Showing posts with label dl Những mảnh nhớ. Show all posts
Showing posts with label dl Những mảnh nhớ. Show all posts

Người chồng không rửa chén là đúng?

 


Hôm trước, có anh bạn chở vợ đến nhà mình rồi hai bà chở nhau đi mua sắm. Mình và anh ta ngồi nhà nói chuyện. Anh ta kể các dự định tương lai. Đang ngồi uống trà, bổng mình chợt nhớ đến đống chén bát nơi bếp chưa rửa nên xin phép anh bạn cứ tiếp tục kể chuyện đời anh ta trong khi mình rửa chén. Mình thích hóng chuyện thiên hạ.


Anh bạn bổng nói; mỗi ngày anh giúp vợ rửa chén, mình khẽ gật đầu. Anh bạn kêu tôi ít khi làm việc nhà vì chả bao giờ bà nhà tôi thốt một tiếng cảm ơn. Mình nói tôi mà không rửa, mụ vợ về là có chuyện. Thôi thà đi rửa 1 tí còn hơn nghe thuyết pháp mấy tiếng đồng hồ. Vợ tôi không hiểu cái máy xay rác nên cứ đổ đủ thứ trong đó rồi nhấn nút để xay. Thường khi xay rác phải để nước máy chảy, giúp rác bị xay chảy thoát ra cống. Vợ tôi hà tiện nước nên lâu ngày hay bị nghẹt, tôi phải mất công tháo máy xay ra để thông, thà rữa chén bát bớt mệt hơn là thông máy xay rác.

Đố các bác đây là đại lộ nào khi xưa, cách đây 1 thế kỷ?


Hôm trước, có ai kể là ông bố giúp đỡ mẹ chị ta làm việc nhà trong khi đọc báo. Mẹ chị ta quét nhà, đến nơi ghế ông bố ngồi đọc báo thì ông theo tinh thần nhà nho, dơ chân lên, không quên xoa 2 chân để đất rơi xuống để bà mẹ quét. Rồi bỏ xuống, tiếp tục xem đài truyền hình hay đọc báo. May chớ hồi xưa, mấy ông có học đều để móng tay dài, để không làm việc. Mình có mua cái máy hút bụi robot, khi mụ vợ hát karaoke là tự động bò lại hốt bụi, vỏ đậu phụng rơi ,…


Hôm trước, mình có kể vụ phụ nữ Mỹ á châu lấy chồng Mỹ da trắng nhiều. Không hiểu lý do. Có người giải thích cho mình, người da vàng bị ảnh hưởng đô hộ, mặc cảm nên lấy chồng da trắng như được gia nhập giai cấp của kẻ cai trị. Lại có người kêu vì tránh ảnh hưởng nho giáo. Tuy sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ nhưng cái gen trong người của đàn ông da vàng vẫn còn bị ảnh hưởng nho giáo nên khi giao tiếp với phụ nữ á đông, hơi bị đứng hình, tinh thần gia trưởng vẫn hiện hữu, không hoàn toàn như người Mỹ trắng, bị đàn áp, dạy dỗ bởi nữ quyền của phụ nữ da trắng từ thời lập quốc đến nay.


Trong phim và cuốn sách Joy Luck Club, nói về 4 phụ nữ á đông tại Hoa Kỳ. Có một cô con gái lấy chồng Mỹ, quen nề nếp nho giáo nên lúc nào cũng chiều ý chồng. Một hôm, anh chồng muốn ly dị, lý do là cô vợ cứ phục tòng, không bao giờ cãi nhau hay nói cô ta thật sự muốn gì. Đi ăn cơm tiệm, tuỳ chồng quyết định tiệm ăn, … cuối cùng cô ta nổi điên lên, đuổi thằng chồng da trắng ra khỏi nhà. 


Đúng thật, cứ tưởng tượng một bà vợ, tối ngày cứ để mình quyết định. Đàn ông nhiều khi cần một người vợ tỉnh táo để bàn tính chuyện làm ăn, con cái. Mụ vợ cứ kêu tuỳ anh, rồi quay lại với cái điện thoại là điên luôn. Ngược lại gặp mụ vợ không nhất trí, bàn cãi. Cãi ngày chưa đủ tranh thủ cãi đêm, sau đó, mệt thả gà ra đá củng cố tình đồng chí răng hở môi lạnh. Đam mê là nhất thời, tình yêu là Vĩnh cửu. Chán Mớ Đời 


Sau đó lại thấy sống lại với nhau. Được cái là cô vợ, sau đó miệng mồm, chửi bới tên chồng Mỹ trắng nhưng hắn cười vui mấy độ xuân thì. Còn mấy cô kia lấy chồng, hay có bạn trai á đông thì có tên, rất hà tiện, ở chung chia tiền kinh hoàng. Đồ ông thần mua thì cô ta dùng phải chia tiền, còn đồ cô ta mua thì hắn cứ xài miễn phí. Do đó, mình thấy đa số gái á đông đẹp và thông minh thì lấy chồng da trắng. Về tha hồ chửi, sai khiến người chồng, đầy tớ nhân dân. Xong om

Mình thuộc dạng núp bóng vợ

Câu nói của anh bạn, khiến mình nhớ mấy bà bạn của vợ, nấu ăn cực ngon. Đồng chí gái thì ít nấu ăn, mình nấu cho con ăn, trong khi đồng chí gái đi làm về trễ. Con mình thích ăn thức ăn mình nấu, còn mẹ chúng nấu thì chúng nhìn như chợ chiều. Mẹ chúng la, kêu thế lực thù địch nào bảo chúng mày đồ ăn mẹ làm không ngon. Dặn phải đề cao cảnh giác bọn phản động. Con nhà phản động thì 3 đời vẫn có gen phản động.


Mình thấy mấy người bạn may mắn, có vợ biết nấu ăn ngon. Lúc đầu mình cũng thèm muốn mụ vợ thích nấu ăn nhưng sau này biết được sự thật thì không mong mỏi nữa. Hóa ra mình là tên may mắn nhất đời. Lý do là trước các buổi họp mặt thân hữu, mấy bà chia nhau nấu thức ăn. Mấy ông chồng ở nhà, làm cobaye, phải ăn thử món bà vợ thí nghiệm, xung phong nấu đến khi nào cảm thấy ngon thôi. Có lần mình hỏi anh bạn, cả tuần nay ăn mấy lần. Anh ta kể bà vợ nấu từ hai tuần trước, ngày nào cũng ăn 3 buổi, nay nhìn món này là muốn ói. Chán Mớ Đời 


Cho thấy lấy vợ không biết nấu ăn như mình cũng là cái may mắn. Phúc hay hoạ đi vần với nhau. Vợ mình chỉ biết nấu bún riêu, mua thịt cua biển ở Costco, bỏ cho nhiều, thêm cà chua, trứng, hành là ăn ngon. Mấy bà vợ của mấy người bạn, trổ tài nấu ăn, khiến mấy ông chồng ăn ngày chưa đủ tranh thủ ăn đêm, đem vào sở ăn trưa, tối về phải ăn trước mặt mụ vợ để xem có ngon hay không, sợ thế lực thù địch nào đã cho ăn cơm rồi khiến ông nào ông nấy như cái lu. 

Lấy vợ Việt, biết nấu ăn, chưa chắc là phúc lớn.

Mình giúp vợ làm việc nhà. Câu hỏi anh bạn khiến mình giật mình. Mình đâu có giúp vợ, đâu phải bổn phận mụ vợ là làm việc nhà. Vợ chồng lấy nhau, tuy là vợ chúa chồng tôi. Trên danh nghĩa vẫn là hai người đồng hành, vợ lãnh đạo, chồng là đầy tớ nhân dân, cùng xây dựng tổ ấm gia đình. Do đó, các việc liên quan đến cuộc sống thường nhật, phải được chia sẻ, rửa chén bát, giặt quần áo xong thì mình phơi khô ngoài trời với năng lượng xanh, mặt trời và gió. Đem vào thì chiều tối, mụ vợ xếp áo quần vừa xem ca nhạc diva Nail. Mình rửa chén, quét nhà như xưa kia chưa có vợ, suốt 20 năm thì nay cũng là chỗ mình ở thì phải làm thôi, đâu có thể nói các công việc này là bổn phận của vợ, nhân danh làm chồng. Hoá ra lấy vợ như anh bạn là lấy cô ô sin vừa được phục vụ sinh lý miễn phí. Chán Mớ Đời 


Nhiều khi đi ăn tiệc, trên vườn về, quần áo đã được đồng chí gái ủi ngay thẳng. Mình chỉ cần tắm xong là bận vào đi. Đó đâu phải bổn phận đồng chí gái nhưng cô nàng làm vì đam mê là nhất thời, tình yêu là Vĩnh cữu. Mình mới nghĩ được câu này nên ghi lại đây cho nhớ.


Anh bạn kêu bà vợ không bao giờ nói từ cảm ơn khi anh ta giúp vợ quét nhà, hút bụi. Vậy khi bà vợ làm mấy công việc này, nấu mấy món nhậu cho anh ta, anh có bao giờ nói cảm ơn hay đó chỉ là bổn phận của bà vợ. Hút bụi, chùi nhà thì mình có bà Mễ đến lo vụ này, công ty trả nên không lo. Đồng chí gái, có lần kêu ông anh cột chèo với mình, nha sĩ mà về nhà vẫn phải chùi cầu tiêu phòng tắm, mình kêu bà Mễ đến lo, công ty trả tiền, trừ thuế. Mình không hiểu mấy người giàu lại hà tiện, đi làm cả tuần, cuối tuần nghỉ lại lăn vào phòng tắm chùi. Mướn người chùi nhà, khấu trừ vào lợi tức. Khoẻ đời.


Có lẻ mình khi xưa, sinh ra lớn lên trong một xã hội ảnh hưởng nho giáo, với quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Được cấy vào đầu là con trai là nhất, con gái chả là gì. Mình về quê, thấy mấy ông chú họ vẫn nói luận điệu này, cho rằng tao có 3 thằng con giai là phúc cả nhà, dòng họ. Khi cúng tế trong làng, nhà nào có con trai thì đem thúng đi lấy phần chia, còn con gái thì phải ra làng để phục vụ, nấu ăn vớ vẩn. Không được chia phần.


Hồi nhỏ, là anh cả nên mình phải làm việc trong nhà như thổi lò than bếp buổi sáng, nấu nước ấm phá trà, pha sữa,… ra chợ phụ bà cụ dọn hàng, vào vườn cuối tuần. Đến khi mấy cô em lớn một tí là có thể sai. May quá, đi tây nên lâu ngày không sống tại Việt Nam, quên sai em út, sai vợ con.


Từ khi lấy vợ thì được đồng chí gái lãnh đạo, định hướng cuộc đời 3 down 7 up đến nay cũng trên 31 mùa bơ. 31 năm nội chiến từng ngày, bao nhiêu khói lửa và nước mồm, cũng qua đi. Tuần này, phải thay cái vòi nước ở nhà bếp và cái lò vi sóng. Bà Mễ rửa chùi lò vi sóng ra sao, kéo mạnh quá, gãy cái cần. Mua cái cửa mới thì tốn $450, còn mua lò vi sóng mới, giá phân nữa. Mình phải chọn loại mới, không có cái cần để mở cửa. Hy vọng sẽ bền lâu. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen

Nguyễn Hoàng Sơn 





Các tiệm chụp hình xưa tại Đà Lạt

 Hôm rày, có một chị dân Đà Lạt, đọc bài của mình rồi cung cấp thêm những chi tiết khác về Đà Lạt, khiến mình ngạc nhiên vì chị ta biết đến những người mình quen khi xưa. Hỏi ra là em dâu của một người bạn học Văn Học khi xưa, có lần mình đã kể về anh ta. 

Tên Vũ Văn Tùng, người trồng cây si Hàng Thị Ngọc Hiền một thời, nay sinh sống tại Sàigòn. Anh chàng này làm phó, còn mình làm trưởng lớp 11B và 12B nên khá thân. Sáng đi học, từ nhà mình đi theo đường Hai Bà Trưng, đến góc Cẩm Đô thì có anh ta đứng đợi, ngay quán hớt tóc để đi chung đến trường ở đường Hoàng Diệu. Hình như lớn tuổi hơn mình, để tóc dài, bận áo sơ mi màu đu đủ, quần ống loa. Lúc nào cũng chải đầu láng cóng. Mình về Đà Lạt, có tìm anh ta. Đến nhà thì ngay cầu thang lên nhà thương, toàn là nhà san sát và cao ngất đồi luôn. Hỏi mấy người bạn học cũ, không ai nhớ đến anh chàng này. Sau 75, đi xứ khác thì ít ai nhớ ngoài trừ những tên như mình lênh bênh ở không gian vô định.

 Có người cho thêm tin tức về Đà Lạt, như đưa thêm mấy mảnh mosaic để mình ráp thêm vào hình ảnh, ký ức của Đà Lạt xưa. Càng ngày càng lộ rõ hình ảnh Đà Lạt một thời mình sinh ra và lớn lên rời bỏ. Mình vội vã trở về Đà Lạt thăm người thân, lại vội vã ra đi như kẻ si tình, không dám nhìn lại người xưa, đã thay đổi quá nhiều.

Đà Lạt xưa, ít ai có máy chụp hình nên muốn có ảnh thì phải ra tiệm chụp hình, chụp hình phông của họ dàn cảnh sẵn. Ngoài ra du khách viếng bờ hồ hay khu chợ Đà Lạt nhất là khi Tết đến với hoa mai anh đào thì có một nhóm phó nhòm chụp hình dạo. Họ chụp xong thì rửa đem lại nhà hay khách sạn. Rửa ảnh thì dễ, chỉ cần hai chậu nước, bỏ hoá  học vào là có thể rữa ngay.

Loại máy ngày xưa mình thấy là loại nhìn xuống để xem khung ảnh theo quang học

Nếu mình không lầm, đa số người Việt ở Đà Lạt có máy ảnh Pentax, lâu lâu ai có máy Canon là xịn hết chỗ chê. Người mai mối ông bà cụ mình là chú Lữ, sửa đồng hồ chỗ tiệm ông bà Võ Quang Hàm, có máy chụp hình, không nhớ loại gì nhưng khi chụp thì nhìn xuống cái máy thay vì nhìn vào cái hình chữ nhật như loại máy sau này.

Photo Hồng Châu ngay cầu thang chợ Mới Đà Lạt.

Mình nhớ Chú Chín, chồng của thím Mai, làm việc với cô Tuý tại nhà bảo sanh Hiền Chi, hay đứng ở Bờ hồ, cạnh cầu Ông Đạo để chụp hình cho du khách. Trước khi đi tây, ông bà cụ mình có nhờ chú chụp toàn gia đình mình trước khi rời Đà Lạt đi tây. Lúc mình sang Cali thì chú đã qua đời, chỉ có gặp thím Mai, đỡ đẻ bà cụ mình năm một tại nhà bảo sanh Hiền Chi. Khi mình sang Văn Học, có học chung với Đa, con trai độc nhất của chú thím. Khi mới sang Cali, mình ở nhà Đa mấy tuần trước khi tìm mướn được căn hộ trên Los Angeles. Sau này cả gia đình này đại diện nhà trai đi hỏi vợ cho mình. Sau này, Đa hay về Việt Nam làm ăn nên ít gặp lại. Đồng chí gái hay liên lạc với vợ anh chàng, con của bác Hoà, trồng hoa hồng Đà Lạt, làm ty Công Chánh khi xưa. Có gặp lại ông bà cụ mình khi sang Hoa Kỳ chơi. Nay đã qua đời.

Nói đến mấy tiệm chụp hình Đà Lạt xưa. Có lẻ là một thành phố du lịch nên tiệm chụp hình ở Đà Lạt khá đông. Mình nhớ tiệm Mỹ Dung ở đường Minh Mạng, cạnh tiệm Anh Võ, gần photo Đại Việt. Tiệm Mỹ Dung này quen với bà cụ mình nên mỗi lần cần chụp hình căn cước, làm thẻ học sinh, là chạy vào đây chụp. Họ bắt đợi cả tuần hai tuần mới đến lấy hình được. 


Mỗi lần đến chụp hình là họ, chải đầu đủ trò, bắt ngồi nơi ghế, kêu nhìn ống kính, còn ông chụp hình thì lấy tấm vải che phủ cả cái đầu rồi kêu cười lên, nhấn nút cái phèo. 

Hình 4x6 chụp ở tiệm Mỹ Dung

Ngoài ra đi học Yersin, hàng năm có vụ chụp hình chung cả lớp với thầy cô giáo. Bố của một người học chung mình không nhớ tên, đến chụp. Lớp khi xưa có cả 40 học sinh, chơi khá lắm là 5 tên.


Sang tây đi học, có phòng rửa hình nên sau khi chụp hình là có thể rửa ngay. Dễ như ăn cơm. Có tiệm chụp hình, chắc làm ăn khấm khá, sau này thấy tiệm này hùn tiền với mấy đại gia khác như ông Đoàn, xây mấy căn nhà ngay vạt đất đi lên dốc Nhà Làng, đường Phan Đình Phùng, đối diện khách sạn Cẩm Đô. Mình có bò vào đây, xem mấy ông thần Yersin chơi nhạc như Trình, con ông Đoàn, chơi trống…. Nghe nói anh chàng này hiện ở Texas.


Mình nhớ tiệm photo Đại Việt, cạnh tiệm Anh Võ trưng bày một cái máy chụp hình nhỏ như trong phim trinh thám, gián điệp nên mình muốn mua. Phải để dành tiền đến hai năm mới mua được cái máy. Mua về chụp hình được một lần thì bị hàng xóm chôm mất.

Ảnh này cho thấy tiệm Đại Việt, đi xuống một chút có tiệm Mỹ Dung

Đi xuống đường Minh Mạng, đối diện tiệm bi da Hồng Ngọc, cạnh nhà trồng răng của ông hàng xóm Nguyễn Văn Nghi, có tiệm chụp hình Hồng Thuỷ. Có anh bạn học, đọc bài này và có gửi tấm ảnh 4x6 chụp ở tiệm Hồng Thuỷ. Nói chung mấy tiệm chụp hình đều cha truyền con nối. Tiệm này là của con rể ông Trần Văn CHâu, chủ tiệm chụp hình Hồng Châu ở ngay cầu thang đi xuống chợ Mới Đà Lạt. Theo chị này, chủ tiệm tên Dũng. Đi xuống cuối đường Minh Mạng, cạnh tiệm nước đá Thuỷ Tinh, có một tiệm chụp hình Văn Hoa. Hình như con trai tên Hiệp, nối nghiệp ngày nay, quay video cho đám cưới, du khách.

Hình này cho thấy đường Thành Thái, có kem Việt Hưng, tiệm chụp hÌnh Harvest, Người Ảnh, gà Gala, và cuối cùng là rạp xi nê Ngọc Lan. Phần dưới có tiệm chụp hình Văn Khánh

Có lần mình đọc đâu đó, con ông Châu nói là có đem theo qua mỹ, các negatif của hình ảnh bố anh ta chụp khi xưa. Không biết làm sao liên lạc được để xem phim chụp của ông Châu. Ông này khi xưa, có quen bà cụ mình. Mình nhớ bên cạnh, có một tiệm bán đồ cho du khách. Hồi nhỏ mình hay vào đây vào mùa hè, lấy hàng về để xâu chuỗi hột màu đủ loại kiểu người Thượng đeo để họ bán cho du khách, kiếm tiền. Ông này có mấy tấm ảnh Đà Lạt, chụp từ trên máy bay bà già.


Đà Lạt có một nhiếp ảnh gia khá nổi tiếng ở hải ngoại, Phí Văn Trung, con của ông Lãm trong dốc Đào Duy Từ. Có người gửi cho mình một tấm ảnh gia đình chụp tại tiệm chụp hình Nam Sơn, cạnh Chic Shanghai.


Tương tự ở đường Duy Tân, ngay góc Thủ Khoa Huân, có tiệm chụp hình của ông Lợi Ký lâu năm. Sau này ông ta truyền nghề cho con trai, mở tiệm Văn Khánh, chỗ đường vào chợ Đà Lạt, cạnh Nam Đô ngân hàng. (Nay cháu nội ông Ký là Dũng  con chú Khánh vẫn nối nghiệp chụp hình tại tiệm Lợi Ký nhưng nay đổi tên là Ván Khánh…

Hình này chắc chụp sau 75 nên không thấy phòng trồng răng Nguyễn Văn Nghi và tiệm chụp hình Hồng Thuỷ. Đã đổi tên 

(Ông cụ Ký còn người con trai thứ hai cũng mở tiệm chụp hình ở đường Thành Thái gần tiệm kem Việt Hưng đó là tiệm Harvest).

Nghe nhắc đến tiệm chụp hình Harvest mới nhớ cạnh tiệm kem Việt Hưng có một tiệm chụp hình tên này. Sau này, thời ông Kỳ, cấm sử dụng ngoại ngữ đặt tên cho bảng hiệu nên họ đổi lại thành “Người Ảnh”.


Ngoài ra nếu mình không lầm, có một tiệm chụp hình ngay khách sạn Thuỷ Tiên, góc Trương Vĩnh Ký và Duy Tân, cạnh nhà ông Đàng, số 9 Duy Tân. Du khách ngụ tại khách sạn, chụp hình luôn. Nghe nói cũng thuộc con cháu ông Lợi Ký. Tiệm này tên Văn Khánh, sau đó chuyển xuống cạnh Nam Đô Ngân Hàng.

Khách sạn Thuỷ Tiên, góc Trương Vĩnh Ký và Duy Tân, có một tiệm chụp hình

Mình không nhớ ở đường Phan Đình Phùng có những tiệm chụp hình khác ngoài Việt Hoa. Ai biết thì cho xin, để bổ túc. Cảm ơn.

Không nhớ rõ nhưng có lẻ tiệm giữa là Văn Khánh photo. Chỗ này, khi xưa đói diện khách sạn Mộng Đẹp, mỹ đóng ở đó nên tha hồ rữa hình cho lính mỹ nên chắc giàu.

Thiên hạ mách dùm. Cảm ơn 


Tiệm chụp hình ở đường vô chợ là tiệm Văn Khánh con của ông Ký có tiệm chụp hình Lợi Ký … nay cháu nội ông Ký là Dũng  con chú Khánh vẫn nối nghiệp chụp hình tại tiệm Lợi Ký nhưng nay đổi tên là Ván Khánh…

Ông cụ Ký còn người con trai thứ hai cũng mở tiệm chụp hình ở đường Thành Thái gần tiệm kem Việt Hưng đó là tiệm Haverst


Sony NguyenUsa tiệm chụp hình ngay góc đường Trương Vĩnh Ký và Duy Tân là tiệm chụp hình Văn Khánh sau này chuyển xuống kiosque đường vô chợ và cũng là tiệm chụp hình đầu tiên ở Dalat chụp hình màu lấy liền trong 5’…

Sony NguyenUsa và  H nhớ có nhiếp ảnh gia nổi tiếng là Nguyễn Bá Mậu cũng ở cuối đường Mình Mạng cũng trong phạm vi có tiệm chụp hình Văn Hoa mà bác Mậu cũng một thời với bác Hồng Châu và mất năm 1990 do bệnh ung thư.Bác Mậu có hai người con trai cũng theo nghề chụp hình là Nguyễn Bá Trung và một người nữa tên gì thì H quên mất , không biết   tiệm chụp hình Văn Hoa có phải  là của bác Nguyễn Bá Mậu hay không ?

Có người cho biết tiệm Việt Hoa không phải của ông Nguyễn Bá Mậu. Mình nghe ôn thần tên Hiệp, cựu học sinh ở Văn Học nói là con của tiệm này khi xưa.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 








Đón Xuân này nhớ Xuân xưa


Hai vợ chồng bay từ Nam Mỹ về đến nhà chiều 30 Tết. Vợ chồng cô cháu ra đón ở phi trường, đem theo trái cây, bánh tét, bánh chưng nhờ chị dâu mua dùm. Về tới nhà đã gần 9 giờ tối, kịp bày biện cúng rước ông bà. Phải khấn thổ thần đất đai bằng tiếng Mễ, để họ cho ông bà hộ khẩu tạm trú để vào nhà, ăn tết với vợ chồng mình. Phải cúng rượu Tequila cả thổ thần là người Mễ. Cúng rượu đế là họ ngọng, không phát hộ khẩu tạm trú là mệt. 

Thiệp Xuân của Bút Nhóm Lửa Việt năm nay do một anh bạn hoạ sĩ Vũ Đình Lâm ở Pháp thiết kế. Khi xưa, anh ta chuyên vẽ thiệt Tết cho tụi này bán kiếm tiền để giúp tỵ nạn. Nay thiên hạ cứ gửi thiệp qua internet nên anh ta thất nghiệp.

Một ông thầy Phong Thuỷ kể mình như vậy. Người ta nhờ ông ta cúng thổ thần đất đai nhưng cúng rượu tây nên không linh nghiệm và có lần đi Đông Kinh, Nhật Bản để xem phong thuỷ, cúng rượu Mỹ thì không linh. Sau phải đổi rượu sake mới thấy địa linh, giúp gia chủ kiếm chỗ chôn cất cha mẹ. Cho chắc ăn, mình khấn bằng tiếng Mễ, xin chiếu khán cho ông bà mình được qua hải quan cho nhanh, không phải rà xét, khám an ninh như ở phi trường.


Con cháu đang tranh nhau lượm tiền của đồng chí gái thảy xuống sau màn lì xì. Mục này của đồng chí gái làm từ bao nhiêu năm qua trở thành thông lệ. Lo tổ chức giáng sinh, tết cho mấy cháu. Mấy bà chị dâu thì biến mất. Càng ngày càng tốn tiền vì cháu có vợ có chồng, sinh con đẻ cái thêm nên phòng bì càng nhiều. Mình phải thủ trước Noel, có cô người Việt làm ở ngân hàng, để dành tiền mới và phong bì lì xì cho mình. Nếu cận ngày là xem như hết tiền mới và phòng bì lì xì. Ngân hàng họ để sẵn trước cả tháng để khách hàng á châu ra đổi tiền mới và được bao lì xì miễn phí. Không có đồng chí gái thì không có những hội họp đại gia đình. Từ từ kêu mấy đứa cháu tổ chức để sau này, thế hệ mình đi tây thì chúng vẫn tiếp tục thông lệ ở xứ người. Nếu không thì ra đường, không ai nhận ra ai.

Cúng xong thì đi ngủ, trái giờ nên mình dậy sớm, thấy nhắn tin từ Việt Nam. Thấy hình ảnh bà cụ, mấy người em và cháu ăn tết ngày mồng một ở nhà. Thấy vui vì thế hệ cháu mình cũng đánh xì lác. Vui như nhìn lại hình ảnh khi xưa, một thời còn bé. Chắc không có cảnh đi sang hàng xóm khi xưa, khoe áo quần mới vì ngày nay, nhà nào nhà nấy đều có cái cổng to đùng.


Dạo ấy, mỗi năm bà cụ sắm cho một đứa 2 bộ đồ. Quần áo bận một tuần thay. Nay con cháu mình sao quần áo đâu loạn. Đầu năm có áo mới nên hạnh phúc, chuyển giao áo quần cũ cho mấy đứa em kế. Chúng cũng mừng vì cũ anh mới em. Lớn lớn một tí gần bằng ông cụ là được tiếp thu áo quần cũ của ông cụ, cũ bố mới con. Lưng quần thì rộng nên phải lấy đợi dây điện, làm cái nịt đến khi đi tây mới được bà cụ mua cho cái nịch để không thua kém tây.


Mình quen cách xưa nên bận đi bận lại áo quần khiến đồng chí gái hay la. Kêu mua áo quần mới mà không bận. Mình thấy phải tối giãn cuộc đời như khi xưa ở Việt Nam thì mới thấy hạnh phúc trong tầm tay. Leo núi Kilimanjaro 10 ngày không tắm rữa, đâu có chết thằng tây con đầm nào.


Chỉ cần hai bộ đồ thay đổi là được rồi. Đâu cần phải vận đồ này đồ nọ, mệt óc suy nghĩ sao cho hợp gu. Nông dân quanh năm, chỉ thấy lao động nên không cần. Vào vườn chỉ thấy chim sóc và coyote. Không lẻ tạo dáng cho chúng xem.


Khi xưa, mỗi lần tết đến, mẹ mình hay ra nhà bà Phúng đổ xâm hường. Cứ đến cầu thang là nghe leng keng mấy hột xí ngầu trên lầu 1. Mình có kể vụ này rồi, chơi bài chòi, đổ xâm hường của người Huế ra răn rồi. Khách tới nhà, hỏi bố mẹ đâu, nói là đi thăm bà con, họ nhắn lại có bác này bác nọ ghé thăm nhưng quên lì xì. Dạo ấy mình chỉ thích ông bà cụ ở nhà tiếp khách để mình có lì xì.


Ông cụ mình thì đi theo mấy ông bạn Bắc kỳ, đánh tổ tôm như để nhớ lại thời còn ở quê. Mẹ mình thì đổ xâm hường như tìm lại không gian của Huế xưa. Dạo đó còn nhỏ mình không hiểu nên trách bố mẹ. Nay về già mới hiểu bố mẹ mình.

Hình ảnh đẹp nhất đầu năm 2023

Những hình ảnh gia đình xum họp ở Đà Lạt, đem mình về miền lơ bơ của thời xa xưa. Thường trước Tết, ông cụ kêu mình lấy bộ lư hương và cái bình bông vỏ đại bác trên bàn thờ xuống để chùi cho sạch bóng. Đồ làm bằng đồng cả năm bám khói đen xì. Ngoài ra phải chùi cái bình bông cổ cò để cắm cành Anh Đào.


Mình chạy ra tiệm bên cạnh nhà sách Thiên Nhiên, ở đường Minh Mạng, mua chai chùi đồ bằng đồng. Đồ đồng có cái lạ là càng chùi chúng càng ra màu đen nên phải chùi hoài. Mình bắt đầu cặp chân đèn, sau đó đến cái lư hương, rồi đến cái bình bông là cái vỏ đạn đại bác. Nặng chình chịt mà miệng phải khấn ông bà khi đem xuống.


Khi xưa ông cụ đi lính, từ khi bị Việt Minh, ở quê, bao vây nhà ông bà nội ban đêm, khi mọi người đang ngủ để giết vì không theo họ. Trốn thoát được vào nam, đi lính để được đi đây đi đó trên 4 vùng chiến thuật. Khi giải ngủ, ông cụ có gia tài là một hộp đồ nghề của y tá chiến trường, gồm một hộp sắt có kim chích và cái kéo để cắt băng bó và cái nón sắt của lính.


Lúc đầu giải ngủ, không có công ăn việc làm, ông cụ đi chích dạo kiếm tiền, phụ bà cụ nuôi mình. Ngoài ra còn đem về cái nón sắt, bà cụ dùng làm cái cối để quết chả, dầm tỏi, hành khi nấu ăn. Mỗi lần, nhà mình làm chả cá là hàng xóm biết vì tiếng chày dập vào cái nón sắt nghe bộp bộp trong đêm. Thêm cái vỏ đạn đại bác bằng đồng to đùng để làm bình bông trên bàn thờ.


Chùi xong xuôi thì phơi nắng một lúc rồi đem lên bàn thờ. Trong lúc phơi nắng thì lau bàn thờ cho sạch bụi và nhang tàn. Sau đó mang cơm trưa ra cho bà cụ ở chợ. Xách gà mèn có 4 tầng, tầng chót là cơm, tầng thứ 2 là món xào, tầng thứ 3 là canh và tầng 4 là rau luộc.


Đi lang bang, băng qua hai con suối từ Số 6 chảy về, và vườn rau đến Phan Đình Phùng, chỗ nhà thuốc tây Lâm Viên rồi lên đường Minh Mạng, ra chợ. Ngày thường, bà cụ ăn ở ngoài chợ nhưng cuối tuần, mình nghỉ học nên bới cơm, đỡ tốn tiền.


Ông cụ ngủ trưa xong, ra chợ, dẫn mình đi lựa cây đào để về chưng ba ngày tết. Cành nào đẹp, biểu hiệu cho năm mới phát Lộc phát tài. Trước cửa chợ Đà Lạt, có dãy hàng hoa. Hai cha con cứ lượn tới lượn lui để xem cây anh đào. Cứ mỗi lần, ông cụ thích cành nào, hỏi bà bán hoa. Câu trả lời của mấy  bà này làm ông cụ giật bắn người vì đắt quá. 

Chợ Hoa Đà Lạt năm xưa


Cuối cùng ông cụ chọn một cành rồi đem về nhà, bỏ vào cái bình hoa cổ cò mà mình đã chùi sạch. Bỏ thêm 2 viên aspirin, nghe nói để lâu tàn. Sau đó, ông cụ lấy mấy tấm thiệp chúc tết của thân hữu, móc lên cành như trang trí cây đào. Ông cụ sung sướng và hãnh diện sau khi kết thiệp chúc tết, cứ đứng ngắm nghía, rồi kêu mình xoay cái chậu hoa qua trái, qua phải.


Hôm sau, mình ra chợ phụ bà cụ, dọn hàng, mở cửa sập. Trước khi đem giỏ rau cải, thịt cá về cho chị người làm nấu ăn, bà cụ kêu ra hàng bà bán nhánh Anh Đào cho ông cụ hôm qua, quên tên. Nói đưa cho má con 2 bó bông vạn thọ đẹp nhất và hai chục hoa Huệ. Cứ nói tên bà cụ là bà bán hoa, lấy ngay hai bó đẹp nhất để bàn thờ và một trưng ở phòng khách. Ông cụ mình thay vì trả giá, nên kêu tôi là chồng của bà Thuận, là khỏi mất công trả giá. Bà này thân với mẹ mình.


Mình ở chợ đến tối mới về. Lý do là có chợ Tết chợ đêm. Trước Mậu Thân, Đà Lạt có chợ đêm khi Tết về. Hình như chỉ có 2 tuần trước tết. Phải đóng thêm thuế. Thấy ông cò đi ngang, đưa biên lai, rồi bỏ túi tiền bà cụ hay mấy người bạn hàng của mẹ mình. Bà cụ có cái kho hàng nên khi hết đồ bán thì mình vào kho, lấy ra để trưng bày cho người mua. Nói chung mình không biết buôn bán dù ra chợ từ bé. Mình không nhớ đã bán được gì cho bà cụ. Ngoài việc, sáng dọn hàng ra trước khi đi học, chiều dọn vào. Lý do là bà cụ cứ mang bầu hoài. Bà hoạ sĩ Bé Ký cứ vẽ hình ảnh ngươi mẹ và đứa con, tượng trưng cho chữ Hảo. Trong suốt 17 năm ở Đà Lạt, mình chỉ thấy bà cụ mang bầu như chữ Hảo. Vừa sinh xong, ở cử được một tháng, lại nghe có bầu lại.


Đến chiều thì có cô em kế phụ mình rữa chén đĩa. Mình không hiểu lý do nhưng thường cận Tết, thiên hạ làm đám cưới nhiều. Khi xưa, đám cưới, họ mời bà con đến ăn cưới tại nhà. Hàng xóm qua phụ nấu ăn, cho mượn cái bàn, mấy cái ghế. Chén đĩa thì hơi rắc rối, có thể lầm của nhà này qua nhà kia nên họ mướn chén đĩa của bà cụ. Ăn xong theo bản tính dân tộc việt, ít ai rữa chén lắm nên đem ra trả cho bà cụ và trả tiền rữa chén đĩa dơ luôn.


 Mình và cô em gái kế thầu vụ rữa chén đĩa này. Trong xóm mình khi xưa, khi nhà ai có kỵ giỗ đều chạy qua nhà mình mượn chén đĩa và ghế. Cái khổ là họ mượn ghế để mời khách nhưng anh em mình đến giờ cơm phải đứng ăn vì không có ghế ngồi. Nếu hàng xóm tốt thì họ đem trả ghế, chén đĩa kèm theo hai chén chè và một đĩa xôi. Còn không xem như anh em hy sinh đứng để hàng xóm ngồi trong tinh thần tương thân tương trợ.


Nói tới vụ xôi chè. Mỗi lần nhà mình có kỵ giỗ là ông cụ sai đem chè và xôi qua nhà hàng xóm biếu lấy thảo. Mình thấy chè, xôi nhiều, định bụng sẽ ăn một trận cho đã đời. Xóm mình có đến 7 gia đình nên quay đi quay lại không còn gì cả. Chán Mớ Đời 


Bà cụ cho thuê chén đũa với 20% giá vốn. Nếu họ làm bể thì tính thêm 100%. Trả tiền rữa chén đĩa đâu 5%. Bà cụ cứ chỉ mình và cô em gái bé nhỏ, ngồi rữa chén bên cạnh cái bồn nước khi họ trả giá. Tui đâu có ăn lời, tụi hắn rữa chén để mua áo quần mới cho ba ngày Tết.  Rữa xong phải úp cho khô, rồi lấy giấy báo gói lại rồi chồng lên nhau cho đủ 1 tá, lấy dây lát cột lại, bày lên bán lại như mới. Xong om


Thường thì độ 8 giờ tối thì mẹ mình kêu thằng Dư, hàng xóm, anh con Thuý, có mẹ bán cơm ngoài dãy đồ ăn, kế bên đồn cảnh sát. Khi nào về thì dẫn mình đi theo. Sau này lớn lớn một tị thì mình và cô em đi về chung.


Mấy ngày trước Tết, bà cụ sai mình đem nếp, đậu xanh và thịt vào nhà bác Tám ở đường Tăng Bạt Hổ, có hai thằng con trai tên Phước và Hải và mấy cô con gái. Hình như có một chị tên Nga, nhà đông con gái lắm nên không nhớ nổi. Dạo ấy, bác Tám có sạp bán đồ đi học, văn phòng trên lầu. Cứ đến mùa tựu trường, là đem danh sách, thầy cô bắt mua cái gì, chạy ra Bác mua như Porte-plume, encrier,.. bác Tám trai nấu bánh tét và bánh chưng ở phía đồi bên kia dốc đi xuống nhà bác. Mình nhớ vạc đất been cạnh nhà rất rộng. Sau này chắc khẩm bạc.


Sau này, bác Tám nghỉ bán ngoài chợ, mượn tiền mẹ mình để xây nhà lầu, mở tiệm chè Mây Hồng. Sau 75 thì xù nợ nên hai nhà không qua lại nữa. Hôm trước nghe tin bác C, khi xưa ở đường Hàm Nghi, mượn tiền bà cụ rồi cũng xù, dọn về gần khu nhà mình, bị bệnh nằm liệt giường cả 10 năm, mới qua đời. Ngày 30 thì đem giỏ đến nhà bác Tám lấy bánh tét và bánh chưng đem về. Nói cho oai chớ thường là 1 cặp bánh tét, 1 cặp bánh chưng để ăn tết.


Chạy lên nhà bà Thủ, khiêng một két nước cam vàng và 2 chai bia con cọp để mời khách. Tết có khách đến nhà chúc tết, khách nào quý là biết liền. Mẹ mình kêu đem chả thủ, thịt đông, đem nước cam vàng là khách xịn, còn chỉ kêu pha trà đem ra để ăn mức là khách xoàn. Vấn đề khách xoàn cho lì xì khá hơn khách xịn. Cho thấy mẹ mình có vấn đề tin bạn nên hay bị khách xịn giựt hụi. Khách về, mấy anh em chia nhau uống những giọt nước cam vàng còn sót lại trong chai.


Trong xóm mình, cũng có nhà nấu bánh chưng, bánh tét. Trước Mậu Thân thì có nhà ông Kiếm, người Quảng Trị, nấu bánh tét. Hình như chỉ có người Bắc mới nấu bánh chưng. Tối tối, ra ngồi với thằng Sữu, con ông Kiếm, xem nồi bánh bánh tét. Ông Kiếm, để 3 cục hắc lô, rồi bắt cái thùng thiết lên, bỏ củi ở dưới. Chỉ này, ông ta lấy của xe hủ lô. Dạo ấy, làm đường người ta dùng xe hủ lô để cán đường cho bằng. Xe này chạy bằng hơi nước nên lấy củi đốt. Lâu lâu thấy ông ta lấy cái ấm nước nóng, châm thêm nước và nồi.


Ngồi chồm hổm, nghe mấy tên lớn tuổi hơn mình trong xóm như thằng Dư, thằng Sữu hay anh Bình kể chuyện ma. Kinh. Chúng nói về ma-lai. Ban ngày là người bình thường, tối lại cái đầu của nó tự rút ra khỏi thân mình, đi ăn cứt người. Ai mà ỉa vất, chúng ăn được thì biến thành ma-lai, khiến mình sợ không dám ỉa vất nữa. Chịu khó ra cầu tiêu tập thể ở cuối xóm.


Dạo ấy, nhà trong xóm không có thiết kế theo kiểu bây giờ có nhà cầu trong nhà. Nhà chỉ có 1 gian làm bếp, còn chỗ ở thì có hai phòng ngủ. Có 3 cầu tiêu công cộng cho cả xóm, 7 gia đình. Ban đêm mà đi cầu phải thắp nến để đi. Vào nhà cầu thì nhỏ nến trên nền rồi cắm xuống nhưng thường đang đi là bị gió thổi tắt nến rồi, nên vào cầu tiêu là lạng quạng, sợ ma. Nay chúng kể chuyện ma-lai nên càng són đái.


Mình hay xem con Thuý, hàng xóm, em thằng Dư, có ngấn cổ hay không vì con này hay ỉa vất chỗ vườn bà Kiếm. May nó không có ngấn rút cổ ra ban đêm. Người lớn kêu khi ngủ đừng có trùm mềm vì hồn vía đi đâu, về không thấy cái mặt da đen của mình sẽ bay mất, mình sẽ mất hồn. Mà đúng thật! 


Mình mất hồn vì thắc mắc tại sao con Thuý đi tè lại ngồi, không đứng như mình. Một hôm, nó kêu mình đi trốn với nó, rồi bảo mình vạch quần cho nó xem con chim của mình rồi nó cho xem cái lỉm của nó. Nó xem chim mình xong kêu cu đen và từ đó cả xóm kêu mình là cu đen để khỏi lộn với mấy tên khác ở nhà gọi là cu. Mình bảo nó cho xem chim nó thì hồn vía mình bay đi đâu, chưa trở lại nên mình đâm ra ngu ngu từ đấy đến nay. Sau này, con Thuý và Thằng Dư dọn lên Ban Mê Thuộc và không bao giờ gặp lại. Nếu gặp lại, mình sẽ hỏi nó, ngoài mình ra, có xem chim thằng Đắc trong xóm hay ai khác mà so sánh cu mình đen. 


Tháng 2 này mình về Sàigòn hai hôm, không biết có duyên gặp lại mấy cô hàng xóm khi xưa hay không. Cuộc đời, có duyên thì gặp lại còn không trên mạng cũng vui chán. Kỳ này về, bay ra Hà Nội, thăm quê, cúng xin ngày xây lại căn nhà thờ họ.


Đang bay bay về Đà Lạt thủa xưa, bổng nhiên nghe tiếng điện thoại báo có người nhắn tin. Hóa ra hai người bạn, báo tin đám cưới con của họ, mời đi dự vào tháng 4 và năm. May quá, không dự định đi chơi hai tháng này nên trả lời tham dự. 


Nhớ sực là mồng một tết nên gọi điện thoại chúc tết ông cậu và bà dì ở Mỹ. Nhắn tin vài người quen, chúc tết. Không còn xa xỉ thời gian như xưa, gọi hỏi thăm nhau. Nay thấy thiên hạ, lượm ở đâu những câu chúc tết với hình ảnh rồi gửi cho bạn bè hàng loạt. Không còn gì đặc biệt từ tâm, nay chỉ lượm ở đâu rồi gửi hết cho mọi người. Dần dần mình không biết có thân với mình hay không. Đâu là bạn, đâu là người quen.


Mình chỉ lựa vài người thân thích nhất như anh chị vợ, thảo một đoạn chúc tết riêng, chúc được nhiều sức khoẻ. Mình còn nợ mấy lá thư chúc tết, viết tay cho mấy người quen ở Âu châu. Họ lớn tuổi nên không biết đến internet.


Khi xưa, mình hay viết thư chúc tết, kể lại những gì xẩy ra trong năm. Nay thì lười vì con lớn hết. Không có gì lạ để kể. Chưa có dâu rể nên chưa có cháu để khoe.

Thường ở nhà mình thì đông hơn, có nhiều đứa cháu phải về bên chồng nên vắng bớt.

Hôm qua, mới xuống phi trường, đã nhận tin ông Rich Dad qua đời, rồi con gái báo tin một ông bạn người Mỹ, quen khi mấy đứa con đi bơi cùng đội với con ông ta. Có hẹn với ông ta qua tết đi ăn cơm. Nay chưa về hưu đã lăn đùng, được Chúa gọi về. Mình nhớ những gì ông ta mơ ước, sẽ làm sau khi về hưu, năm tới. Nghe nói tác giả bài Mặt Trời Bé Con cũng vừa qua đời.


Đang ngồi, đọc cuốn sách, mua trước khi lên đường. Tự nhủ sẽ đọc trong 4 ngày trên tàu khi vượt eo biển Drake về miền Nam Cực. Ai ngờ sóng đánh ngất ngư nên chả dám đọc. Cầm cuốn sách là thấy lắc Lư con tàu đi đến chóng mặt. Internet cũng yếu, lúc có lúc không nên chả có mò tin tức gì cả. Chỉ nằm trên giường, vắt tay lên trán để nghĩ đến sự ngu dại, bỏ tiền để bị say sóng. Xem như một lần đi một lần Vĩnh biệt. Don’t cry for Sony! Argentina.


Đồng chí gái đi ra, đưa cho cái áo dài và cái quần, kêu bận vào đi ăn Tết ở nhà thằng cháu. Mọi năm, ăn Tết đại gia đình được tổ chức ở nhà mình để anh em con cháu tụ họp ăn uống, lì xì và đánh bài hay bầu cua cá cọp. Năm nay đi chơi xa nên thằng cháu xung phong lãnh đạn dùm.


Đồng chí gái mua cái áo dài này lâu lắm, chỉ mặc một lần để chụp hình. Mình hỏi sao không mua áo the. Mụ vợ kêu cái này đẹp vui hơn. Mình thì thấy rồng rắn, cọp beo gì đó, màu mè như tuồng chèo nhưng vợ bảo thì nghe, cho thái bình đến đầu năm. Đầu năm phải kiêng đối thoại và cử đối choại, chỉ vâng lệnh thủ trưởng thì cả năm mới yên vui gia đạo. Mừng Xuân mừng thủ trưởng.

Đi đến Phước Lộc Thọ, đón anh vợ, thấy trực thăng đi diễn hành đủ trò. Họ kéo cả trực thăng cũ.

Vấn đề là phải ra Phước Lộc Thọ đón ông anh vợ. Ông anh ở cách nhà mình có 5 phút đi bộ mà đồng chí gái hẹn đón ông anh ở Phước Lộc Thọ. Lý do là ông anh vợ bắt đầu trả nhớ về không, con không cho lái xe, rút bằng. Bà chị dâu bán ở Phước Lộc Thọ, nên hay chở ông anh ra đó chơi vì ở nhà buồn. Mình không dám đối thoại, không dám tôi đối thoại là tôi hiện hữu, hỏi đồng chí gái, sao không nói anh ta đợi ở nhà, qua đón đi luôn tới nhà thằng cháu, cách nhà mình 10 phút. Phải chạy đi chạy lại. Có kiêng có cử có lành.


Ra Bolsa, cảnh sát đóng cửa mọi nơi tụ về Phước Lộc Thọ vì có diễn hành Tết ở Bolsa. Mình nhìn bản đồ xem chỗ nào ít kẹt xe để chạy. Cuối cùng mình đậu xe ở trường học, rồi đi bộ đến Phước Lộc Thọ, đón anh vợ. Lại bị anh vợ sặc cà rây, bắt anh ta đợi đến 2 tiếng đồng hồ. Mình chỉ biết cười cầu tài. Có kiêng có cử mới có vợ. Dẫn ông anh vợ đi bộ lại xe. Mình quen đi nhanh, quay lại thấy anh ta chạy theo, kêu đậu mô mà xa rựa. Chán Mớ Đời 


Đi trên đường thấy người Việt đông như quân Nguyên, đi xem diễn hành, thấy xe chở trực thăng, mấy ông cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, bận quân phục đi ào ào. Có hình ảnh rất thương, bà vợ đẩy xe lăn ông chồng, cầm cờ Việt Nam Cộng Hoà. Mấy bà thì bận áo dài, còn con cháu thì bận áo dài mang giày bata. Du khách việt khắp nơi về ăn tết đông lắm. Có ông Mỹ bận áo dài, cõng hai đứa con, bà vợ người Việt, vận áo dài, cầm tay đứa thứ 3, lọt tọt đi sau.


Nhớ bà dì kêu có hai đứa cháu nội, quen hai đứa bạn người Tàu hết. Mình nói thì lấy ai cũng được, miễn là người tốt. Dì kêu, con gái lấy chồng ngoại thì được. Còn con trai mà lấy vợ Mỹ là khổ. Hỏi răn rứa. Dì giải thích là phụ nữ da trắng xài tiền nhiều lắm, không chắc chiêu như phụ nữ Việt Nam. Có người bạn, có thằng con, lấy vợ Mỹ. Hắn đưa tiền cho mạ hắn giữ. Mạ hắn lại đưa lại cho con dâu khiến thằng con la chới với. Kêu con đưa cho mạ để giữ vì con vợ con tiêu xài, không biết tính toán.


Cuối cùng, dẫn anh vợ đi bộ 1 dặm thì cũng đến xe. Thấy mụ vợ đứng ngoài xe là biết có chuyện, có sự cố. Cô nàng bỏ điện thoại trong xe, bước ra xe để ngóng tin ông anh, tự hỏi sao thằng chồng, đầy tớ nhân dân đi lâu thế. Tesla khóa cửa thế là ngọng, không vào xe được. Không gọi mình mở xe từ xa được vì không có điện thoại. Thấy mụ vợ hầm hầm như lỗi của mình, khiến mụ đứng nắng Little Sàigòn mà chợt mát bởi vì đồng chí gái bận áo dài Bolsa.

Cháu gái đang hôn anh vợ sau khi được lì xì. Ông anh này rất tình cảm, thương em út, cháu. Gặp mình cho đi bộ ná thở

Đến nhà thằng cháu thì đám cháu đã ăn sạch nồi bún riêu, chỉ có bánh tét là chúng chê, để dành cho mình nên phải ăn. Chụp hình, lì xì cả nhà rồi về ngủ. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Bài tango cuối cùng tại Buenos Aires

 Sáng nay, phải đánh thức đồng chí gái dậy vào lúc 9 giờ sáng. Ăn sáng xong lại lên đường. Điểm dừng thứ nhất là quảng trường tháng năm, Plaza de Mayo đánh dấu tháng 5 cho cuộc cách mạng dành độc lập. Dạo ấy, ông Napoleon đánh chiếm xứ Tây Ban Nha nên sẵn dịp dân ở A Căn Đình, đúng hơn là các lãnh thổ, thuộc địa của Tây Ban Nha tại Nam Mỹ đứng dậy lật đổ ông sứ thần của vua Tây Ban Nha, tự xưng độc lập như Mễ Tây Cơ hay Hoa Kỳ,… họ chán phải đóng thuế cho mấy ông vua ở trời tây.

Tango đủ nơi trong Cabaret

Nhớ dạo mình còn sinh viên, có xem cuốn phim tài liệu về mấy bà mẹ mỗi cuối tuần ra quảng trường này, dương biển ngữ, hỏi con tôi đâu. Khi đám hội đồng tướng lãnh, lật đổ vị tổng thống được dân bầu lên. Họ kêu sinh viên là bọn mát xít nên bắt nhốt hết, rồi một số bị bắn giết, tra tấn,… nghe nói trên 30 ngàn mất tích, đến nay thân nhân, không biết tin tức.  Gần đây có một phim kể về ông quan toà xử án mấy tướng ra lệnh thủ tiêu. Nghe nói đoạt giải Oscar.

Họ đứng trên cái bar để nhảy tango, có cặp có đôi. 4 cặp nam nữ

Chụp hình kỷ niệm xong thì lấy xe buýt du lịch, chạy vòng vòng thủ đô. Giá 30 đô/ người thay vì 60 nếu trả bằng thẻ tín dụng. Khá hay! Từ những khu nghèo như La Boca có đội tuyển Boca Junior nổi tiếng, đào tạo những cầu thủ danh tiếng như Maradona,… thấy dân tình đi xem đá banh, đông như người bản xứ. Mua áo quần, cầm cờ xí đủ loại.

Xe chạy qua bến tàu cũ được họ thiết kế lại thành khu sang trọng như Wharf ở Luân Đôn. Nhà cửa đẹp, kiến trúc khá bắt mắt. Hình như thấy chiếc cầu do một kiến trúc sư Tây Ban Nha thiết kế. Mai rảnh mình chạy lại xem. Xe chạy nhiều nơi chính của thủ đô, sau đó hai vợ chồng nhảy xuống xe đi bộ vòng vòng rồi kiếm tiệm ăn vì đã 3 giờ chiều. Ăn xong lết bộ về khách sạn vào lúc 8 giờ tối. Tắm rữa xong thì thay áo quần, đợi tài xế đến rước đi xem Tango show. Một loại giải trí mà du khách đến xứ này, không bỏ qua. Mình thấy khuya nhưng đồng chí gái muốn đi nên phải đặt vé.

Đang ngồi, đèn tối bổng nhiên nghe tiếng hát phía sau lưng quay lại thì thấy cặp dưa hấu dừng sựng trước mắt. Đồng chí gái kêu bà này bơm ngực. Mấy bác nghĩ sao chớ em bị ám ảnh rồi. Chán Mớ Đời 

Chương trình có hai phần, ăn tối và xem show. Mình nói không cần ăn tối vì thường những bữa ăn tối như vậy, không ngon và đắt tiền. Mình xem trên mạng thấy giá mỗi show như vậy trung bình là $290/ người khiến mình xót tim nhưng đồng chí gái muốn thì phải chìu. Mình hỏi tên đổi tiền thì hắn lấy chỗ cho mình giá 41,500 AR. Tính ra giá chính thức là 245 đô, còn trả tiền tươi đổi là phân nữa, độ 125 đô/ người.

Đúng giờ tài xế đến đón với xế xịn Mercedes, bận đồ vét xôm trò, mở cửa cho đồng chí gái. Mình bận đồ bần cố nông, lại được tài xế bận đồ xịn, ngã nón chào đủ thứ. Đến nơi, là khách sạn to đùng, thảm đỏ đủ trò đi vào thấy đẹp sang quá cở đối với nông dân như mình. Đến nơi, nói tên, họ đưa vào chỗ ngồi. Thấy đa số đến ăn cơm tối trước. Đang đến phần tráng miệng. 

Ngồi xuống, họ đem rượu tới mời nhưng từ chối, đồng chí gái kêu trà, mình thì chỉ uống nước. Họ đem ra hai chai nước, uống chưa hết đã thấy họ đem ra thêm. Trước khi mở màn, họ đem biên lai đến để thiên hạ trả tiền. Không quen nên phải móc một cọc tiền ra rồi đếm tới đếm lui đến 90,000 AR thành một cọc tiền dày.

Không khí như một cabaret, chứa độ 100 người. Ban nhạc gồm 5 người, 1 dương cầm, 2 accordion, 1 contrabass và một vĩ cầm. Nhạc bắt đầu thì từ từ sân khấu hiện ra 4 cặp nhảy tango ào ào rồi thay đổi với hát. Có 2 ca sĩ chính, 1 nam 1 nữ. Bà ca sĩ, đi phía sau lưng mình hồi nào, bổng nhiên réo lên khiến mình quay lại. Nhìn lên chỗ sân khấu mấy nhạc sĩ thì chỉ thấy 2 trái dưa hấu của bà ta vì bận áo lộ hàng, chân dài tới đầu mình. Kinh

Đồng chí gái kêu bà này bơm ngực. Nói chung mình chả nghe bà ta hát, chỉ ngưỡng mộ cặp dưa hấu to đùng của bà. Các vũ công nhảy múa trên bàn của cái bar, trên sân khấu đủ trò. Họ hát nhạc xứ họ theo điệu Tango nên chả biết. Chỉ có một bài là nhận ra La Cumparsita. Xong om

Đồng chí gái kêu đi nhà vệ sinh, mình đứng dậy khiến đồng chí gái ngơ ngác. Mình nói đi với tây thì phải lịch sự khi vợ đứng dậy còn thường thì làm nông dân. Mụ vợ kêu khỏi cần. Chán Mớ Đời 

Có nhiều người Mỹ bỏ ra về sớm, cạnh bàn mình có một cặp trẻ Ý Đại Lợi, ra về sớm. Chắc tại tên bồ ngắm mấy quả dưa hấu của bà ca sĩ độ 50 tuổi. Cứ nghe nhạc tango từ đầu đến cuối nên hơi bị Chán Mớ Đời. Xong chương trình, thiên hạ vỗ tay như du khách. Hai vợ chồng ra về, đi tiểu lần chót như bản cuối tango.

Tango là một vũ điệu nghe nói ảnh hưởng từ các người nô lệ đến từ phi châu, rồi thêm mấy người di dân, xa quê hương từ Ý Đại Lợi, Đức quốc,… dưới thời cai trị của chế độ quân phiệt thì bị cấm. Lý do nam nữ ôm nhau quá gần. Phải công nhận ôm gái nhảy kiểu mấy vũ công thì chắc chưa hết bài hát, là đã đè xuống rồi, thấy mấy bà đưa chân, đá móc, kẹp vào thân thể đàn ông thì ai mà chịu được. Chỉ có mấy ông đồng tính thì chắc không cảm giác gì.

Thấy họ vẽ trên tường ngoài đường về đồng tính nữ. Chán Mớ Đời 

Nói đến đồng tính, hôm kia đi bộ, thấy phía trước có một bà thân hình thon thả, đến khi bà ta quay lại, thấy một ông để râu khiến mụ vợ hét lên kinh hoàng. Đi ngoài đường thấy nhiều cặp đồng tính, dẫn chó đi ỉa,… khá đông. Ở Quận Cam, đi xe không nên ít thấy. Đây đi bộ nên gặp nhiều. Hôm qua hai vợ chồng đi bộ đến 12 dặm. Đồng chí gái đi theo được dù khôgn mang giày, chỉ đi dép. Phụ nữ họ muốn đẹp để chụp hình.

Ra cửa, đã có bác tài xế đợi. Về tới khách sạn, boa nặng cho bác vui vẻ, đợi hai vợ chồng từ 9:15 đến 12:15. Lên giường ngủ tới sáng. Mệt, đi bộ cả ngày trên 11 dặm, lại thức khuya quá 12 giờ đêm. Đồng chí gái nhắn tin đủ trò với bạn. Giờ mình dậy sớm, mụ vợ còn ngáy. 

Trả tiền bằng một cọc tiền. Kinh

Tối nay phải dọn qua khách sạn Sofitel ngủ với nhóm đi chung tàu. Sáng mai họ đưa ra phi trường, xuống Ushuaia để lên tàu ra khơi. Đi Nam Cực. Sau chuyến hải trình, mình phải bay về B.A., ngụ lại một đêm vì máy bay đến trễ so với chuyến bay về lại cali. Sẽ về ngày 30, kịp cúng ông bà. Con cháu đi chơi quá độ.

Hôm nay, đợi ăn sáng xong thì gửi hành lý cho khách sạn, đi chơi một tí, trưa ghé Sofitel lấy phòng. Sau đó về khách sạn lấy hành lý rồi tính sau. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn