Showing posts with label Bè bạn. Show all posts
Showing posts with label Bè bạn. Show all posts

Arizona, 20 năm sau

 Đồng chí gái xin nghỉ 1 tuần, kêu mình chở đi leo núi đồi ở vùng Sedona, tiểu bang Arizona mà cách đây 20 năm, cả gia đình có đến đây chơi. Dạo ấy, đồng chí gái được công ty gửi đi công tác ở Phoenix. Cuối tuần 3 cha con, lái xe chạy qua thăm rồi kéo nhau đi Sedona, viếng vùng đồi núi này.

Mình chạy dọc xa lộ số 10, trực chỉ Phoenix, thấy toàn là sa mạc và sa mạc. Chạy ngang vùng Blythe, gọi hỏi tên bạn có cái vườn trồng chà-là ở đây. Định ghé lại để đồng chí gái xem họ trồng chà là ra sao nhưng cuối tuần, hắn bò về Riverside, thăm vợ con. 

Đồng chí gái mê chà là non thêm cô bạn cũng mê, cứ hỏi mình hoài. Chị bạn này rất tốt với đồng chí gái. Mình lên vườn, không ai nấu cho ăn, chị bạn này nấu thức ăn, đem lên, để ngoài cửa cho đồng chí gái xơi. Chị ta mua ở đâu cá sống trong hồ, tươi để nấu. Không chạy xa lộ được, phải chạy đường trong mất cả tiếng đồng hồ. Mụ vợ mình được bạn bè thương mến nên mình thuộc diện ăn theo. Năm nay tới mùa, mình mua cho chị ta mấy ký để dành ăn cho khoẻ. Mình có mua mấy ký cho vợ để đông lạnh, nay thấy hết nhẵn.

Hôm trước, có hai chị nào, chưa bao giờ gặp nhau, kêu mình dễ thương. Kinh. Cả đời mình chưa bao giờ có một phụ nữ nào, gặp mặt rồi kêu là dễ thương, ngoại trừ mẹ mình. Ai cũng kêu Chán Mớ Đời 

 Hôm nào, về, mình xem có thể ghé lại thăm vườn của hắn cho đồng chí gái viếng. Có dạo mình tính mua cái vườn chà-là tại đây nhưng thấy xa quá nên thôi. Biết đâu, nếu bán được vườn bơ thì có thể mình chạy xuống đây mua cái vườn chà-là. Xây cái nhà nhỏ, cuối tuần xuống đây chơi nhưng mùa hè nóng lắm. Vùng này có con sông Colorado nên nước rẻ lắm. Năm trả $500 vì chà là uống nước còn hơn lạc đà. Thiên hạ, cho ngập nước cả cánh đồng, trồng cỏ bán cho dân nuôi bò mua về cho bò họ ăn. Đến vùng này, chỉ thấy vườn chà là và cỏ xanh rì.

Gần đến thành phố Phoenix thì bắt đầu kẹt xe, xa lộ được làm rộng ra không như xưa, chạy cả tiếng không một bóng người. Thành phố này phát triển nhanh chóng. Dân cali, bỏ chạy sang đây lập nghiệp khá nhiều từ 15 năm nay, nhà cửa xây đầy nơi. Có anh bạn, khi xưa đi làm ở đây, cuối tuần lái xe về thăm vợ con, có nói cho mình nhưng không thể ngờ được.

Khi xưa, thành phố Phoenix rất nhỏ trong sa mạc. Một ông Mỹ có mấy ngàn mẫu đất. Nghe tin thành phố muốn xây một phi trường, ông ta đề nghị cho thành phố mướn đất ở giữa mấy ngàn mẫu để xây, chỉ trả $1 cho một năm. Thế là hội đồng thành phố nhất trí, kiếm nhà thầu đủ trò. Xây phi trường xong thì các công ty hàng không cần các kho hàng,… thế là ông ta cho mướn đất xung quanh phi trường, giàu to. Con cháu mấy đời ăn không hết. Đó là một ý tưởng đầu tư mà mình chưa bao giờ gặp cả. Hy vọng một ngày nào đó trúng mánh này.

Khi xưa, mình tính mua đất ở Long Khánh, nơi ho tính xây phi trường cạnh Sàigòn. Mình mua một căn nhà ở Sàigòn, để mấy đứa cháu về Sàigòn học ở đó. Ai ngờ 6 tháng sau, họ giải toả nên hết dám đầu tư ở Việt Nam.

Nếu mình không lầm, khi xưa vùng này thuộc Mễ Tây Cơ, sau cuộc chiến với Hoa Kỳ, Hoa Kỳ chiếm luôn đất này hình như năm 1848. Lúc đầu có ông nào bò đến đây để trồng trọt. Chỗ này nóng như thiêu đốt vào mùa hè nhưng ông ta cho đào con kênh để dẫn thuỷ nhập điền. Chỉ đến khi đường xe lửa được chọn chạy ngang vùng này thì mới bắt đầu phát triển. Đến đây mình lại nhớ phim cao bồi Spaghetti, xem ở rạp Ngọc lan khi xưa, vói Charles Bronson và Henry Fonda đóng với cô đào bóc lửa Claudia Cardinal. Nói về sự thành hình các thành phố tại Hoa Kỳ, khi các đường xe hoả được thành lập bên cạnh các nhà ga xe hoả.

100 năm trước khi tổng thống Roosevelt làm cái đập, dẫn nước và điện thì khu vực này dân số độ 25,000 người. Nay lên đến 1.5 triệu người. Các công ty như Intel, Motorola, mở hãng xưởng ở đây vì đời sống cali quá đắt đỏ. Vùng này, rất thủ cựu. Trước đây có một bà thống đốc cực hữu, cảnh sát chận xe dân gốc Mễ lại nên dân gốc Mễ bỏ chạy sang Cali khá nhiều.

Ngoại ô thành phố Phoenix, gần xa lộ, toàn là ruộng và xưởng

Lấy phòng ở khách sạn xong thì mình, nhắn tin cho anh quen qua Facebook. Anh này, gốc Bảo Lộc, bạn học của một chị gốc Đà Lạt, mình quen trên nhóm “ACE Đà Lạt”. Mình tính chạy thẳng lên Sedona, cách Phoenix độ 2 tiếng lái xe nhưng không biết mụ vợ thức lúc nào và lên đường khi nào nên đặt phòng ở Phoenix, chỉ cách 4-5 tiếng lái xe. Sau đó sẽ lên Sedona, không gấp rút.

Anh chàng gốc Bảo Lộc, mời hai vợ chồng đến nhà ăn cơm chiều. Anh cho biết bố mẹ di cư năm 1954. Dạo ấy có đến 1 triệu người trong một thời gian ngắn. Nay mới hiểu chính quyền Ngô Đình Diệm, dạo ấy rất giỏi, mới lèo lái được vụ này, định cư 1 triệu người và phải chống đỡ các nhóm Bình Xuyên, nằm vùng. Sau đó họ cho nhiều người di cư lên Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh, và các nới khác để lập nghiệp. Đa số là người công giáo nên họ thành lập mấy xóm đạo như Đà Lạt có Ấp Du Sinh khi xưa, rất chống Cộng.

Hai vợ chồng đều cùng xóm đạo ở Bảo Lộc. Anh ta học đại học sư phạm với chị Lài, ở Riverside, cựu nữ sinh Bùi Thị Xuân. Anh ta kể, đi dạy gần Bảo Lộc rồi vượt biển nhưng không thành đành về đi dạy lại rồi người em thoát nên bảo lãnh, 12 năm sau mới sang. Nói theo thầy bói là anh này không có ligne de mer, chỉ có ligne de l’ air

Sang đây, hai vợ chồng đi học làm nail. Sau đó anh không có khiếu vẽ móng tay nên đi làm nhà hàng, còn chị vẫn tiếp tục làm nail đến giờ. Sau 5 năm lao động, hy sinh đời bố mẹ củng cố đời 3 đứa con, hai vợ chồng mua được căn nhà to đùng như cái đình. Mình phục sát đất. Mình sang Hoa Kỳ 5 năm, chả để dành được 1 xu, lấy tiền cho gái hết, đòi lại không được. Chán Mớ Đời 

Làm đầu bếp nhà hàng được 10 năm, phải về khuya, nay đi làm cho công ty khác cho nhàn. Anh ta kể thức ăn nhà hàng á đông khiến mình hết dám ăn. Thức ăn đông lạnh rồi chỉ hâm lò vi-sóng. Thịt gà, thịt heo, họ lột nhãn hiệu cũ 2 , 3 năm về trước để dán nhãn hiệu mới để bán ở siêu thị. Mình có nghe một chị bạn làm cho siêu thị Việt Nam ở Bolsa. Chị ta kể là đừng bao giờ mua trái cây ở siêu thị Việt Nam. Lý do là các siêu thị mỹ, khi trái cây để ra ngoài mấy ngày là họ phải quăng. Thay vì đem quăng thùng rác, tốn tiền, họ kêu các chợ Việt Nam đến lấy đem về bán lại cho đồng hương với giá hữu nghị. Lý do mà trái cây rẻ và hư nhiều.

3 loại chả giò: Hoả tiễn, nem và rang cốm. Ngon cực đỉnh

Anh này làm nhà hàng mà cô vợ nấu ăn cực ngon, cứ lên du-tu-be học rồi nấu cho chồng con ăn. Thành thật mà nói thì chị ta nấu ăn rất ngon. Có lẻ từ năm 1974, đến nay mình mới ăn lại chả giò ngon như vậy. Lần ấy, Mệ Ngoại mình làm ăn quá đỉnh. Ở Bolsa thì dầu mỡ nhiều nên mình không dám ăn. Tối qua, chị ta làm món chả giò hoả-tiễn, loại tôm, rồi loại có cốm, nhưng mình thích nhất là món chả ram, cực đỉnh. Có món gà luộc với lá chanh thái. Mình nghe đến món này nhưng có lẻ lần đầu mới được ăn món này. Rất ngon! Thêm món Nộm gà. Chắc đi lễ về, hai vợ chồng bỏ hết thì giờ để nấu ăn tới chiều vì có thêm món cháo gà mà đồng chí gái mê. Khi ra về, chị Khanh còn bới to go cho hai vợ chồng để sáng ăn sáng với cháo gà và bánh nậm.

Mụ vợ kêu tháng 5 thì phải, sẽ qua lại Arizona, để họp mặt với bạn học Trưng Vương. Mình sẽ có nhiều thì giờ chạy vòng vòng trong ngày, trong khi mụ vợ hò hét gì đó với bạn. Đây có một đường mòn leo núi cũng khá châm, mụ vợ leo không nổi, mình sẽ leo một mình.

Hôm nay, tà tà hai vợ chồng đi viếng Phoenix rồi chạy lên Sedona vài ngày, leo đồi núi rồi về. Tháng 6 lại leo đỉnh núi Whitney 3 ngày.

Tháng tới là mình leo núi và cắm trại 7 ngày trên đỉnh Machu Pichu, Peru. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn 


Chấm dứt một cuộc tình Thái-Việt

 Dạo thằng con học tiểu học, có chơi thân với một tên gốc Mít và Thái. Bố nó là người Thái, mẹ nó cũng là người Thái nhưng gốc Việt. Nghe nói có một cộng đồng người Việt tại Vọng Các. Trong hồi ký của ông Trần Trọng Kim có đề cập đến vấn đề này. Mình có ông Dượng, gốc Bắc kỳ, năm 1945, chạy tản cư với gia đình, ông lạc sang Thái Lan, lấy vợ Thái bên đó, đến khi liên lạc được với bố mẹ, di cư vào nam, nên đem 4 đứa con về Việt Nam. Có lần ở Luân Đôn, mình vào tiệm ăn tàu, nổi tiếng món vịt quay ngon nhất thủ đô Anh quốc, gặp chị phục vụ viên, nói tiếng Việt giọng Bắc cực chuẩn, tự xưng sinh tại Thái Lan. Mình sinh tại Đà Lạt, mới qua Tây mấy năm đã quên lú tiếng Việt. Chán Mớ Đời 

Bạn thằng con họ Bạch như gia đình thầy Bạch Thái Hà, chắc có máu làm ăn của gia đình Bạch Thái Bưởi vì rất giàu. Kể sau. Bố mẹ nó đặt tên Johann, họ Bạch nên đi học, thầy cô gọi Johann Bach như nhạc sĩ nổi tiếng của Tây Âu, chỉ có điều là hắn chơi nhạc rất tồi. Hai đứa chơi thân nên có trò ngủ nhà bạn. Mỗi lần thằng con ôm áo quần qua nhà thằng bạn ngủ, về nhà là cứ u chau, u chau… 

Chúc các bác gái một ngày phụ nữ đòi quyền sống như mấy cô đại diện Corona

Được gia đình bạn cho ăn uống mệt thở, không hà tiện như ở nhà mình. Nhà lại to, 1 phòng ngủ to hơn cả cái nhà của mình. Nhà họ ở khu Orange Park Acres, nghĩa là lô đất nhà tối thiểu trên một mẫu Anh quốc. Vợ chồng mình được mời đến nhà chơi một lần thì thất kinh vì nhà to hơn cái đình. Dạo ấy mà nhà đã có màn ảnh ghép ở lại to trên tường để xem đá banh. Độ 9 cái màn ảnh 35 inches ghép lại, nhà mình có một cái 27 inches được xem là hạnh phúc rồi. Họ có riêng phòng tập tạ, máy chạy bộ đủ trò, to hơn cả căn nàh của mình. Viếng nhà người ta xong mình thấy thẹn quá, không biết làm sao mà có thể làm giàu như họ. Đành nói với đồng chí gái là kiếp sau, anh ráng làm giàu như người ta. Mụ vợ kêu kiếp sau, gặp anh là tui băng qua đường tránh đụng anh. Chán Mớ Đời 

Họ nhờ có quốc tịch Mỹ và Thái nên xuất cảng đồ về Việt Nam và Thái Lan từ lâu. Không hỏi rõ vụ này. Họ chỉ kể là làm xuất nhập cảnh thức ăn của xứ này qua Mỹ rồi mua đồ gì bên này bán lại cho hai xứ bên kia. Giàu nức nở. Sau này, lớn lên hai đứa học khác trường trung học. Mình cho con học trường trung học ở Villa Park còn họ thì cho con học trường ở Anaheim Hills, gần nhà họ hơn.

Hôm trước, buồn đời mình chạy ngang khu Orange Park Acres để xem nhà cửa xây cất tới đâu rồi. Khi xưa, mình mê mua nhà khu này nhưng mụ vợ chê khu này, kêu hàng xóm xa cách quá. Nay ở nhà hàng xóm bên cạnh, chả gặp ai cả. Lâu lâu gặp, hỏi mấy câu trời mưa nắng xong là chạy. Sau 15 năm thì nhà cửa được xây cất lại rất nhiều. Khu này đất rộng nên dân giàu, có nuôi ngựa để cởi vòng vòng sau nhà hay trước nhà. Xưa kia là nhà như nông trại nay thì toàn là biệt phủ hết.

Chạy qua nhà thằng Johann thì thấy bà mẹ nó đứng trước nhà nên dừng lại hỏi thăm. Bà cho biết thằng con nay đi làm kỹ sư, còn ông chồng thì ly dị rồi. Mình không muốn hỏi thêm, định cáo từ nhưng buồn đời hay sao bà ta kể. Ông chồng về Thái Lan, có em chân dài nào túm cổ nên ông ta đòi ly dị, để đem cô ta sang. Ra toà thì bà ta gốc Việt nên hơi keo kiệt, mướn luật sư rẻ nên bị luật sư của ông chồng cãi hay nên ông chồng giữ căn nhà to đùng, còn bà thì lấy căn nhỏ hơn cho thuê khi xưa.

Như hiểu được sự ngơ ngơ ngáo ngáo của mình, bà ta kể tiếp. Trước khi dọn ra, bà ta mua mấy ký tôm về ăn rồi còn dư thì bà ta lấy cái gậy bằng nhôm để móc màn cửa sổ của mỗi phòng. Mấy ống này tròn, làm bằng nhôm nên ở trong rỗng. Bà ta lấy cái đầu ra rồi nhét võ tôm và tôm còn dư và những tình cảm yêu thương sâu đậm cho kẻ nội thù vào mấy cái ống rồi đậy nắp lại. Nhà từ trên xuống dưới nhất là phòng khách có mấy cái màn đẹp tuyệt vời của bà mua đặt bên Thái Lan đem về, đều được thiết bị các con tôm Thái Lan. Sau đó bà ta ca bản Capri! C’ est Fini!

Bà ta giao chìa khoá cho luật sư rồi ông chồng và cô bồ mới dọn vào. Được vài hôm thì bốc mùi. Ông chồng kêu thợ diệt chuột đủ trò đến. Tốn mấy ngàn đồng mà mùi hôi không bay đi, xịt mấy lít nước hoa CoCo Channel đủ trò nhưng hôi vẫn hoàn hôi. Ông chồng quyết định bán nhưng khách thấy nhà đẹp nhưng vừa mở cửa vào là chạy mất dép. Để cả năm không bán được nên bà ta nhờ luật sư, hỏi có thể xét lại tiền bạc chia ra sao thì bà ta lấy lại căn nhà. Nhà trị gía đâu 5 triệu nhưng bà ta điều đình sao đó chỉ trả có $500,000. Kinh

Giấy tờ xong xuôi thì bà ta cho thợ lấy mấy cái màn đem quăn hết, cho sơn phết lại nên hết ngửi mùi tôm chết theo cuộc tình hữu nghị 30 năm.

Hôm nay là ngày 8 tháng 3, ngày phụ nữ thế giới. Em kể lại đây để mấy bác nào có chồng về Việt Nam, kiếm em chân dài, đòi lấy luôn căn nhà của mấy bác thì nên chơi đòn cô gái Thái Lan gốc Việt Nam. Kinh

Còn mấy bác trai thì sau 3 năm, vào quốc tịch các em chân dài đá mấy bác, thì dùng chiêu này để lấy lại căn nhà mà mấy bác đã bỏ công sức, lao động để mua.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Du lịch Đức quốc, Áo quốc và Hoà Lan

 Nhớ năm thứ 3, mình làm hướng dẫn viên du lịch cho lữ quán thanh niên (auberge de la jeunesse), dẫn đám tây đầm đi Hoà Lan và Đức quốc. Có hôm, đi học ra, mình bò lại Boulevard Saint Michel đi vòng vòng chơi. Đi ngang qua văn phòng lữ quán thanh niên, thấy họ dán nơi cửa sổ mấy tấm Bích chương du lịch Ý Đại Lợi, Anh quốc,… bổng mình thấy có tờ quảng cáo, hỏi có muốn du lịch miễn phí. Thấy hấp dẫn, mình bò vào văn phòng hỏi. 

Bà đầm cho biết họ đang tuyển các hướng dẫn viên du lịch. Dẫn đám tây đầm trẻ đi chơi thì khỏi phải đóng tiền. Thế là mình ghi danh để họ phỏng vấn. Đến ngày đến giờ thì có đâu 10 tên tây và đầm có mặt. Họ giải thích cần đọc thêm về văn hoá, nghệ thuật của nước đi du lịch để giải thích cho đám tây đầm. Họ hỏi mình học ngành gì, kêu kiến trúc nên nhận ngay. Sau này mình đi họp lớp huấn luyện thì thấy có 2 cô đầm hôm đó và nhiều người khác.

Hoá ra, lữ quán thanh niên pháp, tổ chức cho đám thanh niên, thanh nữ đi du lịch bằng xe buýt, rẻ nên cần hướng dẫn viên du lịch miễn phí. Được bao ăn ở, nhưng không có lương. Họ huấn luyện đâu mấy ngày cuối tuần rồi bổ mình đi Đức quốc, Áo quốc và Hoà Lan. Dân thâm niên thì được cho đi Ý Đại Lợi. Mình ma mới thì đi mấy nước mà tây chê.

Lễ nghỉ mùa xuân năm ấy, mình và cô đầm tên gì quên mất tiêu. Cô này không phải sinh viên, đã đi làm rồi. Dẫn một đám tây đầm 40 mạng đi du lịch 3 xứ này. Họ đã lập ra chương trình, mình chỉ việc xem đường, bản đồ, để dẫn tài xế lái cho đúng, đến các lữ quán thanh niên mỗi tỉnh đã đặt phòng trước, tiệm ăn mỗi nơi. Trưa thì lữ quán thanh niên lo còn tối thì mọi người tự túc.

Bruges: khởi hành từ Paris, có một đám tây đầm 40 mạng. Đầm đâu 30 mạng còn lại thì tây con. Đầm sợ đi chơi một mình nên đi theo đoàn cho an ninh. Con trai thì vác ba-lô đi tá lả còn phụ nữ thì cũng ngại thêm bố mẹ cấm cản. Đó là 45 năm về trước.

1 trong mấy con kênh của thành phố Bruges, Venise du Nord.

Sau màn điểm danh là lên đường trực chỉ thành phố Bruges của Bỉ Quốc, được tây đầm gọi là Venise du nord. Lý do là họ có nhiều con kênh để di chuyển như thành phố Venise của Ý Đại Lợi. Xứ Bỉ này tuy nhỏ nhưng lại nói 2, 3 thổ ngữ. Vùng cạnh Pháp quốc thì nói tiếng Pháp, hình như họ còn nói tiếng wallon và phần gần biên giới Hoà LAn thì nói tiếng Flamand, gần gần tiếng Hoà Lan.

Xứ Bỉ này, mình chỉ biết đến địa danh Waterloo, nơi quân của Napoleon bị đánh bại và trận đánh nổi tiếng Flandres, giữa quân đội đồng minh và Đức quốc xã, đã giúp quân đội đồng minh tiến chiếm xứ này, đẩy lui quân đội Nazi về Đức quốc.

Dân Bỉ hay than là món quốc hồn quốc tuý của nước họ là món khoai tây chiên mà người Mỹ lại kêu là French Fries. Mỗi xứ kêu là họ khởi đầu món khoai tây chiên. Sang Hoà Lan cũng thấy họ ăn khoai tây chiên đầy đường, bên Bỉ cũng vậy, nhiều xe bán khoai tây chiên ngoài đường, tuyệt nhiên mình không thấy tại Paris. Thấy dân gốc Bắc Phi bán bánh mì merguez. Người Tây lại gọi “pomme frites”, nói tắc từ pomme de terre. Pomme là trái táo, đây đào từ đất nên gọi pomme de terre.

Xe chạy một mạch, có nghỉ dọc đường để bà con đi xả xú-bắp. Mình phải giải thích các thành phố chạy ngang như Compiegne, Arras,… xe ngừng lại thành phố Roubaix, thành phố mà ông cậu họ, con ông bà Đàng, học y khoa tại đây đã ghi danh cho mình học đại học ngành kỹ sư Dệt. Sàigòn thất thủ nên mình không lên đây, mà ở lại Paris. Không bao giờ gặp lại cậu Nghị.

Tại đây, xe buýt đậu cho bà con ăn uống trưa, rồi thẳng đường chạy đến Bruges. Vùng này họ nói tiếng Flamand nhưng xổ tiếng pháp vẫn ok. Họ không lộn xộn như dân ở Quebec, Gia-nã-đại. Xe đến lữ quán thanh niên, cho bà con vào như đàn cừu, lấy phòng sau đó, dẫn bà con đi xuống con kênh, mướn tàu ngồi chạy vòng vòng. Khá đẹp!

Amsterdam: sáng hôm sau, ăn sáng xong thì thiên hạ đem va-li ra xe rồi trực chỉ Rotterdam, chạy vòng vòng xem, rồi đến Amsterdam. Lấy phòng cho bà con xong thì ăn cơm tối tại lữ quán thanh niên. Mình ngồi ăn chung bàn với mấy học sinh Hoà LAn. Chúng nói tiếng anh rất giỏi. Khi xưa, sinh viên hay học sinh Đức, Hoà lan, Bắc Âu, nói tiếng anh rất giỏi. Không hiểu chương trình dạy ngoại ngữ của họ ra sao mà đi du lịch gặp mấy dân này, nói anh ngữ rất giỏi. Tây đầm thì khạc không ra một chữ tiếng anh. Nói chung dân vùng la-tinh là hay ngọng tiếng anh.

Ngày nay, Liên Hiệp Âu Châu đã giúp sinh viên nói anh ngữ khá rành. Lên xe buýt thì có màn giới thiệu danh tánh, ở đâu. Hoá ra cũng có nhiều người ở vùng quê, tỉnh nhỏ, lấy xe lửa lên Paris đi theo đoàn. Nói chung, dân gốc thợ thuyền, khác với đám sinh viên mình quen ở đại học. Không rành về lịch sử âu châu lắm. Mình cứ tưởng tây đầm là phải biết rành về lịch sử nước của họ nhưng hỏi ra thì mù tịt. Có nhiều người hỏi mình khi ăn cơm.

Amsterdam là cái nôi sinh ra chủ nghĩa tư bản mà mình đã kể rồi. Gần biển, nằm thấp hơn mặt biển nên họ có mấy cái đê cao ngất. Tây hay gọi Pays Bas, nước thấp. Cũng có nhiều con kênh như Bruges. Cũng mướn tàu đi vòng vòng chơi. Khá đẹp. Mình muốn trở lại đây với đồng chí gái. Để xem có dịp là đi. Đi xong thì bò lại phố đèn đỏ nổi tiếng. Mấy cô gái bận đồ rất khêu gợi, ngồi nơi ghế bành, để bà con ngắm. Ai thích thì mở cửa bước vào, ru em vào động hoa đào. Mình thấy lạ lạ, khác với phố Saint Denis ở PAris, nơi mấy chị em ta đứng đường.

Đúng là cái nôi của chủ nghĩa tư bản. Họ trưng bày món hàng cực đỉnh khiến đàn ông thèm nhỏ nước mồm, có bao nhiêu tiền đều bỏ ra thay vì theo mấy cô đứng đường như tại Paris.

Nói tới đứng đường, khiến mình nhớ đến Bois de Boulogne. Khi xưa, mình ở căn phòng ô-sin ở Neuilly Sur Seine. Sáng mình hay chạy bộ và tập võ trong rừng này. Chỉ đi bộ qua trạm métro Les Sablons rồi đi băng qua jardin d’acclimatation là đến. Đi bộ độ 1 cây số, thường là mình chạy bộ luôn. Nhiều hôm, tuyết rơi, chạy trong rừng trắng xoá, đẹp không tả như bài hát của Adamo “Tombe la neige”.

Có lần mình thấy có bà đầm nào chạy theo một tên tây từ trong bụi rậm, bà ta chửi loạng xà ngầu khiến mình ngạc nhiên. Vô lớp kể cho bọn học chung thì mới được giải thích. Khu rừng này nổi tiếng có mấy chị em ta đứng đường. Cứ tối là đông lắm. Mình chỉ biết buổi sáng, và cuối tuần đến đây đá banh với tây con.

Lâu đài của vua chúa ở khi xưa, phía đối diện có cái đồi Belvedere rất đẹp

Hôm sau, lên đường đến Áo Quốc. Xe ngừng ở Stuttgart, để bà con ăn uống trong quán ở xa lộ. Tài xế và hướng dẫn viên miễn trả tiền. Chiều đó thì đến Wien, thủ đô Áo Quốc. Dạo ấy, nước Áo được xem là trung lập giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản nên mình thấy là lạ. Lấy phòng ở Lữ Quán Thành Niên, mình dẫn cả nhóm ra phố cổ nơi có nhiều du khách.

Khu Prater mà Orson Wells có đóng rất hay khiến mình tò mò về xứ Áo Quốc.

Trong phim “người thứ 3” do Orson Wells đóng, hình như do nhà văn Graham Green viết, có chiếu cảnh tại Prater nên mình kêu anh tài xế, cả đám đến đó xem. Phim này khiến mình rất tò mò về nước Áo Quốc. Nước này khi xưa là một đế quốc rồi đánh nhau ở thế chiến thứ 1, thất trận nên thiên hạ chiếm hết đất của họ như Hung Gia LỢi, Đức quốc,… nay còn rất ít đất. Chỉ nổi tiếng với phim “Sound of silence”. Nước này có nhiều núi nên có nhiều hồ rất đẹp. Lúc chạy xe, thì chương trình có cho thiên hạ dừng lại mấy cái hồ để chụp hình trong khi mình hỏi “wo sind die toiletten bitte?”. Đi đâu cũng bị mấy bà hỏi kiếm dùm nhà vệ sinh. Chán Mớ Đời 

Tại đây cũng dẫn tây đầm đi viếng mấy lâu đài mà mình đã kể rồi.

Mình nhớ đêm cuối cùng ở Wien, cả đám đi đến chỗ nào quên tên, du khách đến rất đông để uống rượu trắng Riesling gì đó. Cứ mỗi chỗ, họ cho thử một ly nhỏ. Cô đầm hướng dẫn viên với mình, bổng nhiên xổ tiếng anh với mình cả đêm. Chán Mớ Đời 

Hallstad, là một trong nhưng khung cảnh hồ ở Áo Quốc rất đẹp.

Sau đó, đi viếng trại tập trung Mauthausen, nơi  nơi Đức quốc Xã cho người DO Thái vào để giết bằng hơi ngạt. Hải hùng! Không biết họ có làm thêm hay không nhưng nếu đó là sự thật thì quá kinh khủng. Rồi ghé thành phố Salzburg, nổi tiếng về festival nhạc Mozart. Rất đẹp, mình có vẽ cái lâu đài trên núi. Quá đẹp!

Innsbruck: trên đường về, thì ghé thành phố nhỏ này để ngủ lại vì rẻ thì phải. Sau đó, thì đi Đức quốc trên đường về lại Paris. Ghé lại viếng Munich, nhất là sân vận động thế vận hội, dạo ấy được xem là sân vận động mới nhất và đẹp nhất thế giới, nơi mà dân đòi giải phóng Palestine, bắt cóc và giết mấy lực sĩ Do Thái. Mình chỉ ghé lại xem thôi. Thành phố này nổi tiếng về lễ hội bia và tháng 10, Oktoberfest. Tại quận Cam, có 1 tiệm ăn đức lâu năm, trên 47 năm, mới đóng cửa vĩnh viễn. Thật ra mình cũng không thấy ngon lắm nhưng lâu lâu ghé lại đây ăn cho vui, nhớ lại kỷ niệm một thời. Thức ăn đức không có gì đặc biệt lắm ngoại trừ xô-xích và món zauerkraut. Tối ngủ lại đây rồi hôm sau trực chỉ về Paris vì Chủ Nhật. Sáng hôm sau, ai cũng phải đi làm hay đi học lại.

Năm sau, họ cũng cho mình đi lại tour này nên mình Chán Mớ Đời nên ngưng luôn. Mình thích đi vác ba-lô hơn là phải ngồi trên xe buýt, nói vớ vẫn mà đám tây đầm thì ngủ khò, chả màng đến nhưng không trả tiền thì phải lao động. Đi vác ba-lô thì mình có thể vẽ và bán tranh cho du khách, kiếm tiền.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Học và viết tiếng Việt

 Dạo này, có ông thần nào “dán tên mình” vào một bài viết của cô nào, than là ngày nay người Việt viết tiếng Việt rất cẩu thả, sai lỗi chính tả, đủ trò. Thiên hạ nhảy vào hội đồng, ném đá những người viết sai chính tả như mình. Chán Mớ Đời 

Mình đoán là các chiến sĩ an ninh mạng, đang định hướng dư luận để họ quên đi vụ công ty Việt Á, được gắn huy chương nhà nước gì đó.

Thật sự, trình độ tiếng Việt của mỗi người Việt rất khác nhau nên không thể so sánh được. Mình lấy thí dụ: một cô bạn học khi xưa ở Yersin. Từ bé tới lớn học trường Tây, sau 75 qua tây học tiếp. Nay sống ở tây nên tiếng Việt không rành lắm. Ông chồng nói với mình là cô nàng đọc nhưng không hiểu những gì mình viết. Lý do là tiếng Việt không rành, chỉ biết nói chuyện vớ vẩn với người Việt tại Pháp. Dạo mình mới sang pháp, gặp người Việt, nói tiếng Việt như con mình ngày nay.

Một cô khác, tương tự, kêu ông chồng dịch ra tiếng tây những email của mình. Rồi email tiếng tây cho mình nhờ, dịch ra dùm tiếng Pháp, khiến mình ngọng. Chắc ông chồng Chán Mớ Đời cứ phải dịch ra tiếng tây cho cô nàng. Nói chung là mấy ông chồng liên lạc với mình nhiều hơn vì phải đọc i-meo của mình, rồi giải thích cho vợ còn mấy cô đọc không xong thì viết gì nổi. 

Mình theo dõi mấy người bạn học cũ Yersin, nay vẫn còn sinh sống tại Việt Nam. Họ viết rất chuẩn tiếng Việt. Lâu lâu có người sửa lỗi chính tả của mình. Lý do từ 1975 đến nay, họ sống tại Việt Nam thì tiếng Việt của họ phải được hoàn chỉnh, khác với các người bạn học cũ, ở hải ngoại.

Do đó, chúng ta không thể nào gọi những người không rành tiếng Việt là mất gốc, khinh thường chữ Mẹ Đẻ,… một người Việt tại Việt Nam, có thể không viết chính tả chuẩn vì họ không được học cao. Ngày nay, nhờ Internet, họ có thể lên mạng, giao tiếp với thiên hạ, nên có thể còm tiếng Việt sai chính tả. 

Nếu mình không lấy vợ việt thì chắc ngày nay cũng ngọng tiếng Việt. Mình đọc sách báo việt ngữ lại khi sang Hoa Kỳ làm việc. Tại New York, mình có gửi mua báo việt ngữ để đọc hàng tháng nên lò mò được chút tiếng Việt.

Cách đây mấy năm, một cô bạn i-meo kêu có liên lạc được với một cô học chung lớp khi xưa nên mình liên lạc và kể qua i-meo những kỷ niệm một thời đi học chung. Ai ngờ, cô bạn kêu còn nhớ gì không, kể tiếp. Thế là từ đó mình khởi đầu nghiệp dư viết ba-láp, ba-sàm cho đến nay. Cô bạn phải sửa chính tả cho mình khá nhiều, gửi cách thức đánh dấu hỏi ngã tùm lum nhưng vẫn sai chính tả. Hình như họ gọi là biên tập viên ở Hà Nội.

Mình nhớ có mua sách của ông Nguyễn Hiến Lê nói về tiếng Việt, xuất bản trước khi mình sinh ra đời. Không ngờ ngày nay, mình vẫn theo ý của ông ta. Khi nói hay viết tiếng Việt, mình cố gắng ít dùng tiếng địa phương (anh ngữ hay tiếng Ý Đại Lợi, tiếng Pháp,…). Có những từ không biết, phải dùng từ tiếng Việt sau 75.

Có anh bạn khi xưa học Marie Curie, ghét mấy người bạn học cũ, gặp nhau là cứ xổ toàn là toi, toi, moi moi,.. có lần anh ta kêu hôm qua tao đi xe lửa, tao lên toa, tao đái trên đầu toi,… cứ tưởng tượng mình đang nói chuyện với người Mỹ, bổng nhiên xổ một tràng tiếng Việt vào, hỏi họ có hiểu không. Mình có tên bạn người Tàu, đại hàn, khi gặp chúng, đang nói chuyện chúng xổ một tràng tiếng tàu hay tiếng Hàn với mấy người đồng hương của họ khiến mình ngọng.

Có lần mình viết tiếng Mễ, dặn ông thợ đến sau thì làm những việc như sau. Khi ông ta đến, mình mới khám phá ra ông ta không biết đọc tiếng Mễ. Ông thợ hay người mướn nhà gốc Mễ, nhắn tin cho mình sai chính tả tiếng Mễ rất nhiều. Mình đâu thể đánh giá họ là mất gốc. Tại quê nhà, họ là nông dân như mình, không được đi học nhiều hay thậm chí không được đến trường.

Mình tham gia hội Toastmasters để tập nói anh ngữ trước công chúng. Mình khám phá ra rất nhiều người Mỹ cũng lấn cấn vấn đề văn phạm nên mỗi buổi họp đều có người thay phiên nói về văn phạm hay nêu ra cái sai của mỗi người khi nói chuyện. Nói chung thì chỉ có những người mỹ lớn tuổi mới để ý đến cái sai văn phạm.

Thật ra tiếng Việt là một sinh ngữ nên thay đổi liên tục, cập nhập hoá với đời sống hiện đại. Nếu chúng ta mở mấy cuốn sách của nhà thi hào Anh quốc Shakespeare, chúng ta thấy anh ngữ thời của ông ta rất khác những gì chúng ta học ở trường. Đọc đã không hiểu mà bà thầy anh văn, dẫn mình đi xem King Lear ở hí viện Luân Đôn. Mình hiểu câu truyện trước đó, chớ khi xem kịch diễn thì ngọng.

Việt Nam có chữ Nôm, được dùng trước khi người Pháp đến, nay xem như là “TỬ NGỮ”, một ngôn ngữ chết như Hy-Lạp-ngữ. Có dạo mình mua sách để học chữ Nôm nhưng được 3 ngày thì bỏ cuộc. Có anh bạn xưa, rất chăm chỉ, mỗi ngày học một chữ, nay khoe học được mấy ngàn chữ.

Mình học chương trình Pháp từ bé, đến khi sang Pháp thì mình ngọng. Cách mình nói, được dạy trong sách vỡ nhưng gặp tây đầm thì họ nói cách khác. Điển hình: mình được ông tây bà đầm dạy nói: “je ne sais pas” thì bọn sinh viên học chung với mình kêu “sais-pas moi”. Ngoài ra là một sinh ngữ nên người pháp dùng tiếng lóng khá nhiều nhất là dân Paris. Mình phải mượn truyện thời đại để đọc, học các từ lóng của Tây đầm.

Dạo còn sinh viên, có một ông nhạc sĩ tây khá nổi tiếng với giới trẻ, tên Renaud. Mình nghe mấy đứa bạn trong lớp mở radio để nghe. Điệu nhạc thì rất đương đại nhưng mình không hiểu gì cả vì ông ta sử dụng tiếng lóng của người Pháp. Mình nghe như vịt nghe sấm nhưng từ từ rồi cũng hiểu được tiếng lóng của Tây đầm.

J'étais tranquille j'étais peinard
Accoudé au flipper
Le type est entré dans le bar
A commandé un jambon beurre
Et y s'est approché de moi
Et y m'a regardé comme ça
T'as des bottes, mon pote
Elles me bottent
Je parie que c'est des santiags
Viens faire un tour dans le terrain vague
Je vais t'apprendre un jeu rigolo
A grands coups de chaînes de vélo
Je te fais tes bottes à la baston
….

Dạo điện thoại bắt đầu có phần nhắn tin. Mình thấy mấy đứa con nhắn tin rất ngắn khiến mình tăm tối như LOL, idk,… nhưng từ từ rồi cũng hiểu ý chúng muốn nói gì.  Mình về Việt Nam, nói chuyện với mấy người em. Mình kêu mai ra “phi trường” khiến mấy cô em nhìn mình như bò đội nón. Một cô em khác nhanh trí kêu là “sân bay” mới giúp cô em kia thoát cảnh bò đội nón. Ngay trong gia đình còn không hiểu nhau thì người ngoài còn khó gấp bội.

Khi xưa, họ có làm mấy cái tách uống cà phê cho người có râu. Do đó, chúng ta không nên vơ đũa cả nắm về người viết không rành tiếng Việt.

Có người ở hải ngoại dị ứng với những từ dùng tại Việt Nam. Ngôn ngữ mà người ta dùng hằng ngày được xem là Sinh Ngữ, một ngôn ngữ sống thì có những từ mới, được phát minh và được người dân sử dụng. Mình học tiếng Việt thời Việt Nam Cộng Hoà, nên khi dùng từ được học ở trường khi xưa. Nhiều khi quên, đọc báo việt ngữ ngày nay, ngay các báo xuất bản tại Hoa Kỳ, cũng sử dụng những từ sau 75. Lý do là người Việt rời sau 75 khá đông. Giới di tản, dần dần vào viện dưỡng lão hết. Trong tương lại sẽ không có ai dùng các từ vựng Việt Nam Cộng Hoà. 

Chúng ta có thể dị ứng với các từ hậu 75 nhưng không thể chối cãi đó là ngữ vựng đang được sử dụng thường nhật. Vài năm nữa, thế hệ di tản ở hải ngoại qua đời, chúng ta sẽ không thấy ai sử dụng các từ trước 75 nữa.

Mình thấy nhiều người dị ứng với các cụm từ hậu 75 nhưng lại tải về trong nhóm các bài viết từ Việt Nam. Theo mình là do các chiến sĩ an ninh mạng viết để định hướng dư luận. Họ viết nhiều chuyện không thể tin được nhưng họ cứ tải về, câu Like mút mùa.

Hồi mình ở Anh quốc, học anh ngữ với người Anh nên dùng mấy từ của người Anh quốc dùng. Đến khi sang Hoa Kỳ thì lộn xà ngầu, các từ người Mỹ dùng hơi khác với người Anh quốc. Còn người Gia-nã-đại vùng Québec thì còn cha thiên hạ. Họ dùng từ của người Pháp 2, 3 thế kỷ trước đây. Giọng của họ khó nghe. Mình nhớ đi xem một phim pháp ngữ của Gia-nã-đại. Đâu 1 tiếng đồng hồ đầu tiên, mình chả hiểu gì cả. Hỏi cô bạn đầm, cũng lắc đầu nên sợ tới già, không dám xem phim tây Gia-nã-đại.

Mình thấy ở Việt Nam, giới trẻ dùng các từ lạ như “cu-te”, hoá ra là đọc từ anh ngữ “cute” theo cách phát âm của người Việt. Hôm trước, mình xem một chương trình hội thoại ở Việt Nam về giới trẻ. Mình thấy họ sử dụng các từ anh ngữ khá nhiều như thế hệ bố mình, xổ tiếng tây.

Có cô ca sĩ, nghe đồng chí gái kêu rất nổi tiếng ở Việt Nam. Cô này nói bận độ “Bờ lắc” khiến mình ngọng, đồng chí gái cười rồi giải thích. Hoá ra cô ta đọc tiếng anh từ “Black” theo âm điệu quan họ. Cô ta kể hôm nay cô ta bận đồ đen vì lý do gì đó. Mình theo dõi mấy đứa cháu trên mạng. Thấy chúng dùng những từ rất lạ. Trong tương lai, các từ chúng dùng ngày nay, sẽ được phổ thông hoá, mang vào tự điển Việt Nam. Xong om

Ngày xưa, nghe mấy ông thầy người Việt dạy trường tây, nói tiếng tây thì quen. Đến khi sang tây thì chới với vì phát âm sai. Mình cần một thời gian khá lâu mới quen phát âm theo tây đầm. Lý do phát âm theo mấy ông thầy, bà cô người Việt dạy chúng không hiểu. Nay mình theo học lớp phát âm tiếng anh tại đại học, để bỏ bớt cái âm hưởng nước mắm.

Có câu chuyện: một ông sư đi ngang một căn nhà, thấy hào quang toả lên. Tò mò ông ta đi vào xem. Ông thấy một bà cụ, ngồi lần chuỗi đọc Chú Đại Bi. Bà ta niệm “Tô Bò Kho”. Ông thầy ngứa mồm, nói bà ơi; Ta Bà Ha, bà niệm sai rồi. Bà cụ tiếp thu lời dạy của thầy nên tiếp tục niệm “Ta Bà Ha”. Bổng nhiên hào quang biến mất. Ông sư thấy lỗi của mình, nên nói tôi nói đùa với bà đấy, cứ tụng “tô Bò Kho”. Chán Mớ Đời 

Năm nay, mình theo học đại học cộng đồng, lớp miễn phí về cách phát âm anh ngữ. Mình tham gia hội Toastmasters, khi nói bọn mỹ có vấn đề hiểu mình vì nhiều từ mình phát âm không chuẩn lắm. Thấy khiếm khuyết thì đi học thêm, nhất là miễn phí. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

4 mùa Noel

 Mình không phải công giáo nhưng cuộc đời hay dính vào Thiên Chúa Giáo. Hồi bé, vì muốn nếm mùi Réveillon, nên đi theo bạn vào lễ nhà thờ, về nhà nó ăn thịt chó, nhớ đời. Sau này, qua Tây, nhớ nhất là Noel đầu tiên tại xứ người. Xa Việt Nam, Sàigòn mất, mất liên lạc với gia đình đến 3 năm mới nhận thư người dì bà con, nay cư ngụ tại Úc Đại Lợi, báo cho biết gia đình còn sống sót sau cuộc di tản lịch sử tại Đà Lạt, chỉ dấu việc ông cụ đi tù Việt Cộng 18 năm nay.

Gần tới Noel, bổng nhiên mình nhận được một bức thư ngắn của một gia đình Tây, mời mình lại nhà ăn cơm trưa ngày 25 với họ. Mình gọi điện thoại ngoài đường, cho biết sẽ đến. Dạo ấy, mình ở phòng ô-sin nên không có điện thoại. Thời sinh viên xem như không có điện thoại. Con mình ngày nay, nhìn cái điện thoại trên bàn, hỏi cái gì thế.

Muốn gọi điện thoại thì phải bò xuống 7 tầng lầu, ra đường, kiếm cái booth điện thoại công cộng để gọi. Nhiều khi phải đi nhiều trạm để gọi. Lý do là dân tình, gọi điện thoại xong thì có màn đập máy để xem tiền có rớt ra, hay đang gọi thì hết tiền lẻ nên cầm cái máy nghe nói, đập tùm lum bể hư. Cái mất dạy là hay đạp cứt chó ngoài đường, nhất là các nơi có điện thoại công cộng bỏ tiền. Tây đầm dắt chó đi điện thoại nên chó đứng cạnh, vắt chân lên đái cho khỏi bị ướt chân hay ị một bãi cho thiên hạ đạp lấy hên mua cá ngựa.

Sau này, khi ông Jacques Chirac lên làm đô trưởng Paris, mới có màn các chiến sĩ hốt cứt chó, chạy xe mô tô leo lề, hốt cứt chó thì dân mua số cược đua ngựa chửi thề vì không có cứt để đạp bằng chân trái để lấy hên. Người ta tính thủ đô, kinh thành ánh sáng có độ 300,000 con chó, thải trung bình 20 tấn cứt chó. Cứ mỗi 5 giây đồng hồ là 1 kí-lô cứt chó được thải ngoài lề đường.

Chiến sĩ an ninh cứt chó, chạy xe mô-tô, hốt cứt chó mệt thở.

Nói đến đua ngựa, mình nhớ thằng Paulo, học trên mình hai lớp. Một hôm, nó đọc báo thấy cá cược đua ngựa. Tây gọi PMU (Pari Mutuel Urbain). Nó rủ đi trường đua ngựa. Mình tò mò vì chưa bao giờ vô trường đua ngựa. Trong phim thấy thiên hạ bận đồ như tây đầm nên bò đi theo. Mình hỏi nó đánh con nào, nó kêu con ngựa tên Romero. Mình hỏi tại sao, nó kêu con này chưa bao giờ thắng nên kỳ này về ngược.

Đậu xe xong, đứng đợi nó đi mua vé cá cược rồi hai thằng với thằng Jeff bò lên khán đài. Họ đang cho đua ngựa khác. Đến khi Romero của thằng Paulo đua thì thấy khá hấp dẫn. Họ cho mấy nài và ngựa sau một cánh chắn rồi cửa mở ra. Mấy con ngựa phi nước đại ra. Mình hỏi Romero là con nào? Con số 55, Paulo chăm chú nhìn như người bị bón. Ngựa chạy đến vòng cua thứ nhất, mình thấy thằng Paulo, mặt nó đang hồ hởi bổng nhiên tái như thịt heo chiều 30. Từ từ nét mặt nó chuyển sang màu xanh, rồi đến màu đít nhái khi con ROmero về chót… đó là lần đầu và cũng là lần chót mình đi xem đua ngựa trong đời.

Mình không biết gia đình tây này là ai, mà sao lại có địa chỉ mình nhưng bản tính đói quanh năm của đời sinh viên thì ai mời ăn là không bao giờ từ chối, sợ người ta chê mình bất lịch sự, nghèo mà làm bộ làm tịch. Trưa đó, mình bận bộ đồ vét, may trước khi lên đường du học. Bạn bè kêu lại nhà may Sơn Tánh, trong xóm Cò Đào may. May xong bận đi tây nhưng sau này, xin được nhà thờ đồ phát chẩn thì quăn ngay dù bận có hai lần: lần lên máy bay và lần đi ăn giáng sinh đầu tiên tại Paris. Cực quê! Nay vẫn còn tiếc tiền của bà cụ. Từ dạo ấy mình không mua áo vét gì nữa. Bộ đồ vét bận lên đài truyền hình, mua $12 ở chợ trời từ 35 năm nay.

Hoá ra ông chồng là lính tây ngày xưa, có thời đi Việt Nam. Ông ta rất ngoan đạo, chống De Gaulle, muốn bảo vệ Đông Dương, thuộc địa của pháp đủ trò. Ông này thì thấp, bà vợ thì cao tới nách. Ông người vùng Bordeaux còn bà ta thì gốc Alsace nên nói tiếng Đức và thổ ngữ vùng này. Vùng này và Lorraine là hai vùng đất, cạnh biên giới Đức quốc nên trong lịch sử, cứ đổi chủ hoài. Khi thì thuộc Pháp quốc khi thì Đức quốc. Thổ ngữ của họ thì ảnh hưởng đức ngữ nhiều. Mình có ghé hai vùng này, viếng thăm bạn bè.

Hàng năm, họ mời một người lạ dùng cơm ngày 25 với họ. Chắc ông cố đạo nhà thờ nhắn nhủ hay Chúa Giê Su cảm thấy mình cô đơn nơi đất khách quê người nên về báo mộng cho vợ ông ta. Thường là mời người không có gia đình, bà con thân thuộc. Năm đó, họ hỏi hội cựu chiến binh Pháp thì được giới thiệu về mình nên họ viết thư mời. Mình thuộc dạng buồn ngủ gặp chiếu manh nên nhận lời ngày. Cứ có ăn thì chân trời góc biển nào cũng đi cho bằng được. Sau này, nhớ họ nên lễ tạ ơn, mình hay mời bạn học con mình hay ai có con xa nhà dùng cơm với gia đình mình.

Gia đình này có 4 người con, hai trai hai gái. Con trai đầu tên Paul và con trai út tên Pierre, ở giữa thì hai cô con gái tên Marie Christine, Marie Thérèse. Bà mẹ mời mình ăn. Tính mình thì được dạy từ bé là ăn không được bỏ mứa nên ăn sạch bách cái đĩa thức ăn. Bà mẹ thấy vậy, bới thêm thức ăn, gà tây chi đó thì mình lại làm sạch dù bụng đã căng. Bà mẹ lại bới thêm khiến mình phải tranh thủ ăn cho hết nữa. Sau đó, bà ta hỏi còn đói nữa không thì kêu no rồi. Sau này, gặp lại mình mới giải thích văn hoá đói của người Việt là không bỏ mứa.

Từ đó, họ mời lại mỗi chiều chủ nhật dùng cơm với gia đình họ đến khi họ về hưu, dọn về Bordeaux, quê chồng. Mình có dự đám cưới thằng Paul, con Marie Christine. Cô này đi hướng đạo kiểu thanh niên thánh thể chi đó, nhảy dù đủ trò. Sau này lấy ông chồng bác sĩ người Do Thái. Bố mẹ là thiên chúa giáo, ghét cay ghét đắng người Do Thái, xem như ghét của nào trời cho của nấy. Cô này làm y tá thì trong nhà thương bác sĩ dê là đúng rồi. Đám cưới mấy người này thì mình có đi lễ nhà thờ. Nhà thờ bên tây thì to cao, lớn bự hơn Việt Nam nhất là cổ kính.

Học kiến trúc thì họ dạy về kiến trúc nhà thờ còn tranh ảnh toàn là các bức tranh dựa vào những câu chuyện kể trong thánh kinh nên mình phải kiếm kinh thánh để đọc, để hiểu khi thầy giảng hay nói chuyện với tây đầm. Điển hình khi xem một bức tranh về thánh Bartolemeo thì phải hiểu điển tích như thế nào,…

Khi xưa, chỉ có nhà thờ mới có tiền trả cho các hoạ sĩ vẽ tranh. Nhà thờ thì chỉ vẽ hình tượng chúa như Michelangelo, bỏ bao nhiêu năm để vẽ nhà nguyện Sixtina hay vẽ xây nhà thờ cho đức giáo hoàng. Chỉ sau thời Phục Hưng, các doanh nhân giàu có như Ò buôn bán mới có tiền mướn các hoạ sĩ vẽ tranh ảnh như các gia đình Borghese…. 

Hôm trước, có ai dẫn bài báo cũ, phát hành năm 1953, tác giả ký tên C.B. Không biết có phải cán bộ. Ông này cho biết bố mẹ ông chúa Giê-su thuộc thành phần cơ bản bần cố nông, nghèo quá, bị bọn phong kiến, áp bức, phải đi làng thang, ghé vào ở máng cừu để hạ sinh ông Giê Su. Sau này, ông ta học tập, giác ngộ cách mạng, có 12 cán bộ lớn đi theo học tập với ông ta. Có một cán bộ mất lập trường cách mạng, hủ hoá nên bán đứng ông ta cho lính La-mã như khi xưa, có người bán ông Phan Bội Châu vì chút tiền còm. Ông ta đi giảng về một thiên đường, xã hội chủ nghĩa, nơi đó ai cũng bình đẳng cả,… 

Có lần, tan học, mình bò ra khu Saint Michel, ăn bánh mì thịt của người Hy Lạp, loại họ chồng chất thịt trong một cây kim săm to đùng rồi cứ quay vòng vòng nơi lò lửa cho chín. Sau đó, lấy dao khới khởi từng lát, bỏ vào bánh mì ăn. Có một nhà thờ cổ kính, mình ghé lại ngồi ngay ghế trước nhà thờ, ăn khúc bánh mì Hy Lạp. 

Bổng trong nhà thờ vang lên tiếng hát nghe lạ lắm. Tò mò, làm xong ổ Gyro hy-lạp , mình bò vào trong nhà thờ. Thấy một đám đàn ông, râu ria, đứng hát. Sau này mới hiểu là họ hát thánh ca Gregorien. Từ đó chiều thứ sáu nào mình cũng lại đây, vào nhà thờ để nghe nhạc Gregorien này. Rất lạ tai. Ông cố đạo giảng bằng tiếng la-tinh nên mình ngọng, không hiểu nhưng được cái là nghe ca đoàn hát nhạc Gregorien.

Sau này mình có quen vài cô, thiên chúa giáo và Tin Lành nhưng Chúa không muốn mình trở về đạo. Chắc mình là hiện thân của Juda, cán bộ đã mất lập tường cách mạng, bán đứng Chúa ngày xưa. Kêu mình cứ đi xa nhà thờ càng tốt cho giáo dân. Cấm mấy cô này đả thông tư tưởng, truy kích lý lịch trích ngang trích dọc vì hết thuốc chữa. Ông Trịnh Công Sơn có làm bài “ chúa đã bỏ loài người, chúa đã bỏ thằng nông dân trồng bơ”. Mình như con ghẻ, chỉ đứng ngoài nhà thờ nhìn vào. Nay có ông mỹ cứ muốn mình trở về đạo, để được lên thiên đàng. Mình nói không muốn gặp lại mấy cô, một thời đã đì mình khi xưa. Đồng chí gái thì nói kiếp sau, thấy mình từ xa là sang lề, chạy mất dép. Lên thiên đàng, ăn có một trái bơ, thậm chí chỉ mới cắn có một tí mà đã bị đày xuống trần gian. Thôi để mình làm nông dân để ăn bơ 4 mùa thay lá.

Trở lại vụ mình muốn kể là nhạc Gregorien trong nhà thờ mà có thời mình rất mê. Người ta gọi nhạc thánh ca Gregoirien theo tên Giáo Hoàng Grégoire . Nhà thờ Thiên CHúa Giáo phát triển rất nhanh khi hoàng đế La Mã Constantin, nghe lời vợ vô đạo này thì đóng đô tại Constantinople (thành phố Constantin) nhưng một thời gian sau thì thiên chúa giáo bị chia đôi cho đến ngày nay. Một bên thì theo tục lệ của nhà thờ Chính Thống như ở Hy Lạp và một ở toà thánh Vatican. Rồi có thời có đến hai Giáo Hoàng tự xưng đại diện nhà thờ: 1 ở Avignon và một ở La MÃ. Ngày nay ai viếng thăm thành phố Avignon, sẽ thấy cũng điện của các giáo hoàng khi xưa.

Ông đức Giáo Hoàng Gregoire thay đổi nhà thờ lại. Dạo ấy thánh ca đều được học bằng cách nghe, chưa có nốt nhạc. Người ta cho biết Huyền thoại về các thánh ca do ông Giáo Hoàng sáng tác hay thu thập nên từ đó người ta gọi các bài thánh ca thể loại này thánh ca gregoirien. Trên thực tế, người ta cho biết, có một ông tên Johansen Hymonides, được biết dưới tên Jean Diacre de Rome, có viết tiểu sử về đức giáo hoàng Gregoire này, và cho rằng chính ông đã thu thập các bài thánh ca để lập thành một cuốn thánh ca nên từ đó người ta gọi nhạc thời này là thánh ca gregoirien. Chắc để được giáo hoàng trả công chi đó. Trên thực tế, giáo hoàng Gregoire chỉ có thành lập trường dạy hát Scola Cantorum tại La MÃ.

Thánh ca được sử dụng một cách truyền đạo. Khi xưa, người ta ít học nên nhà thờ tìm cách giảng đạo qua các bài thánh ca. Điển hình khi ông Guttenberg phát mình ra cái máy in chữ. Dạo ấy, âu châu chỉ có độ 3% dân số là biết đọc chữ. Các thánh kinh rất hiếm, chỉ có những người viết chữ đẹp mới được viết lại thánh kinh. Cho nên một ông cố đạo trong một làng nhỏ chưa chắc đã có cuốn kinh thánh. Mấy ông chép kinh thánh lại, cứ tuần tự thêm vào các chương mới khi nghe ai đó kể.

Sau này, mình bắt chước tính của người công giáo. Họ như các kẻ thừa sai, làm việc thiện. Mình hay tham gia với các người theo thiên chúa giáo làm việc thiện. Cuối năm theo các hội viên của Lions Club phát quà cho trẻ em hay thức ăn cho các gia đình người nghèo trong thành phố. Lâu lâu nấu cơm cho người vô gia cư.

Phần Việt Nam, theo mấy ông linh mục, kêu gọi cứu giúp người nghèo, nạn nhân lũ lụt, tặng quỹ khuyến học cho học sinh nghèo,.. phật giáo chắc cũng có các đạo tràng làm việc thiện nhưng mình không có duyên gặp. Thêm nữa, mình cảm thấy người Việt theo Phật giáo hình như họ làm việc thiện để tạo Phước cho con cháu họ, trong khi người công giáo thì họ làm việc, vì muốn làm chớ không đòi hỏi gì trở lại. Đạo nào cũng tốt, mình cứ theo những người quen theo thiên chúa giáo để đóng góp chút gì cho tha nhân.

Cô bé nhận quà giáng sinh năm nay của Bút Nhóm Lửa Việt.

Khi nghe mấy ông cha giảng thì cách họ làm lễ, nói rất lạ tai: chúa ở cùng anh chị em,..” (còn tiếp)

Phải lên vườn xem mưa có làm hư hao gì không.

Nguyễn Hoàng Sơn 


Một tin nhắn, một đời mất bạn

 Tuần rồi đi ăn cưới con người bạn học cũ Đà Lạt. Đang ngồi ăn thì có người vỗ vai kêu lại đây. Hóa anh bạn học cũ lâu ngày không gặp. Anh ta dẫn mình đến bàn của anh ta và chỉ bà vợ kêu thằng Sơn Đen đây. Thằng mà khi xưa nó nhắn tin trêu em đấy. Bà vợ nhìn mình từ trên xuống dưới như chưa bao giờ thấy nông dân. Mình nhớ đến câu chuyện ngày xưa, mình nhắn tin cho vợ anh bạn và từ đó không bao giờ gặp lại.

A Nô! Sơn hả, có thằng Nam trên Nót Ăn gờ nét xuống chơi, lên rủ mày ra tiệm cà phê, đấu náo với ló, tiện thể có cái lày muốn bàn với mày. Đó là Bắc mà bạn bè hay gọi là Bắc Ngọng vì hắn cứ nói lộn chữ nờ ra lờ. Từ ngày tìm lại mấy tên học chung Yersin khi xưa ở vùng này thì lâu lâu cả đám hay tụ tập đấu hót về thời ngu dại ở Đà Lạt.

Mình nghe thằng Nam ở trên Los Angeles nhưng chưa gặp lại nên xin phép đồng chí gái đi thăm bạn xưa ở cà phê Lú khiến vợ mình chau mày nhưng không nói gì thêm. Ra đến nơi thì thấy hai thằng đã ngồi tự bao giờ. Thằng Nam, người trung thì mình nhận ra nó ngay, ngày xưa hai thằng học Nhu đạo chung thời với Lô Xuân Luyến, chỉ có khác là tóc gió thôi bay. Tay bắt gặp mừng rồi hỏi chuyện vợ con, Đà Lạt ngày xưa ở đâu, ai còn ai mất,...

Vừa ngồi xuống thì có một tên đến bắt tay rồi hỏi: “nhận ra ai không” khiến mình như bò đội nón, lắc đầu. Hắn nói tiếp, nghe đồn mày nhớ dai lắm mà, không nhận ra tao à. Cuối cùng hắn kêu là Trung cà phê đường Phan Bội CHâu. Mình chỉ nhớ mại mại vì khi xưa, nhà hắn bán cà phê chi đó, không thân lắm. Hắn kéo ghế, nói chuyện về Đà Lạt ngày xưa, chỗ khu hắn ở, có ai, có cô nào càng khiến mình tăm tối. Mình nhớ giỏi lắm là khu xóm mình ở. Còn chỗ khác thì chịu.

Cuối cùng thì thằng Bắc Ngọng bảo; thú thật mấy bài viết của mày nàm bọn tao mất mặt quá. Mày sợ vợ đã không dấu đi nại còn viết, vạch nưng cho người ta xem nàm mất mặt dân trường Tây Yersin. Nghe tới đây làm mình nhớ dạo học Petit Lycée, có lần trong lớp, cô giáo Huệ bắt nó đọc bài trong cuốn Leçons des choses, ông thần lại ngọng nên đọc tiếng Tây khá mặn mà: nơ calard lage sur  nơ nac,..  Làm cô Huệ tá hỏa tam tinh, bỏ đi Tây. Dạo đó còn con nít nên không biết nó bị ngọng.

Đúng rứa, mi làm bọn tau ốt dột, giọng thằng Nam, gốc Huế, dân số 4 chen vào. Hôm nay tau tranh thủ xuống gặp mi để chỉ mi cách dạy vợ. Dù sao thì tụi tau cũng lấy vợ trước mi trên 10 năm nên cũng biết ít nhiều kinh nghiệm dạy vợ để truyền cho mi nguyên bí kíp dạy vợ mà tao đã tu luyện trên mấy chục năm ni. Rồi hắn ngã lưng ra ghế cười híp mắt hí, đưa mắt nhìn mình như Ringo, tay súng bá vàng nhìn mấy tên nông dân Mễ. Thằng Trung ra chiều cũng tán dương, thông đồng với hai tên kia nên mình chỉ biết ngồi ngáp đợi trà sữa ra.

Mình thì ngơ ngác cứ u chầu u chầu, tính cãi lại. Đồng chí gái kêu mình cũng thuộc loại to mồm nhưng hôm nay có 3 cái mồm to như cái loa phường, chung nhau ra rả, bắn súng liên thanh nên ngậm câm như cọp rừng của Thế Lữ. Đừng cãi! Chúng lại dùng những cụm từ thân thuộc của đồng chí gái mỗi khi mình muốn tư duy đột phá, thể hiện người chồng ưu tú của mình. Bọn tao đã đi qua con đường mày đang đi lên biết lổi khó khăn của mày. Hôm lay, bọn tao sẽ dạy cho mày cách trị vợ. Nói xong, thằng này, bê tách cà phê lên nhấp một ngụm rồi thả người ra ghế, rít điếu thuốc rồi thả một làn khói trắng, nhìn mình phiêu lảng như hUỳnh Thành Trà trong Loan MẮt Nhung.

Đại khái từ đầu buổi đến cuối buổi thì ba tên này bàn thảo, cãi nhau về các học thuyết dạy vợ từ kim cổ đến nay qua Sigmund Freud, chủ nghĩa đại đồng, Mát-xít, Lê-nín-nít, đến Deconstruction của Jacques Derida…. Nếu ghi lại đây thì tốn memory của iPad, tốn sức đánh máy thêm làm mấy bác lại chán đời, như bác nào mách phải uống mấy ly nước nên em xin tóm tắc như sau.

Bắc Ngọng, tên này khi xưa học Thái Cực Đạo với mình ở Lasan. Tính tình rất cương ngạnh, nói trên đời, trong vũ trụ Thiên nhiên, có một cái giống vật, thuộc loài âm tính, khó trị nhất nà noại đàn bà. Phải điều nghiên tâm ní của họ để biết người biết ta 100 trận trăm thắng như Tôn Tử khi xưa đã dạy. Hắn giải thích học thuyết của hắn là "Cương", phải cương quyết, phấn đấu mới khiến vợ tâm phục khẩu phục như công chúa Tiên Dung khi xưa, gặp Chử Đồng Tử cương là phục sát đất.

Hắn bảo là cái giống đàn bà rất mê tín dị đoan cho nên phải tự tạo cho mình một chỗ đứng trong dung dịch không gian của vợ như một vị vua, vị thần như Zeus của xứ Hy Lạp hay một thiên tướng, một NGuyễn Huệ của thời này. Khi đã chấp nhận mình nà thần của họ thì 8-9 vợ cũng trị được. Hắn khuyên mình ra đường Hazard, xem nên đồng nên bóng, cô về kéo mày ra múa, gọi mày nà Thiên tướng, được đưa xuống trần gian để giúp đời thì con vợ mày sẽ không dám hành mày, nại nghe nời mày như Nhất Chúa, Nhì Cha, thứ 3 Ngô tổng thống thứ 4 là người chồng nhân dân anh hùng.

Còn tên Nam, khi xưa học Nhu Đạo với mình thì bảo đàn bà như con nít vì thế mới có cụm từ dân gian "đàn bà con nít", phải dùng bánh kẹo để dỗ, nhu-mì như Lưu Bị khi xưa, cứ ôm mặt khóc với Tào Tháo.

 Mình bảo thì cứ upload cái bí kịp của tụi mày lên mạng rồi tao tải về đọc có khỏe không. Bắc ngọng bảo học cách dạy vợ không thể học kiểu hàm thụ, câu Like được. Phải đứng bên cạnh, rót tai ra mà hứng những lời vàng, phun ra như ngọc thì mới quán triệt giai cấp lập trường, người chồng nhân dân, đâu nà vợ đâu nà thần.

Mình chưa kịp nói gì thì tên Trung nhảy vào kêu Thái Cực Quyền vừa nhu vừa cương mới là phu đạo. 3 tên xung lên, cãi nhau học thuyết Nhu mang tính chất nhân văn hơn Cương, học thuyết Cương mang tính chất phong kiến biến chất của thế hệ xưa còn Thái Cực Quyền thì gồm cả hai thuyết trên. Mình theo dõi ba tên này cãi nhau như xem thiên hạ đánh bóng bàn, nhìn qua nhìn lại, miệng thì cứ u chầu u chầu thì bổng thấy trên bàn có hai cái điện thoại thông minh iPhone 14 và Samsung to đùng, đời mới của hai tên này, bỏ trên bàn để khẳng định mình là dân chơi cầu ba cẳng, cập nhật hoá công nghệ thông tin từng ngày từng giờ. Mình thấy điện thoại rung rung nhưng mãi lo cãi nhau nên mấy tên bạn không để ý.

Thằng Bắc ngọng và Nam rứa

Mình lấy lên xem, rờ mó, xem điện thoại cực đỉnh vì tính xin đồng chí gái, giao lưu một cái vào Noël này vì Apple ra thông báo sẽ không cập nhật hoá các phần mềm loại điện thoại cổ điển của mình trong năm tới. Thấy tin nhắn của "Vo Na Tat Ca" nên đoán là của tên Bắc ngọng, còn iPhone kia thì mò thấy "Vo Kinh Yeu" nên bấm, cài thêm số điện thoại của vợ hai thằng này trong vào máy của mình dưới tên của chúng, để lỡ sau này, không gọi được chúng thì gọi vợ chúng. Mình về nhà, sau 7:00 tối là không có nghe điện thoại nữa vì đồng chí vợ cấm. Đúng hơn là ngại người thuê nhà gọi.

Ngay lúc đó thì có cô tiếp viên đến hỏi mình uống gì. Nhìn cô tiếp viên này mình muốn té xỉu, cô ta bận đồ rất thoáng, cái nịt ngực tưởng chừng sắp sửa bung ra trước mồm của mình như mời gọi. Cô ta hình như cố tình, cúi xuống bên mình để mình có thể chiêm ngưỡng giang sơn vĩ đại, phong cảnh bao la bát ngát của cô ấy với những thung lũng tình yêu cực đỉnh. 

Mình móc tờ $20.00 dúi vào tay cô bảo cho ly trà sữa và nhờ em một tị. Thấy tờ $20.00 thì cô nàng tươi ngay, gật đầu. Mình nói bọn anh 50 năm rồi mới gặp lại nhau nên nhờ em ngồi xuống bên cạnh tên này, chỉ thằng Bắc Ngọng để anh chụp một tấm kỷ niệm. 

Mình bảo cô nàng ôm vai, tạo dáng làm như mi gió cái mặt chết bầm của nó rồi lấy điện thoại IPhone 6 của mình chụp một cái, xong làm phiền cô nàng ngồi bên, ôm thằng Nam Huế rồi chụp một tấm nữa. Hai thằng này như trên trời rơi xuống, được một cô gái đưa hai trái bưởi ngay bên mồm nên há hốc, ngơ ngáo quên vụ cương nhu trị vợ. Rồi thằng Trung cũng nhảy vào ăn bám, kêu chụp tao luôn. Xong xuôi, màn chào hàng rực rỡ lê táo, bưởi sạch nội địa. Như hoàn hồn lại, 3 tên đòi xem ảnh rồi nhờ mình gửi qua máy cho chúng. Mình e-thờ róp cho chúng xong rồi xoá ngay mấy tấm ảnh vì lỡ đồng chí gái, buồn buồn, mở xét điện thoại.

Xong xuôi thì ba thằng, cựu học sinh trường Tây Yersin, lại tiếp tục tranh luận về bí kíp dạy vợ của chúng. Mình đột phá tư duy, nhớ xem hài trên du-tu-be, nghe ai kể về cô nào nhắn tin cho chồng để đón ở trường mà không bỏ dấu. Lấy điện thoại, mở lập trình Notes ra thảo message: "em xin loi chi. Em biet la nguoi den sau, nhưng em da trot yeu và trao tat ca doi con gai cho anh ay. Anh ay la mot nguoi chong tuyet voi. Xin chi tha loi"

Sau đó mình lấy “công-tắc” Vo Kinh Yeu ra vào gửi nhắn tin rồi đến Vo Na Tat Ca, còn thằng theo phái Thái Cực Quyền thì không để điện thoại trên bàn nên không liệt vợ hắn vào dạng Hoạn Thư. Xong xuôi, uống một ngụm trà sữa dạy vợ của 3 tên bạn, khi xưa hay gọi mình ngu lâu dốt bền. Đâu 30 giây sau thì có tiếng điện thoai rung, Vo Na Tat Ca gọi, mình đứng dậy, ra chỗ quầy trả tiền, bấm FaceTime đưa cái máy cho cô thâu Ngân viên, bảo cháu nghe dùm bác 1 tí. Cô nàng ngơ ngác như bò đội nón nhưng cũng cầm máy nói Hello! Rồi đưa máy lại cho mình, kêu không ai trả lời. Mình nghe tiếng động bên đầu dây rồi cúp máy.

Mình định trở lại chỗ ngồi thì Vo Kinh Yeu gọi, nên nhờ cô bé trả lời hộ rồi bấm FaceTime, đưa máy  mình cho cô ta. Đầu dây bên kia cũng nghe tiếng lùng bùng trong khi trong quán cà phê, giọng hát Tuấn Vũ đang rên rĩ "mãi mãi là người đến sau,..". Mình tắt máy, turn off theo thói quen 7:00 tối, về lại chỗ ngồi trong khi 3 tên vẫn mồm gan bổ cãi, chưa ai thua ai. Mình bảo thôi mai tao phải đi vườn sớm, nên phải về. Đồng chí gái cho phép đến 8:00 thôi. Hôm nào rảnh rỗi sẽ gặp tụi mày, học cách trị vợ sau.

Sáng hôm sau thức dậy, chuẩn bị lên vườn thì mở máy điện thoại. Mình thất kinh khi thấy 24 missed calls và 15 cái voice message. Tưởng người thuê nhà gặp sự cố gì mà gọi lắm thế. Mở ra thì giọng thằng Bắc ngọng rên rĩ: ông Sơn ơi, ông nàm ơn gọi cho vợ tôi, bảo nà ông đùa. Tôi đứng ngoài trời hơn 4 tiếng rồi. Ông ác chi mà ác thế. Mở nhắn tin kế thì giọng thằng Nam Huế: Ôn ơi Ôn, làm ơn gọi cho vợ tui vì vợ tui muốn li dị tui. Ôn ăn chi mà thất đức rứa,...

Mình phải gọi lại "Vo Kinh Yeu" và "Vo Na Tat Ca" để thanh minh thanh nga cho chúng, bảo mình chọc chúng thôi, còn cô gái là hàng sạch của tiệm cà phê. Hai thằng này giỏi trị dạy vợ nhưng không may là lúc mình e-đờ róp tấm ảnh chụp với cô tiếp viên nẩy lửa thì chúng chỉ lưu vào máy điện thoại rồi xoá cái nhắn tin của mình nên khi hai bà vợ lục điện thoại thì thấy hình lưu giữ trong Photo nên đã ngọng rồi thêm câm. Hai bà bảo rõ ràng là thấy mặt cô bé ăn bận rất thoáng trả lời, đâu phải sơn đen sơn đuốc gì cả nên cấm cửa không cho vào nhà, đành ngủ trong xe ga-ra tới sáng.

Mình có kể cho đồng chí gái nghe thì bị la là Ác Ôn và bắt mình hứa là không tái phạm những hành vi phản đạo đức cách mạng. Từ đó, mỗi lần đi đâu, đồng chí gái chỉ cho $5 thay vì $20 như xưa. Vào cà phê cởi truồng mà cho tiền boa 5 đô thì mấy cháu gái chửi chết. Sau này, lâu lâu đồng chí gái có nhận nhắn tin vô danh tương tự như mình đã gửi cho Vo Kinh Yeu và Vo Na Tat Ca. 

Bác nào có bí kíp dạy vợ khác thì cho em xin số điện thoại cảu bác gái luôn. Xin đa tạ trước.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

NHS

Tiên ném đá hậu làm vợ sợ

 Từ ngày viết bờ-lốc đến nay, mình bị ném đá rất nhiều. Như làm dâu 100 họ. Người thì chê viết sai chính tả, người thì chửi viết như kít nhưng vẫn cứ viết vì thuộc dạng con cháu phản động Cường Hào Ác Bá. Lâu lâu, Facebook nhắc lại, mình đọc lại thì khám phá ra ủa dạo đó mình suy nghĩ, đọc cuốn gì, tin tức ra sao thấy cũng vui. Như thể viết nhật ký về đầu óc lùng bùng trong đầu.

Đa số những người chửi mình, không quen. Họ chửi đủ cách, kêu khinh họ vì họ còm mà mình không trả lời, người thì kêu họ nhấn Like sao không thưởng họ, cứ như họ phát chẩn khi đọc bài mình viết. Mình viết đâu phải để câu Like. Người thì kêu mình hạ nhục đàn ông, người thì kêu mình Macho, xem thường phụ nữ, … Choáng luôn.

Lý do mình viết vì có anh bạn học cũ, cho rằng mình đặt những câu hỏi mà chính anh ta cũng đang tìm hỏi. Mình viết để cho những người cùng thế hệ mình đặt lại những vấn đề, bản sắc của mình,..vì sống dưới hai chế độ, hai quốc gia nên không biết mình là ai. Một người bị khủng hoảng bản thể.

Mình để ý, người Mỹ, họ lên tiếng ngay nếu có ai ném đá mình. Mình có tham gia vài nhóm có sự tham gia người Việt và người Mỹ. Lâu lâu có mấy tên ném đá mình, người Mỹ nhảy vào choảng mấy tên kia liền. Người Việt thì không, ai ném đá mình thì họ cũng im luôn như một sự đồng tình. May họ không nhảy vào đánh hội đồng Sơn đen.

Mình có tham gia vài nhóm người ngoại quốc. Khi mình viết điều gì mà họ không vừa ý thì họ phân tích những gì mình viết để nói lên quan điểm của họ trong khi người Việt thì đa số chỉ ném đá nhưng không giải thích lý do họ không đồng ý với những gì mình viết. Do đó mình không hiểu sai cho nào, cũng như dỡ chỗ nào. Khi tham gia một tổ chức, hay một nhóm nào, mình đều muốn đóng góp để giúp nhóm có khả năng tồn tại, lớn mạnh. Lâu lâu còm một tí gì đó.

Có lẻ vì thế mà mình thấy nhiều nhóm trên mạng của người Việt, ít thấy ai xuất hiện, đăng bài vỡ dù có rất nhiều hội viên. Cũng có người sống tại Việt Nam, kêu mình thay đổi vài từ để họ có thể chia sẻ với thân hữu vì lý do chính trị. 

Có thể người Việt mình sống theo cảm tính nhiều hơn, không như người tây phương, phải dùng lý trí để tìm hiểu sự việc. Khi lý luận, họ hiểu rõ hơn về vấn đề do đó họ rất duy lý, phải dẫn chứng để thuyết phục người đọc, người nghe. Người Việt thì sống về cảm tính hơn người Tây ở phương, chỉ nói được “ viết như cứt”. Xong om. Không cần giải thích lý do thối như cứt, vì không biết lý luận, phân tích lý do mình không thích. Rồi thoá mạ lẫn nhau. 

Có lẻ mình quen học trường tây từ bé rồi sống tại hải ngoài trước 75 nên quen ghi lại những gì trong đầu. Khi xưa, thầy đọc để chép bài. Về nhà, mình có thói quen là viết lại những gì ghi chú, mới hiểu rõ thêm bài tập. Nhờ ông hàng xóm cho mượn mấy cuốn sách Học làm Người của ông Hoàng Xuân Việt, chỉ cách đọc sách, ghi chú,…

Sang Tây đi học thì tương tự, thầy kêu tuần sau, sẽ học trang mấy trong sách nên mình có thì giờ đọc kỹ hơn để ghi lại. Thật ra khi viết xuống thì mình mới có thời gian suy nghĩ về một vấn đề, rõ về một điều gì như khi vẽ một bức tranh, thêm chi tiết, tô màu ra sao để phản ánh lại phong cảnh và ánh sáng,.. lúc đó mới hiểu cảnh trước mắt mình đẹp chỗ nào, xấu chỗ nào, để mình loại bỏ. Điển hình là thấy cái tháp chuông đang được trung tu, nếu chụp hình thì thấy mấy dàn giáo. Mình vẽ thì có thể lấy phần dàn giáo ra, và vẽ cái chuông theo mình thấy. Khi nói thì khác vì không có thì giờ để suy nghĩ chín chắn.

Do đó cần sự xây dựng lành mạnh khi đóng góp bài vở hay phản biện. Thay vì ném đá rồi bỏ chạy. Người mỹ có điểm hay là dùng cách Sandwich: họ khen những điểm hay trước để người viết hay diễn thuyết không phật lòng, sau đó họ nêu ra những cái không hay, cần phát triển thêm. Cuối cùng khen lại khiến người bị phê bình cảm nhận được những điều mình cần thay đổi, sửa chửa cho lần sau mà không bị mất lòng. Khi biện luận với nhau, giúp họ hiểu thêm cái sai, càng được sửa chửa. Đó là dạng phê bình với tinh thần xây dựng.

Khi ông Phạm Duy mượn bài thơ “adieu” của Apollinaire để sáng tác bài “mùa thu chết” bằng việt ngữ thì bị các dư luận viên, các chiến sĩ an ninh báo chí đánh te tua. Cho rằng ông ta nói xấu cách mạng, ông ta ám chỉ Mùa thu đây là cách mạng mùa thu tháng 8 mà ông ta dám kêu đã chết. Nói xấu lãnh đạo. Thế là mọi người, xúm vào chửi hội đồng ông ta để lập công bú xua la mua. Nếu mình không lầm thì Việt Nam chỉ có hai mùa: mưa và khô. Mùa thu lá vàng lá đỏ khi sang Tây mới thấy.

Tương tự, dạo mình đi làm ở Luân Đôn, ông Phạm Duy từ Hoa Kỳ sang hát các sáng tác, do ông phổ từ các bài thơ tù của ông Nguyễn Chí Thiện. Mình bò đi coi. Sau khi hát các bản nhạc phổ thơ tù của ông Nguyễn Chí Thiện. Ông Phạm Duy có nói về thi sĩ Hoàng Cầm, với kịch thơ Kiều Loan gì đó, khi xưa họ trình diễn trong kháng chiến trường kỳ, rồi hát bài “lá Diêu Bông”. Ông ta giải thích Lá Diêu Bông không có trên đời. Ông Hoàng Cầm ví cách mạng như Lá Diêu Bông. Bài Lá Diêu Bông của ông Phạm Duy không hay nên không được nổi tiếng. Có lẻ đã lồng chính trị vào một bài thơ tình trong sáng của cậu bé 7 tuổi .

Ai ngờ ở Việt Nam, nghe sự giải thích này, bắt nhốt ông Hoàng Cầm hai năm tù, chỉ vì ông Phạm Duy, giải thích vớ vẩn. Sau này, đọc ông Hoàng Cầm kể về bài thơ này, ông nói chỉ viết về mối tình, dành cho chị Vinh, hàng xóm của ông khi còn bé. Chớ không có óc cao siêu, nghĩ đến ý tưởng nói xấu cách mạng. Nhiều khi mình kể chuyện thời xưa, thời nay, không phải để nói xấu lãnh đạo. Mình hay tếu như rắt hành, tiêu vào thịt bò dát vàng.

Khi xưa, mình vẽ tranh bán để kiếm tiền. Mấy người xem tranh của mình, bàn tới bàn lui, theo trường phái này, ảnh hưởng nọ. Mình cần tiền để trả tiền trọ và tiền ăn mà thiên hạ cứ nói bú xua la mua không biết đâu là bến bờ. Thiên hạ ném đá thì chịu vì họ đứng ở một góc độ nào đó, mà mình không biết nên cũng không chấp họ.

Một chiến sĩ an ninh mạng, quen đồng chí vợ đọc bài mình, không hiểu mình, cũng định hướng những gì mình kể theo quan điểm lập trường của họ, khiến mấy bà kêu u chau, u chau rứa tên ni thiệt ác ôn hè. Rủ nhau đấu tố mình qua điện thoại. Chồng dại vợ mang. Đồng chí gái lãnh đủ, làm cô gái vót chông, hứng đạn cho mình. Có người kêu sao đồng chí gái có thể sống với mình, một tên ác ôn, hạ cấp, nông dân vô học…. Thương cho mụ vợ, không may lấy mình. Từ ngày quen mình đến nay, chỉ thấy toàn người chê mình, nói lên bản lĩnh của đồng chí gái với mối tình hữu nghị sông liền sông núi liền núi. Trước sau chỉ là một, bất chấp thị phi, đàm tiếu của thiên hạ.

Có câu chuyện về ông Tăng Sâm mà trong cuốn Nhị Thập Tứ Hiếu có đề cao ông ta là một gương Hiếu tử. Truyện kể, mẹ ông ta đang làm bánh bao ở nhà, bổng có người hàng xóm chạy ngang, la to con bà giết người. Bà ta đinh ninh là không phải vì chỉ mẹ mới hiểu lòng con. Người thứ hai chạy đến cũng la to con bà giết người, khiến bà ta bắt đầu mất lập trường cách mạng đến khi người thứ ba chạy lại la to con bà giết người thì bà ta cũng bỏ nồi bánh bao mà chạy. Mình nhắc chuyện này để chứng tỏ sông có cạn núi có mòn nhưng mối tình hữu nghị của đồng chí gái không bao giờ thay đổi.

Ngày xưa, học Việt văn ở tiểu học. Thầy cô bắt học mấy bài trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, có câu chuyện ông nào cởi ngựa, bị con chó sủa khiến con ngựa giật mình, ông ta tức giận nên chạy vào làng kêu chó dại chó dại, khiến dân làng lấy gậy gộc đến đánh con chó chết. Thiên hạ ngày nay, cũng hay ném đá như ông thần cởi ngựa khi xưa. Thiên hạ không biết ấp giáp gì cứ nghe là hùa vào ném đá.

Như vụ người dân bức xúc về một tập đoàn nào bán buôn đồ thử nghiệm giả thì dư luận viên dùng vụ ông bố nào, nghe lời bà vợ thứ hai, khệnh con gái đi Tây phương cực lạc để định hướng thiên hạ trên mạng. Thế là mọi người nhảy vào choảng, không biết ất giáp gì cả nhưng được cái là thỏa mãn các đạo Đức trong thâm tâm mình. Vụ công ty bán đồ giả, làm tiền no nê trong mùa đại dịch chìm luôn.

Có biết bao đứa bé nghèo khổ như vậy, để rồi một ngày kia, lớn lên, bị bán sang Cam Bốt hay lấy chồng xứ Đài. Không ai lên tiếng hay tặng quà giáng sinh rất đơn sơ.

Nói chung, số người mến thì đông hơn số người ném đá. Như đã kể, có người mình không biết là ai, ghé nhà mình chụp hình, hay gặp mẹ mình thì hỏi chuyện thăm hỏi khiến bà cụ vui mừng trong tuổi già đơn độc. Cuối năm nay, có một số mời mình ăn bún bò óp-lai. Thay vì chụp hình nồi bún bò tỏa sáng, họ mời ăn thực thụ. Có người chạy từ San Jose xuống để óp-lai. Kinh

Mình chỉ muốn an bần lạc đạo. Ai hơn mình thì mừng cho họ, ai thua mình thì giúp họ. Sáng mới thức giấc, đã thấy nhắn tin từ Việt Nam, một ni cô xin 3 chiếc thuyền để chở học sinh đi học, người dân khi mùa lũ lụt đến. Sao dân mình khổ như ri. Năm nào, đến mùa mưa là bị lụt. Mình bị dính lụt khi thăm Quảng Nam nên hiểu hoàn cảnh người địa phương khi mưa lụt, nhắn người bạn nhờ đưa tiền dùm cho ni cô mua thuyền, giúp người dân địa phương di chuyển trong mùa lụt.


Thế là cả tuần nay đồng chí gái, trong vai bất đắc dĩ mắt em là bể oan cừu, bắt mình học tập đạo đức cách mạng, viết bản tự kiểm. Trước khi đi ngủ, phải nằm nghe cái loa phường, bên tai, mụ vợ ra rã, giảng về đạo đức cách mạng 5 gờ như tấm lòng của biển. Mình thiếp đi thì bị đánh thức, đồng chí gái, với đôi mắt kẻ nội thù, kêu sao ngủ rồi. Mình chỉ biết con chiên kêu lỗi tại tôi mọi đằng, để được ngủ tiếp như thuyền ra cửa biển.

Đồng chí gái kêu lãnh đạo rất nhậy cảm khi ai nói về họ. Muốn nói về lãnh đạo thì mình luôn luôn phải ca tụng mặt trời cách mạng, mặt trời hồng đẹp từ Đông sang Tây, kể cả khi Nguyệt thực hay đêm 30 vẫn sáng. Mình phải tiếp thu những lời vàng ngọc của đồng chí gái vô vàn kính yêu, ru mình vào giấc ngũ. 

Mình đành phải vượt qua số phận thằng chồng phản động, khắc phục học tập tốt, để trở thành cháu ngoan của bác, trò giỏi của thầy cô, người chồng ưu tú của đồng chí gái. Mà nếu là cháu ngoan của bác, trò giỏi của thầy cô, vô hình trung khuyến khích giới trẻ, theo chân bác, năm xưa xuống tàu đi Tây, tìm đường cứu nước lại làm dân khổ thêm. 

Mình đọc đâu đó, cho rằng, người xưa định nghĩa 3 loại đàn ông sợ vợ.

1) Loại sợ Thế, chồng không bằng vợ nên người chồng mặc cảm, sợ vợ. Loại sợ Thế cũng được chia làm 3 loại:

    1.1) sợ vợ do địa vị xã hội của gia đình nhà vợ cao, bản thân muốn nương nhờ thế lực của nhà vợ, do vậy nên sợ. 

Chử đồng Tử khi xưa, chỉ có cái khố, khi cha chết thì liệm cái khố cho cha để về bên kia 9 suối, ông bố có cái khố mà che nếu không mấy lại bị an ninh mạng, soi mói, kêu mất lập trường cách mạng. Thấy công chúa và đoàn tuỳ tùng đi dã ngoại, sợ quá, trốn dưới cát. Ai ngờ công chúa đến đấy, kêu tỳ nữ múc nước ngọt để tắm sau khi tắm biển và phơi nắng cởi trần cho có sinh tố D. Nước tắm chảy xuống cát, làm lộ Chử Đồng Tử với con chim đa đa hoành trắng vì thấy công chúa ở trần. Công chúa tắm nắng nên bồi dưỡng được nhiều sinh tố Dê, thích quá nên lấy về làm chồng, từ đó Chử Đồng Tử, đại diện cho kẻ bần hèn, nông dân, đều mang tính sợ vợ như mình.

    1.2) sợ vợ do gia đình nhà vợ giàu có, bản thân nhận được sự giúp đỡ tiền bạc của nhà vợ, do vậy nên sợ. Chử Đồng Tử là một thí dụ. Hôm nào mình kể chuyện tình Chử động Tử và công chúa Tiên Dung. Cực kỳ hấp dẫn. Ai muốn nghe kể thì báo cho biết. Mình kể theo đơn đặt hàng.

    1.3) Loại sợ vợ do tính cách của vợ quá hung hãn, tính cách người chồng nhu nhược như Sơn đen, sợ sự đánh chửi của vợ. Đồng chí gái không có đức tính này. Hú vía. Mình nói đồng chí vợ là Bồ Tát tại gia. Khi đang đói bụng, mình chỉ cần lấy cái điện thoại ra khấn một chút thì 15 phút sau, vợ đem thức ăn về, hết đói. Khi hết tiền, vợ cho $5 đi uống cà phê với bạn. Không bao giờ đưa hơn vì sợ mình đi cà phê Lú. Mình mua chiếc xe Truck cũ của một tên người Việt. Hắn kêu lại cà phê Lú để có wifi lên mạng của hãng xe, để xem hắn nợ bao nhiêu để mình tiếp tục trả nợ cho hắn. Thấy hắn gọi một ly cà phê, giá 2 đô, và cho tiền boa cô gái 10 đô, khiến mình thất kinh.

2 ) Loại sợ Lý, tức người vợ luôn chiếm thế thượng phong về Lý, có câu “Lý trực Khí tráng”, chồng không thể không phục. Đồng chí gái rất hãnh diện, khi xưa đậu phổ thông sau 75. Được ông thầy Việt Cộng dạy biện chứng luận về con người mới của xã hội chủ nghĩa. Mỗi lần khẩu chiến với kẻ nội thù là mụ đem biện chứng luận ra để lý luận khiến mình câm họng. 

Loại sợ Lý cũng chia làm 3 loại :

    2.1) người vợ hết sức hiền thục đức hạnh, làm người chồng phát từ nội tâm sự kính bội vợ. Sau mấy ngày học tập cải tạo tư tưởng thì mình phải nhất trí điều khoản này. Phải khen lãnh đạo đẹp và hát hay như mặt trời cách mạng.

    2.2) người vợ rất có tài hoa, người chồng khâm phục, tự than bản thân không bằng, do vậy nên sợ, như chồng của Lý Thanh Chiếu bên Tàu. Đồng chí gái thì không viết véo, làm thơ như Lý Thị gì cả. Chỉ hát đến khan cổ, ho luôn, kêu mình pha mật ong và nước chanh rồi mở cho mình nghe lại giọng ca nước mắt mùa thu của mụ cả ngày, rồi hỏi có hay không. Không dám tiêu cực.

    2.3) người vợ tần tảo vất vả vì gia đình, hy sinh rất nhiều cho chồng con gia đình, người chồng nghĩ đến cái khổ của vợ, do vậy nên sợ. Cái này thì đúng. Đồng chí gái nuôi mình từ khi lấy nhau đến giờ. Có vợ là có tất cả.

3 ) Loại sợ Tình, tức người chồng quá yêu người vợ, chỉ sợ người vợ không vui, lâu ngày chầy tháng do yêu mà sinh sợ, khúm núm dưới chân vợ. Cái này, để khỏi phải làm bản tự kiểm thì mình cứ nhất trí. 

Loại sợ Tình cũng chia làm 3 loại :

    3.1) Loại yêu sắc đẹp của vợ, tình nguyện làm ô-sin sắc tướng của vợ, do vậy nên sợ. Đồng chí gái có cô bạn, tên chồng được mấy bà phong làm người chồng nhân dân ưu tú. Ông chồng mua sắm áo quần cho vợ, toàn là đồ xịn, không có khuyến mại, còn cô vợ thì chả bao giờ đi sắm. Mình thì không biết kích thước áo quần của mình, nói chi của đồng chí gái. Cả đời bận đồ phát chẩn.

    3.2) Loại thương vợ trẻ. Chồng già vợ trẻ, người chồng luôn cảm giác tuổi tác của mình quá lớn, tự thẹn khuất trước thanh xuân của vợ, do vậy nên sợ. Cái này thì mấy tên về Việt Nam lấy mấy Em chân dài nên sợ. Khi có thẻ xanh là mấy em kêu pú lít tống cổ ra khỏi nhà nên sợ. Mình có ba tên bạn, lấy vợ Việt Nam, thua cả hai giáp nhưng vẫn vui vẻ bên mặt trời hồng từ 20 năm nay. Gần 70 mà con mới 8 tháng. Ra đường, thiên hạ hỏi ông cháu đi đâu thế. Thậm chí ở Đà Lạt, có tên Easy Rider, lấy cô học trò in-lí pho-tu đây, kém 40 tuổi thì sao. Có lẻ mấy bà kêu chiến sĩ an ninh mạng hù doạ, tuyên truyền để mấy ông đừng về Việt Nam, tìm chân dài.

    3.3) Loại thương người vợ yếu đuối. Người vợ thân thể hoặc tính cách yếu đuối như Trà Hoa Nữ, người chồng sợ vợ bị tổn thương như Hoạn Thư khi xưa, cho nên lúc nào, nơi nào cũng nhường nhịn vợ, như Thúc Sinh, do vậy nên sợ.

Theo mình thì ngày nay có thêm 2 loại đàn ông sợ vợ. Loại thứ 4 là sợ Toà. Kẻ nội thù, đưa ra toà ly dị là cháy túi. Mấy ông về Việt Nam, lấy mấy em chân dài, đem sang đây. Sau 3 năm, mấy em có giấy tờ, đưa đơn ra toà là nhà cửa gì đều thuộc về mấy em. Trở thành chuyên chính vô sản, hát người yêu cô đơn, yêu ai cũng trắng tay. Chán Mớ Đời 

Có loại đàn ông chỉ sợ Thế, có loại chỉ sợ Tình hoặc chỉ sợ Lý, có loại sợ 2 thứ, có loại sợ cả 3 , có loại sợ Toà… đố các bác em thuộc loại sợ vợ nào? Em sợ loại thứ 5. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Tìm lại bạn cũ sau 50 năm

 Hôm qua, mình nhận được cú điện thoại từ Gia-nã-đại, của một anh chàng ở xóm trên đường Thi Sách, gần bệnh viện Đà Lạt. Anh chàng cho biết mới nói chuyện được với Sang, bà con chi với anh chàng. Mình gọi cho Sang nhưng không thấy trả lời nên nhắn tin. Mình nói Phú ở Gia-nã-đại, không thấy Sang trả lời thì 1 tiếng sau Sang gọi. Nói chuyện gần 3 tiếng đồng hồ, vẫn chưa hết chuyện. Giọng hắn vẫn nhẹ nhàng như xưa. Hắn kêu thấy số lạ nên không dám bắt. Ở Hoa Kỳ có cái bệnh là họ gọi kêu bán buôn gì, quảng cáo nên thấy số lạ không dám bắt.

Khi về Đà Lạt lần đầu tiên, mình có đi tìm 3 tên bạn học cũ: Sang, Tài và Thuỷ nhưng không gặp. 3 tên này có chung một đặt tính là rất hiền, ăn nói nhỏ nhẹ, không ba trợn như mình, chửi thề đủ trò. Sau này, nhờ qua diễn đàn cựu học sinh Văn Học Đà Lạt, tìm và gặp lại được 2 tên còn Sang thì vẫn bặt tin đến hôm nay. Cuối năm 1972, khi hắn đi quân dịch sau mùa hè Đỏ Lửa.

Mình gửi điện thư cho nhóm Văn Học, báo tin đã tìm lại HKS, người đã khai thông lộ, khởi đầu quá trình ngắm gái, con đường vào tình yêu cho mình thì có tên bạn học cũ khác, kêu cho xin số điện thoại của Sang. Tên này, ở Dallas, chắc sẽ gặp Sang. Mình chắc sang năm mới bò sang Houston. Tên này có kể ngày xưa, kết một em tên Hồng, trong lớp. Mình về Sàigòn, có gặp cô nàng, chụp hình, gửi cho hắn. Vợ hắn gọi mình kêu, xem hình đối tượng 1 thời, hắn té xỉu, phải đái 1 trộ vào mặt hắn, mới tỉnh lại.

Tên Sang này và mình chơi với nhau từ bé trong xóm, bắn bi,…khi hắn học tiểu học với anh Bình ở cạnh nhà mình. Lớn lên thì chỉ chào nhau, cười cười khi gặp nhau, khi đụng mặt trong xóm. Đến khi mình sang Văn Học, lớ ngớ vào lớp 11B thì thấy hắn. Hắn kêu đến ngồi chung bàn. Lớp thì nhỏ mà có trên 150 mạng nhét vào ngồi như cá mòi. Được vài tháng thì hắn bị động viên, mất liên lạc từ đó.

Từ hắn, mình bắt đầu tập tành đi vào con đường cách mạng, thay đổi tầm nhìn, chân lý. Thay vì tập võ, đánh bóng bàn thì mình hủ hoá, mất lập trường cách mạng, bắt đầu ngắm gái. Ăn cơm trưa xong, hắn kêu mình chở hắn đi vòng vòng Đà Lạt, hắn biết cô này tên gì, nhà ở đâu. Cô kia họ chi, học trường nào. Trước đây, mình chạy xe một lèo tới trường hay về nhà, nay bổng nhiên phát hiện ra cuộc đời có những cô gái má hồng Đà Lạt, xinh đẹp. 

Hắn và tên em bà con, Bình, ăn bận rất cực đỉnh, đi học chải tóc láng cón trong khi mình chỉ húi cua từ bé đến nay.

Mình hỏi hắn nhớ Ri không, khiến hắn giật mình. Nói mày hỏi tao mới nhớ chớ mấy chục năm nay quên mẹ nó hết. Trong lớp dạo ấy, hắn thích Ri, người Chàm, lên Đà Lạt học, ở trọ nhà trên đường Thủ Khoa Huân. Hắn thân với tên Hiệp, lớp 11A, bắt gôn. Tên Hiệp này thích thị Đức, 11B nên hay viết thư rồi nhờ mình đưa lại. Một lần, sau ăn trưa, hai tên này rủ mình đến nhà Ri. Tại đây gặp Đức. 

Hai tên này nói chuyện với hai cô nàng, mình bỏ ra sân sau, nhìn xuống đường Cường Để và Hồ Xuân Hương. Đẹp thật. Có lẻ chỗ này nhìn về hồ Xuân Hương rất lạ, thấy Ấp Ánh Sáng, Grand Lycee,… không như mấy tấm ảnh thường thấy.

Lần sau chúng rủ, mình không đi nữa. Sau hai tên này đi lính, mình chấm dứt sự nghiệp, nghề đưa thư tình cho hai cặp này. Hắn có viết thư cho mình từ quân trường, nhờ tên em họ đưa lại. Tên này, có lần gặp mình, nói là có thư thằng Sang, gửi cho mình nhưng hắn quên đưa lại, sau bỏ xọc rác. Hắn kể khi xưa, mình nói chuyện hay chế những cụm từ rất đặc biệt như có lần đi sau cô nào, khi đi học về, mình nói cô này như “khoai lang lột vỏ” nên bị cô nàng quay lại nguýt một cái cực đỉnh.

Sau mùa hè Đỏ Lửa, Việt Nam Cộng Hoà đôn quân, thằng Sang và mấy tên khác sinh 1955, không được hoãn dịch, phải nhập ngủ, bỏ học, từ giả đời học sinh êm ái. Trong lớp bổng mất đi 10% học sinh nam. Cả lớp bàng hoàng được vài tuần rồi cuộc đời như dòng suối Cam Ly chảy qua thành phố Đà Lạt. Nhà tên nào có tiền thì chạy giấy tờ giả để tiếp tục học hay có em trai thì lấy giấy tờ của em để khỏi đi quân dịch. 

Hắn kể đi nhập ngủ, vào khám sức khoẻ, gặp lại Vĩnh, học chung, ngồi bàn sau tụi này. Tên này đi lính trước đó mấy tháng mà không ai biết. Anh chàng này đi Thuỷ Quân Lục Chiến, mới ra trận lần đầu, bị thương khiến Sang đâm hoảng. Kêu hắn vào lính trong khi tên bạn học cũ lại bị thương khi ra trận lần đầu. Thất kinh.

Học quân sự xong thì hắn được bổ nhiệm đi học tháo gỡ mìn và chất nổ, đóng quân ở phi trường Tân Sơn Nhất. Ai báo cho thấy các vật khả nghi, có mìn hay chất nổ thì hắn được cử đến tháo ngòi nổ. Lạng quạng nổ banh xác. Chỗ hắn học khi xưa, nay Việt Cộng làm viện bảo tàng tội ác mỹ ngụy. Còn em cô cậu nó, tên Tuấn, cũng học chung, đi lính cùng ngày với hắn. Tên này, ngày xưa hay chở Ngọ, mà trong lớp hay chọc, hát em tan trường về anh theo Ngọ về.

Gia đình hắn được xem là 1 trong 100 gia đình đầu tiên đến Đà Lạt lập nghiệp. Không biết trí nhớ hắn còn tốt hay không để mình hỏi thêm về lịch sử gia đình hắn lên Đà Lạt lập nghiệp ra sao. Anh hắn khi xưa là đệ tử của ông Sáu Trọng, thầy võ trên Số 4. Xóm mình được gọi là xóm Thái Cực Đạo vì có nhiều tên tập Thái Cực Đạo. Nhóm đi chơi tên Ngọc, đai đen thường được gọi là băng Thái Cực Đạo.

 Trong tấm ảnh này, biết đâu có hình ông ngoại của Huỳnh Kim Sang, lính khố đỏ sang tây đánh đức cứu Tây.

Ông ngoại hắn là lính khố đỏ, tây gọi là Tirailleur, bị tây chở qua xứ mẫu quốc, đánh giặc chống Đức vào đệ nhất thế chiến 1914-1918. May sao còn sống vì quân lính của tây chết như rạ vì họ dùng khí giới hơi ngạt. Về nước, Tây cho dẫn gia đình lên Đà Lạt lập nghiệp sinh sống. Mẹ hắn được gửi bằng khen, 1 trong những 100 gia đình đầu tiên di cư đến Đà Lạt. Thời Tây đổ bộ sau 1945, bị bố ráp, lính tây suýt bắn. May ông ta xổ một tràn tiếng tây bồi, cho quân số của lính pháp ngày xưa nên thoát chết.

Ông nội hắn, người Quảng Nam, làm thầu khoán, xây cầu gì ở Tháp Chàm, giàu có. Một hôm đi đâu về sao đó về bị té chết. Bố hắn với ông bác, còn bé, được mấy người bà con đem vào Đà Lạt nuôi. Ông cụ mình hay đến nhà hắn đánh bài. Bố hắn đánh bài, mèo chuột nên hắn lớn lên, không theo con đường của bố. Hèn gì bố hắn với ông cụ mình thân nhau vì có chung đặc tính. Bố hắn có bà Bồ nhí trên số 4 nên hay đi ngang nhà mình. Khi xưa có chiếc xe mô-tô. Chị hắn buôn bán giỏi lắm, có nhà chỗ đầu dốc Hai Bà Trưng. 1 trong 3 căn nhà xây sau Mậu thân, bên cạnh nhà ông tàu bán xắp xắp, chuyên môn bận áo quà màu đen ở bên cạnh rạp Ngọc Hiệp. Nhà có xe hàng. Sau này về Sàigòn buôn bán rau của Đà Lạt. Bị đổi tiền mấy lần te tua nhưng người tài giỏi thì vẫn làm lại được cuộc đời sau đó vì có nghề buôn bán.

Bố hắn mở tiệm làm nước đá Thuỷ Tinh, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Sau này bán lại cho ai, họ mới làm thêm cà-rem cây với loại eskimo mà mình mê nhất thời ấy. Hắn cho biết cái cầu nhỏ từ xóm Địa dư qua Phan Đình Phùng, thường được gia đình hắn gọi là Cầu Quẹo. Không biết có phải vì vậy mà dân Đà Lạt xưa gọi đường Cầu Quẹo. Có người kêu là vì chiếc cầu ở cận nhà hàng Cẩm Đô nên họ gọi Cầu Quẹo. Theo mình thì không chính xác lắm vì cầu Cẩm Đô, trước đó được gọi là cầu Cửu Huần, do ông Cửu Huần đặc trách xây. Sau này, nhà hàng Cẩm Đô được xây lên, người ta gọi là cầu Cẩm Đô.

Hắn kể em gái hắn học Văn Học, dưới một lớp. Bạn gái xinh đến nhà , nhờ đó mà hắn biết mấy cô đẹp, nhà ở đâu. Kể có 2 chị em, tên Mỵ và Nương, đẹp nức nở, ở Cầu Đất, chắc nằm vùng, sau 75 làm lớn lắm. Mình không nhớ 2 cô này, chỉ nhớ em gái hắn khi đến nhà hắn.

Hắn kể sau 30/4, hắn trút bỏ quân phục rồi tìm đường về nhà. Hạ sĩ quan nên đi học tập đâu mấy tuần rồi về. Làm đủ nghề, Việt Cộng muốn đày đi kinh tế mới, không cho học, không cho làm xí nghiệp. Hắn di tứ xứ làm ăn, làm lơ xe, xuống Hà Tiên làm công nhân cho xi măng Hà Tiên, bị dân Miên rượt đủ trò. Hắn kể trước khi vượt biển, Cô Thuỷ có xuống Sàigòn, ghi danh cho hắn đi làm công nhân.

Cuối cùng, một hôm hắn đứng đón xe cuối tuần về nhà thì gặp ông cậu. Tối đó, hắn ngủ lại nhà ông cậu. Có người lạ đến bàn chuyện vượt biển trên gác. Hắn bò lên xem, nhớ mặt ông khách lạ rồi sau đó, đi theo ông ta như phim trinh thám. Ông ta lên xe buýt thì leo lên xe buýt, xe đò rồi đến Rạch Giá.

Mình có kể tên bạn học cũ, tổ chức vượt biển, bị chúa trùm công an vùng Kiên Giang bắt. Bảo lên Sàigòn, móc nối với dân vượt biển, kêu về Rạch Giá, mua bến của hắn. Tên này được hai công an Kiên Giang Kiên Cường, đi kè lên Sàigòn. Hắn móc nối, chở 4,000 cây vàng về Rạch Giá nộp cho chúa trùm công an. Dạo ấy, thiên hạ vượt biển từ Bà Rịa nhiều như vợ mình. Nên tên trùm công an Kiên Giang kêu dẫn dân vượt biển về Rạch Giá. Tên trùm công an thấy tên này giỏi, móc nối kiếm tiền cho hắn, không cho đi vượt biển, nó phải núp dưới tàu trốn. Lênh đênh qua đảo rồi định cư tại Cali. Nghe nói tên công an này sau bị tử hình hay sao, không nhớ rõ.

Ông này khám phá ra hắn đi theo, tưởng công an nên nói anh của hắn, xem có phải công an. Ông anh nhận ra nó, kêu em tui nên được đi theo diện canh-me. Anh nó tổ chức vượt biển nhưng không nói, sợ bị lộ. Ghe nhỏ, hôm đó bão cấp 6 nên cả ngàn thuyền ghe đánh cá, đậu neo trong bờ. Thuyền của hắn ra khơi, nhỏ bé. May thuyền nhỏ nếu không thì đã bị sóng đánh vỡ. Tàu chết máy, trôi dạt vào Thái Lan, rồi họ kéo xuống Pulau Bidon. Một năm sau, được định cư ở mỹ. Sống tại Houston từ 1981 đến giờ.

Cách đây, 20 năm, về lại Việt Nam, có tên bạn giới thiệu cô cháu ở Mỹ Tho. Hắn bò về miền nam xem mặt. Thấy nghèo khổ quá nên cưới cô nàng đem qua Mỹ. Hắn nói có vậy mới sống bền với nhau. Cô vợ sinh ra hai cô con gái, 18 và 14 nên chắc phải cày thêm, chưa về hưu được.

Mình hỏi gái Mỹ Tho chắc đẹp lắm. Hắn kêu thường thôi, đẹp thì nó bỏ tao từ lâu rồi. Vợ tao thấy tao hiền nên thương, thua 20 tuổi. Về già mới thấy tên này khôn, lấy vợ trẻ để khi về già nó hầu mình. Lấy vợ gần tuổi nhau, về già đau ốm, già phải lo đấm bóp, thuốc thang đủ trò. Chúc mừng hắn.

Anh chàng kêu sao mình nhớ họ của ”Bỏ tao”. Bỏ là bố đỡ đầu của giáo dân. Hắn chỉ nhớ tên của bác Oai. Mình kể về bố của thằng HÙng, tập Thái Cực Đạo với mình ở Lasan Adran. Hắn kể ăn thịt chó tại nhà này. Ông bố đỡ đầu của hắn, công an chìm của trung tâm thẩm vấn, vua bắt nằm vùng Đà Lạt. Mình nói cũng ăn thịt chó tại nhà nầy được hai lần. Một lần, mình xin con chó của ông Quyền cho nó, nhà nó làm réveillon. Xong om.

Qua hắn thì khám phá ra trong xóm trên nhà mình có rất nhiều giáo dân. Họ đi nhà thờ mà cô hàng xóm đi lễ mỗi ngày. Nhà thờ nằm cạnh nhà xác. Trên bệnh viện Đà Lạt, có 2 nhà xác: một dành cho tây và một dành cho người Việt. Nhà thờ do mấy bà sơ áo trắng trù trị. Theo mình thì là nhà nguyện, để ai có thân nhân nằm bệnh viện, đến đó cầu nguyện bề trên. Nhà thờ lãnh địa đức bà thì mấy bà sơ bận đồ xanh. Hoá ra mẹ nó là mẹ đỡ đầu của chị Lệ Khánh, con bác Mân. Cô này, nổi tiếng với tập thơ “em là con gái trời bắt xấu”. Thằng T, con bà 3 Q cũng đi nhà thờ này. Sau này đi 302, sau 75, đánh lộn bị đâm chết.

Qua hắn, mới nhớ lại chị Nga, người Nùng, 1 trong 4 cô học sinh Bùi Thị Xuân đậu ưu hay tối ư 1 thời. Cạnh nhà Dũng Đầu Bò, cũng người Nùng. Dòng họ này đi lính lực lượng đặc biệt của Mỹ, chạy xe Jeep mỹ thấp, mấy cái bánh xe bè ra ngoài để tránh bị lật… hay ông Lê, bà con hay anh em gì của ông Tô, ở ngay dốc Hai Bà Trưng, cạnh nhà hai chị em Thanh, Trúc, quen với mẹ mình. Mình có gặp khi cô còn ở Irvine, sau này bán nhà ra RiverSide thì mất liên lạc.

Hắn hỏi mình nhớ con khách sạn XXX, mình không nhớ nhưng khách sạn thì nhớ. Hắn cho biết có gặp con của gia đình này, sang đây một mình. Buồn đời ra sao, đi làm nghề giết mướn. Ai trả $10,000 dạo ấy là thịt liền. Sau này, qua Hạ Uy Di làm gì bị bắn chết. Chắc gia đình không biết.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn