Ấp Ánh Sáng Đàlạt xưa

 Mình sinh ra và ngụ tại ấp Ánh Sáng được 6, 7 năm trước khi gia đình dọn về cư xá Công Chánh, ở đường Hai BÀ Trưng thêm 11 năm thì đi Tây đến giờ. Mình kể về cư xá Công Chánh Đàlạt ngày xưa khá nhiều. Kỷ niệm về ấp Ánh Sáng thì không có nhiều vì còn bé.

Khác với các ấp khác tại Đà Lạt như Hà Đông, Nghệ-Tỉnh, nằm ngoài trung tâm thành phố của thị xã Đàlạt, ấp Ánh Sáng được thành lập trong trung tâm thành phố, trong vùng dành cho dân địa phương (indigènes) mà mình thấy trên bản đồ phát triển thời tây.


Thật ra, khởi đầu, người Pháp dành khu vực này cho người Việt sinh sống nhưng đến năm 1932, có một trận bão lụt lớn, đã làm vỡ cái đập của hồ Lớn (Grand Lac) dành cho người Pháp, tràn qua hồ Nhỏ (Petit lac) dành cho người Việt, cuốn trôi nhà cửa ở khu vực hạ lưu của suối Cam Ly, có 15 người chết nên người Pháp phải chuyển khu vực công lên khu Hoà BÌnh ngày nay. Thoạt đầu dành cho người Pháp, có dinh toàn quyền trên đồi cao nhất Đà Lạt.

Hình này cho thấy khu người Việt sinh sống trước năm 1932. Thấy mấy thùng rác mà sách tây có nói đến ở gần chợ. Mấy khu tây đầm ở thì có xe rác đi lấy, còn khu Việt Nam thì xe bò đến kéo vào Cam Ly đổ.


Chỉ nhớ mình được bà cụ cho học trường vườn trẻ tên Ấu Việt, cạnh cầu Bá Hộ Chúc, không nhớ tên đường, hình như Đoàn Thị Điểm, con đường này khởi đầu từ đường Bà Triệu, đi đến đường Yersin. Con đường nhỏ, đối diện đường Cường Để bên kia suối Cam Ly. Mình về Đà Lạt, có đi ngang lại con đường này, để man mác nhớ đến bài viết của ông Thành Tịnh; một sớm mai ấy,…nhưng chỉ nhớ chị người làm dẫn đi ngang cầu Bá HỘ Chúc.


Từ đường Cường Để, băng qua cầu Bá Hộ Chúc, có một con đường bên tay phải đi dọc con suối chảy về Cam Ly. Đi độ 50 mét thì có trường Ấu Việt, bên tay trái, có cây trứng cá, đầy sâu rọm. Mình nhớ có học chung với anh em Tăng Trung, Tăng Hiếu, sau này khám phá ra có vài cô khác cũng học ở đó như con chú Phấn, người gửi tấm ảnh phía dưới (tiệm thuốc tây Mình Tâm, mướn bằng dược sĩ của dượng Ân, rể bà Phúng, nay ở Úc Đại Lợi), Hương ở gần tiệm kem Thuỷ Tinh,..


Mình có viết về Hoàng Yến, cho mình ăn bánh LU , bị mấy cô viết thư chửi quá cỡ. Chán Mớ Đời 

Trường Ấu Việt khi xưa, thấy ảnh nhận ra Sơn Đen thời xưa rất hãi. Đứng cạnh Lê Việt Quốc

Mình chỉ nhớ dì Bơn, bán trái cây ngoài chợ và bác Cháu bán mắm, chị dâu của bà dì mình là ở ấp này. Ấp này như khu số 4, toàn là người gốc Huế. Bà dì mình, từ Huế vô Đàlạt, để chăm sóc mình khi mới sanh rồi phát hiện ra mối tình hữu nghị với người hàng xóm, em trai bác Cháu, đăng ký quản lý đời nhau rồi dọn về Sàigòn. 


Bác Cháu bán mắm ở chợ Đà Lạt, dưới lầu đồn cảnh sát chợ, nuôi cả chục người con ăn học thành tài. Mình nhớ có anh Vui, đi du học ở Nhật Bản. Bà cụ mình có dẫn mình vào nhà chào. Bà cụ mình rất thông minh, cứ giới thiệu mình cho anh Vui nên mình chợt giác ngộ, muốn đi du học ở Nhật Bản nên bò ra trường Việt Anh, học tiếng Nhật với một ông sư, du học từ Nhật Bản về. Sau này bắt đầu để ý tới gái thì bỏ học luôn.

 

Mình nghe người lớn kể ấp Ánh Sáng do ông thị trưởng Cao Minh Hiệu thành lập, lấy tên của phong trào Ánh Sáng do Nhóm Tự Lực Văn Đoàn khai phóng. Mẹ mình bị mật thám Tây bắt, dứoi thời ông này. Đa số là người làng Kế Môn và Phước Yên, Thừa Thiên ở khu này. Làng Kế Môn, nổi tiếng về nghề làm thợ bạc ở Huế, do một ông thợ bạc từ Thanh Hoá vào, truyền nghề. Ai tò mò thì đọc trên bờ-lốc của mình về làng này.

 

Lúc đầu, chỉ có mấy cái chòi, mình có thấy tấm ảnh này, để xem có lục lại được không. Sau đệ nhị thế chiến, Tây không chịu trao độc lập lại cho người Việt nên cuộc kháng chiến dành độc lập khởi đầu nên thiên hạ tản cư về Huế,…Tây thay thế Anh quốc sang Việt Nam để giải giới quân đội Nhật Bản thua trận ở miền Nam, còn lính của quân đội Tưởng Giới Thạch thì giải giới miền Bắc do ông tướng Lữ Hán cầm đầu đoàn quân mà người Việt gọi “tàu phù”. 


Họ đói quá bị phù thủng, ăn no lăn ra chết. Sau ông Hồ, đi quyên vàng để tặng ông Lữ Hán, để ông ta rút quân về tàu. Mệ ngoại có tặng một chỉ vàng, bà Nguyễn Thị Năm ở Hà Nội tặng rất nhiều, cho ông Hồ , ăn ở trong nhà như thượng khách nhưng rồi của bị bộ đội ông Hồ bắn. Thật ra, ông tướng tàu này rút quân để đánh nhau với quân của Mao Thị.


Hình dưới đây, cho thấy có 3 cái chòi để người canh tác vườn trồng rau, trước khi ấp Ánh Sáng được thành lập. Thấy đường Lê Đại Hành (hình như thời đó được gọi là Gia Long). Phía chợ Mới là chỗ người ta trồng rau. Không hiểu sao, sau này họ khoét, đào đất rất nhiều khiến thung lũng này rất thấp so với khu Hoà Bình. Có lể kỹ thuật xây cất chưa xong, họ sợ lún đất nên phải vét đất. Thật ra, chợ Mới được xây trên các pilotis, để chống lún.

 


Xem hình này cho thấy Chợ Mới Đàlạt chưa được xây cất, còn Chợ Cũ ở khu Hoà Bình đã xây xong, sau khi Chợ Gỗ bị cháy rụi. Thấy trên đồi xa xa có dinh tỉnh trưởng mà Việt Cộng muốn đập bỏ. Đặc biệt là rạp xi-nê Eden, ở đường Thành Thái, sau này Tây về nước, ông bà rạp xi-nê Ngọc Lan, tên Sum thì phải, mua lại và xây thêm khách sạn, cho thấy ông bà Ngọc Lan đã lên Đàlạt từ lâu. Mình hỏi con trai của ông bà sinh sau mình 1 năm, thì hắn chả nhớ gì cả. Hắn gửi cho mình bài viết của Sơn Đen về xi nê Đà Lạt một thời. Anh chàng thành công trên đất mỹ.


Bên tay phải, có nhà ông Quản Đạo, sau này khi xây chợ và bùng binh thì họ phá bỏ. Cây cầu và đập nước ở đây được gọi là cầu Ông Đạo, do ông Quản Đạo xây như cầu Bá Hộ Chúc xây phía bên kia ấp Ánh Sáng. Quản Đạo là chức do triều đình Nguyễn, bổ nhiệm để chăm sóc vùng đất được gọi “Hoàng Triều Cương Thổ”. Đúng hơn là quản lý người Việt. Còn hành chánh thì vẫn là do người Pháp nắm giữ quyền hành.


Mình đoán người Pháp không muốn người Việt lên đây sinh sống nên mới kêu triều đình nhà Nguyễn, đặt cho thành phố Đà Lạt là Hoàng TRiều Cương Thổ, chỉ có ai được giấy phép, kiểu hộ khẩu thời Việt Cộng, hay sổ Gia Đình của Việt Nam Cộng Hoà, mới được lên đây sinh sống. Mẹ mình, từ Huế vô Đà Lạt vào năm 1948, phải có giấy tờ, người bảo đảm mới được hộ khẩu tại Đà Lạt.

Hình này do một độc giả gửi, chú thích là hình chụp hôm thành lập ấp Ánh Sáng, người bận áo quần trắng là thị trưởng Đà Lạt, ông Cao Minh Hiệu.


Người Đà Lạt, chạy tản cư về làng thì bị Tây bố ráp nên dần dần dân Đàlạt bắt đầu hồi cư từ năm 1947, một số người mất trắng tay nhà cửa vì thiên hạ thân Tây, ở lại nên chiếm luôn nhà đất. Mình có đọc hồi ký một ông lớn tuổi, nay mới qua đời, kể nhà của bố mẹ ông, trên đường MInh Mạng, ta bị thiên hạ cắm dùi nhưng không dám đòi, sợ bị trả thù vì nghe lời Việt Minh tản cư. Chán Mớ Đời 


Cho thấy nghe lời Việt Cộng là mất gia tài từ năm 1945. Không mất thì họ cũng cướp như năm 1975. Chán Mớ Đời 


Khi người Đàlạt tản cư thì có mấy người lỳ ở lại, mua nhà của thiên hạ rẻ nên sau này giàu xụ lên khi người ta hồi cư, phải mướn nhà của họ. Sau 75, Việt Cộng tịch thâu hết, dán nhãn hiệu Tư Sản.


Mình hơi tò mò về cái còi hụ , được gắn trên tháp chuông chỗ Khu Hoà Bình. Còi được gắn bởi người Nhật hay Tây. Xem hình trước 1940, thì không thấy còi hụ. Trong chiến tranh khi quân Nhật, cướp Đông Dương, máy bay của phe đồng minh, hay bỏ bom nên người ta mới gắn để báo động. Hình như Đà Lạt không bị bỏ bom. Việt Nam Cộng Hoà dùng làm còi giới nghiêm sau Mậu Thân. Ai biết thì cho em hay. Em hay thắc mắc mấy cái vớ vẩn nên thầy cô khi xưa, hay kêu em ngu lâu đốt sớm. Hỏi chuyện ruồi bu.


Gia đình mình di tản năm 1975, khi hồi cư, bị mất hết vốn liếng, thêm ông cụ bị đi cải tạo 15 năm nên te tua, suýt bị đày đi kinh tế mới. May có người quen như dì Gái (Nụ), bà Tàu bán tương ớt ở cầu thang Chợ cho vay vốn để làm ăn lại. Đó là ân nhân của gia đình mình. Mình có gặp lại Dì Gái, nay ở trước trường Đa Nghĩa. Chú Ba, chồng dì, khi xưa lính quân cụ, đóng ngay đường Triệu Việt Vương, trước khi vào ấp Sòng Sơn, đã qua đời, mấy người em trai thì mình không biết trôi dạt về đâu, hình như tên Nghị và Ngữ. Khi xưa, hai tên này, cũng ra dọn hàng cho bà Cáp nên quen, hay đi về chung với nhau. Nghị lớn tuổi hơn mình còn Ngữ thì nhỏ hơn. Hình như hai tên này là con bà sau. Nhà ở gần nhà chú Thành, chạy xe Lam, người làng Dưỡng MOng, chạp mộ của người làng, đều ghé lại nhà Chú ăn bún bò. Mình thích nhất bún bò nấu ở đây khi đi chạp mộ trên Mả Thánh về.


Hình như trên đường Ngô Quyền, số 4, ông Phúng và người cùng  làng, có xây một nhà tổ chi đó. Mỗi năm đến khi chạp mộ thì mọi người trong làng tụ tập về đây. Không biết, ngày nay còn có giữ truyền thống này hay không.

 

Dạo ấy, người Đàlạt còn ít dân cư. Mấy người di cư vào làm ăn khá lên thì họ về làng để tìm người giúp việc vì tin tưởng hơn. Mẹ mình vào Đàlạt năm 1948, khi Đàlạt nhộn nhịp lại vì dân quê chạy vào thành phố để tránh chiến tranh. Tương tự, sau này, mẹ mình buôn bán nên cần người giữ em vì mẹ sinh năm 1, nhờ mệ ngoại ở HUế, kiếm người làng, đưa vào Đàlạt giúp việc như chị Gấm, chị Hoa, chị Tình,....


Chị Gấm sau này bị ông Tư Thân, trên Số 4. Năm Mậu Thân chạy tản cư xuống xóm mình, hủ hoá, mang bầu. Chị phải về quê để sinh nở. Chị sinh được một người con trai. Bà Tư Thân sinh toàn con gái, cô nào cô nấy to lớn cứ như người Mỹ. Bà Tư Thân, về Huế, xin người con trai, đem vào Đà Lạt nuôi. Nghe nói làm nghề thợ mộc trên Số 4. Mình về Huế, đi kiếm mấy người làm xưa như Chị Gấm, Chị Hoa, Chị Tình nhưng không ra.


Đến năm 1952, Ấp Ánh Sáng mới được thực sự mang tên. Nghe nói có 36 căn nhà (xem hình). Đặc biệt là hình này cho thấy dân ấp này ra chợ Cũ (chợ Cây) bằng con dốc lên đường Thành Thái, cạnh rạp xi-nê Ngọc Lan. Con dốc này mình đi lại rất nhiều lần, mỗi khi chú Ký, bạn của ông cụ về phép. Có màn ông cụ dẫn mình xuống nhà chú nói chuyện đánh trận Đồng Soài, Pleime,…mình dạo ấy, buồn ngủ mà người lớn nói chuyện từ thời năm Thìn sang tết Đoan Ngọ. Đi về nhà, từ Ấp Ánh Sáng về Hai BÀ Trưng, mình cứ như người Zombie.

 

Sau này, thị trưởng Trần Văn Phước, dưới thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, cho thành lập bến xe đò Sàigòn-Đàlạt nên mới xây thêm đường ăn thông ra bến xe đò và cây xăng Caltex vào những năm đầu 60 của thế kỷ 20. Thành phố cho tiệm Chic Shanghai đất, để xây trạm xăng Caltex, ngay bến xe đò, ngoài ra tiệm này cũng trúng thầu xây rạp xi-nê Hoà BÌnh.

 


Nhìn tấm ảnh này, mình đoán là chụp từ trên chuông nhà thờ Con Gà, thấy bên trái là một khúc trường bà sơ Nazareth, đường Hùng Vương (Yersin).  Thấy 36 căn nhà đầu tiên của Ấp Ánh Sáng 


Hình này chụp cận cảnh hơn hình trên. Chúng ta thấy đường Lê Đại Hành mà thời tây gọi là Gia Long. Bên phải thấy nhà ông Quản Đạo, xây cầu và cái đập chận nước hồ Xuân Hương mà người Đàlạt gọi cầu ông Đạo. Dạo mình ở Đàlạt thì kêu cầu ông Đạo nhưng không biết ông Đạo là ai. Chưa thấy cây xăng Caltex và bến xe đò Đà Lạt, Sàigòn.

 


Tấm ảnh này chụp từ cầu Ông Đạo, chưa có bến xe đò, và cây xăng Caltex. Thấy rạp xi-nê Eden (Ngọc Lan) trên đồi, đường Thành Thái. Bên tay trái là ấp Ánh Sáng, có con dốc đi lên rạp Ngọc Lan và con đường nhỏ đi ra cầu. Con dốc này, mình đi lại hoài khi đến khu ấp Ánh Sáng, dọc theo đường Thành Thái, MInh Mạng đi về Hai BÀ Trưng. Phía sau rạp Ngọc Lan lác đác vài căn biệt thự nằm trên con đường Trương Vĩnh Ký.

 


Không ảnh này, chụp từ phía khách sạn Palace. Thấy một phần hồ Xuân Hương, cái đập và cầu ông Đạo. Bên tay trái là vườn của mấy người ở ấp Ánh Sáng. Thấy hai dãy nhà của ấp Ánh Sáng. Phía trước thì có bến xe đò và cây xăng Caltex…. Đoán là chụp độ năm 1967-1968 vì người Mỹ có tập tài liệu không ảnh về Đàlạt vào năm 1968 sau Mậu Thân. 

 


Không ảnh này chụp trên không, đoán là trên mái nhà của trường Ấu Việt, thấy 1 khúc đường Cường Để bên tay trái, đâu với đường Thành Thái. Đường Cường Để chạy đến ấp Ánh Sáng thì hết, quẹo phải là cầu BÁ Hộ Chúc, rồi con con đường nhỏ chạy vào trường Ấu Việt.


Mình thấy có tấm ảnh, đoán là đường Cầu Quẹo, có ghi chú là ông bá hộ Chúc, có tiệm nấu nước nóng cho người Đàlạt. Ông ta giàu có nên có làm cái cầu bắt ngang con suối từ cầu ông Đạo chảy về Cam-ly. Sau này, chính phủ làm cầu bằng bê tông cốt sắt nhưng vẫn gọi cầu bá hộ Chúc.

 

Tiếp nối cầu Bá Hộ CHúc là đường Bà Triệu, gặp đường Phạm Ngũ Lão, bên tay trái, chạy dọc con suối từ đập cầu Ông Đạo, đến ngã ba dốc chạy lên nhà thờ Con Gà. Theo chú Phấn, tiệm thuốc Tây Mình Tâm; ông bá hộ Chúc, giàu có ở miền NAm, lên Đà Lạt, làm nghề thầu khoán. Ông ta lãnh xây chiếc cầu từ đường Cường Để, nối với đường Bà Triệu, bắt ngang suối Cam Ly, nên người Đà Lạt gọi cầu Bá Hộ CHúc, tương tự cầu Ông Đạo. 

 

Điều lạ, lúc đầu Ấp Ánh Sáng có hai dãy nhà nhưng sau Mậu Thân, thiên hạ dọn đến ở nhiều nên cắm dùi tùm lùm, thấy có thêm dãy nhà tôn bên tay phải gần mấy cái vườn.

 


Hình này thấy tổng quan thành phố chính Đàlạt. Chụp năm 1967 Thấy tháp nhà thờ Con Gà, bên trái là trường bà sơ Nazareth, có nhà bưu điện bên phải.

 

Bây giờ về thì họ cho giải toả một phía của ấp Ánh Sáng để chuẩn bị xây một dãy phố, chung cư nhưng nghe nói là còn một phần chưa được đền bù nên chưa làm gì cả nên họ trồng hoa cho đẹp thành phố.

 

Ấp Ánh Sáng này có một người đi không quân, lái F5, bay lượn trên ấp bị nổ bung chết khiến thiên hạ đến nhà mụ Toàn để mắng vốn. Nhìn tấm không ảnh này mới hiểu được lý do mấy người bán hàng hay đi ngang cầu Ông Đạo bị sức ép nổ chết, bay xuống hồ theo hà-bá. Cmd 

 

Thấy phi trường Cam ly xa xa mà mình chưa bao giờ đến đây vì là phi trường quân sự.

 


Hình ảnh này là mình thấy trước khi đi Tây. Nhà cửa được xây dựng bú xua la mua, do dân chạy loạn vào thị xã nên cứ cắm  dùi đất rồi xây đại lên mà ở. 



Có bác nào biết đây là đâu?

Nhs

Nhà thờ Cam-ly Đàlạt

 Có người nhắn tin cho mình, hỏi đồi Thập-tự ở Đàlạt với 2 tấm ảnh khiến mình ngọng. Ở Đàlạt 18 năm nhưng chưa bao giờ nghe đến. Lò mò mình xem trang cá nhân của người này cùng thân hữu thì khám phá ra một vài tin tức khác về Đàlạt. Nhà thờ Cam-ly Đàlạt.

Theo chị Bùi Thị Ngọc đọc bài này, cho biết:
Đồi Thập Tự nằm kề ngon núi Voi và hồ Suối Tía. Do 1 linh mục người Pháp xây dựng mộ, phía bên trên có cây Thập Giá lớn, nhìn từ phía dưới hầm mộ sẽ thấy ánh sáng từ đỉnh cây Thập Tự. Nhưng vị linh mục này đã qua đời và được chôn ở Pháp


Từ đồi Thánh giá nhìn xuống đèo Pren



Hai tấm ảnh trên do Mai Vuông Tròn gửi. Cảm ơn nhiều. Cùng nhau tô lại quá khứ của Đàlạt 

 

Theo mình, thì người pháp thành lập cái thánh giá này nhưng một cái am cua người Việt. Ở Pháp, hay có những hang đá nhất là trên núi với cây thánh giá sừng sửng mà lái xe, người ta hay thấy ở trên cao, dọc quốc lộ để biểu dương cho Chúa Giê Su nhất là ngày nay, họ gắn đèn khiến về đêm được thấy rõ. Có một cái rất nổi tiếng nhưng to lớn là ở xứ Ba-Tây, ở trên núi.


Ngày nay, giới trẻ đi phượt nên hay tìm đến những chốn này, rồi họ tạo ra những huyền thoại. Lý do là lịch sử của Đàlạt đã được viết lại sau 1975.


30 năm về trước, công ty mình làm được một tập đoàn đầu tư Tân-gia-ba mướn thiết kế một trung tâm nghỉ dưỡng ở Suối VÀng Dankia. Mình có hỏi vụ ô nhiểm môi trường, xử lý thế nào thì bị dẹp qua một bên, không cho tham gia đội thiết kế nữa. Chán Mớ Đời may là không thực hiện nhưng ngày nay với những gì họ đang làm thì xem như cũng phá tan vùng này.

 

Nay đọc tài liệu mới hiểu khi người Pháp xây đập Suối Vàng thì phải dời 2 bản của người thượng. Rồi lòng vòng ra sao, lại chuyển họ về phía Cam Ly, giữa Lò GẠch Hoàng Diệu và đường vào Cam-ly. Dạo ấy, người thượng hay ra chợ để bán ngo cho cư dân Đàlạt. Nhìn lại thì xem như họ chuyên cung cấp ngo cho người Đàlạt để chụm cũi than. Sau này, thiên hạ xài lò dầu hôi nên hết thấy người thượng ra bán ngo. Không biết họ sống về kinh tế ra sao, ngoài vào rừng hái lan ra bán cho các tay bán lần Đàlạt.

 

Mình tải về đây bài viết của họ để các bác hiểu thêm về lịch sử Đàlạt khi xưa.

 

 

Trung tâm Thượng Cam-ly / Trung tâm Sơn cước 

 

… Ở Dalat Bạn có biết… !?  Và làm sao xây dựng được đập thủy điện Ankroet ?

 

Cho đến cuối thập niên 1930s việc truyền giáo của Giáo hội Công giáo cho người Thượng nơi cao nguyên Lang-Biang vẫn chưa đạt được thành công nào.

 

Họ thuộc sắc tộc người Lạch, rất dè dặt đối với người lạ, không dễ dàng để cho người lạ tiếp xúc họ. Nhưng từ khi có cha Octave Lefèvre được … sai đến để truyền giảng cho họ, thì không những từng cá nhân mà cả những tập thể – đây là nói dân cư của cả một làng thượng – hân hoan được trở thành con cái Hội Thánh.

 

Nhóm sắc tộc đầu tiên được cha Lefèvre tìm đến, đang sinh sống tại một nơi cách Đà-lạt khoảng hai mươi cây số, có tên là người “Lạch” (Lat); thành phố Đà-lạt lấy tên từ bộ tộc này: Thành phố của người Lạch. Hai làng Thượng lớn nhất được ngài chú ý là làng Dangia (Đăng-kia) và làng Bon-dong. Hai làng này nằm gần nguồn và cạnh bờ con sông Da-dong, sông này sẽ mang tên Đồng-nai khi vào địa hạt thuộc người Kinh.

 

Trong những lần thăm viếng mà ngài thực hiện khá thường xuyên đến các làng này, cha Lefèvre đã học được tiếng nói của người Lạch; trong những chuyến đi đó, ngài cũng chữa lành nhiều bệnh nhân. Nhờ vậy phát sinh một sự hiểu biết, một sự tin tưởng lẫn nhau giữa vị linh mục và người Lạch.

 

Chính quyền thời đó đã quyết định xây trong thung lũng Lạch một đập nước lớn để tăng cường khả năng cung cấp điện của nhà máy điện Ankroet. Nếu việc đó xảy ra thì hai làng của người Lạch sẽ biến mất và người dân sẽ mất hết các thửa ruộng của họ. Cha Lefèvre tự nguyện làm trung gian để giải quyết những tranh chấp giữa người Lạch và đại diện chính quyền. Đặc biệt ngài đã đòi được cho các làng thượng những khoản bồi thường và việc tái lập hai làng Dangia và Bon-dong tại một địa điểm khác. Ngôi làng nhỏ Ankroet cũng muốn nhập vào nhóm làng này. Cả ba làng được tái lập ở chân núi Langbiang, thành làng Langbiang của người Lạch. Cha Lefèvre thích gọi đó là Làng Đức Bà, “Bon Me Marie”. Việc tái lập này thực sự hoàn thành vào những tháng đầu năm 1954.

 

Vì tình hình an ninh không được tốt vào những năm đó, cha Lefèvre không thể lưu lại tại các làng Thượng trong những chuyến đi mục vụ. Do đó, với sự ủng hộ của cha Fernand Parrel, ngài quyết định lập một “Trung tâm Thượng” ở ngoại vi thành phố Đà-lạt, không xa thác Cam-ly, đối diện với ngọn đồi trên đó có trường Đức Bà Lâm-viên. Năm 1951, bắt đầu xây dựng các phòng học, một phòng y tế, một nhà vãng lai, nơi đó, mỗi lần đến Đà-lạt, người Thượng có thể ở lại bao lâu tùy thích. Cũng sẽ có một nơi thờ phượng và một nơi ở cho các cha, cho các nữ tu và nhân viên sẽ được kêu gọi đến làm việc tại đây... Sau khi được cha Parrel khánh thành vào ngày 01/11/1952, Trung tâm Thượng Cam-ly phát triển và hoạt động cho đến tháng 4 năm 1975.

 

Ngoài việc đem Tin Mừng đến cho người Thượng, cha Lefèvre còn quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo họ thành những người trợ tá cho ngài trong việc dạy giáo lý cũng như nâng cao dân trí cho đồng bào của họ. Một mặt ngài gửi các thanh thiếu niên nam đến học tại trường Adran do các sư huynh La-san điều khiển. Hai em người Lạch đầu tiên đi học tại đó là K’Bô Panting và K’Meng Krajan. Học xong, K’Bô về dạy tại Trung tâm Thượng Cam-ly cho đến năm 1975, còn K’Meng thì điều khiển một trường tiểu học được thiết lập tại làng thượng Langbiang, trong cùng thời gian đó. Do kết quả tích cực của việc thử nghiệm này, về sau nhiều thanh thiếu niên Lạch được hướng đến các trường trung học khác nhau trong thành phố Đà-lạt.

 

Đối với các thiếu nữ Lạch, vào năm 1953, ngài mua một miếng đất cạnh Trung tâm và xây dựng một trường Nữ Công Gia Chánh; ngài mời hai nữ tu dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán đến điều hành. Hai chị này, vào năm 1954, nhường chỗ cho các nữ tu Mến Thánh Giá Hà-nội, từ miền Bắc di cư vào, sau hiệp định đình chiến Genève. Tháng 5 năm 1955, trường bắt đầu hoạt động với khoảng trên mười thiếu nữ Lạch, tuổi từ 18 đến 20.

 

Từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai năm 1954, Trung tâm Thượng Cam-ly đón tiếp khoảng 600 người di cư dân tộc Thái là những người Thượng miền Bắc. Vì có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết, cha Lefèvre được yêu cầu lo cho đám người mới đến này. Ngài đã đưa họ đến định cư tại vùng Liên-khương Gougah.

 

Trung thành với trách nhiệm mục tử, hằng tuần ngài đều đặn đến dâng thánh lễ tại một trong các làng thượng. Ngài thường được ông Y-Sik-Niê đi cùng; ông này phụ trách dẫn lễ và bổ túc những lời giảng dạy của cha Lefèvre.

 

Tưởng rằng cha Octave Lefèvre có thể làm việc lâu dài cho người Thượng Đà-lạt nay đã trở nên thiết nghĩa với ngài, thì một biến cố bất ngờ xảy ra, gây thương tiếc cho nhiều người, cách riêng cho con cái người Lạch của ngài. Ngày thứ Tư, 26/10/ 1955, sau khi đi thăm cha Moriceau tại Di-linh cùng với cha Desplanque và ông Y-Sik-Niê, trên đường về, chiếc xe jeep do ngài lái bị lật. Ngài bị thương nặng, được đưa lên bệnh viện quân y tại Đà-lạt. Tại đây ngài đã tắt thở vì vết thương nơi ngực quá nặng. Xác ngài được đưa về quàn tại Trung tâm Thượng Cam-ly. Lễ an táng được cử hành tại nhà thờ Đà-lạt, ngày thứ bảy, 29/10/1955. Không kể các vị chức sắc đạo đời, rất đông tín hữu – trong đó có đến hơn một ngàn người Lạch – đến tham dự thánh lễ. Điều đó nói lên sự ngưỡng mộ của mọi người, sự thương mến đặc biệt của người Thượng, dành cho vị tông đồ truyền giáo. Ngài được mai táng tại nghĩa trang dành cho người Âu, sau lưng nhà thờ Đà-lạt.

 

Các vị thừa sai tiếp tục sự nghiệp của cha Octave Lefèvre tại Trung tâm Thượng Cam-ly, Đà-lạt

 

Tuy sự ra đi của cha Lefèvre ở tuổi 48 là một mất mát to lớn cho công cuộc truyền giáo nơi các sắc tộc thiểu số vùng Đà-lạt, nhưng các đồng nghiệp trong hàng giáo sĩ thuộc Hội Thừa Sai Paris, như các cha Pierre Ripaud, Henry Desplanque và sau cùng là Cha Marius Boutary đã tiếp tục công trình tốt đẹp của cha Lefèvre đã gầy dựng trong hơn sáu năm trước với một lòng nhiệt thành hăng say không kém… cho đến 4/1975.

 

Cha Marius Boutary là người chủ trì xây dựng nhà thờ Cam ly.

 

Hãy dành thêm ít thời gian...

 

Các bạn có thể tìm hiểu về Ngôi Nhà thờ đặc sắc mang dáng dấp Cao nguyên theo link sau:

 

https://www.facebook.com/MocDalatLuquan/posts/554499125003806

 

Ngày nay, có lẽ …không mấy ai biết về Trung tâm Thượng Cam-ly mà chỉ biết về tên gọi « Nhà thờ Cam ly »

 

#mocdalatluquan

 

#dalatxua

 

Độc đáo kiến trúc Nhà thờ Cam Ly

#camly #nhathocamly #trungtamsoncuoc

#trungtamthuongcamly

1/ Lịch sử và vị trí:

Tọa lạc trên một quả đồi gần thác Cam Ly, số 1 Nguyễn Khuyến,  phường 5 thành phố Đà Lạt, nhà thờ Cam Ly hay nhà thờ Sơn Cước là ngôi nhà thờ dành riêng cho các dân tộc thiểu số ở địa phương.  

Nhà thờ do linh mục người Pháp Marius Boutary chủ đạo xây dựng, là một người yêu văn hóa của người Thượng bản địa và yêu Đà Lạt lạ lùng. Ông gắn bó nhiều năm với cộng đồng người thiểu số từ khi đến năm 1952 đến khi rời đi 1975.  Ngôi nhà thờ theo lối kiến trúc mang đậm dấu ấn bản địa do linh mục Jean Kermarrec thiết kế bản vẽ và nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ đứng ra xây dựng. Nhà thờ được khởi công năm 1960, đến năm 1968 thì hoàn thành.


 

2/ Kiến trúc:

 

Với mục đích thiết kế dành riêng cho đồng bào thiểu số nên Nhà thờ Cam ly có được một nét kiến trúc hết sức khác biệt, độc đáo so với các nhà thờ khác.

 

Kiến trúc nhà thờ được cách điệu từ mái nhà rông cổ truyền Tây Nguyên, được thể hiện theo tinh thần của trường phái kiến trúc thô mộc dựa trên kỹ thuật xây dựng tiên tiến của phương Tây.

 

Mái nhà dốc, cao hơn 17m, nhìn thẳng gợi liên tưởng đến hình mũi tên vút lên trời cao, nhìn ngang giống như lưỡi rìu, hình ảnh các vũ khí thô sơ gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân tộc. 

 

Mặt bằng nhà thờ hình chữ nhật đơn giản có diện tích 324m2. Ðể chịu đựng được sức nặng của toàn bộ công trình, nền móng đã được gia cố hết sức kỹ lưỡng trong vòng nửa năm. Kết cấu chịu lực chính là hệ khung cột bê tông cốt thép cao 3m, kích thước mỗi cột 20x 50 cm, được liên kết chặt chẽ với kết cấu đỡ mái là hệ giàn kèo gỗ ghép vượt khẩu độ 12m trông rất ấn tượng.

 

Nối với những bức tường lửng có độ cao khoảng 2m, dày 40cm  được xây bằng đá chẻ là hệ thống cửa kính mầu xanh-nâu-vàng trong các khung gỗ, đem lại vẻ đệp huyền ảo khi những tía sáng xuyên qua. Các khung cửa liền nhau và giáp mái này cùng với 20 vì kèo tương ứng đều được cách điệu từ hoa văn Tây Nguyên mà chủ đạo là hình vuông và hình tam giác - tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời trong môtip bản địa về quan niệm vũ trụ. Ðối xứng phải trái là 16 bức tranh đá trong đó có 14 bức diễn tả các chặng thương khó của Chúa Jesus và ngày ngài thọ nạn, phục sinh...Ở đây, cùng với nghệ thuật sắp đặt và giải pháp kiến trúc, các nhà tạo tác đã kết hợp hài hòa và thành công giữa tư duy mộc mạc, tự nhiên của đồng bào các dân tộc thiểu số với triết lý tôn giáo nhân bản và sâu sắc. Lối đi lại trong nhà thờ được lát đá chẻ.

 

Trên tường mặt chính nhà thờ, Chúa Ba Ngôi được thay bằng ba ngôi sao lớn được phối bằng những tam giác kính màu. Dưới ba ngôi sao là một bàn thờ dài 3,9m, rộng 0,9m, được làm bằng gỗ thông già lấy từ đỉnh Lang Biang, đã hong khô hơn 15 năm, trước khi vào xây dựng nhà thờ. 

Tượng Chúa trên thập giá, phía dưới có ba đầu trâu từ lớn đến nhỏ sắp xếp phía dưới chân tượng trưng những lễ vật người dân tộc dâng cho thiên Chúa Ba ngôi. (Một tập tính trước đây của họ khi tế lễ cho Yàng – Yàng là Trời).

 

Mặt tường phía trước, hai bên cổng chính nhà thờ có hình con cọp tượng trưng cho sức mạnh và con chim đại bàng tượng trưng cho sự thông thái, theo quan niệm của người dân tộc. Còn mặt phía bên trong tường này là những hình con thú như nai tượng trưng sự đơn sơ, giản dị; Chim sự phóng khoáng,…

 

Mái nhà thờ được lợp bằng 80.000 viên ngói với tổng trọng lượng tương đương 90 tấn. Để lợp một khối lượng ngói khổng lồ trên độ dốc lớn, các nhà thiết kế dùng loại ngói phẳng, gờ móc có đục lỗ để luồn dây kẽm buộc chặt vào litô.

 

Sau khi hoàn thành công trình phía nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ còn cẩn thận để lại hơn 8.000 viên ngói để sau này thay thế khi bị hư hại mà không cần phải thay ngói loại khác để luôn tạo được sự đồng đều thống nhất của ngôi nhà thờ đến từng viên ngói.

Không chỉ để lại ngói, nhà thầu còn để lại các mặt kính dự phòng để thay thế sau này. Có thể nói nhà thờ Cam Ly gần như vẫn giữ được nét cổ kính và đẹp đến hoang giã theo thời gian cho đến ngày nay. Với kết cấu vững chắc và luôn có vật liệu thay thế thích ứng nên từ khi hoàn thành đến nay nó vẫn nguyên vẹn và không phải trùng tu, sửa chữa lần nào.

 

Quanh nhà thờ Cam Ly là khu vườn cảnh xanh tốt với nhiều loài hoa khoe sắc, tôn thêm nét đẹp của công trình kiến trúc độc đáo này.

Ngôn từ là giới hạn …, các cảm nhận về Ngôi thánh đường Sơn cước có lẻ chỉ có thể có được đầy đủ khi những Lữ khách in chính những dấu chân mình nơi đây. Đó có thể cảm xúc vỡ òa hoặc trống rỗng thất vọng, đôi khi háo hức kiếm tìm…

Có một điều cảnh quan khu vực xung quanh ngôi nhà thờ không còn như trước nữa. Rừng thông bao quanh đã dần mất đi … Và…

 

3/ Vẻ đẹp “nội tại” khác của Nhà thờ Cam ly, … ngày nay:

Bên cạnh vẻ đẹp tôn nghiêm, cổ kính theo dần năm tháng của từng phiến đá, từng viên ngoái rêu phong. Một vẻ đẹp “nội tại” cao quý, ẩn giấu ít ai thấy được…. đó là vẻ đẹp rất đời thường từ sự hy sinh, từ tấm lòng của các sơ của thuộc dòng Đức Bà truyền giáo, các sơ đã dày công chăm sóc nuôi dạy bao thế hệ trẻ em dân tộc nghèo từ trước khi nhà thờ được xây dựng và cho đến tận ngày nay.  Sau 1975, đồng bào giáo dân quanh nhà thờ được về định canh định cư tại các buôn làng thuộc xã Tà Nung – Đà Lạt, K’rèn, K’Long, Đarahoa (xã Hiệp An - Đức Trọng), nhà thờ trở thành nhà nguyện của dòng tu Mến thánh giá. Các sơ vẫn tiếp tục … đi về những buôn làng dân tộc ở Đam Rông, Di Linh đưa những trẻ em nghèo về nuôi cho ăn học từ lớp 1 đến vào đại học. Có gần 50 trẻ em đủ mọi lứa từ 6 – 18 tuổi là con gia đình đồng bào nghèo, đông con được các sơ nuôi dạy với tất cả trách nhiệm. Lứa này lớn lên vào đại học, lứa khác lại đến. Không khí ấm cúng như một đại gia đình, đứa lớn giúp các sơ chăm sóc đứa nhỏ. Đã có nhiều em tốt nghiệp đại học, lập nghiệp ở Tp.Hồ Chí Minh, có em trở về buôn làng mình làm cô giáo, y bác sĩ, có em quay lại đây cùng các sơ nuôi dạy đàn em. Như nhắc đến những đứa con của mình, sơ Đào không giấu nổi niềm vui và mong muốn giản dị: Các em có khả năng thì phải học cao hơn để là người công dân có ích, còn em nào không học được cao thì khi trở về với buôn làng, các em cũng sẽ thay đổi được nếp sống sinh hoạt, vệ sinh, nếp sống trong chính gia đình mình và những người xung quanh mình, để cuộc sống của đồng bào ngày càng đổi thay…

 

4/ Lời kết:

Khi Lữ khách đến đồi Mai Anh, nhà thờ Domaine De Marie mua mứt, áo len... là chính các bạn đã chung tay với các sơ nuôi dạy những trẻ em nghèo người dân tộc ở Đà Lạt. Tất cả tiền bán quà ở nhà thờ Domaine sẽ được chuyển đến các sơ trong nhà thờ dân tộc này. Và những chiếc áo, chiếc khăn bằng len các bạn mua về làm quà cho bạn bè, người thân vào những ngày lập đông trời se se lạnh... chính là sản phẩm của các em thiếu nhi dân tộc đang miệt mài tìm cho mình một cửa nhỏ vào đời.

 

26/10/2018

Thông Đà lạt

#dalatxua

Bài viết tổng hợp nhờ sự hỗ trợ của “Mộc Đà lạt Lữ quán”.

https://www.facebook.com/MocDalatLuquan/

 

#nguoidalatthatsu   Hãy đọc để hiểu về Đà lạt hơn

 

Mình thấy mấy tấm ảnh ghi chú là nhà thờ mang ảnh hưởng kiến trúc miền nam nước pháp. Mình đoán tác giả chưa bao giờ đến miền nam nước pháp. Kiến trúc này tương tự nhà thờ của lãnh-địa  Đức Bà (domaine  de Marie ), dựa theo kiểu nhà sàn của người Lạch mà kiến trúc sư thiết kế. Mình có mấy tấm ảnh nhà sàn của người Lạch mà người Mỹ chụp trước 1975, nguyên cả làng, thiết kế theo cách cổ truyền để chống mưa gió Đàlạt.


Người pháp sang đây xây dựng lại các kiến trúc xứ họ cho một khí hậu có tuyết, không phù hợp cho khí hậu Đàlạt, mưa gió quanh năm. Kiến trúc của các căn nhà sàn của người Lạhc là tốt nhất. Kiến trúc của nhà thờ này và nhà thờ Domaine de MArie là áp dụng kiến trúc cổ truyền, khí hậu với cách xây cất mới.

 

Sau đây là những hình ảnh và bản vẽ của nhà thờ.


Khi xưa không có nhà cửa ở xung quanh nên rất đẹp, hài hoà vào thiên nhiên. Nay thì nhà cửa bú xua la mua thêm xa xa các nhà lợp plastic để trồng rau, chiếm hết các đồi. Mình đoán hình này chụp từ trường Petit Lycee cũ.





Bản vẽ kiến trúc cho thấy được phỏng theo kiến trúc nhà sàn của  tây nguyên. Làm bằng gỗ, thành công hơn nhà thờ Lãnh-địa Đức Bà (domaine de Marie) .























Cửa ra vào thành công hơn cửa vào của nhà thờ Lãnh-địa đức Bà.


Nhà thờ này thì mình chưa bao giờ thấy khi sống tại Đàlạt. Chép về lại đây để cho ai còn nhớ về Đàlạt xem trước khi bị phá bỏ để xây dựng các công trình dân cư khác. Chán Mớ Đời 



Ông cha có công xây dựng nhà thờ này.


Nhs



Financial Aids

Mình được đài truyền hình Little Sàigòn mời tham dự buổi hội thoại về Financial Aids , kinh nghiệm của mình  khi chuẩn bị cho hai đứa con vào đại học nên có viết sẵn để khi họ hỏi còn biết trả lời. Hôm nào họ phát sóng sẽ kèm theo về đây.

Cứ vào đầu năm học, học sinh lớp 12 tại Hoa Kỳ, chả học hành gì cả, phải lo nộp đơn xin vào trường đại học, xin học bổng hay hổ trợ tài chánh từ chính phủ và thư nhân khiến chúng bị stress vì phải viết tiểu luận, nhất là muốn nạp đơn, chạy đua nước rút vào trường đại học danh tiếng. Cứ mỗi trường phải đóng đâu $70 cho một cái đơn. Nếu ghi danh 10 trường là bay mất $700. Ngoại trừ đậu SAT hay ACT cao mới ghi danh 1, 2 trường còn không phải nộp nhiều.

Con trai ghi danh đâu 6 trường thì được 3 trường nhận còn 1 thì dự khuyết. Con gái nộp 4 trường thì được 3 trường nhận.

Mình không học đại học tại Hoa Kỳ nên ngọng khi con lớn, chuẩn bị vào đại học. Học đại học bên âu châu xem như gần miễn phí nhưng tại Hoa Kỳ thì tốn rất nhiều nên phải cẩn thận, điều nghiên kỹ lưỡng vì nếu không học ra trường, không có việc lại ôm cái nợ to đùng.


Một luật sư ra trường trung bình ôm cái nợ $200,000 còn bác sĩ thì trên $300,000 còn cử nhân thì từ $50,000 đến $100,000 nếu học đại học tư. Có anh bạn kể là tiền tốn cho cô con gái học xong cái bằng y sĩ là tổng cộng 1 triệu đồng. Nghĩa là anh ta phải làm 2 triệu, trả thuế phân nữa. 4 năm cử nhân rồi 3 năm y khoa rồi 2 năm chuyên khoa. Chán Mớ Đời 


Đối với người giàu có, học phí đại học không là vấn đề chính, mà được tuyển vào đại học mong muốn. Như bà tài tử gì mới đi tù 1 tháng vì muốn con gái được vào đại học miền nam Cali USC nên trả trên $300,000 để người ta làm hồ sơ giả mạo giúp con bà ta được chấp nhận vào trường nổi tiếng này.


Ở tiểu bang Massachusetts họ mới tuyên án ông triệu Phú nào, chạy chọt đú tốt cho con vào đại học Harvard. Con nhà giàu dễ vào đại học nổi tiếng nếu chịu khó một tí. Chớ lo chơi không thì khó mà được nhận. Chán Mớ Đời 

 

Khi thằng con lên trung học thì mình i tờ về đại học Hoa Kỳ nên có mua một cuốn sách, nói về sự chuẩn bị để con cái vào đại học nổi tiếng vì nghe nói nhiều hy vọng có cuộc sống khá tốt sau này. Đọc cuốn này thì mình thất kinh, vì tác giả kêu người Mỹ khá giả chuẩn bị cho con họ từ khi mới ăn thôi nôi. 


Khác với thời người Việt mới sang Hoa Kỳ tỵ nạn, học sinh gốc Á châu, không còn được xem là thiểu số, để được ưu tiên tuyển vào các đại học danh tiếng. Trên phương diện dân số thì người á châu rất ít nhưng về mặt học vấn thì chiếm đa số so với các cộng đồng thiểu số khác như gốc la-tinh. Có anh bạn kêu là nếu được tuyển chọn theo tiêu chuẩn ngày nay thì chắc chắn, anh ta không được nhận vào đại học M.I.T.


Con mình học trung học, phải đạt điểm cao toàn A trong vòng 2 năm trời mới được cấp giấy khen trong khi một học sinh gốc la-tinh chỉ cần được 3 điểm C, là được cấp phát bằng khen nên vào đại học rất được ưu tiên. Mình đùa với thằng con, biết vậy bố đặt tên con là Jaime Gonzalez. Khỏi cần chơi thể thao, lấy bằng Đại Bàng hướng đạo Hoa Kỳ,...

 

Sách cho biết người Mỹ giàu có cho học trường mẫu giáo nào, chơi thể thao loại nào, các hoạt động xã hội, nghệ thuật, đủ trò khiến mình điên lên vô hình trung tạo thêm áp lực cho mấy đứa con. Con họ chơi thể thao đắt tiền như cù, chèo thuyền, ice hockey ...toàn là những môn thể thao đắt tiền nên ít cạnh tranh lại kiếm quảng cáo nhiều.


Con gái mình kể bạn bè ở USC, đám con nhà giàu, xem vào các đại học danh tiếng như chuyện đương nhiên. Con mình bà rá sao, lại được tuyển vào chương trình chỉ nhận 15 sinh viên tại Hoa Kỳ và 30 sinh viên Ý Đại Lợi và Hongkong. Tổng cộng lớp chỉ nhận 45 sinh viên của 3 đại học.


Ngày nay, giới trẻ tại Hoa Kỳ phải tranh đua với các sinh viên ngoại quốc, du học tại Hoa Kỳ. Trung Cộng có đến 300,000 sinh viên hay Ấn Độ có trên 200,000 du học sinh. Dân số các nước này đông nên tuyển lựa khá nhiều người học giỏi. Họ vừa giỏi vừa sẵn sàng đóng học phí cao. Hoa Kỳ lại theo chế độ lấy chất xám của ngoại quốc , đỡ tốn tiền đào tạo.


Đọc đâu đó, báo chí cho biết là hàng năm các đại học danh tiếng đuổi mấy ngàn du học sinh ngoại quốc vì không đủ trình độ. Con nhà giàu nên chúng nhờ thiên hạ viết tiểu luận, làm hồ sơ giả như bà tài tử mỹ mới đi tù. Vào học thì i tờ, không theo kịp nên họ phải đuổi do đó cách tốt nhất học đại học danh tiếng là học 2 năm trường đại học cộng đồng đợi rồi xin chuyển trường vào học 2 năm cuối của đại học danh tiếng.

 

Điểm mình lo nhất là học phí. Trung bình học đại học tiểu bang Cali thì tốn độ $36,000/ năm ăn ở, còn đại học tư thì thêm $20,000 nữa. Do đó, mình nghe kể là thiên hạ có tiền tại Việt Nam, Trung Cộng ... cho con họ du học ở cấp trung học vì sau hai năm ở Cali thì được xem là ”Resident” (thường trú tiểu bang Cali) thì bớt được khoảng tiền $20,000/ mỗi năm. Xem như $80,000 cho 4 năm đại học. Điển hình thằng con mình học UCSD ở San Diego tốn $32,000/ năm, bạn học của nó từ Houston qua, trả $52,000/ năm.

 

May là có thể xin học bổng, hoặc Financial Aids (hổ trợ tài chánh) hay Work-Study (làm việc trong khuôn viên đại học), hay mượn nợ, chương trình giúp gia đình binh sĩ, cựu chiến binh, học ở hải ngoại,…

 

Grants: một loại hổ trợ tài chánh mà sinh viên không phải trả lại ngoại trừ bỏ học thì phải hoàn tiền lại. Có nhiều loại Grant như Pell Grants, Federal educational Opportunity Grants (FSEOG), Teacher Education Assistance for College and Higher Education (TEACH) Grants,  Iraq and Afghanistan Service Grants.

 

Học bổng: có nhiều tổ chức vô vụ lợi, tư nhân tặng học bổng cho sinh viên đại học. Thằng con mình thành lập hội Leos ở trường học với sự đỡ đầu của hội Lions International Club của thành phố nên khi vào đại học, hội Lions có tặng học bổng $1,000/ năm. Con gái mình được hội nào đó cho $5,000. Thật ra có nhiều trang nhà, kêu sinh viên viết tiểu luận thì họ cho $500, $1,000.,.. Nếu chịu viết thì cũng kiếm được vài ngàn tiêu xài khi đi học.

 

Người Mỹ rất điên cuồng về thể thao nên họ cho con chơi thể thao để được học bổng, chơi cho đội tuyển trường. Do đó có nhiều học sinh dỡ nhưng được nhận vào các đại học danh tiếng, chơi thể thao miễn phí cho các đại học, giúp đại học làm tiền qua các trận đấu hàng tuần.

 

Sinh viên không có thì giờ để học hành vì phải tập dợt mấy tiếng một ngày nên ra trường toàn là tốt nghiệp huấn luyện viên thể dục. Ai giỏi thì có thể đi thi đấu chuyên nghiệp nhưng số này rất ít ỏi 1%. Trường hợp bị chấn thương thì bị cúp học bổng. Chán Mớ Đời 

 

Lúc đầu, mình không biết nên cũng theo tụi bạn mỹ, cho con chơi thể thao. Bóng rổ thì con gái mình lúc 12 tuổi chỉ cao chưa tới 5 feet trong khi mấy con mỹ trong đội cao 6 feet. Cho thấy người Á đông bị hạn chế về các môn thể thao vì sức vóc. Bóng bàn, người Mỹ chỉ nghe khi ông Nixon sang Trung Cộng buôn bán.

 

Cuối cùng chỉ có môn bơi lội là có thể thi đấu ngang ngữa với học sinh trong thành phố. Có một cô gốc Việt Nam, đứng đầu Hoa Kỳ từ 10 tuổi rồi được đại học Berkeley nhận nhưng cũng chả đi đến đâu. Khi thi đấu ở cấp tiểu bang thì chả nhằm nhò gì cả. Có mấy đứa bơi cùng thời với con mình, giỏi được nhận vào  Stanford hay Berkeley rồi thì phải tranh đua với tất cả những tên bơi giỏi nhất thế giới vì các đại học này chọn các sinh viên từ các quốc gia khác nữa nên cuối cùng, không thấy mấy đứa bơi giỏi nhất được tuyển đi thế vận hội hay gì cả. Mất 4 năm trời đại học, thay vì sống đời sống sinh viên bình thường như cùng lứa tuổi, cứ ăn rồi ngủ, rồi đi tập luyện cuối cùng. Nói chung làm nô lệ cho trường làm tiền trong 4 năm trời. Chán Mớ Đời    

 

Tóm lại thì chơi thể thao cho vui nhưng chuyện chính vẫn là học cho giỏi vì nếu vào đại học mà học không được thì lại tốn tiền vô ích. Nếu cho làm lại thì mình sẽ không bắt mấy đứa con đi bơi như điên. Chỉ cho chơi thể thao ở trường là đủ. Điều an ủi là mấy đứa con kêu bơi lội giúp chúng rèn luyện được ý chí, kỷ năng sống.


Dạo ấy, đi seminar ở trường thì học sinh của trường trung học cho biết là 1/3 học sinh trong lớp chơi sì-ke. Do đó mình phải cho chúng chơi thể thao, hướng đạo để không có thì giờ làm tầm bậy.

 

Federal Work-Study Jobs: có chương trình giúp sinh viên làm việc bán thời gian để được thêm tiền mà học hành. 20 tiếng đồng hồ mỗi tuần như con gái mình làm Lifegard, cứu hộ hồ bơi khi sinh viên bơi.

 

Mượn nợ: ngoài ra có những chương trình mượn nợ nhưng cái nguy hiểm là tiền lời cứ gia tăng hàng năm (unsubsidized). Có một loại nợ gọi là Parent loan Plus thì theo mình không nên mượn vì loại này rất đắt, lại không được “subsidized” (tiền lời không gia tăng trong thời gian đi học). Bố mẹ phải ký tên. Mình không để ý nên mượn năm đầu tiên đâu $30,000 thì 4 năm sau phải trả tiền lời gần $6,000. Con gái vừa ra trường là mình trả dứt liền. Nghe kể có ông mỹ nào mượn $120,000 cho 2 thằng con với tiền lời 7.6%. Nợ này là bắt buộc phải trả dù có khai phá sản, không xù được, chính phủ có thể rút tiền của quỹ hưu trí, hay tiền lương của mình mỗi tháng,… KHÔNG bao giờ mượn Loan này cả và các “unsubsidized loan.”

 

Hổ trợ cho gia đình chiến sĩ: lính mỹ có thể xin chính phủ tài chính để giúp đỡ cho chính mình hay con để học đại học. Phải tìm qua quân đội. Cách tốt nhất là cho con tham gia quân đội, huấn luyện trở thành bác sĩ hay kỹ sư rồi phải sống trong quân đội 10 năm mới được giải ngủ. Mình có quen 2 anh chàng quân y gốc Việt, thấy kiểu này là hay nhất nhưng mụ vợ không cho. Chán Mớ Đời 

 

Hổ trợ cho sinh viên học các trường hải ngoại: sinh viên đi học ở nước ngoài thường là một khoá 3 tháng hay 6 tháng, có thể tìm những nơi cho học bổng để đi học hay các công ty tư nhân. Người ta khuyến khích sinh viên đi học ở hải ngoại để có cái nhìn rộng hơn, thay vì chỉ biết đời sống tại Hoa Kỳ. Con gái mình học ở hải ngoại, có xin được chút chút tiền.

 

Tại Hoa Kỳ, hàng năm có 245 tỷ đôla cho Financial aids nhưng chỉ có $69 tỷ được sử dụng (176 tỷ không được dùng). Lý do là người xin không chịu xin thêm hay không biết cách xin. Nhiều khi điền sai mẫu đơn do đó khi nhận kết quả, phải làm đơn khiếu nại thay vì chấp nhận.

 

Tại pháp muốn vào trường lớn như bách khoa, kỹ sư, quốc gia hành chánh thì phải qua các kỳ thi tuyển quốc gia nên mới có những năm dự bị, học toán lý hoá để thi concours vào các trường lớn. Rớt thì vào học các đại học thường. Ở âu châu đại học công mới có giá còn đại học tư thì không có danh lắm.

 

Ngược lại, tại Hoa Kỳ các đại học tư lại có giá trị hơn nên chỉ số nhận vào đại học danh tiếng như Harvard chỉ có 4.9% số đơn nộp. Đại học nhận sinh viên dựa trên nhiều tiêu chuẩn: điểm học, kỹ năng, chơi thể thao, các công tác xã hội,…do đó ai muốn vào trường y hay nha, đều phải đi theo các phái đoàn y tế về các nước nghèo như châu mỹ la tinh hay Việt Nam.... hay làm thiện nguyện viên tỏng các nhà thương để được giới thiệu khi xin học ngành y.

 

Cách đây mấy năm, có một sinh viên gốc đại hàn kiện đại học Princeton, cho rằng kỳ thị vì anh ta đạt điểm 100% SAT  trong khi một người bạn học da trắng, được nhận với chỉ số 90% SAT. Đại học Princeton cho biết anh ta chỉ biết học nhưng khiếm khuyết các kỷ năng khác như thể thao, xã hội,…thì không có.

 

Con mình phải đi bơi, tham gia hướng đạo để lấy bằng Eagle Scout rồi làm việc từ thiện đủ trò, phải bao nhiêu tiếng đồng hồ như đi múc cơm cho các người vô gia cư, lượm rác ở bãi biển,….đủ trò.

 

Xứ mỹ có rất nhiều công ty tư vấn về đại học. Bà tài tử đi tù nhờ một công ty tư vấn để cho con bà ta vào đại học USC nơi con gái mình tốt nghiệp. Bà ta tốn $300,000 cho công ty này để khai man. Nghe kể họ cho người đi thi SAT ở tiểu bang khác dùm luôn. Họ cố ý không đi thi ở Cali nên phải qua tiểu bang khỉ ho cò gáy nên dễ cho người thế để vào thi dùm. 


Mình có đi tham dự một buổi giới thiệu của một tổ hợp tư vấn giáo dục, do người gốc đại hàn làm chủ. Việt Nam chắc có vài chỗ thấy ở ngoài Bôn Sa nhưng không chuyên nghiệp bằng mấy tổ chức của người Tàu và người đại hàn ở vùng này. Nhóm đại hàn này từ bắc Cali xuống làm ăn.

 

Buồn cười là có một tên trẻ trong nhóm, tự xưng là tốt nghiệp đại học MIT, bây giờ đi làm cố vấn giáo dục, viết tiểu luận cho học sinh, nộp đơn vào đại học. Mình có một tên bạn tàu đài loan học MIT, rồi Master ở Stanford, đi làm, mất việc đành bỏ nghề kỹ sư cơ khí, làm quản lý phòng mạch bác sĩ của vợ. Cho thấy tốt nghiệp trường nổi tiếng, chưa chắc sẽ thành công, không nên chạy đua theo thời trang. Ông bố của tên bạn kể là hắn ở New Mexico, nên mới được nhận vào đại học danh tiếng này vì nếu ở Cali thì số người Mỹ gốc á rất đông nên đại học chỉ nhận rất ít. Nếu không thì 50% được tuyển vào là dân Cali gốc Á. Ai muốn vào các đại học Ivy Leagues thì nên cho con học 2 năm cuối trung học ở tiểu bang khỉ họ cò gáy như Alaska. :)


Phải nghiên cứu kỹ vì được nhận vào trường danh tiếng về môn gì. Nếu được nhận vào về môn xã hội học, khảo cổ học,...thì đa phần trường nhận rất nhiều các sinh viên mấy ngành này vì lấy tiền để trả tiền cho sinh viên kỹ thuật. Lớp mấy trăm người trong khi lớp kỹ thuật chỉ có vài chục. Cho nên được nhận vào trường danh tiếng mà môn ra trường không có việc lại ôm cái nợ to đùng là khổ một đời.

 

Dân đại hàn, họ có các trường dạy kèm như Kumon, các trung tâm dạy luyện thi SAT đủ trò. Hai đứa con mình phải đi học luyện thi 2 tuần trong lúc nghỉ lễ giáng sinh. Công ty này có nhiều packages thậm chí là họ có thể viết luôn các tiểu luận cho con mình nếu mình trả tiền. Mình có thằng cháu, tự học cũng được nhận vào đại học Pennsylvania, vùng đông bắc. 

 

Mình học được cách họ chỉ chuẩn bị thuế má, phân chia tài sản ra sao, cái nào thuộc về công ty, cái nào thuộc về cá nhân để khi con mình nộp đơn xin Financial Aids thì khoẻ.

 

Khi con bắt đầu học lớp tiểu học, trung học đệ nhất cấp (Middle school) thì nên bắt đầu tham khảo, đọc sách. Đi dự mấy cái Seminar về đại học, các trường đại học cũng có tổ chức những buổi này trong khách sạn, để tiếp thị trường của họ. Nên học trường đại học ở tiểu bang của mình ngoại trừ được học bổng toàn phần hay có tiền.

 

Mình thì muốn con học 2 năm đầu ở đại học cộng đồng gần nhà, đỡ tốn tiền. Sau 2 năm thì xin vào học 2 năm cuối tại các trường danh tiếng dễ hơn. Tốt nghiệp Đại học danh tiếng với 2 năm tiền học khá cao thay vì 4 năm. Hai năm trời đỡ được $60,000 tiền học phí, nghĩa là phải làm ra $100,000, đóng thuế $40,000 mới nộp cho trường. 2 đứa tốn mất $200,000 tiền lợi tức. Chán Mớ Đời 

 

Ít ai để ý là tiền học phí là tiền trả sau khi đóng thuế. Chính phủ lại không cho khấu trừ thuế. Do đó học phí đại học rất đắt nên phải suy nghĩ, điều nghiên kỹ lưỡng. Ra trường chỉ  được khấu trừ đâu $3,000 tiền nợ/ năm.

 

Vấn đề là thuyết phục được mấy đứa con nhất là đồng chí gái vì mấy đứa con tranh đua với bạn bè để xem đứa nào được nhận vào trường danh tiếng. Mình thì chỉ muốn học nhiều và ít tiền là giỏi không cần trường danh tiếng gì cả. Con mình đi Seminar với mình, và hiểu nguyên tắc đó nhưng đến phiên nó thì vẫn cứ xin học đại học Cali. Chán Mớ Đời 

 

Con gái mình học chương trình quốc tế với các sinh viên Âu châu và Á châu nên năm đầu học ở USC còn lại thì đi học ở Hongkong và Ý Đại Lợi nên đành phải chi. Nó viết tiểu luận kêu là muốn sống cuộc đời như bố nó khi trẻ, sống tại nhiều quốc gia, nói được nhiều ngoại ngữ nên đành phải cho con theo học. Còn con trai thì học UCSD nên ít tốn hơn, nó xin được học bổng chỉ mượn 25% tiền học.

 

Được cái là thường trú dân ở tiểu bang Cali thì chắc chắn sẽ được nhận vào đại học tiểu bang Cali. Nếu có tiền thì cho con đi học ở tiểu bang khác, còn muốn để dành tiền thì học tại tiểu bang mình ở cũng tốt rồi. Đại học danh tiếng có thể giúp làm bàn đạp nhưng chưa chắc sẽ thành công. Mình có vài người bạn tốt nghiệp tiến sĩ đại học danh tiếng như MIT nhưng nay có người phải chạy về Việt Nam để dạy học.

 

Mình có chị bạn kể là chị ta ngu, nghe lời con nên bỏ tiền cho chúng học UCLA vì có tiếng nhưng vào đó, học không nổi vì ham chơi nên sau 5 năm, thay vì 4 năm, phải học đại môn gì ra trường nên tốt nghiệp ngành khảo cổ học. Tốn $150,000 cho 5 năm học nghĩa là chị ta phải đi làm $250,000, đóng thuế mất $100,000. Ra trường, con không có việc làm phải lái xe cứu thương rồi sau phải chạy qua tiểu bang khỉ ho cò gáy học cho rẻ, ngành tin học mới kiếm được việc làm.

 


Đó là những lỗi lầm cha mẹ con cái hay mắc phải vì cái bản ngã quá cao thay vì lựa con đường chắc ăn. Yếu tố thành công trong đời đâu phải học trường danh tiếng mà có cuộc sống an lành, đạo đức, hạnh phúc, đóng góp cho đời thay vì chạy theo mộng tưởng, trường danh tiếng để rồi một ngày nào, kêu tất cả đều là vô thường thì đã quá muộn. Chán Mớ Đời 

 

Nhs

 

 

 

 

Đàlạt qua tấm không ảnh xưa

 Nhìn tấm không ảnh này khiến mình thất kinh, những hình ảnh thời mới lớn lên tại Đàlạt, nhận ra những nơi đã từng đi qua, đi bộ cũng như chạy xe gắn máy của một thời tưởng chừng đã qua.

 Đường đầu tiên là Đinh Tiên Hoàng, chạy từ bờ hồ (bên trái) lên trường đại học Đàlạt, giáp với đường Võ Tánh, rồi có một đường không nhớ, hình như Phù Đổng Thiên Vương, chạy vào Thung Lũng Tình Yêu mà mình hay vào đó mỗi chiều để tắm ở đập Đa-Thiện. Tại đây, mình chứng kiến một tên chết đuối, con ông bà tàu ở cạnh nhà ông thầy mằng, bên cạnh rạp Ngọc Hiệp vì bảng ngã quá lớn, muốn chứng tỏ là bơi giỏi khi thấy mình và mấy tên bạn đang tắm. Hắn bơi qua bờ bên kia hồ nhưng giữa đường mệt quá nên bơi ngửa vòng vòng rồi chìm. Chán Mớ Đời 

 

Trước mặt là Giáo-hoàng học-viện, nơi mà mỗi chiều thứ tư, lúc 2 giờ, mình đến đây tập đàm thoại anh-ngữ và việt-ngữ với ông cha Leahy mà anh một tên bạn học, nay ở Gia-nã-đại, cho biết là bạn học của cố thủ tướng Trudeau, bố của ông hiện nay. Chương trình là 30 phút nói chuyện bằng anh-ngữ, 30 phút bằng việt-ngữ. Sau đó, thì nói chuyện đâu đâu về những nơi mà ông cha từng đi qua. Giáo Hoàng Học Viện do kiến trúc sư Tô công Văn thiết kế.

 

Ông cha Leahy này có dạy mình Đức-ngữ vỡ lòng đến khi mình sang làm việc ở Thuỵ-sỹ vùng Đức ngữ thì mới học thêm ngôn ngữ này tại trường Berlitz. Dạo ấy, mình phục ông cha này lắm vì ông ta biết tiếng Hán, tiếng Việt, Đức ngữ, anh ngữ, pháp ngữ, tiếng La-tinh, tiếng Tây-đào-nha. Cứ ước gì biết được nhiều ngoại ngữ như ông ta. Không ngờ sau này, lại được du học rồi theo dòng đời, đi làm tại nhiều quốc gia nên phải học ngôn ngữ địa phương.

 

Mình nhớ ơn ông ta là dạy mình học cách đọc nhanh nên khi sang Tây, đọc sách khá nhiều. Ông ta kể gia đình ông ta, cứ mùa đông là bay xuống miền nam Florida sống, khiến mình đã ngu là càng ngu bền. Sau này ra hải ngoại mới hiểu vì quá lạnh nên người già ở vùng bắc lạnh, chạy về Florida ở. 


Nghe nói ông ta đã qua đời, vì nếu còn sống thì chắc trên 100 tuổi. Ông ta là người khai trí mình khi xưa nhưng không bao giờ kêu mình phải trở về đạo. Ông ta cho xem báo Đài Loan chụp hình, kể ông ta và ông cố đạo khác, đạp xe đạp vòng quanh xứ Đài vào năm 1970.

 

Giáo hoàng học viện mới được xây xong nên chưa thấy vườn tược gì cả, phía sau chắc là đất trống để mấy chủng thừa sai, chơi thể thao. Mình thấy có 3 hàng cây nhỏ ngăn đôi giữa trường trung học Bùi Thị Xuân, nằm bên tay phải mà mình đã kể rồi.


Mình nghe kể mấy ông cha ngoại quốc ở Giáo Hoàng học viện, nói tiếng Việt khi làm lễ nhiều khiến giáo dân cười. Có một ông cha Matthias Chen, người Tàu Đài Loan, làm lễ bằng tiếng Việt như: “Chúa ẻ cùng anh chị em!” Rồi giáo dân lại kêu “Chúa ẻ cùng Cha! Đó là lời Chúa!”. Chán Mớ Đời  


https://www.muctimsonden.com/2019/08/giao-hoang-hoc-vien-alat.html 


Trên chút nữa, sau hàng rào của trường Bùi Thị Xuân, là xóm Tăng Văn Danh, nằm trong con hẻm nhỏ đi vào từ đường Võ Tánh, nghe nói là tên ông trưởng khu phố Trại Hầm hay Thái phiên, bị Việt Cộng giết vào năm Mậu Thân. Mình có tên bạn học ở đầu hẻm nên hay sang đây chơi nhưng không bao giờ vào bên trong xóm vì nghe nói có một đám du côn ở phía trong. Trong hình thì thấy hình nhà thằng bạn và một tên học chung ở Yersin khi xưa.

 

Rồi dãy nhà dọc đường Võ-Tánh, có quán nhạc Lục Huyền Cầm của hai vợ chồng Lê Uyên Phương, đâu đó trước lữ quán thanh-niên. Thấy lữ-quán thanh-niên, quán ăn của sinh viên mà mình có ăn một lần, gạo mua bằng sổ gia đình quá dỡ.

 

Sau quán này là đường Hàm-Nghi, uốn cong đến chỗ nhà thờ Tin-Lành, nơi bố của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, làm việc. Gia đình nhạc sĩ này ở gần xóm mình, trên đường Calmette, bạn bè hay kêu em của nhạc sĩ này Vinh Kennedy vì hắn giống Tây lai. Nếu mình không lầm hắn thuận tay trái khi đánh bóng bàn với mình, học sinh Trần Hưng Đạo.

 

Trên đồi thông, thấy dinh tỉnh trưởng mà ngày nay họ tính đập bỏ để xây khách sạn mấy chục tầng. Phía bên trái, thấy khúc đường Phan Bội Châu gặp đường Võ Tánh, chạy lên khu Hoà Bình, với cái tháp chuông cao vời vợi.

 

Thấy dãy phố của ông Võ đình Dung xây cất ngay khu Hoà Bình. Thấy chợ mới Đàlạt và khách sạn Mộng Đẹp cửa thầu khoán Nguyễn Linh Chiểu, người trúng thầu xây cất chợ Đàlạt. Phía tay trái thì thấy dãy nhà công chức ở đường Thành Thái, cuối đường là khách sạn và rạp xi-nê Ngọc Lan rồi lác đác vài căn nhà của ấp Ánh Sáng.

 

 Ấp Ánh Sáng lúc chưa được thành lập, chỉ có vỏn vẹn vài cái chòi

Sau đó là khoảng đất trống, vườn của dân Ấp Ánh Sáng, do ông Cao Minh Hiệu thành lập năm 1952, lấy tên Ánh Sáng, tên phong trào do Tự Lực Văn Đoàn chủ trương. Theo người lớn kể thì từ năm 1930, có mấy cái chòi do người làng Kế Môn và Phước Yên (Thừa Thiên) di cư vào đây lập nghiệp, sau đó họ về quê, lấy vợ rồi đem bà con thân thích vào Đàlạt sinh sống. Bà cụ mình mướn một căn hộ ở đây khi lập gia đình và mình lớn lên, đi học ở trường Ấu-việt, từ đường Bà Triệu đi vào, cạnh cầu bá hộ Chúc. 


Cầu Ông Đạo với con suối chảy về Cam Ly rồi rừng thông sau đường Phạm Ngũ Lão, thấy nhà thờ Con Gà, rồi đến khu Du Sinh, nơi mà ngày nay là nghĩa địa của dân Đàlạt, với đường Huyền Trân Công Chúa, khuôn viên trường Couvent des Oiseaux,.. Sau đó là núi Cam Ly….

 

Phía tay phải thì sau đường Võ Tánh có một vạt đất trống, chắc là sân chơi của học sinh trường Bồ Đề, thấy cái chuông tháp của chùa Linh Sơn. Sau đó thấy phía sau nhà cửa của đường Phan Đinh Phùng. Mình chưa bao giờ đến các khu vườn phía sau này, chỗ đường Hàm Nghi nhìn xuống.

 

Sau đường Phan Đình Phùng thì mình thấy vườn ông Ba Đà, mướn đất của ông bà Võ đình Dung để trồng rau. Đại để các khu đất trống, nằng giữa đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng, chạy từ Mã Thánh xuống trường Việt-Anh là của ông bà Võ Đình Dung cho thiên hạ mướn để làm vườn. Nghe kể trường Việt-Anh, lúc đầu là do con trai của ông bà thành lập rồi sau cho thầy Lê Phỉ mướn lại.


Từ Ngã 3 Chùa, có con hẻm băng qua vườn ông Ba Đà đến đường Hai Bà Trưng, nơi cư xá Công Chánh, nơi gia đình mình trú ngụ từ 1962 đến nay. Mờ mờ thấy căn nhà của gia đình mình với cái dốc đi lên từ đường Hai Bà Trưng, băng qua Thi Sách rồi đến đường Calmette, đến nhà thương Nhi Đồng.

 

Phía tay phải, có dãy vườn nằm giữa đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng, thấy cư xá Bưu Điện rồi lãnh địa Đức bà (domaine de Marie) rồi vườn thông, khu đường Trần Bình Trọng , Yagut,… xa xa là Cam Ly.

 

Thôi ngưng đây, cả phải kể hết đủ trò ngày xưa. Còn về Đàlạt thì chả còn cái gì của ngày xưa. Chán Mớ Đời

 

Nhs