Lượm lặt trên đường


Đi chơi vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, kỳ này học được vài điều. 3 tiểu bang miền tây Hoa Kỳ đều nằm trong tay cử tri Dân Chủ nên tình hình như nhau. Thuế má, an sinh xã hội, chính trị,…vô gia cư đông như quân Nguyên mà chính phủ tiểu bang chả làm gì. Các siêu thị trong thành phố đóng cửa khá nhiều vì người vô gia cư vào ăn cắp đồ mà cảnh sát không làm gì cả. Ở Seattle, họ defunct cảnh sát nên sa thải đâu 500 cảnh sát viên thế là ngọng. Kêu cảnh sát, chả ai thèm chạy đến cứu.


Sáng nay tại Cali, có một người nhân viên cho Home Depot chết trong khi ngăn cản một người Mỹ khác ăn cắp đồ, có đứa con 2 tuổi trên xe. Kinh


Ở Seattle có rất nhiều hồ giữ nước. Nay cử tri ở đây, muốn phá mấy cái đập để cá hồi có thể bơi ngược dòng để sinh đẻ. Ngược với Cali thì không cho xây đập để giữ nước để sử dụng khi hạn hán. Lý do là để cá bơi ra biển. Vấn đề là vùng này trồng táo rất nhiều, nếu phá đập thì nông dân không có nước để tưới. Chán Mớ Đời 


Giới trẻ ngày nay, không sinh sản, chỉ nuôi chó với mèo, ở với bố mẹ, không tốn tiền nên chả để ý gì cả, cứ hô hoà bảo vệ môi trường đủ trò mà chưa chắc đã đúng. Họ kêu môi trường nóng khiến hạn hán tại Cali nên đưa ra các chương trình này nọ. Năm nay Cali mưa mệt thở, chả thấy ai ra mặt giải thích lý do. Được cái là ông Mỹ, chuyên gai về thời tiết mà mình theo dõi từ khi mua cái vườn bơ, cho biết là hạn hán 30 năm của Cali đã qua. Đó là tin mừng nhất. Chả có global warming gì cả.

Dân vô gia cư nhiều đông như quân Nguyên. Nạn nhân của nền kinh tế dược phẩm của Hoa Kỳ. Mình đang đọc một cuốn sách pháp ngữ viết bởi một ông bác sĩ Pháp, nói về nạn ma tuý trên thế giới, có đoạn nói về Hoa Kỳ.


Ông ta giải thích trường hợp người Mỹ nghiện ma tuý trầm trọng ngày nay bởi hai điểm mốc. Nam 1914, luật pháp cho phép y sĩ kê toa thuốc giảm đau morphine cho người Mỹ, ngay cả trẻ em. Khi đau, chúng ta chỉ muốn chấm dứt cái đau ngay tức khắc. Xin Bác sĩ kê toa. Ở Hoa Kỳ thì quảng cáo đầy nơi, trong khi Âu châu thì chỉ quảng cáo trong các sách báo chuyên môn.

Đến năm 1978, Hoa Kỳ cho phép y sĩ được kê toa oxycodone cho bệnh nhân. Giúp các công ty dược phẩm làm giàu. Nay có mấy công ty bị phá sản vì bị kiện.

Đi bộ quanh hồ Hoa Thịnh Đốn, thấy núi Rainier đàng xa, đành phải leo lên hôm qua. Phải đem theo dây xích cho bánh xe khi gặp tuyết.

Mình hỏi anh bạn nha sĩ thì anh ta kể. Có một bệnh nhân bị răng hư, cứ chịu đựng đau, đi vòng vòng các nha sĩ để xin thuốc giảm đau. Anh ta kê toa xong thì nhận được thư của cơ quan chức năng, cho biết là bệnh nhân này đã xin được 21 cái toa trong tháng này nên lần sau hết dám kê toa. Có toa bác sĩ hay nha sĩ, có thể bán lại cho ai đó được $60. Mỗi ngày $60, 1 tháng được $1,800 để sử dụng thuốc giảm đau.


Về già, mình biết nhiều người khó ngủ nên uống thuốc an thần. Không ngủ được là con người, đầu óc lộn xộn không muốn làm gì. Hôm qua, nói chuyện với anh Mỹ, lấy vợ gốc việt, làm dược sĩ. Anh ta cũng nói đến các vấn nạn ngày nay trong ngành dược. Chán Mớ Đời 

Có chị bạn ở Gia-nã-đại sang họp mặt Trưng Vương kể chuyện. Chị ta đi CT-scan thì thấy có những nghi vấn. Lấy hẹn bác sĩ để khám thì phải đợi 14 tháng. Chị ta kể trước đây, nhiều khi đợi bác sĩ lâu quá nên bay về Việt Nam để chữa bệnh, trả tiền tươi. Nhiều hôm đau, gọi bác sĩ thì phải đợi 6 tuần lễ. Thiên hạ ở Mỹ nhất là vùng Cali, khen hệ thống y tế của Gia-nã-đại. Mình sống ở Anh quốc mấy năm nên hiểu sự tình. Như ai kể chuyện ở Liên Sô, có ông nào đặt mua chiếc xe hơi thì được biết 10 năm sau. Ông ta hỏi buổi sáng hay buổi chiều. Lý do là thợ ông nước của nhà nước hẹn vào 8-12 giờ trưa. Có quen anh kia, chủ nhà máy ở nga cho biết. Anh ta xin đặt ống ga vào xưởng, đã đợi 13 năm và đã bôi hàng cho cán bộ trên 1 triệu đô.


Xa lộ của vùng này không bằng xa lộ Cali. May mà có máy định vị để chạy nếu không lạc đường mệt thở. Mình thấy dùng định vị Apple tốt hơn là Google. Khi xưa, dùng Google thấy tốt hơn, nay thì ngược lại. Mình cắm điện thoại vào xe nên móc nối với màn ảnh của máy định vị trên xe. Apple thì chỉ rỏ ràng hơn, còn google thì chỉ gần đến nơi mới báo.


Thuế tiểu bang Washington cao hơn Cali một tí. Ngược lại ở Oregon thì không phải đóng thuế khi mua đồ. Ở Cali, muốn mua bánh mì, thức ăn nhanh, thì vào chợ, siêu thị vì không bị đánh thuế. Lâu lâu mình vào siêu thị mua bánh mì sandwich của Mỹ cho thợ. Tránh bị đánh thêm 8.75% thuế tiêu dùng. Vào ăn tiệm bị đánh thuế tiêu dùng 8.75% ở Quận Cam, rồi phải cho tiền boa, lại bị vớt thêm 15%-18% trên số tiền đã cộng tiền thuế nên tính ra là bị đóng thêm 20-27%.


Ở Seattle thì họ lấy thêm 20% tiền boa trên tiền thuế, xem như 30% như ở Pháp. Tiền thuế tiêu dùng thì hơn Cali một 1%. Được cái là các tiệm phở ở đây, không hiểu vì ảnh hưởng của Covid, với 6 bộ cách nhau, thấy bàn ghế kê xa xa nhau, không chật ních như ở Quận Cam. Thức ăn Việt thì Cali ngon nhất, ngon hơn cả Việt Nam. Đi chơi xa, có ăn burger vớ vẩn nhưng không thấy ngon như ở Cali.


Seattle và Cali như 2 thái cực. Một thì mưa mệt thở còn một thì chả thấy mưa gì cả. Người dân ở Seattle thì rầu khi thấy mưa còn dân Cali thì vui khi được mưa. Chán Mớ Đời  

Hôm nay đi viếng thị trấn hoa tulip, thấy mấy chục mẫu trồng toàn tulip. Không bằng Hoà Lan

Hôm qua, hai vợ chồng chạy xe lên thành phố Paradise, của vùng núi Rainier. Qua cổng công viên quốc gia, mình mua cái thẻ suốt đời cho người cao tuổi trên 62. Với thẻ này không phải trả tiền mỗi lần đi viếng các công viên quốc gia Hoa Kỳ đến khi hết đi. Tốn $80 cho một đời. Tháng tới mình sẽ đi Yosemite như mọi năm với mấy người bạn, tháng 6 thì đi công viên quốc gia Yellowstone. Ai đi với mình khỏi trả tiền vé vào cửa.

Tuyết rơi trên núi Rainier, dòng sông gần như bị tuyết phủ. Tuyết rơi nên phải chạy xuống núi để tránh đường trơn

Mai về lại cali để hái bơ bán kiếm tiền đi tiếp.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Hiu quạnh bên đời


Trong bài hát “Papa”, ông Paul Anka có nói đến bố ông ta không lên lầu sau khi vợ chết. Ngồi ghế dưới nhà nhìn lên như thầm hỏi thượng đế, sao không đem ông ta đi trước thay vì bà vợ. Khiến mình nhớ đến bà dì của vợ, có lần nói: “từ ngày chú qua đời, không có ai cãi nhau, buồn lắm anh”.


Khi bố vợ mình qua đời, cuối tuần đồng chí gái đến đón, đưa mẹ vợ đi chơi, luôn tiện ghé đón bà dì ruột đi ăn luôn. Bà dì vui lắm vì cả tuần, ngồi nhà. Kêu anh Sơn và chị Trinh đến đón dì đi chơi như ri là dì vui. Mẹ vợ và dì vợ, chị em gặp nhau mỗi tuần, có dịp để nói chuyện. Dần dần thấy vợ đút cho mẹ ăn vì lớn tuổi, trả nhớ về không.


Dạo ấy không để ý lắm nhưng nay đến tuổi thì bắt đầu nghĩ đến chuyện người ở lại như bài hát nào quên tên, mai tôi đi chắc người buồn lắm,…

Vợ chồng sống với nhau mấy chục năm bổng nhiên một người đi, một người ở lại. 


Cuối tuần mình hay nói chuyện với mẹ mình ở Đà Lạt vì từ khi ông cụ qua đời, có lẻ mẹ buồn mặc dù thời gian sống bên ông cụ không lâu. Thời mới lấy nhau, ông cụ còn trong quân đội. Sau này giải  ngủ, sống với nhau được vài năm thì 30/4/75 đến. Ông cụ đi tù 15 năm. Lâu lâu, mấy cô em ở Đà Lạt, dẫn bà cụ đi chụp hình tạo dáng thấy mẹ mình như tươi hẳn lên. Đi chơi với mình, mình bắt lết bộ mệt thở nên chụp hình thấy oải quá.

Mẹ mình tại Đà Lạt 

Lâu lâu, thấy trên mạng, vợ của thầy dạy khi xưa ở Đà Lạt, chụp hình, tạo dáng nên cảm phục cô ta, không ở nhà mà đi làm những việc yêu thích, gặp bạn bè chụp hình tạo dáng,… chẳng bù nhiều người ở nhà than thở con cháu này nọ.


Có anh bạn kể câu chuyện: 1 bà nọ vào chùa, hỏi một vị sư, bà ta là gì kiếp trước mà kiếp này, lấy chồng thì một vài năm sau, lăn đùng ra chết. Sau khi mãn tang, lại đi thêm bước nữa. Ông chồng này cũng sống một thời gian rồi, bỏ nhà ra đi. Thời xưa, sư tu đàng hoàng nên có thể nhìn được kiếp trước. Không như sư ngày này, một đô la cũng là sư, 10 đô la cũng là của thầy.


 Ông sư ngồi thiền một lâu để tìm về thời xa xưa của bà phật tử. Ông sư cho biết, khi xưa bà bị nước lụt nên chết đuối, trôi sông thì có một ông đánh cá, vớt xác của bà vào bờ rồi bỏ đi, tạo nên một ân tình khiến kiếp này, bà lấy ông ta được một thời gian thì ông ta chết. Còn ông thứ 2, chính là người đem xác bà đi chôn nên bà phải chăm sóc ông ta đủ thứ để rồi sau đó hết nghiệp, ân tình kiếp trước thì ông ta bỏ đi.


Kiếp này, ông nào có nhiều vợ là biết kiếp trước mình làm nghề đám ma, chôn phụ nữ hơi nhiều nhé. Mấy bà vợ đừng có ghét, để chồng mình trả các ân tình kiếp trước. Bà nào mà muốn kiếp sau có nhiều đàn ông chạy theo thì để gia tài lại, kêu mấy ông nào đẹp trai, khiên hòm thì kiếp sau, họ lại chạy đến tán mấy bà. Chán Mớ Đời 


Theo thống kê thì đàn ông chết trước phụ nữ, trung bình độ 7 năm. Lớn tuổi, mấy bà goá chồng, sống một mình trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm suốt 7 năm. Kiếm mấy ông goá vợ để đong gạo thì hơi phiền. Lý do là đàn ông lớn tuổi về già thì bệnh hoạn, phải mang tả, lo đút cơm, cho uống thuốc, đủ trò. Khi không lãnh nợ về làm gì. Giới nam trẻ thì chúng sợ uống sữa quá date nên khó bước thêm bước nữa. Có bà quen, đồng tuổi với đồng chí gái, có quen ông bạn. Cuối tuần hai người dẫn nhau đi nhảy đầm, ăn uống xong ai về nhà nấy. Sau covid thì thấy ông bạn trai bị yếu rất nhiều.

Phụ nữ lấy chồng thường than tai ông chồng không nghe rỏ tương tự đàn ông chỉ muốn chế cái remote control để tắt mở cái mồm của mụ vợ như khi họ bắt đầu quảng cáo. Chán Mớ Đời 

Ngược lại, đàn ông, có khả năng tài chính, có thể kiếm một cô vợ hờ để chăm sóc vài năm. Mình có nghe kể đâu đó, ông nào về Việt Nam cưới được cô vợ sang. Cô ta chăm sóc, cho uống thuốc nhưng mỗi lần uống thuốc là tim đập đủ trò nên nhờ con trai lén gắn camera. Khám phá ra cô vợ tăng thuốc để ông ta mau theo bà vợ trước, để trùng phùng với anh bồ. Chán Mớ Đời 


Vấn đề con cháu ở xa, bận rộn nên không để ý đến mẹ già, đoá hoa tầm gởi của mùa thu lá bay. Để rồi một mai kia, lá rụng trời lập đông thì lại tiếc nuối khoảng khắc bên bố mẹ, rồi nhìn lên trời kêu đổi thiên thu để lấy nụ cười của mẹ. Chán Mớ Đời 

Hồ Hoa Thịnh Đốn, Seattle


Hồi trẻ, chúng ta đi tìm người bạn đời, để khỏi phải hát người yêu cô đơn. Về già chúng ta lại phải học cách sống cô quạnh, tìm các thú vui, học thêm, để giúp chúng ta tiếp tục con đường hoàng hôn đời mình. 


Có ông Mỹ, 97 tuổi kể trong cuốn sách của ông ta về bí quyết sống khoẻ mạnh. Sau khi hưu trí, ông ta đưa ra kế hoạch 5 năm để học thêm một môn gì như hội hoạ, ngoại ngữ, trồng cây,…giúp ông ta tiếp tục con đường học hỏi thay vì ngồi than thân trách phận than đau, trách con cháu,… phải có tinh thần tích cực để tiếp tục bước. Chúc các bác vui vẻ cuối tuần, đang ở Seattle. Mưa Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen


Nguyễn Hoàng Sơn 





Oregon 2023

Mấy ngày nay, hai vợ chồng leo núi ở vùng Portland, tiểu bang Oregon. Núi không cao lắm vì thấy một cặp vợ chồng Mỹ, tập luyện để đi leo núi ở Anh quốc, phải đi lên đi xuống 2 lần trong ngày. Tại vùng này, có mấy thác nước nổi tiếng, lại mùa Xuân nên tuyết bắt đầu tan, nước chảy siết khá đẹp. Xem mấy tấm ảnh mùa đông thấy thác nước bị đóng băng luôn. Kinh. Nói chung thì thác nước ở Yosemite, Cali vẫn là số một.

Ngày đầu, leo được 7.5 dậm, đồng chí gái hăng lên, kêu đi tiếp nên ghé vườn Nhật Bản tại Portland, bò thêm 2 dậm. Ngày hôm qua, đi viếng 10 cái thác nước, và một số thác nhỏ, cách Portland hơn 1 tiếng lái xe. Đi được 8.5 dậm thì cô nàng oải, kêu đau chân. Mình nói ra ngoài bãi đậu xe đợi rồi mình đi đến bãi đậu xe khác, lấy xe đến đón nhưng cô nàng không chịu, sợ đứng một mình lâu vì phải mất 2 tiếng để mình lội bộ và lấy xe. Hai vợ chồng lết lết về đến nơi. Hôm nay, chắc đi ngắn thôi, còn chạy về Seattle để ăn tiệc gây quỹ gì trong đại học do người Việt tổ chức.

Thác Mulmonah khá đẹp nhưng không hùng vĩ như Yosemite. Ai muốn đi viếng thác to nhất Bắc Mỹ thì ghé biên giới Gia-nã-đại và Hoa Kỳ ở tiểu bang New York, có thác Niagara.

Hy vọng sẽ viếng núi Rainier và xem hoa Tulipe. Dân cali lên mấy vùng này ăn cơm việt là thấy Chán Mớ Đời 


Chạy xe trên đường thì thấy nhiều ruộng đồng, trồng cây thông mà người Mỹ mua hàng năm để mừng Chúa giáng sinh. Tiểu bang này bán 1/3 số cây thông nhỏ, nghe đâu lên đến 4.5 triệu cây. Tiểu bang cali là vua sản xuất hạnh nhân trên thế giới thì xứ này chuyên về Hazelnut, nghe nói đâu 90%. Để hôm nay xem có chỗ nào bán mua về ăn. Tiểu bang này không phải đóng thuế mua sắm nên một chị bạn từ Gia-nã-đại qua mua cái IPhone và áo quần. Ngoài ra còn thấy mấy vườn trồng  nho. Xứ này được xem sản xuất nhiều nhất nho ở Hoa Kỳ.

1 trong 10 cái thác đi qua. 1 cái thì thấy lạ, xem 10 cái thì bắt đầu chán

Tiểu bang Oregon nằm phía tây Bắc Hoa Kỳ, phía nam là Cali còn phía Bắc là tiểu bang Hoa Thịnh Đốn. Như bao nhiêu tiểu bang, đa số bầu cho đảng Dân Chủ, nạn vô gia cư đầy. Chạy xe vào thành phố chính Portland, thấy lều của dân vô gia cư, cắm trên lề đường đầy. Nghe nói nay chỉ còn 15%, xưa còn kinh hoàng hơn. Nghe chị bạn ở Austin cho biết là công ty Tesla qua Texas, cho tiền nên nạn vô gia cư đã được thanh toán xong. Không thấy vô gia cư ngoài đường nữa. Nạn vô gia cư là hệ quả của nạn nghiện thuốc giảm đau và ma tuý. Cựu quân nhân đi đánh trận về, bị khủng hoảng tinh thần, không hoà nhập vào đời sống Mỹ được.


Ngày nay vào thành lớn của Seattle , Los Angeles hay San Francisco là thấy dân vô gia cư, cắm dùi khắp lề đường. Mình không hiểu, thay vì đem tiền đi bắn phá các xứ xa xôi, Hoa Kỳ nên dùng tiền đó làm lại hạ tầng cơ sở, y tế cộng đồng thì tốt hơn.

Chạy xe ở Portland thấy lều của người vô gia cư cắm dùi đầy đường

Tiểu bang này được người Tây Ban Nha khám phá ra trước. Họ đi tàu ven biển lên từ Cali. Khi xưa, người Tây Ban Nha khám phá châu Mỹ, họ đi xuống miền nam nhiều để tìm vàng và có lên vùng Bắc Mỹ khiến Anh quốc phải cho người qua vùng Bắc Mỹ để chiếm đất. Đó là ý chính của Anh quốc. Còn con tàu Mayflower, đi tìm tự do được khuếch đại ra thôi. Con tàu này đem theo dân đi tìm tự do tín ngưỡng và dân đi tìm thuộc địa, làm giàu. Có gây ra xung đột trên tàu trong chuyến đi. Hình như mình có kể rồi.


Lịch sử cho biết người Tây Ban Nha đem bệnh từ Âu châu sang khiến dân địa phương bị lây bệnh, chết như rạ. Ít ai nói đến là người Anh quốc đến Bắc Mỹ cũng khiến dân sở tại vùng này bị chết như rạ. Khi Hoa Kỳ cho người bản xứ, có nhiều tên đọc không ra. Cứu gọi như thời mình còn nhỏ, mọi da đỏ. Chính phủ thành lập những khu tự trị cho các người dân bản xứ. Trong chuyến di tản này mà người mọi da đỏ kêu là Trail of tears. Con đường mòn đầy nước mắt vì chết rất nhiều.


Trong chuyến đi Antarctica vừa qua, ngồi nói chuyện với một ông Mỹ, nói về Buffalo Bill, người nổi tiếng bắn chết các con bò rừng. Mình nói đó là chính sách của chính phủ Hoa Kỳ thời đó. Giết bò rừng để tiêu diệt người mọi da đỏ, để lấy đất. Người mọi da đỏ sống nhờ vào bò rừng, nên khi người Mỹ tìm cách tiêu diệt bò rừng thì bò rừng di chuyển lên phía Bắc, Gia-nã-đại nên các bộ lạc da đỏ cũng di chuyển theo, bỏ lại đất toor tiên cho người Mỹ. Ông Mỹ kêu lần đầu tiên nghe đến thuyết này. Gần đây, ông ta email cảm ơn, cho biết là đã tìm ra tài liệu để đọc về vụ này. Nghe mấy ông thầy dạy sử kể khi xưa, người Việt mình đánh chiếm Chiêm Thành, và Thuỷ Chân Lạp, cũng tàn sát khá nhiều dân địa phương. Nói chung nhìn lịch sử thế giới thì có nhiều dân tộc bị tàn sát, diệt chủng khá nhiều.


Sau này, Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Adams, mua lại từ Tây Ban Nha 2 tiểu bang Oregon và Florida đâu 5 triệu đô la. Oregon vẫn được kiểm soát bởi Anh quốc và Hoa Kỳ nhưng lần Hoa Kỳ vớt luôn. Mình không rõ Hoa Kỳ có chuyển nhượng gì cho Anh quốc. Ai có tin tức này thì cho em xin. Pháp thời Napoleon, bán Alaska và Louisiana cho Hoa Kỳ.


Thủ phủ tiểu bang là Salem, khiến mình nhớ đến bao thuốc lá Mỹ ngày xưa mang danh hiệu Salem. Trên thực tế, có rất nhiều thành phố tại Hoa Kỳ mang tên Salem, như ở Massachusetts mà mình có đến viếng một lần.


Ghé thăm một chị bạn, anh chồng mới qua đời năm ngoái. Mình có gặp anh chồng vài lần. Anh ta tâm sự khi xưa, đi học rồi đi lính nên không có thời gian để chơi văn nghệ, theo đuổi đam mê của anh ta. Sang Mỹ, lo vụ cơm nước xong thì thong thả anh ta mua đàn trống kèn để chơi cho thoả. Chưa thoả đã về thiên quốc.


Có bác kia, bà con bên vợ mình, kể là khi xưa, ông Dôn đi theo bà nào nên khi về nhà, bà ta không cho rờ mấy chục năm nên khi ông ta chết, ông ta hay về mò bà ta. Kinh


Bạn bè hỏi chị bạn, anh chồng có về không thì được biết vài lần. Hỏi đàn trống của anh ta đâu. Chị đem bán hết. Thêm thấy ngực anh ta bị thấm máu thì hỏi. Anh ta cho biết họ mỗ anh ta. Hóa ra là cái pacemaker, nhà xác họ mỗ lấy ra, sợ khi hỏa táng thì bị nổ. Mấy bà có chồng qua đời đều kể mấy chuyện này khiến mình thất kinh.


Hôm nay, trở lại Seattle thì trời lại mưa. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Nói nhiều ngoại ngữ lợi hay hại


Mình nhớ thời gian đầu về lại Paris sau khi làm việc tại Ý Đại Lợi. Khi nói chuyện với tây đầm thì trong đầu mình chỉ nghĩ đến tiếng ý. Phải mất cả tháng mới nói pháp ngữ với suy nghĩ tiếng pháp trong đầu. Lúc gặp lại cô em, vượt biển sang, mình hơi bị lóng cóng khi nói tiếng Việt. Nhất là nghe những từ ngữ lạ tai hậu 75. Lý do là ít quen người Việt tại Paris để nói tiếng Việt từ khi qua tây năm 1974. Chán Mớ Đời 


Từ mấy năm nay, mình gia nhập hội Toastmaters để tập nói trước công chúng. Lý do là khi mình nói với người Mỹ, có khuynh hướng nói rất nhanh, khiến họ không quen nên hỏi lại. Đi họp hàng tuần, mình được phê bình bởi các hội viên khác, chịu khó nói chậm lại và nhấn dấu cho chuẩn để người Mỹ hiểu. Vấn nạn là mình học một ngoại ngữ vẫn bị lộn xộn khi phát âm.


Nói và viết được 1, 2 ngoại ngữ giúp cho chúng ta phong phú hoá thêm về văn hoá, nhất là ngày nay thế giới mặt phẳng, chúng ta cần biết ít nhất thêm 1 ngoại ngữ. Có ai nói biết được thêm một ngoại ngữ, chúng ta như có thêm một nhân cách. Vấn đề là biết ngoại ngữ, khiến đầu óc chúng ta hơi bị lộn xộn vì bộ não làm việc khác, không như mình mong muốn.


Nghe người lớn kể, hồi nhỏ mình học vườn trẻ Ấu Việt, chương trình Pháp, về nhà cứ xổ tiếng tây khiến chị người làm ngọng. Vào Petit Lycee cũng khiến mình nói ngọng ngọng tiếng Việt ở nhà như con mình ngày nay nhưng khi lớn lên, học tiếng Việt ở trường, thêm chơi với đám hàng xóm, học chương trình việt nên từ từ cũng hiểu được tiếng Việt và biết chửi thề mệt thở.


Mình nhớ cả đời, năm 10ème, có hôm, có đoàn cải lương Hương Mùa Thu từ Sàigòn lên Đà Lạt hast. Ban ngày, họ mướn một chiếc xe Lam, gắn mấy panneau của tuồng cải lương rồi, chạy khắp phố Đà Lạt, có một ông ngồi cạnh tài xế xe Lam, nói oang oang, giới thiệu tuồng cải lương sẽ hát đêm đó tại rạp Ngọc Hiệp. Bà hàng xóm người Nam, ông chồng là bạn với ông Đổ Cao Lụa, bố của tướng Đổ Cao Trí, hay đến nhà nhậu mỗi chiều. Ông này ghét Hùng Cường nên khi đài radio mở bài Tôi Đi giữa hoàng hôn, là ông ta kêu tắt radio. Bà Hai mê cải lương, kêu mình chạy xuống đường xem họ hát tuồn gì. Mình chạy xuống đường Hai Bà Trưng, đợi xe đang quảng cáo , chạy từ been đường Phan Đình Phùng, qua La Sown Phụ Tử rồi quẹo về Hai Bà Trưng. Khi xe chạy qua xóm Công Chánh, mình chạy theo xe Lam để đọc và cố lượm cho được tờ Program nhưng đám con nít ở Xóm Địa Dư chụp lấy hết.


Khi về báo cáo cho bà Hai là họ hát tuồng “Hai Lan Thu Hen” khiến bà ta ngọng. Mình đọc theo kiểu tây đầm đọc tiếng Việt. May có con Thuý hàng xóm, đứng thuyết minh, kêu mình ngu, họ hát “Hai Lần Thu Hẹn”. Đó tiếng Việt giỏi cực đỉnh từ bé nên mấy bác hay còm, kêu em ngu, viết chính tả sai đủ trò. Em biết em thuộc gia đình thuần nông, từ bé đã vô Suối Túa làm vườn, nay lại trở về nghề nông dân.


Mình đọc một nghiên cứu về những người biết nhiều ngoại ngữ, hay bị lộn xộn khi sử dụng ngoại ngữ. Có một tên tàu sinh sống ở Paris, kể một hôm hắn bò vào tiệm bánh mì, bổng nhiên hắn xổ tiếng tàu khi ông tây hỏi khiến tên bán bánh mì tây ngọng. Hắn kể tuy gốc tàu nhưng hắn sử dụng anh ngữ là chính vì ở Luân Đôn, còn tiếng quan thoại ít sử dụng. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng đó là lầm lẫn đương nhiên khi sử dụng nhiều thứ tiếng.

Thác Mulnomath tại Oregon 

Mình nhớ một anh bạn quen trong thời gian đi làm ở Ý Đại Lợi. Anh ta, dân Quảng Nam, du học ở Ý Đại Lợi năm 1972, ra trường, qua Thuỵ Sĩ đi dạy ở đại học bách khoa Lausanne. Anh ta giới thiệu mình vào làm phụ tá ở trường. Anh ta kể đang nói tiếng Tây với sinh viên rồi không biết từ tiếng tây, bí quá nên anh ta xổ luôn tiếng ý, sinh viên hiểu không hiểu kệ xác chúng. Anh ta nói tiếng Việt giọng Quảng Nam mình nghe chưa được, huống chi dân Thụy sĩ. Chán Mớ Đời 


Theo nghiên cứu thì người biết nhiều ngoại ngữ, khi nói chuyện, trong đầu họ các ngôn ngữ họ biết hiện ra cùng một lúc. Các ngôn ngữ có thể xen kẽ vào như người Việt tại Hoa Kỳ, Pháp,..nói tiếng Việt rồi lại chêm các từ ngữ địa phương vào. Hay đang nói tiếng Mỹ với người Việt lại chêm tiếng Việt vào. Đối với người Việt với nhau thì hiểu được còn đang nói chuyện với tên Mỹ trắng hay cô đầm mà xen kẽ tiếng Việt sẽ khiến họ ngọng. Do đó khi mình nói tiếng Việt với người Việt thì mình cố gắng không xổ tiếng anh. Giúp mình quen, để khi gặp người ngoại quốc thì không chêm tiếng Việt vào khi nói chuyện với họ. Mình có xem nhiều hội thoại người Việt, giới trẻ ở Việt Nam thì khám phá ra họ chêm tiếng anh rất nhiều. Đi Sơn Đoòng, có mấy anh chị trẻ thành đạt của Việt Nam, họ nói anh ngữ khá, nên cứ thấy họ nói tiếng Việt, pha chế thêm tiếng anh. Mình ở hải ngoại, tìm cách nói tiếng Việt cho thuần Việt, trong khi trong nước thì họ xổ tiếng Mỹ vang trời.


Có vài nghiên cứu về ngữ học. Họ làm test, cho một người Tây Ban Nha đọc một đoạn văn bằng tiếng anh rồi bằng tiếng Tây Ban Nha. Họ khám phá ra người này có thể đọc tiếng anh, nhưng thay vì đọc từ “but” lại đọc “pero”. Lẫn lộn tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ. Có ông thần người Pháp, song ngữ, kêu là khi muốn nói “dog” thì từ “chien” hiện ra cùng một lúc nên chới với. Mình hay bị vụ này nên hơi bị cà lăm. Não bộ chúng ta không làm việc như mở công tắc, bật đèn lên, tắt tiếng Việt, mở công tắc tiếng anh, hay tiếng tây,… khi chúng ta nói các ngoại ngữ, các từ ngoại ngữ đều làm việc, nhảy múa trong não bộ cùng lúc. Nhiều khi từ tiếng Việt đến trước nên phải mò từ ngữ dịch ra anh ngữ hay pháp ngữ,… tương tự khi viết tiếng Việt, nhiều khi từ tiếng tây hay Mỹ lòi ra. Nhiều khi viết tiếng anh rồi ra tiếng đức, viết sai lỗi chính tả,…


Do đó, người nói cần phải kiểm soát, chia cách các ngôn ngữ mà họ biết. Phương pháp này được gọi kềm chế các ngoại ngữ. Các ngoại ngữ khác nhau như Anh/ Pháp/ Đức thì dễ nhưng nếu Anh/ Đức thì hay bị lộn từ ngữ. Khi kiểm soát không được thì tự nhiên có từ ngữ nhảy vào, từ ngữ nhảy ra như vợ mình nói tiếng Việt hay chêm tiếng anh vào vì quên từ tiếng việt hay không biết từ việt nào khả thí để diễn đạt. Điển hình khi mình nói “đại vực” là mụ vợ nhìn mình, hỏi cái chi, mình phải dịch là Grand Canyon. Đồng chí gái sống ở Việt Nam lâu hơn mình nhưng ngày nay tiếng Việt lại kém hơn mình. Nhất là từ ngữ hậu 75. Chán Mớ Đời  


Như trường hợp mình trở lại Paris để học tiếp sau khi ở Ý Đại Lợi một năm, mình xổ tiếng Ý Đại Lợi hơi bị nhiều. Tiếng nào không sử dụng thì từ từ sẽ bị mai mọt. Ngược lại năm sau, mình đi Tây Ban Nha về, ghé qua Ý Đại Lợi thì nói tiếng ý lọng cọng với tiếng Tây Ban Nha. Tiếng Đức là châm vì văn phạm khác với các ngoại ngữ mình đã học. Lý do là động từ được để phía sau cùng của câu nói. Nghe thiên hạ nói tiếng đức, là chới với vì họ chia động từ ở cuối câu. Mình học tiếng đức vài câu với ông cha Luói Leahy ở Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt khi xưa nhưng phải qua Thuỵ Sĩ, vùng đức ngữ, mình mới được học đàng hoàng. Công ty trả tiền cho mình đi học ở trường Bertliz hàng đêm. Khi xưa, đi giang hồ, đến nước nào là mình mua cuốn sách Bertliz để học, bảo đảm sau 1 tháng là có thể khạc được vài chữ như tiếng ả rập,…vẫn còn nhớ đến ngày nay. Chán Mớ Đời 


Có lần mình đi xe lửa từ Paris về Lausanne với anh bạn người Hoà Lan, làm chung. Anh chàng này nói được tiếng Hoà Lan, tiếng Anh, tiếng Đức và đang học tiếng pháp. Phải công nhận cách giáo dục của Hoà Lan, Đức quốc và các nước Bắc âu rất hay vì đa số học sinh trung học đều nói anh ngữ rất rành. Ngược lại ở các vùng la tinh như Pháp, Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha thì khạc không ra một chữ tiếng anh dù có học 6 năm ở trung học. Ngày nay chắc thay đổi vì thấy mấy đứa cháu bên tây cũng ngáp ngáp được tiếng anh.


Mình thì đang học đức ngữ nên thoả hiệp với anh ta là khi nói chuyện, anh ta trả lời hay nói tiếng pháp còn mình thì tiếng đức. Trong xe lửa, thiên hạ ngồi xung quanh chả hiểu hai thằng người ngoại quốc. Người nói tiếng tây với giọng hoà lan và thằng mít nói tiếng đức. Khi mình nói sai thì anh ta sửa hay ngược lại. Tây đầm nhìn hai thằng như 2 thằng điên. Ngày nay, vẫn vậy, anh ta liên lạc với mình bằng pháp ngữ còn mình thì trả lời bằng đức ngữ. Cách đây mấy năm, mình có đưa đồng chí gái sang Hoà Lan thăm anh ta. Đồng chí gái nhìn hai tên như điên khùng, mình nói đức ngữ với anh ta tỏng khi anh ta trả lời pháp ngữ với mình, quen thì chịu. Chỉ khi trả lời cho mụ vợ thì bằng anh ngữ. Mình hỏi về Klaudia và Ute, hai cô người đức mình quen khi xưa, làm chung sở.


Nhớ khi đi xe lửa từ Paris với đồng chí gái đến Hoà Lan thăm anh bạn này. Trên xe lửa, ông soát vé nói tiếng Tây rồi đến Bỉ thì ông lại nói tiếng Hoà LAn, rồi khi xe chạy đến vùng tiếng Pháp Liege thì ông soát vé khác lại nói tiếng Tây rồi khi xe qua biên giới Bỉ và Hoà Lan để đến Maastricht thì lại phải nghe tiếng Hoà Lan. Hay lần mình đi Áo quốc, HUng Gia Lợi và Tiệp thì thiên hạ nói tiếng đức với mình rất nhiều.


Theo kinh nghiệm của mình thì khi học một ngoại ngữ thì nên quen một cô nói tiếng đó. Dạo mình ở Thuỵ Sĩ, vùng đức ngữ thì có quen một cô gái đức tên Klaudia nên dễ học hơn. Tương tự ở Ý Đại Lợi hay Tây Ban Nha. Hình như tình yêu đưa mình vào thiên đàng ngôn ngữ nhanh hơn.


Khi mình tìm chữ để nói, nên giúp nói chậm lại thay vì chêm những từ vô nghĩa như ở, à, …

Thêm nữa người biết nhiều ngoại ngữ, họ phải hạn chế dùng từ của tiếng mẹ đẻ nên hay quên từ ngữ của tiếng mẹ đẻ hay một ngoại ngữ khác như trường hợp mình khi đi Tây Ban Nha rồi ghé qua Ý Đại Lợi. Khi nói tiếng ý với bạn bè là mình chới với lúc đầu vì cứ lộn từ Tây Ban Nha và từ Ý Đại Lợi. Ngược lại khi mình đi Tây Ban Nha lần đầu lại lộn tiếng ý với Ý Đại Lợi nhưng sau 2 tuần thì trơn tru. Vì hơi tương tự.


Ngoài ra, nghiên cứu cho biết, người biết nhiều ngoại ngữ khi họ nói chuyện hay xổ giọng khác như dạo mình sang Anh quốc, mình nói tiếng anh nhưng có âm hưởng tiếng tây. Còn nói tiếng tây thì âm hưởng mít. Chán Mớ Đời 


Thí dụ đưa ra là một người biết ngoại ngữ, sử dụng lúc đầu như một người thuận tay phải rồi bắt đầu sử dụng tay trái để viết hay ăn cơm. Lúc đầu hơi ngọng nhưng lâu dần nhất là những người ở nước ngoài, lâu dần họ sử dụng tay trái quen nên quên sử dụng tay phải. Khi mình sang tây, ít giao tiếp với người Việt nên lâu lâu gặp Việt Nam thì mình hay hơi bị ngọng, cà lăm để tìm chữ.


Ngày nay, mình sử dụng 3 tiếng trong đời sống hàng ngày. Gặp khách hàng thì nói tiếng anh, gặp thợ hay vào tiệm ăn, mua đồ hay người thuê nhà thì đa số gặp người gốc Mexico nên nói tiếng Tây Ban Nha, về nhà, gặp vợ con lại nói tiếng Việt-Mỹ. Đọc sách báo thì lại tìm báo tây, Ý Đại Lợi, để đọc nên rốt cuộc mình hơi bị lộn xộn về đầu óc. Có lẻ mình, con nhà thuần nông dân nên hơi bị lộn xộn còn mọi người chắc không bị vấn đề này.


Có chuyên gia về ngôn ngữ cho biết, não bộ rất thích nghi. Khi chúng ta sử dụng một ngoại ngữ khiến chúng ta hay so sánh với tiếng mẹ đẻ.


Họ nghiên cứu một nhóm người Ý Đại Lợi, di dân qua Gia-nã-đại và học anh ngữ khi đã lớn tuổi. Mấy người này cho biết là tiếng ý của họ bị hao mòn, rĩ sét vì ít sử dụng thường nhật. Họ cho mấy người di dân Ý, xem các câu nói ý ngữ, trong khi bộ não của họ được đo đạt bởi electroencephalography (EEG). Sau đó họ so sánh các câu trả lời với người ý sống tại Ý Đại Lợi.


Họ khám phá ra các người ý di dân không đồng ý với các câu bằng ý ngữ, cho rằng không đúng văn phạm, không đúng với cách phát biểu trong anh ngữ. Khi các người di dân ý càng thông thạo tiếng anh thì họ càng ít sử dụng tiếng ý. Nên nhớ văn phạm tiếng ý tương tự tiếng pháp, khác với tiếng anh.


Họ nhận thấy não bộ hai loại người ý, 1 tại Ý Đại Lợi và 1 tại Gia-nã-đại khi cho họ đọc một câu bằng tiếng ý, có thể chấp nhận được cho cả hai thì não bộ của người ý di dân có hoạt động khác người ý tại Ý Đại Lợi.


Mình nhớ dạo còn ở Đà Lạt, mỗi thứ tư mình bò vào Giáo Hoàng Chủng Viện để học đàm thoại với ông cha người Gia-nã-đại, tên Louis Leahy. Ông ta cứ hỏi mình về văn phạm của việt ngữ khiến mình ngọng. Khi mình nói thì cứ phang đại, đâu có biết rành về văn phạm việt ngữ vì học chương trình Pháp từ bé, ngoại trừ hai năm cuối cùng trung học. Lỗi chính tả sai mút mùa lệ thuỷ nay ông tây lại hỏi cắc cớ. Chán Mớ Đời . Ngày nay nhiều khi mình nói tiếng Việt lại thấy có chút gì sai sai so với văn phạm anh văn nên mới hiểu những câu hỏi ngày xưa của ông linh mục Dòng Tên. Ông này dạo ấy cho biết nói được tiếng anh, tiếng tây, tiếng tàu, tiếng la tinh, tiếng Việt và tiếng Bồ Đào nHa. Sau Việt Nam, ông qua Nam Dương và các xứ phi châu nên chắc nói thêm nhiều tiếng khác.


Anh ngữ dựa theo thứ tự các từ trong cấu trúc văn phạm hơn tiếng ý. Họ cho rằng ngôn ngữ không đứng một chỗ mà thay đổi theo thời gian. Mình nhớ khi về thăm Paris, gặp lại bạn bè người Pháp, họ cười, kêu tiếng lóng mình dùng đã quá xưa. Lý do là sinh ngữ thay đổi và các từ ngữ cạnh tranh lẫn nhau. Có lẻ vì vậy, càng về già chúng ta học càng khó một ngoại ngữ. Chúng ta cứ cổ thủ, bám vào ngôn ngữ đã biết nên không có chỗ để học thêm một tiếng mới.


Mình rất ngạc nhiên khi đi chơi ở Thổ Nhĩ Kỳ năm vừa rồi. Khi xưa, mình có thể học dễ dàng những câu xã giao của người bản xứ như đi Hy Lạp, Ma-rốc,… nhưng kỳ này, rất khó, lập lại câu nói cho chuẩn, trong khi mấy đứa con thì học, và lập lại rất nhanh. Ngược lại khi mình nói tiếng ả rập khi viếng Ai Cập và Jordan thì người dân bản xứ nhận ra tiếng ả rập mình dùng là Ma-rốc.


Theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì học một ngoại ngữ, quan trọng nhất là đọc truyện viết bằng ngôn ngữ mình đang học, cũng như báo chí. Giúp cho mình hiểu, làm quen với từ mới và cách sử dụng trong nhiều trường hợp.


Một số nghiên cứu cho thấy những người song ngữ, có khả năng thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ kiểm soát điều hành, quản lý chẳng hạn như trong các hoạt động khi người tham gia phải tập trung vào thông tin phản trực giác. Nói nhiều ngôn ngữ, giúp việc trì hoãn các triệu chứng sa sút trí tuệ, bệnh alzheimer. Cái này thì mình thấy hay, để xem thời gian sẽ cho biết sau.

Mình thấy câu này khá đúng với mình. Khi xưa càng học càng ngu. Ngày nay thì nhận thấy mình càng ngu càng học. Chán Mớ Đời 

 Mình tính đi hành hương 88 ngôi chùa ở Nhật Bản, đi bộ trong vòng 60 ngày, tương tự El Camino, ở Tây Ban Nha mà các người con dân của Chúa trên thế giới hay đi hành hương. Có vợ chồng anh bạn đi hành hương này mất 60 ngày trên 725 cây số. Có một chị gốc Phan Thiết, em gái của Đinh Quốc Tuấn, vô địch quần vợt Việt Nam Cộng Hoà, nói tháng 5 này, sẽ đi hành hương ở đây. Chúc chị thành công.


Khi còn ở Việt Nam, học lịch sử phong trào Đông Du nên mình tò mò đi học Nhật ngữ tại trường Việt Anh được một năm nhưng nay quên hết. Mình tính năm nay, học lại tiếng Nhật để có thể đàm thoại khi đi hành hương sang năm. Lý do người Nhật Bản ít ai nói anh ngữ. Dạo 2019, mình đi thì họ có chuẩn bị thế vận hội nên có mướn sinh viên ngoại quốc làm việc trong các khách sạn để tiếp khách ngoại quốc, ở nhà ga có chỗ nói tiếng anh, khác với 13 năm về trước, hỏi tiếng anh không ai trả lời. Để xem có học nổi hay không vì não ngày nay toàn là bơ không. Chán Mớ Đời 


Có bác nào biết phương pháp nào học Nhật ngữ tốt không? Cho em xin, cảm ơn trước.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn