Đừng bao giờ xù thằng đàn ông có những điểm sau đây

Hôm trước, mụ vợ đi Hạ Uy Di chơi, ở nhà một mình, buồn đời, mình đọc báo phụ nữ của mụ vợ để xem đàn bà nói gì về đàn ông. Hy vọng học hỏi được điều gì để biến “đối choại” thành “đối thoại” theo diễn biến hoà bình hữu nghị cho vợ chồng. Có một bài giúp mình giác ngộ; giải mả lý do mình ế vợ. Có bà nào viết cho rằng, trong cuộc tình của hai người, trước khi bà ta nói lời chia tay với thằng bạn trai. Bà ta đều viết xuống những điểm hay và xấu kiểu Ben Franklin đã dạy.

 Vẽ một đường ở giữa từ trên xuống dưới, bên tay trái liệt kê các tiêu cực và bên phải các điểm tích cực, rồi quyết định, xù hay không xù thằng bạn trai. Hoá ra mấy cô mình quen khi xưa, xù mình, đều làm bảng so sánh Franklin. Kinh


1/ quan sát hắn đối xử tốt với mọi người xung quanh như phục vụ viên, đồng nghiệp, gia đình: cái này thì mình không có. Gia đình ở xa, ai làm gì, mình chả để ý, chỉ lo thân mình. Xem như họ gạch tên mình ra trong khoảnh này. Nói như thời A còng là mình không có tâm, không để ý đến ai cả, vào tiệm ăn ngày nay, ai nấy đều ôm cái điện thoại thông minh, dù bạn trai, chồng ngồi trước mặt. 

Khi người ta đem thức ăn ra, không cho ăn, phải chụp ảnh mấy món thức ăn gọi, tạo dáng chụp bỏ lên mạng câu “Like”. Xem có ai nhấn Like thì mới cho ăn. Đồ ăn nguội luôn.

Trưa nay, đi ăn sinh nhật cô cháu gái. Thấy bàn bên cạnh, 1 cặp ngồi đối diện, mặt ai cũng che khẩu trang. Khi người ta đem thức ăn ra, cả hai đều lấy điện thoại ra, chụp bú xua la mua rồi ghi lên mạng món gì, chơi lai-trim (live stream) cho bạn bè khắp thế gian biết mình đang ăn cơm với gái hay trai. Mụ vợ cứ ngồi nhắn tin. Mình thì luôn luôn để cái điện thoại ngoài xe nếu đi ăn với gia đình, ngồi xem vợ con lướt mạng, chỉ biết ngáp ruồi.

Ngày nay, con người không còn chánh niệm nữa, họ cứ bị cuốn vào những việc khác cùng một lúc kiểu (multitasking). Họ có mặt nhưng đầu óc lại nghĩ đâu đâu như kinh Pháp Hoa dạy.

Có lần, mình đi chơi với một cô bạn. Thấy một tên bán hoa hồng bò lại, mời mình mua. Mình trả giá nên sau này cô nàng kêu mình không có lịch sự, người ta đi bán, mà mình lại còn trả giá. Tên bán hoa, thấy ngồi với gái thì lên giá, mình lại không thích vụ này. Nay thì giác ngộ cách mạng nên mỗi lần ra Bolsa ăn, thường có thấy một bà bắc kỳ, đi bán hoa dạo trong các tiệm ăn, mời mua hoa thì phải mua cho vợ vui lòng. Vừa lòng vợ đến, vui lòng vợ đi. Bà này bận đồ rất chỉn chu, lịch sự. Nghe nói bà ta giàu nhưng thích đi bán cho vui, đi bộ khoẻ người.

2/ hắn cảm thấy hạnh phúc thật sự, bạn không thể nào yêu ai mà họ không hạnh phúc, vui vẻ: cái này thì không luôn. Mặt mình lúc nào cũng hình sự như hải quan ở phi trường Tân Sơn Nhất. Không bao giờ cười dù người ta boa tiền. Mấy cô khi xưa xù mình chắc cứ thấy mình như bị táo bón, chưa uống thuốc xổ. Xù là đúng.

3/ hắn yêu bạn. Yêu đây là yêu điên cuồng, dù bạn đến trễ 30 phút, vẫn ở nụ cười trên môi: cái này mình không có luôn. Đến trễ là mình nhăn mặt như cái bánh đa. Dạo ấy chưa có điện thoại để lướt mạng, đứng đợi, sợ cảnh sát phạt đậu xe quá giờ. Thường thì bỏ tiền đậu xe 15 phút. Chán Mớ Đời 

Đồng chí gái có cô em họ, con nhà giàu khi xưa ở Sàigòn, bố làm giám đốc ngân hàng. Nghe kể mấy tên đi theo, đến nhà, cô nàng chờ đợi cả tiếng đồng hồ, mới xuống lầu. Mình chưa bị vụ này vì khi xưa, đến nhà cô nào, bà mẹ hay ông bố kêu em không có nhà, đi chơi với bạn trai rồi.

4/ hắn làm bạn vui: cái này thì mình có. Mình hay kể chuyện tếu lâm nên mấy cô cười thích lắm. Mụ vợ cứ kêu mình kể đi kể lại,  ngày nay thì mụ thế mình để kể chuyện cho thiên hạ. Được cái là thiên hạ không cười, bắt mình kể lại mới cười. Kể chuyện tếu lâm, phải biết khởi đầu từ đâu và kết thúc như thế nào. Mấy bà chị họ của đồng chí gái, gặp mình là đè đầu xuống bắt kể chuyện tếu, sau đó mới cho ăn. Có người ghi trong sổ lại đàng hoàng để kể cho bạn bè. Kinh

5/ bạn cảm thấy tự nhiên bên hắn. Đa số mấy cô mình quen thì rất là giữ kẻ, chỉ mỗi đồng chí gái là tự nhiên như người Hà Nội. Lên xe mình đi chơi, cô nàng cô cũng e dè vì xe cũ, dơ, sợ làm bẩn áo quần. Đồng chí gái, thích ăn hột mít, tự nhiên địt ầm ầm như Khánh Ly hát đại bác đêm đêm dội về thành phố, Hoàng Sơn đứng cười, lặng lẽ đứng nghe. Mình phải kêu “địt kêu không thối” O cứ tự nhiên hỉ.

6/ hắn là người bạn hay tưởng nhớ đến: cái này không biết vì họ đều bỏ mình, còn hỏi đồng chí gái thì cô nàng kêu không. Cứ thấy cái mặt lầm lì là Chán Mớ Đời. Lấy mình vì cũng ế rồi, không dám chê nữa, sợ lại gặp thằng cà chớn hơn. Khi bán nhà, người Mỹ hay nói là “First offer is the best”, người đầu tiên trả giá muốn mua nhà mình rao bán là tốt nhất vì sau đó là toàn cà bơ không.

Nếu để ý thì luôn thấy một cô gái đẹp đều có chồng là xấu trai, gìa khú đế. Lý do, là khi còn trẻ, đám con trai mà khá khá đến ve vãng, cô ta làm eo, đòi cho được đông cung thái tử. Dần dần mấy tên này bỏ đi hết, chỉ còn lại những tên thiếu phẩm chất ở lại, đưa mặt lỳ ra đỡ. Sợ ế không còn chọn lựa, đành phải lấy thằng xấu trai như Trương Chi. Có lẻ vì vậy người ta hay nói “đẹp trai không bằng chai mặt”. Nói như anh bạn, vợ đẹp như thiên thần, chòng như thằng ở đợ.

Có lần, mình sang Louisiana chơi, bạn bè dẫn đi thăm người quen. Thấy mấy bà chủ tiệm, mới đi Cali “tune-up “ tân trang toàn bộ lại nên trông cũng bắp mắt, đến khi thấy ông nào từ sau tiệm đi ra thì bà chủ tiệm giới thiệu CHồng em. Kinh. Một anh bạn kêu chồng nhưng thằng ăn mày, lọ lem.

Có lần, mình có người quen dẫn đến gặp một bà từ Louisiana đến, ở trong khách sạn. Muốn buôn bán nhà cửa, đầu tư ở Cali. Hoá ra bà ta làm ăn khá tại Louisiana, qua Cali mấy tuần, trốn trong khách sạn để được các bác sĩ cho lên bàn mỗ, tân trang toàn điện lại. Ngày đầu gặp, thấy bình thường, 2 tuần lễ sau gặp lại cứ như Cô bé lọ lem, nhìn không ra.

Cô phụ dâu chính của vợ mình kể khi xưa, mấy tên khá khá đến rũ đi nhảy đầm, cô ta đều chê hết, đến khi lớn tuổi, quay qua quay lại chỉ còn tên chồng đứng sớ rớ, đành phải đi nhảy đầm với hắn rồi phải lấy hắn vì ở tiểu bang Connecticut ít người Việt. Tên chồng thì xấu trai nhưng được cái là chai mặt, cứ đứng nghe chửi thôi, nghe vợ chửi là một hạnh phúc vô biên đến nay gần 30 năm vẫn ăn chửi hàng ngày. Xấu không chai mặt thì cũng phải chai vì các cô chê.

7/ hắn tiêu xài như bạn: Cái này thì đúng. Mụ vợ thuộc dạng Huế xưa nên rất cần kiệm. Đi chơi với mình, sợ tốn tiền mình nên chỉ nói vào các tiệm ăn rẻ tiền như “gà điên” (Pollo loco) hay phở Nguyễn HUệ. Có lần cô nàng thấy một tiệm ăn mỹ sang trọng, muốn vào nhưng ngại sợ không bận quần áo đàng hoàng. Mình mở cửa, kêu sợ thằng tây nào. Có lẻ giây phút ấy đã giúp cô nàng giải phóng cuộc đời ế vợ của mình. Cô nàng thấy mình không sợ thằng tây nào cả. Mỹ trắng lạng quạng, mình chửi mệt thở luôn. Cô nàng phải khuyên ngưng.

Lần đầu tiên đi chơi, mình dẫn vô nhà hàng MacDonald’s, vì có phiếu mua một tặng một. Cô nàng thấy các nhân viên bận đồng phục nên tưởng là tiệm sang lắm. Về nhà khoe với mấy ông anh, bị chửi một tăng, kêu thằng Sơn kẹo. Bể mánh.

Còn 3 điểm khác mình thấy không cần thiết lắm nên không ghi lại.

Mò xuống đọc mấy cái còm của độc giả thì thấy đa số kêu tác giả bú xua la mua. Có thể báo chí viết để câu phụ nữ toàn là những chuyện này. Nếu như phụ nữ nghĩ như vậy thì giải thích được lý do mình ế vợ.

Mấy bác cứ chửi em viết bú xua la mua cho vui cuộc đời.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Chợ Cũ Đàlạt

 Hôm nay, mình nhận được một số tấm ảnh của anh TĐP, liệt kê các hình ảnh, đa số mình đã có, những vẫn lưu trữ vì có thể hình rõ hơn, theo thời gian thứ tự. Trước đây, mình chỉ thấy mấy tấm ảnh này nhưng không biết tấm nào được chụp trước theo mốc thời gian. Nay anh P, lớn tuổi hơn mình, học Chính Trị Kinh Doanh Đàlạt, đã giải mả được nên tải lên đây cho ai còn nhớ Đàlạt xưa.

Hình này chụp tại địa điểm Kem Việt Hưng, lúc chưa được xây cất, nằm giữa đường Thành Thái và Lê Đại Hành. Lúc CHợ Cũ (Chợ Cây) mới được xây cất. Thấy có xe kéo trên đường Lê Đại Hành, chắc phải vào những năm 40.

Tấm ảnh trên chụp lại bài báo đề năm 1957, nói về chợ Đàlạt do anh Đức ở Đàlạt gửi. Chi tiết sai vì họ cho rằng Chợ Cây bị cháy. Thật ra không phải. Chợ bị cháy là chợ mới dựng tại khu Hoà Bình sau nạn lụt 1932. Mình giải thích phần dưới với hình ảnh.

Dạo ấy, chợ sinh hoạt tại khu Hoà BÌnh ngày nay. Người Đàlạt gọi là Chợ Cây (Chợ Gỗ) vì được làm bằng cấu trúc gỗ. Mẹ mình bán hàng trong chợ này, đến thời Ngô tổng thống thì ông thị trưởng Trần Văn Phước, đứng ra mượn tiền, để xây dựng “Chợ Mới”, địa điểm ở vườn rau dưới thung lũng, nay là Chợ Đàlạt. Sau đó, người Đàlạt hay gọi Chợ Cũ khi nhắc đến Khu Hoà Bình.

Theo tài liệu tây mình đọc được thì khi thiết kế Đàlạt, người Pháp dành các khu vực trên đồi như dọc đại lộ Trần Hưng Đạo, Yersin và Hùng Vương,… cho người Pháp ở. Khu dân cư người Việt và người thượng thì ở vùng bằng như khu Ấp Ánh Sáng, Phan Đình Phùng.

Bản đồ này cho thấy Hồ Lớn (Grand Lac) dành cho người Pháp sinh hoạt.

Họ chia cái hồ làm hai: một hồ lớn (Grand Lac) dành cho người ngoại quốc sử dụng, sinh hoạt khi họ lên Đàlạt nghỉ dưỡng và một hồ nhỏ (Petit Lac) thuộc khu người Việt ở. Hình trên cho thấy cái đập được xây ngay bên cạnh Thuỷ Tạ sau này. Trên đập nước, có con đường chạy từ ngã 5 khách sạn Palace qua đường Đinh Tiên Hoàng. Gọi là Hồ Lớn (Grand Lac) dành cho người ngoại quốc sử dụng, còn hồ nhỏ (Petit Lac) nằm ở khu vực người Việt sinh sống Tấm ảnh trên chỉ con đường (đập) chạy từ ngã 5 khách sạn Palace qua đến đường Đinh Tiên Hoàng, ngăn hai hồ (grand Lac và Petit Lac) bên trái có con đường, xe bò đi, sau này là đường Trần Quốc Toản sau này. Phía xa bên trái trên đồi là dinh tỉnh trưởng.

Đây là khu người Việt sinh sống trước bão lụt năm 1932. Khu sinh hoạt thương mại của người Việt và người Thượng. Ai tò mò thì đọc bài mình kể về Ấp Ánh Sáng. Thấy cái xe bò, để người Việt đổ rác. Theo tài liệu tây thì khi người Pháp thì có xe rác đi lượm rác mỗi tuần, còn khu người Việt thì có cái thùng rác to, để bò kéo

Một góc nhìn khác của khu vực người Việt sinh sống trước vụ bão lụt 1932. Chúng ta thấy mấy chiếc cầu, bắc ngang con suối Cam Ly. Khu dân cư sau này bị dẹp bỏ và dời lên cao. Chỗ này dân Ấp Ánh Sáng dùng để trồng rau trước 75. Hôm nào rảnh mình sẽ tải mấy tấm ảnh khu vực này.

Tấm ảnh trên cho thấy bão lụt làm vỡ chiếc cầu, chỗ xả nước gần khúc đường lên đường Đinh Tiên Hoàng và đường Võ Tánh, Phan Bội Châu lên Dinh Tỉnh Trưởng.

Năm 1932, có một vụ bão lụt rất to, khiến cái đập của hồ Lớn (Grand Lac) bị vỡ, cuốn trôi khá nhiều nhà của người Việt sinh sống cạnh Petit Lac (Hồ NHỏ), làm 15 người Việt thiệt mạng nên người Pháp mới dời khu chợ lên KHu Hoà BÌnh ngày nay.

Lúc đầu, chợ chỉ họp như các chợ nhỏ.xem hình dưới. Mình bỏ tấm bản đồ khu Hoà BÌnh và cách chợ nhỏ. Phần màu xanh là khu Hoà Bình (Chợ Cây) sau này, trước đó chợ có một miếng đất hình tam giác. Chúng ta thấy phần màu đỏ hồng là khu phố đã được xây như dãy phố tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, Dãy phố của ông Đội CÓ, dãy Photo Hồng Châu, và khu Vĩnh Chấn, Vĩnh Hoà, CHic Shanghai. Khu vực màu vàng sắp được ông Võ Đình Dung xây cất. Theo mình hiểu thì ông Võ Đình Dung có chân trong hội đồng thị xã Đàlạt xưa nên hiểu biết các khu vực trong kế hoạch, nên bỏ tiền mua rẻ các vùng đất dành cho người Việt.

Tấm ảnh này có lẻ tấm cũ nhất của khu Hoà Bình mà mình có. Trong hình thấy chợ có mái tôn che, sau này bị cháy. Bên kia đường là dãy phố Bùi Thị Hiếu, lúc chưa được xây cất bằng gạch xi măng, nhà bằng gỗ. Hình này chụp buổi sáng vì thấy họ dăng mấy tấm tăng che nắng. Khu Hoà BÌnh theo trục Năm Bắc.


Hình này, chụp cái chợ lộ thiên như các chợ nhỏ Đàlạt khi xưa. Thấy dãy phố Bùi Thị Hiếu đã được xây cất, còn dãy nhà hàng Mekong còn làm bằng gỗ như trong tấm ảnh bản vẽ thiết kế trên màu vàng. Sẽ được ông Võ Đình Dung xây sau này. Phía sau thấy có dãy nhà của ông Đội Có đã được xây cùng lúc với dãy Bùi Thị Hiếu.
Hình này chụp từ góc Cà Phê Tùng ra khu chợ bị cháy sau này. Ta thấy khu chợ được xây bằng tôn và gỗ, sau này bị cháy. Mới được người Pháp cho xây lại, được gọi là Chợ Cây vì xây bằng cấu trúc ván ép, sữa thì gọi là Chợ Cũ khi Chợ mới được xây cất.


Đây chụp thấy góc Tăng BẠt Hổ, nơi có con chó và nhà hàng Mekong sau này. Bố Mẹ mình làm đám cưới tại nhà hàng này năm 1955.
Cũng cùng góc chợ, cận cảnh nhìn qua thấy tiệm Bùi Thị Hiếu đã được xây, còn nhà hàng Mekong thì còn làm bằng gỗ. Nếu chiếu theo ghi chú của tấm ảnh năm 1930 thì chợ ở đây đã được hình thành trước vụ bão lụt năm 1932. Khác với những gì mình đã đọc. Ai biết thì cho em xin tài liệu.

Một hình ảnh trước khi Chợ này bị cháy. Chụp từ dãy phố của ông Đội Có, người có trách nhiệm xây cái hồ Đội Có để dự trữ nước cạnh nhà máy nước Đàlạt khi xưa. Ta thấy dãy phố Bùi THị Hiếu đã được xây cất bằng gạch, còn dãy phố nhà hàng Mekong , Việt Hoa, Saigonnais thì chưa, vẫn làm bằng gỗ. Đường Tăng Bạt Hổ đã được thành lập.

Hình này chụp từ lang cang của dãy phố ông Đội Có, cho thấy có một dãy nhà 2 tầng phía bên kia chợ, hướng Đông, sau này được phá bỏ để làm chợ Cây to ra, và thế vào đó các kiosque nhỏ.

Hình trên cho thấy Chợ đang xây, có 3 cửa sổ lớn để thông hơi, một cái tầng để còi hụ, tương tự như cái gác chuông nhà thờ, thường được thấy ở âu châu, nơi chợ họp mặt. Chợ được kiến trúc sư người Pháp tên Pigneau thiết kế.

Trước chợ, có tấm bảng tròn khắc cụm từ bằng chữ la-tinh DALAT (Dat Aliis Laetetiam Aliis Temperiem)


Chợ Cây là nói đến cấu trúc làm bằng gỗ cây trong chợ, khác với sự giải thích của các học giả Đàlạt, cho rằng cái chợ nhỏ làm bằng cây đã bị cháy. Đọc tài liệu tây về chợ nên mình luận ra và hỏi bà cụ. Trong  hình thấy các đà hình vòm cung bằng gỗ ép. Kỹ thuật rất mới cho thời đó nhất là ở Việt Nam. Theo trí nhớ của mình thì chắc sau này, họ phá bỏ cấu trúc cây này vì mình nhớ rạp xi-nê Hoà Bình không có trần nhà hình vòm cung. Mình cũng có một tấm ảnh của kiến trúc sư về cấu trúc rạp Hoà Bình sau này nhưng không được xây.
Chợ hàng trái cây, gần nơi mẹ mình bán, bên tay phải.

Trong khi xây cất Chợ Cây thì chợ Đàlạt, được đưa ra đường Phan Bội Châu, sau khi bị cháy. Có nguy ở cho rằng Chợ Cũ (Chợ Cây) bị cháy nên mới xây chợ Mới. Mình còn nhớ mẹ mình vẫn buôn bán ở Chợ Cũ khi CHợ Mới đang được xây cất từ năm 1958, hoàn thành năm 1961

Hình trên là khu chợ trên đường Phan Bội Châu, được sử dụng tạm trong thời gian xây cất CHợ Cây. Đừng phan Bội Châu dạo ấy chỉ có một chiều, sau này, họ nới thêm ra thành hai chiều nên phía bên phải bị dẹp luôn.

Bên tay phải có một tiệm cà phê, quên tên. Năm ngoái mình có gặp cô con gái của tiệm này, nay là giáo sư đại học Pomona ở Cali, và chế tạo cà phê hữu cơ của gia đình Đàlạt khi xưa để bán. Cô ta có tặng mình cà phê này mà không uống. Quên tên.

Đây là khúc chợ dã chiến ở Phan Bội Châu, được dựng tạm trong khi chờ đợi Chợ Cây được xây cất. Đường Phan Bội CHâu dạo ấy chỉ có một chiều, sau này thì họ dẹp luôn chợ bên tay phải và nới rộng thành đường hai chiều.
Các dãy kiosque, thay thế một dãy phố xưa. Có thể bị cháy khi chợ đầu tiên bị cháy. Xem hình trên tước khi chợ được xây cất.
Vào những năm 40, họ có làm mấy kiosque bên hông chợ, để bán quà lưu niệm cho du khách,… xa xa trên đồi, có dinh của tỉnh trưởng Đàlạt.
Đây là quang cảnh chụp Chợ Cây trước mặt tiền. Bên phải, họ đã phá bỏ mấy cái kiosque và xây một dãy phố bằng đá ong và vòm cung rất tây vào những năm 1950. Đến khi ông Ngô Viết Thụ, thiết kế đô thị lại thì cho phá bỏ dãy phố này. Theo mình thì uổng vì có dãy phố này sẽ giúp khu phố tấp nập hơn, chắn gió cho khu phố này. 

Theo mình hiểu là để người Đàlạt dạo phố có thể thấy các vườn hoa giữa cầu Chợ từ Khu Hoà Bình đi vào và cầu thang từ chợ Mới đi lên đường Lê Đại Hành. Không may, là sau 1963, nhà thầu NGuyễn Linh CHiểu, người thầu xây chợ Đàlạt, mua hai miếng đất công này và xây khách sạn Mộng Đẹp và nhà hàng La Tulipe Rouge. Thời Ngô tổng thống, không có vụ ăn gian, tham nhũng nên không  làm bậy đến thời đệ nhị cộng hoà, là tham nhũng, thậm chí ông CHiểu xây thêm một tầng không giấy phép, vẫn được bỏ qua. Chán Mớ Đời 

Mình nhận được 2 tấm ảnh của Cà Phê Tùng nên bỏ lên đây. Khi xưa, không uống cà phê nên chưa bao giờ vào đây. Nghe nói con của ông Cà Phê Tùng học chung khoá với mình ở Yersin. Mình chỉ quen tên Phước, nhà in Lâm Viên, bên cạnh. Thấy lạ vì trước tiệm cà Phê Tùng có nhiều thay đổi theo thời gian.
Hình này thấy cà phê Tùng, bên cạnh tiệm phở Bắc Hương. Nguyễn Đăng Sơn, học chung với mình, sau nhảy lớp, đi du học trước mình một năm, học ở Troyes. Nay vẫn sinh sống tại Pháp. Cuối đường là đường Hàm Nghi, bến xe đò. Mình nghe con gái giò chả Mỹ Hương, cho biết là sau khi tiệm phở Tùng bị cháy, bố mẹ cô ta xây 3 căn cạnh tiệm Bắc Hương, cũng là của gia đình. Họ tính xây khách sạn. Dạo ấy, hiệp định Paris xong thì thiên hạ hồ hởi vì hoà bình nên xây cất đủ trò. Ông Võ Quang Tiềm cũng đang xây khách sạn dưới CHợ Mới. Xây xong thì Việt Cộng vào, mất hết. Mình có anh bạn kể, bố anh ta mua mấy chục mẫu đất ở trong Cam Ly. Việt Cộng về không dám nhận là chủ nhân. Chán Mớ Đời 
Hình này chụp sau 75, nhà sách Liên Thanh vẫn còn. Hình như con gái của tiệm này có học chung với mình ở Yersin. (Còn tiếp)

Café Lê Ky,và Trà Thiên Huu nôi tiêng o Dalat,Café Tung con trai tên là Thông,Son tiêm com My Huong,con ông Minh làm o Dài phat thanh Dalat,hoc Adran,Quang vàTuê là 2 anh lon cua Son cung hoc Adran,con gio cha Bac huong làDalat bên canh,nhà anh Ky,va anh em sinh dôi Sâu+Sang,khg liên quan gi dên gd tiêm com My Huong,Quang My Huong là chông cua Vo thi nhu Y(couvent des corbeaux,xin loi  des oiseaux,hi hi....tuc Notre Dame du Langbiang,Duc Bà Lâm viên) con gai ông Vo van Viên duong Duy Tân,Dalat co 2 tiêm gio cha là Bac huong và An Lôc(duong PDP) “còm của Nguyễn Anh Dũng”

Lâu lâu bà con gửi hình cho mình nên phải tải lên đây, và chú thích. Mình thấy có nhiều người chú thích về chợ mới Đàlạt,… không đúng vì chợ Mới Đàlạt, mình có kể rồi. Ai tò mò thì tìm trên bờ lốc của mình.

Nguyễn Hoàng Sơn 



Đồ hộp mỹ trong chiến tranh Việt Nam

 Tuần này, mình thấy trên mạng, mấy tấm ảnh khiến mình nhớ thời bé nhất là mấy năm sau Mậu Thân, ăn đồ mỹ, uống nước ngọt như RC-Cola, Fanta,… mình có kể quân đội mỹ tham chiến tại Việt Nam, có thời lên đến nữa triệu quân, trong khi dân số miền nam là 17 triệu người. Gây xáo trộn cho xã hội miền nam và kinh tế.

Xã hội miền nam bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của quân đội mỹ về văn hoá, ẩm thực,… tương tự ngày nay đảo Okinawa của Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng rất nặng với sự đóng quân của mấy chục ngàn binh sĩ Hoa Kỳ tại hòn đảo này. Các tiệm ăn như MacDonalds mọc lên như nấm, giới trẻ Nhật Bản ăn uống như mỹ,…

Cái đồ khui đồ hộp này khiến mình nhớ nhiều nhất, đã thay đổi cách mở các thùng dầu ăn, hay thùng nước mắm Việt Nam. Hồi nhỏ, gia đình mình mỗi lần khui thùng dầu ăn hay thùng nước mắm là phải lấy cái con dao bầu, có cái mũi nhọn, cắm vào mặt thùng thiết, lấy tay đập vào cái cán dao để chọt lũng lớp thiết. Rồi cứ tiếp tục đục mấy lỗ bên cạnh, đi vòng khắp thùng mới mở được thùng hay làm hai lỗ để đỗ dầu vào chai để sử dụng. Khi dùng xong thì mình cắt cái nắp, lấy búa đóng dẹp ven xung quanh để khỏi đứt tay, rồi lấy miếng gỗ làm cái quai xách nước. Để mình vẽ lại cho dễ hiểu rồi bỏ lên sau.

Trong hình trên có hai cái đồ khui: một tên là P-38 và một lớn hơn tên P-51. Nhà mình có mua cái P-38, mà người Mỹ gọi là John Wayne vì rất chắc và dễ sử dụng. Kích thước độ 1.5 inches hay 38 mm dài, có một miếng sắt dẹp, dùng là cái cán, và một cái bản lề dính vào cái đổ khui nhọn. Lính mỹ hay gọi P-38 là John Wayne, tài tử chuyên đóng phim người hùng cao bồi. Cái này nhỏ, dễ bỏ vào xây chìa khoá, đem theo bên người.

Cái P-51 to hơn, dễ sử dụng hơn, thêm có thể làm cái tuột-nơ-vít để mở các ốc. Được biết là đồ khui được gọi là P-38 vì độ dài là 38 mm, có một giả thuyết khác là có 38 mũi khâu tên hộp đồ ăn C-ration để mở. Không ai biết rõ vì sao lại đặt tên như vậy.

Sau này P-38 không còn được quân đội mỹ sử dụng vì vào năm 1980, các lon đồ hộp được thay thế bởi các bịch thức ăn. Khi mình sang Mỹ đi chợ, cố tìm mua cái đồ khui P-38 nhưng không ra. Họ chỉ bán cái đồ khui dễ dàng và ít nguy hiểm vì cái P-38 rất bén, dễ đứt tay. Nay họ có sẵn máy gắn trên tường, cứ việc đặt cái lon đồ hộp lên trên, tự động khui. Xong om

Bơ đậu Phùng là lon bên tay phải. Bên trái thì mình có ăn rồi, loại phô-mát nhưng nói chung bơ đậu phụng rẻ nhất nên thường mua ăn.
Gần hàng mẹ mình có một dì người HUế, có ông chồng cảnh sát, tên Nghĩa, nhà ở đường Thì Sách, chỗ giếng ông Ba Tây, có hàng quán, chuyên bán đồ mỹ. Trong tấm ảnh là cái quán nhỏ màu xanh, cạnh chỗ ông Thạc thợ thiếc, trước cái bồn nước, sát cái cầu thang chợ.

Lâu lâu mình có tiền là chạy ra đây mua lon đồ hộp rẻ nhất là bơ đậu phụng. Sang mỹ họ gọi Peanuts butter. Lấy cái đồ khui ra, mở vòng vòng rồi nạy cái nắp lên, vét bơ ăn ngon kể gì. Có lẻ vì vậy mà ngày nay mình vẫn ăn bánh mì trét bơ đậu phụng.

Loại thịt bò, heo đóng hộp này thì mình không thích từ bé đến nay. Không bao giờ mua ăn từ khi ra hải ngoại đến nay. Cách mở, phải dùng một cái khoá, có cái lỗ, sỏ miếng thiết của cái hộp vào, rồi từ từ cuốn quanh, sẽ mở hộp thịt.

Một loại đồ hộp mình hay ăn là mấy lon trái cây, nhất là trái đào, bưởi, ngọt chi lạ. Lâu lâu nhà có mua mấy lon Ham về, khui ra rồi thái từng lát mỏng để chiên lại ăn với cơm. Nói chung là nhà mình, mấy anh em không thích lắm vì có vị hơi chua chua.
Dạo ấy, nhà hay ăn thịt cá mòi của Ma-rốc, cũng dùng cái chìa khoá để mở như hình trên. Phải cẩn thận vì nếu không bị đứt tay. Phải lấy dao bầu để đâm thủng.
Đây là cái đồ khui các chai nước coca hay bia. Thêm có thể khui mấy lon sữa bò, cứ làm hai lỗ nơi nắp lon rồi chế sữa một bên.

Mình mới hỏi mụ vợ, khi xưa có ăn đồ hộp mỹ không? Mụ vợ kêu Không. Có đâu mà ăn. Dạo ấy mụ ở Hội An, xứ nhà quê nên chắc đồ ăn mỹ ít đến, hay nhà nghèo. Đa số lính mỹ đóng quân ở Đà Nẳng.

Theo các cựu quân nhân tham chiến tại Việt Nam thì tuỳ theo binh chủng. Không quân thường, họ bay trong ngày rồi về lại căn cứ nên ăn uống tương đối khá, còn các binh chủng khác phải đi tuần, hành quân thì họ đem theo C-ration để ăn. Nói chung thì họ không  thích lắm. Ai nấy đều nói là C-ration giúp giảm cân cho dù đề là 2,000 Calories nhưng ít ai ăn hết. Dần dần bao tử teo lại, khi về nước bố mẹ không nhận ra vì gầy.

Có ông mỹ kể đi hành quân, ăn đồ hộp rồi quăn trong rừng, Việt Cộng đi phía sau lượm mấy đồ hộp để bỏ lựu đạn trong. Sau đó lấy dây căng ngang bên đường. Lính mỹ đi tuần về, đạp dây, khiến lựu đạn văng ra khỏi lon và giết hại binh sĩ mỹ. Ông ta nói là lính mỹ chết vì đồ của lính mỹ nhiều hơn của quân thù. Chán Mớ Đời 
Dấu ấn thứ hai của quân đội mỹ là cái đèn pin. Dạo ấy người Việt xài đèn pin Made chợ lớn, nay có đèn pin của Mỹ xài sướng kể gì. Mỗi khi bị cúp điện, là lấy đèn pin ra xài, đi vòng vòng nhà để châm đèn hột vịt. Nói đến pin thì nhớ lính mỹ hay xài các cục pin to đùng, hình vuông độ 12 inch x 12 inch x 2 inch. người Việt mình mua về câu vào cái radio để nghe hay gắn đèn bóng. Mình không biết các tấm lọc màu để làm gì, ai biết cho em xin. Chắc để đi ban đêm, không lộ ánh sáng.
Mình có kể làm vườn, nhà mình có cái xẻng của quân đội mỹ, dùng để xúc đất làm giao thông hào. Loại này có cục để xoay, có thể biến đổi thành cái cuốc. Sau 75, chắc phải tẩu tán vì sợ tàn trữ đồ của đế quốc mỹ.
Thêm cái bình nước khi đi vườn. Bình nước này bằng nhựa khác với cái bình nước của ông cụ đi lính đem về, bằng thiết của tây. Mình nhớ trên cầu thang chợ, có mấy hàng bán đồ mỹ khá nhiều, quần áo cũ, đủ trò.
Nhưng có lẻ thuốc lá là quan trọng nhất vì người Việt bắt đầu hút thuốc mỹ thay vì thuốc lá tây như Gaulois,.. hình trên thấy mấy hiệu như Winston, Lucky Strike, Pall Mall, Marlboro, Dunhill. Mình nhớ ông cụ thường hút Pall MAll, Salem, 555, Craven-A, Dunhill,… mình có thử hút một điếu thuốc lá mà ho sặc luôn cả tiếng nên không dám hút thuốc nữa.
Hút thuốc thì phải nói đến các hộp quẹt Zippo. Mình thấy mấy tên quen, hút thuốc lá hay tập bật lửa của hột quẹt ZIppo. Nghe nói bây giờ hột quẹt này là hàng hiếm, hàng xịn nên họ làm giả để bán cho du khách.
Thuốc lá việt mình nhớ có Bastos, thuốc quân tiếp vụ, để lính mua cho rẻ. Thường có mấy quán bán thuốc lá lẻ. Ai cần hút thì ghé quán, mua một điếu hay vài điếu thay vì cả gói. Mình có tên hàng xóm hút thuốc, hắn hay lấy truyện của chị hắn cho mình mượn đọc, bù lại mình lấy thuốc của ông cụ cho hắn hút.
Thời đó, vật giá leo thang nên chính phủ Việt Nam Cộng Hoà có sản xuất các loại hàng, mang nhãn hiệu Quân Tiếp Vụ, giúp binh sĩ mua rẻ với gia đình. Thuốc lá, dầu ăn, gạo, đường,… thấy cấm bán cho dân chúng nhưng cứ thấy đầy chợ. Gia đình lính mua về, rồi đem ra bán lại ngoài chợ cho thiên hạ. Ngay lính cũng phải đi mua. Nhiều khi mấy ông lớn làm trong quân tiếp vụ đã đem ra ngoài bán kiếm tiền. Có tên đại uý, lấy gạo của lính đem bán cho bà cụ mình để có tiền đánh bài.

Có lẻ vì vậy chúng ta mới thua. Ở Hà Nội thì khẩu hiệu của họ; tất cả cho tiền tuyến, còn trong nam thì mấy ông lớn vơ vét hết, làm giàu trong chiến tranh. Đến 75 thì bỏ chạy. Xong om. Nói cho đúng thì chỉ có một thiểu số thôi nhưng đã phá hoại tinh thần chiến đấu của quân dân miền nam khiến một số người dân, bỏ theo Việt Cộng, làm nội tuyến cho họ. Nay thì ngược lại tại Hà Nội cũng vơ cũng vét nhiều hơn gấp 100 lần khi xưa.

Mình nhớ có đến nhà một ông bạn của bố mình, làm cho hãng mỹ, buôn bán đồ mỹ, giàu lắm. Bố của ông dượng mình, chạy xe rác, nội đi lượm rác đồ mỹ quăn, đem bán đủ giàu.

Cái hay là quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại các chiến trận, đã giúp thay đổi cách quản chế thức ăn tại Hoa Kỳ qua thời gian. Nếu chúng ta vào siêu thị của Hoa Kỳ, các loại thức ăn đều được chế biến từ các cuộc thử nghiệm của quân đội Hoa Kỳ. Hôm nào, buồn đời, mình sẽ kể, khá thú vị.

Nguyễn Hoàng Sơn 




Chùa Linh Sơn

 Hôm trước, xem lại mấy tấm ảnh Đàlạt, có chùa Linh Sơn, nơi mình có nhiều kỷ niệm của thời con nít, nói theo ngôn ngữ thời A còng là Sữu Nhi. Nhớ nhất là dạo chùa đúc cái chuông mà khi về Đàlạt, mình có ghé lại để xem, để ở ngoài hiên, ngay bên phải chánh điện và Ăn cơm Chùa theo nghĩa đen.

Mình không nhớ rỏ năm nào, chỉ nhớ thằng Dư, hơn mình đâu 2, 3 tuổi, anh con Thuý, cạnh nhà, dẫn mình đi qua chùa vào buổi tối. Trong khi người lớn ê a cầu nguyện trong chùa, con nít ở trước sân chùa, được xem phim trắng đen của hai tên hề 1 béo 1 gầy Laurel & Hardy khiến con nít cười ồ, khá vui. Đó là lần đầu tiên mình xem phim lộ thiên ở Đàlạt.

Nếu mình không lầm hồi nhỏ có ông đẩy xe đạp đi trên đường Hai Bà Trưng, có màn trả ông ta tiền rồi đưa cái đầu vào chỗ ông ta trùm cái bọc lên đầu, xem phim khi ông ta quay vòng cuốn phim. Lớn lên sau Mậu Thân không thấy ông ta nữa. Mình chỉ thấy con nít lối xóm có tiền, thò đầu vào coi. Rồi chúng nói đủ trò khiến mình thèm nhỏ nước miếng.

Trước sân chùa, họ căng tấm vãi trắng, từ hai cây, không nhớ máy để ở đâu. con nít lao nhao đến khi trời tối hẳn mới được chiếu phim. Sau này, ra hải ngoại, xem lại mấy phim này nhưng không thấy vui bằng khi còn bé.

Hai tài tử Laurel và Hardy đã đem đến những nụ cười tuổi thơ của mình tại sân chùa Linh Sơn

Chùa Linh Sơn, được xây cất trên ngọn đồi ở gần cuối đường Hàm Nghi, khúc Võ Tánh và Phan đình Phùng. Đất do ông bà Võ Đình Dung tặng. Ông bà cũng tặng và cúng dường để xây chùa Linh Quang ở Cây Số 4 ở trên đường Hai BÀ Trưng. Nghe người lớn kể, ông Võ Đình Dung đi thầu, bị người ta ghét, trả bằng tiền giả. Sử dụng tiền giả là tội hình sự.

Hình này chụp từ nhà thờ Tin Lành, nhìn xuống đường Hàm Nghi, phía bên phải thấy ngọn đồi, sau này là nơi toạ lạc chùa linh Sơn, đất do ông bà Võ Đình Dung tặng. Thấy dãy nhà của cư xá chạy xuống đường Phan Đình Phùng, mình cố tìm ra căn nhà của Bích Thuỷ nhưng chịu, không nhớ rỏ căn nào. Dù khi xưa, chạy ngang đây, hay đưa cô nàng về. Chán Mớ Đời 

Tối đó, bà Dung nằm mộng thấy có ai mách, khó ngủ nên thức dậy, mở cái cặp đựng tiền mà ông Dung đem về tối qua, thấy bạc giả nên đem đốt. Mới 6 giờ sáng, mật thám của tây bao vây nhà, vào xét, không thấy bạc giả. Hú vía. Mình đọc tài liệu tây về thời này, được biết ông Võ Đình Dung có chân trong hội đồng thị xã, tranh đấu cho quyền lợi người Việt sinh sống tại đây nên bị Tây ghét. Điển hình là trong thiết kế của người Pháp, các lô đất của người Việt chỉ có 2 mét x 6 mét, sau ông ta đòi nên họ mới đổi thành 3 mét x 10 mét trong khi các khu nhà của người Pháp thì mỗi lô đất to rộng, xây được biệt thự như ở đường Hùng Vương, Trần Hưng đạo.

Ông ta thầu rẻ hơn thầu khoán tây nên lấy được nhiều công trình xây cất từ người Pháp như ga xe lửa Đà Lạt. Tương tự ông Xu Tiến, người thầu xây Nha Địa Dư. Mình nghĩ mấy ông xu như Xu Tiến, Võ Đình Dung, chống pháp ngay ở thành thị trong buôn bán, thương mại, khó hơn là vào rừng làm kháng chiến.

Sau vụ này, ông bà hiến đất để xây chùa Linh Sơn và trường học Bồ Đề, rồi ngưng làm ăn, lo tu hành. Khi họ cũng hiến tặng cho người Đà Lạt đất Mả Thánh để làm nghĩa địa, đến trường Việt Anh, cho người ta thuê làm vườn thì đi làm chi nữa cho cực đời. Có thể xem như gia đình ông bà Võ Đình Dung có công rất lớn đối với người Đà Lạt. Chỉ tiếc mình không có tài liệu về ông bà này để viết lên đây, để mọi người biết. Ai có tài liệu thì cho mình hay, liên lạc với con cháu họ.

Chính điện, mình và con gái đứng trú mưa ở đây, phía bên phải là nơi để cái chuông, mà khi xưa, mình có lên đây chơi khi họ đúc chuông. Mệ ngoại mình tặng một chỉ vàng khi họ đi quyên, bỏ vào lò luôn. Thấy hai con lân hai bên cầu thang. Mình nhớ là từ dưới đường lên cũng có nhưng nay mất tiêu.
Hình này chụp sau 75, trước kia thấy chữ Linh Sơn Tự, dọc mấy thang cấp đi lên, theo trí nhớ của mình có mấy con rồng mà mình hay leo lên chơi, bị người lớn chửi, kêu mi đòi cởi rồng à. Giao thừa, bố mẹ mình hay dẫn đi lễ chùa, sau đó về, phật tử xúm nhau bẻ cây, bẻ cành xem như hái lộc chùa. Sau đó thì mấy cây te tua, trụi lá, thiên hạ kéo gọi la hét in ỏi. Hình như bên tay trái cổng đi vào chùa, là vườn chè.

Mình đọc đâu đó là trường Việt Anh, khởi đầu do con trai của ông bà Võ Đình Dung xây cất, sau này, thầy Lê Phỉ mướn lại đến năm 1975. Ngoài ra, ông có một cô con gái đi du học bên pháp, lấy chồng cũng du học sinh. Sau 1954, đem con về Đàlạt, giao cho ông bà nuôi, rồi tập kết ra Bắc để xây dựng xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần của trí thức ở âu châu thời đó. Sau 1975, về lại Đàlạt, và qua đời vì bệnh ung thư.

Hình này chụp sau 75, bên tay phải lối vào chánh điện, là nơi có cái chuông mà khi xưa, còn bé, mình có đến đây khi họ tổ chức đúc chuông đồng.
Chỗ này chụp nơi con đường nhỏ từ đường Hàm Nghi, chạy lên chùa. Chỗ này khi xưa, mình thấy xe GMC chở cảnh sát dã chiến đến đây, rồi họ nhảy xuống xe, chạy đi bắt sinh viên học sinh, do Việt Cộng chủ động, biểu tình, bắt loa, kêu gọi đem Nguyễn Cao Kỳ lên đoạn lầu đài.

Nhật Bản khi xưa, không cho các sinh viên trẻ đi du học. Lý do là trí óc non nớt sẽ bị ảnh hưởng của văn hoá nước ngoài. Họ chỉ cho các người đã học xong tại Nhật Bản, đi làm có kinh nghiệm, rồi cho đi tu nghiệp. Các sinh viên Việt Nam rời Việt Nam còn trẻ, nhiều khi dưới 18 tuổi nên dễ bị ảnh hưởng của văn hoá âu châu. 

Hình này chú thích năm 1957, phía tay phải, sau dãy nhà cư xá công chức ở đường Hàm Nghi, thấy cổng chùa Linh Sơn và các thang cấp dãn lên chùa. Phía xa xa là ấp Mỹ Lộc và cuối cùng là Núi BÀ.


Điển hình ngày nay, người Việt ở Hoa Kỳ, chia nhau ra hai phe: theo đảng Dân Chủ và phe theo Cộng Hoà. Thậm chí người Việt tại Việt Nam, cũng có người theo ông Trump, có người chống ông Trump, dù chả có dính dáng đến Việt Nam. Báo chí cứ tung lên để bán quảng cáo.


Khi xưa, thời mình qua tây, 25% người Pháp là cử tri của đảng cộng sản Pháp nên các sinh viên hay người Việt tại đây, dễ bị ảnh hưởng của chính trị của nước họ đang đi học hay làm việc. Không hiểu rỏ tình hình ở miền nam, quay sang chống đối, dẫn đến sự sụp đỗ chính phủ miền nam nhanh chóng hơn. Ông Hoàng Đức Nhã, cựu học sinh Yersin Đà Lạt, có thời làm tổng trưởng Dân Vận, mà trong hồi ký của Kissinger có nhắc đến ông ta, là một người khó thương lượng, có tổ chức các chuyến viếng thăm Việt Nam trước 75 cho sinh viên và kiều bào nhưng hơi trễ.

Mình có người quen, đi du học bên tây thời còn học sinh đệ nhất cấp. Có về thăm gia đình năm 1973, theo đảng cộng sản Pháp, quốc tịch tây nhưng toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà vẫn cho về thăm. Theo lời ông ta là người đầu tiên phá cửa toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà ngày 30/4/75. Sau này được Hà Nội cho về thăm Đàlạt, được xem là phái đoàn Việt kiều đầu tiên ở pháp về thăm Việt Nam. Trở về tây, ông ta kể cho mình là nhà cậu, mà Việt Cộng mỗi ngày cứ đi vào, ngồi cả ngày. Đi đâu cũng phải xin phép, khác với thời Việt Nam Cộng Hoà cách đó 3 năm. Ông ta buồn cho tuổi trẻ của mình bị lợi dụng, sau này qua đời.

Nhớ sau 1963, có mấy cuộc chỉnh lý, sinh viên và học sinh Đàlạt, kéo vào chùa Linh Sơn, mở loa kêu gọi đem “ông nguyễn Cao Kỳ lên đoạn lầu đài”,… rồi lựu đạn cay, cảnh sát dã chiến đổ bộ từ xe GMC, vào bắt thiên hạ. Sinh viên, học sinh bỏ chạy như ong bị  hun khói.

Mình có gặp và nói chuyện với hai anh sinh viên của đại học Đà Lạt thời đó, sau này ra trường đi dạy tại các trường trung học ở Đàlạt. Họ kể hồi đó đâu biết gì, bạn bè rủ thì đi cho vui. Ở nhà, mình nhìn sang thấy vui lắm. Mình có anh bạn, cháu của ông thầy Từ Mãn, kêu ông này mà tu gì. Ông tu ở chùa Linh Sơn nhưng ăn mặn khi đến nhà anh bạn ở Đàlạt. Sau này mới hiểu Việt Cộng cài người vào các chùa để chống đối chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Chán Mớ Đời 

Có lần về Đàlạt, mình đi bộ với con gái lên chùa. Đi kiếm nhà thằng Khoa, và Phan thị Thu Thuỷ để chụp cho cô nàng không ra. Nay họ đập phá xây lại hay lên tầng. Mình tính chụp ảnh nhà xưa rồi gửi cho cô nàng nhưng tìm không ra, hỏi thiên hạ thì họ nhìn mình như bò đội nón. Cô nàng kể là chính cô nàng còn tìm không ra huống chi mình.

Đi viếng phía sau chùa thấy bé nhỏ không như xưa khi mình đi chùa với Mệ Ngoại. Có một nhóm gia đình phật tử từ Đắc Nông về chùa, cắm trại. Họ hát những bài ca sinh hoạt hướng đạo, khiến con gái mình hát theo. Nó nói ở đây người ta hát vui ghê sao ở mỹ, tụi con đi hướng đạo hát mấy bài này chán như con gián. Cho thấy chúng ta cho con theo văn hoá Việt Nam ở mỹ, là một vấn đề. Chúng hát nhạc sinh hoạt nhưng không hiểu lắm nên Chán Mớ Đời.

Trời bổng nhiên đổ mưa kinh hoàng, gia đình phật tử, đang sinh hoạt, bỏ chạy như đàn kiến. Hai cha con đứng núp mưa, mình nhìn xuống đường dốc Hàm Nghi, thấy nhà đối tượng một thời. Có ông thần nào đọc bài mình kể chuyện đời xưa, nói là mê cô nàng rồi cứ lên chùa, nhìn xuống nhà cô nàng. Không thấy mưa tạnh, đành gọi taxi đến đón, đưa về nhà. Trong những giây phút đợi Taxi, mình kể cho con gái lại thời gian còn con nít, đến đây xem phim, hay đi chùa với mệ ngoại. Nó nhìn mình như bò đội nón nhưng mình kể cho chính mình.

Trong khi trú mưa, mình nhớ khi xưa, cứ rằm là đi theo Mệ Ngoại lên chùa Linh Sơn, và chùa Linh Quang. Mình xách cái giỏ đựng hoa quả. Lên tới chùa, Mệ đưa cho mấy người ở chùa rữa trái cây rồi bỏ lên bàn Phật. Mình được họ kêu vào thọ trai. Ăn cơm chùa thấy ngon kể gì. Sau đó, mệ ngoại, ra ngồi vấn an thầy trù trì, rồi đưa cho ông cái phòng bì. Có lần, Mệ kêu mình phụ chị người làm, khiêng cái bàn Phật xuống đường Hai Bà Trưng, rồi bắt mình phải canh vì sợ con nít chôm mấy trái cây. Rồi đi lên Núi Bà, lấy nước suối về, vì có Phật Bà hiện về. Có dịp mình sẽ kể vụ này khá vui. Đều do Việt Cộng xúi dục cả.

Mệ ngoại mình hay cúng tiền cho chùa, rồi kêu mẹ mình đưa tiền trả cho thầy như cái bàn thờ cho chùa khá bộn tiền. Sau này, mẹ mình cũng hay hỏi mình tiền để cúng tổ đình chi đó. Hôm nào Chán Mớ Đời, mình sẽ kể về Tổ Tiên CHính Giáo ở Đà Lạt.

Thấy trên Facebook có bài này, mình xin phép đem về đây cho thiên hạ đọc vì khá chi tiết, khỏi mất công viết: https://www.facebook.com/MocDalatLuquan/

Chùa Linh Sơn

1/ Vị trí:

Chùa Linh Sơn là một trong những ngôi chùa lớn và lâu đời ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chùa nằm trên sườn ngọn đồi thấp tại số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi – phường 2, và cách trung tâm thành phố khoảng 700m về phía Tây Bắc.

Chùa được xây năm 1938 theo đề nghị của bà Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại) với Giáo hộ Tăng già Trung Phần từ năm 1936, sau lần bà từ Đà Lạt trở về kinh đô Huế, và hoàn thành năm 1940 (Hòa thượng Thích Trí Thủ trụ trì). Chùa mang tên một ngọn núi ở Ấn Độ, được nhiều lần trùng tu tôn tạo. Chùa Linh Sơn nằm trên ngọn đồi gần 4 ha, là quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc có quy mô lớn nhỏ khác nhau. (Phần này mình thấy không đúng lắm, có dịp sẽ nói rỏ chi thiết hơn)

2/ Kiến trúc:

Chùa do ông Võ Đình Dung đứng ra điều khiển kỹ thuật và ông Nguyễn Văn Tiếng cùng với công đức của thập phương bá tánh. 

Chính điện ngôi chùa được thiết kế theo lối kiến trúc Á Đông giống như các chùa cổ ở Kinh Thành Huế. Trên đỉnh mái chùa có đắp đuôi rồng uốn lượn theo thế “lưỡng long triều nguyệt”.

Thông thường cổng chùa thường xây theo cổng tam quan. Song cổng vào chính điện chùa Linh Sơn chỉ xây hai vách cao 4m, cách nhau 5m có mái lợp, bậc cấp được xây bằng đá, cửa cổng có thể hiến cho du khách một chỗ tạm nghỉ chân mà không sợ mưa nắng (?). Đường vào chùa được dẫn lên nhiều cấp, hai bờ đường là hai hàng cây thông, bạch đàn, sao, cao vút quanh năm thì thào với gió núi mây ngàn. Đêm về những ngọn đèn bên ngoài tỏa sáng mông lung trong sương lạnh điểm tiếng chuông ngân nga vang vọng làm cho cảnh trí Linh Sơn thêm phần trầm mặc, u nhàn.

Trên lối đi trước sân chùa cách cổng chính 30m có dựng một bức tương Quán Thế Âm Bồ Tát màu trắng đứng trên đài sen cao, khói hương nghi ngút, nơi chiêm bái của tín đồ và du khách vì tinh thầncứu khổ độ sinh là bản nguyện của Ngài. Hướng bên phải là một bảo tháp ba tầng hình bát giác, mái ngói cao 4m. Bên trái là hồ nước, những cụm giả sơn và cây cảnh rất đẹp.

Ngõ vào phía đông Chùa được xây theo lối tam quan truyền thống kết nối với con đường lát đá, tráng nhựa là đường dành cho xe cộ từ ngoài vào bọc quanh sân chùa, chạy qua sau lưng bức tượng và trước sân chùa rồi rẽ phải lên đến sân của cánh hậu tòa viện. Bên phải phần cuối con đường này là giả viên Lâm Tỳ Ni được trang trí rất nghệ thuật, có các giả sơn, có các thảo mộc quý. Giữa đám xanh của cây cỏ là một cái ao nhân tạo bên trong có hoa súng và cá vàng.

Qua sân cỏ là đường dẫn đến cầu thang có mười ba bực lên đến hành lang Phật đường. Hai bên cầu thang có bể nước trong đó nhô lên hòn non bộ có các cây kiểng gợi cảnh thiên nhiên. Xuôi theo cầu thang là cặp Rồng lớn há miệng được điêu khắc một cách nghệ thuật làm vị song thần gìn giữ ngôi chùa.

Bên trong chính điện chùa Linh Sơn ở Đà Lạt bài trí nghiêm trang, tiền đường có bốn trụ gỗ lớn chạm khắc đôi câu đối bằng chữ Nho sơn son thếp vàng mang nặng ý nghĩa tâm linh:

Sơn sắc đạm tùy nhân nhập viện

Tùng thanh tĩnh tính khách đàm phiền.

Tạm dịch là:

Màu núi nhạt theo người vào viện

Tiếng tùng im nghe khách bàn thiền.

Trên điện Phật thờ tượng đức Thích Ca Mâu Ni bằng đồng xanh đang tham thiền nhập định trên một tòa sen đúc bằng đồng, nặng 1.250 kg, được đúc năm 1952.

Bên trái chính điện là Tổ đường - nơi thờ Đạt Ma Sư Tổ, ngoài cái trống lớn có đường kính 0m75 thì đây cũng là nơi đặt bài vị các vị sư đã viên tịch và những người đã khuất mà thân nhân họ đưa vào chùa với niềm tin “để linh hồn được hưởng hương khói và nghe kinh mỗi ngày”.

Bên phải chính điện là tượng Hộ pháp Di Đà, gần đó đặt khung gỗ quý treo “Đại Hồng Chung” nặng 450 ký. Lầu chuông và lầu trống được bố trí cách nhau 12m trước Phật đường. Quả chuông đúc vào năm 1950, cao 1m80 cân nặng 40 ký do các nghệ nhân “Phường Đúc Huế” tạo thành. Phía trái là ngôi tháp ba tầng đứng trên một nền cao 14m, hình bát giác góp phần vẻ tôn nghiêm, mỹ thuật cho chùa. 

Hiện nay, chùa Linh Sơn là nơi đặt văn phòng của Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng.

3/ Đôi dòng ghi lại những cảm xúc … khi Vãn cảnh Chùa:

Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm!

Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa!

Giữa phố thị Đà Lạt với vô vàn sắc thanh hỗn tạp, người đang có chuyện ưu tư hay phiền não khi nghe tiếng chuông Linh Sơn tự cũng thấy vơi nhẹ trong lòng, xua tan đi tất cả những vấn vương tục luỵ, những nỗi trần tâm. .

….

Sư VIÊN TRÍ cảm khái viết:

Khách trần ai viếng Linh Sơn tự

Hồn tục lâng lâng khỏi xứ phiền”

Chất liệu khiến “hồn tục lâng lâng” khi viếng “Linh Sơn tự” hẳn là hương vị giải thoát lan tỏa từ dòng nước từ bi, trí tuệ ở “đỉnh Linh Sơn” hơn 2500 năm trước. Cảm thức thoát lụy liên đới mạnh mẽ với cảm thức cội nguồn khiến thế nhân dường như không hề khởi niệm phân biệt xưa và nay. Vì rằng giây phút lìa xa ái thủ là giây phút con người tìm thấy bản lai diện mục của mình ở đấy mọi ý niệm không và thời gian đều vắng bặt. Có lẽ trong ý nghĩa như vậy mà Linh Sơn đã hiện ra không khác một Linh Sơn Ấn Độ trong lòng nhiều thế hệ Phật tử Việt Nam.” 

… 

Thi sĩ VIỆT TRANG trong một Mùa Báo Hiếu ghé thăm chùa Linh Sơn cũng cảm hứng đặt bút viết xuống những vần thơ và trịnh trọng ghi tiều đề là “Ánh Đạo Vàng”:

Trời thanh gió tịnh nét minh quang

Ánh đạo Linh Sơn, ánh đạo vàng

Giác Ngộ hồi chuông reo Phật pháp

Ưu Đàm tiếng kệ vọng Tăng đường

Chơn Tâm trì hướng lên Tam bảo

Thiện Trí chan hòa với Thập phương

Thân giữa đường trần bao ấm lạnh

Sáng ngời đuốc tuệ, cọng trầm vương.

Dù cho kiến trúc và quy mô không được bề thế như Thiền viện Vạn Hạnh, Thiền viện Trúc Lâm, không có lịch sử lâu đời như Tổ đình Linh Quang hay những chùa triền khác ở Đà Lạt nhưng chùa Linh Sơn vẫn là điểm đến chính của du khách khi đến Đà Lạt.

4/ Đôi nét về thầu khoán Võ Đình Dung:

Võ Đình Dung quê ở Thừa Thiên-Huế. Khi người Pháp chiêu mộ lao công từ miền Trung vào Đà Lạt xây dựng nhà cửa, công sở... ông đến Đà Lạt lập nghiệp năm 1930. Ban đầu ông làm thợ xây cho những nhà thầu người Pháp. Một thời gian sau, khi tay nghề vững vàng, ông đứng ra nhận thầu khoán lại một phần công trình. Nhờ làm ăn uy tín, từ từ ông được giao thi công nhiều ông trình tại Đà lạt như: Ga xe lửa, Dinh Bảo Đại, Đâị học Đà lạt cùng nhiều khu biệt thự Pháp ở Đà Lạt.

Nhờ nghề thầu khoán, ông Dung giàu lên nhanh chóng. Ông mua đất cất nhiều dãy phố cho người Hoa thuê buôn bán quanh khu Hòa Bình, dọc đường Trương Công Định và 3/2 ngày nay. Khu đất từ bùng binh 3/2, chạy dọc hai bên đường Hải Thượng vòng qua Hai Bà Trưng đều của ông Dung.

Tuy giàu có nhưng đời sống của ông là đời sống rất mực thanh đạm của một cư sĩ, tu tại gia, làm nhiều việc nhân đức. Khu Mả Thánh, phần nghĩa địa với diện tích rất rộng lớn cũng do ông cúng dường cho âm linh của thành phố. Mả Thánh là một nghĩa trang Phật Giáo được thành lập năm 1938 trên một quả đồi gần cây số 4, trên đường đi Suối Vàng.”

Ông đã cúng tiền và bỏ công sức xây chùa Linh Sơn. Trước đó vợ chồng ông cũng cúng tiền để cùng với bà con phật tử Đà Lạt xây dựng Tổ đình Linh Quang.

5/ Về Đức Từ Cung:

Từ Cung Hoàng thái hậu tên thật là Hoàng Thị Cúc (黃氏菊), người ở làng Mỹ Lợi, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế[1]. Thân sinh của bà là ông Hoàng Trọng Tích (黃仲錫), từng đậu Tú tài làm Tri huyện Hòa Đa (Bình Định), mẹ của bà là bà La Thị Sơn (羅氏山).

Sinh ra trong một gia đình quan Tri huyện, nhưng từ nhỏ, Hoàng Thị Cúc đã sống cuộc sống hết sức vất vả, khó khăn. Ông bà Tri huyện mất sớm, khi Hoàng Thị Cúc còn nhỏ tuổi, phải sống nhờ gia đình người anh trai cả là Hoàng Trọng Khanh. Bà Hoàng Thị Cúc được đưa vào làm cung nữ hầu hai bà Thánh Cung Nguyễn Hữu Thị Nhàn và Tiên Cung Dương Thị Thục – vợ góa của vua Đồng Khánh[2].

Từ đây, bà dần tiếp xúc với ông Phụng Hóa công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (奉化公阮福寶嶹), con của bà Tiên cung.

Lúc quen biết ông hoàng, thì ông đã có vợ chính là bà Trương Như Thị Tịnh, con gái đại thần phụ chính Trương Như Cương, nhưng cả hai chung sống không hòa thuận và cũng không có một mụn con nào. Đầu năm 1913, bà mang thai với ông Phụng Hóa công. Ngày 22 tháng 10, năm 1913, bà hạ sinh hoàng nam Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.

Năm 1916, Phụng Hóa Công lên ngôi, tức Hoằng Tông Tuyên hoàng đế (Vua Khải Định), bà được phong là Tam giai Huệ tần (三階惠嬪), qua năm 1918 thăng lên Nhị giai Huệ phi (二階惠妃), đứng thứ 2 trong Hậu cung của ngài, sau bà Ân phi Hồ Thị Chỉ. Tước Hoàng quý phi ông vẫn dành tặng cho bà Tịnh, dù bà đã xuất gia và từ chối nhận phong.

Năm 1923, tháng 2, nhân vì Vĩnh Thụy phong làm Thái tử, Huệ phi Hoàng thị được phong làm [Nhất giai Hậu phi; 一階厚妃][3].

Năm 1945, Vua Bảo Đại thoái vị, bà Từ Cung cùng bà Nam Phương hoàng hậu và con cháu hoàng thất dọn ra cung An Định ở.

Những năm 1949 - 1954, khi Vua Bảo Đại trở về làm Quốc trưởng bà Từ Cung trở lại Hoàng cung, ở tại cung Diên Thọ. Năm 1954, khi Vua Bảo Đại qua Pháp lưu vong bà lại phải ra khỏi Hoàng thành về sống ở cung An Định.

Năm 1955, khi Quốc trưởng Bảo Đại bị lật đổ, Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng thì chính quyền miền Nam Việt Nam không cho phép bà Từ Cung ở lại trong cung An Định. Trong tình cảnh này bà đã mua lại ngôi nhà của bà Ân phi Hồ Thị Chỉ, là nhà 79 phố Phan Đình Phùng và ở đây cho đến ngày cuối đời. Trong thời gian chiến tranh loạn lạc, mọi hoạt động cúng bái các bậc tiên tổ, hội họp Nguyễn Phước Tộc đều diễn ra tại căn nhà này. Cũng trong thời gian này bà hoàn toàn mất liên lạc với Vua Bảo Đại.

Bà Lê Thị Dinh là người phục vụ bà Từ Cung hơn 60 năm, là người cung nữ cuối cùng triều Nguyễn phục vụ cho Từ Cung Hoàng Thái hậu[4]. Bốn cung nữ hầu Hoàng Thái Hậu gồm: bà Lê Thị Dinh (nhiệm vụ là trang điểm cho đức Bà, là người hầu hạ Đức Bà tới lúc cuối đời), Lê Thị Tìm (đọc truyện cổ tích và tụng kinh cho Đức Bà nghe hàng đêm), Nguyễn Thị Vân và Trần Thị Vui. Đây là bốn cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là những cung nữ cuối cùng của Việt Nam đang sống vào thế kỷ XXI[5].

Năm 1980, Từ Cung thái hậu qua đời, thọ 90 tuổi, bà được an táng gần Ứng Lăng tại xã Hương Chữ, Hương Thuỷ, Thừa Thiên-Huế. Căn nhà 79 Phan Đình Phùng mà bà đã ở những ngày cuối đời hiện nay được tu bổ trở thành điểm tham quan cho khách du lịch.

Theo "Bức Tâm Thư" tức "Di Chúc" của đức Đoan Huy Hoàng Thái hậu - Từ Cung thì ngôi nhà của Bà sau khi Bà qua đời, sẽ là nơi thờ phụng "Liệt Thánh" (tức Tổ Tiên nhà Nguyễn) và thờ Bà. Ngôi nhà của Bà sẽ giao cho Hội Đồng Hoàng Tộc Nguyễn Phước (gọi tắt là Hội Đòng Nguyễn Phước Tôc) quản lý và sử dụng làm Văn phòng của Nguyễn Phước Tộc để đón tiếp bà con và sinh hoạt Hoàng tộc. 

Từ Cung Hoàng Thái hậu rất trọng đạo Phật và chú tâm đến việc thờ cúng các vị vua triều Nguyễn. Bà được coi là người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo thời Nhà Nguyễn. Chính bà đã khuyên vua Bảo Đại dành nhiều tiền đóng góp cho An nam Phật giáo Hội, vận động Bảo Đại góp tiền xây chùa và phát triển Phật giáo.

Bà chưa khi nào rời khỏi Kinh thành Huế . Bà nguyện sống cả đời ở đây để giữ gìn nơi thờ phụng các bậc tiên đế, các bảo vật của triều Nguyễn. Bà nói: Ta sinh ra ở đâu thì sẽ chết ở đó. Tổ tiên Nhà Nguyễn còn ở Huế thì ta còn phải ở lại lo chuyện thờ cúng, chăm sóc lăng mộ các bậc tiền nhân. Nhà Nguyễn đã cho ta hưởng lộc cả đời. Ta có chết cũng chưa báo đáp hết được. Bà chưa bỏ một lễ giỗ nào, kể cả khi tiền bạc gần như đã suy kiệt hoàn toàn.

Dù thời thế đổi thay, Từ Cung Thái hậu vẫn luôn mang theo bên mình tất cả những bảo vật của triều Nguyễn và cả những bộ y phục mà nhà vua đã từng mặc trước đây. Để có thể duy trì cuộc sống, bà đã phải bán dần từng món đồ trang sức mà mình có. Phần lớn tài sản mà Từ Cung Thái hậu mang ra khỏi cung Diên Thọ bà dùng để phục vụ cho việc thờ cúng,[6]. Theo một tài liệu Cao Đài, cuối năm 1971, bà nhập đạo và được cơ bút phong chức Phối sư THÁNH DANH hương cúc.[7]

Lúc còn sống trong cung, Từ Cung Thái hậu đã ăn uống rất đơn giản, bà ăn chay 10 ngày mỗi tháng và hiếm khi dùng sơn hào hải vị. Sau khi Nhà Nguyễn mất, càng về già, Từ Cung Thái hậu càng ăn uống đơn giản hơn bao giờ hết. Y phục bà mặc và những thứ đồ dùng của bà cũng hết sức giản dị. Đức Từ Cung Thái hậu là một người nghiêm cẩn, khoan dung, độ lượng.

19/10/2018 

Thông Đà lạt #mocdalatluquan

“Mộc Đà lạt lữ quán” hỗ trợ cho bài viết.

https://www.facebook.com/MocDalatLuquan/


Bên cạnh chùa Linh Sơn, có trường trung học Bồ Đề, học sinh hay bận áo len đen thì phải. Mình nhớ có một trường bận áo màu nâu nhưng không nhớ rỏ trường nào. Thằng Khánh Ù , ở xóm Thi Sách khi xưa, đi ăn cắp buồng chuối với mình, học ở trường này. Sau này làm đến chức hiệu trưởng. Kinh

Hình như mình có một tấm ảnh khác của trường, để hôm nào tìm lại sẽ bổ túc sau.
Đây tấm ảnh mới tìm thấy, rất mờ, chụp trường Bồ Đề, từ nhà ai ở Phan Đình Phùng. Ai biết thì cho em xin. 

Hình em tải lên đây cho bà con, không phải của em, không biết tác giả nên xin phép đăng.

Nguyễn Hoàng Sơn