Vùng Á Châu của Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm nay, mình đi viếng 3 thành phố cổ thời La-Hy: Aspendos, Side và Perge thuộc vùng Á Châu Thổ Nhĩ Kỳ à người tây phương, đúng hơn là người Hy Lạp gọi là vùng Á Châu, Antalya. Khi xưa học và xem bản đồ khảo cổ của mấy thành phố này thì mình có thắc mắc, trước cổng thành, đều có nhà tắm. Tại sao họ không xây các nhà tắm công cộng trong thành phố? 

Nay đi chơi xứ này mới giác ngộ cách mạng. Họ giải thích khi xưa, trong thời La-Hy, các thuyền buôn hay đoàn người thương buôn, ghé lại thành phố nào để buôn bán. Bệnh tật và động đất khiến dân tình chết rất nhiều tại vùng này. Người trong thành rất sợ các bệnh dịch lây bởi các khách thương buôn nên họ cho xây mấy nhà tắm công cộng trước cổng thành để các người lạ, có thể tẩy uế thân thể cũng như quần áo, trước khi vào thành buôn bán.

Mình đến trễ một ngày nếu không có thể mua vé đi xem nhạc ở đây. Mình có đi xem một lần ở Thermes de CarảCala ở Rome, nghe hát vỡ opera Aida, mê đến giờ. Họ chỉ tổ chức tối thứ 3 mà mình lại bò đến tối thứ 4. Chán Mớ Đời 

Các thành phố đều có những hí viện và dựa theo đó người ta đoán dân số sinh sống ngày xưa tại đây. Lúc đầu họ xây nhỏ rồi từ từ xây nới thêm phía sau trên các ngọn đồi để tránh phải xây thêm cấu trúc để chống đỡ tường như giác đấu trường ở La MÃ. Khác biệt thời La MÃ là sân khấu có 3 tầng vì họ tổ chức nhiều mục tiêu khiển cho dân chúng. Thời HY Lạp thì chỉ có một tầng như đi viếng thành phố Delphi hay Athens. 

Trong thành lúc nào cũng có hai Agora, một là trung tâm buôn bán thường thấy có bể nước như ở các trung tâm thương mại hiện nay và một nơi để làm các thủ tục hành chánh với cơ quan chính quyền địa phương.

Cổng thành được xây dựng thời La MÃ khi họ nới rộng thành phố ra, vì đông dân cư hơn thời Hy Lạp

Cổng thành thời Hy Lạp. Trước khi vào thì phải đi tắm, ở bên trái, giặt áo quần trước khi vào thành. Cũng có mấy cô phục vụ nếu có tiền. mấy trụ cột không phải tại khu vực này, họ vác ở đâu đến và các nhà tài trợ cho tiền thì được đề tên của họ ở cái “base” của trụ cột bằng đá Cẩm thạch. 

Đi vào cổng thành la mã thì thấy cổng thời Hy Lạp, xây khá đặc thù. Các nhà khảo cổ bới các cục đá nằm dưới lòng đất độ 2 thước tây. Họ đánh dấu với máy điện toán và tự động xếp mấy viên theo hình khi xưa. Từ đó họ mới dựa theo hình ảnh của máy điện toán để ráp lại. Nhờ vậy mà hí viện tại đây được tái cấu trúc lại gần như 90%.
Đây là ghế đi cầu công cộng của thời la mã. Mọi người đến đây để đi cầu. Cứ ngồi ngay cái lỗ, có nô lệ dọn dẹp. Khi phân được thả xuống thì có hệ thống nước dẫn nước chảy kéo theo phân, đưa ra ngoài thành và họ sử dụng chất thải để trồng rau quả. Hữu cơ có từ thời xa xưa.

Trước khi đi, mình muốn viếng những di tích kiến trúc lịch sử đã được học khi còn sinh viên nên đưa ra những địa điểm này để công ty du lịch làm tuyến đường cho mình đi. Chỗ nào cần bay thì bay, còn không thì có hướng dẫn viên và tài xế chở đi thăm viếng các di tích lịch sử. 

Có ai hỏi mình đặt công ty từ Hoa Kỳ, mình liên lạc công ty du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ thay vì mỹ vì đỡ được một chặng huê hồng. Công ty này khoán lại cho các hướng dẫn viên tại các nơi mình đi thăm viếng, họ chỉ đặt vé máy bay và khách sạn cho mình và công ty đưa rước từ và ra phi trường. Như vụ đón tại phi trường Istanbul. Mình than phiền là phải đợi đến 30 phút mới có xe đến đón mà ông tài xế, muốn tiết kiệm xăng nên không bỏ máy lạnh nên họ đổi công ty đưa rước mình tối này bay về Istanbul.
Đấm bóp ở Thổ Nhĩ Kỳ 

Đi đây mới nhớ đến bài học khi xưa “cái nhà là nhà của ta, ông cố ông cha làm ra, các em phải gìn giữ lấy,…”. Nếu người Ottoman mà man rợ, đập phá các đền đài cổ của chế độ cũ khi xưa thì chắc ngày nay con cháu họ, không có du khách đến thăm viếng thì đói nhăn răng.

Điếm canh tàu bè thời Hy Lạp còn xót lại

Mình đi ngang qua cái tượng đài cha già dân tộc của xứ này, không thấy ai đứng lại chụp hình với bác Mustafa Ataturk, người sáng lập ra nền cộng hoà. Đi đâu cũng thấy hình bác Ataturk này như để trừ tà. Dân chúng chả ai để ý cả. Du khách hay du khách địa phương đều đua nhau đi chụp hình ở các di tích lịch sử thời La-hy.

Vùng này, khi xưa Mông cổ có tràn qua đây nên lâu lâu vẫn thấy dáng dấp của người Mông cổ ở đây. Có đặc điểm ở trước các tiệm cổ, họ khắc cái đầu của Medusa, đầu người đàn bà mà nếu ai nhìn thì sẽ biến thành đá. Viếng xứ Ottoman mà chỉ có các di tích lịch sử Hy Lạp. Chán Mớ Đời 

Họ chiếm đóng như người thắng cuộc nhưng không tàn phá các di tích của chế độ cũ, để xây cái mới xấu hơn. Kiến trúc Ottoman chả có gì đáng giá cả. May là họ không phá các di tích La-Hy nếu không thì ngày này chúng ta chả hiểu gì về lịch sử thế giới. Tương tự quân Mông Cổ chiếm đóng nước tàu của nhà Minh, họ không cho phá vỡ các di tích văn hoá của người Tàu.

Đi trong phố cổ Antalya, các tiệm ăn không có một bóng du khách ngồi. Lượng du khách thường là 3 triệu người cho 3 tháng hè nhưng nay bị giảm rất nhiều vì không có du khách nga, ít đến vì cấm vận. Du khách nga đến vùng này rất nhiều, trên 6 triệu người hàng năm
Vấn nạn xây các thùng nước nóng trên mái nhà. Đi đâu cũng thấy, chả còn đẹp gì cả. Chán Mớ Đời nghe nói chỉ tốn $300 để làm hệ thống này. Chạy xe dọc đường quốc lộ, nhà nào cũng như nhà nấy đều được trang bị hai thùng nước và 3 tấm năng lượng mặt trời, thêm cái vệ tinh để bắt sóng đài truyền hình. Chán Mớ Đời 

Phải công nhận COVID-19 đã làm kinh tế xứ này te tua. Ít du khách, đi phố cổ thường là thấy du khách. Đây đi ngang qua biết bao nhiêu tiệm ăn mà không có thằng tây, thằng nga nào cả. Mấy năm trước viếng lại Hy Lạp với đồng chí gái thì thấy du khách ngồi đầy tiệm ăn ngoài trời. Thổ Nhĩ Kỳ rẻ hơn Hy Lạp nên du khách đến đông nhất là từ Nga và Ukraine. Nay chỉ biết ngáp ruồi.

Phố cổ
Hoa trên tường. Mùa hè thì họ cấm xây cất sửa chửa để khỏi làm ồn du khách và bụi bặm.,

Phải công nhận hệ thống vệ sinh cho du khách ở Thổ Nhĩ Kỳ rất tốt. Đi viếng chỗ nào cũng có nhà vệ sinh sạch sẽ. Ngay trên phố, cũng thấy người ta làm cho các tiệm, ra đứng quét trước tiệm nên rất sạch, không thấy rác. Nhờ du khách nhưng có lẻ đúng hơn là nhờ Hồi Giáo. Mỗi ngày họ vào thánh đường để cầu nguyện 5 lần nên phải rữa tay chân tước khi vào nên nhà vệ sinh công cộng rất sạch sẽ. Không như bên Tây, âu châu đi mấy tiếng đồng hồ không tìm ra nhà vệ sinh công cộng.

Dân tình không chào hàng như kiểu ở Mễ hay Việt Nam. Họ chỉ kêu, mình không đứng lại thì thôi không có màn chạy theo như ở bến xe Việt Nam. Chặc chém thì như mọi nơi, đây họ chặt đến 80% hơn gía bán. 

Hôm qua mình được cò đưa vào một hợp tác xã về thêu các tranh và thảm. Vắng như chùa bà đanh. Họ dãn đi xem các công đoạn từ lấy tơ tằm bằng máy, sau đến nhuộm mấy màu chính như đỏ là màu hạt lựu, vàng dùng của Safran, màu của cây artichaut,… rồi qua khâu người dệt,…họ giải thích là hợp tác xã, các người dệt thường là phụ nữ, làm ở nhà vì bận con cái, làm xong thì đem lại đây để họ trên bầy để bán.

Đây là máy để lấy lụa từ con tằm
Đây là sau khi họ nhuộm màu từ các loại trái cây như quả lựu, artichaut, hành ,..

 Mình thấy có một tấm tranh lụa thuê hai con công biểu tượng cho cặp vợ chồng rồi nảy sinh ra một cây có trái tượng trưng cho đàn con cháu sau này. Hình ảnh này mình cũng thấy họ làm trong phần đồ gốm. Mình hỏi mua tấm này. Họ cho giá mình kêu đắt quá, nông dân như mình về hư không có khả năng. Họ quần mình một hồi thì mình đi về. 

Lúc đó họ lại đem giám đốc xuống, ít khi nào mà họ để mình đi. Cuối cùng thì ông giám đốc kêu sẽ gọi người làm xem họ chịu giá của mình. Cuối cùng thì họ đồng ý bán giá 30% số tiền họ rao giá. Ông giám đốc kêu mình vào văn phòng, nói là hai năm nay dịch làm họ không buôn bán gì được, họ không ăn lời, người làm mất đến 1 năm 6 tháng để hoàn thành bức thêu lụa ấy.

Mình trả tiền xong thì kêu lấy tấm lụa từ khung ra, mình đem về. Họ lại bò lại nói sao không lấy tấm khác, cũng một loại motif mình kêu không. Họ ma đầu, tấm kia chỉ khâu có 60, 70 mũi trong một 1 cm còn tấm mình mua là đến 140 mũi kim khâu bé tí nên nhìn khác liền. Đã nói mấy tay buôn bán Thổ Nhĩ Kỳ và Ý Đại Lợi là cùng dòng máu nên phải cẩn thận dễ bị tráo đổi.

(Còn Tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hàng Nhái Thổ Nhĩ Kỳ

Xứ Thổ Nhĩ Kỳ được xem là nước thứ 2 trên thế giới sau Trung Cộng, sản xuất hàng nhái, từ quần áo, ví da, giày dép, thực phẩm,… họ có đến 2 triệu người tỵ nạn từ Syria, đang sinh sống ở các vùng xung quanh biên giới với nước Syria. Hình như họ có đến 900 cây số biên giới với xứ Syria đang đánh nhau um xùm. Đọc ở đâu lâu rồi nên không nhớ chính xác. Con nít, phụ nữ gì cũng phải lao đầu vô các hãng xưởng sản xuất đồ nhái có số lượng 83 tỷ đô la hàng năm.


Mấy công ty tây phương ước tính bị mất lợi nhuận đến trên 83 tỷ đô la vào năm 2022. Vấn đề là mụ vợ muốn mua hàng nhái, kêu đây là thiên đường. Nhớ năm nào, đi Pháp, mụ vợ được cô bạn dẫn ra Louis Vuiton trên đại lộ Champs Elysees để mua cái ví khiến mình muốn đứng tim khi trả tiền. Về Hoa Kỳ, bạn bè chê kêu đồ nhái nên không thấy đeo, bỏ trong tủ. Chán Mớ Đời 

Đây ở Dubai, cò hướng dẫn viên dẫn đến đây, cả nhà ngay bà cụ cũng được họ kêu bận áo rồi lên catwalk, đi tới đi lui.
Cả gia đình vui hò hét với nhau, nghĩ lại cũng vui trong mấy ngày bên nhau.

Tại Việt Nam, đồng chí gái có bạn dẫn đi mua một cái ví LV giá $100, về để bên cạnh cái ví của cô bạn bên tây, ai cũng nói cái ví mụ vợ là thiệt còn ví kia là hàng nhái vì quá giống nhau, khác cái màu da một tí. Chơi đồ thiệt cũng bị chửi là xài hàng nhái. Chán Mớ Đời 

Chúng ta đang sống ở thời đại mà hàng thật và hàng nhái không biết được. Qua Ý Đại Lợi, thăm con gái, hai mẹ con chạy vào Gucci mua cái ví khiến mình muốn tắt thở khi trả tiền, rồi cũng không đeo, con gái thấy vậy lấy luôn.


Kỳ này, mụ vợ đi mua hàng nhái, vấn đề không phải là một cái ví mà rất nhiều cái ví nên rốt cuộc vẫn hơn số tiền mua một cái chính gốc. Cứ mua xong là mụ vợ kêu sướng quá, sướng quá. Chán Mớ Đời 

Đi với đồng chí gái, đi vòng vòng đợi mụ vợ thì thiên hạ hỏi mình có cần gì không, mình kêu là nông dân, chỉ cần mua áo quần cũ để làm vườn, không cần hàng hiệu. Từ ngày rời Việt Nam đến nay mình ít khi mua quần áo, chỉ xin đồ phát chẩn bận, sau này đi làm thì mua đồ chợ trời cũ, áo sơ mi $1 / cái bận. Nay làm vườn thì càng bận quần áo cũ nữa. Lâu lâu đồng chí gái mua cho một bộ, kêu bận nhưng mình cũng lười.

Có lẻ chúng ta sống trong một thời đại mà mọi thứ thay đổi quá nhanh. Khi xưa, người ta mua một món đồ, áo quần, lựa đồ tốt để bận lâu dài vài năm nhưng nay, thời trang thay đổi quá nhanh. Chỉ một hai tháng là đã có hàng khác ra. Con người phải chạy theo để không bị chê cười mà không có khả năng mua hết , đành chơi đồ nhái, rẻ làm giàu cho anh ba tàu, chuyên gia hàng nhái.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn vào Liên Hiệp Âu Châu mà với những tư tưởng làm hàng nhái thì chắc còn lâu. Nếu xét về kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ thì theo dân tình rất te tua. Họ sống nhờ 3 tháng hè với số lượng 13 triệu du khách, trong đó có 50% đến từ Nga, 2.1 triệu đến từ Ukraine, ngoài ra là từ Đức hay Anh quốc.

3 năm vừa qua, với covid khiến dân tình chới với, nay thì bị vụ chiến tranh Nga Sô và Ukraine. Mình thấy khá đông người Nga ở trong khách sạn nhưng nghe nói ít hơn trước đây rất nhiều. Có lẻ vì vậy mà Thổ Nhĩ Kỳ không cấm vận Nga mà còn gặp Putin và bắt ông thần chiến tranh đợi 40 giây.

Các nhà xã hội học cho rằng các người thích dùng hàng nhái được chia thành 4 loại người:

1/ dreamitator: do chữ dreamer và chữ imitator. Loại người trẻ nhưng thích tạo dáng, muốn khẳng định mình là người thành đạt. Vấn đề là mấy ông nhà giàu như Bill Gates, Steve Jobs, đâu bao giờ cần phải bận đồ sang trọng, mình đoán là các công ty thời trang có thể cho họ quần áo miễn phí để bận, để quảng cáo không công.

2/ Face Saver: thường là nhóm trẻ, mới đi làm ít lợi tức, muốn tạo dáng để người đời biết mình là thành đạt.

3/ smart Faker: nhóm này tuy biết xài hàng xịn nhưng không có tiền, tìm kiếm loại nhái nhưng tốt để xài.

4/ frauster: loại này có khả năng để mua nhưng lại thích đồ nhái, rẻ tiền và qua mặt thiên hạ. Mình có ông anh cột chèo kể, có một người anh bà con hỏi cái đồng hồ Rolex của anh ta là hàng nhái hay hàng thiệt. Anh ta nói hàng thiệt. Anh bà con là bác sĩ, có khả năng mua hàng thiệt, kêu anh cũng đeo Rolex nhưng hàng nhái. Không ai biết là hàng nhái cả. Ngoài xã hội, ai cũng biết anh ta thành đạt nên không nghĩ là chơi hàng nhái. Nhớ có lần tên chủ của mình, đi Thái Lan, về mua cho mình cái đồng hồ không người lái ROlex, giá đâu $5 thời đó. Mình đeo vào thiên hạ nhìn lắt mắt. Đeo được vài tuần thì chết luôn.

Chạy xe thấy có nhiều tiệm bán đồ da, nhiều tiệm nằm ngay bên cạnh mà bãi đậu xe vắng như chùa Bà Đanh. Hướng dẫn viên du lịch cho xe vào một tiệm theo lời yêu cầu của đồng chí gái. Họ cho làm mẫu thời trang, đi trên catwalk, nhạc úm bà là. 

Mình tưởng họ làm thời trang nội y, nên đợi trong bóng tối ai dè có một cô to kinh khủng, đi muốn bể sàn nhà. Sau đó họ cũng dụ đồng chí gái mua được cái áo da. Đồng chí gái kêu tội nghiệp họ nên mua giúp. 4 hay 5 người bán hàng xúm vào phụ vụ đồng chí gái. Họ hỏi mình thì mình nói nông dân không cần bận áo da. Nếu bận thì coyote thấy tưởng mình là cừu nên chạy lại cắn thì rách việc.

Chạy xe thì thấy hai bên dường nhà cửa 2, 3 tầng đều có mấy thùng nước trên mái nhà với mấy tấm năng lượng mặt trời, rất phản cảm thêm mỗi nhà mỗi cái vệ tinh để xem truyền hình. Không biết đâu là bên bờ.

Ngoài ra các nhà trùm nylon để trồng cây rau quả như chuối, rau quả cũng rất phản cảm không thua gì Đà Lạt ngày nay. Nếu không trên đồi toàn là cây olive, đầy nơi, đến mùa chủ đến hái đem bán. Xong om

Dân quê, bỏ quê ra thành phố kiếm ăn nên dần dần nghề nông cũng bỏ hẳn, chỉ còn lại nhưng công ty thực phẩm đóng vai trò làm nông sản. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 


Thức ăn Thổ Nhĩ Kỳ

 Mình nghe nói về chế độ dinh dưỡng của vùng Địa Trung Hải, nơi có nhiều vùng được gọi là “vùng Xanh” vì người ta sống rất thọ. Mình có đi mấy nước xung quanh bờ biển này như Ma-rốc, Hy Lạp, miền nam nước Pháp, Ý Đại Lợi nhưng dạo ấy, không để ý lắm. 

Nay đi Thổ Nhĩ Kỳ thì mới khám phá ra chế độ dinh dưỡng của họ. Đặc biệt hai ngày nay, đi ăn ở vùng Izmir, phía nam của Istanbul, được các hướng dẫn viên, dẫn vào các tiệm ăn truyền thống của người địa phương, không có du khách thì mới bắt đầu hiểu chế độ ăn uống của họ mà đọc sách báo chí thông báo, hiểu lờ mờ.

Đây là mấy món ăn khai vị với bánh mì mới ra lò. Đặc biệt hôm nay ăn gan nướng của cừu. Họ để gan nướng đã được cắt từng miếng nhỏ như bò lúc lắc, thái hành tây mỏng, rồi rắt một loại bột gì đó, quên tên, mình có ở nhà, thêm cà chua. Cà chua ở đây ăn tươi, chín trên nhánh chớ không như ở Hoa Kỳ, ăn cà chua được hái khi còn xanh. Có món cà chua khô ngâm dầu olive mà mình thích, hay mua ở Costco.

Người Thổ Nhĩ Kỳ có mấy món khai vị (mezes) rất đỉnh như ya-ua với dưa leo,.. Trưa nay đồng chí gái và mình được ăn món hoa bí độn cơm và thịt, hummus, món artichaut luộc rồi ăn với hành dấm, nhiều món lắm. Ăn cái này, người thổ dân thường uống Raki, một loại rượu mạnh như Ouzo của Hy Lạp. Khổ là mình không biết uống rượu.

Món thịt cừu được quay mà mình thấy trước cửa tiệm, họ bỏ trên cái nồi để giữ cho nóng, ngoài ra hướng dẫn viên xé bánh mì Pite phủ lên thịt để giữ cho nóng phía trên của thịt. Có thể nói là bữa ăn đỉnh nhất đến nay. 4 người mà trả có $28. Ăn phủ phê. Mình có một anh hướng dẫn viên và một tài xế chở đi thăm các nơi nên mời họ ăn chung luôn.
Đây là món Kebab nướng. Họ băm thịt cừu và thịt bò, trộn với nhau với gia vị. Sau đó làm từng viên nhỏ, cắm vào cái xiêng để nướng lò. Lúc nào cũng có hành tây thái mỏng được rắt một loại gia vị màu tím, có củ khoai tây nướng nhưng mình không ăn tinh bột nên đưa cho người tài xế. Có một loại lúa mạch, nấu như cơm và cà chua đỏ ửng.

Theo người Thổ Nhĩ Kỳ thì món meze này đến từ Ba Tư, rồi đế chế Ottoman vớt luôn cho họ. Hôm qua được ăn món gan cừu rất đỉnh. Mình vào tiệm ăn Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ muốn ăn mấy món này thôi chớ không cần ăn món chính. Món chính của họ toàn là thịt xiêng nướng lửa. Mấy món Kebab, thịt băm rồi nướng, ăn cũng ngon. Hôm qua, họ có đem ra bánh mì, họ gọi là Pide, phồng lên ăn rất ngon nhưng không dám ăn nhiều vì tinh bột. Họ hay cắt ra rồi bỏ thịt nướng, ya ua, hay làm pizza. Rất hấp dẫn.

 

Hôm trước, gọi lộn món hoành thánh, họ làm nhỏ hơn hoành thánh tàu nhưng ăn rất ngon. Họ kể là người Thổ Nhĩ Kỳ đi buôn bán ở bên tàu rồi đem món này về xứ họ.


Vào quán thường là thấy trước cửa nhà bếp mấy thức ăn khai vị, meze này. Đứng xem thích cái nào thì chỉ cho họ dọn lên cho mình trong mỗi cái đĩa. Ăn ngon

Nói cho ngay, nếu không ăn ba đồ ngọt của họ và bánh mì thì rất tốt vì thức ăn của họ có rất nhiều dầu olive.


Sáng nay, mình có viếng thăm một tiệm bán dầu olive. Ở khách sạn mình thấy họ dọn ăn sáng có đến 10 loại trái olive, ăn rất ngon. Người Thổ Nhĩ Kỳ nói buổi sáng uống một muỗng dầu olive nguyên chất, thêm chút chanh sẽ thanh lọc được gan và đường ruột. Mình hay ăn tỏi ngâm mật ong, và dầu olive và chanh vào buổi sáng khi mới thức dậy.

 

Nói chung thì mình thích thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ hơn Hy Lạp. Hy Lạp thì mình mê món sà lách của họ. Nhớ lần đầu tiên đi Hy Lạp, có ghé căn nhà nông dân họ cho ăn bình thường mà ngon, thêm cho ngủ lại trên cái giường cạnh chuồng dê, tối nghe be he vui.

 

Hôm trước có ăn món lẩu đồ biển của họ, nấu trong cái lò đất, ăn khá ngon. Hôm qua thì ăn được món cừu nướng. Họ để cái lò to đùng, nướng hai con cừu ngoài đường để ai chạy ngang cũng thấy. Ăn rất ngon với mấy món meze. Nếu không có mấy món này thì thịt nướng của họ, ăn nể thì mau ớn. Chỉ tiếc nay hết dám ăn mấy món bánh ngọt của họ làm với pitaccio.


Xứ này rộng lớn nên thức ăn mỗi vùng đều khác nhau. Như hôm nay, ăn ở vùng khác thì thấy nhiều món lạ. Như ớt tây độn trứng, đủ thứ. Để đi mỗi nơi mình khám phá món gì đặc sắc sẽ kể tiếp.

Họ pha cà phê trên cát nóng. Cái nồi bằng đồng có tay cầm này, mình có mua trên Amazon, bỏ cà phê vào và nước, đun sôi lên rồi đỗ vào tách bé tí tị như người Bắc uống trà.
Hôm ăn lần đầu tiên ở Istanbul, kêu thử cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, họ đem ra cái khay đựng một cục đường, có cây tăm cắm vào, cái tách cà phê nhỏ và ly nước, để uống sau khi uống cà phê để giúp trôi đi các bột cà phê nếu có dính trong miệng. Ngày nay có đường rẻ nên ai uống cà phê có đường thì họ sẽ pha đường trước. Khi xưa đường là một thứ xa xỉ phẩm, rất đắt tiền nên họ ăn bánh ngọt làm với mật ong.

Mấy món bánh ngọt của Thổ Nhĩ Kỳ rất nổi tiếng. Mình không uống cà phê nhưng mấy bữa nay uống thử cà phê Thổ Nhĩ Kỳ rất lạ, cũng tương tự người Hy Lạp. Họ xay nhuyễn cà phê ra rồi bỏ vào cái nồi bằng đồng nhỏ, bỏ nước vào, nếu uống đường thì họ bỏ đường vào rồi đun xôi. Thấy ở chợ, họ bỏ trên lò than, khi sôi thì họ đổ ra cái tách nhỏ cho mình uống. Uống cà phê thì cái cặn bỏ lại. Thường họ cho cái ly nước uống để uống trôi một ít bột dính ở lưỡi. Mình có cái nồi này ở nhà để khách đến muốn uống cà phê thì pha.

 

Đặc biệt cà phê được đế chế Ottoman truyền bá cho thế giới uống loại thức uống rồi ghiền. Hình như mình có kể vụ này rồi. Do một bà vợ của hoàng đế, gốc Yemen lấy chồng, đem đến Istanbul. Dạo ấy chưa có vụ bỏ thêm sữa, chỉ uống chay nên hơi đắng. Người Thổ Nhĩ Kỳ mới ăn thêm bánh ngọt nên từ đó các món bánh ngọt thi nhau ra đời để thiên hạ uống cà phê.

 

Khi xưa, đường là một loại xa xí phẩm nên người ta làm bánh ngọt bằng mật ong, nay thì ít mật ong mà toàn là đường. Chán Mớ Đời 

Hôm nay họ chỉ một tiệm chỉ có dân bản xứ đến ăn, món gọi hoàng đế Kebab, ăn không hết
Khai vị họ cho ăm meze khá đặc biệt

 Xứ này không trồng được cà phê, đem về từ các nước thuộc đế chế Ottoman. Hôm trước đi chợ, đi ngang một tiệm bán cà phê rang như ở đường Minh Mạng Đà Lạt khi xưa. Mùi thơm nức nở nên mình ngừng lại, mua một kí cà phê. Ôi thôi đủ loại từ Colombia, Ba Tây, Guatemala,…

 

Sau khi đế chế bị tan vỡ, cà phê trở nên đắt cho người dân ở đây vì phải nhập cảng từ các quốc gia đã dành được độc lập từ đế chế Ottoman nên họ bắt đầu trồng trà, loại trà đen. Trà này được trồng ở phía Bắc xứ này, ngày nay dân tình uống trà nhiều hơn uống cà phê. Tương tự cà phê trà của họ uống rất đậm như người Hà Nội uống trà. Kinh 


Nghe họ kể có hai ông linh mục sang tàu để giảng đạo, rồi học cách trồng trà, đem về Thổ Nhĩ Kỳ để trồng và từ đó trà, được phổ biến, bình dân hoá nước uống ở xứ này.

 

Cũng có thể là chính phủ học được bài học của đế chế Ottoman nên không khuyến khích uống cà phê nhiều. Lý do là các tiệm cà phê khi xưa, thường là các ổ cách mạng, các trí thức họp mặt ở đây để nói về lật đổ hoàng đế, thành lập một xã hội văn minh, không có người bốc lột loài người nữa. Họ giảng dạy người Thổ Nhĩ Kỳ về toán học, khoa học, văn chương.


Nói chuyện với người Thổ Nhĩ Kỳ, mình nói là đã đọc tài liệu và tuyên truyền của người tây phương về đế chế Ottoman, nay muốn nghe lời giải thích của người Thổ Nhĩ Kỳ về lý do, đế chế của họ sau 400-500 bị giải thể.


Đa số đều nói hoàng đế và đám quan lại sử dụng chính sách ngu dân hoá, không cho người dân theo học khoa học, xây dựng trên 4,000 nhà thờ hồi giáo tại Istanbul mà không có đến một trường học. Thật ra các giáo đường đều có các ngôi tường được gọi là Madrasa, nhưng chỉ để dạy giáo lý của Coran. Tuyên truyền của tây phương là chỉ quay mấy đứa bé ngồi cứ gật tới gật lui khi đọc Coran.


Người tây phương lại phát triển đủ mọi mặt nhờ vào khoa học. Do đó không thể nào bắt kịp tây phương. Trong lịch sử loài người, nếu quốc gia nào không thay đổi theo đường hướng mới của nhân loại thì sẽ bị đào thải. Các chế độ độc tài thì áp dụng chính sách ngu dân, để củng cố quyền lực của họ.


Năm 1921, sau khi bị đế quốc Anh và Pháp đánh bại trong thế chiến thứ 1, người Thổ Nhĩ Kỳ thành lập một nền cộng hoà, bãi bỏ chế độ quân chủ. Ngày nay 90% dân chúng theo hồi giáo nhưng chỉ có đâu 1% là ngoan đạo, cầu nguyện 5 lần mỗi ngày.


Viết tới đây, mới nhớ dạo ấy hay đế chế hùng mạnh nhất là Ottoman và Hung-Áo, đánh nhau và cuối cùng thì Anh quốc và Pháp quốc đánh thắng hai đế chế này rồi sau 1945, quá mệt mỏi với hai thế chiến, chỉ còn Hoa Kỳ xưng hùng xưng bá với Nga Sô.


Cứ tới giờ là nghe mấy cái loa phường, kêu réo, không thấy ai trải chiếu ngoài đường cầu nguyện như mình đã thấy tại Ma-rốc 35 năm về trước. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Thổ Nhĩ Kỳ, chuyện bên lề

 Nhớ dạo mình mới ra trường, mình dành 6 tháng để đi ta bà khắp Âu châu, trước khi chôn đời trai vào cuộc chạy đua với công ăn việc làm. Nhận việc làm bên Thuỵ Sĩ ở Lausanne.

Nghe tin này thì có một cô sinh viên kiến trúc Mỹ kêu cho cô ta đi theo. Ở Hoa Kỳ, thường sau trung học trước khi vào đại học, có nhiều sinh viên bỏ học đi chơi hay đi làm trước khi vào đại học. Để hiểu thêm về đời sống và chọn lựa môn học. Cô này được bà nội thưởng tiền đi chơi qua Tây một năm. Mình quen khi đi đánh quần vợt, bị cô này hạ như dế. Cô ta từng có thi đấu quần vợt, có huấn luyện viên nhà nghề huấn luyện, sau bị thương nên bỏ nghề.


Tụi này đi Nam Tư, Hy Lạp, Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ, Anh quốc. Tính đi Thổ Nhĩ Kỳ nhưng dạo ấy có cuốn phim Midnight Express, kể một tên Tây Ba Lô bị bắt, bỏ tù nên hơi ớn, nên phải đợi 40 năm sau mới dám bò lại xứ này.


Dạo ấy, Hy Lạp mới bắt đầu dân chủ hoá sau một thời gian dài bị đám quân phiệt cầm quyền. Hoa Kỳ sợ Liên Sô, gây ảnh hưởng vùng này nên đã ra tay tài trợ các đám quân phiệt cầm quyền như HY Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Chí Lợi, Á Căn Đình và các quốc gia Nam Mỹ,..

Grand bazaar tại Istanbul. Khởi đầu là một ông thần nào đứng bán tiệm kim hoàn, hình như người Ai Cập, rồi thiên hạ bắt chước vào bán kim hoàn rồi dần dần bán đủ thứ. Ngoài ra có một khu chợ bán gia vị, khá đẹp. Khi xưa, thời sinh viên, mình có nghiên cứu các Passage thương mại tương tự như mấy chợ ở đây, nhưng không đẹp như ở đây. Chỉ có ở Milano thì họ làm tương tự nhưng đẹp hơn.


Đó là lần thứ nhì mình đi Giang hồ với bạn. Lần đầu mình hẹn một cô bạn đầm, có bà mẹ sinh trưởng tại Nam Định, Việt Nam khi ông bà ngoại sang Việt Nam, làm việc cho thực dân tây. Mình hẹn ở Sevilla để đi chung về Paris ai ngờ cô nàng đem theo một cô bạn khác. Rất khó xin quá Giang xe với 3 người. Con gái thì dễ xin quá Giang còn mình thì kêu đi trước đi. Mình đi đâu rồi trốn luôn. Về Paris, bị tố quá cở. Cách đây mấy năm, cô ta có ghé sang Cali, ở nhà mình mấy hôm. Mình thích đi đâu thì đi, gặp đám trẻ ở lữ quán thanh niên, chúng kể chỗ nào đẹp thì bò đi hay người cho quá Giang xe chở đi đâu thì đến đó. 

Chợ gia vị nổi tiếng gần bến tàu

Đi với cô bạn Mỹ thì mình khám phá ra một điều dân tình ghét người Mỹ. Dạo ấy 25% cử tri pháp là cộng sản, 35% cử tri Ý Đại Lợi. Họ ghét người Mỹ, kêu vô văn hoá nhưng lại mê ăn MacDonalds, bận quần bò, uống CoCa cola bú xưa la mua, hát California Hotel. Sau này đọc cuốn “người Mỹ xấu xí” mới hiểu lý do người Âu châu ghét người Mỹ. Tổng thống Kennedy, bắt các nhân viên ngoại giao phải đọc cuốn sách này trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, ngay cả các thanh niên tình nguyện theo chương trình Peace Corps.


Để giải quyết vấn đề mình nói cô bạn Mỹ là tự xưng người Tô Cách Lan để khỏi bị chửi bới hay khó chịu. 

Kỳ này đi Thổ Nhĩ Kỳ, thấy mấy mẹ con đi mua đồ, mình đứng ngoài nghe mấy người bán hàng kháo với nhau là bọn Mỹ ngu nên mới nhớ sực, dặn vợ con cứ kêu mình là người Việt, ở Việt Nam cho chắc ăn.


Họ biết người Mỹ quen không trả giá nên nói giá trên trời. Mình để đồng chí gái bị họ quần mệt, sắp sửa móc ví thì vào để trả giá. Họ lại phải tốn thêm thời gian để kết thúc cuộc vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. 


Trước khi lên đường mình có xem mấy video của người Thổ Nhĩ Kỳ nói về cách trả giả hay bị lừa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cho biết là phải trả giá vì đó là văn hoá của dân họ. Nhiều khi phải trả giá đến 20% số tiền họ rao giá. 


Mỗi lần đồng chí gái và mấy đứa con vào tiệm xem hàng thì mình lấy cái ghế của tên đứng ngoài cửa tiệm chào hàng để ngồi. 


Người Thổ Nhĩ Kỳ bán hàng rất giỏi, mình phải phục. Họ đem trà và bánh ngọt cho mình ăn nhưng mình chỉ uống trà vì sợ bánh ngọt làm lên đường. Buồn đời mình hỏi vòng vòng mấy cửa tiệm về safran một loại gia vị mà người hồi giáo nhất là xứ ba tư hay bỏ khi nấu ăn, kiểu bột ngọt làm tăng umami khẩu vị. 

Từ từ mới khám phá ra 5 loại rẻ đến hạng nhất.  Từ $10/ gr đến $285/gr. 


Mình hỏi loại hạng nhất bao nhiêu rồi đi vòng vòng khảo giá. Cuối cùng mình mua đúng 20% giá họ rao. Kinh


Họ hỏi để họ gói lại mình nói không bỏ vào ba lô cho mình vì chắc chắn chúng sẽ tráo đổi cái hộp từ Ba Tư. Thấy mặt họ buồn so nhưng kệ xác họ. Dân ở chợ mánh mung vì mình bị một lần ở Ý Đại Lợi. 

Nghe lệnh cấm vận người nga mà đi thì thấy toàn là du khách nga. May là có lệnh cấm vận nếu không thì chỉ thấy toàn là nga và nga. 


Thức ăn của người Thổ Nhĩ Kỳ tương đối ngon hơn Hy Lạp. Cà chua rau quả tươi và chín cây. Ăn phô mát dê và cà chua ngon mệt thở luôn. 


Mấy ngày ở Istanbul thì ăn sáng ở khách sạn, tối ăn ở các khách sạn, có tiệm ăn trên sân thượng. Vừa ăn vừa nhìn eo biển. Thức ăn ngon nhưng chưa đỉnh lắm. 

Đây là lúc đi vào, họ cho mình một phòng nhỏ thay đồ, và một cái khăn để quấn xung quanh con chim đa đa. Khi xong thì ra ngồi xung quanh cái bể nước để uống trà, ăn bánh ngọt
Khi vào trong thì có một căn phòng to với cái chòm to đùng với những lỗ tròn để ánh sáng mặt trời lọt vào. Họ cho mình vào căn phòng như sauna, có mấy cái bục bằng đá Cẩm thạch ấm. Sau đó, có chỗ thì một anh chàng Thổ Nhĩ Kỳ, vào kêu tên, bắt mình nằm lên chỗ như ông tây. Ông ta tắm rữa, kỳ cọ cho mình và tẩm quất

Có hôm Cả gia đình vào hamam. Spa nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ từ mấy trăm năm nay. Phê lắm. 
Di tích nhà hát La MÃ còn lại. Thật ra là có 3 tầng lầu. Đồng chí gái muốn tạo dáng

Hôm nay đi viếng thành phố cổ Hyarapolis, mang tên bà vợ rất ghen tương của thần Zeus. Thành phố khi xưa được Hy Lạp thành lập sau đó thì người la mã khuếch trương rộng hơn, có suối nước nóng để tắm tiên. 


Sau này bị động đất nên bỏ hoang và đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học Ý Đại Lợi đã quật khởi thành phố này và tạo dựng lại nhưng chắc tốn tiền và vài chục năm nữa mới xong. 

Đây là hồ nước khoáng mang tên Cleopatra, vì họ kêu bà hoàng này từng tắm tiên ở đây. Bố láo nhưng đồng chí gái kêu vào tắm để trẻ mãi không già. Chán Mớ Đời  xung quanh đa số là du khách Nga. Thấy một gia đình Việt Nam, nói giọng Bắc.

Trước đây nước khoáng chảy đều đều đến khi một tên nào, xây một khách sạn gần đó, dẫn nguồn nước khoáng về khách sạn của hắn làm khan hiếm nước. Quản lý phải thay đổi dòng nước hàng ngày. Ai muốn tắm thì phải trả tiền vào một hồ bơi, gọi là Cleopatra. Họ kêu khi xưa bà hoàng này đến đây tắm. Chắc lại nhận bá vơ để dụ du khách.


Hai vợ chồng cũng trả tiền xuống bơi một tị, xung quanh chỉ là du khách người nga và nga. Lệnh cấm vận bá vơ, chả hiệu nghiệm gì cả. Trước đây người nga đến đây nhiều lắm. Năm nay ít lại. Cứ thấy đề tiếng nga la tư mút chỉ. Lâu lâu nghe tiếng Đức, ngoài ra cũng có tiếng tây trong chợ. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Dubai #4

 Hôm nay, cả nhà chia tay nhau ở khách sạn vì các chuyến bay khác giờ. Mỗi gia đình bay một hướng. Bà cụ và gia đình mấy người em bay về Việt Nam, một gia đình cô em bay về Pháp quốc, gia đình một cô em và cô cháu bay về Hoa Kỳ. 

Riêng gia đình mình thì lấy taxi ra phi trường trễ hơn để tiếp tục đi chơi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sẽ ở Istanbul 4 ngày với hai đứa con. Sau đó chúng bay về Hoa Kỳ để đi làm lại, hai vợ chồng hành trang lên đường viếng thăm đất nước này để xem các di tích lịch Sử của đế chế La MÃ trước khi về Hoa Kỳ. 

6 ngày qua nhanh nhưng để lại nhiều kỷ niệm. Không biết chừng nào gặp lại nhau đông đủ với bà cụ. Con cháu càng lớn càng khó kêu réo lại. 


Một con gà mái chỉ có thể kêu gọi gà con về nhưng chỉ có thể che chở một số thôi, không thể nào che hết cả bầu trời. Bà cụ may mắn là con cháu về đầy đủ kỳ này, ngoại trừ vài người rể và dâu bận làm ăn, để vợ và chồng con đi. 


Cứ mỗi lần xuống xe, em út chạy tá lả như đàn ong, kêu réo con mình để chụp hình, chỉ thấy bà cụ mình lẻ loi đứng một mình. Thấy thương. 

Đám con cháu đang tạo dáng chung sau 7 năm xa cách

Khi xưa mình cũng vậy, đi chơi với ông bà cụ, cũng bỏ mặc, chạy theo mấy đứa con, không để ý đến ông bà cụ. Lâu lâu kêu đứng chụp cho một tấm làm kỷ niệm. 


Đi chơi làm nhớ đến ông cụ. Mình có tặng ông cụ một cái máy chụp hình nên đi chơi là ông cụ đem ra chụp rồi đem rữa bỏ vào album. Nhớ ông cụ Lăn tăn chụp hình thấy vui nay chỉ còn hình ảnh ngày đó trong đầu. 


Dạo ấy ông cụ còn sống nên bà cụ không lẻ loi. Nay chỉ còn bà cụ nên chắc buồn. Mình dẫn mẹ đi chụp hình trong khi đồng chí gái réo kêu mấy đứa con. Sau đó mới chụp hình với bà cụ. Nay về lại Đà Lạt chắc là mẹ ngủ không được vì nhớ con cháu. Nước mắt lúc nào cũng chảy xuống. 


Gia đình mình đến trễ nên không tham dự chương trình của ngày đầu tiên. 

Kỳ này gia đình nhờ một công ty du lịch Việt Nam ở Đà Lạt tổ chức chuyến đi cho riêng gia đình, không có người lạ nên chương trình có thể thay đổi tuỳ theo sức khỏe của bà cụ. Thật ra là cho mấy cô em. 

Mình không hiểu lý do, mấy cô em mình đi xe là ói. Bà cụ cũng hay bị vụ này. 

Cả nàh tạo dáng trước toà nhà cao nhất thế giới 

Nhớ hôm vào sa mạc theo chương trình fast and furious. Cả nhà đi 5 xe SUV Mỹ, chạy trên đồi cát. Nghe kể bà cụ thì cười hố hố khi xe vẹo qua vẹo lên vẹo xuống trong khi mấy cô em mình thì ói như vòi rồng thêm một ông rể khiến tài xế ngưng, kêu xuống xe ói trên sa mạc. 


Hôm đi viếng chỗ trượt tuyết ở Dubai. Mấy người em chạy theo mấy đứa cháu, chỉ còn mình ở lại để  đi lấy quần áo ấm, bận quần áo ấm, mang giày vớ ấm cho bà cụ khiến mình cảm động. Khi xưa, bà cụ bận áo quần cho mình , 60 năm sau mình lại bận cho mẹ lại. Đi vào có một tí thì bà cụ lạnh nên đi ra với chú em rể. Anh chàng này cạo đầu nên chắc lạnh đầu nên đưa bà cụ ra đi dạo trong khi cả đám chạy vào đi chơi mấy trò mùa đông. 

Cả nhà bận áo kỷ niệm gai đình cụm họp

Gia đình mình thì đi trượt tuyết hàng năm khi xưa nên không có gì lạ thêm chỗ trượt tuyết rất nhỏ, cho dân trong vùng chơi đỡ ghiền. Ngược lại mấy đứa cháu mình ở Việt Nam thì lần đầu tiên thấy tuyết dù là tuyết nhân tạo, xem chúng thích lắm, chơi đến khi phải về. 


Đi chơi với gia đình nên mình không viết véo gì cả. Đang ở trên máy bay, ghi lại vài điểm của chuyến đi viếng Dubai. 


Ai muốn viếng thăm xứ này thì không nên đến vào mùa hè. Nóng cực kỳ thêm rất ẩm nên dễ bị đau. Vào trong nhà thì lạnh như ở Bắc cực rồi ra đường lại như vào lò lửa, có thể nướng pizza. 


Nói chung Dubai được thiết kế phát triển như một thành phố lớn của Hoa Kỳ. Chỉ khác là kiến trúc và mọi thứ đẹp và khác biệt hơn Hoa Kỳ. 

Tạo dáng trước khách sạn 7 sao đầu tiên trên thế giới. Nghe nói $20,000/ đêm. Thôi hẹn kiếp sau.

Ở Hoa Kỳ muốn xây dựng thì phải theo các tiêu chuẩn của thành phố xem xét. người Mỹ đầu tư thì muốn bỏ ít lời nhiều trong khi ở Dubai thì kiến trúc sư được khuyến khích thiết kế khác lạ để bắt mắt du khách. 

Ra Hải ngoại mới thấy ảnh hưởng của văn hoá Mỹ khắp nơi. Nào là macDanolds, starbuck, thời trang. 


Thấy các cửa hàng Hoa Kỳ khắp nơi. Tiệm ăn đều có món hamburger và pizza. Hôm qua vào tiệm ăn ở Thổ Nhĩ Kỳ, thấy một cặp vợ chồng đi tuần trăng mật, kêu hamburger với khoai Tây chiên. 


Mình là con đầu, rời Đà Lạt sớm nên không có thời gian sống chung với mấy em. Thậm chí mình có hai cô em sinh sau khi mình rời Đà Lạt. 


Anh em gặp lại cũng không nói chuyện nhiều. Ai nấy có con nên phải chạy theo con như níu kéo lại vì chúng cũng đã bắt đầu như chim đủ lông đủ cánh rời xa tổ ấm. Không như lần đầu tiên về thì ai nấy còn trẻ, chưa lập gia đình.


Mình chỉ liên lạc thường xuyên với cô em ở Đà Lạt với mẹ mình để hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ. 


Để xem mẹ mình đã được đi xứ nào. Lần đầu tiên xuất ngoại là Pháp quốc. Năm mình về lần đầu tiên thì thấy mẹ mình đi cà nhắc vì bị gãy chân khi đi thăm nuôi ông cụ ở trại cải tạo. 


Dạo ấy chưa có bang giao với Hoa Kỳ nên bàn với cô em ở pháp, lo giấy tờ cho mẹ sang Tây để mỗ cái chân. Hai anh em chung tiền trả vì không có giấy tờ cư trú ở pháp. 

Cả nhà ở khách sạn

Sau này có bằng giao nên ông bà cụ có sang Mỹ chơi mấy lần. Ở Hoa Kỳ thì có đi viếng California, Arizona, Nevada, New York, North Carolina, Philadelphia, Virginia, Utah, Maryland. Có đi Nam Dương, Tân gia ba, Mã Lai, Trung Cộng, Nam Hàn, Nhật Bản, Cao Miên, Jamaica và cuối cùng là Dubai và Abu Dhabi. 


Tính ra mẹ mình đi chơi nhiều nước so với một người bình thường ở Đà Lạt. 


Mẹ mình có nói một câu: “trời cho mình thì nhận”. Mẹ mình cả đời nghèo nhưng về già lại được có sức khỏe nên có thể đi chơi khắp nơi trong khi nhiều người quen có tiền lại không có sức khỏe, ngồi nhà ngáp ngáp. 


Mình có cô bạn kể cô em mời đi chơi ở Pháp nhưng bà mẹ sợ không kham nổi đường dài. Mẹ mình may mắn nên có thể đi chơi đây đó. Mẹ không có tiêu cực, lúc nào cũng tin tưởng vào ngày mai sẽ tươi sáng hơn. Chịu khó tập dưỡng sinh đi bộ hàng ngày. Nghe kể mấy người hàng xóm, cùng thế hệ cứ nằm nhà rên với rỉ. Mình có một người dì bà con, nằm một chỗ đến 10 năm mới chết.  


Bà cụ có bà sui nhỏ hơn đến 20 tuổi mà leo lên một lầu cũng không được. Bà cụ nay được 90 tuổi mà vẫn còn minh mẫn đó là sự may mắn cho con cháu. Nghe em kể về nhà mẹ ăn ngủ bình thường lại. Mình tính cho mẹ đi Thổ Nhĩ Kỳ với mình nhưng chuyến đi xa và nhiều ngày. Thêm mình bay vòng vòng Thổ Nhĩ Kỳ nên chắc mẹ theo không kịp. 


Tháng 2 tới mình về Việt Nam leo động Sơn Đòng, có thể sẽ ghé Thái Lan vì đồng chí gái chưa bao giờ viếng Thái Lan, có thể sẽ mời mẹ đi chung với đồng chí gái như dạo đi cao miên. 

Phan Thiết có cánh đồng cát màu đỏ, có thể làm du lịch kiểu này

Năm nay chắc sao Thiên Di chiếu vào cung mệnh nên đi ta bà hơi nhiều vì tháng 9 sẽ đi chơi với mấy người bạn ở mammooth rồi sau đó lại bay lên San jose cho đồng chí gái họp bạn rồi mình lại bay đi phi châu để leo núi cao nhất phi châu Kilimanjaro. 


Đồng chí gái vừa báo cho công ty về hưu nên tranh thủ đi chơi Cả sau này xụm bà chè hết thì chỉ biết ngồi nhà xem phim bộ trên Netflix. 


Mình đang bay đến irmiz, một thành phố phía nam Istanbul khởi đầu cuộc trường chinh Thổ Nhĩ Kỳ 2022. 

Có bà đầm, bạn cô em ở nhắn tin: ”[30/07, 11:47 AM] Anna Dubois: mille bravos à ton frère - voilà qq’un qui a tout compris à ce qui est important dans la vie. quel bel exemple pour ses enfants et neveux

[30/07, 11:54 AM] Anna Dubois: je ne le connais pas ton frère mais je sais déjà que je l’adore !!!”


Đọc nhắn tin bà này mình cảm thấy là lạ. Lý do là mình may mắn hơn mấy người em, được đi du học trước 75 nên được tiếp tục đi học trong khi mấy người em có cha dính dáng với chế độ cũ nên không được học đại học dù đậu vào đại học. 


Nói chung thì ngày nay, mấy người em cũng có của ăn của để nhưng muốn đi cả đại gia đình thì rất khó thực hiện vì ai cũng có cớ này cớ nọ để không tham dự vì có những ưu tiên chính khác nhau.


Khi xưa, mẹ của một chị bạn nói với mình là ông ngoại chị bạn, cứ năm nào mà thấy xui thì ông ta mua ruộng. Thay vì để tiền chạy ra trong năm, ông mua ruộng thì còn. 

Dân Đà Lạt đi trượt tuyết đầu tiên trong đời

Mình lấy vợ xong là te-tua. Bị thất nghiệp đủ trò. Cuối cùng thì thành lập công ty, làm cho mình thì mới ổn định lại được thu nhập. Năm nào cũng thấy xui nên cứ đầu năm là tìm cách mua một căn nhà cho thuê là cảm thấy yên tâm, không sợ tiền chạy ra vì hết sạch tiền dành dụm.


Mẹ gài làm người mẫu

Đồng chí gái với mình chắc chiêu, dành dụm nên ngày nay thấy dễ thở hơn. Mình nhớ có lần họp mặt với gia đình Cayla bên Tây.  Hai ông bà Cayla xem mình như con nuôi, mời gia đình mình họp mặt với con cháu ông bà ở Grenoble. Hai ông bà trả tiền hết cho cho con cháu. 


Mình nghĩ mẹ mình có tiền thì chắc sẽ bỏ tiền ra trả cho con cháu như ông bà Cayla, lấy tiền để dành, tạo cơ hội cho con cháu ở khắp nơi tại Âu châu về xum họp. Do đó mình làm liều, tài trợ chuyến đi thế cho mẹ để tạo niềm vui cho cả đại gia đình. 

Đồng chí gái kêu nay đã trên 6 bó nên không đi tắm nắng nữa. Chán Mớ Đời 

Tiền bạc có mà cứ giữ khư khư đến khi chết cũng không mang theo. Nay tạo niềm vui cho mẹ và em út và cháu vui. Thấy chúng nói chuyện với nhau không hiểu bằng tiếng gì. Mấy đứa ở ngoại quốc thì dễ còn mấy đứa ở Việt Nam thì không hiểu nhưng vẫn cảm thấy chúng thương nhau, dẫn nhau đi chơi, nói lên “giọt máu đào hơn ao nước lã”. Chỉ tiếc gia đình một cô em không đi chung. 


Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn 

Trung tâm cảnh sát dã chiến Đà Lạt

 Thấy ai đó tải lên tấm ảnh mà mình đã có, chụp trước trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến Đà Lạt khi xưa. Thú thật mình không nhớ rõ đây là trại huấn luyện ở đường Trần Bình Trọng hay ở dưới Trại Mát mà mình có đi ngang 1 hay 2 lần. Dạo ấy, đi ngang mấy chỗ này thì ớn ớn, sợ bị chận lại hỏi giấy tờ hoãn dịch.

Có người, từng ở tỏng binh chủng cảnh sát dã chiến, gửi cho mình cái link này. Để hôm nào đi chơi về mình có thì giờ sẽ đọc. Gửi cái link cho ai muốn tìm hiểu thêm các binh chủng Việt Nam Cộng Hoà khi xưa.

 https://canhsatdachien.wordpress.com/

Mình có một kỷ niệm vui ở ngay trước cổng trung tâm cảnh sát dã chiến ở đường Trần Bình Trọng. Một hôm, chạy đi kiếm nhà ai để giao hàng của mẹ mình. Dạo ấy mình đã làm nghề chạy xe Grap rồi. Trưa ăn cơm xong thì mình ra chợ, để xem bà cụ có cần mình chở hàng hoá gì đến nhà khách hàng. Do đó, thiên hạ thích mua đồ ở hàng mẹ mình, được chở đến nhà miễn phí.

Theo thiên hạ sống tại Đà Lạt thì đây là trại huấn luyện Cảnh Sát Dã chiến ở Trại Mát. Mình lại nhớ ở đường Trần Bình Trọng, Đà Lạt. Trí nhớ bắt đầu lộn xộn.

Mình chở bao gạo đi kiếm đường, hình như ở đâu Yagut hay chỗ biệt thư Bà Nhu, nay nghe nói là trung tâm lưu trữ quốc gia về Đà Lạt. Lần sau về Đà Lạt, mình mò đến đây xem, có tài liệu gì để đọc hay không về Đà Lạt. 

Tìm không ra nên chạy lại cho cổng gác để hỏi đường. Ông thần gác cổng nói: “theo thiển ý của tôi, đường đó nằm ở bên tay phải, chỗ Domaine de Marie chạy xuống. Mình tiếng Việt không rành mà ông thần này xổ nho nữa nên gãi đầu, như bò đội nón. Hỏi lại mấy lần mới được bình dân học vụ để hiểu.

Sau này về thì thấy Hà Nội cho thành lập một trường gì đó, không nhớ vì không hỏi, sợ nghe cán bộ xổ nho nữa. Hình như trường đào tạo công an. Ông thầy Sâm, dạy Thái Cực Đạo mình, cũng là huấn luyện viên cho cảnh sát dã chiến ở trung tâm này.

Tấm ảnh này chắc được chụp lâu lắm rồi, trước Mậu Thân vì sau Mậu Thân, mình thấy lô-cốt ở ngoài thêm dây kẽm gai cuộn đầy, xung quanh trung tâm. Hình như ngày nay, Hà Nội gọi là cảnh sát cơ động, chuyên đi dẹp biểu tình. Mình nhớ khi xưa, có vụ miền trung chi đó. Ở chùa Linh SƠn, sinh viên học sinh cũng tụ lại đây, chửi bới chính quyền Thiệu Kỳ chi đó. Mình học được chữ Đoạn Lầu Đài, khi sinh viên kêu đem ông Kỳ lên đài này. Một hôm, mình thấy xe nhà binh GMC chở đầy cảnh sát dã chiến chạy vào chùa, đậu nơi sân rồi cảnh sát dã chiến nhảy xuống, lựu đạn cay, khói đủ nơi, dùi cùi được sử dụng khệnh đủ trò, khiến mình như được xem xi nê miễn phí. Sinh viên chạy như đàn ong vỡ tổ.

Học viện cảnh sát quốc gia được thành lập vào năm 1965 để đào tạo các sĩ quan cảnh sát quốc gia với văn bằng tú tài 1 trở lên.

Nếu mình không lầm trung tâm cảnh sát dã chiến nằm trên đường Trần Bình Trọng. Nếu ai chạy từ đường Hải Thượng lên nhà thương, thay vì quẹo phải đến đường Calmette thì cứ tiếp tục chạy qua ty quan thuế rồi chạy xuống cái dốc, quẹo vòng vòng sẽ đụng đường Trần bÌnh Trọng, bên tay trái.

Còn chạy từ Domaine de Marie xuống thì gặp đường Mai HẮc Đế, sẽ gặp đường Trần Bình Trọng bên tay phải còn đường kia tên Yết Kiêu thì phải chạy xuống biệt thự Bà Nhu. Nghe kể là tiền do ông bố bà Như cho mượn để mua. Bên cạnh có một biệt hự mà tây lai mật thám bị ám sát, hình như hụt thì phải, hay chỉ bị thương. Sau vụ này, có một số người tình nghi bị bắt. Lâu quá mình không nhớ rõ. Không có dính liệu đến vụ mật thám tây lai bị bắn trước tiệm Đức Xương Long.

Khi xưa, con trai tránh những khúc này vì hay bị thổi còi, xét giấy tờ hoản dịch. Dạo ấy thiên hạ tránh ra khu Hoà Bình, chỗ tướng Việt Anh, rạp Ngọc Hiệp vì có xe tuần cảnh
Chỗ này có lô cốt, cảnh sát hay đứng gác, sợ Việt Cộng phá cái đập cầu ông Đạo. Có lần thấy ông lính cầm súng bắn xuống mấy cái lục bình, tình nghi có người nhái của Việt Cộng 

Hình như khu vực này có một trường tiểu học Trần Bình Trọng thì phải. Chạy thẳng đường này sẽ vào nhà thờ Cam Ly. Dạo đó mình cũng ngại chạy xa trung tâm thành phố thêm sợ vào xóm lạ, hay bị dính mấy vụ đánh hội đồng.

Theo mình hiểu Cảnh Sát Dã Chiến thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, được trang bị võ trang như quân đội tác chiến, chớ không phải đeo rouleau như Cò Giao, đứng ở khu Hoà Bình. Hình như Tuần Cảnh, hay đứng xét giấy tờ bắt lính cũng thuộc các đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến, ngoài ra còn có nhiệm vụ trấn áp, dẹp tắt các bạo động, biểu tình.

Có dạo chiến dịch Phượng Hoàng tại Đà Lạt, tuần cảnh và quân cảnh lùa thanh niên vào thao trường để thanh lọc. Xét giấy tờ, đủ trò bắt đi quân dịch. Ông cụ mình lâu lâu về nói không nên ra đường vì đang có thanh lọc. Tương tự khi thi tú tài, có màn đi khám sức khoẻ cho thí sinh nam còn nữ thì được miễn. Lý do là họ xét xem có tên nào bị dính bệnh sốt rét, có thể dinh dáng đến nằm vùng.

Sinh viên sĩ quan Cảnh Sát Dã Chiến được huấn luyện tại học viện Cảnh Sát Quốc Gia. Sau khi tốt nghiệp, có thể được gửi đi tu nghiệp thêm ở các trường huấn luyện khác như Thủ Đức. Nhiều khi được gửi đi các nước khác để học thêm như chú Cương Đen, an ninh quân đội, bạn của bố mình, được gửi sang Nhật Bản tu nghiệp thêm.

Nghe kể trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến Đà Lạt, là một trung tâm huấn luyện lớn của miền nam trước đây. Một số đơn vị được sử dụng cho chiến dịch Phượng Hoàng đến khi lính mỹ rút lui khỏi Việt Nam. Từ dạo ấy mình chỉ lo học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm để được đi Tây. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn