Tuần này, đến phiên mình đọc diễn văn trước hội Toastmaster. Mình lấy đề tài “your life or your money” (muốn sống đưa tiền đây), tựa một cờ líp hài mình xem trên mạng. Bài đọc từ 7 đến 9 phút nên phải ngắn gọn. Cờ líp của tên chồng người Mỹ nói với bà vợ. Hôm qua, ra phố, vừa bước xuống xe thì có một tên chỉa cây súng vào đầu kêu: “your life or your money”. Ông ta kêu: tôi là một người đàn ông có vợ. Cuộc đời gì, tiền nào. Vợ tôi lấy hết” khiến bà vợ ngồi bên cười chí choé.
Các vị tướng Việt Nam Cộng Hoà đã tuần tiết ngày 30/4/75. Hôm nay mình ra thư viện Việt Nam để vái họ.
Mình tính dùng câu chuyện khôi hài để lồng vào bài đọc trào phúng. Ai ngờ càng viết càng chạy loạn cào cào về cuộc đời mình. Để mình viết ý lại theo tiếng Việt.
Cách đây 20 năm, mình đi thầu vẽ nhà xây nhà cho thiên hạ. Sáng phải dậy sớm để đến Home Depot vào 6 giờ sáng, mua vật liệu cho thợ làm trong ngày trước 8 giờ sáng. Vừa đậu xe xong, mới mở cửa thì trong bóng đêm, có một tên chỉa súng vào đầu mình kêu: “ muốn sống thì đưa tiền đây”. Mình bị cứng đơ, hai tay tự động đưa lên trời. Đầu óc mình bổng nhiên trong khoảng khác ấy chạy rất nhanh như điện xẹt, như trong phim Back to the future. Mình thấy những hình ảnh chạy nhanh trước mắt, bất tận như hôm qua rồi ngày cưới, rồi những ngày mới sang Hoa Kỳ, rồi đến những năm tháng ở Anh quốc, rồi lại thấy hồ Leman Thuỵ Sĩ rồi Ý Đại Lợi, rồi những đêm thức khuya học bài hay vẽ ở Paris . Sau đó lại những năm tháng sinh sống tại Đà Lạt rồi thấy ông cụ mình ở quê.
Đêm hôm, du kích bao vây nhà, kêu ra đây để họ chặt đầu. Ông cụ nhảy qua hàng rào phía sau nhà chạy trốn vào Hà Nội rồi vào nam đi lính ngự lâm quân cho vua Bảo Đại, một hôm tháp tùng vua Bảo Đại lên Đà Lạt đi săn bắn thì ông cụ gặp mẹ mình buôn bán ở chợ Đà Lạt.
Xoay qua đến mẹ mình sinh ra tại miền trung nhà nghèo, được người bà con đem vào Đà Lạt. Làm giúp việc cho người bà con rồi tiền lương thì được gửi về cho mệ ngoại ở Huế để nuôi mấy dì cậu ăn học.
Rồi mẹ tham gia Việt mInh, chuẩn bị vào chiến khu thì bị mật thám Tây bắt. Ở tù được các đồng chí dạy cho đọc và viết. Sau khi được thả thì gặp ông cụ mình rồi lấy nhau. Sinh ra mình và 10 người em.
Lớn lên, mình có ý tưởng du học để thoát nghèo, kéo theo mấy người em. Đậu tú tài, mình được nha du học cho phép đi du học ở pháp. Mới đến pháp có mấy tháng thì Sàigòn đầu hàng, mất tin tức gia đình đến 3 năm sau mới liên lạc được.
Ông cụ mình bị bắt đi trại cải tạo 15 năm. Em mình không được đi học đại học vì lý lịch của bố mình. Phải ở nhà đan len hay may vá. Bỏ mộng trở thành kỹ sư, kiến trúc sư. Bạn học khi xưa cũng không được học đại học dù có khả năng. Đang học y khoa, Việt Cộng vào kéo đầu ra, kêu về đi lao động là vinh quang.
Mình không có gia đình để trở về nên lang thang đi kiếm việc làm ở Ý Đại Lợi rồi Thụy Sĩ đến Anh quốc rồi Nữu Ước. Sau 5 năm ở Nữu Ước mình đang tìm đường sang Nhật Bản làm việc cho kiến trúc sư Rafael Vignoly thì phát hiện mối tình hữu nghị với đồng chí gái và xin nhận Hoa Kỳ làm quê hương.
Mình quay sang tên chỉa súng vào mình rồi kêu: “ tôi có vợ. Tiền nào? Vợ tôi nắm hết”. Bổng nhiên tên chỉa súng vào mình, bật khóc rồi một lúc sau, vỗ vai mình rồi đưa mình $5 kêu đi uống cà phê vì cà phê của home depot quá dỡ. Đó là kết luận của mình khiến mọi người cười kêu lấy vợ rồi không còn tiền bạc gì nữa. Đáng kiếp một đời trai.
Sau buổi họp rất nhiều người đứng lại nói chuyện với mình. Họ nói là qua câu chuyện về đời mình, họ hiểu thêm về Việt Nam một tí, họ tiếc là Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà. Khiến dân mình te tua từ 50 năm qua.
Mình sinh hoạt với mấy hội như Lions International và Toastmaster international để học hỏi từ người Mỹ cách sinh hoạt dân chủ của họ. Họ có lòng tốt gây quỹ giúp đỡ những người Mỹ nghèo khó. Mới hiểu lý do người Mỹ bảo trợ các thuyền nhân đến Hoa Kỳ. Sự hiện diện của mình giúp người Mỹ trong hội, hiểu biết thêm về cuộc chiến Việt Nam và lý do người Việt bỏ nước ra đi. Người Mỹ bảo trợ người Việt tỵ nạn theo truyền thống của dân họ nên mình cũng bắt chước họ để duy trì truyền thống này thay vì lên án những người tỵ nạn giả, ở lậu. Ai cũng muốn ở lại quê hương họ nhưng vì nghèo khó hay an ninh phải ra đi. Muốn vào Hoa Kỳ đàng hoàng thì phải có 5 triệu đô la đóng. Bao nhiêu người có số tiền này. Mình gặp nhiều người giàu có ở Việt Nam nhưng cũng phải có chân bên ngoài để lỡ có chuyện gì, hạ cánh an toàn với cả gia đình. Con họ đều ở ngoại quốc còn họ vẫn làm ăn ở Việt Nam đi đi về về. Khi xưa làm Boat People nay làm Airplane People. Nói như thầy bói là khi xưa, bàn tay có Ligne de mer còn ngày nay có Ligne de l'air xong om.
Bài diễn văn của mình ngắn có 7-9 phút nhưng cũng giải đáp phần nào cho người Mỹ hiểu hoàn cảnh người Việt tỵ nạn. Phân nữa các bài diễn văn của mình đều kể về Việt Nam và sự nguy hiểm của Trung Cộng. Mấy người Mỹ cảm ơn khi mình kể về Trung Cộng sản xuất fentanyl đưa cho cartel mễ để bán qua Mỹ bằng biên giới Mễ và Gia-nã-đại. Đó là cách trả thù phương Tây của người Tàu. Vì khi xưa người Tây phương bán thuốc phiện cho người Tàu làm giàu. Có ông bộ trưởng an ninh của Trung Cộng đồng ý thương lượng với Hoa Kỳ về vụ Fentanyl. Đa số người Mỹ không biết vụ này.
Vancouver là ổ địa của người Tàu, nên họ đem thuốc này vào Gia-nã-đại rồi chuyển qua biên giới Hoa Kỳ. Do đó cuộc thương chiến ngày nay là để diệt tận đáy việc này. Ngay các nghiên cứu gia về Trung Cộng cũng đồng ý là theo các cuộc họp mật của Đảng Cộng Sản Trung Cộng, họ muốn nhân dịp này đánh cho Tây phương và Hoa Kỳ xụm bà chè luôn.
Một buổi nói chuyện với 20 người Mỹ để giúp họ hiểu về Việt Nam tốt hơn là cãi nhau với người Việt vì chúng ta đều hiểu và kinh qua nhưng người Mỹ không biết. Họ chỉ nghe thoáng qua truyền thông thiên tả, ủng hộ Hà Nội.
Có nhiều người than phiền là mình ít khi trả lời họ nhất là những còm rất tiêu cực. Nếu ai đó mời mình cái bánh mà mình không ăn thì họ lấy lại, họ chửi mình mà không trả lời thì họ phải lấy lại thôi. Mình thích còm hay trả lời trên các diễn đàn người Mỹ, người Pháp,… còn diễn đàn Việt Nam thì đã có nhiều người làm rồi. Mình thích khôn chợ dại nhà. Người Việt thì không muốn ăn thua với họ, Tây đầm gì không để qua được. Khi xưa, cãi nhau với Tây đầm, mình bị cảm xúc quá nhiều nên phải đi học cách nói chuyện với hội Toastmasters.
Mình có gửi mua cuốn sách “tổ quốc ăn năn” của Nguyễn Gia Kiểng được một ông bên Úc đại lợi dịch qua anh ngữ để cho thằng con đọc để hiểu thêm về Việt Nam. Hình như em của ông Nguyễn Ngọc Bích, tên Nguyễn Ngọc Phách thì phải là người dịch, đã qua đời. Hồi đầu năm, đi Úc, mình có tìm cách liên lạc thì được biết ông ta đã qua đời lâu rồi. Cho thằng con về Việt Nam đi theo một phái đoàn y tế từ thiện. Hai tuần lễ làm việc với phái đoàn thì nó hiểu lý do mẹ nó vượt biển đi tìm tự do khi thấy Hà Nội không cho phép khám bệnh ở Sàigòn dù đã bắt mọi người đóng tiền, để được cấp thẻ làm việc trong hai tuần. Sau phải làm chui chạy về Long An mỗi ngày, rồi thấy cán bộ dắt gia đình vào chữa bệnh trước các người nghèo đợi từ ban mai.
Đi học gặp giáo sư thiên tả kể lịch sử Việt Nam sai lệch nên cần phải giải độc dùm con mình. Cách đây mấy tháng, có thằng cháu họ, học UCLA, đến nhà, ngồi nói chuyện giúp nó hiểu thêm về Việt Nam. Thằng cháu rất ngạc nhiên là mình biết và đọc Thanh Việt Nguyễn, Ocean Vương,… bố nó còn nhỏ khi vượt biển nên không biết gì về Việt Nam. Nó đến nhà tình cờ thấy sách bằng anh ngữ về Việt Nam, lấy đọc nên ngạc nhiên khi thấy sách giải thích khác với những sách thiên tả được đọc ở trường.
Mình thích nói chuyện về Việt Nam với người Mỹ, giới trẻ Việt Nam hơn là với người Việt đồng lứa. Nói chuyện với người Mỹ hay Tây đầm khi xưa để giải thích vì sao sự sụp đỗ của Việt Nam Cộng Hoà là một thất bại lớn cho thế giới tự do. Khi xưa ở Âu châu rất khó thuyết phục đến khi có 2 con tàu Đảo Ánh Sáng và Cap Anamour đi vớt người Việt boat people. Chỉ cần hỏi họ nghĩ gì về hai con tàu này. Lúc đó thì dễ hơn, người Tây phương thức tỉnh sau khi bị Hà Nội tâm công trong suốt cuộc chiến.
Nhớ hồi mới sang Hoa Kỳ, sinh viên hay nhờ mình đi nói chuyện trong đại học về chiến tranh Việt Nam và thuyền nhân. Giới trẻ không biết nhiều về Việt Nam vì khi xuống tàu còn bé. Họ muốn hiểu lý do họ có mặt tại Hoa Kỳ, bố mẹ ít khi giải thích tận tường. Dạo đó anh ngữ mình còn tồi nhưng phải lết đi khắp nơi để nói chuyện. Lý do là bố mẹ của họ không chịu ngồi đối thoại với mấy người phản chiến Mỹ khi xưa. Nhớ ở NYU, sau khi tranh luận, có bà giáo sư Mỹ đến bắt tay mình, vui vẻ kêu good debate. Mình chỉ hỏi người Mỹ nghĩ gì về hơn 1 triệu người bỏ nước ra đi. Theo thống kê của liên Hiệp Quốc thì chỉ có 50% đến bờ tự do. Những con thuyền này còn nhỏ hơn các con tàu Mayflower, khi xưa đưa những người Âu châu bị đàn áp tôn giáo. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tuyên bố trên tờ Paris Match là có trên 3 triệu quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hoà ở trong trại cải tạo. 3 triệu trên tổng số 18 triệu người Việt tại miền nam là một con số rất lớn. Đa số người Việt lớn tuổi đều nói cộng sản lưu manh, gian ác nhưng không giải thích cho con cháu họ hiểu theo lối người Mỹ. Chúng ta nói chuyện về cảm tính nhưng không giải thích tại sao theo lô gích.
Mình đi học cách diễn đạt anh ngữ tại hội Toastmasters để khi có dịp nói chuyện với người Mỹ thì có thể diễn đạt ngắn gọn giúp họ hiểu thêm về Việt Nam. Giúp họ yêu mến người Việt tỵ nạn hơn thay vì bị truyền thông định hướng như ngày nay là dân nhập cư là toàn sát nhân, băng Đảng. Thật ra cũng có nhưng rất ít. Nhớ đi chơi ở Nam Cực, gặp ông Mỹ, cựu giám đốc ngân hàng, kêu người Việt rất giỏi, lợi tức cao hơn người Mỹ bình thường. Nói chuyện suốt tuần lễ, ông ta nghe mình ghé Utah, là gọi điện thoại mời ăn cơm tối nhưng lúc đó mình đã rời Utah.
Khi xưa mình thấy nhiều người quen rất hùng hào khi nói chuyện với người Việt nhưng khi gặp người ngoại quốc thì chả nói gì. Im re. Mình hay lên mấy trang của cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam để bình luận, đưa ra ý kiến của người Mỹ gốc việt về cuộc chiến. Cảm ơn họ đã chiến đấu cho tự do. Xong om
What life? What money? I’m a married man. Chán Mớ Đời
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn