Showing posts with label Ăn và chơi. Show all posts
Showing posts with label Ăn và chơi. Show all posts

Tìm lại dấu chân Mễ Tây cơ


Đi chơi Mễ Tây cơ lần này sau 10 năm vắng bóng, như đi tìm lại dấu vết chân xưa. Kỳ này, không có hai đứa con theo nhưng bù lại có mấy người bạn của đồng chí gái đi chung. 

Vợ mình lên Seattle thăm mấy người bạn học Trưng Vương xưa, được giới thiệu làm quen với mấy người trên đó. Họ rủ đồng chí gái đi du thuyền. Mình thì không thích đi lại chỗ cũ, muốn khám phá cái mới, kỵ đi chơi mà được chờ thiên hạ. Đợi mụ vợ không là đã thấy mệt nay có thêm 7 bà nhưng vợ muốn đi chơi với bạn nên phải đi theo làm tiểu đồng. 

Trước ngày đi mình nghe nói có đến 11 người đi chung khiến mình thất kinh. Mình tưởng chỉ hai chị bạn đã gặp và một cặp vợ chồng đã đến nhà mình. Ai ngờ lại có thêm gần 1 tá. Trong đó có 3 thằng đàn ông già. Cuối cùng thì một cặp không đi được vì ông chồng bệnh. Còn lại 2 thằng và 7 bà. Cho thấy đến tuổi này, còn đi được thì chúng ta nên đi vì không ai biết trước ngày mai. Một ngày nào đó, lại kêu lực bất tòng tâm rồi tự xeo-phì. Chán Mớ Đời.

Mình lái xe xuống San Diego đậu gần bến tàu rồi đi xe buýt lên tàu. Đây là lần đầu tiên mình đi tàu du thuyền lớn như một thành phố mấy ngàn người. Cốt nông dân ngu ngu ra phố lần đầu tiên nên cứ ngóng nhìn đủ thứ. Chiếc tàu to kinh hoàng, có đến 12 tầng. Mình thích nhất là thiết kế của tiệm ăn chính, kiểu art deco. Giữa tàu có cái hồ bơi nhỏ và mấy cái spa. Điểm ngạc nhiên, thấy đa số du khách lớn tuổi nhưng nghĩ lại vào mùa này con nít đi học nên rẻ. Dân về hưu lợi dụng đi chơi. Có rất nhiều người đi một mình và đi xe lăn. 
Cabo San Lucas nơi mà du khách Mỹ đến đây hàng năm để câu cá biển. Nghe nói có câu đua, đoạt giải gì đó. Nơi này là giao thoa của hai luồng nước nam bắc Thái Bình Dương

Hai vợ chồng lên tàu đâu 12 giờ, đúng lúc ăn trưa, sau đó về phòng, đi vòng vòng cho biết chiếc tàu ra sao. Tàu khởi hành từ 5 giờ chiều, chạy hai ngày mới đến Cabo San Lucas, điểm dừng đầu tiên. Hải cảng nhỏ nên tàu cặp bến ở ngoài xa rồi họ cho mấy tàu cứu sinh, đưa hành khách vào bờ. Mình đếm độ 22 chiếc, được treo hai bên hông tầu để đưa hành khách vào bờ hay khi gặp cảnh như phim Titanic, không phải chèo, hay tặng áo cứu hộ cho cô con gái mới quen để chết trong cái lạnh băng giá.

Thuyền cứu sinh chạy bằng dầu, có cái ròng rọc đưa xuống nước rồi cho mọi người lên. Mình liên lạc với công ty để đặt mướn tàu đi ra cái mõm của thành phố này có mấy tảng đá to đùng ngoài biển, đặc biệt nhất là có cái arch nổi tiếng. 15 năm về trước gia đình mình có đến đây chụp hình rất đẹp. Ra tới nơi thương lượng rẻ hơn nhưng chỉ cho xuống tàu có mấy tiếng nên trả thêm $5/ người cho khoẻ nhất lại đi đông, thiên hạ chửi mình.

Tàu cứu sinh thả hành khách lên bờ, xem bản đồ thì phải đi vòng đến bên kia bến tàu mất 2 dậm. Lên tàu ra đến nơi chụp hình cho mấy bà xong thì về. Mấy bà xin đi shopping nên mình với anh bạn kêu đi về trước, hẹn gần chỗ lên thuyền cứu sinh để về cùng lúc. 

Hai thằng chả biết làm gì, trời nắng nên ghé vào tiệm cà phê uống nước đấu láo cho qua thời gian đợi chờ vợ nhà. Tháng 12 mà tại đây nóng như mùa hè ở Cali.

2 tiếng sau họ trở lại với mấy bà người Việt cũng đi chung tàu. Mình chợt nhận ra mấy bà mà hôm đầu tiên lên tàu. Đồng chí gái gọi mình xuống để xem tàu nhổ neo. Mình đi tìm không gặp, thấy mấy bà ngồi, có một bà hao hao giống vợ anh bạn nên chạy lại hỏi các chị có thấy vợ tôi đâu không. Họ nhìn mình như bò đội nón. Chán Mớ Đời 

Lên tàu thì họ khám an ninh rà máy. Đưa cái thẻ phòng ra để họ scan, hiện ra cái mặt mình trên màn ảnh thế là được qua, lên tàu. Khỏi phải đem theo sổ thông hành. Cái này mà dân ăn gian, đeo mặt nạ giống người đi xuống tàu rồi lên tàu với tấm thẻ là cũng hơi mệt.

Về phòng tắm rửa đến 7:30 thì xuống phòng ăn đã đặt trước. Có nhiều tiệm ăn nhưng chỉ có tiệm này thì lớn nhất, thức ăn thì theo thực đơn không như tiệm trên lầu có cửa sổ nhìn ra biển, ăn kiểu bao bụng. Mình ăn sáng rồi đợi tối ăn luôn. Không ăn trưa. Đồng chí gái thích ăn bao bụng vì có thể nhìn thấy thức ăn để lấy. Vợ mình không quen ăn thức ăn tây Mỹ nên khi nhìn thực đơn là ngọng. Cứ gọi mấy món gì mụ vợ không thích nên luôn bắt mình tiếp thu, dọn sạch phần ăn của mụ, rồi lấy thức ăn của mình.

Người Mỹ họ ăn uống lạ lắm, không như tây. Họ kêu rượu đỏ uống, lại gọi tôm hùm, cá đủ trò. Chán Mớ Đời mình thì gốc nông dân nên uống nước cho chắc ăn, không sợ bị tây hay bồi chửi phú quý học làm sang.

Đa số mấy tiệm ăn như cơm pháp, cơm ý thì phải đặt chỗ trước nhưng phải trả thêm tiền. Anh bạn nói là đi tàu chỉ thích ăn ở tiệm này chớ không muốn trả thêm tiền. Thật ra thì thực đơn được thay đổi mỗi tối tha hồ ăn thả dàn. Hôm đầu tiên mình thấy một chị đi chung kêu thịt bò steak phải trả thêm $20 nhưng hôm sau lại thấy món này không phải trả tiền thêm nên gọi ăn, khá ngon. Thêm dạo này, bổng nhiên không thích tìm tòi ăn uống nữa. Thấy cũng rứa. Nếu đi riêng với đồng chí gái thì mình sẽ ăn ở mấy tiệm tây và ý, đặc thù hơn là tiệm đông người này.

Ăn xong cả đám đi vòng vòng có những nơi trình diễn ca nhạc, chơi lô tô ghé vào hay sòng bài. Mấy người này thích hát nên kiếm một cái phòng nhỏ rồi kéo nhau vào, đem cái micro karaoke ra rồi mở YouTube karaoke thay phiên hát. Sau đó họ lên phòng ai hát tới khuya. Mình để đồng chí gái đi làm ca sĩ nghiệp dư rồi về phòng ngủ. 

Trong khi mình ăn thì tàu nhổ neo đi xuống miền nam Mễ Tây Cơ. Có thư để trước cửa phòng cho biết là đổi giờ vì múi giờ khác. Sáng hôm sau thì tàu đã cập bến Mazatlán. Ăn uống xong thì xuống bến. Mình gặp một chiếc xe taxi van chở được cả đám thương lượng được $180 cho một ngày. Kêu ông tài xế chở đi viếng chỗ làm rượu tequila cách thành phố 46 phút lái xe. Có kể riêng về vụ này. 

Viếng thăm nơi làm rượu thì họ cho uống thử tequila. Mình không uống nhưng thấy đồng chí gái và chị bạn uống 3 shot. Uống xong lên xe thấy chị bạn xỉn nên kêu xe đưa về tàu nghỉ ngơi. Mình tưởng đồng chí gái cũng xỉn ai ngờ cô nàng kêu đi ra phố. Xe chở ra phố để mấy bà đi mua sắm rồi về lại tàu. 
Bức tranh được hoàn thành bởi những chiếc xe nhỏ cho con nít rồi sơn lên

Lại ăn như điên. Anh phục vụ viên thích nhóm mình vì mình cho boa hậu. Cuối hải trình thì công ty chặt mỗi người đâu 18% cho tiền boa các người phục vụ trên tàu. Không biết là họ nhận bao nhiêu nên họ rất vui khi được mình cho thêm tiền. Ăn xong đi xem thiên hạ hát. Ca sĩ và ban nhạc hát những thể loại nhạc xưa vì du khách đa số là già. Mùa này chỉ có dân già rảnh đi chơi vì rẻ. Mùa hè thì giá đắt hơn. Mấy người kéo nhau về phòng ai để làm ca sĩ mình thì bò đi ngủ sớm. 

Hôm sau tàu ghé lại Puerta Vallarta , lại đổi thêm múi giờ theo giờ thủ đô Mexico. Ăn xong cả đám lại xuống tàu lên bờ. 

Có một chị muốn mọi người theo cô nàng nhưng lại không biết đường nên cả đám cứ đi theo cuối cùng vào ngã cụt. Rồi đổi ý đủ trò nên cuối cùng nhảy lên taxi ra phố. Anh bạn nổi khùng đòi về nên mình phải làm nghề Tôn Tẩn. Mấy bà đi mua sắm còn hai tên già ra malicon uống nước đợi đàn bà mua sắm. Phải công nhận malicon của thành phố này được thiết kế quá hay. Rất đẹp. Phải chi bến Ninh Kiều được thiết kế như đây chắc đẹp. 

Mấy bà mua sắm xong thì ghé ra tiệm nước lại kéo thêm một cặp từ Seattle. Mấy bà đói nên kêu nacho xong xuôi thì về. Mình và đồng chí gái đi bộ về khiến một chị và anh bạn đi theo còn mấy người kia kêu taxi về. Đi bộ cũng được trên 4 dậm đường. Mình nói có 2 dậm nên mấy người kia đi theo. Nói nhiều sợ đồng chí gái ngại. Rốt cuộc đi bộ xem như đi qua phố xá của họ luôn. Khá dễ thương. 15 năm không đến thành phố này, nay họ xây cất rất nhiều. 

Lại ăn tối mệt thở. Sau đó thì nhổ neo, lênh đênh trên biển đến hai ngày trở về San Diego. Chả biết làm gì cho qua ngày ngoài tập nội công. 

Đi du thuyền lớn lần đầu thì thấy cũng khá vui. Có anh bạn đi chung nói chuyện với nhau. Có cái hay là xuống bến tàu, đi chơi trong ngày rồi chiều về bến lên tàu cũng tiện, khỏi phải mang theo Vali, vào khách sạn. Cũng là cách đi du lịch khác với cách mình đi thường. Có điều là chỉ biết những thành phố dọc bờ biển, không đi những nơi xa được. Chỉ trải nghiệm được vài tiếng đồng hồ ở hải cảng này. Người ta khuyên là đi chơi xa, nên đi theo các vụ tổ chức viếng thành phố của công ty hàng hải. Lý do la nếu trễ thì họ đợi, tàu không nhổ neo còn đi tự túc thì xem như phải kiếm đường lên tàu sau này.

Anh bạn cho biết là các phục vụ viên trên tàu được công ty hàng Hải tuyển dụng rất kỹ lưỡng. Tiếng anh khá mới được tuyển chọn và được huấn luyện nên người Việt chưa lọt vào được. Người nam dương chiếm 60%, đến thái Lan, mã lai Phi luật Tân và ấn độ. Cứ như chế độ thực dân vẫn tiếp tục. Cũng dân xứ nghèo đi làm tôi mọi cho dân xứ giàu. Mấy phục vụ viên như mấy thầy thông thầy ký khi xưa, học được chút vốn tiếng pháp tiếng anh để đi làm thông ngôn hay thư ký cho thực dân. 

Cũng dân của các xứ độc tài tham nhũng phải rời bỏ quê hương đi xa kiếm ăn nuôi gia đình. Nhớ dạo viếng thăm Nam Dương, bạn mình nói là bao nhiêu kinh doanh đều nằm trong tay dòng họ của Tên độc tài Suharto. Phi luật Tân có đến 12% dân số đi làm culi khắp nơi cũng vì tên độc tài Marcos, rồi đến bà Aquino nay trở lại con trai Marcos. 

Ở Bolsa, có nhiều tiệm mát xa của người Tàu, toàn là người tàu sang đây làm việc một năm rồi về, để dành một số tiền mà cũng phải cúng cho đám đem qua khá bộn. Nên khi Tập thị kêu giấc mơ Trung Cộng là nghĩ đến mấy người tàu bỏ xứ đi kiếm tiền ở Hoa Kỳ hay Âu châu.

Nếu xét quan điểm của người đi làm cách mạng thì có thể đây là hình tượng của chế độ Tân thực dân. Mình và mấy người bạn ăn ké Hoa Kỳ. Đặc biệt là có một tên da trắng làm quản lý, coi ngó đám da vàng phục vụ du khách. Cứ như xưa, một tên Tây thực dân đầu xỏ, cai quản đám culi người Việt. Chỉ có tự nguyện đi làm vì lương bổng làm culi cho ngoại bang gấp 3 lần ở xứ họ. Mấy anh làm phòng cho mình, kêu khi họ gửi giấy tờ hỏi về họ thì cho điểm tố tốt nêu không lại mất việc.

Mình hỏi hai anh chàng dọn phòng thì họ cho biết không được phép nói lương bổng của họ nhưng cho biết gấp ba lần đi làm tại xứ họ. 

Mình mở điện thoại ra học bài câu tiếng nam dương để nói chuyện với mấy người phục vụ khiến họ cười thân thiện. 

Tối nay là bữa ăn cuối của nhóm. Sáng mai sẽ trở lại San Diego, lấy xe về bolsa. Đầu năm mới lại đi tàu ra Nam Cực. Sao thiên di lại chiếu vào cung mệnh. Lại lên đường như xưa. 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Oh Mexico me xí cồ


Nhớ hồi nhỏ, hóng chuyện người lớn, ông cụ mình hay nhắc với mấy ông bạn về ca sĩ Cao Thái với bản nhạc Mexico. Rồi năm Mậu Thân được báo nói đến giải túc cầu thế giới được tổ chức tại Mễ Tây Cơ và có xem phim này chiếu ở rạp Ngọc Lan nên mới tò mò đến xứ Mexico này. 

Thời đó chưa có Internet nên phải đợi đến khi mình sang Pháp, tình cờ đi dự chợ Tết ở Maubert mới có dịp nghe ông ca sĩ lão thành này hát lại bản nhạc đã đưa ông ta lên đài danh vọng ở Việt Nam. Nói cho ngay, mình không mấy ấn tượng lắm về ông này lắm.  Không hiểu lý do nào đã khiến ông ta di dân qua pháp. Khó nổi tiếng trong ngành ca nhạc ở Tây khi là người Việt. Nghe nói ông ta du học qua Tây nhưng rồi mê hát nên bỏ học đi hát phòng trà. Về Việt Nam được khán giả hỏi hát bài Mexico nên ông hát nhưng kéo dài thêm chữ Mexico khiến khán giả việt khoái quá nên chết luôn với bài này. 
Chiếc tàu đưa mình và cả ngàn du khách và phục vụ viên lênh đênh trên biển về miền Nam Hoa Kỳ, đến các hải cảng lớn của Mễ Tây Cơ

Sau này, sang Hoa Kỳ, đồng chí gái chọn đi tuần trăng mật ở Mexico. Rồi có con thì đi chơi xứ này mỗi năm vì miễn phí đến khi con gái kêu chán đi Mễ mới về Việt Nam đi nghỉ hè. 

Đi học bổ túc văn hóa ở Puerto Rico về thì đồng chí gái cho biết là đã mua vé đi du thuyền qua Mexico với mấy người bạn khiến mình thất kinh, lại phải khăn gói lên đường lại. Đang sửa lại cái nhà cho thuê, may có thằng con ở nhà coi thợ nên cũng đỡ lo. 

Lần này đi du thuyền to lần đầu tiên vì ở Ai Cập, đi thuyền bé trên sông Nile nên tương đối cách sinh hoạt khác. Đông người hơn, nhiều tiệm ăn và giải trí. Các phục vụ viên ở Ai Cập toàn là người Ai Cập trong khi trên tàu quốc tế này, toàn là người Á đông phục vụ. Du khách đa số là người Mỹ. 

Mấy người bạn bay từ Seattle xuống San Diego còn hai vợ chồng mình lái xe xuống, đậu xe rồi lấy xe buýt đến bến tàu. Đi bộ cũng được nhưng phải kéo theo cái Vali. 

Trước khi đi, mình có tải về cái app của công ty hàng hải nên chỉ đưa điện thoại ra cho họ scan cái bar code, để lên thuyền và được cập nhật hoá tin tức cho chuyến đi. Chỉ cần đưa cái điện thoại ra cho họ scan như thể đi máy bay. Xong om

Nói vậy chớ cốt nông dân như mình, lần đầu tiên đi nên ngơ ngáo, không biết cách thức. Cứ như lần đầu đi Tây you đu sao, tui đu theo. Trên xe buýt từ bãi đậu xe đến bến tàu độ 2 dậm, đồng chí gái làm quen với mấy người đi chung chuyến xe buýt gốc Phi Luật Tân, quen đi du thuyền nên hỏi cách thức. Mình thấy đi có 7 ngày mà họ đem theo mấy cái va li.
Phòng ăn mà vợ chồng mình và mấy người bạn ăn mỗi tối, có thực đơn và phục vụ viên. Trong ngày cũng có thể ăn tại đây và các tiệm nhỏ hơn nhưng mụ vợ mình thích ăn bao bụng nên phải ăn chỗ tiệm bao bụng. Mình chỉ ăn sáng còn trưa thì không ăn, để tới tối ăn luôn. Muốn ăn mấy tiệm ăn riêng thì cần phải đặt chỗ trước còn chỗ ăn bao bụng thì khỏi cần. Chỉ thấy chỗ nào trống thì kéo ghế để ăn, không có bồi bàn lấy thực đơn ngoài châm thêm cà phê hay nước uống và dọn chén đĩa cho mình thôi.

Xuống xe thấy họ kêu mình đi gửi Vali, rồi đi qua an ninh để chụp hình trước khi lên tàu. Lúc đó mới khám phá ra là người Mỹ họ kéo theo Vali nhỏ tiện hơn vì nếu gửi thì 5 tiếng sau họ mới đem Vali lại phòng. Họ phải cho qua an ninh rà xét, chất một đống trong bong tàu rồi mới đem từ từ lại phòng sau. 

Lên tàu, phòng ở lầu 10, thang máy thì thấy mấy ông bà Mỹ to kinh hoàng đứng đợi nên hai vợ chồng tập thể dục leo cầu thang đến 7 tầng. Cũng tốt mỗi ngày làm như vậy độ 4 lần, khỏi cần tập thể dục. 

Đến phòng thì có hộp thư cạnh cửa, mở ra lấy chìa khóa để vào phòng. Phòng tương tự tàu trên sông Nile. Thiết kế rất kỹ, không dư không thiếu 1 cm. 

Mấy người bạn đã lên trước nên phải xuống lầu ăn cơm với họ. Đang lơ mơ chưa biết chỗ nào thì gặp anh bạn nha sĩ Seattle đang đi ra ngoài hút thuốc. Ông thần này uống rượu và hút thuốc thần kỳ. Nhớ có lần anh ta bay xuống Bolsa với vợ, đem chai Remy Martin đến nhà mình. Mình không uống rượu nên anh ta gần như uống gần hết chai rượu hôm đó. Kinh
Ngày nào cũng đi ngang bức tranh này ở cầu thang. Phòng mình ở lầu 10 nên phải đi bộ xuống lầu 2 rồi ăn xong lại leo lên lầu 10. Ngày 2 lần.

Thức ăn thì có nhiều quầy cho cơm Á đông, cơm Mỹ với pizza, hamburger. Nói chung thì mình nhìn là sợ ăn bao bụng. Cũng ăn cho có lệ. Chiều lại ăn chỗ này nên hơi chán. Có chị xung phong đặt nhà hàng ăn tối nên chắc đỡ hơn ăn buffet. Họ có làm thịt heo quay, đủ thứ, gỏi cuốn Việt Nam nhưng ăn không ngon. Mình không rờ đến, chỉ nghe mấy người bạn cho biết. Đi chơi mà cứ tìm thức ăn Việt Nam. Chán Mớ Đời 

Thật ra người Mỹ đi nhiều nên họ làm thức ăn Mỹ khá nhiều như pizza, hamburger, pasta,.. họ có gửi thư hỏi mình muốn gì trong chuyến đi tới thì kêu cần thêm đồ ăn ả rập.

Mình nhận thấy nhiều người đi xe lăn máy điện, họ vào tiệm ăn cứ chạy xe điện kiểu xe hơi ở Việt Nam. Cứ quẹo lại để lấy thức ăn rồi có nhiều dãy ghế dành cho ai ngồi xe lăn ngay bên hông để dễ tấp vào ăn. Có ông Mỹ to kinh hoàng, ngồi xe lăn đi ăn rất nhiều. Kiểu ăn để chết như phim La bouffe.
Tàu to kinh hoàng, đậu ở cảng Puerta Vallarta

Mình đọc báo cho biết, có mấy người về hưu, chuyên môn sống trên tàu du thuyền loại này. Họ mua sớm hay giờ chót nên rẻ độ $500, 600 cho một tuần. Thế là cứ lên tàu xuống tàu mỗi tuần xem như vừa ăn vừa ngủ 1 tháng tốn độ $2,400. Đủ tiền của an sinh xã hội cấp. Bên Panama, họ mới lấy một chiếc tàu to, rồi bán cho mỗi cặp để ở trên tàu, khỏi phải lo lắng nhà cửa gì cả.

Ăn xong về phòng, mụ vợ gọi ra xem tàu nhổ neo. Mình thì nhớ con tàu 40 năm về trước nhổ neo từ Hải cảng Sète của Pháp quốc để sang Ma-rốc, bị ói xanh mặt luôn. Marcel Pagnol có viết về anh chàng Marius ở cảng Marseille, mỗi chiều nhìn các con tàu ra khơi nên muốn đi du hành trên biển một lần trước khi lập gia đình nên mình thử một chuyến ai ngờ ói đến mật xanh suốt chuyến đi. 

Tàu lớn nhưng cũng cảm nhận được sự rung rinh, lắc lư của tàu tương tự đi tàu trên sông Nile. Có lẻ lần sau mình cho gia đình hội ngộ trên tàu du thuyền cho khỏe. Khỏi phải lo vụ cơm nước. 

Mình thấy người Mỹ đi quen, họ ra sớm, chiếm chỗ và ghế bố để ngồi phơi nắng, hít gió biển. Vấn đề là hồ tắm nhỏ thêm đông người, chắc nước được bỏ thuốc sát trùng khá nhiều. Ăn uống thì miễn phí ngoại trừ rượu bia thêm nếu ăn ở tiệm ăn đặc thù thì có nhiều món phải trả thêm. Tương tự mình muốn ăn trong phòng miễn phí nhưng có vài món thích ăn lại phải trả thêm tiền. 
Ăn no xong lên bông tàu đi bộ, ngắm trăng rằm

Đi trên tàu vài ngày thì nhận ra có vài người già đi một mình, sáng họ ra chỗ sinh hoạt cộng đồng, chiếm cái bàn rồi ngồi đó, ăn uống xem thiên hạ cho qua ngày. Không thấy họ xuống tàu. Chắc đi quen nên chả cần xuống bến. Có nhiều người đi xe lăn, có người của công ty đẩy xe cho họ đi khi đi ăn cơm hay xuống bến chơi. Chắc phải trả thêm tiền.

Cuối tuần nên phải trả tiền thợ qua zelle xong thì đi tìm nàng. Kiếm hoài không ra vì cô nàng ở trước mũi tàu nhưng ở lầu 3 còn mình thì ở lầu 11. Chán Mớ Đời 

Mụ vợ cứ gọi nên đi kiếm, thấy có 4 bà gốc Á châu, có bà trông giống một bà mình mới gặp ở trong tiệm ăn nên chạy lại hỏi. Mấy chị thấy vợ tôi đâu không khiến mấy bà ngơ ngác, nhìn mình như bò đội nón, mình phải xin lỗi. Trong đám đi chung mình chỉ quen có 2 người còn mấy người kia, bạn của mấy người kia trên Seattle nên chưa gặp lần nào nên không nhớ mặt. Nhất khi ăn chung lần đầu lại ngồi hai bàn. 

Vào phòng nhận hành lý xong thì mua nước uống. Mấy người đi quen, họ đem theo cái thermos để lấy nước khi đi ăn đem về phòng. Nếu không một chai lít nước $6. Chán Mớ Đời 

Mai lên bờ, mình tìm mua hai cái thermos cho chắc ăn. Cuối cùng thì mình mua 12 chai nước để uống trong tuần cho hai vợ chồng, xem như 3 gallon cho hai vợ chồng.

Gặp anh chàng lo dọn phòng, phục vụ cabin của mình. Xem tên thì mình đoán là người Nam Dương. Y chang, anh ta kể là gốc đảo Bali. Chỉ mình cách mở truyền hình. Lý do là họ bắt mình xem đoạn video cần thiết cho sự an toàn rồi mới cho nhảy qua các đài truyền hình hay phim ảnh. Mình thì cứ nhảy sang tin tức thì máy tự động tắt. Chán Mớ Đời nên gọi lễ tân và họ kêu anh ta đến phòng. Mình kể là viếng Nam Dương cách đây 20 năm về trước còn vợ mình thì sớm hơn ở trại tỵ nạn Galang. 

Theo anh chàng thì 60% phục vụ viên trên tàu đến từ Nam Dương, số còn lại từ Thái Lan, Phi luật Tân và Ấn độ. Anh cho biết phải học đại học xong rồi được tuyển phải theo lớp huấn luyện mới được lên tàu làm việc, lau chùi dọn phòng. Họ nói tương đối khá anh ngữ. 
Hơi giống Etretat của Pháp.

Nhóm đi dự định là 11 người, có 3 thằng đàn ông nhưng giờ chót một ông ở nhà vì bệnh nên bà vợ ở nhà luôn. Khi còn trẻ thì đi chơi đâu thì đàn ông nhiều hơn phụ nữ nay về già thì ngược đời lại. Nghe đồng chí gái kể có bà ly dị, có người là góa  phụ nên rủ nhau đi chơi chung cho vui. Thấy vợ vui khi có bạn. Mình tính ở nhà nhưng mụ vợ kêu đi nên đành phải theo làm ô sin. Đi trong nước thì mụ vợ đi một mình không cho mình theo còn đi ngoài nước là mụ lo sợ nên cần mình lo sổ thông hành, nói tiếng ngoại quốc, giao dịch. Năm nay, mụ đi chơi với mấy bà bạn khi mình leo núi. 

Nói đến leo núi thì sau vụ thám hiểm động Sơn Đòong, mình tính leo Annapurna hay Everest Base Camp ở Nepal. Chưa biết được. Có lẻ ABC vì ít người.

Đợi đi Nam Cực và Chí Lợi về rồi tính. Đang tham khảo tài liệu về vụ này. Thấp hơn Kilimanjaro độ 1,000 cao bộ. Đi một chuyến về thì ngẫm mình điên nên không muốn leo núi nữa. Rồi từ từ cơn điên lại trở lại hành mình, lại muốn tiếp tục điên điên khùng khùng leo núi nữa. Năm tới Đi Việt Nam về mình sẽ kéo đồng chí gái tập leo lên Mount Baldy. Nếu cô nàng leo được lên đó thì chắc đi Nepal chung. Còn không thì cô nàng đợi mình ở Katmandu trong khi mình leo núi rồi hai vợ chồng bay qua ấn độ gần đó trước khi về. 

Theo thời khóa biểu, mai tàu cập bến Cabo San Lucas. Mình đã đến đây rồi, đồng chí gái muốn đi lại với mấy người bạn.
Thấy máy rút tiền bên Mỹ ra đôla khiến mình hơi sợ

Sau đó về tàu rồi đi Mazatlan và Puerto Vallarta. Hai chỗ này mình cũng đã đi lại nhiều lần vì miễn phí cho vé máy bay và khách sạn. Mình có kể cái mánh này rồi. 

Trên tàu có bán WiFi nhưng yếu lắm nên không mua. Một tuần không xem Internet cũng vui. Lâu lâu cần cách ly với mạng xã hội để ý đến mụ vợ. 

Đi chuyến này về phải chuẩn bị cho vụ đi Chí Lợi và Á Căn Đình và Nam Cực rồi Việt Nam. 
Được cái là ngày nay mình có thể làm việc qua mạng. Mua bán nhà cửa đều qua mạng nên không cần phải ở nhà. Người mướn nhà cần gì thì có app indigo để báo cáo rồi mình xem sự việc rồi gọi hay nhắn tin cho thợ đến sửa. Xong thì trả tiền qua mạng. Xong om 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Ung thư đường ruột



Hôm qua nghe tin tài tử Kirstie Alley vừa qua đời vì bệnh ung thư đường ruột khiến mình phải ghi vào sổ nhớ nhắc bác sĩ sang năm đến kỳ 5 năm đi soi đường ruột. Theo lệ thì trên 50 tuổi thì người ta khuyến khích người Mỹ đi soi ruột để phòng ngừa ung thư từ 45 đến 75 tuổi còn qua tuổi 75 thì công ty bảo hiểm nghĩ trước sau người Mỹ sắp đến tuổi đi Tây vì trung bình người Mỹ chết vào lứa tuổi 75 nhưng nếu muốn thì phải hỏi bác sĩ như ông bạn già Larry. Ông ta kể bác sĩ khuyên khỏi cần nhưng ông ta kêu tui trả tiền bảo hiểm, bảo hiểm phải cho phép nên được làm thêm 2 lần trước khi bị tai biến. 

Ung thư đường ruột đứng thứ hai sau ung thư phổi đã lấy mạng sống trung bình hàng năm trên 609,000 người Mỹ. Nếu phát hiện kịp thời thì may ra còn cứu sống. Do đó chúng ta cần nên đi bác sĩ, soi ruột theo lệ 10 năm bắt đầu từ năm 45 tuổi thay vì năm 50 tuổi như trước đây. 
Thống kê về ung thứ tại Hoa Kỳ năm 2022, cho thấy ung thư về phổi lên đến 21%
Thống kê ung thư tại Hoa Kỳ năm 2022

Cách đây đâu 10 năm, có anh bạn theo vợ đi soi ruột, vợ thì không có gì trong khi bác sĩ khám phá anh ta bị ung thư ruột, giai đoạn 4, phải chữa trị. May kịp thời nếu không đã như bố anh ta bị ung thư ruột già qua đời. 

Mình lò mò đi soi ruột với đồng chí gái. Kết quả đồng chí gái không có gì trong khi bác sĩ tìm và lấy ra mấy cái polibs xuất hiện trong đường ruột già của mình. May sau khi thử nghiệm thì bình thường nên cứ mỗi năm năm là phải đi tái soi ruột. Lần sau cũng bị vài cái polibs và đã được bác sĩ lấy ra khi soi ruột. 

Polibs là một loại như nấm mọc ra trong ruột già của mình và rectum, trực tràng. Nếu các polibs này sinh sôi nảy nở mà không được lấy ra thì có thể gây ung thư. Mình đoán nếu không bị ung thư thì cũng cản ngăn phân theo đường ruột già ra. 

Người ta khuyên mỗi năm nên uống thuốc xổ, nhịn ăn vài ngày để xúc ruột vì phân có thể bám vào đường ruột già, gây nên độc tố cho cả cơ thể. 

Có nhiều phương pháp truy tầm ung thư ruột già như lấy phân ở nhà rồi gửi qua bưu điện để phòng thử nghiệm truy tầm các loại máu ung thư và tế bào ung thư. Vấn đề là phương pháp này có thể sai, không chính xác và phải thử nghiệm hàng năm. Cần tránh ăn các loại thịt và lòng gan trước khi lấy phân ít nhất 3 ngày. 

Nếu phòng thử nghiệm tìm ra triệu chứng thì cũng phải lên bàn mỗ nằm để bác sĩ soi ruột. 

Một phương pháp khác là Thử nghiệm DNA vì tế bào ung thư có thể khiến DNA biến chứng. Do đó thử nghiệm có thể truy tìm những gen bất bình thường. Các loại thử nghiệm này có thể làm cách nhau ba năm. Nếu phòng thử nghiệm tìm ra những gì bất bình thường thì cũng lên bàn mỗ để soi ruột. Tốt nhất là đi soi ruột mỗi chu kỳ 5 năm. 

Mỗi lần đi soi ruột, bác sĩ cho uống thuốc xổ ở nhà cho sạch ruột và có gì màu trắng để khi họ đút cái sợ dây có ống kính vào hậu môn rồi từ từ đi vào sâu sẽ hiện lên hình ảnh ở đường ruột. Kiểu như thợ ống nước bỏ camera vào ống cống ở nhà để xem ống cống bị nghẹt hay bể ở khúc nào. Nếu thấy polibs thì bác sĩ lấy kéo cắt luôn rồi cho phòng thí nghiệm thử nghiệm xét có bị ung thư hay không. 

Virtual colonscopy: 
Loại test sử dụng. Mấy điện toán để chụp Quang tuyến và computed tomography (CT) để xem những hình ảnh 3 chiều trong đường ruột và thực tràng. Test loại này thì không cần đánh thuốc mê bệnh nhân. 

Mình nhớ hai lần trước đi soi ruột. Bác sĩ gây mê đến hỏi mình vài câu sau khi tiêm vào bịch thuốc và đường ống IV của mình khiến mình ngủ thiếp luôn, chỉ tỉnh dậy khi bà y tá đánh thức, kêu về. Thằng con đợi ngoài cửa. Chán Mớ Đời 

Vấn đề là bệnh nhân bị ảnh hưởng phóng xạ của máy CT và có thể bị vọp bẻ cho tới khi các hơi được thoát ra vì họ bơm bơi cho phình đường ruột để thấy rõ. Kết luận là nếu họ khám khá mấy polibs thì cũng phải lên bàn mỗ lại để bác sĩ lấy ra. 

Công ty bảo hiểm có thể chấp thuận các loại test rẻ hơn là soi ruột nếu còn trẻ nhưng khi đã bị polibs rồi thì lên bàn mỗ theo chu kỳ 5 năm. Xong om

Có nhiều trường hợp những người trẻ chết vì ung thư ruột già khi mới 40 tuổi

Tốt nhất là phòng ngừa. Ai chưa thử nghiệm thì nên nói với bác sĩ muốn soi ruột. Bảo hiểm trả chớ đợi như anh bạn mình, bị ung thư phải chữa trị khá mệt. Phải nghỉ làm rồi về hưu luôn vì khá mệt. Sau khi điều trị thì sức khỏe không còn như xưa nên về hưu sớm ra bolsa uống cà phê mỗi ngày. 

Bệnh ung thư là bệnh thời đại. Người xưa hay nói bệnh tòng khẩu nhập. Ngày nay chúng ta ăn đủ loại và nhiều nhất là thức ăn không được sạch như xưa. Thực phẩm được công nghệ hóa và biến chế, sử dụng khá nhiều đường và hóa chất để bảo quản đưa đến việc hủy hoại tế bào và đưa đến tế bào ung thư. Chúng  ta ráng ăn uống cẩn thận. Thanh lọc cơ thể đều đặn để giúp tái sinh các tế bào xấu. Mình có kể mấy vụ này khá nhiều trên bờ lốc của mình. Mình thấy trên mạng có ông này báo tin như sau:

I got a colonoscopy at 50, like you're supposed to. All clear. No polyps. "See you in 10 years" 7 years later I was diagnosed with stage 4 colon cancer. Spread to my liver. That was 2 years ago. So far so good.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

Người tính không bằng tính người

 Hôm nay, mình đi gặp 2 người con của ông thầy dạy mình mua nhà cửa. Ông này xem như 1 trong những người đỡ đầu của mình. Ông ta dạy mình mỗi thứ 6 khi đi ăn sáng chung và hàng tháng sau buổi họp, ông ta ở lại để dạy những người mới vào nghề như mình. Ông ta mới qua đời trước khi mình đi phi châu.

Ông này có dặn mình là phải chuẩn bị mọi thứ để con cái sau này, không bị phiền hà về tài sản mình để lại. Ông ta lấy thí dụ là mẹ ông ta để lại gia tài cho 3 người con mà không làm di chúc nên ông ta mất 3 năm trời để thu dọn tài sản, đóng thuế tài sản để mỗi người nhận được gần 100,000.

Tấm ảnh này khiến mình rất xúc động

Ông ta muốn hai người con gia nhập nhóm đầu tư địa ốc nhưng đời cha dạy học, đời con đốt sách. Hai người con này mình có gặp 1 hai lần. Nay ông ta qua đời để lại tài sản khá cao hơn 12.06 triệu mà chính phủ cho phép miễn thuế tài sản. Hai người con phải đóng thuế Chán Mớ Đời. Ông ta ly dị. tài sản đều được tạo dựng sau khi chia tay bà mẹ của hai đứa con trai. Cho thấy lập gia đình với người hôn phối rất quan trọng. Bà vợ chỉ thích mua sắm mà lương ông ta rất khiêm nhường với nghề huấn luyện viên thuỷ cầu (Water Polo). Sau khi ly dị thì ông ta mới phát hiện ra cái nghiệp dư mua nhà cho thuê và từ đó tậu được 20 căn nhà. Nhà quận Cam giá trị gần 1 triệu đô nên tài sản ông ta để lại quá số 12.06 triệu cho mỗi người. Nếu ông ta còn lập gia đình thì hai vợ chồng được trừ 24.12 triệu đô la thì hai người con khỏi phải đóng thuế.

Họ liên lạc với mình để bán lại vài căn nhà của ông cha để có tiền đóng thuế. Mình ngạc nhiên hỏi tại sao ông ta không bán cho hai anh nhà trước khi chết như ông Mic, cũng giúp đỡ mình rất nhiều. Hai người con nói là có nói với ông ta nhưng ông ta khư khư không chịu, bạn bè thân cũng nói nhưng ông ta vẫn kiên định không chịu.


Quà từ Ukraine.

Lý do là nếu ông ta bán bớt cho hai người con theo dạng Land Of Contract như ông Mic thì mấy căn nhà sẽ không còn nằm trong tài sản của ông ta, ít hơn 12.06 triệu thì con ông ta không phải lo bán nhà để đóng thuế. Nên nhớ là hai người con phải tìm ra 2 triệu đồng để đóng thuế cho số tài sản trên 12.06 triệu trong vòng 9 tháng sau ngày ông ta qua đời. Số tiền 12.06 triệu sẽ bị giảm lần trong tương lai vì chính phủ cần tiền đóng thuế, để trả cho những chi phí của vụ Covid vừa qua, thậm chí có đại biểu Dân Chủ đòi bỏ và bắt đóng thuế tài sản.

Mình nói bố hai anh dạy tôi là chỉ đặt cọc 10% nhưng nay nể ơn của ông ta đã dạy tôi nên đồng ý đặt cọc 20% còn thì hai anh cho vay lại (carry back). Họ đồng ý nhưng phải đời con của ông Rich Dad của mình, Clyde Wilson, làm nghề appraiser giảm định các căn nhà cho thuê của ông ta thấp hơn giá thị trường trong vòng 6 tháng sau khi ông ta qua đời, mới làm giấy tờ sang tên và đặt cọc tiền. Mình cũng có 6 tháng để làm 1031 exchange nên ok.

Hai tuần nữa mình sẽ bay qua Puerto Rico, học mấy ông luật sư, về mấy vụ này 1 tuần. Trên đường về, chắc sẽ ghé Houston thăm anh bạn hàng xóm khi xưa, bị đôn quân sau mùa hè đỏ lửa, mới liên lạc được năm nay.

Cho thấy chúng ta có khôn ngoan, tính toán nhưng khi về già, đau ốm, đầu óc không còn sáng suốt để nhận định vấn đề hay sức khoẻ để làm tiếp. Ông ta có kể cho mình vài năm trước khi qua đời là đau, nhất là ngủ không được, phải uống thuốc an thần. Do đó muốn chắc ăn thì nên làm khi mình còn minh mẫn, chưa đau nhức. Không ai biết mình trả nhớ về không khi nào, nhất là sức khoẻ làm chúng ta mất sức, ý chí phấn đấu. Mình có tài liệu của ông ta đưa đẻ làm cho việc hậu sự. Đã viết xuống như ông ta dạy.

Mua nhà của hai ông con thì mình được cái lợi là họ cho vay lại, sẽ đóng thuế điền trạch ít hơn vì ông bố đã bỏ trong Land Trust, mình chỉ đổi tên thành Successor Trustee là xong chuyện, vẫn tiếp tục đóng thuế như ông ta. Rẻ hơn nhiều.

Mình còn bị jetlag nên chạy về nhà ngủ một giấc đến khi đồng chí gái về kêu đi ăn sinh nhật một chị bạn từ Ukraine sang. Chồng chị ta thuộc hạt giống đỏ, được du học tại trường bách khoa Kiev, rồi ở lại sau khi Liên Xô sụp đỗ. Làm ăn khá giả nên về Việt Nam cưới chị ta, đưa sang Ukraine. Gia đình chị này khá giả ở Ukraine nhưng rồi theo dạng đầu tư EB-5 qua Hoa Kỳ nhưng vẫn đi đi về về Ukraine vì còn cơ sở làm ăn tại đây.

Chị ta kể là khi còn ở Ukraine thì có mướn 2 đầu bếp ở nhà; 1 đem từ Việt Nam sang và một là người U, nên học nấu ăn. Hôm qua chị ta đãi toàn là thức ăn U. Lần đầu tiên được ăn món crepe cuốn caviar, ăn rất đỉnh. Có anh cũng du sinh tại Ukraine, mình có gặp một lần, lấy vợ U, trẻ hơn đâu 15 tuổi, 3 con. Sau 2014, Bác Putin buồn đời, đánh chiếm phần đất Ukraine nên anh ta bắt chước một số đàn anh khác, chạy qua Hoa Kỳ. Nay làm nghề mua nhà cũ, sửa chửa lại rồi bán. Khá thành công.

Có một cặp vợ chồng từ Nga chạy qua mỹ. Thiên hạ tếu kêu đây là kẻ thù của người U. Anh này mình có kể rồi, có nhà máy làm xì dầu bên Nga, có đến 600 nhân công. Cũng đi đi về về xứ bác Putin.  

Ăn xong thì có màn hát hò. Một anh bạn đã từng đi tù Việt Cộng sau 75, vượt biển hát một bản nhạc, mình có nghe trên YouTube vài lần, nói về tình yêu của bộ đội, được một anh bộ đội ở tù chung dạy, sau đó anh ta hát một bản tình ca của lính Việt Nam Cộng Hoà. Anh ta giải thích cho cô vợ người U nhưng khá phức tạp cho cô ta. Trước khi về, mọi người yêu cầu anh ta hát thêm một bài. Anh ta hát bài “những dòng sông chia rẽ” của Phạm Duy trong Trường Ca Mẹ Việt Nam.

 https://youtu.be/3yvHVlXfXjs

Bài này mình nghe lần cuối lâu rồi do ban nhạc Ngàn Khơi thực hiện. Khá cảm động.

Nước đi là nước không về 
Chia đôi dòng nước chia lìa dòng sông 
Chia đôi bên bờ bến lạnh lùng 
Cho Ngưu Lang và Chức Nữ ngại ngùng 
Chia đôi dòng sông Thương 
Nước bên đục bên trong 
Nước ân tình đổi thành ra nước căm hờn.

Chia sông Gianh phân tranh mộng đồ vương 
Chia con sông Bến Hải buồn thương 
Nước yên vui từ nguồn 
Bỗng gây nên điều buồn 
Dòng lệ tuôn thành sông không có linh hồn 

Chia anh em vì quên tiếng gia đình 
Chia tay chân và cắt đứt ngang mình 
Chia thân hình yêu thương 
Cắt da thịt chia xương 
Trái tim buồn còn hằn in vết thương lòng 

Sông tang thương trôi nghiêng nhịp cầu sương 
Cho thê lương điếm cỏ Hiền Lương 
Nước sông trôi bềnh bồng 
Thiếu bao nhiêu mặn nồng 
Vì dòng sông, dòng sông chia rẽ đôi đường 

Lũ con lạc lối đường xa 
Có con nào nhớ Mẹ ta thì về. 

Ai nghe đều cảm động, xót xa cho thân phận người Việt bị chia rẽ bởi cuộc chiến uỷ nhiệm, đánh cho Tàu, cho Liên Xô và cho Mỹ, để rồi 2 bên chạy sang Hoa Kỳ sinh sống mới “Có con nào nhớ Mẹ ta thì về”. Nay ở Hoa Kỳ, hai bên mới có cơ hội gặp nhau ăn uống, nói chuyện với nhau tỏng tinh thần người Việt, nạn nhân của ngừoi ngoại quốc, để ngậm ngùi cho thân phân nô lệ da vàng như Phạm Duy đã viết đây “Lũ con lạc lối đường xa, có con nào nhớ Mẹ ta thì về”.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Từ Kilimanjaro đến Kim Tự Tháp và Thạch Thị

 Mình xuống núi Kilimanjaro xong thì ngủ được 3 tiếng đồng hồ tại nhà nghỉ, phải ra phi trường để bay qua Ai Cập, gặp đồng chí gái để đi chơi mấy ngày tại xứ của bà Cleopatre và xứ Jordan, quê hương cua những người Bedouin. Ông tài xế là người đón mình ở phi trường vào lúc 2 giờ sáng khi đến và nay lại ngủ gật trong xe đến khi mình gõ cửa, đưa ra phi trường lại vào lúc 12 giờ đêm.

Phi cơ bay từ 2 giờ sáng đến Zanzibar, bờ biển của Tanzania, để thả du khách đi tắm biển ở Ấn Độ Dương và lấy hành khách tại đây về Istanbul quá cảnh 5 tiếng đồng hồ. Tại đây, đồng chí gái đã hạ cánh cách đó 30 phút và đang ở phòng đợi thương gia.

Kỳ này đi mình mua vé thương gia cho đồng chí gái vì sợ cô nàng ngủ không được trên máy bay, lại vật vã khi đi chơi. Phi trường Istanbul mới được xây cất từ năm 2018 nên khá đẹp. Có đến 2 cái phòng đợi thương gia nên mình phải mò hết phi trường. Chuyến về thì đi vé thường vì đồng chí gái muốn về sớm nên không có vé thương gia. Được cái là có thể vào phòng đợi của hội viên Priority Pass của American Express. Cũng được ăn uống miễn phí, có chỗ ngồi thoải mái thay vì lây lất như ở lầu dưới.

Mình nhờ một công ty du lịch, lên chương trình cho hai vợ chồng đi chơi riêng, không mất thời gian lại chủ động được thời gian của mình. Vợ mình ngủ ngáy khó khăn nên tốt nhất là để cô nàng ngủ đến khi nào dậy thì gọi hướng dẫn viên lại khách sạn để đưa đi theo chương trình mình muốn. Chạy giữa đường thích chỗ nào thì ngừng lại ăn hay chụp hình,… mình thấy du khách tây, mỹ, Ý Đại Lợi đi xe buýt, gọi nhau ới ới, đợi chờ.

Từ phi trường Cairo, đại diện hướng dẫn viên vào thẳng trong khu máy bay đáp xuống để gặp vợ chồng mình như ở Hoa Kỳ trước vụ đánh bom ở hai toà nhà New York. Cho thấy, công ty du lịch có quen biết an ninh phi trường nên được ra vào dễ dãi.

Đến phi trường này, nhớ anh bạn học chung khi xưa, tên Nguyễn Trung Việt. Anh ta kể một ông mỹ đến phi trường này thì được quan thuế, đóng dấu C.I.A. Ông ta ngạc nhiên hỏi sao ông biết tôi là Xịa. Ông quan thuế bảo C.I.A có nghĩa là Cairo International Airport.

Để mình giải thích sự khám xét an ninh tại phi trường ở Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ. Bước vào cửa phi trường là có máy rà hành lý và người an ninh xét thân hành khách. Nữ có nữ nhân viên phụ trách. Nam có nam nhân viên phụ trách. Có lần mình đi qua rồi đứng cho một cô xét thì cô ta cười nói chi đó khiến tên ả rập giận nhìn mình, kêu qua đây. Chán Mớ Đời  Sau đó, trước khi vào chỗ check-in, lại có máy dò xét và khám thân thể nữa. Dây nịt và giày phải cởi ra. Mình mới leo núi 10 ngày, thiếu ăn nên cái bụng thon, khiến cái quần không dây nịt muốn tuột xuống. Chán Mớ Đời 

Gửi va li xong thì trước khi lên máy bay, lại phải qua trạm rà xét nữa. Tổng cộng là 3 lần. Tuy phiền hà nhưng cảm thấy an toàn hơn vì mấy xứ này hay có vụ khủng bố đặt bom.

Xe chở về khách sạn, chạy ngang quãng trường Tariq nổi tiếng của Mùa Xuân Ả Rập, xe chạy như điên. Thấy toà đại sứ Hoa Kỳ, xung quanh là các tường bê tông cao đến 3 mét, cong cong để xe cảm tử đánh bom không đâm thẳng vào được. Thấy dòng sông Nile lịch sử. Đến khách sạn Sheraton, an ninh chận lại lục xét, xem tên của mình trong danh sách xong thì mới mở cách cổng sắt to và nặng để xe chạy vào. Mình không nhớ khách sạn nào của Mỹ bị đánh bom, khiến du khách mỹ chết tơi bời hoa lá. Hình như ở Mumbai.

Về tới khách sạn thì tối nên hai vợ chồng không đói thêm trên máy bay, ngồi hạng thương gia nên được cho ăn mệt thở. Đói là gọi, tiếp đãi viên mang lại không như ngồi ghế thường thì phải đợi họ cho ăn. Đây thì vô tư. Nói chung phi cơ Nhật Bản tiếp đón và cho ăn ngon hơn hãng Thổ Nhĩ Kỳ. Sau 10 ngày không tắm rữa, lại được ở suite lớn như cái đình ở Sheraton, mình tha hồ kỳ cọ. Đúng là qua cơn bỉ cực đến thời thái lai. Vừa ngâm nước nóng, vừa xem trận đá banh giải vô địch âu châu.

Khi xuống núi Kilimanjaro, mệt nên mình bị ngã nên cái mông hơi đau đau, ê ê nên ngâm nước nóng jacuzzi phê không thể tả.

Hôm sau, ăn sáng tại khách sạn. Sướng không thể tả. 10 ngày đói meo với mấy anh phi châu da đen, nay được ăn thả dàn. Thật ra Ai Cập cũng thuộc vùng châu Phi, thường được gọi là vùng bắc phi. Trong chuyến leo núi, mình thấy mấy người khuân vác, ăn toàn bánh mì, chả có gì ngoài bánh mì khô nên không dám ăn nhiều, để dành cho họ. Thêm đồ ăn không ngon lắm, so với chuyến đi Machu Picchu. Họ chỉ được phép mang theo 15 kí-lô nên đem theo hết lương thực cho người trong đoàn. Lâu lâu thấy bên vệ đường, mấy người này, lấy bịch bánh mì lát ra ăn.

Trên đồi Giza, có 3 kim tự tháp còn hơi nguyên, và 2 cái nhỏ bị hư hại nhiều

Ăn xong thì hướng dẫn viên đến chở đi viếng thăm viện bảo tàng Ai Cập. Họ trả tiền cho mấy người Freelance, có bằng hướng dẫn viên, đưa mình vào viện bảo tàng, chỉ mấy nơi quan trọng. Nói chung họ chỉ nói về những điểm cho du khách, còn hỏi rộng thêm thêm thì họ ngọng. Mình học về lịch sử kiến trúc của xứ này nên có hỏi vài thứ lặt vặt thì họ ngọng nên không dám hỏi tiếp.

Mất cũng 3 tiếng ở viện bảo tàng, thật ra mất cả tuần lễ để xem xét từng vật thể. Họ đang làm một viện bảo tàng mới, nghe nói tháng 11 này khai trương hay năm sau, ở ngoài thủ đô Ai Cập, gần mấy kim tự tháp. Ai muốn đi Ai Cập nên đợi họ khánh thành xong thì đi, tiện hơn. Xem viện bảo tàng xong đi bộ lên đồi Giza viếng kim tự tháp. Chỗ mới chắc có điều hoà không khí vì viện bảo tàng này được xây dựng ở thế kỷ 19, bởi người Pháp nên chưa có máy điều hoà không khí.

Sau đó mời tài xế và hướng dẫn viên đi ăn trưa. Họ đưa đến một quán khá ngon nhưng du khách đến đây cũng nhiều nên mình không biết là ngon hay họ được bakshish (lại quả). Tương đối ăn được mấy món thịt nướng. Buổi ăn Ai Cập ngon nhất là tại Sheraton, trong tiệm ăn Ai Cập, mấy món kosheri, thịt nướng quá đỉnh. Ăn xong thì họ đưa mình ra phi trường để bay đến thành phố Aswan, ở phía nam Ai Cập. 

Món kebab thịt nướng xâu siêng, để trên lò giữ nóng, có mấy món mezze ăn phê.
Món kosheri đặc biệt của Ai Cập. Khá lạ họ trộn đậu pea spaghetti, hành chiên, cơm rất lạ. Kiểu nấu Al Dente, hơi sống sống nên ăn khá lạ.

Tại phi trường có người của công ty đón , đưa về khách sạn trên hòn đảo Isis, tên một nữ thần Ai Cập. Từ bờ có tàu nhỏ chở ra đảo, ông đại diện chỉ một khách sạn bên bờ, kêu Agatha Christine đã viết cuốn truyện nổi tiếng “án mạng trên dòng sông Nile” taị đó. Nhận phòng rồi ngủ vì khuya, không thấy gì cả.

Đền Philae do người Hy Lạp xây cất trong thời gian chiếm đóng xứ này. Họ xây theo văn hoá của Ai Cập. Nói chung thì nước Hy Lạp tuy chiếm đóng, đô hộ xứ Ai Cập nhưng lại học rất nhiều từ người thua cuộc. Không có sự giao thoa với nền văn minh Ai Cập, có lẻ nền văn minh Hy Lạp không được như ngày nay. Tất cả những tư tưởng gia, y sĩ Hy Lạp đều sang đây học mấy năm.

Hôm sau, hướng dẫn viên Freelance đến chở đi thăm viếng đến Philae và cái đập Aswan được xây cất dưới thời tổng thống Nasser, với sự cộng tác của Liên Xô, sau khi Nasser quốc hữu hoa con kênh Suez. Mình có kể vụ này rồi.

Hai loại hoa được người Hy Lạp sử dụng để trang trí các cột trụ là hoa sen và hoa paperus. Từ đây, họ mới chế ra các cột kiểu Corinthian, Dorique, Ionique sau này. Thậm chí Phidias làm mấy cột trụ có hình phụ nữ cũng bắt nguồn từ Ai Cập 

Sau đó thì lên du thuyền đi 4 ngày 3 đêm trên dòng sông Nile, từ phía nam chảy xuôi về miền bắc, đỗ ra Địa Trung Hải. Lên tàu được ăn 3 bữa bao bụng nên tha hồ ăn trả thù cho những ngày đói ở Kilimanjaro. Tàu nhổ neo vào lúc 2 giờ sáng, chạy chậm chậm. Đến sáng thì ăn xong thì anh hướng dẫn viên dẫn lên bờ, đi viếng các đền thờ khác được xây cất bởi người Hy Lạp. Điểm đặc trưng là họ dùng hoa Sen và Paperus để tô điểm ở đầu các trụ cột bằng đá. Thời đó người Ai Cập đã tìm ra cách làm giấy bởi cây paperus để ghi lại sự việc.

Xem được cái đền này vào buổi sáng khi mặt trời vừa lên thì đáng đồng tiền bát gạo.
Không nhiều khinh khí cầu như ở Cappadocia. Gặp hôm không có gió nên chỉ là đà độ 50 mét cao.

Cứ sáng ăn xong thì lên bờ đi viếng đèn thờ như Kom Ombo và Edfu. Trưa về tàu ăn tiếp rồi ngủ trưa, chiều dậy đi tiếp rồi về ăn tối. Sáng sớm hôm sau, dậy sớm từ 4 giờ sáng để đi khinh khí cầu ở Thung Lũng lăng tẩm vua (valley of the kings). Đi Thổ Nhĩ Kỳ, được đi khinh khí cầu quá đẹp nên nghĩ đây chắc cũng đẹp nên bò lên. Hơi thất vọng nhưng khi bình minh lên thấy đền của hoàng hậu Hatshapesut mà mình có học khi xưa thì quá đẹp. Anh hướng dẫn viên đi tàu với mình luôn nhưng để hai vợ chồng thoải mái, nói chuyện với mấy người đồng hành. Mình gặp 4 người từ Thuỵ Sĩ nên có kể chuyện về thời mình đi làm ở Thuỵ Sĩ.


Trời nóng nên mình kêu hướng dẫn viên dẫn đi viếng đền này vào ban đêm, có ánh sáng đền đuốc. Có lẻ đi ban ngày đẹp hơn. Đi ban đêm nếu có các show và nhạc 

Đại lộ Sphinx khá đặc thù. Đến mùa nước dân, các lãnh đạo tinh thần, đi thuyền đến đây để làm lễ. Nay thì cái đập Aswan đã chận nước nên không có nước nổi vào mùa mưa. Sông Nile bắt nguồn từ phía nam, vùng nhiệt đới, chảy qua 8-9 quốc gia. Đến mùa mưa thì nước kéo về làm lụt vùng hạ lưu của sông Nile, đem theo phù sa tương tự sông Mekong làm vùng này trù phú. Nay thì hết.

Thuyền đến Luxor là điểm dừng. Chỗ này có nhiều đền đài để thăm viếng nên du khách khá đông. Lên bờ, có xe ngựa chở hai vợ chồng và anh hướng dẫn viên đi viếng đền đài. Nói chung thì hơi nóng vào tháng 10. Tốt nhất là đi vào tháng 12 và tháng 2 thì trời bớt nóng. Tối đó thì ngủ lại khách sạn để sáng mai bay vào sa mạc Sinai, phi trường Sharm El Sheikh rồi hướng dẫn viên, chở đến Dahab, bên bờ Hồng Hải (Red Sea), nghỉ giải lao. Đây họ có chương trình lặn xem cá kiểng. Nếu ai đã đi Hạ Uy Di hay Cancun rồi thì không nên đến đây.

Ở 3 đêm rồi hai vợ chồng bay về Cairo rồi bay qua Amman, Jordan. Từ phi trường, đã có người đứng đón, lo thủ tục chiếu khán hết cho mình. Qua an ninh xong thì có tài xế đón chở về Petra. Ở Jordan cách làm việc cũng gọn. Chỉ cần tài xế đón đưa là xong. Ở Ai Cập, cần 1 tài xế và một hướng dẫn viên hay người của công ty du lịch, họ đến khách sạn, lo check-in phòng ốc cho mình. Trong khi ở Jordan thì tài xế lo hết nên khoẻ. Chỉ boa 1 người là xong. Ở Ai Cập cho tiền boa mệt thở. Nói chung họ sống nhờ du khách nên có rất nhiều người được cử lo cho hai vợ chồng thay vì một người tại Jordan.

Trên đường đi, anh ta dừng lại đồi Nebo, nơi nghe kể ông Moise, trước khi chết đã leo lên đây để nhìn về quê cha đất tổ, vùng đất hứa. Ghé thăm viếng nhà thờ cơ đốc giáo Madaba rồi cuối cùng là Petra.

Nhà vệ sinh công cộng ở Jordan, sạch và mới, lót bằng đá
Đi mấy cây số mới đến cái đền nổi tiếng này. Thật ra có rất nhiều đền tương tự ở đây nhưng bị khí hậu làm hao mòn qua thời gian 
Nebo, nơi ông Moise leo lên để nhìn lần cuối về quê cha đất tổ, miền đất hứa, cách đó 46 cây số là Jerusalem
Con đường dẫn đến mấy cái đền ở Petra. Bên trái, còn chút tàn tích của hệ thống dẫn nước tỏng vách đá
Thùng rác làm bằng đá sách sẽ

Đến khách sạn, hai vợ chồng không ăn vì khuya nên đi bộ chơi thì thấy tiệm còn mở. Ghé vào mua thêm cái Vali để đồng chí gái bỏ đồ mua từ mấy ngày qua. Leo núi xong thì mình cho gần hết áo quần của mình nên cái duffel bag của mình không có gì cả nên vợ nhét đồ mua sắm nhưng cũng hết chỗ. 

Khi xưa, mình thấy mấy ông già, nắm tay vợ đi phố, mình thấy họ sao hạnh phúc, già mà còn nắm tay nhau đi bát phố. Nay đến tuổi mới hiểu, ông chồng nắm tay vợ vì nếu xảy ra là bà vợ chạy đi mua sắm. Đồng chí gái kêu hơi sợ, nếu lạc không biết đâu mà lần. Mình dặn mở điện thoại ra là xong, gọi mình. Tới chỗ nào đó, giác quan phụ nữ rất hay là họ ngửi được mùi mua sắm, đồng chí gái vô phòng xong là bỏ chạy mất dép. Mấy tiếng sau mới bò về, nhét đồ vào va li. Chán Mớ Đời 

Sáng hôm sau, ăn sáng xong thì hướng dẫn viên địa phương đến đón dẫn vào khu di tích lịch sử. Nếu muốn viếng hết khu vực này thì phải ở lại 2 đêm, 2 ngày. Mình chỉ có một đêm nữa ngày. Sau đó, tài xế đón mình ở phía bên làng của người Bedouin rồi chở về khách sạn, lấy hành lý rồi trực chỉ Biển Chết (Hải Tử). Lý do là đồng chí gái muốn cởi lừa.

Xe xuống núi, rồi chạy thấp hơn mặt biển vì chỗ mình đến thấp hơn mặt biển đến 420 mét trong khi Thung Lũng Tử Thần của Hoa Kỳ, chỉ có 80 mét thấp hơn mặt biển. Tại đây, có dịp tắm biển chết. Nước có độ mặn gấp 10 lần nước biển bình thường nên không sợ chìm. Không biết họ vét bùn ở đâu, đem lại, trây lên người, ngồi phơi nắng cho khô độ 15 phút rồi nhảy xuống biển tắm lại, kỳ cọ lại. Lên bờ thì họ đưa cho muối để cọ sát thêm trên thân thể rồi đi tắm.

Tắm biển này thì lên bờ thấy da nhờn nhờn vì nước có Potassium và Magnesium cộng muối nên có dầu. Mình thấy người do thái có mấy nơi chận lại để khai thác Potassium và magnesium. Sáng hôm sau, mình dậy sớm muốn xuống tắm biển lại vì họ mở bãi tắm vào lúc 7 giờ sáng. Ngồi đợi đồng chí gái dậy để đi nhưng cô nàng vẫn chìm trong giấc điệp, mơ đến những lúc bận áo quần mới mua sắm nên không dám đánh thức. Khi cô nàng dậy thì chỉ còn thời gian để chụp hình cho cô nàng nên hết thời gian để tắm biển.

Trưa, tài xế đến, chở viếng Jarash, rồi về Amman. Hôm sau, tính mướn thêm anh tài xế để chở đi chơi, anh ta tính chặt thêm hai vợ chồng $200 nên mình nghĩ lấy Uber đi chơi cũng được. Tại đây có Uber nên tốn độ $5 cả tiền boa là chạy mút mùa. Đi viếng thành Amman, chụp hình cho đồng chí gái xong thì đi lang bang vào khu mua sắm mới mở, khá đẹp. Lần đầu tiên thấy bão cát sa mạc. Gió thổi cát bụi bay mịt mù. Nghe anh tài xế kể là mình may mắn vì nếu hôm qua bị bão cát thì không được đi đâu cả, kẹt lại Biển Chết. Cảnh sát đóng cửa quốc lộ.

Ở Việt Nam, kiến trúc sư nào xây cất nên dùng theo cách của họ, tạo gió mát trong khu mua sắm, không cần máy điều hoà không khí. Họ sử dụng cách dựng lều của người Bedouin để làm tương tự phi trường ở Saudi Arabia.

Chiều mình kêu Uber chở lại nhà bố mẹ tên bạn gốc Jordan. Mụ vợ kêu anh quen thằng này ở đâu. Mình thì có bạn khắp 4 phương trời nên đi đâu cũng có thể gặp người bản xứ. Ở Ai Cập mình có hai tên bạn nhưng họ chết trước nên không liên lạc được nữa. Họ làm món ăn thuần tuý nhất của người Jordan, gọi Mansaf. Gồm hai loại thịt: trừu và gà. Gà thì được ướp rồi nướng lên. Tháng 12 này hai vợ chồng này sang Cali, mình sẽ mời lại nhà ăn cơm Việt Nam rồi sẽ hỏi cách họ ướp thịt gà. Ngon cực. 

Món Mansaf gồm nhiều loại như món thịt cừu nấu với phô mát khô, chan sốt chua chua của sữa, có cornichon củ cải đỏ và hành sống. Rắc lên đậu phụng rang

Món taboulet của người ả rập, ăn khai vị
Món gà nướng của họ được ướp với gia vị rất ngon

Món thịt trừu thì được nấu với loại sửa khô, hơi chua chua kiểu giả cầy Việt Nam, ăn với cơm, chan nước sốt sữa chua lên. Ngoài ra còn có món taboulet gồm ngò, dưa leo,..mà mình hay ăn khi ở Pháp hay Ma-rốc. 4 người ăn mà họ làm như cả dòng họ ăn. Đem lên trên mấy cái khay to đùng. Chưa bao giờ mình ăn no như vậy. Họ cho uống loại araq, một loại rượu làm từ Anis mà người Pháp hay uống khai vị kiểu anisette hay Ricard. Mình nhấp một tí cho họ vui, đầu óc bắt đầu lộn xộn. Ăn xong thì họ kêu hai vợ chồng vào divan nằm dưỡng sức. Phong tục của họ. Mình ngủ được 1 tiếng hay 2 tiéng gì đó, chủ nhà gọi dậy, chở về khách sạn để lấy Vali rồi anh tài xế đến đón đưa ra phi trường. Tặng anh ta tiền boa khá hậu hỉ khiến anh ta cười như hoa sim tím chiều vang biền biệt.

Hai vợ chồng đẩy xe vào phi trường, qua an ninh rồi lên máy bay quá cảnh tại Istanbul. Kỳ này không có vé thương gia nên hai vợ chồng vào phòng Priority Pass ăn uống. Mình thì no càng hông nên chỉ lấy mấy chai nước uống trong khi đồng chí gái thì thử đủ món. Lên máy bay, họ cho ăn tiếp nhưng mình chỉ xin nước uống rồi đi tiểu. Về lại Cali hết dám ăn mấy ngày nay. Nhịn đói cho vui nhà. Hôm nào buồn đời, ra bolsa ăn phở.

Mình bận trước khi đi nên không xem kỹ chương trình, tại có mấy ngày mất thời gian, chỉ đợi ra phi trường để bay đi. Thăm viếng lại Ai Cập thì chắc không nhưng Jordan, có thể ghé lại Biển Chết. Khá đặc thù.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn