Showing posts with label love. Show all posts
Showing posts with label love. Show all posts

Từ giả Hoả Địa Ushuaia, Tierra del Fuego


Sau khi mất gần 2 ngày, vượt eo biển Drake để trở về lại Hoả Địa Ushuaia, nơi tận cùng của thế giới loài người, mình được nhìn thấy Cap Horn mà khi xưa học cuốn 2 English for today của Lê bá Kông, có nói đến ông Ferdinand Magellan, người Bồ đào nha đã đến tận cùng của Nam Mỹ trong chuyến thám hiểm vượt đại Tây dương. 


Mình học hội việt Mỹ đến cuốn thứ 3 hay 4 trong 6 cuốn của trung tâm Ziên Hồng gì đó nhưng chỉ có cuốn số 2 là để lại mình nhiều dấu ấn vì họ nói về thám hiểm, thành phố trên thế giới. Nhờ vậy mà mình thích đi giang hồ từ dạo ấy, đến những nơi mà cuốn sách nói đến. Bộ sách học anh ngữ English For Today, do 25 giáo sư Mỹ soạn, được ông Lê Bá Kông, mua bản quyền, in lại tại Việt Nam, bán cho học sinh rẻ hơn sách in tại Hoa Kỳ. Nội bán sách này, ông ta cũng giàu nức Sàigòn.


Chuyện lạ là ông Magellan gốc Bồ Đào Nha nhưng lại được triều đình Tây Ban Nha cung cấp tiền để thám hiểm, tìm ra Mỹ châu. Thậm chí nghe kể khi ông Magellan ra đi, có tàu của Bồ Đào Nha rượt theo để bắt lại, vì theo Tây Ban Nha không phò vua xứ Bồ. Tương tự ông Kha Luân Bố cũng làm việc cho triệu đình Tây Ban Nha đi tìm ra Mỹ châu. Có lẻ do đó mà xứ Tây Ban Nha tìm được nhiều thuộc địa ở Nam Mỹ hơn xứ Bồ chỉ có lấy Ba Tây làm thuộc địa ở vùng này. 


Triều đình hai xứ Tây Ban Nha và BỒ Đào nha đều chu cấp tiền cho các chuyến thám hiểm, có lẻ vì vậy họ mất hết tiền bạc như đánh bài vì các con tàu thám hiểm ra đi nhiều nhưng ít con tàu trở lại. của cải mất hết thêm phải chu cấp cho gia đình thủy thủ đã bỏ mình trên biển cả. Điển hình là 3 con tàu Anh quốc đi xuống Nam Cực, chỉ có tàu của ông Drake là sống sót trở về còn hai chiếc kia theo hà bá.

Đến xứ này chỉ có 2 món ăn, thịt trừu nướng và cua hoàng đế

Trong khi đó các con tàu của Anh quốc và Hoà Lan thì được chung góp bởi các nhóm nhà giàu, thương gia. Họ chỉ đóng một phần nào nên nếu tàu không trở lại thì họ chỉ mất một số vốn thay vì mất hết như triều đình Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Từ các cuộc góp vốn, cổ phần sinh ra chủ nghĩa tư bản được thành hình qua các cuộc thám hiểm buôn bán ở xứ xa xôi, đưa đến chủ nghĩa thực dân, bắt cóc người da đen đem qua Mỹ châu hay xâm chiếm các nước yếu kém hơn mình và có tài nguyên. Mình có kể vụ này rồi.


Triều đình Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều bỏ tiền cho chi phí mỗi chuyến đi nên dần dần mất hết vốn khi tàu không trở lại. Rồi các thuộc địa nổi dậy chống lại triều đình, dành độc lập khiến họ mất hết và trở nên nghèo trong khi các nước khác ở Âu châu theo phương hướng tư bản, thành lập các công ty có cổ phần giàu to và chiếm dần các nơi đáng lẻ là thuộc địa của hai xứ này. Điển hình là miền nam và miền Tây Hoa Kỳ đã từng có các cố đạo Tây Ban Nha đến đây xây dựng tu viện để giúp các người dân sở tại trở về đạo mà học sinh tiểu học ở Cali phải học lịch sử các tu viện này. 

Khi xưa học Hội Việt Mỹ mình rất dốt, xong được cuốn thứ 3 màu xanh lá cây, có học cuốn 4 được vài bài rồi đi tây. Cuốn thứ 2 (the world we live in) để lại cho mình nhiều dấu ấn nhất.

Gần hai ngày trời hai vợ chồng cùng một lứa trên giường lận đận, chỉ mong cho qua nhanh eo biển Drake khét tiếng làm đắm tàu rất nhiều khi đến Nam Cực. Eo biển này được đặt tên nhà thám hiểm Anh quốc tên Francis Drake, được xem là người đầu tiên vượt qua eo biển này trong khi hai chiếc tàu đi chung bị chìm đắm trong biển sâu. 


Nếu nhìn quả địa cầu thì chúng ta thấy eo biển này liên quan đến đại Tây dương, Thái Bình dương và Ấn Độ dương. Mình không nhớ quả địa cầu xoay chung quanh mặt trời với vận tốc bao nhiêu nhưng chắc chắn vận tốc từ đường xích đạo equateur chậm hơn ở Nam Cực. 


Được biết là mỗi giây đồng hồ nước từ đại Tây dương đổ qua thái bình dương từ 120 đến 200 triệu mét khối nước xem như gấp 9 lần con sông Amazon. 


Chuyến đi vượt qua eo biển Drake tương đối ít sóng hơn nhưng cũng làm hai vợ chồng chới với, ngủ li bì. Không thiết ăn, chỉ uống trà gừng. Chuyến về thì thuyền trưởng cho thấy hình ảnh khí tượng lấy từ vệ tinh khiến cả tàu thất kinh, gió lên trên 65 km/ giờ và sóng từ 5-8 mét cao. Họ đóng tất cả các cửa ra ngoài bong tầu, sợ bà vợ nào rủ ông chồng già ra đây hôn hít rồi cho ngã xuống biển. Sóng kinh hoàng, hai vợ chồng ngủ như người say rượu, chập chờn. Uống trà gừng đi tiểu. Chai nước trên bàn đều rơi xuống đất nghe leng keng, mình phải vì dậy để mấy chai xuống đất, nằm trên khăn tắm. 


Nghe ông Mỹ quen, đã đi Nam Cực với một tàu khác, nhỏ hơn. Họ phải lấy dây nit dài của giường để ràng lại thân mình trên giường, sợ sóng làm lật xuống giường. Kinh


Sóng gió rồi cũng qua đi, hai vợ chồng hoàn hồn, xuống lầu ăn trưa. Sau đó xem show Paris Express, một loại show của cabaret mà ở pháp khá thịnh hành một thời, có màn của Josephine Baker, Edith Piaf với bản nhạc Non, je ne regrette rien và màn nhảy French can-can. Tàu chạy chậm lại để vào bờ lúc 6:30 chiều. Nếu họ chạy nhanh thì có lẻ vào đến trưa, chắc để khỏi trả thêm tiền đậu bến. 


8 giờ chiều, hai vợ chồng xuống tàu, ra phố, viếng thành phố Hoả Địa Ushuaia. Thành phố được xây dựng trên đồi, từ xa xa đã thấy nhà tù rộng lớn trên đồi mà khi xưa họ chuyển các tù nhân mang án khổ sai ra đây, không cách chi mà trốn đi đâu cả vì xung quanh chỉ có gió lạnh.  Mình đã kể là các đế quốc khi xưa, đem tù khổ sai đến các vùng này để khai thác, tạo dựng thuộc địa cho mình. 


Tây Ban Nha và Bồ đào nha đem tù sang Nam Mỹ và Phi châu và Á châu. Tương tự Anh quốc đem qua Bắc Mỹ châu và Úc đại lợi hay nhà Nguyễn cũng đem tù xuống vùng Thủy chân Lạp để khai thác, mở mang bờ cõi ,….


Khác với nhà tù khổ sai của pháp khi xưa như ở đảo Guyana, mà cuốn sách người tù papillon kể, trời nắng mà thiên hạ còn khó thoát. Kiến trúc nhà cửa vùng này khá mới như ở Lausanne, Thụy Sĩ. Mình ước gì Đà Lạt được tiếp tục thiết kế, phát triển như vậy. 

Rất giống THUỴ sĩ
Ước gì Đà Lạt đã được thiết kế tương tự

Đồng chí gái thèm món cua biển nên mở gú gồ ra xem. Ra khỏi phòng quan thuế thấy ông cán bộ, mình hỏi xem tiệm nào ngon. Ông ta chỉ một tiệm, bò vào thì hỏi có nguyên con cua hùm không. Bà phục vụ viên kêu hết rồi, chỉ còn càng nên mụ vợ lắc đầu đi ra. Thấy tiệm ăn người thủy thủ già, El Marino VIEJO có 4.5 sao nhưng thấy mấy chục người đang xếp hàng vì nhà hàng mới mở được 30 phút mà đã đầy nên mình dẫn vợ đến tiệm ăn tàu mang tên trúc Bamboo và một tên Tây Ban Nha khá dài. Có đến 4.6 sao. 

Độ 3 ký lô
Sau khi hấp
Nói là tiệm ăn tàu nhưng thực đơn là đồ ăn Á căn đình. Có vài món tàu như cơm chiên. Tiệm ăn ở đây đều bán thịt cừu nướng và cua hoàng đế. Thịt cừu nướng thì mình đã ăn khi đến ngày đầu tiên. Mình thấy nhà hàng nào cũng có cái lò nướng để ngoài. Cái lò được xây theo hình tròn độ 1 mét bán kính. Phía trên có mái hút khói cách cái lò độ 1.5 mét. Họ cắt 6 con cừu ra làm hai rồi ép vào cái khuôn sắt rồi lấy dây kẽm to độ cây đinh 12d, xuyên qua người con cừu rồi đặt nghiêng nghiêng về phía trong trên một cái khay để củi đốt lên làm chảy mỡ xuống. Họ phết muối hột to trên thân con cừu. Lần này mình ăn cua hoàng đế với vợ. Trên tàu hồi trưa đã ăn blanquette de veau rồi. 


Lò nướng thịt cừu


Hỏi bà chủ thì được biết hai vợ chồng gốc Bắc kinh, di dân sang đây được 18 năm. Có cậu con trai ăn đồ xứ này nên thấy bớt giống tàu. Lần đầu tiên nói tiếng Tây Ban Nha với người Tàu. 


Đồng chí gái chỉ trong hồ nước một con cua hoàng đế đang lớ ngớ chào cô nàng hola, còn sống, bà chủ kêu 20,000 pesos mình ok. Đồng chí gái thích thì phải mua thôi.  Bà ta vớt ra cho đồng chí gái chụp hình tạo dáng với con cua hoàng đế trước khi ăn cua hấp. Mình cầm thử, nặng độ 3 kí hay độ 7 cân anh, to chưa từng thấy rồi từ biệt nó để đầu bếp cho vào nồi hấp để dcg bồi dưỡng. Ở mấy tiệm ăn bao bụng như bellagio ở Las Vegas, chỉ thấy càng cua đông lạnh. Đây cả nguyên con còn sống như tôm hùm hay cua ở các tiệm tàu. Chỉ khác là to hơn tôm hùm và cua sống ở tiệm tàu.  


Họ đem ra trên một cái khay to đùng với hai cái kéo to như để cắt vỏ bánh xe hơi. Hai vợ chồng cầm kéo cắt càng ăn tuyệt vời. Hôm trước trên tàu có cho ăn homard thấy họ cắt từng khúc như ngón tay, rắc thêm chút caviar, ăn đã thấy đỉnh nhưng cua này phải công nhận số một. 


Thấy đồng chí gái ăn như hổ cái ngấu nghiến thấy dễ thương. Ăn xong trả bằng đô la họ thối lại đô la theo hối xuất xanh giá 330. Tính ra là 23,000/330= 70 đô. Nếu trả bằng thẻ tín dụng thì $140. Đồng chí gái kêu chưa bao giờ ăn cua mà ngon như vậy. Ăn xong đồng chí gái ăn thêm kem và phần của mình. 


10 ngày trên tàu ăn đồ ăn pháp cũng ớn. Ngày nào cũng mấy món khai vị như cá hồi lát, prosciutto và saucisse. Món chính thì có thay đổi. Mấy ngày đầu mình ăn toàn steak Á căn đình rất ngon nhưng độ vài lần là oải. Fromage ngon nhưng cũng tương tự mỗi bữa nên chắc lần sau đi đâu mình kiếm tàu của Ý Đại Lợi để đi, ăn đồ ý. Tàu Mỹ thì Chán Mớ Đời cứ hamburger và thịt bò không ngon bằng thịt bò Á căn đình. Cho thấy cái gì mà nhiều quá cũng mau chán. 

Ushuaia trong ánh sáng bình minh

Ăn xong hai vợ chồng dắt tay nhau đi bát phố. Thành phố núi Rất dễ thương. Ước gì Đà Lạt được thiết kế phát triển như đây, rất giống Thụy sĩ.  Xứ này xã hội chủ nghĩa, công đoàn lao động mạnh nên phố xá, tiệm đóng cửa ngoại trừ mấy tiệm ăn và cà phê cho du khách. Chỉ thấy du khách đi thả bộ. Tiệm ăn mở cửa vào lúc 7:30 chiều đến 11:00 tối. 


Cuối cùng thì bò về tàu, xếp Vali bỏ ngoài cửa phòng để họ đem xuống tàu dùm và chất vào xe buýt đưa ra phi trường. 


Đi xứ này mới thấy mặt trời vào ban trưa lại nằm ngay hướng Bắc thay vì hướng nam như ở Cali. Ở Hoả Địa thì mặt trời mọc vào 4:32 sáng và đi ngủ lúc 9:34 tối. Trong khi ở Nam Cực thì mặt trời đi ngủ vào lúc 23:26 và thức dậy đây 3:27 sáng. Kinh. 


Sáng dậy sớm, ăn sáng xong lên xe buýt ra phi trường để về Buenos Aires, ngủ lại một đêm rồi sáng mai bay về Cali cúng giao thừa, mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Bây giờ hối đoái xanh 1 đôla ăn 375 pesos, xuống thêm 10%

Đồng chí gái thu dọn chiến trường hết. Có chén ớt bột cay trộn với dầu olive, ăn rất lạ và ngon.


Chuyến đi này trải nghiệm khá vui, chỉ có phần vượt eo biển Drake hai lần là chới với. Những gì mình học khi xưa về địa lý nay xuống Nam Mỹ thì bị đảo lộn. Tại sao họ không dạy mình khi xưa những vấn đề này khi nói đến các cuộc Thám hiểm của Magellan. Chắc thầy cô cũng không biết cho thấy những gì chúng ta học hay biết hôm nay chưa chắc là đã đúng. Có thể đúng tại nơi chúng ta sinh sống nhưng ở nơi khác lại khác. Không có cái gì kiên định cả. Thế giới đang thay đổi lớn về kinh tế, sản xuất, địa chính nên chúng ta không thể bất di bất dịch để bị thua xa thế giới ở thời đại a còng này.  (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Kim đồng hồ chạy ngược hay chạy xuôi

 Hồi nhỏ, khi ông tây bà đầm dạy xem đồng hồ, và giờ giấc,.. mình thắc mắc tại sao kim đồng hồ đi từ trái, vòng vòng qua phải mà sao không từ phải qua trái nên hỏi bà đầm, không nhớ bà này tên gì chỉ nhớ khi xem hình chụp cả lớp năm đó với bà ta. Bà ta chỉ nhìn mình rồi không nói gì còn mấy tên ngồi gần nhìn mình như bò đội nón, hỏi sao mình ngu thế. Mình thì có cái máu phản động, ai nói gì mình cũng không tin, hay hỏi trớt quớt. Nếu không được giải thích cặn kẽ thì mình không tin dù người đó là ông tây bà đầm. Ngày nay cũng hay cãi với đồng chí gái vô vàn kính yêu vì cô nàng tự cho sông có cạn núi có mòn nhưng đồng chí vợ luôn luôn đúng.

Thắc mắc này cứ theo mình đến giờ vì mình nghĩ người Do Thái viết tiếng Hebrew từ phải sang trái, tương tự người Tàu cũng vậy. Xe chạy bên trái bên phải thì mình hiểu vì khi xưa, người ta đi quen bên trái, cởi ngựa, chạy xe cũng vậy. Lý do là người ta thuận tay phải, đeo kiếm nên phải đi bên trái để có gì thì dễ rút kiếm bằng tay phải. Kiến trúc sư thiết kế các cầu thang tròn khi xưa, cũng đi lên từ bên trái, để gia chủ ở trên có thể thuận tay phải, cầm kiếm chống đỡ kẻ gian. Từ đó phụ nữ nắm tay chồng been trái để lên cầu thang tròn cho dễ vì các bực thang to rộng hơn phía bên trái.

Khi ông tây bà đầm dạy xem giờ thì nói chiều kim đồng hồ trong khi mình hỏi tại sao không đi ngược lại
Mình hỏi ông tây bà đầm lý do sao không đọc ngược lại thì không được trả lời trong khi mấy tên học chung kêu mình ngu, hỏi vớ vẩn 

Sau này, ông Napoleon bé người, đứng xem duyệt binh, quân sĩ xa quá nên đổi bên nên từ đó người Pháp chạy xe bên phải còn người Anh quốc vẫn tiếp tục như xưa. Ngày nay, các thuộc địa cũ của người Anh vẫn tiếp tục chạy xe bên trái. Hôm mình đi Tanzania, thấy xe chạy bên trái. Trong khi các thuộc địa của Tây thì chạy xe bên phải. Chán om

Đồng hồ cát mà người tây phương sử dụng trước khi chế đồng hồ quay. Cứ hết cát thì họ xoay lại

Lớn lớn một chút thì được giải thích là đồng hồ được khám phá ra bởi người tây phương nằm trên vùng Bắc bán cầu do đó các số của đồng hồ được viết theo chiều xuôi đồng hồ. Mình cứ tin như sấm đến khi đi viếng Nam Bán cầu năm nay như Peru, Tanzania, Ai Cập thì xét lại không đúng. Nếu thuyết này đúng thì ở Nam Bán Cầu kim đồng hồ sẽ đi ngược chiều kim đồng hồ tương tự khi dội nước bồn cầu. Cứ đi xuống phía nam bán cầu thì khi dội nước bồn cầu hay bồn tắm thì nước chảy ngược chiều với Bắc bán cầu. Lần đầu tiên mình chứng kiến vụ này cứ kéo cần dội hoài như con nít ngày xưa. Chán Mớ Đời 

Học địa lý khi xưa, các con sông ở Bắc bán cầu đều chảy từ phía Bắc xuống, khi đến Ai Cập thì thấy con sông Nile dài nhất phi châu chảy từ phía nam lên miền Bắc, khiến mình như bò đội nón. Cho thấy người tây phương dạy mình chỉ đúng một chiều, theo quan điểm của họ. Trước khi người tây phương phát minh ra cái đồng hồ vào thế kỷ 14 thì người ta dùng đồng hồ cát từ thế kỷ thứ 8 trước tây lịch.

Đồng hồ đèn cầy được dùng để xem giờ kiểu người Việt dùng cây hương để đo thời gian nhưng chắc không chính xác lắm vì tuỳ theo cái tim, khí hậu đủ trò,

Qua Âu châu mình mới thấy mấy cái sundial mà khi xưa người tây Phương sử dụng để biết giờ giấc. Họ cắm cây đinh ở giữa cái vòng tròn rồi khi mặt trời mọc di chuyển từ từ để chỉ định giờ giấc. Không biết lúc đó họ đã nghĩ tới là mùa đông thì mặt trời ở xa,… Khi mặt trời mọc phía đông rồi di chuyển qua phía nam rồi qua phía tây. Loạn não. Đi chơi lại khám phá nhiều thứ khiến mình điên đầu. Không đi thì buồn vì không có gì lạ ở nhà. Mùa đông thì thương mặt trời bị mây che, không biết có bóng rọi cây kim để cho biết giờ giấc hay không.

Đi viếng Budapest, trên lâu đài mình có thấy mấy sundial kiểu này

Dùng đồng hồ này cũng lộn xộn vì phải định hướng cho đúng và tuỳ theo địa phương, đặt đúng chỗ mới đúng nếu không thì bù trớt. Nếu giải thích theo khoa học thì trái đất xoay từ Đông sang Tây nhưng nếu chúng ta xem từ Bắc bán cầu thì quả địa cầu xoay ngược kim đồng hồ. Trong khi đó nếu chúng ta đứng ở phía Nam bán cầu thì chạy theo kim đồng hồ. Mình có kể vụ 2 điểm gần nhất là đường thẳng nhưng trên thực tế, thì khác hẳn. Rất lộn não.

Họ cũng dùng nến, đèn cầy để tính giờ giấc. Đồng hồ được người tây phương sáng chế nên họ tự đặt cách đồng hồ chạy. Tương tự như người Anh quốc dùng thành phố Greenwich để làm cái mốc chính của giờ giấc trên thế giới. Các quốc gia ở á châu, hay lục địa khác vẫn phải theo người tây phương. Hiện giờ Âu châu chìm trong bão tuyết nhưng miền nam bán cầu như Úc Đại Lợi, A Căn Đình là mùa hè, các con chiên reo mừng đón lễ giáng sinh trong cái nóng khủng khiếp nhưng vẫn hát đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời. Chán Mớ Đời 

Để các sundial hoạt động đúng thì vào trưa, khi mặt trời đứng bóng thì cây kim phải chỉ về hướng Bắc và từ đó họ phát minh ra đồng hồ cũng theo hình thể đó. Trong khi đó ở phía nam bán cầu thì trưa thì sundial phải chỉ về hướng Nam và đồng hồ trên nguyên tắc phải quay ngược. Nhưng không ai giải thích ở đường xích đạo Equador. Hy vọng năm 2023, mình sẽ có dịp đi viếng xứ này với Galapagos.

10 ngày nữa mình đi Nam Mỹ, Chí lợi và A Căn Đình nên những thắc mắc vớ vẩn ngày xưa lại trôi dạt về nên mò mò tin tức để hiểu thêm chút. Chợt ngộ ra mấy tên học chung khi xưa rất đúng khi kêu mình ngu vì đến giờ vẫn chưa giác ngộ cách mạng, chưa hiểu, giải thích được tại sao mấy quốc gia khác phải theo giờ giấc của Tây phương vì địa dư khác biệt so với khoa học. Chán Mớ Đời 

Bác nào có cách giải thích rõ ràng thì cho em biết để giải ngu một tí. Cảm ơn trước.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Những bông hồng Văn Học #9 “Tết cuối cùng tại Đàlạt”

 Sau lần đi picnic ở thác Datanla, nhóm con trai mình chơi thân dạo ấy, tổ chức các buổi picnic ở Thung Lũng Tình Yêu với các đối tượng trong trường hay đi quyên tiền, cứu trợ bảo lụt miền trung với nhau. Tên nào may mắn rủ được đối tượng đi chung còn không thì đi ké. Nhóm mình dạo ấy gồm Hùng Con Cua, Võ Hoàng Đa, Nguyễn đình Tài, Dương Quang Trí, Phạm Thành Nguyên, Mai Thanh, Cái Bớt người xưa, Phi Liên-xô, Nga Chè Mây Hồng, Kim Chi. 

Tết năm 1973, cả đám rủ nhau đi Ninh Chữ chơi, sáng đi chiều về. Dương Quang Trí mượn xe van Batman của bố hắn, chở cả bọn đi. Mấy cô lo chuyện ăn uống, mấy tên thì lo chuyện xăng nhớt. Mình chôm một cang xăng nhà binh của ông cụ, đem theo, để phía sau xe với bánh mì do Phi Liên Xô và mấy cô, chuẩn bị. 

Sáng mồng 3, Trí mượn xe ông bố, chạy đi đón mấy tên con trai rồi ghé đón mấy cô rồi trực chỉ Đơn Dương, đèo Ngoạn Mục. Băng trước gồm Trí tài xế, Nga Mây HỒng, Cái Bớt Người Xưa, và mình. Băng sau là Hùng Con Cua, và đối tượng Phi Liên Xô, em cô nàng thêm Đa, Tài và thằng Nguyên. Chạy đâu xuống Song-Pha thì đổi tài xế, mình lái đến bãi biển Ninh Chữ. Bãi biển ngày Tết, chả có thằng Tây nào hết, 10 mạng nhảy xuống, đi vòng vòng chơi. Trên bãi biển NInh Chữ có loại cây gì mà rớt quả hay lá khá đau chân. 

Dạo ấy xe của ông Marcel có máy cassette, hiện đại nên mở nhạc của mấy cô đem theo, nào là Mamy Blue, nào Carpenter, nào là Christophe, đến Ngày Xưa Hoàng Thị,… khi nghe bài “Ngủ đi mộng vẫn bình thường,…”, ngồi bên Cái Bớt Một Thời, mắt lim dim, thả hồn theo tiếng nhạc. Phê không thể tả.

Đến khi đến bãi biển Ninh Chữ thì trời lại phụ lòng các hoa khôi, cang xăng bị xóc, mình lại không đóng kỹ nên xăng văng ra ngoài, thấm ướt bánh mì do mấy cô làm. Thế là cả đám đói meo. Ngồi nhìn biển như ông Trần Tiến kể.

Biển chiều nay sóng vỗ 
Tóc em xõa bay mênh mang biển xa 
Em đã đến bên tôi hồn nhiên 
Đôi chân giỡn sóng xô bờ

Dạo ấy đâu có màn áo tắm bú xua la mua như ngày nay, dân Đàlạt xuống chỉ cởi áo len ra, đi bộ trên cát vui với nhau. Lâu quá, mình không nhớ rõ chỉ nhớ là bánh mì bị tẩm xăng thay vì xì-dầu nên cả đám đói meo râu vào 3 ngày Tết. Chán Mớ Đời 

Đói quá nên cả bọn, kêu nhau chạy về Song Pha, kiếm tiệm nào ghé vào ăn cái gì cho đỡ đói. Xe đậu trên cát nên bánh xe quay vòng vòng khiến cả đám con trai nhảy xuống đẫy mệt thở ra khỏi bãi cát.

Ghé vào tiệm bên đường, mình kêu ly nước coca cola, Cái Bớt Người Xưa cũng kêu một chai coca tương tự. Phải công nhận SOng Pha nóng kinh khủng, ở biển thì mát, vào đây, dưới chân núi, nóng kinh hoàng. Mình khát quá nên nốc ly nước có đá, thấy buốt thần kinh, Cái Bớt Ngày Xưa, nhìn mình hỏi lại buốt đầu há. Mình buốt quá đành gật. Từ đó sợ uống nước ngọt có đá.

Sau này sang Tây, nghe bản nhạc của Enrico MAcias “Adieu mon pays “ có đoạn: “

J'ai quitté une amie
Je vois encore ses yeux
Ses yeux mouillés de pluie
De la pluie de l'adieu
Je revois son sourire
Si près de mon visage
Il faisait resplendir
Les soirs de mon village

Khiến mình nhớ đến cô nàng khi cả hai ngồi trong quán bên đường ở Song Pha.

Tết năm đó, thay phiên nhau đi ăn nhà mấy người bạn học chung nhưng bắt đầu lo đến kỳ thi tú tài sắp tới nên tự nhủ lo học, không đi chơi nữa.

Ngày cuối niên học, mình và thằng Nguyên chơi ngu, đi bộ ra Khu Hoà Bình rồi lội bộ về nhà dưới mưa. Sau đó hai thàng bị cảm lạnh, đau chới với cả tháng. Học thi chả được gì cả. Sau Chán Mớ Đời mình chạy qua nhà thằng Nguyên rủ nó vào Thung lũng Tình Yêu tắm. Kệ xác, đau cho đau luôn. Ai ngờ tắm hôm đó xong, về nhà thấy khoẻ lại nên từ hôm đó, cứ ngày nào hai thằng đều chạy vào Thùng Lũng Tình Yêu để bơi cả. Bơi xong thì nằm mơ tới ngày du học, mình thì mơ về bên tây còn thằng Nguyên mơ về Gia Nã Đại, nơi anh nó đang du học.

Khi đi thi, mình thấy đám bạn học, mặt mày trắng hếu trong khi mình thì đen như cột nhà cháy. May sao năm đó bà rá thi đậu, rồi được học bổng đi tây.

Gặp vội vàng để chào vài người quen hay bạn học. Bổng nhiên mình cảm thấy có gì hơi khác lạ. Bạn học bổng nhiên không thân mật với nhau như trước khi thi Tú tài. Có lẻ họ không thích mình đi du học. Mình cũng muốn dọt lẹ qua Tây cho yên vì Việt Nam Cộng Hoà vừa mất Phước Long. Lạng quạng, họ cấm xuất ngoại rồi đôn quân thì chết giấc mơ đi Tây kiếm đầm.

Mình chỉ ghé trường Văn Học, chào mấy người thầy và cảm ơn thầy Lưu Văn Nguyên đã giúp mình bổ túc hồ sơ du học, đã viết giới thiệu cho trường đại học bên Tây. Thầy cũng là người đã đưa ra đáp án cho mình. Mình nói tương lai chỉ có đi lính rồi chết thì thầy bảo em ráng học, đậu cao để xin đi du học. Ngày mình rời Đà Lạt, lên máy bay lần đầu tiên, trời bắt đầu lạnh, báo mùa đông đến thành phố nơi mình sinh ra. Để rồi 20 năm sau mình mới trở lại nơi nhau cắt rốn với nhiều ngậm ngùi của kẻ xa quê, mất quê hương.

Nguyễn Hoàng Sơn 




Tình yêu thời A Còng

 Tuần rồi, đi học bổ túc văn hoá về, đồng chí gái kêu đi ăn kỵ người anh bà con. Từ thời covid đến nay, họ hàng không gặp nhau, nhất là mấy người bà con nay tra tuổi, sợ chết, không muốn gặp ai cả. Ông anh này khi xưa là sĩ quan, đi cải tạo 10 năm, qua Mỹ theo chương trình H.O. Sang đây được vài năm thì qua đời. Mỗi năm, vợ chồng mình đều dự đám giỗ vì rất thân tình với bên vợ khi xưa tại Việt Nam. Sau 30 năm khói lửa, nội chiến từng ngày với đồng chí gái, chỉ còn mình là đi dự các kỵ giỗ bên vợ. Dâu rể chi đều vắng bóng khiến một chị dâu kêu mình là ông rể tốt. Kinh

Bà chị họ có mấy người con, đã nên bề gia thất ngoại trừ cô con út. Mình thường thấy trong gia đình Việt Nam, nhiều cô con gái út, không lập gia đình, ở vậy để chăm sóc bố mẹ về già. Ngồi ăn, mọi người ôn lại kỷ niệm về ông anh rể đã qua đời, về thời bao cấp, khổ cực ra sao. Bổng bà chị kêu cô chú nói với con Bé chịu khó lấy chồng cho chị an tâm sau này khiến mình suýt sặc cả tô bún bò. Bên vợ mình, gia đình nào cũng có một cô tên Bé nên khi mô gặp nhau hay bị lộn, đồng chí gái cũng bị kêu Bé. Trên 6, 7 bó vẫn kêu Bé đây, Bé Mô. Chán Mớ Đời 

Mình quen 1 gia đình H.O , có đâu 4, 5 cô con gái. Sang đây, mấy cô con gái được trai bu như kiến nên bố mẹ gả chồng hết. Năm đó hai vợ chồng mình đi ăn cưới mệt thở với gia đình này. Nay mấy cô con gái đều ly dị cả. Hôm trước, nghe nói có một cô sắp lên xe hoa lại. Mình kêu bận leo núi rồi. 

Khi xưa, người Việt tỵ nạn, đa số là đàn ông vượt biển, đưa đến cơ chế thị trường người Việt tại hải ngoại theo diện trai thừa gái thiếu. Đi ăn tiệc, sinh nhật ai thì một cô dù xấu như Chung Vô Diệm, vẫn có cả đám đàn ông cần vợ bu theo như dòi. Thậm chí mấy ông đã có vợ con ở Việt Nam cũng đăng ký. Khi nhu cầu nhiều mà cung thiếu thì hàng thiếu chất lượng cũng trở thành hàng xịn, hàng hiếm như thời bao cấp. Mấy tên nông dân như mình thì khó lấy vợ vì tệ lắm phải có cái bằng kỹ sư, lương tốt thì mới dám đi xin xỏ tình yêu, đời tôi đó, em xem chỉ trồng bơ. Ngoài ra chỉ có bác sĩ, nha sĩ ,…cái gì có chữ Sĩ mới được mấy cô đoái hoài đến.

Khi làn sóng H.O sang định cư tại Hoa Kỳ, thị trường trai nhiều gái thiếu được cân bình nên mấy cô theo gia đình H.O mà không có tinh thần tiến cao, chưa bị ảnh hưởng chủ nghĩa nữ quyền, đi học lại thì bố mẹ gả phách cho tên nào có công ăn việc làm để quản lý đời con gái họ vì quan niệm xưa có con gái trong nhà như có trái bom nổ chậm, quên khuấy là có thuốc ngừa thai. Mấy cô lấy chồng sớm, từ từ nhận ra tại Hoa Kỳ phải tự lập bản thân, đi học lại hay đi làm nail rồi từ từ sugar you you go, sugar me me go. Lý do là tính gia trưởng của đàn ông việt vẫn chưa được tẩy xoá trong xã hội dành cho phụ nữ. Mình thường thấy mấy cô gốc việt đều lấy Mỹ hết. Cao ráo, trí thức lại biết chìu chuộng vợ thay vì vợ đâu làm đồ nhậu. Chán Mớ Đời 

Đi Mễ chơi với mấy người bạn, có anh bạn ăn chay ngày rằm khiến mụ vợ kêu anh nói dùm chồng em để ông ta ăn chay. Anh bạn kêu chồng cô còn hơn tôi. Anh ta biết những gì phải làm, tập thể dục, tập võ, kiêng ăn, nhịn đói để thanh lọc cơ thể. Tôi muốn theo anh ta mà không được khiến mình buồn cười. Mình nói với anh ta, mình giác ngộ cách mạng đã trúng số độc đắc khi lấy đồng chí gái còn mụ vợ thì chả biết gì cả, cứ chạy vòng vòng theo mấy bà phản động, kêu tôi là thằng nông dân, cần được nha sĩ như anh bổ túc văn hoá. Anh bạn giải thích thêm, đi bộ với anh tôi thở không ra mà anh cứ nói oang oang cho thấy nội lực anh rất mạnh.

Khi xưa mình đi khắp Âu châu rồi sang Mỹ, gần 40 tuổi mới có người chấp nhận đăng ký quản lý đời mình nay lại bà chị họ nhờ mình xúi thiên hạ lấy vợ lấy chồng nên sặc bún bò. Chán Mớ Đời 

Vấn đề ngày nay, cơ chế thị trường trai gái khá phức tạp. Con trai thích con gái, con trai thích con trai và ngược lại như xe SUV Subaru, được các cô đồng tính ưa chuộng nên nhiều khi thấy bà lái xe Subaru là hết dám nhìn, chiêm ngưỡng dù có đẹp rực rỡ. Thống kê cho biết xe Subaru, rất được ưa chuộng bởi mấy người đồng tính. Hôm trước, đọc tin tức thấy một nữ cầu thủ Hoa Kỳ, đẹp, xinh xắn tuyên bố làm đám cưới với một nữ cầu thủ khác trong đội tuyển Hoa Kỳ. Nghe nói là đa số mấy cô chơi bóng chuyền đều thích người cùng phái. Cao lêu nghêu nên chỉ tìm được người đồng phái chớ đàn ông cao hơn hơn mấy cô này rất ít, khó tìm.

Đồng chí gái kêu để từ từ chị ơi, lo chi. Bà chị kêu từ từ cái chi, tra rồi, gần 40 rồi, hết sinh con đẻ cái khiến mình thất kinh. Khi mình vào làm rể dòng họ này thì cô cháu đâu còn học lớp vỡ lòng. Thời gian qua mau thật. Báo chí Mỹ cho biết nuôi một đứa con đến 18 tuổi tốn trung bình trên 200 ngàn đô. Vừa nuốt xong tô bún bò mình hỏi thế lúc trước, có thấy đi chơi với một giáo sư nào, nay còn không. Bà mẹ nhảy vào thằng nớ thương hắn cả 4 năm rồi mà hắn không ưn. Mình hỏi răn không chịu.

Cô cháu kêu anh chàng đâu có hỏi cưới đâu mà chịu với không. Mình ngạc nhiên đưa mắt như bảo tiếp tục. Cô cháu nói tiếp hắn yêu kiểu chi cô chú, cháu không hiểu. Gặp nhau là hắn đưa sách cho con đọc, kêu cuốn ni hay lắm do một ông tây nổi tiếng tên Thomas Piketty viết. Cái chi mà Tư Bản thế kỷ 21 (Capital in the 21st century). Tháng trước gặp hắn thì cho mượn Basic Economy của Thomas Sowell. Có lẻ vì vậy, khi xưa người xưa hay kêu ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm. Chán Mớ Đời 

Mình hỏi thế hai đứa đi chơi chỉ nói chuyện về kinh tế, không làm gì cả khiến đồng chí gái thúc cùi chỏ mình đau điếng. Mình nói để anh hỏi, chớ tình yêu thì phải theo quy trình của con tim trước theo sau con chim, phải diễn biến hoà bình mới đi đến kết cục. Chớ gặp thế lực thù địch như vợ thì chừng nào con cháu mới lấy chồng.

Mình hỏi có nắm tay không, cô cháu kêu lâu lâu có nắm đi qua đường. Thế có ôm nhau mớm nhau không. Cô cháu kêu chú hỏi chi lạ rứa. Mình kêu thì tình yêu phải đi từ a đến z chớ, kỳ chi. Mi tra rồi, còn ốt dột chi nữa. Có đi xi nê không. Cô cháu kêu lâu lâu cũng đi xem. Thế hắn có rờ mó chi mi không, đồng chí gái nhảy vào hỏi. 

Khiến mình nhớ đến cô gái đi xe đò từ San Jose xuống Bolsa. Chuyện này phải kể ngoài đời chớ kể đây mất hay.

Cô cháu kể đi chơi mà anh chàng giáo sư cứ làm như đi họp chi bộ, thanh niên đoàn khiến mình như bò đội nón. Đồng chí gái giải thích là ở Việt Nam giới trẻ hay đi họp đoàn, họp tổ chi đó để được là đối tượng đoàn, gia nhập đảng cộng sản. Anh ta cứ nói về thị trường chứng khoáng, công ty này mới lập công ty kia mới sụp tiệm,.. Chán Mớ Đời 

Có anh bạn cho biết tình yêu phải qua nhiều giai đoạn như giải một phương trình; mới quen rồi đi đến thân mật, rồi đường mật, đến bí mật qua tối mật, cuối cùng là dập mật. Mình kể anh bạn, kiếm được việc làm cho đồng chí gái khi mới dọn qua Cali. Anh ta kể lấy vợ hơn 2 tuổi. Trong thời gian đả thông tư tưởng, anh ta nắm tay cô vợ, mới đầu run run nhưng không thấy cô nàng phản ứng nên từ từ đánh bạo thám hiểm mấy chỗ khác trên cơ thể cô vợ. Anh ta chỉ bà vợ rồi nói không thấy bà ta phản ứng thế là đè đầu xuống. Quen hơi quen hám đưa nhau ra toà đăng ký kết hôn. Xong om.

Mình nói đứa cháu là kiếm chồng trí thức nhức đầu lắm. Cứ như bà nào làm đạo diễn, được bên trên bố trí lấy nhà thơ Xuân Diệu. Đêm tân hôn, bà ta tắm rữa sạch sẽ, nằm trên giường chờ đợi giây phút nhiệm màu, ấp ủ từ khi mới dậy thì, trong khi ông nhà thơ ngồi làm thơ nhớ người yêu sinh bắc tử Nam. Đừng bao giờ bị dính vào trường hợp của ông thi sĩ này cả. Phải thử súng ống thằng bồ trước mới cho đăng ký quản lý đời nhau. Súng đạn tốt thì tiếp tục đả thông tư tưởng còn không thì kiếm tên khác. Nếu không thử trước sẽ ca bài chim oán đồ khúc cả đời. Ly dị tốn tiền lắm.

Khi xưa, công chúa Tiên Dung lấy phải anh Chử Đồng Tử, dù nghèo nhưng súng ống to cứng như cây chuối. Con bé hỏi chuyện ra răn. Mình đang ăn bát chè đậu ngự nên kêu từ từ đứng nóng. Ăn xong chén chè, uống trà sen xong, mình mới kể cho con cháu. 

Khi xưa, có 2 cha con rất nghèo, họ Chử, làm nghề mót củi. Nghèo đến nổi chỉ có một cái khố để bận nên hai bố con thay phiên nhau ra ngoài nhà. Bố đi chợ bán củi thì bận khố, con ở nhà cởi truồng, lấy lá chuối che thân. Một hôm ông bố bị dính covid nên lăn ra chết. Trước khi chết, ông bố dặn là phải đốt cái khố để cúng, qua bên kia thế giới, bố có khố để bận, khỏi mắc cở với người ta trên thiên đình. Nhất là không bị nhiễm covid, không có con thừa tự, cúng vái thì càng đói khổ bên kia thế giới.

Người con nghe lời cha, lột cái khố ra đốt cúng tiễn cho bố về bên kia thế giới. Kể tới đây, mình hỏi có cúng tiền bạc cho bọ mi không, cả bên nớ không tiền, phải đi xin welfare mất công. Cô cháu kêu dạ không. Mình nói phải cúng tiền đô hay đốt vào cái thẻ tín dụng để bên kia thế giới, bọ mi có thể cà thẻ mà xài.

Ngày ngày đi kiếm củi, hái trái trên rừng hay tránh người lạ vì trần truồng. Một hôm, đang câu cá thì thấy tàu bè chạy trên sông. Cờ xí phất phới khiến Chử Đồng Tử tò mò men theo bờ đến xem. Sau đó thấy lính tráng chạy lên bờ khiến anh chàng họ Chử lo ngại chạy trốn nhưng 3 phía đều bị quân lính chận nên chạy vào cái hố mà anh ta thường trốn ở đấy khi có người lạ đi ngang, rồi phủ cát lên mình.

Cô công chúa, bận bikini nhảy xuống sông tắm gội, sau đó lên bờ. Đám tuỳ tùng, đã lấy mấy cái cọc cắm trên cát, lấy vãi bọc lại làm nhà tắm để công chúa vào tắm. Không ngờ lại đúng vị trí anh chàng họ Chử đang núp dưới cát. Công chúa có tật tắm lâu. Vừa tắm vừa hát nghêu ngao bài trống cơm, yêu nhau cởi áo ôi à cho nhau, về nhà lên giường ôi à chơi nhau nên từ từ nước chảy cuốn theo cát và lòi ra anh chàng không khố.

Đang hát yêu nhau cởi áo ôi à cho nhau thì công chúa nhìn xuống chân thì hét lên rồi ngất xỉu. Khi tỉnh giấc thì thấy một anh chàng ốm đói, không áo quần, ngồi bên cạnh với củ chuối rất hoành tráng. Mình kể tới đó thì đồng chí gái xen vào kêu không kể nữa. Bảo con cháu là phải xét xem tên đó có củ chuối không. Nếu không bình thường là dẹp, bỏ đi, đừng có đợi chờ, mùa Xuân phụ nữ qua mau. Hoá ra đồng chí gái lấy mình vì sợ hát mùa xuân qua mau.

Cô cháu kêu mình kể tiếp. Mình làm thêm chén chè đậu ngự. Cái khổ lấy vợ gốc Huế, thì chỉ ăn bún bò Huế, bánh bột lọt, bánh nậm khi có kỵ giỗ.

Sau đó, công chúa phải về cung nhưng vẫn nhớ đến chàng trai không khố như Mộng Cô nhớ ông sư Hư Trúc trong Thiên Long BÁt Bộ. Công chúa u sầu đâm ra bệnh. Bao nhiêu lương y đến chữa bệnh nhưng công chúa vẫn không ăn không uống như con sáo trong lồng. Cuối cùng cùng vua cha mới kêu ai chữa được bệnh cho công chúa sẽ làm phò mã. Thế là tất cả lang băm trên Facebook đều nô nức về cung để chữa bệnh cho công chúa. Công chúa vẫn không khỏi bệnh.

Một hôm, có một anh chàng không có khố, chỉ đeo cái rọ đan bằng tre để bảo vệ con chim đa đa, xin vào cung chữa bệnh cho công cháu. Binh lính muốn đuổi anh ta đi vì không áo quần nhưng công chúa nghe tiếng anh họ Chử, kêu cho mời vào.

Gặp lại cố nhân, công cháu hết bệnh. Anh chàng không khố, kêu phải đóng cửa phòng công chúa 3 ngày 3 đêm để anh ta đuổi con ma nhập vào công chúa. Cứ 2 tiếng là quân đầu bếp đem cơm đưa vào để anh vô khố họ Chử bồi dưỡng để trị bệnh cho công chúa.

Sau ba ngày 3 đêm, công chúa khoẻ lại và vua cha thấy con gái vui mừng nên gả Chử Đồng Tử cho con gái. Kêu thợ may đến đo đạt, may áo quần cho anh ta. Xong om.

Hình như cô cháu ngấm được sự thật cuộc đời nên gần như giác ngộ cách mạng. Hy vọng ông giáo sư sẽ theo quy trình diễn biến hoà bình để còn đi ăn cưới cô cháu. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 




Trúng số độc đắc

Tuần rồi mình đi học bổ túc văn hoá tại Puerto Rico. Khi xưa, không chịu học nay về già phải đi học trùng tu hoài. Có hôm đi ăn tối với hai tên luật sư và tên cố vấn tài Chánh dạy lớp bổ túc trùng tu tài chánh,… với vài người đi học chung. Ngồi nói chuyện thì tên cố vấn tài chánh kêu trúng số ở Cali không bị đánh thuế ngoại trừ liên bang. Mọi người bổng hỏi nhau nếu trúng 2 tỷ đồng thì mày làm gì. Cali mới có một người trúng số 2 tỷ đô. Mình tính khi lên 3 tỷ thì mua vé số, ai ngờ có người hốt hụi sớm. Chán Mớ Đời 

Có người nói làm cái này cái nọ, thành lập foundation này nọ để giúp đỡ các hội từ thiện. Đến phiên mình, kêu đã trúng 2 tỷ cách đây 30 năm khi được đồng chí gái đăng ký quản lý đời mình khiến mấy bà kêu đúng rồi. Thế là mình được điểm của mấy bà còn mấy tên thì kêu Chán Mớ Đời.


Trúng số độc đắc tại Hoa Kỳ, chính phủ cho mình hai lựa chọn: một là lãnh một lần thì bị đánh thuế 50%, hai là lấy từ từ trong vòng 20, 30 năm tuỳ mình lựa chọn. Có thì giờ để xài tiền thay vì nhận một lúc khiến ngơ ngác, rồi đốt tiền trong vài năm. Theo thống kê thì đa số các người thừa kế tài sản hay trúng số thì sau 5 năm thì hết tài sản vì không biết quản lý tiền bạc.

Nhìn hình này, mình nghĩ  mình trúng số độc đắc vô số tỷ đô la. Đồng chí gái và hai con đi ăn cưới tuần rồi.

Theo mình lập gia đình như mua vé số, như chính phủ liên bang không đưa tiền ngay mà trả tiền từ từ hàng năm trong suốt cuộc đời còn lại. Lập gia đình thì kết quả xổ số chỉ được biết về lâu về dài, như nhận tiền thưởng xổ số hàng ngày trong vòng 20, 30 năm, có sự may rủi trong đó. May mắn gặp được người hôn phối chịu khó, phấn đấu cùng nhau tạo dựng sự nghiệp và hạnh phúc cho nhau, cho gia đình. Xui gặp người vợ hay người chồng cứ so sánh vợ hay chồng người khác là khốn nạn cả đời. Nhất là gặp người không chịu làm ăn, nhậu nhẹt, đánh bài,…


Hôm qua, gia đình mình đi ăn cưới thằng cháu, thấy nó may mắn được cô vợ có vẻ hiền thục, con nhà tử tế. Hy vọng cuộc đời của nó sau này sẽ thuận buồm xuôi gió, không đổ vỡ. Hạnh phúc phải do chúng ta kiên trì, bón phân, tưới nước hàng ngày cây hạnh phúc.


Ở Nha Trang, một người quen cho biết là làm ăn khá giả lên nhờ đuổi cổ, bỏ được ông chồng chuyên say sưa, nhậu nhẹt. Tuy buồn vì người công giáo nhưng bắt buộc phải bỏ vì không thể nào sống với cái vé số không trúng, không lo làm ăn, chỉ biết nhậu nhẹt.


Đi ăn cưới, tình cờ gặp lại bác giúp việc cho gia đình mình khi xưa. Ngồi nói chuyện như khi mấy đứa con còn bé. Bác ấy vẫn căm thù ông chồng đã qua đời, đã mang lại cho bác nhiều đau buồn. Được cái là con chúa nay thành đạt hết. Có cháu đi học y khoa.


Tỷ Phú giàu có chưa chắc đã hạnh phúc, nhiều người có đến mấy vợ, con cháu lộn xộn. Người ta nhìn một tỷ phú về tài sản của họ nhưng ít khi nhìn đến hạnh phúc của họ vì cứ nghĩ có tiền là có tất cả. Mấy người dạy lớp kể mấy vụ khách hàng của họ, giàu có nhưng ly dị, chém nhau như điên. Nhất là con cháu cấu xé nhau khi chia gia tài. Đọc cuốn sách của ông Paul Getty để hiểu nổi lòng của người giàu có.


Mình được tin một bà Mỹ quen mới qua đời. Tuần rồi, mình gọi điện thoại hỏi thăm thì bà ta không nhận ra mình. Mình gọi cho người con trai thì anh ta cho biết cũng buồn, rồi sáng hôm qua, anh ta gọi cho mình, báo tin bà mẹ mới qua đời. Bà này từ Đức quốc sang Hoa Kỳ, làm ô sin cho bà cô. Sau này ra riêng, lấy chồng nuôi chồng học đến tiến sĩ rồi ông ta chạy theo cô thư ký. Bà ta có 20 căn nhà, mỗi tháng có 50 ngàn tiền thuê nhà trong khi ông chồng tiến sĩ đi mướn một căn hộ, xin tiền con cháu để sống qua ngày. Con gái thì không nói chuyện với bà ta từ lâu, còn con trai thì bà ta mới đuổi ra khỏi nhà khi nó về thăm vào Giáng Sinh. Cho thấy, người giàu có những khổ tâm của họ.


Nói như đồng chí gái, sống với mình không phải dễ, gặp cô nàng chớ sống với mấy bà mình quen trước đây chắc họ bỏ chạy đã lâu. Thật ra họ đã bỏ chạy từ lâu, trao của nợ lại cho đồng chí gái. Khi đả thôgn tư tưởng với mình, xem xét lý lịch trích ngang trúc dọc, họ hàng đồng chí gái chê mình quá xá trời, kêu phải lấy bác sĩ nhưng cô nàng vãn kiên định lập trường cách mạng, muốn quản lý đời mình. Muốn mình trúng số độc đắc vô giá.

 

Đồng chí gái mới về, hỏi cô nàng đi đâu về, cô nàng kêu đi Shop. Chán Mớ Đời 


Đồng chí gái làm sáng mắt sáng lòng mình từ bao nhiêu năm nay. Lại còn sinh ra hai đứa con vui vẻ, dễ thương.  Ơn này khó trả dù là tỷ đô la. Đúng là mình trúng số độc đắc. Nói như ông bà là có Phước nhiều đời.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 








Vấn nạn giáo dục phổ thông tại Hoa Kỳ

Ông cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, có tham vọng trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hoà vào năm 2024, tuyên bố người nguy hiểm nhất hành tin là chủ tịch Công đoàn giáo chức Hoa Kỳ với chương trình 1619, khiến bà này nổi điên, chửi bới đủ trò. Ông này liên tục viếng thăm Đài Loan, chắc để xin tiền ứng cử vì thấy chụp hình với bà tổng thống xứ này và tuyên bố chửi Trung Cộng và ủng hộ Đài Loan. Nghe đâu bà tổng thống này đã từ chức chủ tịch đảng của bà vì thua trong lần bầu cử vừa qua tại Đài Loan.

Ông này bắt đầu bố trí tư tưởng cử tri Hoa Kỳ về nền giáo dục phổ thông Mỹ xuống cấp như bao ứng cử viên đi trước, rồi sau khi đắc cử, lại làm ngơ vì công đoàn giáo chức Hoa Kỳ quá mạnh. Họ tung tiền cho các ứng cử viên khác và quảng cáo để đánh sập những ai muốn cưỡng lại quyền lực của họ. Khi xưa, có con đi học, mình hay theo dõi vấn đề này.
Trước đây, hình như thời ông Obama, có một bà tên Michelle Rhee, gốc Đại Hàn được bổ làm trưởng học khu ở Hoa Thịnh Đốn, làm việc rất hay, đuổi các giáo chức dỡ đi sau khi thi tuyển lại, được phụ huynh khen nhưng rồi công đoàn giáo chức lobby để bà ta bay đi cánh chim biền biệt. Sau này ông Trump có mời bà ta làm bộ trưởng giáo dục nhưng bà ta hết dám nhận vì sợ bị báo chí đánh te tua.

Ở Hoa Kỳ, mỗi năm ai có bằng hành nghề như y sĩ, nha sĩ, tài chánh, địa ốc,…đều phải đi học thêm bổ túc văn hóa, cập nhật hoá các luật lệ, kỹ thuật mới của nghề nghiệp để bảo đảm các khách hàng. Do đó người ta muốn các giáo chức phải tiếp tục học trùng tu tại chức, để cập nhật hóa kiến thức để giảng dạy học sinh. Ngay chính bà Michelle Rhee cho biết là khi mới đi dạy, bà ta không được trang bị nghề nghiệp cách dạy, kiểm soát lớp cho nên thất bại. Bà ta chỉ muốn bỏ cuộc nhưng sau cố gắng, học thêm để hiểu cách khai trí các trẻ em.


Ở Hoa Kỳ công đoàn giáo chức rất mạnh, nền giáo dục phổ thông Mỹ bị chính trị hoá vì một quốc gia đa chủng tộc. Một số đại biểu và trí thức muốn các cộng đồng thiểu số hội nhập vào dòng chính của Hoa Kỳ, đồng thời muốn giữ bản sắc của người thiểu số nên gây nhiều tai hại và tranh cãi. Nguyên nhân chính là các giáo chức muốn bảo vệ quyền lợi của họ, không bị sa thải, hưu trí được nhiều quyền lợi. Nếu sa thải thì thường các giáo viên mới bị đuổi trước, còn ai đã thâm niên thì không lo ngại. Vấn đề là các giáo viên có thâm niên nằm trong nhóm cần được sa thải vì họ không cập nhật hoá tri thức, cách giảng dạy. 

Thật ra họ cũng có lý của họ, phải được lương bổng tốt thì mới có thời gian nghiên cứu để giảng dạy học sinh, vấn nạn là được chính trị hoá và tôn giáo hoá. Nhớ dạo thằng con học trung học, lâu lâu đi ăn ở tiệm ăn trong thành phố, gặp thầy của nó, làm bồi bàn thêm để kiếm tiền nuôi 5 đứa con của cô bồ. Sau này oải quá nên đành từ giả cô bồ 5 con. Khuyến mải Mua 1 tặng 5.

Người ta lý giải giáo dục cấp đại học của Hoa Kỳ được xem là số một trên thế giới vì các đại học được tự do dạy theo chủ trương của mỗi trường và tự lo về tiền bạc, chính phủ không dính dáng đến ngược lại nền giáo dục phổ thông thì miễn phí, được chính phủ tài trợ, bắt học đến 18 tuổi. Do đó giáo dục phổ thông Hoa Kỳ được định hướng tuỳ theo từng nhiệm kỳ và chủ trương của mỗi tổng thống nên te tua vì bị chính trị hoá, và bảo đảm quyền lợi của giáo chức. Thêm ở cấp tiểu bang, nhiều khi lại chống lại đường lối của chính quyền Liên Bang vì khác đảng. Cứ mỗi lần thay đổi tổng thống là thay đổi chủ trương và không có đường lối nào khá cả vì không đủ thì giờ để được áp dụng.

Các chương trình cải tổ chỉ thực hiện nữa vời như thời tổng thống Bush con thì kêu “No child left behind”, đến thời tổng thống Obama thì kêu gọi “Race to the top”. Sau đó ở trường, người ta cho xem phụ huynh xem phim “race to the death”, nói lên ảnh hưởng của chương trình cua rông Obama nên lại bỏ. Đến thời ông Trump thì muốn học sinh tự do chọn lựa trường mình muốn học. Mỗi năm chính phủ Hoa Kỳ dành quỹ đâu $5,000 cho mỗi học sinh phổ thông, đảng Cộng hoà thì chủ trương tự do giáo dục, cứ phát cho học sinh cái vouncher $5,000 để bố mẹ giao cho trường học nào họ muốn như trường tư hay trường công có chương trình họ thích hay gần chỗ họ làm. 

Mình nhớ khi con mình còn học tiểu học, được cô giáo cho thi trắc nghiệm để xem có nên cho học chương trình GATE hay không. Có lẻ chúng có gen của mẹ chúng nên đạt được số điểm. Thế là mình nhận điện thoại của hiệu trưởng và cô giáo, kêu không nên để con mình học trường GATE. Mình theo chủ nghĩa lười học từ bé nên cũng không muốn con mình theo học mấy chương trình này vì nghe nói rất nặng. Con nít thì nên cho chơi nhiều hơn là học học học như bác Lê Ninh bảo.

Mình trả lời là sẽ không cho con đổi trường. Tưởng êm ấm, ai ngờ trường học bên cạnh có chương trình GATE lại cứ réo. Mình đành hỏi con muốn học hay không. Nếu không thích thì trở lại. Thế là cho con đi học ở trường bên cạnh, mất công chở đi thay vì để chúng đi bộ đến trường.

Thật ra trường có chương trình GATE, thì chỉ dành ra một lớp riêng thôi còn mọi sinh hoạt đều giống nhau. Có trường thì ra chương trình rất nặng, trường thì tà tà. Con mình may học trường tà tà, cho đi viếng viện bảo tàng, dã ngoại,…nên thấy có lý, bạn học cùng trình độ nên học dễ hơn. Cô giáo kêu là bài tập ở nhà chỉ 20 phút. Nếu học sinh mất thì giờ hơn thì cho cô biết. Có tường thì theo chủ trương học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm khiến cha mẹ chới với. Họ nói như vậy giúp chúng quen cách học ở đại học. Nói chung thì học lớp này, được cái là họ dạy cách soạn chương trình, thời khoá biểu trong tuần cho mình. Mình đến 45 tuổi được công ty cho đi học bổ túc văn hoá lớp này vì thấy ngu quá.

 Nói chung thì không có chương trình nào thành công cả vì khi ra luật thì phải được quốc hội bỏ phiếu thuận nhưng công đoàn giáo chức rất mạnh, cúng tiền bầu cử cho đại biểu rất nhiều nên thua non. Ai cũng hứa khi ra ứng cử nhưng khi đắc cử thì trả nhớ về không đến 2 năm sau lại hát bài con cá sống vì nước lại. Đó là một trong những trở ngại của chế độ dân chủ.

     Người ta đổi lỗi nền giáo dục banh ta lông vì nạn Kỳ thị chủng tộc, có sự bất bình đẳng về lợi tức. Họ cho rằng học sinh của các cộng đồng thiểu số không thể nào thi đổ có điểm cao bằng học sinh các trường da trắng giàu có. Đưa đến sự bất bình đẳng trong xã hội ngay từ bé nên chính trị gia muốn giải quyết vấn nạn này dù Hoa Kỳ được xem là quốc gia của cơ hội cho mọi người. Lâu lâu, có học sinh điên điên vác súng vào trường học bắn chết lại khiến báo chí lên án và giáo dục phổ thông Hoa Kỳ lại được đưa ra mổ xẻ.

Vào đại học thì có những ưu tiên cho học sinh thiểu số. Vấn đề là người Á châu là thiểu số, chiếm độ 5.6% dân số Hoa Kỳ nhưng không được công nhận là thiểu số trong giáo dục. Trong khi đó, người Mỹ gốc La tinh lên đến 30.2% và người Mỹ da đen lên đến 12% lại được xem là thiểu số. Lý do là học sinh á châu học điểm cao hơn. Mình nói chuyện với anh bạn tốt nghiệp đại học M.I.T thì anh ta cho biết với những điều kiện của ngày nay thì chắc chắn anh ta không được vào đại học danh tiếng này.


Vì vậy mình thấy các ứng cử viên gốc việt cứ chửi nhau đâu đâu thay vì chú tâm đến tranh cãi về quyền lợi của cộng đồng A đông. Phải liên hiệp với các các cộng đồng khác Á Châu khác để bảo vệ quyền lợi của người Á châu. Nếu một người Mỹ gốc á châu không được vào đại học tại tiểu bang của mình thì phải đi học trường tư hay trường ở tiểu bang khác. Tốn thêm $20,000/ năm chưa kể tiền máy bay về thăm nhà,… 4 năm đại học là tốn thêm $80,000 hay mình phải đi làm $150,000, đóng thuế 45%.


Nhớ đi lãnh phần thưởng của mấy đứa con. Chúng học toàn kỳ trong năm được điểm A, mới được kêu lên lãnh bảng danh dự, trong khi một học sinh gốc Mễ, chỉ được có 3 điểm C, lại được khen thưởng đủ trò. Làm như vậy vô hình trung, các học sinh sẽ xem thường bạn học gốc Mễ, đưa đến sự kỳ thị từ bé về tri thức.


Họ giới hạn sinh viên Á châu vào các đại học danh tiếng. Mấy chục năm trước, khi người Việt mới sang thì được xem là thiểu số nên dễ xin vào đại học danh tiếng, nhất là phụ nữ nay thì rất châm. Phải học cực giỏi. Có anh bạn kể thằng con được nhận vào trường đại học ở Seatle, cho biết là họ cứ thấy học sinh á châu, có các sinh hoạt ngoại khoá như chơi dương cầm, vĩ cầm trong khi con anh ta chơi túc cầu nên được nhận còn nhiều đứa bạn, học giỏi hơn nhưng không được nhận. Thật ra, người ta muốn nhận sinh viên có sự khác thường thay vì cứ theo khuông của người Á châu, cho con học vĩ cầm hay dương cầm còn thể thao thì ơ hờ. May mình cho con học đàn bầu và đàn tranh nên khi viết tiểu luận xin vào trường đại học, nó kể nghe tiếng đan bầu lần đầu tiên,…


Cách đây đâu 10 năm, có một sinh viên gốc đại hàn kiện trường Princeton, anh ta thi SAT 100% điểm nhưng không được nhận trong khi một bạn học người Mỹ trắng, học điểm thấp hơn nhưng lại được nhận vào học.

 

Vấn đề giáo dục phổ thông xuống cấp, họ viện cớ đủ thứ về mặt tinh thần, kinh tế. Nào học sinh nghèo, sáng đến trường có thể ăn sáng miễn phí tại trường sẽ làm chúng mặc cảm nghèo khổ nên không học khá, thua xa bọn da trắng. Chính phủ có chương trình giúp học sinh nghèo, được miễn trả tiền ăn sáng và ăn trưa nhưng trên thực tế thì quỹ này rất ít nên các trường học phải mua loại thức ăn rẻ, khiến học sinh ăn vào lại gây ra bệnh béo phì. Con mình cũng như bạn của chúng không ăn vì dỡ nên mình phải làm cơm trưa cho chúng đem theo. Mình đã có kể.

Trên thực tế có những khu vực học sinh thiểu số thi đậu điểm cao hơn khu đông da trắng. Điển hình khu Bolsa, người Việt chiếm 50% học khu, có học sinh tốt nghiệp đậu ưu hạng, được vào các trường lớn. Nhờ đó các trường trung học phổ thông tại các vùng ngày được mang danh trường tiên tiến. Con của mấy người mướn nhà mình đều học Berkeley, UCLA,…

     Cuộc chiến giáo dục tại Hoa Kỳ từ bao nhiêu năm nay vẫn chưa có lối thoát. Người kêu phải dạy thánh kinh, đạo Đức ở trường. Người thì đòi dạy con nít về giới tính ở tuổi 5,6 để chúng không mặc cảm về sinh lý của chúng. Đủ trò. Do đó người Việt chúng ta cần dấn thân vào để tranh đấu theo tiêu chuẩn mình chọn lựa.

 Để hiểu rõ vấn đề, người ta mò tài liệu, thống kê từ năm 1899 để nghiên cứu cho một đáp án. Họ lấy thí dụ giáo dục trung học tại địa hạt Hoa Thịnh Đốn. Từ năm 1899, có 4 trường trung học tại Washington, D. C., 1 dành cho người da màu và ba trường kia dành cho người da trắng. Nên nhớ dạo ấy tuy Hoa Kỳ đã hủy bỏ chế độ nô lệ sau cuộc nội chiến nhưng đa đen và da trắng không có chung đụng kiểu Apartheid ở Phi Châu. Mình có kể vụ các ông cha dòng Jesuite của đại học John Hopkins vẫn có nô lệ làm nô dịch cho trường này và bị kiện, phải đền ná thở.

Họ nhận thấy học sinh trường da đen có điểm cao hơn hai trong ba trường da trắng. Họ xem lại kết quả thống kê của trường này từ năm 1870 đến 1955 và khám phá các môn thi điểm cuối năm đều bằng hay cao hơn điểm trung bình quốc gia khiến họ phải đặt lại câu hỏi về sự kỳ thị, nghèo giàu có ảnh hưởng thật sự đến trình độ học vấn của học sinh. Thế là bên Dân Chủ chửi bới và bên Cộng Hoà choảng lại, kêu gọi tự chủ tự do thay vì xã hội chủ nghĩa hoá học đường. Đảng Cộng hoà thì kêu gào đám giáo chức đang giảng dạy con cháu chúng ta xã hội chủ nghĩa, giới tính trong khi đó đảng Dân CHủ kêu gào tự do giới tính, tự do luyến ái, phá thai đủ trò.


      Năm 1890, trường này được mang tên M Street school và được đổi tên vào năm 1916 là trung học Dunbar nhưng học bạ của học sinh vẫn duy trì tốt đến cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Khi tiến sĩ Thomas Sowell, một người da đen, giáo sư đại học Columbia, đưa ra một nghiên cứu về trường này vào năm 1974 thì người ta cho rằng trường này toàn là học sinh của giai cấp thiểu số trung lưu không thể so sánh với giai cấp nghèo thiểu số. Các đại biểu da đen chửi ông này là không bảo vệ quyền lợi người da đen. Thật ra ông này lúc còn trẻ, là cử tri của đảng Dân Chủ, thậm chí có thể nói là cộng sản nhưng dần dần ông ta thấy sự sai lầm khi chính trị hoá học đường nên đổi sang đảng Cộng hOà nên bị các đại biểu da đen chửi là phản động, phản lại quyền lợi người da đen, cu li tay sai của người da trắng.


      Các giáo viên dựa trên các giáo điều chính trị đã được định hướng, học sinh đạt điểm cao vì thuộc giai cấp trung lưu hay giàu có. Không muốn tìm hiểu rõ thêm vấn nạn của đa số học sinh các khu vực nghèo. Người ta có thống kê về phụ huynh từ 1892-93, trong số 81 hồ sơ còn lưu lại, 51 phụ huynh là công nhân, 1 y sĩ cho thấy học khu này, không thuộc giai cấp trung lưu. 
     
      Theo năm tháng người da đen vùng hoa thịnh đốn từ từ đạt được giai cấp trung lưu và gửi con cháu họ học tại trường người da đen nói trên. Từ từ người ta tìm thêm tài liệu, cho thấy mẹ của đa số học sinh người da đen học trường này, làm ô sin cho các gia đình giàu có trong vùng thay vì có cha làm bác sĩ. 


     Qua bao nhiêu năm tháng, trường này chỉ có một giáo viên người da đen cho toàn District of Columbia. Đến năm 1948, 1/3 học sinh da đen trong vùng theo học trường này. Điểm sáng nữa là các vụ cúp cua hay đi học trễ của học sinh trường này rất ít, so với mấy trường dành cho học sinh da trắng. 


     Sự việc này được giải thích, nhờ truyền thống được thành lập bởi các hiệu trưởng tiền nhiệm. Trong số đó có một hiệu trưởng người da đen, người phụ nữ da đen đầu tiên tốt nghiệp đại học Hoa Kỳ. Bà ta tên là Mary Jane Patterson, xuất thân đại học Oberlin năm 1862.


      Dạo đó trường đại học này chỉ có chương trình giảng dạy khác biệt dành cho nam và nữ sinh viên. Tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp và toán học chỉ dành cho nam sinh viên còn nữ sinh viên không được theo học. Cô Patterson, yêu cầu trường cho cô ta theo học các lớp dành cho nam sinh viên. Trong suốt 12 năm làm hiệu trưởng của trường trung học dành cho người da đen, người ta đánh giá bà là một có một nhân cách rất cứng cỏi và làm việc không mệt mỏi. Những người như bà Patterson thay nhau tạo dần một truyền thống tốt cho học sinh để làm gương cho các thế hệ sau.


      Ngoài ra, các hiệu trưởng đầu tiên khác gồm một người da đen tốt nghiệp đại học Harvard năm 1870. 4 người khác tốt nghiệp Oberdin và hai người khác xuất thân đại học Harvard. Ngoài ra còn có 3 người tốt nghiệp tiến sĩ. 


Người hiệu trưởng rất quan trọng cho việc học hành. Cuối tuần qua, mình có gặp lại 2 người bạn học chung trường Văn Học Đà Lạt khi xưa, ai cũng nhắc đến thầy hiệu trưởng Chử Bá Anh, lái xe vòng vòng phố để xem có học sinh trốn học, chở về trường, quất roi mây khiến mấy tên này chừa bệnh cúp cua và mình nhớ có người đậu bình, kể là nhờ thầy hiệu trưởng vì trước kia anh ta học một trường tư khác, hay cúp cua với bạn học đi đánh bi-da.

       Nếu xét lịch sử của trường trung học dành cho học sinh người da đen này, cho thấy nếu các giáo viên và hiệu trưởng chú trọng và kiến tạo một nền móng học vấn vững chắc cho các học sinh và các cuộc thi để khảo nghiệm lại sự hiểu biết, sẽ giúp học sinh có một căn bản để sử dụng khi ra đời. Trong suốt 85 năm từ 1870 đến 1955, đa số 12,000 học sinh tốt nghiệp có rất nhiều học sinh tiếp tục lên đại học. Đa số theo học các trường sư phạm nhưng có một số khá cao được học bổng từ các đại học nổi tiếng. Năm 1916, có 9 sinh viên da đen toàn Hoa Kỳ theo học Đại học Amherst thì có 6 học sinh tốt nghiệp trường M Street.

 
      Từ 1918 đến 1923, có 25 học sinh trường ngày tốt nghiệp các trường đại học lớn như Amherst, Williams, và Wesleyan. Trong khoảng thời gian từ 1892 -1954, Amherst nhận 34 học sinh da đen của trường này. 74% tốt nghiệp và hơn 1/4 dành danh hiệu Phi Beta Kappas. Người ta khám phá ra đa số các tiến sĩ đầu tiên người Mỹ da đen đều xuất thân từ trường trung học này. 


     Những sĩ quan da đen tốt nghiệp đầu tiên West Point and Annapolis cũng xuất thân từ trường này. Tương tự giáo sư đại học danh tiếng đầu tiên người Mỹ da đen cũng xuất thân từ trường này  (Allison Davis, University of Chicago). Tương tự quan tòa liên bang đầu tiên hay tướng da đen hay bộ trưởng hoặc thượng nghị sĩ da đen đầu tiên cũng từ đây ra. Lịch sử của trường M street này chứng tỏ sự thành công về học vấn hay nghề nghiệp không phải vì gia đình ít lợi tức hay gia đình có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Học sinh học tập tốt nhờ giáo chức có lương tâm. Có hiệu trưởng người da trắng, có người da đen.


      Người ta đặt câu hỏi lý do tại sao trong quá trình lịch sử của trường này trong suốt 85 năm với những thành công đáng kể của học sinh da đen bổng nhiên ngưng hẳn hoàn toàn một cách rất nhanh chóng. Người ta lý giải là năm 1954 có sự cách ly về chủng tộc qua vụ án Brown v. Board of Education. Có sự xung đột và áp lực chính trị muốn loại bỏ sự cách ly chủng tộc tại học đường. Cuối cùng để dĩ hòa, các chính trị gia đồng ý để khỏi di chuyển thay đổi chỗ học, họ biến các trường học thành trường học của khu vực. Ai nấy ở đâu học ở trường gần đó.


Người Việt mình có lợi tức thấp nên ở mướn những nơi có học khu kém nên có một số người lấy địa chỉ của bạn hay người thân ở khu học tốt để cho con họ đi học tại đó. Sau này nghe nói có thanh tra để xem có ai gian dối hay không.

 

      Dạo ấy trường này, có lớp học hơi xuống cấp vì sau 85 năm hoạt động, không tu sửa nhưng chất lượng giáo dục vẫn cao hơn các trường xung quanh. Khi trường này được biến thành trường của khu phố thì học sinh theo học bị thay đổi hoàn toàn. Trước đây muốn vào học phải thi tuyển nay thì ai ở trong học khu, gần nhà thì được ưu tiên vào học. 

Các giáo viên bắt đầu hưu trí, các giáo viên mới không được tuyển chọn như trước và từ đó giáo dục của ngôi trường tiêu biểu này cho người Mỹ da đen bị thay đổi hoàn toàn và xuống cấp như bao ngôi trường trong các học khu nghèo để phù hợp với các giáo điều chính trị đương thời. 

      Khi xưa tại Đà Lạt khi vào trung học, học sinh phải qua kỳ thi tuyển để vào trường công lập như Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân. Học sinh nào rớt thì phải theo học trường tư tốn tiền. Do đó khi thi Tú tài thì học sinh các trường công lập đậu cao hơn các trường tư vì học sinh tương đối giỏi đều. Các chính trị gia muốn các học sinh thiểu số phải hòa nhập với các học sinh da trắng. Không còn sự phân chia về khả năng học vấn. Học trò giỏi hay dỡ đều nhập chung nên những học sinh giỏi chán nản vì giáo viên phải giảng dạy cho các học sinh kém, để đạt mục tiêu của trường.

     Vấn nạn này kéo dài đến ngày nay sau 68 năm, nền giáo dục xuống cấp, điểm thi cử xuống cấp đến nổi nay họ cũng bỏ điểm thi khi tuyển vào đại học. Cách đây mấy năm, có một học sinh kiện nhà trường vì không cho cô ta tốt nghiệp phổ thông. Lý do là học dốt, điểm thi quá thấp. Cuối cùng nhà trường thí cô hồn cho cô ta bằng phổ thông, để khỏi tốn cả triệu đô, ra toà trả luật sư phí.
      

Ngày xưa, ngân quỹ trường Dunbar rất hạn chế, mỗi lớp có trên 40 học sinh. Phòng ăn quá nhỏ nên học sinh đa phần phải ăn ngoài đường. Bảng trong lớp cũ bị nức nhưng đã đào tạo rất nhiều nhân tài cho quốc gia Hoa Kỳ.

Ngày nay, tiền bạc được bơm vào ngân sách hàng năm nhưng chỉ để quảng bá nhưng không đào tạo được nền giáo dục có chất lượng như xưa. Thằng con mình có thằng bạn học giỏi, được vào chương trình GATE nhưng lại chọn trường khác. Tại trường này, các học sinh gốc Mễ ghét bọn học sinh giỏi nên ra chơi đè xuống đánh hội đồng, khiến thằng bé sợ quá hết dám bò đi học, phải đô

Có một ngôi trường công 91 ở Brooklyn, New YOrk, toạ lạc trong một toà nhà cũ kỹ hơn ngôi trường Dunbar ở Hoa Thịnh Đôn. Trường này nằm trong một khu khá nguy hiểm, nghèo nàn nhưng các học sinh thi điểm đều cao hơn trung bình của học sinh toàn quốc.

Chỉ là một ngôi trường trong một ghetto, do một hiệu trưởng có lương tâm điều hành. Quan khách có thể đến xem xét lớp nào tuỳ ý, không phải được chỉ định như viếng thăm trường kiểu mẫu. Học sinh đến từ các nhà nghèo trong ghetto, ăn welfare. Tại trường học sinh nói anh ngữ rất rõ ràng, học lực cao hơn các học sinh trường khác cả năm. Có nhiều gia đình không có điện thoại vì không có khả năng trả nhưng con họ vẫn học giỏi.

Trong cuốn sách “No Excuses” do Heritage Foundation xuất bản năm 1970, có nêu lên hai trường công giáo phổ thông dành cho người da đen ở New Orleans, như St. Augustine, đã có học sinh da đen đầu tiên đoạt giải National Merit Scholarship, cũng như Presidential Scholar của tiểu bang. Xét ra là 20% của tất cả Presidential Scholars của tiểu bang Louisiana đều xuất thân từ trường học này. 

Mình có xem cuốn phim “Stand and deliver” nói về ông thầy gốc La tinh Jaime Escalante nói về một giáo viên gốc Mễ la tinh đã giúp các học trò của ông ta vượt qua những áp lực và buồn phiền của con nhà lao động để học cao, thay đổi cuộc đời cho cả gia đình.

Vợ chồng mình có tặng xe đạp cho một giáo xứ ở Việt Nam, để các cha mua xe đạp để các học trò gốc Chu Ru, có thể mượn để đi học hàng ngày vì trường học cách các buông của họ đến 5-10 cây số. Các cha nói chỉ mong giúp được một đứa khá, để sau này nó giúp đỡ đổi đời các gia đình của buông sau này.

Người ta kể là linh mục Grant, hiệu trưởng trường này, không cho phép học sinh tham gia cuộc đấu tranh Civil Rights vì không muốn mất thời gian, chỉ chú tâm vào đào tạo học sinh về giáo dục, không dây dưa vào chính trị. Ngược lại ngày nay người ta muốn con nít ở tiểu học phải học về giới tính, đồng tính đủ trò.

Người ta xét thống kê học lực học sinh trước 1970 thì học sinh ở các trường học nghèo vẫn có điểm tốt khi thi, hoc sinh đều có điểm trung bình tương tự các học sinh trường học ở khu giàu có hay da trắng.

Nói chung các nghiên cứu gia học đường cho rằng bố mẹ là yếu tố quan trọng cần thiết để giúp con em học khá. Có đọc cuốn sách và xem phim kể về cuộc đời ông bác sĩ da đen đầu tiên mỗ trẻ em sơ sinh đôi dính liền. Ông Ben Carson kể bà mẹ làm ô sin cho một ông Mỹ da trắng. Một hôm ông chủ khám phá ra bà ta không biết đọc nên dạy cho bà ta đọc và từ đó bà ta bắt anh em ông ta phải học. Trước đây, ông ta lười học nên bị bạn bè chế nhạo nhưng từ khi ông ta được bà mẹ dẫn đi mượn sách để đọc thì bắt đầu học giỏi và đậu trường y khoa John Hopkins.

Ngày nay, bố mẹ đều phải đi làm cả ngày nên không có thì giờ chăm sóc con cái làm bài tập. Trước năm 1940, đa số các người da đen lớn tuổi chỉ có học đến hết tiểu học, ít ai nghĩ đến học lên cao. Các cha mẹ di dân không biết anh ngữ nên không muốn đến trường gặp thầy giáo hay cô giáo hay làm mất mặt con họ khi đến trường, nói tiếng Mỹ bồi.

Các chính trị gia cho rằng phải mở các lớp song ngữ cho da đen, do người Việt, người Tàu, người Mễ,…cần ngân quỹ để mướn giáo viên nói tiếng tàu, tiếng Mễ, tiếng Việt,… nếu không sẽ bị dán cái nhãn kỳ thị chủng tộc. Nếu học song ngữ thì thời giờ đâu mà học các môn toán,.. mình nghe mấy người bạn sang đây còn trẻ, học trung học, tiếng anh không biết nhưng phải cố gắng, trường có những giờ dạy thêm thì độ 1, 2 năm sau thì rành tiếng anh. Thi vào đại học lớn, họ đâu có thông dịch viên để mình học ở Harvard,…

Trong cuộc chạy đua ở thee kỷ 21, Hoa Kỳ sản xuất 500,000 cử nhân hàng năm trong khi Ấn Độ sản xuất 1,500,000 kỹ sư hàng năm và Trung Cộng sản xuất 3,000,000 cử nhân hàng năm. Chính trị gia chỉ đấu với nhau về song văn hoá trong khi các nước lớn khác chú tâm đào luyện các kỹ sư cho mai sau.

Nói chung nền giáo dục Hoa Kỳ ở cấp đại học rất cao, có thể xem là số 1 trên thế giới khiến ai cũng muốn sang Hoa Kỳ học. Ngược lại ở cấp phổ thông thì có vấn đề. Phụ huynh muốn có tiếng nói trong việc giáo dục con cháu họ trong khi các giáo viên hay đúng hơn là công đoàn giáo chức cho rằng đó là thiên chức của họ.

Trong học khu của nơi mình ở có một trường được gọi là Charter School, do chính phụ huynh điều hành, đóng góp vào việc giáo dục con cháu. Do đó phải mất công , bỏ thì giờ để tham gia các sinh hoạt và tiền bạc, gây quỹ cho trường. Theo mình đọc thì các trường loại này rất thành công nên người ta muốn có thêm những trường như vậy.

Theo mình đổ lỗi nhà trường hết cũng hơi oan. Hoa Kỳ bắt buộc trẻ em phải đi học đến năm 18 tuổi. Đâu phải học sinh ai cũng muốn học hay có khả năng để hấp thụ những gì thầy cô giảng dạy trên bục. Mình thấy ở Âu châu, có điểm hay là học sinh chỉ bắt buộc học đến đệ tứ. Sau đó ai không muốn tiếp tục học chữ thì có các lớp dạy nghề để họ theo học, để có thể kiếm một nghề sau 18 tuổi.

Tại Hoa Kỳ các học sinh chán học, bị bắt buộc đến trường để học những gì mình không thích, mất thời gian và tiền bạc cua cha mẹ và chính phủ. Mình nhớ khi xưa, đi học thấy Chán Mớ Đời vì nghĩ học cho cố cũng đi lính rồi anh trở về dang dỡ đời em nên chả thích học. Đến khi gặp thầy Lưu Văn NGuyên, khuyên mình ráng hoc đi Tây nên mới chịu khó học lại và cuối cùng được học bổng đi tây.

Có những người có tiền thì gửi con đi học ở các trường tư. Người nào không có khả năng thì nghỉ làm, ở nhà dạy con học gọi là Home Schooling. Cuối năm thì cũng cho con đi thi điểm của tiểu bang. Có lẻ vì môi trường giáo dục hiện tại nên người Mỹ không muốn sinh con, chỉ nuôi chó mèo cho khoẻ dời, khỏi phải lộn xộn về trường học. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn