Xẹc Đà Lạt xưa
Mình tính năm nay, lựa mấy tấm ảnh Đà Lạt xưa, rồi gom lại từng phần, đăng lên bờ lốc cho dân Đà Lạt xưa tìm lại chút gì còn lại của ký ức một thời. Dạo này bờ lốc được một ông thần I.T. nào bên Pakistan, thêm vào phần chuyển ngữ qua các tiếng khác như anh, pháp, ý,..để ai có con cháu muốn đọc về Đà Lạt, quê xưa của bố mẹ thì cứ vào bờ lốc, chuyển qua anh ngữ, pháp ngữ, ả rập ngữ…. Mình thấy họ chuyển ngữ cũng ổn.
Ông Tây chụp hình lưu niệm ở Đà Lạt xưa hay quảng cáo làm bưu thiếp bán cho du khách về Đà Lạt. Khi xưa, máy hình đắt nên ít ai có nên đi du lịch, người ta hay mua các bưu thiếp để gửi cho thân hữu. Chỉ có ngày nay thì lai chim mệt thở.Người Pháp tổ chức thi hoa hậu bản địa tại Đà Lạt
Quảng cáo cho du lịch Đà Lạt, đi săn núi đồi, thác nước.
Để hôm nào đi chơi về, mình chọn ra mấy tấm ảnh xưa để chia sẻ với mấy bác dân Đà Lạt xưa. Mình có đâu trên 3,500 tấm về Đà Lạt xưa. Khi xưa, mình về Bảo Lộc, vào nhà em của ông ngoại, thấy chụp hình như ông Tây, cũng bắn chết cọp, thậm chí còn treo bộ da cọp trên tường.
Kể cũng vui, bờ lốc do hai anh chàng hay đọc bài của mình thực hiện, rồi có một anh gốc Jordan, nghe mình viết bờ lốc, nên muốn đọc nhưng mình nói viết tiếng Việt, thì anh ta kêu chuyện nhỏ rồi hỏi mật mã, gọi cho ông thần nào ở Pakistan, do công ty anh ta mướn làm lập trình viên, kêu bỏ thêm phần chuyển ngữ. Như vậy anh ta sẽ có thể đọc những bài về mua nhà.
Bài Đầu tiên mình gom các tấm ảnh của xẹc mà khi xưa nổi tiếng ở Đà Lạt. Xẹc là do người Đà Lạt gọi tắc từ tiếng pháp Cercle Sportif de Dalat, hay câu lạc bộ thể thao Đà Lạt.
Khi xưa ai đi ngang chỗ góc đường Cộng Hoà và Nguyễn Trường Tộ, sẽ thấy toà nhà 2 tầng này mang tên Đào Nguyên trước 75.Khi người Pháp xây dựng thành phố nghỉ mát Đà Lạt cho thực dân với dự định biến thành phố này trở thành thủ phủ hành chánh của Đông Dương của họ. Họ bỏ công và tiền rất nhiều, chưa thành lập gì cả thì ông Nhật Bản nhảy vào, rồi Điện Biên Phủ nên họ cuốn gói về Tây sau khi ông Bigeard đầu hàng. Khởi đầu là xây cất mấy khách sạn, nhà nghỉ nhỏ rồi đến khách sạn Palace to đùng, được xem là sang trọng bật nhất Đông Dương dạo ấy. Thêm khu vực nhà nghỉ cho thuê mà họ gọi Cité Decoux, gần hồ Vạn Kiếp. Muốn thu hút du khách, họ phải tạo dựng có các sinh hoạt thể thao như săn bắn, bơi lội, trợt nước, quần vợt, đánh Cù thậm chí thi hoa hậu Đà Lạt và ban đêm là sòng bài để hốt hết tiền du khách. Vì lên thành phố này nghỉ dưỡng mà cứ nằm nhà thì chán mớ đời.
Đây là hình ảnh khi xưa, lúc chưa xây Thuỷ Tạ. Có mấy căn nhà nghỉ mà người Mỹ gọi là Bungalows, Tây gọi là Châlet, kèm với nhà nghỉ Desanti trước khi xây khách sạn Palace và Du Parc. Khách sạn Palace thì chỉ có độ 20 phòng nên họ phải xây thêm khách sạn Du Parc, gần đó cho tuỳ tùng. Trên đồi cao là nhà của ông đốc sứ, sau 1954, trở thành toà tỉnh Tuyên đức. Ông cụ mình có thời làm ở đây.Từ đó họ mới xây nhà hàng thuỷ tạ, để người Pháp sử dụng thuyền ghe lướt trên hồ, và khu vực đánh quần vợt, gần đó ngay góc đường Nguyễn Trường Tộ và đường Cộng Hoà, và sân đá banh bên cạnh. Chỉ có sân cù phía bên kia hồ Lớn. Thật ra người Pháp có dự án xây cất nhiều hơn phía bên sân cù như trung tâm thể thao, trường học,… mình có xem bản thiết kế của người Pháp khi xưa nhưng 1954 đến quá sớm nên họ chưa thực hiện được.
Tấm ảnh này cho thấy khách sạn Palace vừa xây xong nhưng Thuỷ Tạ chưa được xây. Ta thấy nơi góc Nguyễn Trường Tộ và đường Cộng Hoà, có căn nhà bé bé, được gọi là La Chaumière, (ngôi Nhà Tranh) tiệm ăn để cho khách du lịch ở trong mấy bungalows đến ăn uống.Câu lạc bộ thường cần một nơi giải khát cho hội viên thì chỗ Thuỷ Tạ đã có quán nước giải khát, phía bên khu đánh quần vợt họ cho làm một nhà hàng nho nhỏ, gọi “là Chaumière” (ngôi nhà tranh). Dần dần mới phá đi xây lại khang trang 2 tầng với kiểu kiến trúc Art Déco mà sau này trước 75, mang tên tiệm ăn Đào Nguyên do ông Tình, cựu trưởng ty cảnh sát, mướn của thành phố để thành lập nhà hàng và dạ vũ. Mình có vào đây 1 lần với ông cụ, mình có thấy ông Đoa làm việc ở Grand Lycee, năm học 5ème uống ly nước cam vàng. Nghe nói trên lầu, họ cho nhảy đầm, lính tráng hay sĩ quan đến đây tán gái, nhảy ba-xi-lô con gái lấy chồng chà dà.
Hình này chụp năm 1948, 6 năm trước khi chế độ thực dân cáo chung. Mình có thấy một tấm ảnh Đà Lạt xưa, một căn phố có dáng dấp kiểu kiến trúc tương tự nhưng không nhớ là ở đâu. Mình đoán là kiến trúc sư là người đã thiết kế dinh Bảo Đại.Nghe kể, có ông đại đội trưởng nào ở Đà Lạt, vô đây nhảy đầm rồi có bà Bồ nào buồn đời sao, rút chốt lựu đạn khiến ông ta mặt xanh, phải dụ cô nàng ra bờ hồ rồi chụp trái lựu đạn quăng xuống hồ nghe cái đùng to lớn khiến quân trấn chạy lại. Ông ta làm bộ theo ngây, bà Bồ cũng không muốn ông ta bị quân trấn bắt đi nổi buồn hoa Phượng. Mình chỉ nhớ có đánh lộn với thằng Vinh, con ông Duy tại đây một lần. Ông Duy đánh quần vợt rồi đem mấy thằng con lại xem, mình không biết lý do gì có mặt nơi đó. Chắc đi coi đá banh. Mấy đám con nít xúi mình đánh lộn với thằng Vinh. Mình mới học nghề của OSS 117, lộn nhào bật người lại nhưng rồi cũng bị nó khệnh cho một trận.
Đây là góc Nguyễn Trường Tộ và bùng binh ngã 5. Trạm biến điện, sau này bị phá bỏ và xây mấy thang cấp lên khách sạn Palace. Nay về thấy họ xây cái cổng to đùng. Cái nóc nhà đầu tiên sau trận lụt 1935, bị cuốn trôi nên có thể nói tấm ảnh này được chụp trước tháng năm 1935.Đây là một góc nhìn, đoán là chụp từ khách sạn Palace, lúc đó họ mới xây một nhà nhỏ cho người Pháp chơi thuyền, chưa xây căn nhà nổi trở thành biểu tượng của Đà Lạt. Phía bên kia hồ, là đồi Cù. Sau 1954 thì chính phủ Ngô Đình Diệm có chương tình trồng cây thông rất nhiều trên đồi cù và khắp nơi thị xã. Điển hình các cây Mai dọc bờ hồ, dường Lê Đại Hành mà khi Tết về thấy hoa nở rộ hay đường vào Chợ. Không biết nay có còn hay không.Đây là tấm không ảnh do một cựu chiến binh Hoa Kỳ, tên Bill Robie chụp khi tham chiến tại Đà Lạt. Ông có chụp rất nhiều hình màu tại Đà Lạt. Ông ta mới qua đời năm ngoái. Hình ảnh cho thấy tổng thể của xẹc Đà Lạt, gồm Thuỷ Tạ, nhà hàng Đào Nguyên và khu đánh quần vợt. Thời ông Diệm có cho xây thêm Thao Trường và sân vận động. Thao trường thì có cho sử dụng để dạy võ,… hồi nhỏ mình có vào đây xem võ đài thấy võ sĩ Minh Cảnh bị thiên hạ đấm trúng mặt này nọ hay các giải đánh quần vợt, vũ cầu,.. kế bên tiệm ăn nhảy đầm Đào Nguyên, có một nơi để đành vũ cầu, rồi kế đến các sân quần vợt mà có lần họ tổ chức đại hội thể thao quân khu II tại đây. Có dạo họ tổ chức đại hội nhạc trẻ ở đây, có ban Con Bà Cả CBC chơi, nhớ bản oye como va và ban nhạc Đà Lạt The Rolling Wheel.
Mình được dự kiến xem Đinh quốc Tuấn và Đinh Quốc HÙng đánh ở đây. Đinh Quốc Tuấn là em lo đánh tranh giải, đoạt giải vô địch còn ông Anh thì cứ đánh cá độ với ông Giàu, tiệm giày trên khu Hoà Bình, thấp thấp người, bụng lại to, chạy không nổi, chấp bao nhiêu đó, không cần service, chắc dạo đó vợ ông Giàu khóc nhiều vì ông ta thua Đinh Quốc hÙng hơi nhiều. Sau chắc đổi tên thành nghèo quá. Mình nghe em gái của vô địch Đinh quốc Tuấn kể là anh chàng này chết trên đường vượt biên. Anh chàng độ tuổi mình. Khi xưa là thần tượng của mình. Mình bắt chước đánh quần vợt ở ty Công Chánh có cái sân phía sau cho mấy công chức chơi nhưng chả ai đánh cả nhưng mình thuộc nông dân không có khiếu nên bỏ cuộc, về cuốc đất cho có vẻ nông dân chân chính vô sản, thay vì bắt chước dân nhà giàu. Mình gốc nông dân nên dù có bận đồ đánh quần vợt, áo trắng quần short, mang bata trắng, vớ trắng thì vẫn lộ nguyên hình là nông dân cực chất.
Tấm ảnh phát hoạ của một kiến trúc sư người Pháp, hình như Ernest Hébrard, muốn kiến tạo một khách sạn to đùng ở ngay khu vực Đào NguyênĐây là hình chụp toàn thể khu vực của xẹc Đà Lạt xưa, cận cảnh là thuỷ tạ, phía dưới là để thuyền, trên là tiệm giải khát và chỗ plongeon để người nhảy xuống hồ bơi. Bên trái phái sau là nhà hàng kiêm dạ vũ, xa hơn là các bungalows còn bên phải là khách sạn Palace nơi có sòng bài. Sòng bài phải bận áo quần như giới quý phái mới được vào.Mình nghĩ khi xưa khi người Pháp khám phá ra Đà Lạt, hồ Xuân Hương ngày nay là một thung lũng như Thung Lũng Tình yêu nên chận lại để trữ nước. Chơi tàu buồm mà mình có thấy ngày xưa. Nay chỉ thấy xe đạp nước với mấy con thiên nga to đùng. Thủy Tạ mà người Pháp đặt tên là La Grenouillère để nhớ đến một tiệm ăn danh tiếng ở ngoại Ô thành Paris.
Thảo Trường được xây cất dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, thời đệ nhị cộng hòa thì chả xây gì cả vì chiến tranh gia tăng. Bao nhiêu tiền đổ vào quốc phòng
Nếu mình không lầm đây là hình ảnh của gia đình bà Bùi Thị Hiếu trên các bực thang lên khách sạn Palace
Tây đầm đến La Grenouillère để vui chơi nghỉ dưỡng
Cái plongeon này, nhớ có tên leo lên cao dạo ấy, nhảy cái dùng xuống, khóc luôn vì bị dập dế
Một góc nhìn khi xưa. Nghe mấy người lớn kể khi xưa là nhảy đầm ở trên lầu, dưới nhà là nhà hàng.
Nhìn hình mới nhớ khi xưa nhân công đi cuốc đất phác cỏ, đa số là phụ nữ. Đàn ông đi lính hết hay trốn vào rừng theo Việt Cộng. Bên trái là cửa ra vào tiệm ăn này.
Hình chụp từ khách sạn Palace mà mình có dịp ngụ lại đây khi về lầm đầu với đồng chí gái và mấy đứa con. Mình đoán là chụp ngay balcon của phòng ngủ mà khi về có Ngụ lại. Nhớ sáng mở cửa sổ, ra balcon đứng nhìn xuống hồ Xuân Hương mờ sương, quá đẹp
Mình bonus thêm tấm ảnh chụp chỗ mướn xe pédalo chỗ Thanh Thuỷ ngày nay nhìn sang khu vực Xẹc. Mình có trên 3,000 tấm ảnh về Đà Lạt từ thời Tây mới sang đến giờ
Đây tấm ảnh chụp khi họ vét hồ. Mưa kéo phù sa về hồ nên từ từ làm cạn hồ nên phải vét. Nhìn lại mình thấy họ lúc đang phá Thao Trường để xây lại cái chi chi xấu không thể tả.
Hình này thì chụp sau 75
Sau 75, thấy xuống cấp. Đề tên trung tâm văn hóa mà đem bà ghế ra ngoài đường để
Thời Tây thì sòng bài được mở ở khách sạn Palace. Mình không có hình ảnh này, chỉ có một mớ hình ảnh chụp trong nhà bếp bú xua la mua. Nói chung khách sạn Palace là một thất bại về thương mại. Họ mướn ông chủ khách sạn Desanti để quản lý khách sạn Palace nhưng lỗ vốn nên không trả tiền ông này nên thưa kiện đủ trò. Mình có đọc trong cuốn sách do tác giả người Gia-nã-đại viết về Đà Lạt. Có nhắc đến nhóm nào bỏ tiền ra để xây thầu câu lạc bộ thể thao Đà Lạt nhưng lười đọc lại. Mình cứ nói để về Đà Lạt, ghé lại tiếng tâm lưu trữ của Đà Lạt để xem tài liệu về Đà Lạt xưa nhưng cứ quên hoài. Chán Mớ Đời
Mình đưa vài tấm ảnh xưa của Đà Lạt, về trung tâm thể thao Đà Lạt thời Tây rồi truyền đến thời Việt Nam Cộng Hoà. Dạo đó mình vào Thuỷ Tạ được một lần, cũng như Đào Nguyên uống chai nước cam. Sau này về Đà Lạt, có ghé lại một lần trong Thuỷ Tạ nhưng hồn mình đi đâu nên không thấy mộng mơ mộng mị gì nữa. Xong om
Hôm nào rảnh mình kể tiếp mấy tấm ảnh khác. Bác nào có muốn đặt hàng thì cho em hay hoặc gửi thêm hình lạ cho em. Có ai nhắc thì em mới nhớ, chớ đời làm ô-sin cho mụ vợ khiến em không muốn nhớ gì nữa.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen