Showing posts with label Ở Tây. Show all posts
Showing posts with label Ở Tây. Show all posts

Xá xị Việt, xá xị Mỹ

 Có lần mình kể chuyện hai công ty nước ngọt nổi tiếng Hoa Kỳ, Coca Cola và Pepsi cola đấu đá nhau, tranh dành thị trường trên thế giới. Đi viếng các xứ trung đông, và Phi châu, thấy thiên hạ uống coca nhiều hơn pepsi. Mình hồi nhỏ ít khi được uống Coca Cola. Dạo ấy có xá xị hay nước cam vàng của hãng BGI. Hai loại nước ngọt này của người Pháp thành lập, để lại nên người Việt cứ tiếp tục dùng đến khi quân đội Mỹ đổ bộ, mới thấy các loại nước ngọt của quân đội Mỹ được đưa vào thị trường tiêu thụ người Việt như Coca, Fanta, RC cola,…

Binh lính Mỹ, có bồ người Việt, mua đem đồ trong PX ra, để bán lại kiếm tiền để mua ma tuý do mấy ông nằm vùng bán. Dân bán đồ Mỹ, sống nhờ chiến tranh, giàu có ra.

Dạo ấy, mỗi lần nhà có giỗ hay khách đến, ông cụ sai mình chạy lên nhà bà Thủ, có bán tạp hoá trong nhà, mua chai nước cam hay xá xị. Nhà bà thủ làm bằng gỗ, phòng khách được dùng làm quán, chứa mấy bánh kẹo, dầu, nước ngọt. Mua xong rồi phải đem chai trả lại, không nhớ có bắt đóng tiền cọc hay không. Mình nghĩ là không vì nhà trong xóm. Bà Thủ ghi tên nhà nào mua. 

Nhớ khi mình đến Ma-rốc ngày đầu tiên, có một anh chàng Ma-rốc, mời về nhà chơi. Họ hiếu khách nên sai con chạy ra quán trong xóm như mình khi xưa ở Đà Lạt. Mua chai coca đem về mời khách. Mình không dám uống vì sợ đau bụng khi thấy họ bỏ đá mua ở quán mang về. Chỉ xin trà nóng uống để tránh bị đau bụng.

Bà Thủ có một cô con gái đầu rồi đến thằng Vui, hơn mình mấy tuổi, học Trần Hưng Đạo, sau Mậu Thân, theo Việt Cộng bị bắt nhốt trên Trung Tâm Thẩm Vấn ở đường Bá Đa Lộc. Lâu lâu thấy bà ta đến nhà ông Lê CÔng Oai, chuyên gia bắt nằm vùng tại Đà Lạt, nhờ đem đồ ăn hay chi đó vào cho con bà ta. Sau 75, nhờ thằng Vui, có công với cách mạng nên bà ta làm trời một thời ở xóm, tìm cách tống cổ gia đình mình đi kinh tế mới.

Chai xá xị hiệu con cọp của công ty BGI (brasserie glacière d’Indochine)

Hãng BGI có thương hiệu là con cọp nên thiên hạ hay nói Xá Xí Con Cọp hay nước cam con cọp để khỏi lộn với nước ngọt của Mỹ đưa vào sau này. Mình thấy họ bỏ trong mấy két, thùng bằng gỗ có nhiều ngăn để đựng mấy chai. Mình đoán độ 20-24 chai. Dạo ấy thấy quảng cáo trên đài truyền thanh, họ rao như kem Hynos, yêu kem yêu luôn anh bảy chà da đen. Có lẻ nhờ quảng cáo Hynos mà đám trong xóm gọi mình là Sơn Đen. Chắc để chống lại sự xâm nhập của nước ngọt Mỹ nên họ kêu:

Nước ngọt con cọp ở đâu
Đó là khỏe mạnh sống lâu yêu đời”

Dạo ấy có tiền uống được chai nước cam vàng, là dân chơi thứ thiệt còn thì uống xá xị nhiều hơn. Lý do là xá xí giá rẻ hơn. Mình không hiểu, chắc họ cố ý, cho rằng nước cam làm bằng cam nên đắt hơn. Mình thích nhất là ga, đỗ vào ly, thấy nước xỉu bọt lên nghe xè xè thấy đã lỗ tai. Uống vô một ngụm, cố ợ một cái cho nó phê cuộc đời. Nay ở Hoa Kỳ, không dám uống. 

Sau này, bà Thới, mẹ Minh Tây Lai, học Thái Cực Đạo với mình mở quán bán, còn bà Thủ thì ngưng. Không hiểu lý do. Hình như bà Thới, có bà con chi với bà Thủ vì thấy ở chung nhà sau Mậu Thân. Có thể nhà bà Thủ mở quán, làm nơi đưa tin, hộp thư cho dân nằm vùng. Chỉ có họ mới biết. Trước nhà bà Thủ là nhà ông Đề, giám đốc Trung Tâm Thẩm Vấn Đà Lạt. Ông ta cho Việt Cộng nằm vùng bị bắt về nhà, phát cây quỳ, làm hàng rào xung quanh nhà. Gắn mấy cái lon coca của Mỹ nơi hàng rào. Có lần ban đêm, mình nghe tiếng súng bắn rồi tiếng len ken của mấy lon nước ngọt không chạm vào nhau, báo động. Nghe nói Việt Cộng nằm vùng về tính thịt ông Đề.

Ớn ớn, ông cụ mình dắt mình ra nhà bà phúng ở số 11 Duy Tân ngủ mỗi đêm sau Mậu Thân. Dần dần tình hình khả quan hơn thì ngủ ở nhà. Dạo ấy, dân nằm vùng hay về trên Số 4, bắt mấy công chức như trưởng ấp, đem ra bắn. Có dạo họ tấn công đồn nhân dân tự vệ, sau lưng trường Đa Nghĩa.

Nay, mấy bà đều đi nằm vùng ở tây phương cực lạc hết. Về Đà Lạt, có thấy thằng Vui, từ xa nhưng không đến chào. Thứ nhất nó không nhớ mình, thứ 2 là cũng chẳng biết nói gì. Cách mạng trả công cho hắn 1 căn nhà bé tí ti, ngay dốc Thì Sách lên đường Calmette. Thấy có cặp nào đến xem để mở quán chi đó.

Sau Mậu Thân thì thiên hạ uống nước ngọt của Mỹ như Coca Cola, Fanta, Sprite. Viết đến đây, mới nhớ, dạo về Hà Nội lần đầu tiên, mình ra quán nước, hỏi có gì uống. Bà hàng quán kêu có Bẩy Úp khiến mình như bò đội nón nhưng chợt giác ngộ cách mạng là Mỹ gọi Seven Up (7 Up) theo dòng đời 3 down 7 up của mình.

Có lẻ nước ngọt của Mỹ ngon hơn hay rẻ hơn nên tràn ngập ngoài chợ. Đi đâu cũng thấy thiên hạ uống Coca Cola. Nhớ có lần tết, thằng bi rủ mình đi chơi với đối tượng của hắn, bạn học em gái của hắn, ra Thuỷ Tạ. Đối tượng của hắn kêu coca, rót vào ly xong, cô nàng lấy chút muối rắc rắc vào, kêu để bớt bọt ga. Uống mặn mặn ngọt ngọt.

Dạo mình sang Tây, đi kiếm xá xị không ra. Hóa ra tây chỉ làm bán cho dân annamite, nước cam thì họ uống đa số là Orangina, có dợn dợn chất cam vắt ở trong chai. Có lần mình thấy bán ở chợ nên mua về. Không ngờ đồng chí gái mê loại này đến giờ. Ngoài ra thì Tây đầm uống Coca Cola nhưng không có đá. Họ chỉ uống bỏ tủ lạnh nên í ngọt hơn coco ở Hoa Kỳ. Coca ngoài Hoa Kỳ được làm bằng đường của mía nên vị khác với coca được bán cho người Mỹ tại Hoa Kỳ, được làm bằng đường củ cải. Dân Mễ mua coca trong siêu thị Mễ, được sản xuất bên kia biên giới, rồi chở sang. Đắt hơn coca của Mỹ.

người Mỹ uống loại float này, bỏ kem vào rồi đỗ nước ngọt Dr Pepper vào. Nhiều đường lắm. Dạo mấy đứa con còn nhỏ, hay gọi cho chúng loại này. Nay thì sợ rồi.

Đến khi qua Hoa Kỳ thì mới thấy loại nước na ná xá xị. Dr Pepper, bác sĩ Tiêu hay tiến sĩ Tiêu. Người Mỹ uống loại này bằng cách bỏ thêm 1 hay 2 muỗng kem ở trong, còn xịt thêm kem gọi Float. Nói chung nước ngọt thì càng ngọt thêm. Một ly như vậy tính ra cả 1,000 calories.

Dạo này, thị tường nước ngọt tại Hoa Kỳ đang xuống dốc. người Mỹ bắt đầu hiểu là nước ngọt làm họ béo phì ra nên bớt tiêu thụ coca và pepsi. Ngược lại thì thu tường xá xị, Dr Pepper lại lên như diều. Có lẻ cái vị của nước ngọt này hay cách quảng cáo đã khiến người Mỹ chạy đi mua. Hình như loại nước này còn nhiều calories hơn là coca.

Từ năm 2003 đến nay, công ty Keurig Dr Pepper (KDP) đã chiếm từ 9% đến 26% thị tường nước ngọt tại Hoa Kỳ. Nếu ai đi làm chắc biết Keurig làm cà phê, tự pha chế với cái máy bán rẻ đùng nhưng cà phê đựng trong gói nhỏ rất đắt. Họ cho biết có đến 26 vị được trộn chung vào nước uống này. Kinh

Đi chơi ở ngoại quốc, mình thấy nước bò húc rất được dân các xứ khác yêu chuộng, uống nhiều lắm. Có lẻ nên mua cổ phiếu của công ty này. Trên thị trường Hoa Kỳ thì coca và pepsi bắt đầu bình bình không lên nữa. Có lẻ vì người ta lên tiếng về nước ngọt làm béo phì, khiến con nít bớt uống. Giới trẻ như con mình nay không uống coca nữa. Hôm tước, thấy đồng chí gái mua mấy chai coca nhỏ về uống. Mụ vợ kêu thèm. Mình phải đem ra ga ra để, mụ thèm lên cũng đi lục ra hết. Chán Mớ Đời 

Nhớ khi xưa, ở Thuỵ SĨ, có tên Mỹ làm chung, hắn kêu bên Mỹ uống coca lips ba ga, cứ vào tiệm ăn, mua thức ăn và coca. Uống mấy ly cũng được, không phải trả tiền thêm. Mình nghĩ hắn nói bựa. Ai ngờ khi sang Hoa Kỳ thì mới hiểu. Vào tiệm ăn, kêu coca, tiếp viên thấy hết là họ châm thêm, không phải trả tiền thêm. Cứ hết thì đến lấy tiếp. Ăn xong thì ra lấy thêm bỏ vào ly giấy đem về. Nay thì sợ rồi.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 












Sô-cô-la một thời để nhớ

 Cứ đến giáng sinh là thấy thiên hạ mua sô-cô-la tặng bạn bè hay người thân khiến mình nhớ đến cây cà rem của tiệm bán nước đá Thuỷ Tinh, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Dạo ấy, Đà Lạt có hại tiệm bán kem, Việt Hưng ở đường Thành Thái và Thuỷ Tinh. Việt Hưng chuyên bán kem ly còn Thuỷ Tinh thì bán nước đá nhiều hơn. Thấy từng khối độ nữa thước, chiều ngang độ15 phân. Khi nào nhà có khách thì hay chạy qua bên tiệm này để mua, bỏ trong bịch nylon rồi chạy cho nhanh về nhà nếu không lại tan hết. Về nhà thì lấy con dao bầu, trở cái lưng dao ra chặt từng mảnh nhỏ, bỏ vào cái thau.

Thường dân Đà Lạt ghé ngồi ở Việt hưng để ăn kem ly, nơi sân nhìn xuống đường Lê Đại Hành, có mấy cái dù quảng cáo bia và kem đánh răng Perlon. Hình như họ có kem cây nhưng mình không nhớ vì có ghé ăn của họ 1, 2 lần hồi nhỏ đi với người lớn. Dân Đà Lạt cần nước đá thì chạy lại tiệm Thuỷ Tinh mua về nhà hay mấy tiệm hay quán bán nước đá, đều mua tại đây. Như ông tàu bán đậu đỏ bánh lọt, bên hông rạp Ngọc Hiệp hay tiệm bán sinh tố của bà Tàu, phía bên kia hông rạp, nơi có đường hẻm phía sau rạp Ngọc Hiệp.

Tiệm Thuỷ Tinh bán cà rem cây nhiều hơn như kem đậu đen, đậu đỏ nhưng mình mê nhất là cà rem Eskimo. Họ có một cái khuôn có thể làm đâu 8 hay 12 cây kem một lúc, cứ bỏ chè đậu đỏ hay đậu xanh vào rồi cắm cây que làm bằng tre, bỏ vô ngăn đá. Khi đông thì lấy ra, bỏ vào mấy thùng nhôm, lót foam bên trong. Họ khuấy sô-cô-la rồi ịn cây kem vào để bọc vỏ kem bằng một lớp sô-cô-la. Gói giấy bạc lại để giữ kem cho lâu tan.

Ở đường Hai Bà Trưng, thường có ông bán cà rem, đeo cái bình to hơn cái thùng thiết nước mắm, làm bằng nhôm, phía trong có lót foam, để giữ lạnh lâu hơn. Cứ trưa trưa, sau ăn cơm là thấy ông ta đi ngang xóm, lắc lắc cái chuông, rao cà rem đây.

Mình và mấy đứa trong xóm chạy theo như đàn chó rượn đực hay ngửi mùi cứt. Lâu lâu có người hỏi mua, cả đám cứ đứng nhìn vào cái thùng đựng cà rem nhưng không thấy gì. Thấy mấy đứa mua, cầm cây kem mút mút khiến mình nuốt nước miếng thèm thuồng nghe ực ực. Sướng gì đâu khi được ăn chực.

 Lâu lâu có tiền chạy theo ông bán cà rem, mua cà rem nhất là Tết có tiền lì xì, tha hồ ăn cà rem sô-cô-la Eskimo. Ông bán cà rem, đặt cái thùng xuống, dỡ cái nắp đậy ra, mở cái bọc ny-lông rồi thò tay vào lấy. Lúc đó mới thấy ông ta chia hai ngăn, bên cà rem đậu đỏ và bên cà rem Eskimo. Lấy một cây đưa cho mình sau đó, bóc giấy bạc, bọc cà rem ra, từ từ lộ ra màu sô-cô-la. Cắn phần dưới trước để khi tan, không rớt xuống đất. Sau này ra hải ngoại, mình cứ tưởng người Eskimo giống như kem, ai ngờ họ thuộc giống da vàng. Chán Mớ Đời 

Nhắc tới kem đậu đỏ thì nhớ đến bà Tân Gầy, mẹ của thằng Đôn, ở xóm mình. Xóm mình, có hai ông tên Tân; một gầy và một ù nên trong xóm gọi để dễ phân biệt. Khi nhà này mua được cái tủ lạnh nhỏ, cở sinh viên để trong phòng cư xá. Dạo ấy, mình vào nhà này thấy cái tủ lạnh, thấy họ sang trọng, văn minh quá độ. Bà Tân ghét mình vì hay đập lộn với con bà, hay lên nhà mắng vốn với bà cụ mình nhưng khi mình gõ cửa mua chè thì bà ta nhìn mình với nụ cười tỏa nắng.

Nhờ cái tủ lạnh, bà Tân bán cho con nít trong xóm chè đậu đỏ. Bà nấu chè xong thì bỏ vào mấy cái bịch nylon nhỏ, cột dây thung lại, bỏ vào ngăn đá. Có tiền, mình hay chạy xuống nhà này mua. Cầm cái bịch nylon, cắn một lỗ rồi cứ mút mút từ đó. Phê không thể tả. Về Đà Lạt, mình có ghé lại thăm bác gái. Sau này, nghe cô con gái út nói nằm luôn, không nhớ ai nên không vào nhà thăm. Nghe bác ấy qua đời. Độ 10 năm về trước, khi mình về Đà Lạt thì có bác Hoà gái, và Bác Tân gái thuộc dân trước 75 còn sống sót ở xóm mình và cô Kim, vợ anh Bình, Lê Minh Sớm.

Hôm trước, có cô con gái tên Hương của bác Hoà liên lạc. Trong xóm mình dạo ấy có bác Hoà bán bột chiên và bác Tân gầy bán chè đá cho con nít lối xóm. Mình vác búa đi đóng thùng gỗ ở nhà ông Lào, có tiền lại bị hai bà hàng xóm vớt hết tiền. May sau này, mở được trương mục ở Đông phương Ngân Hàng nên mới có tiền dư, đến khi đi Tây, rút ra lên đến 40,000 đồng, gấp 2 tiền lương ông cụ.

Hôm trước, có cô nào, kêu là cháu ông Lào, hỏi thăm mình. Nghe nói, bác Mai, bố thằng Banh, về lại Đà Lạt ở. Chắc lớn tuổi nên con cháu đưa về Đà Lạt để dễ săn sóc. Tháng 2 năm 2023, mình sẽ ghé Đà Lạt có 2 đêm sau khi leo Sơn Đoòng. Nhiều người hứa sẽ nấu bún bò, đỗ cho ăn bánh căn nhưng không biết có ăn được của họ không. Chị cứ hứa nhưng chị đừng nấu. Chán Mớ Đời 

Trở lại vụ sô-cô-la. Sô-cô-la được làm bằng hạt cacao, màu trắng và màu nâu. Sang tây mình mới khám phá ra có sô-cô-la màu trắng. Khi xưa, cứ tưởng màu nâu. Sô cô la Thụy sĩ nổi tiếng nhưng có lẻ xứ Bỉ rất nổi tiếng về sô-cô-la. Đi Bỉ chơi, về phải mua sô-cô-la cho bạn bè. Mình chỉ thích sô-cô-la của thiên hạ mời ăn vì có mùi hương khói còn mua về ăn thì thấy hơi hơi tiếc tiếc tiền.

Người Bỉ nổi tiếng về praline, loại đậu,…được bọc sô-cô-la phía ngoài hay rượu mạnh phía trong. Đi Bỉ ăn sô-cô-la và khoai tây chiên là hai món nổi tiếng của xứ này.

Dạo ấy, nhà mình ăn sáng kiểu bơ thừa sữa cặn của đế quốc. Mỗi đứa có ly sữa ông thọ pha nước sôi, và nữa ổ bánh mì Ngã Ba Chùa. Mỗi sáng, có ông bán bánh mì, đi ngang nhà với hai bao tải, đựng bánh mì, giữ cho nóng. Ông ta lấy mối ở tiệm bánh mì gần ngã ba chùa, gần tiệm Sơn Hà. Mấy anh em sáng dậy là vào bàn, lấy bánh mì, bẻ ra chấm với sữa. Sau này, mấy đứa em xin phần của mình để ra chơi ăn. Mình đành nhịn đói đi học, đến 11 giờ là bụng cồn cào nhưng có điểm lạ là học tân tiến hơn xưa. Sau này, mới khám phá ra nhịn đói giúp nhớ dai.

Công ty Nestle qua Việt Nam rất sớm

Dạo ấy, mỗi lần mẹ mình trúng mánh thì mua lon Ovaltine về để con cái uống. Sáng mỗi người nữa ổ bánh mì, và ly sữa nóng. Sang thì bỏ một muỗng Ovaltine vào khuấy uống. Anh em Việt Nam hay cành nanh nhau vì từ bé ăn uống đã lộn xộn, dành nhau. Ổ bánh mì được cắt ra làm hai. Ai cũng muốn thủ phần lớn nhất nên từ từ khi lớn lên, có sự ganh đua giữa anh em. Chán Mớ Đời 

Thời chiến tranh, lính Mỹ sang nên có vụ mua đồ hộp Mỹ, mẹ mình hay mua Ovaltine, về cho con uống nên anh em dành nhau, khuấy uống. Hình như Mỹ gọi là cocoa. Uống sao thấy hạnh phúc cực đỉnh. Mình nhớ có lần, ông cụ dẫn vào nhà thăm một người bạn khi xưa, cùng đơn vị, làm cho sở Mỹ. Nhà ông ta ở xóm Địa Dư, gần Grand Lycee, đối diện nhà ông Toản, dạy kèm mình hè. Vào nhà thấy cái tủ lạnh to đùng, ông ta mở ra như cái hang của tên cướp Alibaba. Toàn là đồ quốc cấm ở nhà mình. Nào là sữa tươi, nào là phô mát,… ông ta rót cho mình ly sữa tươi. Mình nhấp nhấp từ từ để tận hưởng cái hương vị uống sữa tươi lần đầu tiên trong đời. Ngon hơn sữa Ông Thọ.

Có dì Nghĩa, cháu bà Sáu Còm, có cái sạp bán đồ hộp Mỹ, cạnh cái bồn nước công cộng ở dưới chợ. Chồng dì là cảnh sát, ở khu giếng ông Ba Tây trên đường Thi Sách. Mỗi lần ra chợ, mình cứ đi ngang dang hàng của dì để ngắm nghía, định hướng mấy lon đồ hộp, được xếp chồng lên nhau như trái apricot, bưởi, hay mấy cái lon có bánh biscuit, có sô-cô-la hay peanut butter… sang Mỹ mình thích nhất là ăn peanut butter, đậu phụng mà họ ép ra, quét với bánh mì ăn cực đỉnh.

Khi qua tây mình mới ăn được sô-cô-la lần đầu tiên trong đời. Giáng sinh được gia đình tây mời đến nhà ăn và được họ cho ăn bánh sô-cô-la và kẹo. Ngon kể gì. Đúng là bờ thừa sữa cặn của thực dân đế quốc. Gia đình ông tây có thời đi lính viên chinh qua Việt Nam nên sau 75, ông ta thấy làn sóng tỵ nạn Việt Nam nên hỏi hội cựu chiến binh pháp, có ai độc thân, không gia đình vào mùa giáng sinh, ông ta mời lại ăn giáng sinh cùng với gia đình ông ta.

Bà cụ mua sữa Guigoz cho 10 đứa con uống, nghèo luôn.

Sau này, có gia đình, để giữ truyền thống của gia đình tây mình quen, mình hay mời bạn con mình có gia đình ở xa hay cặp vợ chồng bác quen, đi hỏi vợ cho mình đến nhà ăn giáng sinh, Tết vì con họ đi học xa. Hôm qua, mình được cử gửi tiền cho mấy người việt sinh sống tại Ukraine, có thể mua máy phát điện từ Ba Lan đem qua Ukraine để sống tạm qua ngày, đợi chiến tranh chấm dứt trong mùa đông giá băng ở xứ lạ quê người.

Sô-cô-la được ông Kha Luân Bố đem từ Mỹ châu về nhưng lúc đầu không ai biết ăn, nhất là đắng đến khi mấy tu sĩ sáng chế, bỏ đường thêm thì trở nên món ăn khói khẩu của giới quý tộc. Nên nhớ khi xưa, đường là một loại xa xỉ phẩm tại Âu châu cũng như mấy loại gia vị được nhập cảng từ Ấn Độ, Ba Tư. Bà hoàng hậu Marie Antoinette thích sô cô la đến khi lên đoạn đầu đài.

Dạo mình ở Thuỵ Sĩ, có kiếm Ovaltine để uống thì được biết ông Georg Wander, người Thuỵ Sĩ, chiết xuất ra mạch nha để bán đến đời con trai tên Albert, khuếch trương thương hiệu và chế nhiều loại sản phẩm để bán trong các tiệm thuốc tây để chữa trị bệnh họ, cúm,…

Sau này ông Albert tìm cách chế một loại thuốc trị bá bệnh, giúp bệnh nhân hưng phấn. Ông ta trộn mạch nha với sữa, trứng và cocoa và đến năm 1903, ông ta chế được sản phẩm gọi Ovomaltine, Ovo là trứng, Maltine thuộc về mạch nha. Từ từ sản phẩm này được bán trên các quốc gia dưới nhãn hiệu Ovaltine. Đến thế chiến 2, quân đội Hoa Kỳ dùng loại này để cho binh sĩ họ uống để bảo đảm sức khoẻ để chiến đấu. Kiểu ngày nay người ta cho người già uống sữa Ensure.

Sau này, công ty này được bán cho Anh quốc khiến người Thuỵ Sĩ không vui vì mất đi một danh hiệu quốc gia. Xứ này nuôi bò vắt sữa nhiều nên mấy loại sữa bột như Guigoz, Ovaltine,..ra lò rất nhiều. Cái hay là họ quảng cáo đủ thứ khiến chúng ta lầm tưởng, mua ào ào, giúp họ làm giàu. Họ bỏ chút cocoa còn thì pha đủ thức trò, nhất là đường khiến người ta ghiền. Sau này chính phủ Mỹ cấm vài chất dùng để làm ovaltine nên ngày nay không còn hương vị như hồi xưa.

Do khí hậu Âu châu không trồng được loại cacao, các đế quốc Âu châu, đem qua các thuộc địa họ để trồng, nhằm cung cấp cho mẫu quốc dùng. Đa số là ở phi châu. Hai nước trồng nhiều nhất cacao là Côte d’Ivoire và Ghana. Hiện nay, Côte d’Ivoire sản xuất 30% cocoa của thế giới. Vấn đề ngày nay là các nông dân ở mấy xứ này khai thác, phá rừng để trồng cocoa. Các nông dân phá rừng kiểu khi xưa, ông ngoại mình bỏ Huế vào Bảo Lộc, phá rừng trồng trà, thành lập đồn điền trà Nguyễn Đăng.

Vấn đề là phá rừng mà họ không lãnh tiền nhiều vì chỉ nhận có 5% giá thị trường. Mình trồng bơ bán chỉ nhận được 30% của giá thị trường, đã rên trong khi nông dân phi châu chỉ lấy có 5%. Còn bao nhiêu vào túi các công ty như Nestle, Lindt của Thuỵ Sĩ và môi giới. Người ta phá rừng để trồng cây Cocoa nhưng chất lượng không tốt vì tuỳ môi trường, đất đai nữa. Trước đây, người ta trồng hữu cơ nay thì bỏ phân bón cho đầy để được nhiều số lượng nên phẩm chất cũng bớt. 

Vấn nạn tương tự với cà phê, được bồi thêm hoá chất và thuốc diệt sâu, thế là mọi người tiêu thụ, sẽ mang bệnh đủ thứ bệnh trong tương lai.

Ngày nay, cả thế giới tiêu thụ sô cô la rất nhiều. Hoa Kỳ tiêu thụ hàng năm 2.8 tỷ cân anh. Tháng 4 vừa rồi mình đi Peru, thấy họ bán cocoa và cà phê đầy. Xứ này trồng rất nhiều, tương tự Equador, Mexico, Nigeria, Cameroon,… 

Chỉ có á châu là chưa bị ghiền sô-cô-la, có lẻ vì ngọt nhưng các công ty tây phương và Hoa Kỳ đang tìm cách bắt dân á châu ăn loại này để họ làm giàu. Khi mình ở Thuỵ Sĩ, có theo học khóa hậu đại học do công ty Nestle tài trợ tại trường Bách Khoa Lausanne. Họ nói đến Nam Dương, và mời một kinh tế gia xứ này đến nói chuyện. Ông này nói là xứ ông ta nuôi bò lấy sữa. Hóa ra sữa tươi Hoà Lan mà mình uống khi xưa ở Đà Lạt được cung cấp từ Nam Dương, cựu thuộc địa của Hoà Lan.

Loại sô-cô-la này được gọi là praline, nổi tiếng bên Bỉ, có nhân ở trong và rượu mạnh. Tối qua nhà mình có khách đến, có một hộp praline này nhưng ít ai ăn.

Việt Nam trồng cà phê rất nhiều nhưng không có tiếng trên thế giới về chất lượng, tương tự gạo Việt Nam có rất nhiều thạch tín và thuốc trừ sâu. Về Đà Lạt, thấy họ phá bỏ các cây mận Trại Hầm nổi tiếng ngày xưa để trồng cà phê. Vấn đề là người Việt mình không đa dạng hoá, chí chú tâm vào một loại canh nông như cà phê hay trà mà quên đi cacao rất bổ dưỡng và đắt hơn cà phê. Nam Dương nay thành công, trở thành nước xuất cảng nhiều về cacao ở A châu.

Ở Hoa Kỳ, công ty sô-cô-la lớn nhất là Hershey Co đang bị kiện ra toà vì không cảnh báo người tiêu dùng về sự hiện diện của chất chì và cadmium trong các thỏi sô-cô-la đen do họ sản xuất. Các công ty khác như Lindt, Ghirardelli cũng lâm vào tình trạng này. Mấy loại này được trộn chung để giữ màu không phai,…

Các báo cáo của người tiêu dùng cho biết là số lượng chất chì và cadmium quá cao so với lượng cho phép. Nếu hấp thụ nhiều cadmium sẽ bị ung thư phổi trong khi có chất chì thì con nít sẽ bị giảm thiểu năng, lớn chậm. Thế lại ngọng. Ngày nay, ăn cái gì cũng đưa đến cái chết. Chán Mớ Đời 

Á châu nay đã có Nam dương trồng cacao. người Tàu vẫn chưa quen sô-cô-la vì ngọt nhưng mấy anh ấn độ thì thích. Tây phương tìm cách xâm nhập thị trường Trung Cộng và ấn độ, 3 tỷ người.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 







Kim đồng hồ chạy ngược hay chạy xuôi

 Hồi nhỏ, khi ông tây bà đầm dạy xem đồng hồ, và giờ giấc,.. mình thắc mắc tại sao kim đồng hồ đi từ trái, vòng vòng qua phải mà sao không từ phải qua trái nên hỏi bà đầm, không nhớ bà này tên gì chỉ nhớ khi xem hình chụp cả lớp năm đó với bà ta. Bà ta chỉ nhìn mình rồi không nói gì còn mấy tên ngồi gần nhìn mình như bò đội nón, hỏi sao mình ngu thế. Mình thì có cái máu phản động, ai nói gì mình cũng không tin, hay hỏi trớt quớt. Nếu không được giải thích cặn kẽ thì mình không tin dù người đó là ông tây bà đầm. Ngày nay cũng hay cãi với đồng chí gái vô vàn kính yêu vì cô nàng tự cho sông có cạn núi có mòn nhưng đồng chí vợ luôn luôn đúng.

Thắc mắc này cứ theo mình đến giờ vì mình nghĩ người Do Thái viết tiếng Hebrew từ phải sang trái, tương tự người Tàu cũng vậy. Xe chạy bên trái bên phải thì mình hiểu vì khi xưa, người ta đi quen bên trái, cởi ngựa, chạy xe cũng vậy. Lý do là người ta thuận tay phải, đeo kiếm nên phải đi bên trái để có gì thì dễ rút kiếm bằng tay phải. Kiến trúc sư thiết kế các cầu thang tròn khi xưa, cũng đi lên từ bên trái, để gia chủ ở trên có thể thuận tay phải, cầm kiếm chống đỡ kẻ gian. Từ đó phụ nữ nắm tay chồng been trái để lên cầu thang tròn cho dễ vì các bực thang to rộng hơn phía bên trái.

Khi ông tây bà đầm dạy xem giờ thì nói chiều kim đồng hồ trong khi mình hỏi tại sao không đi ngược lại
Mình hỏi ông tây bà đầm lý do sao không đọc ngược lại thì không được trả lời trong khi mấy tên học chung kêu mình ngu, hỏi vớ vẩn 

Sau này, ông Napoleon bé người, đứng xem duyệt binh, quân sĩ xa quá nên đổi bên nên từ đó người Pháp chạy xe bên phải còn người Anh quốc vẫn tiếp tục như xưa. Ngày nay, các thuộc địa cũ của người Anh vẫn tiếp tục chạy xe bên trái. Hôm mình đi Tanzania, thấy xe chạy bên trái. Trong khi các thuộc địa của Tây thì chạy xe bên phải. Chán om

Đồng hồ cát mà người tây phương sử dụng trước khi chế đồng hồ quay. Cứ hết cát thì họ xoay lại

Lớn lớn một chút thì được giải thích là đồng hồ được khám phá ra bởi người tây phương nằm trên vùng Bắc bán cầu do đó các số của đồng hồ được viết theo chiều xuôi đồng hồ. Mình cứ tin như sấm đến khi đi viếng Nam Bán cầu năm nay như Peru, Tanzania, Ai Cập thì xét lại không đúng. Nếu thuyết này đúng thì ở Nam Bán Cầu kim đồng hồ sẽ đi ngược chiều kim đồng hồ tương tự khi dội nước bồn cầu. Cứ đi xuống phía nam bán cầu thì khi dội nước bồn cầu hay bồn tắm thì nước chảy ngược chiều với Bắc bán cầu. Lần đầu tiên mình chứng kiến vụ này cứ kéo cần dội hoài như con nít ngày xưa. Chán Mớ Đời 

Học địa lý khi xưa, các con sông ở Bắc bán cầu đều chảy từ phía Bắc xuống, khi đến Ai Cập thì thấy con sông Nile dài nhất phi châu chảy từ phía nam lên miền Bắc, khiến mình như bò đội nón. Cho thấy người tây phương dạy mình chỉ đúng một chiều, theo quan điểm của họ. Trước khi người tây phương phát minh ra cái đồng hồ vào thế kỷ 14 thì người ta dùng đồng hồ cát từ thế kỷ thứ 8 trước tây lịch.

Đồng hồ đèn cầy được dùng để xem giờ kiểu người Việt dùng cây hương để đo thời gian nhưng chắc không chính xác lắm vì tuỳ theo cái tim, khí hậu đủ trò,

Qua Âu châu mình mới thấy mấy cái sundial mà khi xưa người tây Phương sử dụng để biết giờ giấc. Họ cắm cây đinh ở giữa cái vòng tròn rồi khi mặt trời mọc di chuyển từ từ để chỉ định giờ giấc. Không biết lúc đó họ đã nghĩ tới là mùa đông thì mặt trời ở xa,… Khi mặt trời mọc phía đông rồi di chuyển qua phía nam rồi qua phía tây. Loạn não. Đi chơi lại khám phá nhiều thứ khiến mình điên đầu. Không đi thì buồn vì không có gì lạ ở nhà. Mùa đông thì thương mặt trời bị mây che, không biết có bóng rọi cây kim để cho biết giờ giấc hay không.

Đi viếng Budapest, trên lâu đài mình có thấy mấy sundial kiểu này

Dùng đồng hồ này cũng lộn xộn vì phải định hướng cho đúng và tuỳ theo địa phương, đặt đúng chỗ mới đúng nếu không thì bù trớt. Nếu giải thích theo khoa học thì trái đất xoay từ Đông sang Tây nhưng nếu chúng ta xem từ Bắc bán cầu thì quả địa cầu xoay ngược kim đồng hồ. Trong khi đó nếu chúng ta đứng ở phía Nam bán cầu thì chạy theo kim đồng hồ. Mình có kể vụ 2 điểm gần nhất là đường thẳng nhưng trên thực tế, thì khác hẳn. Rất lộn não.

Họ cũng dùng nến, đèn cầy để tính giờ giấc. Đồng hồ được người tây phương sáng chế nên họ tự đặt cách đồng hồ chạy. Tương tự như người Anh quốc dùng thành phố Greenwich để làm cái mốc chính của giờ giấc trên thế giới. Các quốc gia ở á châu, hay lục địa khác vẫn phải theo người tây phương. Hiện giờ Âu châu chìm trong bão tuyết nhưng miền nam bán cầu như Úc Đại Lợi, A Căn Đình là mùa hè, các con chiên reo mừng đón lễ giáng sinh trong cái nóng khủng khiếp nhưng vẫn hát đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời. Chán Mớ Đời 

Để các sundial hoạt động đúng thì vào trưa, khi mặt trời đứng bóng thì cây kim phải chỉ về hướng Bắc và từ đó họ phát minh ra đồng hồ cũng theo hình thể đó. Trong khi đó ở phía nam bán cầu thì trưa thì sundial phải chỉ về hướng Nam và đồng hồ trên nguyên tắc phải quay ngược. Nhưng không ai giải thích ở đường xích đạo Equador. Hy vọng năm 2023, mình sẽ có dịp đi viếng xứ này với Galapagos.

10 ngày nữa mình đi Nam Mỹ, Chí lợi và A Căn Đình nên những thắc mắc vớ vẩn ngày xưa lại trôi dạt về nên mò mò tin tức để hiểu thêm chút. Chợt ngộ ra mấy tên học chung khi xưa rất đúng khi kêu mình ngu vì đến giờ vẫn chưa giác ngộ cách mạng, chưa hiểu, giải thích được tại sao mấy quốc gia khác phải theo giờ giấc của Tây phương vì địa dư khác biệt so với khoa học. Chán Mớ Đời 

Bác nào có cách giải thích rõ ràng thì cho em biết để giải ngu một tí. Cảm ơn trước.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Một năm tiễn những người bạn ra đi

Năm nay, mình đi chơi cũng nhiều mà đi đám tang, tiễn những người bạn già ra đi về đất Chúa cũng khá nhiều. Cảm tưởng như đã mất một thời thanh xuân nào đó. Những người bạn này, lớn tuổi hơn mình, vào hàng cha chú của mình. Cái hay là người Mỹ họ không quan tâm đến chơi với nhỏ tuổi hơn tương tự nay mình có vài người trẻ học nghề, kinh nghiệm của mình cũng như đang truyền nghề cho thằng con trai.

Cách đây 25 năm, mình tham gia một nhóm đầu tư về địa ốc, mỗi sáng thứ 6 họ đều gặp nhau, ăn sáng ở tiệm Coco hay Denny. Nhà hàng dành riêng 1 căn phòng để cả đám ăn sáng, chia sẻ những tin tức và kinh nghiệm của họ. Chỉ cần cho tiền boa hậu hĩnh là các phục viên vui vẻ. Ai có vấn đề gì thì đem ra bàn cãi để cùng nhau học tập, rút kinh nghiệm. 

Mình là ma mới nên chỉ ngồi nghe và ăn. Sau này mình không ăn sáng nên chỉ uống trà, bàn với họ về các tin tức liên quan để địa ốc tại Cali. Có quen vài nhóm khác, cũng gặp nhau sáng thứ 4 để ăn sáng. Qua những buổi ăn sáng từ mấy chục năm qua, mình học rất nhiều từ những người này nhất là những sai lầm của họ, phải trả giá cao, giúp mình tránh những lỗi lầm này.

Vấn đề là nhóm toàn là dân già nên từ từ nghe người này qua đời hay đau ốm, từ từ giã từ cuộc chơi. Thằng con mình quen với một nhóm trẻ khác, đi học về đầu tư nên cuối tuần, đi theo đám đó đến văn phòng ai, ngồi chơi Cash Flow, để tập như đang mua thật nhà cửa, thương lượng ra sao,… có lẻ lần sau mình sẽ theo nó chơi cho vui luôn tiện có thể cho ý kiến.

Năm nay, mình đi đám ma nhiều người trong nhóm khiến 1 nhóm giải tán. Khởi đầu là ông Mic, đến bà vợ rồi đến ông Jack rồi ông Larry và cuối tháng vừa rồi, mình gọi điện thoại cho bà Inge để chúc mừng sinh nhật thì vài ngày sau, bà không nhận ra mình, gọi người con trai. Hỏi thăm tình hình sức khoẻ của bà. Vài ngày sau, con trai bà ta cho biết bà đã qua đời.

Từ từ mình học được những trải nghiệm cuộc đời của họ như ông Jack Fullerton. Một huấn luyện viên thuỷ cầu, lương bổng không khá nên bà vợ bỏ. Buồn đời ông ta xuống San Diego đi câu cá như gặp biển động nên buồn đời không biết làm gì, có bạn rủ đi dự một seminar về đầu tư địa ốc. Từ đó chăm chỉ tiết kiệm tiền để mua nhà, nay qua đời để lại 15 căn nhà cho mấy người con.

Ông Jack Fullerton, người đã dẫn dắt mình trên con đường đầu tư, mới qua đời

Đến ông Mic, một thời du đảng, ăn welfare với vợ. Bị cán bộ xã hội hành lên hành xuống nên hai vợ chồng Chán Mớ Đời nên đi làm. Họ xài một đồng lương và để dành lương kia, được 2 năm thì mua được căn nhà. Sau đó thì mua nhà sửa lại bán rồi cho thuê. Chết để lại trên 50 căn nhà cho hai cô con gái.

Có chuyện vui do họ kể. Họ chỉ làm việc có 1 tuần lễ. Có lần họ bay lên Seattle chơi, gặp bạn bè rũ đi Alaska. Ông ta nói vợ ở lại chơi, ông ta bay về Cali, vì gần cuối tháng. Đến đầu tháng, ông ta lãnh tiền thuê nhà, rồi bay lên Seattle lại, rồi đi Cruise 2 tuần rồi bay về Cali, thâu tiền thuê nhà vào đâu tháng.

Ông Larry thì 19 tuổi đã xây nhà để bán. Sau học được 2 năm đại học rồi thi vào làm cai ngục nhà tù. Có ông bố thích nuôi gà, không thích làm gì cả còn bà mẹ thì mua nhà cho thuê. Khi bà mẹ chết, để lại 1 số tiền, ông ta cho vay rồi nhà xuống, người mượn nợ không trả tiền nhà, phải xiết nhà và bắt đầu nghề cho thuê nhà nghiệp dư. Lấy vợ được 2 năm, rồi ly dị, ở vậy đến cuối đời. Chết để lại 12 căn nhà cho cô cháu dâu, gốc Mường. Ông cháu tự tử nhưng cô cháu dâu vẫn tử tế, mời ăn cơm ở nhà vào dịp Tạ Ơn nên ông ta để lại gia tài cho cô này.

Ông Jerry, gốc Tiệp. Sau 1945, nước ông ta bị cộng sản xâm chiếm, ông chán làm nông dân nên trốn qua biên giới Áo quốc. Buồn đời nhớ cô bồ nông dân, đêm ông ta leo rào, vượt biên giới lại, nhảy về quê, vào nhà cô bạn gái, kêu thoát ly, không theo cách mạng, mà chạy theo bơ thừa sữa cặn của đế quốc. Bố mẹ vợ nhất trí, cho cô con gái thoát ly đi theo bơ thừa sữa cặn.

Đến Đức quốc, hai vợ chồng đợi giấy tờ đi Úc Đại Lợi. Lên tàu đi Úc thì ông thần Nasser, buồn đời, quốc hữu hoá con kênh Suez. Thế là tàu không đi đâu được. Hoa Kỳ hỏi muốn đi Mỹ nên ông bà nhất trí. Sang đây chịu khó làm việc trong tiệm làm bánh mì, để dành tiền, mua được 8 căn hộ cho thuê. Về già con gái nói để cô ta quản lý mấy căn hộ. Thế là cô ta vớt hết tiền đi chơi mệt thở. Chán Mớ Đời 

Bà Inge sang Hoa Kỳ năm 19 tuổi, bỏ lại quê hương, trước kia là nước đức, sau thế chiến thứ 2 thì Ba Lan chiếm. Làm ô sin cho bà dì rồi mua một nhà nghỉ cho người ta thuê tháng tuần để nuôi ong chồng tốt nghiệp tiến sĩ rồi một ngày đẹp trời ông chồng theo cô thư ký xinh đẹp. Bà ở vậy, bán nhà nghỉ để mua 20 căn nhà, lợi tức $50,000/ tháng trong khi ông chồng tiến sĩ, về hưu đói, xin tiền mấy đứa con để sống.

Có một điều mình thấy đa số những người về già, không vui về con cái lắm. Họ cố gắng làm việc nhiều để tạo nên của cải, tài sản vô hình trung đánh mất sự liên hệ với con cái. Con cái thì thấy bố mẹ làm việc nhiều, quên cả chúng nên không muốn theo đường của bố mẹ. Bố mẹ con cái không hoà thuận lắm.

Về đời sống lứa đôi, cũng te tua, ly dị, có lẻ vì làm việc quá độ. Vừa làm việc ở sở vừa theo nghiệp dư mua nhà sửa nhà cho thuê. Họ thành công nên nhìn con cái khác xa, so sánh với những gì họ đã trải nghiệm nên rất khắc nghiệt với con cái.

Làm quen với mấy người này, cuộc đời họ như những cuốn sách để mình học hỏi. Ông Jack nói mình nên bỏ thêm thời gian, chăm sóc gia đình. Thằng con có lần nói muốn học nghề mình nên từ đó mình bắt đầu dạy nó, cho nó quản lý từ từ nhà cho thuê. Có lẻ nó thấy mình đi làm ít giờ, bỏ thời gian lo cho mấy đứa con khi còn đi học ở trung học. Cứ đi làm nhưng 2 giờ chiều là mình ngưng, đi đón con, nấu ăn cho chúng rồi chở đi bơi, thể thao hay học đàn. Cuối tuần thì chở đi họp hướng đạo, bơi đua,… lúc nào cũng có mặt bên con. Có lẻ vì vậy mà nó muốn theo gót mình để vào con đường mua nhà cho thuê. Sang năm nhà xuống xuống nhiều mình sẽ giúp nó mua nhà.

Dạo này mình kêu nó xem các nhà mà chủ không ở, nghĩa là nhà cho thuê, không có nợ trong vùng Opportunity Zone, để liên lạc để mua. Nếu nó mua được nhiều nhà rẻ vào hai năm tới như mình năm 2009-2010 thì cuộc đời nó khoẻ, có thể về hưu non.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 






Đội tuyển tây đen bất đắc dĩ

 Vậy là xong. Không phải xem đá banh nữa. Trận chung kết năm nay quá đỉnh. Tưởng là xong khi Á Căn Đình dẫn 2-0, ai ngờ đội tuyển Pháp mà mình là cổ động viên, gỡ huề như Hoà Lan, rồi đưa đến đá luân lưu. Vẫn giữ sổ thông hành Pháp.

Đội tuyển pháp trong hiệp 2, thấy toàn là mấy ông tây đen, ngoại trừ thủ môn khiến thiên hạ kêu đội tây đen. Nhiều người kêu toàn là tây đen đá cho nước pháp nhưng ít ai hiểu lý do.

Cầu thủ Mbappe sinh tại Paris, bố là gốc Cameroon và mẹ là Algérie, đá cho đội tuyển pháp

Cầu thủ Kylian Mbappe, sinh tại Paris, đoạt giải chân vàng có ông bố gốc xứ Cameroon và bà mẹ gốc Algerie. Ông bố tuyên bố đâu 4 năm trước khi con ông ta đoạt chức vô địch thế giới với đội tuyển Pháp. Ổng ta muốn con trai đá cho đội tuyển Cameroon, quê hương nơi ông ta sinh ra nhưng khi liên lạc với tổng hội túc cầu xứ Cameroon, họ đòi tiền lại quả nhưng ông ta không có nên khi đội tuyển Pháp gọi, không đòi tiền thì ông chấp nhận.

Nay xứ này kêu gọi khúc ruột ngàn dậm nhưng ông Mbappe con từ chối, kêu “Je suis Français”. Thế là mình dân Cameroon ném đá kêu mất gốc. Chán Mớ Đời 

Tương tự cầu thủ Breel Embolo của đội tuyển Thuỵ Sĩ, cũng gốc Cameroon, bằng một đường phản động đã tung lưới đội Cameroon, quê hương nơi ông ta sinh ra nhưng thay vì chạy như điên, ông ta chỉ dơ tay lên (xem hình) trong khi các cầu thủ Thuỵ Sĩ reo mừng chạy như điên khùng, chạy lại ôm cổ ông ta. Bàn đá lọt lưới phản động, phản quốc khiến người dân Cameroon, muốn đến nhà gia đình của ông ta ở Cameroon để đốt. 

Bà mẹ của ông ta lên tiếng, để con tôi yên, Thuỵ Sĩ huấn luyện con tôi, còn muốn đá cho đội tuyển Cameroon, phải chi tiền cho mấy cán bộ điều hành. Cameroon chỉ muốn đòi tiền mãi lộ để được đá cho xứ này. Cứ như được ban phát một đặc ân để đá cho đội tuyển nên phải chạy tiền. Không biết bao nhiêu cầu thủ của đội tuyển xứ này phải trả tiền cho mấy cán bộ bóng đá.

Cầu thủ Embolo, gốc Cameroon nhưng lại đá cho đội tuyển Thuỵ Sĩ, không dám reo mừng theo phép lịch sự của đá banh, không reo mừng khi đá lọt lưới đội mà mình từng đầu quân.

Tham nhũng lan tràn tại các đội tuyển phi châu. Nhớ mấy năm trước, các giới thẩm quyền của đội tuyển phi châu, không trả tiền cho cầu thủ khiến họ phải làm reo khiến bộ trưởng phải bay đến với Vali tiền để trả cho họ, nếu không cầu thủ không tập dợt hay ra sân cỏ. Nếu họ thắng thì các quan lớn bỏ túi hết tiền thưởng. Năm nay các đội phi châu đá Chán Mớ Đời, chỉ có đội Ma-rốc là làm nên cháo, nhờ rất nhiều cầu thủ sinh tại Âu châu, đá cho các câu lạc bộ nổi tiếng.

Cũng nên nhắc sự thành công của đội Ma-rốc không phải bà rá mà do sự đầu tư lâu ngày của xứ này vào túc cầu. Năm 2007, nghĩa là 15 năm về trước, vua Mohammed VI, chi đâu 15 triệu đô la để thành lập một trung tâm huấn luyện, đào tạo cầu thủ túc cầu xứ này với sự trợ giúp kỹ thuật của câu lạc bộ Lyon, Pháp quốc. Mục đích để đào tạo một thế hệ tương lai túc cầu cho Ma-rốc. Các cầu thủ trẻ xuất thân từ các trường huấn luyện của xứ này, được các đội tuyển Âu châu chú ý, mua. Năm nay, Xứ Ma-rốc này đã có tết vì đã vào bán kết, là quốc gia phi châu đầu tiên đứng thứ 4 trên thế giới, có rất nhiều người hâm mộ, ủng hộ.

Mình nhớ ông Guillou, cựu cầu thủ của đội tuyển pháp và huấn luyện viên của đội tuyển Nice, đã đề nghị tổng hội túc cầu pháp, cho ông ta mở các trung tâm huấn luyện túc cầu ở phi châu nhằm đào tạo các cầu thủ vùng này để đá cho câu lạc bộ tại pháp, để câu khán giả phi châu. Không ngờ 40 năm sau, Phi châu sản xuất các cầu thủ rất giỏi, đá cho câu lạc bộ Âu châu.

Cầu thủ Timothy Leah, đá lọt lưới cho đội Hoa Kỳ tỏng trận tranh với đội tuyển Wales, là con trai của tổn thống xứ Liberia. Bố cậu ta từng là cầu thủ nổi tiếng của xứ Liberia, đá cho đội Milan ngày xưa. Sau nhường tiếng tăm của đời cầu thủ, ông ta đắc cử tổng thống nhưng người con trai sinh và lớn lên tại Hoa Kỳ nên muốn đá cho hội tuyển của Hoa Kỳ.

Trước đây, dưới thời huấn luyện viên Klinsman, túc cầu của Hoa Kỳ còn yếu vì mới được thương mại hoá sau giải túc cầu năm 1994 nên Hoa Kỳ đi tìm các cầu thủ bên Đức quốc, có bố mẹ là người Mỹ. Các cầu thủ này hạng B, khó có khả năng đá cho đội tuyển Đức quốc nên đầu quân cho đội tuyển Hoa Kỳ, nhiều người chả biết tiếng Mỹ. Nay nhờ các trung tâm huấn luyện toàn quốc nhất là trung tâm ở Florida của nhà quảng cáo nên Hoa Kỳ sản xuất cầu thủ đá cho các đội bóng Âu châu.

Người Mỹ lấy chất xám trí tuệ của thế giới còn Âu châu thích lấy chất đen của Phi Châu để đá banh cho họ xem như đế chế la mã khi xưa, tìm kiếm, huấn luyện các tay giác đấu để mua vui cho nhân dân quên đi sự đóng thuế.

Ma-rốc có tầm nhìn xa, không cầu mong các Thánh Gióng túc cầu, xuất hiện để giúp quốc gia họ đoạt giải vô địch túc cầu. Còn tham nhũng tại các quốc gia phi châu thì đừng mong thành vô địch dù họ có thể có nhiều cầu thủ giỏi tương tự các chế độ có chế độ xét lý lịch thì không bao giờ có hiền tài để giúp đất nước phát triển cho kịp thế giới.

Mình nhớ có đọc bài phỏng vấn một cầu thủ trẻ đang lên của Lỗ Ma Ni, có ông bố người Việt và bà mẹ người lỗ ma ni. Ông ta kêu sẽ đá cho Lỗ Ma ni, còn Việt Nam thì không. Trong đội tuyển Nhật Bản, có câu thủ họ Doan khiến mình tưởng sau đọc tên theo chữ Nhật thì Chán Mớ Đời 

Nếu các nước phi châu không bỏ tính cách tham nhũng, chú tâm đến sự ích lợi quốc gia, thay vì quyền lợi cá nhân thì sẽ không bao giờ đoạt giải túc cầu thế giới hay bất cứ điều gì khác. Kỳ này, không có đội tuyển Côte d’Ivoire nên không thấy vụ cầu thủ làm reo, đòi trả tiền. 

Nghe nói năm nay vô địch thế giới sẽ được lãnh đâu trên 400 triệu đô la chưa kể tiền quảng cáo sau này. Chưa kể là thường sau khi đoạt giải vô địch thì GDP lên vì các nước khác mua đồ của nước vô địch. Mình nhớ năm 1982, Ý Đại Lợi vô địch, mình đi chơi ở xứ này cả 3 tháng, có bản nhạc nổi tiếng, nghe suốt mùa hè L’italiano. 2 tuần nữa mình sẽ viếng thăm Chí Lợi và Á Căn Đình, tha hồ nghe thiên hạ ca tụng Messi dù lạm phát lên trên 100%.

4 năm tới giải vô địch sẽ được 3 nước bắc Mỹ tổ chức chung, mình sẽ cố nhớ, mua vé xem trận chung kết. Hy vọng ở Los Angeles.

Sau đây là danh sách các cầu thủ gốc phi châu đá cho đội tuyển Âu châu. 

ANGOLA
William Carvalho (Portugal),
Blaise Matuidi (France)
CAMEROUN
Breel Embolo (Switzerland),
François Moubandje (Switzerland),
Samuel Umtiti (France)
CAPE VERDE
Eliseu (Portugal),
Gelson Fernandez (Switzerland),
João Mário (Portugal),
Nani (Portugal),
Renato Sanches (Portugal)
IVORY COAST
Johan Djourou (Switzerland),
Jonathan Tah (Germany)
EGYPT
Stephan El Shaarawy (Italy)
ETHIOPIA
Theodor Gebre Selassie (Czech Rep)
GHANA
Jérôme Boateng (Germany)
GUINEA
Paul Pogba (France)
GUINEA BISSAU
Danilo Pereira (Portugal),
Eder (Portugal)
KENYA
Martin Olsson (Sweden),
Divock Origi (Belgium)
MALI
Moussa Dembélé (Belgium),
Ngolo Kanté (France),
Moussa Sissoko (France)
MORROCCO
Marouane Fellaini (Belgium),
Adil Rami (France)
NIGERIA
David Alaba (Austria),
Dele Alli (England),
Angelo Ogbonna (Italy),
Rubin Okotie (Austria),
Hal Robson-Kanu (Wales)
Ross Barkley(England) *Ross Barkley's great grand parents had ancestral roots from Nigeria*
DR CONGO
Michy Batshuayi (Belgium),
Christian Benteke (Belgium),
Jason Denayer (Belgium),
Christian Kabasele (Belgium),
Jordan Lukaku (Belgium),
Romelu Lukaku (Belgium),
Steve Mandanda (France),
Eliaquim Mangala (France),
Denis Zakaria (Switzerland)
SENEGAL 
Patrice Evra (France),
Bacary Sagna (France),
Leroy Sané (Germany)
TUNISIA
Sami Khedira (Germany)
TANZANIA
Marcus Rashford (England).

Nguyễn Hoàng Sơn 



Fentanyl thảm hoạ tại Cali

 Mình thấy xe buýt Cali dạo này quảng cáo về nạn Fentanyl, thấy đề California more 4,000 killed by Fentanyl. Vấn đề ma tuý rất trầm trọng, có thể dự đoán cho tương lai Hoa Kỳ. Ai cũng biết là ma tuý đều được đưa qua biên giới Mexico và nguồn cung cấp là từ Trung Cộng. Mình đọc qua cuộc báo cáo tại quốc hội Hoa Kỳ cập nhật hoá ngày 8 tháng 12 năm 2022.

Theo mình đoán thì Trung Cộng muốn trả thù tây phương đã bán thuốc phiện, làm giàu trên xương máu của cha ông họ. Ngược lại thì người Tàu, nhóm người hảo hớn, phản Thanh phục Mình, gây quỹ cách mạng bằng cách bán thuốc phiện cho người Việt tại Việt Nam. Theo tài liệu của người Pháp, khi họ đánh chiếm Việt Nam thì 50% người đàn ông Việt Nam bị nghiện thuốc phiện do người Tàu, hoả hớn cung cấp. Hồi nhỏ mình thấy mấy người lớn, cứ kêu mình là tay hảo hớn, hãnh diện vì đầu độc người Việt. Chán Mớ Đời 

Hình như ở vùng Tam Giác Sắt, có một ông tướng tàu, bị quân Mao Trạch Đông đánh chạy, qua đến Miến Điện. Ông ta trồng thuốc phiện để gây quỹ chống tàu cộng rồi dầu dần giàu có nên chả mong chống cộng như các tay hảo hớn Phản Thanh Phục Minh và được Mao thị bỏ quên, không đánh phá.

Từ đó, người Pháp mới chiếm thị trường thuốc phiện và rượu để bán cho người Việt, làm giàu. Hút thuốc phiện thì sẽ mất đi ý chí chống ngoại xâm. Mình nghe mấy ông như Nguyễn Hải Thần, chống pháp ở bên biên giới Việt hoa, ngày ngày đi ngã bàn đèn thì còn đánh đấm gì nữa. Ông Văn Cao kể trong hồi ký cua rông ta là được lệnh đi ám sát mấy tên không theo đảng Cộng Sản. Cứ mò vào các nơi có ả phù du là tìm ra và giết chết mấy người này.

Fentanyl la một loại thuốc được xem như một loại thuốc an thần, giảm đau được bào chế bởi các tố chất thuốc phiện năm 1959. Sau này vì người ta sử dụng bừa bải nên Liên Hiệp Quốc nhờ các cơ quan an ninh kiểm soát. Được biết tại Hoa Kỳ có đến 73,000 chết vì overdose từ tháng 6 năm 2021 đến tháng 6 năm nay 2022. 

Khi con mình đi học trung học, mình có đi họp phụ huynh thì được biết là 1/3 học sinh đều chơi sì ke ma tuý. Chúng chỉ cần nhắn tin để mua rồi các tay bán, đem lại nhà. Khi hết tiền học sinh ăn cắp tiền của bố mẹ, ngủ với khách để có tiền hay ăn cắp xe cộ,…

Trước năm 2019, Trung Cộng được xem nơi sản xuất và cung cấp nhiều nhất loại thuốc này. Được biết loại thuốc này có rất nhiều giả mạo nghe nói đến 60%, gây nên tai hại, chết vì overdose. Trung Cộng sản xuất và cộng tác với nhóm buôn bán ma tuý Mexico, nơi đưa ma tuý vào Hoa Kỳ. Từ ngày ông Biden lên , biên giới được mở cửa. Có ông thợ mình quen, bảo là tốn $50,000 để trả cho bọn này đem vợ và mấy đứa con sang Hoa Kỳ. Nay được chính phủ Cali cấp nhà, cho đi học đủ trò. Một ông thợ khác, có giấy tờ nhưng bà vợ nghe lời nên đem con về Mễ, làm giấy tờ đàng hoàng mà nay đã trên 10 năm chưa xong. Tốn mấy chục ngàn cho luật sư.

Nước Ấn Độ được xem là nước cung cấp sản xuất thuốc tây nhiều nhất trên thế giới. Không biết vụ đấm đá giữa người Ấn và người Tàu tại biên giới có liên quan gì đến vụ buôn bán thuốc hay không.

Hoa Kỳ đàm phán với Trung Cộng đẻ yêu cầu họ ngăn chận sự sản xuất fentanyl qua Hoa Kỳ nhưng khi bà Pelosi bay qua thăm bà tổng thống Đài Loan thì Trung Cộng tuyên bố không hợp tác vụ chống phòng ngừa vào Hoa Kỳ.

Ai tò mò thì đọc thêm trên trang nhà của DEA, cơ quan bài trừ ma tuý của Hoa Kỳ. https://www.dea.gov/onepill

Hoa Kỳ và các nước tây phương được xem là nơi tiêu thụ nhiều nhất ma tuý, sì ke. Họ bỏ không biết bao nhiêu tiền để phòng chống ma tuý. Đời sống hôm nay khiến con người bị áp lực nhiều và để giảm bớp áp lực, họ cần đến thuốc an thần.

Những người nổi tiếng như tài tử, cầu thủ đá banh,…tưởng họ hạnh phúc vì lúc nào hình chụp cũng nở nụ cười tươi như hoa nhưng phía sau các hình ảnh ấy la những sự tàn phá khủng khiếp đến nổi họ phải quyên sinh hay sử dụng thuốc quá độ.

Hôm kia, đọc bài báo đức ngữ cho thấy ông cựu thủ môn của Đức quốc , Oliver Kahn, cho hay bị trầm cảm nên đã để thua chức vô địch thế giới vì quá nhiều áp lực của các công ty quảng cáo, khán giả, câu lạc bộ chưa nói đến vợ con.

Có lần mình nói chuyện với một anh quen. Mình hỏi lý do anh ta uống rượu nhiều. Anh kêu là nghiện rượu. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 







Sự điên rồ của chiến tranh

 Hôm trước, gọi điện thoại, hỏi chuyện anh bạn Ukraine là chuẩn bị hòa đàm chưa thì anh ta kêu, phải đánh chết Putin luôn khiến mình thất kinh. Bao nhiêu người chết từ hai bên mà không chịu ngừng. Có thể anh ta ở Hoa Kỳ nên hô hào mạnh miệng chớ người dân ở Ukraine hay Nga, chắc chỉ muốn chấm dứt chiến tranh. Chiến tranh chỉ đem lại chết chóc, hận thù và mất mát.

Dạo này thấy tổng thống Ukraine viếng thăm Hoa Thịnh Đốn, xin viện trợ trong khi Putin cho sứ thần gặp anh Trung Cộng, rồi thân chinh với mấy bộ trưởng đi Belarus, sát biên giới Ukraine. Chắc họ đang chuẩn bị đánh lâu dài hơn, không chịu chấm dứt chiến tranh. Mấy tên thượng nghị sĩ Mỹ ho hào đánh Putin đến tận cùn gần số, theo mình nên gửi mấy ông thần qua đó để họ đánh để hiểu thế nào là chiến tranh. 

Tình hình thì Putin cho bắn phá hết nhà máy điện ở Ukraine. Nếu khi xưa, Hoa Kỳ áp dụng chiến thuật này ở ngoài Bắc thì chắc chiến tranh không ác liệt, người chết như rạ tại chiến trường miền Nam.

Từ khi khối Liên Xô xụp đỗ đến nay, đánh dấu thời kỳ hoà bình thịnh vượng nhất trên thế giới từ 3 thập kỷ qua. Không có chiến tranh lớn, ngoại trừ vài cuộc chiến địa phương. Các nhà lãnh đạo cũng như kinh tế gia đều hiểu rằng, ngày nay chiến tranh không giúp đất nước họ phát triển và giàu có như xưa. 

Khi xưa, quân đội La MÃ đánh thắng quân Ả Rập vùng Carthage mà ông tây bà đầm gọi Les Guerres Puniques khiến mình chới với, chả hiểu đâu là đâu khi chỉ trên bản đồ vùng Carthage, ở Địa Trung Hải, khiến sau này mình phải bò lại vùng Bắc Phi và đảo Sicily để kiểm chứng lại những gì đã học khi xưa. Hai cường quốc, hai đế chế to lớn cùng thời. Người la mã giàu có vì cướp bóc ở các thành phố của người Carthage (Tunisia ngày nay), bắt người dân xứ này làm nô lệ hay bán, lấy vợ con của họ. 

Ngày xưa, học lịch sử về thời đại này khiến mình điên đầu vì ông Tây bà đầm nói sơ sơ nên hiểu ba chớp ba nhoáng. Thật ra vùng Bắc Phi ngày nay, khi xưa được gọi là Carthage, người dân ở vùng này được gọi Les carthageniens, tiếng Latinh gọi là Poeni nên tây đầm gọi punique nên 3 cuộc chiến tranh được mệnh danh les Guerres Puniques. Do từ Phéniciens mà ra. Học tiếng tây đã khó ông tây bà đầm còn bồi thêm đủ loại. May sau này mình sang tây nên có đọc lại mới giác ngộ cách mạng.

Đó là cách làm giàu khi xưa đi chinh phạt, tương tự ăn cướp rồi tự xưng vua chúa. Mình rất mê thời đại này, đấu trí giữa các tướng la mã và Hannibal. Cho thấy từ ngàn xưa, người Bắc Phi đã đánh nhau với người Âu châu, chiếm đóng các vùng miền nam của âu châu. Nếu Hannibal chiến thắng thì có lẻ cuộc diện thế giới ngày nay đã thay đổi theo nền văn minh của người Ả Rập.

Hôm nay, có trận bán kết giữa đội tuyển Pháp và Ma-rốc, báo ả rập nhắc lại thắng bại giữa người Pháp và người Ả rập. Khi xưa, ông tây bà đầm dạy về ông Charles Martel đánh đuổi người ả rập chiếm đóng về lại miền nam từ Poitiers. Mình cứ tưởng ông này làm rượu Remy Martin. Lại bắt học Chansons de Roland, ông vua Charlemagne, bỏ chạy, để lại Roland ( một Lê Lai tây) để chống cự quân ả rập rồi chết tức tưởi. Vợ Roland đẹp nên ông vua Charlemagne cố tình giao công việc Lê Lai để đem bà vợ lên giường xơi tái với mắm tôm.

Xem mấy đoạn phim, thấy lính Nga, cướp bóc, chở hàng tấn máy giặt, tủ lạnh về xứ họ không khác chi bộ đội sau khi ông Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng. Nghe kể miền nam nhận họ, miền bắc nhận hàng. Hàng hoá, máy móc từ trong nam được đưa ra miền bắc.

Sau hai trái bom nguyên tử tại Nhật Bản, các nước không muốn đánh nhau trực tiếp, chỉ uỷ nhiệm các nước bé tí đánh nhau như Triều Tiên rồi đến Việt Nam, đến Nicaragua, Angola,… dân mấy xứ này được nhận trách nhiệm, rất hãnh diện làm quân lính, ngày đêm canh gác cho thế giới ngủ an bình.

Theo thống kê trong thế chiến thứ 2, có gần 300,000 quân nhân Hoa Kỳ tử trận trong vòng 4 năm nên từ đó họ không muốn đánh nhau nhiều nên uỷ nhiệm thiên hạ đánh dùm mình. Chiến tranh Việt Nam cũng lấy của họ trên 50,000 người.

Từ khi khối Liên Sô xụp đỗ, thế giới hưởng thái bình, ngoại trừ vài cuộc chiến nhỏ trên thế giới, nội chiến, khủng bố hồi giáo. Các cuộc chiến này không giết nhiều người bằng bệnh béo phì, tiểu đường hay tự tử. Năm 2019, trước Covid, thống kê cho biết có 70,000 người chết vì chiến tranh hay bị cảnh sát bắn chết, 700,000 người quyên sinh, 1.3 triệu người chết vì tai nạn xe cộ và 1.5 người chết vì bệnh tháo đường. Nội Hoa Kỳ, hàng năm có trên 600,000 người chết vì ung thư so với 70,000 người chết vì chiến tranh ở các xứ mà người Mỹ không biết đến.

Sau khi Liên Sô xụp đỗ thì các nước sống an bình, không sợ bị ngoại xâm nên ngân sách quốc phòng được cắt giảm. Nhờ đó mà các quốc gia có tiền để chi cho giáo dục, y tế cho người dân xứ họ. Trong lịch sử nhân loại, quân đội chiếm ngân sách quốc gia nhiều nhất. Đế chế la mã phải chi trả đến 50-75% ngân sách thường niên, nhà Tống bên tàu lên đến 80% ngân sách quốc gia, đế chế Ottoman cũng phải chi 60% và đế chế Anh quốc chi phí đến 75% cho quốc phòng. Trong thế kỷ 20, thời kỳ chiến tranh lạnh, các quốc gia mượn nợ để trang bị quốc phòng, hầu chống lại xâm lăng của các nước láng giềng.

Hoa Kỳ chi 11% ngân sách quốc gia hàng năm cho quốc phòng, khá nhiều trong khi mấy nước Âu châu thì ít khiến ông Trump phải la làng, kêu gọi đóng góp thêm. Mấy quốc gia này kêu fuck you Trump. Nay thì chạy theo Biden mua súng ống, gia tăng ngân sách quốc phòng. Các tập đoàn bán vũ khí, kêu truyền thông thành lập 2 phe chửi nhau cho vui nếu không người Mỹ làm loạn. Trên thực tế thì tổng thống nào lên cũng phải bán súng ống cho họ. Muốn bán súng ống thì phải có chiến tranh.

Không có thị trường nào làm giàu nhanh chóng bằng bán vũ khí. Một quả đạn bắn phi cơ giá hơn một chiếc xe hơi. Xe hơi thì chạy cả 10 năm tình cũ, còn đạn chỉ bắn được một phát. Khi mình đi chơi ở Phi CHâu và Trung đông, thấy người Tàu, Nhật Bản đầu tư vào mấy vùng này như bán xe hơi của họ chạy đầy đất nước này, mình chợt giác ngộ cách mạng là bán súng ống giàu hơn.

Hoa Kỳ trang bị và huấn luyện quân đội Ukraine từ năm 2014, sau khi ông thần Putin, buồn đời, không có gì vui, xua quân chiếm đóng nhiều phần đất của Ukraine, khiến mấy xứ lân cận, sợ phải ra chiến trường, nên uỷ nhiệm cho dân Ukraine, nên hồ hởi giao súng ống, tiếp tế, đủ thứ, ráng đừng để lính Putin sang xứ họ, dân tình bị cướp, gái bị hiếp dâm. Dân Ukraine lãnh đủ, được xem là tiền vệ chống lại bạo cường, bảo vệ tự do.

 Nay mấy nước Âu châu lại chạy mua súng ống của Hoa Kỳ, hết ai dám mua vũ khí của Nga Sô dù được lại quả. Các công ty vũ khí Mỹ sản xuất ngày đêm 24/7. Ai nấy đều gia tăng ngân sách quốc phòng, khiến các chương trình về y tế và xã hội sẽ bị giảm cắt. Người nghèo lại càng khổ hơn xưa. Các y tá ở Anh quốc bắt đầu làm reo.

Trên YouTube, có đăng bài diễn văn của tổng thống Eisenhower trước khi rời nhiệm chức. Ông ta kêu gọi người Mỹ phải cẩn trọng với tập đoàn bán vũ khí, dù ông là một cựu tướng lãnh, người hùng của thế chiến thứ 2. tổng thống Kennedy, không nghe lệnh, allez lãnh viên đạn vào đầu. tổng thống Reagan cũng bị hay ông tổng thống Carter cũng suýt bị cho ăn kẹo. Cách đây mấy năm, mình có đọc tài liệu về vụ ám sát ông Kennedy, nay họ bắt đầu cho thiên hạ xem.

Chiến tranh Việt Nam, xẩy ra để các tập đoàn này bán hết vũ khí còn thừa của thế chiến thứ 2. Mình nhớ tết Mậu Thân, sinh viên võ bị, ôm súng Garant to đùng hay súng Carbin M1 của thế chiến thứ 2 còn sót lại, bắn từng viên một trong khi Việt Cộng đã có AK 47, bắn liên thanh. Chỉ sau này mới được trang bị súng ống của lính Mỹ như ẢR 15,… AK vẫn là súng tốt hơn.

Khi xưa, các nước đánh chiếm nhau, cướp bóc, bán nô lệ làm giàu như thời La MÃ, Mông Cổ, Ottoman,.. vấn đề ngày nay, chiến tranh không đưa đến sự giàu có mà nghèo khó. Anh quốc trang bị súng ống để đánh thế chiến thứ 1, cho tan các đế quốc Ottoman và Hung Áo. Rồi đánh Hitler dù đã ký cam kết hoà ước qua ông Chamberlain để rồi đưa đến ngày tàn của đế quốc Anh quốc. 

Ngày nay, trí tuệ, kỹ nghệ, khoa học mới giúp đất nước giàu có. Các công ty như Microsoft, Google, Apple,.. đã làm lên biết bao nhiêu tiền. Hồi mình viếng San Jose lần đầu tiên, nghe nói Silicon Valley nhưng đâu có silicon gì đâu nhưng đã tạo ra cuộc cách mạng kỹ nghệ điện tử cho nhân loại và giàu có. Các công ty này đã được xây dựng bằng kỹ sư, trí tuệ chớ không phải quân lính đi hôi của.

Nhật Bản, Đức quốc, Ý Đại Lợi bị tàn phá trong đệ nhị thế chiến nhưng sau đó kinh tế họ đã vượt được lên. Trung Cộng đã phát triển nhanh chóng sau khi thức tỉnh sau khi quân lính của họ tràn sang biên giới để đánh cho Việt Nam một bài học, như tình trạng Putin hiện nay ở Ukraine. Được cái là Đặng Tiểu BÌnh nhận ra ngay sự yếu kém về quân đội lỗi thời của Trung Cộng nên kéo về, ra lệnh cải cách đất nước.

Đoàn quân nga cướp bóc, chuyên chở máy lạnh, máy giặt, không thể nào đền bù được sự mất mát to lớn của cuộc chiến. Tương tự kỹ nghệ Việt Nam Cộng Hoà bị tháo gỡ đem ra bắc đã làm kiệt quệ nền kinh tế sản xuất miền nam. Dạo ấy, Việt Nam Cộng Hoà đã lắp ráp xe hơi Citroen mang tên Ladalat. Máy móc vẫn phải nhập cảng từ Pháp nhưng mấy thứ phụ kiện là có thể sản xuất tại Biên Hoà.

Ngày nay toàn là nhà máy của ngoại quốc được thiết kế tại Việt Nam. Các nhà máy Biên Hoà trước 75, được xem là khá nhất Đông Nam Á dù trong thời chiến tranh. Năm 1995, mình về Hà Nội có đi thăm một cơ xưởng chế xà bông thủ công nghệ tại Hà Nội mà người ta rất hãnh diện khiến mình thất kinh vì trước 75, Sàigòn đã có công ty lớn sản xuất đại trà xà bông Cô Ba và bột giặt Viso. Mình quen với gia đình có hãng xưởng này.

Cuốc chiến Ukraine đã đưa ra thêm cái lỗi, hậu quả của chế độ xã hội chủ nghĩa được thành lập từ khi Bolshevik cướp chính quyền năm 1917 đến nay. Một anh bạn có cơ sở làm ăn tại Nga, có trên 600 nhân công người nga kể rằng; anh ta muốn đem một đường ống ga từ ngoài đường vào nhà máy để giúp tăng năng suất. Anh ta đã chi hơn 1 triệu đô la để các quan nhớn duyệt xét mà 13 năm nay vẫn chưa được thực hiện được.

Anh ta kể là hệ thống quan liêu của xã hội chủ nghĩa vẫn còn đấy. Điển hình là mùa đông, máy sưởi được dành cho khu A vào ngày thứ 2, thì họ cứ cho sưởi ấm dù trời nóng. Ngược lại trời lạnh thì khu B vẫn chưa được sưởi ấm. Ở Hoa Kỳ, anh ta nói trời nóng, không cần sưởi thì tự động tắt mở, còn ở Nga thì do công ty làm, chỉ có cách mở cửa sổ cho hơi nóng ra ngoài, tốn vô ích.

Mình hỏi với tài trí của anh, sao không làm cái gì lớn hơn thay vì sản xuất xì dầu. Anh cho biết, nếu làm gì lớn sẽ bị người Nga dành cái này của anh nhé. Người Việt ở Nga khó làm ăn lớn như tại Hoa Kỳ. Mình nghe kể các đại gia từng du học ở khối Liên Xô, lo buôn bán, chuyển hàng về Việt Nam làm giàu.

Các thể chế dân chủ đang gặp lộn xộn, chửi nhau bú xua la mua nên người dân muốn có một nhà lãnh đạo mạnh nên các phong trào cực hữu hay cực tả nổi lên. Ý Đại Lợi có đến 35% đảng viên cộng sản khi mình làm việc tại đây, nay họ bầu cho Đảng cực hữu, trở lại thừoi Mussolini.

Khi thất cử trước ứng cử viên Kennedy, ông Nixon, không muốn cãi vã, kiện tụng vì có dấu hiệu gian lận bầu cử ở Chicago. Ông ta kêu vì quyền lợi quốc gia nên gọi điện chúc mừng ông Kennedy và hứa sẽ cộng tác hết mình. Nhờ vậy mà sau này, ông ta đắc cử tổng thống.

Định nghĩa về quả bom khá đúng. Mình đoán truyền thông Trung Cộng, Nga,..đều cho ngược lại

Ông Al Gore sau khi kiện tụng, cũng phải chấp nhận trò chơi dân chủ dù thua mấy trăm lá phiếu tại Florida, nơi em của ông Bush làm thống đốc. Nếu thống đốc Florida dạo ấy là dân chủ thì chắc chắn ông Gore đắc cử. Ngày nay, thất cử thì người ta kêu gian lận và không chấp nhận cuộc chơi dân chủ và cứ rêu rao trên thế giới phải dân chủ hoá. Cuộc bầu cử nào cũng có lộn xộn, phiếu đếm lung tung vì cách bầu cử.

Từ mấy năm nay, có những phong trào dân tuý được trỗi dậy tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Cộng, BA Tây, Ba Lan, Ý Đại Lợi, .. người dân Anh quốc bỏ phiếu Brexit đã nói lên sự đòi tự do quyết định số mình của họ thay vì dựa vào các nước lân cận,.. người dân không muốn bị toàn cầu hoá mà trở về cuộc sống của nước họ, ai chết mặc ai. Một người ở một làng nhỏ ở Hy Lạp không muốn bị một nhóm nào ở Bruxelles quyết định tương lai của họ.

Có mấy nước muốn chống lại tây phương như BRICS, họ không muốn bị tây phương khống chế nên tìm cách hợp tác để buôn bán, không lệ thuộc vào Mỹ kim. Ông hoàng xứ ả rập gặp các nhóm BRICS này để tìm cách buôn bán thì đùng một cái, không quân Hoa Kỳ đánh bom ở biên giới, lính Ba Tư xâm nhập biên giới, đánh bom bú xua la mua thế là ông hoàng quay đầu lại và Hoa Kỳ bỏ vụ lên án ông hoàng này giết ông nhà báo đối lập. Cho nên không nên tin tưởng vào các giới truyền thông. Ông Ayatollah muốn giết ông tướng nào đó hổn hào không nghe lời, điện thoại cho ông Trump thế là ầm, ông tướng này banh xác. Ông hoàng ả rập muốn xé lẻ với Trung Cộng,.., Biden gọi điện thoại cho ayatollah, súng cối bắn vào xứ ả rập. Nay thấy biên giới ấn độ và Trung Cộng xáp lá cà. Khó mà thân mật làm ăn với nhau.

Putin đem quân đánh chiếm Ukraine, xem đó là cách phòng ngừa bị tây phương bao vây, không có đường ra cửa biển Địa Trung Hải. Ông ta để binh lính nga cưỡng hiếp phụ nữ Ukraine, cướp bóc, đem đồ gia dụng về xứ Nga như quân lính lính Mông Cổ đánh chiếm các nước láng giềng hay quân đội Hitler lấy các vật giá quý báu, tranh ảnh,.. xứ Nga này bị Mông Cổ chiếm đóng nên ảnh hưởng khá nhiều về văn hoá Mông Cổ. Mình có xem bộ phim đức, kể thời lính của Stalin chiếm đống xứ họ. Đàn bà bị hiếp dâm gần như 100%. Mình đoán lính Mỹ, Anh quốc,..chắc cũng có nhưng không đến nổi như quân Nga.

Putin chuẩn bị cuộc xâm chiếm để lập lại đế quốc Liên Sô. Các kinh tế gia quan sát Nga bán dầu khí nhưng không tăng trưởng nền kinh tế của họ nên ước tính 30% ngân sách quốc gia được dành cho quốc phòng để chuẩn bị đánh chiếm Ukraine và các xứ lân cận. Tình báo thì họ biết cả.

Xui cho Putin là đụng phải tinh thần chiến đấu của dân Ukraine nên cho dội bom các hạ tầng cơ sở để giúp dân Ukraine bị lạnh buốt trào mùa đông. Mình chỉ muốn chiến tranh cho xong để người dân khỏi khổ. Người dân Ukraine đã sống 70 năm dưới ách đô hộ của người Nga nên họ không muốn sống lại cuộc sống của cha ông họ.

Nhờ qua cuộc chiến này, người ta mới hiểu tử huyệt của hệ thống hậu Liên Xô. Tham nhũng lan tràn đến cội rể của chế độ. Quân đội được trang bị vũ khí như đồ chơi nên khi lâm trận là ngọng. Xứ này không thay đổi cách sinh hoạt thì xem như bị bỏ rơi trong thế kỷ thứ 21 này.

Nên nhớ là Việt Nam Cộng Hoà thua vì giá dầu hoả lên quá cở thợ mộc. Số tiền viện trợ hàng năm cho Việt Nam Cộng Hoà không đủ mua nhiên liệu, súng ống,… Liên Xô viện trợ cho Hà Nội vì có dầu hoả bấn trên thế giới, giàu sụ. Tương tự Liên Xô xụp đổ vì giá dầu thời Reagan xuống quá thấp. Nghe kể là Hoa Kỳ ép mấy ông vua dầu hoả hạ giá dầu thấp khiến ngân sách Liên Xô thâm hụt và tan vỡ.

Cuộc leo thang chiến tranh và Ukraine được uỷ nhiệm đánh Nga dùm cho Tây phương trong khi Putin muốn hoà đàm

Khi giá dầu lên cao, các bộ trưởng tài chánh của OPEC đang họp lên giá dầu ở Wien, Áo Quốc thì họ cho Carlos, tên khủng bố nhà giàu với đồng bọn vào, bắt mấy ông bộ tưởng làm con tin. Mấy ông này hiểu là phải giảm giá dầu nếu không là chết. Kissinger còn lên tiếng sẽ cho quân đến trấn đóng mấy mõ dầu. Đọc tài liệu được giải mã thì nhìn lại lịch sử mới hiểu vấn đề khi xưa.

Đọc báo ngoài luồng thì Hoa Kỳ vớt 83% dầu hoả sản xuất của Syria hàng ngày miễn phí. Mấy triệu người dân xứ này phải bỏ quê hương chạy tỵ nạn khắp nơi như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan mà mình có dịp viếng thăm tháng 7 và tháng 10 vừa qua. Dầu ở Iraq cũng được mua rẻ.

Mấy kỹ sư ở vùng Silicon Valley, đã cho thấy kỹ thuật khoa học mới giúp cuộc sống con người trên thế giới khá hơn, đã giúp các nước nghèo phát triển vì được các công ty ở Silicon Valley mướn. Không có Silicon Valley, Trung Cộng không được phát triển như ngày nay. Nam Hàn, Đài Loan,…tương tự. Các công ty này mướn các nước ở Á châu để sản xuất cho rẻ, giúp kỹ thuật được cập nhật hoá nhanh.

Cuộc chiến Ukraine sẽ giúp con người hiểu rõ hơn là muốn an sinh hạnh phúc thì cần giúp đỡ nhau, nương tựa mà sống. Không nên ganh tị rồi quay lại chém giết nhau sẽ khiến nhân loại đi thụt lùi. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn