Showing posts with label love. Show all posts
Showing posts with label love. Show all posts

Chuyện tình tay 3 Made in Nam Dương

Mình tính đi viếng Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan nên đọc sách và xem phim của xứ này và Nam Dương vì có ngọn núi cao nhất Đông NAm Á. Lý do là hai nước theo Hồi Giáo nhưng lại rất thành công, được tây phương hoá, không bảo thủ như các nước theo hồi giáo khác. Người ta hy vọng sự phát triển của hai nước này sẽ làm gương cho các nước theo hồi giáo, theo đó để phát triển, bớt chiến tranh. Người ta dự đoán trong tương lai Nam Dương sẽ dẫn đầu vùng Đông Nam Á. Mình có ghé Nam Dương cách đây 25 năm về trước, thấy xứ này phát triển hơn Việt Nam nhiều. Nay chắc còn hơn xưa.

Xem phim thổ nhĩ kỳ chán, mình xem phim Nam Dương. Thấy họ tiến xa, không như báo chí tuyên truyền về các xứ hồi giáo. Tuy theo hồi giáo nhưng trai gái vẫn được tỏ tình, hôn hít bú xua la mua, sống chung không cần cưới hỏi, không bị kiểm duyệt. Phụ nữ không che mặt, che mũi như được tuyên truyền trên báo chí. Không quá kích dâm như phim âu châu.

Lạ một điều là trong phim, diễn viên hay dùng anh ngữ, cả câu, chớ không chỉ một từ vựng nào. Rất lạ. Bác nào biết thì cho em xin.

Có anh bạn đi Palestine về, nói thiên hạ kêu vùng Palestine nghèo khổ này nọ. Anh ta kêu MacDonalds, Pizza HUt,… khắp nơi. Chắc mình sẽ làm một chuyến đi mấy xứ này đẻ xem thiên hạ sống ra sao.

Truyện phim thì cũng vớ vẩn như bố mẹ gá nghĩa, hứa hôn như phim Ấn Độ. Thương yêu người khác đủ trò. Rồi khóc lóc, đớn đau muộn màng,…rồi rên trái tim ngục tù, ta yêu nhau đến ngày mốt rồi đi lấy chồng lấy vợ. Xong phim 


Có cuốn phim Nam Dương, nói về cuộc tình tay ba cũng tựa tựa như truyện tiểu thuyết của bà Tùng Long. Trong xóm có một cô gái chơi thân với 2 tên con trai. Cho thấy xã hội khá hơn Việt Nam thời mình ở nhà. Con gái con trai trong xóm đâu có màn chơi thân, chọc ghẹo nhau sau khi đi học về. Mẹ cô gái chết nên kế mẫu muốn cô ta lấy chồng nhà giàu để trả nợ cho bà ta. Đem cô ta đến nhà gia đình chồng tương lai để xem mắt. Tên con trai nhà giàu chịu quá nên rủ đi chơi. Tính đè cô ta xuống sau khi uống rượu thì có hai tên bạn hàng xóm chạy lại khệnh cho một trận. Hồi Giáo cấm uống rượu mà trong phim cứ thấy họ uống cocktail đủ trò.

Thế là hôn ước bị xoá. Côn đồ đến tịch thâu nhà của bố mẹ cô nàng. Ông bố chới với, lấy bà vợ sau, đánh bài nên mất căn nhà, bị tai biến nằm nhà thương không tiền khiến cô con gái phải bỏ học đi làm.

Một hôm, 1 trong 2 tên bạn báo cáo tình hình trái tim, kêu là đã thương nhớ trường kỳ cô ta từ lâu và muốn đăng ký kết hôn, đảm bảo làm người chồng nhân dân đầy chất lượng tinh khiết, cao cấp. Cô ta nhất trí sau khi phát hiện ra mối tình hữu nghị này vì tên này giúp đỡ gia đình, đã trả tất cả y phí của ông bố. Tên này dẫn cô ta về nhà thì hoá ra nhà hắn cực giàu, đại gia. Bà mẹ không ưa vì không môn đăng hộ đối.

Ông bố về kêu được cho lấy nhau với điều kiện là hắn phải qua Hoa Kỳ, giúp người em đang kinh doanh cho gia đình. Cô gái có thể sang Hoa Kỳ luôn. Thế là vui quá và cô gái trao thân trước khi hắn lên đường sang Hoa Kỳ. Tên này và tên bạn kia mở xe bán mì sợi ở lề đường, nay cho qua Hoa Kỳ để làm giám đốc công ty của gia đình. Cứ làm như bên mỹ làm ra tiền dễ. Không biết tiếng anh vẫn làm giám đốc công ty. Kinh

Đùng 1 cái, Sukarno chết nên tình hình rối ren. Cô gái chạy đến nhà chồng sắp cưới, trước khi đi mỹ thì bị người làm đuổi về, kêu không quen biết, ông bà chủ đi mỹ rồi. Thế là cô ta phải khóc cho vơi đi những nhục hình. Xứ hồi giáo nhưng vẫn cho quay cảnh nóng.

Thế là cô ta trở về thực tại, ở xóm nghèo, đi làm thì khám phá ra có bầu. Tên bạn thứ hai nhảy vào dẫn đi học các lớp Lamaze, bú xua la mua. Cuối cùng, chở đi nhà hộ sinh, được y tá kêu vào phòng hộ sinh để giúp cô ta lâm bồn. Cuối cùng cô gái cầu hôn tên bạn thứ 2 và làm đám cưới. Đang lúc quan viên hai họ, vui đùa ăn đám cưới, tên bạn số 1, lù lù đâu bò đến. Chán Mớ Đời 

Có một cuốn phim nói về bố mẹ hứa hôn từ bé. Lớn lên thì tên con trai đi học ở bên Anh quốc, phải là Oxford mất 5 năm đến khi về nước thì cô con gái có bồ. Cô ta muốn huỷ bỏ hôn ước nên tìm đến tên được hứa hôn nói rỏ là đã có bồ, không muốn lấy hắn.


Bố cô ta biết nên có gặp riêng tên bồ để thương lượng. Cuối cùng cô ta khám phá ra vụ này. Ông bố viết một ngân phiếu để tên Bồ từ bỏ cô ta. Cuối cùng thì cô ta làm đám cưới với anh luật sư, tốt nghiệp Oxford mà bố mẹ hai bên đã làm hôn ước từ bé khi cô ta còn nằm trong nôi.

Hai vợ chồng ngủ riêng, ở hai đầu nổi nhớ. Anh chồng tìm cách cải tạo tình cảm, bố trí tư tưởng cô vợ, động viên, giúp cô ta giác ngộ cách mạng, thâm nhập vào mối tình hữu nghị sông liền sông, núi liền núi nhưng cô vợ cứ như T.T. Kh, vẫn lặng lẻ đi bên cạnh ái ân của chồng. Cứ mơ mơ màng màng, trời ơi nếu biết tôi lấy chồng chắc người ấy buồn lắm trong canh bạc. Chán Mớ Đời 

Cuối cùng thì anh bồ cũ, sau khi đã xài hết số tiền của ông bố cô bồ hối lộ, trở về. Hỏi em có hạnh phúc không. Thay vì bắt chước ông Vũ Thành An, sửa lại bài hát: “con đường em đi đó rất đúng em ơi”, hắn lại rủ cô ta trốn đi với hắn. Ông bố biết được mới kể cho cô con gái. Nếu hắn thật tình thương con khi bố đưa tấm ngân phiếu, hắn chỉ cần xé nát ngân phiếu và kêu hắn chỉ cần con, không cần tiền thì bố sẽ huỷ hôn ước ngay. Đây hắn lấy tiền để trả nợ đánh bài. Hắn xài hết, trở về chắc để kiếm thêm tiền đi đánh. Đời con sẽ khổ.

Câu chuyện bố hay kể cho con nghe khi mẹ con có mang, sắp bể bầu, bố đi giao hàng ban đêm cho người ta. Bố mẹ chồng con phải thay bố đưa mẹ con đi nhà thương. Cô ta nói con nghe nhiều lần, cảm ơn bố đã lao lực kiếm tiền nuôi con.

Ông bố kêu không. Sự thật là đêm đó bố đi đánh bài, không có mặt bên mẹ con. Bố lúc nào cũng ân hận về việc này. Sau đó bố bỏ cờ bạc và chăm lo làm ăn để gia đình chúng ta có được cơi ngơi như ngày nay. Thằng bồ con lo đánh bài nên bố lo cho con, không có tương lai, ngoài mấy cái nợ. Trong khi thằng chồng con thì lo làm ăn, nên bố mới giữ hôn ước. Thằng bồ con chỉ cần xé tấm ngân phiếu, kêu trọn đời chung sống với con thì bố đã chấp nhận. Suy nghĩ kỹ đi.

Cuối cùng thì tên bồ bỏ đi, cô vợ không muốn chạy theo tình yêu sòng bài. Cô vợ hỏi chồng cô ta không yêu hắn mà sao hắn lại chấp nhận hôn ước. Ông chồng nói từ khi phát hiện ra em, mối tình hữu nghị dành cho em không bao giờ nhạc phai, răng hở môi lạnh. Thế là cô vợ trở lại với ông chồng, sống đến bạc đầu. Xong phim

Cho thấy hoàn cảnh xã hội nào cũng vậy, theo đạo nào cũng là con người. Cũng môn đăng hộ đối, giai cấp. Trai gái yêu nhau không cần giàu nghèo nhưng khi lấy nhau là có vấn đề lý lịch 3 đời. Cha mẹ đều lo âu khi con đến tuổi lập gia đình. Họ có kinh nghiệm đời nên chọn lựa người rể hay con dâu tương lai.

Khi xưa, mình có quen một cô, con nhà giàu khi đi du lịch tại Hoa Kỳ. Mình bò qua lại Hoa Kỳ năm sau để kiếm việc làm trong khi đi nghỉ hè. Trời thương thì tìm được việc còn không thì trở lại Anh quốc. 48 tiếng sau khi đặt chân đến New York, công ty mỹ nhận mình thì ông bố cô bạn gái, gọi điện thoại kêu đừng liên lạc với cô ta nữa. Thế là số mình định cư tại Hoa Kỳ. Nhờ cô nàng mới bò sang Hoa Kỳ. Nay nghĩ lại, mình phải cảm ơn cô nàng đã chỉ đường cho mình sang Hoa Kỳ, để phát hiện ra đồng chí gái.

Vấn đề ngày nay, ở Hoa Kỳ với chủ nghĩa tự do nên không thể nào cấm cản con được. Khi còn trẻ chúng ta chỉ nghĩ lấy người mình yêu nhưng lấy nhau rồi chưa chắc là ở với nhau lâu vì khi đã thâm nhập và thực tế của hôn nhân, mới khám phá cần nhiều điều khác mới giúp cuộc hôn nhân bền bỉ và sự khoan dung lẫn nhau.


Có lẻ vì vậy 50% các hôn nhân tại Hoa Kỳ đưa đến ly dị, khiến con cái khổ sở vì nghe bố mẹ chửi nhau. Yêu nhau là thì dễ, sống với nhau đến trọn đời mới khó.

Có câu chuyện do một phóng viên chiến trường nữ, người Pháp kể rất buồn. Cô phóng viên đi theo một toán kháng chiến chống ISIS, người Kurdistan, hồi giáo. Cô ta thấy mấy phụ nữ chiến đấu can trường. Vị chỉ huy nam không dám tấn công nhưng mấy bà thì kêu phải đánh. Cuối cùng thì ông chỉ huy trưởng để mấy bà đi đánh bất thần từ địa đạo. Trong đêm tối, họ từ địa đạo chui lên, đánh bọn ISIS tơi bời hoa lá, treo cờ của xứ họ lên.

Phóng viên kể tiểu sử từng bà, chồng con bị giết, bị hãm hiếp đủ trò biến họ thành những con ma, sống lây lất đầy thù hận. Trong cuộc chiến nào cũng vậy, phụ nữ đều là nạn nhân. Có lẻ giới báo chí ít nói đến các cuộc chiến xảy ra ở các xứ nghèo, không phải da trắng. Ở Ukraine, hàng ngày họ báo tin tức các phụ nữ ở Ukraine bị hiếp dâm rồi giết, đủ trò. Khi đọc các báo ở Phi Châu mới thấy nói đến cuộc chiến tàn bạo hơn ở Yemen, Sudan, Syria,… họ bắt phụ nữ, trẻ em để bán làm nô lệ tình dục như xưa. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn

Lá cờ quê hương

 Trong chuyến đi 7 ngày 6 đêm, theo con đường mòn của nền văn minh Inca, leo núi xuống núi, vượt qua các dòng suối để lại cho mình nhiều kỷ niệm khó quên. Những hình ảnh dãy núi Andes cao vời vợi. Đi từ thấp lên núi rồi xuống đồng bằng, phong cảnh thay đổi, Lá hoa. Phong thổ khác biệt, chỉ không có thì giờ để xem, ngắm lâu hơn vì mỗi ngày leo tối thiểu 9 dậm đường hay 15 cây số. Ngày dài nhất là 13.2 dậm, leo lên tổng cộng 5,000 cao bộ, qua hai đỉnh đèo với độ cao 3,000 cao bộ và 2,000 cao bộ. 

Mình thuộc dạng già nhất trong nhóm, đi chậm hơn mấy người trẻ nên phải thức giấc sớm từ 3-4 giờ sáng để leo núi trước họ. Vì nếu khởi hành cùng lúc thì mình sẽ lên tới đỉnh sau họ độ 15-20 phút, bắt họ đợi thêm để mình nghỉ mệt, uống nước. Do đó, mình phải tự động viên, không ăn sáng, đi trước trong khi họ ăn sáng. Khi ngồi nghỉ mệt thì ăn sáng, lấy sức. Đi 10 ngày, dù ăn 3 bữa mỗi ngày nhưng vẫn xuống 5 kí lô. Kinh

Đem lá cờ ra mình bổng nhiên khóc oà như trẻ thơ. Trời lạnh, sương mù, gió thổi trên đỉnh đèo. Nhớ dạo còn bé, có lên núi Bà Đà Lạt một mình khi có phòng trào trừ Ma Quỷ (Mỹ Qua) lên Núi Bà để lấy nước về cúng do mấy chùa Đà Lạt xúi. Mình đi với Mệ Ngoại đến chân núi rồi mình đi trước lên tới đỉnh. Cảm giác tương tự khi đến đỉnh này. Chỉ có khác là ở Núi Bà, mình đói meo râu..
Máy định vị cho biết đã leo lên sau 2 tiếng đồng hồ đến 4,681 cao bộ. Sau khi nghỉ chân 15 phút lại đi xuống phía bên kia. Nếu mình không đi trước nhóm thì họ phải đợi thêm 30 phút, khá lạnh. Mỗi lần lên tới đỉnh, nghỉ xả hơi là phải bận áo ấm thêm để tránh lạnh.

Mỗi ngày, chính phủ chỉ cho phép đâu 200 người leo núi và 300 phu khuân vác. Do đó đến các trạm kiểm soát, họ hay xét sổ thông hành để xem có đúng người, hay không vì công ty du lịch có thể bỏ tên người khác vào. Trên đường mòn nhỏ xíu mà 500 người tranh nhau chen chúc đi cho sớm, rất nguy hiểm. Phía dưới là núi, nhất là các người phụ khuân vác, đeo ba lô hay đồ đạt sau lưng to cồng kềnh, chạy ngang mình.

Leo núi cũng khá nguy hiểm vì đường mòn nhỏ, các phu khuân vác cho các nhóm khiên nặng và phải có mặt sớm để chuẩn bị cơm nước cho các người đi leo núi. Nếu trễ thì nhóm đi bộ như mình không có thức ăn nên họ đi nhanh lắm để kịp thời gian. Thậm chí còn chạy khiến mình thất kinh, mới biết mình già như đồng chí gái kêu: bộ anh tưởng anh còn trẻ hỉ. 


Mình không cẩn thận nép qua bên, có thể bị các hàng do họ khuân vác sau lưng, to lớn đụng người mình, có thể lọt xuống núi. Do đó phải cẩn thận đi bên phía núi, để họ qua mặt bên sườn núi. Mình cứ đi sau cùng vì có anh chàng hướng dẫn viên phụ đi sau. Anh ta biết ai đi phía sau thì cho mình biết để nép bên núi. 

Đi xuống trời ấm nên cởi áo. Viếng mấy nông trại của người Inca khi xưa. Họ dùng đá ong để làm các thang cấp để trồng trọt. Lý do là khí hậu ban đêm rất lạnh nên đá ong trong ngày thâu giữ ánh sáng mặt trời, về đêm thì toả ra hơi nóng phía trong, nơi các khoai tây được trồng. Hình như họ gọi cách trồng trọt khoai tây là Chuno. Xứ này có trên 1,000 loại khoai Tây, họ ủ hay phơi khô để đành mấy năm để ăn vì trên cao lạnh nên không sợ hư thối. Mình có xem 1 phim tài liệu, nói ăn loại khoai tây này thì sống thọ và bổ dương lắm. Không cần uống thuốc bổ dâm của Mình Mạng.

Hôm trước có anh nói ở miền bắc, họ làm bậc thang tương tự để trồng lúa. Đây vì Peru nằm trong cái huyệt động đất nên phải xây tường bằng đá để không bị tàn phá. Xem nhà cửa đều làm theo mô hình hình than để chống động đất.


Có lẻ giây phút để lại kỷ niệm khó tả nhất là khi mình leo đến đỉnh đèo cao nhất của chuyến đi ở 16,800 cao bộ, độ 4.200 mét cao độ. Mình lên đầu tiên nên lấy lá cờ Việt Nam Cộng Hoà ra để chụp ảnh kỷ niệm vì có lẻ mình sẽ không bao giờ đi lại con đường này.  


Lá cờ này này mình tìm từ lâu, từ khi tham gia, tập luyện để leo đỉnh núi Whitney , hỏi bạn bè thì không ai có. Một hôm mình hỏi đài truyền hình Little Sàigòn thì họ cũng không có nhưng họ giới thiệu mình ông chủ tiệm mỹ phẩm Bảo Trâm ở Bolsa. Ông chủ nói ngày mai trở lại, ông ta sẽ tặng cho một lá cờ mới. Hỏi ông ta mua ở đâu thì không nói. 


Trước khi lên đường mình ra Bolsa để lấy lá cờ đem cất trong Vali. Mình thấy trên WeMe, một anh gốc Việt Nam, trẻ, chụp hình với lá cờ Việt Nam, khi leo lên đỉnh Whitney nhưng lá cờ nhỏ bằng bàn tay nên nghĩ kiếm lá cờ to to hơn đem lên chụp, làm kỷ niệm.


Nghe kể có người sẵn sàng trả cho chủ nhân của Phước Lộc Thọ $20,000 để được treo cờ Việt Nam Cộng Hoà trước khu thương mại này như ở khu Eden ở vùng đông Bắc nhưng bị từ khước.


Khi leo lên đỉnh đèo ở cao độ 16,800 cao bộ hay 4.200 mét độ cao. Mình lấy lá cờ Việt Nam Cộng Hoà ra để chụp hình. Bổng nhiên mình khóc oà lên như trẻ thơ. Mình không hiểu lý do. Trước đây khi có hội họp tưởng niệm 30/4 của cộng đồng thì mình chỉ đứng chào cờ như một thủ tục chào cờ Hoa Kỳ mỗi tuần khi tham gia các hoạt động xã hội với người Mỹ nên rất ngạc nhiên về cảm xúc dâng tràn từ đâu đến khi leo lên đỉnh đèo. 


Có lẻ sau bao nhiêu thời gian lê chân từng bước một nối tiếp trong không khí lạnh băng giá và không khí loãng ở độ cao. Cũng có thể gần 30/4, khiến mình nghĩ đến ông cụ phải trải qua 15 năm ở trại cải tạo. Lá cờ mà ông cụ chiến đấu từ thời 18 tuổi tại Sơn Tây. Suýt bị du kích tại làng giết, trốn vào nam, vào quân đội. Ông bà nội bị đấu tố trong cuộc cải cách ruộng đất. Ông bà nội được nâng lên hàng Phú nông, bị con nuôi từ năm ất Dậu, cha mẹ chết nên đem về nuôi, nay quay lại đấu tố suýt chết.

Đến đây nghỉ chân nên cởi giày ra cho nhẹ chân,nhìn xuống thung lũng là dòng sông uốn quanh. Thiên nhiên hùng vĩ.

Nói chung là những hệ luỵ mà gia đình mình gánh chịu trong mấy chụp năm qua, từ 30/4/75 hiện về trong giây phút khiến mình khóc.

Tại đỉnh cao thứ 2 của chuyến đi ở 16,200 cao bộ, 4.000 mét trong khi đỉnh cao nhất của Việt Nam là Fan-Sĩ-Pan chỉ có 2.000 cao độ và Đà Lạt thì 1.600 mét.

Mấy người Mỹ trong nhóm hỏi lá cờ của nước nào. Mình nói của Việt Nam Cộng Hoà khiến họ tò mò hỏi về Việt Nam và khi mỗi lần leo lên một đỉnh đèo là họ nhắc nhở mình lấy lá cờ ra chụp. 


Hôm nay 30/4, mình đang trên đường bay về thủ đô Lima nên viết vài dòng để tưởng nhớ ông cụ. Mình có làm giỗ ông cụ tuần trước, rằm tháng 3, trước lên đường bay đến Peru. Ông cụ với những năm tháng đầy khổ cực đã trải qua suốt 15 năm cải tạo. Mẹ mình và các em nhịn ăn để nuôi tù. Người tù chắc cũng xót xa khi ăn thịt chà bông của vợ con dành cho.

 

Lá cờ mà ông cụ chiến đấu suốt mấy chục năm và chịu đựng nhiều tủi nhục của kẻ thua cuộc. Lá cờ mà mỗi khi kể chuyện về giai đoạn sau 75, mẹ mình luôn luôn kêu: “giải phóng vô con ơi, u cha là khổ. Thời tây bắt bỏ tù, còn ăn sung mặc sướng, thời giải phóng chỉ có bo bo thôi mà phải sắp hàng” rồi chép miệng như nhớ đến bao nổi oan ức của kiếp người đã đi qua.


Mình may mắn không tham gia cuộc chiến; đánh cho Trung Cộng, giết cho Liên Xô hay cho Mỹ nhưng vẫn không quên những người đã nằm xuống cả hai bên, để cho mình có một cuộc sống tự do. Mình có hai ông chú ruột: 1 bị Tây bắn ngoài làng và một bị bom Mỹ dập chết trên đường vào nam trên đường mòn Hochiminh. Chưa kể họ hàng cũng đã hy sinh nhiều trên đường vào nam hay chống lại đạo quân từ miền Bắc vào.


Một ông cậu bà con đã tự tử vào ngày 30/4 tại Sàigòn sau khi khám phá ra bà vợ là nằm vùng.


Mình cảm ơn trời đất đã cho mình sức khỏe để thực hiện chuyến đi này. Bạn học xưa có hai người giã từ cuộc chơi trong tháng này vì bệnh tật. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Lòng nhân ái là vũ khí tốt nhất

 Hôm nay, nhận được hình ảnh, video từ Ukraine khiến mình cảm động. Thấy anh chàng người Ukraine mà mình gửi tiền, mua đồ đem biếu các người già. Mình gửi các hình ảnh cho bà mỹ quen và anh bạn vắng bóng từ 30 năm qua, đã gửi tiền nhờ gửi cho nạn nhân chiến tranh tại Ukraine. Họ rất vui khi nhận hình ảnh từ Ukraine.

Xem hình, mình thấy lạ, nhớ lại những người Pháp, đã giúp đỡ mình khi mới sang Pháp hay những người Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ, Anh quốc,… Những người mình gặp và giúp mình chút gì đó như bữa cơm khi đói thời sinh viên trên đường đời. Nay đến phiên mình, trả ơn họ qua những món quà nho nhỏ từ Hoa Kỳ cho những nạn nhân chiến tranh. Có lẻ mình sẽ không bao giờ gặp họ như những người pháp khi xưa, tặng mình áo quần, giày vớ thời sinh viên.

Thế giới đang chim ngưỡng con mèo Ukraine đang trở thành con sư tử trong việc bảo vệ tự do của xứ họ.

Trong lá thư được chuyển ngữ khiến mình buồn cười. Lý do là người chuyển ngữ sinh trưởng tại miền bắc và từng là du học sinh tại Liên Xô nên văn ngữ rất lạ đối với mình như “giải phóng, xâm lược, đóng gói, bộ đội Nga, bộ đội Ukraine, vận chuyển”,… có một câu khiến mình chới với: “lòng tốt chính là vũ khí”.

Các tin tức chiến sự hôm nay cho biết quân đội Ukraine đã đánh chìm một tàu chiến lớn của Nga Sô. Có lẻ lòng tốt của dân Âu Châu, Hoa Kỳ, Gia-nã-đại,.., những người yêu chuộng tự do, dân chủ đã giúp sức, như đưa “lòng tốt chính là vũ khí” cho người dân Ukraine chống lại “bọn xâm lược”. Mình chỉ mong chiến tranh chấm dứt để người dân đừng chết oan, do những kẻ ngồi trong cung điện, ra lệnh kẻ nghèo xông trận giết nhau để họ hưởng lợi.

Mình tải đây vài tấm ảnh nhận được tuần trước.

Cuối tuần này mình đi Arizona rồi sẽ đi Peru để leo núi 7 ngày. 7 ngày không có Internet. Để xem sao? Mình chỉ đem theo máy chụp hình















Mình đem theo carnet d’esquisse để xem có vẽ được hay không. Nếu không thì quay video và chụp hình, ghi lại kỷ niệm leo núi ở miền Nam Mỹ. Lần đầu tiên mình xuống Nam BÁn Cầu. 7 ngày không Internet để xem có sống sót hay không. Một trải nghiệm mới trên núi.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hành trình xin chiếu khán cho mẹ

 Năm kia, mình mời bà cụ sang Hoa Kỳ chơi sau tang lễ ông cụ thì khám phá ra cô em sống ở Phila đã bảo lãnh bà cụ theo dạng di dân nên đành phải đợi vì toà lãnh sự nói nếu muốn đi du lịch thì phải huỷ đơn xin lưu dân.

Ông bà cụ mình sang Hoa Kỳ chơi mấy lần nhưng không thích ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc, cứ đòi về nên mình không bảo lãnh theo dạng lưu dân. Cô em kể; bà cụ có một người bạn thân được con bảo lãnh sang nên mẹ kể chuyện có vẻ ấm ức vì có con ở hải ngoại, mà không được bảo lãnh nên cô em làm đơn bảo lãnh dù biết mẹ sang đây sẽ buồn.
Năm ngoái được giấy tờ chấp nhận cho lưu dân thì bay sang ở với gia đình cô em mấy tháng, dài lê thê đợi giấy tờ nhập cư xong xuôi thì mới sang Cali. Bà cụ oải quá, cứ nằm nhà xem phim bộ. Hết phim Hàn đến phim Đài rồi đến phim tàu nên Chán Mớ Đời.
Đòi về.
Mình phải bay sang, đưa đi chơi một tuần ở vùng Đông Bắc mới nguôi.
Mình tính lấy vé cho bà cụ về Việt Nam ăn Tết vì bà cụ than chán đời, cứ kêu cho mạ về ăn Tết. Sau nói chuyện với bà dì sao đó, bà cụ lại thôi, kêu đợi mình lo xong giấy tờ thuế năm nay rồi đưa về trước ngày giỗ ông cụ.
May sao mình làm tài khoản Facebook cho bà cụ nên vui ra mặt, cứ gọi con cháu, bạn bè ở Việt Nam vào những giờ giấc thiên hạ đang ngủ hay làm việc. Lên facebook, xem hình, gọi bạn bè ở Việt Nam cũng đỡ buồn hoa phượng.
Mẹ già khoe có cháu học đại Nam Cali USC.
Trên đường về Việt Nam, máy bay ghé lại Đông Kinh, nên mình nghĩ nhân tiện đưa bà cụ đi xem hoa Anh Đào nở vào tháng 4 ở Nhật Bản. Chỉ cần quá cảnh thêm vài ngày tại Nhật Bản, giá vé cũng như nhau. Kêu công ty du lịch lấy vé xong thì mới giác ngộ con gà kê là bà cụ chưa có sổ thông hành Hoa Kỳ, vẫn phải sử dụng sổ Thông hành của Hà Nội đi đó đi đây, nên phải xin chiếu khán vào nhật bản. Có sổ thông hành Hoa Kỳ thì đi tứ xứ được, ngoại trừ các nước cộng sản thì phải xin chiếu khán. Ngược lại bà cụ thì đi xứ nào cũng phải xin giấy phép, ngoại trừ xứ anh em Kampuchia. Chán Mớ Đời
Năm ngoái mình đi 7 nước ở Đông Âu, tính đưa bà cụ theo nhưng nhiêu khê lắm, vì phải xin chiếu khán đủ trò. Một nước đã oải nay chơi 7 nước. May là hè năm ngoái, bà cụ đi chơi với gia đình cô em ở xứ Cộng Hoà Domenican được một tuần. Một nơi du lịch quốc tế nên họ dễ dãi, ai vào cũng được, không cần chiếu khán hay chiếu tướng gì cả vì không có ai dại sang ở lậu mấy xứ này. Xứ này khôn hơn Hà Nội.
Trước kia, du khách muốn viếng Việt Nam, phải gửi sổ thông hành để xin chiếu khán nên đa số không muốn đi, họ đi Thái Lan, Mã Lai,…bên cạnh dù đắt hơn vì không cần chiếu khán. Muốn du khách đến tham quan, xài tiền thì cần bớt những thủ tục hành chánh, giúp họ thoải mái đến tiêu tiền thay vì gây khó khăn, chiếu khán đủ trò.
Đọc báo, kể là Thái Lan mở cửa du lịch cho ngoại quốc, thiên hạ đến đông như quân Nguyên. Họ nói đẹp và rẻ hơn Hạ Uy Di, dân tình phục vụ với nụ cười trên môi, không quát tháo như ở Việt Nam, phải ăn bún cháo chửi. Họ gọi Thái Lan là hòn đảo đầy nụ cười.
Đến khi một ông người Úc, làm cho du lịch viết báo, cho rằng Hà Nội bắt du khách đóng mấy chục để có chiếu khán, lại mất mấy trăm đô vì du khách đến Việt Nam, ở lại ít nhất 5 đêm, họ chi tiêu tối thiểu mỗi ngày là $100.00 xem như $500 chưa kể là khách sạn, thêm tạo công ăn việc làm cho người sở tại. Nhờ đó mà nay họ bớt rườm rà cho ai đến Việt Nam dưới 15 ngày. Nghe nói vẫn đợi chờ mệt thở, nhất là khi đến phi trường ở giờ giấc thiên hạ đã lên giường gần nữa đêm. Chưa nói đến vấn nạn chôm đồ hay hải quan làm tiền.
Đi xin chiếu khán cho mẹ mới hiểu ông nào ở Việt Nam đi du lịch với hộ chiếu Việt Cộng, kêu nhục như con chó, bị dân ngoại quốc hành lên hành xuống. Mình có thấy cảnh này tại phi trường Nhật Bản, đang đi vòng vòng trong khi đợi tàu bay về Hoa Kỳ, thấy một nhóm du khách người Việt, bị hải quan Nhật Bản, kêu vào phòng để làm gì đó, không biết. Cử chỉ ông này rất nghiêm nghị, xét sổ thông hành đủ trò.
Thấy cần hình căn cước nên hai mẹ con ra Costco để chụp. Ai ngờ Costco ở Garden Grove, đóng cửa quầy hàng chụp hình nên phải đi chỗ khác. Mình hiểu ngay lý do, họ dẹp tiệm chụp hình ở đây. Lý do là người Việt ở vùng này đông như quân nguyên mà họ Nguyễn, Lê, Trần đầy như chim chóc. Khi người Việt gửi hình để rửa thì họ bỏ phong bì, đề tên Nguyen T, T Le, T Tran,… khách hàng gốc việt đến quầy lấy, cứ thấy tên Le, Tran, Nguyen là cứ bóc ra, không cần biết có đúng biên lai mã số, không phải của mình thì quăng lại, hình ảnh rớt tùm lum nên quầy chụp hình, rữa ảnh ở khu này bị lỗ 500% nên họ dẹp tiệm. Khi xưa, mình ở vùng này, đi rửa hình là ngọng vì phong bì bị xé, quăng đủ phía nên phải chạy xa khu người Việt để rửa hình, nay thì có máy in ở nhà. Người Việt ra hải ngoại, vẫn thủ cựu, không muốn mang tiếng mất gốc nên giữ gìn những thói quen di truyền từ xưa. Chán Mớ Đời
Lên mạng của toà đại sứ Nhật thì mình điền đơn cho mẹ rồi in ra, đem theo giấy tờ, vé máy bay, khách sạn đủ trò. Lái xe lên Los Angeles, kẹt xe tùm lum, đi đậu xe có 1 tiếng, phải trả $26.00. Chán Mớ Đời
Vào toà lãnh sự, họ kêu phải có bản sao của thẻ thường trú nhân của bà cụ tại Hoa Kỳ, mình nói họ làm bản sao mình trả tiền, bà thư ký kêu không, ra ngoài kiếm chỗ nào làm, đây không có dịch vụ này. Họ lại kêu, đem thêm bản sao của trương mục ngân hàng của mình, và điền thêm chi tiết mỗi ngày đi Nhật Bản,…. Thế là hai mẹ con lái xe về, hẹn mai trở lại. Phải lên mạng xem chương trình viếng thăm nhật bản để ghi tên những địa danh, đi đâu, ngày giờ. Mình đã đi với gia đình cách đây 10 năm nên cũng dễ, mò lại những chỗ cũ. Xong om
Hôm sau, mình đi xe lửa lên L.A., nghe bà ở công ty du lịch bảo bà cụ không cần đi theo. Bà cụ lên xe là mệt, chóng mặt vì xe chạy ào áo trên xa lộ nên mình nói thôi ở nhà, khỏi đi. Chạy xe ra nhà ga gần nhà, đậu xe rồi lấy xe lửa đi cho tiện, khỏi mất công lái xe.
Tính tải về cái App của Amtrak hay Metrolink để mua vé nhưng còn thì giờ nên bò lại quầy bán vé. Ông cán bộ bán vé rất lịch sự, chào hỏi vui vẻ rồi kêu máy điện toán bị sự cố, thử mua vé ở máy tự động. Ra máy tự động cũng bù trớt nên ông ta kêu tới máy của Metrolink xem. Metrolink thì mua được nên đi đường Metrolink, chậm hơn vì ngừng lại 2 chỗ.
Xe lửa kêu 9:07 sáng mà 9:37 mới bò lại, mới hiểu tại sao công ty xe lửa Hoa Kỳ Amtrak cứ bị thua lỗ hoài. Metrolink thì 9:16 thì đúng giờ. Chán Mớ Đời. Mấy chục năm nay, mới đi lại xe lửa. Cái gì mà nhà nước nhúng tay vào là lỗ học gạch tương tự bưu điện. Không xứ nào tránh khỏi vấn đề này. Nhân viên nhà nước thì làm theo năng suất hưởng theo nhu cầu nên cứ tà tà, không cần chạy xe đúng giờ vì không sợ bị đuổi việc.
May quá, họ ngưng thực hiện chương trình xe lửa tốc hành từ San Francisco xuống miền nam. Dân cali mất trắng tay 3 tỷ đô cho chồng của bà thượng nghị sĩ Dân Chủ Feinstein, được vợ hậu thuẩn giúp thắng cuộc đấu thầu để xây dựng tuyến đường này. Hai vợ chồng này đã đi tây nên không biết chừng nào đường xe lửa Nam BẮc Cali sẽ được thực hiện. Họ đang tuyển nhân viên để làm tuyến đường xe lửa Cali-Las Vegas.
Xuống bến đợi xe lửa thì máy phóng thanh kêu bạn không lẻ loi, đơn côi, hãy gọi đường dây nóng phòng tự tử. Chán Mớ Đời
Mẹ già lướt Facebook 
Lên đến toà lãnh sự, chúng hỏi mẹ mày đâu, nói ở nhà, hôm qua lên không thấy chúng mày hỏi han gì cả. Chúng bảo phải có mặt mẹ mày. Lại cuốn gói đi về. Mình căm thù bọn Nhật tính không đi Nhật nữa, đi Nam Hàn hay Đài Loan, Hong Kong, hỏi ra thì cũng phải xin chiếu khán. Với sổ thông hành Việt Nam chỉ đi có mỗi Campuchia là không phải xin chiếu khán. Chán Mớ Đời
Căm thù nhưng hôm sau phải bò lại xin chiếu khán cho mẹ. Mẹ mình từng sống ở Việt Nam 86 năm qua, quen bị hạch sách cả đời nên dễ chịu đựng. Mình thuộc dạng phản động từ bé nên cả đời cứ bực mình khi bị ai tra hỏi. Nhìn mẹ buồn buồn, hỏi xin được không con, hay khỏi đi đỡ tốn tiền khiến mình nhớ lại thời xưa, mẹ đi buôn bán, tảo tần nuôi mình đi tây nên đành cắn răng, căm thù bọn Nhật nhưng cũng xem lại giấy tờ, hoàn chỉnh lại.
Đi xin chiếu khán cho mẹ, làm mình nhớ đến một kỷ niệm, xét lại rất quan trọng trong cuộc đời mình.
Thông thường, ăn cơm trưa xong thì mình chạy ra chợ Đàlạt xem mẹ có cần chở gạo, giao cho ai hay chạy lòng vòng lo giấy tờ chi cho mẹ. Ai mua gạo, ngại thuê xe Lam chở về thì mẹ đồng ý giao tận nhà khiến họ thích nên mua của mẹ và mình có nhiệm vụ giao gạo tại nhà họ, còn ai mua nhiều thì có ông xe Lam cạnh nhà, chở vào buổi sáng, sau giới nghiêm vì mẹ không có môn bài bán gạo, xem như buôn gạo chui. Mình chở bằng Honda thì không ai để ý, tưởng mua rồi chở về nhà.
Mẹ già đi xin chiếu khán tại toà lãnh sự Nhật Bản.

Một hôm, mẹ mình kêu chở bao gạo thơm đến nhà bà cây xăng Esso, ở đường Hai Bà Trưng. Mình vác từ trong kho cả 50 thước, bao gạo thơm, bỏ lên xe Honda, chở đến nhà bà này. Đến nhà giàu có cái khổ là cổng kín tường cao, rồi chó sũa đủ trò, đợi cả 10 phút mới thấy bà người làm đi ra. Hách dịch kêu muốn gì trong khi con chó cứ sũa có lẻ nó đánh hơi mình là dân ăn thịt chó dù chỉ có hai lần trong đời. Nói đem lại bao gạo, người làm hất mặt, kêu đứng đó với con chó gầm gừ gầm gà ngay cổng, vào nhà hỏi chủ. Đúng là người làm của nhà giàu nên ăn ké chủ, khiến mình căm thù bọn nhà giàu. Có chứng kiến mấy trường hợp này mới hiểu truyện của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,…
Một hồi sau, bà ô sin cao cấp đi ra, mở cổng, kêu đừng nổ xe vì ồn, có người đang ngủ trưa, để xe ngoài đường khiến mình phải bê bao gạo 50 ký từ ngoài cổng đi vào nhà. Cái giống người làm, dựa hơi chủ, kiểu CM30, cứ thấy mình là bắt nạt, bắt lao động quang vinh tường như để khẳng định giai cấp ô sin của họ. Vào nhà thì thấy thằng Nam Esso, ngồi ăn bánh, mình kêu khoẻ không mày thì hắn đếch chào mình. Thằng này học chung lớp nhưng gặp mình nó cứ như quan nhớn nhìn Chí Phèo. Con nhà giàu có khác.
Lúc đó, mình mới thấm vai vế bần cố nông của mình là chẳng có thằng nào muốn làm bạn ngoại trừ gốc bần cố nông như mình. Bà cây xăng Esso, lấy cái đinh xăm xăm bao gạo để gạo lòi ra mấy hột gạo rồi kêu gạo không đẹp. Đem về. Đổi cho bao khác khiến mình, đang còn thở hồng hộc, bê bao gạo 50 ký, điên tiết lên, bỏ về. Bê bao gạo 50 ký ra ngoài cổng trong khi con chó sũa tường như mình ăn cắp gạo nhà chủ nó. Tình ngay lý gian nhưng không biết cách nào giải thích cho con chó địa chủ, cường hào ác bá này đang gầm gừ, sũa như điên vì không biết sũa làm sao cho nó câm mõm, lại sợ nó táp cho một mảnh.
Ra chợ, mình lại bê bao gạo vào kho, rồi nói bà cụ là không đến nhà mụ Esso nữa, kêu nhà giàu phách lối. Chiều đó, mình đi đánh bi da về, chạy ngang đường Hai Bà Trưng, thì thấy xe ông cụ đậu trước nhà cây xăng Esso, nhìn vào thì thấy bà cụ, dạo ấy đang có bầu cô Nhỏ, đang bê bao gạo với ông cụ cũng từ ngoài đường vào, miệng thì phân trần, xin lỗi cho thằng con mất dạy. Hình ảnh đó, mẹ mình có bầu, thay mình khệ nệ bưng bao gạo vì mình căm thù giai cấp giàu có, thêm mụ ô sin, không chịu mở cổng cho xe vào khiến mình điên tiết bị người giàu làm khó dễ đi theo mình cả đời.
Sau này có con mới hiểu cha mẹ phải ngậm đắng, nuốt cay khi bị khách hàng, chủ chửi bới để có tiền nuôi con. Mình điên lên, như trời ị trúng đầu, bổng giác ngộ cách mạng và từ đó không đi đánh bi da nữa, bắt đầu học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm để thực hiện giấc mộng đi tây.
Trước khi đi Tây, mình rút tiền để dành ở ngân hàng mà bà cụ cho mỗi lần đi vác gạo giao cho người ta thì được tổng cộng 40,000 đồng, hai tháng lương ông cụ, đưa cho bà cụ mua vé máy bay đi Tây. Kinh, thay vì đi đánh bi da mình để dành tiền lên đến 40,000 trong vòng 2 năm. Không biết vác bao nhiêu bao gạo cho nhà giàu, được cái là mình khôn ra, sau vụ bà Esso, mình đâm ra hiền hoà, làm người khuân vác gạo ưu tú, thấm nhuần đạo đức bần cố nông. Nhờ đó mà sau này mình không tiêu bậy bạ, có tiền là để dành. Như ông ngoại mình khi xưa hay nói nhịn thuốc mua trâu nhịn trầu mua ruộng khi đang phì phà điếu cẩm lệ. Chán Mớ Đời
Nhật chúng làm khó nhưng mình đành cắn răng đi xin chiếu khán cho mẹ vì có thể mẹ sẽ không có cơ hội đi Nhật sau này. Năm nay 86 tuổi, mà còn đi Hoa Kỳ được là khá. Về Đàlạt chuyến này, không biết có trở lại Hoa Kỳ hay không, dù có giấy tờ thường trú nhân hay ớn bị overdose xem phim bộ. Phải ký giấy đủ trò, bảo trợ bà cụ để nộp cho toà lãnh sự Nhật.
Mẹ già được đi hạng thương gia, rộng rãi, có giường nằm bay đêm
Kỳ này về, mình mua vé hạng nhất cho mẹ, để có ghế nằm suốt chuyến bay, cho tiếp viên nhật hầu cho vui. Lần trước, mình về Việt Nam, dẫn mẹ đi kampuchia chơi, cho ở khách sạn 5 sao, phòng ốc presidentail suite, có phòng ăn cho gia đình, phục viên lên tận phòng lo cơm cháo, phòng tắm còn to hơn nhà của mẹ ở Đàlạt, có người hầu nên mẹ có vẻ thích lắm. Cứ u chầu u chầu, tốn bao nhiêu ri con, ở chỗ vừa vừa, còn cho mạ xài vì xót tiền. Đồng chí gái kêu mạ đừng có lo, ở cho sướng, kêu người đấm bóp cho mạ trong phòng. Được cái là đồng chí vợ và mẹ mình đều thích đấm bóp nên ngày nào cũng đi kêu người ta lên phòng đấm bóp.
Nhớ có lần mẹ sang Hoa Kỳ một mình, đi chơi hè với gia đình mình nên mời một người bạn của mẹ sang đây thời di tản. Bà bạn của mẹ cứ cảm ơn hoài mỗi lần vợ chồng đến thăm. Bác kể là lần đi chơi với gia đình mình quá vui. Lần đầu tiên trong đời được ở khách sạn sang rồi ăn ngon thả dàn lại được đồng chí gái cho tiền đánh bài ở Las Vegas. Mới biết có nhiều người sang đây, con cháu không có thời gian dẫn đi du lịch, cứ lui hụi trong nhà.
Hôm sau, đi với bà cụ lên xe lửa. Hai mẹ con trả tiền xe lửa còn rẻ hơn tiền đậu xe 1 tiếng đồng hồ. Chán Mớ Đời
Đến nơi thì kêu Uber, chở hai mẹ con lại toà lãnh sự. Hôm qua mình đi bộ vì có mấy cây số. Kỳ này thì chúng kêu Ok. Nếu chúng cần gì thì sẽ gọi mình hay email còn không thì thứ 6 ghé lại lấy sổ thông hành và đóng $27 tiền tươi. Chúng lại bồi thêm câu “Mẹ mày không cần đi, chỉ cần ký tờ giấy, uỷ quyền mày lấy dùm sổ thông hành” khiến mình điên luôn. Chán Mớ Đời
Còn 3 tiếng mới có chuyến xe lửa về lại Quận Cam, dẫn bà cụ đi viếng viện bảo tàng MOCA, nhà hát lớn do kiến trúc sư Frank Gerry thiết kế, bên cạnh là nhà hát mà khi xưa hay tổ chức giải Oscar, bảo tàng The Broad, mình chỉ một toà nhà mà khi xưa có thiết kế khi làm cho công ty kiến trúc I.M. Pei, chụp hình cho mẹ đủ trò.
Sau khi được chiếu khán thì đi vòng vòng tham quan Los Angeles.
Mẹ già đi xe lửa để xin chiếu khán
Mình khám phá ra là bà cụ nay 86 tuổi mà vẫn thích làm đỏm. Khi xưa, sinh năm một nên cả đời ít khi son phấn. Năm khi 10 hoạ, đi ăn cưới ai mới đi uốn tóc ở tiệm Ba Lê ở đường Phan Đình Phùng, góc Minh Mạng. Hàng ngày quanh năm suốt tháng ra chợ Đàlạt, buôn bán, không có thì giờ trang điểm, nay về già lại bị nhiễm tư duy đế quốc tư bản, mất lập trường cách mạng, hết muốn làm người mẹ anh hùng, bà nội ưu tú, bà ngoại nhân dân. Chán Mớ Đời 
Vui là khi chụp hình, mẹ kêu đợi để mẹ làm đỏm, đeo kính mát, đủ trò. Vào trong nhà cũng đeo kính mát,… Được cái là mình được đồng chí vợ cải tạo thành người chồng nhân dân từ mấy chục năm nay nên tương đối không ngạc nhiên khi làm người con nhân dân. Bà cụ ngồi chơi nhìn trời nhìn đất, kêu xứ người ta sao thanh bình quá, không ồn ào, không nghe tiếng bóp còi, lại nghe chim hót trên cây ở ngay khu phố L.A.
Hôm sau, đưa bà cụ đi viếng vùng Lake Elsinore, nơi có hoa Poppy. Cuối tuần vừa rồi, mình đi học nên đồng chí gái đi với mấy người bạn. Nghe nói có trên 100,000 người đến xem hoa dại khiến thành phố phải đóng của và mở lại 24 tiếng sau đó. Chưa tới 9:00 sáng mà xe đầy. Khám phá ra sau cái đồi là miếng đất 17.5 mẫu mình mới mua. Chán Mớ Đời. Cứ nói đồng chí gái với mấy bà bạn lên khu đất mình xem khoẻ con gà kê, không phải đợi chờ, tha hồ mà chụp hình.
Hôm nay, hai mẹ con lại lên đường, lấy xe lửa lên toà lãnh sự. Gặp mình, bà nhật kêu ok. Đưa 27 đô tiền tươi lấy sổ thông hành với cái chiếu khán. Bà cụ vui như trẻ thơ.
Kêu bà công ty du lịch lấy vé máy bay. Cuối tuần này phải lên chương trình đưa mẹ đi xem hoa Anh Đào xứ Phù tang.
Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn 

Du hành với mẹ tại Nhật Bản

 Hôm nay, Facebook nhắc đến chuyến viếng thăm Nhật Bản với mẹ 3 năm về trước. Chuyến đi nhớ đời. Mình nghe lóm mẹ nói chuyện với cô em qua điện thoại; anh cho mạ đi nhiều nơi rồi, ni cho đi thêm Nhật Bản nữa là mạ mãn nguyện, không đòi hỏi chi nữa. Người ta có tiền chưa chắc là đi được, vì không có sức khỏe, người có sức khoẻ lại không có khả năng đi. Mạ nhứ rứa, không tiền không bạc mà đi được là vui. Xong om

Mọi lần khi mẹ viếng thăm Cali xong thì mình đưa mẹ ra phi trường dặn dò hãng máy bay để họ lo cho mẹ trên chuyến bay về Sàigòn. Kỳ này, mình đưa mẹ về Việt Nam, luôn tiện giỗ ông cụ. Máy bay sẽ ghé phi trường Nhật Bản nên mình tư duy đột phá sao không đưa mẹ quá cảnh thêm vài ngày tại Nhật Bản. Mỗi lần về Việt Nam, gia đình mình đều quá cảnh mấy ngày tại Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Cộng,… Nghe đi chơi ở Nhật Bản khiến mẹ mình sung sướng và nói chuyện với mấy cô em.


Khi đi xin chiếu khán cho mẹ tại toà lãnh sự Nhật Bản ở Los Angeles rất nhiêu khê vì phải lên đó đến 4 lần mới được vì mẹ có thẻ xanh cư trú tại Hoa Kỳ nhưng vẫn sử dụng sổ thông hành của Hà Nội. Bị toà lãnh sự hành nhưng mình đành ngậm câm, nụ cười hàm ếch với họ.


Mỗi lần gặp mẹ, đều có đi chơi ở Hoa Kỳ, ở Cam Bốt, Việt Nam nhưng phải công nhận chuyến đi đột xuất tại Nhật Bản để lại cho mình đầy ấp kỷ niệm với mẹ nhất là được mẹ kể chuyện đời xưa, từ bé đến khi vào Đà Lạt, làm ô sin cho người bà con, sau đó ra riêng, lấy chồng, lo cho em ăn học, cho ông bà ngoại. Nghe kể là có những chuyến du hành từ 20 năm về trước, mẹ vẫn nhắc đến với bạn ở Đà Lạt hay Sàigòn.


Nói chung cuộc đời mẹ rất đặc biệt. Là một cuốn sử qua các thời đại của thế kỷ 20. Sinh ra trong thời Pháp thuộc, trải qua những năm tháng việt minh, rồi Nhật Bản chiếm đóng, đến thời Việt Nam Cộng Hoà, khổ nhất là thời Việt Cộng vào Nam sau 75. Chồng học tập cải tạo 15 năm thăm nuôi, một mình lo cho 10 đứa con. Nay tuổi xế chiều mới có chút nghỉ ngơi. Ở tù vì theo Việt Minh, rồi bị Việt Nam Cộng Hoà bắt, rồi bị đồng chí khi xưa, tập kết, về lại đì chết bỏ vì lấy chồng ngụy quyền.


Đi Nhật Bản với mẹ, chỉ có hai mẹ con, mình nhận ra những điều rất thường đối với mình nhưng lại xa lạ với mẹ. Nhìn mẹ đi máy bay hạng thương gia lần đầu khiến mình thương. Cứ hỏi bao nhiêu rứa con, đi hạng thường, để tiền xài. Cả đời mẹ tảo tần nuôi con ăn học, rồi nuôi 10 đứa con, nuôi chồng cải tạo 15 năm nên không bao giờ dám xa xỉ tiêu xài như bao người khác ở cùng xóm. Đó là tấm gương hy sinh đời mẹ củng cố đời con, không bao giờ nghĩ đến mình, chỉ buôn bán, cần kiệm để dành cho những bất trách cuộc đời dành cho mẹ từ bé.


Ra phi trường, không phải đợi lâu để làm thủ tục lên máy bay vì đi hạng thương gia nên thủ tục nhanh chóng, có người đẩy xe mẹ vào phòng đời, có thức ăn, champagne,… mẹ nhìn thức ăn nhất là thấy thiên hạ trong phòng đợi riêng uống bia, champagne, mẹ hỏi có phải trả tiền không. Mình nói đã trả hết trọn gói rồi, cứ tự nhiên. Nghe thế, mẹ bảo “răn mình không làm một ly Champagne hè?” mình đi lấy champagne cho mẹ. Mẹ ngồi nhấp nhép ly champagne nhìn về xa xăm, không biết mẹ nhớ tới kỷ niệm nào.


Mẹ hỏi hoài về giá tiền hạng thương gia nên cuối cùng mình phải trả lời để mẹ khỏi hỏi nữa, ai ngờ khiến mình thất kinh. Mẹ như bị trúng gió, mặt xanh như tàu lá, lấy chai dầu xanh trong ví ra xoa xoa. Mình phải giải thích khi có công ty riêng thì khi đi máy bay hạng sang, giá tiền tương tự như hạng thường của người đi làm công cho thiên hạ.


Điển hình một người đi làm như vợ con, mỗi tháng lãnh $10,000, đóng thuế và an sinh xã hội, bảo hiểm,…mất 48%, còn $5,200 để mua cái vé đi Việt Nam, đại loại $1,000, phải cộng thêm 48% tiền đóng thuế, xem như $2,000. Con làm thương mại trả gấp đôi cũng $2,000, được khấu trừ trước khi đóng thuế, nhiều khi lại rẻ hơn là người đi làm công. Nói như vậy nhưng mẹ mình chắc không hiểu vì quen lối sống tại Việt Nam.


Lên máy bay, được chiêu đãi viên đến lấy áo ngoài đem đi cất, sau đó đến hỏi uống gì. Champagne hay nước ngọt. Mẹ hỏi có phải trả tiền không mình nói không thế là mẹ reo lên Ờ cho mạ ly champagne để nhớ trước 75, mỗi lần sinh con đều mua một chai champagne uống ăn mừng.


Uống xong Champagne, mạ kêu răn mà ghế bự rứa hè, dành riêng cho mình thôi. Mẹ tự động mở truyền hình xem phim Việt Nam, đeo headphones khiến mình vui.


Có lẻ hôm mẹ vui nhất là mình mướn bộ đồ kimono cho mẹ đi dạo phố và chụp hình ở Studio. Mẹ tung tăng như đứa bé được quà. Thường là mẹ lo tốn tiền nên lúc nào cũng hỏi giá tiền rồi tính nhẩm trong đầu. Mẹ mình tuy chưa bao giờ cắp sách đến trường nhưng làm tính nhẩm nhanh như chớp sau bao nhiêu năm buôn bán. Nhất là ở tuổi 86.

Mẹ bận trang phục Nhật Bản, không thua gì người Nhật Bản.

Hôm ấy, mẹ thay vì chụp 3 kiểu như mọi người, mẹ thấy người ta chụp thêm kiểu cầm dù nên đòi thêm 2 kiểu nữa. Dẫn mẹ ra đường, bận Kimono như bà nhật, đeo dép xúm xính rất dễ thương.


Có hôm ở Đông Kinh, mình có dắt mẹ đến toà nhà International Forum, mà mình có dịp thiết kế khi làm việc cho kiến trúc sư Rafael Vignoly ở New York. Thấy nụ cười của mẹ trên môi, kêu con vẽ cái ni. Mình nói vẽ chung một nhóm lận. Mẹ kêu chụp cho cái bóng.

Mẹ trước tiệm cho thuê áo Kimono

Mẹ lên Facebook 


Khi đi viếng hoàng cung Nhật Bản, trời mưa, thấy mẹ cầm cái dù thấy thương, miệng cứ kêu đẹp hơn Thành nỘi mình.


Đi đến viếng Hiroshima, nơi Hoa Kỳ bỏ trái bom nguyên tử, mẹ thấy người ta lấy cái chuỳ đánh cái chuông. Cũng cuốc bộ với mình được 9 cây số trong ngày.

Mẹ leo núi một mình, không cần mình vịn

Thăm viếng Tokyo International Forum, do mình và một nhóm kiến trúc sư khác thiết kế khi xưa tại New York, năm 1990-1991. Mình hy vọng công ty gửi mình sang Nhật Bản nhưng cuối cùng thì một tên đồng nghiệp người nhật, được gửi đi để lo phần xây cất. Dự án này được thắng qua concour.
Mẹ dống cái chuông để cầu nguyện cho các linh hồn đã chết trong vụ nổ bom nguyên tử

Hôm đi Kyoto chơi, đi suốt một con đường cạnh bờ sông, đầy hoa đào, mẹ cứ đứng bên hoa kêu mình chụp đủ kiểu. Có lần leo núi có mấy cái cột đỏ đầy lối, mẹ ngồi nghỉ bên ghế đá, bổng mẹ kêu hai vợ chồng người Úc, ngồi bên cạnh rồi chỉ mình rồi chỉ ngực kêu “maman”. Hai vợ chồng người Úc kêu chúc mừng đi chơi với con. Mẹ cứ cười cười dù chả hiểu gì.

Cặp vợ chồng từ Úc 


Mình nghĩ có diễm phúc để đi chơi với mẹ. Sau này có giàu có mà mẹ không đi được hay trả nhớ về không thì cũng trễ. Thật ra, không cần đi nơi sang trọng. Một cô em mình, đột xuất, xin nghỉ rồi đưa mẹ ra Nha Trang chơi, tắm biển, mua cua cá về nhà, nấu ăn, cũng có những giây phút bên nhau rất trân trọng. Những giây phút này rất chậm, tạo thành những kỷ niệm riêng tư, khó quên.

Một ngày nào đó, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh trả nhớ về không như người bạn của ông Đổ Trung Quân.


Mình đang lo đi Dubai, làm cuộc họp mặt các anh em và các cháu hè này. Mình sẽ chi hết cho mọi người để mẹ có một tuần lễ thấy con cháu xum vầy bên mẹ. 


Còn nhiều chuyện nữa mà mình đã kể, sẽ tải lên đây lại trong tuần này. Tuần sau mình sẽ leo núi Machu Pichu nên sẽ không có bài trong vòng 10 ngày.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen

Nguyễn Hoàng Sơn 

 

Du ký với người thân

 Kể về chuyến đi chơi kỳ này mình nhận được khá nhiều còm nên tóm tắc lại. Ai có cha mẹ, về già đều muốn làm việc gì đó cho cha mẹ như để nói lên sự cảm ơn hy sinh gian khổ để nuôi mình lớn khôn.

Vấn đề là phải có sự đồng thuận của cha mẹ. Ông bà cụ mình sang Hoa Kỳ chơi năm 2000, năm 1995 thì phải, có đi Tây chữa bệnh cho mẹ rồi sau đó, ông cụ nổi hứng không muốn đi đâu chơi nữa. Bà cụ muốn sang mỹ thăm cháu nội, cũng tiện cho vợ chồng mình vì về Việt Nam thì tốn tiền nhiều hơn vì 4 cái vé máy bay. Mỗi năm qua Hoa Kỳ chơi ít tháng là vui, hè mình chở đi nghỉ hè với gia đình mình cho biết đó đây. Ông cụ không đi nên bà cụ buồn nhưng phải ở lại Việt Nam.
Có lần bà cụ bực mình hay sao đó, kêu con cháu đóng tiền visa rồi đi du lịch một mình qua mỹ khiến ông cụ trớt quớt, cứ tưởng là không có ông cụ là bà cụ không dám đi. Sau này cũng đi thêm một lần thì phải, lần này là lần thứ 4.
Có cô giáo dạy việt văn năm 5 ème, nghe mình kể về đi du lịch với bà cụ, kể có con gái muốn đưa đi Nhật Bản chơi nhưng không chịu đi vì lực bất tòng tâm. Ở Nhật Bản, khi đi ra ngoài Đông Kinh thì mình nhận thấy người già rất đông, có người chống gậy, xách giỏ đi chợ. Hôm qua, leo núi Inari thì thấy có nhiều người lớn tuổi, chống gậy, lưng còm 90 độ mà vẫn leo thang cấp, nhất là đi một mình, không có con cháu đi theo. Cho thấy khi con người quyết làm cái gì thì không quản ngại chi cả, còn không thì cứ vịnh cớ là già rồi. Bà cụ mình 86 tuổi mà mình cho leo lên núi 4 cây số, không hổ danh là dân Đàlạt.
Ông cụ mình về già, cảm thấy thừa thải vì không lao động nữa nên hay giận hờn, muốn con cháu xin lỗi, chìu theo ý mình,…tạo dựng một chút quyền lực vớ vẩn, vô hình trung gây thêm buồn phiền cho con cháu. Con cháu rủ đi chơi thì không chịu đi, như muốn con cháu năn nỉ ỷ ôi nhưng nếu con cháu, vợ đi chơi thì giận hờn, trách móc. Cái đó là nguyên do các gia đình Việt Nam cứ làm khổ nhau.
Dạo này con cháu lớn nên lâu lâu đồng chí gái hay đi chơi với mấy cô bạn thời Trưng Vương, để tìm lại những giây phút êm đềm của thời con gái nên mình vô tư vì ai biết được ngày mai. Có cô bạn kêu năm ngoái đi chơi với bạn bè, nay nằm nhà rên đau khớp xương.
Mẹ mình thì không bao giờ nghĩ đến mình, chỉ chịu đựng. Đi chơi kỳ này, chỉ có mình và mẹ nên mình mới hiểu thêm về mẹ thay vì cứ kết luận như xưa. Không thấy mẹ lên tiếng đòi hỏi thì nghĩ mẹ như cái bóng đi bên lề đường của cuộc đời. Khi xưa, ông cụ còn sống thì ông cụ quyết định hết dù sai trái nhưng mẹ mình vẫn không cãi, chỉ biết khóc thầm.
Hôm trước, ở ngoài bãi biển, mẹ bổng tâm sự về 62 năm làm vợ, không được ông cụ chụp cho một tấm ảnh hay rủ đi chơi riêng. Nay thấy mình chụp ảnh mỗi ngày khiến mẹ vui. Mình thì vô tình, khi xưa đi chơi có con có vợ nên đem theo mẹ như cái remorque. Nay mới nhận ra mẹ mình cũng có những ước mong được chụp mình như bao cô gái, phụ nữ khác.
Dạo còn ở nhà, con trai đầu nên mẹ chỉ kể cho mình những khó khăn về làm ăn, ai giựt hụi, ai xù tiền mấy chục cây vàng,… hay ông cụ đánh bài mượn nợ rồi mẹ phải gánh lưng buôn bán để trả nợ cho chồng….
Sau 75 lại gánh đồ thăm nuôi đi mấy chục cây số, đến nổi té, gãy xương chậu, đay đớn nhưng vẫn đi chợ buôn bán nuôi con và chồng. Sau này nhờ cô em ở pháp mời sang Tây chơi mới có dịp mỗ ráp lại cái xương bị gãy.


Qua mỹ kỳ này, được hai cô em, một cô từ pháp sang và cô ở Phila, đưa đi chơi ở Domenican Republic được một tuần, nay lại được mình đưa đi Nhật Bản nên mẹ vui lắm. Cứ kêu người ta có tiền mà đi không được còn người có sức khoẻ thì lại không có tiền để đi. Mạ rứa là hạnh phúc rồi.
Con cháu ở xa, mình rảnh thì đi thăm chúng thay vì ngồi trách chúng không đoái hoài gì đến mình hay bắt chúng về thăm mình. Mẹ sang dạo ấy mình phải mời một người bạn già của mẹ sang đây năm 75 đi chơi chung cho mẹ đỡ buồn, có bạn hầu chuyện. Lần đầu tiên được đi khách sạn sang, ở presidential suite ở Las Vegas nên sau này vợ chồng mình đến thăm bác ấy cứ nhắc hoài. (Thật ra mình thương lượng theo Zig Ziglar nên được phòng to nhưng cùng giá tiền).
Cái mình học được khi giang hồ khi xưa là biết thương lượng để rồi đi chơi hay mua gì cũng với giá bình dân nhưng được phục vụ cao cấp. Mình đi nghỉ hè ở Mễ hàng năm miễn phí, vé máy bay miễn phí đến nổi con, chúng nó ớn nên hết muốn đi.
Con cái, ai cũng muốn đưa bố mẹ đi chơi nhưng bố mẹ phải hiểu hoàn cảnh con cháu để mà hoà đồng thì gia đình mới có sự họp mặt đông đảo vui vẻ. Trước đây, mỗi lần mình về Việt Nam thì đều mời gia đình mấy người em đi chơi, thuê cả xe buýt để chở con cháu đi. Ông bà cụ vui lắm nhưng rồi dần dần ông cụ cứ làm khó con cháu nên nản luôn.
Bên vợ mình cũng tương tự, đồng chí gái và bà chị mỗi năm hay mướn nhà to đùng ở biển hay trên núi để mấy gia đình anh em họp mặt với con cháu cho vui, bà con biết nhau. Nếu không làm thì bố mẹ không có dịp nhìn con cháu một lúc xum vầy nên đành phải bỏ tiền trả hết để tạo niềm vui cho con cháu.
Bởi lẻ anh em thì có ngón dài ngón ngắn thêm lây chồng lấy vợ nên rắc rối, ai cũng thủ cái hồ bao của mình. Không ai muốn chi tiền cho người khác vì có những người không có kinh tế khá khá, do đó phải có người bỏ tiền ra trả dùm thì anh em cháu mới đoàn tụ vui chơi. Bên vợ mình có vài người anh, không có khả năng kinh tế nên sang Hoa Kỳ nhưng không biết du lịch nghỉ hè là gì nên vợ mình và cô chị bao thầu hết. Lúc còn trẻ thì chạy xuống xứ mễ luôn, nay thì vòng vòng Quận Cam là vui rồi. 
Mình học được nhiều điều trong chuyến đi chơi kỳ này, sau này con cháu rủ đi chơi là đi chơi ngay, đừng có bắt chước ông cụ làm eo làm tịch, làm khổ con cháu rồi quay qua kêu bà này ông nọ có Phước, có con cho đi chơi. Mình lây tính ông cụ nên nhiều khi hay ẹo ẹo với đồng chí gái. Chính mình tự giới hạn điều kiện đi chơi với con cháu. Chúng ta đâu cần phải đi tây đi tàu, chỉ cần một cuối tuần lên núi xuống biển họp mặt nấu ăn bên lò sưởi có dịp ôn lại ngày xưa thân ái là mãn nguyện. Cố gắng làm người chồng nhân dân và người cha anh hùng là vui rồi.
Xong om