Showing posts with label Giáo dục. Show all posts
Showing posts with label Giáo dục. Show all posts

Xuất hành đầu năm


Vậy là kết thúc chuyến đi 2 tuần đầu năm nay. Viếng thăm 3 quốc gia và 10 thành phố. Được cái là kỳ này mình phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều để không ăn uống quá nhiều. Lý do đi du thuyền thì chả biết làm gì, chỉ có ăn và ăn. May có hai ngày học trên tàu về đầu tư nên ăn không nhiều. Thấy có nhiều tên mỹ to béo và mấy bà mỹ cũng không khiến liễu hờn kém xanh. Dân cali đã to mà gặp dân ở các tiểu bang khác thì hải hùng.


Trong suốt một tuần chỉ ăn thịt cá có vài lần còn thì ăn rau và đậu nhất là ăn ít. Mấy lần trước đi chung với bạn bè nên họ cứ rủ nhau đi ăn. Ăn mệt nghỉ rồi ăn tiếp. Mình vốn dòng keo kiệt nên cứ kêu đã trả tiền thì ăn cho đúng đồng tiền bát gạo. Thực tế thì thức ăn làm cho mấy ngàn người vì tàu quá to, có thể chứa đến 6,995 du khách nên không được tươi và ngon lắm. 


Hỏi anh tiếp viên người Nam Dương thì được biết thức ăn đa số là đã làm sẵn và được bỏ đông lạnh. Chỉ đem ra hâm nóng rồi dọn cho khách ăn nên Chán Mớ Đời. Nếu ai có tiền thì trả thêm mỗi bữa $20/ người để ăn mấy tiệm đặc trưng. Có thể ngon hơn và tươi hơn. Mình thì không dám vào. Điển hình hôm họ làm escargot kiểu pháp. Ăn dỡ hóa ra họ bỏ đông lạnh rồi bỏ bỏ lò vi sóng đem ra cho mình ăn. Nói chung chỉ có đi chơi trên tàu của Pháp năm ngoái do một chị quen trên mạng giới thiệu là ăn ngon.

Tàu cập bế thì các hãng tàu du thuyền, xây dựng các điểm cho du khách chụp hình. Đây người Mễ địa phương, chẳng biết áo quần thời nào, mình nghĩ họ bựa ra, đeo lông vào cho vui nhộn để du khách chụp hình. Mễ Tây Cơ thuộc về nền văn minh Aztec và Maya thì không áo quần kiểu này. Họ tạo dựng cái tường của kim tự thác Aztec phía sau như DisneyLand loại bỏ túi. Thôi kệ cứ bú xua la mua trong giây phút với đồng chí gái vui là chính. Đời mất vui khi đồng chí gái gạu.

Đi chuyến này thì khám phá ra các công ty du thuyền, mướn các đảo nhỏ của các xứ nằm dọc theo đường biển Trung Mỹ để thành lập các trung tâm du lịch cho du khách của các du thuyền. Đảo chả có ai ở nên họ cho thuê hay chi đó được vài triệu một năm bỏ túi. Họ cho tàu đậu gần bờ rồi xây cái cầu để du khách đi bộ hay xe điện chở vào hòn đảo nhỏ cách độ 100 thước. Tại đây có các trò chơi trượt nước, zip line cho trẻ em như Sea World ở San Diego nhưng nhỏ hơn và các bãi biển nhỏ để mọi người nằm phơi nắng đến chiều thì lên tàu lại. Thức ăn tương tự trên tàu tha hồ mà ăn. Còn ai muốn uống bia rượu thì nên mua cái package một tuần gần $1000, tha hồ uống đến xỉn thôi. Còn không mua lẻ lẻ thì cọng lại chừng đó tiền. Thậm chí một lon CoCa cola cũng mất mấy đô. Kinh


Mùa này dân vùng tuyết lạnh chạy xuống tránh lạnh. Mình đoán tàu không chứa hết khả năng 6,955 du khách vì thấy nhiều phòng đóng cửa. Cứ tưởng tượng vào mùa hè là ngọng. Không nên đi.

Chiếc tàu hai vợ chồng đi là Wonder of the seas nghe nói là con tàu to thứ hai trên thế giới. Trước đây thì lớn nhất nhưng có chiếc tàu mới được đóng to hơn. Kinh


Ngày đầu thì họ đậu lại 1 đảo nhỏ tên Cococay của Bahamas, chả có gì ngoài dân làm việc cho công ty ngoài ra chả có thằng Tây đen nào cả. Đảo đi bộ đâu 10 phút là hết. Xem như đi vòng Phước Lộc Thọ là trở về chốn cũ. Được biết các tàu này đều treo cờ của xứ Bahamas để khỏi đóng thuế. Hai vợ chồng lêu bêu hai vòng rồi lên tàu lại. Ai có con nhỏ thì chúng sẽ thích vì có các trò chơi nước. Mụ vợ đi xì pa còn mình ngồi nhìn trời. Họ cũng có xe điện kéo mấy ông bà mỹ to hay già. Có thấy một bà mỹ còn trẻ, đi xe lăn, bận áo có huy hiệu người bị ung thư, thấy thương. Chắc bà ta đi chơi lần cuối tỏng cuộc đời.


Ngày thứ hai thì tàu đi trên biển nên đi học từ 8:30 đến 9:00 tối. Ngày thứ 3 tàu ghé lại đảo Cozumel của Mễ Tây cơ. Mình đặt chỗ đi lặn nước từ trước vì tàu đông du khách khó có chỗ khi đến nơi. Họ chở đến vài nơi lặn nhưng không có cá nhiều lắm nhưng mụ vợ vui là thành công. Đi lặn xong họ ngừng lại chỗ một bãi biển cạn, cho bà con xuống tàu ăn guacamole uống nước. Nước biển màu turquoise quá đẹp. Chụp hình đồng chí gái thì phong cảnh, không gian quá đẹp nên chợt nhận ra nụ cười của mục ợ quá đẹp nên mình chợt nghĩ “đi khắp thế gian không ai đẹp bằng vợ” nhưng khi về tàu lại thì cãi nhau như mổ bò. Mình thì không thích ăn nhiều, mụ vợ thì cứ lấy cho nhiều về, ăn không hết rồi như thương mình, bảo mình ăn cho hết, bỏ tội. Thế là “về tàu cãi lộn không ai bằng ta.” Chán Mớ Đời 


Thường mình mua các tour này trên app Viator. 1 công ty của Anh quốc. Họ lấy 10% thêm nhưng chắc ăn vì tham rẻ đặt chỗ của dân địa phương rồi đến nơi thì có thể ngọng vì không biết tìm em nơi mô mà tiền họ đã lấy. Còn đặt trên tàu thì họ ăn lời đến 70% và nhét đầy tàu như cá hộp. Nhìn mấy tàu khác là biết ngay.

Họ thành lập mấy chỗ như sở thú để du khách đến chơi

Ngày hôm sau tàu ghé lại một đảo của Honduras mang tên là Roatan. Đảo này khi xưa thuộc địa của Anh quốc. Sau năm 1960, họ trao trả độc lập nhưng dân tình kêu mồ côi mẹ nên xin làm con nuôi của Honduras. Nên dân tình nói tiếng anh nhuyễn hơn. Tương tự Singapore khi xưa được Anh quốc trao trả lại độc lập. Lúc đầu họ mồ côi nên muốn bám vào anh Mã Lai nhưng mã lai ra yêu sách đủ trò nên Lý Quang Diệu và các chính trị gia khác của Singapore tự xưng một quốc gia luôn. Nay họ phát triển xem mã lai là dân cù bơ. Cho thấy dành độc lập là một chuyện mà những người lãnh đạo là ai là một chuyện khác. Gặp thằng ngu nó lãnh đạo thì chỉ có chết và bị thương. Ông vua mã lai giàu có chớ dân tình cũng không khá lắm. Phải qua Tân gIa Ba đi làm công cho nhưng người mà họ chê khi xưa.


 Mỗi du khách đến đây là tàu trả $20/ người cho chính phủ Honduras. 7000 du khách dù có xuống hay không như trả lệ phí chiếu khán. $140,000 mỗi tàu. Mình thấy đâu có đến 3,4 chiếc tàu bỏ neo tại hai hải cảng. Anh quốc khóc hỏi biết vậy khi xưa đừng đưa lại cho dân xứ này. Đảo này nổi tiếng về san hô. Bò xuống đảo, tài xế chở đến điểm hẹn. Đi lặn thì phải công nhận đẹp nức nở. Mụ vợ chửi mình không đem theo cái máy chụp dưới nước. Kêu lần sau đến đây ở chơi một tuần tha hồ lặn mỗi ngày. Nếu đi thì nên đem theo dụng cụ của mình vì đồ họ đưa không tốt lắm. Phải mất thời gian để chỉnh lại. Đảo này có phi trường quốc tế nên có thể bay thẳng đến. Mình có số điện thoại của ông chủ tour lặn cá. Dễ thương nên nếu trở lại sẽ liên lạc ông ta lo dùm hết. Rẻ hơn qua mạng.

Sau khi lên bờ, tài xế chở về tàu. Mình hỏi anh ta chở đi chơi viếng thăm vài nơi rồi trả thêm tiền. Anh ta chở đi vài nơi đẹp. Nếu có trở lại thì biết mấy chỗ này ở rất đẹp. Sáng cứ bò lên thuyền con, chạy độ 1 cây số là lặn xem cá, rùa, đủ trò. Xung quanh đảo nhiều nơi. Có vào những khu nghỉ dưỡng cua ram, rất đẹp.


Hôm sau thì tàu ghé một đảo nhỏ của Mễ Tây cơ, Puerto de Maya. Mình muốn ra thăm quan thành phố nHưng mụ vợ thích shopping nên cứ vòng vòng xem rồi chụp hình cho mụ. Họ có tour đi viếng đền đài của Maya nhưng mình đã thấy nhiều loại thứ này mà vợ thì chỉ thích mua sắm nên không cần thiết lắm. Kêu hai trái dừa tươi uống. Mỗi trái 8 đô. Ở Honduras thì $5, đưa cho tài xế mua dùm còn mình đến giá chặt chém. Ở Cali mua trái dừa có 1 đô mình đã khóc. Cho thấy không đâu sướng bằng Hoa Kỳ. Chiều lên tàu. 


Hôm sau học cả ngày cho đến sáng hôm sau tàu cập bến Florida. Trời mưa. Chán Mớ Đời 


Xuống tàu, mướn xe chạy lại viếng trung tâm không gian Kennedy. Xem lịch sử cuộc chạy đua không gian giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Thấy hình ảnh tổng thống Kennedy, trẻ trung, kêu gọi nhân dân Hoa Kỳ cùng nhau lên cung trăng. Nghe diễn văn: “we choose to go to the moon in this decade and do the other things, not because they are easy but because they are hard”.


Xem hình ảnh họ phóng phi thuyền lên cung trăng khiến mình nhớ đến ngày xưa đi học hội việt Mỹ họ cho xem Apollo đáp xuống mặt trăng. Mưa quá xá là mưa. Đành đi về Tampa.

Gặp lại ba ông thầy cũ tại Sarasota, Florida. Minh mang ơn họ rất nhiều.

Về khách sạn xong thì gọi ông Hùm Xám Đà Lạt. Ghé lại nhà Thẩm Quyền thăm. Lần đầu tiên gặp mặt nhưng có cảm tưởng đã quen nhau tự bao giờ. Tình đồng hương Đà Lạt. Ai đi mô rồi cũng nhớ về Đà Lạt, nhớ hồ than thở nhớ thác Cam Ly. Anh ta kể đại đội phó sau này tiểu đoàn phó tên Phan Đình Gõ, rất dễ thương và gan dạ. Lính thương ông này lắm, nay ở Texas. Mình rất thích ông HÙm Xám vì kể chuyện đời xưa, ông ta hay đề cao các người dưới quyền, nào là gan dạ, không bao giờ tự đề cao mình. Thẩm quyền đang kiếm chuẩn uý Phúc, người bị toà án quân sự lên án 7 năm tù vì đánh lộn với quân cảnh ở CHi LĂng. Ai biết tin tức vè chuẩn uý Phúc thì cho mình biết.

Chiến tranh, dân tình bỏ chạy


Ngồi nghe ông Hùm Xám kể chuyện đời xưa rất vui. Từ Đà Lạt ra Bắc rồi sang Lào. Sau đó ông bà Hùm Xám mời đi ăn cơm Việt Nam tại quán ăn Việt Nam Địa phương. Mình thấy ông ta may mắn về già, có một người vợ chăm sóc rất chu đáo nên nói anh may mắn. Cứ xem như ông trời giúp anh cuối đời có người chăm sóc để bù lại những năm tháng lao vào lửa đạn và tù đày. Anh ta không nghe rõ vì ngồi ở xa nên chị vợ phiên dịch lại “Sơn nói anh tu 10 kiếp mới lấy được em” khiến mọi người cười như Tết. Chị vợ kể ông hùm xám khi xưa và ngày nay rất đào hoa. 


Mấy ngày sau thì đi viếng mấy bãi biển trong vùng và mấy trung tâm mua sắm ở Tampa. Có một chỗ rất đẹp, nhà cửa rất cổ xưa nhưng được trùng tu lại xen lẫn các hàng cây. Rất đẹp! Bò lại mấy chỗ gần bờ sông đi bộ khá dễ thương. Họ xây bãi đậu xe trên lầu còn lầu một thì mở các cửa tiệm khiến kiến trúc trông không oải lắm như ở Cali. 

Ghé thăm trung tâm không gian Kennedy


Mình đến Florida vào mùa đông chớ mùa hè là không đi đâu cả vì nóng và ẩm ghê hồn. Mình đến Florida lần này là thứ 3 nên rất sợ khí hậu mùa hè vùng này. Đồng chí gái đi thăm hai người bạn trong vùng. Đồng chí gái đi thăm bạn thì mình chạy xuống Sarasota thăm một ông thầy dạy đầu tư địa ốc. Ông ta rủ đi ăn trưa với một nhóm đầu tư địa ốc ở thành phố này. Không ngờ mình có duyên gặp lại thêm hai ông thầy khác. Mình có theo học nhiều ông nhưng có hai ông ở vùng này đã qua đời. Hai trong ba ông tay đã rung rung rồi. Ngồi ăn mình phải rót nước cho họ. Mấy người giàu về già thường dọn về Florida ở để khỏi bị đóng thuế tiểu bang như ở Cali 10%. Mình có dịp để cảm ơn họ, nhờ những bài học của họ đã giúp mình phấn đấu ở Hoa Kỳ. 


Về khách sạn nói chuyện với bà cụ, về quê ăn Tết vào lại Đà Lạt. Nói chuyện bà cụ kêu “rắn không chân bò quanh khắp núi, gà không vú nuôi được đàn con”. Bà cụ tuổi Dậu nên tự ví mình là con gà mái, nuôi chồng cải tạo 15 năm và 10 người con sau 75. Một người mẹ anh hùng đích thực như bao phụ nữ miền nam sau 75. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Thành tích biểu ngày xưa

 Tuần này, thấy một ông tự xưng là Thi Đà Lạt, đăng tải những hình ảnh về Đà Lạt khiến mình thất kinh vì thấy một thông tín bạ của một anh chàng học chung khi xưa tại Yersin, nhà có thời ở trong xóm mình trước khi dọn qua đường Phan Đình Phùng, gần ngã ba chùa, cạnh tiệm bán phân của gia đình Nguyễn Đắc Hớn. Anh chàng này có lần liên lạc với mình, nay ở San Diego. Mình có trả lời nhưng không thấy anh chàng liên lạc lại.

Lâu rồi, mình có đọc trang nhà của anh chàng này, hình như là chủ tiệm một tiệm cà phê ở đường Yagut. Anh ta sưu tầm máy móc âm thanh cũ khi xưa. Không ngờ anh ta tìm đâu ra những tài liệu khác về học đường, các trường tại Đà Lạt xưa. Anh ta có tải mấy tấm ảnh đám tang của ông Cửu Quế từ đường HÙng Vương, qua Lê Quý Đôn, đến Phan Đình PHùng tới Mả Thánh. Để hôm nào mình xem lại mấy tấm ảnh này, sẽ kể thêm về đường xá Đà Lạt xưa qua mấy tấm ảnh này. Hỏi thêm thì ông nội anh ta là người cùng làng với ông Võ Quang Tiềm, làng Ngọc Anh. Anh ta có gửi mình tấm ảnh ông Tiềm dự dám tang của ông Cửu Quế. Mình đoán ông ta đi lính khố xanh hay khố đỏ, đánh giặc bên tây thời đệ nhất thế chiến nên được lên chức Cửu nên người ta gọi ông Cửu Quế. Ông ngoại mình khi xưa đi lính khố Xanh lên chức đội Thất nên thiên hạ ở Huế hay gọi là ông Thất Do. Qua Tết, đi chơi rảnh mình xem hình lại tra tự điển mấy chữ Hán để hiểu thêm.

Danh sách giáo sư các môn Toán, Lý Hoá, Vạn Vật và Sử Địa trong tờ quảng cáo của trường Hiếu Học, địa chỉ 10-12 Hai BÀ Trưng.
Giáo sư Anh Văn có thầy Tạ Tất Thắng có dạy mình vài tháng ở Văn Học. Thầy dạy trường Trần Hưng Đạo và hội việt Mỹ.  

Tấm ảnh này khiến mình thất kinh, nhớ lại thời xưa còn bé. Mỗi tối mình đi đón ông cụ học thêm ở trường Hiếu Học này, do thầy Chử Bá Anh làm hiệu trưởng, trước khi dọn trường về số 4 Hoàng Diệu, mang tên Văn Học Đà Lạt. Ông cụ giải ngủ, thi đậu vào làm thư ký của ty Công Chánh Đà Lạt. Ban đêm ông cụ đi học thêm để đậu trùng tu bằng tiểu học, được vào ngạch, có thêm lương nuôi con. Sau này, có con mình cũng bắt chước ông cụ đi học trùng tu về đầu tư địa ốc suốt mấy chục năm.
Hình này cho thấy mấy cuốn vở của của Hồ Thanh Hỷ, học với mình tại Yersin, hàng xóm khi xưa. Nhớ dạo đó các cuốn vở được bao bởi các tờ giấy dầu màu này. Đầu năm là ra các tiệm sách ở Khu Hoà Bình, mua một cuộn tròn giấy này, rồi về nhà đo khổ xong thì lấy dao rọc từng miếng rồi bọc mấy cuốn vở, rồi dán étiquette, viết tên mình và lớp. Anh chàng này học 5 ème M3, với Nguyễn ĐÌnh Tài còn mình học M2. Vỡ được bọc giấy và dán cái étiquette bằng keo. Xem mấy tấm ảnh này bao nhiêu kỷ niệm một thời kéo về. Để hôm nào đi chơi với vợ, rảnh mình kể.
Thẻ học sinh của một cô học sinh Yersin, lớn hơn mình 2 tuổi, chắc học trên lớp vài năm. Mình đoán là chị ta học trên mình hai lớp vì niên khoá 62-63, mình học 11 ème, ngồi cạnh con trai ông Tôn Thất Đính, rồi đảo chánh ông Diệm thì tên này chạy mất đất. Vì ông bố bị đổi đi đâu. Nhìn tấm ảnh này mới nhớ khi xưa mình cũng có thẻ này, không biết để làm gì, chắc để mượn sách ở thư viện của trường. Vì ra đường, đâu ai hỏi giấy tờ như sau này lên trung học.
Mới nhận được điện thoại của cô này. Hoá ra học chung lớp ở Yersin khi xưa. Không đề dấu tiếng Việt nên ngọng. Cô ta yêu cầu xoá mấy tấm ảnh có tên ông bà cụ nên mình đã xoá. 6 năm nay không gặp mặt. Cô này nhớ Hồ Thanh Hỷ vì cả hai đi dạy chung Sư Phạm sau 75.
Học bạ ở Petit Lycee của ông nào có tên tây, chắc tên thánh hơn mình chắc cũng 2 năm vì năm này mình học 10 ème. Ông này là anh cô trên, nay ở Pháp. Tiến sĩ. Mình có kỷ niệm khá vui. Ông cụ mình ở BAn Mê Thuột nên thường là chú Hành, con ông bà KHoa hàng xóm ký học bạ màu này cho mình thế bà cụ. Có lần mình bị xuống hạng nên tự ký luôn khiến bà đầm kêu bà cụ lên trường vì dám ký tên thế bố mẹ. Họ kêu còn tái phạm thì sẽ bị đuổi học chi đó.

Cô Cúc, con của ông bà kHoa, hàng xóm , chị của Chú Hành mà mình có kể vụ ông tây ngủ lại nhà cô ta đêm Giáng Sinh, đậu xe 2CV ngay sân, mình tháo cục gạch chấn bánh xe khiến xe lao xuống hố. Một hôm qua nhà mình, thấy mình đang làm thủ công bài tập. Cô ta buồn đời, lục cặp mình kêu xem mày học hành ra sao. Bổng nhiên mình thấy cô ta rú lên tiếng như bị điện giật., mặt cô ta xanh như đít nhái, ú ớ nói không ra lời. Từ từ mình khám phá ra trong ngăn nhỏ mà mình ít khi mở có mấy con chuột con đỏ hom. Hoá ra chuột chui vào cặp của mình để sinh con. Từ đó mình nổi tiếng nuôi chuột trong xóm. 

Có lần mình ra sau nhà, thấy cô ta ngồi tè khác với mình khi tè, phải đứng hay mấy chú trong xóm như chú Hành, chú Khanh hay anh BÌnh, anh đầu của mấy người này. Anh Bình, tên thật là Lê Minh Sớm, theo Việt Cộng, bị bắt đưa đi Côn Đảo một thời gian, sau về đổi tên khác, dạy mấy đức con nít trong xóm nên trong xóm cứ kêu anh Bình, có con trai đầu là Đắc, nhỏ hơn mình một tuổi nhưng mình cứ gọi anh BÌnh, hay chém gió với mình về đá banh. Sau này anh ta đi lính kiểng, sáng đi chiều về. Sau 75 thì cũng làm dân 30 nhưng rồi không đi đến đâu. Mình về lần đầu tiên, đi viếng nghĩa trang, có thắp hương mộ anh ta, cạnh mộ em gái mình trên Du Sinh.
Cái này thông tín bạ màu khác ở Grand Lycee, nói chung là Chán Mớ Đời về số điểm hàng tháng. Của ông nào tên Nguyễn Văn Huy, trên mình 4 lớp. Vì 67-68 mình mình lên 6 ème. Năm Mậu Thân nhớ đời. Nghe cô em kể là đang ở Pháp, học ra tiến sĩ.
Mình có học với bà đầm Cavalier này và thầy Tường, dạy Việt văn. Xem hình thấy có nhiều người trông quen quen, học trên mình 2 lớp. Nhớ cuối năm, bà đầm ngồi bắt chí trên đầu mình. Lý do là thầy Tường kêu Có CHí Thì Nên, do đó mình nuôi chí để nên người. Hôm trước, có mấy người học Yersin dưới mình một lớp đến nhà đón giao thừa Tây, có nói đi thăm thầy Tường ở bên BỈ, Bruxelles. Ai mà xinh gái nhất là cô có thẻ học sinh ở trên. Lúc này cô ta học trên mình ít ra một lớp. Hình này do bố cô bé xinh xinh chụp cho trường.

Học tiểu học mà có thẻ học sinh. Mình không nhớ có vụ này. Chị này còn bé mà ở nội trú, gốc Nha Trang.

Thẻ học sinh, đoán là chị này ở nội trú vì thấy địa chỉ là 7 Logement Lycee Yersin. Phía sau mấy lớp học của trường Petit Lycee. Chị ta học 6ème classique, thuộc loại giỏi pháp văn mới được vào đây vì học tiếng la-tinh đủ trò. Hình như có ông thầy Hai, dạy La tinh hay pháp văn chi đó.
Thẻ học sinh để giảm giá vé xe lửa, gia đình trú quán tại Nhà Trang. Còn nhỏ mà phải xa gia đình, ở nội trú. Vậy là chị này có đi xe lửa răng cưa, Đà Lạt-Phan Rang, rồi Nha Trang. Còn sống xin liên lạc để mình hỏi vụ xe lửa răng cưa lịch sử của thế giới.
Cô này cho biết là ở Đà Lạt từ bé. Hóa ra học chung với mình khi xưa, có gặp mặt mấy lần tại Nam cali.
Học bạ trường Văn Học. Mình có hai cái năm đệ nhị B và đệ nhất B. Ông này học dưới lớp, cũng có thể khai trụt tuổi vì sinh năm 1957 nhưng học trễ.
Quảng cáo trường Văn Học chắc để học luyện thi tú tài, môn Toán Lý Hoá, có tên thầy Phạm Kế Viêm
Quảng cáo về hai lớp ban C thi tú tài.
Niên khóa 69-70. Lối vẽ này rất thịnh hành vào thời đó. Quảng cáo hai trường Văn Học 1 và Văn Học 2. Sau này Văn Học 2 được đổi thành Văn Khoa ở gần CHi Lăng.
Thẻ học sinh của trường Việt Anh, có chữ ký của thầy hiệu trưởng Lê Phỉ
Quảng cáo luyện thi tú tài năm 75 nhưng đứt gánh
Trường Trần Hưng Đạo lại gọi Thành Tích Biểu. Hiệu trưởng thầy Phùng Văn Hưởng, có dạy mình một năm, môn Vạn Vật tại Văn Học.
Thành Tích Biểu của trường tư thục Trí Đức. 
Thành Tích Biểu của tư thục Lasan Adran. Ông này học dưới mình
Thẻ học sinh trường Trần Quốc Toản thời Bảo Đại. Mình không biết trường này ở đâu, chắc đổi tên khi mình lớn lên. Bác nào biết thì cho em xin để bổ túc.

Chứng chỉ học trình của trường Việt Anh năm 1960 có chữ ký của hiệu trưởng thầy Lê Phỉ, vẫn còn sống tại Đà Lạt. Mình có kể về thầy.
Thiệp mời của trường đại học Đà Lạt 
Thành tích biểu của trường Bùi Thị Xuân, năm 1974-1975 xem như đứt gánh luôn
Phiếu báo danh đi thi đại học Đà Lạt 

Còn nhiều tấm nữa để hôm nào mình rảnh sẽ tải tiếp.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 






Tàu Ruồi trên sông Seine


Ai đến Paris đều thấy du khách viếng thủ đô dọc dòng sông Seine trên những chiếc tàu được gọi “bateaux mouches”, nếu dịch ba chớp ba nhoáng ra tiếng Việt là “tàu ruồi” khiến mình thất kinh, không dám đi sợ ruồi bu. 10 năm ở Paris, mình chưa bao giờ leo lên đây đến khi về lại Paris với vợ con thì không thấy ruồi trên tàu nên hỏi đám tây đầm quen. 

Đầu hay cuối của đảo Cité có bến tàu ruồi, đi xuống từ Cầu Mới (Pont Neuf). Giữa cầu có một tượng vua Henri VIII, nổi tiếng bắt các bà bồ, không được tắm 3 tháng trước khi giao hoan với ông ta. Chụp trên cao khúc Passerelle Des Arts nơi mình đi ngang qua hàng ngày.

Mình được giải thích lý do người Pháp gọi là tàu ruồi. Ở thế kỷ 19, có một khu vực đóng tàu ở Lyon, thành phố lớn thứ nhì của  Pháp, có nhánh sông Rhône mà khi xưa người Pháp gọi Mouche nên từ đó họ gọi những tàu được đóng tại khu vực này là “bateaux Mouche” , không có “s” sau Mouche vì là tên (Nom propre). Các tàu này được sử dụng để đưa khách qua sông hay di chuyển ở các thành phố cạnh bờ sông như Paris. Nếu đi viếng Venise hay Istanbul, chúng ta sẽ thấy các con tàu chở hành khách trên các con kênh được gọi là vaporetto hay người dân Istanbul, đi tàu qua Bosphorus chia cắt Âu châu và Á châu.


Ngày nay đi viếng các nơi có bờ sông, chúng ta đều thấy các tàu chở du khách trên sông như ơ Budapest, Vienne,..trên dòng sông Danube. Có ăn uống múa hát thường là rất dỡ. Ở Vọng Các, mình có đi tàu với bà cụ, ăn uống không ngon lắm, du khách từ Việt Nam hay Thái, dành hết thức ăn rồi bỏ mứa.

Tàu Ruồi nhưng không giống con ruồi. Chán Mớ Đời 

Nói chung các thành phố âu châu khi xưa đều được xây dựng cạnh bờ sông. Lý do là người ta di chuyển bằng tàu và chuyên chở hàng hoá để buôn bán và các vật liệu để xây dựng. Ở Paris, chúng ta thấy các dinh thự, nhà thờ, tháp Eiffel, đều được xây cất cạnh bờ sông Seine giúp chuyên chở các vật liệu xây cất. Ngày nay thì chỉ thấy tàu cho du khách đi chơi và các péniche chở hàng hoá. Mình có quen một tên tây, hắn mua một chiếc tàu nhỏ và neo bên dòng sông Seine để ở rẻ hơn mua nhà. 


Cách đây mấy tháng mình có xem một phóng sự bên Tây, một bà đầm ở trong một chiếc tàu đậu trên kênh Saint Martin ở Paris. Khi xưa, ông Tây bà đầm dạy về các péniche trên con kênh này, nước được đỗ đầy trước khi họ dỡ mấy cái cửa chấn. Phương cách này tương tự đi tàu qua kênh Panama hay trên dòng sông Nile mà mình có viếng thăm cách đây 2 năm. Vợ chồng bà ta mua chiếc tàu trên 30 năm. Mỗi năm phải di chuyển tàu một vài lần khi chính phủ khám xét, xem tàu còn sử dụng được hay không trước khi cấp phép cho tàu sử dụng hàng năm. Hình như bên tây có những chuyến hải hành trên sông với những chiếc tàu nhỏ, bên vùng Venise cũng có. Mình không thích du thuyền lắm nên không nói cho mụ vợ biết , mụ lại đòi đi. Được cái là họ cho đầu bếp giỏi nấu ăn trong 1 tuần hay hai tuỳ tuyến đường. Mình cũng không phải dân thích ăn uống nên chả thiết,

Chiếc cầu đầy kỷ niệm một thời sinh viên, đi qua mỗi ngày đến trường băng qua dòng sông Seine im liềm.

Vào năm 1862, công ty đóng tàu “Mouche” được thành lập, đóng tàu để chuyên chở hành khách trên sông. Có cuộc đấu xảo vào năm 1867 tại Paris, các chiếc tàu này được trưng dụng để chở các du khách thăm viếng cuộc đấu xảo tại Paris. 30 chiếc tàu ruồi này được đóng, theo dòng sông Rhone, chảy theo lên đến sông Seine, để giúp du khách thăm viếng, và dân cư Paris, di chuyển Paris trên sông Seine. 


Nghe kể vì không có phim ảnh, có đến 300-400 hành khách di chuyển trên các tàu ruồi này vì giá hạ và nhanh chóng. Các chuyến tàu ruồi này hoạt động được một thời gian ngắn lại bị dẹp vì thủ đô xây dựng một hệ thống đường ngầm gọi là Métro cho cuộc đấu xảo năm 1900 giúp dân pAris di chuyển nhanh hơn vì có thể đến những nơi xa cách dòng sông Seine. Mình có kể rồi những ngày đầu tiên trên đất Pháp.

Tàu trên dòng sông Rhône, nơi người ta gọi là khu vực Mouche (tiếng tây cổ có nghĩa là nhánh sông). Thấy tấm bảng quảng cáo “chocolat Meunier", công ty sô-cô-la nổi tiếng của tây mà khi xưa, còn bé ở Đà Lạt, bà cụ mua về pha cho mấy anh em uống. Qua tây mình khám phá ra công ty này được Nestle mua. Nên chả còn tây gì nữa.

Sau thế chiến thứ 2 thì có một ông tây mới đột phá tư duy, mua mấy chiếc tàu cũ này, trang trí lại và sử dụng chuyên chở du khách trên dòng sông Seine. Ông ta thành lập một công ty hàng hải mang tên Compagnie des Bateaux-Mouches® vào năm 1950. Ông ta chơi trò cá Tháng 4, ngày 1 tháng 4. Ông ta mướn hai người tên dài dòng lắm, viết một tiểu sử bịa đặt: cho rằng ông chủ của công ty tàu ruồi, tên là Jean-Sébastien Mouche. Một cựu cộng tác viên của ông Baron Haussmann danh tiếng dưới thời đệ tam đế chế Pháp khiến dân tình tưởng thiệt, đến tham dự đông đúc như quân Phú LĂng-xa ngày khai trương của công ty, cũng như bức tượng của ông ta và sử dụng tàu ruồi đi dã ngoại trên sông Seine. Từ đó ai đến Paris cũng leo lên tàu Ruồi. Ban đêm có đèn pha rọi sáng rực hai bên bờ sông Seine. Mình nhớ là chỗ Cầu Mới (pont Neuf) là bến để du khách lên xuống.

Sông Seine, thấy Cité, bên phải là khu La-tinh, chỗ Saint Michel. Dọc sông Seine, có những xập bán sách cũ mà mình đã kể.

Nghe kể có một hội viên của hàn lâm viện Tây tưởng thiệt nên đến tham dự đọc diễn văn bú xua la mua.

Bác nào đến Paris, đi du ngoạn trên tàu Ruồi, thật ra không phải ruồi mà chữ Mouche có nghĩa khi xưa là nhánh sông. Đừng có ngu ngu như em tưởng tàu có ruồi rồi không dám leo lên. Thức ăn thì dỡ lắm. Để tiền vào các tiệm ăn mà em đã kể nhưng nếu có khả năng thì nên đi ăn đêm trên dòng sông này có nhảy đầm vớ vẩn. Phong cảnh hai bên sông thì rất đẹp, hơn cả dòng sông Thames ở Luân Đôn hay Danube ở Đức quốc hay Budapest, HUng Gia Lợi . Xong om

Chúc các bác cùng thân quyến một năm 2024 được nhiều sức khoẻ. Em cố gắng không lên mạng từ đây đến cuối năm 2023.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Con dòng cháu giống


Hôm trước, một chị bạn cùng niên học Yersin khi xưa, du học bên Pháp cùng thời với mình, báo tin là em trai mới qua đời tại Việt Nam. Sau đó, thấy trên mạng xã hội, nhiều người viết về anh ta, rất thành công trong môi trường truyền thông tại Hoa Kỳ. Thông thường người Việt tỵ nạn sang đây, đa số đi học bác sĩ, kỹ sư nhưng anh ta lại làm việc trong môi trường truyền thông mỹ, rất khó cho người da màu xen vào khiến mình nể phục. Sau này anh ta về Hà Nội mở quán. Mình hay xem TED thì có lần thấy anh ta được mời nói chuyện của chương trình tại Hà Nội. Anh ta nói anh ngữ bằng giọng ăng le.

Mình có quen một cô người Việt, muốn theo học ngành truyền thông nhưng bố mẹ bắt đi học nha khoa. Khi mình sang Hoa Kỳ, có một bà gốc đại hàn tên Connie Chung rất nổi tiếng trên truyền hình. Ông Andrew Lâm, con trai của tướng Lâm Quang Thi, cũng cựu hoc sinh Yersin, kể khi bỏ ý định học y khoa khiến bố mẹ không bằng lòng nhưng về sau, thành công trong ngành viết lách, xuất bản nhiều sách bằng anh ngữ. Mình có mua mấy cuốn sách của anh ta.


Có người viết trên mạng, mình đoán là thân với gia đình người quá cố, nói anh ta là cháu ngoại của thượng thư Nguyễn Văn Tường nên mình có chia sẻ trên trang của một anh bạn thì cô bạn đính chính: “Sony NguyenUsa Đức là cháu ngoại của cụ Nguyễn khoa Toàn. Ông Nguyễn văn Tường là ông cố nội của Nguyễn quí Đức”.


Có anh bạn học Đà Lạt khi xưa kể là trong gia phả dòng tộc anh ta, có ghi tên hai người đậu tiến sĩ nhưng không đề tên. Lại dặn con cháu sau này dù gặp trường hợp nào, cũng ráng cho con cháu đi học. Sau 75, anh ta được xem là con gia đình ngụy quân ngụy quyền vì có anh trai lái A-37. Không được Hà Nội cho đi học tiếp đại học, đi làm công nhân ở Sàigòn. 

Anh ta có học chung Hội Việt Mỹ với mình khi xưa, kể là sau 75, nghe lén đài BBC và đài VOA để học thêm anh ngữ đến khi Đổi Mới, Hà Nội cần người biết anh ngữ nên được thâu dụng. Nay là đại gia tại Đà Lạt. Khi anh ta về Hà Nội thăm quê nôi thì khám phá ra hai vị tiến sĩ của gia tộc là Ngô Thời Nhiệm và Ngô Thời Sỹ. 


Ông Đào Duy Từ, người Thanh Hoá, có bố là nghệ nhân hát xướng. Học giỏi nhưng vì lý lịch “xướng ca vô loại” nên không được đi thi. Khi xưa đi thi, cần được lý trưởng hay ai có chức quyền trong làng phê chuẩn mới được nộp đơn đi thi. Bà mẹ của ông mới thương lượng với Lý trưởng của làng là chịu làm bé để ông ta nhận con trai mình làm con nuôi, để được đi thi. Buồn đời, ông Đào Duy Từ lại trúng tuyển đậu. Bà mẹ trở mặt không chịu làm đám cưới với lý trưởng thế là ông thần này báo cáo gian lận và ông Đào Duy Từ bị lột áo quan, đuổi về quê chăn vịt.


Buồn đời, ông này vượt biên xuống miền Nam, lân la tiếp cận với Chúa Sãi. Ông ta giúp Chúa Sãi có 8 năm trời mà đã giúp CHúa Sãi dựng lên một triều đại gần 400 năm. Ông ta lại là tổ của ngành “Hát Bộ”, xây lũy Thầy, giúp Chúa Sãi bình định miền Nam lâu dài. Có thể nói triều đình Nguyễn tồn tại lâu nhất trong lịch sử Việt Nam như nhà Hán bên tàu. Có lẻ nhờ dòng họ này biết dùng người tài dù có đến từ miền Bắc.

Trong cuốn phim của đạo diễn Trần Văn Thuỷ, có nói đến một anh kia ở nông thôn, học giỏi nhưng không được đi học tiếp đại học, đành ở nhà chăn vịt. Lý do là bị một cán bộ ở quê, phê hạnh kiểm anh ta xấu vì có lần anh ngủ quên ngoài đồng, khiến mấy con vịt anh đang chăn, chạy vào nhà người khác. Một cán bộ ở làng có thể học thức không cao, có thể chấm dứt, định đoạt số mệnh của một người có khả năng học cao. Khi đoàn phim đi ngang làng thì anh ta xin đi theo học nghề qua phim thay vì chăn vịt cả đời.


Mình có anh bạn, đậu thủ khoa ở Huế sau 75, có tên trong danh sách du học ở Nga Sô. Về Sàigòn học trường Võ VĂn Tần 1 năm, chuẩn bị đi Liên Xô. Gần ngày đi thì mấy ông ngoài bắc vào, nói sao đó bị gạch tên để con mấy ông ngoài bắc đi thay. Cuối cùng anh ta vượt biển, nay được xem là King of Start-up ở Silicon Valley. Anh ta kể cùng thời anh có một anh chàng đậu thủ khoa Sàigòn nhưng cuối cùng bị hất khỏi danh sách du học ở Liên Xô nên tự tử. 

Trong cuốn Kẻ Thắng Cuộc, ông Huy Đức có kể chuyện một anh nào đậu mấy lần thủ khoa dù đổi nơi ở mấy lần vẫn không được vào đại học. Hình như sau này anh ta được ai can thiệp nên được đi hoc đại học. Mình có mấy người em đậu dư điểm vào đại học nhưng vì lý lịch con phản động đành ở nhà đi đan len hay học may. Trong khi đó con của cán bộ lại được vớt điểm dù không đậu. Câu chuyện của anh chăn vịt mà ông Trần Văn Thuỷ kể trong phim đã đoạt giải quốc tế, không ngờ học tài thi lý lịch đã được đại trà hoá tại miền nam sau 75. Bao nhiêu nhân tài bị bỏ vào thùng rác.


Tây muốn bắt kịp xứ Anh quốc trong cuộc chay đua về kỹ thuật trong cuộc canh tân nước Pháp, đã cho thành lập các trường đại học lớn như Bách Khoa, Quốc Gia Hành chánh,…nhằm đào tạo các nhân tài cho Pháp quốc. Bất cứ người Pháp thuộc vùng nào, đậu qua cuộc thi toàn quốc tuyển lựa rất khó khăn đã giúp xứ Pháp trở thành một cường quốc trong vài chục năm và tiếp tục đến nay. Nghe kể con gái ông NGô Đình Nhu , thiếu vài điểm để được đậu vào trường y khoa Sàigòn nhưng ông ta không dám can thiệp để con được vào học. Đó là đạo đức con người. Con ông ta sẽ mang cái nhục cả đời vì được đậu vớt, lấy chỗ của người tài giỏi hơn.

Hồi đầu năm, mình có gặp cô cháu đang học ở Sàigòn. Cô cháu giới thiệu cậu bạn trai. Mình hỏi anh ta là nên điều nghiên kỹ lưỡng vì lấy cháu của phản động thì khó mà có cuộc sống và tương lai tốt. Mình nghe kể một anh quen, con cháu 3 đời hồng chuyên nhưng lấy con gái phản động nên con đường quan lộ tắt giữa đường. 


Có lần mình xem phỏng vấn nhạc sĩ Phú Quang, ông ta kể là khi còn trẻ đâu 13 tuổi, được duyệt đi học trường chuyên nhưng bị cả lớp đấu tố này nọ vì anh ta thích học thay vì vui chơi với các bạn đồng lớp. Ông ta khám phá ra sự tàn ác của đồng loại. Sau này cũng được duyệt xét nhiều lần cho đi du học ở Liên Xô nhưng gặp nhiều sự ganh tỵ đã không cho phép ông ta đi. Sau phải vào Sàigòn sinh sống, mới làm được nhiều bản nhạc để đời về Hà Nội.


Cứ xem trường hợp Đặng Thái Sơn, nếu không được ông thầy người nga can thiệp thì thế giới đã mất Đặng Thái Sơn. Người ngoại quốc, bất chấp chủng tộc, khi thấy một tìm năng thì họ tìm cách giúp đỡ trong khi người Việt thì thấy ai giỏi hơn mình thì tìm kiếm diệt cho bằng được. 2 triệu người Việt ở hải ngoại đã được ngoại quốc đào tạo nhiều người giỏi giúp nhân loại trong môi trường văn hoá, khoa học…


Cứ nhìn Việt Nam Cộng Hoà sau 1954, biết bao nhiêu người di cư từ miền bắc vào, tạo dựng một nền văn hoá, giáo dục rất tốt. Cứ tưởng tượng chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, cấm không cho người di cư từ miền bắc tham gia các hoạt động văn hoá, giáo dục thì ngày nay không ai biết đến Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Đinh HÙng,… hay Bolero. Văn Cao ở lại, không còn làm nhạc hay nhạc sĩ Tô Đình Hải đã kể trong cuốn hồi ký thằng hèn. Người ta đang chơi nhạc của ông ở nhà hát Hà Nội nhưng không được mời tham dự, 


Nếu không có vấn nạn học tài thi lý lịch thì ông Đào Duy Từ đã giúp chúa Trịnh cai trị miền bắc thì có thể đã thống nhất Việt Nam từ lâu. Có thể Chúa Sãi cũng có nhiều nhân tài giúp ông ta cùng lúc với với ông Đào Duy Từ. Chúa Sãi lập ra nhà Nguyễn thâu dụng tất cả người tài. Mình đoán trước hay sau khi ông Đào Duy Từ xuôi Nam thì đã có những nhân vật khác tài giỏi của miền bắc xuôi về Nam để phò chúa Sãi.


Có lần mình nói chuyện với một du học sinh ở Nhật Bản, anh ta kêu về Việt Nam sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, không biết có việc làm hay được đãi ngộ. Mấy năm sau, anh ta ở lại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp.

Dưới triều đình Nguyễn, có nhiều người làm quan, học giỏi, đến nay vẫn được xem là những gia đình trâm anh thế phiệt như các họ Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Hà Thúc,… Đồng chí gái thuộc dòng Tôn Thất nên mình tò mò vì xét họ hàng dâu rể đa số đều thuộc các gia tộc này. Đặc biệt là con cháu của những gia tộc này đều học giỏi và thành công trên đất Mỹ, được xem là cạnh tranh với nhiều chủng tộc khác ở xứ Hoa Kỳ. Phải có cái gì đó mới tạo ra con cháu học giỏi thông minh, con nhà nòi. Nông dân như mình chỉ biết cuốc đất trồng bơ.


Dòng họ Thân Trọng, gốc người Tày, tên họ do vua nhà Lý đặt vì có công với triều đình. Nghe nói ngày nay họ Thân có mặt tại Triều Tiên. Mình đoán khi nhà Lý bỏ chạy, sợ Trần Thủ Độ giết. Vượt biên sang đến xứ Cao Ly thì có họ Thân đi theo. Họ Lý từ Việt Nam sang xứ Cao Ly, nay thường được gọi là Lee, và họ Thân là Shin. 


Chị bạn học cho biết ông Nguyễn Văn Tường, một đại thần của nhà Nguyễn, là cố nội của chị ta khiến mình thất kinh. Hèn chi chị ta học giỏi. Ở New York, mình có quen một chị, vợ của một đồng nghiệp, cháu ngoại của ông Tùng Thiện Vương, con gái của chủ rạp Rex khi xưa ở Sàigòn. Chị ta không theo nghề y khoa mà theo nghề Public Relations. Mình có quen một gia đình, cháu của ông Hoàng Xuân Hãn, anh em đều học cực giỏi, toàn là xuất thân đại học Harvard, MIT, Yale, Cornell, Stanford…nay đến thế hệ con của họ cũng tốt nghiệp các đại học lớn của Hoa Kỳ. Có một cô mới 25 tuổi, xuất thân đại học Harvard, được Google nhận làm với lương $300,000/ năm.


Nếu xét về khoa học thì có thể là do di truyền của ông bà để lại. Người Việt khi xưa hay nói lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống. Mấy người tài giỏi vì gen di truyền từ ông bà truyền lại rồi từ họ tạo dựng tốt, hoàn thiện hơn. Bố mà làm ăn cướp thì con cháu có khả năng trở thành tướng cướp hơn là đậu tiến sĩ.


Khi mình về Đà Lạt lần đầu, ông cụ có đưa một gia phả bằng chữ Hán nhờ mình đánh vào máy điện toán, in lại. Mình có nhờ một chị bạn ở Hội An, quen một ông chuyên làm về gia phả, dịch thuật. Ông ta cho biết là tên tiến sĩ của dòng họ ghi trong gia phả thì không có trong danh sách tiến sĩ của Văn Miếu Việt Nam. Có thể là đậu sơ sơ nhưng dòng họ ghi đại là tiến sĩ hay có chuyện gì đó, phải dấu tên hoặc sửa tên. 

Nhìn chung thì bên nội mình không có ai học giỏi cả. Có người làm lớn một tí là ông Nguyễn Mạnh Cầm, đến chức ngoại trưởng của Hà Nội. Theo gia phả, ông tổ mình, gốc Nghệ An, có nhiệm vụ giữ cái đình, chắc làm bảo vệ. Làm sao đó bị mất cái Lư đồng. Chắc xỉn. Sợ bị tù hay không có tiền đền nên bỏ trốn ra Bắc, đến vùng Sơn Tây lập nghiệp. Theo gia phả dòng chính thì mình là người đầu tiên có bằng thạc sĩ của Tây chớ không phải bằng lô cang, bằng thuộc địa thời tây. Thời Tây thì có bằng thuộc địa, dễ hơn cho dân thuộc địa.


Mình xoay qua tìm hiểu về bên ngoại thì thất kinh. Mẹ mình chưa bao giờ đến trường học, học đánh vần khi ở tù khi bị mật thám tây bắt nên được mấy người trong tù dạy học. Khi mình đi chơi với mẹ mình ở Nhật Bản thì nghe mẹ mình đọc thơ Lục Vân Tiên của ông Nguyễn Đình Chiểu từ câu đầu đến câu cuối. Mẹ mình nói khi ông Phúng, tiệm Hiệp Thạnh cho mượn đọc mà nhớ đến ngày nay. Mình kiếm gia phả đọc thì thất kinh.


Hoá ra mình là hậu duệ của dòng họ Mạc Đăng Dung, Mạc Đỉnh Chi. Khi bị tru di tam tộc thì có một số chạy thoát xuống miền nam, lấy họ Nguyễn và chữ lót là “Đăng” để nhắc nhở hậu duệ là thuộc dòng họ Mạc Đăng nên thấy ai có họ “Nguyễn Đăng” là mình hay hỏi gia thế để xem có bà con bên ngoại hay không. Bên ngoại thì có nhiều người làm quan cho nhà Nguyễn, người cuối cùng là chú ruột của bà cụ mình tên Nguyễn Đăng Dụ. Ông cậu ruột của đồng chí gái đi theo cách mạng nên đổi họ Tôn Thất qua họ Nguyễn, nay con cháu lại đổi Nguyễn Phúc để nhắc nhở con cháu. Mấy người con đều học cao, đậu tiến sĩ Harvard, hay Bên Úc Đại Lợi từ 30 năm trước. Cho thấy con dòng cháu giống là đúng. Nhổ cây phải nhổ tận gốc vì nếu không rể sẽ mọc lại cây tốt hơn xưa. Còn cỏ xấu thì suốt đời vẫn là cỏ, khó mà trở thành cây cổ thụ. Hên lắm là háy bản nhạc Bông Cỏ Mây, những ngày chưa vượt biển tôi hay dắt em về vùng …


Khi có một cây tốt cho trái ngọt thì người ta tiếp tục chăm sóc và tìm cách cấy giống, chiết cành để trồng thêm. Tương tự các loại chim, người ta cấy giống để DNA biến chúng thành những con có màu đỏ tím tuỳ theo DNA của chúng.

Ngày nay, thấy Việt Nam có mấy chục ngàn tiến sĩ. Có người là hậu duệ của Thánh Gióng, chưa học xong lớp 3 nhưng lại đậu tiến sĩ. Đọc trên báo Hà Nội, có hiệu trưởng đại học lại mù chữ. Gần đây có ông quan lớn nào tuyên bố Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới ngành Thông minh nhân tạo khiến mình thất kinh. Chắc ăn nhiều đặc sản Quảng Trị.


Anh có thể mua bằng tiến sĩ nhưng DNA của anh không thể mua bằng để giúp DNA của gia tộc anh trở thành tốt hơn, hoàn hảo, thông minh hơn, tiến hoá cao hơn theo luật tiến hoá. Làm sao anh có thể dạy con nhất là con cháu của anh nể phục khi chúng biết anh mua bằng cấp giả. Mình nhớ năm 1995, được mời về Hà Nội tham dự khoá hội thảo phát triển Việt Nam sau Đổi Mới thì thất kinh khi nói chuyện với mấy bộ trưởng và thứ trưởng của Hà Nội. Như một anh bạn nói mấy chục năm trước chủ tịch nước Võ CHí Công đọc diễn văn Một răng, một rắc (I-răn và I-rắc) thì mấy chục năm sau thủ tướng Hà Nội đọc Cờ Lờ Mờ Vờ. Mấy chục năm rồi không thay đổi. 100 năm năm sau vẫn vậy. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn