Showing posts with label ẩm thực. Show all posts
Showing posts with label ẩm thực. Show all posts

Tà Tư duy 3 trợn


Về thăm gia đình, rồi ghé Phi Luật Tân ít ngày thì dấu hiệu của sự nghèo hiện diện mọi nơi ngoại trừ tại đảo Hòn Tré, Nha Trang, chỉ có khách nào đã đặt phòng mới được tàu chở vào đảo. Về Việt Nam mà chỉ ghé lại các chỗ này thì nghĩ Việt Nam giàu mạnh nhưng nếu đi viếng các nơi khác thì lại khác. Mình lang thang đi bộ ở Đà Lạt và Sàigòn dưới cái nắng của miền nhiệt đới để xem người Việt sống ra sao. 


Viếng thăm các nước láng giềng thì thấy họ hơn cả Việt Nam nên buồn. Khi ông Lý Quang Diệu được người dân bầu làm thủ tướng đầu tiên, ông ta chỉ ước mơ nước tân lập của mình một ngày nào đó sẽ bằng Sàigòn, hòn Ngọc viễn đông. Nay đến phi trường Changi của Tân Gia Ba và Nội Bài thì thấy buồn. 

Lại thấy thiên hạ đưa cờ líp ông tu sĩ quốc doanh nào, đeo đồng hồ Rolex ở Việt Nam kêu nghèo là thiếu Đức. Muốn được Phước cho con cháu thì cúng nhà và đất cho chùa, đi tìm nơi nào cắm cái chòi ở thì con cháu sau này sẽ hết nghèo. Rồi lại thấy một ông không tự gọi là sư, đi bộ chân đất từ Nam chí Bắc, không giấy tờ gì cả. Kêu muốn tập tu không sân si,… bị ông sư quốc doanh kêu tà tư duy 3 trợn.


 Mấy ngày nay thấy trên mạng thiên hạ chạy theo ông ta vào công viên ở thành phố vinh, thấy họ đạp nát cỏ cây trong công viên, được cái là mọi người chạy ra đường quét rác ngoài đường. Chỉ thấy ông ta và mấy người đi cùng không biết chuyện gì xảy ra. Từ 6 năm qua, ông ta đi bộ từ Bắc chí nam mấy lần không ai biết đến. Lâu lâu có người khệnh, chửi ông ta vì tưởng điên khùng nay được tà tư duy tôn lên thành ông ba trợn. Mình nghĩ khi xưa, ông thái tử đi tu, ma quỷ phá quấy chắc không bằng ông này, bị các YouTuber và vlogger xúm lại lai chim, kiếm tiền đông như quân Nguyên. Nếu không được tiền từ YouTube hay TikTok chắc chả có ai để ý đi theo ông này. 


Khi nghèo người ta ở chốn khốn cùng, chỉ muốn được giúp đỡ. Ông bill Gates có tuyên bố một câu, đại khái là anh sinh ra nghèo, đó không phải lỗi của anh nhưng nếu anh chết nghèo thì là lỗi của anh. Do là ông ta người Mỹ nên có thể tuyên bố như vậy vì Hoa Kỳ là một quốc gia mà mọi cá nhân nếu chịu khó, xin nhắc lại bất kể màu da đều có thể thành công vì là xứ của cơ hội, môi trường tốt để mọi người có thể thực hiện giấc mơ của họ. Còn Việt Nam hay các nước khác thì khó lên án họ được vì môi trường, thể chế khác với Hoa Kỳ.


Mình có anh bạn về Việt Nam lấy cô vợ nhà nghèo. Anh ta nói vào nhà không có gì hết, chỉ có 3 chiếc đũa và cái chén cho cả gia đình ăn. Qua Mỹ, cô vợ đi làm tóc, nay sở hữu 5 căn nhà. Nếu lười thì chịu. Chính phủ nuôi của đủ sống.

Có anh tài xế taxi kể là nhà ở Long An, có 4 đứa con nên sáng chạy sớm lên Sàigòn, lái taxi 24 tiếng rồi chạy về Long An nghỉ một ngày. Anh ta kể nhiều người bán nhà thờ tự, đất đai thừa tự được tiền nhiều nên tìm chỗ nào rẻ hơn xây căn nhà to đùng. Rồi buồn buồn chạy Kampuchia đánh bài, thua hết bán nhà, đi ở mướn. Cho thấy nhiều khi nhà cửa cha ông để lại, không nên bán vì không biết sử dụng số tiền lớn, sẽ mất hết. Vụ này mình đã từng nghe nhiều ngoài quê, khi họ giải toả đất đai. Có anh bạn kể ngoài quê ở Bắc Việt, mấy người anh họ trong gia đình, chia đất của tổ tiên để lại rồi không hiểu sao, trong mỗi gia đình đều có người gặp nạn kỳ lạ lắm. Có kiêng có lành, không nên bán đất thừa tự.


Ở Hoa Kỳ cũng có nhiều người giác ngộ cách mạng cúng nhà cửa cho mấy tu sĩ bên Phật giáo và thiên chúa giáo rồi xuất gia. Mình biết một cặp vợ chồng làm ăn khá lắm, bổng nhiên thấy khu thương mại của họ bị ngân hàng xiết mới khám phá họ đi theo vô thượng sư nào đó rồi bán nhà bán cửa tặng hết. Con cái chửi thề mệt thở. Hay một anh quen nay đã qua đời, cũng bỏ vợ đi theo ai đó tu hành. Khi qua 40 tuổi, con người bổng nhiên nhận thức có sự huyền bí nào đó, gây ảnh hưởng vào cuộc sống của chúng ta nên tìm về tâm linh.


Về Đà Lạt, thấy một tiểu đoàn bán vé số đi khắp nơi khác với thời xưa. Mới ngồi xuống tiệm cà phê, chưa kịp nhìn thực đơn, đã thấy một bàn tay xoè ra trước mặt với một cọc vé số. Hình như họ ở ngoài quán và đã nhắm tới con mồi mới bước vào tiệm cà phê. Thấy thương nên móc tiền ra mua 10 cái tặng cô em thì 30 giây say có một người khác đến mời mua vé số nữa. Uống lẹ ly nước rồi chạy cho lẹ như trốn chạy, người địa phương có lẻ quen cảnh này nên không thấy họ phản ứng. Có thể ăn chửi.


Khi xưa, trước 75, ít thấy ai đi bán vé số dạo. Có mấy sập báo bán vé số như ở khu Hoà bÌnh, cạnh tiệm cầm đồ BÙi Thị Hiếu, ngay góc Tăng Bạt Hổ có bán. Chỗ rạp Ngọc Hiệp cũng có nhưng ít ai đi bán vé số dạo dù chiến tranh tàn khốc, dân bỏ quê chạy vào thành phố để tạm trú. Mỗi lần ông bà cụ hay hàng xóm chơi số đề hay kêu mình ra khu Hoa Bình, xem lô đề ra số mấy. Thường thấy sạp bán vé số viết to mấy số trúng nơi tờ giấy. Mình hơi thắc mắc là chơi lô đề có bị bắt như khi xưa hay không.

Duyệt binh kỷ niệm chiến thắng Điện Biên PHủ. Khi xưa lính tây ở Điện Biên Phủ, gặp mấy cô bận áo dài này là ngẩn tò te nên bị bắn chết hết. Có lẻ vì vậy mà Hoa Kỳ không cho pháp bom nguyên tử khi Mendes France yêu cầu vì thấy có binh lính của Mao Thị gửi sang, bao vây Điện Biên phủ. Mỹ bị cú chiến tranh Triều Tiên, mà ông tướng MacArthur kêu gọi thả bom nguyên tử nhưng may thay ông Truman không chấp thuận.


Nay thì khắp nơi, hang cùng ngõ hẻm nào cũng thấy đạo quân bán vé số. Mình đọc báo Hà Nội thì được biết các quan chức tỉnh Bến Tre đi tham quan xứ Hoà Lan để học cách bán vé số cho nhiều. Đó là cách tạo dựng nghề nghiệp của nhà cầm quyền cho dân địa phương do mấy ông tiến sĩ chuyên tu đề suất. Càng đông đội quân bán vé số là thành phố có tiền. Hình như có đọc đâu đó, cán bộ lớn của tỉnh nào kêu phải gia tăng lực lượng bán vé số để giúp tỉnh giàu có lên. Phải chi họ học hỏi cách xuất cảng dầu dừa và các sản phẩm từ dừa.


Có anh bạn học cũ, đảng viên, làm giám đốc ngân hàng cho biết là dân vùng Hà Tĩnh, Nghệ An vào Đà Lạt đông lắm, mỗi ngày đi bán vé số được 100k là thoải mái rồi. Khá hơn sống ở quê hương Sô Viết Nghệ Tĩnh. Một tấm vé số giá 10k trúng 5 tỷ khác với bên Hoa Kỳ. Ở Mỹ họ bán vé số đến khi có người trúng nên nhiều khi tiền thưởng lên đến cả tỷ đô La sau mấy tuần không có ai trúng còn ở Việt Nam không trúng xem làm lại nên nhà cầm quyền giàu. Vì mấy ai trúng. Xác xuất mà bị xe tông còn nhiều gấp 1000 lần trúng số. Chán Mớ Đời 


Sau gần 50 năm hết chiến tranh, người Việt vẫn tiếp tục đi tỵ nạn, bất chấp chết sống. Khi xưa đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào, nay thì tiếp tục chạy qua Mỹ đánh cho mỹ nhào. Hình chụp tại biên giới Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ. người Tàu và người Việt du lịch qua xứ này rồi được móc nối đến Tijuana, có người đưa qua biên giới. Mình có xem cuốn phim tài liệu nói về vụ này. Chính phủ Biden bỏ ngõ biên giới khiến thiên hạ tràn ngập trong đó có người Việt.

Đọc trên mạng, cho biết người Việt tìm đường ra đi cứu gia đình, mượn tiền cả 60-70 chục ngàn đô để vượt biên từ Mễ Tây cơ qua Hoa Kỳ. Năm kia có 32 người chết trên đường đến Anh quốc. 50 năm sau khi ông Dương Văn Minh kêu gọi Sàigòn đầu hàng, người dân vẫn ra đi trong khi đó lợi tức cá nhân của người Tân Gia Ba lên đến $57,000/ năm.


Thật sự tại âu châu hay Hoa Kỳ đều có người nghèo đi ăn xin ngoài đường. Xem một phim của Thuỷ Điển thì cảnh sát có bắt mấy người gốc hồi giáo đến từ các nước xung quanh, ăn xin gửi tiền về cho gia đình. Tại phim nói về người hồi giáo tại Thụy điển nên có thể không trung thực lắm. Dạo mình ở Âu châu thì có thấy ăn xin, vô gia cư nhưng lâu quá không về nên không biết tình hình ra sao. Lần chót về thấy dân cắm lều ngủ đêm trên hè phố tại các quận nghèo như quận 20,… đến Los Angeles hay San Francisco thì loạn.


Theo lịch sử thì con người di dân đến vùng nào đó họ có thể sống được. Nay phía nam, khó sống, người ở các nước nghèo vì nhà cầm quyền tham nhũng, không có kế hoạch giúp đất nước giàu mạnh nên người dân phải trốn lên miền bắc, mưu sinh, gửi tiền về cho gia đình như 15% dân số của phi lUật Tân phải tha phương cầu thực, gửi tiền về nuôi gia đình. Gia đình cứ tà tà hát karaoke, đợi lương con cháu từ trời Âu á gửi về sống như các con ký sinh trùng nên đất nước cũng không khá thêm được. Thay vì sử dụng tiền con cháu đi cày ở hải ngoại, tạo dựng một công ty hay hàng quán gì. Chỉ ngồi chơi, nghe tài xế Grab giải thích.


Ngày nay, nhà cầm quyền Việt Nam hay các nước nghèo khác khuyến khích người dân đi lao động quốc tế như khi xưa Anh quốc khuyến khích người ái nhỉ lan hay Anh quốc, tô cách Lan đi các xứ khác kiếm cơm như Mỹ châu hậu Úc châu… để tránh sự nổi dậy bạo loạn. Tương tự như xưa họ bán bãi cho đi vượt biển nếu không thì sẽ có bạo loạn vì dân đói quá. Thà chết trên biển vì không thể sống được thời bao cấp. Đả đảo thiệu kỳ mua cái gì cũng có, hoan hô hồ chí minh mua cái Đinh cũng xếp hàng. 


Đọc báo Hà Nội, năm nay chỉ tiêu của Hà Nội, đưa 500,000 đi lao động quốc tế. Về Sàigòn nghe thiên hạ rên thất nghiệp. Các công ty ngoại quốc sang Việt Nam xem xét tình hình rồi cuối cùng đầu tư xây nhà máy tại các nước khác. Mỗi năm nữa triệu người đi, 10 năm được 5 triệu người. Năm ngoái mình về Sàigòn, ở phi trường thấy một số người trẻ, đi lao động quốc tế ở Hàn Quốc hay đâu, thấy thương.


Có lần xem một phỏng vấn một cô trẻ tại New York thì được biết mỗi ngày đứng đường xin tiền được trên 200 đô, bằng lương của mình cách đây 30 năm là to lắm, xem như cả ngàn đô mỗi ngày. Nay chắc họ sẽ cho tiền qua Venmo. Từ đó dân tình xem được không cho tiền nữa.


Thấy báo chí Hà Nội đăng tin một ông thần nào theo Việt Cộng đánh cho Mỹ cút ngụy nhào. Kêu nhà 10 anh em theo Việt Cộng, có 2 chết, 8 còn lại được tuyên dương công trạng, nay chỉ có cái lều ở, làm nơi thờ tự các liệt sĩ cách mạng. Không biết các đồng chí anh ta có giúp đỡ gì không mà ra nông nổi. Thử hỏi các người lính Việt Nam Cộng Hoà không đi H.O. Chắc còn tệ hại hơn nữa. Mình thấy ở Cali mỗi năm họ tổ chức gây quỹ mùa xuân cho thương phế binh tại Việt Nam nhưng nghe nói nay đã ngưng vì một số cựu thương phế binh, nhận quà của người Việt tại hải ngoại bị hạch sách đủ trò. Biết đâu ông anh hùng này, như anh tài xế taxi kể, bán nhà rồi chạy qua Kampuchia đánh bài nay ở cái lều treo hình bác hồ và huy chương. Mấy năm trước báo chí có đưa tin ông tướng nằm vùng, về hưu ở gần mấy cái mồ. Cho thấy những người có công mà còn te tua thì người theo chế độ cũ còn te tua hơn nữa.


Cũng có thể thế hệ dính dáng đến chiến tranh Việt Nam dần dần đã quy tiên còn thế hệ sau, không để ý đến. Có một anh gốc Phan Rang nói cho mình biết khi xưa có nhận tiền của hội giúp thương phế binh nhưng sau này thì hết sau khi bà chủ tịch qua đời. Làm từ thiện phải có tâm, mới làm được. Hoặc phải có lợi nhuận do thiên hạ đóng góp rồi mình tự trả lương cho mình, chớ đi xin tiền thiên hạ hoài cũng ỏai. Có anh quen, ở New Jersey, đi xin tiền rồi mang về giúp đỡ người Việt nghèo tại Việt Nam. Theo anh ta gửi hình thì mới xây các nhà hứa cho người Việt nghèo ở vùng xa. Cảm phục.


Sang Phi Luật Tân thì cũng có ăn xin nhưng ở khu Makati, có lẻ canh gác nghiêm ngặt thậm chí các loại xe lôi, xe thồ không được vào khu này, nhưng bò ra các khu như pHố Tàu là đã bắt đầu thấy. Hôm qua đi xe grap về khách sạn, thấy một cô bé độ 14, 15 tuổi ôm đứa bé ngay đèn đỏ. Mụ vợ kêu đưa tiền thì anh tài xế hạ kính xuống rồi mụ vợ đưa tiền rồi tự hỏi còn trẻ mà sao lại đã ôm con đứng đường. Qua đảo Palawan, xe dừng là thấy ăn xin cũng nhiều. Ra bãi biển thấy con nít đi bán mấy thứ lặt vặt thấy thương vì ở Hoa Kỳ, cấm vụ này. Bốc Lộc sức lao động con nít. Phải 16 tuổi mới được đi làm. 

Về Việt Nam mà đi xem cảnh nghèo thì khắp nơi. Mấy lần trước về, mình có đi viếng viện mồ côi, người già neo đơn, trạm y tế cho người nghèo, nơi cho mượn xe đạp cho các học sinh nghèo đi học. Kỳ này về lại đúng lúc ở Việt Nam họ nghỉ lễ mừng thắng cuộc nên chỉ gặp được vài sinh viên, nhận học bổng của Lửa Việt. Nghe kể là có đến 23 sinh viên dấn thân, nhận học bổng mỗi năm. Mỗi sinh viên nhận được $400/năm. Học nhưng sinh viên cũng đi làm thêm. Còn trường tình thương thì chắc hẹn dịp khác. Thật ra muốn giúp người nghèo ở Việt Nam thì vô số kể việc để làm. Con chim đầu đàn của Lửa Việt mới qua đời nên dự đoán quỹ dành cho các chương trình giúp đỡ người nghèo sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng.


Mình thích các vụ tặng học bổng cho sinh viên nghèo. Lý do là như đầu tư vào việc gì thì ít ra sau khi ra trường các sinh viên có một đời sống khá khá hơn nhưng nghe nói cử nhân chạy xe Grap cũng nhiều. Xem như một cuộc đầu tư có thể đưa lại lời sau này. Các sinh viên ra trường, có công ăn việc làm sẽ làm một một gương sáng để các thế hệ sau bắt chước, có thể giúp bố mẹ hay em út vươn lên. Như trường hợp trại Mồ Côi ở Song Pha, NInh Thuận. Các em mồ côi đi học đại học rồi lập gia đình, sống êm ấm chớ còn không có học thì chỉ biết đi đổ xi-măng, làm các nghề chân tay như em họ mình ở ngoài quê. Nay 60 tuổi thì hết sức để lao động. Nói chung về Việt Nam mình thấy người dân sức khỏe không được tốt lắm. Nhất là đàn ông, hút thuốc, uống rượu khiến họ già trước tuổi. Ít thấy ai tập thể dục, chạy bộ hàng ngày. Thấy mấy câu lạc bộ thể thao để thiên hạ tập Gym nhưng nhỏ hơn ở Hoa Kỳ.


Như thầy Phạm Văn An nói khi xưa, muốn cải thiện nghèo, xã hội chỉ có cách làm chính trị vì muốn phát triển một quốc gia cần có một dự án toàn diện và cách thực hiện thực thụ. Trước nhất nói đến quốc gia thì nên khởi đầu bằng mỗi cá nhân. Cá nhân tự thảo cho mình một con đường, và phải thi hành. Chớ ngày nào cũng hút thuốc và uống rượu rồi chửi thiên hạ ngu dốt, tham nhũng thì sẽ không đi tới đâu.

người Mỹ hay nói, khởi đầu là phải thay đổi cách suy nghĩ của mình, suy nghĩ phải đi theo với hành động, hành động sẽ đưa đến những tập quán tốt, tập quán tốt sẽ thay đổi đời mình. Khởi đầu, bớt ngồi cà phê mấy tiếng buổi sáng, dùng thời gian đó để đọc sách, tập thể dục, tập những thói quen tích cực rồi chiều đừng có uống bia, uống rượu, nhậu, về nhà lo cho con cái, giúp vợ chăm sóc nhà cửa. Xem con học hành ra sao, chỉ dạy. Nội tiền không uống cà phê, rượu bia là có thể dư dã một tí như người xưa nói “nhịn thuốc mua trâu nhịn trầu mua tượng”. Tích tiểu thành đại.


Những hội từ thiện về giúp người nghèo Việt Nam. Họ đâu được giúp đỡ bởi chính quyền mà còn bị làm khó dễ. Có lần thằng con về Việt Nam theo một phái đoàn y tế, về lại Hoa Kỳ, nó kêu sẽ không đi nữa. Lý do là trước khi đi, nó phải trả 50 đô để có thể làm việc, giúp phái đoàn. Đến Sàigòn thì không được làm việc, phải làm chui. Sáng lên xe buýt chạy về Long An, vào một trường đại học Việt mỹ nào đó, khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo. Cán bộ địa phương kéo cả dòng họ đến, và phải ưu tiên cho họ nếu không lại bị làm khó dễ. Thuốc mà còn hiệu lực vài tháng cũng bị lộn xộn.


Nghe kể, có lần giáo dân ở Hoa Kỳ gửi tặng 1 tấn gạo. Các cha kéo thanh niên thánh thể đến, lấy bịch nylon bỏ gạo vào rồi chất lên xe, chở đi lên vùng núi tặng người nghèo. Mới ra cổng mấy ông công an và mặt trận tổ quốc, chận xe lại không cho đi vì bổn phận xoá đói giảm nghèo là trách nhiệm của họ. Ông cha ngồi viết văn bảng và ký hứa sẽ không tái phạm. Sau đó hỏi nếu nhờ Mặt Trận thì sao. Họ tính tính bỏ bịch chở lên miền núi, tính ra mất nữa tấn gạo. Chán Mớ Đời 


Đó là một ví dụ còn nhiều chuyện nghe kể, không dám kể khiến ai có lòng với Việt Nam sẽ hết muốn giúp. Mình có mấy người bạn bác sĩ, nha sĩ,…họ đi qua các xứ Trung Mỹ như Belize, Honduras hàng năm, giúp đỡ về y tế. Họ kêu chán giúp Việt Nam vì bị hạch sách. Sang xứ khác, chính quyền tạo điều kiện tốt để họ giúp dân địa phương còn về Việt Nam thì ngược lại. Cái khổ của người nghèo tại Việt Nam, là được thương mại hóa để kiếm chát cho giới cầm quyền địa phương. Mình nhớ chị Lệ Lý Hayslip kể khi xưa, chị về giúp người Việt, mang theo thuốc men, bị cấm, không cho đem vào. Sau phải nhờ ông nào to ở Hà Nội mới được cho đem vào Việt Nam, giúp người nghèo. Lại nghe nói các tài xế chở các phái đoàn y tế đi, đều được công an cài đặt để báo cáo lại cho họ. Chán Mớ Đời 


Họ không quen văn hoá ăn xin làm từ thiện, chỉ có những người tâm rất tốt mới có cam đảm quỳ luỵ cán bộ để giúp người nghèo. Muốn làm người tốt cũng khó tại Việt Nam. Có một ông bác sĩ tại vn kể là các nhân viên của phái đoàn y tế ngoại đến Việt Nam xin được xem những ca khó rồi hứa sẽ giúp đỡ rồi chạy mất dép Gucci. Ông ta quên là các phái đoàn này bị hạch sách đủ điều vì cán bộ địa phương muốn kiếm ăn. Đi du lịch bị chặt chém, còn làm từ thiện thì bị làm khó dễ. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 





Ông đạo Bơ Hass Cali

 Cứ tới mùa bơ, mình bắt chước ông Đạo Dừa ăn bơ để thành lập một cách tu khác, ăn bơ trừ cơm thay vì uống nước dừa. Khi xưa ở Đà Lạt, ông ngoại chỉ mình lấy hột bơ rồi cấy trồng một cây bơ sau nhà trước khi đi Tây. Sau này cây ra trái nhà mình ăn mệt thở và hàng xóm ăn cắp làm bể mái nhà. Họ dùng đá quăng bơ rớt để lượm. Đá không trúng bay lên mái tôn nhà mình kêu rầm rầm ban đêm.

Ai ngờ về già mình lại dính vào đạo bơ. 10 năm trước có người kêu bán cái vườn 20 mẫu để xây nhà. Ai ngờ mua xong thì thấy thương hơn ngàn cây bơ, không muốn chặt nên làm ông đạo bơ bất đắc dĩ. 


Hôm trước có ông thần nào, đoán ở Việt Nam, hỏi bơ của mình cân được bao nhiêu. Mình cho biết loại bơ trung bình thì 6 quả độ một ký lô. Loại này người Mỹ gọi size 60 thường dễ bán hơn. Loại to hơn thì khó bán vì trung bình người Mỹ ăn một trái loại khổ 60. Còn to hơn họ ăn không hết thì bỏ vì mau chuyển màu đen. 

Anh ta kêu là bơ mình trồng chưa đạt vì bơ Việt Nam to hơn khiến mình thất kinh. Lý do mà ông thần nói là bơ trồng ở Việt Nam thì ở Hoa Kỳ không ai ăn. Để rụng cho sóc ăn. Sau này mình tìm được người mua nên bán được cùng giá tiền với bơ hass.


Loại bơ ở Việt Nam rất to như loại zutano ở Cali. To lắm như trái soài cát, nặng cả nữa kí. Loại này thì các vườn đều có trồng để lấy phấn hoa giúp các cây Hass sai trái nhưng không bán vì người Mỹ không mua vì Lạt và nước nhiều thay vì săn chắt như các loại bơ khác. Do đó người Việt hay bỏ sữa đường để ăn. Cứ theo địa hình thì họ trồng 8 cây bơ Hass thì có trồng một cây Zutano ở giữa để có phấn hoa. Mình có bán cho mấy nhà hàng Mễ để họ trộn với bơ Hass làm guacamole. Loại này ít chất béo và có nước nhiều. Chị dâu mình kêu bơ Hass ăn béo quá nên cứ hỏi mình hái bơ zutano cho chị ta ăn. Bơ Hass vào cuối mùa ăn rất ngon vì cơm cứng như sáp. Sáng thức giấc ăn 3,4 trái là no cả ngày. Xem link của trung tâm y tế quốc gia Hoa Kỳ về bơ.


https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3664913/


Thật ra có nhiều loại bơ ngon hơn cả bơ Hass như loại Bacon, Duarte,… nhưng bơ Hass được ưa chuộng nhiều nhất. Không to lắm nhất là để lâu được. Theo mình đọc thì họ cho biết có trên 400 loại bơ ở Cali. 90% bơ người Mỹ tiêu dùng đều được trồng tại Nam Cali. Bắc Cali thì hay bị đông lạnh về mùa đông. Nếu nhiệt độ xuống độ 30 độ F thì cây bị đông đá và hư. Fallbrook một khu vực gần San Diego, được xem là thủ đô của bơ Cali. 


Lâu lâu mùa đông vùng Fallbrook cũng hay bị đông lạnh. Vườn mình thì may ở trong khu vực không bị đông lạnh vì ở trên cao nên gió thoáng. Cách vườn mình 10 cây số thì hay bị đông lạnh nên họ trang bị các quạt gió, họ mở lửa chạy bằng ga rồi mở quạt gió cho thổi hơi nóng giúp không bị đông lạnh. Các loại bơ khác da rất mỏng, dễ bị trầy khi di chuyển nên các chợ không mua. Bơ Hass thì da sần sùi dầy, để lâu không bị bầm dập như các loại khác. Bơ hass trước kia được gọi bơ da cá sấu.

Bơ được xem là xuất hiện đầu tiên tại vùng Trung Mỹ và Mễ Tây Cơ. Tên địa phương là “Ahuacatl” vì hình thù khá giống chim dế của người đàn ông vì thường hai trái đi đôi. Sau này người Tây Ban Nha sang xâm chiếm mấy vùng này thì họ gọi “aguacate” rồi người Mỹ chuyển tên thành “avocado”. 95% Bơ mà người Mỹ ăn nhất là trong năm là 3 ngày: chung kết của giải bóng bầu dục (Superbowl) và ngày lễ độc lập 4 tháng 7 và quan trọng nhất là ngày lễ độc lập Mễ Tây Cơ, 5 tháng 5 (Cinco de mayo) nhất là ở Cali, thiên hạ ăn guacamole. Đồng chí gái làm món này cực đỉnh. Thường mình bán một ít 2 tuần trước khi trận chung kết bóng bầu dục và đến cuối tháng 4 là bán để họ chuẩn bị cho lễ độc lập Mễ Tây cơ. Xem như sau tháng 5 là hết bơ, hết mùa. Nhưng còn sót trái kéo đến tháng 7 để nhà ăn nhưng không bán vì vào tháng đó ăn rất ngon cực chất. 


Theo hiệp hội các nhà trồng bơ tại Cali mà mình là thành viên, họ cho biết loại bơ Hass mang tên người đã tạo ra giống này. Ông Rudolph Hass làm việc ở bưu điện, mua hạt bơ tại một vườn bán trái cây. Dạo ấy Cali có nhiều loại bơ. Buồn đời ông Hass trồng bơ rồi ghép với loại bơ Fuerte. Vườn mình có cây vừa có trái bacon vừa Hass hay Hass và zutano. Có một loại bơ đen tím ăn rất ngon trái nhỏ nhưng chỉ để dành cho đồng chí gái ăn. 


Trong suốt hai năm liền thì nhánh ghép không lên được nên ông Hass định chặt bỏ nhưng bà vợ kêu không cứ để xem. Sau đó trái ra và có màu da hơi đen và da sần sùi. Khi ăn thì thấy có nhiều chất béo hơn nhất là khi trái có sáp dầy. Sau đó ông ta bán giống cho vườn trồng cây bơ Brokaw. Mình có mua bơ mấy loại khác ở nhà vườn nổi tiếng này. Không nên mua ở home Depot vì loại dỗm.

Ông đạo bơ cali 

Thông thường họ trồng loại bơ như Zutano. Đợi khi cây cao mạnh thì họ ghép nhánh Hass. Vườn mình có 1,000 cây bơ Hass và số còn lại thì đủ loại. Hai năm vừa qua, mình có chặt các cây hass già đâu 40 năm, rất cao. Lý do chặt là vì cây cao quá thì khi gió Santa Ana thổi đến thì gió làm cây lắc lư khiến rụng quả còn nhỏ nên cuối mùa ít trái. Ngoài ra chất dinh dưỡng nuôi thân cây to lớn nên trái ít và nhỏ. Mình học nghề ông mỹ trong nghề 60 năm nên chặt từ từ mấy cây to lớn để cành mới ra lại và cho quả nhiều hơn xưa. 


Nhất là trái to hơn. Trước đây quả trung bình là 6 quả cân độ 1 kí lô, nay thì 4 quả một ký. Mình khám phá ra mấy cành mọc từ thân thấp thì lại cho quả Zutano. Cành nào mọc ra từ thân cao hơn 1 thước thì mọc ra cành cho trái Hass.


Các nước khác thích bơ Hass Cali. Một trái bơ Hass Cali bán bên Nhật Bản đến $8/ quả. Ngày nay, các vườn bơ Hass bên Mễ Tây Cơ, trồng bơ Hass rồi chở qua bán khiến các chủ vườn bơ mỹ te tua vì giá thấp hơn nên chỉ có mùa bơ mà bán được giá là vào mùa hè vì hết mùa bơ ở Cali. Dân Cali ăn bơ nhập cảng từ Mễ còn bơ Cali thì họ dùng để xuất cảng qua Nhật Bản, Trung Cộng và các nơi khác.


Vấn đề là bơ trồng bên Mễ thì họ sử dụng nhiều chất hóa học bị cấm tại Hoa Kỳ. Họ có thể xịt thuốc sâu đủ trò và ngâm thuốc bảo quản giúp vỏ bơ xanh như gái 18 nên khi mua về thì đa số khi cắt ra ăn thì thường bị đen ở trong.


Lý do đó mà thiên hạ thích mua bơ vườn mình ăn vì hái từ cây xuống đem về nhà không có ngâm thuốc bảo quản.

Vài hàng để giải thích sự khác biệt giữa bơ mỹ và bơ Việt Nam. Nếu không thì họ đã nhập cảng bơ từ Việt Nam rồi như cà phê. Ai trồng bơ tại Việt Nam thì nên tìm giống Hass để trồng thì sẽ giúp kinh tế Việt Nam. Có thể bán cho Nhật Bản hay Trung Cộng mỗi trái từ $8-$10 hay một ký giá $60.


Để mỗi ngày mình tải tấm ảnh ăn 4 trái bơ hass lên mạng cho mấy bác nhớ ăn bơ. Theo NIH, xem link trên thì bơ hass có rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng với điều kiện ăn loại không bị chất bảo quản. Đặc biệt là trái cây có nhiều chất đạm nhất. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đà Lạt thời thực dân

 Có người gửi mình 1 bài viết trên Chuyện Xưa chấm Nét, về Đà Lạt. Có mấy tấm ảnh mình được thấy lần đầu tiên nên tải về đây cho bà con chưa bao giờ xem. Những hình ảnh mình thấy khi còn nhỏ, thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà   

Đây là thác Prenn mà khi xưa mình đã từng thấy thời còn bé, khi xuống đây với bạn của ông cụ. Chú Lữ, đi lính với ông cụ, sau này làm nghề sửa đồng hồ chỗ tiệm ông Võ Quang Hàm ở đường Duy Tân. Cuối tuần chú LỮ có thêm nghề tay trái là chụp hình cho du khách. Mình có xuống đây hai lần với ông cụ. Sau này mình về thì thấy họ không tu sửa lại mà làm mới lại đủ trò mất vẻ thiên nhiên khi xưa với các cây gỗ làm cầu, bằng cây nhất là nhà dù, lợp bằng mái tranh như ở Petit Lycee khi xưa, có hai nhà dù, lợp mái bằng tranh.
Thác Prenn, năm ngoái đi Oregon, có viếng thăm vài cái thác tương tự làm mình nhớ đến thác Prenn, tuy nhỏ hơn các thác bên Hoa Kỳ.
Tấm này thì mình đã có kể trong bài trường học đầu tiên thành lập tại Đà Lạt, do nhà thờ Tin Lành Mỹ thành lập dạy con người ngoại quốc nay vẫn còn tên trường Dalat Quốc Tế vì an ninh nên họ dời sang xứ Nam Dương. Ai buồn đời thì tìm trên bờ lốc mình. Chỗ này khi xưa, du khách vào hay rời Đà Lạt tại con đường này mà nay hình như gọi là Khe Sanh. Sau này khi họ làm con đường từ đèo Prenn, mới ít ai đi. Thời mình ở thì người ta xuống đèo Prenn bằng con đường Nguyễn Trí Phương.

Chỗ bùng binh, có ga ra Citroen, quên tên, sau này họ gọi là Ty Dụng Cụ, sửa các công xa cho các ty hành chánh tại Đà Lạt. Bên cạnh là trường học Đà Lạt đầu tiên, nay họ sử dụng làm trường dạy cán bộ gì đó. Đường Khe Sanh này hình như khi xưa đi đến Xóm Bà Thái. Mình không nhớ là có chạy xe đến đây vì hơi ớn. Lính 302 khá đông ở khu vực này.
Đường lên đèo, có cả đường rày xe lửa răng cưa khi xưa. Mình nhớ có lần thấy chiếc xe lửa chạy đâu đây. Lần trước mình về Đà Lạt thì đèo Prenn bị đóng vì họ đang nới rộng con đường này 
Cái mốc này khiến mình không nhớ để định vị chỗ nào. Chỗ đèo Prenn có một cái, cách mười mấy cây Đà Lạt. Bác nào biết. Có lẻ sau này họ trồng cây thông nên không nhận ra.
Chỗ này thì đoán trên đường đến Di-Linh. Tây đậu xe đi tè bên đường, dạy dân địa phương đái đường
Cùng chỗ nhưng chụp từ đằng xa, chắc trời mới mưa.
Lên đèo thì nhớ có mấy trụ xi-măng này
Chắc chụp trước 75. Mình có xuống đèo này mấy lần để đi Tùng Nghĩa.
Thấy chiếc xe đò Minh Trung chạy Sàigòn-Đà Lạt.
 Tây gọi Bois d’amour không định vị được chỗ nào. Thấy cái hồ phía sau. Có phải hồ than thở.
Tấm này mình được xem lần đầu tiên, chụp gần hơn mấy tấm ảnh mình có. Chụp trước năm 1932. Để xem mò ra được không để đăng lên cho mọi người rõ hơn. Chỗ này nằm phía hạ lưu của Hồ Lớn (Grand Lac) đến năm 1932 (tháng 5) thì có vụ bảo lớn, đã phá cái đập của Hồ Lớn, cuốn trôi luôn mấy căn nhà ở khu vực này khiến 15 người chết. Người Pháp phải dời khu vực indigenes lên khu Hoà BÌnh ngày nay.

Xem tấm ảnh phía dưới bên cạnh chiếc cầu và suối Cam Ly
Tấm ảnh mình có, chụp ngay sở bưu điện, trước nhà thờ Con Gà chụp xuống thấy khu phố cũ của người Việt và người Tàu, bị lũ cuốn trôi đi vào tháng 5 năm 1932, khiến 15 người bị thiệt mạng. Sau đó người Pháp cho nới rộng hồ Lớn ra để có lưu lượng nhiều hơn, ăn thông qua hồ Đội Có (Petit lac)
Không biết mấy người này có sống sót vụ lũ lụt hay không

Hình lũ cuốn trôi nhiều nhà cửa ở hạ lưu suối Cam Ly, đập hồ Lớn. Hồ Lớn sau này dưới thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà được đặt tên là hồ Xuân Hương, hương thơm của mùa xuân chớ không phải lấy tên thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bà này chả dính dán gì đến Đà Lạt.
Lũ tháng 5 năm 1932, khu vực người Pháp cao hơn khu người Việt và người Tàu sinh sống.

Nhà ông tây bà đầm ở. Không biết tên hai vợ chồng này nhưng đoán là họ sống tại Đà Lạt khá lâu. Sẽ giải thích phần dưới. Có ai biết chỗ này là nơi đâu vì thấy có cột cờ nên đoán là chỗ làm việc phía trước, phía sau để ở. Thấy có dãy cư xá bên cạnh. Có lẻ chụp khi gia đình này mới dọn đến nên thấy cây cỏ mọc lộn xộn.
Hình này chụp sau khi vườn tược phía trước được trồng lại và chăm sóc. Mái ngói được quét lá thông nên sáng hơn
Đoán là có nơi trên đường đèo Prenn để du khách tạm ngừng. Hồi nhỏ có nhớ thấy vài chỗ như vậy nhưng không nhớ nổi là ở đâu.
Ông tây bà đầm với hai cô con gái. Mình đoán là ông Tây này được chính quyền thực dân phái đến để quản trị thành phố vì xe rất sang trọng. Tay lái bên trái như ăng lê. Lúc đầu mình đoán là ông Champoudry, đọc hồi ký của một ông tây thì được biết ông này có đến 6 cô con gái nên chưa biết là ai. Bác nào có nhận ra thì cho biết để bổ túc. Một ông khác tên Cunhac. Ông này được xem là người khởi công đào hồ nhân tạo Xuân Hương, tiếp theo ý định của ông tỉnh trưởng Long. Cho nên không thể là ông này vì nếu ông ta đào hồ thì chưa có Thuỷ Tạ để vợ chồng ông ta chụp hình tạo dáng. Chỉ tiếc trên bài của chuyện xưa chấm nét không đề tên ông này để có thể đoán hình chụp năm nào cũng như các nhân vật. Lười đi tìm danh sách các cựu thị trưởng vào Năm 1930. Thường mấy tấm ảnh này do gia đình còn giữ nên chắc có tên như trang nhà của cháu ông Cunhac mà mình mò ra khi thấy tấm ảnh của cháu cố viếng thăm Đà Lạt.
Ngồi ở véranda của nhà chụp phía trên
Không định vị được . Có thể là gần trường Petit lycee vì thấy một dãy dài nhà cửa phía sau.
Ông tây bà đầm, 2 cô con gái. Đoán ông đứng sau hai đứa bé, gốc Bắc Phi
Cũng tại căn nhỏ, có chị vú gốc việt
Đèo lên rộng nghê.
Sau vụ lũ đã cuốn trôi đi rất nhiều nhà của người Việt và người Tàu ở vùng hạ lưu của hồ Lớn, khiến có đến 15 người thiệt mạng. Người Pháp, cho đời khu chợ lên khu Hoà Bình ngày nay. Hình trên cho thấy lúc đầu, chợ được bày bán như chợ xổm đến khi người Pháp cho xây ngôi chợ mà ngày nay là khu Hoà Bình. Dãy phố bên tay phải sau này là dãy Việt Hoa, Mekong được xây lại bằng gạch.
Hình chụp bà đầm và hai cô con gái đi chợ, có tên người Việt nào đứng tò mò nhìn đầm con. Dãy lầu 2 tầng bằng gỗ, sau này được phá bỏ và xây một dãy 1 tầng có arcades đến khi họ xây chợ Mới thì được tháo bỏ.
Tấm này chỉ đoán ông tây thuộc quân đội hay cảnh sát của Pháp, đứng chụp ở đâu không biết .
Không biết căn biệt thự nào nhưng đặc biệt minh nhớ cái bóng đèn thường thấy tại Đà Lạt khi xưa
Chỗ này chụp trước căn nhà ở trên có bà đầm và mấy đứa con đứng. Chắc cũng quan to. Ai biết căn nhà này ở đâu xin chỉ dùm
Chỗ này khi xưa là chỗ quan lớn tây đến nghỉ. Sau 54 thì toà tỉnh Tuyên Đức. Ông cụ mình có làm việc tại đây trước 75. Cho thấy bà đầm với hai cô con gái, thuộc dân làm to.
Chụp khác ngày với tấm ảnh trên vì áo đầm không giống 
Khi người Pháp thành lập Đà Lạt như khu nghỉ dưỡng cho người pháp. Ngoài các khách sạn như Palace, Du Parc ra, họ có xây các khu nhà cho thuê mà họ gọi là cité de Decoux, cạnh hồ Vạn Kiếp, để người Pháp mướn lên Đà Lạt ở nghỉ hè, rẻ hơn. Do đó họ cần các hoạt động giải trí như sòng bài và thể thao cho du khách. Do đó người Pháp mới thành lập câu lạc bộ thể thao mà người Việt mình hay gọi Xẹc (Cercle sportif) ngay góc Nguyễn Trường Tộ và đường Thống Nhất. Có mấy sân quần vợt, tập tạ và một quán ăn được đặt tên là “La Chaumière”, sau này ông cựu trưởng ty cảnh sát mướn của thị xã Đà Lạt để mở nhà hàng Đào Nguyên. 

Họ cũng xây một trung tâm thể thao nước, được gọi là “La grenouillère” theo một địa danh nổi tiếng ở ngoại ô Paris. Sau này người Việt gọi là THuỷ Tạ. Có sân quần vợt, sân cù và chỗ chơi thuỷ thao. Mình có kể rồi, ai buồn đời thì tìm trên bờ lốc này.

Hình chụp trên balcon của Thuỷ Tạ, thấy mấy ông tây lộn nhào xuống nước. Phía bên kia bờ hồ thấy trên đỉnh dinh tỉnh trưởng, và cái đập sắp được đập phá.
Hình này chụp trước khi Thuỷ Tạ được xây cất. Địa điểm Thuỷ Tạ ngày nay chỉ có một cái chòi để hạ ca-nô. Hình như lúc đầu người Pháp tính xây 3 cái chòi tương tự. Mình có thấy một tấm ảnh như vậy, lười đi tìm lại nhưng rồi họ cho xây cái nhà hàng nổi trên hồ, để có thể cất mấy chiếc ghe xuồng ở dưới. Vòng tròn được gọi là Camembert 
Ông tây plonge xuống từ một cái plongeoir. Nhớ có tên bạn hay ra hồ Xuân Hương tắm, hắn hay leo lên trên plongeoir để nhảy xuống như ông tây. Có lần hắn nhảy sai nên bị dập dế. Đau quá, nhăn nhó. Bên kia bờ là dân người Việt ngồi xem tây chơi.

Có một ông tây, đăng mấy khúc phim về Đà Lạt, tự xưng là L’enfant de Dalat, phim do bố ông ta quay khi đến làm việc tại Đà Lạt. Mình có thấy một khúc, máy bay thả dù xuống hồ Lớn rồi ca nô bơi lại vớt những người nhảy dù. Họ cho nhảy xuống hồ cho dễ, không sợ gãy chân như sau này mình thấy tướng Lâm Quang Thơ nhảy xuống đồi cù.

Tây thực dân xem, người Việt chắc ở xa xa để xem
Thời này thanh bình chớ sau này không thấy một con vịt ở hồ. Thấy biệt thự Trang Hai phía xa trên đường Trần Quốc Toản, đã bị đập phá. Mình đoán là hình chụp sau 1932, trận bảo lụt vì chiếc cầu được xây cất kiên cố hơn. Xem các hình dưới.
Bà đầm dẫn hai cô con gái đến cầu nhỏ đi vào khu Thuỷ Tạ. Cầu được xây bằng mấy khúc cây thông. Họ có làm cánh cửa ra vào để phòng con nít chạy bậy bạ lọt xuống hồ. Chiếc cầu này rất thô sơ so với chiếc cầu được chụp hình trên với mấy cột trụ to đùng và lan can màu trắng. Cái đập đã được phá bỏ và xây cầu ông Đạo
Đâu biết khi xưa, Đà Lạt có cò hay vạc, ngỗng,..
Lúc này họ đã xây Thuỷ Tạ
Ông tây đi chơi với vợ con, đội cái nón cối thực dân.
Thủy Tạ được xây xong. Đến thời đệ nhất cộng hoà thì có chương trình trồng cây nên đồi cù mới có thêm cây thông. Hình này chụp từ chỗ Xẹc hay trên đường NGuyễn Trường Tộ 
Thủy tạ dạo ấy, trống trơn, không phải chỗ uống cà phê ăn uống. Chơi xộn thì họ vào chỗ tiệm ăn sau này gọi là Đào Nguyên, chớ chỗ này không có bán thức ăn. Có thể có bán nước ngọt vớ vẩn. Cầu thang dễ leo lên. Nay họ gắn kính khắp nơi để thiên hạ ngồi ăn uống nhìn hồ.
Sân cù dạo ấy còn hoang sơ, chưa được trồng cây thông sau 1954
Đường rầy răng cưa
Trở lại gia đình ông tây, chụp ở đèo nào. Ông tây lái xe bên phải, chắc xe của Anh quốc cũng có thể thời đó họ để vô lăng bên tay trái. 
Xích đu ở xẹc, mình có chơi chỗ này vài lần và đánh lộn với Vĩnh Vinh, con ông Bửu Duy.
Sân cù dạo ấy có nai. Mình nhớ có lần một con Nai từ trên Domaine de Marie chạy xuống xóm mình, bị mấy người con của bà Quán bắt được, làm thịt, cho gia đình mình một miếng. Ước gì Đà Lạt còn như vậy. Du khách lên chơi, đứng xa xa chụp hình. Nay thì cái núi Bà cũng bị che.

Chắc cô con gái lớn chụp ông bà. Thấy thuỷ đài, thì đoán là đường Lê Quý Đôn chỗ nhà đèn. Bác nào định vị được không thì cho em xin. Em đoán là chụp từ đường Trương Vĩnh Ký hay Thủ Khoa Huân sau này. 
Hình chụp trên khu khách sạn Palace.

Còn nhiều tấm mới nhận, để hôm nào kể tiếp. Có mấy người hỏi có nhà của họ ngày xưa không thì cho họ xem. Vấn đề là mình không biết họ là ai, hình ảnh khi xưa rất đắt nên thiên hạ chỉ chụp chỗ nào quan trọng. Hôm trước có chị bạn kêu tiệm chè 47 thì mình ngớ vì lần đầu nghe quán chè này. Hôm trước tìm được một tấm được chụp sau 75 thì mình mới hiểu. Mình chỉ nhớ những gì trước 74, còn sau đó thì chịu nên nhiều khi lộn.

Đây là hình chụp sau 75. Tiệm bánh mì Vĩnh Chấn đã bị cạo tên. Khi mình về lần đầu năm 1992 thì hình ảnh mà nhận thấy.
Hình chụp trên đường Minh Mạng, ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ, sau 75 vì thấy chè 47 mà chị bạn nói đến mà mình không biết. Chỉ nhớ có tiệm chè ngay hẻm xuống Dốc Nhà Làng có hai căn là của tiệm may Tân Tân cho mướn. Không nhớ tên gì, chỉ nhớ có đến ăn hai ba lần gì đó. Thấy bên tay trái tiệm giặt ủi của cậu Châu, con Mệ Cai Thỏ. Nói chung thì vẫn còn giữ chút Đà Lạt trước 75. Nay về thì Chán Mớ Đời  
 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn