Showing posts with label Nghệ Thuật. Show all posts
Showing posts with label Nghệ Thuật. Show all posts

Phim cao bồi spaghetti

 Mấy hôm nay, mình xem phim cao bồi Ý Đại Lợi mà người tây phương gọi “Spaghetti Western”. Loại phim cao bồi do các đạo diễn Ý Đại Lợi thực hiện vào những thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Các loại phim này gây ảnh hưởng rất nhiều cho điện ảnh ngày nay. Bạo lực.

Mình nhớ mấy tài tử như Giuliano Gemma, Franco Nero, của Ý Đại Lợi, nổi tiếng nhất là tài tử mỹ như Clint Eastwood, Lee Van Cleef. Có một phim gồm các tài tử Nhật Bản, mỹ và pháp mang tên “mặt trời hồng” (Soleil rouge) mà mình có xem tại rạp xi-nê Ngọc Lan, hay phim Once upon in the west có Henry Fonda và Charles Bronson và cô đào bốc lửa Claudia Cardinal đóng. Charles Bronson, thổi khẩu cầm, bắn Henry Fonda để trả thù cho người anh.

Mình thích nhất ông thần Lee Van Cleef, có lỗ mũi khá đặc thù. Đóng vai ác, kép độc, luôn luôn bận đồ ủi thẳng tưng, bắn súng loại quái quái. Chỉ có tội là ông ta chết về sau.

Franco Nero có đóng cuốn phim, mà mình xem tại rạp Ngọc Lan. Ông thần kéo cái hòm đi lòng vòng, rồi đánh lộn, bắn nhau, cuối cùng, mở cái hòm, lấy khẩu đại liên ra bắn người chết như rạ. Các phim cao bổi thường được xem là khởi đầu các phim đấm đá, loại phim hành động sau này. Bên Hương Cảng, họ cũng ra mấy phim đánh võ như Vương Vũ, từ đầu phim cứ đấm đá, chả hiểu lý do vì sao.

Có lần mình mua cuốn Thuỷ Hử bằng anh ngữ cho thằng con đọc. Nó kêu sao người Tàu cứ gặp mặt là đám đá, chém giết nhau vô cớ.

Clint Eastwood, nổi tiếng qua mấy phim cao bồi. Sau này rất thành công trong vai đạo diễn.

Dạo này, bên Pháp họ đang tổ chức festival phim cao bồi spaghetti. Nghe nói có trên 500 phim, loại này. Đa số do Ý Đại Lợi thực hiện nhưng các nước khác như đức, pháp có làm loại này. Hình như do Alain Delon đóng, và Johnny Halliday. Phim loại thể này được thực hiện rất nhiều trong những thập niên 60-70 như phim “pour une poignet de dollars “ của đạo diễn Sergio Leone, được xem là 1 trong 10 phim thu hoạch nhiều tài chánh nhất trên thế giới.

Sau phim này, ông ta làm thêm 2 phim khác cũng do Lee Van Cleef, Client Eastwood, Gian MAria Volonte thủ vai. Từ ngày rời Việt Nam, không biết bao lần mình xem lại 3 phim này mà không chán. Khi mình còn sinh viên, ở Paris, có một rạp xi-nê rẻ tiền, ở khu Montparnasse, toàn chiếu phim cao bồi. Mình đi xem rất nhiều phim cao bồi loại thể này. Có mấy tài tử như Terence Hill rất vui trong phim “mon nom est Personne ” , đóng với Henry Fonda. Sau này ông ta hay đóng chung Bud Spencer.

Mình thích nhất tài tử Giuliano Gemma, đóng rất nhiều phim cao bồi. Có lần ông ta đóng trong “l’homme de Marrakech”, mình xem tại rạp Ngọc Lan.

Mấy phim xi-nê cao bồi của Hoa Kỳ thì thấy toàn anh hùng như John Wayne, John Ford, Gary Cooper, đánh mọi da đỏ, bắn chết mấy tên thảo khấu, gian tà. Trong khi phim cao bồi macaroni, thì không thấy anh hùng, Client Eastwood thì râu không cạo, Lee Van Cleef, không biết gian hay tà. Đóng những vai đi bắt hay bắn chết những kẻ bị truy nã, để lấy tiền thưởng, hay đấu súng. Mấy truyện cao bồi Lucky Luke đều được viết theo các phim cao bồi spaghetti. Chúng ta không biết rỏ chính tà của các nhân vật trong phim.

Franco Nero, mình nhớ ông ta kéo cái hòm, đấm đá như điên. Xem tại rạp Ngọc Lan

Nhưng mê nhất là nhạc phim của Ennio Moricone, được lồng vào mấy phim này. Các phim này tả lại các cảnh người Mỹ da trắng, chiếm đất người da đỏ. Phim cao bồi spaghetti cũng lấy cốt truyện từ mấy phim của đạo diễn Nhật Bản, Akira Kurosawa như phim “7 tên giết mướn” từ 7 hiệp sĩ đạo (7 samurai) hay Django với phim Yojimbo mà đạo diễn nổi tiếng Quentin Tarantino sau này làm lại phim Django Unchained.

Phim 7 tên giết mướn với các tài tử nổi tiếng như Yul Bruner, ông này người gốc Nga, phải đổi tên cho có vẻ Anh quốc một tí để được đóng phim, James Coburn, Charles Bronson, Horst Buchold,… mình xem tại rạp Hoà Bình.

Dạo mình ở Pháp, đài truyền hình Pháp hay chiếu các bộ phim “căn nhà ở đồng quê”, Gunsmoke, Bonanza,… dân tây đầm rất thích phim cao bồi nhưng dần dần cuộc cách mạng văn hoá năm 1968, đã thay đổi các chương trình thực tế hơn. Từ đó các phim cao bồi ít được sản xuất.

Các phim cao bồi spaghetti nói về Mễ Tây Cơ tại Hoa Kỳ nhiều hơn. Người Mỹ da trắng đuổi họ về nước, chiếm đất khi các tiểu bang như Texas, Cali trực thuộc Hoa Kỳ,…

Điểm lạ, theo mình là các phim cao bồi spaghetti được thực hiện vì nhu cầu của dạo áy. âu châu đang trải qua giai đoạn khủng hoảng văn hoá nên các phim nói rất nhiều về cuộc cách mạng tại Mễ Tây Cơ. Những cảnh, đại chủ bị cách mạng về bắn chết, tịch thâu đất dai. Chỉ khác là không có màn đáu tố. Cách mạng chỉ đem ra bắn chết dù là cùng dòng máu, người Mễ.

Dần dần, sau năm 1968, cuộc văn hoá nổi dậy tại các nước âu châu và Hoa Kỳ, khiến khán giả, bớt đi xem phim cao bồi. Phim cao bồi spaghetti, khởi đầu cho mấy phim hành động, bạo lực sau này như mấy phim về các tay buôn bán thuốc phiện, đám đá, tra tấn rất nhiều. Có lẻ mạnh bạo hơn khi xưa. Đạo diễn bao lực Quentin Tarantino, đã làm lại phim Django. Ông tuyên bố rất bị ảnh hưởng của các phim cao bồi spaghetti. 

Xem phim cao bồi mỹ thì đọa kết kẻ chính (người Mỹ da trắng) thắng còn kẻ tà thì bị treo cổ, bắn chết. Có những cảnh chiếu người Tàu như để chọc cười khán giả vì họ ngây ngô, nói giọng á châu. Người da đỏ thì được xem như gian ác vì bắn tên vào các đoàn di dân. Ngày nay thì lịch sử cho biết chính các người da trắng đã cướp đất và có chiến lược diệt chủng bằng cách giết bò rừng, một loại thịt mà người da đỏ sinh sống từ bao nhiều thế kỷ tước đây. Cuối cùng được đẩy vào các vùng tự trị dành riêng cho họ, đẻ bảo tồn văn hoá của họ.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đồng chí gái và bạn học

 Cuối tuần này, chở đồng chí gái đi bác sĩ khám chân mụ vợ. Không biết tiếng việt gọi là gì? Túc khoa? Về răng thì họ gọi nha khoa. Chân là Túc nên chế đại là Túc khoa cho thêm từ. Bác sĩ chụp quang tuyến thấy xương chân mụ vợ bị nứt thêm một tí. Mình thừa nước đục thả câu, nói bác sĩ mụ vợ không chịu mang chiếc Boot, bó chân lại thay vì băng bột. Ông bác sĩ dặn mụ vợ phải luôn luôn mang chiếc Boot, ngoại trừ khi đi ngủ nếu không, chân sẽ không lành. Mình hả hê trong lòng vì ít ra có người nói để mụ vợ nghe. Nhìn mụ vợ như thầm nói thấy chưa. Cá không ăn muối cá ươn, vợ cãi lời chồng trăm đường què lâu.

Bổng nhiên mình cảm thấy quá hèn hạ, mách bác sĩ về đồng chí vợ, thay vì bảo bọc mụ vợ. Đúng là khôn nhà dại chợ. Không xứng đáng danh hiệu người chồng nhân dân, người cha anh hùng nên câm mõm, không nói gì thêm. Làm chồng mà hèn mọn quá. Phải khắc phục, phấn đấu để được đạt danh xưng người chồng nhân dân. Chán Mớ Đời 

Trên đời này, mình nghĩ không có mụ đàn bà nào, nghe lời chồng cả. Tối nào, cũng phải xoa rượu thuốc của thầy võ cho mụ, xoa long tu, đủ trò nhưng mụ vợ lại không đeo cái boot là hỏng việc. Mình có toa thuốc thầy võ để ngâm rượu, để xoa khi bị trật chân, đau tay đau chân khi đánh nhau bị xưng.

Chiều đến, nói chuyện với bà cụ. Bà cụ kêu sao không cạo râu. Kêu mụ vợ mình phải bắt mình cạo râu. Mụ vợ mình thì đã chánh niệm sắc sắc không không. Thấy mình như không thấy nên chả để ý mình có cạo râu hay không. Nhớ khi xưa, khi bắt đầu có râu, mình hay ngồi rờ vài sợ râu khiến mẹ mình điên lên, cứ bắt cạo râu. Nhà đâu có dao cạo. Một tháng đi cắt tóc mới được gội đầu cạo râu. Mình lại có râu quai nón nên trông như hải tặc.

Cô em út, in bài mình viết về cuộc đời Mẹ, để mẹ đọc. Đồng chí gái thất kinh khi mẹ kể là đọc sách báo, không cần đeo kính ở tuổi 90.

Hôm sau, chạy lên vườn. Mình ghé mua 10 cân trái chà là, loại chưa chín hẳn tại nhà thằng Mễ quen, có vườn trồng chà-là ở Blythe, hái đem về bán cho mình. Trái chà là có nhiều loại nhưng đặc biệt loại này có tên Deglet Noor. Loại này nhỏ hơn loại thông thường bán ở tiệm, tên Medjool. Khô hơn. Đem về bỏ vào tủ đông lạnh, ăn ngon hơn.

Năm kia, có người rao bán cái vườn chà-là nhưng mụ vợ không cho mua. Nay mụ thích ăn chà-là loại này nên có thể mình hỏi xem họ có muốn bán lại hay không. Mỗi năm, thu hoạch được $50,000 sau khi trang trải chi phí. Mình có bắn tiếng cho thằng thợ, để nó gọi cho chủ ở Denver. Trời cho mua vườn chà là để vợ ăn thì họ gọi lại, còn không thì xem như không có duyên trồng chà-là.

Mình khám phá quýt đường của vườn, lột vỏ rồi bỏ vào tủ đông lạnh, ăn như kem, ngon cực đỉnh luôn. Năm này, không kêu bạn bè đến hái nữa, hái đem về nhà bỏ đông lạnh, ăn như sorbet. Trái năm nay lớn gấp đôi năm ngoái. Kinh. Mọi năm nhiều quá, nên kêu bạn bè đến hái. Nay bỏ trong tủ đá đông lạnh ở ga-ra xong om.

Đi mua chà-là gần chín cho mụ vợ và bạn của mụ

Mụ vợ thích loại chà là này. Có cô bạn, nghe mụ vợ bị gãy chân, nấu một nồi cà-ri, đem lại. Mụ vợ đưa cho một ít chà là ăn. Cô này đâm mê chà là như ông Trượng và Tiên Bửu mê rượu đế mới ra lò. Ngày nào cũng gọi mụ vợ, kêu còn không , còn không. Thế là mình phải chạy đi mua. Dạo này cuối mùa. Luôn tiện lấy mật ong cho mấy người nhờ mua dùm. Họ kêu mình gửi xe đò Hoàng lên San Jose, họ ra bến xe đò lấy. Xe đò Hoàng lấy cước phí $5 một thùng. Cô cháu kêu sao mật ong lại đặc sệt vậy. Mùa đông lạnh, thì mật ong chính hiệu đặc lại. Bỏ vào cái tô nước nóng thì từ từ lỏng lại. Còn mua mật ong pha thì cứ như nước, không bao giờ đặc lại.

Mình gặp ông mỹ nuôi ong để lấy mật ong. Ông ta mời đi ăn trưa. Ông này, trung kiên với nhóm Cộng Hoà, không chịu chích ngừa, bị dính covid khiến mình lo ngại. Bà vợ cũng dính luôn. Nay khoẻ lại khiến mình mừng, không phải đi kiếm người nuôi ong khác. Mùa đông, muốn bỏ mật ong vào chai, người ta phải bỏ vào lò sưởi ấm mật ong chảy lỏng mới chiết vào chai. Bây giờ, trời lạnh mật ong cứng như cục đá.

Mật ong mua dùm cho mấy người quen trên San Jose

Mình nói ông phải nghe lời vợ ông. Bà vợ cứ gọi tôi, rên ông đau, không chịu đứng dậy, đi tới đi lui. Cứ nằm, phải đưa điện thoại cho mình nói chuyện mới chịu rời khỏi giường. Không ai trên đời này lo cho sức khoẻ của ông hết ngoài mụ vợ. Ông ta nói không sợ chết vì sẽ được lên thiên đàng. 

Mình hỏi lên thiên đàng, gặp lại 3 bà vợ cũ thì sao. Ông nói là trên thiên đàng không phải lấy nhau. Mình nói không muốn lên thiên đàng. Ông ta hỏi lý do. Mình nói lên đó, gặp lại mấy bạn gái cũ là khốn nạn đời tôi. Nhất là gặp lại đồng chí gái. Thôi để tôi xuống địa ngục, để mụ vợ và mấy bà đì tôi ngày xưa lên thiên đường. Mấy bà gặp tôi, hè nhau xúm vào đánh hội đồng tôi, đấu tố trước toàn án phụ nữ đòi quyền sống, trốn không được.

Cứ tưởng tượng lên đó, chỉ cắn có một trái bơ mà bị thượng đế đuổi cổ xuống trần gian. Không thua gì chế độ cộng sản trong phim Dr. Zhivago. Đây tôi muốn ăn bơ lúc nào cũng có. Ông ta chỉ biết lắc đầu, nhìn đứa con hoàng đàng của Chúa, không chịu trở về đạo.

Chiều về. Đang xem 7 tên giết mướn có Yul Bruner đóng thì mụ vợ kêu, xê ra, để người ta hát. Mụ hát và thâu lại. Khi nào hát mệt thì mụ mở nghe mụ hát lại. Mụ hỏi hát hay không. Mình không dám nói không. Tình yêu không thật thà, không sống trong hoà bình, đúng hơn là sống trong tình trạng nội chiến hàng ngày, ngừng chiến như ở Triều Tiên nên phải cẩn thận, không được chế dầu vào lửa. Lâu lâu mụ vợ bắt chước Kim Young Um, bắn đầu đạn khơi khơi lên trời nhưng mình vẫn cương quyết, không trả đũa, không lên tiếng.

Ông nuôi ong than phiền về mụ vợ. Mình nói với ông nuôi ong vợ tôi là số một, cái gì cũng số một. Lý do; mình chê vợ mình thì thiên hạ kêu ngu, ai biểu lấy. Vợ xấu cũng là vợ của mình. Những gì thuộc về ta đều tốt cả. Hèn gì ông ta bị vợ bỏ đến 3 lần, mất biết bao nhiêu tiền của, mỗi lần ly dị.

Sáng chủ nhật mình lên vườn sớm. Đang cắt tỉa mấy nhánh cây thì mụ vợ gọi. Đồng chí vợ có tật khi thức giấc, gọi mình từ trên giường, kêu anh ở đâu? Mình nói ở vườn chớ ở đâu. Mình đâu có đi bia ôm, cà phê ôm đâu mà mụ cứ hởi vớ vẩn. Mụ kêu chết cha. Mình nói bố vợ mất lâu rồi. Mụ kêu vậy ai lo vụ âm thanh. Mình đã chỉ mụ ta, viết trong điện thoại cách bấm nút là xong. Mình kêu, nói thằng con làm nếu không biết.

Hoá ra mụ vợ và mấy cô bạn tổ chức sinh nhật cho cô bạn nào, thêm có hai cô bạn học từ xa về nên họ gom lại nhà mình. Mụ kêu 12 giờ họ lại, khiến mình phải ngưng làm nông chạy về để xem có gì trục trặc vì mụ vợ gãy chân. Mụ vợ tổ chức, không bao giờ cho mình biết lịch trình, cứ như tin tình báo, không cho lộ hàng. Đụng trận, mới cho biết. Mình tưởng buổi chiều. Đành chạy về. Mệt đừ mà chả thấy bà nào đến. Xem đồng hồ thì được biết đi bộ làm vườn, được 4.5 dậm. Phải chi mụ không gọi thì có thể làm việc, đi thêm 3 dậm đường nữa. Trong khi mụ vợ hát rồi thâu rồi nghe lại tiếng của mụ. Mình bỏ lên lầu ngủ một giấc, vẫn chưa thấy ai đến. Đang xem truyền hình thì mụ vợ kêu xuống chụp hình cho mấy bà.

Mấy bà ngoại, bà nội líu chiu, tạo dáng để chụp hình. Mình kêu hóp bụng lại 1,2, 3 nhấn. Có bà chạy lại kêu anh nên kêu: “phanh ngực ra, hóp mông vào”. Nhìn lại là vợ tên luật sư nổi tiếng ở Bôn Sa. Tội cho em, mấy bà phanh ngực ra thì em chỉ biết độn thổ. Vú mấy bà thuộc dạng đồ thị phương trình bậc 4 hết rồi. Cứ thấy hình ảnh mỗi bà là một pháo đài chống giặc. Chán Mớ Đời 

Mấy bà đi một mình, không kéo cái rờ-mọc thằng chồng theo. Hay mấy tên này cũng như mình, ớn ngày xưa Hoàng thị vợ nên nằm nhà xem đá banh hay dã cầu. Mấy bà bắt đầu ăn uống rồi hát bú xua la mua. Mình phải túc trực để xem mụ vợ sai thằng chồng ô sin nhân dân cái gì. Mấy bà thì xin mật mã vào hệ thống wifi.

Đúng hát hò, có mấy bà đến trễ, lại phải ra vườn chụp hình. Mụ vợ, trời lạnh, không chịu bận áo ấm. Thế là đau lại, ho. Chán Mớ Đời 

Nhìn mấy bà thấy thương, họ vui bên nhau được ngày nào hay ngày đó. Vài năm nữa biết còn gặp lại nhau, vui đùa như hôm nay. Mai mốt, sức khoẻ yếu, có ai dám bay sang Cali để họp mặt bạn bè. Mấy bà kêu mình chụp hình, quay video khi hát để có chút kỷ niệm bên bạn hữu. Có thể mình sẽ làm link của zoom, để mấy bà hẹn nhau chít chát trên mạng. Để mấy bà ở xa, không có dịp gặp nhau, có thể đả thông tư tưởng, tạo dáng, tư vấn về quản lý thằng chồng vào cuối cuộc đời.

Đại học Harvard có làm một nghiên cứu kéo dài trên 80 năm qua. Họ lấy 200 sinh viên của đại học và 650  thanh niên thiếu nữ của vùng Boston. Trong đó có một người sau này làm đến chức tổng thống Hoa Kỳ nhưng chết sớm. Lúc đầu, họ hỏi thành công là gì? Ai cũng trả lời trở thành triệu phú, tổng thống, bú xua la mua. 70 năm sau, họ đặt lại câu hỏi đó thì những người sống sót kêu là liên hệ với gia đình, bạn hữu. Nghiên cứu này tiếp tục đến thế hệ con cháu của họ.

Vào tuổi U70, chúng ta may mắn nếu có sức khoẻ nhất là có gia đình, thân hữu, để có dịp gặp nhau, đi du lịch với nhau hay truyền nghề sinh hoạt với cháu ngoại, cháu nội ra sao. Khi xưa thì tư vấn cho nhau, dạy chồng, dạy con, nay thì cách chìu cháu. Thấy mấy bà vui vẻ líu chiu mình cũng vui lây.

Khi nào lên U80 là xong phim. 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Thiên tài Việt Nam ở đâu?

 Tuần lễ này, được tin học trò của nhạc sĩ Đặng Thái sơn, đoạt giải dương cầm nhạc Chopin, được tổ chức tại Ba Lan mỗi 5 năm, khiến mọi người nức nở. Hai người có chút gốc gác việt được tham dự giải âm nhạc này đều ở hải ngoại, còn Việt Nam dù có trên 100 triệu người vẫn không cử được một thí sinh sau ông Đặng Thái Sơn. Nghe nói vào giờ chót, một người học trò của ông ta đã đoạt giải quán quân. Thầy giỏi đào tạo ra học trò giỏi.

Trên thực tế, Hà Nội không muốn gửi ông Đặng Thái Sơn đi thi khi xưa, tốn tiền cho con tên phản động, chỉ khi ông ta thắng giải, mới kêu hãnh diện quá Việt Nam ơi. Theo mình đọc tài liệu của Việt Nam, thì được biết bố ông ĐTS, được quy vào thành phần phản động nên khi được ông thầy người Nga, đề cử đi du học tại Mạc Tư Khoa, cũng bị bác đơn vì lý lịch. Đến khi ông thầy người Nga doạ, không cho các người được Đảng tuyển, những “hạt giống đỏ” đi, ĐTS mới được chấp thuận cho du học.

Người ngoại quốc khi phát hiện ra nhân tài thì họ tìm cách giúp đỡ dù không thân thích, khác chủng tộc. Mình thấy tấm ảnh, các bạn đồng môn người Pháp của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, công kênh ông ta trên vai, khi ông đoạt giải khôi nguyên Grand Prix de Rome. Dạo ấy sau Điện Biên Phủ, người Pháp rất ghét người Việt tại Pháp quốc. Mình nghe kể người Việt đi ngoài đường hay bị tây con chận đánh. 

Người Việt mình thấy ai giỏi hơn mình là tìm cách vùi dập nên ít khi có nhân tài vì mới lộ trong trứng đã bị bóp nát. Nghe nói mấy người đoạt giải quán quân Olympia đều ở lại nước ngoài khi có cơ hội.

Nga Sô dạo ấy như một đế chế, cần tìm kiếm các tài năng của đế chế để đào tạo. Khi ông ĐTS đi thi, toà đại sứ của Việt Nam cũng không màng đến, ông ta phải đi tự túc từ Nga Sô đến Ba-Lan, được ông thầy giúp đỡ. Sau này, thành danh, ông ta có trở về Việt Nam, Hà Nội phát nhà ở cho bố sống được một thời gian ngắn trước khi qua đời. Bố ông ta được chế độ bớt hà khắc lại. Phản động thường sinh ra nhân tài.

Có một anh bạn kể; một người đậu đầu miền nam, có danh sách đi du học tại Nga Sô, đến khi các ông từ ngoài bắc vào, loại tên ra để con họ, những hạt giống đỏ, đi thế. Người bạn thủ khoa, tự tử chết. Anh ta xuống tàu vượt biển. Mình nhớ dạo đi dạy ở đại học bách khoa Lausanne, bà thư ký cho biết, phải cẩn thận vì có nhiều học trò từ phi châu ghi danh học cao học, lại có bằng cấp hữu nghị của Liên Xô cấp. Bà ta cho biết các sinh viên ngoại quốc sang Liên Xô học, đều được cấp bằng cả dù học dốt. Gọi là bằng hữu nghị.

Đọc trong cuốn “bên thắng cuộc” của Huy Đức, kể có anh chàng nào đậu thủ khoa tại miền nam, không được vào đại học, đổi tên, đổi thành phố cũng vậy, vẫn bị đánh rớt. Mình có cô em đậu vào trường kiến trúc Sàigòn nhưng vì lý lịch gia đình, không được đi học, ở nhà đan áo len nay bán cà phê. Mình còn bận cái áo len của cô ta đan cho lần đầu tiên về thăm nhà.

Không biết bao nhiêu nhân tài của Việt Nam, bị loại bỏ vì chế độ lý lịch. Mình nói chuyện với một bác, khi xưa có giúp các sinh viên việt du học tại Hoa Kỳ. Bác nói mình nghĩ giúp chúng sang đây, dù con mấy ông lớn đảng viên. Chúng sẽ học điều hay, sau này có thể thay đổi đất nước. 20 năm sau, bác về thăm Việt Nam, gặp lại mấy người này. Bác kêu chúng học được sự khôn ngoan của người Mỹ , nay chúng còn ăn chận nhiều, tham nhũng hơn thế hệ bố của chúng. Chúng còn dã man hơn bố chúng vì có học. Chán Mớ Đời 

Tuần này thấy báo chí Việt Nam đánh ông bác sĩ nào, của bệnh viện Bạch Mai, đôn giá tiền mua máy móc trợ tim gì đó. Trí thức, có học ở hải ngoại về, còn ăn hơn những kẻ không ra hải ngoại. Chán Mớ Đời 

Nói cho ngay, chế độ lý lịch đã khởi mầm từ thời phong kiến xưa. Điển hình, ông Đào Duy Từ, con của các nghệ nhân, mà chế độ phong kiến cho là phường xướng ca vô loại. Ông ta giỏi nhưng không được đi thi. Nghe kể, đi thi, phải được làng xóm đề xuất mới được ghi danh đi thi. Bà mẹ, nhờ tên chủ làng phường xóm chi đó, nhận làm con nuôi, để lấy tên họ của ông ta đi thi. Ông Duy Từ đậu thủ khoa, bà mẹ xù ông cán bộ trong làng nên ông này đi thưa. Ông Đào Duy Từ bị tước bằng cấp dù đã đậu, khác với các cán bộ ngày nay, có bằng tiến sĩ ma. Đọc báo Việt Nam, cho biết có trường học nào mà đến 23 giáo viên có bằng giả, chưa học qua được bậc tiểu học.

Ông Đào Duy Từ, vượt biên, xuống miền nam được Chúa Nguyễn trọng dụng, đã giúp Nhà Nguyễn tại vị đến 274 năm, với những Luỹ Thầy, để chống bọn phương bắc đánh phá, chiếm đóng, ăn cướp.

Ông Đặng Thái Sơn, ở lại Gia-nã-đại, tiếp tục sự nghiệp âm nhạc quốc tế, không dám về Việt Nam ở, nay có học trò đoạt giải dương cầm quốc tế.

Nếu khi xưa, không có ông thầy người Nga, có lẻ thế giới đã mất đi một Đặng Thái Sơn.


Bao nhiêu người ở Việt Nam không may mắn như Đặng Thái Sơn, được người thầy can thiệp, đã phải bỏ ngang tài năng đi cấy lúa, lao động. 

Hình ảnh khi gặp lại một anh bạn học cũ khi xưa tại Sàigòn khiến mình không bao giờ quên được. Anh ta kể đang học đại học y khoa tại Huế, công an vào lớp, gọi tên anh ta, đem sách vở đi theo. Anh ta không bao giờ được trở lại lớp học. Mộng làm y sĩ để chữa bệnh cho người Việt tại các làng quê nghèo của Huế tan theo mây khói. Phải đi lao động nuôi thân. Nghe anh ta kể với sự luyến tiếc, bao nhiêu ấp ủ của một người thanh niên, muốn vào đại học để thay đổi, xã hội cộng đồng, biến theo mây khói. Chỉ vì hai chữ Lý-Lịch. Anh ta đâu có tội tình gì. Chỉ sinh ra tại miền nam. Cũng như tại miền bắc, bố phải đi quân dịch, đánh nhau cho Mỹ, tương tự ngoài bắc, thanh niên lao ra chiến trường, để đánh cho tàu cho liên sô. Chán Mớ Đời 

Nghe nói có ai đi học, thi đại học được 30 điểm mà vẫn không được học tỏng khi những thí sinh khác ít điểm hơn lại đậu.


Nguyễn Hoàng Sơn 

Chùa Linh Sơn

 Hôm trước, xem lại mấy tấm ảnh Đàlạt, có chùa Linh Sơn, nơi mình có nhiều kỷ niệm của thời con nít, nói theo ngôn ngữ thời A còng là Sữu Nhi. Nhớ nhất là dạo chùa đúc cái chuông mà khi về Đàlạt, mình có ghé lại để xem, để ở ngoài hiên, ngay bên phải chánh điện và Ăn cơm Chùa theo nghĩa đen.

Mình không nhớ rỏ năm nào, chỉ nhớ thằng Dư, hơn mình đâu 2, 3 tuổi, anh con Thuý, cạnh nhà, dẫn mình đi qua chùa vào buổi tối. Trong khi người lớn ê a cầu nguyện trong chùa, con nít ở trước sân chùa, được xem phim trắng đen của hai tên hề 1 béo 1 gầy Laurel & Hardy khiến con nít cười ồ, khá vui. Đó là lần đầu tiên mình xem phim lộ thiên ở Đàlạt.

Nếu mình không lầm hồi nhỏ có ông đẩy xe đạp đi trên đường Hai Bà Trưng, có màn trả ông ta tiền rồi đưa cái đầu vào chỗ ông ta trùm cái bọc lên đầu, xem phim khi ông ta quay vòng cuốn phim. Lớn lên sau Mậu Thân không thấy ông ta nữa. Mình chỉ thấy con nít lối xóm có tiền, thò đầu vào coi. Rồi chúng nói đủ trò khiến mình thèm nhỏ nước miếng.

Trước sân chùa, họ căng tấm vãi trắng, từ hai cây, không nhớ máy để ở đâu. con nít lao nhao đến khi trời tối hẳn mới được chiếu phim. Sau này, ra hải ngoại, xem lại mấy phim này nhưng không thấy vui bằng khi còn bé.

Hai tài tử Laurel và Hardy đã đem đến những nụ cười tuổi thơ của mình tại sân chùa Linh Sơn

Chùa Linh Sơn, được xây cất trên ngọn đồi ở gần cuối đường Hàm Nghi, khúc Võ Tánh và Phan đình Phùng. Đất do ông bà Võ Đình Dung tặng. Ông bà cũng tặng và cúng dường để xây chùa Linh Quang ở Cây Số 4 ở trên đường Hai BÀ Trưng. Nghe người lớn kể, ông Võ Đình Dung đi thầu, bị người ta ghét, trả bằng tiền giả. Sử dụng tiền giả là tội hình sự.

Hình này chụp từ nhà thờ Tin Lành, nhìn xuống đường Hàm Nghi, phía bên phải thấy ngọn đồi, sau này là nơi toạ lạc chùa linh Sơn, đất do ông bà Võ Đình Dung tặng. Thấy dãy nhà của cư xá chạy xuống đường Phan Đình Phùng, mình cố tìm ra căn nhà của Bích Thuỷ nhưng chịu, không nhớ rỏ căn nào. Dù khi xưa, chạy ngang đây, hay đưa cô nàng về. Chán Mớ Đời 

Tối đó, bà Dung nằm mộng thấy có ai mách, khó ngủ nên thức dậy, mở cái cặp đựng tiền mà ông Dung đem về tối qua, thấy bạc giả nên đem đốt. Mới 6 giờ sáng, mật thám của tây bao vây nhà, vào xét, không thấy bạc giả. Hú vía. Mình đọc tài liệu tây về thời này, được biết ông Võ Đình Dung có chân trong hội đồng thị xã, tranh đấu cho quyền lợi người Việt sinh sống tại đây nên bị Tây ghét. Điển hình là trong thiết kế của người Pháp, các lô đất của người Việt chỉ có 2 mét x 6 mét, sau ông ta đòi nên họ mới đổi thành 3 mét x 10 mét trong khi các khu nhà của người Pháp thì mỗi lô đất to rộng, xây được biệt thự như ở đường Hùng Vương, Trần Hưng đạo.

Ông ta thầu rẻ hơn thầu khoán tây nên lấy được nhiều công trình xây cất từ người Pháp như ga xe lửa Đà Lạt. Tương tự ông Xu Tiến, người thầu xây Nha Địa Dư. Mình nghĩ mấy ông xu như Xu Tiến, Võ Đình Dung, chống pháp ngay ở thành thị trong buôn bán, thương mại, khó hơn là vào rừng làm kháng chiến.

Sau vụ này, ông bà hiến đất để xây chùa Linh Sơn và trường học Bồ Đề, rồi ngưng làm ăn, lo tu hành. Khi họ cũng hiến tặng cho người Đà Lạt đất Mả Thánh để làm nghĩa địa, đến trường Việt Anh, cho người ta thuê làm vườn thì đi làm chi nữa cho cực đời. Có thể xem như gia đình ông bà Võ Đình Dung có công rất lớn đối với người Đà Lạt. Chỉ tiếc mình không có tài liệu về ông bà này để viết lên đây, để mọi người biết. Ai có tài liệu thì cho mình hay, liên lạc với con cháu họ.

Chính điện, mình và con gái đứng trú mưa ở đây, phía bên phải là nơi để cái chuông, mà khi xưa, mình có lên đây chơi khi họ đúc chuông. Mệ ngoại mình tặng một chỉ vàng khi họ đi quyên, bỏ vào lò luôn. Thấy hai con lân hai bên cầu thang. Mình nhớ là từ dưới đường lên cũng có nhưng nay mất tiêu.
Hình này chụp sau 75, trước kia thấy chữ Linh Sơn Tự, dọc mấy thang cấp đi lên, theo trí nhớ của mình có mấy con rồng mà mình hay leo lên chơi, bị người lớn chửi, kêu mi đòi cởi rồng à. Giao thừa, bố mẹ mình hay dẫn đi lễ chùa, sau đó về, phật tử xúm nhau bẻ cây, bẻ cành xem như hái lộc chùa. Sau đó thì mấy cây te tua, trụi lá, thiên hạ kéo gọi la hét in ỏi. Hình như bên tay trái cổng đi vào chùa, là vườn chè.

Mình đọc đâu đó là trường Việt Anh, khởi đầu do con trai của ông bà Võ Đình Dung xây cất, sau này, thầy Lê Phỉ mướn lại đến năm 1975. Ngoài ra, ông có một cô con gái đi du học bên pháp, lấy chồng cũng du học sinh. Sau 1954, đem con về Đàlạt, giao cho ông bà nuôi, rồi tập kết ra Bắc để xây dựng xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần của trí thức ở âu châu thời đó. Sau 1975, về lại Đàlạt, và qua đời vì bệnh ung thư.

Hình này chụp sau 75, bên tay phải lối vào chánh điện, là nơi có cái chuông mà khi xưa, còn bé, mình có đến đây khi họ tổ chức đúc chuông đồng.
Chỗ này chụp nơi con đường nhỏ từ đường Hàm Nghi, chạy lên chùa. Chỗ này khi xưa, mình thấy xe GMC chở cảnh sát dã chiến đến đây, rồi họ nhảy xuống xe, chạy đi bắt sinh viên học sinh, do Việt Cộng chủ động, biểu tình, bắt loa, kêu gọi đem Nguyễn Cao Kỳ lên đoạn lầu đài.

Nhật Bản khi xưa, không cho các sinh viên trẻ đi du học. Lý do là trí óc non nớt sẽ bị ảnh hưởng của văn hoá nước ngoài. Họ chỉ cho các người đã học xong tại Nhật Bản, đi làm có kinh nghiệm, rồi cho đi tu nghiệp. Các sinh viên Việt Nam rời Việt Nam còn trẻ, nhiều khi dưới 18 tuổi nên dễ bị ảnh hưởng của văn hoá âu châu. 

Hình này chú thích năm 1957, phía tay phải, sau dãy nhà cư xá công chức ở đường Hàm Nghi, thấy cổng chùa Linh Sơn và các thang cấp dãn lên chùa. Phía xa xa là ấp Mỹ Lộc và cuối cùng là Núi BÀ.


Điển hình ngày nay, người Việt ở Hoa Kỳ, chia nhau ra hai phe: theo đảng Dân Chủ và phe theo Cộng Hoà. Thậm chí người Việt tại Việt Nam, cũng có người theo ông Trump, có người chống ông Trump, dù chả có dính dáng đến Việt Nam. Báo chí cứ tung lên để bán quảng cáo.


Khi xưa, thời mình qua tây, 25% người Pháp là cử tri của đảng cộng sản Pháp nên các sinh viên hay người Việt tại đây, dễ bị ảnh hưởng của chính trị của nước họ đang đi học hay làm việc. Không hiểu rỏ tình hình ở miền nam, quay sang chống đối, dẫn đến sự sụp đỗ chính phủ miền nam nhanh chóng hơn. Ông Hoàng Đức Nhã, cựu học sinh Yersin Đà Lạt, có thời làm tổng trưởng Dân Vận, mà trong hồi ký của Kissinger có nhắc đến ông ta, là một người khó thương lượng, có tổ chức các chuyến viếng thăm Việt Nam trước 75 cho sinh viên và kiều bào nhưng hơi trễ.

Mình có người quen, đi du học bên tây thời còn học sinh đệ nhất cấp. Có về thăm gia đình năm 1973, theo đảng cộng sản Pháp, quốc tịch tây nhưng toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà vẫn cho về thăm. Theo lời ông ta là người đầu tiên phá cửa toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà ngày 30/4/75. Sau này được Hà Nội cho về thăm Đàlạt, được xem là phái đoàn Việt kiều đầu tiên ở pháp về thăm Việt Nam. Trở về tây, ông ta kể cho mình là nhà cậu, mà Việt Cộng mỗi ngày cứ đi vào, ngồi cả ngày. Đi đâu cũng phải xin phép, khác với thời Việt Nam Cộng Hoà cách đó 3 năm. Ông ta buồn cho tuổi trẻ của mình bị lợi dụng, sau này qua đời.

Nhớ sau 1963, có mấy cuộc chỉnh lý, sinh viên và học sinh Đàlạt, kéo vào chùa Linh Sơn, mở loa kêu gọi đem “ông nguyễn Cao Kỳ lên đoạn lầu đài”,… rồi lựu đạn cay, cảnh sát dã chiến đổ bộ từ xe GMC, vào bắt thiên hạ. Sinh viên, học sinh bỏ chạy như ong bị  hun khói.

Mình có gặp và nói chuyện với hai anh sinh viên của đại học Đà Lạt thời đó, sau này ra trường đi dạy tại các trường trung học ở Đàlạt. Họ kể hồi đó đâu biết gì, bạn bè rủ thì đi cho vui. Ở nhà, mình nhìn sang thấy vui lắm. Mình có anh bạn, cháu của ông thầy Từ Mãn, kêu ông này mà tu gì. Ông tu ở chùa Linh Sơn nhưng ăn mặn khi đến nhà anh bạn ở Đàlạt. Sau này mới hiểu Việt Cộng cài người vào các chùa để chống đối chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Chán Mớ Đời 

Có lần về Đàlạt, mình đi bộ với con gái lên chùa. Đi kiếm nhà thằng Khoa, và Phan thị Thu Thuỷ để chụp cho cô nàng không ra. Nay họ đập phá xây lại hay lên tầng. Mình tính chụp ảnh nhà xưa rồi gửi cho cô nàng nhưng tìm không ra, hỏi thiên hạ thì họ nhìn mình như bò đội nón. Cô nàng kể là chính cô nàng còn tìm không ra huống chi mình.

Đi viếng phía sau chùa thấy bé nhỏ không như xưa khi mình đi chùa với Mệ Ngoại. Có một nhóm gia đình phật tử từ Đắc Nông về chùa, cắm trại. Họ hát những bài ca sinh hoạt hướng đạo, khiến con gái mình hát theo. Nó nói ở đây người ta hát vui ghê sao ở mỹ, tụi con đi hướng đạo hát mấy bài này chán như con gián. Cho thấy chúng ta cho con theo văn hoá Việt Nam ở mỹ, là một vấn đề. Chúng hát nhạc sinh hoạt nhưng không hiểu lắm nên Chán Mớ Đời.

Trời bổng nhiên đổ mưa kinh hoàng, gia đình phật tử, đang sinh hoạt, bỏ chạy như đàn kiến. Hai cha con đứng núp mưa, mình nhìn xuống đường dốc Hàm Nghi, thấy nhà đối tượng một thời. Có ông thần nào đọc bài mình kể chuyện đời xưa, nói là mê cô nàng rồi cứ lên chùa, nhìn xuống nhà cô nàng. Không thấy mưa tạnh, đành gọi taxi đến đón, đưa về nhà. Trong những giây phút đợi Taxi, mình kể cho con gái lại thời gian còn con nít, đến đây xem phim, hay đi chùa với mệ ngoại. Nó nhìn mình như bò đội nón nhưng mình kể cho chính mình.

Trong khi trú mưa, mình nhớ khi xưa, cứ rằm là đi theo Mệ Ngoại lên chùa Linh Sơn, và chùa Linh Quang. Mình xách cái giỏ đựng hoa quả. Lên tới chùa, Mệ đưa cho mấy người ở chùa rữa trái cây rồi bỏ lên bàn Phật. Mình được họ kêu vào thọ trai. Ăn cơm chùa thấy ngon kể gì. Sau đó, mệ ngoại, ra ngồi vấn an thầy trù trì, rồi đưa cho ông cái phòng bì. Có lần, Mệ kêu mình phụ chị người làm, khiêng cái bàn Phật xuống đường Hai Bà Trưng, rồi bắt mình phải canh vì sợ con nít chôm mấy trái cây. Rồi đi lên Núi Bà, lấy nước suối về, vì có Phật Bà hiện về. Có dịp mình sẽ kể vụ này khá vui. Đều do Việt Cộng xúi dục cả.

Mệ ngoại mình hay cúng tiền cho chùa, rồi kêu mẹ mình đưa tiền trả cho thầy như cái bàn thờ cho chùa khá bộn tiền. Sau này, mẹ mình cũng hay hỏi mình tiền để cúng tổ đình chi đó. Hôm nào Chán Mớ Đời, mình sẽ kể về Tổ Tiên CHính Giáo ở Đà Lạt.

Thấy trên Facebook có bài này, mình xin phép đem về đây cho thiên hạ đọc vì khá chi tiết, khỏi mất công viết: https://www.facebook.com/MocDalatLuquan/

Chùa Linh Sơn

1/ Vị trí:

Chùa Linh Sơn là một trong những ngôi chùa lớn và lâu đời ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chùa nằm trên sườn ngọn đồi thấp tại số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi – phường 2, và cách trung tâm thành phố khoảng 700m về phía Tây Bắc.

Chùa được xây năm 1938 theo đề nghị của bà Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại) với Giáo hộ Tăng già Trung Phần từ năm 1936, sau lần bà từ Đà Lạt trở về kinh đô Huế, và hoàn thành năm 1940 (Hòa thượng Thích Trí Thủ trụ trì). Chùa mang tên một ngọn núi ở Ấn Độ, được nhiều lần trùng tu tôn tạo. Chùa Linh Sơn nằm trên ngọn đồi gần 4 ha, là quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc có quy mô lớn nhỏ khác nhau. (Phần này mình thấy không đúng lắm, có dịp sẽ nói rỏ chi thiết hơn)

2/ Kiến trúc:

Chùa do ông Võ Đình Dung đứng ra điều khiển kỹ thuật và ông Nguyễn Văn Tiếng cùng với công đức của thập phương bá tánh. 

Chính điện ngôi chùa được thiết kế theo lối kiến trúc Á Đông giống như các chùa cổ ở Kinh Thành Huế. Trên đỉnh mái chùa có đắp đuôi rồng uốn lượn theo thế “lưỡng long triều nguyệt”.

Thông thường cổng chùa thường xây theo cổng tam quan. Song cổng vào chính điện chùa Linh Sơn chỉ xây hai vách cao 4m, cách nhau 5m có mái lợp, bậc cấp được xây bằng đá, cửa cổng có thể hiến cho du khách một chỗ tạm nghỉ chân mà không sợ mưa nắng (?). Đường vào chùa được dẫn lên nhiều cấp, hai bờ đường là hai hàng cây thông, bạch đàn, sao, cao vút quanh năm thì thào với gió núi mây ngàn. Đêm về những ngọn đèn bên ngoài tỏa sáng mông lung trong sương lạnh điểm tiếng chuông ngân nga vang vọng làm cho cảnh trí Linh Sơn thêm phần trầm mặc, u nhàn.

Trên lối đi trước sân chùa cách cổng chính 30m có dựng một bức tương Quán Thế Âm Bồ Tát màu trắng đứng trên đài sen cao, khói hương nghi ngút, nơi chiêm bái của tín đồ và du khách vì tinh thầncứu khổ độ sinh là bản nguyện của Ngài. Hướng bên phải là một bảo tháp ba tầng hình bát giác, mái ngói cao 4m. Bên trái là hồ nước, những cụm giả sơn và cây cảnh rất đẹp.

Ngõ vào phía đông Chùa được xây theo lối tam quan truyền thống kết nối với con đường lát đá, tráng nhựa là đường dành cho xe cộ từ ngoài vào bọc quanh sân chùa, chạy qua sau lưng bức tượng và trước sân chùa rồi rẽ phải lên đến sân của cánh hậu tòa viện. Bên phải phần cuối con đường này là giả viên Lâm Tỳ Ni được trang trí rất nghệ thuật, có các giả sơn, có các thảo mộc quý. Giữa đám xanh của cây cỏ là một cái ao nhân tạo bên trong có hoa súng và cá vàng.

Qua sân cỏ là đường dẫn đến cầu thang có mười ba bực lên đến hành lang Phật đường. Hai bên cầu thang có bể nước trong đó nhô lên hòn non bộ có các cây kiểng gợi cảnh thiên nhiên. Xuôi theo cầu thang là cặp Rồng lớn há miệng được điêu khắc một cách nghệ thuật làm vị song thần gìn giữ ngôi chùa.

Bên trong chính điện chùa Linh Sơn ở Đà Lạt bài trí nghiêm trang, tiền đường có bốn trụ gỗ lớn chạm khắc đôi câu đối bằng chữ Nho sơn son thếp vàng mang nặng ý nghĩa tâm linh:

Sơn sắc đạm tùy nhân nhập viện

Tùng thanh tĩnh tính khách đàm phiền.

Tạm dịch là:

Màu núi nhạt theo người vào viện

Tiếng tùng im nghe khách bàn thiền.

Trên điện Phật thờ tượng đức Thích Ca Mâu Ni bằng đồng xanh đang tham thiền nhập định trên một tòa sen đúc bằng đồng, nặng 1.250 kg, được đúc năm 1952.

Bên trái chính điện là Tổ đường - nơi thờ Đạt Ma Sư Tổ, ngoài cái trống lớn có đường kính 0m75 thì đây cũng là nơi đặt bài vị các vị sư đã viên tịch và những người đã khuất mà thân nhân họ đưa vào chùa với niềm tin “để linh hồn được hưởng hương khói và nghe kinh mỗi ngày”.

Bên phải chính điện là tượng Hộ pháp Di Đà, gần đó đặt khung gỗ quý treo “Đại Hồng Chung” nặng 450 ký. Lầu chuông và lầu trống được bố trí cách nhau 12m trước Phật đường. Quả chuông đúc vào năm 1950, cao 1m80 cân nặng 40 ký do các nghệ nhân “Phường Đúc Huế” tạo thành. Phía trái là ngôi tháp ba tầng đứng trên một nền cao 14m, hình bát giác góp phần vẻ tôn nghiêm, mỹ thuật cho chùa. 

Hiện nay, chùa Linh Sơn là nơi đặt văn phòng của Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng.

3/ Đôi dòng ghi lại những cảm xúc … khi Vãn cảnh Chùa:

Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm!

Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa!

Giữa phố thị Đà Lạt với vô vàn sắc thanh hỗn tạp, người đang có chuyện ưu tư hay phiền não khi nghe tiếng chuông Linh Sơn tự cũng thấy vơi nhẹ trong lòng, xua tan đi tất cả những vấn vương tục luỵ, những nỗi trần tâm. .

….

Sư VIÊN TRÍ cảm khái viết:

Khách trần ai viếng Linh Sơn tự

Hồn tục lâng lâng khỏi xứ phiền”

Chất liệu khiến “hồn tục lâng lâng” khi viếng “Linh Sơn tự” hẳn là hương vị giải thoát lan tỏa từ dòng nước từ bi, trí tuệ ở “đỉnh Linh Sơn” hơn 2500 năm trước. Cảm thức thoát lụy liên đới mạnh mẽ với cảm thức cội nguồn khiến thế nhân dường như không hề khởi niệm phân biệt xưa và nay. Vì rằng giây phút lìa xa ái thủ là giây phút con người tìm thấy bản lai diện mục của mình ở đấy mọi ý niệm không và thời gian đều vắng bặt. Có lẽ trong ý nghĩa như vậy mà Linh Sơn đã hiện ra không khác một Linh Sơn Ấn Độ trong lòng nhiều thế hệ Phật tử Việt Nam.” 

… 

Thi sĩ VIỆT TRANG trong một Mùa Báo Hiếu ghé thăm chùa Linh Sơn cũng cảm hứng đặt bút viết xuống những vần thơ và trịnh trọng ghi tiều đề là “Ánh Đạo Vàng”:

Trời thanh gió tịnh nét minh quang

Ánh đạo Linh Sơn, ánh đạo vàng

Giác Ngộ hồi chuông reo Phật pháp

Ưu Đàm tiếng kệ vọng Tăng đường

Chơn Tâm trì hướng lên Tam bảo

Thiện Trí chan hòa với Thập phương

Thân giữa đường trần bao ấm lạnh

Sáng ngời đuốc tuệ, cọng trầm vương.

Dù cho kiến trúc và quy mô không được bề thế như Thiền viện Vạn Hạnh, Thiền viện Trúc Lâm, không có lịch sử lâu đời như Tổ đình Linh Quang hay những chùa triền khác ở Đà Lạt nhưng chùa Linh Sơn vẫn là điểm đến chính của du khách khi đến Đà Lạt.

4/ Đôi nét về thầu khoán Võ Đình Dung:

Võ Đình Dung quê ở Thừa Thiên-Huế. Khi người Pháp chiêu mộ lao công từ miền Trung vào Đà Lạt xây dựng nhà cửa, công sở... ông đến Đà Lạt lập nghiệp năm 1930. Ban đầu ông làm thợ xây cho những nhà thầu người Pháp. Một thời gian sau, khi tay nghề vững vàng, ông đứng ra nhận thầu khoán lại một phần công trình. Nhờ làm ăn uy tín, từ từ ông được giao thi công nhiều ông trình tại Đà lạt như: Ga xe lửa, Dinh Bảo Đại, Đâị học Đà lạt cùng nhiều khu biệt thự Pháp ở Đà Lạt.

Nhờ nghề thầu khoán, ông Dung giàu lên nhanh chóng. Ông mua đất cất nhiều dãy phố cho người Hoa thuê buôn bán quanh khu Hòa Bình, dọc đường Trương Công Định và 3/2 ngày nay. Khu đất từ bùng binh 3/2, chạy dọc hai bên đường Hải Thượng vòng qua Hai Bà Trưng đều của ông Dung.

Tuy giàu có nhưng đời sống của ông là đời sống rất mực thanh đạm của một cư sĩ, tu tại gia, làm nhiều việc nhân đức. Khu Mả Thánh, phần nghĩa địa với diện tích rất rộng lớn cũng do ông cúng dường cho âm linh của thành phố. Mả Thánh là một nghĩa trang Phật Giáo được thành lập năm 1938 trên một quả đồi gần cây số 4, trên đường đi Suối Vàng.”

Ông đã cúng tiền và bỏ công sức xây chùa Linh Sơn. Trước đó vợ chồng ông cũng cúng tiền để cùng với bà con phật tử Đà Lạt xây dựng Tổ đình Linh Quang.

5/ Về Đức Từ Cung:

Từ Cung Hoàng thái hậu tên thật là Hoàng Thị Cúc (黃氏菊), người ở làng Mỹ Lợi, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế[1]. Thân sinh của bà là ông Hoàng Trọng Tích (黃仲錫), từng đậu Tú tài làm Tri huyện Hòa Đa (Bình Định), mẹ của bà là bà La Thị Sơn (羅氏山).

Sinh ra trong một gia đình quan Tri huyện, nhưng từ nhỏ, Hoàng Thị Cúc đã sống cuộc sống hết sức vất vả, khó khăn. Ông bà Tri huyện mất sớm, khi Hoàng Thị Cúc còn nhỏ tuổi, phải sống nhờ gia đình người anh trai cả là Hoàng Trọng Khanh. Bà Hoàng Thị Cúc được đưa vào làm cung nữ hầu hai bà Thánh Cung Nguyễn Hữu Thị Nhàn và Tiên Cung Dương Thị Thục – vợ góa của vua Đồng Khánh[2].

Từ đây, bà dần tiếp xúc với ông Phụng Hóa công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (奉化公阮福寶嶹), con của bà Tiên cung.

Lúc quen biết ông hoàng, thì ông đã có vợ chính là bà Trương Như Thị Tịnh, con gái đại thần phụ chính Trương Như Cương, nhưng cả hai chung sống không hòa thuận và cũng không có một mụn con nào. Đầu năm 1913, bà mang thai với ông Phụng Hóa công. Ngày 22 tháng 10, năm 1913, bà hạ sinh hoàng nam Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.

Năm 1916, Phụng Hóa Công lên ngôi, tức Hoằng Tông Tuyên hoàng đế (Vua Khải Định), bà được phong là Tam giai Huệ tần (三階惠嬪), qua năm 1918 thăng lên Nhị giai Huệ phi (二階惠妃), đứng thứ 2 trong Hậu cung của ngài, sau bà Ân phi Hồ Thị Chỉ. Tước Hoàng quý phi ông vẫn dành tặng cho bà Tịnh, dù bà đã xuất gia và từ chối nhận phong.

Năm 1923, tháng 2, nhân vì Vĩnh Thụy phong làm Thái tử, Huệ phi Hoàng thị được phong làm [Nhất giai Hậu phi; 一階厚妃][3].

Năm 1945, Vua Bảo Đại thoái vị, bà Từ Cung cùng bà Nam Phương hoàng hậu và con cháu hoàng thất dọn ra cung An Định ở.

Những năm 1949 - 1954, khi Vua Bảo Đại trở về làm Quốc trưởng bà Từ Cung trở lại Hoàng cung, ở tại cung Diên Thọ. Năm 1954, khi Vua Bảo Đại qua Pháp lưu vong bà lại phải ra khỏi Hoàng thành về sống ở cung An Định.

Năm 1955, khi Quốc trưởng Bảo Đại bị lật đổ, Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng thì chính quyền miền Nam Việt Nam không cho phép bà Từ Cung ở lại trong cung An Định. Trong tình cảnh này bà đã mua lại ngôi nhà của bà Ân phi Hồ Thị Chỉ, là nhà 79 phố Phan Đình Phùng và ở đây cho đến ngày cuối đời. Trong thời gian chiến tranh loạn lạc, mọi hoạt động cúng bái các bậc tiên tổ, hội họp Nguyễn Phước Tộc đều diễn ra tại căn nhà này. Cũng trong thời gian này bà hoàn toàn mất liên lạc với Vua Bảo Đại.

Bà Lê Thị Dinh là người phục vụ bà Từ Cung hơn 60 năm, là người cung nữ cuối cùng triều Nguyễn phục vụ cho Từ Cung Hoàng Thái hậu[4]. Bốn cung nữ hầu Hoàng Thái Hậu gồm: bà Lê Thị Dinh (nhiệm vụ là trang điểm cho đức Bà, là người hầu hạ Đức Bà tới lúc cuối đời), Lê Thị Tìm (đọc truyện cổ tích và tụng kinh cho Đức Bà nghe hàng đêm), Nguyễn Thị Vân và Trần Thị Vui. Đây là bốn cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là những cung nữ cuối cùng của Việt Nam đang sống vào thế kỷ XXI[5].

Năm 1980, Từ Cung thái hậu qua đời, thọ 90 tuổi, bà được an táng gần Ứng Lăng tại xã Hương Chữ, Hương Thuỷ, Thừa Thiên-Huế. Căn nhà 79 Phan Đình Phùng mà bà đã ở những ngày cuối đời hiện nay được tu bổ trở thành điểm tham quan cho khách du lịch.

Theo "Bức Tâm Thư" tức "Di Chúc" của đức Đoan Huy Hoàng Thái hậu - Từ Cung thì ngôi nhà của Bà sau khi Bà qua đời, sẽ là nơi thờ phụng "Liệt Thánh" (tức Tổ Tiên nhà Nguyễn) và thờ Bà. Ngôi nhà của Bà sẽ giao cho Hội Đồng Hoàng Tộc Nguyễn Phước (gọi tắt là Hội Đòng Nguyễn Phước Tôc) quản lý và sử dụng làm Văn phòng của Nguyễn Phước Tộc để đón tiếp bà con và sinh hoạt Hoàng tộc. 

Từ Cung Hoàng Thái hậu rất trọng đạo Phật và chú tâm đến việc thờ cúng các vị vua triều Nguyễn. Bà được coi là người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo thời Nhà Nguyễn. Chính bà đã khuyên vua Bảo Đại dành nhiều tiền đóng góp cho An nam Phật giáo Hội, vận động Bảo Đại góp tiền xây chùa và phát triển Phật giáo.

Bà chưa khi nào rời khỏi Kinh thành Huế . Bà nguyện sống cả đời ở đây để giữ gìn nơi thờ phụng các bậc tiên đế, các bảo vật của triều Nguyễn. Bà nói: Ta sinh ra ở đâu thì sẽ chết ở đó. Tổ tiên Nhà Nguyễn còn ở Huế thì ta còn phải ở lại lo chuyện thờ cúng, chăm sóc lăng mộ các bậc tiền nhân. Nhà Nguyễn đã cho ta hưởng lộc cả đời. Ta có chết cũng chưa báo đáp hết được. Bà chưa bỏ một lễ giỗ nào, kể cả khi tiền bạc gần như đã suy kiệt hoàn toàn.

Dù thời thế đổi thay, Từ Cung Thái hậu vẫn luôn mang theo bên mình tất cả những bảo vật của triều Nguyễn và cả những bộ y phục mà nhà vua đã từng mặc trước đây. Để có thể duy trì cuộc sống, bà đã phải bán dần từng món đồ trang sức mà mình có. Phần lớn tài sản mà Từ Cung Thái hậu mang ra khỏi cung Diên Thọ bà dùng để phục vụ cho việc thờ cúng,[6]. Theo một tài liệu Cao Đài, cuối năm 1971, bà nhập đạo và được cơ bút phong chức Phối sư THÁNH DANH hương cúc.[7]

Lúc còn sống trong cung, Từ Cung Thái hậu đã ăn uống rất đơn giản, bà ăn chay 10 ngày mỗi tháng và hiếm khi dùng sơn hào hải vị. Sau khi Nhà Nguyễn mất, càng về già, Từ Cung Thái hậu càng ăn uống đơn giản hơn bao giờ hết. Y phục bà mặc và những thứ đồ dùng của bà cũng hết sức giản dị. Đức Từ Cung Thái hậu là một người nghiêm cẩn, khoan dung, độ lượng.

19/10/2018 

Thông Đà lạt #mocdalatluquan

“Mộc Đà lạt lữ quán” hỗ trợ cho bài viết.

https://www.facebook.com/MocDalatLuquan/


Bên cạnh chùa Linh Sơn, có trường trung học Bồ Đề, học sinh hay bận áo len đen thì phải. Mình nhớ có một trường bận áo màu nâu nhưng không nhớ rỏ trường nào. Thằng Khánh Ù , ở xóm Thi Sách khi xưa, đi ăn cắp buồng chuối với mình, học ở trường này. Sau này làm đến chức hiệu trưởng. Kinh

Hình như mình có một tấm ảnh khác của trường, để hôm nào tìm lại sẽ bổ túc sau.
Đây tấm ảnh mới tìm thấy, rất mờ, chụp trường Bồ Đề, từ nhà ai ở Phan Đình Phùng. Ai biết thì cho em xin. 

Hình em tải lên đây cho bà con, không phải của em, không biết tác giả nên xin phép đăng.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Rạp xi-nê Ngọc Lan


Có lần một anh bạn từ Đàlạt chở mình đến văn phòng của Phước “Ngọc Lan”, ở Bolsa, con ông bà chủ rạp xi-nê Ngọc Lan và Ngọc Hiệp. Anh bạn, thân với Phước Ngọc Lan từ bé, sau này anh bạn vượt biển sang Hoa Kỳ, Phước Ngọc Lan giúp đỡ lúc khởi đầu ở xứ Cờ Hoa. Mình có hỏi anh chàng về lịch sử của rạp xi-nê. Anh ta hứa sẽ email cho mình. Một ngày đẹp trời, anh ta gửi bài của mình viết về mấy rạp xi-nê của Đàlạt trước 75. Của Ceasar trả về Ceasar. Chán Mớ Đời 

Có ông nào còm trên Facebook. Bạn bè gọi là Phước Ngọc Lan vì tên Phước, con của chủ rạp Ngọc Lan.

Cám ơn Anh post bài viết về rạp hát Ngọc Lan, Ngọc Hiệp. Hai rạp nầy trước 75 thuộc về của em ông ngoại của tôi, ông Phạm Ngọc Sum.

Tôi rất ngạc nhiên trong bài báo ghi Họ là Phước thay vì Phạm. 

Hy vọng ông thần này cho mình thêm chi tiết vì tên Phước, gửi cho mình bài mình viết về 3 rạp xi nê thời xưa.

Cây che mất mặt tiền của rạp xi nê Ngọc Lan, chỉ thấy phần khách sạn Ngọc Lan. Nhìn từ Cầu Ông Đạo lên. Không phải trước rạp Ngọc Lan.

Theo mình hiểu thì rạp xi-nê Ngọc Lan, trước kia, thời Tây mang tên là rạp Eden nhưng khi tây về nước thì bố mẹ Phước Ngọc Lan mua lại và đặt tên tiếng Việt, có lẻ con gái tên Ngọc Lan. Dạo ấy, Đàlạt có rạp Kinh Đô ở đường Hàm Nghi, rạp LangBian ở đường Phan Đình Phùng, rạp Ngọc Hiệp thì không biết trước xưa tên gì. Ai biết cho em hay. Mình có học với một cô tên Ngọc Chân, nghe nói là con gái của rạp Ngọc Lan, sau 75 lấy tên bạn học chung Quang Hà, nay đã qua đời.

Có người kêu là rạp Lang Bian là tiền thân của rạp Ngọc Hiệp thì không đúng vì hai rạp nằm gần nhau, giữa hai rạp là hai tiệm ăn Như Ý và Kim Linh. Rạp Lang bian rất nhỏ, theo trí nhớ của mình khi mường tượng lại cây xăng Ngọc Hiệp, nơi họ phá bỏ rạp để xây cây xăng, chỉ độ phân nữa rạp Ngọc Hiệp, chỗ có con hẻm đi vào quán mì quảng nổi tiếng của ông Bắc Kỳ, mình có ăn vài lần ở đây. Mình có viết về hai rạp này rồi.
Nhìn tấm ảnh này khiến mình nhớ lại những lần đi xem xi-nê tại rạp Ngọc Lan. Đi từ đường Thành Thái đến, có con dường dốc bằng xi-măng đi lên bên phải rồi vào rạp. Hình như phòng bán vé ở bên phải nơi thiên hạ đứng đầy. Đối diện mặt tiền là các thang cấp, xem hình trên, đi ra bãi đậu xe. Những phim ấn tượng nhất, mình xem tại đây là Love Story, Woodstock, Les Deux Gamins, Cleopatre, mùa hè 42,…

Hồi nhỏ mình nhớ là họ có bán nước ngọt, đậu rang, cạnh chỗ bán vé.
Hình này chụp cho thấy họ làm phòng ngủ thêm sau này. Chỗ này bị đặt chất nổ một lần vì cho lính mỹ thuê. Về Đàlạt, nghe mấy cô học chung ở Yersin cho biết là một cô học chung tên Nguyệt Thu, nằm vùng, là người đặt chất nổ. Mình chả nhớ cô Thu này là ai. Kinh chỗ này có gửi xe gắn máy khi đi xem xi-nê đầy đặt.
Hình này chụp từ dốc Mình Mạng, cho thấy rạp Lang Bian bị dẹp bỏ, thấy tường bên hông của tiệm Đức Lập, bán vật liệu xây cất. Rạp Ngọc Hiệp có gánh cải lương Thủ Đô từ Sàigòn lên. Giữa 2 rạp là một con đường nhỏ đi vào sau chỗ sửa xe, có ông tàu bán xắp xắp,… thấy 2 tiệm ăn tàu Như Ý và Kim Linh rồi đến rạp Liang Bian, sau này bị đập bỏ, thế vào đó là cây xăng Ngọc Hiệp (Shell).
Thấy tờ chương trình cho thấy số điện thoại của rạp Langbian là 190, như vậy Đàlạt dạo ấy chỉ có vài trăm người có số điện thoại.
Đây rạp Langbian, người lớn nói là hát bội và cải lương nhiều hơn là xi-nê. Rạp giáp tường nhà tiệm Đức Lập, khi phá bỏ rạp thì có con đường đi vào hẻm phía sau, chỗ có mấy cái quán, một trong những quán bán, là mì quảng của ông bắc kỳ. Bắc kỳ không bán phở lại bán mì quảng. Chán Mớ Đời 

Phim này mình có đi xem, năm học Seconde thì phải. Mê Ali MacGraw từ đó, sau này thấy hình cô ta về già Chán Mớ Đời 

Tờ chương trình mà khi xưa hay xin về làm kỷ niệm. Hồi bé thì bà bán vé không cho vì con nít, sau này hình như họ không in nữa thì phải.
Rạp Kinh Đô ở số 55 đường Hàm Nghi. Mình chưa bao giờ xem ở đây. Sau này thì họ dẹp bỏ. Mình đoán là quá nhỏ để có lời, phải làm lớn ra như rạp Hoà BÌnh để chứa thêm khán giả để trả tiền mướn phim, thêm ghế cũ thiên hạ không đến.
Mình nhớ xem phim này ở rạp Ngọc Lan (Cleopatre) phim dài lê mê. Hai rạp đều chiếu chung phim này nên khi hết cuộn này thì họ cho người đem xuống rạp Ngọc Hiệp để đổi cuộn kia. Thiên hạ đợi lâu, họ bán nước cam vàng BGI hay xá xị. Mình không có tiền, khát nước nóng như điên. Thiên hạ la ó. Ở rạp Ngọc Hiệp thì không có chiếu phim với cảnh hun hít như ở rạp Ngọc Lan.

Ở đây có màn kiểm duyệt như phim “Mùa hè 42”, lúc chiếu cảnh cô vợ được tin người chồng chết, tên con nít hàng xóm đang ôm nhảy đầm rồi cúp mất. Họ lấy cuốn vỡ che ống kính lại rồi khi họ mở ra thì thấy tên con nít bỏ chạy thụt mạng xuống đồi. Sau này ra Hải ngoại, mình ó xem lại thì có cảnh rờ mó hun hít. Chán Mớ Đời 

Vé đi xem phim thời xưa ở rạp Eden, tiền thân của rạp Ngọc Lan. Thôi ngưng ở đây, hôm nào rảnh mình kể tiếp.

Hehe
I see the house where I lived with the brown little duck house on top of picture 
My uncle in law raised about 10 ducks for eggs 
The house behind the Ngoc Lan
Thanks 


Có người cho biết là mình có dùng hình ảnh của anh ta trong bài. Thú thật mình không biết của ai. Lý do là có người gửi cho mình 700 tấm ảnh xưa của Đàlạt. Xem tấm nào có kỷ niệm thì mình viết, rồi tải lên. Ảnh của ai thì cho mình biết để ghi tên của họ. Cảm ơn 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Đường Cầu Quẹo Đàlạt

Khi xưa, hóng chuyện người lớn, họ hay nói đường Cầu Quẹo thay vì đường Phan Đình Phùng như giới trẻ mình gọi, nên ngạc nhiên nhưng không dám hỏi. Tương tự ngày nay, mình nói đường Mình Mạng thay vì Trương Công Định,.. Lý do không dám hỏi vì sợ bị ăn tát khi hỏi kèm theo câu : “mày ăn cơm hớt à?”. Khi hỏi, người lớn không trả lời được câu hỏi, thì mình bị ăn tát, rồi kêu “ sao mày dốt thế”. Mình sợ từ nhỏ hỏi chuyện, đặt câu hỏi người lớn, thầy cô vì sợ gọi: ‘sao mày dốt thế?”. 

Phải chi người lớn giải thích cho mình thì ngày nay, mình không bị lùng bùng trong đầu về những thắc mắc ngày xưa. Người lớn hiểu chuyện thì đã tây phương cực lạc, nay hỏi ai đây. Người sống Đàlạt thì nhìn mình như bò đội nón vì họ gọi mấy đường này khác tên,  khiến mình đực ra như ngỗng ị, điển hình họ gọi đường 3 tháng 2, thay vì Duy Tân. Hình như ngày kỷ niệm ông Trần Phú thành lập đảng cộng sản Đông Dương.

Mẹ mình có nói đường Cầu Quẹo vì quẹo quanh quẹo quất nhưng cái cầu nào nhưng không giải thích được. Cầu Cẩm Đô, trước kia, người Đàlạt gọi cầu ông Cửu Huần, cầu Lò-rèn, xa hơn là cầu La Sơn Phu Tử. Theo mình thì cầu La Sơn Phu Tử thì quá xa cho thời đó, ít ai ở. Chỉ có hai cầu “Cẩm Đô (Cửu Huần) và Lò Rèn”.

Thời tây mới thành lập khu người Việt thì đường Maréchal Foch (Duy Tân), chạy một chiều từ Phan Đình Phùng lên Chợ Cũ (Chợ Cây), khu Hoà Bình rồi chạy xung quanh chợ, đi xuống đường Mình Mạng, rồi quẹo con đường Phan Đình Phùng, để chạy đến cuối đường để quẹo lên đường Duy Tân. Vì lẻ đó mà người lớn khi xưa, gọi đường Cầu Quẹo vì có 2 chiếc cầu “Cẩm Đô” để quẹo qua đường Pasteur mà sau này người ta gọi sau này đường Hai Bà Trưng, và chiếc cầu Lò Rèn, cạnh trường Việt Anh. Bác nào có giải thích nào khác thì cho em xin, hay hỏi dùm người lớn tuổi quen, còn sống.

Mình hiểu lý do người Đàlạt xưa gọi “quẹo” vì con đường có hai cái quẹo để lên và xuống phố. Còn “cầu” thì chưa tìm ra được.

Đây là hình ảnh của đường Minh Mạng, quẹo xuống đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng). Mình thấy căn nhà 2 tầng bằng gỗ của gia đình Đinh Anh Quốc, xưa là tiệm hớt tóc Như Ý, cạnh tiệm giày Hồ Út, người Quảng. Mình có xem một video phỏng vấn ông Hồ Út ngày nay. Theo hình này thì mình đoán là chưa có cầu Cẩm Đô vì nhìn phía sau nhà Đinh Anh Quốc thì chỉ thấy đồi thông và một phần nhà thương Đàlạt xưa, chưa thấy đường Hai Bà Trưng, được thành lập.

Nếu vậy là cầu Lò-rèn vì cầu ông Cửu Huần chưa được xây cất.

Có người cho biết lý do gọi là đường Cầu Quẹo vì ngay dốc Minh Mạng đi xuống có con suối nhỏ, nước từ trên đường Hàm Nghi chảy xuống cũng như dọc đường Phan đình Phùng, vì lẻ đó người Đàlạt xưa gọi là đường Cầu Quẹo.

Thấy con đường hẻm đi từ chỗ phòng mạch ông Sohier, tiệm thuốc tây Nguyễn duy Quang, lên đường Tăng Bạt Hổ, chỗ nhà bác Tám, bán ngoài chợ, mẹ của 2 anh em Phước và Hải, hồi nhỏ chơi với mình, sau này mở tiệm chè Mây Hồng. Nghe nói hai tên này đã qua đời sau 75.

Nay mình mới hiểu vì sao họ xây cái talus cao ở đường Phan Đình Phùng vì mấy căn phố tiệm Hồng Ngọc, nhà nghỉ Le Saigonnais, văn phòng bác sỹ Đào Huy Hách. Thật ra họ có thể xây tầng trên đâm ra đường Mình Mạng, tầng dưới đâm ra đường Phan Đình Phùng, khỏi mất công xây tường tốn tiền, lại mất mặt bằng ở đường Phan Đình Phùng.

Mình thấy rõ trường Thăng Long (Hiếu Học) nơi ông cụ mình đi học đêm để thi bằng tiểu học ở đường Hai Bà Trưng nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng con đường Hai Bà Trưng (Pasteur thời Tây) từ góc Cẩm Đô. Đoán là chưa làm. Phía sau là đường Lò Gạch (Hoàng Diệu). Cuối đường này có cái lò nung gạch cho Đàlạt. Mình không biết đường Pasteur (Hai bà Trưng) đã được thành lập chưa vì thấy toàn là cây thông và đồi phía Nhà Thương.

Xa hơn thì thấy trường Couvent des Oiseaux trước núi Cam Ly. Chắc phải đeo kính loupe để xem cho rõ hơn. Chán Mớ Đời 

Đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng) chỉ có mấy nhà đơn sơ, đoán là của người làm vườn phía sau, đa số là đất của gia đình Võ Đình Dung. Ông này khi xưa, nhà thầu khoán cho Tây, có chân trong hội đồng thị xã, tranh đấu để khu đất dành cho người Việt có đất rộng hơn thay vì 3 mét x 10 mét như kế hoạch. 

Nếu kể về công thì mình nghĩ Đàlạt phải nhớ ơn ông này vì ông ta có rất nhiều ảnh hưởng như cúng dường đất trên đồi cạnh ấp Mỹ Lộc để xây chùa Linh Sơn, và trên số 4, thành lập chùa Linh Quang. Ông ta mua đất hết các khu vực dành cho người Việt như giữa đường Hai Bà Trưng và đường Phan Đình Phùng. Sau này cho trường Việt Anh thuê, ông Ba Đà thuê,….

Nghe kể vợ ông ta là người đàn bà đầy bản lĩnh. Không có bà ta thì chắc ông Võ Đình Dung không thành công như xưa. Có dịp mình kể chuyện vợ chồng ông ta do người lớn như ông bà Võ Quang Tiềm kể lại.
Đây là góc quẹo từ đường Phan Đình Phùng lên Duy Tân khi xưa, thời đường một chiều. Chỗ cây thông khi xưa, có một quán nhỏ, tên Xuân Lan thì phải, nơi dạy đánh máy và ấn loát giấy tờ. Ông cụ mình sau khi giải ngủ, có đến đây học đánh máy, thi vào ty công chánh. 

Ông Đượm đậu đầu, còn ông cụ mình thì được ông Võ Quang Tiềm, kêu ra nhà ông bà ngủ, để học thi vì sợ ông cụ ở nhà buồn đời, lại kêu mẹ mình thức dậy “anh chưa thi đỗ thì chưa, thì chưa..”. Ông Tiềm có hỏi ông trưởng ty công chánh đề bài thi, giúp ông cụ mình đậu thứ nhì. Ông Tiềm không thích ông cụ mình vì bắc kỳ nhưng rất thương mẹ mình. Chính ông đi nhờ thị trưởng Đàlạt, Cao Minh Hiệu, bảo lãnh bà cụ tham gia kháng chiến, năm 17 tuổi bị mật thám bắt nhốt ở Nhà Lao, nếu không thì bị tra tấn, trấn nước nhiều nữa. Thậm chí có thể bị bắn trên Cam Ly như 21 người khác, có một bà tên Lan, trên Số 4 sống sót vụ xử tử các người theo Việt MInh khi xưa. Kinh
Nếu mình không lầm, đường này có cầu Lò Gạch, chạy vào đường Lò Gạch, đường Hoàng Diệu cũ., 

Mình kể lại đây để nhớ ơn mấy người bà con khi xưa đã giúp bố mẹ mình lập nghiệp tại Đàlạt như ông bà Nguyễn Văn Phúng (tiệm Hiệp Thạnh) và ông bà Võ Quang Tiềm (tiệm Vĩnh Hưng), bà con bên mẹ mình. Nghe kể lại ông Tiềm và ông Phúng, làm thợ may khi vào Đàlạt lập nghiệp. Hai ông may áo quần, rồi gánh 3 ngày 3 đêm, đi xuống Đơn Dương, để bán áo quần cho phu thợ đi làm đường rày xe lửa cho Tây. Chịu cực chịu khó nên sau này giàu có tiếng tại Đàlạt.

Xem như đường pHan Đình Phùng có hai cái quẹo, một xuống phố từ đường MInh Mạng và một từ đường Duy Tân (maréchal Foch)  chạy lên phố.

Thấy hai căn nhà nhỏ chỗ rạp xi nê Ngọc Hiệp sau này.
Đây tấm ảnh giúp mình hiểu được tấm ảnh đầu trên. Đường Minh Mạng quẹo xuống Phan Đình Phùng, có mấy bậc thang ngay bến xe taxi , có trạm biến điện, vẫn thấy nhà Đinh Anh Quốc, rạp Ngọc Hiệp đã được xây cất. Phía đường Minh Mạng là mấy nhà ngủ khách sạn. Một của ông Chà Và , chủ tiệm Saigonnais trên khu Hoà Bình làm chủ.

Phía sau thì thấy con đường nhỏ đi từ cầu Cẩm Đô lên nhà thương, và dãy nhà trên đồi thông, chỗ Hạnh ù, học lycee mà mình có gặp lại một lần ở Đàlạt. Cây thông rất nhiều so với thời phôi thai như hình trên, cho thấy người Pháp đã cho trồng thêm cây thông trên đồi.

Mình đọc ở đâu, họ kể là bố mẹ của tên Phước học Yersin, dưới mình một lớp, mua lại rạp xi-nê Ngọc Hiệp của ông tây nào về xứ. Mình có hỏi hắn thì hắn bê ngày bài mình viết về mấy rạp xi-nê Đàlạt xưa về cho mình. Chán Mớ Đời 

Bác nào có ý kiến hay tin tức khác thì cho em xin. Thấy hình dáng Đàlạt thủa ban đầu khiến em thấy bồi hồi và theo những gì nghe thấy để mò xem có đúng Đàlạt ngày xưa.

Có độc giả gửi :’ Đây là góc   nhìn rạp Ngọc  Hiệp  từ  lan can nhà tôi,  Nhà ở phía  số  chẵn trên đường  Cầu  Quẹo..phía sau nhà có 1 ngọn đồi , hình như trên đồi có  một  rạp hát khác không  phải  là  rạp  Ngọc  Hiệp...cám ơn  bạn đã  Post tài  liệu  này.....

Nguyễn Hoàng Sơn 
Có người giải thích như sau:

Sony NguyenUsa 
Mình sống ở  ĐALAT từ năm 1953 năm đó mình 10 tuổi, và nhà mình ngay tại đường HÀM NGHI, cũng gần ngã ba chùa LINH SƠN. Và thấy toàn thể mọi người đêu gọi là NGÃ BA CẦU QUẸO. Chứ chẳng ai nói đường cầu quẹo bao giờ.
Ngã ba cầu quẹo đây có hàm ý là:
Cầu đây không phải là chiếc cầu bắc qua sông. Mà cầu đây mang ý nối nhịp...
Bởi rõ ràng đây là ngã ba nhưng lại chỉ có 2 con đường, đó là đường PHAN Đ PHÙNG và HÀM NGHI mà lại là.... ngã ba, nối nhịp nhau bởi một ngã ba. Vì đây là ngã ba với địa hình tam giác.
Từ HÀM NGHI thì có 2 ngã, một ngã xuống PĐP, một ngã từ PĐP rẽ lên HN.
Còn từ PĐP thì chỉ có một ngã rẽ lên HN thôi. Cũng vì nét  đặc thù khá thú vị ấy nên dân địa phương mới gọi đó là:
NGÃ BA CẦU QUẸO. (Gãy khúc, ý nghĩa của chữ quẹo)
Và sau này có thêm tên NGÃ BA CHÙA nghe thanh tao hơn.
Đó là những gì mình biết về gốc gác ngã ba này từ ngày sống ở ĐL .đến giờ.
Còn cụm từ:
Đường cầu quẹo như bạn nói thì có thể sau này người bắc 1975 họ gọi lầm là đường cầu quẹo, thì mình không rõ. Chứ dân ĐALAT chẳng ai gọi 
"Đường cầu quẹo" bao giờ.

Nhà thờ đầu tiên tại Đàlạt

 Mình có xem mấy tấm ảnh tại Đàlạt sau biến cố Mậu Thân, thấy một nhà thờ bị súng đạn bắn cháy te tua nhưng không nhớ ở đâu. Có một ông mỹ từng tham chiến tại Đàlạt năm Mậu Thân, cho rằng Việt Cộng núp trong đó và trực thăng mỹ đã bắn trong cuộc đẩy lui Việt Cộng ra khỏi thị xã Đàlạt. “ I was the vet that told them our unit 92nd AHC was the unit that hit that church and other targets during TET 68. This the first time I knew we got 30 during this attach, I remember the rockets hitting this structure and others during the two weeks of TET. By the way we lost no one but did have 3 or 4 Wounded Carl Peters was the worst of them”. (Harold Stewart)

Nói cho ngay mình không phải dạng “nhất Chúa nhì Cha thứ 3 Biden tổng thống” chưa bao giờ vào nhà thờ tại Đàlạt khi xưa, quỳ lạy chúa cho mình lấy được đối tượng nên không biết nhiều về các nhà thờ tại Đàlạt. Mình có cô bạn học, vừa là hàng xóm mà mình đặt tên là Thánh Nữ Văn Học vì ngày nào cũng đi lễ ở nhà thờ chỗ nhà thương, cạnh nhà xác, có mấy bà sơ. Sáng mình dậy tập võ, thấy cô nàng đi ngang, chiều lại thấy cô nàng đi về. Có dạo tưởng cô nàng đi tu luôn chớ.

Mấy tên quen trong xóm, công giáo đi họp mặt Hùng tâm Dũng Chí với nhà thờ này như, NGUYỄN ANH Tuần, Lê Công Hùng, Huỳnh Kim Sang, Thạch,.. Cô này đi lễ sáng và chiều. Kinh, nay ở Ohio, mình có gặp lại một lần tại nhà mình. Nay thấy hình Đàlạt xưa thì hay ngồi suy nghĩ vớ vẩn, tra cái đầu xem là chỗ nào nên rách việc, bị đồng chí gái la hoài. Có một video về Đàlạt năm 1970, có chiếu đoạn của nhà thờ này ngay góc Phạm Phú Thứ. Hóa ra nhà thờ Tin Lành. Xem link cuối bài.

Nghe kể năm 1968, Việt Cộng từ Dinh 3 đánh xuống đây, chắc đánh vào tiểu khu Tuyên Đức, ngay góc Yersin và Pasteur, có hàng rào chống B40 rồi chạy vào nhà thờ này đóng chấu. Bị máy bay Mỹ bắn nên bỏ chạy qua nhà thờ Thánh Tâm, bị giết đâu 30 mạng, xác nằm rải rác trên đường Đoàn Thị Điểm, nối liền từ đường Bà Triệu qua đường Hùng Vương. Xem bản đồ cũ Đàlạt cuối bài.

Mình không có đi xem vụ này, dạo ấy còn bé, chưa có xe đạp. Chỉ nhớ là có lần xem xác chết Việt Cộng chết nằm trên đường xuống ấp Tân Lạc, khi mấy ông này đánh Trung Tâm Thẩm Vấn ở đường Bá Đa Lộc. Mình thấy ruồi bu đen mấy xác chết. Mình không hiểu họ để xác trên cái dốc này để làm chi, cho gia đình đến nhận hay để làm gương cho những ai nằm vùng. Ai hiểu vấn đề này thì cho mình biết vì tính hỏi vớ vẩn từ bé, ngu lâu dốt sớm.

Nhà thờ đổ nát khi Việt Cộng tấn công Đàlạt, chạy vào đấy để núp, hy vọng Chúa sẽ che chở nhưng trực thăng mỹ bắn te tua, bỏ chạy qua nhà thờ Thánh Tâm ngay góc Yersin và Đoàn Thị Điểm, trước hai cái nhà kiếng. Nghe nói nhà thờ nằm trên đường Phạm Phú Thứ. Đối diện tiểu khu nơi Việt Cộng muốn đánh chiếm.
Hình mấy ông mỹ đi viếng nhà thờ đã được các chiến hữu của họ bắn phá. Chán Mớ Đời 
Mình không có tài liệu về nhà thơ này. Không biết thuộc nhà thờ nào vì Tin Lành có rất nhiều giáo phái.

Mình thấy trên tấm không ảnh vào những năm Đàlạt mới được xây dựng thập niên 30 của thế kỷ trước thì thấy sau khách sạn Palace, chỗ trường Trí Đức, có một nhà thờ nên đoán là chỗ này. Nhìn kỹ thì không vì địa điểm khác xa. Đây cách khách sạn Lâm Viên khá xa nên cứ suy nghĩ cái đầu già là đâu.

Nhìn tấm ảnh này lúc khách sạn Palace LangBiang được xây cất thì thấy có nhà thờ nhỏ ở phía trên bên tay phải nên đoán là nhà thờ bị Việt Cộng núp bắn các máy bay mỹ nên phi công mỹ bắn đại liên, hoả tiễn te tua. Mình không biết là sau này họ có tu sữa lại không vì mình ít vào đường Phạm Phú Thứ lắm. Chắc Phạm Bích Đào có thể nhớ vì ở Huỳnh Thúc Kháng.
Nếu nhìn kỷ sẽ thấy nhà thờ nhỏ màu trắng sau khách sạn Palace phía trái trên đường Nhà Chung. Do đo mình thắc mắc vì khoảng cách Nhà Chung, ấp Xuân An và Tiểu Khu Tuyên Đức rát xa hơn cây số.

Muốn chắc ăn mình hỏi ông thần đã gửi cho mình trên 700 tấm ảnh, là con chiên nên chắc biết rõ các nhà thờ tại Đàlạt. Ông này cho biết nhà thờ đầu tiên được xây tại Đàlạt, trên đường Nhà Chung đã bị đập phá vào những năm 1970 để nới rộng thêm trường Trí Đức. Còn nhà thờ bị bắn là nhà thờ Tin LÀnh ở đường Phạm Phú Thứ, gần Petit Lycee, cạnh đường Huỳnh Thúc Kháng. Mình mới có thêm mấy tấm ảnh của Petit Lycee, lấy từ kho tài liệu của tây thời thực dân, lúc mới hoạt động, toàn là tây đầm. Hôm nào rảnh mình sẽ bỏ lên. Dạo này mình có mấy cuốn sách cần phải đọc hết trước khi leo núi Whitney.


Xem hình trên thì thấy nhà thờ đầu tiên được thành lập do linh mục Frederic Sidot, cha xứ đầu tiên của giáo sở Đàlạt, đã cho xây thánh đường “HIC DOMUS EST DEI” ( nhà của thiên chúa). Khi ông bác sĩ Yersin tìm ra Đàlạt, và đề nghị với toàn quyền Doumer thành lập trung tâm nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đàlạt, dòng Thừa Sai của Paris (société des Missions étrangères de Paris) có gửi cha Nicolas Couveur đến Đàlạt để tìm một nơi làm trung tâm nghỉ dưỡng cho các nhà truyền giáo tại Đông Dương.
Nhà thờ đầu tiên được xây tại Đàlạt, trên đường Nhà Chung vào ấp Xuân An. Sau này bị đập phá để nới rộng trường Trí Đức. Mình có vào tường này, một lần khi có tổ chức đại hội nhạc trẻ học sinh Đà Lạt năm 1973. Nhớ là các lớp đều có 2 hay 3 tầng lầu.

Hình ảnh nhà thờ đầu tiên  “nhà của Thiên CHÚA”, sau này bị phá bỏ, xây thêm trường Trí Đức.

Hình trên cho thấy nhà thờ chính toà lúc mới xây, chưa có cái tháp chuông, khởi công ngày 19 tháng 7 năm 1931. Công trình xây cất gần 11 năm, được khánh thành vào ngày 25 tháng 1 năm 1942. Vậy là trong thời gian đại thế chiến 2. Nhà thờ được xem là nhà thứ 2 được xây tại Đà Lạt 

Có lẻ vì vậy sau này giáo phận Đàlạt xây nhà thờ chính toà mang tên Saint Nicolas Bari thường được gọi là Sinterklaas (santa Claus) ông già Noel, để nhớ đến cha cố Nicolas Couveur. Nhà thờ nằm ngay con đường Yersin mà người dân Đàlạt gọi là nhà thờ Con Gà vì có con gà được đặt trên cái đồ chỉ hướng gió thổi, không biết tiếng Việt gọi là gì, tây gọi là girouette. 

Có nhiều giả thiết về con gà, mình học bên Tây nên biết con gà trống là con vật biểu tượng cho Pháp quốc, như con ó cho người Mỹ. Nhiều người bựa đủ trò trong mấy trang du lịch để câu khách du lịch. Bên tây đa số mấy nóc nhà thờ đều có con gà trống. Mình nhớ ở trường Petit Lycee có một cái trên nóc nhà chỗ văn phòng hiệu trưởng nhưng nhỏ hơn. Khi xưa bị thầy cô phạt đứng ngoài lớp, sợ ông hiệu trưởng bò lại bợp tai nên hay ngóng về chỗ văn phòng. Chán Mớ Đời 

Người Pháp khi xưa được gọi là Gaulois, tiếng la-tinh là Gaullus, có thêm nghĩa là con gà trống. Sau cuộc cách mạng, người ta dùng con gà trống biểu hiện cho người Pháp thay cho hoa “lis”, biểu tượng cho chế độ quân chủ. Mỗi lần đội tuyển đá banh pháp giao đấu, là có màn con gà trống chạy lòng vòng ngoài sân cỏ trước khi hai đội tuyển sáp lá cà.

Xem ra nhà thờ được xây dựng đầu tiên đã bị đập phá. Nhà thờ Chính toà là nhà thờ thứ hai được xây cất tại Đàlạt, sau đó là nhà thờ Lãnh Địa Đức Bà (Domaine de Marie) ở đường Ngô Quyền và Calmette.

Nhà thờ chính toà hay nhà thờ con gà vì có con gà gắn trên thánh giá để báo hiệu hướng gió thổi.

Nhà thờ chính toà được chọn tại địa điểm này khi các hoạch định thiết kế chương trình phát triển Đàlạt được phát hoạ bởi 2 ông Ernest Hébrard và Jacques Lagisquet. Thường các nhà thờ ở Pháp quốc đều được xây dựng tại các trung tâm thành phố, hay giao thông chính. Nhà thờ chính toà nằm trên đường Yersin, đại lộ chính của khu vực người Pháp sinh sống theo các bản vẽ của các kiến trúc sư pháp. Các vùng trên đồi là dành cho người Pháp như đại lộ Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, toàn là nhà to lớn, biết thự của người Pháp.

Phía bờ hồ có con dốc từ Phạm Ngũ Lão chạy lên nối tiếp đại lộ Hùng Vương, tạo ra ngã Ba, quãng trường chỗ nhà thờ chính toà. Phía dưới đồi là dành cho người bản xứ như Phan Đình Phùng, khi xưa được gọi là đường Cầu Quẹo, và Hai BÀ Trưng, Ấp Ánh Sáng, Hà Đông,…

Mình có kể về ngôi trường học đầu tiên tại Đàlạt, là do mục sư Tin Lành thành lập để dạy dỗ con họ khi truyền đạo tại Việt Nam. Năm 1926, mục sư Herbert Jackson đến Đàlạt để xem xét tình hình để truyền giáo, mình đoán là họ nhắm vào người Mọi vì dạo ấy người Kinh chưa đến Đàlạt nhiều.

Có lần mình đến nhà truyền giáo mỹ để học đàm thụ anh ngữ ở đường Yagut, thì thấy đa số là người thượng ngồi nghe giảng. 

Có anh bạn học cũ đi dạy ở Tutra 5 năm sau 75, kể là người Mỹ đến đây truyền đạo, họ ghi viết và in lại thổ ngữ CHu-ru, buồn đời, anh ta lấy học tiếng CHu-ru. Suýt lấy vợ người CHu ru, may tìm lại mối tình đầu của anh ta nếu không ngày nay bận khố như người Chủ-ru.

Nhà thờ Tin Lành ở đường Hàm Nghi mà khi xưa mình hay nghe họ giảng đạo vào cuối tuần qua các loa phóng thanh. Hình như khi ông mục sư giảng thì học phát loa cho cả thị xã Đà Lạt nghe. Đến Noel thì thấy họ treo đèn đủ trò.

Khởi đầu họ có một cơ sở truyền giáo nhỏ ở đường Minh Mạng, ngay tiệm hủ tiếu Nam Vang. Họ ở đó và truyền đạo luôn như trường hợp mình có đến đường Yagut một lần để tập đàm thoại anh ngữ với mấy người mỹ giảng đạo Tin Lành. Hội thánh Tin Lành ra đời tại Đàlạt vào năm 1936 với 20 tín đồ. Họ xây nhà thờ Tin Lành đầu tiên tại đường Hàm Nghi vào năm 1942, sau này các hệ phái khác cũng đến Đàlạt để truyền đạo như Cơ Đốc Phục Lâm,..mình chỉ nghe đến nhưng dạo ấy không rành lắm nên chỉ nhớ mại mại có những hệ phái này. Sang Hoa Kỳ mình mới tìm hiểu thêm về đạo Tin Lành thì rối như canh hẹ. Nhiều hệ phái lắm.

Mình nhớ nhà thờ Tin Lành hay bắt loa phóng thanh giảng đạo vào cuối tuần. Nhà thờ nằm trên đồi Hàm Nghi, xem như cao nhất Đàlạt dạo ấy nên ở phía nhà mình phải nghe hết. Vào lễ giáng sinh thì thấy họ thắp đèn đầy cây trên đồi. Đẹp như sao trên trời.

Đó là những gì mình nhớ mại mại về các nhà thờ chính toà ở Đàlạt khi xưa. Có chị bạn cho biết là tước Mậu Thân, gia dình chị ta ở đường Huỳnh Thúc Kháng, sau đó thì dọn về đường Yersin, góc Bà Triệu. Mình nhớ vườn có cây thông đủ trò.

Nhà thờ tin lành nhỏ ở gần mấy ngôi nhà nghỉ mát của Shell trên đường Yersin . 

Gia đình tôi ở 11 đường Huỳnh Thúc Kháng năm Tết Mậu Thân . Bị pháo kích như điên . Khi đi ra khỏi nhà có thấy lính VC nằm chết rải rác . Sau đó thì nhà bị pháo kích xập luôn .

Con gà weathervane cũng rất phổ thông ở bên Mỹ . 


Đây là bản đồ Đàlạt trước 75 của anh bạn học Chử Nhị Anh vẽ lại.