Showing posts with label chiến tranh. Show all posts
Showing posts with label chiến tranh. Show all posts

Thép đen, điệp viên Việt Nam Cộng Hoà

Dạo mình ở New York có gửi mua hai cuốn sách "Thép đen", do một điệp viên của VNCH, lấy bút hiệu là Đặng Chí Bình, viết sau khi được VC thả và vượt biển, định cư tại Hoa Kỳ. Nghe nói ông ta mới qua đời hồi đầu năm nay. Tên thật là Trần Quốc Hùng, bí danh là X20. Mấy năm trước mình gửi mua thêm hai tập nữa được bổ xung sau 20 năm. Tổng cộng là 4 quyển. Nghe nói có người Mỹ dịch ra anh ngữ, bỏ bớt nhiều phần khiến ông ta không chịu. Hình như ông ta có cho phép họ dịch sau này vi nghĩ đã lớn tuổi.
Đà Lạt ngày xưa mình nghe kể có anh chàng tên là Sơn Beatles, vì để tóc dài sau này đi Lôi Hổ, nhảy Bắc và bị bắt. Nghe nói sau 75 được thả về lại Đà Lạt nhưng không biết có đúng không vì nhân vật Sơn Beatles này mình chưa bao giờ gặp mặt và bị bắt khi mình còn bé. Có người cho biết hiện đang ở Florida. (Anh Sơn Beatles sống tại huyện Đức Trọng và đã mất gần 20 năm rồi .) có người cho biết
Mình có một anh hàng xóm, đi Biệt Cách Nhảy Dù, dạo ấy chức đại uý. Nghe kể có lần mất tích khi nhảy đường mòn HcM nhưng sau này chạy thoát về. Có dự đánh trận An Lộc, nghe nói nay định cư ở Hoa Kỳ.
Nghe nói tác giả cuốn hồi ký này đã qua đời tháng 1/2023.
Trong cuốn Thép Đen, tác giả kể là sinh tại miền Bắc, di cư vào nam rồi được chọn huấn luyện làm điệp viên, xâm nhập vào miền Bắc để móc nối và phá hoại ngoài Bắc nhưng bị bắt rồi nhốt ở Hoả Lò. Sau đó thì đi trại cải tạo đến sau 75, tổng cộng 18 năm mới được thả rồi vượt biển. Hồi đọc mấy cuốn này mình mường tượng ông cụ mình bị bắt và tra tấn ra sao.
Trong hai cuốn đầu tiên đọc hồi ở New York thì tác giả kể xâm nhập miền Bắc, vùng Thanh Hoá, bằng đường biển, chôn đồ xong xuôi thì lần về Hà Nội thành công. Khi vào nhà thờ ở Hà Nội để đưa thư của một giám mục ở Sàigòn, cho ông cha thì phát hiện bị theo dõi và bắt. Ông ta có thể trốn qua biên giới Lào nhưng vì ỷ y nên ở tù mọt gông đến 18 năm.
Trong mấy cuốn sau thì được biết ông cha ngồi nghe giáo dân xưng tội ở nhà thờ tại Hà Nội là công an. Chán mớ đời! Lúc mình về Hà Nội có đi ra cầu và đền Ngọc Sơn, chỗ tác giả kể là phát hiện công an của Hà Nội theo dõi sau khi gặp ông cố đạo.
Sau khi hiệp định Geneva được ký kết năm 1954 thì người Pháp rút lui và xem như đã tiêu hủy hoàn toàn hệ thống tình báo Phòng Nhì (deuxieme bureau) của họ tại miền Bắc thêm nữa các linh mục như Hoàng Quỳnh,... dẫn 1 triệu con chiên vào nam nên thành phần chống cộng ở lại miền Bắc rất ít hay bị bắt hết.
Trong khi dân miền nam thì có một số ít tập kết ra Bắc nhưng Hà Nội vẫn gài lại một hệ thống nằm vùng nhất là thân nhân của những người tập kết được Việt Cộng liên lạc để hoạt động cho họ. Do đó miền nam phải dùng đến những ấp chiến lược để bắt nằm vùng nhưng sau khi ông Diệm bị ám sát thì dùng đến chính sách đốt các làng mạc, dồn dân về thành phố để dễ kiểm soát và chặt đứt tiếp tế kinh tế cho Việt Cộng. Chiến dịch này gây ra những vụ giết người như ở Mỹ Lai mà báo chí Tây phương lên án, đưa đến sự mất hậu thuẫn tham chiến của người mỹ tại Hoa Kỳ.
Chính quyền miền nam của ông Ngô Đình Diệm phải xây dựng ngành tình báo từ khởi đầu với sự cộng tác của CIA. Các toán điệp viên, Lôi hổ, Biệt Kích hay Biệt Hải được thả dù hay đưa bằng tàu ra Bắc đều bị tóm hết. Trong cuốn thứ 4 của Thép Đen thì tác giả cho hay ông trưởng phòng lo về những chuyến nhảy toán của biệt kích là nằm vùng của Việt Cộng ngay trong phủ tổng thống của ông Thiệu.
Do đó mấy nhóm Lôi Hổ nhảy Bắc vừa được thả dù, dù rất bí mật, khởi xuất từ biên giới Thái Lào là bị tóm hết duy chỉ có một điệp viên được tàu đưa vào Thanh Hoá rồi lần về Hải Phòng với biệt hiệu Ares thì không bị bắt vì các người nhảy sau, khi bị bắt đều bị Hà Nội hỏi cung về nhân vật Ares này. Nghe nói Hoa Kỳ có tiếp tế cho điệp viên này ở vùng Hải Phòng vì ông ta gửi tín hiệu, tin tức của cảng Hải Phòng qua Phi Luật Tân đến khi Hoa Kỳ phong tỏa cảnh Hải Phòng. Hoa Kỳ nghi là Ares đã bị Hà Nội bắt vì khi gửi tiếp tế thì có mấy bức thư không được gửi đi, viện lý do là thất lạc khi bom oanh tạc. Thật ra điệp viên Ares này tên thật là Phạm Chuyên, đã bị Hà Nội bắt và dùng để lừa CIA, đưa tin giả suốt 10 năm trời.
Hình trên báo Hà Nội, chụp cảnh các biệt kích nhảy toán xuống, bị bắt
Cũng trong cuốn thứ 4 tác giả cho hay người tuyển lựa và huấn luyện tình báo cho ông cũng là nằm vùng vì khi bị khảo cung, Hà Nội đưa cho ông ta xem các hình ảnh của ông ta do nằm vùng của Việt Cộng chụp khi đi chung với người tuyển mộ ông ta tên là Phan hay FRANCOIS.
Có mấy cuốn sách của người Mỹ nói về chiến tranh Việt Nam thì họ cho biết người Mỹ thua vì mặt trận tình báo, bị Việt Cộng xâm nhập trong khi cho người ra Bắc, để móc nối, tạo dựng một hệ thống chống đối Hà Nội, thì đều bị bắt hết. Trong những tài liệu này thì họ cho biết ai là nằm vùng của cộng sản như ông Phan ( FRANCOIS), tên thật là Đỗ Văn Tiên, người trực tiếp huấn luyện tác giả cũng bị mua chuộc. Phạm Xuân Ẩn do Việt Cộng gài vào nam rồi cho đi học 2 năm ở Hoa Kỳ tại trường OCC, quận Cam, về làm báo tại Sàigòn đưa tin cho mỹ. Sau khi chết, Việt Cộng không chia buồn hay viết gì cả về ông. Hình như một nhà báo Tây phương có viết cuốn sách về nhân vật này nhưng mình không đọc. Nghe nói ngày 30/4/75, chính ông ta giúp ông Trần Văn Tuyến, có thời xem về mật vụ dưới thời ông Diệm, lên máy bay rời Việt Nam. Nếu thật thì làm sao Hà Nội tin dùng ông ta.
Trong đệ nhị thế chiến, quân đội đồng mình thành công đổ bộ ở bờ biển Pháp là nhờ tình báo phản gián. Họ dàn dựng các chiến xa giả và máy bay bằng gỗ đối diện thành phố Pas de Calais của Pháp khiến tham mưu của quân đội Đức quốc xã, nghĩ là quân đội đồng minh sẽ đổ bộ tại bờ biển này nên dồn khí giới quân đội tại vùng này. Có một điệp viên Đức được phái sang anh quốc để kiểm chứng thì ông này khám phá ra là giả và không kịp đánh điện tín thì bị giết. Ken Follett có viết một tiểu thuyết về nhân vật gián điệp này. Người ta thường hỏi nếu Đức quốc xã biết được tin này thì quân đội đồng mình đã bị tiêu diệt khi đổ bộ và nhảy dù xuống Normandie thì có lẻ cuộc chiến đã có sự kết thúc khác.
{Phạm CHuyên, mật danh là Ares, điệp viên nhị trùng, được Hà Nội sử dụng suốt 10 năm trời để gửi tin giả cho CIA
Khi Việt Cộng vào Đà Lạt thì dân chúng Đà Lạt chới với vì những người quen bổng dưng đeo băng đỏ: Nằm Vùng. Mình nghe kể ông thợ hồ, thợ mộc, làm nhà cho ông bà cụ mình là dân nằm vùng cao cấp trên số 4. Ở khu Ngọc Hiệp có tên hớt tóc làm đến chức tỉnh trưởng Đà Lạt đến khi người ngoài Bắc vào tiếp thu. Bạn học cũ nhiều tên trở thành đảng viên khi nào. Nghe mấy người bạn học cũ khi xưa nói về một cô học chung, đặt chất nổ tại rạp Ngọc Lan. Mình khi xưa, ngây thơ vô số tội, không biết gì.
Năm ngoái, có qua vùng Đông Bắc, nói chuyện với một chị bạn từng sinh sống tại Đàlạt. Chị này cho biết là trước khi Việt Cộng chiếm Đàlạt thì đang đêm có hai người gõ cửa, hoá ra một ông chú họ từ ngoài bắc vào, bận đồ như người miền nam, có giấy tờ giả, đi lòng vòng để chuẩn bị tiếp thu Đàlạt, đến nhà thăm hỏi. Cho thấy người của Hà Nội đã vào Đàlạt từ lâu. Thế là nhà của chị không di tản, đến khi Việt Cộng vào thì tá hoả tam tinh nên trốn sau đó.
Sau Mậu Thân, có chương trình Phượng Hoàng nhằm tiêu diệt nằm vùng của Việt Cộng. Đà Lạt có 2 người mà mình biết mặt, làm chương trình này bị đặt chất nổ chết trước nhà hàng Nam Sơn. Đọc tài liệu thì chương trình có giết lầm khá nhiều người nhưng cũng tiêu diệt khá nhiều ổ nằm vùng nên sau 75 ai có tham gia chương trình Phượng Hoàng là ở tù mọt gông. Mình có ông cậu bà con làm cho chiến dịch này nên ngày 30/4, cậu tự tử chết khi khám phá bà vợ là nằm vùng. Chán Mớ Đời
Dạo này mình chán đọc sách báo về lịch sử chiến tranh Việt Nam vì càng đọc càng thấy tiếc, biết bao nhiêu cơ hội để miền nam có thể thắng. Chán mớ đời!
Nhs

Cô bé áo nâu



Chuông reo báo động giờ ra chơi, như mọi lần, cô bé theo các bạn gái cùng lớp, nhí nhô nhí nha, quàng vai nhau xuống đường, ghé lại quán Bà Cai xem ổi, chùm ruột hay cóc ngâm đường. Thật ra chỉ muốn đi ngang đám con trai của trường, cười rút rích như ngựa non tập hí rồi lết đôi guốc, lượn qua trường Việt Anh để làm chảnh, khoe sắc cho ong bướm. Nói theo thời nay là đi tiếp thị hàng mã của mình chớ ru rú trong nhà, trong lớp thì ai biết mà "áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc..."

Hôm nay bỗng nhiên cô bé bắt gặp đôi mắt như tia laser của gã khù khờ, rọi theo cô bé sau lưng. Cặp mắt này cô bé thường thấy bất chợt khi quay lưng ra sau khi ai trả lời câu hỏi của thầy hay chọc phá nhưng không hiểu sao hôm nay lòng cô bé thấy nao nao, có gì ngậm ngùi lẫn rộn ràng, khó tả, như khép cô bé lại trong một dung dịch của thời gian lẫn không gian, cô động và trong sáng như mùi hương của lúa gạo miền tây. Cặp mắt của Đặng Quanh Vinh ngồi lặng yên trong bóng tối, nhìn Hàn Ni dạo phiên khúc mùa đông trong phim Mùa Thu Lá Bay.
Đà Lạt ngày mưa

Ngày qua ngày, cô bé vẫn bị đôi mắt ngô nghê khờ dại ấy theo dõi đến một hôm cô bé không thấy trong lớp gã khù khờ thì cảm nhận một không gian trống trải, có cái gì thiếu thốn trong tâm khảm, nhớ nhớ khắc khoải không quên được. Hôm đó cô bé không nghe thầy giảng chi cả, lòng cứ bâng khuâng lo nghĩ về hắn, kẻ khù khờ kia. Cô bé chợt hiểu Chu Du, khi xưa than rằng "trời sinh Du sao còn sinh Lượng". Cô bé đặt giả thuyết hắn đau ốm nhưng không dám nói hay hỏi đám bạn vì sợ chúng biết rồi chọc quê.

Từ đầu năm, mới nhập học, cả đám ăn một kí chùm ruột muối ớt, 5 đứa "ngũ long công chúa" cùng nhau thề như 3 anh em Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi uống máu ở vườn đào trong Tam Quốc Chí, sẽ làm cho bọn đàn ông đau khổ để trả thù cho thi sĩ T.T.Kh., thánh tổ của các cô bé, để nghìn đời sau sẽ không còn một cô gái nào phải thốt lên: "nếu biết rằng tôi đã lấy chồng, trời ơi! Chắc người ấy vui lắm".

Cô bé tự nhủ: hay là ta đã yêu? Không! Nhất định mình chưa yêu, nhất định mình chưa yêu vì cô bé vẫn mong đợi hoàng tử đến với cô bé. Trong các truyện thần tiên được mẹ cô bé kể, cô bé thích nhất là chuyện Cô Bé Lọ Lem. Việt Nam có phiên bản Tấm Cám nhưng cô bé không thích vì quá ác độc, chị rung cây cho em cùng cha khác mẹ rớt chết rồi làm mắm gửi cho kế mẫu xơi với chả cá thì là. Cô bé thích Cô Bé Lọ Lem vì được đi giày đẹp thay vì đôi guốc muông made in Cholon, quai hay bị đứt, bận áo đi dạ hội như Scarlett trong "Cuốn Theo Chiều Gió", cô bé sẽ hát "la plus belle pour aller danser" và sẽ được hoàng tử đẹp trai như Clark Gable đến mời khiêu vũ trước sự chiêm ngưỡng của đồng loại.

Cô bé bận áo len rách để bà tiên sẽ thương cô bé, sai khiến hoàng tử đến, đánh thức cô bé ngủ trong rừng. Cô bé sẽ tập đánh đàn dương cầm để một ngày nào đó, làm xao xuyến hoàng tử Đặng Quang Vinh như Hàn Ni trong "Mùa Thu Lá Bay" của Quỳnh Dao. Cô bé sẽ mang giày cao gót như Chân Trân, nắm tay Đặng Quang Vinh chạy ra biển, để rồi vấp chân té vào lòng hoàng tử, thổn thức "Ngộ Ái Nị" trong tiếng gào thét của sóng biển, mùa xuân trong mắt cô bé là mùa xuân mà hoàng tử đã mong tìm tự bao lâu.

Hôm nay hắn đi học lại, cô bé mừng quá, cô bé chợt ngộ câu thơ: Người đi một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Lúc ra chơi cô bé cố tình đi sau các bạn ra khỏi lớp, lúc đi ngang bàn hắn, cô bé cố ý làm rơi chiếc khăn mù xoa nhưng gã khù khờ cứ ngồi đực mặt ra như cây chuối, không cuối xuống đất nhặt cái khăn lên cho cô bé. Cô bé tức quá nên bỏ ra lớp, miệng không ngớt chửi ngu ngu ngu ngu chi lạ. Con trai chi mà không biết ga lăng ga lóc chi cả. Trên con đường đi làm chảnh, cô bé chẳng thiết nghe lời chọc ghẹo của đám con trai.

Bỗng nhiên cô bé nhớ lời thầy Phan Nam dạy là không nên cầm mù xoa của kẻ khác vì có triệu triệu vi khuẩn, mà cô bé đã hỉ mũi mấy tuần nay trong đó. Có lẽ vì vậy gã khù khờ không dám nhặt lên như sợ vi khuẩn làm hắn đau thêm. Cô bé tha thứ cho hắn, đã nghĩ lầm cho hắn, cô bé không muốn hắn đau nữa vì cô bé không biết nấu cháo cho hắn ăn. Cô bé chợt ngộ: có lẽ T.T. Kh., không biết nấu ăn như cô bé nên người yêu mừng vui khi Thánh Tổ đi lấy chồng, có tên khác lãnh nợ dùm. Cô bé tự hứa sẽ giúp mẹ nấu ăn thay vì đọc truyện tiểu thuyết vớ va vớ vẩn.

Vào lớp, cô bé thấy trong tập Việt Văn của mình, một phong bì màu xanh nên hồi hộp mở ra xem nhưng con Nga đã nhanh tay, chụp lấy và quơ tay cho đám xóm nhà lá thấy. Con Nga đọc lá thư màu xanh của gã khù khờ.

Thì ra hắn cáo ốm ở nhà để viết bản báo cáo tình hình trái tim của hắn.

Đà Lạt, một đêm tàn thu 

Đồng chí gái vĩ đại trong lòng tôi.

Từ ngày phát hiện ra đồng chí gái đẹp cực kỳ trong kỳ đi lạc quyên ở ấp Thái Phiên.

Sau cuộc gặp ấn tượng đó, đồng chí gái là đối tượng của tôi. Tôi muốn cùng đồng chí gái sơ hữu, tích cực truy kích tư liệu, làm rõ nhân thân, lí lịch trích ngang và các thành phần trong gia tộc của đồng chí gái.

Tôi muốn thi thoảng tranh thủ liên hệ với đồng chí gái, tham quan với đồng chí gái ở vườn Bích Câu Kỳ Ngộ để chúng ta có thể trọng thị nhau, đả thông tư tưởng nhau, thống nhất với nhau, cuối cùng đăng kí, nhất trí quản lí đời đồng chí gái bằng một đám cưới thuộc diện đại trà, với thực đơn cao cấp, lễ tân chiêu đãi chất lượng cao, vì khách chủ yếu là cách mạng anh hùng cho tương thích với vị trí của đồng chí gái vô vàn kính yêu trong lòng tôi....

Vui duyên mới, không quên nghĩa vụ học thi.
Chào đoàn kết
Đồng chí giai


Đọc đến đó, con Nga và cả đám con gái bỗng cười rú lên như bị động kinh khiến bọn con trai trong lớp phía sau cũng ngạc nhiên, ngơ ngác không hiểu chuyện gì trong khi gã khù khờ như bị nhát chém hư vô, tâm hồn hắn rướm máu như tên tử tội trước giờ hành hình.

Con Nga đưa lại lá thư cho cô bé rồi bảo: " Mày nhớ lời thề của tụi mình chớ? Phải làm cho chúng đau khổ khi nhà bọn mình pháo nổ, tâm hồn chúng sẽ rướm máu như nhát chém hư vô. Mày biết phải làm gì chớ." Cô bé lặng lẽ gật đầu nhưng lòng cô bé quặn thắt, từ từ đứng dậy bước về chỗ ngồi của tên khù khờ kia như Chu Chỉ Nhược bị sư phụ ra lệnh phải giết Trương Vô Kỵ, rồi lấy hết sức bình sinh, quăng lá thư trên bàn của hắn, tên sợ lượm khăn mù xoa, đầy kít mũi từ 2 tuần nay của cô bé như Chu Chỉ Nhược hua một nhát kiếm ngay tim hắn, người đã tìm thấy mùa xuân trong đôi mắt cô bé là mùa xuân chan chứa hy vọng của cuộc đời rồi lạnh lùng bảo: "Chị trả lại cho em, lo học đi, cả đi lính", rồi quay về chỗ ngồi. Trong không gian bỗng nhiên ngưng lại, bao nhiêu tiếng cười, tiếng nói trong lớp như bị sự cố chìm trong tíc tắc của sự bất nhẫn, vô độ lượng của tâm dạ cô bé áo nâu.

Đám con gái chợt nhận ra cái ác của trò chơi này, như thấu hiểu lòng cô bé, chúng xoa vai, vỗ về cô bé nhưng mây đen từ đâu giăng kín đầy trời, mùa xuân trong đôi mắt của gã dại khờ là mùa xuân mà cô bé đã tìm kiếm từ ngày biết làm chảnh, là hy vọng sau áng mây đen mà cô bé mãi đợi trông.

Nay vì một phút làm chảnh, cô bé đã đánh vỡ trong lớp học này, lớp học của mưa bay, mãi mãi trong sương mù của tuổi dại khờ, làm chảnh. 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Em là con gái trời bắt chảnh



42 năm qua, cô bé vẫn không quên được ngày nhập học ở trường Văn Học, cứ ngỡ là ngày hôm qua. Từ đường Hàm Nghi, cô bé đi băng qua khu Hoà Bình rồi thả dài xuống dốc Duy Tân, trong đầu vẫn nhớ giọng của thầy B, khi xưa giảng bài "Tôi đi học" của Thanh Tịnh " Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này đã quen đi lại nhiều lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

Năm ấy cô bé lớn rồi, học đệ nhị nên không cần mẹ dắt đi học, cô bé đi một mình đến trường. Cô bé là tráng của hướng đạo Lâm Viên nên lúc nào cũng sẵn sàng cho mọi tình huống. Mẹ cô bé hay trêu mỗi lần thấy cô ăn 2 tô phở gà vì gái 17 bẻ sừng trâu cũng gẫy, "cô bé lớn thật mau, mai mốt mẹ ăn trầu".

Con đường cô bé đi lại lắm lần

Khi đến trường thì ngay đầu đường Hoàng Diệu, cô bé đã thấy nơi cái quán đối diện trường, một đám nam sinh đứng lố nhố, hút thuốc huýt gió mấy cô nữ sinh khiến chân cô bé như khuỵu lại, lòng run run. Cô bé bất chợt thấy một cặp mắt vô hình, cứ nhìn sau lưng mình khi bước lên cầu thang. Cái cầu thang này sao cao thế mà biết bao nhiêu đôi mắt của bọn con trai từ phía sau, như những viên đạn của những câu chọc ghẹo sẵn sàng bắn vào, chọc thủng tim cô bé. Cô bé nhẹ nhàng kéo vạt áo dài và ống quần lên, kẻo vướng đôi guốc lỡ té trên cầu thang thì khốn.

Cô bé bước lên thang cấp với lòng hồi hộp:

Em lên thang cấp mắt chàng theo sau
Em không dám đi mau sợ té xuống đường
Chàng kêu hấp tấp số lận đận không giàu


Nhưng đôi mắt ấy cứ theo cô bé vào lớp đến cuối ngày khi tiếng chuông báo tan lớp cô bé thở phào nhẹ nhỏm. Ngồi bên cạnh là Nga, học sinh lâu năm của trường, giải thích cho cô bé những thắc mắc về giáo trình, các thầy cô không quên nhắc đến ba roi mây của thầy CBA. Nga dặn cô bé là ráng đừng bị trứng ngỗng vì gái trai đều bị kêu vào văn phòng để được gắn huy hiệu của cái roi mây nhớ đời.

Một hôm, Nga bước vào lớp, cười bảo cô bé là có một tên trồng cây si và nhờ đưa cho cô bé lá thư. Cô bé run run, hồi hộp mở lá thư.

Đà Lạt, một chiều thu 

Kính gửi cô bé vô vàn kính yêu

Từ ngày phát hiện ra cô bé, lòng tôi vô cùng hồ hởi phấn khởi và thương nhớ trường kỳ. Ngồi trong lớp học Toán, tôi chăm chú nhìn cô bé cạnh bên. Cô bé là người mà tôi luôn gọi là BẠN TỐT NHẤT. Tôi chăm chú nhìn mái tóc dài và mượt của cô bé và ước gì cô bé là của tôi. Nhưng cô bé không xem tôi như thế và tôi biết điều đó. Tôi muốn nói với cô bé, tôi muốn cho cô bé biết rằng tôi không muốn chỉ là bạn. Tôi yêu cô bé nhưng tôi quá nhút nhát, khù khờ quá, tôi không hiểu tại sao nên nhờ Nga đưa thư dùm...

Mắt cô bé hoa lên, tay run run ôm chặt lá thư vào người, nghe lòng say say. Cô bé lâng lâng như chiếc máy bay lên thẳng rồi theo tiếng chuông reo, ra về. Mọi lần tan trường, đi lên dốc đường Duy Tân, bụng đói nên thấy con đường này sao cao vời vợi nhưng hôm nay cô bé thấy con đường quá ngắn. Miệng cô bé cứ lâm râm

Trả lại em yêu, khung trời Văn Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt..."


Nhưng khổ thay con đường Duy Tân này không có đến một cọng cỏ, cây dài bóng mát như bài hát, chắc tác giả bựa hay tàng tàng như Bùi Giáng.

Lòng cô bé say say, đôi má nóng nóng ran ran không ngờ có người để ý đến cô bé dù không biết tên khù khờ là ai. Cô bé khẽ hát "em còn bé lắm, anh ơi. Nam mô a di đà!" rồi tủm tỉm, mỉm cười một mình.

Hè năm đó là mùa hè đỏ lửa, lính chết nhiều ở các mặt trận An Lộc, Bình Long Anh Dũng, Quảng Trị với dòng sông Thạch Hãn,... Nhiều nam sinh lo lắng, không biết có bị đôn quân, một không khí ảm đạm phủ lên mái trường nhỏ bé nhưng đông học sinh của phố núi cao. Cô bé muốn đóng góp phần mình trong cuộc chiến, nhằm xoa diệu những đau thương, tàn phá của chiến tranh.

Cô bé muốn tham gia hội Hồng Thập Tự, làm nữ cứu thương, lái xe cứu thương đi khắp chiến trường Cao Nguyên, vùng hai chiến thuật như Agnes Von Kurowsky ngày nào, đã tìm thấy và săn sóc Ernest Hemingway ở chiến trường Ý đại Lợi năm nào nhưng mà không được, cô này vào giờ chót lại từ chối tình yêu để lấy một tên giàu hơn. Cô bé thà bán phở cả đời nhưng không thể phụ gã khù khờ ấy.

Cả buổi chiều hôm đó, cô bé không học bài được cứ ngâm nga "thức trắng đêm nay viết dòng nhật ký của hai đứa mình,.." nhưng mỗi lần lấy cuốn tập mới mua ở nhà sách Liên Thanh, bên cạnh tiệm thì cô bé không biết viết gì cả vì cô bé không biết gã khù khờ ấy là ai, nhưng con Nga không chịu nói, nó lại đòi phải bao nó ăn ở quán cạnh trường Việt Anh.

Con ma đầu này lợi dụng ma cũ bắt nạt ma mới, nhưng cô bé vẫn muốn biết mặt gã khù khờ kia, chắc mai phải xin tiền mẹ, nói mua sách để đãi con mất dạy này. Cô bé chợt ngộ ra ý của câu thơ: Người đi một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Hôm sau khi đến trường thì cô bé từ đường Hải Thượng, thay vì đi thẳng đến bên lề trái của đường Hoàng Diệu đến quán Bà Cai, nơi đám nam sinh tụ họp để bầu bình đám con gái không may trời bắt đẹp hay xấu, cô bé băng qua đường đi bên hàng hoa Dã Quỳ đến cầu thang. Cô bé hồi hộp, thấy có gì khác lạ như Thanh Tịnh đã kể vào một buổi mai hôm ấy, trên con đường dài đi lại lắm lần, à cô bé chợt hiểu; hôm nay cô bé có người để ý.

Mọi lần đi ngang cái quán Bà Cai thì cô bé sợ lắm nên cứ cúi đầu, nhìn xuống đường. Hôm nay cô bé biết có người để ý, có gã khù khờ đang nhìn theo những bước chân, nghe tiếng guốc của cô bé vang lên trên lề đường như bản phiên khúc mùa xuân, âm thầm của cô bé, đang tôn vinh cô bé là Thánh Nữ của đời hắn nên cô bé không nhìn xuống đường mà vênh vênh cái mặt lên, nhìn về một cỏi xa xăm vô định vì biết gã khù khờ sẽ bảo bọn con trai câm mồm để xem cô bé diễn hành qua khán đài danh dự. Cô bé mạnh dạn leo lên các thang cấp rồi vào lớp không thèm nhìn đám con gái, đang lấm lét nhìn cô bé như thèm muốn được có người ái mộ.

Con Nga bỗng nhiên hỏi cả bàn đứa nào đánh rấm thế, không một ai trả lời. Một lúc sau nó lại hỏi đứa nào đạp kít chó thế thì mọi người đều tự giác, từ từ đưa chân lên xem guốc, dép của mình có đạp nhầm mìn Claymore ngoài đường. Cô bé như bị đứng tim, ngộp thở, bụng thóp lại vì thấy dấu tích của bãi mìn của con chó Bà Cai. Hồi nảy vì vênh vênh váo váo không nhìn xuống đường như mọi khi.

Cô bé chưa biết làm gì thì có ai lay lay vai cô bé bảo: "Này con khóc, dậy cho nó bú, anh phải đi ngủ mai có họp sớm trong sở. Bộ ngứa chân hay sao mà cứ lấy chân chà chà vào người ta thế". Cô bé choàng tỉnh trong tiếng khóc của con Nân. Hú vía!
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn