ngoan của bác, trò ngoan của thầy. Riêng tôi, cố gắng thành một phụ nữ của xã hội chủ nghĩa. Chị em ta ở đây, cũng cực khổ, buôn tảo bán tần để kiếm ký gạo về nuôi con, cũng dành 5, 10 phút để khuyên chồng con đừng có đi sai đường lạc lối của cách mạng”. Mỗi lần mẹ kể lại những câu trả lời, bị dân 30 gài khiến mình ngạc nhiên vì mẹ chưa bao giờ cắp sách đến trường mà có thể trả lời theo văn thể cách mạng. Nhiều khi mình ước gì được thừa hưởng cái trí óc của mẹ, chắc cuộc đời mình đở vất vả hơn.
Hết chuyện đói khổ, cách mạng thành công thì mẹ kể chuyện ngày xưa, thời còn bé ở Huế, chạy tản cư ra sao rồi được người bà con, đem vào Đàlạt giúp việc nhà, làm ô sin. Đi xe lửa từ Huế ra Đà Nẳng rồi đi tàu thuỷ đến Phan Thiết rồi xe đò lên Đàlạt. Người bà con có tiệm buôn bán nên học tập cách buôn bán rồi ra riêng, đi buôn đi bán, lập gia đình....
Cuộc đời lạ! Khi xưa lúc còn bé, mẹ hay kể chuyện để ru mình và mấy người em ngủ rồi khi lớn lên, mình ít khi nghe mẹ lắm, nay lớn tuổi thì lại thèm được mẹ kể chuyện đời xưa như dạo còn bé. Chỉ khác là ngày xưa mình nghe để hướng tới tương lai còn nay thì để trở về quá khứ như con cá hồi bơi ngược dòng sông, con suối để trở về nơi chúng đã được sinh ra.
Mình chỉ mong được mẹ kể chuyện hoài, không bao giờ ngưng nghỉ.
Con đi đâu, con về đâu
Cuộc đời của mẹ là câu trả lời
Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

7 ngày trong tuần

Mình thuộc dạng ngu lâu dốt sớm nên từ bé, đi học được thầy cô, bạn học xem là cực ngu vì mình hay hỏi bậy bạ, thầy cô hay tránh trả lời. Điển hình là tại sao người ta gọi những ngày trong tuần như thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6, thứ 7 rồi ngày Chúa Nhật hay Chủ nhật … nên hay bị bạn bè học chung kêu sao mày dốt thế, thậm chí ngày nay gặp lại bạn học xưa, chúng vẫn còn kêu mặt mày sao ngu lâu thế như đã ghi khắc trong tâm khảm chúng.
Mình tự hỏi tại sao người ta gọi thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7 mà không bắt đầu bằng Ngày Thứ 1 rồi ngưng ở Ngày Thứ 7 thay vì chơi Chúa Nhật hay Chủ Nhật. Lớn lớn một chút thì bắt đầu phân biệt có người theo đạo Phật như gia đình mình, cũng có nhà theo đạo chúa nên họ gọi Ngày Chủ Nhật, (ngày tự chủ) thành Ngày của Chúa để nhắc họ đi Lễ, cầu nguyện Chúa. Sau này đi kiếm vợ thì gặp cô nào kêu Chúa Nhật là biết ngay em là người có đạo nên tìm cách trốn ngay, nếu không lại nghe giảng mình là đứa con hoang đàng của Chúa, bỏ chúa, phải trở về đạo.
May mình được đi Tây nên hỏi lòng vòng thì thầy giáo hay bạn bè, hình như họ có sự đồng thuận, mình hỏi cái gì thì họ trả lời nếu biết còn không thì kêu mình kiếm tự điển mà tra, không suy diễn như người Việt, kêu mình là đồ ngu, ăn chi mà ngu rứa. Chán Mớ Đời

Cờ bạc hay số mệnh

Nhớ dạo đi làm ở New York, có tên quen rủ đi xuống thành phố Atlantic, tiểu bang New Jersey. Thành phố này nổi tiếng về các sòng bài lớn ở vùng Đông Bắc tương tự như Las Vegas nhưng nhỏ hơn. Dạo đi viếng Venise, mấy tên tây đầm học chung rũ đi Lido, vào casino nhưng cả đám không được vào vì phải bận áo quần sang trọng như tuxedo, váy đầm dài nhất là họ biết sinh viên đói meo tơi.
Ngược lại ở Hoa Kỳ thì sòng bài rất bình dân, thiên hạ ăn bận xập xìn, miễn có tiền để đánh. Có thể có những chỗ đánh bài của dân giàu có, hội viên của sòng bài thì chắc phải ăn bận đàng hoàng. Mình không đánh bài nên không biết.
Đi lòng vòng với anh ta trong casino vì lần đầu tiên trong đời được mục thị sòng bài thì gặp khá đông người Việt, có vài đám quen tên này.
Có một cặp vợ chồng người Việt đang đứng xếp hàng để rút tiền ở máy ATM. Cô vợ chào anh ta rồi nói nhỏ là em phải đi theo, bỏ con ở nhà để cản anh chồng, đừng thua ngày chưa đủ tranh thủ thua đêm, đánh nhiều thua nhiều trong khi anh chồng thì mặt mày hung tợn, hình sự như Toshiro Mifune trong phim Rashomon, cầm thẻ tín dụng như cây đao, tường như muốn chém ai, chờ đợi đến phiên mình rút tiền.
Hình ảnh cô vợ buồn bả khiến mình nhớ đến bà cụ mình, một thời khổ vì chồng đánh bài thua, còng lưng trả nợ cho chồng, nuôi 11 đứa con. Mình hay nói với mấy người em, Mẹ mình cái gì cũng biết ngoại trừ hạnh phúc.
Nhìn lại bến bờ thì mình may mắn, được du học nên tiếp cận được nền văn hoá sở tại để có cái nhìn, so sánh với nền văn hoá Việt, nơi mình sinh sống được 18 năm. Trong đầu mình cứ thắc mắc vì nghe thầy cô giảng dạy, người Việt rất thông minh nhưng không hiểu tại sao người Việt mình nghèo. Hết bị nô lệ thằng tàu rồi đến thằng tây rồi đánh giặc dùm cho Nga Tàu, tư bản Mỹ để chúng thử khí giới, bán cho các quốc gia khác trên thế giới làm giàu. Học lịch sử thời Pháp quốc đến chiếm đóng, đô hộ dân An Nam, có mấy thằng Tây xuống thuyền cầm 3 khẩu súng Mousqueton, bắn vài phát thì cha con trên thành sợ quá, xin đầu hàng.
Về Việt Nam thấy mấy tên đường là lạ mang tên Lê Văn 8, Võ Thị 6, hỏi người địa phương thì họ cũng không biết luôn, nói chắc là những người có công với cách mạng. Sau này đọc tài liệu Hà Nội thì được biết Lê văn 8 chỉ là hư cấu, họ chế ra vị anh hùng này để động viên các dân quân lên tinh thần để đánh đuổi Pháp, dành độc lập. Dành độc lập xong thì cũng nên thú thiệt với dân chúng, đây họ bươn lên, vung vít cho to như Thánh Gióng ngày xưa.
Học sử Việt Nam khi xưa có kể ông thần này, cả ngày chả nói gì cả, chắc đói nhưng khi cho ăn một nồi cơm là lớn như diều, cởi ngựa ra trận đánh tan giặc Ân. Đọc lại lịch sử thì hoá ra chả có bao giờ giặc Ân bò sang Việt Nam. Họ ở tít phía bắc của sông Hoàng Hà, bên Tàu, cách bờ cỏi Việt Nam đến hơn 2,000 cây số, có đánh phá người Tàu. Mấy ông nho sĩ gốc Việt, không có gì để nổ nên mượn của người ta về, chế lại làm của mình, kiểu hậu thế chế Lê Văn 8, Trần thị 9. Xong om.
Nhìn lại thì câu chuyện Thánh Gióng đã nói lên tư tưởng của người Việt. Có ăn thì mới làm việc, như “có thực mới vực được đạo”. Quân giặc đến cướp bóc, bắt người dân làm tù binh, nô lệ, không ai thèm chống cả. Khi được ăn thì đứng lên ra trận. Có bà dân miền Nam quen, nay ở Mỹ kể: khi xưa, tối nó bò về giữa khuya, dựng cổ mình dậy kêu mình nấu cơm vì nó đói. Nay lên phường nhờ nó ký cái giấy để đi đường lên Sàigòn thăm cháu thì nó kêu để đó trên bàn. Đả đảo Thiệu Kỳ mua cái gì cũng có, hoan hô Bác Hồ, mua cái đinh cũng xếp hàng. Nếu Quốc Gia mà trở lại, nó có núp trong đáy quần tui, tui cũng đứng dậy giủ cho nó lọt ra để lính quốc gia bắt nó.”
Gặp bạn bè, người Việt thì ai cũng nói mình ngu lâu dốt sớm, thậm chí 40 năm sau gặp lại, mấy tên bạn khi xưa vẫn kêu cái mặt mày sao ngu lâu thế. Vẫn không hút thuốc, không uống rượu, không cờ bạc như chúng. Vẫn ngố ngố như xưa khiến đồng chí gái buồn, bỏ công sức gần 30 năm mà vẫn chưa cải tạo được thằng chồng thuộc giai cấp nguỵ quân nguỵ quyền, con cháu địa chủ. Chán Mớ Đời
Mình không hiểu lý do anh chồng đi Atlantic City nướng tiền mà anh ta khổ nhọc làm trong tuần. Có thể anh ta muốn kiếm thêm tiền để nuôi vợ con so với đồng lương ít ỏi của mình hay bị ảnh hưởng của văn hoá Việt, vẫn còn ở trong nhà tù của ký ức, cho rằng đàn ông biết cách sống, phải trải nghiệm Tứ Đổ Tường.
Hồi nhỏ nghe người lớn nói Tứ Đổ Tường nhưng không hiểu gì cả, chỉ nghe mang máng là đánh bài, gái gú chi đó. Thấy đàn ông chiều chiều ngồi nhậu kêu dzô dzô cái gì đó. Sau này ra hải ngoại, mò mò tìm tài liệu đọc về văn hoá Việt thì mới hiểu chút chút.
Người xưa gọi Tứ Đổ Tường với những định nghĩa: Tứ là 4, Đổ là vách, Tường là bức tường, nôm na là 4 vách tường bao kín không lối thoát.
Người tây phương có một điển tích về mê cung Labyrinth. Tại đảo Creta mà mình có viếng thăm cách đây 35 năm, có một con thú, đầu bò thân người, ăn thịt người tên là Minotaur (bò của Minos) . Ông vua Minos sai một ông nào và người con, xây một cái labyrinth để nhốt con thú trong đó, để nó khỏi chạy lọt ra ngoài, ăn thịt dân chúng, nhất là dụ dỗ vợ ông ta. Cuối cùng, có ông Theseus chui vào trong hang giết chết con thú, phải đeo dây thừng nơi người, để sau đó còn tìm lối ra. Có dịp mình kể chuyện thần thoại, khá hay. Có thể xem Tứ Đổ Tường là Mê Cung của người Việt.
Mấy người biết đọc chữ Hán khi xưa hay nghêu ngao: 酒色財氣四堵牆 (Tửu sắc tài khí tứ đổ tường). Để giải thích, so sánh bốn bức tường kín mít ấy với bốn điều tệ hại: Tửu, Sắc, Tài, Khí, mà hễ con người đam mê dấn thân vào đó thì như lọt vào bốn bức tường không lối thoát, mê cung, chịu chết trong đó luôn, hư hỏng cả cuộc đời, uổng phí một kiếp ba sinh.
1. Tửu: rượu. Uống rượu, nhậu nhẹt say sưa, cuồng tâm loạn trí, trí não hư hỏng, tinh thần suy nhược, hết biết phải trái, không còn phẩm hạnh con người. Người xưa hay nói: Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm, (rượu nhập tâm như cọp vào rừng), hay Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị (rượu nhập tâm như chó điên ngồi tại chợ).
Hồi nhỏ có đọc truyện cổ tích nói về một ông nào đó, làm gì sai quấy nên bị bắt, buộc phải chọn lựa 1 trong 3 điều nếu không thì ở tù: 1/ uống rượu, 2/ giết người chị, 3/ giết bà mẹ. Ông ta chọn giải pháp thứ nhất: uống rượu. Một hôm, say rượu về nhà, la hét bị bà chị cự nự, ông ta lấy dao chém chết tươi. Bà mẹ thấy thế than trời cũng bị ông ta hưa một dao theo ông bà.
2. Sắc: sắc đẹp của phụ nữ. Ham mê thú vui xác thịt nam nữ, chơi bời hư hỏng, phạm tội tà dâm, thần hồn mê muội, bỏ bê gia đình. Cho nên người xưa có câu: Sắc bất ba đào dị nịch nhân: Sắc đẹp phụ nữ không có sóng mà dễ nhận chìm người. Mình đoán là cho người giàu có, chớ nghèo như mình thì không có chân dài nào chịu theo.
3. Tài: cờ bạc. Ham mê cờ bạc, liều mạng, bán đồ bán đạc, ăn cắp để có tiền nhập sòng, tan nhà nát cửa. Cho nên người xưa nói: Cờ bạc là bác thằng bần. Mỗi lần Tết đến, ở ngoài Phước Lộc Thọ, khu Bôn Sa, có tổ chức đánh bài, mình thấy dân tình đánh bạc kinh hoàng.
4. Khí: hút thuốc phiện, chích các chất ma túy, nghiện ngập, thân thể bịnh hoạn, mất hết nhân phẩm, trộm cắp hay cướp giựt để có tiền mua thuốc, hút hít cho thỏa cơn ghiền. Trong xóm mình khi xưa có thằng Độ, trốn lính, ghiền sì ke, hay đi bắt gà của nhà mình và hàng xóm ban đêm để hút.
Hoá ra Tứ Đổ Tường là 4 cái truỵ lạc mà người xưa khuyên con cháu không nên rờ đến nhưng có lẻ ít học hay không được đi học nên người ta hiểu sai nên ngâm nga những câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Nhiều khi mình nghĩ câu nói này có thể là “nam vô tử như kỳ vô phong”, đàn ông không có con trai nối giòng như cờ không có gió rồi mấy ông đệ tử lưu linh nào đó, rung đùi sửa lại “tửu” thay vì “Tử” cho đúng gu của mình. Người Việt mình có tính cả tin, có lẻ ít học nên cứ nghe thiên hạ nói, thấy chí lí trong trường hợp của mình là cứ áp dụng, tương tự ngày nay, tuy có học vấn nhưng nghe nói cái gì hoặc đọc cái gì trên mạng, hợp với tư duy của mình, cho rằng đúng, không cần kiểm chứng.
Đọc tài liệu của Tây thì khi họ chiếm Việt Nam thì đầu thế kỷ 20, chỉ có 5% người Việt là biết đọc chữ Hán, còn hiểu rõ Tứ Thư Ngũ Kinh là chuyện khác. Ngay mình đi học cả 20 năm trời, đọc mấy cuốn này còn hiểu sai đủ thứ. Đọc mấy cuốn sách của ông Nguyễn Hiến Lê, đọc tới đọc lui vẫn chưa giác ngộ cách mạng được.
Về Việt Nam, thấy nhiều người giàu có thì mừng cho Việt Nam nhưng hỏi ra thì không phải nhờ tài năng, trí thông minh của họ mà nhờ có đảng tịch, quen biết, móc nối. Cán bộ thì ăn hối lộ, chả có tài gì cả, bằng cấp toàn là dỗm như người ta mới khui ra ông tướng nào lo về an ninh, không biết sử dụng máy điện toán,… cô giáo thì kêu học sinh lên vã mồm học trò rồi cô cho cái tát ân huệ đi nhà thương để được phong hiệu trường chuẩn. Chán Mớ Đời
Mình thấy có đến 124 cụm từ ghép với động từ “ăn” trong tiếng Việt, cho thấy người Việt chỉ lo vấn đề ăn chớ về mặt tinh thần thì không. Người Việt kêu: “Tôi ăn nên tôi hiện hữu” khác với Descartes cho rằng “tôi tư duy nên tôi hiện hữu”.
Dạo mới bắt đầu học lại tiếng Việt thì mình nghe mấy người nói về Chí Phèo, Thị Nở vì khi xưa học việt văn, chỉ có học về cuốn tiểu thuyết “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh năm lớp 11B nên tò mò tìm đọc sách của nhà văn Nam Cao. Qua những truyện của ông này thì mình bắt đầu cảm nhận về cái nghèo của người Việt và lý do tại sao không bao giờ dứt.
Một truyện ngắn của Nam Cao, nói về một anh vác củi, được tiền lương xong thì chơi một bữa cơm thịt chó, còn lại thì vào sòng bài. Thua. Thở dài, đi về, kêu tại cái số mình không giàu được.
Mình lại nghe người lớn hay kêu “nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng” mà người Việt mình có tiền là ăn cái đã rồi còn bao nhiêu chui vào sòng bài rồi thua hết. Đi về.
Họ xem cuộc đời là một canh bạc, không phải một cuộc xây dựng từ bé. Một bên là cuộc đời là sự may rủi, một bên là một quá trình học tập, xây dựng lâu dài. Họ không nghĩ đến ngày mai, đầu tư cho tương lai. Mình đoán là ảnh hưởng Nho giáo đến tâm khảm của họ. Những Kinh Dịch, bói toán tử vi, thêm cái nghiệp của Phật giáo đã huỹ hoại tinh thần, ý chí hay tư duy của họ.
Hồi nhỏ đi học, có bài hát “cái nhà là nhà của ta, ông cố ông cha làm ra, các em nên gìn giữ lấy,…” có lẻ ông bà sợ con cháu sau này phá hết gia tài theo kiểu “ai giàu 3 họ, ai khó 3 đời” nên dạy con cháu đừng bán nhà, cố gắng giữ lấy bằng mọi cách, ở một phạm trù to tát hơn là đất nước.
Hồi nhỏ bà cụ có xem tử vi cho mình, nhớ máng máng là số mình thất học, ngu lâu dốt sớm. Bà cụ mình thì cả đời không bao giờ được đến trường thì thầy bói nhìn vào là đủ biết tương lai hậu vận của mình, thêm mặt mày của mình thì đen như cột nhà cháy. Từ đó như bị nhập tâm, cứ đinh ninh mình là ngu lâu dốt sớm, chả thích học hành gì cả, phá làng phá xóm chơi như buổi tối sau khi ăn cơm, thay vì học mình lấy ná bắn đá lên mái nhà hàng xóm xa xa, đá rơi nghe lon ton trên tôn nhà họ, nghe như tiếng ai thổn thức trong đêm.
Đến năm 11B, viếng thăm thầy Nguyên, thầy kêu em có khả năng đi du học nên từ đó mới chịu khó học hành rồi như thầy tin tưởng, đặt hy vọng vào mình, 2 năm sau mình lên máy bay chuyển hộ khẩu sang Tây. Sau này, lấy vợ, mình thú thật với đồng chí gái là muốn mua nhà cho thuê thì đồng chí gái hỏi tiền mô, như thể hỏi thầm “mi ăn chi mà ngu rứa” còn mấy người bà con của vợ, đập bàn cười nức nở như nghe Chí Phèo đòi lấy Thị Nở.
Cách tiêu tiền của người Việt mà ông Nam Cao diễn tả khi xưa, không khác gì với ngày nay. Về Việt Nam, vẫn thấy người Việt chén chú chén anh rồi dzô, dzô. Mình có hẹn vài người bạn học cũ gặp nhau. Có nhiều người đến tham dự mà mình không biết vì không có học chung hay đã rời trường khi mình vào, không biết nói gì với họ, như chia sẻ những kỷ niệm thời học sinh với những người nào có học chung.
Mình thấy họ cứ ngồi uống lu tu rồi hút thuốc, hỏi ra thì họ đã hưu trí sớm ở tuổi 60. Không biết làm gì ngoài uống rượu và hút thuốc. Có nhiều tên còn dụ mình đi tăng 3 nhưng xin kiếu. Hoá ra người Việt chỉ loay hoay lo ăn, hút rồi cờ bạc, gái gú không có ai chia sẻ với mình là mới đọc cuốn sách này hay hoạch định những chương trình này nọ, ngoại trừ một anh bạn thân ngày xưa, không thích uống rượu, chí thú làm ăn, về hưu nhưng vẫn giúp vợ khuyếch trương công việc tại nhà. Chia sẻ với mình những tài liệu mà anh ta nghiên cứu.
Trong những câu chuyện của Nam Cao, diễn tả cách xài tiền của người Việt. Mới đầu có thể hiểu là tâm lý nóng khi thua,thiếu suy nghĩ nên chơi xả láng, nhưng đã tố cáo một sự thật là đa số người Việt không làm chủ được đời mình. Cái nghèo đeo đuổi nên không bao giờ nghĩ đến sẽ thoát khỏi nó. Sự giàu có chỉ là ý tưởng xa lạ, nên khi có tiền là xài bậy bạ cho hết như đánh bài, tố hết để 1 ăn 10 bù. Đằng sau thói vung tay quá trán ấy là một sự bi quan tuyệt đối trước đời sống.
Mình may mắn ở hải ngoại nên tiếp xúc được người ngoại quốc, như ông Rich Dad của mình, chưa học đến lớp 12, nhưng vẫn thành đại gia nhờ chịu khó chắc chiu, đầu tư để thay đổi đời ông ta và con cháu.
Khác với người Việt là cứ đem “Mệnh” trong văn hoá truyền thống, để giải thích về những hành động, quyết định của mình. Khi xưa, ảnh hưởng Nho Giáo nên người Việt đều cho rằng “ sống chết có số, phú quý do trời” hay “đại phú nhờ vào mệnh, tiểu phú nhờ vào cần”, ai cũng có vận mệnh của mình như giày đều có số. Đi xa hơn thì họ đổ lỗi cho tiền nhân, tiêu diệt chũng tộc Chiêm Thành hay Cam Bốt nên kiếp này phải trả nợ.
Họ kêu thầy Mạnh Tử nói: “Mạc chi vi nhi vi giả, thiên dã; mạc chi trí nhi chí giả, mệnh dã“ (Tạm dịch: Việc mình không có ý làm, mà thành, đó là do ý trời vậy. Việc gì mình không mong cầu mà tự nhiên tới, đó là do mệnh trời vậy.) Kiểu nói mình không muốn thua bài nhưng vì ý trời bắt mình thua bài. Bù trớt. Nếu mình không đánh bài thì đâu có thua bài, đó là ý mình. trong khi người ngoại quốc thì kêu “Thất bại là mẹ thành công”, không đổ lỗi số mệnh gì cả. Chán Mớ Đời
Ở hải ngoại, khi về hưu, người ta hoạch định thực hiện những gì khi còn đi làm kiếm cơm họ không có thời gian. Như đi học lại, đi du lịch, giúp nhà thờ, hội từ thiện. Theo dõi mấy lớp học trên mạng, mình thấy có nhiều ông bà, tóc bạc ngồi lấy notes. Có thể ở Việt Nam, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý đời họ từ 1975 đến nay nên khi ngưng lao động ở cơ quan, họ bổng như một chiếc xe không người lái, mất định hướng, không có chỉ nam nên chỉ biết nhậu và hút thuốc. Mỗi tháng đến sinh hoạt với chi bộ đảng.
Mình và vài người bạn thì mỗi tuần, tuỳ thời khoá biểu vào các trang của đại học như Harvard, MIT, Yale để theo học các lớp miễn phí về những đề tài mà mình không biết, hay khi xưa thích nhưng không có thời gian học tập. Mình rất mê theo dõi lớp “Justice” (Công Lý) của giáo sư đại học Harvard, Michael Sandel. Dạy về đạo đức, triết học từ Utilitarianism của Jeremy Bentham, đến John Stuart Mill, hay Robert Nzick, lòng vòng qua Aristotle, Immanuel Kant… cho thấy bể học mênh mông. Dạo này mình đâm mê đọc sách về y khoa, mà mình ngỡ là không có khả năng hấp thụ thông tin này như thầy bói đã từng tuyên bố với bà cụ. Tính sang năm ghi tên học về lớp dinh dưỡng trên mạng.
Mình lên diễn đàn Văn Học thì thấy đa số làm thơ, ít có người nào viết chia sẻ những kỹ niệm hay những suy tư về cuộc sống. Bạn bè trên mạng thì đưa các tin tức để câu “Like”. Có thể sống trong xã hội chủ nghĩa, con người không muốn chia sẻ tâm tư của mình vì dễ bị báo cáo như nước Đông Đức khi xưa có nhiều Stasi. Mình không sống ở Việt Nam nên khó mà có một câu hỏi hay trả lời chính xác.
Có một cô bạn khi xưa ở Đàlạt, i-meo hỏi mình ngày xưa học ban toán sao nay lại kể chuyện đời xưa. Cho thấy tư duy của người Việt không được nới rộng như tại hải ngoại, cứ quen với ý niệm đời người đã được cơ cấu bởi Đảng, Chúa hay ông Phật.
Mình quen tác giả “Le Dragon d’ Annam”, ông này mỗi tuần gặp cựu hoàng Bảo Đại để hỏi chuyện xưa để viết cuốn sách này. Ông ta chưa học xong trung học, đi lính sang Việt Nam. Sau này theo nhóm OAS, ám sát hụt tổng thống De Gaulle, ở tù. Trình độ hiểu biết của ông ta rất cao hơn những người Tây có bằng cấp đại học vì ông ta tự học, đọc sách nhiều. Mỗi lần gặp ông ta là mình mê, ngồi nghe cả 4, 5 tiếng đồng hồ, được ông ta giải thích về lịch sử Pháp, âu châu, nghệ thuật…rồi mình bắt chước, kiếm sách để đọc thêm về những đề tài mình thích. Dạo còn sinh viên, không có tiền ăn chơi, mình vào thư viện trốn cái lạnh, đọc trung bình 1 cuốn sách mỗi tuần.
Ở Hy Lạp có thi sĩ Homer, có viết hai tác phẩm nổi tiếng từ mấy trăm năm trước Chúa giáng sinh như Illiad và Ulyssus, dễ đọc dễ nhớ, được truyền tụng qua văn chương truyền khẩu như truyện Kiều dễ nhớ của người Việt mình. Cũng nhờ những thi ca này mà các tác giả hậu thế dùng làm căn bản cho những đối thoại, biện chứng mà ông Socrates nêu ra sau này, đã giúp người Tây phương tạo dựng cách viết và các hệ thống tư tưởng, ý thức hệ giúp họ tiến xa về mặt tri thức, kinh tế và nhân bản.
Trong mấy truyện của Nam Cao mà mình được đọc, có một nhân vật dám kêu bán cái nhà đang ở để lấy vài trăm bạc, ném vào canh bạc để rồi kéo con cái ra đường. Cho thấy nhân cách tha hoá, con người cay cú, ngu dại, vô trách nhiệm với gia đình vợ con, xa hơn là đối với làng xóm, quốc gia.
Không chỉ có đàn ông đánh bài, mà trong truyện của Vũ Trọng Phụng, hay Nam Cao cũng có nhắc đến các bà vợ, đùa vui với những tên đánh bài khác. Ông Nguyễn Ngọc Ngạn có viết một câu truyện ở Gia Nã Đại, quên tên, kể về một thiểu số người Việt vượt biển sang, chưa bỏ được tập quán tư duy của người Việt. Có tên nào chuyên đánh bài rồi một cô đánh bài thua, lên giường trả nợ. Người ta đánh bạc như ma xui, quỷ dẫn đường.
Tệ nạn này vẫn còn tiếp tục đến ngày nay, người ta cập nhật hoá đánh bài trên mạng. Cá độ các trận banh. Xem đá banh trên truyền hình, thấy toàn quảng cáo xung quanh sân cỏ các tổ chức cá độ.Phụ nữ vẫn tự xem thân gái 12 bến nước, đi chài các đại gia. Cũng có thể họ sống trong một môi trường không có lối thoát, thay vì trong mê cung Tứ Đổ Tường, họ lại sống trong một Mê Cung to lớn, vĩ đại hơn nên cắn rằng làm dâu xứ Hàn, xứ Đài hay qua Cam Bốt, Tân Gia Ba, Mã Lai làm điếm quốc tế, kiếm tiền trả hiếu cha mẹ.
Khi đứa bé mới sinh ra tại Việt Nam, người ta đã dạy chúng là công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Xem như báo chúng là đã mắc cái nợ to tát ấy. Mình và đồng chí gái hò giã gạo, đưa đến hệ quả có con, do đó mình phải có bổn phận lo cho mấy đứa con. Khác với tư tưởng xưa là sinh con để nhờ vả sau này về già hay để làm ruộng vì thêm người thêm của.
Tương tự một đứa bé ở tây phương, mới lọt lòng, họ đã kêu chúng có tội lỗi rất nhiều, phải rữa tội vô hình trung cấy vào đầu con nít cái mầm là người có tội, nên cả đời phải bám vào cố đạo để được xưng tội, giải thoát cái mặc cảm như thể Cộng Sản phê trong lý lịch của mấy người em mình là con cháu nguỵ quân nguỵ quyền, xem như toi đời về tương lai. Muốn sống thì phải học tập, khắc phục làm cháu ngoan của bác, trò ngoan của thầy. Có chị bạn hay gọi mình sau khi đọc mình kể chuyện, kêu mình vô thần. Không! Mình vẫn tin vào tôn giáo, đạo thờ bà, mụ vợ mà vui vẻ thì đó là Thiên Đường, còn ngược lại là Địa Ngục.
Văn Học có 2 thầy dạy toán hình học. Mình học với thầy Nguyên, không tin tử vi, kêu mình chịu khó học để đậu cao đi du học, đổi đời. Còn một ông thầy dạy toán khác, viết sách tử vi, nghe nói nổi tiếng lắm. Mình có đọc sách của thầy, dùng phương trình toán học để giải các sao,… nghe nói thầy đem tiền về Việt Nam làm ăn rồi bỏ của chạy lấy người. May mà mình không học với thầy viết sách tử vi nếu không chắc ngày nay, hàng ngày ngồi hút thuốc, cà phê, tứ đổ tường bú xua la mua ở Việt Nam.
Cali đang mưa, chả biết làm gì viết loạn cào cào.
Chán Mớ Đời

Nguyễn Hoàng Sơn 

Quê hương của ký ức

Tuần vừa rồi đi tập võ, thấy một anh tập chung, cạo râu tỉa ria, cắt tóc nên hỏi đi ăn cưới hay sao mà tổng vệ sinh hình thể thế. Anh trả lời là sắp đến ngày lễ tưởng niệm 30/ 4, phải bận quân phục để chào quốc kỳ. Câu trả lời của anh ta làm mình kính phục vì sau hơn 40 năm, những người lính VNCH cũ vẫn còn tưởng nhớ đến những ngày tháng hành quân bên đồng đội, chiến đấu cho Lý tưởng Tự Do trong khi đại đa số dường như đã quên Tháng Tư Đen.
Có ai từng nói: " Mình là những gì mình nhớ." Những gì mình nhớ tạo nên ý nghĩa cho những gì mình làm hoặc chứng kiến trong quá khứ hay hiện tại. Nếu những quân nhân cán chính của VNCH không nhớ đến ngày 30/4 thì cuộc chiến đấu khi xưa của VNCH do họ đại diện không có ý nghĩa, họ sẽ không có quá khứ, ký ức của họ chỉ là hư không.
Hà Nội có thể xoá những dấu tích của chế độ VNCH như nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, các tượng lính VNCH khi xưa, cấm nhạc vàng, sách bá kền Nam ...nhưng họ không thể xoá được ký ức của mỗi người đã từng sống tại miền nam trước 1975.
Bà nhạc của mình năm nay đã trên 94 tuổi, không còn nhớ đến ai nữa. Vài năm trước, khi bắt đầu lẫn, bà ta hay nói với con cháu đưa bà về thăm Ao Hồ, quê quán của bà ở Huế nhưng nay thì ít nói, cả ngày cứ ngồi nhìn về một chốn xa xăm, trả nhớ về không như không còn quá khứ. Đồng chí gái mỗi chủ nhật đến thăm, đưa mẹ đi ăn phở. Ngồi nhìn vợ mình đút cho mẹ ăn như ngắm một bức tranh hiện thực rất đẹp. Trời sinh rất hay, từ từ con người bị lão hoá, lú lẫn khiến con cháu cũng từ từ quen sự mất mát trong tâm khảm để rồi một ngày nào bà sẽ vĩnh viễn ra đi, giúp con cháu bớt đau khổ vì mồ côi.
Khi bà cụ nhớ đến Ao Hồ, hình ảnh của căn nhà khi xưa ở Huế, nơi cụ đã sinh trưởng là nguyên liệu đầu tiên giúp tạo ra chính hình ảnh của cụ, bản thể của cụ; một phụ nữ miền Trung nên khi cụ lẫn, không còn nhớ đến hình ảnh xưa thì không còn nhận ra chính mình là ai, mất đi cái căn cước của chính cụ. Nhiều khi nghe cụ hỏi "tui tên chi?" làm mình cũng không biết cụ nói tên cụ là Chi hay hỏi con cháu tên cụ là gì vì tên cúng cơm của cụ là Tôn Nữ Cẩm Chi,...
Sau biến cố 30/4/75, nhiều triệu người VN bỏ xứ ra đi tìm chỗ dung thân trên khắp thế giới. Mình có gặp một anh tỵ nạn đạp xe đạp, bán chả giò ở Dakar, thủ đô của nước Sénégal, Phi Châu. Các lưu dân bỏ nước ra đi, định cư tại một quốc gia khác nhưng vẫn bị các ký ức, kỷ niệm của thời lớn lên tại VN níu kéo, so sánh. Có người hoà đồng nhanh chóng vào nền Văn hoá địa phương nhưng có người vẫn bị những ký ức của VN lôi kéo họ về dĩ vãng khiến họ lơ lững ở hai vùng ranh giới của văn hoá của nước sở tại và văn hoá của nơi họ vừa từ bỏ.
Những thập niên đầu ở hải ngoại, người gốc Việt hay tụ tập với nhau dưới danh nghĩa quân nhân cán chính, các đảng phái dưới thời VNCH nhưng dần dần các hội thân hữu ra đời, mang tên hội Thừa Thiên, Huế, hội Quảng Nam Đà Nẳng, hội thân hữu Đà Lạt, hội Sóc Trăng,.....hình như con người càng lớn tuổi thì họ trở về ký ức của nơi họ sinh trưởng hay đúng hơn tìm về Quê Hương của Ký Ức, của những kỷ niệm thời xưa.
Mình hay ăn sáng mỗi thứ 6 với vài tên bạn mỹ già, trên mình 20 tuổi thì có tên kể hắn đi dự hội ngộ 40 năm của trường trung học của hắn thì không nhận ra ai. Có một tên ngồi kể chuyện ngày xưa hắn và tên bạn hay phá phách nhưng hắn cố moi óc nhưng vẫn không nhớ đến tên kể chuyện. Hắn chỉ nhớ thời đó, mỗi sáng phải dậy sớm đi bỏ báo, kiếm tiền để bảo trì chiếc xe hơi của hắn vì trong trường dạo đó ít học sinh có xe hơi. Hắn nhớ đến những cô gái mà hắn có dịp chở đi chơi thôi. Tương tự khi nói về ký ức Đà Lạt mình nhớ nhiều nhất về hai năm học Văn Học còn Yersin thì nhớ về thời học tiểu học .
Mình nhớ dạo mới sang Văn học thì cũng tụm 3 tụm 4 lại với mấy tên khi xưa học ở Yersin, tuy không cùng lớp nhưng biết mặt nhau như Võ Hoàng Đa, Nguyễn Đình Tài,.. Mấy cô thì có Mai Anh, Ngọc Chân, Anh Đào, Thu Thuỷ, Nguyệt Thu,... Có lẻ vì nhóm này có chung một ký ức tập thể của Yersin? Ký ức cộng đồng của trường Tây? Dần dần cũng bắt đầu quen một số học sinh chương trình Việt nhưng dù sao vẫn cảm thấy thoải mái hơn với đám từ Yersin sang. Sau này gặp lại Võ hoàng Đa ở Cali, ngồi nói chuyện thì có nói khi học Yersin thì mình cảm thấy không thoải mái lắm thì anh chàng giải thích đa số là con nhà khá giả của Đàlạt mới học trường Tây nên tụi mình không thoải mái với đám này nên khi sang Văn học thì Châu về hiệp phố.
Mình thì nghĩ khác. Mình nhớ khi còn học vườn trẻ Ấu Việt, nghe kể về nhà mình nói tiếng Tây như con của mình ngày nay xổ tiếng Mỹ. Sau này sang Yersin thì nói tiếng Việt hơi ngọng tương tự con mình khi nói chuyện với bà Nội, bà ngoại. Dần dần bắt đầu suy nghĩ, nghe kể những chuyện kháng chiến chống Tây, thực dân đô hộ dân mình nên có thể bị khủng hoảng bản thể, không hiểu tại sao phải học trường Tây. Dạo đó tây về nước nên có rất nhiều thầy cô người Việt nhưng lại nói tiếng Tây trong lớp nên mình đâm hoang mang. Khi sang học chương trình Việt thì mình cảm thấy thoải mái hơn vì thầy giáo nói tiếng Việt khiến đầu óc mình bớt lộn xộn.
Năm vừa rồi khi tìm lại một số bạn học xưa ở Đà Lạt thì mình có nhu cầu viết về những ký ức của thời gian sinh sống tại Đà Lạt. Cả đời mình chẳng bao giờ viết nên Thiên Hạ đọc kêu sai lỗi chính tả, dấu hỏi, dấu ngã bỏ sai loạn xà ngầu nhưng mình cứ vô tư vì chỉ muốn viết cho chính mình, cho con cháu sau này đọc tương tự như mình thích nghe Ông cụ kể chuyện thời xưa ở quê.
Mình viết như sợ nguồn suối của ký ức sẽ ngưng, như sợ những kỷ niệm kia sẽ chìm biến trong dĩ vãng. Càng viết thì mình càng thấy rõ hình ảnh của Đà Lạt khi xưa, những tên học chung, những cô gái mà mình thích nhìn trộm, những bản nhạc của bang nhạc Phượng Hoàng,.. mà mấy chục năm qua không để ý, nay nghe lại thì phảng phất đâu đây những tình cảm dào dạt khi xưa, như giúp mình sống lại thời trước 75. Bao nhiêu ký ức được cuộn về như dòng suối được cha con Jean De Florette, khai thông sau khi đã dập tắc để mua đất rẻ từ cha của cô gái tên Manon trong truyện "Manon des Sources" của Marcel Pagnol.
Có cái gì lôi cuốn mình tìm hiểu nơi nào xuất phát ra gia đình, dòng họ, nên đọc hối hả, đọc gia phả rồi nhờ người ta dịch ra việt ngữ, nhờ tiệm in cho ông cụ đem về làng tặng trong họ. Về quê Nội, mình có thăm viếng cái đình làng, chùa Thầy, nhà thờ họ,.. tuy nhỏ bé nhưng mình vẫn thấy có cái gì thiêng liêng buộc mình vào không gian ấy. Mình tìm hiểu lí do ông tổ từ Nghệ An lại trôi dạt về vùng sông Đà núi Tản, lập nghiệp bên dòng sông Đuống,...
Mình hiểu ông thần Nhị Anh khi dùng phần mềm, sưu tầm tài liệu để vẽ lại cái chợ Đà Lạt khi xưa trong không gian ba chiều như Marcel Proust đi tìm lại những dấu chân xưa vì ký ức của anh chàng cũng lấp lánh những tia sáng của ký ức của chính mình. Có một Chị ở bên Đức, tìm kiếm những dư âm, hình ảnh xưa để làm những video như tạo dựng lại một vùng ký ức của thời mang guốc đến trường.
Khi nói đến một kỷ niệm dù riêng tư nhưng vẫn liên đới đến một người bạn hay một nhóm nào khi xưa, quyện theo thời gian và không gian cho nên ký ức của mình vẫn dính dấp đến ký ức của tập thể. Khi ngồi kể chuyện thời xưa, như ban nhạc của Văn Học trình diễn ở trường Trí Đức thì Hùng Con Cua có những kỷ niệm của hắn, Nguyễn đình Tài có kỷ niệm riêng tư của hắn ngay chính mình lúc đó là trưởng lớp cũng có vài kỷ niệm như Trần Thiện Tân chơi guita Bass nhưng không quen đàn 4 giây của ban tổ chức nên đánh loạn cào cào khiến Tài, Hùng hoảng cả lên nên khi ngồi chung kể lại kỷ niệm xưa thì những kỷ niệm xưa ấy được hiện tại hoá, được kể lại sau 40 năm, khi mỗi người trong chúng ta đã trưỡng thành và quan sát hay đón nhận những ký ức với một lối nhìn, cảm nhận khác.
Mình ít thấy mấy người bạn học xưa còn sinh sống tại VN, lên tiếng trên diễn đàn Văn Học. Có lẻ họ vẫn sinh sống tại Đà Lạt nên ký ức của họ rất khác với mình. Họ nhìn thấy sự thay đổi của Đà Lạt trong đời sống hàng ngày trong suốt 40 năm qua cho nên ít lưu luyến đến quá khứ trước 75. Việt Nam, Đà Lạt là cả cuộc đời của họ trong khi đối với người sinh sống tại hải ngoại, Đà Lạt là một đoạn phim ngắn của cuộc đời họ thuộc về quá khứ. Lâu lâu có người tải hình con cháu lên diễn đàn còn ngoài ra thì họ i meo riêng cho mình. Có thể đó là đặc tính của người Việt, không muốn tiết lộ tình cảm hay ý tưởng cá nhân cho mọi người? Có thể vì sống trong môi trường chính trị không cho phép họ tự bạch? Nói chung thì trên diễn đàn, đa số là dân hải ngoại chia sẻ cho nhau bài thơ, video, giúp các bà trị bệnh không nghe lời của chồng,... Cãi nhăn, cãi cuội, chọc phá nhau như thời còn ngồi ghế nhà trường như Kim Dung nói cải lão hoàn đồng, càng già càng trở nên con nít.
Cho thấy sống tại hai nơi, hải ngoại và trong nước, mọi người đều có những ký ức chung của thời niên thiếu nhưng khó định nghĩa được sự trân trọng về một thời chung bước đi chung một quảng đường đời. Ở Việt Nam, nhiều người bạn học cũ nay đã là đảng viên nên ngại tham gia diễn đàn, sợ diễn biến hoà bình, sợ bị đảng khai trừ nên khi gặp lại ở Việt Nam, ai nấy cũng dè dặt từng câu nói, như có một cái màn vô hình ngăn chia giữa mình và các người bạn đảng viên. Hỏi thăm nhau về gia đình nhưng không dám hỏi về đời sống tinh thần,…
Sau biến cố 30/4, mấy triệu người Việt chạy tản mác ra hải ngoại, đa số chưa thể chối bỏ được nền văn hoá, ký ức của VN, Đà Lạt nên tình cảm của chúng ta vẫn lãng vãng ở làn ranh văn hoá địa phương và VN. Có lẻ vì chúng ta còn nhiều ký ức, kỷ niệm vì đó là quê Hương của chúng ta. Về VN, đi thăm viếng Đà Lạt nhưng chúng ta thất vọng, không tìm lại được những hình ảnh, kỷ niệm của thời thơ ấu, những chén chè Mây Hồng, những ly sửa đậu nành nóng vừa uống vừa thổi về đêm ở đường Minh mạng, những lần chen lấn mua vé đi xem xi nê ,...chúng ta như Từ Thức trở lại quê, không còn nhận ra những dấu tích xưa nên tiếc nuối thời kỳ mới lớn, thời kỳ tập tành yêu đương, mỗi người ấp ủ một hay nhiều hình bóng hình Hoàng thị Ngọ để rồi nhớ đến vô không.
Trên diễn đàn Văn Học, có lẻ mình cảm nhận được tình cảm hay ký ức của các diễn đàn viên khác. Tuy chưa bao giờ gặp mặt nhưng vẫn cảm thấy gần gũi vì diễn đàn tạo nên một không gian để trao đổi những lấp lánh của ký ức của bạn học xưa, tạo nên một ký ức tập thể để giúp chúng ta, những người mất quê tìm lại chút gì của quê hương bỏ lại hay nói cách khác là tìm lại quê hương của ký ức.
Anh bạn tập chung cũng như những người còn nhớ đến ngày 30/4, hàng năm gặp nhau để chào cờ, làm lễ truy điệu các người đã nằm xuống trong cuộc chiến như tìm lại ký ức, nhớ về cội nguồn vì chúng ta là những gì chúng ta nhớ, tìm lại ký ức của cộng đồng, của tập thể người Việt hải ngoại như tìm về Quê Hương của Ký Ức.
Sơn đen
30/4/14

Ơi vợ

Sau hai năm đăng kí quản lý đời đồng chí gái, đả thông tư tưởng bằng mồm với vợ, đánh nhau bằng chim bướm thì hắn đã quán triệt chủ nghĩa Tập Trung Dân Chủ của đồng chí gái phát họa cho cuộc sống tự do độc lập của hai vợ chồng; đồng chí gái lãnh đạo, hắn được tự do hoan hô người vợ vô vàn kính yêu muôn năm. Trong nhà hết xào xáo, cùng nhau tiến bước trên con đường xây dựng Dân Chủ Tập Trung, vợ nói chồng hoan hô.
Nhớ dạo sang Vancouver thăm ông anh họ của đồng chí gái, vợ rên về thằng chồng nhân dân có tư tưởng phản động, hay có ý kiến chống đối cách mạng, không tuân thủ sự lãnh đạo sáng suốt của đồng chí gái thì ông anh họ kêu: "nhưng hắn được cái lỗ miệng". Ở nhà cãi nhau như mỗ bò nhưng ra đường, hắn vẫn là mẫu mực người chồng nhân dân, người cha ưu tú, đầy tớ trung kiên, 25 năm tuổi đảng sợ vợ, tiền hô hậu ủng đồng chí gái.
Hắn như nhân vật Pavel trong cuốn sách "thép luyện tôi thế đấy" của nhà văn Nicolai Óstrovsky, từ bỏ tất cả, bạn bè nhân tình nhân ngãi để phấn đấu trở thành người chồng nhân dân gương mẫu, đi theo lý tưởng sợ vợ. Sống lâu với đồng chí gái, hắn được dạy dỗ nên người, bị tiêm nhiễm tư tưởng tiểu tư sản, mua hoa tặng vợ, nịnh vợ, bỏ các thói quen phong kiến tiềm tàng trong máu ngu lâu của hắn.

Lần đầu đi xi nê với gái

Hắn nhớ mãi lần đầu tiên đi xi nê với con gái, đúng hơn với một chị hàng xóm, lớn hơn hắn 2,3 tuổi chi đó. Chị H rất xinh, học trường Việt Anh, hay đi theo bà mẹ đến nhà hắn chơi vào buổi tối, sau này mới biết là bà mẹ đến nhà mượn tiền bà cụ hắn. Một hôm, chị ghé nhà rũ hắn đi xi nê. Chị H muốn đi xem phim Summer '42, có tài tử Jennifer O'Neil đẹp như thiên thần, tại rạp Ngọc Lan nhưng ngại đi một mình nên rũ hắn đi cùng.
Hắn không nhớ rõ chi tiết về chuyện phim, chỉ nhớ mùi hương nơi tóc của chị H quyện bên hắn bổng chị H bảo hắn đổi chỗ. Hoá ra có hai tên nào ngồi phía sau gác chân qua hàng ghế khiến chị H bực mình. Tên ngồi phía sau lại lấy chiếc giày khèo khèo sau lưng ghế của chị H khiến chị nổi quạu.
Hắn đứng lên kêu tên ngồi phía sau ngưng khèo khèo. Như phép lạ hai tên phía sau bổng đứng dậy đi chỗ khác. Hắn ngồi xuống bổng nhiên tim hắn đập đập rầm rầm, khó thở. Chị H ghé tai hắn thì thầm cảm ơn hắn, kêu hắn gan ghê. Hắn thú thật với chị H là tim hắn còn đang đập rầm rầm như tiếng trống Tây Sơn khi thấy hai tên lính của đại đội trinh sát 302, ngồi phía sau đứng dậy. Đến hết phim hắn không thấy Jennifer chi cả, trong lòng chỉ lo và sợ, chỉ nhớ tên nhóc con theo Jennifer O’Neil, bỏ chạy như bị ma rượt. Hắn cũng muốn bỏ chạy ra khỏi rạp sớm, trước khi hạ màn để khỏi bị hai trên lính 302, chận lại đập cho một trận để bỏ cái tật xía vào chuyện thiên hạ.