Sự hình-thành Cầu Ông Đạo Đàlạt

 Mình định không viết về Đàlạt nữa nhưng có người gửi thêm hình ảnh Đàlạt xưa, khiến nhiều kỷ niệm Đàlạt xưa lại mò về như tấm ảnh mà mình không hiểu ở đường nào khi xưa. Cứ đoán mò là trên khu Hoà Bình, hay đường Phan Bội Châu, không ngờ lại là ngay khu vực cầu ông Đạo ngày nay. Thêm nữa những tấm ảnh này rất rõ, không biết đã được sử dụng phần mềm hay không mà xem rất rõ. Ghi lại đây để khỏi quên như một trò chơi ký ức.

Khi mình kể về Đàlạt xưa, giúp nhiều người tìm lại được chút gì thân thương, một thời tuổi trẻ của họ đánh rơi bên hồ nên mình tiếp tục kể về Đàlạt để tạo niềm vui cho vài người quen và không quen. Dạo này mình nhận được từ ông Nguyễn Kính 1 số hình ảnh xưa của Đàlạt. 

Vấn đề là không biết sẽ kể ra sao. Lấy tấm ảnh rồi kể theo tấm ảnh hay tìm hết các tấm ảnh của khu vực để kể lại. Lại có mấy người Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam, gắn bó với Đàlạt xưa, muốn mình viết thêm anh-ngữ cho họ hiểu thêm về Đàlạt xưa nơi họ đã từng đánh rơi tuổi trẻ họ bên hồ. Mình đành tiếp tục tìm lại dấu chân xưa ở Đàlạt. Hôm nào mình viết lại Thuỷ Tạ vì mới tìm ra vài tấm ảnh của Thuỷ Tạ thời tây.

Đang viết thì chị vợ bên Massachussetts gọi, nói có ông bạn hay đọc bài của mình rồi bàn tán với bạn bè thời Đàlạt. Ông ta thắc mắc về tên Sơn đen vì không biết mình dù Đàlạt khi xưa nhỏ bé. Cuối cùng ông ta gọi bà chị vợ, đoán là em rể của chị ta. Chị này kêu đúng rồi vì có một cuốn Mực Tím Sơn Đen. Chán Mớ Đời 


Tấm ảnh này của Khoa Nguyen gửi cho mình giúp ai đã sống tại Đàlạt sẽ hiểu sự thành lập của hồ Xuân Hương. Mình có kể về vụ này nhưng khó ai mường tượng được nếu không quen nhìn bản vẽ. Xin bổ túc thêm.

Hồ nhân tạo này được người tây thực hiện. Lúc đầu có 2 hồ như hình trên, có cái đập vừa là con đường chạy từ bùng binh cây xăng Kim Cúc (thuỷ tạ chưa xây), chạy băng qua đến bùng binh Đinh Tiên hoàng và Võ Tánh sau này.

Xa hơn là khu phố cạnh hồ nhỏ, bị che khuất sau đám cây thông, vào những năm 1930-1940 lụt phá huỷ sau này là ấp Ánh sáng sau. Có lẻ mình sẽ viết lại hồ Xuân Hương với tài liệu mới được nhận từ các người quan tâm về Đàlạt xưa.



Đây là hồ Đàlạt khi còn nguyên thuỷ, lúc người Pháp mới khám phá và quyết định xây dựng một thành phố nghỉ mát cho thực dân. Mình đoán hình chụp từ khúc sân vận động xưa, nhìn về phía am Sohier và Grand Lycée . 

Mai Vuông Tròn gửi mình 5 tấm ảnh liên quan đến khu vực cầu Ông Đạo xưa.



Hình đầu tiên, đoán là chụp từ trên đồi chỗ ty bưu điện, gần nhà thờ Con Gà. Thấy chiếc cầu Ông Đạo nhỏ, bằng gỗ, có đường nhỏ chạy lên đồi, khu nhà lao sau này. Dinh tỉnh trưởng chưa thấy nhưng lác đác vài căn nhà chỗ đường Thành Thái hay Trương Vĩnh Ký.




Hình thứ 2, cho thấy Đàlạt từ năm 1920-1929, xem như 100 năm về trước thì cận cảnh hơn thấy có cái hồ nhỏ, chưa được nhập với hồ lớn phái bên kia cầu. Con đường mòn chắc sau này là con đường lên dốc nhà thờ Con Gà. Chúng ta thấy cận cảnh là một cái hồ nước, mà Tây gọi là Petit Lac (hồ nhỏ). Bên kia hồ thì lác đác có mấy căn nhà gỗ. Xa xa hơn trên đồi là những căn nhà trên đường Trương VĨnh Ký sau này.




Tấm thứ 3 thì thấy rõ cái hồ nhỏ, con đường và chiếc xe camionette Tây ngày xưa. Đặc biệt thấy cái cầu nhỏ làm bằng gỗ và mấy cái quán và nhà ở. Mình đọc bài thầy Hứa Hoành, dạy mình Địa lý năm 11 B ở Văn Học :” Tôi được một người cháu gọi Tôn Thất Hối bằng ông chú, là chị Tôn Nữ M. L. cho biết: “Năm 1935 hồ Xuân Hương bị ngăn lại và làm một cây cầu bắc ngang qua để vào chợ Hòa Bình. Cây cầu nầy hồi năm 1919 chỉ là một cái cống nhỏ. Dòng nước ở dưới cầu chảy qua ấp Ánh Sáng, để đổ vào thác Cam Ly. Vì cây cầu nầy được xây dựng dưới thời Tôn Thất Hối làm quản đạo, nên dân chúng quen gọi “Cầu Ông Đạo”. Tôi còn nghe một nguồn tin khác cho biết vì cây cầu nầy nằm gần dinh quản Đạo, (chỗ khám đường trước năm 1975), nên dân chúng Đà Lạt quen gọi là “Cầu ông Đạo”. Tôi không dám quả quyết thuyết nào đúng hơn.”


Theo mình, nguồn gốc tên Cầu Ông Đạo mà người Đàlạt xưa kêu vì được ông quản đạo xây đúng hơn. Tương tự cầu bá hộ Chúc xây phía bên kia ấp Ánh Sáng, người ta gọi cầu bá hộ Chúc vì ông ta bỏ tiền ra làm cái cầu này để người dân tiện đi qua suối. Còn gọi tên gần nhà ông quản đạo thì không đúng lắm. Bác nào biết rõ hơn thì cho em biết.


 Nhìn thấy chiếc cầu gỗ khiến mình nhớ đến mấy cây cầu tương tự bắt ngang mấy con suối ở đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng mà mình hay đi ngang khi xưa. Chỗ cư xá Địa Dư băng qua con suối được đoàn hướng đạo Lâm Viên, do anh Ngữ con ông Ấm Thảo đứng trả huy động xây cất. Anh Ngữ, sau này đi Thuỷ Quân Lục Chiến, bị mất một con mắt khi đánh tái chiếm Quảng Trị. Thủy Quân Lục Chiến chỉ có tiến không có lùi, được nghe từ một bộ đội cụ hồ, rất sợ lính thuỷ đánh bộ của Việt Nam Cộng Hoà.



Tấm ảnh này đã giải mã thắc mắc của mình lâu nay. Mình cứ nghĩ là khu nhà nằm ở đường Phan Bội Châu khi chợ Cây bị cháy nên thiên hạ rũ nhà ra đây họp chợ trong khi đợi người ta xây lại Chợ. Nay mới biết là mấy căn nhà của người Tàu lên Đàlạt làm ăn. Mình thấy bên cạnh cái quán có mái hiên, có chứa mấy tấm gỗ để gắn cửa nẹp lại để đóng cửa vào ban đêm. Tính ra thì có 3 cái nhỏ và mấy cái lớn. Nhớ lại một thời chưa có cửa sắt, ai nấy dưới chợ, hay trên phố đều mở và đóng cửa hàng bằng loại này.



Cận cảnh căn phố thấy 3 người Tàu ngồi trong tiệm, ông cha và 2 người con. Biết đâu là cha con ông Lưu Hội Ký vì mình thấy họ bán đồ nhôm như cái thau để giặt đồ hay tắm, mấy cái nắp nồi rồi tàu vị yểu hay rượu,... tiếc là 3 chữ tàu vẽ trên cửa tiệm nhìn không rõ. Có thể Đức Xương Long. Có ai là hậu duệ của tiệm này vào thời gian 1930 thì cho em hay. Cảm ơn trước.


Hình này chụp phía bên con suối, thấy khu phố cạnh chiếc cầu như đã kể trên. Hình cho thấy rõ, khu họp chợ dưới trũng, sau này được dẹp hết, để nối với hồ lớn bên kia thành cái hồ Xuân Hương mà ta gọi ngày nay. Ấp Ánh Sáng được xây dựng cao hơn mặt hồ Xuân Hương mà khi đến mùa mưa, họ xã lũ thì các vườn rau bên cạnh đều bị ngập.



Hình này chụp từ khách sạn Palace nhìn về phía dinh tỉnh trưởng cho thấy chợ Đàlạt chưa được xây dựng. Khu nhà chỗ cái đập cầu Ông Đạo sau này là khu phố buôn bán của người Đàlạt di cư, khác với người Đàlạt sinh trưởng tại đây mà chúng ta thường gọi là người Mọi.

Ngày nay, người ta nói đến sự chiếm đất của người da trắng khi sang châu Mỹ, tàn sát dân sinh sống tại đây. Trước khi Đàlạt được khai phá đã có người sở tại sinh sống. Người Pháp đến, đẩy họ đi, tạo dựng những khu vực riêng cho họ như cuối đường Hoàng Diệu, Lò Gạch. Không biết họ nghĩ gì khi bị chiếm đất đai, đẩy vào các khu này. Ai biết thì cho em hay tại khi xưa, không có quen ai là người Mọi cả.


Hình này chụp cũng từ khách sạn Palace nhưng độ cao hơn và ai đó đã biến thành hình màu. Ta thấy dãy phố chỗ cái cầu và xa xa trên đồi, dưới nhánh cây thông là dinh tỉnh trưởng.


Dãy phố này có năm bị lụt nặng nề nên người Pháp cho dỡ bỏ khu này, đưa lên khu Hoà Bình và nhập hai hồ lại thành hồ Lớn (grand lạc)



Khúc này chụp chỗ cái cầu và con đường từ bùng binh Thuỷ Tạ chạy qua bên kia hồ chỗ bùng binh Đinh Tiên Hoàng và Võ Tánh. Bên trái là khu phố thấy phía bên này. Cái hồ nhỏ là khu vườn của ấp Ánh Sáng sau này. Thấy dinh tỉnh trưởng trên đồi chưa có thông mọc.



Cầu này bị vỡ trong cơn bão 1934-1935 nên người Pháp nhập hai hồ lớn nhỏ và lớn thành một, dẹp khu phố chỗ cầu gỗ nhỏ. Thay vào đó, họ xây một cái đập bằng xi-măng cho chắc chắn mà dân thị xã gọi là cầu Ông Đạo. Nghe nói là một kỹ sư người Việt xây dựng, quên tên vì không tính viết về Đàlạt nữa. Mình đọc đâu trên kỹ-yếu của Công Chánh Việt Nam.


Đặc điểm là nhà của dân mới đến Đàlạt đều được xây dựng cạnh suối như tấm ảnh trên về khu nhà cửa gần ấp Ánh Sáng sau này vì gần suối dễ có nước. Không hiểu lúc Tây cho dọn lên khu Hoà BÌnh thì dân lấy nước dùng ở đâu? Chắc phải đào giếng ở dưới khu vực thấp Chợ Mới sau này, tước khi họ xây dựng nàh máy nước, nơi ông cụ mình làm việc khi xưa, bơm nước về cho thành phố xài. Ai biết thì cho em xin. Mình chỉ biết ông bá-hộ Chúc giàu nhờ nấu nước sôi cho dân cư Đàlạt xưa tắm như sau này có tiệm tắm nước nóng Mình Tâm ở trước rạp Ngọc Hiệp. Mình có tấm ảnh nơi ông bá-hộ Chúc bán nước nóng cho dân thị xã tắm thời đó. Không thua gì những nơi đi tìm vàng trong mấy phim cao-bồi.



Hình này chụp từ bờ hồ khúc chỗ sau này, trong thời chiến máy bay trực thăng đáp tại đây trước cửa sân vận động. Chúng ta thấy cái đập thoát nước hồ sang hồ nhỏ phía bên kia chỗ cái cầu Ông Đạo sau này, hình trên. Mình đoán là 2 ông tây, kiến trúc sư thiết kế Đàlạt ngày xưa theo lệnh ông toàn quyền Doumer. Một trong hai ông này thiết kế Thuỷ Tạ dựa theo một nhà hàng nổi tiếng ở ngoai-ô Paris, được xem là cái nôi của trường phái Impressionist.



Chỗ chụp 2 ông tây ở trên, sau này là chỗ đậu trực thăng trước Thao Trường



Hình này chụp cái đập và con đường chạy từ bùng bình Thuỷ Tạ qua bùng binh Đinh Tiên Hoàng và Võ Tánh. Xa trên đồi là dinh tỉnh trưởng. Phía bên phải có thể là dãy nhà sau này được gọi là nhà Lao, nơi mẹ mình bị mật thám bắt nhốt tại đây. Sau này được thả, nhờ ông Võ Quang Tiềm bảo trợ nên ông thị trưởng mới cho ra khám. Đó là kỷ niệm thời kháng chiến của cô gái 17 tuổi tại Đàlạt. Sau đó Tây cho hành quyết đâu 20 hay 21 người trong Cam Ly về tội ám sát mật thám Tây tại Đàlạt, trước cửa tiệm Đức Xương Long. Ông ra tay ám sát này, nay ở San Francisco, Hoa Kỳ, cũng già yếu lắm rồi. Nghe kể bà sống sót trong vụ xử tử này sống trên Số 4, mới chết cách đây mấy năm.



Hình này cho thấy rõ, con đường chạy từ bùng binh chỗ Thuỷ Tạ sau này, băng qua hồ Xuân Hương, đến bùng binh Đinh Tiên Hoàng, và Võ Tánh sau này. Ta thấy bên trái là hồ, bên phải có con suối chảy về Cam Ly và dãy phố mà hình trên cho thấy chụp phía đường Phạm Ngũ LÃo. Khu này sau này bị lụt cuốn đi mất hay bị phá bỏ. Chính quyền đưa chợ lên khu Hoà Bình sau này để tránh lụt lội. Chỗ này sau này là hồ được nối thêm và là nơi cầu Ông Đạo được xây cất. 



Cận cảnh là nhà ông quản đạo bị khuất sau mấy cây nhỏ.


Sau vụ lụt thì họ phá con đường chạy từ Thuỷ Tạ qua bên này, vét sâu hồ phía bên này, dẹp bỏ mấy căn phố phía tay phải, (địa điểm Thanh Thuỷ) tạo nên hồ Lớn. Ta thấy con đường Trần Quốc Toản với cái biệt thự đẹp dưới rừng thông, cạnh hồ Xuân Hương.


Thấy trạm bưu chính gần nhà thờ chính toà sau này. Xa xa ở giữa là khách sạn Palace mới được xây xong. Quán ăn Đào Nguyên chưa được thành lập.



Hình này cho thấy hồ Xuân Hương mà Tây gọi là Grand Lac, khi dẹp bỏ cái đập cũng là con đường chạy từ Thuỷ Tạ qua bùng binh Võ Tánh và Đinh Tiên Hoàng. Cứ nhắm câu lạc bộ hướng đạo Lâm Viên ngay hồ và mé Thuỷ Tạ không thấy bên tay trái. (Khi nói về căn nhà gỗ trên bờ hồ Dalat,bạn nói đó là câu lạc bộ Hướng Đạo là không chính xác,phải gọi là Đạo Quán Đạo Lâm Viên Hội Hướng đạo Viêt Nam..)


Cầu và đập Ông Đạo nhìn từ đường Trần Quốc Toản


Cầu Ông Đạo khi xưa, thấy rạp xi-nê Eden, sau này được đổi tên là Ngọc Lan. Bên kia cầu là nhà của ông Quản-đạo, sau này được dỡ bỏ.



Hình này chụp từ trên cầu Ông Đạo, được xây lại vào những năm 50 trước khi mình ra đời. Thấy ấp Ánh Sáng bên tay trái, nơi mình ở 6 năm tại ấp này còn trên đồi thấy rạp Eden, sau này đổi lại là Ngọc Lan.


Hình này thấy rõ hơn, cầu Ông Đạo mới, vừa làm cái đập nước, vừa là cái cầu để xe chạy ngang. Trong thời chiến, có lính đứng hát trên cầu vì sợ Việt Cộng thả mìn theo mấy rong bìm bịp, làm nổ cầu. Phải công nhận Việt Cộng chỉ biết phá hoại, không biết xây dựng. Chán Mớ Đời 


Hình này thấy khúc đường Trần Quốc Toản và con đường chạy lên nhà thờ Con Gà, mà hình đầu cho thấy con đường mòn chụp cầu Ông Đạo khi xưa. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Trường Lasan Adran Đàlạt

 Qua tây, học kiến trúc thì giác ngộ cách mạng sự ngu dốt của mình về thiên chúa giáo vì học lịch sử nghệ thuật, nói về các thánh được nhắc đến trong thánh kinh là mình ngọng. Phải mượn kinh thánh về đọc để có khái niệm về thiên chúa giáo.

Mình có học hai năm ở trường dòng Lasan Adran, không phải công giáo nên i tờ. Khi họ làm lễ mình không phải đi dự.

 

Rừng Ái-ân và trường Lasan Adran xưa.

Ở lâu bên Tây mới khám phá ra thiên chúa giáo có rất nhiều dòng tên, đặt biệt la dòng Jesuite chuyên về giáo dục. Các trường học hay đại học như đại học Hopkins ở Hoa Kỳ là do dòng tên Jesuites thành lập. Khi xưa mình có quen một ông cha ở Giáo Hoàng Học Viện tên Louis Leahy, người Gia-nã-đại, cũng thuộc dòng Jesuite. Mới nhớ lại ở Đàlạt khi xưa có dòng Don Bosco, dòng Chúa Cứu Thế, dòng Đa-minh, dòng Franciscain,…mà mình không hiểu lý do.

 

Tu-viện Đa-minh tại Đàlạt khi xưa


Dòng Franciscain Đàlạt xưa, nghe nói nay rất te tua. Việt Cộng không cho tu mà cũng không làm gì cả. Có một kiến trúc khá đặc biệt nhưng nay hoang phế.



Tu viện Franciscain.

Tò mò mình tìm hiểu về dòng Lasan thì khám phá ra dòng tên này được thành lập bởi một ông Tây tên Jean Baptiste de La Salle. Có lẻ vì vậy người Việt đọc trại La Salle thành Lasan? “La Salle” có nghĩa căn phòng nên dịch ra tiếng Việt không được oai, dòng Căn Phòng nên họ dùng Lasan? người Pháp họ đọc và hiểu như vậy, đâu có gì lạ.

 

Ông La Salle thuộc nhà giàu, quý tộc vì có tên lót là “de” nhe ông Charle de Gaulle, tại vùng Reims, nơi có rượu Champagne nổi tiếng, nghe theo tiếng gọi của chúa đi tu ở chủng viện Saint Sulpice ở Paris mà nhà văn Dan Brown có miêu tả trong cuốn Da Vinci Code. Mình có vẽ nhà thờ này hai năm đầu khi vào trường Cao Đẳng quốc Gia Mỹ Thuật Paris. Cha mẹ ông ta chết sớm, nên phải ngưng tu, về nhà để chăm sóc tài sản cha mẹ để lại, lo cho mấy người em. Có lẻ vì vậy mà mấy người theo tu dòng này không thụ phong linh mục. Bác nào biết thì cho em hay.

 

Nhân duyên đưa đến, có một bà nhà giàu muốn ủng hộ, thành lập một trường học với điều kiện ông La Salle phải giúp đỡ nên từ đó, ông ta trở thành nhà giáo dục, bỏ hết tiền của để dấn thân vào công việc giáo dục các trẻ em nghèo. 

 

Thời đó, người nghèo chỉ có cái học mới là tấm vé thoát nghèo. Mình nhớ hai năm học Lasan Adran, bị ông thư ký vào lớp, kêu ra, đuổi về mấy lần, bảo khi nào có tiền đóng tiền học thì trở lại. Đầu tháng nhiều khi bà cụ mình chưa đủ tiền trả tiền học vì phải đóng hụi nên mình hay bị đuổi học. Mất đi nguyện ước của ông La Salle thủa ban đầu là giáo dục người nghèo. 

 

Sau này được du nhập sang Việt Nam, đổi thành “tiên học phí, hậu học văn”Cái này thì mình cảm nhận được vì khi xưa bị nhà dòng đuổi ra khỏi lớp vì chưa kịp đóng học phí nên hiểu thế nào khi bị cả lớp xem mình như cùi hủi. Hai năm cuối mình qua Văn Học vì thầy Chử Bá Anh cho học miễn phí, không sợ bị đuổi nữa.


 Còn ngày nay ở Việt Nam thì tiên học phụ khoa, hậu học tại chức khiến cô học sinh nào bức xúc quá và tự tử khiến thiên hạ chửi tùm lùm, thêm cô hoa hậu nào về trường được đón tiếp cực kỳ long trọng, ngay cả hiệu trưởng cũng không dám ngồi, chắc mua bằng giả. Kinh


Khác với khi xưa, học ông Jean Carnot, sau này làm tổng thống Pháp quốc, về thăm làng cũ, ghé thăm người thầy xưa hay khôi nguyên Nobel về văn chương Albert Camus, viết thư cảm ơn ông thầy đã giúp ông ta có học bổng để tiếp tục học, nhờ vậy mà nước Algérie mới khôi nguyên Nobel văn chương, không được đứng tên vì họ đuổi các người da trắng sinh trưởng tại xứ họ về Pháp quốc. 


Mình có kể về lá thư của ông Albert Camus viết cho thầy, rất cảm động. Đọc được bài này, cô giáo việt-văn khi xưa của mình rất cảm động, xem như lời tri ơn các thầy cô đã từng hướng dẫn mình. Ông này nhà nghèo ở Algeria, ông thầy thấy ông ta có khiếu nên tìm cách xin học bổng dùm ông ta thay vì bắt học phụ khoa.


Các trường dòng La Salle được mở dạy khắp thế giới do các sư huynh, nhận lãnh vai trò giáo dục. Nghe đâu có đến 84 quốc gia. 2 năm học Lasan Adran, mấy sư huynh giúp mình đam mê về lịch sử, võ học và toán học.  

 

Tên Adran lấy từ giám mục người Pháp tên Pierre Pigneau de Béhaine, người có công giúp Nguyễn Ánh chiến thắng nhà Tây Sơn. Ông ta làm giám mục của vùng Adran (nước Syria). Người ta gọi Bá Đa Lộc từ Pedro, có lẻ khi xưa các nhà truyền giáo đa số là người gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào nha nên hay gọi Pedro thay vì Pierre ("Pedro" 祿), sau này ông chết, vua Gia Long phong tước là Bi Nhu Quận công (悲柔郡公, (duc de Pigneau, nơi ông sinh ra đời).


Những người chống Tây thì cho ông này là người khởi đầu cuộc xâm lăng, thuộc địa hoá Việt Nam nên sau 1975 thì Việt Cộng đã phế bỏ tất cả tàn tích của ông này ngay cả lăng của ông ta ở Sàigòn. Hình như là Lăng Cha Cả. Mình không ở Sàigòn nên nhớ mại mại. Trên thực tế thì mộ của ông được mai táng tại Nha Trang vì dạo ấy còn đánh nhau với Tây Sơn nên Nguyễn Ánh cho xây LĂng Cha Cả ở Gia ĐỊnh nhằm đánh lạc hướng quân Tây Sơn. Ai muốn biết thêm thì “100 năm trong cỏi người ta, những gì không biết thì ta gú gồ”.


Mình học nhu đạo với cậu Ân, ở đốc Nhà Làng làm cảnh sát. Cậu Ân và cậu Luyện (tiệm Giặt ủi ở đường Duy Tân), bà con bên ngoại, dạy nhu đạo ở Thao Trường, khi xưa đều tập nhu đạo chung với cậu Mạnh, con ông bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh ở số 11 Duy Tân. Mình tập thái cực đạo với ông thầy Sâm, huấn luyện viên cho cảnh sát dã chiến ở đường Trần Bình Trọng nên chiều nào cũng đi tập võ hết. Mình hay đi tập nhu đạo với Lô Xuân Luyến, đến khi thấy hắn đứng cửa, ôm con còn thái cực đạo thì với Lê Công Hùng, con bác Oai ở xóm cò Đào. 3 ngày nhu đạo và 3 ngày thái cực đạo. 


Sau này, thì tập buổi sáng không thủ đạo với anh Minh, con rể ông Xu Huệ ở ngã ba Chùa. Cứ 6 giờ sáng hết giới nghiêm, chạy sang ngã ba chùa tập với anh Minh đen, đai đen Hiệp Khí Đạo, Nguyễn Đình Tài, Sỹ, anh Sơn đai đen nhu đạo, học trò cậu Ân, anh của Đào Văn Quý, Dũng Lasan Kỹ Thuật. Tên Dũng này có tập Thái Cực đạo với mình, to con, rất giỏi võ, rất dễ thương, ở đường Phan Đình Phùng. Gặp mình đâu đều chào hỏi. Một trong những người quen hay hỏi thăm mình ngày xưa. Nói chung là đám tập với anh Minh là nhóm mê tập võ nhất Đàlạt dạo ấy.

 


Chỗ này là thang cấp đi xuống võ đường nhu-đạo bên tay phải


Cảm ơn anh Sơn, có nhiều hình ảnh làm gợi nhớ về một thời Lasan Adran Dalat, như tấm hình cầu thang đi xuống hầm. qụeo phải thì có cái hầm đủ để tập Judo trong những năm 1973, đối diện hầm tập võ là phòng để 2 cái bàn ping pong.

Ha  Đăng


Trường Lasan Adran nằm trong đường Bá Đa Lộc từ Kho Bạc đi vào. Có con đường nhỏ chạy xuống ấp Tân Lạc, nơi Việt Cộng nằm vùng rất nhiều. Có lần họ tấn công trung tâm Thẩm vấn, bị bắn chết, nằm la liệt, ruồi bu đen nghẹt. Kinh

 



Hình đi vào trường, cuối đường Bá-đa-Lộc, quẹo bên tay trái trước văn phòng là vô bãi đậu xe gắn máy và xe đạp. Thấy dáng dấp một chút préau. Khu nhà 3 tầng, văn phòng ở dưới còn ở trên thì không biết. Chưa bao giờ được lên đó.



Hình này chụp khúc ngã ba đi xuống ấp Tân LẠc, bên phải. Chỗ mấy chiếc xe gắn máy, mình có thấy mấy xác chết nằm bị ruồi bu đen xịt khi họ tấn công ban đêm, trung tâm thẩm vấn, phía bên trái đi lên cái dốc. Còn đường Bá Đa Lộc, bên trái chạy thẳng xuống sẽ đến trường Adran. Còn con dốc htif khi xưa là chạy lên trung tâm thẩm vấn

Mình nhớ tập thái cực đạo có 2 người con trai của ông Kỳ tập chung, một tên hình như tên Nguyễn Cao Thắng, Tây lai. Mỗi lần song đấu thì mình hay đá hắn mệt thở để xem con thủ tướng ra sao. Cuối tuần, mình hay thấy lính bảo vệ, vào trường đưa đón mấy người con ông Kỳ ra phố đi chơi. Hình như dạo ấy có thấy cô con gái út, bé tí ti.

 

Học chung với mình có mấy ông chủng sinh, ở chủng viện thừa sai gần trường, gần đèo Prenn. Họ hay đi bộ con đường tắc đến trường. Có tên nếu mình không lầm cũng tên Sơn. Hình như mấy ông đi tu này đều lớn tuổi hơn mình, có lẻ sợ bị đi lính nên đi tu. Sau 75, chắc đều xuất hết.

 

Ngồi cạnh mình có 2 ông đi tu, ông tên Sơn hay nhờ mình gửi thư cho cô nào và mỗi lần nhận thư hồi âm thì mang lại cho hắn. Có huông làm nghề đưa thư tình vì sang Văn Học cũng bị cái nghiệp đưa thư cho Bồ người ta. Sang Tây thì dân Đàlạt lại nhờ mình gửi thư về cho gia đình họ.  

 

Trong lớp có anh tên Sử hay Sứ, rất giỏi pháp văn, viết luận văn được mấy sư huynh khen nức nở. Hình như 2/3 học sinh là chủng thừa sai hết, có độc nhất một nữ sinh, dân từ Campuchia, sợ bị cáp duồn nên chạy về Việt Nam, cháu ông đại tá nào trong trường Võ Bị. Có lần cuối năm, cô nàng nhờ ông sư huynh dạy pháp văn, đàn vĩ cầm bài tình ca nào đó, không nhớ vì dạo ấy em còn bé lắm mấy bác ơi. Mình xem trên trang nhà của Adran, thấy có một sư huynh giống ông này. Không biết có phải ông ta hay không. Ông ta dạy mình anh-văn năm Seconde. Lớp có 1 cô nên vào giờ ra chơi, mấy tên bu cô này như kiến.

 


Chắc đường mòn lên tới khuôn viên trường từ ấp Tân-Lạc. Không biết hình khi xưa hay ngày nay.




Sân trường khi xưa, nay không thấy sân chơi bóng rổ nữa mà chỉ kế 10 năm trồng cây. Trồng cây thì hết chơi bóng rổ.



Lớp học khi xưa bên tay trái khi đi xuống cầu thang. Cuối đường hành lang là võ đường nhu đạo



Ngoài mấy sư huynh dạy, có mấy thầy cô ngoài vào dạy, nay không nhớ tên. Cô giáo việt-văn sắp sửa tốt-nghiệp đại học Đàlạt, nói giọng bắc, mũm mĩm, bị học sinh chọc cô ca hay cô la. Chỉ nhớ thầy Bạch Thái Hà, cứ khen ông Bạch Thái Bưởi, hình như bố hay ông nội của thầy, là người Việt biết làm ăn lớn, không thua gì tàu Chợ Lớn. Thầy Hà dạy tân toán học thì phải. Mình chỉ mê một sư huynh dạy sử-địa, ông ta kể nhiều chuyện lịch sử mà mình nhớ cả đời. Có lẻ ông này có ảnh hưởng nhiều nhất về cuộc đời mình sau này. Hình như có một ông tây dạy Địa-lý, đi chiếc xe Goebel, có thể là một ông cha, ở đâu chỗ nhà thương ông Sohier khi xưa, sau về nước, ông ta bán lại cho nhà dòng, bắt cả lớp đi xem phim Waterloo, ở rạp Ngọc Lan, rồi bị ông ta hỏi cho điểm. Thời đó xem xi-nê, phụ-đề việt-ngữ, đọc mỏi mắt chớ có hiểu gì đâu mà hỏi. Được cái là khi ông ta giảng về cách mạng Pháp quốc thì mình ớ. Lý do là lúc đầu ông ta khen Danton, Robespierre như những anh hùng cách mạng rồi sau đó chửi bới kêu bọn xét lại, phản cách mạng nên bị chém đầu.

 

Có một sư huynh cứ bắt mình tập bóng bàn với Nguyễn Minh Dũng, và Lê Xuân Thảo, hai tên đánh bóng bàn khá nhất Đàlạt dạo đó. Mình thì thích tập võ hơn nên tập xong mới tập đánh với hai tên này, hình như có một tên khác, học lớp dưới. Cứ 4 thằng nằm trong đội tuyển của Lasan Adran. Đi thi đấu thì chỉ có Dũng và Thảo là được đấu thôi, còn hai thằng mình ngồi chầu rìa, lỡ một trong hai tên kia bị đau, không thi đấu được, chỉ biết tập vỗ tay, hoan hô. Sau mình chán bắt đầu thích ngắm gái hơn nên chỉ còn tập võ đến giờ.

 

Nguyễn Minh Dũng nay ở vùng Bôn sa, vẫn tập luyện đánh bóng bàn hạng lão tướng ở câu lạc bộ bóng bàn, ngay góc Euclid và Westminster , mình có nói chuyện với hắn qua điện thoại nhưng chưa có cơ hội gặp lại. Có duyên thì gặp lại dù ở trong vùng nhưng hắn cứ khất bận.


Mình hay chở hắn đi tập đánh bóng bàn khi xưa, bố mẹ hắn quen thân với bà cụ mình. Khi mình cưới vợ, hai bác nghe tin, đến dự. Mỗi lần gặp bác Thừa lại nhớ đến mẹ mình vì bác thích ca hát như mẹ mình. Với giọng Huế, bác hay ca: ai đi mô rồi cũng nhớ về Đàlạt, nhớ hồ Than Thở, nhớ thác Cam Ly,..

 

Nếu mình không lầm thì trường nằm cuối dốc đường Bá Đa Lộc, xung quanh là rừng thông, hình như người ta gọi là rừng Ái Ân. Trước cổng trường là bãi đậu xe hơi. Xe học sinh thì quẹo tay trái, có bãi đậu xe đạp và xe gắn máy. Ngôi nhà đầu tiên là văn phòng, nơi ông thư ký ”tiên học phí, hậu học văn”, hay kêu mình ra khỏi lớp, đuổi về kêu đem tiền tới mới được học.

 

Sau đó có cái préau có mái ngói, nơi thiên hạ đánh bóng bàn hay tập võ khi trời mưa. Mình tập thái cực đạo tại đây. Trong lớp có một tên nhỏ hơn mình 2 tuổi, đi quyền rất đẹp, ông thầy thích lắm. Nhà ở đâu khúc văn phòng bác sĩ Lương. Mình thích nhất cái quán của ông già, bán pâté chaud và bánh xu có kem. Sau này ở Bolsa có thấy nhưng ăn không ngon như ngày xưa. Ông này tinh mắt lắm, phải để ý mấy tên chôm chỉa vì ra chơi cả đám thò tay vào kêu bán cái này mua cái kia. Có tiền là mình mua cái bánh xu với chai xá xị khi ra chơi. Ngon cực!


Chỗ này có mấy bàn banh bàn và bóng bàn để học sinh ra chơi đánh. Trời mưa thì mọi tụ tập đây khi ra chơi.

 

Mình nhớ tên Nguyễn Trung Việt, béo béo, học giỏi, đứng đầu lớp, hắn học hội Việt-Mỹ trên mình mấy lớp, anh văn rất giỏi. Hắn không học môn việt văn mà học anh ngữ. Hắn ngồi ở đây và kể mình câu chuyện. Một tên gián điệp làm cho CIA, đến phi trường Cairo của Ai Cập. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh thì hắn thấy họ đóng dấu chữ C.I.A. trong sổ thông hành của hắn nên ngạc nhiên hỏi vì sao biết hắn là Xịa. Hoá ra C.I.A. là viết tắt từ Cairo International Airport. Nhiều chuyện vớ vẫn mà vẫn nhớ đến ngày nay. Phải chi nhớ cách làm ra tiền cho vợ con bớt khổ thì khoẻ. Năm ngoái đi Ai Cập thì đúng như câu chuyện, mình thấy sổ thông hành của mình bị đóng dấu CIA. Chán Mớ Đời

 

Từ cổng trường, đi vào thì có sân chơi, có mấy sân bóng rổ và bóng chuyền. Đàlạt dạo đó chỉ có trường nhà dòng mới chơi bóng rổ và trường tàu Tân Sanh nên mỗi lần có giao đấu bóng rổ là hai trường này thay nhau về nhất.

 

Phía tay trái là các lớp học, đi xuống vài thang cấp là có dãy lớp học, cuối dãy là phòng tập nhu đạo. Sau đó phía trên có nhà lớp để chiếu xi-nê hay chơi văn nghệ. Mình nhớ xem phim “Les femmes savantes, le malade imaginaire do Louis de Funes đóng tại đây. Học Molière nên phải xem mấy phim này để bị khảo bài. 


Mình chỉ nhớ có tên Nghĩa, dân nội trú, lớn hơn mình mấy tuổi, học chung lớp, lên hát bài Let it be, hắn rống như điên. Cứ nghe hắn kêu là nhạc The Beatles gì đó khiến mình ngọng. Mình có thấy hình hắn chụp trên trang nhà của La-san Adran.

 

Người đứng bên phải là Nghĩa, hơn mình mấy tuổi nhưng học chung lớp. Hắn hát rống như điên, còn ông sư huynh này dạy toán hình như tên Xuyên. Mình nhớ có một tên Hứa Chánh Minh, cũng hơn mấy tuổi học chung. Đa số dân nội trú Adran đều lớn tuổi hơn mình mấy tuổi. 


Sau đó thì có sân vận động đá banh nhưng ít ai đá vì đám học sinh nội trú chơi toàn bóng rổ và bóng chuyền. Có vài lần, chúng thiếu người nên kêu mình vào chơi cho đủ người. Cuối cùng chúng đuổi mình ra, kêu chơi như cứt. Chán Mớ Đời 

 

Nói chung thì mình không nhớ nhiều về thời gian này vì còn bé, khi qua Văn Học thì lớn hơn nên nhớ nhiều trò hơn. Cũng nhờ học trường nhà dòng mà sang Tây, mình ít bị bở ngỡ trong một xã hội thiên chúa giáo, dễ tiếp thu, hội nhập cuộc sống tại âu châu. Đi Mễ, hỏi mấy người Mễ có đi nhà thờ không thì ai cũng lắc đầu.

 

Nhìn lại thì thấy trường này chú ý đến thể thao ngoài học vấn chớ các trường khác, không thấy chú tâm đến thể thao, văn nghệ. Học sinh có chơi thể thao là tự nguyện, còn đây các sư huynh khuyến khích, lại có đủ loại để tập luyện như mấy cái parafixe, leo cây, bên phải đi xuống sân đá banh, chạy bộ. Chủ nhật chạy xe qua các nhà thờ thấy lèo tèo vài người. Mình tưởng họ đi thì đi ké, xem thánh lễ bên Mễ có khác gì với bên mỹ.

 

Nếu mình không lầm thì dòng La-san có một trường khác ở Đàlạt, tên Lasan Kỹ Thuật, dạy nghề cho học sinh, ở đường Yersin, cạnh tiểu khu Tuyên Đức. Họ theo phương pháp của âu châu là sau 16 tuổi, ai học chữ không nổi thì có thể học nghề để đi làm. Mình không rành lắm, chỉ quen 3 tên học trường này. Một tên Dũng, tập thái cực đạo với mình, to con, đi quyền rất đẹp. Một tên Nguyên, nhảy lớp qua Văn Học với Trần Văn Tiến ở ngã ba Mả Thánh. Hai tên sau dạy mình bơi trong hồ Thung Lũng Tình Yêu mỗi ngày. Một tên thì chuyên bơi nhái, một tên thì bơi ếch. Anh chàng Tiến này, dạy mình bơi ếch, đi thi tú Tài, cần chứng chỉ lớp nhảy nên phải nhờ một người bạn học giới thiệu với một ông thầy trong trường để ký chứng chỉ. 

 


Mình thấy tấm ảnh này của trường dòng gọi là Kỹ Thuật La-san, cạnh tiểu khu Tuyên-đức



Nhìn lại thì mình khá bị ảnh hưởng bởi mấy sư huynh như chơi thể thao, tập võ,… sau này có con cũng hướng dẫn chúng theo tinh thần La Salle. Không bắt học như điên.


Nghe kể là sau 75, Việt Cộng đuổi mấy sư huynh đi hết, chiếm lấy trường. Mình có vài tấm ảnh ngày nay thì phải công nhận họ làm xấu đi. Việt Cộng hình như chỉ biết phá chớ không biết xây dựng. Hình như có một sư huynh dạy Thái Cực Đạo, bị đi tù rồi trốn qua Úc Đại Lợi, đi tu lại. Thấy trên YouTube quay ông ta giảng đạo rất vui. Mình không nhớ ông này, nghe nói ông ta dạy thái cực đạo nhưng khi xưa không biết, chắc sau 75.

 

Có anh nào, cựu học sinh La-san, gửi cho mình bài viết về sự thành lập của trường nên tải về đây. 

 

TRƯỜNG ADRAN (Collège d’Adran), ĐÀ LẠT

1941 – 1975

Năm 1941, tại khu rừng Ái Ân, ngôi trường đầu tiên trên cao nguyên được thành lập mang tên là Trường Trung Học La San Adran do Sư huynh Emilien, sáng lập viên và hiệu trưởng tiên khởi với tên trường là La San Adran.

Niên khóa 1945-1946 được kết thúc với sĩ số học sinh là 102 học sinh với 71 nội trú. Trong thời gian này tình hình chính trị trong nước còn nhiều bất ổn. 

Ngày 18/08/1946: Sáu năm sau khi thành lập, Sư huynh Dosithée-Urbain, thay thế làm quyền hiệu trưởng trong khi chờ đợi vị hiệu trưởng chính thức là Sư huynh Perial-Régis, đang bị cầm chân tại Hà Nội vì chiến cuộc.

Ngày 25/9/1946 Sư huynh Perial-Régis đến Đà Lạt và ngày hôm sau Sư huynh Tổng Phụ quyền Zacharias tuyên đọc trước mặt cộng đoàn các Sư huynh tại trường Adran văn thư bổ nhiệm vị tân hiệu trưởng.

 

Sư huynh Tổng Phụ quyền lưu lại Đà Lạt thêm một tuần để nắm bắt nhu cầu thực tế của Adran cũng như giúp cố vấn về thái độ cần có trước tình hình đổi mới của đất nước Việt Nam.

Ngày 01 tháng 10 năm 1946, khai giảng niên khóa 1946-1947. Trường lúc bấy giờ có 89 học sinh, trong đó có 55 nội trú trình diện đúng vào ngày khai giảng. Ban giáo sư gồm 19 sư huynh. Sư huynh Emilien, sáng lập viên và hiệu trưởng tiên khởi của Adran, sau 06 năm điều hành đã được thay thế bởi Sư huynh Perial-Régis

Tình hình năm 1947 rất tốt dưới khía cạnh tôn giáo đạo đức: thầy trò trong trường tham dự đông đảo và thường xuyên các nghi lẽ tôn giáo, 23 học sinh được rước lễ lần đầu, 02 nghi lễ rửa tội, 01 lễ tuyên thệ bỏ sai lạc để quay trở về Công giáo. Tình trạng sức khoẻ của mọi người đều thoả đáng, tình trạng tài chánh cũng cân đối, tạm đủ dù số học sinh có phận hạn chế. 

Số học sinh không thay đổi mấy: khoảng 100 học sinh vào những ngày đầu tựu trường, 101 học sinh vào cuối tháng 12 ! Nhiều học sinh sang Pháp và được bù lại bằng những ghi danh mới. An ninh lần hồi trở lại và trả lại sự an tâm cho các gia đình có con cái theo học tại trường. Trường này có nhận một học sinh rất đặc biệt: đó là Hoàng Tử Bảo Long, con Vua Bảo Đại.. Nhà trường cũng bắt đầu phấn khởi lên.  

Về khía cạnh thiêng liêng, thầy trò trong trường tham dự đông đảo và thường xuyên các nghi lễ tôn giáo, tình tình trạng tài chánh cũng cân đối, tạm đủ dù số học sinh có phận hạn chế. Trường Adarn cũng vinh dự đón tiếp các vị chức sắc đạo đời đến viếng thăm và nói lời cám ơn với các Sư huynh dành trọng đời mình để chỉ lo thời phượng Chúa và dạy học cho con trẻ với tất cả đức tin và lòng nhiệt thành của mình.

Năm 1975, nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trưng thu trường Adran và lập thành trường mang tên Lê Quý Đôn

 Hết trích


Hôm nay, nói chuyện được với anh Luyện ở Arizona. Được biết Hứa Chấn Minh đã qua đời, cô học sinh độc nhất thời ấy tên Tâm, bà con với hắn, đã qua đời trong Chí-hoà. Đi vượt biên, bị Việt Cộng bắt nhốt rồi chết trong tù cộng sản. Cô này sinh tại Campuchia rồi năm 1970, sợ bị cáp duồn nên chạy về Việt Nam để rồi chết trong tù. Tội nghiệp. Có nhắc mình vài tên khác nhưng không nhớ rõ lắm. Nói chung lớp học khi xưa, đa số là các chủng sinh thừa sai, dân nội trú còn dân thị xã Đà Lạt thì ít nên mình chỉ nhớ vài người học chung ở ngoại trú còn dân nội trú, đa số lớn tuổi hơn và chơi thân với nhau. Dạo ấy mình chơi thân với Đào Văn Quý, học rất giỏi, có người anh tên Sơn tập võ với mình ở ngã ba chùa vào buổi sáng và Như đạo với thầy Ân. Dạo ấy anh ta đai nâu.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nhs


Đám ma thời CÔ-vi

 Tuần vừa rồi mình đi đám ma lần thứ 2 trong thời đại dịch COVID-19. Lần trước là bố của anh bạn, qua đời trong viện dưỡng lão, con cháu không được vào thăm 5 tháng trời đến khi họ bảo đến nhận xác. Con cháu khóc như mưa vì ông bố bị trả nhớ về không nên không thể gọi điện thoại nói chuyện trong mùa đại dịch.

 

Tuần rồi đi đám con gái cô giáo ngày xưa. Cô này quen với đồng chí gái, có đến nhà mình chơi vài lần. Cô này là chị em bạn dâu với bạn học cũ Trưng Vương của đồng chí gái, lấy con trai của nhà thơ Nguyên Sa nên hay gặp trong các buổi họp mặt thân hữu.

 

Mình có anh bạn linh mục kể; con chiên chết trong vùng, gọi điện thoại cho các cố đạo nhà thờ công giáo nhưng ít cha nào dám làm lễ xức dầu hay đám tang nên anh ta tình nguyện đi. Bút Nhóm Lửa Việt trong chương trình Masks Save Lives, có may đồ bảo hộ nên có gửi cho mấy cha đi làm lễ xức dầu cho con chiên trước khi về đất chúa.

 

Cha làm lễ trước khi hạ huyệt. Không có thân nhân bên quan tài


Các thánh giá được linh mục chụp để đưa lại cho tang quyến


Linh mục giao lại các thánh giá cho tang quyến


Anh ta gửi cho mấy tấm ảnh tang quyến đứng ngoài hàng rào chào tạm biệt người thân về đấy chúa. Anh ta phải lấy các thánh giá trên quan tài để trao lại cho thân nhân.

 

Đám ma tuần qua thì lạ vì trên cáo phó, anh chồng kêu gọi mọi người lên đồ như đi dự dạ hội, không bận đồ đen. Như thể ăn mừng cho cô vợ được về đất Chúa. Có anh bạn học cũ gọi kêu đi đám chung nên hẹn nhau ở bãi đậu xe nhà thờ rồi đi chung đến cho bớt lẻ loi. Sáng ra, mụ vợ kêu bị nhiễm lạnh vì hôm qua đi mua sắm quá độ, thế là đi một mình.

 

Đi vòng vòng nhà thờ, vì khi xưa mình có vẽ cái gì cho nhà thờ này, hình như làm mấy thang cấp chi đó. Thấy có một đám ma người Việt ở ngoài trời, hình như của nhóm Tin Lành tiễn đưa một người thân về đất chúa. Cuối cùng khám phá ra bên kia đường có một đám khác. Đến nơi thì chả nhận ai ra ai cả vì toàn đeo khẩu trang. Lớ quớ thấy cô bạn, con trưởng của cô giáo nên ghé lại hỏi thăm sức khoẻ cô giáo.

 

Sau đó hai thằng đến viếng quan, chia buồn với anh chồng. Xong xuôi thì mới nhìn chung quanh, thấy mấy bà lên đồ như đi dạ hội thêm đeo mặt nạ nên chả biết ai là ai. Cứ tưởng đi đám ma người hồi giáo. Nhờ 1 anh chàng quen chụp hình mà ông thần này sợ bị lây nên cầm cái điện thoại với hai ngón tay như sợ bị vi trùng. Kinh

 

Lại có màn viếng quan bằng xe hơi như thể đi mua đồ ăn. Xứ mỹ này, đi xem xi-nê ngồi trong xe, đi mua thức ăn cũng ngồi trong xe, vợ chồng choảng nhau cũng trong xe, nay đi đám ma cũng trong xe. Thấy thiên hạ lái xe, chạy từ từ đến, dơ tay chào như tổng thống Ngô Đình Diệm đi kinh lý. Được cái là họ không phải đeo khẩu trang nên thấy mặt họ. Thấy máy hình đang phát trực tuyến cho những ai không đến dự được. Anh em, họ hàng, bạn bè ở xa vì COVID nên không đi được. 

 

Đại dịch xảy ra khiến mình cảm nhận, giác ngộ được sự mong manh của cuộc đời. Mình trân trọng, chánh niệm về sự hiện hữu của người thân. Mình nghĩ từ khi đại dịch xảy ra, hình như đồng chí gái bớt càm-ràm cũng như mình bớt cãi lời vợ vì chúng ta có thể từ giả nhau một cách bất chợt. Chúng ta bớt tạo khẩu nghiệp cho nhau.

 

Đến mùa giáng sinh, đồng chí gái thích xem phim về họp mặt gia đình, bỏ qua cách cuộc giận hờn. Thường mình ít ngồi xem nhưng năm nay, ngồi xem với đồng chí gái, bỏ bớt bản ngã, bỏ cái tôi để hoà nhịp với người thân, tạo dựng những giây phút bên nhau trong  mùa chúa sinh ra đời. Lâu lâu, đồng chí gái kêu romantique không. Mình kêu ừ ừ. Xong om

 

Nhs

Bánh mì La Tulipe Rouge Đàlạt xưa

 Nhìn tấm ảnh này khiến mình thất kinh vì nhớ đến cái thèm khát mỗi lần leo lên cầu thang chợ, đi ngang chỗ này vì có chỗ bán bánh mì thịt, theo mình ngon nhất Đàlạt. Chỉ nhớ mại mại đi đâu vô đây rồi cái cửa sổ có một bà Bắc kỳ bán bánh mì, có Mayonnaise, pâté dưa leo, kiểu người Việt mình bán tại Bôn Sa. Món bánh-mì thịt nguội này của người Việt, nay được quốc tế hoá, người ngoại quốc rất ưa chuộng.

 

Cuối tuần đi dọn hàng buổi sáng cho bà cụ, xin chút tiền ra đây mua một ổ, được gói cẩn thận trong giấy in hiệu bánh mì. Mình vừa đi vừa ngoạm lên tới khu Hoà Bình là hết. Lại thấy trước tiệm Vĩnh Hoà, hai xe bán mì thịt càng làm thêm đói. Khu này có một bà người Huế bán bánh mì lấy từ lò bánh mì ở Phan Đình Phùng mà họ bỏ mối cho nhà mình mỗi sáng, 10 ổ cho mấy anh em mình ăn sáng uống sữa Ông Thọ trước khi đi học. Hồi nhỏ mình hay hỏi người lớn là khi về già mấy ông già có sữa như ông Thọ, bị chửi ngu thế.

 

Bà này thì mình lâu lâu đến mua, đứng nhìn bà ta lấy bánh mì loại to, cắt ra làm 2, 3 phần tuỳ theo giá tiền người mua. Bà ta trét chút mayonnaise, bỏ dưa chua, thêm vài lát thịt heo nhiều mỡ, chan chút nước tương ớt, xịt chút tàu vị-yểu, rắt rắt chút tiêu, xong lấy tờ báo cũ đã được cắt sẵn gói lại. Tối thì bà ta có cái đèn măng-xông, chiếu rực mấy tấm kính của chiếc xe bán bánh mì. Mùa lạnh thì lại thấy có hai ba bà ngồi quạt lò than, nướng bắp mỡ hành bán cho thiên hạ. Không biết họ có phải trả tiền ngồi trước cửa tiệm Vĩnh Hoà hay không nhưng cũng nuôi được một đàn con.


Món ăn uống mình nhớ nhất vẫn là ly sữa đậu nành và bánh da lợn của bà 7 Quốc ở đường Minh mạng, ngay tiệm vàng của ông BÙi Duy Chước, bố bà Bùi Thị Hiếu. Đàlạt trời lạnh hay mưa mà đến đây, ngồi nơi thang cấp để uống ly sữa đậu nành nóng, thêm cái bánh da lợn của bà này là hạnh phúc muôn đời. Ngày nay, mình hay uống sữa đậu nành và ăn bánh da lợn hay bánh nướng nhưng sao không có hương vị ngày xưa dù ngày nay có thể ngon hơn của bà 7 Quốc làm.

 

Ở đường Phan Đình Phùng, ngay trước tiệm ăn Kim Linh, có một chiếc xe bán bánh mì thịt tương tự. Hình như góc Duy Tân, Cường Để cũng có xe bán bánh mì. Ngoài ra thì tại các bến xe đò thì đều có xe bán bánh mì để hành khách đi xa, mua theo ăn dọc đường.

 

La Tulipe Rouge là một trong những vũ trường tại Đàlạt xưa. Có những chỗ nhảy đầm khác nhưng mình không biết vì chưa bao giờ múa kép tại Đàlạt. Hình như tiệm ăn Đào Nguyên ở Xẹt (cercle sportif ), gần Thuỷ Tạ, nơi mấy sân quần vợt có cho nhảy đầm. Nghe CBMT kể là con gái của tiệm này ở nam Cali nhưng chưa có cơ hội gặp lại.


Nhìn tổng thể của vũ trường La Tulipe Rouge, mới xây cất xong

 Theo mình biết khi xưa, khiêu vũ bị cấm nhưng mấy ông lớn lại thích nhảy đầm. Ai tổ chức nhảy đầm tại nhà thường bị bắt nhưng khi nhà ông lớn thì không ai dám vào phá đám. Mình nghe ông anh của bạn đồng chí gái, kêu cảnh sát bắt những ai nhảy đầm. Nghĩ thì cũng đúng, lính đi đánh giặc mà ở hậu phương cứ lo chơi bời thì sao không khỏi làm nản lòng chiến sĩ biên thuỳ. Nhưng lính về phép cũng nên được giải trí để bớt căng thẳng về chết chóc mặt trận.


Mình nghe một bác, quen bà cụ kể là đâu ở đường Trần Hưng Đạo có một vũ trường, chắc là nơi ban nhạc Rolling Wheels Đàlạt xưa hay chơi.

 

Vũ trường La Tulipe Rouge nổi tiếng về một chuyện du đảng chém nhau. Mình nghe kể khi trùm du đảng Đại Ca Thay lên Đàlạt, vào vũ trường La Tulipe Rouge chơi. Khi rời vũ trường thì bị Xí Rổ, một du đảng Đàlạt chém khiến ông thần nổi giận, về Sàigòn đem đàn em bay lên Đàlạt, lùng kiếm Xí Rổ. Anh chàng XÍ Rổ, ở ngay đường Tăng Bạt Hổ, cách 3 căn nhà tiệm chè Vọng Nguyệt Lầu.

 

Mình chứng kiến ông thần này lắc Tài Xỉu ngày Tết, lấy cái chén có dán mousse cao su ở đáy chén, để chận hột xí ngầu để ăn gian thiên hạ. Thằng Quý, ở cạnh nhà Xí Rổ giải thích cho mình. Có lần hắn thua, thiên hạ đòi tiền thì hắn rút dao quăn dưới đất trên tấm chơi bài. Thiên hạ rút lui có trật tự.

 

Xí Rổ nhờ 2 anh em Lai và Thái, cũng nổi tiếng du đảng, nhà ở trong hẻm trường Nữ Công Gia Chánh, gần nhà thương, thương lượng để hắn xin lỗi Đại Ca Thay. Nghe kể là họ hẹn nhau tại Sân Cù, để XÍ Rổ xin lỗi chúa trùm du đảng Sàigòn mà nhà văn Duyên Anh tiểu thuyết hoá trong một tác phẩm của ông, sau này được dựng thành phim do Hùng Cường thủ vai chính. 


Hình như ca sĩ Khánh Ly khởi nghiệp ca hát cũng tại vũ trường này. Sau này 1 trong hai anh em Lai và Thái, đi tuần cảnh, bắt lính hay đậu xe ở trước rạp Ngọc Hiệp. Trong xóm của hai ông thần này có thằng Hoà, đào binh, hay thủ cái ống nước bằng sắt trong người, đi đập lộn. Cuối cùng đi đập lộn cho ai ở trường Việt Anh bị Tuần Cảnh bắt, từ đó mình không gặp lại hắn.


Khá vui là khi nghe người lớn kể về vụ này thì hầu hết ai cũng nói chính họ có mặt tại Sân Cù, chứng kiến Xí Rổ xin lỗi Đại Ca Thay, thậm chí hôm Xí Rổ chém Đại Ca Thay cũng có mặt. Nếu tính ra thì ít nhất có vài ngàn người có mặt hôm ấy. Có ông thần nào viết cảnh Đại Ca Thay lên gặp Xí Rổ bắn ở bến xe Tùng Nghĩa. Dân Đà Lạt ăn đặc sản Quảng Trị hơi nhiều.


 Mấy tên cở tuổi mình cũng vỗ ngực kêu là đã có mặt hôm ấy dù có mấy tuổi đời, học tiểu học. Dân tỉnh nhỏ nên khi có chuyện gì sôi nổi thì ai cũng được nghe và câu chuyện được thổi phồng lên và họ tự nhân chứng hoá khi kể chuyện. Tương tự khi mình viết về chiếc trực thăng Mỹ rớt tại đầu chợ Đàlạt, ngay đường Lê Đại Hành, có ông thần nào kêu là chứng kiến người chết đủ trò. Đọc tin tức của người Mỹ, báo cáo vụ rớt máy bay này thì không ai chết, kể rõ tên các phi hành đoàn, lý do máy hư.... Chán Mớ Đời sau này, thiếu tá Phong của đại đội 302 cho biết là chiếc trực thăng chở anh ta và đồng đội đi hành quân về, xe chở anh ta và lính về trại rồi tên phi công mỹ bay lượn qua khách sạn Mộng Đẹp chào mấy cô điếm, trúng cột điện hay sao rớt.


Gần đây, mình có nhận nhắn tin, hỏi thăm về một anh chàng hàng xóm, có thời bị đày đi Côn Đảo như Võ Thị Sáu khi xưa. Nghe kể anh chàng bị đưa đi Côn Đảo vì đâm ai chết ở tiệm cắt tóc đối diện rạp Ngọc Hiệp thời ông Ngô Đình Diệm. Anh chàng được tha về, mình có thấy mặt trong sân nhà rồi mất tích luôn, mấy chục năm sau thiên hạ hỏi tin tức nên mình ngọng vì chưa bao giờ nói chuyện với anh ta. Chán Mớ Đời 


Tấm ảnh chụp từ bùng binh chợ Đàlạt lên phố Hoà Bình. Ta thấy cầu thang khá đặc thù do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Thấy cái talus làm bằng đá khá cao, thấy dãy phố được thiết kế theo kiểu Normandie, sau này bị phá bỏ. Cầu thang này được nối tiếp bởi vài thang cấp lên đường Thành Thái, rồi mấy thang cấp chỗ phòng trồng răng Nguyễn Trình dẫn đến đường Trương Vĩnh Ký, trường Đoàn Thị Điểm. Tấm ảnh cho thấy chiếc xe hủ-lô của ty công chánh, đang tráng nhựa. Họ đang làm đường chỗ này. Mình thấy cây trồng ở bùng binh nhưng cuối cùng chỉ còn cây ở giữa trung tâm là còn sống lớn cao.

So mấy talus này với mấy cái talus vừa bị sạt lỡ ở Đà Lạt là mình chới với. Mình đoán một trong những lý do họ cho phá dãy phố trên đầu talus là vì sức nặng của dãy phố sẽ gây sạt lỡ sau này. Nay thì bú xua la mua.


Căn phố La Tulipe Rouge được xây dựng sau khi Chợ Mới Đàlạt được khánh thành. Tấm ảnh này cho thấy khu La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp hai bên cầu thang Chợ chưa được xây. Các vườn từ chợ ra bờ Hồ đã được thiết kế. Thấy đường Lê Đại Hành với mấy cây mai Anh-đào mà đến Tết là nở rộ, đẹp nức nở. Đáng lẻ họ trồng mai Anh-đào hết thay vì mấy cây Tùng. Gặp mình thì xung quanh hồ Xuân Hương cũng cho trồng toàn là mai Anh-đào như ở Kyoto, đi đâu cũng thấy hoa Anh-đào nở rộ vào mùa Xuân.


Vui là thấy cái biểu ngữ được treo từ cột điện sang bên kia đường Thang Thái. Hình ảnh cho thấy mấy quán trên đường Thành Thái như tiệm kem Việt Hưng đã được xây rồi.


Cận cảnh là mái nhà và một phần arcade của dãy phố phía sau lưng La Tulipe Rouge sau này bị phá bỏ. Theo mình là một việc không nên làm vì khiến khu Hoà BÌnh được xây dựng với nóc chuông như một ngôi giáo đường to lớn bị mất thăng bằng vì một bên bị phá dỡ.




Hình ảnh cho thấy khu phố cạnh talus vẫn còn, vũ trường chưa được xây cất. Mình đoán là kiến trúc sư thiết kế cầu thang chợ không có ý định xây vũ trường La Tulipe Rouge hay khách sạn Mộng Đẹp vì đã thấy họ trồng cỏ. Có lẻ tỉnh nhỏ nên mấy người giàu có xin phép xây cất bú xua là mua, phá vỡ bản thiết kế ban đầu. 



Hình này cho thấy chợ Đàlạt cũ nằm giữa 3 dãy nhà, phía bên photo Hồng Châu, có dãy phố 1 tầng, chắn gió khiến chợ được trải thêm ra ngoài đường với các hàng rong, tấp nập. Sau này họ phá bỏ, ít ai đi phía này, phía bên Mekông, Bùi Thị Hiếu, Tiến Đạt đông hơn vì ít gió.


Lý do là mình thấy có trồng cây Tùng khi họ phá bỏ dãy phố bên trái rạp Hoà Bình như hình sau đây.



Hình này cho thấy sau khi phá bỏ dãy phố bên trái khu Hoà BÌnh thì họ có trồng mấy cây Tùng nhưng rồi không hiểu sao lại có mấy quán lẻ tẻ mọc lên. Ta thấy nước nhà của La Tulipe Rouge thấp bằng cái talus nhưng khách sạn Mộng Đẹp chơi cha, xây thêm 1 tầng rồi chạy chọt mấy ông lớn bỏ qua, cao hơn mặt đường Lê Đại HÀnh, vô hình trung chắn cảnh quang từ khu Hoà BÌnh xuống hồ Xuân Hương. Ý tưởng của ông Ngô Viết Thụ bị huỷ hoại. Chán Mớ Đời 




Tấm ảnh này cho thấy còn dãy phố trên talus, mới và đẹp hơn dãy phố do ông Võ Đình Dung xây cất (Chic Shanghai, Vĩnh Chấn). Theo mình thì có lẻ khu đất chỗ La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp đã được thiết kế là vườn hoa để thiên hạ ghé chơi vì đã thấy trông cây cối, cỏ xanh.


Sau này họ cho xây La Tulipe Rouge, phá bỏ dãy phố, có trồng một dãy cây Tùng, bù lại là các xập nhỏ hay bảng hiệu quảng cáo hay chính trị cực xấu.



Hình này cho thấy La Tulipe Rouge đã được xây cất, trước khu này là bến xe đò Chi LĂng (Saint Benoît) mà mình hay lấy xe này đi học Grand Lycée . Ngoài ra thì bến đậu xe Lambretta cũng năng ở đây. Dân đi chợ về thì ghé ra đây đi xe Lam, có hai băng ghế ngồi đủ 10 người thì họ chạy. Thấy chiếc xe Lam, biết đâu là xe của bác Thành, ở Số 4, người làng Dưỡng Mong vì chiếc xe của bác khá đặc thù, cái đầu như vậy thay vì dài hơn các xe khác.

Sau mấy xe đò có một dãy quán bán thức ăn cho dân tình. Mình nhớ uống ly đá nhận lần đầu tiên ở đây. Đọc truyện Duyên Anh nói bọn Chương Còm uống đá nhận nên ra đây kêu thử thì lạnh ê răng, ăn không hết. Nhìn lên talus thấy dãy cây Tùng lác đác vài cây, quán cốc, rác rưởi đầy. Theo mình là một thất bại về thiết kế đô thị. Chán Mớ Đời 


Hình này chụp từ balcon của khách sạn Mộng Đẹp, tô vẽ sự xấu xí thực chất. Nếu để lại dãy phố cũ thì hay hơn, sẽ không bị rác rưởi hay xấu xí phía sau và phía trước. Ngay tiệm Lộc Sơn, có xe hàng của Lộc Sơn và của ông Sở. Có lần ông Sở bị bắt ở tù nên bà Sở phải đi Sàigòn thăm nuôi và mua hàng với ông tài xế khác.


Hình dưới cho thấy ngay đầu thang chợ có 3 cây Tùng sống sót, dãy phố đẹp bị đập bỏ để thế vào một dãy hàng quán tạm thời, xấu xí làm mất vẽ đẹp cảnh quang của khu Hoà BÌnh. Nếu để dãy phố như sự tiếp tục của dãy Photo Hồng Châu sẽ làm dãy phố như một bức thành trên cao.




Nói chung thì Đàlạt sau Mậu Thân, được mở mang một cách man dại vì chiến cuộc, chính sách của quân đội mỹ tại chiến trường Việt Nam, đem dân quê vào thành thị để thắng mặt trận chính trị, giữ dân nên cho phép dân chúng xây cất bừa bãi. Dân chúng cần buôn bán kiếm ăn nên hàng quán mọc bú xua la mua. Thương phế binh và thiên hạ cắm dùi, chiếm đất xây nhà loạn lên.

Sau 75 thì đất đai nhà cửa của người dân bị tịch thu. Người mướn nhà cướp luôn nhà đang mướn, Việt Cộng chiếm nhà của dân di tản, đủ trò. Nói chung là không có một chính sách phát triển đô thị rõ ràng về Đàlạt, lợi dụng thiên nhiên ban cho Đàlạt để làm lợi cho dân Đàlạt và một điểm đến du lịch quốc tế.

Mình có xem bản vẽ phát triển lại Đàlạt trong tương lai, khu Hoà Bình thì xem như họ san bình địa rồi làm một khu phố mới với một kiến trúc vơ vẫn, mất đi vẽ đẹp cổ của Đàlạt. Du khách đến Đàlạt thích nhất đường Minh Mạng vì chưa được phá hết, giữ được vẽ đẹp cổ kính, còn khu Vĩnh Chấn thì Chán Mớ Đời.

Nếu mình có phép thần thông thì sẽ lấy Đơn Dương hay Bảo Lộc làm trung tâm hành chánh, thương mại cho tỉnh Lâm Đồng. Còn Đàlạt thì hạn chế dân cư, tái tạo lại các nhà cửa theo tiêu chuẩn rõ ràng, không được xây cất bậy bạ. Hạn chế xe máy, xe hơi, dùng xe buýt chạy bằng điện để tạo dựng một thành phố xanh, sẽ thu hút du khách phương Tây.

Đi âu châu, thấy họ giữ gìn nhà cửa cổ giúp con người bớt tha hoá. Có cái gì giúp họ về nguồn, biết đâu là lịch sử, cội nguồn của dân tộc họ thay vì xây cái mới rẻ hơn là trùng tu cái cũ. Ở mỹ, các thành phố du lịch nổi tiếng, đều được trang bị các loại xe buýt dùng năng lượng xanh, từ ngoài cổng của thành phố rồi chở du khách đi tham quan phố cổ, kiểu như Hội An. Đi bộ vui vẻ. Đàlạt có mấy trăm ngàn dân cư thêm du khách là chật đường, không có bãi đậu xe, đủ trò.

Du khách ngụ tại Tùng Nghĩa, Bảo Lộc rồi lấy xe buýt điện lên Đàlạt trong ngày để tham quan thì hoạ may mới tạo dựng lại hình ảnh một thành phố nhỏ ở núi Alpes bên Âu châu như Thuỵ Sĩ,...

Hội An được du khách ngoại cũng như người Việt thích đến vì có lối kiến trúc cổ, ảnh hưởng của người Minh Hương. Nếu phá bỏ khu Hoà Bình ngày nay để xây dựng một khu phố mới mà cấu trúc cũng như kiến trúc không bằng  ngoại quốc thì du khách sẽ ngưng đến Đàlạt và Đàlạt sẽ chết lâm sàn trong tương lai về kinh tế. Chán Mớ Đời 

Chú thích của người đọc:
Căn nhà này là của ông bạn mình 13t đi du học Pháp hiện nay về sg kinh doanh bánh mì Pháp. 
NHs