Showing posts with label Bè bạn. Show all posts
Showing posts with label Bè bạn. Show all posts

Chu du năm 2023

 

Hôm nay, ngày cuối năm 2023, cảm thấy thời gian qua một cách vội vã như mây đen ăn hết ánh sáng của bầu trời Cali trong trận mưa cuối năm, để chuẩn bị cho một năm 2024 đầy hứa hẹn nhiều thay đổi. Nhìn lại năm 2023 thì thất kinh vì hai vợ chồng đi ta bà mệt thở.


Đầu năm 2023, hai vợ chồng bay xuống miền nam của châu Mỹ, viếng thăm Chí Lơi và Á Căn Đình. Từ đó lấy tàu Pháp xuống Nam Cực, vượt qua 2 lần eo biển nơi hai luồng sóng nước của Đại Tây Dương và Thái BÌnh Dương hội tụ khiến hai vợ chồng chỉ biết nằm trên giường trong khi chai ly sòng sành rơi xuống đất như lời kinh cầu trong tiếng nam mô.


Tại thủ đô Buenos Aires, ăn thịt bò trứ danh của xứ Á Căn Đình và xem họ múa Tango. Không khỏi ngậm ngùi chứng kiến đổi đô la gấp 2 giá chính thức của chính phủ. Một xứ giàu có bật nhất thế giới khi xưa, để rồi lãnh đạo ngu xuẩn, mị dân đưa đến sự tận cùng bần. Thấy dân xứ Venezuela bỏ xứ đi làm công khắp nơi ở Nam Mỹ, dù trước đây là một nước giàu có, nhờ dầu hoả. Cho thấy một nước muốn được giàu mạnh, người dân ăn sung mặc sướng, cần người lãnh đạo yêu dân, bằng mọi cách giúp nâng cao đời sống người dân còn gặp lãnh đạo chỉ lo cho thân mình và đồng đội thì dân chỉ có đói, không có đất mà ăn. Phải tìm đường ra đi làm cu li cho ngoại bang.

2 vợ chồng xuất hành đầu năm 2023 về miền Nam Cực lạnh như băng

Sau đó mình bay về Việt Nam, leo vào động Sơn Đoòng và Phong Nha. Về thăm quê nội được 1 đêm rồi bay vào Đà Lạt. Đưa bà cụ viếng thăm Thái Lan 1 tuần rồi về Sàigòn, thăm mấy đứa cháu, lại lên máy bay về quê hương thứ 3. Đi chơi với vợ xong thì phải đi với mẹ.

Hang Én, chặng dừng chân đầu tiên trước khi vào Sơn Đoòng 

Hai vợ chồng bay lên Oregon và Washington thăm bạn, viếng thăm các thác danh tiếng của Oregon và núi Rainier. Sau đó lại trở về Yosemite với thân hữu như mọi năm rồi làm chuyến đi 1 tuần qua 6 tiểu bang rộng lớn Hoa Kỳ, với 9 mụ đàn bà trên xe. Mình làm tài xế nhân dân ưu tú cho mấy bà tham quan Tetons và Yellowstone hùng vĩ.

Đi chơi với Mẹ tại Thái Lan

Tháng 7 bay qua Boston ăn cưới cô cháu rồi lên tàu viếng thăm Bahamas. Chán Mớ Đời nếu ai muốn đi thì mình khuyên không nên vì chỉ lênh đênh trên biển mấy ngày, chả có gì khác lạ. Sau đó về thăm New York, nơi mình đã từng sinh sống 5 năm, thăm con gái đang ở đó. New York, ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với thời mình đi làm tại đây. Gặp lại vài người bạn ở New Jersey.

Viếng lại toà nhà đầu tiên vẽ tại New York

Tháng 9 khăn gói lên đường thăm viếng khối Liên Xô cũ, Con Đường Lụa nay trở thành Vành Đai và Con Đường. Khác với báo chí tuyên truyền tây phương, mình thấy Trung Cộng thành lập được chương trình này. Nếu hoàn thành sẽ đẩy mạnh kinh tế của vùng này lên như khi xưa, di chuyển nhanh chóng hơn bằng tàu thuyền. Khi đi chơi, viếng thăm mới hiểu được sự thật, còn ở nhà nghe tuyên truyền báo chí sẽ làm chúng ta tin tưởng vào sự nói phét. Nói cho ngay mình cũng muốn chương trình này thành công để giúp các người dân sống trong vùng này có cơm ăn áo mặt. Người cha sẽ không phải bỏ nước ra đi tìm cơm áo cho gia đình, nuôi con.


Uzbekistan với đền đài hồi giáo cổ xưa và Georgia với dãy núi Caucase. Trên đường về ghé lại Qatar mọc lên trong sa mạc như câu châm ngôn với sức người nô lệ sỏi đá cũng thành cơm. Nơi các giống dân khắp nơi về đây là đày tớ cho người dân sở tại. Không khác chi những Nô lệ ngày xưa, chỉ khác là đây họ tình nguyện, hạnh phúc làm nô lệ để gửi tiền về cho gia đình để rồi một mai thân tàn ma dại trở về cố quốc để chết. Tại sao họ phải bỏ nước ra đi, lao động quốc tế là cụm từ mỹ miều được thay thế cụm từ làm cu li cho ngoại bang. Các nhà lãnh đạo sung sướng cho dân đi làm cu li quốc tế, có được ngoại tệ và bớt đi những mầm móng phản động.

Uzbekistan, 

Tháng 10 viếng Mễ tây Cơ do hội kết nghĩa với thành phố Bellfowers mời. Được một gia đình Mễ cho tá túc 1 tuần, có cận vệ lái xe, đeo súng bên hông. Đi lần này xong chắc không đi nữa. Mình có đi rồi nhưng lần này muốn đồng chí gái đi theo cho biết đời sống người Mễ ra sao thay vì quen nhìn người Mễ di cư lậu.

Georgia 

Hai vợ chồng đi viếng trở lại các công viên quốc gia Sequoia, KIngs và Joshua Trees. Vẫn khám phá thêm những cái lạ của Cali. Không cần đi xa, Hoa Kỳ có rất nhiều nơi để thăm viếng. Có lẻ sẽ đợi khi sức khoẻ yếu yếu một tí, sẽ dành thời gian đi viếng các công viên quốc gia nổi tiếng Hoa Kỳ. Thật ra mình đi cũng 2/3 rồi.

Yellowstone

Năm nay đi chơi nhiều quá nên ít đọc sách báo, chỉ kể chuyện có 274 lần. Được cái là nhờ bác sĩ Kiều Quang CHẩn cho mượn võ đường để mấy anh chị em Đông Phương Hội có nơi tập luyện lại nhưng hơi bị sớm vì từ 5:30 sáng đến 7 giờ sáng nên ít người dám đu theo. Có người chịu khó từ San Diego chạy lên đây tập rồi chạy về đi làm. Dậy sớm nên mình lên giường vào lúc 9 giờ tối thậm chí có lúc mệt thì 8 giờ.


Mình đang chặt bớt các cây bơ cao già 35 năm để chúng ra nhánh mới nhỏ thấp cho dễ hái. Mình có gắn hệ thống tưới qua wifi với năng lượng mặt trời nên từ xa, có thể xem cần tắt hay tưới thêm vườn. Cứ đi chơi về khách sạn mở xem. Cần tưới khu vực nào thì mở app ra nhấn nút. Xong om


Trời thương nên có người kêu bán cho một khu thương mại và cho vay lại trong vòng 25 năm trước khi tiền lời lên. Được cái là mình đi chơi nhưng vẫn liên lạc qua email và điện thoại. Ký giấy tờ thương lượng qua email, chỉ có giấy tờ cuối cùng cần thị thực chữ ký thì về cali làm. Chính phủ cali cho tiền nông dân, cũng phải ký tên, in ra Scan đủ trò. Vẫn đi chơi không phải bắt buộc ở nhà để làm mấy chuyện này. Kỹ thuật đã giúp con người không còn phải dậm chân tại chỗ. Con gái mình đang ở Phi châu đi Safari vẫn làm việc nếu có wifi.


Năm 2024 thì tháng 2 sẽ viếng thăm 5 xứ ở vùng Trung Mỹ, rồi Việt Nam, Nhật Bản, Úc Châu. Sau đó sẽ leo núi Annapurna, 1/2 Dome Yosemite, Whitney. Sẽ đi âu châu vào tháng 9, tháng 8 sẽ đi Alaska. Mụ vợ đang lên chương tình với mấy người bạn, hy vọng mụ đi một mình với mấy bà bạn để mình có thời gian làm vườn.


Trước thềm năm mới, chúc các bác cùng thân quyến được nhiều sức khoẻ.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đời đẹp chán khi gặp người tri kỷ

Lễ Tạ Ơn năm nay, khác với mọi năm, đồng chí gái tổ chức gia đình ăn cơm với vợ chồng ông anh vợ. Không nhộn nhịp như mọi năm với mấy gia đình anh chị vợ khác. Không ai đem điện thoại thông minh ra để chứng tỏ mình thông minh hơn người ngồi chung bàn.


Mình hỏi anh vợ làm sao phát hiện ra mối tình hữu nghị của bà chị dâu. Chị dâu này thương mụ vợ mình lắm, cứ nấu ăn kêu mình đến lấy về cho vợ ăn. Mình có bà mợ, cũng thương mụ vợ, khi xưa chưa bị bệnh, cứ kêu mình lên lấy thức ăn về cho đồng chí gái. Còn mình thì chả ai đoái hoài đến. Rứa là răng. Có người hứa hẹn đủ thứ ở Đà Lạt, nói về đây sẽ đổ bánh căn gia truyền, người thì nói sẽ nấu bún bò. Khi mình về Đà Lạt, mấy bà này chạy mất dép, khi mình rời Việt Nam mới thấy họ liên lạc lại, kêu vì ăn chay nên không dám sát sinh. Không bao giờ tin con gái Đà Lạt ngày nay ngoại trừ đối tượng một thời. Cô nàng có mời đi ăn bánh căn nhưng mình xin lỗi, dành thời gian đi ăn với bà cụ và mấy người em. Hy vọng lần sau có thời gian nhiều hơn.

Mình nhận thấy đồng chí gái rất tốt với mọi người, bạn bè, cháu,… Giáng sinh nào từ ngày lấy nhau đến giờ, đều tổ chức giáng sinh, tết mua quà cho mấy đứa cháu. Mình có 4 bà chị dâu nhưng chả bà nào lo hết, cứ để mụ vợ mình lo nên qua năm tháng mấy đứa cháu thương vợ mình lắm. Con gái mình ở New York, nhưng cứ Tết và Giáng Sinh là bay về nhà thậm chí mấy đứa cháu ở xa cũng bay về ăn tết vì không khí đại gia đình được mụ vợ xây dựng từ mấy chục năm qua giúp mấy đứa cháu gắn bó với nhau. Hè rồi, có đám cưới cô cháu ở Boston, mấy đứa cháu bay qua hết cho thấy anh em, họ hàng gần nhau cần phải có một người kêu gọi lại như con gà mẹ cu cu đám gà về chuồng.


Năm ngoái đi Dubai bên gia đình mình do mụ vợ đưa ý kiến, mời cả nhà bay đến Dubai khiến mình khóc một dòng sông vì phải trả tiền ăn ở, máy bay cho mấy chục người khắp nơi trên thế giới bay về, chúc thọ bà cụ được 90 tuổi.


Lâu lâu mụ vợ lên vườn, hái trái đủ thứ. Mình hỏi chi nhiều vì ăn không hết. Hoá ra mụ đem cho bạn bè. Còn mình, bạn bè hỏi thì kêu lên vườn mà hái. Mình hái là để bán vì phải làm việc đủ trò trên vườn. Do đó bạn bè thương mụ vợ lắm, còn mình thì họ tránh Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Có anh bạn nói mua dùm cho bạn nhưng mình biết anh ta thích bơ vườn mình nên mua, tránh mình bắt buộc cho nhiều nên nói mua cho thân hữu. Mình kêu thằng con hái rồi đem giao tại nhà 2 thùng 40 cân anh, lấy tiền cho nó xài.

Anh vợ mình kể là sau 75, bị đi cải tạo được 3 năm thì cho về. Xin vào làm việc cho một công ty xây dựng. Anh ta học kiến trúc trước khi đi lính. Tại đây thì phát hiện ra đồng chí chị dâu. Anh vợ mình là nhà thơ Thanh Toàn, lấy tên cầu ngói mang tên ở Huế. Anh ta nhắc đến bài thơ:


Chia cho nhau miếng cá ngọn rau

Đời đẹp chán khi gặp tri kỷ

Anh vẽ hoạ đồ thiết kế

Em kiểm văn thư dự toán. (Thanh Toàn)


Chị dâu làm thư ký cho công ty, ông chủ muốn cá độ cho con ông ta nên trưa kêu lên nhà ăn cơm nhưng chị ta không chịu. Có ông kia làm chung công ty đi xe Lambretta kêu để ông ta chở về nhưng chị cũng không ưa, chỉ muốn được ông anh vợ chở bằng xe đạp.


Chưa đám cưới gì cả thì Việt Cộng kêu anh vợ đi kinh tế mới. May mà ông chủ công ty viết văn thư gửi cho công an khu vực, nói đất nước cần những người biết về kỹ thuật. Anh ta đã leo lên xe tải để được gửi lên vùng kinh tế mới thì công an khu vực đem cái văn thư ra đưa, cho tên có trách nhiệm, kêu ông anh xuống xe. Nếu không chắc đã bỏ mạng trên vùng kinh tế mới.

Hai người lấy nhau, ông chủ chết nên chị về làm ở nhà. Chị ta có khiếu về make-úp nên được rất nhiều hoa hậu Sàigòn nhờ làm mặt nên làm ăn khấm khá. Bổng nhiên được giấy tờ đi mỹ với bố mẹ vợ nên hai người băng khoăn không biết nên đi hay không. Rồi cuối cùng đi cho tương lai mấy đứa con.


Người Việt mình hay nói đến cụm từ “duyên nợ” nên mình không hiểu. Cứ thắc mắc “duyên” là gì? Làm sao để giải thích cho mấy đứa con. Theo mình hiểu duyên là điều kiện, tây phương gọi là “condition”. Khi ta muốn nấu bún riêu, phải có nước, mắm tôm, riêu, cà chua,… đó là những điều kiện để hội tụ, để nấu nồi bún riêu. Nếu thiếu những thứ này thì không thể gọi là bún riêu.


Người Việt hay dùng từ “duyên” để nói về gặp gỡ giữa trai gái và lấy nhau thì gọi là “nợ”. Khi vợ chồng bỏ nhau thì họ kêu “hết nợ”. Nếu không có đủ tất cả những điều kiện thì chúng ta không thể nấu được nồi bún riêu. Nấu bún riêu chưa chắc là ngon, dù có đầy đủ điều kiện. Tương tự lấy nhau, có đầy đủ điều kiện nhưng chưa chắc cuộc hôn nhân có hạnh phúc như nồi bún riêu thiếu ruốc. Phải thử vài lần vì không đúng lắm như hôn nhân nào cũng có lục đục, chưa đả thông được tư tưởng. Nếu không chịu khó, thông cảm kẻ nội thù sẽ đưa đến đỗ vỡ hôn nhân.

Hôn nhân lúc đầu cũng phải có đầy đủ điều kiện để lấy nhau. Gia đình đồng ý, thương nhau, trọng nhau. Dần dà các cuộc xung đột xẩy ra, nếu không cẩn thận cuộc hôn nhau vì tình yêu có thể đưa đến hận thù và đổ vỡ. Tại sao các điều kiện tốt hội tụ để đưa hai người xa lạ quen nhau, yêu nhau rồi đưa đến sự chia lìa. Tại vì chúng ta quên một điều, hạnh phúc như trồng một cái cây, cần phải được chăm sóc, phân bón, tưới nước được nhận nhiều ánh nắng mặt trời để có thể lớn mạnh, nhất là các nhánh khô, cần được cắt bỏ để những nhánh tốt có không gian phát triển. Nếu không chăm sóc, tỉa các nhánh chết khô thì dần dà chỉ còn lại nhánh khô.


Hai vợ chồng yêu nhau, đi mua một cây táo, đem về trồng ở sau vườn nhưng không có ai chăm sóc cây táo, đều ní cho nhau thì sớm muộn cây táo sẽ chết. Trong cuốn “Anger”, ông Thích Nhất Hạnh có nhắc đến trường hợp hai vợ chồng đều có bằng tiến sĩ, xem như họ đều có học thức cao, có thể hiểu nhau hơn. Nhưng không, họ sống với nhau, cãi nhau như mổ bò hàng ngày. Cuối cùng bà vợ nói chuyện với người bạn, kêu chịu đựng hết nổi, muốn tự vận. Bà bạn sau khi nói chuyện, nói bà ta nên đi theo bà tham dự một khoá tu thiền. Bà này nói tôi là thiên chúa giáo, không thể nào bỏ đạo. Bà bạn nói, trước sau gì cũng chết thì tại sao không học tập lớp tu thiền rồi chết. Nếu mình không lầm thì thiên chúa giáo không cho phép con chiên tự tử.

Bà tiến sĩ nghe lời đi theo học khoá tu thiền. Tại đây bà ta học được cách nhìn lại bản thân, lắng nghe, chánh niệm,… sau khoá tu bà ta bắt đầu lắng nghe ông chồng và thương ông chồng. Mới hiểu ông chồng đau khổ vì không ai lắng nghe ông ta. Ông ta giận dữ với con, với vợ vì khắc khoải trong nổi cô đơn, không ai nghe hiểu tâm sự của ông. Không ai muốn nghe nổi đau khổ của ông ta. Bà yêu cầu ông chồng đi học một khóa tu khác và ông này cũng nhìn lại mình, hiểu về bản thân mình và không trách móc vợ con nữa. Từ từ họ nối kết lại với nhau qua sự lắng nghe nhau. Khi họp mặt thân hữu, nếu để ý, ít ai chịu khó ngồi nghe cả bàn nói chuyện. Đa số chỉ đợi người kia ngưng để nói cảm nghĩ của họ thay vì lắng nghe người nói. Vợ chồng cũng y chang.


Chúng ta thương chúng ta hơn ai cả. Ngày nay với cộng đồng mạng, chúng ta có thể hiểu cộng đồng mạng là thượng đế. Chúng ta muốn cộng đồng chấp nhận chúng ta như khi xưa đi đến giáo xứ. Cuộc đời chỉ loay hoay trong làng, trong giáo xứ. Thượng đế là giáo xứ, là mọi người trong làng. Chúng ta luôn luôn nghe lời cộng đồng, ai khác lạ được xem là điên khùng. Thòi liên xô, anh không tin chủ nghĩa cộng sản vậy anh là người bất bình thường, phải cho vào nhà thương điên chữa trị. Ngày nay với Internet, một người có thể kết nối với một ai ở Alaska hay đâu đó. Có một người muốn kết bạn với mình, kêu là gửi nhắn tin đủ trò nhưng họ lại dùng gú gồ chuyển ngữ nên mình ngại không dám kết bạn nhất là mở link của họ vì sợ spam. Nên đành kêu Amen.


Chúng ta ai cũng xem cái tôi, bản ngã của mình trên hết, chúng ta muốn áp đặt cái tôi trên mọi người. Đi họp mặt ăn uống tại nhà thân hữu, mình để ý vài người, cứ dành hết thời gian nói chuyện, để đưa ra những quan điểm của mình mặc dù không ai để ý. Họ cứ nói đủ thứ đề tài. Dành nói hết. Họ không nhìn bản thân, hay lắng nghe người khác để xem biết đâu họ có thể học hỏi điều gì từ thân hữu. Mình dám chắc tại nhà, họ cũng không nghe vợ con hoặc bị vợ lấn áp, không cho nói nên ra đường phải nói cho bưa.


Dạo này đi chơi, leo núi với đồng chí gái, mình bắt đầu chịu khó chụp hình kẻ nội thù. Mụ vợ thay vì chụp một kiểu lại đòi chụp quay lưng, rồi nghiêng nghiêng cành lá rồi thực diện, rồi chân trái nhấc lên đến chân phải hất ra sau,… mụ hay kêu đi là con đường hạnh phúc, không cần phải tới đích. Mình thì muốn mụ đi cho mỏi giò để hết nói, hết tạo khẩu nghiệp nhưng khi thấy kẻ nội thù vui hồn nhiên như trẻ thơ đứng cà ẹo, trong ống kính thì thấy cũng vui. Đó là niềm vui. Vợ vui là chính thay vì lên tới đỉnh cho sớm. Khi đi xuống núi thì mụ mệt nên không cần đứng lại chụp hình vì chánh niệm vào hai cái đùi đau quẹo chân.


Từ ngày tập Đông Phương Hội đến nay, mình từ từ mình nhận thức được cơ thể, hơi thở khi đi quyền, kéo nội công, hiểu từ từ, lắng nghe cơ thể rồi từ từ người xung quanh. Khi chúng ta hiểu được hoàn cảnh, lý do kẻ nội thù hay con cái hành xử như thế này thế nọ. Khi đã hiểu thì chúng ta dễ thích ứng với sự quan tâm để hòa hợp với vợ con. Mỗi lần đi chơi với vợ con, mình đều bỏ điện thoại trong xe để chịu khó lắng nghe vợ con. Thay vì ngồi xeo-phì tự sướng. Một tấm ảnh khác với không gian 4 chiều.

Cái duyên, những điều kiện để cho vợ chồng gặp nhau nhưng cần được sự chăm sóc để cái duyên ấy được đâm hoa kết trái. Đó là hạnh phúc đời người.


Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao

Dù hàm răng không còn chiếc nào

Dù thân thể còm nhom như là con cóc

Dù cho bước đi vô cùng khó nhọc

Những vẫn thường hái hoa tặng nhau


Một tiếng hắt hơi, cụ bà tắt thở

Một chiếc xe tang đưa cụ bà ra bãi

Thấy cụ ông đứng đó

Ở trên mồ tay vẫn cầm lá thư tình yêu


Ơi trái tim cụ ông như mặt trời sắp lặn

Ở dưới nơi chim rừng cháy rực

Sáng tình yêu, ngàn năm


Cụ bà vẫn đẹp sao, mụ vợ vẫn đẹp sao, đẹp sao. Đẹp sao đẹp sao…..


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tàu Ruồi trên sông Seine


Ai đến Paris đều thấy du khách viếng thủ đô dọc dòng sông Seine trên những chiếc tàu được gọi “bateaux mouches”, nếu dịch ba chớp ba nhoáng ra tiếng Việt là “tàu ruồi” khiến mình thất kinh, không dám đi sợ ruồi bu. 10 năm ở Paris, mình chưa bao giờ leo lên đây đến khi về lại Paris với vợ con thì không thấy ruồi trên tàu nên hỏi đám tây đầm quen. 

Đầu hay cuối của đảo Cité có bến tàu ruồi, đi xuống từ Cầu Mới (Pont Neuf). Giữa cầu có một tượng vua Henri VIII, nổi tiếng bắt các bà bồ, không được tắm 3 tháng trước khi giao hoan với ông ta. Chụp trên cao khúc Passerelle Des Arts nơi mình đi ngang qua hàng ngày.

Mình được giải thích lý do người Pháp gọi là tàu ruồi. Ở thế kỷ 19, có một khu vực đóng tàu ở Lyon, thành phố lớn thứ nhì của  Pháp, có nhánh sông Rhône mà khi xưa người Pháp gọi Mouche nên từ đó họ gọi những tàu được đóng tại khu vực này là “bateaux Mouche” , không có “s” sau Mouche vì là tên (Nom propre). Các tàu này được sử dụng để đưa khách qua sông hay di chuyển ở các thành phố cạnh bờ sông như Paris. Nếu đi viếng Venise hay Istanbul, chúng ta sẽ thấy các con tàu chở hành khách trên các con kênh được gọi là vaporetto hay người dân Istanbul, đi tàu qua Bosphorus chia cắt Âu châu và Á châu.


Ngày nay đi viếng các nơi có bờ sông, chúng ta đều thấy các tàu chở du khách trên sông như ơ Budapest, Vienne,..trên dòng sông Danube. Có ăn uống múa hát thường là rất dỡ. Ở Vọng Các, mình có đi tàu với bà cụ, ăn uống không ngon lắm, du khách từ Việt Nam hay Thái, dành hết thức ăn rồi bỏ mứa.

Tàu Ruồi nhưng không giống con ruồi. Chán Mớ Đời 

Nói chung các thành phố âu châu khi xưa đều được xây dựng cạnh bờ sông. Lý do là người ta di chuyển bằng tàu và chuyên chở hàng hoá để buôn bán và các vật liệu để xây dựng. Ở Paris, chúng ta thấy các dinh thự, nhà thờ, tháp Eiffel, đều được xây cất cạnh bờ sông Seine giúp chuyên chở các vật liệu xây cất. Ngày nay thì chỉ thấy tàu cho du khách đi chơi và các péniche chở hàng hoá. Mình có quen một tên tây, hắn mua một chiếc tàu nhỏ và neo bên dòng sông Seine để ở rẻ hơn mua nhà. 


Cách đây mấy tháng mình có xem một phóng sự bên Tây, một bà đầm ở trong một chiếc tàu đậu trên kênh Saint Martin ở Paris. Khi xưa, ông Tây bà đầm dạy về các péniche trên con kênh này, nước được đỗ đầy trước khi họ dỡ mấy cái cửa chấn. Phương cách này tương tự đi tàu qua kênh Panama hay trên dòng sông Nile mà mình có viếng thăm cách đây 2 năm. Vợ chồng bà ta mua chiếc tàu trên 30 năm. Mỗi năm phải di chuyển tàu một vài lần khi chính phủ khám xét, xem tàu còn sử dụng được hay không trước khi cấp phép cho tàu sử dụng hàng năm. Hình như bên tây có những chuyến hải hành trên sông với những chiếc tàu nhỏ, bên vùng Venise cũng có. Mình không thích du thuyền lắm nên không nói cho mụ vợ biết , mụ lại đòi đi. Được cái là họ cho đầu bếp giỏi nấu ăn trong 1 tuần hay hai tuỳ tuyến đường. Mình cũng không phải dân thích ăn uống nên chả thiết,

Chiếc cầu đầy kỷ niệm một thời sinh viên, đi qua mỗi ngày đến trường băng qua dòng sông Seine im liềm.

Vào năm 1862, công ty đóng tàu “Mouche” được thành lập, đóng tàu để chuyên chở hành khách trên sông. Có cuộc đấu xảo vào năm 1867 tại Paris, các chiếc tàu này được trưng dụng để chở các du khách thăm viếng cuộc đấu xảo tại Paris. 30 chiếc tàu ruồi này được đóng, theo dòng sông Rhone, chảy theo lên đến sông Seine, để giúp du khách thăm viếng, và dân cư Paris, di chuyển Paris trên sông Seine. 


Nghe kể vì không có phim ảnh, có đến 300-400 hành khách di chuyển trên các tàu ruồi này vì giá hạ và nhanh chóng. Các chuyến tàu ruồi này hoạt động được một thời gian ngắn lại bị dẹp vì thủ đô xây dựng một hệ thống đường ngầm gọi là Métro cho cuộc đấu xảo năm 1900 giúp dân pAris di chuyển nhanh hơn vì có thể đến những nơi xa cách dòng sông Seine. Mình có kể rồi những ngày đầu tiên trên đất Pháp.

Tàu trên dòng sông Rhône, nơi người ta gọi là khu vực Mouche (tiếng tây cổ có nghĩa là nhánh sông). Thấy tấm bảng quảng cáo “chocolat Meunier", công ty sô-cô-la nổi tiếng của tây mà khi xưa, còn bé ở Đà Lạt, bà cụ mua về pha cho mấy anh em uống. Qua tây mình khám phá ra công ty này được Nestle mua. Nên chả còn tây gì nữa.

Sau thế chiến thứ 2 thì có một ông tây mới đột phá tư duy, mua mấy chiếc tàu cũ này, trang trí lại và sử dụng chuyên chở du khách trên dòng sông Seine. Ông ta thành lập một công ty hàng hải mang tên Compagnie des Bateaux-Mouches® vào năm 1950. Ông ta chơi trò cá Tháng 4, ngày 1 tháng 4. Ông ta mướn hai người tên dài dòng lắm, viết một tiểu sử bịa đặt: cho rằng ông chủ của công ty tàu ruồi, tên là Jean-Sébastien Mouche. Một cựu cộng tác viên của ông Baron Haussmann danh tiếng dưới thời đệ tam đế chế Pháp khiến dân tình tưởng thiệt, đến tham dự đông đúc như quân Phú LĂng-xa ngày khai trương của công ty, cũng như bức tượng của ông ta và sử dụng tàu ruồi đi dã ngoại trên sông Seine. Từ đó ai đến Paris cũng leo lên tàu Ruồi. Ban đêm có đèn pha rọi sáng rực hai bên bờ sông Seine. Mình nhớ là chỗ Cầu Mới (pont Neuf) là bến để du khách lên xuống.

Sông Seine, thấy Cité, bên phải là khu La-tinh, chỗ Saint Michel. Dọc sông Seine, có những xập bán sách cũ mà mình đã kể.

Nghe kể có một hội viên của hàn lâm viện Tây tưởng thiệt nên đến tham dự đọc diễn văn bú xua la mua.

Bác nào đến Paris, đi du ngoạn trên tàu Ruồi, thật ra không phải ruồi mà chữ Mouche có nghĩa khi xưa là nhánh sông. Đừng có ngu ngu như em tưởng tàu có ruồi rồi không dám leo lên. Thức ăn thì dỡ lắm. Để tiền vào các tiệm ăn mà em đã kể nhưng nếu có khả năng thì nên đi ăn đêm trên dòng sông này có nhảy đầm vớ vẩn. Phong cảnh hai bên sông thì rất đẹp, hơn cả dòng sông Thames ở Luân Đôn hay Danube ở Đức quốc hay Budapest, HUng Gia Lợi . Xong om

Chúc các bác cùng thân quyến một năm 2024 được nhiều sức khoẻ. Em cố gắng không lên mạng từ đây đến cuối năm 2023.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Người xưa ngày nay


Có lần đồng chí gái đưa mình tấm ảnh thời xưa, chụp một đám con trai con gái rồi chỉ một tên, nói tên ni khi xưa em thích hắn lắm. Nay hắn te tua, tóc rụng, răng rụng đủ trò. Công nhận chú bé trai mà đồng chí gái thích một thời rất khôi ngô tuấn tú hơn Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen. Có lần buồn đời, mình bò lên mạng tìm kiếm những người đã đi qua đời tôi, khiến mình thất kinh. Cô nào cô nấy ngày nay đều to béo. Buồn vào hồn không tên. Mình nghĩ họ mà thấy ảnh mình ngày nay chắc cũng thét lên như gặp Hải tặc. Nhìn lại thì mụ vợ mình còn OK tuy đã nữa đời hương phấn.

Có lần thằng con mình đi Việt Nam theo phái đoàn y tế giúp người nghèo tại Việt Nam. Sau mấy tuần, phái đoàn gửi cho mình một video. Hai vợ chồng bỏ lên máy truyền hình để xem hình ảnh thằng con. Thằng con đâu không thấy, thấy có một bà to béo, trưởng toán của thằng con, mình dụi mắt mấy lần, mở đi mở lại 2 lần để xem có đúng đôi mắt người xưa. Mình hỏi vợ bà này sao thấy quen quen. Mụ vợ như đợi thời cơ đã chín muồi, nói liền bà bồ anh ngày xưa chớ ai. 


Đồng chí gái có trí nhớ rất hay. Mình thì không nhớ nhưng mụ vợ thì nhớ hết dù xem hình ảnh mà mình còn giữ lại trong album mà cô nàng trao tặng. Như có lần đi ăn cưới, người ta giới thiệu một ca sĩ lên sân khấu. Mình nói với mụ vợ, bà này trông quen quen. Đồng chí vợ kêu bạn học anh chớ ai. Bà đi hỏi vợ cho anh, dặn đừng giới thiệu tôi là mẹ ông nhé. Chị bạn học chung khi xưa, lập gia đình rất sớm, mình gặp lại lần đầu khi đi thăm với đối tượng một thời. Cô nàng kêu bạn anh sao như bạn má em. Chán Mớ Đời 

Mình xem lại chú thích thì đúng tên họ của nha sĩ mình quen khi xưa, vừa tên mỹ vừa tên ta, thêm cái giọng một thời đã làm mình say đắm, bỏ âu châu sang Hoa Kỳ để se duyên Tần Tấn. Đồng chí gái thì vui lắm, cảm thấy ngày nay đẹp hơn đôi mắt người xưa của mình. Cứ xuýt xoa bà ta khi xưa đẹp mà răng bi chừ lạ rứa hè. Lạ hè. Mỗi câu lạ rứa hè càng xé nát tim tôi. Chán Mớ Đời 


Có lần gặp lại anh bạn người Hoà LAn, anh ta kể có gặp lại cô bạn người đức mình quen khi ở Thuỵ Sĩ, mình hỏi có con cái gì không, không dám tìm kiếm nữa vì phụ nữ đức nổi tiếng ăn Kartoffeln và uống bia thì sau một lần đi biển vượt cạn là to đùng. Cô ta lấy một người Thụy sĩ, có một cô con gái nhưng hai người ly dị vì anh chồng lớn tuổi hơn rất nhiều, nay về già bệnh đủ thứ nên cô ta không thể chăm sóc và đi làm cùng một lúc nên aus Wiedersehen.


Mình có kể gặp lại những bông hồng cũ nhưng ít cô nào bàn nói về gặp lại cố nhân như đồng chí vợ. Ông Vũ Thành An có rên rĩ về mối tình không thành của ông ta, giúp ông ta nổi tiếng, lượm được một mớ tiền với những bài hát không tên không tuổi nhưng khi gặp lại cố nhân bên mỹ, ông ta phải sửa lại ca từ của bài hát. Hiểu rằng con đường gốc nhân đã chọn quá đúng.

Thời gian rất tàn nhẫn không chừa ai cả, tuỳ theo cuộc sống và môi trường đã trải qua, sắc diện con người sẽ bị tàn phá nhanh hay chậm. Có gặp lại nhau thì phải chuẩn bị tinh thần để không bị sốc với thời gian. Nam hay nữ đều bị tàn phá. Khi gặp lại chúng ta chỉ nhìn người bạn học khi xưa để nối lại những kỷ niệm với nhau. 


Mình có anh bạn, bố mẹ cấm không cho lấy cô bạn gái vì không môn đăng hộ đối, đành hát ngày nhà em pháo nổ tâm hồn anh rướm máu. 19 năm sau, anh ta gặp lại cô bạn gái, cũng lỡ một chuyến đò như anh ta. Thế là xáp lá cà lại nhau. Từ Pháp chuyển qua Hoa Kỳ kết lại mối tình xưa. Cái kết khá đẹp. Anh ta và vợ hay ghé lại nhà hát hò với đồng chí gái và mấy người bạn yêu thích hát hò.


Còn nếu nhìn những người bạn cũ với cái nhìn của người soi mói hay để thoả mãn tự ái của mình thì khó. Có nhiều người kêu gặp lại con Ạ con B, khi xưa đẹp lắm mà nay thì Chán Mớ Đời. Với tâm tư như vậy thì không nên gặp lại. Người bạn nào mình gặp lại cũng mừng là chưa qua đời, còn khổ hay sướng thì không thể so sánh được. Vì mỗi người có một cái nghiệp, một cây thánh giá để tự vác lên đồi Calgary.


Cậu bé khi xưa trong ban Tuổi Thơ, với mụ vợ nay đã lão thành. Mụ vợ cũng thay đổi, mình phải dang hai tay nối vòng tay lớn mới ôm được kẻ nội thù. Mình thì bị lão hoá theo năm tháng, làm người chồng nhân dân rồi làm nông dân ưu tú. Mình thấy nhiều người bạn, nhuộm tóc để cảm thấy mình trẻ, bẻ sừng trâu làm nghé. Còn mấy bà thì cố gắng níu kéo chừng nào hay chừng nấy.

Nông dân Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Trên Netflix, có chương trình kể về bệnh nhân của hai ông bác sĩ thẩm mỹ tại Newport Beach. Kinh hoàng. Mấy bà muốn làm cô bé lọ lem, vô đây sửa tới sửa lui đủ trò, xem thấy kinh hoàng vì họ muốn đẹp thêm, bơm ngực bơm mông, hay vá cái âm hộ như trong cuốn sách Godfather kể. Họ quên là sửa sắc đẹp lại, bơm mông bơm ngực thì khi lên thiên đàng, máy rà digital của thánh Phao Lồ sẽ không nhận ra và bị đày xuống địa ngục. 


Cũng có mấy tên tốn tiền vào đây để làm đẹp, để trở thành Chử Đồng Tử phò mả, tốn biết bao nhiều tiền. Nói chung nam nữ ai cũng bị lão hoá, chỉ có vấn đề là chúng ta có chấp nhận, thích nghi với sự thay đổi hàng ngày để vui sống tốt những năm tháng còn lại của đời người. Gặp lại bạn bè xưa, nếu họ chấp nhận mình thì gặp còn không thì thế giới này thiếu gì Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen .


Mình có gặp lại đối tượng một thời tại Việt Nam khi thăm viếng gia đình. Được cái là cô nàng không bị thời gian phá nát tim tôi. Vẫn đẹp như ngày nào. Khi xưa đẹp gái nay đẹp lão. Còn một cô được xem là xinh khi xưa, thấy hình ảnh ngày nay trên mái ấm trường Văn Học thì cũng không muốn đi tìm lá Diêu Bông. Xong om

Mấy bà quen khi xưa không nhận ra mình khi gặp lại Sơn đen. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen. 

Nguyễn Hoàng Sơn