Showing posts with label Chốn cũ người xưa. Show all posts
Showing posts with label Chốn cũ người xưa. Show all posts

Lafaro và Faraut Đà Lạt xưa


Tuần này, đầu óc mình hơi bị lộn xộn khi bạn bè nhắc đến những tên quen thuộc khi xưa tại Đà Lạt. Số là nói chuyện về rượu dâu tằm Lafaro Đà Lạt rồi mình muốn kiểm chứng với anh bạn học cũ hiện sinh sống tại Đà Lạt thì lại nghe đến tên Faraut. Hai tên này quen quen lại đọc tựa tựa nên lộn xộn đầu óc nên phải đi hỏi thiên hạ. Lại đọc tên tây nào bán cà phê rượu ở Đà Lạt, cháu ngoại ông Faraut nên hỏi ông Tây dạy pháp văn tại Đà Lạt từ 10 năm nay, chắc biết tất cả các pháp kiều hiện sinh sống vùng Đà Lạt. Ông này lại cho tin tức để liên lạc với cháu ngoại của ông Faraut lại một tên tây mũi lỏ. Mình lại hỏi cháu ngoại ông Lafaro Đà Lạt xưa, học chung ở Yersin khiến mình lộn xộn đầu óc. Lý do là hai tên này đọc hơi giống nhau.

Nhìn cái đồ xay hạt cà phê hay tiêu khi xưa khiến mình nhớ chuyện xưa. Hôm nào rảnh kể

Cô cháu ngoại lấy anh chàng hàng xóm trên đường Thi Sách khi xưa, nhà cạnh gia đình Mai Thế Lương và Mai Thế Lan. Cũng nhờ anh chàng này, anh bà con của một người bạn, mình tìm ra Huỳnh Kim Sang, gặp lại sau 50 năm từ ngày anh chàng bị động viên sau mùa hè Đỏ Lửa.


Mới lên vườn về, đồng chí gái đi hát nên ở nhà ghi xuống lại cho bớt lộn xộn đầu óc. Để cho rõ ràng vì hai thương hiệu Lafaro và Faraut khi xưa tại Đà Lạt không dính dáng gì với nhau. Một bên là do người Việt di cư từ Bắc vào thành lập và một do một gia đình pháp sang Việt Nam, từ thời ông Paul Doumer về Pháp, sống lâu đời tại Việt Nam. Tên đọc ná ná giống nhau.

Hình chụp do nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu tại xưởng Lafaro 

Khởi đầu ông Tây dạy pháp văn gửi mình bài báo Hà Nội nói về rượu vang Đà Lạt Lafaro, mua từ người pháp năm 1976 khiến mình hoang man. Lý do là khi xưa mình có học chung với con trai ông Lafaro và sau này lại khám phá ra có học chung với cháu ngoại ông ta nữa. Tên ngồi chung bàn tên Thịnh mà trong lớp hay gọi Thịnh Lafaro. Hắn lớn hơn mình một tuổi nên sau này chạy qua trường việt đi du học cùng năm với con phở Bắc Hương trước mình một năm. 


Có người Đà Lạt xưa gửi cho mình bài báo về rượu trồng tại Trạm Hành. Lần sau về Đà Lạt sẽ đến viếng chỗ này.


Gởi Sơn, nếu chưa đọc bài này : https://lecourrier.vn/vang-da-lat-prisee-vietnamiens-comme-des-etrangers/371958.html

Theo bài báo pháp ngữ này thì có một xưởng làm rượu tại Trạm Hành, trên 2.5 mẫu đất nhưng lại mua nho trồng tại Phan Thiết. Thường các vùng ven biển dễ trồng nho để làm rượu. Ở Cali, dọc bờ biển, khí hậu ôn hoà hợp với trồng nho. Bên tây Dordogne, vùng sản xuất rượu Bordeaux.


Hỏi lại thì một anh bạn ở Việt Nam, cho biết là năm 1978, Việt Cộng đuổi cổ cô con gái độ 40 tuổi của ông bà Faraut về Tây và tịch thu hết tài sản nhà cửa của họ. Sau Điện Biên Phủ đa số người Pháp bỏ Việt Nam về mẫu quốc nhưng Đà Lạt vẫn có vài gia đình người pháp trường kỳ kháng chiến ở lại làm ăn như gia đình pháp kiều Faraut. 


Hình như ông Faraut này có chiếc xe 2 CV. Có lần đi chơi khuya về, ghé nhà cô hàng xóm nhà mình, đậu xe trước sân nhà mình. Mình buồn đời rút cục gạch chấn bánh xe khiến xe tuột phanh chạy xuống cái mương trước nhà mình khiến mặt mình xanh như đít nhái, chạy trốn trong khi hàng xóm đi lùng bắt thằng phản động Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Họ có đất đai canh tác trong Cam Ly và ở Saint Benoit. 

Quán cà phê của cháu ngoại ông bà Faraut tại đường Phan Bội Châu

Anh bạn mình kể là sau 75 có gặp và nói chuyện với gia đình Faraut về nuôi cừu ở gần hồ Mê Linh. Ngày Việt Cộng đến tịch biên tài sản của gia đình này thì anh ta có mặt nhưng có một giáo sư pháp văn, Nguyễn Khắc Dương làm thông dịch viên. Họ vớt đi mấy trăm ký lông cừu. Nói tới lông cừu mình mới nhớ đến có viếng thăm lần chót về thăm Đà Lạt, một công ty Tân Tây Lan hay Úc Đại lợi tại Đà Lạt, chế biến lông cừu. Vì sử dụng hoá chất bị cấm tại xứ họ nên đem qua Việt Nam làm vô tội vạ. Bảo đảm anh sinh sống gần đó sẽ bị ung thư sau này.


Có anh bạn kể sau hiệp định Paris, ông bố hồ hởi mua 30 mẫu đất ở khu vực Cam Ly đến 75 thì không dám nhận mình làm chủ. May còn miếng đất ở hồ Than Thở nên con cháu làm vườn sống qua ngày. Chán Mớ Đời 

Họ nói mua lại có nghĩa là giải phóng của người ta. Việt Nam Cộng Hoà cho phép pháp kiều làm ăn buôn bán bình thường như người Việt nhưng Việt Cộng thì tịch thu hết đuổi cổ về Tây. Theo trang nhà của ông cháu ngoại của ông bà Faraut thì ông Tây con qua Việt Nam ở Đà Lạt, để trồng cà phê loại như ông bà ngoại khi xưa. Loại arabica chi đó. Mình không rành về cà phê nên chỉ đọc lướt qua. Mình chỉ sợ ông cháu làm ăn khấm khá lên rồi họ đè đầu xuống đánh thuế là bỏ của chạy lấy người như bao nhiêu người trước đây. Chỉ cầu cho ông Tây con thành công không có kết cuộc như bố mẹ, ông bà ngày xưa. Mình thấy ông tây con cháu ngoại gai đình Faraut, ghi danh học tiến sĩ về ecologie ở đại học Aix-Marseille. Ông có mở tiệm cà phê ở đường pHan Bội CHâu Đà Lạt nhưng nhỏ và treo toàn là đồ của người thượng nên chắc người kinh ít vào, toàn là dân tây đi bụi.

Nghe ông tây nói là có công ty Cellier Indochine, bán rượu ở Đà Lạt. Mình lên trang nhà của họ thì 40% rượu mang từ Pháp sang và số còn lại nhập cảng từ CHí Lợi, NAm Mỹ rồi đóng chai tại Việt Nam. Cho nên chả có rượu vang nào được trồng và làm tại Đà Lạt cả. https://cellierindochine.com/en/about-us

Hồi chiều đang ở vườn thì cháu ngoại ông Lafaro gọi nói chuyện. Hoá ra ông bà Lafaro vào nam mấy năm trước cuộc di cư vĩ đại 1954 không như mình đoán đi tàu há mồm rồi định cư tại Đà NẴng. Sau 1975 thì người miền bắc tiếp tục di cư vào nam chắc trên mấy chục triệu người. Đà Lạt ngày nay người từ miền bắc đông như quân nguyên. Nghe nói người miền bắc định cư tại Đà Lạt sau 75 lên đến 60% dân số. Đó là cuộc Nam Tiến sau khi Luỹ Thầy biến mất. Mình có xem chương trình Bạn Muốn Hẹn Hò thì thấy giới trẻ nói giọng Nam nhưng khi họ hỏi bố mẹ, toàn là dân miền bắc hậu 75 ở miền Nam.


Khởi đầu ông bà Lafaro từ Hà Nội vào nam, định cư tại Đà NẴng, mở tiệm thuốc tây Tân Việt tại số 45 đường Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng. Ông bà lớn tuổi vì cháu ngoại bằng tuổi mình. Mình có hỏi lý do ông bà Lafaro dọn vô Đà Lạt. Được biết là ông bà thích khí hậu tại đây nên quyết định rời Đà NẴng vào Đà Lạt. Mình đoán là con của ông bà vào Đà Lạt học, ở nội trú nên ông bà mới biết Đà Lạt nên quyết định vào Đà Lạt lập nghiệp.


Mình hỏi cái tên Lafaro từ đâu ra. Có cháu ngoại giải thích là ông ngoại lấy tên của mấy loại trái cây để đặt tên cho công ty của ông bà. Mình đoán là từ các trái cây Longane, Ananas, Fraise, amande, raisin và Orange. Theo cô cháu thì ông Lafaro rất giỏi, có đầu óc thương mại, tính toán nhiều chương trình làm ăn khi xưa, hùn mở tiệm thuốc tây Minh Tâm ở đường Duy Tân thì đứt phim. 75 chạy giặc rồi xin định cư vì có con du học tại Gia-nã-đại.


Mình nhớ có học Việt Văn với thầy Bạch Thái HÀ ở Adran. Thầy hay kể chuyện về ông Bạch Thái Bưởi, một nhà kinh doanh miền bắc rất giỏi. Trong nam chỉ nghe mấy ông gốc tàu giàu có nhờ có tài làm ăn, còn mấy công tử con các điền chủ thì đốt tiền như Sơn Đen ăn bơ. Kinh

Dâu tằm Đà Lạt 

Ông tìm tòi và học nghề nấu rượu dâu tằm. Nghe nói dâu tằm khó trồng lắm. Nghe kể là xung quanh khách sạn Palace có trồng mấy cây dâu tằm. Chỉ tiếc là không biết được ông Lafaro để hỏi thêm về Đà Lạt, và cách phát triển của Đà Lạt khi xưa sau khi người Pháp về mẫu quốc. Mấy người buôn bán làm ăn sinh tại Đà Lạt khi xưa mà mình quen nay bắt đầu lẫn nên khó hỏi thêm tin tức.


Mình nhớ ở chợ Đà Lạt có rất nhiều gian hàng cũng như trên khu Hoà BÌnh, nhất là các kiosque bán hoa lan, và khắc chữ cưa gỗ lưu niệm Đà Lạt, bầy bán đầy rượu dâu LAfaro, đặc sản Đà Lạt. Nói cho ngay mình chưa bao giờ nếm được rượu dâu Lafaro tại Đà Lạt xưa. Chán Mớ Đời 

Đi lấy mật ong hữu cơ của ông Mỹ nuôi ong. Ông ta về hưu nên mình lấy hết số lượng còn lại   Người thay thế ông ta bán giá 50% hơn nên mua để dành ngâm tỏi với quế mà mình mua từ Uzbekistan để uống mỗi sáng.
Anh bạn lên vườn hái bơ và bưởi gánh như thời Việt Cộng vào. 

Hôm nay có vợ chồng anh bạn trồng dâu tằm và làm rượu dâu cho mụ vợ mình, muốn thăm vườn. Để xem có trồng dâu tằm được không. Nếu được thì hy vọng tương lai sẽ trồng dâu tằm và làm rượu dâu mang hiệu Chán Mớ Đời . Chắc không làm đâu vì có thể mình sẽ bán vườn trong tương lai vì có vài người Developer muốn mua. Dùng tiền đó mua nhà cho thuê khoẻ hơn là chăm sóc cây cối. Mệt mà không có lời lắm.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Có độc giả cho biết thêm tin tức nên ghi lại đây. Cảm ơn các bác đã cho tin tức đẻ bổ túc.


Nhắc đến Faraut ở Dalat  có nhiều điều kỳ thú . Nào đồn điền Faraut , rượu Lafaro.

  - Trong khu đồn điền Faraut , có một ngon núi khá cao , chủ yếu là cây thông , trên đỉnh núi có một cây THÁNH GIÁ rất to mà chúng tôi gọi núi Thánh giá . Đứng trên đỉnh nhìn xuống rất đẹp . Cũng trên đỉnh núi này , dưới đống lửa được cất dấu kho tàng trong một trò chơi lớn . Cả hai bạn Nguyễn Mai (thủ môn của THĐ , sau định cư ở Úc )của đoàn QT và Louis của đoàn  LL cùng giành kho tàng và cả hai lăn xuống núi và nhờ những cây thông chận lại , ( có thể nhờ  núi thiên trợ giúp )

Trong những năm 1950 và đầu năm 1960 , nơi này còn hoang vu lắm , còn có cả cọp ở đây . Tình cờ   chúng tôi phát hiện trong lùm cây , còn đống xương của con bò còn hôi thúi do mấy ông cọp đã ăn trong mấy hôm trước .

Có ai biết ngọn núi Thánh giá này nay còn không?

  - Về sau này ( những năm 60 ) , ngay ngã ba Võ Tánh - Phan Bôi Châu - Pháp quốc ( Cộng hòa ) , cạnh nhà Đội Có có cơ sở Rượu Lafaro , tên Rươu Lafaro được viết trên quả cầu  nhìn rất dễ thấy .Lúc bấy giờ giáo sư Cường ( BTX ) và gs Tiến (LS) ở nơi này .

 Nơi này có phải là chi nhánh và hay có liên quan gì với rươu Lafaro đã nói ở trên hay không ?


Lafaro là tên gọi đã đươc Việt hóa .Tôi biết ông từ khi học mẫu giáo  (1955) vì trường tôi gần trang trại của ông .Còn từ nhà tôi nhìn sang đồi Bắc ,hàng ngày ,chúng tôi thấy bò và cừu của ông lũ lượt đi về từ phía Đạ sa ,thấy những thanh niên dân tộc chăn bò cừu cưỡi ngựa băng qua đồi núi .Sau 75 ,ông vẫn còn ở lại(lúc này tôi đã rời trường Đại học ),Về sau ,thấy tình hình không ổn ,ông mới rời VN.Dân chúng ở Chi Lăng ,Thái Phiên thuở ấy gọi ông bằng cái tên thân thiện là ông Fa rô .


Gởi Sơn, nếu chưa đọc bài này : https://lecourrier.vn/vang-da-lat-prisee-vietnamiens-comme-des-etrangers/371958.html


Có anh bạn gốc Đà Lạt xưa gửi cho bài báo về rượu Đà Lạt. Lần sau về Đà Lạt mình sẽ ráng đến Trạm Hành viếng thăm khu vực này.


Những tấm ảnh mới lượm trên mạng

 Tuần này lòmò thấy có mấy tấm ảnh xưa của Đà Lạt khiến mình nhớ vài kỷ niệm 

Tấm này là phong cảnh lễ mãn khóa của sinh viên trường võ bị quốc gia. Hình ảnh xe jeep chở tổng thống Nguyễn văn Thiệu và thủ tướng Trần Thiện Khiêm khiến mình nhớ đến vụ chuẩn úy Phúc của đại đội trinh sát 302.

Số là lính 302 được xem là kiêu binh của Đà Lạt khi xưa nên mỗi lần có mãn khóa của trường Võ Bị hay Chiến tranh chính trị là họ cho đại đội này xuống Đơn Dương đóng quân. Không cho đi hành quân. Lý do là hành quân thì phải có lính trừ bị đóng tại Đà Lạt. Thường ở tòa tỉnh gần khách sạn palace. 

Thường các lễ này thì tướng các vùng về để nhận sĩ quan mới cho quân đoàn và họ đi nhảy đầm gái gú thì hay đụng lính 302 nên đại đội 302 thường được cho ra ngoài thị xã như Đơn Dương đóng quân mấy ngày này. Có năm đang đóng quân tại Đơn Dương thì có chiếc xe đò từ Phan Rang lên thì trên xe có một ông lính về phép nhận ra đại úy Phong nên gọi rồi nhảy xuống xe. Hóa ra bạn thân khi xưa rồi cả hai đi lính mỗi người một ngã. Anh lính về phép rủ đại úy Phong về Đà Lạt uống chai bia mừng gặp nhau. Đại úy Phong kêu có lệnh là không được vào Đà Lạt. Anh bạn kêu thì tới Chi Lăng thôi đâu phải Đà Lạt. Thế là đi với lính cận vệ lên Saint Benoit vào tiệm tàu ăn uống. Hơi say nên bà chủ quán kêu hết bia rượu. Nên chuẩn úy Phúc mới nói để đi mua rượu. Chạy vào PX của lính Mỹ gần đó. 

Chuẩn úy Phúc đi vào khu vực này thì có 4 ông quân cảnh đứng gác kêu đi đâu. Ông chuẩn úy đã say nên kêu tao là chuẩn úy Phúc. Không được gọi ê a đi đâu. Lính trinh sát thì hay bận áo quần Việt Cộng khi nhảy toán nên quân phục không chỉnh đốn sạch sẽ. Nói qua nói lại thì mấy ông quân cảnh khệnh chuẩn úy Phúc bằng dùi cui nên bỏ chạy ra quán ăn. 

Thiếu tá Phong thấy chuẩn úy Phúc chạy về thì hỏi rượu đâu. Kêu không có bị quân cảnh chận và đánh. Nghe đàn em bị đánh thì máu nóng lên nên thiếu tá Phong chạy vào trong khi cận vệ ra xe lấy súng. Chạy vào cổng chưa chi bị 4 ông quân cảnh vây đánh thì cận vệ ngoại cổng đang đứng trên xe thấy vậy nên lấy đại liên ria trên đầu. Quân cảnh và thiếu tá Phong bò nằm dưới đất rồi cận vệ bồi thêm mấy viên súng phóng lựu. Lúc đó thiết giáp M113 chạy ra, Thiếu tá Phong và cận vệ bỏ chạy ra cổng lên xe chạy về căn cứ Đơn Dương. Mỗi lần ông Thiệu về là có thiết giáp, Biệt động Quân được điều động về để bảo vệ an ninh.

Vừa về đến căn cứ thì có truyền tin đưa máy có đại tá nào ở trường Võ Bị gọi hỏi chuẩn úy Phúc ở đâu. Chắc ông ta bị tướng Lâm Quang Thơ hay Lâm Quang Thi, hai anh em tướng này đều có lần chỉ huy trưởng của Võ Bị, la mệt thở nên la lại. Cuối cùng ra tòa án quân sự. Chuẩn úy Phúc nhận hết tội nên bị 7 năm tù còn Hùm Xám Đà Lạt bị 3 năm tù treo, không được lên chức. Ai biết tông tích chuẩn úy Phúc thì cho mình hay. 

Tấm ảnh này thì chụp từ tiệm bán máy truyền hình raDio Việt Quang trên đường Phan Đình Phùng. Căn đầu tiên bên trái là nhà và phòng mạch của bác sĩ Phán hình như sau này là của bác sĩ Khiêm, nơi mình được sinh ra đời, bên cạnh là trường tiểu học Minh Trí. Hình này mình đoán chụp sau 76 vì thấy xe bò xe ngựa và vắng xe. 
Tấm này cũng trên đường Phan Đình Phùng chụp từ Xóm Giếng bên tay phải. Chỗ này có tên Thành học chung và đá banh khi xưa. Ông bố cũng đá banh cho đội Cảnh Dát Quốc gia có thủ môn Rớt. Ông Rớt này sau 75 chạy đâu sang đến Ấn Độ. Có viết thư cho mình nhưng sinh viên nghèo nên chả giúp gì được. Hy vọng ông ta đã được định cư tại Hoa Kỳ. Hình như ban nhạc CBC thời gian đó cũng chạy đâu qua Ấn Độ. Nhìn lên đồi thì thấy đường Hàm Nghi, có nhà thờ Tin Lành mà khi xưa, tối thứ 6 và thứ 7 là họ bắt loa phóng thanh giảng đạo về tin mừng CHúa ra đời.

Mình thấy cái quán 1 tầng nơi khi xưa, ngay cái dốc nhà thờ Tin Lành. Nơi mình học hè với ông giáo Kim. Ông ta có người con trai học trên mình mấy lớp tên Ánh, bị hư một con mắt. Ông ta ở trong xóm phía sau nhà bảo sanh Trương Thị Lập. Mướn chỗ này để dạy học sinh tiểu học. Lần đầu tiên về Đà Lạt, có gặp ông ta ăn phở chỗ bến xe Tùng NGhĩa. Ông ta kể là định cư ở nước ngoài nhưng lại về Đà Lạt ở. Mới lấy vợ mới. Có mời ông ta bát phở để cảm ơn công dạy dỗ mấy tháng hè khi xưa.
Tấm này là dốc Lê Đại Hành và góc Thành Thái. Chỗ hai mẹ con dắt nhau đi, bên trái là vũ trường La Tulipe Rouge. Sau lưng hai mẹ con là cầu thang chợ do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, đi lên, băng qua đường là mấy thang cấp đến đường Thành Thái. Băng qua đường Thành Thái sẽ có mấy thang cấp khác đưa lên con hẻm đi đến đường Trương Vĩnh Ký, bên phải là nhà trồng răng Trình, tiệm ăn Nam Sơn mà khi xưa anh Paul và ông Thanh bị nằm vùng đặt chất nổ hay cài lựu đạn chết khi đi ăn ở Nam Sơn ra. Xa xa thấy tiệm kem Việt Hưng ngày xưa, còn thì dãy cư xá trên đường Thành Thái. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 





Uncle Sam want you


Sáng nay, ở hội Toastmaster có ông mỹ, từng tham chiến tại chiến trường Á phủ Hãn, đọc diễn văn. Anh ta là người lính Thuỷ Quân Lục CHiến mỹ cuối cùng rời khỏi xứ này tương tự như ngày 30/4/75, người ta thấy chiếc trực thăng cuối cùng đưa đại sứ Martin cùng cận vệ, rời khỏi khuôn viên toà đại sứ Hoa Kỳ tại Sàigòn.


Hôm nay đến phiên anh ta đọc diễn văn với nhan đề “Uncle Sam want you”. Anh ta cho biết là năm 17 tuổi, vừa xong trung học thì được tuyển mộ vào quân đội. Anh ta ăn mừng sinh nhật thứ 18 trong quân trường. Sau bao tháng tập luyện anh ta được gửi qua chiến trường Á Phủ Hãn. Tại đây, đụng chạm với chiến tranh, khác với những gì được trình chiếu trong các phim thì khác xa một trời một vực. Nếu anh ta làm lỗi thì đồng đội có thể chết và nếu bắn lầm người dân thì có thể bị ra toà án quân sự, ở tù. Cho nên đầu óc rất căng thẳng, đưa đến hội chứng sau chiến tranh.

Hình Việt Cộng rất trẻ khiến mình thất kinh. Với tuổi đời này chỉ cần được nghe lệnh là bắn giết 

Gần đây, trên Netflix có chiếu một phim kể về lính mỹ bị tù vì giết lầm thường dân vô tội của Ả Phú Hãn.

Anh ta đặt câu hỏi: tại Hoa Kỳ muốn hút thuốc hay uống rượu thì người Mỹ phải trên 21 tuổi mới có quyền mua hay uống. Xem như 21 tuổi mới được xem là trưởng thành, có thể tự quyết định lựa chọn cách sống của mình. Vào quán bar, họ hay hỏi thẻ căn cước những người trẻ muốn uống rượu. Trong khi đó mới 17 tuổi đã được tuyển mộ đi lính. Một người vị thành niên chưa đến 21 tuổi thì làm sao có thể lấy trách nhiệm sinh tử của một người khác trên trận mạc.


Lý do mà anh ta đưa ra vì trả lương rẻ mạt cho giới trẻ. Nay phải trả tối thiểu $15/ giờ và đang dự định lên đến $25/ giờ trong khi lương lính thường ở quân đội không có bao nhiêu. Mình có một gia đình người mướn nhà, di dân bất hợp pháp. Bà mẹ với hai người con trai. Người con đầu tình nguyện đi lính cho Hoa Kỳ để được thẻ xanh rồi bảo lãnh mẹ và em trai được có thẻ xanh. Họ ở với mình cũng được 10 năm. Sau có vợ nên họ dọn về Quận Cam. Mướn nhà khác của mình ở Quận Cam. Nay con cháu đùm đề. Họ mến mình lắm vì cho họ mướn nhà dù biết họ không hợp pháp. 


Nay ở Cali có luật là không được hỏi giấy tờ của người muốn thuê nhà. Lạng quạng là bị thưa nên cuối này hai cha con đi học về mướn nhà. Thêm nữa là có trên 5 triệu người di dân bất hợp pháp. Ở Cali nay có luật là không được hỏi về tình trạng nhập cư, thậm chí không được xét về bị tù đủ thứ. Sẽ bị kêu là kỳ thị đủ trò và có thể bị phạt rất nặng. Cali là một tiểu bang cấp tiến. 


Anh ta kể là đồng đội tham chiến trở về đều bị chấn thương tâm lý. Ai may mắn thì thoát được như anh ta, đi làm lại, tạo dựng cuộc sống mới tại Hoa Kỳ nhưng rất nhiều người không chịu nổi những ám ảnh của chiến trận nên tự tử đủ trò, nghiện rượu hay sì ke,… mình không biết mấy người lính Việt Nam Cộng Hoà khi xưa đánh giặc, nhất là sau khi đi tù cải tạo về, có bị hội chứng tâm lý hay không. Mình đọc sách của những người từng đi bộ đội thì không nghe nhắc đến. 

Anh ta cho biết rất yêu quê hương Hoa Kỳ. Nếu phải làm lại từ đầu, anh ta sẵn sàng làm lại như xưa, tham gia quân đội nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi đưa một đứa trẻ dưới tuổi chưa vị thành niên ra trận mạc để rồi không có những chương trình giúp đỡ họ khi trở về với hội chứng tâm lý.


Mình gặp hay đọc trên mạng người Mỹ gốc Việt, bàn tán về nạn nhập cư bất hợp pháp của những người tỵ nạn chính trị, tỵ nạn kinh tế ngay cả người Tàu sang rất đông, bỏ lại sau lưng Giấc Mơ Thiên Triều như Tập Thị xướng. Họ kêu người dân phải vào Hoa Kỳ theo đường lối hợp pháp. Họ quên một điều là khi xưa, vượt biển, tàu ghe chúng ta đã đến các nước lân cận như MÃ Lai, Nam Dương, Thái Lan, Hương Cảng … bất hợp pháp. Theo mình không có sự khác biệt giữa người nhập cư lậu qua ngõ biên giới Mễ và chúng ta khi xưa vào các nước Đông NAm Á. Khi các nước âu châu cũng như Hoa Kỳ ngưng nhận người Việt tỵ nạn thì phong trào vượt biển cũng ngưng tại Việt Nam. Một số được trả về Việt Nam.


Phần mình thì xem Hoa Kỳ đã cho mình cơ hội xây dựng cuộc đời bên vợ con, có cuộc sống tương đối ổn định so với các nước khi xưa mình từng sinh sống. Mình cảm ơn đất nước này và muốn bảo vệ quốc gia này nhất là tương lai vẫn tiếp tục là một nước tự do cho các thế hệ con cháu mình được sống an vui.


Hoa Kỳ ngày nay có những điều tiêu cực khiến mình lo lắng. Mình khám phá ra đất nước này hay nói chung các nước khác trên thế giới được xem là tây phương giàu có, đều do các công ty đa quốc gia điều hành. Sự giàu nghèo quá rõ rệt, quá bất công. Người dân ở các xứ nghèo vẫn tiếp tục ra đi như trong lịch sử loài người, phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, đi phương xa để tìm miếng ăn. Không ai muốn bỏ quê hương ra đi.

Hình suối Cam Ly Đà Lạt ngày nay

Kỹ nghệ dược phẩm, thực phẩm được chính phủ trợ cấp nên họ nuôi heo bò, gà vịt với hoá chất, bán rẻ so với giá thị trường quốc tế. Các công ty dược phẩm định hoạch giáo trình đại học y khoa, dược khoa,..để bác sĩ kê toa bệnh nhân uống thuốc. Kỹ nghệ chiến tranh như tổng thống Ike Eisenhower cảnh báo, gây chiến khắp nơi trên thế giới để buôn bán vũ khí. Các chính trị gia từ tổng thống xuống đều là con rối của các nhóm tư bản này. Báo chí chửi ông Trump bú xua la mua, kêu ông ta tuyên bố là nếu không đóng tiền cho NATO thì Nga sô đánh tụi bây thì ráng chịu. Thật ra, hàm ý để nói cho các xứ này phải mua thêm vũ khí của Hoa Kỳ. Hỏi 100 người Mỹ là Ukraine ở đâu thì 99% đều không biết nằm ở đâu. Chắc chắn họ không muốn tiền đóng thuế của họ, được đem đi mua súng ống để đưa cho người dân Ukraine đánh nhau với Nga. Chúng ta gửi súng ống qua Ukraine, các tên đầu não ăn bớt một phần rồi kêu lính đánh giặc. Chỉ tội là người Mỹ phải đóng thuế. Thay vì đem tiền qua mấy xứ khác, chúng ta dùng tiền ấy để xây dựng một Hoa Kỳ tốt đẹp hơn, không còn cảnh người vô gia cư, nghèo đói,… 


Nếu chúng ta đọc tài liệu về thế chiến thứ nhất và thứ 2, thật sự hai đại thế chiến này được gây ra không phải vì lý do này nọ như chúng ta được thầy cô dạy trên sách giáo khoa. Tại sao chiến tranh Việt Nam vẫn được tiếp tục sau khi quân đội pháp rút khỏi Đông-Dương. Tại sao tổng thống Kennedy bị giết, tại sao tổng thống Reagan bị bắn không chết. Tại sao tổng thống Carter phải nghe lời họ,…


Nếu trở về miền quá khứ xa xưa thì khi hoàng đế Napoleon của pháp phải bán Louisiane cho Hoa Kỳ với giá rẻ mạt để có tiền tiếp tục đánh nhau, thực hiện ý đồ làm bá chủ âu châu thì dòng họ Rothchilds tài trợ súng ống và tiền đề đốc Wellington, để ông ta trang bị quân của ông ta để phá mộng của Napoleon và cầm tù ông thần này tại một đảo nhỏ bên Ý Đại Lợi. Sau đó được giao cho những đấu thầu khiến họ giàu có đến ngày nay. Có thể gọi dòng họ giàu nhất thế giới.


Khi chúng ta học lịch sử đệ nhất cũng như đệ nhị thế chiến qua các sách giáo khoa nhưng trên thực tế, lý do chính là khác và nội chiến tại Hoa Kỳ cũng vậy, không dính dáng gì đến nô lệ. Cứ xem mấy người miền bắc vẫn nuôi nô lệ sau khi ông Lincoln bị ám sát. Thậm chí nhà dòng tên, mở trường đại học John Hopkins cũng nuôi nô lệ mệt thở. Sau này bị kiện nên đền bù mệt thở. Người da màu vẫn được đối xử như công dân thấp so với người Mỹ trắng. Họ vẫn bị đốt cháy trên các thập tự giá ở các vùng miền nam.

Trước 1945, tương đối người Mỹ da màu tuy bị cách biệt như không được ngồi xe chung với người Mỹ da trắng nhưng trong cộng đồng của họ vẫn sống tử tế đến khi các người lính tham dự đệ nhị thế chiến về. 


Hoa Kỳ ra luật G.I bills, giúp đỡ họ thì chỉ 5% người Mỹ da màu được hưởng các chương trình này như đi học đại học, mua nhà cửa. Kết quả là sau 2 thế hệ, người Mỹ da màu tụt xa người Mỹ da trắng.


Người Mỹ da trắng được đi tiền đi học lại, tốt nghiệp đại học, lương bổng cao lại được giúp đỡ mua nhà không cần tiền đặt cọc. Cựu chiến binh mỹ được mua nhà và có thể mượn tiền qua chương trình cựu chiến binh, rẻ và được mượn 100%. Với thời gian khi họ về hưu hay qua đời thì con cháu có thể thừa hưởng tài sản của họ để lại và có thể leo lên nấc thang của xã hội trong khi người da màu thì te tua. Không được mượn tiền mua nhà, đi học đại học, chỉ làm nghề vớ vẩn thêm bị hội chứng chiến tranh thì gia đình bị ảnh hưởng theo. Đại khái người da màu mua nhà ở khu của cộng đồng họ thì ngân hàng rất ngại cho vay tiền ở các khu kém an ninh


Võ sĩ Cassius Clay kể trên đài truyền hình Anh quốc, ông ta thắng huy chương vàng của thế vận hội. Khi cờ Hoa Kỳ được kéo lên, ông ta hãnh diện hát quốc ca Hoa Kỳ đến khi về lại Hoa Kỳ. Ông ta đeo huy chương đi vào tiệm ăn thì bà tiếp viên kêu tại đây không tiếp người da màu (Negro). Chán Mớ Đời

(Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đà Lạt thời thực dân

 Có người gửi mình 1 bài viết trên Chuyện Xưa chấm Nét, về Đà Lạt. Có mấy tấm ảnh mình được thấy lần đầu tiên nên tải về đây cho bà con chưa bao giờ xem. Những hình ảnh mình thấy khi còn nhỏ, thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà   

Đây là thác Prenn mà khi xưa mình đã từng thấy thời còn bé, khi xuống đây với bạn của ông cụ. Chú Lữ, đi lính với ông cụ, sau này làm nghề sửa đồng hồ chỗ tiệm ông Võ Quang Hàm ở đường Duy Tân. Cuối tuần chú LỮ có thêm nghề tay trái là chụp hình cho du khách. Mình có xuống đây hai lần với ông cụ. Sau này mình về thì thấy họ không tu sửa lại mà làm mới lại đủ trò mất vẻ thiên nhiên khi xưa với các cây gỗ làm cầu, bằng cây nhất là nhà dù, lợp bằng mái tranh như ở Petit Lycee khi xưa, có hai nhà dù, lợp mái bằng tranh.
Thác Prenn, năm ngoái đi Oregon, có viếng thăm vài cái thác tương tự làm mình nhớ đến thác Prenn, tuy nhỏ hơn các thác bên Hoa Kỳ.
Tấm này thì mình đã có kể trong bài trường học đầu tiên thành lập tại Đà Lạt, do nhà thờ Tin Lành Mỹ thành lập dạy con người ngoại quốc nay vẫn còn tên trường Dalat Quốc Tế vì an ninh nên họ dời sang xứ Nam Dương. Ai buồn đời thì tìm trên bờ lốc mình. Chỗ này khi xưa, du khách vào hay rời Đà Lạt tại con đường này mà nay hình như gọi là Khe Sanh. Sau này khi họ làm con đường từ đèo Prenn, mới ít ai đi. Thời mình ở thì người ta xuống đèo Prenn bằng con đường Nguyễn Trí Phương.

Chỗ bùng binh, có ga ra Citroen, quên tên, sau này họ gọi là Ty Dụng Cụ, sửa các công xa cho các ty hành chánh tại Đà Lạt. Bên cạnh là trường học Đà Lạt đầu tiên, nay họ sử dụng làm trường dạy cán bộ gì đó. Đường Khe Sanh này hình như khi xưa đi đến Xóm Bà Thái. Mình không nhớ là có chạy xe đến đây vì hơi ớn. Lính 302 khá đông ở khu vực này.
Đường lên đèo, có cả đường rày xe lửa răng cưa khi xưa. Mình nhớ có lần thấy chiếc xe lửa chạy đâu đây. Lần trước mình về Đà Lạt thì đèo Prenn bị đóng vì họ đang nới rộng con đường này 
Cái mốc này khiến mình không nhớ để định vị chỗ nào. Chỗ đèo Prenn có một cái, cách mười mấy cây Đà Lạt. Bác nào biết. Có lẻ sau này họ trồng cây thông nên không nhận ra.
Chỗ này thì đoán trên đường đến Di-Linh. Tây đậu xe đi tè bên đường, dạy dân địa phương đái đường
Cùng chỗ nhưng chụp từ đằng xa, chắc trời mới mưa.
Lên đèo thì nhớ có mấy trụ xi-măng này
Chắc chụp trước 75. Mình có xuống đèo này mấy lần để đi Tùng Nghĩa.
Thấy chiếc xe đò Minh Trung chạy Sàigòn-Đà Lạt.
 Tây gọi Bois d’amour không định vị được chỗ nào. Thấy cái hồ phía sau. Có phải hồ than thở.
Tấm này mình được xem lần đầu tiên, chụp gần hơn mấy tấm ảnh mình có. Chụp trước năm 1932. Để xem mò ra được không để đăng lên cho mọi người rõ hơn. Chỗ này nằm phía hạ lưu của Hồ Lớn (Grand Lac) đến năm 1932 (tháng 5) thì có vụ bảo lớn, đã phá cái đập của Hồ Lớn, cuốn trôi luôn mấy căn nhà ở khu vực này khiến 15 người chết. Người Pháp phải dời khu vực indigenes lên khu Hoà BÌnh ngày nay.

Xem tấm ảnh phía dưới bên cạnh chiếc cầu và suối Cam Ly
Tấm ảnh mình có, chụp ngay sở bưu điện, trước nhà thờ Con Gà chụp xuống thấy khu phố cũ của người Việt và người Tàu, bị lũ cuốn trôi đi vào tháng 5 năm 1932, khiến 15 người bị thiệt mạng. Sau đó người Pháp cho nới rộng hồ Lớn ra để có lưu lượng nhiều hơn, ăn thông qua hồ Đội Có (Petit lac)
Không biết mấy người này có sống sót vụ lũ lụt hay không

Hình lũ cuốn trôi nhiều nhà cửa ở hạ lưu suối Cam Ly, đập hồ Lớn. Hồ Lớn sau này dưới thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà được đặt tên là hồ Xuân Hương, hương thơm của mùa xuân chớ không phải lấy tên thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bà này chả dính dán gì đến Đà Lạt.
Lũ tháng 5 năm 1932, khu vực người Pháp cao hơn khu người Việt và người Tàu sinh sống.

Nhà ông tây bà đầm ở. Không biết tên hai vợ chồng này nhưng đoán là họ sống tại Đà Lạt khá lâu. Sẽ giải thích phần dưới. Có ai biết chỗ này là nơi đâu vì thấy có cột cờ nên đoán là chỗ làm việc phía trước, phía sau để ở. Thấy có dãy cư xá bên cạnh. Có lẻ chụp khi gia đình này mới dọn đến nên thấy cây cỏ mọc lộn xộn.
Hình này chụp sau khi vườn tược phía trước được trồng lại và chăm sóc. Mái ngói được quét lá thông nên sáng hơn
Đoán là có nơi trên đường đèo Prenn để du khách tạm ngừng. Hồi nhỏ có nhớ thấy vài chỗ như vậy nhưng không nhớ nổi là ở đâu.
Ông tây bà đầm với hai cô con gái. Mình đoán là ông Tây này được chính quyền thực dân phái đến để quản trị thành phố vì xe rất sang trọng. Tay lái bên trái như ăng lê. Lúc đầu mình đoán là ông Champoudry, đọc hồi ký của một ông tây thì được biết ông này có đến 6 cô con gái nên chưa biết là ai. Bác nào có nhận ra thì cho biết để bổ túc. Một ông khác tên Cunhac. Ông này được xem là người khởi công đào hồ nhân tạo Xuân Hương, tiếp theo ý định của ông tỉnh trưởng Long. Cho nên không thể là ông này vì nếu ông ta đào hồ thì chưa có Thuỷ Tạ để vợ chồng ông ta chụp hình tạo dáng. Chỉ tiếc trên bài của chuyện xưa chấm nét không đề tên ông này để có thể đoán hình chụp năm nào cũng như các nhân vật. Lười đi tìm danh sách các cựu thị trưởng vào Năm 1930. Thường mấy tấm ảnh này do gia đình còn giữ nên chắc có tên như trang nhà của cháu ông Cunhac mà mình mò ra khi thấy tấm ảnh của cháu cố viếng thăm Đà Lạt.
Ngồi ở véranda của nhà chụp phía trên
Không định vị được . Có thể là gần trường Petit lycee vì thấy một dãy dài nhà cửa phía sau.
Ông tây bà đầm, 2 cô con gái. Đoán ông đứng sau hai đứa bé, gốc Bắc Phi
Cũng tại căn nhỏ, có chị vú gốc việt
Đèo lên rộng nghê.
Sau vụ lũ đã cuốn trôi đi rất nhiều nhà của người Việt và người Tàu ở vùng hạ lưu của hồ Lớn, khiến có đến 15 người thiệt mạng. Người Pháp, cho đời khu chợ lên khu Hoà Bình ngày nay. Hình trên cho thấy lúc đầu, chợ được bày bán như chợ xổm đến khi người Pháp cho xây ngôi chợ mà ngày nay là khu Hoà Bình. Dãy phố bên tay phải sau này là dãy Việt Hoa, Mekong được xây lại bằng gạch.
Hình chụp bà đầm và hai cô con gái đi chợ, có tên người Việt nào đứng tò mò nhìn đầm con. Dãy lầu 2 tầng bằng gỗ, sau này được phá bỏ và xây một dãy 1 tầng có arcades đến khi họ xây chợ Mới thì được tháo bỏ.
Tấm này chỉ đoán ông tây thuộc quân đội hay cảnh sát của Pháp, đứng chụp ở đâu không biết .
Không biết căn biệt thự nào nhưng đặc biệt minh nhớ cái bóng đèn thường thấy tại Đà Lạt khi xưa
Chỗ này chụp trước căn nhà ở trên có bà đầm và mấy đứa con đứng. Chắc cũng quan to. Ai biết căn nhà này ở đâu xin chỉ dùm
Chỗ này khi xưa là chỗ quan lớn tây đến nghỉ. Sau 54 thì toà tỉnh Tuyên Đức. Ông cụ mình có làm việc tại đây trước 75. Cho thấy bà đầm với hai cô con gái, thuộc dân làm to.
Chụp khác ngày với tấm ảnh trên vì áo đầm không giống 
Khi người Pháp thành lập Đà Lạt như khu nghỉ dưỡng cho người pháp. Ngoài các khách sạn như Palace, Du Parc ra, họ có xây các khu nhà cho thuê mà họ gọi là cité de Decoux, cạnh hồ Vạn Kiếp, để người Pháp mướn lên Đà Lạt ở nghỉ hè, rẻ hơn. Do đó họ cần các hoạt động giải trí như sòng bài và thể thao cho du khách. Do đó người Pháp mới thành lập câu lạc bộ thể thao mà người Việt mình hay gọi Xẹc (Cercle sportif) ngay góc Nguyễn Trường Tộ và đường Thống Nhất. Có mấy sân quần vợt, tập tạ và một quán ăn được đặt tên là “La Chaumière”, sau này ông cựu trưởng ty cảnh sát mướn của thị xã Đà Lạt để mở nhà hàng Đào Nguyên. 

Họ cũng xây một trung tâm thể thao nước, được gọi là “La grenouillère” theo một địa danh nổi tiếng ở ngoại ô Paris. Sau này người Việt gọi là THuỷ Tạ. Có sân quần vợt, sân cù và chỗ chơi thuỷ thao. Mình có kể rồi, ai buồn đời thì tìm trên bờ lốc này.

Hình chụp trên balcon của Thuỷ Tạ, thấy mấy ông tây lộn nhào xuống nước. Phía bên kia bờ hồ thấy trên đỉnh dinh tỉnh trưởng, và cái đập sắp được đập phá.
Hình này chụp trước khi Thuỷ Tạ được xây cất. Địa điểm Thuỷ Tạ ngày nay chỉ có một cái chòi để hạ ca-nô. Hình như lúc đầu người Pháp tính xây 3 cái chòi tương tự. Mình có thấy một tấm ảnh như vậy, lười đi tìm lại nhưng rồi họ cho xây cái nhà hàng nổi trên hồ, để có thể cất mấy chiếc ghe xuồng ở dưới. Vòng tròn được gọi là Camembert 
Ông tây plonge xuống từ một cái plongeoir. Nhớ có tên bạn hay ra hồ Xuân Hương tắm, hắn hay leo lên trên plongeoir để nhảy xuống như ông tây. Có lần hắn nhảy sai nên bị dập dế. Đau quá, nhăn nhó. Bên kia bờ là dân người Việt ngồi xem tây chơi.

Có một ông tây, đăng mấy khúc phim về Đà Lạt, tự xưng là L’enfant de Dalat, phim do bố ông ta quay khi đến làm việc tại Đà Lạt. Mình có thấy một khúc, máy bay thả dù xuống hồ Lớn rồi ca nô bơi lại vớt những người nhảy dù. Họ cho nhảy xuống hồ cho dễ, không sợ gãy chân như sau này mình thấy tướng Lâm Quang Thơ nhảy xuống đồi cù.

Tây thực dân xem, người Việt chắc ở xa xa để xem
Thời này thanh bình chớ sau này không thấy một con vịt ở hồ. Thấy biệt thự Trang Hai phía xa trên đường Trần Quốc Toản, đã bị đập phá. Mình đoán là hình chụp sau 1932, trận bảo lụt vì chiếc cầu được xây cất kiên cố hơn. Xem các hình dưới.
Bà đầm dẫn hai cô con gái đến cầu nhỏ đi vào khu Thuỷ Tạ. Cầu được xây bằng mấy khúc cây thông. Họ có làm cánh cửa ra vào để phòng con nít chạy bậy bạ lọt xuống hồ. Chiếc cầu này rất thô sơ so với chiếc cầu được chụp hình trên với mấy cột trụ to đùng và lan can màu trắng. Cái đập đã được phá bỏ và xây cầu ông Đạo
Đâu biết khi xưa, Đà Lạt có cò hay vạc, ngỗng,..
Lúc này họ đã xây Thuỷ Tạ
Ông tây đi chơi với vợ con, đội cái nón cối thực dân.
Thủy Tạ được xây xong. Đến thời đệ nhất cộng hoà thì có chương trình trồng cây nên đồi cù mới có thêm cây thông. Hình này chụp từ chỗ Xẹc hay trên đường NGuyễn Trường Tộ 
Thủy tạ dạo ấy, trống trơn, không phải chỗ uống cà phê ăn uống. Chơi xộn thì họ vào chỗ tiệm ăn sau này gọi là Đào Nguyên, chớ chỗ này không có bán thức ăn. Có thể có bán nước ngọt vớ vẩn. Cầu thang dễ leo lên. Nay họ gắn kính khắp nơi để thiên hạ ngồi ăn uống nhìn hồ.
Sân cù dạo ấy còn hoang sơ, chưa được trồng cây thông sau 1954
Đường rầy răng cưa
Trở lại gia đình ông tây, chụp ở đèo nào. Ông tây lái xe bên phải, chắc xe của Anh quốc cũng có thể thời đó họ để vô lăng bên tay trái. 
Xích đu ở xẹc, mình có chơi chỗ này vài lần và đánh lộn với Vĩnh Vinh, con ông Bửu Duy.
Sân cù dạo ấy có nai. Mình nhớ có lần một con Nai từ trên Domaine de Marie chạy xuống xóm mình, bị mấy người con của bà Quán bắt được, làm thịt, cho gia đình mình một miếng. Ước gì Đà Lạt còn như vậy. Du khách lên chơi, đứng xa xa chụp hình. Nay thì cái núi Bà cũng bị che.

Chắc cô con gái lớn chụp ông bà. Thấy thuỷ đài, thì đoán là đường Lê Quý Đôn chỗ nhà đèn. Bác nào định vị được không thì cho em xin. Em đoán là chụp từ đường Trương Vĩnh Ký hay Thủ Khoa Huân sau này. 
Hình chụp trên khu khách sạn Palace.

Còn nhiều tấm mới nhận, để hôm nào kể tiếp. Có mấy người hỏi có nhà của họ ngày xưa không thì cho họ xem. Vấn đề là mình không biết họ là ai, hình ảnh khi xưa rất đắt nên thiên hạ chỉ chụp chỗ nào quan trọng. Hôm trước có chị bạn kêu tiệm chè 47 thì mình ngớ vì lần đầu nghe quán chè này. Hôm trước tìm được một tấm được chụp sau 75 thì mình mới hiểu. Mình chỉ nhớ những gì trước 74, còn sau đó thì chịu nên nhiều khi lộn.

Đây là hình chụp sau 75. Tiệm bánh mì Vĩnh Chấn đã bị cạo tên. Khi mình về lần đầu năm 1992 thì hình ảnh mà nhận thấy.
Hình chụp trên đường Minh Mạng, ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ, sau 75 vì thấy chè 47 mà chị bạn nói đến mà mình không biết. Chỉ nhớ có tiệm chè ngay hẻm xuống Dốc Nhà Làng có hai căn là của tiệm may Tân Tân cho mướn. Không nhớ tên gì, chỉ nhớ có đến ăn hai ba lần gì đó. Thấy bên tay trái tiệm giặt ủi của cậu Châu, con Mệ Cai Thỏ. Nói chung thì vẫn còn giữ chút Đà Lạt trước 75. Nay về thì Chán Mớ Đời  
 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn