Paris có gì lạ không Sơn đen?

 Paris có gì lạ không Sơn đen?


Đi Âu châu về thì thiên hạ hỏi mình Paris có gì lạ. Mình chỉ viếng cấp tốc Âu châu, qua 3 nước mình trở lại Paris, Ý Đại Lợi và Slovenia thêm có chạy ngang Thụy Sĩ. Điều nhận thấy đầu tiên là các cửa hàng thức ăn nhanh của Mỹ hiện diện khắp nơi, tuy không nhiều như tại Hoa Kỳ nhưng gia tăng khá nhiều so với thời mình sinh sống tại đây. Tây đầm yêu thích thời trang MK, Nike,… Văn hoá Mỹ hiện diện khắp nơi cho thấy cuộc chống lại sự xâm lăng văn hoá đế quốc Mỹ của cựu bộ trưởng văn hóa pháp Jacques Lang đã rơi vào quên lãng của những người thuộc thế hệ mình trước đây. Ngoài ra nền kinh tế cổ truyền, cha truyền con nối được đóng cửa vì không thể cạnh tranh với các siêu thị, gian hàng lớn như tại Hoa Kỳ trước đây. Đi trên phố mà thấy hàng quán đóng cửa nhiều thì biết địa ốc không lên giá như tại Hoa Kỳ.


Đời sống dân địa phương vẫn như xưa, chỉ có là giới trẻ nay di chuyển bằng xe đạp khá nhiều. Họ tạo dựng các phố đi bộ cấm xe hơi chạy khá hay, ít xe trong thành phố. Nói chuyện với mấy đứa cháu và bạn chúng còn trẻ nhưng tinh thần khác với giới trẻ tại Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ còn thấy nhiều nhóm trẻ bàn chuyện khởi nghiệp, thành lập công ty trong khi ở Âu châu, kiếm được một công việc làm là vui rồi. Rồi tính chuyện đi nghỉ hè.

Về kinh tế thì mình thấy Âu châu bị Hoa Kỳ bỏ rơi xa so với những lần mình về trước đây. Theo thống kê thì 16 năm trước kinh tế liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ ngang ngửa. Ngày nay thì kinh tế Hoa Kỳ lớn hơn 50% liên hiệp Âu châu. Xem như cuộc tự sát kinh tế của Âu châu. Nay mới hiểu brexit mà Anh quốc ngày nay te tua. Họ cho là may mắn đã đào thoát ra khỏi liên hiệp Âu châu với những điều luật cấm cản sự tăng trưởng kinh tế. Nghe nói công ty xe hơi đức bị thu mua, cạnh tranh không nổi. Cô em kể đi chiếc xe hơi to một tị, nhưng nhỏ so với Hoa Kỳ, bị dân chúng đi ngang xì bánh xe này nọ, cho rằng xe to, đại diện cho sự phá hoại môi trường.

Xem các chỉ số về kinh tế:

• US GDP: $25.5 trillion

• EU GDP: $16.6 trillion

Năm 2008 thì gdp của hai bên đều ngang ngửa. Chuyện gì xảy ra từ 16 năm qua. Họ cho rằng Âu châu chọn sự an toàn thay vì gia tăng phát triển trong khi Hoa Kỳ chọn đổi mới thay vì quản lý 28 thành viên. Hoa Kỳ có 50 tiểu bang nhưng các tiểu bang độc lập về phát triển tuỳ theo địa lý.

Kết quả Hoa Kỳ sản xuất 9,000 ức Mỹ kim qua các công ty (9/10 công ty giàu có nhất thế giới ) trong khi Âu châu là con số không.

Nhân tài của Âu châu rời bỏ đi rất nhiều. Con gái mình học trường kinh tế Bocconi ở Milano, có cô bạn qua Hoa Kỳ học MBA ở đại học Harvard. Cô ta tự xưng là dân giỏi của Ý Đại Lợi nhưng làm chưa đến 40,000 Euro trong khi mới vào đại học Harvard đã được trả $120,000, xem như gấp 3 lần. Nhân tài của âu châu đi Hoa Kỳ hay Á châu để khởi nghiệp các công ty vì đời sống thấp. 

Lý do là không thể thành công tại Âu châu. Các doanh nhân được xem là những kẻ khai thác, bốc lột nhân công, những ký sinh trùng tư bản trong khi tại Hoa Kỳ, các doanh nhân khởi đầu các công ty được xem là những kẻ chấp nhận rủi ro sẽ được đền đáp. Thất bại được coi là sự giáo dục, không phải là sự xấu hổ. Ý thức hệ xã hội chủ nghĩa rất nặng nề tại Âu châu. Như vòng kim cô vô hình bảo phủ tinh thần dấn thân giới trẻ.


Người châu Âu đang chìm trong thủ tục hành chính quan liêu rườm rà nhiều hơn tại Hoa Kỳ dù người Mỹ than phiền quá quan liêu. Mình xin phép xây căn nhà phải mất đến 7 tháng để được phép xây cất trong khi chỉ xây căn nhà có 6 tuần lễ. Đó là mình may mắn còn đa số kéo dài:

• Luật lao động khiến việc tuyển dụng/sa thải trở nên bất khả thi. Nghe nói muốn sa thải nhân viên phải mất đến 24 tháng

• Thuế suất đè bẹp các doanh nghiệp nhỏ

• Chi phí tuân thủ giết chết sự đổi mới


Thành lập một công ty ở Pháp mất 84 ngày. Ở Mỹ? 4 ngày. Ở Tân Gia Ba 1 ngày.


Chính phủ Trump hiểu vấn đề này và đang tìm cách loại bỏ chế độ quan liêu hành Chánh để giảm ngân sách quốc gia và giúp thủ tục hành Chánh nhanh chóng trong thời đại thông minh nhân tạo. Cần phải uyển chuyển để thay đổi. Ở Trung Cộng người ta xây một phi trường quốc tế mất 18 tháng trong khi tại Hoa Kỳ, nội xin phép mất 2, 3 năm. Điển hình là Cali muốn xây một đường xe lửa cao tốc từ nam chí Bắc mà mấy chục năm qua, mất 7 tỷ đô la chỉ để nghiên cứu môi trường vẩn vơ. Muốn xây cất nhà ở Cali, phải tốn mấy chục ngàn cho một tên đến nghiên cứu xem mảnh đất có thằn lằn hay chuột kanguru nào được ghi nhận là loại không được phá môi trường của chúng.

Ngay cả tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thừa nhận điều này. Khi so sánh châu Âu với thị trường Mỹ và Trung Quốc, ông cho biết: Tư duy phản đổi mới đang giết chết châu Âu.

Ví dụ, khi Elon Musk xây dựng Giga Berlin, người Đức đã phản đối: "Không có chủ nghĩa thực dân công nghệ". Tesla gần như đã hủy bỏ dự án do những rào cản về quy định và sự phản đối của cộng đồng. Điều này cũng xảy ra hàng ngày với các công ty nhỏ hơn.


Văn hóa quản lý của châu Âu đã tạo ra một vòng xoáy kinh tế bi thảm:

• Nhân tài rời đi

• Các công ty tránh đầu tư

• Đổi mới chết

• Nền kinh tế trì trệ

• Nhiều quy định hơn theo sau


Đây là lý do tại sao các vấn nạn như "Europoors" tồn tại. Gặp bạn bè, họ chửi Hoa Kỳ rút ra khỏi accords de Paris về môi trường.


Các con số thật tàn khốc:

• 90% nhân tài công nghệ EU sẽ chuyển đến Hoa Kỳ để có được lợi nhuận phù hợp. Nhớ có ông tiến sĩ ý, quên tên, đoạt giải Nobel về vật lý, chính phủ ý kêu ông ta về xứ để nghiên cứu, kêu sex trang bị phòng ốc, nhà cửa 5 sao cho ông ta, nhưng ông ta từ chối vì ngại viết báo cáo thay vì nghiên cứu vô tư như ở Hoa Kỳ.

• Mức lương công nghệ châu Âu: thấp hơn 50% so với Hoa Kỳ

• Nguồn vốn khởi nghiệp: cao hơn 5 lần ở Hoa Kỳ


Và một số ít thành công công nghệ của châu Âu? Hầu hết trong số họ chuyển đến Mỹ:

Đọc hồi ký cô bạn đầm, làm việc cho một công ty khởi nghiệp pháp, và ông chủ phải dọn qua Mỹ và rất thành công. Sau đây là vài công ty khởi nghiệp tại Âu châu và chuyển qua Hoa Kỳ.

• Spotify (hiện có trụ sở tại NYC)

• Klarna (hoạt động chính tại Hoa Kỳ)

• ARM (được NVIDIA mua lại)


Trong khi Châu Âu tranh luận về đạo đức của AI... Mỹ cũng như Trung Cộng tranh đua xây dựng nó. Trong khi Châu Âu quản lý tiền điện tử... Mỹ đổi mới chúng.


Trong khi Châu Âu bảo vệ các ngành công nghiệp cũ... Mỹ tạo ra những ngành công nghiệp mới.

Giải pháp mà Châu Âu cần phải:

1. Cắt giảm quy định

2. Chấp nhận rủi ro

3. Hỗ trợ các doanh nhân

4. Giảm thuế đối với đổi mới


Sự nghiện ngập các quy định luật lệ về bảo vệ môi trường xanh quá sâu sa. Họ đi xe đạp nhưng họ quên một điều là cái điện thoại của họ còn tàn phá môi trường nhiều hơn trước đây với sự khai thác hầm mỏ các khoáng sản từ lòng đất. Có dạo điện thoại Nokia rất được mua khắp thế giới nhưng nay mất tiêu vì không được cải cách, đổi mới.


Văn hóa chống kinh doanh đã ăn sâu. Như một doanh nhân người Pháp đã nói: "Tôi yêu châu Âu, nhưng tôi không thể xây dựng tương lai của mình ở đây. Hệ thống không cho phép tôi làm vậy". Mình nhớ gặp lại cô bạn đầm khi viếng thăm Hoa Kỳ. Cô ta kể khi xưa mình nói là giấc mơ của mình ngày nào đó sở hữu nhà cho thuê khiến cô ta nghĩ mình điên đến khi sang Hoa Kỳ chơi, gặp lại nhau sau 40 năm thì cô ta mới thấy mình hết điên.


Đây là lý do tại sao nước Mỹ vẫn tiếp tục chiến thắng. Không phải vì người Mỹ thông minh hơn. Mà vì hệ thống của họ có lợi cho những người xây dựng, tiên phong. Mình nhớ khi học khoá MBA ở đại học bách khoa Lausanne, ông thầy mới đi Cali về, kêu ở Silicon Valley thấy họ khai thác về điện tử, khởi nghiệp trong khi tại đây như nghĩa địa. Một Steve Jobs có thể mở một công ty trong một cái garage nhưng ở Âu châu thì không tưởng hình ảnh này.


Châu Âu đã trở thành một viện bảo tàng to lớn gồm 28 thành viên:

• Tuyệt vời trong việc bảo tồn quá khứ. Mình thấy tại Paris có rất nhiều viện bảo tàng mới ra đời, du khách làm đuôi để vào xem. Nói chung Âu châu hướng về quá khứ giàu sang của họ nhưng bỏ lại sau lưng tương lai của thế hệ tiếp theo. Cứ như thời trung cổ khi xưa, còn Hoa Kỳ là thời phục hưng.

• Tệ hại trong việc xây dựng tương lai


Nếu châu Âu không cắt giảm các quy định và chấp nhận rủi ro, khoảng cách ngày càng lớn hơn. Nền văn hóa và lịch sử phong phú. Ẩm thực tuyệt vời. Bạn bè dẫn đi ăn hay nấu cho ăn rất ngon, phải chi Hoa Kỳ có thực phẩm như vậy thì em như thiên đàng. Mỗi năm mà có dịp qua Âu châu ở một tháng, ăn uống nghỉ hè chắc vui hơn.

Nhưng ẩn sau sự đa dạng tuyệt đẹp này là một vấn đề chung: Mọi quốc gia châu Âu đều có chung tư duy phản đối tinh thần khởi nghiệp. ở Berlin, Paris hay Stockholm thì cũng không quan trọng... Hệ thống được thiết kế để kìm hãm những người muốn xây dựng, tiên phong. Không khác gì với giáo điều của nhà thờ đã khiến Âu châu chìm trong thời u mê của thời trung cổ với inquisition. Ai có đầu óc khác thường, tư duy mới như Galileo là cho lên dàn hoả. Hay hồi giáo cũng lâm vào trường hợp này sau một thời gian giúp khoa học phát triển.


Điều này đang buộc một thế hệ người châu Âu phải đưa ra một lựa chọn bất khả thi: Ở lại một nền văn hóa mà chúng ta yêu thích nhưng không thể xây dựng? Hay từ bỏ mọi thứ để theo đuổi cơ hội tại Hoa Kỳ hay Á châu? Câu hỏi không phải là liệu châu Âu có tụt hậu hay không. Nó đã tụt hậu rồi.

Gặp lại bạn bè khi xưa, mình cảm thấy may mắn, cuộc đời đưa đẩy mình qua Hoa Kỳ định cư. Cảm ơn đối tượng một thời đã thúc đẩy mình sang Hoa Kỳ. Có lẻ vì vậy, Âu châu theo dõi cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, gợi cho họ chút gì hy vọng về tương lai. Cứ nhìn họ mua dầu và ga của Nga vì rẻ, nay họ bị chới với khi Putin tấn công Ukraine rồi ông Biden cho phá huỷ đường dẫn dầu ở Bắc hải. Cộng thêm dân số càng ngày càng giảm, xem như Âu châu thêm vài chục năm nữa là ngọng. Chán Mớ Đời 


Trên thực tế thì Hoa Kỳ cũng đang theo chân của Âu châu vì nền hành Chánh với ý thức hệ bảo vệ môi trường mà chính các nhà nghiên cứu cho biết là bựa, được các chính khách đưa ra, làm trì trệ sự phát triển về AI trong khi Trung Cộng không bị đình trệ, làm môi trường te tua trong khi ít ai nói đến sự tàn phá môi trường ở Ấn Độ và Pakistan. Xem hình ảnh bầu trời bị ô nhiễm tại Ấn Độ và Pakistan còn hơn cả Bắc Kinh. 

Chúng ta sống chung trên trái đất, Âu châu và Hoa Kỳ ra các luật để bảo vệ môi trường nhưng các nước khác như Trung Cộng hay Ấn độ không bảo vệ môi trường thì chúng ta lãnh đủ. Đi Phi luật Tân tháng 5 vừa rồi, họ cho biết chai nhựa, rác rưới từ Nam dương, Việt Nam, và Trung Cộng trôi dạt vào các đảo của họ. Ông thần nào nói đảo Puerto Rico là rác rưởi, khiến phe dân chủ chửi nhưng thực tế thì đúng vì mình sang đó mấy ngày thấy rác rưới rất nhiều, không biết họ tái sinh chai nhựa, đồ nhựa đi đâu, thấy rác trên bãi biển khá nhiều, dập dờ trên đại dương. 


Cuộc chiến A.I. rất cam go, ai thua thì xem như bị bỏ lại sau hàng thế kỷ. Nếu Âu châu cũng như Hoa Kỳ không tìm cách giảm thiểu sự nặng nề về hành Chánh quan liêu thì trong tương lai, người ta có thể xem chúng ta đang ở thời trung cổ khi xưa với những giáo điều của nhà thờ. Chúng ta mất tinh thần dấn thân của nền phục hưng của âu châu đã giúp khởi đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ đưa Âu châu thống trị thế giới.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Vợ tôi đi bầu

 Vợ tôi đi bầu

Bầu cử đã qua, triệu người vui và triệu người buồn. Buồn nhất là bà Harris vì ủy ban bầu cử của bà ta còn số nợ chi phí cho cuộc tranh cử vừa qua trên 20 triệu đô chưa thanh toán. Khi thua thì chẳng ai bu lại để giúp thanh toán món nợ. Mấy ngày nay trên mạng, triệu người vui kêu gọi các người nổi tiếng từng tuyên bố sẽ bỏ Hoa Kỳ đi xứ khác nếu ông Trump đắc cử. Đó là nói cho vui nhưng Hoa Kỳ là nơi ai cũng muốn đến. 


Mình nghĩ không nên chọc tức họ, nay là thời gian người Mỹ nên hoà hợp hoà giải, chung sức để giúp Hoa Kỳ đương đầu nhiều thử thách lắm. Trong bài diễn văn cho cử tri, bà Harris không lên tiếng, yêu cầu cử tri của bà, giúp chính phủ trump thực hiện những chương trình mà người Mỹ đã ưu ái cho ông ta. Bà ta lên tiếng kêu cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục này nọ. May có ông Biden, ra nói là chúng ta vẫn yêu tổ quốc dù có thua, kêu gọi cuộc bàn giao chính quyền trong trật tự. Mình đoán là ông ta hay bà vợ còn cay cú vụ bị cho ra rìa nên hôm bầu cử đội cái mũ đỏ còn bà vợ thì bận đồ đỏ đi bầu. Màu đỏ đại diện cho Cộng Hoà còn màu xanh đại diện cho Dân Chủ.

Bản đồ Cali về cử tri bầu bán năm 2020 và năm 2024, thấy màu đỏ lan rộng. Các vùng đông dân cư vẫn do Đảng Dân Chủ nắm hết.

Có các thành viên của lực lượng 4B quay xeo-phì, cạo đầu, xuống tóc vì phe ta thua. Nói chung thì các bà theo phong trào này không đẹp lắm, nhìn mặt là Chán Mớ Đời. Mình nghĩ phụ nữ hơn đàn ông, không hiểu sao họ lại muốn hạ xuống cho bằng đàn ông. Cuộc đời quái đản.

Phong trào 4B là một tư tưởng ​​nữ quyền cấp tiến nổi lên ở Hàn Quốc vào khoảng năm 2019. “4B” tượng trưng cho bốn không: không quan hệ tình dục khác giới, không kết hôn (bihon), không quan hệ tình dục với nam giới (bisekseu) và không sinh con (bichulsan). Vậy chắc do các phụ nữ đồng tính thành lập phong trào này vì không quan hệ tình dục với nam giới. Phong trào này phát triển như một phản ứng trước những gì mà nhiều người coi là chế độ phụ hệ, đúng hơn là văn hoá nho giáo đã ăn sâu, bất bình đẳng giới và áp lực xã hội mà phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc phải đối mặt. Phong trào được xây dựng dựa trên nữ quyền trước đó như “Escape the Corset”, phản đối các tiêu chuẩn sắc đẹp hạn chế và nỗ lực #MeToo của Hàn Quốc  . Nếu mình không lầm thì trước 75, cũng có phong trào xăng-xì, xăng xú (sans slip sans soutien gorge,) phụ nữ Sàigòn không bận xì-líp và xú chiêng. Sau 75, bộ đội vào nam thấy phụ nữ miền nam bận quần lót nên gọi gái miền nam có gân Mông, vì dây thung của quần lộ ra khi bận quần bó. Chán Mớ Đời 

Bên Âu châu, thiên hạ cũng khóc lóc vì bà Harris thất cử, cho thấy bầu cử Hoa Kỳ rất quan trọng cho thế giới. Họ kêu là ông Trump chưa nhậm chức, mà Hamas nói sẽ đàm phán, các xứ trung đông kêu sẽ đóng cửa các văn phòng Hamas, Putin nói sẽ đàm phán và sử dụng Mỹ kim để buôn bán, Âu châu kêu gọi mua dầu ga của Hoa Kỳ….

Các thành viên của phong trào 4B ủng hộ phụ nữ đạt được quyền tự chủ bằng cách từ chối quan hệ với nam giới bị coi là áp bức hoặc hạn chế, đã thu hút được sự chú ý thông qua cả cộng đồng dân cư mạng và các cuộc họp ngoại tuyến nhưng vẫn còn khá lỏng lẻo và khó định lượng về mặt thành viên. Các nhà phê bình và những người ủng hộ đều tranh luận về khả năng tồn tại lâu dài và tác động xã hội rộng lớn hơn của nó, nhưng không thể phủ nhận nó đã ảnh hưởng đến diễn ngôn công khai về giới tính và chủ nghĩa nữ quyền ở Hàn Quốc. Phong trào này cũng gây ảnh hưởng tại Hoa Kỳ nhưng ít hơn. Có lẻ không bị văn hoá Nho giáo đè nén nhất là ở Tây phương phụ nữ là người cầm đầu trong gia đình.


Hôm đi bầu, mình đi tập Đông Phương Hội về thì ghé chỗ bầu phiếu làm bổn phận công dân. Có hỏi đồng chí gái có muốn đi chung thì cô nàng kêu bận đi học đàn. Chiều mụ vợ mới về, kêu đi bầu nhưng ở Cali thì xem như thua rồi, có cần đi bầu? Mình kêu phải đi chớ, bầu cho thượng viện, hạ viện , thành phố và mấy đạo luật như Proposition 33, và 36 này nọ mới khiến mụ vợ lái xe đi bầu. Ở Cali tỷ lệ Dân Chủ trên dân số là 65-70%. Khi mình sang Hoa Kỳ lần đầu tiên thì được biết chính phủ Reagan vừa ký luật ân xá trên 3 triệu người di dân lậu.

Các tay chính trị gia cho rằng vì luật này mà các tiểu bang đông dân cư biến thành Dân Chủ hết nên khi bầu, phải đi vận động ở các tiểu bang ít dân và có thể giúp họ nghiêng về mình để đắc cử như trường hợp kỳ này, các ứng cử viên bỏ thời gian và tiền bạc để vận động tại tiểu bang Pennsylvania có cử tri đoàn khá cao. Bên cộng hoà cho người đi thuyết phục 180,000 gốc Amish đi bầu. Họ cho rằng không có người gốc đạo Amish này thì ông Trump chắc chắn thua tại chiến địa này vì chỉ hơn bà Harris đâu 50K phiếu.


Đồng chí gái ít khi nói đến chính trị ngoại trừ khi có bầu cử tổng thống mỗi 4 năm. Nhớ lần đầu phát hiện đồng chí gái đam mê về chính trị là năm ông Bush con tranh cử với ông Al Gore. Tỷ lệ hơn nhau quá ít và tiểu bang Florida, quyết định ứng cử viên nào đắc cử. Thường thì vào độ 12 giờ đêm ngày bầu cử là người ta có thể tuyên bố ai đắc cử vì khi đếm phiếu  dù chưa hết nhưng cũng dự đoán ai sẽ thắng. Năm đó thì tương tự truyền thông tuyên bố ông Bush con thắng nhưng ông Al Gore điện thoại Bush con, kêu là chưa chấp nhận thua, cần phải đếm phiếu lại. Lý do là tiểu bang Florida có hai múi giờ, mà sau khi các nơi đầu phiếu đóng cửa ở vùng múi giờ miền đông thì họ đã tuyên bố Bush con đắc cử khiến cử tri ở múi giờ thứ hai, Chán Mớ Đời không đi bầu. Sau cả tháng trời đếm tới đếm lui, họ công bố là Bush con thắng với tổng cộng đâu trên 500 lá phiếu khiến đang Dân CHủ căm thù. Mình nghĩ nếu năm đó, Bush con thứ hai không làm thống đốc Florida thì chắc chắn Al gore đã làm tổng thống. Mình rất ngạc nhiên là tiểu bang Cali có ra luật trước bầu cử là chỗ bầu phiếu không có quyền hỏi giấy tờ của người đi bầu mà cả mấy ngày nay thì vẫn chưa đếm xong phiếu. Các tiểu bang như Cali, Oregon và Washington đều cho di dân bất hợp pháp làm thẻ căn cước và bằng lái xe xem như có quyền bầu cử. Đâu có ai hỏi đến quốc tịch gì đâu. 

Các văn phòng cho thuê không trả nổi tiền lời gia tăng. Lý do là họ mượn tiền thường là 7 năm đến 10 năm. Nay muốn tái tài trợ thì tiền lời lên gấp đôi mấy năm về trước. 


Nhất là xem bản đồ thì thấy màu đỏ được nhuộm nhiều hơn 4 năm về trước nhất là có hai đạo luật Proposition 33 và 36 được đến 70% số phiếu nhằm chống lại vụ ăn cắp hay ăn cướp dưới $1,000 sẽ không bị tù gì cả. Mấy năm qua, thấy thiên hạ tải trên mạng video dân tình vào siêu thị hay shopping center ăn cắp đồ chạy nhưng cảnh sát không cấm cản hay bắt lại. Khiến nhiều siêu thị đóng cửa và công ty bỏ thành phố Sản Francisco và dọn đến tiểu bang khác. Bộ trưởng bộ tư pháp của Cali cũng bị dẹp và bầu lên ông gốc Cộng Hoà.


Bầu cử gian lận thì thời nào cũng có. Đọc đâu đó, họ cho biết thời ông Nixon thua JFK cũng có gian lận. Cho thấy xứ được mệnh danh dân chủ nhất thế giới còn gian lận huống chi các xứ khác. Khi xưa, mỗi lần bầu cử, ông cụ mình có nhiệm vụ kiểm soát các phòng đầu phiếu tại các trường học. Ông cụ kể là khi đem các thùng phiếu lên xe nhà binh là đã thấy có các thùng phiếu khác đánh tráo cho thấy ông Thiệu thắng đến gần 99% hay các ứng cử viên của Đảng Dân CHủ của ông Thiệu thắng lớn.

Mấy tuần trước bầu cử là đồng chí gái cứ nhắn tin cho thân hữu, chia sẻ các tin tức bầu cử hay xem tranh luận, rồi phê bình này nọ khiến nhiều người quen không đồng quan điểm, chặn.


Trong cuộc đời, có 3 loại người: 

1/ thương yêu chúng ta: sẵn sàng giúp đỡ hay tha thứ cho chúng ta dù có lỗi lầm, bảo vệ chúng ta.

2/ ghét chúng ta: cứ đâm bị thóc thọc bị gạo. Chúng ta làm gì họ cũng chê bai, khinh ghét. Chúng ta có cố gắng đi nữa thì họ vẫn ghét hay căm thù chúng ta dù cho họ ăn nhưng vẫn chê này nọ. Không nên dây dưa với họ, mất thời gian. Cứ thấy mặt mình là họ khó chịu. Cái này thì mình nhận ra ngay, trung bình 10 người thì hết 9 ghét mình. 

3/ người bàng quan, chả để ý gì đến chúng ta. Quan trọng là lôi kéo thuyết phục những người bàng quan về với mình. 


Cử tri cũng vậy, có người chọn Đảng của mình như một tôn giáo. Động đến Đảng hay đại diện của họ là như xúc phạm họ. Họ sẵn sàng làm mọi cách để chứng tỏ Đảng của họ là trên hết. Nên khi đi bầu là họ bầu cho ứng cử viên đại diện của Đảng họ, không đặt câu hỏi về đạo đức, chương trình làm việc để giúp cộng đồng ra sao. Họ chỉ biết Đảng ta quang vinh lỗi lạc. Cho nên các ứng cử viên khi tranh luận, họ tìm cách giải thích chương trình làm việc của họ cho giới bàng quan, độc lập không theo bên nào, thuyết phục để giới này bầu cho họ. Nếu giới này bầu cho họ thì họ sẽ đắc cử. Do đó trước bầu cử, mình nhận rất nhiều tin nhắn, điện thoại và email của hai bên. Lý do mình ghi danh cử tri dưới dạng độc lập. Nên phải chận mệt thở.


Cho nên đi cãi nhau về chính trị, tôn giáo là việc ngu dại nhất. Nhất là với các người không quen biết núp dưới các tên ảo này nọ. Thấy phóng viên hỏi dân tình tại sao đi bầu và bầu cho ai. Có một tên trả lời là cô Bồ bắt hắn đi bầu cho bà Harris nếu không sẽ đá hắn. Có một cờ líp khác thấy một cô trẻ, la hét trong điện thoại khiến thân hữu ngồi xung quanh cười mím chi. Cô ta chửi thằng Bồ ngu dốt với đủ trò ngôn ngữ hạ cấp vì tên Bồ bầu cho Trump.

Bà đầm này quan tâm đến sự xuất hiện của ông Biden rất mạnh mẽ.

Về Tây thì thấy Tây đầm cũng quan tâm đến bầu cử Hoa Kỳ. Có lần trong buổi họp Toastmasters, một ông nói tên Anthony Blinken khiến bà mỹ ngồi cạnh kêu ai vậy. Bộ trưởng bộ ngoại giao Hoa Kỳ mà người Mỹ, có bằng thạc sĩ không biết trong khi khắp thế giới rành hết. Cô bạn đầm mới email hỏi có vui không khi thấy trump thắng. Ở Âu châu, bạn bè hỏi thì mình đều kêu người Mỹ bầu cái bao tử của họ. Chả có ý thức hệ gì cả. Khi nào có của ăn của để thì lúc đó mới nói đến triết học, nghệ thuật hay nhân sinh quan, cứu đời cứu người. 


Mình xem có một bà đầm xem ông Biden nói chuyện sau khi biết TRump đắc cử lớn. Tự hỏi tại sao ông Biden thấy đi đứng khoẻ mạnh, ăn nói không vấp gì cả như những lần trước khi họp báo này nọ hay leo lên máy bay té. Nhiều người pháp còm cho rằng hết bị thuốc nặng hay là người giả.


Nguy hiểm nhất là khi thua lại không biết lý do mình thua, lại kêu toàn bọn ngu ngốc không biết gì. Sử dụng socrates nghĩ gì về bầu bán dân chủ, cho rằng quyền bầu cử chỉ dành cho một thiểu số, hiểu biết còn dân ngu khu đen, nông dân như mình thì không nên để họ có lá phiếu.


Khi xưa, đi chơi với mấy cô để đả thông tư tưởng thì mình bị đá rất nhiều. Mỗi lần bị đá giò lái, rất đau nhưng mình phải nhìn lại để xem lý do bị đá để rút kinh nghiệm cho lần sau. Đa số mấy cô thường kêu mình thuộc thành phần ngu lâu dốt bền lại thêm nghèo, không phải bác sĩ, nha sĩ nên sau đó mình chỉ đi tìm những ai ít đòi hỏi, mộng bình thường. Xem lại cách ăn nói của mình có đúng hay không vì thường độc thân vui tính thì khó kiếm được vợ. Chớ kêu mấy cô khi xưa ngu mới bỏ mình thì muôn đời mình sẽ không biết được mình ngu. Sau đó mình tư duy đột phá là mấy cô này cực thông minh. Như ông Vũ Thành An kêu con đường em đi đó rất đúng em ơi. 

Theo báo Forbes thì có đến 83 tỷ Phú ủng hộ bà Harris và 52 tỷ Phú ủng hộ ông Trump. Ủy ban bầu cử của bà Harris nhận được 1.6 tỷ Mỹ kim trong khi ông trump được cúng dường 1.1 Mỹ kim, hay 500 triệu ít hơn bà Harris mà nay vẫn còn thiếu 20 triệu đô để trang trải các công ty đã được uỷ ban sử dụng trong thời gian qua.

 Kiểu này là kỳ tới phải có 2 tỷ Mỹ kim mới thắng được. Cho thấy các ứng cử viên đều làm việc cho các tỷ Phú còn chúng ta thì được khuyến khích chửi bới nhau để đi bầu cho họ. Khi đắc cử, họ sẽ giúp ủng hộ viên của họ lấy lại tiền nhiều hơn, và sẽ cúng thêm kỳ ra tranh cử tới. Chán Mớ Đời  còn chúng ta thì đã ngu lại còn ngu bền vững, lại lôi nhau ra chửi bới, để chứng tỏ cái bản ngã của ta là hư không. Tốt nhất là xem ai cúng dường rồi khi bầu cử xong xuôi thì mua cổ phiếu của mấy công ty đã cúng dường.


 đồng chí gái kêu mình là mối đe doạ cho nền dân chủ khi nói chuyện với thân hữu khiến mình thất kinh. Lý do là dân chủ, nhân quyền khởi đầu tại gia mà mình đâu có thấy dân chủ, quyền làm người làm chồng ở nhà mình đâu từ khi lấy vợ. Nấu ăn cũng mình, rửa chén cũng mình hay giặt áo quần, chăm con cũng mình. Đồng chí gái ngồi hát karaoke hay tập đàn, kêu rót cho ly nước, bóp tay bóp chân cũng mình. Mỗi khi nổi gạu là mụ vợ kêu mình là mối đe doạ cho nền dân chủ tập thể định hướng của mụ. Lâu lâu mình bận xem đá banh trực tiếp, chưa kịp rửa chén là mụ kêu mình là đồ phát xít, kỳ thị chủng tộc, Sexist, misogynist này nọ vì dám cãi lãnh đạo mà nông dân như mình chỉ biết như ngỗng ị và cũng bù trớt.


Mình thì có cái là gốc bần cố nông nên ăn nói không được hay ho lắm, cục mịch nên hay bị chửi, bị chê bai là không biết gì về chủ nghĩa thức tỉnh (wokeism), kêu mình xài nước để tưới vườn, phá huỷ môi trường mà nếu mình không tưới thì cây bơ chết, cháy rừng.


Kỳ này, họ nói đến tống cổ di dân lậu về xứ rất nhiều. Cứ tưởng tượng khi con tàu Mayflower ghé bến Mỹ châu. Sau cuộc hải trình gian nan, vừa lên bờ đã bị người da đỏ, tống cổ ra tàu lại như lính Mã lai và NAm dương dã từng làm khi thấy các tàu vượt biển của người Việt đi tìm tự do cập bến xứ họ. Hay họ xây mấy cái tường để chận làm sóng di dân từ Anh quốc sang Hoa Kỳ.


Sang Hoa Kỳ mình thấy họ sử dụng từ ngữ hơi lạ. Điển hình là người da đỏ sinh trưởng tại đây từ bao nhiêu ngàn năm thì họ gọi “native American”, người da vàng từ Á châu thì họ gọi “Asian American”, người gốc từ Phi châu thì họ gọi là “afro-American”, còn người Mỹ da trắng đến từ Âu châu thì họ ngang nhiên tự gọi là “American”. Thấy có cái gì không đúng lắm.


Hôm trước xem ông bác sĩ Maté  gốc do thái, người gia nã đại, nói chuyện về cuộc chiến giữ người Palestine và Do thái. Có bà gốc do thái kêu người Palestine giết người ngày 7 tháng 10 năm ngoái là bọn súc vật khiến ông ta ngất ngư. Ông ta nói sự việc không chỉ xảy ra ngày 7 tháng 10 năm 2023, mà đã xảy ra từ năm 1956 khi người do thái tàn sát 200 người Palestine, và cuộc chiến khởi đầu từ đó đến nay. Bà do thái kia kêu không biết vụ đó. Ông bác sĩ kêu chắc chắn bà không biết vì chỉ nghe tuyên truyền của một phía.

Ông ta nhắc đến các trường nội trú mà chính phủ Gia-nã-đại bắt con của người sở tại đem lại đó nuôi, có nơi bị đốt cháy này nọ. Vì muốn đồng hoá các người gốc eskimo tham dự vào dòng chính của xã hội Gia-nã-đại. Ông ta giải thích chúng ta chỉ tự tạo một chính kiến với vốn liếng hiểu biết nhỏ hẹp của chúng ta về một đề tài nào đó hay bị tẩy não do tuyên truyền, không cần biết đúng hay sai, vì càng biết càng có thông tin nhiều, chúng ta ngại đưa ra những nhận định chắc nịch như là sự thật.


Vấn đề mình thắc mắc về số cử tri đi bầu cho ông Biden năm 2020 lên đến 15.2 triệu so với các kỳ bầu cử trước đây. Từ 62 triệu lên đến 82.3 triệu hay 30% thì quá nhiều. Có thể đó là người Mỹ độc lập hay thuộc Đảng cộng hoà nhưng bầu cho ông Biden.



Năm 2020, bên Dân Chủ có thêm 15,429,987 phiếu bầu và Cộng Hoà có thêm 11,239,147 và năm nay thì cộng hoà xuống -1,005,415 phiếu dù có nhiều người đi bầu hơn mọi năm trong khi phía dân chủ thì mất đến -12,439,622 lá phiếu.

Có gì không đúng lắm, cả hai bên đều có con số rất lạ vào năm 2020. Có lẻ cả hai bên đều ăn gian. Nên nhớ 2020 có COVID nên người ta gửi phiếu qua bưu điện nhiều hơn là đi bầu tại các phòng đầu phiếu. Do đó ai cũng ăn gian. Cho nên cộng hòa la to hơn là bị ăn cắp cuộc bầu cử. Kỳ nay họ vui vẻ kêu ông toà quăng 11,000 phiếu vô hiệu lực vì làm sai ra sao đó. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Cách làm đồng chí gái cười

 Cách làm đồng chí gái cười

Có người cắc cớ hỏi làm sao để làm vợ anh ta cười vì lấy nhau trên 30 năm nên thấy bình thường. Bà vợ hết cười như xưa, đoá hoa hàm tiếu đã biến mất sau khi đeo răng giả. Mình nói anh ta kêu bà vợ đọc bờ lốc mực tím sơn đen vì mình nghe nhiều người kêu mỗi ngày họ hay lên bờ lốc đọc vì mình hay tếu cuộc đời. Anh ta kêu bà vợ không thích đọc nên nói anh ta thử làm như vậy xem sao: 


Bước thứ nhất: nắm tay vợ hát nhẹ nhàng bàn tay 5 ngón em rất kiêu sa dù bàn tay này nhăn nheo và run run như ăn chân gà. 


Bước thứ 2: nhìn thẳng vào mắt vợ, thầm gọi mắt em là một dòng sông, thuyền anh bơi lội trong đôi mắt 1 mí của em dù bà ta hay đeo kính mát. 


Bước thứ 3: nói một cách mạnh mẽ: anh là chủ gia đình này. Xong om

Buồn đời mình hỏi trí tuệ thông minh sửa đổi lại cho xem. Đây là bản đầu tiên của AI:


Cách bạn chia sẻ thật hài hước và đầy ý nghĩa! Nếu muốn làm “đồng chí gái” cười, điều quan trọng là tạo không khí thoải mái, biết tận dụng sự hài hước và chân thành. Những bước bạn đưa ra vừa đậm tính lãng mạn, cách nhấn mạnh quyền làm “chủ gia đình”.


Dưới đây là một vài gợi ý vui vẻ khác mà bạn có thể thử:

1. Đổi vai trò bất ngờ: Tự nhận mình làm giúp việc trong ngày và thực hiện một cách nghiêm túc nhưng pha chút vụng về, đảm bảo sẽ khiến vợ bất ngờ và bật cười.

2. Gợi nhớ kỷ niệm cũ: Kể lại một câu chuyện hài hước từ những ngày đầu yêu nhau, có thể thêm chút “sáng tạo” để tạo hiệu ứng.

3. Làm điều bất ngờ: Tặng một món quà nhỏ không nhân dịp gì hoặc viết một bài thơ ngô nghê nhưng chân thành, đôi khi sự vụng về lại mang lại tiếng cười.

Quan trọng nhất là sự quan tâm và lòng chân thành khiến mọi người vui hơn.


Buồn đời, mình kêu AI sửa thêm một tị. AI lại lòi ra phiên bản khác:


Dưới đây là phiên bản sửa lại với chút hài hước thêm vào để làm “đồng chí gái” cười:


Có anh bạn hỏi: “Lấy nhau hơn 40 năm rồi, vợ tôi không còn cười như xưa, giờ làm sao đây?” Mình bảo anh thử làm thế này, đảm bảo bà xã cười lăn:


Bước 1: Nắm tay vợ thật tình cảm và hát: “Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa…” Nhưng nhớ là đừng để lỡ nhịp, nếu không bà sẽ nhéo ngay.


Bước 2: Nhìn sâu vào mắt vợ, ngẫm nghĩ rồi thốt lên: “Mắt em là một dòng sông… mà thuyền anh thì bơi lạc trong đôi mắt một mí dễ thương này.” (Chuẩn bị tinh thần bị bà cười xỉu hoặc gõ đầu nhẹ đấy.)


Bước 3: Hít một hơi thật sâu, đứng thẳng lưng và dõng dạc tuyên bố: “Anh là chủ gia đình này!” Rồi đợi xem phản ứng, khả năng cao là tiếng cười sẽ vang cả nhà… hoặc chí ít là tiếng “lườm yêu” kèm câu: “Ừ, chủ thì chủ, giờ đi rửa bát đi!”


Chúc bạn may mắn làm “đồng chí gái” bật cười nhé!


Các bác nghĩ sao? 

Em thấy trí tuệ nhân tạo bắt đầu hiểu, em hay dùng cụm từ đồng chí gái mỗi khi nói đến mụ vợ của em. Em rất nghiêm túc, rửa chén bát, giặt áo quần cho mụ vợ từ mấy chục năm nay mà AI không biết. Còn viết véo mấy năm nay, đồng chí gái có bao giờ đọc đâu.

Chúc các bác cuối tuần vui vẻ bên gia đình.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn