Showing posts with label Ăn và chơi. Show all posts
Showing posts with label Ăn và chơi. Show all posts

Chúng ta là những gì chúng ta ăn

Netflix có một phim tài liệu nói về một cuộc nghiên cứu 21 cặp sinh đôi trong vòng 8 tuần lễ. Lý do là anh em hay chị em sinh đôi thì có cùng DNA, đủ trò nên dễ so sánh. Nghiên cứu của trường đại học Stanford ở Cali về các người sinh đôi là cho hai người sinh đôi ăn theo chế độ dinh dưỡng khác nhau; 1 là ăn chay rau cải gọi là Plant base (không ăn thịt) và một ăn thịt thà và có một huấn luyện viên thể dục giúp họ tập thể dục trong suốt 8 tuần lễ để xem sau 8 tuần lễ, có sự khác biệt gì hay không. Họ chỉ quay 4 cặp. 1 cặp đàn ông da trắng, 1 cặp đàn ông da đen, 1 cặp phụ nữ gốc Phi Luật Tân (to béo) và một cặp phụ nữ gốc Nam Phi cũng to béo.

Ăn mà không tập thể dục thì coi như không có gì thay đổi. Họ xen lẫn với các thước phim về các trại nuôi gà, nuôi bò thì khám phá ra 5% các gói thịt mua, có bọc giấy nylon ở chợ siêu thị đều bị nhiễm vi khuẩn E.Coli và 25% bị Salmonella khiến mình thất kinh. Họ vào nhà các người sinh đôi, lấy đèn pin loại đặc biệt để xét thì các tay cầm của tủ lạnh và thướt, dao nĩa, chén bát đều dính vi khuẩn Salmonella kinh.

Họ phỏng vấn chủ tiệm ăn nổi tiếng nhất New York 11 Madison Square tên Daniel Humm thì phải, ông này đoạt giải tiệm ăn ngon nhất thế giới rồi bổng nhiên ông tư duy đột phá về các con bò, thú vật,… nên chuyển qua nấu thức ăn chay rau cỏ, không thịt, vẫn nổi tiếng như tây. Giá mỗi người $350 mà phải đặt trước lâu ngày.


Họ phỏng vấn một ông chủ trại gà, cho biết là gà đứng không nổi vì quá nặng phải chích thuốc kháng sinh, cho mau mập. Con gà từ khi nở đến khi lên lò chỉ có 45 ngày. Cuối cùng ông ta Chán Mớ Đời nên bỏ nghề nuôi gà, dùng trại gà để trồng nấm bán. Có dạo mình muốn mua mấy container rồi trồng nấm ở trong như một sinh viên đại học Pomona giải thích nhưng hết muốn làm ăn, chỉ thích đi chơi với mụ vợ.


Họ quay các phim ảnh mình đã từng xem như họ nuôi cá hồi, bị giam trong các lưới to đùng cả một sân vận động, cũng thải thức ăn và thuốc kháng sinh nên ăn không tốt lắm dù báo chí quảng cáo. Vào Costco thấy họ bán cá hồi, đề có nhuộm phẩm đỏ. Cá hồi mà sống hoang có rất nhiều oxygen nên thịt đỏ ỏng còn cá hồi nuôi, vì không chỗ bơi lội, thịt màu hồng nên họ phải nhuộm đỏ. Được cái là họ có chú thích trên các miếng nhựa bọc cá lại. Theo các nhà thực phẩm gia thì không nên ăn. Vào quán ăn sushi, cá hồi màu vàng. Có dạo mình gửi mua cá hồi hoang, đánh bắt ở Alaska nhưng đắt quá nên ngưng.


Trước khi thử nghiệm, 21 cặp sinh đôi được đo đạt, máu miết, sinh lý đủ trò. Họ cắm cái gì trong âm hộ phụ nữ còn đàn ông thì cho con chim cái vòng rồi cho xem phim con heo để đo độ hưng phấn, hoành tráng ra sao.


Sau 8 tuần lễ thì người ăn thịt có bắp thịt lên một chút vì tập luyện tạ tiết ở câu lạc bộ thể thao, người không ăn thịt thì cơ bắp xuống vì thiếu chất đạm. Cái này có thể bổ sung bằng ăn đậu. Cholesterol trong máu thì không giảm nhiều cho cả hai nhưng có 1 chất gì quên tên, Trimethylamine N-Oxide (TMAO), rất cần thiết cho hệ thống ruột tiêu hoá của con người. Hôm nào rảnh mình bình dân học vụ lại vì rất quan trọng, được biết là có nhiều sẽ giúp sống thọ và ít quên, ít bệnh Alzheimer. Người ăn chay có cái này gia tăng rất nhiều giúp sống lâu hơn. Có thể giải thích lý do phụ nữ sống lâu hơn đàn ông vì họ ăn ít hơn đàn ông và nhất là thịt.

Điểm quan trọng nhất mà mọi người muốn biết là về sinh lý. Người ăn thịt, nhờ có tập thể dục nên cường độ sinh lý gia tăng đến trên 200% nhưng người ăn chay thì cường độ sinh lý gia tăng đến 383%. Kinh

13% người Mỹ ăn pizza mỗi ngày và 45% phô mát được tiêu thụ tại Hoa Kỳ là Mozarella vì pizza. Các nhà dinh dưỡng cho rằng không nên ăn phô mát và uống sữa bò nên có người đã làm phô mát bằng plant base. Để làm pizza họ làm phô mát bằng chất lõng để tránh làm khô rồi bị nướng trong lò khi người Mỹ làm pizza….

Tóm lại nên ăn chay để bảo vệ môi trường, giảm Cholesterol, tăng cường sinh lý nhất là sống lâu hơn, đầu óc minh mẫn, nhận thức lâu hơn. Chúc các bác đầu năm nên chuyển chế độ dinh dưỡng ăn chay. Em bàn với ông thợ trong vườn nên trồng thêm rau cãi để ăn cho sạch. Sẵn đất nước, phân bón, tội vạ gì không làm. Có rau sạch để ăn. Năm ngoái thấy anh ta trồng Ngô thấy cũng bự ngon. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 





Chu du năm 2023

 

Hôm nay, ngày cuối năm 2023, cảm thấy thời gian qua một cách vội vã như mây đen ăn hết ánh sáng của bầu trời Cali trong trận mưa cuối năm, để chuẩn bị cho một năm 2024 đầy hứa hẹn nhiều thay đổi. Nhìn lại năm 2023 thì thất kinh vì hai vợ chồng đi ta bà mệt thở.


Đầu năm 2023, hai vợ chồng bay xuống miền nam của châu Mỹ, viếng thăm Chí Lơi và Á Căn Đình. Từ đó lấy tàu Pháp xuống Nam Cực, vượt qua 2 lần eo biển nơi hai luồng sóng nước của Đại Tây Dương và Thái BÌnh Dương hội tụ khiến hai vợ chồng chỉ biết nằm trên giường trong khi chai ly sòng sành rơi xuống đất như lời kinh cầu trong tiếng nam mô.


Tại thủ đô Buenos Aires, ăn thịt bò trứ danh của xứ Á Căn Đình và xem họ múa Tango. Không khỏi ngậm ngùi chứng kiến đổi đô la gấp 2 giá chính thức của chính phủ. Một xứ giàu có bật nhất thế giới khi xưa, để rồi lãnh đạo ngu xuẩn, mị dân đưa đến sự tận cùng bần. Thấy dân xứ Venezuela bỏ xứ đi làm công khắp nơi ở Nam Mỹ, dù trước đây là một nước giàu có, nhờ dầu hoả. Cho thấy một nước muốn được giàu mạnh, người dân ăn sung mặc sướng, cần người lãnh đạo yêu dân, bằng mọi cách giúp nâng cao đời sống người dân còn gặp lãnh đạo chỉ lo cho thân mình và đồng đội thì dân chỉ có đói, không có đất mà ăn. Phải tìm đường ra đi làm cu li cho ngoại bang.

2 vợ chồng xuất hành đầu năm 2023 về miền Nam Cực lạnh như băng

Sau đó mình bay về Việt Nam, leo vào động Sơn Đoòng và Phong Nha. Về thăm quê nội được 1 đêm rồi bay vào Đà Lạt. Đưa bà cụ viếng thăm Thái Lan 1 tuần rồi về Sàigòn, thăm mấy đứa cháu, lại lên máy bay về quê hương thứ 3. Đi chơi với vợ xong thì phải đi với mẹ.

Hang Én, chặng dừng chân đầu tiên trước khi vào Sơn Đoòng 

Hai vợ chồng bay lên Oregon và Washington thăm bạn, viếng thăm các thác danh tiếng của Oregon và núi Rainier. Sau đó lại trở về Yosemite với thân hữu như mọi năm rồi làm chuyến đi 1 tuần qua 6 tiểu bang rộng lớn Hoa Kỳ, với 9 mụ đàn bà trên xe. Mình làm tài xế nhân dân ưu tú cho mấy bà tham quan Tetons và Yellowstone hùng vĩ.

Đi chơi với Mẹ tại Thái Lan

Tháng 7 bay qua Boston ăn cưới cô cháu rồi lên tàu viếng thăm Bahamas. Chán Mớ Đời nếu ai muốn đi thì mình khuyên không nên vì chỉ lênh đênh trên biển mấy ngày, chả có gì khác lạ. Sau đó về thăm New York, nơi mình đã từng sinh sống 5 năm, thăm con gái đang ở đó. New York, ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với thời mình đi làm tại đây. Gặp lại vài người bạn ở New Jersey.

Viếng lại toà nhà đầu tiên vẽ tại New York

Tháng 9 khăn gói lên đường thăm viếng khối Liên Xô cũ, Con Đường Lụa nay trở thành Vành Đai và Con Đường. Khác với báo chí tuyên truyền tây phương, mình thấy Trung Cộng thành lập được chương trình này. Nếu hoàn thành sẽ đẩy mạnh kinh tế của vùng này lên như khi xưa, di chuyển nhanh chóng hơn bằng tàu thuyền. Khi đi chơi, viếng thăm mới hiểu được sự thật, còn ở nhà nghe tuyên truyền báo chí sẽ làm chúng ta tin tưởng vào sự nói phét. Nói cho ngay mình cũng muốn chương trình này thành công để giúp các người dân sống trong vùng này có cơm ăn áo mặt. Người cha sẽ không phải bỏ nước ra đi tìm cơm áo cho gia đình, nuôi con.


Uzbekistan với đền đài hồi giáo cổ xưa và Georgia với dãy núi Caucase. Trên đường về ghé lại Qatar mọc lên trong sa mạc như câu châm ngôn với sức người nô lệ sỏi đá cũng thành cơm. Nơi các giống dân khắp nơi về đây là đày tớ cho người dân sở tại. Không khác chi những Nô lệ ngày xưa, chỉ khác là đây họ tình nguyện, hạnh phúc làm nô lệ để gửi tiền về cho gia đình để rồi một mai thân tàn ma dại trở về cố quốc để chết. Tại sao họ phải bỏ nước ra đi, lao động quốc tế là cụm từ mỹ miều được thay thế cụm từ làm cu li cho ngoại bang. Các nhà lãnh đạo sung sướng cho dân đi làm cu li quốc tế, có được ngoại tệ và bớt đi những mầm móng phản động.

Uzbekistan, 

Tháng 10 viếng Mễ tây Cơ do hội kết nghĩa với thành phố Bellfowers mời. Được một gia đình Mễ cho tá túc 1 tuần, có cận vệ lái xe, đeo súng bên hông. Đi lần này xong chắc không đi nữa. Mình có đi rồi nhưng lần này muốn đồng chí gái đi theo cho biết đời sống người Mễ ra sao thay vì quen nhìn người Mễ di cư lậu.

Georgia 

Hai vợ chồng đi viếng trở lại các công viên quốc gia Sequoia, KIngs và Joshua Trees. Vẫn khám phá thêm những cái lạ của Cali. Không cần đi xa, Hoa Kỳ có rất nhiều nơi để thăm viếng. Có lẻ sẽ đợi khi sức khoẻ yếu yếu một tí, sẽ dành thời gian đi viếng các công viên quốc gia nổi tiếng Hoa Kỳ. Thật ra mình đi cũng 2/3 rồi.

Yellowstone

Năm nay đi chơi nhiều quá nên ít đọc sách báo, chỉ kể chuyện có 274 lần. Được cái là nhờ bác sĩ Kiều Quang CHẩn cho mượn võ đường để mấy anh chị em Đông Phương Hội có nơi tập luyện lại nhưng hơi bị sớm vì từ 5:30 sáng đến 7 giờ sáng nên ít người dám đu theo. Có người chịu khó từ San Diego chạy lên đây tập rồi chạy về đi làm. Dậy sớm nên mình lên giường vào lúc 9 giờ tối thậm chí có lúc mệt thì 8 giờ.


Mình đang chặt bớt các cây bơ cao già 35 năm để chúng ra nhánh mới nhỏ thấp cho dễ hái. Mình có gắn hệ thống tưới qua wifi với năng lượng mặt trời nên từ xa, có thể xem cần tắt hay tưới thêm vườn. Cứ đi chơi về khách sạn mở xem. Cần tưới khu vực nào thì mở app ra nhấn nút. Xong om


Trời thương nên có người kêu bán cho một khu thương mại và cho vay lại trong vòng 25 năm trước khi tiền lời lên. Được cái là mình đi chơi nhưng vẫn liên lạc qua email và điện thoại. Ký giấy tờ thương lượng qua email, chỉ có giấy tờ cuối cùng cần thị thực chữ ký thì về cali làm. Chính phủ cali cho tiền nông dân, cũng phải ký tên, in ra Scan đủ trò. Vẫn đi chơi không phải bắt buộc ở nhà để làm mấy chuyện này. Kỹ thuật đã giúp con người không còn phải dậm chân tại chỗ. Con gái mình đang ở Phi châu đi Safari vẫn làm việc nếu có wifi.


Năm 2024 thì tháng 2 sẽ viếng thăm 5 xứ ở vùng Trung Mỹ, rồi Việt Nam, Nhật Bản, Úc Châu. Sau đó sẽ leo núi Annapurna, 1/2 Dome Yosemite, Whitney. Sẽ đi âu châu vào tháng 9, tháng 8 sẽ đi Alaska. Mụ vợ đang lên chương tình với mấy người bạn, hy vọng mụ đi một mình với mấy bà bạn để mình có thời gian làm vườn.


Trước thềm năm mới, chúc các bác cùng thân quyến được nhiều sức khoẻ.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Bûche de Noël một thời

 Cứ mỗi lần giáng sinh về là mình nhớ đến cái bûche de Noël, ăn lần đầu tiên tại Đà Lạt. Dạo ấy, ở xóm có bác Duy gái nổi tiếng làm bánh tại Đà Lạt. Thường ngày bác làm bánh bông-lan bỏ mối cho mấy tiệm bánh ở Đà Lạt. Có thằng Vĩnh Vinh con đầu, giỏi lắm, chịu khó phụ mẹ làm bánh. Mình có vào nhà phụ hắn làm bánh bông lan, bỏ lò dầu hôi, khi gần chín hắn bỏ thêm vài hạt nho khô ở trên cho đẹp mắt. Nhà này có 4 trai 2 gái. Vinh hơn mình 1 tuổi, đến Vĩnh Dũng cùng tuổi mình sau đó đến con Hương, thằng Hải, con Hà rồi Vĩnh Hồ. Mình chỉ gặp lại bác Duy trai một lần khi về thăm gia đình lần đầu.


Trước giáng sinh, dân Đà Lạt đến nhà bác Duy, đặt bánh Noel mà dân trường tây gọi là bûche de Noël. Mình thấy bác Duy gái với thằng Vinh làm bánh mà thèm không biết chừng nào được ăn. 2 Bác Duy có hai cô con gái nên cưng lắm, 4 thằng con trai thì không được yêu chuộng lắm theo truyền thống trọng nữ khinh nam. Hình như bác Duy trai có một người con trai riêng, lớn tuổi hơn mình. Quên tên rồi. Có lần ai ở Đà Lạt hỏi mình về anh chàng này. Sinh nhật 2 cô con gái thì gia đình tổ chức ăn mừng lớn, còn 4 tên con trai chả thấy làm gì cả. Mỗi lần sinh nhật hai cô con gái là thấy xe hơi đậu đầy đường Hai Bà Trưng từ chỗ cư xá Địa Dư lên tới dốc Hai BÀ Trưng. Tương tự ngày nay, ở Cali nhà ai có sinh Nhật là xe đậu đầy đường.


Cứ mỗi lần thấy xe đậu là biết có tổ chức sinh Nhật 1 trong hai cô con gái. Tối đó là mấy đứa con trai trong xóm bò lại nhà bà Duy để xem con nhà giàu ăn sinh nhật. Có cả thằng Vĩnh Dũng, anh của hai cô bé ở trong nhà. Hình như hắn thích cô nào, bạn của em gái hắn nhưng không được tham dự, đành bò ra ngoài sân, nhìn vào cửa sổ với mấy đứa con nhà nghèo đi ăn chực. Không nhớ bao nhiêu tên, hình như có thằng Đắc, thằng Hậu ở cùng dãy nhà với mình, thêm KHánh ù nữa. Cả đám đứng nhìn từ ngoài cửa sổ vào xem đám con gái nhà giàu, họp mặt ăn mừng sinh nhật. Lần đầu tiên, sinh nhật mình được tổ chức do một đối tượng 1 thời, từ Boston bay sang Luân Đôn, tốn mình cái vé khứ hồi với British Airways. Từ đó mình sợ sinh nhật lắm. Sau này lấy vợ thì mụ vợ cũng quên sinh nhật của mình. Mình vui vì không phải tốn tiền. Tổ chức mua bánh bú xua là mua thì mình trả tiền chớ không có thằng tây nào trả cả. Sinh nhật tốn tiền chả có gì lợi cả.

Kugelhopf của người đức

Đây đám con nhà giàu trong xóm đã tổ chức từ lúc còn bé. Chúng đem bánh bà Duy làm ra, với mấy cái nến, rồi chung mồm vào thổi rồi vổ tay cho thật đều. Con Hương lấy dao cắt cái bánh từng lát nhỏ rồi lấy chia cho đám bạn. Chúng vừa ăn bánh vừa uống nước cam vàng BGI. Các đám dân nhà giàu lạ lắm, chúng ăn rất từ tốn không như nhà mình, mấy anh em và cơm nhanh hơn Carl Lewis chạy 100 mét ở thế vận hội.

Cả đám đang xem bọn con gái nhà giàu ăn bánh vừa nuốt nước miếng ừng ực thì bổng đâu bà Duy, mở cửa ra lấy chuỗi chà rượt đuổi cả đám như đuổi chó rượng đực. Mình với mấy tên ăn chực bánh ngoài trời, chạy qua bên kia đường chỗ nhà bà Ngần đứng, nhìn vào cửa sổ xa xa tiếc rẻ buổi ăn bánh chưa tròn, chưa đả thèm. Đợi lâu lâu 1 tí thì thằng Hậu chạy qua đường đến cửa sổ xem rồi chạy về báo, chúng ăn hết bánh rồi nên cuộc ăn buche de Noel không nói cũng rả đám từ lúc đó. Mạnh ai về nhà nấy.


Có một năm, bổng nhiên có một người đem cái Buche de Noel đến nhà biếu ông cụ. Chắc ông cụ đã giúp bắt ống nước vào nhà họ nên để cảm ơn, mua cái buche de Noel của bà Duy đem đến biếu. Đi học về, thấy cái bánh để trên bàn, mấy anh em bò lên ghế để hít mùi thơm của bánh, thơm lừng lựng. Phê thật.


Tối đó, bà cụ đi chợ về, cả đám xúm lại mách bà cụ là có bánh ai cho, buche de Noel. Tưởng bà cụ cho ăn liền nhưng không. Bà cụ kêu lấy cái mâm, rửa sạch rồi bỏ cái buche de Noel lên trên, mang lên bàn thờ cúng ông bà. Hôm đó chắc ông bà mình lần đầu tiên được ăn buche de noel. Thấy bà cụ thắp hương rồi khấn vái, mấy anh em cũng dành nhau khấn ông bà có linh thiêng thì bay về ăn bánh mau mau. Có cậu em đột phá tư duy, thổi mấy cây hương đang cháy đỏ rực cho hương mau tàn.


Cuối cùng thì hương tàn, mấy anh em tính nhẩm trong đầu xem mỗi đứa được lát to bao nhiêu. Tất cả đều thất vọng. Bà cụ cắt phân nữa ra, sai một đứa đem đi cất tủ lạnh để mai mốt ăn. Còn phân nữa thì cắt một miếng rồi chia đôi cho hai đứa. Lúc đầu thì cứ lượm mấy miếng bánh bể rớt xung quanh ăn rồi từ từ rức rức thêm bánh để ăn kiểu kiến tha lâu cũng đầy bụng. Ăn xong còn hít hà, lấy cái lưỡi liếm liếm dấu vết chocolate trên đĩa cho sạch. Ngon nhớ đời!



Sang Tây thì ăn thả dàn nhưng không hiểu sao không ngon bằng lần đầu tiên ăn ở Đà Lạt. Nhất là sau 75,  nghe nói Việt Nam đói khổ nên mình cứ thèm phải chi có mấy đứa em ở đây để ăn cái bánh to đùng như ngày xưa. Nay thì nhìn là ớn tới cận cổ.


Bûche de Noël là đặc sản của nước Pháp. Người Pháp kể là khi xưa, thời trung cổ, người nông dân Pháp có tục lệ hàng năm, bỏ vào lò sưởi một thân cây, thường là cây có trái ăn để cháy trong 3 ngày hay 12 ngày tuỳ theo khổ thân củi vào ngày Giáng Sinh. Họ tin rằng nếu củi cháy tốt sẽ đem lại thịnh vượng, sức khoẻ, lúa tốt,…cho năm mới.


Dần dần vào thế kỷ 20, người dân bỏ quê vào Paris để làm việc trong các xưởng sản xuất khởi đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ của Pháp. Dân từ quê dọn đến Paris ở nhưng nhà cửa nhỏ hẹp, không có lò sưởi to đùng như ở nhà quê, nên có ông thợ làm bánh đột phá tư duy làm cái bánh gâteau, có hình dạng như khúc củi từ đó bûche de Noël ra đời. Nhưng phải đợi đến sau thế chiến thứ 2, mới được phổ thông hoá khắp xứ pháp vì có thể mua cho dịp lễ.

Trước khi mấy đứa em vượt biển sang Pháp, mỗi năm mình đi La MÃ Ý Đại Lợi để ăn giáng sinh với bạn bè bên Ý Đại Lợi thì không thể thiếu món Panettone, không thấy buche de Noel 

Bûche de Noël là món mà người Pháp ăn để chấm dứt buổi tiệc giáng sinh trong gia đình như mừng cầu mong năm tới mùa màn được thuận hoà. Bûche de Noël chỉ thấy ở các xứ nói pháp ngữ như pháp hay khi mình viếng thăm Liege, Bỉ, vùng nói tiếng pháp thì thấy còn khi đi Hoà Lan, Đức quốc, thì họ ăn kugelopf, người Ý Đại Lợi họ ăn Panettone vào lễ giáng sinh.


Tây sang Việt Nam đô hộ nên họ truyền món bûche de Noël khiến các người theo tây học bắt chước ăn mấy món này vào lễ giáng sinh. Nay ở Cali, không lẻ vào mùa giáng sinh phải chạy đi mua bûche de Noël, Panettone, Kugelhopf để ăn trong khi vợ con chả hiểu gì cả, chỉ thích chè 3 màu. Ăn một mình là ói bánh ra.

Buche de Noel do nhà thiết kế Philippe Starck vẽ cho tiệm bánh danh tiếng Le Nôtre

Có lần mình đọc tin tức bên tây thì thấy có nhà thiết kế Philippe Starck nổi tiếng với tiệm cà phê Costes. Được tiệm bánh Le Nôtre danh tiếng mướn để thiết kế buche de Noel. Nghe nói năm đó tiệm bánh danh tiếng này bán bánh lên đến 94 triệu Euro nên chơi sang mời ông Starck thiết kế buche de Noel và từ đó người Pháp mời các kiến trúc sư, nhà thiết kế đủ trò để vẽ buche de Noel. Nghe nói một cái bánh ở tiệm Le Nôtre bán giá đâu 90 Euro. Nếu mình thiết kế thì chắc sẽ làm cái đòn bánh tét, mang tên Bánh Tét de Noel. Thôi thà làm rong rêu trên biển còn hơn ăn cái bánh 90 Euro. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Tàu Ruồi trên sông Seine


Ai đến Paris đều thấy du khách viếng thủ đô dọc dòng sông Seine trên những chiếc tàu được gọi “bateaux mouches”, nếu dịch ba chớp ba nhoáng ra tiếng Việt là “tàu ruồi” khiến mình thất kinh, không dám đi sợ ruồi bu. 10 năm ở Paris, mình chưa bao giờ leo lên đây đến khi về lại Paris với vợ con thì không thấy ruồi trên tàu nên hỏi đám tây đầm quen. 

Đầu hay cuối của đảo Cité có bến tàu ruồi, đi xuống từ Cầu Mới (Pont Neuf). Giữa cầu có một tượng vua Henri VIII, nổi tiếng bắt các bà bồ, không được tắm 3 tháng trước khi giao hoan với ông ta. Chụp trên cao khúc Passerelle Des Arts nơi mình đi ngang qua hàng ngày.

Mình được giải thích lý do người Pháp gọi là tàu ruồi. Ở thế kỷ 19, có một khu vực đóng tàu ở Lyon, thành phố lớn thứ nhì của  Pháp, có nhánh sông Rhône mà khi xưa người Pháp gọi Mouche nên từ đó họ gọi những tàu được đóng tại khu vực này là “bateaux Mouche” , không có “s” sau Mouche vì là tên (Nom propre). Các tàu này được sử dụng để đưa khách qua sông hay di chuyển ở các thành phố cạnh bờ sông như Paris. Nếu đi viếng Venise hay Istanbul, chúng ta sẽ thấy các con tàu chở hành khách trên các con kênh được gọi là vaporetto hay người dân Istanbul, đi tàu qua Bosphorus chia cắt Âu châu và Á châu.


Ngày nay đi viếng các nơi có bờ sông, chúng ta đều thấy các tàu chở du khách trên sông như ơ Budapest, Vienne,..trên dòng sông Danube. Có ăn uống múa hát thường là rất dỡ. Ở Vọng Các, mình có đi tàu với bà cụ, ăn uống không ngon lắm, du khách từ Việt Nam hay Thái, dành hết thức ăn rồi bỏ mứa.

Tàu Ruồi nhưng không giống con ruồi. Chán Mớ Đời 

Nói chung các thành phố âu châu khi xưa đều được xây dựng cạnh bờ sông. Lý do là người ta di chuyển bằng tàu và chuyên chở hàng hoá để buôn bán và các vật liệu để xây dựng. Ở Paris, chúng ta thấy các dinh thự, nhà thờ, tháp Eiffel, đều được xây cất cạnh bờ sông Seine giúp chuyên chở các vật liệu xây cất. Ngày nay thì chỉ thấy tàu cho du khách đi chơi và các péniche chở hàng hoá. Mình có quen một tên tây, hắn mua một chiếc tàu nhỏ và neo bên dòng sông Seine để ở rẻ hơn mua nhà. 


Cách đây mấy tháng mình có xem một phóng sự bên Tây, một bà đầm ở trong một chiếc tàu đậu trên kênh Saint Martin ở Paris. Khi xưa, ông Tây bà đầm dạy về các péniche trên con kênh này, nước được đỗ đầy trước khi họ dỡ mấy cái cửa chấn. Phương cách này tương tự đi tàu qua kênh Panama hay trên dòng sông Nile mà mình có viếng thăm cách đây 2 năm. Vợ chồng bà ta mua chiếc tàu trên 30 năm. Mỗi năm phải di chuyển tàu một vài lần khi chính phủ khám xét, xem tàu còn sử dụng được hay không trước khi cấp phép cho tàu sử dụng hàng năm. Hình như bên tây có những chuyến hải hành trên sông với những chiếc tàu nhỏ, bên vùng Venise cũng có. Mình không thích du thuyền lắm nên không nói cho mụ vợ biết , mụ lại đòi đi. Được cái là họ cho đầu bếp giỏi nấu ăn trong 1 tuần hay hai tuỳ tuyến đường. Mình cũng không phải dân thích ăn uống nên chả thiết,

Chiếc cầu đầy kỷ niệm một thời sinh viên, đi qua mỗi ngày đến trường băng qua dòng sông Seine im liềm.

Vào năm 1862, công ty đóng tàu “Mouche” được thành lập, đóng tàu để chuyên chở hành khách trên sông. Có cuộc đấu xảo vào năm 1867 tại Paris, các chiếc tàu này được trưng dụng để chở các du khách thăm viếng cuộc đấu xảo tại Paris. 30 chiếc tàu ruồi này được đóng, theo dòng sông Rhone, chảy theo lên đến sông Seine, để giúp du khách thăm viếng, và dân cư Paris, di chuyển Paris trên sông Seine. 


Nghe kể vì không có phim ảnh, có đến 300-400 hành khách di chuyển trên các tàu ruồi này vì giá hạ và nhanh chóng. Các chuyến tàu ruồi này hoạt động được một thời gian ngắn lại bị dẹp vì thủ đô xây dựng một hệ thống đường ngầm gọi là Métro cho cuộc đấu xảo năm 1900 giúp dân pAris di chuyển nhanh hơn vì có thể đến những nơi xa cách dòng sông Seine. Mình có kể rồi những ngày đầu tiên trên đất Pháp.

Tàu trên dòng sông Rhône, nơi người ta gọi là khu vực Mouche (tiếng tây cổ có nghĩa là nhánh sông). Thấy tấm bảng quảng cáo “chocolat Meunier", công ty sô-cô-la nổi tiếng của tây mà khi xưa, còn bé ở Đà Lạt, bà cụ mua về pha cho mấy anh em uống. Qua tây mình khám phá ra công ty này được Nestle mua. Nên chả còn tây gì nữa.

Sau thế chiến thứ 2 thì có một ông tây mới đột phá tư duy, mua mấy chiếc tàu cũ này, trang trí lại và sử dụng chuyên chở du khách trên dòng sông Seine. Ông ta thành lập một công ty hàng hải mang tên Compagnie des Bateaux-Mouches® vào năm 1950. Ông ta chơi trò cá Tháng 4, ngày 1 tháng 4. Ông ta mướn hai người tên dài dòng lắm, viết một tiểu sử bịa đặt: cho rằng ông chủ của công ty tàu ruồi, tên là Jean-Sébastien Mouche. Một cựu cộng tác viên của ông Baron Haussmann danh tiếng dưới thời đệ tam đế chế Pháp khiến dân tình tưởng thiệt, đến tham dự đông đúc như quân Phú LĂng-xa ngày khai trương của công ty, cũng như bức tượng của ông ta và sử dụng tàu ruồi đi dã ngoại trên sông Seine. Từ đó ai đến Paris cũng leo lên tàu Ruồi. Ban đêm có đèn pha rọi sáng rực hai bên bờ sông Seine. Mình nhớ là chỗ Cầu Mới (pont Neuf) là bến để du khách lên xuống.

Sông Seine, thấy Cité, bên phải là khu La-tinh, chỗ Saint Michel. Dọc sông Seine, có những xập bán sách cũ mà mình đã kể.

Nghe kể có một hội viên của hàn lâm viện Tây tưởng thiệt nên đến tham dự đọc diễn văn bú xua la mua.

Bác nào đến Paris, đi du ngoạn trên tàu Ruồi, thật ra không phải ruồi mà chữ Mouche có nghĩa khi xưa là nhánh sông. Đừng có ngu ngu như em tưởng tàu có ruồi rồi không dám leo lên. Thức ăn thì dỡ lắm. Để tiền vào các tiệm ăn mà em đã kể nhưng nếu có khả năng thì nên đi ăn đêm trên dòng sông này có nhảy đầm vớ vẩn. Phong cảnh hai bên sông thì rất đẹp, hơn cả dòng sông Thames ở Luân Đôn hay Danube ở Đức quốc hay Budapest, HUng Gia Lợi . Xong om

Chúc các bác cùng thân quyến một năm 2024 được nhiều sức khoẻ. Em cố gắng không lên mạng từ đây đến cuối năm 2023.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Người xưa ngày nay


Có lần đồng chí gái đưa mình tấm ảnh thời xưa, chụp một đám con trai con gái rồi chỉ một tên, nói tên ni khi xưa em thích hắn lắm. Nay hắn te tua, tóc rụng, răng rụng đủ trò. Công nhận chú bé trai mà đồng chí gái thích một thời rất khôi ngô tuấn tú hơn Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen. Có lần buồn đời, mình bò lên mạng tìm kiếm những người đã đi qua đời tôi, khiến mình thất kinh. Cô nào cô nấy ngày nay đều to béo. Buồn vào hồn không tên. Mình nghĩ họ mà thấy ảnh mình ngày nay chắc cũng thét lên như gặp Hải tặc. Nhìn lại thì mụ vợ mình còn OK tuy đã nữa đời hương phấn.

Có lần thằng con mình đi Việt Nam theo phái đoàn y tế giúp người nghèo tại Việt Nam. Sau mấy tuần, phái đoàn gửi cho mình một video. Hai vợ chồng bỏ lên máy truyền hình để xem hình ảnh thằng con. Thằng con đâu không thấy, thấy có một bà to béo, trưởng toán của thằng con, mình dụi mắt mấy lần, mở đi mở lại 2 lần để xem có đúng đôi mắt người xưa. Mình hỏi vợ bà này sao thấy quen quen. Mụ vợ như đợi thời cơ đã chín muồi, nói liền bà bồ anh ngày xưa chớ ai. 


Đồng chí gái có trí nhớ rất hay. Mình thì không nhớ nhưng mụ vợ thì nhớ hết dù xem hình ảnh mà mình còn giữ lại trong album mà cô nàng trao tặng. Như có lần đi ăn cưới, người ta giới thiệu một ca sĩ lên sân khấu. Mình nói với mụ vợ, bà này trông quen quen. Đồng chí vợ kêu bạn học anh chớ ai. Bà đi hỏi vợ cho anh, dặn đừng giới thiệu tôi là mẹ ông nhé. Chị bạn học chung khi xưa, lập gia đình rất sớm, mình gặp lại lần đầu khi đi thăm với đối tượng một thời. Cô nàng kêu bạn anh sao như bạn má em. Chán Mớ Đời 

Mình xem lại chú thích thì đúng tên họ của nha sĩ mình quen khi xưa, vừa tên mỹ vừa tên ta, thêm cái giọng một thời đã làm mình say đắm, bỏ âu châu sang Hoa Kỳ để se duyên Tần Tấn. Đồng chí gái thì vui lắm, cảm thấy ngày nay đẹp hơn đôi mắt người xưa của mình. Cứ xuýt xoa bà ta khi xưa đẹp mà răng bi chừ lạ rứa hè. Lạ hè. Mỗi câu lạ rứa hè càng xé nát tim tôi. Chán Mớ Đời 


Có lần gặp lại anh bạn người Hoà LAn, anh ta kể có gặp lại cô bạn người đức mình quen khi ở Thuỵ Sĩ, mình hỏi có con cái gì không, không dám tìm kiếm nữa vì phụ nữ đức nổi tiếng ăn Kartoffeln và uống bia thì sau một lần đi biển vượt cạn là to đùng. Cô ta lấy một người Thụy sĩ, có một cô con gái nhưng hai người ly dị vì anh chồng lớn tuổi hơn rất nhiều, nay về già bệnh đủ thứ nên cô ta không thể chăm sóc và đi làm cùng một lúc nên aus Wiedersehen.


Mình có kể gặp lại những bông hồng cũ nhưng ít cô nào bàn nói về gặp lại cố nhân như đồng chí vợ. Ông Vũ Thành An có rên rĩ về mối tình không thành của ông ta, giúp ông ta nổi tiếng, lượm được một mớ tiền với những bài hát không tên không tuổi nhưng khi gặp lại cố nhân bên mỹ, ông ta phải sửa lại ca từ của bài hát. Hiểu rằng con đường gốc nhân đã chọn quá đúng.

Thời gian rất tàn nhẫn không chừa ai cả, tuỳ theo cuộc sống và môi trường đã trải qua, sắc diện con người sẽ bị tàn phá nhanh hay chậm. Có gặp lại nhau thì phải chuẩn bị tinh thần để không bị sốc với thời gian. Nam hay nữ đều bị tàn phá. Khi gặp lại chúng ta chỉ nhìn người bạn học khi xưa để nối lại những kỷ niệm với nhau. 


Mình có anh bạn, bố mẹ cấm không cho lấy cô bạn gái vì không môn đăng hộ đối, đành hát ngày nhà em pháo nổ tâm hồn anh rướm máu. 19 năm sau, anh ta gặp lại cô bạn gái, cũng lỡ một chuyến đò như anh ta. Thế là xáp lá cà lại nhau. Từ Pháp chuyển qua Hoa Kỳ kết lại mối tình xưa. Cái kết khá đẹp. Anh ta và vợ hay ghé lại nhà hát hò với đồng chí gái và mấy người bạn yêu thích hát hò.


Còn nếu nhìn những người bạn cũ với cái nhìn của người soi mói hay để thoả mãn tự ái của mình thì khó. Có nhiều người kêu gặp lại con Ạ con B, khi xưa đẹp lắm mà nay thì Chán Mớ Đời. Với tâm tư như vậy thì không nên gặp lại. Người bạn nào mình gặp lại cũng mừng là chưa qua đời, còn khổ hay sướng thì không thể so sánh được. Vì mỗi người có một cái nghiệp, một cây thánh giá để tự vác lên đồi Calgary.


Cậu bé khi xưa trong ban Tuổi Thơ, với mụ vợ nay đã lão thành. Mụ vợ cũng thay đổi, mình phải dang hai tay nối vòng tay lớn mới ôm được kẻ nội thù. Mình thì bị lão hoá theo năm tháng, làm người chồng nhân dân rồi làm nông dân ưu tú. Mình thấy nhiều người bạn, nhuộm tóc để cảm thấy mình trẻ, bẻ sừng trâu làm nghé. Còn mấy bà thì cố gắng níu kéo chừng nào hay chừng nấy.

Nông dân Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Trên Netflix, có chương trình kể về bệnh nhân của hai ông bác sĩ thẩm mỹ tại Newport Beach. Kinh hoàng. Mấy bà muốn làm cô bé lọ lem, vô đây sửa tới sửa lui đủ trò, xem thấy kinh hoàng vì họ muốn đẹp thêm, bơm ngực bơm mông, hay vá cái âm hộ như trong cuốn sách Godfather kể. Họ quên là sửa sắc đẹp lại, bơm mông bơm ngực thì khi lên thiên đàng, máy rà digital của thánh Phao Lồ sẽ không nhận ra và bị đày xuống địa ngục. 


Cũng có mấy tên tốn tiền vào đây để làm đẹp, để trở thành Chử Đồng Tử phò mả, tốn biết bao nhiều tiền. Nói chung nam nữ ai cũng bị lão hoá, chỉ có vấn đề là chúng ta có chấp nhận, thích nghi với sự thay đổi hàng ngày để vui sống tốt những năm tháng còn lại của đời người. Gặp lại bạn bè xưa, nếu họ chấp nhận mình thì gặp còn không thì thế giới này thiếu gì Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen .


Mình có gặp lại đối tượng một thời tại Việt Nam khi thăm viếng gia đình. Được cái là cô nàng không bị thời gian phá nát tim tôi. Vẫn đẹp như ngày nào. Khi xưa đẹp gái nay đẹp lão. Còn một cô được xem là xinh khi xưa, thấy hình ảnh ngày nay trên mái ấm trường Văn Học thì cũng không muốn đi tìm lá Diêu Bông. Xong om

Mấy bà quen khi xưa không nhận ra mình khi gặp lại Sơn đen. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen. 

Nguyễn Hoàng Sơn