Bồi dưỡng nghiệp vụ chức năng tư duy

Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Chức Năng Tư Duy *

Ngoài những sách mà thầy cô bảo đọc, để viết tiểu luận thì ít thấy mấy đứa con đọc sách khác. Mình mua sách, tặng chúng nhân ngày sinh nhật hay giáng sinh nhưng không biết chúng có đọc hay không. Thật ra, chúng học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm, bài tập liên miên, ngân sách giáo dục thiếu hụt nên thầy, cô giáo phải dạy nhanh cho kịp chương trình vì nghỉ hè sớm hơn 3 tuần. Lại thêm những sinh hoạt ngoại khóa, thể thao, hướng đạo,... chả bù lại khi xưa, mình học tà tà, đâu có bị stress như mấy đứa con ngày nay.


Ngày xưa, có tiền là mình qua đường Phan Đình Phùng, mướn sách của tiệm sách Minh Thu, để đọc nhưng phần nhiều họ cho thuê truyện kiếm hiệp, hay tiểu thuyết,... Tiệm này cũng ma đầu, một tập truyện, họ chia làm hai, làm 3 để cho mướn thêm tiền. Một bộ 12 cuốn thì họ chia thành 24, 36 tập nên kiếm tiền bạo. Dạo đó, có cái gì đọc cái đó, mượn sách của hàng xóm để đọc, nhiều khi phải năn nỉ, xin xỏ như ăn mày để đọc sách báo. Nhiều khi, mua đồ, người ta gói bằng giấy báo thì cũng giữ lại tờ báo cũ để đọc. Khi đói thì có gì ăn nấy, còn đói sách, đói thông tin thì vớ được cuốn gì là đọc cuốn đó, không có chọn lựa. Gần đây, mình có liên lạc được với 2 chị em hàng xóm, khi xưa hay cho mình mượn truyện để đọc. Xin cảm ơn hai bác đã chia sẻ sách cho em.

Sang Tây thì sách vở quá thừa thãi, mượn chả tốn đồng nào. Thư viện thì đủ loại; thành phố, khu mình cư ngụ, trong đại học, thư viện quốc gia, thư viện Đông Dương, nhiều khi còn thấy xe buýt thư viện, đậu cuối phố để những người lớn tuổi, ở xa thư viện, ngại đi bộ, lúc đó mới hiểu xứ người, chính phủ quan tâm nhiều về mặt tri thức của người dân, lo bồi dưỡng nghiệp vụ chức năng tư duy cho nhân dân họ.... Thời gian này, hết đói sách như thời ở Đà Lạt, nên khi đọc thì chọn lựa kỷ càng chớ không hùm bà lằng, bú xua la mua như thời ở Đà Lạt. 

Sách về lịch sử nghệ thuật, kiến trúc thì phải đọc và đọc rất nhiều, mới khám phá ra người xây dựng các cung điện trong Tử Cấm Thành là người gốc VN, được triều đình VN, cống nạp hàng năm các nghệ nhân giỏi, tiền bạc và cung nữ cho nhà Minh. Mình mang mặc cảm với đám Tây đầm học chung vì sự hiểu biết của chúng quá nhiều; về hội hoạ, Triết học, Văn chương,... còn mình ngay cả Văn hoá VN, mình cũng i tờ mặc dù ở VN, so với đám bạn học chung thì mình đọc nhiều hơn chúng. Mình đọc như điên như dại, đọc đủ loại như chạy đua với thời gian. Đi Métro, đi xe lửa cũng đọc, đứng cũng đọc, ngồi cũng đọc, nằm cũng đọc như Lenin đã từng tuyên bố: "học , học nữa, học mãi".

Mang tiếng học trường Tây chớ mình cũng chả biết gì về Văn hoá, nghệ thuật của Tây. Học Triết năm cuối trung học thì nghe đến Socrates, Plato,... Nhưng có bao giờ đọc hay hiểu gì đâu nên khi qua Tây, phải mượn sách về môn này để đọc. Về Văn chương thì tìm đọc toàn bộ của Balzac, Emile Zola, Marcel Pagnol, Corneille, Molière, Racine, Jean Jacques Rousseau,... Mình là Phật tử nên không biết gì về Thiên Chúa Giáo nên phải đọc Kinh Cựu Ước, Tân Ước rồi luôn tiện Coran, Tora,... để có thể hiểu nền văn hoá "Do Thái- Thiên Chúa Giáo", khi xem một bức tranh hay hiểu ý của một ai khi nói chuyện hay đọc sách. 

Khi đứng trước bức hoạ The Judgement Day của Michelangelo trong nhà thờ Sixtine của Vatican, nếu không biết về Cựu Ước thì chỉ biết gục gà gục gấc như một du khách, làm bộ chiêm ngưỡng. Cứ nghe thằng tây hay con đầm nào nói về một cuốn sách hay tác giả nào đó là bò vô thư viện mượn. Tụi Tây có cái hay là tặng sách, cho bạn bè, con cháu vào lễ Giáng Sinh hay sinh nhật. Bên Mỹ, tặng sách thì chúng nhìn mình như bò đội nón. Nói chung dân chúng Mỹ ít đọc sách nhưng coi Tivi nhiều, lâu lâu gặp một tên đọc sách thì như đứng trước một bộ máy tri thức. Có lẻ vì vậy mà André Gluckman, một triết gia pháp tuyên bố; tất cả những nhà trí thức đều mơ ngủ với Susan Sontag.

Hồi ở VN, nghe nói đến Picasso và trường phái Lập Thể nhưng chưa bao giờ thấy một tấm hình của một tấm tranh của hoạ sĩ này trong khi con mình lên năm, trong lớp vườn trẻ, đã thấy cô giáo cho xem tranh của Cezanne,  Braque,...Thời sinh viên, đi viếng viện bảo tàng miễn phí nên cuối tuần là mình đi viếng mấy chỗ này mệt nghỉ, nhất là vào mùa Đông vì trong phòng không có lò sưởi. Lần đầu tiên xem được La Joconde, thấy nức nở nhưng có lẻ mình thích nhất bức hoạ Venus Des Isles của Sandro Boticelli. Mỗi lần, đi coi triễn lãm thì hay rũ một con đầm đi chung cho có bạn, để nó giải thích cho mình thêm vì mình i tờ về Văn hoá Tây phương.

Tuổi thơ mình lớn lên trong môi trường văn hoá khá hạn hẹp. Ông cụ mình học chữ Hán hồi nhỏ ở quê. Sau giải ngũ, có học thêm lớp ban đêm, chương trình chữ quốc ngữ nhưng chưa xong cấp tiểu học còn bà cụ thì chưa bao giờ đến trường, cho nên trong nhà tuyệt nhiên không có một cuốn sách, ngoại trừ báo chí. Thời đó, mình đói sách, đói thông tin nên khi mượn được cuốn sách là đọc ngấu nghiến, năn nỉ bọn hàng xóm để mượn báo Tuổi Hoa,... để đọc. Mình có mướn đọc hết các bộ kiếm hiệp của Kim Dung, Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sỡ Tranh Hùng,...còn tiếng tây thì mấy bộ Lucky Luke, Tintin,.... mượn của tụi bạn, không được bồi dưỡng bao nhiêu về mặt tri thức so với con mình ngày nay.

Sau khi ra trường thì chỉ đọc những gì mình thích, không còn chạy đua như xưa. Tìm đọc những tác phẩm lớn của các nền văn chương lớn, Ý, Đức, Nga, Tiệp Khắc, Hoa Kỳ... Mình rất mê lịch sử từ bé nên thích đọc về sách lịch sử rồi so sánh những tác phẩm được viết trong thời đại của lịch sử. Lúc đó mới tìm tòi đọc lại Illiad, Ulyssus,...mới hiểu Andromaque, Hector, Achilles,...mà ngày xưa mình có học ở chương trình tây. Nhờ vậy khi đi du lịch khắp nơi mới hiểu nguồn gốc, văn hoá của nơi viếng thăm,...

Con mình tuy ít đọc sách nhưng lại đọc sách có chất lượng, để tư duy đột phá. Ở cấp 2, thằng con mình đã đọc "người già và biển cả" của Ernest  Hemingway, để viết tiểu luận. Hôm trước, mình thấy cô con gái viết tiểu luận về MacBeth. Cô giáo bắt phải viết một kết luận khác với Shakespeare hay viết một kết luận "happy ending" cho King Lear,... Ngoài ra, cô giáo còn cho cả lớp coi cuốn phim "Ran" của đạo diễn Akira Kurosawa, đã mượn ý " King Lear"  để thực hiện cuốn phim này, nói về 3 người con trai của một lãnh chúa Nhật, có một kết cục khác. Lúc tiểu học, chúng đã học và đóng kịch "a midsummer night's dream"... Ở trường, thầy cô khuyến khích học sinh có những tư duy sáng tạo trong khi ở VN, thì phải nghe thầy cô. Những gì thầy cô nói là chân lý, không được phê bình, phán xét. Một cô giáo kể; có lần đánh vần sai, bị cô con gái mình nhắc thì cô ta cám ơn, khuyến khích học sinh. Ở VN thì chắc cô giáo cho ăn zero hay lấy thước khẻ trên đầu mấy ngón tay.

Sang Mỹ, quen Chị Chấn, quản thủ thư viện VN của đại học Harvard nên mượn đọc sách Việt thì thấy các tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn đoàn không có gì đặc sắc so với các tác phẩm ngoại quốc. Mình chỉ nhớ có một cuộc hẹn hò ở nhà quê rất lãng mạn; không nhớ tên truyện, hình như do Khái Hưng viết; có cô gái đang ngồi quay tơ trong nhà, anh bồ đi ngang nhà, quăn một đóa Hoa Thiên Lý qua cửa sổ. Cô gái ngửi mùi hoa thì biết người yêu đang đợi, nên rời nhà ra chỗ hẹn. Mình có tìm đọc lại mấy bộ Kim Dung, Tam Quốc chí nhưng không đọc nỗi vì cách hành văn hơi quái quái nên không hiểu lí do ngày xưa mình mê đọc mấy feuilleton này. Vào tuổi con mình học về Shakespeare, thì mình học Đoạn Tuyệt của Nhất Linh thì bổng thương cho mình, cho bạn bè. 

Khi con mình được cô giáo khuyến khích viết đoạn kết khác cho những tác phẩm của Shakespeare, giúp học trò có tự tin một ngày nào, có thể trở thành một nhà văn, một khoa học gia,..sáng chế, đóng góp cho nhân loại, trong khi mình và bạn bè, chỉ ngồi nghe thầy giảng về hình thức. Tuy học Đoạn Tuyệt nhưng mình không có dịp đọc tác phẩm này, chỉ nghe thầy giảng về tác phẩm này. Không ai bình luận hay hiểu lí do tại sao Dũng lại thoát ly, không đáp lại tình yêu của Loan. Đến ngày nay, mình cũng không hiểu tại sao nhân vật Dũng lại không muốn lấy người mình yêu dù Thiên thời, địa lợi, nhân hoà có đủ, phải thoát ly đi đâu? Đi làm cách mạng?

Mình có tên bạn học khi xưa ở Văn Học, có lần kể về kinh nghiệm làm luận án tiến sĩ ở MIT. Hắn kể bị ảnh hưởng Văn hoá VN, "tôn sư trọng đạo" khiến hắn mất thì giờ khi làm luận án. Hắn cứ đợi ông thầy hướng dẫn cho phép hay chỉ thị làm cái gì cho đề án đến khi giáo sư hướng dẫn, bực mình, bảo là trong môi trường nghiên cứu, anh và tôi đều ngang nhau. Tôi chỉ hơn anh là người đi trước, còn trong lĩnh vực mà anh chọn làm luận án thì tôi cũng không rành. Hắn nói người VN mình hay Á Đông, sống theo tự cảm hay suy đoán theo giác quan nên viết các bài nghiên cứu theo giác quan thì bị thầy la. 


Trong khoa học, không thể chứng mình bằng giác quan thứ 6, phải viết, chứng minh 1+ 1= 2,... trước khi chứng minh một phương trình bậc 2 tương tự khi xưa học hình học Euclid thì phải đưa ra định đề là không gian hai chiều, nên mới có thể chứng minh hai đường thẳng, không song song thì sẽ gặp nhau tại một điểm. Vì trong không gian 3 chiều thì 2 đường thẳng, không song song nhưng nếu không nằm trên cùng một mặt phẳng thì sẽ không bao giờ gặp nhau, đó là chưa kể khi ta xét trên không gian 4 chiều, n chiều,...

Dạo công ty Intel xây dựng một nhà máy lớn ở VN, để sản xuất các chip thì họ có phỏng vấn các kỹ sư VN nhưng chỉ nhận được đâu 25 người, có khả năng để theo lớp đào tạo của công ty còn ngoài ra họ phải mướn các kỹ sư Ấn độ. Nghe nói VN ngày nay có 20,000 tiến sĩ nhưng hàng năm không có những công trình nghiên cứu nào để đóng góp cho nhân loại, thua xa cả Thái Lan, Kampuchia,... 

Dạo mấy đứa con còn nhỏ, mình hay kể chuyện cho chúng nghe vào buổi tối trước khi đi ngủ. Sau khi hết chuyện Tây, chuyện Mỹ thì kể mấy chuyện kiếm hiệp, Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc chí,.... mà khi xưa mình từng đọc cho ông bà ngoại mỗi tối. Thêm bớt, chế biến. Sau này khi chúng lớn, mình có mua Tam Quốc Chí, Tây Du Ký,.... dịch bằng tiếng Anh cho chúng đọc. Thằng con hỏi tại sao trong cuốn Thuỷ Hữ, các anh hùng hảo hớn, cứ gặp nhau là chửi đổng rồi vát gươm đâm chém người ta, một cách vô lối khiến mình suy nghĩ về các truyện cổ tích được kể cho tuổi thơ của mình. Khi lớn lên, mình được nuôi nấng trong vòng tay của xã hội, trong nền văn hoá, đề cao tinh thần anh em bốn biển, phải là anh hùng háo hán như trong Thuỷ Hữ cho nên ngày nay, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các cuộc nhậu, hò hét dzô dzô dzô, uống rượu như các hảo hán hay Lệnh Hồ Xung, rồi vỗ ngực bảo "Nam vô tửu như kỳ vô phong" trong khi vợ con đợi cơm. Ra đường gặp thằng nào không ưa là hỏi "mày kên tao?" rồi xúm nhau đánh hội đồng như trong truyện Thủy Hữ...

VN có truyện cổ tích cho trẻ em như Tấm Cám, tương tự bên Mỹ truyện Cinderella. Mình hỏi mấy đứa con, học được bài học gì về câu truyện này thì chúng bảo;" Be On Time." luôn luôn phải đúng giờ nếu không sẽ gặp nhiều điều không hay. Cô Bé lọ lem hứa là phải về trước 12 giờ khuya nhưng vì mãi mê nhảy với hoàng tử nên trể giờ. Tụi nó nói phải đối xử tốt với súc vật, chim thú hay người khác vì họ sẽ giúp mình khi cần. Làm việc phải có hệ thống, mới làm nhanh được,.. Cô bé lọ lem có sự chọn lựa, dù bị bạt đãi bởi người kế mẫu nhưng cô ta vẫn vui vẽ, không hận thù, trả thù,... Con nít học đừng lo sợ cái bề ngoài xấu xa qua Belle trong truyện Beauty and the Beast, vì sau bộ mặt xấu xí có thể có một tâm hồn cao thượng đầy nhân ái.

Mình nói cô con gái là các câu chuyện cổ tích đều có một đáp án cho phụ nữ; muốn giàu sang là phải lấy một Hoàng tử, coi thường vai trò người phụ nữ trong xã hội. Con có thể giàu sang mà không cần phải lấy Hoàng tử, chỉ cần chịu khó học hành, chăm chỉ làm ăn thì sẽ đạt. Sau này lấy chồng vì yêu người đó chớ không phải vì người đó mang lại một cuộc sống giàu sang. Trong xã hội canh nông, người ta trọng đến sức lực để làm việc đồng án, thêm người thêm của. Sinh thêm con trai thì sẽ có thêm người cày cấy, lao động để sản xuất trong khi phụ nữ không có sức mạnh nên vai trò của họ bị giới hạn trong nhà bếp. Thân phận của họ khi sinh ra đã an bài, lấy chồng sinh con, làm vợ nông dân nên giấc mơ của các cô gái ngày xưa là lấy được Hoàng tử để thoát cảnh nghèo nàn.

Qua truyện Tấm Cám, tuổi thơ mình học được căm thù, rồi trả thù vì người quân tử đợi 10 năm để trả thù cũng chưa muộn. Tấm và Cám là chị em cùng cha khác mẹ nhưng vẫn hãm hại, giết nhau thêm phần làm mắm, gửi cho mẹ kế ở quê ăn. Mình đoán là chuyện Tấm Cám, được dịch từ chuyện Cinderella, khi Tây đô hộ xứ mình nhưng tác giả thêm bớt, xào mắm thêm cho đúng khẩu vị người Việt. Tuổi thơ mình được nuôi nấng, hận thù đế quốc, căm thù phong kiến dù chả biết đế quốc là ai, phong kiến là gì? Nhưng phải học tập căm thù trước rồi sẽ tìm kẻ thù sau. Mình học phải biến đau thương thành một hành động cách mạng nhưng cách mạng là gì, không ai biết. Có lẻ vì vậy mà sau 75, cùng là người Việt, thay vì chung sức xây dựng đất nước sau mấy chục năm chiến tranh thì lại bỏ tù, hành hạ cả triệu quân dân, cán chính miền Nam. 

Tuổi Thơ mình học cách hại người vì quyền lợi cá nhân, khi nghe báo chí, ca tụng Tào Tháo, tàn sát cả một gia đình đã cưu mang mình, vì lầm tưởng họ kêu quân lính đến bắt mình, rồi tuyên bố: "thà phụ người còn hơn để người phụ mình". Cho nên mới có những trường hợp như bà Nguyễn Thị Năm, đem tiền bạc giúp Kháng Chiến, sau đó cán bộ đã từng ăn ở nhà bà này, lôi đầu người đã cưu mang mình ra bắn vì bà ta là cường hào ác bá, bóc lột tá điền, kẻ thù của nhân dân. Tác giả bài Thơ "Đồi Tím Hoa Sim", không thể phản lại người đã giúp ông ấy trong thời gian kháng chiến thì bị vùi dập mấy chục năm, sống bên lề cuộc đời. Ông ta lấy cô gái của gia đình đã cưu mang ông ta trong thời kháng chiến, cha mẹ bị đấu tố chết nay bị xã hội ruồng bỏ. Mình thấy ông ta không thờ Phật, thờ Thánh hay Thượng Đế, chỉ thấy chữ "Tâm" trên bàn thờ của gia đình.

Có những câu chuyện mà mình không dám kể cho con như Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung. Không biết anh chàng này có bà con chi với Chử Nhị Anh? Anh chàng này nghèo rớt mồng tơi, có cái khố, bận cho cha khi liệm nên khi thấy có người thì anh ta nằm dưới cát để trốn, ai ngời khi công chúa ở Trần tắm thì lòi ra tên không khố. Thế là công chúa phải lấy Anh chàng nghèo cùng đinh vì anh ta đã thấy thân thể của cô nàng. Nghe kể có chuyện, cô nào đi qua suối, nhờ ông nào cõng nên phải lấy làm chồng vì Nam nữ thụ thụ bất thân. Cái này còn ác nghiệt hơn dân đạo Hồi.

Người ta đề cao tình bạn của Lưu Bình, Dương Lễ, bắt vợ mình làm ô sin, đi buôn đi bán để nuôi tên bạn nối khố của mình ăn học vô hình trung khuyến khích xã hội xem thường vai trò phụ nữ. Vợ mình chỉ là một ô sin để phục vụ cho mình, rồi cứ vỗ ngực bảo trai tài năm thể 7 thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng. Tài gì thì không biết, cứ chiều chiều là nhậu chết bỏ. Có thể khi nhà Thanh lên ngôi thì họ ra chính sách; khuyến khích người Hán uống rượu, để được gọi là một người Hán tốt, (Hảo Hán). Khi say thì còn mơ gì đến phục Minh, phản Thanh tương tự thực dân Tây cứ bán thuốc phiện và rượu cho dân An Nam để dễ dàng cai trị. Nghe kể ông Nguyễn Hải Thần ở bên Tàu, nằm gai nếm mật để đánh Tây bên cái bàn đèn của nàng phù dung mà hồi nhỏ mình được dạy ông ta là một nhà ái quốc, phải noi gương.

Người xưa hay nói; bệnh vào từ miệng, tương tự những gì mình cho vào đầu sẽ khiến ta trở nên lương thiện hay độc ác nên phải cẩn thận khi chọn lựa sách báo để đọc. Ngày xưa, học truyện Kiều, kể về cuộc đời một cô gái đến tuổi trăng tròn, mới phát hiện ra mối tình đầu sau khi đi chạp mộ về. Rồi vì chữ hiếu phải lấy chồng giàu để chuộc cha. Chắc ông cha của cô nàng, đánh bài thua cháy túi nên kêu Mã Giám Sinh gã để trả nợ. Không ngờ tên này là ma cô, bán lại cho Tú Bà, khiến Thuý Kiều phải mất 15 năm bán trôn để trả hết món nợ cho cha. Khi đã trả hết nợ, hiếu đã trả thì chỉ biết tự vận trên sông Tiền Đường.

Câu chuyện đó đã nhập tâm vào đầu óc của các thiếu nữ VN, nung nấu sự hi sinh cá nhân cho gia đình. Ngày nay, hình ảnh các cô gái lấy chồng Đài Loan, các cô dâu xứ Hàn, cởi quần, cởi áo cho người ngoại quốc xem. Họ là hiện thân của Thuý Kiều của xã hội ngày nay, lấy chồng ngoại dù xấu xí, tật nguyền nhưng bù lại có thể giúp đỡ gia đình có được một cuộc sống tương đối khá hơn về mặt tài chánh, trong khi các Nam tử, vỗ ngực trai tài năm thể 7 thiếp , biến mất trong các cuộc nhậu. Có người kể; một cô gái chỉ đám đàn ông đang ngồi nhậu bên lề đường, mồm nói thà lấy thằng ngu Đài Loan còn hơn lấy đám ăn hại này.

 Mình có cô em họ, ngoài quê. Chạy chọt đi lao động quốc tế ở Liên Sô nhưng lạnh quá, phải trở về kêu thằng em sang thế. Hai chị em đi làm, dành tiền gửi về cho ông chú họ xây nhà. Ông chú họ than, nếu chính quyền không ra chính sách hạn chế sinh đẻ thì ngày nay giàu to, cứ cho 10 đứa con sang lao động bên Liên Sô, gửi tiền về sống thỏi mái con gà tre. Sau này cô em họ xin ông bà cụ mình, cho ở nhà từ đường của ông bà nội, để chăm sóc nhà cửa, vườn tược vì ông chú họ bắt cô ấy lấy một ông già đáng tuổi bố nên không muốn ở với ông chú họ mình nữa.

Dạo mấy đứa con còn bé thì mỗi tuần mấy cha con dẫn nhau vào tiệm sách để đọc, vô thư viện mượn sách để đọc. Cứ mỗi lần đọc xong 10 cuốn thì được phát cho cái phiếu được một cái hamburger của tiệm In and Out, hay đến tiệm sách Barnes & Noble nhận một cuốn sách mới. Có dạo thành phố hết ngân sách cho chương trình đọc sách mùa hè nên mình có gửi ngân phiếu ủng hộ để nhớ ơn họ ngày xưa đã giúp con mình. Sau này, mấy đứa con tình nguyện làm hè trong thư viện của thành phố như để cám ơn những người đi trước đã từng giúp chúng. Khi làm đồ án của Eagle Scout thì thằng con làm cái quầy sách mới cho bà quản thủ thư viện và các kệ sách, lâu năm bị xệ xuống.

Có câu nói; "tất cả khởi đầu bằng tư tưởng, tiếp theo là hành động, hành động sẽ trở thành tập quán, tập quán sẽ thay đổi định mệnh của mình".


Sơn đen


Thịt chó và bệnh sợ vợ

Thịt chó và sợ vợ

Trong các lần về thăm Đà Lạt thì mình nhận thấy vắng tiếng chim hót và bóng dáng các con chó và mèo ngoài đường nên hỏi ông cụ thì ông bảo rằng nuôi để chúng nó trộm bán cho tiệm thịt chó à. Nếu mình không lầm thì trước 75 Đà Lạt có hai tiệm thịt chó; một ở đường Cường Để tên là Cờ Tây và một ở dưới Chi Lăng tên Nai Đồng Quê, ngày nay thì nhiều lắm. 

Nghe tới bắt chó làm mình nhớ đến tên bạn một thời Lê Công Hùng, hắn thua mình một tuổi nhưng to con và thấp người hơn. Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Thừa Thiên nít hết. Câu châm ngôn mà người Việt hay nói để chế diễu các người ở miền trung bắt nguồn từ thời vua nhà Nguyễn. Các dân vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, mỗi lần thưa kiện là phải vào Huế, Thừa Thiên để thưa kiện nên phải chạy chọt dân Thừa Thiên để làm cò dẫn đến quan toà nên cãi hay co chi đó thì dân Thừa Thiên ăn hối lộ, ních hết. 
Mẹ hắn gốc Quảng Nam còn bố hắn thì người Thừa Thiên nên hắn có tật hay cãi và ăn khỏe như voi. Có lần hắn đến nhà, mời ở lại ăn cơm, hắn xơi một mạch 6 bát cơm nên cả nhà không dám mời hắn ăn cơm lần thứ hai. Hắn học thái cực đạo với mình nên hay đi học chung, nhà hắn ở trên đường Thi Sách, đối diện nhà trung tá Tốn. Mình đã kể chuyện hắn té từ trần nhà xuống bàn thờ hàng xóm. Tên này theo đạo công giáo, đi nhà thờ chỗ gần nhà thương Phương Lan. 

Có lần mình tới nhà hắn được mời ở lại ăn cơm. Hôm đó có thịt thà nhiều món, ăn xong cả nhà nó mới bảo là thịt cầy. Khi được biết mình mới ăn thịt chó thì mình hơi gợn cổ, về nhà thì bà ngoại chửi mình. Mình hứa sẽ không bao giờ ăn thịt chó nữa. Dạo ấy nhà hàng xóm có tiệm bánh tên Thanh Nhàn ở khu Hoà Bình, vào mỗi lần Tết đến là mẹ mình làm mức gừng, mức dâu,... bỏ  mối cho tiệm này bán.

Nhà ông này có con chó mới đẻ, mình thấy ông Ưng Quyền xem mấy con chó con nào là cái, chưa mở mắt là bỏ vô nồi nấu cháo, nghe nói bổ lắm. Ông hỏi mình có muốn con chó mẹ không thì tên Hùng này xin. Mình không biết tên này học nghề bắt chó từ hồi nào nhưng rất chuyên nghiệp, phải phục tên này. Có lẻ hắn ăn thịt chó đều đều nên đi đâu chó cũng sủa nên hắn quen không sợ chó. 

Mỗi lần đèo hắn trên xe là chó ngoài đường chạy theo sủa vang xóm làm mình sợ bị táp nên dơ chân lên cao. Mình thì bị chó táp hai lần phải đi viện Pasteur chích mấy chục mũi nên hãi chó lắm. Hắn chạy về lấy cái bao bố rồi đứng như Kirk Douglas trong phim Spartacus trước con chó cái mới đẻ gầm gừ, nhe răng nanh sủa hắn nhưng hắn vẫn tỉnh bơ, lựa thế trùm đầu con chó và cột lại đèo lên xe. Về tới nhà thì hắn trấn nước con chó chết trong cái thùng thiếc còn mẹ hắn thì bắt nồi nước sôi để lột lông con chó sau đó thì mổ bụng lấy lòng ra làm dồi,... 
Mình hoảng quá nên chạy về nhà và cạch đến già không dám lại nhà tên này nữa. Dạo người Phật giáo đem bàn thờ Phật xuống đường thì có một người kể cho mình về lịch sử của công giáo, lý do dân công giáo thích ăn thịt chó. Bà kể mình ngày xưa có một ông vua có một cô công chúa bị đau, có cái mụt nhọt lớn, bao nhiêu lương y hoàng cung chữa trị nhưng không lành nên tuyên bố ai chữa được công chúa thì sẽ được lấy công chúa. Một hôm có con chó đến gần công chúa nên liếm cái mục nhọt của công chúa và giúp cô ta lành. Nhà vua phải gã công chúa cho con chó và đẽ ra chúa Giê Su trong máng cừu cho nên từ dạo đó dân công giáo ăn thịt chó để tưởng nhớ đến Chúa. 

Sau này sang Tây thì đem câu chuyện đó kể cho tụi bạn Tây thì tụi nó cười quá cỡ và cho mình mượn tân ước và cựu ước để đọc. Cho thấy tuyên truyền lâu ngày sẽ khiến người ta tưởng là sự thật. Nếu không đi Tây được giải thích thì có lẻ ngày nay ở Việt Nam em vẫn tin những gì người ngoại đạo bêu xấu thiên chúa giáo. 

Mình học kiến trúc nên mấy năm đầu phải học vẽ thì vào nhà thờ hay viện bảo tàng bên Tây toàn là tranh vẽ và tượng khắc các thánh, hay diễn đạt các câu chuyện trong thánh kinh nên cần phải đọc mấy cuốn sách này để hiểu thêm về nền văn minh Ki tô giáo. Có anh bạn quen đang làm chương trình 117 thánh tử đạo tại Việt Nam.

Tìm hiểu về Ki Tô giáo thì phải tìm hiểu thêm về đạo Do Thái nên phải đọc Tora rồi khi đi làm cho các nước Á Rập lại phải đọc Koran để hiểu văn hoá của họ. 3 tôn giáo có chung một gốc, cùng coi Jerusalem là thánh địa của họ nhưng không đồng ý về người Thiên Sứ mà đấng toàn năng phái đến cuộc đời này để giúp con người nên cãi cọ đánh nhau từ hơn 2.000 năm nay. Kinh thật! Khi con người mặc khải lòng tin của họ thì sẵn sàng sống chết để bảo vệ rằng ông Chúa của mình là số một. 
Có lần mình được một đối tượng mời về nhà ra mắt gia đình. Ông bố bảo mình là "người bỏ đạo" nên phải quay về với Thiên Chúa. Dạo đó ngu nên mình cãi lại bảo lí lịch nhà cháu 10 đời nay là người lương đâu có nghe nói ông bà theo đạo công giáo cho nên cháu đâu có bỏ đạo. Mình đã từng vào nhà thờ vơi mấy người bạn, nghe hát thánh ca tiếng Tây, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, cầu xin Thiên Chúa cho mình lấy được người con thương nhưng có lẻ mình hát dở hay Thiên Chúa không hiểu nên không đáp lời nay hát tiếng Việt thì lại cãi với ông thủ trưởng của đối tượng. 

Ra về đành hát "Capri c'est fini" với cô nàng, nói mình cố gắng khắc phục để mạc khải cách mạng tìm về Thiên Chúa nhưng ma quỷ đưa lối chỉ đường làm mình ngồi cãi nhầy về bỏ đạo hay trở về đạo không như Napoleon ngày xưa nói có gì đâu một buổi lễ để lấy bà Josephine. Cô nàng gật đầu nói sẽ hủy bỏ các buổi học giáo lí gia đình và sẽ cầu nguyện cho mình từ bỏ con đường phản động, giác ngộ cách mạng để trở về đạo dưới tình thương bao la của Chúa.
Mình nhớ dạo ở Đà Lạt, muốn tập đàm thoại tiếng Anh nên rủ Phạm thành Nguyên đi đến một nhà của ông mục sư người Mỹ ở đường Yagut để tập nói. Mình nghe họ giảng Chúa Giê Su chết xong 3 ngày sau sống lại nên hai thằng hoảng quá chạy luôn không dám trở lại. Sau này tên Nguyên lấy vợ theo đạo Tin Lành, bà vợ muốn thằng con sau làm mục sư nên nó lắc đầu cười trừ. Sau đi bơi trong thung lũng Tình Yêu thì gặp ông cha Leahy nên dễ thông cảm hơn. Dạo còn sinh viên mình qua La Mã mỗi lễ Giáng sinh chơi với gia đình cô bạn. Viếng viện bảo tàng Vatican thì thấy tranh, tượng,.. khắp thế giới được đem về toà thánh Vatican. 

Năm đầu vào học trường cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật ở Paris thì mình học cho tới khi trường đóng cửa 8 giờ tối mới về vì nhà có lò sưởi điện nhỏ nhưng không dám xài sợ tốn tiền. Bạn bè hỏi thì mình bảo ở quận 18 thì ai cũng khen mình ở khu sang trọng nhất Paris nhưng thật ra mình ở lầu 8 thường được gọi là "chambre de bonne". 

Các nhà giàu Tây thì họ đều có người giúp việc nên họ cho người giúp việc của họ ở lầu cao nhất dưới mái nhà nên căn phòng có tường phía ngoài nghiêng nghiên như nhà chữ A nên không thỏi mái, căn phòng trung bình là 2.5m chiều ngang, dài 4m, đủ kê cái giường và cái bàn nhỏ để học, không có lò sưởi, nhà vệ sinh thì nằm ngoài hành lang, không có nước nóng nên mùa Đông đi rửa mặt là tỉnh ngủ liền, mùa hè thì nóng chảy mỡ. Dạo đó mình phải đi bơi hay đá banh cho trường để được tắm nước nóng. Ngày nay cái phòng đựng quần áo của vợ mình to gấp hai căn phòng thời sinh viên của mình.

Mình không biết có phải vì ăn thịt chó mà sau này mình sợ vợ hay không. Từ khi ăn thịt chó nhà thằng Hùng đến giờ, mình gặp gái là sợ run lên, lấy vợ về, vợ trợn mắt là không dám hó hé. Bác nào có chồng mà không nghe lời cứ, làm thịt cầy cho ông ta ăn là bảo đảm sợ vợ một phép như em. 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 12 B

Làn Sóng (Die Welle)

Chính trị ngày nay ở Âu châu cũng như tại Hoa Kỳ, có nhiều biến động khiến người ta nghĩ đến tình hình chính trị cách đây 1 trăm năm. Cũng chiến tranh khắp nơi, các phong trào dân tuý nổi dậy song song với các phong trào tranh đấu cho giai cấp, tôn giáo, cũng như chủng tộc nên ghi lại đây một bài viết khá lâu nhưng nói lên tình hình hiện nay.

Hôm qua đồng chí gái đi shopping nên nằm nhà coi một phim Đức  "Die Welle ". Không hiểu tại sao mình lại thích nước Đức và đức ngữ, có lẻ lịch sử của họ tương tự Việt Nam? Bị chia đôi sau đệ nhị thế chiến, trong lịch sử của họ hay đánh nhau ít khi có thái bình như lịch sử Việt Nam. Chỉ khác nhau là nước họ giàu còn VN và Cuba chỉ làm lính canh gác cho thế giới ngủ như ông lãnh đạo nào tuyên bố ở Cuba. 

Dạo ở Âu Châu mình thích xem phim của các đạo diễn như Rainer Fassbinder, Wim Wenders, Hector Werzot,... Gần đây mình có coi cuốn phim Das Leben Die Anderen, kể về thời Đông Đức với mật vụ Stasi, khiến mình rùng mình khi nghe NSA nghe ngóng dân chúng bên Mỹ. Ra đường, khắp nơi ngay các ngã tư đều có camera thu hình 24/24.

Ngày nay, chúng ta thấy các chính phủ cực hữu được bầu tai Âu châu, Á Căn Đình,…như để chống trả lại các nước độc tài cộng sản trên thế giới. Mình xem cuộc phỏng vấn của ông Tân thủ tướng xứ Hoà Lan, kêu mấy người theo Hồi Giáo, cứ đi chỗ khác. Lịch sử nhân loại đang quay về ở đầu thế kỷ 20. Dân chúng trên thế giới không còn theo khái niệm dân chủ, ai mà nói khác ý của mình được duyệt vào thành phần phản động, kỳ thị chủng tộc.

Phim "Die Welle" được làm theo một trường hợp có thật trong một lớp học về môn "Lịch sử thế giới" được dạy ở lớp 10 ở trường trung học Cubberley ở Palo Alto, tiểu bang Cali. Câu chuyện khởi đầu bằng câu hỏi của một học sinh là tại sao người dân Đức ngày nay từ chối, nói không biết về những tội ác của cha ông họ khi xưa như tiêu diệt 6 triệu dân gốc Do Thái ở Âu Châu,...khiến ông thầy Ron Jones thử nghiệm một cách dạy trong một tuần để tìm ra lý do tại sao người dân Đức chối bỏ là mình không có dính dáng gì đến 6 triệu người bị diệt chủng như con đà điểu trốn trong cát.


Ông ta khởi đầu bằng kỷ luật các học sinh, bảo phải gọi ông ta trong lớp bằng "ông Jones" và khi trả lời hay đặt câu hỏi thì phải đứng lên. Ông ta thay đổi chỗ ngồi, học sinh kém ngồi cạnh học sinh giỏi để có thể giúp đỡ lẫn nhau. Ông ta bắt học sinh trong lớp học phải giúp đỡ nhau, bận đồng phục, lấy tên cho phong trào là ”làn sóng thứ 3, có cách chào riêng... 

Sau vài ngày thì học sinh rất thích, cha mẹ thấy con tiến bộ và có nhiều học sinh lớp khác đổi sang để theo lớp này nhưng dần dần người ta thấy các học sinh lên án học sinh nào không tuân theo số đông, ai không bận đồng phục là bị loại khỏi lớp hay nhóm chơi với nhau tương tự như thời Đức quốc xã mà số đông lên án, quy tội cho người Do Thái,.. ông Jones cho cả lớp coi phim về Đức quốc xã, các trại diệt chủng... Rồi giải thích cuộc thử nghiệm tuần vừa qua tương tự xã hội Đức trước đệ nhị thế chiến và cuối cùng thì ông ta tuyên bố là lớp học chấm dứt. Có học sinh muốn giữ lại những cái hay của cuộc thử nghiệm nhưng ông thầy bảo; chúng ta không thể tách rời cái xấu của chủ nghĩa Phát -Xít (fascismo.)
Sau đó ông ta bị lên án nặng nề đã cho học sinh còn vị thành niên thử nghiệm lối dạy kiểu này. Trong phim thì có một tên học sinh hơi lạc loài, theo học lớp này nên anh ta có bạn nên bớt cô đơn và đã tự tử khi lớp học được giải tán. Ông thầy giáo Ron Jones kết luận là sau đó không ai chịu nhận mình là đã có theo học lớp của ông ta một tuần về làn sóng thứ 3 nhưng vài chục năm sau tình cờ ông gặp lại một học sinh cũ, nhắc đến một tuần lễ thử nghiệm làn sóng thứ 3.

Đạo diễn Đức dùng câu chuyện thật này để lồng vào trong trường học Đức hôm nay khá phức tạp vì có đủ loại thành phần; học sinh gốc Đông Đức Cộng sản, người Thổ Nhỉ Kỳ di dân và người Tây Đức. Giới trẻ Đức mất hướng đi cho tương lai vì nạn sì ke, sinh lý,...năm ngoái gia đình mình có nhận một cô con gái Đức của người bạn sang học 6 tháng. Gia đình cô này nuôi thằng con mình trong thời gian cháu ở bên Đức. Cô ta nói rằng rất thích nước Mỹ vì vào học hay trước khi tranh tài thể thao là chào quốc kỳ, trong khi nước Đức thì không. Mình giải thích là nước Đức mới thống nhất, độc lập trên hai mươi năm nay nên khi chào quốc kỳ hay hát quốc ca thì không biết treo cờ Đông Đức hay Tây Đức? 
Tương tự như dạo mình ở Anh quốc, mỗi lần có sinh hoạt Cộng đồng người VN thì có vấn đề lá cờ và quốc ca vì giới vượt biên đi từ Hải Phòng sang Hong Kong khá đông mà họ thì chỉ biết hát tiếng Quân ca của Văn Cao hay chào cờ đỏ sao vàng còn dân đi từ miền Nam thì không chịu chào cờ đỏ nên cuối cùng đi đến thỏa hiệp là không hát quốc ca, không chào cờ. Gần đây mình thấy trên mạng bên Đức, kiều bào VN đi biểu tình chống Trường Sa thì vừa thấy có cờ ba sọc vừa thấy cờ sao.

Trong phim tài liệu nói về tập đoàn mafia đỏ do nhóm ông Putin lãnh đạo đã ám sát ông Alexander Litvichenko, một cựu nhân viên của công an Nga đã lên án nhóm KGB cũ đã giết chết dân Chechen, tạo ra cuộc nội chiến để nhóm này lên cầm quyền. Ông này tị nạn ở Anh quốc và bị đầu độc khi uống trà bỏ polonium 210 do một cựu đồng nghiệp được phái tới Anh và chết 3 tuần sau đó. Người làm phim có phỏng vấn ông André Glucksmann, một trong những trí thức hàng đầu của Pháp, bênh vực người Việt tị nạn. Ông này nói: "nếu ta lặng câm là đồng loã với tội ác".

Người Việt khi mới rời khỏi nước thì còn có nhớ chút gì về VN, những người còn ở lại nhưng dần dần những hình ảnh mà mình đã từng chứng kiến khi còn ở quê nhà đã phai mờ. Có người về VN như áo gấm về làng, hân hoan trong sự thèm thuồng của những người quen còn ở lại và tuyên bố tôi không làm chính trị. Trong tâm tư họ biết sự chọn lựa hằng ngày; ăn gà hay ăn thịt đã là một hành động chính trị. 

Như thể mấy trăm ngàn người theo đạo hồi giáo chết tại Dafur không làm những người Tây phương xúc động. Theo họ có thể những người theo đạo hồi giáo bị sát hại bởi người hồi giáo không có gì khác lạ nhưng họ sẽ phẩn nộ khi một người theo Thiên chúa giáo bị sát hại bởi các tên cuồng tín hồi giáo. Khi những người hồi giáo chống trả quân đội nga chiếm đóng Á Phú Hãn thì họ gọi là những chiến sĩ Tự Do nhưng khi đám này không muốn bị họ sai khiến như Hồng quân Liên Sô thì họ gọi là khủng bố.   
Những hình ảnh người dân vô tội Palestine bị bom đạn của Do Thái dập ngày đêm như ngày nào, chỉ có vài tiếng nói lên tiếng, xuống đường biểu tình nhưng ít được truyền thông nhắc đến. Có vài người trong các đại học lên tiếng thì bị cúp tiền bảo trợ, kêu gọi tẩy chay và từ chức. Anh kêu gọi đi nhà thờ để học hỏi tình thương của chúa, nhưng anh đồng lõa với binh lính Do Thái dập bom.

Hè năm 1982, mới ra trường nên mình đi chơi khắp nơi thì có gặp một tên người liban, hắn nói chuyện mấy tiếng đồng hồ với mình về ước mơ hoà bình,...về tổng thống mới của nước hắn Gemayel, theo Thiên chúa giáo thì mấy tháng sau ông này bị ám sát chết. Trong một đêm lính phalangist thuộc nhóm Thiên chúa giáo tràn vào hai trại tị nạn của người Palestine Sabra và Chatila, giết hại trên 3,000 người tị nạn, hảm hiếp phụ nữ rồi giết trong sự chứng kiến đồng loã của quân đội Do Thái. Đó là lần đầu tiên mình nghe đến diệt chủng sau này có Kosovo,...nên khó có thể nói câu tôi không làm chính trị vì mình biết nếu không lên tíếng, mình sẽ là đồng loã cho cái ác.

Ông Norman Thomas, mục sư và ứng cử viên tổng thống của đảng Xã Hội Hoa Kỳ đã tuyên bố như sau:
"The American people will never knowingly adopt Socialism. But under
the name of 'liberalism' they will adopt every fragment of the Socialist
program, until one day America will be a Socialist nation, without
knowing how it happened."
Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

Học Đông Y và Châm Cứu

Nhớ lần đầu tiên sang Hoa Kỳ chơi, mình có gặp lại anh bạn học cũ ở Đàlạt. Anh ta tặng mình một cuốn sách với tựa đề: “you can negotiate anything”của Herbert Cohen. Anh chàng chuẩn bị lên xe bông dọn nhà, thấy cuốn sách cũ nên tặng mình đi máy bay đọc. Không ngờ cuốn sách này trở thành cẩm nang đời mình sau này. Mình đọc đi đọc lại suốt mấy chục năm qua không biết nhiêu lần hơn cả cuốn Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie. Nay truyền cho con gái học về Business để tập thương lượng trong lớp.

Hôm trước mình kể về vụ một học viên bị tai biến nhưng nhờ có Khoa đang chữa bệnh nên day mấy cái huyệt và chích lể 10 đầu ngón tay để máu chảy ra, giúp chú ấy tỉnh lại, lái xe về. Từ đó mình mang trong bóp 2 cây kim để lỡ gặp trường hợp tương tự thì mình có thể day huyệt, châm vào 10 đầu ngón tay của người bị nạn. Biết đâu sẽ cứu được một người tránh được tàn tật. 

Hôm nay, Ring báo có người ở trước cửa, mở cửa trước nhà thì thấy một thùng to được gửi qua bưu điện. Mở ra thì thấy một tượng nhân với đủ huyệt đạo để giúp người ta nghiên cứu về huyệt đạo. Ngoài ra còn 4 cuốn sách nói về châm cứu. Thế là chắc ông trời xui khiến anh bạn, rể của Trưng Vương, mình có dịp gặp 2 lần trong các hội ngộ mấy bà cựu học sinh Trưng Vương, Sàigòn, gửi tặng cái hình tượng và 4 cuốn sách, để mình nghiên cứu từ Oregon. Thôi thì năm năm tới mình sẽ bỏ thời gian nghiên cứu về vấn đề này.


Khi ông Isaac Newton thấy trái táo rụng thì giác ngộ về trọng lực nên nghiên cứu để viết cuốn “Principia”, Được xem là cuốn sách đã làm thay đổi khoa học nhân loại mấy trăm năm nay.

Từ những nguyên lý mà người ta cho rằng con người được cấy tạo bởi tế bào, đưa đến sự phát triển và thành hình y học cận đại của hai thế kỷ qua. Thậm chí về mặt tâm linh với những thuyết tiến hoá của Darwin khiến con người trở ươn ngạnh, cho rằng mình là thiên nhân (Homo Deus). Con người tự xem là bá chủ trái đất, lên đến mặt trăng,...

Từ khi thuyết tương đối của Albert Einstein và vật lý Quantum được chấp nhận thì khoa học đã tiến xa, rất xa từ nữa thế kỷ nay. Các khoa học gia cho rằng y học hiện nay cần phải được cập nhật hoá với nền khoa học đương đại.

Điển hình khi còn bé mình học định đề Euclid nhưng khi lên trung học thì bắt đầu học hình học không gian 3 chiều, rồi lên đại học thì học hình học loại khác. Y học ngày nay đang ở trình độ hình học 2 chiều với định đề Euclid.

Nếu chúng ta cứ khoán trắng cho bác sĩ chỉ học ở cấp đinh đề Euclid, không gian 2 chiều thì hơi mệt. Nhất là bác sĩ “lương y như kế mẫu”.

Năm 11B mình học Quang Học với thầy Lê Mạnh Hùng, giảng viên trường Võ Bị thì được biết ánh sáng đi theo đường thẳng nhưng ông Einstein cho rằng ánh sáng mặt trời đi theo một góc độ 8.3 độ. Và người ta đã chứng minh thuyết của ông Einstein là đúng vào những năm 1947 tại Úc Đại Lợi khi các nhà thiên văn khắp thế giới ở mỗi nơi để xét nghiệm khi nguyệt thực. Năm 1972, mình vẫn được dạy là ánh sáng đi theo đường thẳng thay vì 8.3 độ. Chán Mớ Đời

Từ vật lý Quantum, thay vì chú trọng tế bào như y học hiện nay, người ta chú trọng đến năng lượng mà người ta gọi “Energy Medecine”. Người ta khám phá lại các cách chữa trị từ ngàn xưa, qua các nền văn minh Á, Âu,… sử dụng năng lượng như âm thanh, khí lực,…để chữa trị thay vì dùng thuốc như y học tây phương hiện đại. Thậm chí các người Mỹ da đỏ đã biết cách ngừa thai từ xưa vì họ cho phụ nữ ăn một loại hạt (stoneseed), Columbia Puccoon (Lithospermum ruderale) thế là tha hồ mà hò giã gạo, không sợ bị dính bầu. Có dịp mình kể về mấy vụ này rất vui.


Nhờ khoa học hiện đại, người ta bắt đầu hiểu lý do các phương cách chữa trị xưa được áp dụng và thành công. Họ nhìn vào nguyên nhân của bệnh và tìm cách trị bệnh tận gốc thay vì hiện tượng như y khoa hiện đại, xem con người như một cái máy. Cái nào hư thì thay thế hay cho uống thuốc để trị bệnh “hiện tượng” vô hình trung lại đem đến những hệ luỵ khác như cho uống kháng sinh thì vô tình giết luôn các vi khuẩn trong ruột, khiến hệ thống miễn nhiễm yếu hơn.


Mình xem tài liệu thấy người tây phương theo hành trình về đông phương để nghiên cứu và chữa bệnh cho người xứ họ. Mình thấy họ dùng cái diapason gây nên âm thanh, hay đánh gồng, phèng la chi đó hay gõ mỏ tiếng chuông tạo những âm thanh giúp bệnh nhân lành bệnh. Chưa có dịp nghiên cứu thêm. Nếu bác nào có tin tức về mấy cái này thì cho em xin tựa sách hay pdf.

Mình thử nghiệm được âm thanh như tù và, khi Khoa chỉ mình tập phát âm và đứng tấn thì cảm thấy toàn thân rung rung, tạo những làn sóng khiến người đánh mình không cảm thấy đau. Hay tập đan điền cũng khá hay nhưng chưa đạt được thành quả vì mới Tập. Ông Einstein có chứng minh vấn đề này như những làn sóng. Có ông mỹ tạo ra những âm thanh để giúp bệnh nhân ngủ để trị bệnh mất ngủ. Họ cho biết trước khi ngủ, cần nghe nhạc cổ điển sẽ giúp đầu óc thanh thản, giúp chóng ngủ thay vì cứ nhìn trần nhà. Dạo này đồng chí gái nói là ngủ sâu vì nghe lời mình uống sinh tố B3 (Niacin).


Mình tập ở Đông Phương Hội cũng 12 năm nay, có ngưng tập ở võ đường vài năm vì bận chăm sóc con nhưng vẫn tập ở nhà. Ngày nay mình bắt đầu hiểu, cảm nhận được năng lực trong người của mình giúp thêm sức khoẻ như tập nội công Hồng Gia, Thái Cực Quyền, Trạm Trang Công, Động Công,…

Tập ở đây, mình mới cảm nhận được “Khí” là năng lực, thể hiện dưới nhiều hình thức như nhiệt năng, cơ năng, quang năng, điện năng, hoá năng nhất là năng lực tinh thần vì nếu không có ý chí thì chúng ta khó vượt qua thử thách và bệnh tật,…hay trong đời sống thường nhật.

Hồi chiều có chú quen, bác sĩ về hưu, biết châm cứu, đến nhờ Khoa xem cánh tay bị mỏi. Khoa cho mình bắt mạch thì thấy mạch vẫn còn mạnh nhưng cánh tay trái lạnh, khác với cánh tay mặt. Khoa giải thích là máu huyết không lưu thông đến lòng bàn tay. Thấy nơi cánh tay gần vai có chỗ gân bị cứng, Khoa chỉ cách kéo nhẹ cánh tay gấp lại, sát mặt về phía sau lưng, rồi đổi vị thế qua bên vai kia rồi kéo lại, dặn là đừng để cùi chỏ cao hơn lỗ mũi, để tránh làm tổn thương đến dây chằng ngay vai. Chữa xong chú này lại muốn kéo tay đôi. Thế là vui cả nhà. Mình hỏi chú có tập Trạm Trang Công thêm ở nhà hay không. Chú kêu chút chút. Chán Mớ Đời.

Tập Trạm Trang Công là cách hữu hiệu để có sức khoẻ và tăng ý chí cá nhân nhưng ai cũng lười tập cái này. 

Dạo này Đông Phương Hội nhận thêm tập viên, nếu bác nào ở vùng Bôn Sa, cảm thấy cần có thêm sức khoẻ thì ghi danh ở Thư Viện Việt Nam, góc đường Euclid và Westminster, trong khu chợ Song Hỹ, trên lầu. Miễn phí cho người già.

Khoa giải thích những người bị trầm cảm hay nghĩ vu vơ khiến năng lực trong người, nhất là trong đầu thất thoát. Chú quen kể là dạo này có uống thuốc chống bệnh Alzheimer khiến Khoa và mình tá hoả tam tinh. Lý do mà mình có kể rồi, khi về già chúng ta ăn uống ít lại nên dễ bị suy dinh dưỡng nhất là các chất sinh tố B3 (Niacin) và B12. Do đó Bác sĩ hay nhầm lẫn Alzheimer và suy sinh tố B, cần phải thử nghiệm để biết có thiếu sinh tố B trước khi đoán là Alzheimer, cần bồi dưỡng thêm sinh tố Niacin và B12, ăn thêm Blueberries và walnut.

Có chị tập viên kể là mẹ chị ta uống thuốc Alzheimer nên bị lú dần, sau nghe Khoa ngưng uống thì khoẻ hẳn lại. Một chị bạn dược sĩ kể là từ ngày đem mẹ về nuôi thay ông anh thì cho ăn thêm blueberries,…như mình Đã kể khiến bà mẹ khoẻ thêm về tinh thần, không uống thuốc bệnh trả nhớ về không nữa.

Chị học viên  kể là có hôm, bà mẹ, giữa khuya bổng nhiên tim đập mạnh, gọi 911 rồi chị ta gọi Khoa. Anh chàng này đang ở dưới vườn gần biên giới Arizona. May quá anh chàng trả lời. Mình để chế độ không nhận điện thoại sau 7:00 tối nên vợ không gọi được hay người thuê nhà.

Khoa chỉ qua điện thoại để chị ta châm cứu bà mẹ trong đêm khuya thì 10 phút sau bà mẹ trở lại bình thường. Không có FaceTime nên chị ta phải chụp hình gửi cho Khoa rồi qua điện thoại Khoa chỉ chỗ nào để châm cứu. Kinh.

Chị ta kêu là cứ châm cả chục mũi thì mới trúng được huyệt. Câu chuyện chị này lại càng khiến mình muốn tìm hiểu thêm về kinh mạch và đông y. Chán Mớ Đời 

Mình chỉ tiếc cho mấy người tập chung khi xưa, thấy cứ tập đi tập lại những thế tầm thường nên bỏ đi. Con người ưa chuộng cái mới mà bỏ cái cũ, đi tìm những cái mới lạ để thoả mãn về mặt tri thức của mình.

Tại sao ông Tiger Wood, mỗi ngày phải tập đánh 4 tiếng đồng hồ những cách đánh của mình từ mấy chục năm nay dù đã là vô địch thế giới về đánh cù. Người Mỹ hay nói “practice make perfect” nhưng đa số chỉ thích cái hay cái lạ. Lâu lâu mình thay đổi các thế tập để học viên bớt chán.

Nói ra thì không ai tin vì chỉ có trải nghiệm thì mới hiểu được. Hôm trước Khoa nói mình nhắc hơi nhiều cho các tập viên. Mình thì cảm nhận được năng lực trong cơ thể khi tập luyện nên muốn giúp các tập viên cảm nhận sớm về những gì mình đang trải nghiệm thay vì 10 năm như mình. Cái khổ là vừa giải thích xong, quay lại vẫn thấy các tập viên, kéo nội công ẹo éo người, đi Thái Cực Quyền vèo véo Chán Mớ Đời.

Muốn họ tập trung để tập nên mình cho họ tuần tự đếm các thế nhưng lại có người chỉ trích kêu là đem máy tới đếm để họ khỏi mất công đếm rồi bỏ ra ngoài gọi điện thoại nên đành chịu thua. có tập trung thì mới để ý đến cơ thể, hơi thở, khí lực trong người ra sao nếu không họ cứ nghĩ tới cái bếp đã tắt lửa chưa. Phải gọi điện thoại cho chồng con ở nhà để xét lại. Lâu lâu thấy họ ngưng tập để trả lời điện thoại do đó khó tập trung để tập. Khó mà đạt được kết quả rồi lại bỏ ngang mà thời gian là thứ xa xỉ vào tuổi đời của họ ở lúc xế chiều.

Ngày nay với điện thoại cầm tay, người ta ăn cũng không để ý tới ăn cái gì. Cứ cắm cúi nhai rồi bấm lia chia cái điện thoại. Mỗi lần đi ăn tiệm với vợ con là mình bỏ điện thoại trong xe, còn ở nhà thì không rờ tới, cứ ăn để hưởng hương vị thức ăn dù là miếng đậu hủ.

Mình nói thì họ chỉ muốn nghe những gì họ muốn, thêm nữa theo cá tính của con người, chỉ muốn làm những gì dễ dàng với tinh thần “tập theo năng suất, hưởng theo nhu cầu”. Họ chỉ muốn tập sơ sơ nhưng được sức khoẻ Phù Đổng, ăn hết nồi cơm Thạch Sanh.

Họ tập một thời gian rồi đi chỗ khác tập. Đi chỗ khác tập một thời gian sau lại chán rồi bỏ đi chỗ khác. Họ quên là phải kiên trì, không phải chỉ tập vài ba hôm là đạt kết quả như ông Kim Dung viết loạn cào cào trong mấy cuốn tiểu thuyết của ông ta. Lọt xuống hang, ăn mấy trái táo ngàn năm, khiến nội công thâm hậu ngay hay nghe Trương Tam Phong nói vài khẩu quyết là quán triệt Thái Cực Quyền.

Cứ xem trời muốn mình học về châm cứu và đông y. Anh bạn gửi tặng mấy cuốn sách về châm cứu kêu là sẽ thấy cái hay lý thú lắm. Để xem. Hôm qua mình nói với Khoa và chú bác sĩ về hưu là mình học nghề chỉ để chữa cho mụ vợ và đàn ông thôi. Lý do là mình có máu dê, rờ tới phụ nữ nhiều khi có những điều không may xảy ra.

Chán Mớ Đời 

Nhs

Chợ Đàlạt qua hình ảnh xưa

Mình có lưu trữ một số hình ảnh cũ xưa của Đàlạt, góp nhặt trên mạng nên bỏ lên đây với chú thích cho bà con bổ túc vì kể chuyện xưa Đàlạt, bạn bè mình đều bị Alzheimer hết nên thấy hết hứng.

Gửi mấy tấm ảnh đường Phan đình Phùng cho những tên và ả quen Đàlạt xưa, ở đường này thì họ đều trả lời “Không nhận ra”. Mình không hiểu chúng khi xưa làm cái gì mà ngay hình ảnh của con đường cũ mà cũng không nhận ra. Có lẻ bố mẹ chúng không cho ra đường, bắt ở nhà học. Vài tên hay đi chơi với mình thì còn nhớ.  Chán Mớ Đời

Hôm nay tải vài tấm ảnh Đàlạt xưa về Chợ Mới Đàlạt. Mình đã viết về sự hình thành của chợ này rồi nên không nhắc lại đây.





Đây là bản đồ thiết kế xung quanh chợ của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Chợ Mới (màu trắng) đã xây, do một kiến trúc sư khác thiết kế. Còn những phần được tô màu là của văn phòng kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế sau khi về nước và được tổng thống Ngô Đình Diệm ủng hộ. Không biết có bà con chi hay Không vì cùng họ Ngô.

Theo mình điểm nhấn của thiết kế này là cái cầu nối từ Khu Hoà Bình vào tầng 2 của Chợ Mới và cầu thang ngay chỗ đường Lê Đại HÀnh xuống Chợ Mới, cắt ngang giữa khách sạn Mộng Đẹp và vũ trường La Tulipe Rouge.

Còn khu từ cầu Ông Đạo đi vào thì đã được xây khác với ý tưởng ban đầu. Cái bùng binh nước hình tam giác được thay thế bằng vòng tròn thêm một đại lộ thẳng chạy vào chợ như kiểu thiết kế của Pháp dưới thời Napoleon.  7 cái kiosque sau được thẳng, hình như có Nam Đô Ngân Hàng, căn đầu là cà phê Hạnh Tâm thì phải, mình chưa bao giờ vào đây nhưng chỉ nhớ mại mại.


Hình chụp bồn binh từ cầu Ông Đạo vào chợ Mới Đàlạt. Nhìn mấy cái đèn làm mình nhớ dạo ấy đa số các đèn đường ở Đàlạt được ráp bằng loại này, xung quanh hồ Xuân Hương. Đại lộ chính chạy thẳng vào chợ thay vì ngoằn nghèo như bản vẽ sơ bộ. Căn phố đầu tiên bên tay phải là cà phê Hạnh Tâm.

Thấy chiếc xe đò hiệu Renault chạy về Saint Benoit, sau này họ đổ lại thành CHi LĂng. Sau chiếc đò là cái dốc mang tên đường Lê Đại Hành chạy lên khu Hoà BÌnh. Dạo này mới làm nên chưa thấy mấy cây mai vì mùa xuân khi Tết đến là con đường này rực màu của mấy cây mai ra bông. Bên tay trái của đường Lê Đại HÀnh, có mấy thang cấp đi lên mấy cái kiosque bán thức ăn như tiệm kem Việt Hưng,.. ngày nay thì họ làm talus thẳng lên, chiếm thêm đất nên không gian bị nhỏ bé lại. Hôm kia mình thấy họ sơn lên mấy cái talus này hình ảnh đủ trò để chuẩn bị Hội Hoa Đàlạt trông như mấy Ghetto nghèo nàn ở các phố thị tây phương.

Phía sau lưng Chợ Mới thấy một rừng thông bên phải, nơi dinh thị trưởng ở. Bên trái là khu Hoà BÌnh.


Đường đi vào chợ Mới, ít xe khiến người bộ hành có thể đi dưới đường. Lề dường được lót bằng gạch màu vàng này, trên khu Hoà BÌnh cũng thấy và xong quanh hồ Xuân Hương. Bên tay phải có mấy thang cấp đi lên mấy kiosque, khúc này hình như là Nam Đô Ngân Hàng. Bên phải thấy khách sạn Mộng Đẹp của nhà thầu Nguyễn Đình Chiểu, xây ăn gian 1 tầng lầu cho thấy choáng cái nhìn từ KHu Hoà BÌnh xuống hồ Xuân Hương và ngược lại.

Vào những ngày cuối năm, có chợ Tết thì con đường này đầy xe hơi đậu.

Bưu thiếp bán cho khách du lịch khi xưa. Mình đoán là của tiệm chụp hình Hồng Châu vì ông này chuyên làm bưu thiếp


Không ảnh cho thấy đại lộ chạy vào chợ mới, cầu thang đi xuống chợ cắt ngang khách sạn Mộng Đẹp và vũ trường La Tulipe Rouge. Chợ Mới được bao bọc bởi hai dãy nhà bên hông, thêm chợ rau lợp tôn màu xanh phía sau. Nay thì họ đập chợ rau để xây 2 tầng khác nên về Đàlạt mình như lạc vào chỗ nào ấy.

Thấy bên tay trái cái cầu nối Khu Hoà Bình và chợ Mới. Có đường Phan Bội Châu mà nay thì họ đào bới xây bú xua la mua, không nhận đâu ra đâu.



 Khi xe từ cầu Ông Đạo vào chợ sẽ thấy cái bồn binh này, có mấy cái bàn bằng bê tông với mấy cái dù mà mình không nhớ để làm gì. Hình như để ai mướn để bán hàng chi đó nhưng ít ai đến đây nên không ai mướn rồi sau này bị bể nên họ dẹp. Chỗ này mình hay ra đây đá banh với tụi thằng Võ Ngọc Sơn, con tiệm Lộc Sơn,...

Dan hàng bán hoa trước chợ Mới
Nhớ mấy cái xập này có bạt đạn để đẩy, di chuyển. Tết là họ chiếm hết đường đi để bỏ mấy chậu hoa và mai Anh Đào.


 Trong chợ, hình chụp hàng trái cây, thấy hình bà Phòng, người bắc bên cạnh hàng dì Bơn, chắc đang đội nón lá. Mình có đến nhà bà Phòng mấy lần nhưng quên mất tiêu. Dì này mới qua đời, cả đời không  bao giờ thấy nghỉ bán cả. Tết nhất gì cũng ra chợ bán. Bạn của mẹ mình từ thời con gái rồi lấy chồng là bạn nối khố của ông cụ mình từ khi đi lính đến khi qua đời. Đi tù chung và về cùng ngày. Hai O Huế lấy hai ông bắc kỳ.

Hình nay chụp từ hàng dì Bê, mẹ của anh Phong, học sinh Trần Hưng Đạo, hướng đạo viên Lâm Viên. Sau này làm giám đốc ngân hàng, cạnh nhà hàng CHiC Shanghai, nghe nói đã qua mỹ. Khu này là dan hàng bán trái cây, chuối,...


Hình này chụp cạnh hàng dì Bơn, lý do mình đưa lên vì thấy sau hàng dừa của dì Nhâm là hàng xén của bà cụ mình. Thấy dừa chất từng chồng trên cái sập làm mình nhớ đến thời còn bé hay ra đây chơi và phụ hàng cho bà cụ. Hình cô gái hay bà nào là chỗ bán trà, nếu mình không lầm chỗ này là gian hàng của bà Tạo, hay mua trà Nguyễn Đăng của bên ngoại mình ở Bảo Lộc.

Mấy thùng để của nhân dân Hoa Kỳ tặng, cấm bán nhưng mấy bà này mua từ mấy tên nhận viện trợ rồi bán lại cho nhân dân. Dù có ghi là không được bán.


Hình này thấy mấy gian hàng bán trái cây, bên tay phải là hàng thịt, thấy treo thịt lêu bêu, tường được tráng bằng gạch men để chùi máu cho dễ. Khúc đầu bên này là hàng bán trà.


Nhìn cái thùng thiếc ESSo làm nhớ thời xưa, mấy thùng này mau về là không bỏ như ngày nay, tận dụng để chứa đồ. Đây họ dùng để nấu bắp để bán, họ gánh ra chợ.


Chỗ này là con đường cắt ngang Chợ Mới và chợ rau, có một tầng, lợp tôn.


Tương tự bên kia hông chợ Mới đi qua chợ rau.


 Chỗ này thấy cái cầu thang đi lên đường Phan Bội Châu phía sau chợ rau.


 Thấy cầu thang nhỏ lên khu Hoà BÌnh


Chỗ này hay có màn Sơn đông Mại Võ, làm xiếc mà mình hay ra đây xem cuối tuần.

Còn tiếp

NHS