Hiển thị các bài đăng có nhãn Đàlạt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đàlạt. Hiển thị tất cả bài đăng

Lượm lặt trên đường đi Trung Á

Xem như mình đã đi viếng được 4 nước của Trung Á, chỉ còn Pakistan, Turkmekistan và Á Phú Hãn là chưa dám bước chân vào. Lý do bộ ngoại giao khuyến cáo người Mỹ không nên du lịch ở các nước này vì tình hình an ninh. Các nước này thường có chữ “Stan” ở cuối cùng, có nghĩa là đất đai, như chữ “land” trong anh ngữ. Như Ireland, England, Holland, Scotland,… tương tự người ấn độ gọi nước của họ là Hindustan. Buồn đời, người Việt đổi tên nước thành Vietnamstan cho có vẻ ngầu ngầu.

Mụ vợ gặp hai cô này bận đồ cổ truyền nên chạy lại xin chụp hình. Họ đi chung với mấy anh thanh niên, cầm đàn cổ truyền đi đâu đó.

4 nước Trung Á; Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan từng là thuộc địa của đế chế Sa Hoàng và Liên Sô từ đầu thế kỷ 19 và dành độc lập khi Liên Sô tan rã năm 1991. Nhưng văn hoá của họ vẫn còn bị ảnh hưởng của Liên Sô. Người dân vẫn còn nói tiếng Nga, dù đi học thì được dạy bằng tiếng của họ. Chữ của họ được người Nga dùng mẫu tự cyrillic để biến đổi chữ viết của họ thay vì chữ của Ba Tư hay chữ Ả Rập. Mẫu tự cyrillic được các giống dân Slavic sử dụng, nguyên gốc từ Nhà Thờ Chính Thống, mẫu tự Hy Lạp. Kiểu người Tây phương chuyển việt ngữ với các mẩu tự Latinh . Được cái họ không chửi người nga đã giúp họ diễn đạt bằng văn tự dễ dàng hơn thay vì chửi bới kêu bốc lột thực dân này nọ. 


Khi xưa nhà thờ Thiên CHúa Giáo được thành lập khi hoàng đế La Mã Constantin chỉ có một nhà thờ nhưng rồi dần dần vì ảnh hưởng văn hoá La-tinh và Byzantium nên tôn giáo này bị chia cắt làm hai đến ngày nay. Và được gọi nhà thờ Vatican sử dụng tiếng La Tinh, và nhà thờ Chính Thống sử dụng tiếng Hy Lạp và đưa đến mẫu tự Cyrillic đến ngày nay. Khi xưa, học hình học nên mình đọc được mẫu tự Hy Lạp nên khi đi chơi ở mấy xứ này thì mò mò cũng ra được nhất là khi đi mua thuốc cho đồng chí gái ở các tiệm thuốc Tây. Họ viết theo chữ Hy Lạp nên mò ra ngay.

Cơm gọi Plov. Người ấn độ gọi Pilau.
Các tiệm ăn hay có mấy cái phảng che dù, ngồi ăn có nệm và gối, ăn xong buồn đời kéo màn lại ngủ một giấc dậy

Hỏi người dân sở tại có căm thù người Nga đã chiếm đóng xứ họ, dùng mẫu tự Cyrillic biến đổi ngôn ngữ của họ thì đa số lắc đầu, kêu người Nga giúp họ tiến lên, tham gia vào các trào lưu văn hoá, cũng như khoa học hiện đại. Hiện nay có phong trào muốn dùng ký tự của Thổ Nhĩ Kỳ để giúp họ canh tân xứ sở. Mình thấy có sự ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ vì dân Thổ sang mấy xứ này mở các tiệm ăn Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một bửa ăn, một ông tài xế đứng lên đọc thơ của Pushkin. tương tự người Tàu sang Việt Nam hay các xứ Đông Nam Á buôn bán, mở tiệm ăn. Dân địa phương đi ăn cơm Thổ Nhĩ Kỳ như người Việt đi ăn cơm tàu. Nhớ khi xưa ở Đà Lạt, mỗi lần được bố mẹ cho đi ăn cơm tàu ở tiệm Như Ý hay Kim Linh ở cạnh rạp Ngọc Hiệp là sang trọng lắm. Dù chỉ ăn Tả Pí Lù.

Cảnh hồ Koulikalon mà gia đình mình mất 5 tiếng đồng hồ mới leo lên đây, sau đó nhảy cái đùng xuống tắm. Nước lạnh như đá lạnh. Cắm trại qua đêm. Kinh

Các nước này bị người Ả Rập đánh chiếm nên theo đạo Hồi Giáo đến khi ông thần Stalin lên thì cấm hết. Không có Allah gì cả, chỉ Stalin là bạo  chúa thôi. Sau gần 70 năm không được thờ phụng Allah nên người dân không cực đoan, bắt buộc theo luật Shahria của hồi giáo một cách máy móc như các nước lân cận như Ba Tư, Á Phủ Hãn hay Pakistan.


4 nước Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan tuy ở sát bên, có chung tôn giáo là hồi giáo nhưng lại khác nhau như Việt Nam, Cao Miên, Lào và Thái Lan. Tuy theo đạo Phật nhưng lại khác nhau. Tajikistan bị ảnh hưởng của nước Ba Tư bên cạnh nên theo giáo phái Shiite trong khi Uzbekistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan thì theo phái Sunnite. Tóm tắc kiểu Phật giáo tiểu thừa và đại thừa nhưng phức tạp hơn. Chớ kể rõ hơn thì tốn giấy và các bác cũng không đọc.


Về chủng tộc thì thời Liên Sô, mấy xứ này có đến 20-25% người Nga đến ở. Thời Sa Hoàng thì ít kiểu Việt Nam mình khi xưa, Chúa Nguyễn cho người nghèo khó đi về phía Nam ở Cao Miên, lập nghiệp. Đến thời cộng sản thì khác. Người gốc Nga bị cướp đất đai, đấu tố địa chủ cường hào ác bá và để sống sót, đi đến mấy nước này lập nghiệp. Phần Stalin lo ngại các chủng tộc MÃn Châu, thân trung hoa nên đày một số người Mãn Châu đến các vùng này như ở Uzbekistan có đến 50,000 người Mãn Châu bị đưa đến đây lập nghiệp. Hướng dẫn viên dịch là người Đại Hàn nhưng thật tế là người Mãn Châu, Mông Cổ. Người Triều Tiên cũng là gốc Mãn Châu , Mông cổ mà ra. Sau khi liên sô sụp đỗ thì người Nga trở về nước khá đông, nay chỉ còn lại độ 6%.

Cà chua, cà tím nhiều
Món này chỉ là bột chiên chấm vớt ya-ua, ăn ghiền. Boorsok

Về ngôn ngữ thì mấy nước này hơi ná ná nhau nhưng thường thì họ khạt vài tiếng của nước họ mà người bên kia không hiểu thì họ dùng từ ngữ Nga La tư. Nói chung muốn giao thiệp với người sở tại thì nên biết tiếng Nga. Như biết tiếng pháp dễ nói chuyện với dân sở tại tại Đông Dương, thuộc địa cũ của pháp. Khi đi Cao Miên, gặp người Miên lớn tuổi thì mình nói tiếng Tây thì họ hiểu còn nay giới trẻ chắc nói anh ngữ nhiều hơn. Mấy hướng dẫn viên tại Trung Á, được công ty du lịch mướn, đa số là giao viên anh ngữ tại trường, hè họ đi làm thêm nên không có vấn đề ngôn ngữ. Chỉ khi nào mình muốn giao tiếp với người địa phương thì có vấn đề nhưng ngày nay, có ông thần Google nên cũng đỡ. Lấy điện thoại scan chữ Cyrillic thì google dịch ra anh ngữ cho mình nên cũng đỡ. Gặp người thường thì họ hỏi mình biết tiếng ruski thì chỉ biết niet rồi lấy gú gồ ra tra thôi.

Phong cảnh tại Kazakhstan, leo đồi leo núi thấp hơn Tajikistan 

Về thắng cảnh thì núi rừng, Tajikistan được xem là đẹp nhất, núi cao nhất. Mình chỉ đi 7 ngày vùng phía Tây Tây của xứ này, còn phần phía đông dài hơn nhưng chắc để khi sau và cũng có thể không bao giờ. Về văn hoá, kiến trúc cổ xưa như các nhà thờ hồi giáo, thành chống giặc xâm lăng thì phải viếng Uzbekistan, quá đẹp. Có nhiều di tích lịch sử không thua gì xứ Ba Tư. Kazakhstan thì là nước to lớn nhất vùng này lại ít dân, thuộc loại văn minh du mục khi xưa. Chỉ khi người Nga chiếm đóng, muốn kiểm soát người dân nên bắt họ dừng chân, trồng trọt canh nông. Phong cảnh khá đẹp như vùng Arizona và Utah nhưng không to lớn vĩ đại như ở Hoa Kỳ nên mụ vợ cứ rên, so sánh không bằng Hoa Kỳ. Còn Kyrgyzstan thì sát biên giới với Nga Sô nên ảnh hưởng khá nhiều của xứ Nga.


Về chủng tộc thì đa số người dân Uzbekistan và Tajikistan có nét của người ba tư trong khi người Kazakhstan và Kyrgyzstan thì giống người Mông cổ nhiều hơn. Có độ 5-6% người gốc Nga còn sinh sống tại đây. Có đêm ngồi ăn uống xong thì ông tài xế gốc Nga, đứng lên đọc một bài thơ của Pushkin. Ở Kyrgyzstan bà hướng dẫn viên gốc Nga, cho rằng người gốc Nga nhất là phụ nữ ít lập gia đình với người địa phương. Lý do là vì tôn giáo. Bà ta ngạc nhiên khi mình nói có đọc Chekhov, Tolstoy, Pasternak, Dostoevsky như khi nghe mình nói đến Solzhenitsyn thì bà nhảy đùng đùng kêu không hay, nghi ngờ nên nghĩ bà ta vẫn yêu chuộng chủ nghĩa Mát xít. Đặc biệt chỉ có xứ Kyrgyzstan là vẫn còn giữa các tượng đài như LÊNIN, Karl Marx, Engel và các lãnh đạo cộng sản từ 1917 đến nay.

Phong cảnh như ở Thuỵ Sĩ và Áo Quốc
Lều du mục đẻ ngủ qua đêm, họ gọi là Yurt

Mình thấy chương trình Vành Đai và Con Đường của Trung Cộng xây dựng từ mấy năm qua như đường cao tốc nối liền biên giới Trung Cộng xuyên qua mấy xứ này đến Ba Tư. Xe tải từ Trung Cộng chạy qua biên giới đông như người Tàu. Dân tình hay ra vùng biên giới để mua đồ, không thuế và rẻ.


Về thực phẩm, đa số là họ ăn thịt nướng Kebab, rau cải thì toàn là dưa leo và cà chua nhưng ngon hơn ở Hoa Kỳ vì được hái khi chín thay vì hái non như ở Hoa Kỳ nên cà chua còn màu Hồng, không có hương vị gì cả. Nói chung thức ăn của họ không cầu kỳ lắm. Do đó họ thích ăn cơm Thổ Nhĩ Kỳ.

Chụp hình kỷ niệm biết đâu kiếp trước gia đình mình thuộc giống dân Mông cổ

Đạo hồi nên họ không ăn thịt heo do đó các dồi trường đều làm bằng thịt bò, hay thịt ngựa do đó có màu Hồng Hồng đỏ đỏ thay vì trắng như thịt heo. Ở Kazakhstan thì xứ du mục nên họ ăn thịt ngựa rất nhiều. Chạy bên đường nơi vùng thảo nguyên, thấy họ nuôi ngựa nhiều, có vùng đất có nhiều khoáng chất nên thấy ngựa ăn đất để có khoáng chất.


Mình có ăn mấy món được xem là truyền thống của họ như Beshbarmak, phải ăn bằng tay kiểu người hồi giáo gồm thịt cừu, hay ngựa. Awn với mì từng miếng như người ý làm để gói tortellini,… họ hay cho mình ăn trưa ở các homestay, nhà người dân trong làng khi chạy ngang cho có vẻ chính gốc và khỏi mất thời gian. Xe chạy, hướng dẫn viên đoán chừng bao lâu đến thì gọi điện báo cho chủ nhà. Xe những chỉ cần đi vệ sinh là có món ăn nóng hổi. Ăn tráng miệng thì họ chả có gì ngoài ba cái bánh quy hay kẹo vớ vẩn. Bữa ăn thường là món xà lách, cà chua và dưa chuột thêm chút rau gì đó như rau ngò rồi món chính. Ở Thổ Nhĩ Kỳ thì tha hồ ăn đồ ngọt. 

Hồ Son Kul dài 60 cây số, được xem là hồ trên cao nhất của vùng này ở 12,000 cao bộ
Phong cảnh chỗ ngủ lều qua đêm

Ngoài ra có món Plov, cơm với thịt cừu hay thịt bò, cà rốt, hành và các gia phụ, được nấu trong Kazan, nồi đặc biệt. Ở Samarkand, mình ăn món này ngon nhất. Chiều thường họ cho ăn súp. Nhớ ở Artuch trên núi, họ cho ăn món Borsch của người Nga ngon không thể tả được.


Ngoài ra ở gần biên giới của Trung Cộng có ăn món Lagman, mì sợi làm bằng tay nấu với thịt, rau quả và gia vị của người Uyghur. Món đó rất ngon, hơi cay. Thêm có món Samsa, người Ấn Độ gọi Samosa, Tây Ban Nha gọi empanada, thịt bằm được gói bằng bột mì rồi bỏ lò nướng như pâté cháu của Tây.


Về thức uống thì bị ảnh hưởng con đường tơ lụa nên họ uống trà rất nhiều. Cà phê chưa thông dụng lắm. Họ gọi trà là “Chay” từ tiếng tàu là chà. Nhưng họ uống với đường như mấy người ả rập. Chắc vị đắng hay chát tương tự người Mỹ uống cà phê với đường hay sữa cho bớt đắng. Ngoài ra họ uống một loại sữa chua được gọi là Kymyz, nghe nói rất tốt cho sức khoẻ. Vào tiệm ăn sang thì họ hay đem ra trước tiên để mình uống hay đi ngoài đường thấy ở các góc phố họ bán dạo loại Maksym, loại hạt bị lên men. Uống cho biết. Chiều thì dám uống chớ trưa sợ nhiều khi không quen bụng, lỡ phải đi vệ sinh nên hơi ngại nhưng rất ngon kiểu ya-ua vậy thôi không có đường.

Đây ở góc đường, khắp nơi họ bán loại nước maksym
Kiểu hoành thánh, chắc do mấy anh ba tàu truyền từ mấy ngàn năm

Trà thì họ đưa cho cái chén nhỏ gọi là piala để uống. Trà thì có trà đen và xanh. Xanh đây là jasmine chớ không phải trà xanh matcha của người Nhật. Nói chung thì trà của họ có gì đặc Sắc vì nhập cảng từ Trung Cộng ngược lại trà dược thảo rất ngon. Thường họ đem ra thêm bột chiên gọi là boorsok, như bánh tiêu của người Tàu nhưng nhỏ hơn. Ở karakol, tại khách sạn họ cho uống loại trà, ngọt nấu với loại trái khô như trái mơ, cộng thêm một số rau cỏ gì đó, chắc do mấy anh ba tàu truyền nghề. Uống rất thơm. Mụ vợ mình thích lắm nhưng khi đi tìm mua thì không có.


Ăn tiệm họ cho ngồi trên mấy cái phảng và có cái bàn thấp gọi là dastorkhon. Có lần họ dẫn đến chỗ nào tiệm ăn, có mấy cái chòi trên bờ dưới ruộng. Mỗi gia đình một cái chòi leo lên phảng ngồi ăn nhìn ra hồ. Trời nóng nên cũng bớt nóng. 

Thằng con kêu gia đình mình như kẻ du mục, 3 tuần lễ chạy qua ba nước ở Trung Á. Để lại nhiều kỷ niệm khó quên cho gia đình.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 




Du hành Karzachstan và Kyrgyzstan

 


Rời Dushanbe, thủ đô của Tajikistan, lấy máy bay đến thành phố lớn thứ 2 của xứ Karzachstan có tên là Almaty. Thật ra thành phố này từng là thủ đô của xứ này nhưng sau khi dành độc lập thì họ chuyển qua Astana. Lý do là vùng Almaty bị động đất rất nhiều như Cali nên chính quyền nghĩ dời đô cho khỏe đời. Tại đây hướng dẫn viên đón là người Karzachstan giống y chang người đại Hàn hay Mông cổ. Khác với giống dân ở Tajikistan, dân ở đây đa số là người gốc du mục, gồm 7 bộ lạc khuôn mặt như người á đông. Họ đưa về khách sạn lấy phòng sau đó dẫn đi chơi. Phải ghé tiệm thuốc Tây để mua thuốc cho mụ vợ, bị cảm họ lơi khơi. Đây họ nhận applePay, thẻ tín dụng không như ở Tajikistan. chỉ nhận tiền tươi.


Ăn cơm xong ở tiệm nổi tiếng có nhiều tiệm khắp xứ tên Navad, trang trí rất dễ thương với hình ảnh văn hoá của xứ này. Thức ăn khác với Tajikistan, bị ảnh hưởng Ba Tư nằm bên cạnh, còn xứ này nằm cạnh Trung Cộng. Dân lại gốc du mục gốc Mông cổ. Sau đó họ dẫn đi chơi trong phố xá, rất dễ thương hơn Dushanbe. Có phố đi bộ, thiên hạ ngồi chơi nhạc ngoài đường. Được cái là đường xá rất sạch, ảnh hưởng văn hoá hồi giáo. Đi bộ được vài dặm rồi về khách sạn ngủ vì ngày mai lên đường cuộc vạn lý trường chinh qua 2 nước Karzachstan và Kyrgyzstan.

Chai nước mà họ để trong chai như chai rượu thay vì bình nylon. Không biết giá bao nhiêu. Quên xem biên lai

Sáng hôm sau, ăn sáng xong, xe đến đón. Có bà chủ công ty du lịch bay qua để hội họp nên ghé lại chào, anh hướng dẫn viên, mua cái bánh rồi kêu mụ vợ thổi nến vì sinh Nhật của đồng chí gái. Chụp hình kỷ niệm xong lên đường đến công viên quốc gia Altyn-Emel Emel. Vùng này thảo nguyên nên ít lên đèo xuống núi, phong cảnh rất lạ. Xe ngừng lại làng Basshy để ăn trưa và nghỉ ngơi một tí. Họ lựa mấy tiệm ăn ở các homestay trong làng cho tiện. Lý do là ăn trong nhà dân, họ nấu sẵn món dân thường ăn hôm đó. Họ chạy xe canh mấy giờ đến để báo homestay. Khi đến rửa tay xong là ăn rồi chạy. Trong làng không có tiệm ăn, nếu có thì phải đợi chờ lâu. Ăn xong là chạy lên núi Aktau và Kattutau, thấy lớp đá theo từng lớp khác màu mà khi xưa học địa lý, ông Tây bà đầm cứ bắt mình học chả hiểu gì cả, nay nhìn thì thấy chớ chả hiểu loại gì nhưng rất đẹp. Sau đó trở lại làng Basshy để ăn tối, ngủ qua đêm. Đem quần áo ra giặt trong máy rồi phơi sáng hôm sau khô.


Lều du mục 


Sau đó chạy lên núi cát hát reo (singing Dunes). Phải đi bộ leo lên đồi cát cũng mất 50 phút may là đi vào buổi sáng chớ buổi chiều là ngọng vì nóng kinh hoàng trên 40 độ C . Sau trưa chắc lên 45C. Lý do họ gọi Đồi Cát vang reo là vì khi xuống thì ngồi trên cát rồi lết lết xuống. Khi lết chân mình và cái Mông va chạm với cát tạo ra các làn sóng tạo nên những âm thanh ùn ụt ùn ụt. 


Rồi chạy tiếp đến Charyn Canyon , đại vực. Gió mưa nên mụ vợ ngồi trong quán cà phê xem hình ảnh chít chát trên mạng, mình và thằng con đội áo mưa đi đến đầu đại vực xem nhưng không đi bộ xuống vì mưa nên hơi ngại. Sau đó chạy về làng Satty thuộc dãy núi Thiên Sơn (tian  shan). Quá đẹp. Ngụ tại khu nghỉ dưỡng Kolsai Lakes.

Leo lên đây cũng oải lắm vì chả có đường mòn gì cả. Ít du khách

Sáng hôm sau sau ăn sáng thì chạy đến hồ Kolsai. Rất đẹp. Cách đây trên 100 năm (1911), khu vực này bị động đất nên đất núi rớt lấp một phần dòng sông tạo ra cái hồ nước thiên nhiên, cây cối bị chết. Nước hồ màu turquoise rất đẹp. Mình không biết sao bổng thấy du khách Ấn Độ khá nhiều. Có lẻ họ ở các khu vực Ả Rập như Dubai,…nghỉ hè đưa vợ con bay sang đây. Hồ đẹp lại thấy họ cho mướn áo quần thời Mông cổ nên cả nhà mướn bận chụp hình, với con ó. Rất đẹp. Sau đó leo núi rồi đi xuống lấy xe đò của Liên Xô cũ. Chạy xe về làng Satty ăn ở chỗ khác rồi về khu nghỉ dưỡng. Quá đẹp. Tối ăn cơm ở đây.



Sáng hôm sau ăn sáng xong là chạy qua biên giới Kyrgyzstan đến Karakol. Tại đây cho mụ vợ mua đồ kỷ niệm của xứ này. Sau đó chạy lên núi viếng cái hồ Kaindy ở 2,000 mét cao độ.


Sau đó chạy lên núi nữa để đi bộ lên thác Áo Trinh Nữ. Chỗ này có chỗ cắm trại với mấy cái lều du mục nhưng chương trinh mình chỉ đi bộ lên núi để viếng cái thác rồi trở lại ăn cơm trưa ở đây. Sau đó đến thung lũng Dzhuku, phong cảnh quá đẹp. Ngừng lại chụp hình cho mụ vợ rồi chạy đến hồ Issyk Kul, rộng 100 cây số trên cao bộ 2,000 thước. Lấy phòng trong cái lều hiện đại xong thì đi bộ xuống hồ, tắm cái rụp. Nước lạnh như biển Cali vào mùa hè. Chỗ này rất đẹp, tiếc là chỉ ở lại một ngày nếu không thì chắc vui hơn.


Hôm sau ăn sáng xong thì lại chạy đi đại vực chuyện cổ tích, còn được gọi là Skazka Canyon. Đất đỏ như cát, leo trèo khá vui, chỉ tội trời mưa lát đát, tựa tựa một khu vực ở Arizona Moab. Sau đó thấy họ cho mướn áo quần Mông cổ để chụp hình nên cả nhà chạy lại bận áo rồi chụp cho vui. Sau đó chạy qua một làng ăn trưa. Bà chủ muốn chụp hình chung chắc để bỏ lên mạng, kêu có du khách đến từ Hoa Kỳ.



Sau đó chạy lên núi cao 13,500 cao bộ, tuyết bắt đầu rơi, hồ thì có băng tuyết. Mình ngạc nhiên là mụ vợ và thằng con không bị say núi. Thường lên cao nhanh chóng, ai không quen hay bị say núi. Họ kêu chạy lên đèo 33 con két, vì có 33 cái vòng lên núi hình như mũi két. Đậu lại chụp hình vợ con thấy quá đẹp. Dãy núi Thiên Sơn (Tiên Shan) quá đẹp.


Sau đó chạy về hồ Son-Kul trên núi chiều ngang 60 cây số, được xem là một trong những hồ lớn trên cao nhất thế giới. Tại đây ở trong các lều du mục nhưng được hiện đại hoá với lò sưởi bằng gỗ than. Chỉ có đi vệ sinh thì phải chạy ra nhà vệ sinh cách lều độ 60 mét. Có sưởi đàng hoàng. Thấy toàn du khách từ Đức quốc đến, chạy xe Mercedes. Họ cho vô lều ăn rồi, mướn ngựa cởi chạy ra hồ. Mình và mụ vợ đi bộ ra tới hồ để xem thì đúng lúc trời lặn, ánh sáng lung linh trên hồ quá đẹp. Đi ngủ, thức giấc đi tè cũng mất 3 lần. Sáng hôm sau, ăn sáng xong là chạy về Bishkek, thủ đô của xứ này. Chạy giữa đường bánh xe xì. Tài xế lấy đồ keo nhét bít cái lỗ rồi bơm  hơi lên, chạy tạm đến thành phố gần đó, nhờ họ vá cho chắc ăn.


Về đến Bishkek thì lấy khách sạn, nghỉ một chút thì có hướng dẫn viên tại đây đến dẫn đi tham quan thành phố. Bà này là sinh viên đang làm luận án tiến sĩ về lịch sử xứ này nên hỏi nhiều được. Khá vui. Sau đó về khách sạn ngủ sớm vì sáng mai lên đường về Hoa Kỳ sớm. Xong om


Đi thì vui mà về thì buồn, muốn đi tiếp nhưng mụ vợ đòi về vì nhớ bạn bè, học đàn nếu không thì đổi vé chạy tiếp qua xứ bên cạnh. Lấy vợ rồi không đi giang hồ như xưa được.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Du lịch tại Tajikistan

 

Kỳ này đi chơi được 3 quốc gia trong vòng 3 tuần lễ nên chạy như giặc. Thằng con kêu gia đình mình như các người du mục, mỗi ngày chạy mấy trăm cây số, thay đổi chỗ ở. Vấn đề mấy xứ Trung Á ít có du khách nên ít hãng hàng không có chuyến bay vào nên chỉ có chuyến của công ty Thổ Nhĩ Kỳ là chịu vào mà họ chơi khăm là chỉ bay vào buổi chiều một chuyến mỗi ngày, đến thủ đô Dushanbe vào lúc 1 giờ sáng. 

Phi trường Dushanbe

Qua Hải quan xong, người Mỹ không cần chiếu khán thì bước ra cổng thì cảnh tượng khiến mình nhớ lại lần đầu về lại Sàigòn sau gần 20 năm. Người dân sở tại đi đón thân nhân đông như quân Tajik đứng đầy trước cổng láo nháo kêu om xòm vào lúc 2 giờ sáng. Phi trường quốc tế nhưng thấy nghèo. 


Thấy anh hướng dẫn viên đứng đợi là vui rồi. Anh ta kêu tài xế chạy xe đến rồi đưa về khách sạn. Bảo vệ đem cái kính rà dưới xe xem có gài chất nổ khiến mình hơi ớn trước khi mở cổng cho vào. Khi xứ này dành độc lập thì có nội chiến vì có nhóm muốn thành lập nền cộng hoà hồi giáo, bị ảnh hưởng của xứ ba tư bên cạnh. Mất 5 năm mới huề cả làng nên chắc vẫn còn đám cực đoan.


Vào lấy phòng xong bò lên giường ngủ. Mụ vợ cả 25 tiếng không ngủ cứ càm ràm chửi bới mình. Ác ôn đi chi mà xa rứa. 

Cung Navruz quốc tế nơi các hội nghị được họp tại đây phía trong rất đẹp


Độ 9 giờ sáng mình thức giấc đi  xuống nhà hàng ăn điểm tâm trong khi mụ vợ ngáy. Chiều mụ vợ thức giấc tươi tĩnh lại đi bộ qua bên cạnh có Chaykhana, quán trà nhưng bán thức ăn ghé lại ăn thức ăn địa phương lần đầu tiên vì điểm tâm ở Hyatt đã mỹ hóa nhiều ngoại trừ vài món lặt vặt. 

Món cổ cừu ăn rất đỉnh. Họ nằm cạnh Ba Tư nên ăn hành khá nhiều

Xứ này Đạo hồi nên họ nấu ăn theo phương thức halal nên không  để tủ lạnh qua đêm. Họ nấu trong ngày, bán hết thì thôi. Mình vào buổi chiều nên một số thức ăn đã bán hết hồi trưa. Mình hỏi món gì ngon, anh phục vụ kêu món gì cũng ngon. Mình hỏi anh ta đề nghị các món ngon nhất. Anh ta chỉ thực đơn viết bằng mẫu tự cyrilic là mình ngọng, biết đọc vài mẫu tự thôi chớ không hiểu. Anh ta giới thiệu món này món nọ rồi mình kêu. Hai phút sau anh ta chạy ra kêu món này hết rồi, kêu món khác thì hai phút anh ta chạy ra kêu hết rồi nên đành nói còn món gì thì đem ra. Sau đó mình hỏi có wifi không thì kêu không có nhưng anh ta đưa điện thoại và cho mình hot spot để vào Internet. Được cái là đồ ăn rất ngon. 


Lần đầu tiên ăn được món cổ cừu hầm. Mình thích bánh mì của họ nhất là loại chua. Mình để ý loại bánh mì có rắc mè thì chua chua như sourdough ở Hoa Kỳ. Mình trả tiền bằng American Express là cha con ngọng kêu tiền tươi thôi. Mình đưa đô La thì họ đổi thối lại tiền bản địa. Ra về anh phục vụ xin chụp tấm ảnh của thẻ American Express vì chưa bao giờ thấy. Chỉ cho chụp phía trước không có số. Nói cho ngay là thẻ tín dụng American Express ít được nhận, nên phải đem theo Visa. Loại không bị chặt tiền hối đoái.

Dân mấy xứ này thích kfc


Sau đó hai vợ chồng và thằng con lết bộ dọc đại lộ chính của thủ đô Tajikistan cũng được 5 dặm. Về khách sạn ngủ. Sáng hôm sau, sau điểm tâm thì xe đến đón chở đi viếng công viên quốc gia Shirkent. Đi bộ lòng vòng xem mấy cây mận. Mùa này là mùa trái cây nên thấy nhiều trái apricot. Mình nhận thấy trái ở đây nhỏ hơn bên mỹ nhưng rau cải rất tươi ăn thấy khác hương vị. Chạy xe trên đường, đi ngang các vườn trái cây, thấy dân tình ngồi bán ở lề đường. Leo núi cho mụ vợ giãn cốt. 

Mụ vợ leo núi cũng lết được lên 9,598 cao bộ

Ngày hôm sau là hơi mệt vì đang ngủ thì con gái nhắn tin trễ chuyến bay, phải bay qua Uzbekistan rồi lấy xe taxi qua biên giới nên lớ ngớ ngủ không đủ giấc.


Sáng hôm sau, họ cho xe đưa đi viếng  viện bảo tàng quốc gia thì thất kinh vì thấy cái tượng Phật đang nằm không nhớ năm nào nhưng họ tình cờ đào bới địa điểm tu viện Phật giáo Ajina teppa. Sau đó thì viếng cung Navruz cạnh khách sạn nơi ăn cơm đầu tiên. Chỗ này được dùng cho các hội nghị quốc tế mới được xây cất sau ngày độc lập. Các trang trí được chạm trổ rất tinh vi rất đẹp. 

Đèn phố trong công viên theo hình con chim của xứ này. Quên tên
Cha già dân tộc

Sau đó thì viếng tượng Ismail Somoni trong công viên Rudaki. Ông này được xem là người thành lập xứ Samanid cách đây 1,100 năm và  họ gọi đồng tiền của họ là somoni để nhớ ơn người lập quốc. 


Sau đó họ dẫn đến một ông nhạc sư nhạc cổ truyền như ông Trần Văn Khê và Trần Quang Khải. Ngồi nghe ông ta giải thích về âm nhạc xứ ông ra và nghe ông ta đàn và hát khá dễ thương. Ông ta mời trở lại vào buổi chiều để nghe ông ta và các nhạc sĩ khác hát hò nhưng mụ vợ không thích loại nhạc này nên đành theo thủ trưởng đi shopping. Đi chơi bổng nhiên con gái kêu họ không cho qua biên giới thế là ngọng phải chạy về thủ đô Tashkent để lấy máy bay. Thế là cũng bỏ qua vụ đi shopping. Lần đầu tiên thấy mụ vợ không muốn đi shopping nữa. Về khách sạn nằm đợi tin tức con gái. 

Món cơm Plov của họ rất ngon

Cuối cùng sáng hôm sau con gái đến phi trường và hướng dẫn viên đón đem lại khách sạn. Cho nó nghỉ ngơi hai vợ chồng đi mua sắm áo ấm cho mụ vợ và thằng con. Leo núi mà chả đem áo quần ấm gì cả. Mụ vợ kêu đem quần áo đủ trò để chụp hình nhưng lên núi lạnh chết cha, chỉ khoát áo ấm ở ngoài. Chán Mớ Đời 


Tượng Phật họ khám phá dài 13 mét. Có trùng tu chút đỉnh

Thay vì khởi hành vào lúc 8 giờ như đã định phải dời lại đến 1 giờ chiều để con gái lấy lại sức. Sau đó xe chạy đến căn cứ Artuch Alp được thành lập thời liên Xô để cho lực sĩ liên Xô tập dợt. Chạy một chút đường nhựa sau đó là đường lên núi nên toàn là ổ gà và chưa tráng nhựa. 


Vì đến trễ nên chương trình leo núi viếng hồ gần đó được dẹp vì sắp sửa ăn cơm tối. Tại đây mình ăn món súp Borsch ngon chưa từng nếm. Sau này cứ vào tiệm ăn để kêu nhưng chỗ nào cũng không ngon bằng ông thần nào trên núi nấu. Tại đây ăn cơm thì thấy có một số người nga họp lớp thấy dễ thương. Già rồi về họp mặt xem ai còn ai mất qua những hình ảnh cũ được chiếu lên. 

Dân tình yêu CoCa cola và bận quần áo Mỹ 

Chợ làm mình nhớ đến hàng bà Cáp ở Chợ Đà Lạt xưa, cũng có mấy thùng chứa đậu xanh, đậu đỏ,..

Ngày hôm sau , sau ăn sáng thì có người đến lấy Vali cho lừa chở lên núi trước trong khi cả nhà bắt đầu leo núi. Núi chỗ cắm trại cao độ 10,000 anh bộ. Cũng mất 5 tiếng mới đến hồ Koulikalon. Mất 5 dặm. Phải công nhận chưa bao giờ mình thấy phong cảnh núi tuyết đẹp như vậy. Trên đường đi bám theo các con suối chảy từ trên cao xuống. Lâu lâu ngưng lấy nước vào bình lọc vì sợ vi khuẩn. Lý do lừa leo núi thả bom khắp nơi trên bờ suối hay dưới suối. 


Thủ công nghệ quá đẹp

Họ tìm các nghệ nhân giỏi của xứ này đem về đây để thực hiện cung điện này.

Hình ảnh đẹp nhất của gia đình ngồi ăn trưa sau khi leo núi mất 5 tiếng đồng hồ, xung quanh là thác suối và núi tuyết
Mình có nhảy xuống tắm hồ này. Lạnh quá cở đâu 5 độ C

Đến địa điểm cắm trại thì đúng là tuyệt vời. Thấy họ để sẵn đồ ăn cạnh bên thác suối, phía sau là hồ và các dãy núi đầy tuyết. Chỉ có gia đình mình ngồi ăn. Trên đường đi chỉ gặp 3 người leo núi từ Hà Lan nhưng họ lên rồi đi xuống lại trong ngày không cắm trại. 


Ăn xong bò vào lều ngủ đến chiều dậy ăn tiếp rồi đi ngủ vì lạnh. Sáng ra nghe mụ vợ mấy đứa con và thằng Bồ con gái kêu lạnh khiến mình thất kinh vì mình thì thấy nóng thêm mụ vợ rúc bên tai ngáy như gọi đò. Mình nói hướng dẫn viên tìm cách xem có chỗ ngủ dưới núi, trở về lữ quán vì mụ vợ mà đau là mệt thêm con gái cũng rên. Ăn sáng xong cả nhà cởi lừa cho vui rồi bò tới mấy cái hồ bên cạnh chơi. Mình thử nhảy xuống hồ tắm nước lạnh đâu 5 độ C. Nhúng được 5 giây là đi lên. Sau ăn trưa lại lục đục xuống núi. Đến lữ quán đợi họ nấu đồ ăn tối xong thì đi ngủ. 

Hồ Iskander (alexander the great)

Sáng hôm sau mụ vợ kêu ngồi xe 6 tiếng đồng hồ để đi viếng mấy cái hồ nên mụ kêu thôi về khách sạn. Mụ vợ hơi bị cảm nên kêu tài xế đưa về khách sạn ở Penjikent. Một thành phố khá lớn du khách đều phải ngưng tại đây. Nhưng khách sạn sang nhất chỉ có 3 sao. Rất đông du khách từ Âu châu. Nếu ai bỏ tiền xây khách sạn năm sao thì hốt bạc. Thành phố nhỏ nên chả có gì lạ, có đi vào chợ thấy thiên hạ nhìn mình lạ lạ rồi chụp hình. 


Hôm sau ăn sáng xong thì chạy xuống núi về đến hồ Iskender nghĩa là Alexander đại đế nghe kể huyền thoại là trong cuộc trường chinh ông ta có đi qua ngang đây nên dân tình đặt tên hồ này mang tên người. Hồ đẹp phòng ốc nhìn ra hồ đẹp. Nói chung mình đoán họ tạo ra các Huyền thoại để câu du khách chớ thời liên sô thì chắc bựa LÊNIN đã đến đây.


Sáng ra thấy họ chở con bò đến rồi cắt cổ bên bờ suối, máu chảy đỏ lòm ra hồ mới hiểu tại sao họ không cho tắm. Hôm đó là lễ hội gì của Đạo hồi nên họ cắt tiết con bò và mời ăn miễn phí. Tiếc quá phải đi nếu không thì ở lại xem họ làm lễ ra sao. Ghé thăm cái làng bên cạnh cái hầm mỏ mà người Tàu đang khai thác. Về Dushanbe ở khách sạn. Cho con gái nghỉ một chút vì khuya phải ra phi trường bay về new York. Đáng lẻ theo chương trình, mình ở lại hồ Iskender thêm một đêm vì đẹp nhưng vì con gái về Dushenbe, lớ ngớ, phải đợi máy bay đến khuya, không có chỗ nghỉ nên mình về sớm để cho nó vào phòng, tắm rữa, ngủ đợi tối ra phi trường.

Sinh Nhật mụ vợ

Lễ nên tiệm ăn đóng cửa rất nhiều. Mụ vợ muốn đi mua đồ nhưng chợ búa cũng đóng hết. Tối thì có tiệm ăn Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa có ca hát nên bò vào ăn nghe ca sĩ hát nhạc dân ca rồi có mấy cô ra nhảy múa đủ trò rồi đến nhạc rap rồi disco đủ trò. Mệt rồi nên về ngủ mai bay qua xứ Karzachstan. 


Đi Tajikistan thì điểm đẹp nhất là cả gia đình leo núi lần đầu tiên với nhau rồi lên trên cao ngồi ăn uống trong khung cảnh quá đẹp. Xứ này nổi tiếng về núi đẹp và cao. Ai thích leo núi thì nên đi xứ này vì mình chỉ đi có vùng bên phía đông xứ này vì có một tuần. Họ có chương trình 3 tuần lễ leo núi mệt thở nhưng mình nghĩ mụ vợ đi không nổi ba tuần nên dành thời gian đi Karzachstan và Kyrgyzstan. Hai xứ này cũng có núi nhưng thấp hơn và không đẹp bằng ngược lại các vùng thảo nguyên của họ rất đẹp xanh rì. Thức ăn của người Mông cổ khác với người Tàu nên ăn ngon hơn.

Chỗ rữa chân trong nhà vệ sinh công cộng
Nhà vệ sinh công cộng trả 20 xu một người   Chỉ cần biết được chữ cyrilic để đọc chữ nhà vệ sinh và tiệm thuốc để mua thuốc cảm cho mụ vợ là ổn. 
 

Được cái là đi chơi chỉ có gia đình mình nên rất uyển chuyển, có thể kêu họ thay đổi lịch trình chớ đi chơi với cả phái đoàn là mệt khi mụ vợ long thể bất an.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn