Những tiệm ở Khu Hoà Bình Đà Lạt xưa

Khu Hoà Bình Đàlạt  *


Tháng trước, mình có kể về xóm Bà Thái, ai ngờ tuần vừa rồi, thấy đất khu này bị sạt lỡ đủ trò. Hình như họ không xây mấy cái piloti để làm móng cho mấy căn nhà ở trên đồi. Mấy căn nhà chỗ đó coi như tiêu tùng. Tội nghiệp họ ghê. Tài sản có bao nhiêu, nhà thầu xây bậy.


Bài này mình viết đã lâu, dạo chưa có mấy tấm ảnh Đà Lạt cũ. Nay có mấy tấm ảnh nên bỏ lên để cho mọi người hình dung những gì mình kể. 

 

Mình nhớ năm thi đậu BEPC (Brevet D’ études du Premier Cycle, Trung học Pháp), ông cụ mua cho cái đồng hồ không người lái, hai cửa sổ và ba mái chèo hiệu Citizen ở tiệm đồng hồ Tiến Đạt ngay bên rạp xi-nê Hoà Bình. Đứng trước rạp Hoà Bình thì tiệm Tiến Đạt nằm phía bên trái, sau mấy cái panneau gắn hình ảnh của phim sắp chiếu trong nay mai, có rào lưới sợ dân chúng buồn buồn đập kính để lấy hình đem về nhà treo. Rạp xi-nê Hoà Bình to nhất trong ba rạp chiếu bóng ở Đà Lạt, xung quanh rạp là các cửa hàng nhỏ được coi là trung tâm của thành phố. 


Điểm đặc biệt là có một cái chuông cao để gắn cái còi ụ, báo động giới nghiêm hay máy bay dội bom thời Nhật Bản chiếm đóng Đông-Dương. Nhà mình ở đường Hai bà Trưng mà còn nghe nên không hiểu dân ở trên phố chắc nghe rất to. 

Các tiệm hàng xung quanh rạp xi-nê Hoà Bình. Tiệm Tiến Đạt là nơi bố mình mua cái đồng hồ đầu tiên trong đời, hiệu Citizen, không người lái, 2 cửa số với 3 cái chèo. Ông cụ dạo ấy đeo đồng hồ Bulova. Hướng phố này hướng về phía Tây nên buổi chiều phải che mấy vãi che nắng. Được biết là ông chủ tiệm nhà hàng Chic Shanghai, thầu 25 năm để sửa chửa lại rạp xi-nê Hoà Bình. Đất vẫn của thành phố Đà Lạt.

Nhìn kỷ tấm ảnh, thấy chiếc xe Lam hút cầu tiêu. Mấy chục năm mới thấy lại hình ảnh này. 

Khu này, trước khi mình ra đời là chợ chính của Đà Lạt. Năm 1961, Chợ Mới được xây cất, khu chợ này được đập phá để xây lại được dân địa phương gọi là Chợ Cũ hay Khu Hoà Bình. Sau này, KTS Ngô Viết Thụ thiết kế thêm cái cầu nối liền khu Hoà Bình tới lầu 2 của chợ Mới và cái cầu thang từ góc Lê Đại Hành và Thành Thái xuống chợ Mới ngay bến xe Lam, Chi Lăng. Trước hội trường Hoà Bình là công trường khá lớn của hai đường Thành Thái từ rạp Ngọc Lan đến và đường Lê Đại Hành từ cầu ông Đạo lên. 


Mỗi lần có mít tinh chống cộng sản thì được tổ chức tại đây. Hồi nhỏ thời đệ nhất Cộng Hoà, mình thấy các cuộc mít tinh của đoàn Thanh niên Cộng Hoà, áo xanh mà ông cụ là đoàn viên được tập họp tại đây. Sau này thời chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, có cho dựng một pháp trường bằng bao cát gần khu bán Lan, phía sau vũ trường Tulipe Rouge. Nghe nói để xử tội các gian thương như Tạ Vinh ở Sàigòn. Không biết mấy ông gian thương người Tàu ở Đà Lạt có sợ hay không.

 

Cửa vào rạp xi-nê Hoà Bình được nâng cao lên vì cái nền của rạp bên trong được xây cao từ cửa ra vào và nghiêng thấp từ từ xuống màn ảnh để người ngồi dãy ghế phía sau không bị cái đầu của khán giả phía trước che khuất cho nên phải bước lên mấy bậc thang cấp mới vào foyer của rạp, bên trái là phòng bán vé mà mình từng chen lấn như đi ăn cướp để mua vé nhất là ba ngày Tết. Mình xem hình của chợ Cũ thì không thấy mấy nất thang cấp nên suy ra.

 

Thường mấy ngày Tết họ chiếu phim tồi nhất vì ai cũng chen chúc đi coi. Sau đó vài tuần khi khán giả hết tiền lì xì thì mới chiếu phim hay. Đối diện phòng bán vé là nơi quảng cáo các hình ảnh của phim đang chiếu hay sắp chiếu. Sau khi chen lấn mua được vé thì phải bước lên vài thang cấp mới vào được hội trường. Bên trong được chia làm hai dãy ghế. Hình như có ba loại vé cho ba loại ghế xanh vàng đỏ. Vé đắt nhất là màu xanh, gần cửa ra vào, sau đến vàng thì phải, rồi đỏ gần màn ảnh. Hồi nhỏ mình hay mua vé bình dân, ngồi hàng ghế đỏ nên coi xong, bước ra khỏi rạp là đói meo, mắt hoa, chóng mặt. 

Mình coi ở đây lần đầu tiên phim Tần Thuỷ Hoàng với bố con anh Bình và thằng Đắc, Thái, Trâu. Nhớ nhất là phim Dr. Zhivago, Le Cid, Tần Thuỷ Hoàng, La colère d' Achille, Tân Độc Thủ Đại Hiệp có Khương Đại Vệ đóng, Thập Tam Thái Bảo mà cuối cùng KĐV bị tứ Mã phân thây... 

Hình chụp từ đường Lê Đại Hành chạy lên, hội trường Hoà Bình. Thấy cái tháp chuông gắn còi hụ giới nghiêm.

Sau năm Mậu Thân, mình nhớ có lần lính Lực Lượng Đặc Biệt của Mỹ gồm toàn người Nùng, gốc Tàu,...được Mỹ trả lương đi lùng các lính cảnh sát dã chiến đánh. Mình đang ở chợ dưới thì nghe súng liên thanh thì ngạc nhiên vì dạo đó lính VNCH xài toàn M1 hay Garant bắn từng viên, chỉ có AK 47 mới bắn liên thanh được nhưng tiếng nổ nghe khác, nhìn ra thì thấy vài ông lính cảnh sát dã chiến chạy từ cầu thang chợ xuống bến xe lam rồi chạy vào dưới chợ núp, trong khi mấy tên lính LLĐB ôm súng ẢR17 chạy đi lùng. Lính này không trực thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hoà mà chỉ nghe lệnh cấp chỉ huy Hoa Kỳ.


Sau này mới hiểu lí do; có một tên LLĐB gốc Hoa đang đứng chơi với tên soát vé ở rạp Hoà Bình thì có mấy tên lính cảnh sát dã chiến muốn vào coi cọp nhưng tên LLĐB không cho bị CSDC đánh. Anh chàng này chạy về trại kêu lính LLĐB mà mình có biết vài tên vì trên đường Thi Sách có tên Dũng đầu bò, người Nùng, nói giọng bắc cả dòng họ nó đi LLĐB hay lái xe Jeep Mỹ về, đeo súng AR 15, lựu đạn cá nhân mini loại nhỏ,... hình như sau này, lính 302 cũng hay đánh lộn với Cảnh Sát Dã Chiến.

Hình như sau này tỉnh trưởng can thiệp, cả lính LLĐB kéo đến trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến ở đường Trần BÌnh Trọng.

Hình chụp cuối hội trường Hoà Bình, để quẹo qua bên trái khu tiệm Bùi Thị Hiếu, nhà Hàng Mekong. Tiệm Mỹ Lợi, không nhớ là nhà của Nam Trân hay ANh Đào, học chung với mình khi xưa. Bên tay trái là khúc đi vào khu tiệm bánh Thành Nhàn, tiệm sách Hoà Bình…


Cuối rạp thì có hai cửa thoát phòng cháy, bên phải thì chạy thẳng ra ngoài cạnh tiệm bazar của một ông người chà và còn cửa bên trái thì chạy thẳng ra bên tiệm kính Anh Lân. Phía sau chỗ tiệm Thanh Nhàn, nơi có con đường đi xuyên khu Hoà Bình từ tiệm Mekong xuống cầu thang vô lầu hai của chợ Mới thì có một cái cửa đôi phòng cháy. Hậu trường của rạp này nhỏ nên các gánh hát cải lương không mượn chỗ này vì không làm sân khấu được nên chỉ có tổ chức đại nhạc hội của Phi Thoàn, Tùng Lâm thôi. Trường Văn Học thường mướn rạp này để chiếu phim hay văn nghệ cho học sinh của trường xem. Mình nhớ coi phim Nắng Chiều có người đẹp Bình Dương đóng và một lần trường Văn Học tổ chức văn nghệ có mời ban nhạc Rolling Wheels chơi.


Ông chủ tiệm đồng hồ Tiến Đạt, người Bắc, có cái tiệm coi như rộng nhất ở khu này vì ba căn nhập lại, sát góc bên trái của rạp Hoà Bình. Lúc mới xây thì chia ra từng căn cở tiệm sửa radio Việt Quang nhưng dần dà có người bán thì mấy hàng bên cạnh mua, nới rộng thêm tiệm của họ. Mỗi lần đi bát phố ở khu này, mình hay ghé lại xem đồng hồ Seiko, Bulova, Citizen,.. Mình thích nhất hiệu Seiko nhưng ông cụ mua hiệu Citizen vì rẻ nhưng cũng là niềm hạnh phúc vô biên. Tối ngủ, cứ đeo để xem dạ quang. Sung sướng chơ tề.

Hình chụp ngay tiệm Lê THị KHiêm, thấy tiệm giày Tân Việt, hình như học Yersin, tiệm sách Liên Thanh, tiệm may Đoàn Mừng, có bác Mừng gái bán chén đĩa ở chợ trên lầu. Khu bên cạnh tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, nhà sách Liên Thanh có cô con gái học chung với mình thì phải. Đi tới chút là tiệm  giày Tân Việt, phở Bắc Hương, cà phê Tùng, nhà in Lâm Viên,… 

Sau này sang tây thì cái đồng hồ không người lái chết máy nên cũng không đeo đồng hồ tự dạo đó. Năm ngoái về thăm Đà Lạt mình vẫn thấy cái đồng hồ con gà treo tường mà 50 trước bà cụ mình mua ở tiệm này, nay không còn chạy nữa. Năm 3ème mình bắt đầu không thấy rõ chữ trên bảng nên phải xin lên bàn đầu ngồi nhưng ông cụ không cho đi khám mắt đến khi sang Văn Học thì oải quá năn nỉ ông cụ đưa ra tiệm kính Anh Lân để đo mắt thì thấy cận trên 4 độ. 

Có lẻ ông cụ mình là gốc Bắc Kỳ nên quen hay mua đồ ở mấy tiệm do dân Bắc cầy làm chủ. Tiệm Anh Lân cũng rộng tương tự tiệm Tiến Đạt, có cái bảng đọc chữ khi khám mắt ở giữa để xem độ cận của khách hàng. Mấy anh em mình đều là thân chủ của tiệm Anh Lân đến 75. Tiến Đạt thì sau 75 không thấy trở lại Đà Lạt. Con gái tiệm Anh Lân kể; có gặp lại con gái đầu của tiệm Tiến Đạt ở chùa nào tại Delaware. Có tên quen, chồng cô bạn học cũ, bạn thân với con Tiến Đạt.

 

Cạnh tiệm Anh Lân là tiệm sửa radio Việt Quang, có thâu băng nhạc chắc lậu nên dạo đó đi ngang khu này, nghe nhạc Phượng Hoàng vang rền trời. Hình như con gái của ông Việt Quang này, có mở tiệm cà phê ở đường Lê Quý Đôn, chỗ nhà đèn.


Dãy tiệm này hướng Tây hay Nam nên thấy có mấy tấm vãi, biển quảng cáo được che nắng mưa. Nghe nói bà Việt Quang nay sống ở ấp Cô Giang, trồng Lan bán. Ông cụ mình thân với ông Việt Quang nên hay tụ tập ở đây với nhóm đặc phái viên của tờ báo Tiền Tuyến và Con Ong. Trong nhóm này có chú Nê, anh của chú Nô ở ấp Cô Giang hay hát trên đài phát thanh Đà Lạt. Chú Nê ngày xưa có dạo đi tù chung với bà cụ mình khi tham gia kháng chiến chống Tây. Chú Nô đi lính, hay đánh bóng bàn với anh Tín, du học bên Nhật về, đánh kiểu cầm thìa, vô địch vùng 2 ở cái tiệm cho mướn bàn ở đường Minh Mạng, ngay dốc Tăng Bạt Hổ, đối diện tiệm chè Vọng Nguyệt Lầu. 


Mỗi lần có tin gì lạ ở Đà Lạt, ông cụ mình hay đánh điện tín về Saigon. Nhóm này hay trù trì ở nhà hàng Mekong nơi tổ chức tiệc cưới của ông bà cụ mình khi xưa. Mình có ăn mì xào với ông cụ ở tiệm này một lần khi đậu bằng Trung học Pháp. Nguyễn Bình, ông thầy dạy Thái cực đạo của mình bị lính 302 chỉa súng, bị đánh hội đồng tại đây khi ngồi uống cà phê với hai cô gái. Ông này chả dạy gì cả, cứ vác xe moto 125 cc chở gái chạy vòng vòng.

Lúc này bên phía Tây của khu Hoà BÌnh, có tiệm đồng hồ Tiến Đạt bên phải, bên trái từ dãy Đức Xương Long có tiệm ông chà và, làm chủ khách sạn đường Minh Mạng, không nhớ tên, cạnh tiệm Mỹ Dung, có tiệm bán radio, truyền hình Việt Hoa. MÌnh có gặp bà Việt Hoa một lần khi mẹ mình sang Cali chơi.
Hình này có thấy nhà hàng Mekong, tiệm bazar  Sàigòn, hình như xưa gọi Saigonnais, tiệm cầm đồ Bùi Thị Hiếu, con ông Bùi Duy CHước.
Đây góc Tăng Bạt Hổ, thấy bên hông nhà hàng Mekong. Bên kia khu Hoà BÌnh, có tiệm bán kính. Háo ra có một tiệm khác bán kính mình không nhớ.

Cạnh tiệm Mekong thì có tiệm bán radio, máy truyền hình Việt Hoa. Dãy nhà này rất sâu, ăn ra phía sau tới cái đường nhỏ phía sau, hình như tên đường là Nguyễn Biểu nối đường Minh Mạng và Tăng bạt Hổ, có mấy quán nhỏ bán thức ăn, có bà 5 Quốc bán sữa đậu nành. Mình nhớ có lần ông cụ mình dẫn vào tiệm Việt Hoa bán máy truyền hình, máy nghe đĩa nhạc, radio,.. Mình mê cái tivi vì lúc đó buổi chiều đang phát sóng chương trình đố vui để học rồi vài tuần sau thấy ông cụ bê cái máy nghe đĩa nhạc về, cũng to như máy tivi, có bốn chân, có radio và máy quay đĩa, hiệu Panasonic. 

Mình đoán hình này chụp vào Mậu Thân, phố xá vắng tanh. Bên tay phải cạnh tiệm Sàigòn là tiệm bán radio, tủ lạnh, truyền hình Việt Hoa. Cuối đường thấy tiệm bánh mì VĩnH Chấn

Ông cụ mình mua đĩa hát và dì Thương ở tiệm Hiệp Thạnh, đường Duy Tân cho mình mấy cái đĩa cải lương cũ 78 tours vì dạo đó người ta sản xuất đĩa 45 vòng có hai bản nhạc hay 33 vòng có nhiều bản nhạc còn 78 vòng thì nó dày và nặng. Khi đĩa quay thì mình cũng chóng mặt vì 78 vòng/ phút, sợ rè kim hay cà lăm. Mấy cái đĩa cũ này hay bị rè nên cứ bị cà lăm. Út Trà Ôn hát 30 năm qua, 30 năm qua, 30 năm qua,...Cũng nhờ mấy đĩa cải lương này mà mình mới biết Tình Anh Bán Chiếu của Út Trà Ôn nên bắt đầu mê cải lương từ dạo đó. 

 

Năm Mậu Thân, gia đình dì Ba Ca trên số 4 chạy tản cư xuống nhà mình. Dì Ba Ca kêu mệ ngoại mình bằng Dì, khuôn mặt rất giống mệ ngoại còn dượng Ba Ca thì làm ở ty Kiến Thiết thì phải. Thời Tây, dượng làm nghề tiêm thuốc phiện cho mấy đệ tử của nàng tiên nâu. Dượng hay kể chuyện dân đi ăn trộm ngày xưa, thổi thuốc mê vào nhà rồi cạy cửa vào ăn trộm hay cách têm thuốc bàn đèn ra sao để được tiền boa. Khi Việt Cộng vào thì gia đình dì đào hầm phía sau vườn để núp. Hôm mồng 3, khi nghe tiếng súng và bom êm, dượng Ba Ca chui ra khỏi hầm để lên bàn thờ lạy tiển ông bà, để xin mấy đòn bánh tét cho mấy đứa con ăn thì nhìn ra sân thấy quả bom chưa nổ nằm chìm ìn trước sân. Hai phút sau là cả nhà bỏ của, chạy lấy người xuống nhà mình xin tá túc. 

 

Dì dượng có 5 trai 1 gái, anh đầu tên Việt, học nghề thợ tiện ở tiệm Luồng Điện của ông nội Trần Trọng Ân ở đường Phan Đình Phùng, bên cạnh có chiếc xe mì của bà Tàu bán mì vịt tiềm buổi chiều, hay đeo con phía sau lưng để bán mì còn ông chồng thì tối ngày binh xập xám chướng. Anh Việt sau này đi Xây Dựng Nông Thôn ở Tùng Nghĩa. Người kế là chị Hoa, rồi anh Hiệp, Thành (Bồn lừa của Trần Hưng Đạo) nghe nói sau này làm nghề cắt tóc ở La Sơn Phú Tử rồi Tèo Anh, Tèo Em ,.. 


Mỗi tối sau khi ăn cơm, hai gia đình ngồi quanh cái máy nghe tin tức đài BBC chương trình Việt Ngữ, rồi mở mấy cái đĩa của ban AVT 45 vòng. Cứ nghe đi nghe lại mấy đĩa hát này trong vòng ba tháng nghĩ hè bất đắc dĩ vì VC có chơi thêm tổng công kích đợt 2, nên ngày nay mình có thể giả giọng Huế, Bắc, Quảng,.. Ngày nào hai gia đình đều ngồi bên cái máy, nghe tới nghe lui đến hết mấy đĩa thì nghe lại rồi cười đến ngày nay mình vẫn còn thuộc mấy bài này. Sau này tới thời nghe băng loại 180 thì ông cụ có mua cái máy hiệu TEAC rồi thâu băng ở tiệm Việt Quang. Dạo ông bà cụ mình sang chơi, mình có đưa ông bà cụ đi ngày Đà Lạt thì có gặp bà Việt Hoa đang ở quận Cam.

 

Cạnh Việt Hoa là tiệm của bà Phúc Thị Lai, bán vãi rồi đến tiệm Chà Và, chuyên bán đồ Mỹ phẩm cho phụ nữ nên mình chỉ nhớ sơ sơ rồi đến tiệm Đức Xương Long của gia đình Huỳnh Quốc Lương nay ở Úc Đại Lợi, bán tạp hoá rồi Lưu Hội Ký bán sắt, có thêm cái tiệm ở bên đường Duy Tân. Ông Lưu Hội Ký này, ngày xưa muốn hỏi bà cụ mình cho con trai của ông ta nhưng bà cụ không chịu, nếu không thì nay mình đã mang tên Lưu Hội Sơn. 

 

Đối diện tiệm ăn Mekong, góc đường Tăng Bạt Hổ thì có tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, con của ông Bùi Duy Chước, có mấy người con học Yersin, Adran nghe nói nay ở bên Pháp. Có một người con trai có liên lạc email với mình. Tiệm này được coi là một trong những tiệm vàng đầu tiên ở Đà Lạt. Ông Bùi Duy Chước là thầy dạy nghề của bố tên Ánh, học Yersin trên mình một lớp. Đa số, dân Đà Lạt gốc làng Kế mÔn đều làm thợ bạc, mở tiệm vàng cả. Mình có kể vụ này rồi.


Bên cạnh là tiệm giầy Tân Việt, tiệm sách Liên Thanh, có con học Yersin rồi đến nhà in Lâm Viên của thằng Phước, có thời mình học tư chung ở nhà tên này với anh Mai, con ông thầy Kim, người Bắc ở trong xóm, sau lưng phòng mạch Bác sĩ Lương, ông nội của Tuấn Toto ở Phan Đình Phùng. Anh chàng này học Yersin lớp première, một con mắt bị hư hay lé sau này đi đâu không biết. Có lần hè mình học tư với chị của tên Lê Huy Hà, học chung ở Yersin ở góc Duy Tân và Phan Đình Phùng, sau biệt thự của gia đình tên Hà này, hình như dân bắc kỳ là đường Thủ Khoa Huân. Mình có gặp lại ông thầy Kim khi về thăm Đà Lạt trong lúc ăn phở với ông cụ ở bến xe Tùng Nghĩa, sau lưng khu Hoà Bình, kể sang Mỹ rồi về VN sống với bà vợ thứ hai.

 

Cạnh tiệm Lâm Viên thì có tiệm phở gà Bắc Hương, nhà Nguyễn Đăng Sơn có thời học chung với mình ở Adran, sau qua trường Việt trước, đậu Tú tài đi du học ở Pháp trước mình một năm, học ở Troyes, nghe nói nay vẫn ở Pháp, lấy vợ made in VN. Tên này dạo đi Hướng Đạo thường được xem là hướng đạo viên gương mẫu, hình như chung đoàn với Đinh Gia Lành, Nguyễn Trung Thiện. Cạnh đó thì có tiệm Phở Tùng, bị cháy sau Mậu Thân cạnh cái dốc đi xuống đường Phan Đình Phùng gần tiệm bảo hiểm Nguyễn Đình Hoè và tiệm uốn tóc Ba Lê. Mình nhớ dạo đó đứng ở nhà mình bên Hai Bà Trưng thấy lửa khói mịt mù như thời VC tổng tấn công hình như cây xăng ở bến xe gần đó bị cháy. Sau này xây lại thì rất đông khách như các thầy địa lí bảo mua nhà cháy là hên, làm ăn phát đạt.

 

Black paint cho tui bổ túc thêm mấy" căn hộ"của khu nhà tui .Cạnh nhà in Lâm Viên (mà bây giờ đổi thành khách sạn Europa) là nhà hàng cơm tấm giò chả của thím Mỹ Hương (mẹ của Nguyễn đăng Sơn, bố Sơn làm trên đài phát thanh Dalat), kế đó là phở Tùng, nhà may Ngân (trước đó là tiệm ăn Bắc Hương), nhà hàng Mai Hương (cháu của thím Mỹ Hương), nhà hàng tàu của bà Sao, ngân hàng phát triển nông nghiệp, khách sạn của ông Ngô La, lò bún bà Hoạt, nhà sách Khải Minh, tiệm bánh rồng vàng Hải Dương, nhà may Chí Công, tiệm giày Khanh...(wow nhờ đọc mấy bài về Dalat của đen thui mà mình cũng sáng ra một chút).Trước đó khi tiệm phở Tùng bị cháy bố mẹ tui có mua lại khu này và dự tính là sẽ xây thương xá Dalat, nhưng xây được nửa chừng thì không mấy người đặt mua gian hàng nên đã trở thành nhà ở. (Độc giả còm thêm) ai có tin tức gì thì cứ còm rồi mình bổ túc cho hoàn chỉnh hơn.

 

Dãy đối diện nhà sách Khai Trí thì có tiệm giày Bata, tiệm bà Phúc, bà Lê Thị khiêm bán len. Một trong hai bà này là mẹ của Nam Trân hay Anh Đào, học Yersin với mình. Có Ngân hàng Tín Nghĩa mà một thời mình bỏ tiền trong này trước khi đi Tây. Phía bên góc gần cầu thang vào chợ Mới thì có tiệm bà Cháu, người Huế bán xe đạp, Honda góc Phan Bội Châu, sau này xây cái nhà mấy tầng, bà con chi đó với mình. Tiệm của ông Tây bán rượu, tiệm hình Hồng Châu và có tiệm bán đồ cho du khách mà hồi nhỏ mình lấy mấy bịch hột xanh đỏ tím vàng đem về nhà rồi mấy anh em xúm lại xâu chỉ, làm vòng để giao lại để họ bán cho du khách. 

Dãy photo Hòng Châu. Nghe con trai của ông Châu, nói là có đem theo qua Hoa Kỳ hình ảnh ông ta chụp về Đà Lạt khi xưa. Hy vọng có ngày mình sang vùng đông bắc, sẽ liên lạc anh ta để xem.

 Phía bên cái đồi nhìn xuống chợ mới thì có mấy cái kiosque bán đồ lưu niệm cho du khách, họ cưa gỗ thông, đánh vernis vẽ thác Cam Ly, Hồ Xuân Hương,....mình có học nghề này tính sang Tây cưa gỗ bán kiếm tiền ăn học nhưng khi qua Tây thì không có đất dụng võ, chỉ có cưa vài con rồng tặng Tây đầm. Hình như Ngô Văn Thuỷ 11B, có làm mấy cái thiệp, cắt hình bóng con gái với mái tóc thề, dán giấy pelure trắng hay hồng, thiên thanh rồi ép hoa pensée vào rồi để mối ở mấy cái kiosque này, bán cho con gái trời bắt mộng mơ, trai mê gái hay du khách. Chỗ này hay có một ông bán bong bóng đẫy xe đạp bán mà hồi nhỏ mình hay mua, gần mấy hàng bán Hoa Lan và bãi giữ xe Honda cho rạp Hoà Bình.

Phố Hoà Bình sau cơn mưa. Mình cứ thắc mắc là tiệm Mỹ Lợi là của gia đình Nam Trân, Nam Trinh hay Trần Thị Anh Đào. Dãy nhà này thường được gọi dãy nhà ông Đội Có, người làm hồ Đội Có. Khi xưa, ông ta xây khu này đầu tiên trước khi khu BÙi Thị HIếu được xây cất.
 

Phía dãy Hoà Bình bên phải của rạp thì có một tiệm bazar của một ông Chà và Ấn độ mà trước khi đi Tây, ông cụ mình có mua một sợi dây nịt cho mình ở đây. Có hai anh em học Trần Hưng Đạo có một cái quầy trước một tiệm, chắc thuê của cái tiệm ở đây làm nghề ép nhựa, ai có giấy tờ gì đều đem ra đây bọc nylon lại hết. Họ chỉ có cái bàn, gắn cái fermature bằng sắt ở trên miếng gỗ và cái bàn ủi bằng than thêm hai cuộn nylon. Họ lấy kéo cắt giấy nylon theo khổ rồi kẹp giấy tờ vào, để cái mé trên cái fermature rồi lấy cái bàn ủi, đẩy trên cái khăn chồng lên tấm nylon để tránh nhựa chảy rồi lấy cái kéo cắt gọn ghẻ lại kiếm tiền dễ dàng. Sau này hai tên này đi lính nên chỉ còn ông bố làm. Mình hay đứng xem hai anh em này ép nylon khi trú mưa ở đây.

 

Có lò bánh mì Vĩnh chấn và Vĩnh Hoà hình như là anh em đối diện nhau trên đầu đường Duy Tân. Hình như mình có học chung với Mã Kiến Lương, con tiệm Vĩnh Hoà, sau này hắn đổi tên, khai trụt tuổi thành Mã Kiến Hậu, đánh vũ cầu rất chiến. Sau Mậu Thân nhà hắn mua được cái máy làm bánh mì bằng điện đầu tiên ở Đà Lạt nên làm ăn rất khá giả, hàng ngày cứ thấy Thiên Hạ bu lại đứng đợi mua bánh mì mới ra lò. Trời lạnh vừa đi vừa ăn cái bánh mì điện mới ra lò rất là tuyệt vời, nếu chịu khó đợi về nhà thì lấy bơ mặn trét lên, ăn khỏi chê tương tự ngày nay con mình thích bánh mì Tip Top hay Lee's sandwiches. 

Hình này chụp khi sinh viên Đà Lạt xuống đường chống chính phủ Nguyễn Cao Kỳ. Họ ngồi nơi dãy hướng đông nhìn về Chợ Mới Đà Lạt, chỗ hai anh em ngồi ép bao nylon giấy tờ.
 

Cạnh tiệm này có tiệm thuốc Tây Minh Tâm của bác Phấn, nay ở San Jose. Lúc vượt biên thành công, gia đình bác đến trại tạm cư ở ngoại ô Paris, mình có ghé thăm nhưng sau này sang Mỹ sinh sống, hình như có cô con gái tên Lili học Yersin với mình một thời. Nghe nói sau này lấy con trai của ông bà Đoàn, ở số 4, gần nhà Phạm Đình Kháng. Chương có thời cũng học chung với mình ở Ỷersin,  đi du học bên Mỹ trước mình, có em trai tên Trình, mà mình có mời đến Văn Học đánh trống khi tổ chức văn nghệ năm 12B. Ông bà Đoàn trước 75 có xây xong hai ba căn nhà ngay khách sạn Cẩm Đô nhìn chéo qua dốc Nhà Làng. Mình có vào nhà này một hai lần nghe mấy tay này chơi nhạc, hình như bản ruột của tên Trình là Les Marionettes vì cứ nghe hắn hát đi hát lại khiến mình thuộc lòng. Ông Đoàn làm về đốn cây rừng xuất khẩu dạo đó nên được coi là đại gia của những năm sau Mậu Thân. Nghe nói ông nay đã về lại sống ở Đà Lạt với người vợ sau này. 

 

Sau này tiệm bánh mì Vĩnh Chấn có trang bị thêm cái lò bánh mì điện nên bớt tình trạng phải đứng hàng giờ dưới trời mưa để mua được ổ bánh mì. Ngay góc Duy Tân và Minh Mạng có tiệm vàng Kim Thịnh của gia đình thằng Biểu, người Huế, bé con học Yersin với mình hay bị bắt nạt nhưng nó có cái mồm to nhất Ỷersin nên sau này không tên nào dám ăn hiếp nó vì sợ bị nó đem tam đời tứ đại ra chửi. Gần đó hình như có tiệm vàng gì quên tên vì thiên hạ hay gọi Bùi Vàng, nhà của anh em Bùi Văn Đông, Bùi Thị Hoa. Mình học chung với Bùi Văn Đông sau này hắn học nhảy qua trường việt rồi đi du học thì phải. Bùi thị Hoa nay ở Paris, quen thân với cô em kế của mình, hình như đi cùng ghe hay gặp lại nhau ở Paris. 

 

Chỗ này có hai chiếc xe đẩy bán bánh mì thịt, xịt tương ớt đỏ, dưa leo. Bánh mì này họ lấy ở lò Phan Đình Phùng, chổ dốc đi lên nhà thờ Tin Lành, đường Hàm Nghi, có cái giếng bên cây mít, cạnh chổ dạy của ông giáo Kim mà mình có học hè hồi nhỏ. Họ bỏ bột nổi khá nhiều nên phòng to kiểu bánh mì ổ Chè Cali. Mỗi sáng có ông Tàu lấy bánh mì ở đây bỏ trong cái bao bố trùm cái mền để giữ bánh mì cho nóng rồi qua đường Hai Bà Trưng rao bán, giao cho nhà mình năm ổ, mỗi đứa nữa ổ nhưng mấy đứa em lớn ăn không đủ nên mình phải nhịn đói đi học. Có lẻ vì vậy mà mình nhỏ con nhất nhà vì hai thằng em cao hơn mình gần một cái đầu. Khu này còn có mấy người bán cóc ổi, thơm, bắp nướng vào mùa lạnh, xoa chút mỡ hành lên trên ăn nức nở. Bánh mì dạo đó mình mê nhất là bánh mì thịt của Tulipe Rouge chổ bến xe đò Chi Lăng, làm theo kiểu Tây, baguette có paté, sauce mayonnaise gói giấy trắng in chữ sạch sẽ trong khi mấy chỗ khác, gói bằng giấy báo nhưng đắt tiền. Ngoài ra có cái nhà làm bánh croissant ở góc Duy Tân, Hải Thượng, chổ gara Trung Tín ngó qua bùng binh, đi ngang thơm lừng lựng mình hay vào mua bánh mới ra lò ăn.

 

Cạnh tiệm Vĩnh Chấn có tiệm thuốc Con Cua bán dầu nhị thiên đường và rượu thuốc mà mình hay gọi Huỳnh Quốc Hùng là Khương Đại Vệ, tán gái nhanh như thần. Từ tiệm Vĩnh Chấn đi lại phía đường Thành Thái thì có tiệm thuốc Tây Nguyễn Văn An, nhà hàng Chic Shanghai mà mình hay đem bồ câu đến đây bán. Dạo đó, nhà mình có nuôi Bồ câu, mình sơn chuồng rất đẹp so với nhà ông Q nên chim của ông ta hay ở đâu hay bay về chuồng của mình để cù rũ, đạp mái thế là mình canh me, bắt mấy con chim dại gái này đem ra tiệm ăn này bán để họ làm Bồ câu hầm thuốc Bắc, hạt sen cho khách. Kế đó thì có tiệm vàng của bà Tư Bổ, tiệm Song Song của Vĩnh Ít, chắc cùng dòng họ với Vĩnh Chấn, bán cà phê, trà rồi đến tiệm ông bà Võ Quang Tiềm mà bà cụ mình kêu bằng Dì Dượng, chị em bạn dì với mệ ngoại mình, bán rượu,.

 

Khi mới vào Đà Lạt lập nghiệp, ông Võ Quang Tiềm làm nghề thợ may, sau xoay qua bán rượu và thuốc lá Cẩm Lệ. Thời Tây, thuốc lá, thuốc phiện và rượu là do nhà cầm quyền quản lí nên chỉ có môn bài mới được bán. Ai nấu rượu lậu hay bán thuốc phiện lậu bị bỏ tù. Ông Tiềm làm đại lí ở vùng Cao Nguyên bán sĩ lại cho các tiệm bán lẻ trong vùng nên rất giàu, có mấy tiệm ở đường Hàm Nghi làm kho chứa rượu và hàng. Mình thấy mấy cái lu to bằng sành đựng rượu trong tiệm. Khi bà cụ mình lập gia đình thì ông Tiềm có nói xuống thành phố Di Linh, ở nhà của ông và bán rượu ở đó nhưng bà cụ mình đã buôn bán ở chợ cũ nay là rạp Hoà Bình.

 

Thời Tây thì dân mình sợ nhất là lính Lê Dương (légionnaire) và Mặt Gạch (malgache). Nhóm lính trước là những thành phần bất hảo, bị tiền án tử hình hay lính đào ngũ,... Khi vào đoàn lính này thì coi như quá khứ bị xoá bỏ nên lính này không sợ chết, đi tới đâu là cướp hiếp tới đó còn lính mặt gạch thì dân thuộc địa Pháp ở Madagascar, Phi Châu như người VN được tuyển sang Pháp đánh giặc trong hai thế chiến. Năm 1945, lính Tây thay thế lính Anh, đổ bộ lại Đông Dương để giải giới quân đội Nhật thì dân Đà Lạt bỏ chạy tản cư vì phong trào kháng chiến chống Pháp tuyên truyền, ông Tiềm không chịu tản cư, ở lại Đà Lạt và mua nhà của dân chạy loạn với giá rẽ như bèo nên sau này được coi là người giàu nhất Đà Lạt. 

 

Khi hồi cư thì có một số người bị chiếm đoạt nhà cửa, tiệm buôn tương tự sau 75 nhưng không dám hó hé vì sợ bị chụp mũ theo Việt Minh. Mình có đọc hồi ký của một ông kể là sau khi chạy tản cư về thì Lữ Quán Sàigòn ở đường Minh Mạng, bị người quen chiếm mất. Sau 75 thì nhà nước tịch thu hết cả 50 căn nhà cho thuê, khách sạn và tài sản trong thời kỳ đánh tư sản, nay hình như chỉ còn một căn nhà do một người cháu ở thì phải. Lần đầu tiên về thăm Đà Lạt thì có đi thăm mộ ông bà ở Mả Thánh do người con rễ KTS Ngô Viết Thụ phát hoạ nhưng nay nghe nói khu này bị giải tỏa nên không biết con cháu dời đi đâu vì mấy người con còn sống đều ở bên Pháp.

 

Nghe nói khu Hoà Bình là do ông Võ Đình Dung, thầu khoán xây cất, ông ta làm chủ mấy căn ở dãy phố này. Thời Tây, ông Võ đình Dung, bà con chi bên vợ mình đi thầu xây cất rồi tụi Tây giao tiền giả nhưng tối nên không kiểm lại. Về nhà tối ngủ bà vợ thấy ai về mách nên đêm khuya thức dậy, xét lại mới khám phá ra tiền giả nên đem đốt hết. Vừa đốt xong là bảo an kéo lại lục soát nhà nhưng không thấy nên sau đó ông bà mới cúng tiền xây chùa Linh Sơn, được xem là nhà hảo tâm nổi tiếng của Đà Lạt rồi hưu trí, không làm ăn, thầu xây cất nữa. Nghe kể cách làm ăn hại nhau khi xưa và ngày nay nên mình không dám nghĩ đến làm ăn hay về sinh sống tại VN.

 

Cạnh tiệm ông Võ Quang Tiềm thì có một ngân hàng hình như Đông Phương, Văn phòng Hàng Không Việt Nam, đến tiệm ăn Nam Sơn trước bãi xe taxi mà anh Bôn và ông Thanh của đội banh Đà Lạt bị VC gài lựu đạn nơi xe bị nổ chết, cuối cùng là phòng nha sĩ Trình, bố tên Hy học Yersin với mình có lần nhổ mình mấy cái răng và mấy thang cấp nối đường Thành Thái qua Trương Vĩnh Ký chỗ trường Đoàn Thị Điểm mà mình từng học Hội Việt Mỹ ở đây.

 

Phía sau dãy phố này là đường Trương Vĩnh Ký, có mấy quán ăn mà nổi tiếng nhất là quán bánh xèo của hai ông bà người Huế. Xa Đà Lạt 40 năm nhưng mình vẫn nhớ rau xà lách couronne mà ngày xưa ăn phở thường có rau này. Bên Tây thì mình có ăn loại rau này có vị hơi đắng đắng, dòn dòn, lá có răng tua tua nhưng bên Mỹ thì không thấy bán. Về Đà Lạt tuy thèm nhưng không dám ăn vì lần đầu về mình bị Tào Tháo rượt ói mật xanh luôn vì ăn rau. (còn tiếp)


Mình có nhiều hình về Đà Lạt xưa nhưng tải chừng này đã thấy hoa con mắt. Chán Mớ Đời 

 

Sơn đen

 

 

 

 

 

 

 

Mẹ mình qua năm tháng tại Đà Lạt

Cuối tuần này, tại Hoa Kỳ họ tổ chức ngày Từ Mẫu, (Mother’s day). Ngày đặc biệt trong năm để con cháu có dịp họp mặt với mẹ để làm cái gì cho mẹ, như nhớ công ơn của mẹ. Tuần rồi, gia đình mình đã làm trước, con gái về nên làm trước thêm đâu cần phải đến ngày mới làm, ngày của mẹ có thể tổ chức bất cứ ngày nào trong năm. Mình tải lại đây bài mình đã viết lâu rồi, kể về cuộc đời người mẹ Việt Nam, trong chiến tranh và sau 75. Mình chỉ sống với mẹ được 18 năm trời tại Đà Lạt, sau đó theo 20 năm sau mới gặp lại rồi mẹ con vẫn xa nhau hai phương trời.

Chúc các bác một ngày từ mẫu vui vẻ bên cạnh người thân.

Mỗi chiều thứ 6, mình nói chuyện với mẹ qua Internet. Thấy mẹ càng ngày càng tra nên buồn. Nhất là đại dịch, mẹ không đi đâu cả, chỉ loanh quanh trong sân nhà. Mẹ kể ông này bị đau, bà nọ mới chết, vừa đi đám tang ông Lào ở xóm Địa Dư, anh của ông Mai, ba của thằng Banh. Khi xưa mình hay đến nhà ông Lào đóng thùng gỗ đựng rau cải cho lính mỹ. Hôm qua, mẹ đi chích thuốc ngừa Covid lần thứ 2. Thấy chụp hình, thiên hạ ngồi, đứng đầy nơi, thấy thương Mẹ. Hình ảnh người mẹ trùng khơi từ ngày mình xa Đà Lạt đến nay.

Khi đi du lịch tại Nhật Bản, Mẹ kể về đời con gái, từ Ba Vinh, đến Đập Đá, chợ Vỹ-Dạ nơi Mệ ngoại buôn bán, đến lao Thừa Phủ, nơi ông Ngoại mình làm đội Cai mà người ta hay gọi ông Đội Thất, ông lên đến chức đội thất của lính Khố Xanh, nên người ta gọi ông Thất Do. Ông ngoại làm cai Thừa Phủ, sau này, đi theo Việt Minh ra chiến khu ở Vinh. Sau 54, trở về HUế nhưng ở quê, sợ mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm nên nhà cửa ở Huế bị người khác chiếm hết như một số người Đà Lạt bị chiếm nhà cửa khi tản cư năm 1945 khi Tây đổ bộ lại.

Mẹ thời con gái kiêu sa ở Đà Lạt. Đầy mộng mơ. Lấy chồng là te tua.

Năm 1948, 15 tuổi, mẹ theo người mợ bà con vào Đà Lạt làm thuê, không có thời gian chào tạm biệt các em ở nhà. Tiền lương thì họ gửi thẳng cho Mệ Ngoại, để nuôi mấy người em ăn học. Lấy chồng, không được hạnh phúc lắm vì ông cụ mình đánh bạc, thua mắc nợ, mẹ phải còng lưng ra để trả nợ. Sau 75, hàng tháng bới xách, đi thăm nuôi ông cụ ở trại cải tạo đến 15 năm. Nói chung về già, mẹ mình có cuộc sống khá hơn, được con gái chăm sóc đầy đủ, an ủi tuổi già.

Năm 17, mẹ nghe thiên hạ tham gia Việt Minh. Việt Minh, viết tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh là các nhóm người Việt yêu nước, gồm người cộng sản và các người thuộc các đảng phái quốc gia khác, họp nhau để chống pháp như kiểu Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông cộng sản, liên minh để chống Nhật Bản…. Dần dần người cộng sản thủ tiêu hết mấy người thuộc các Đảng phái khác. Ai không theo họ thì bị giết như ông Phạm Quỳnh, và ông Ngô Đình Khả, bố của ông Ngô Đình Diệm,.. ai rảnh thì tìm đọc những bài ông Văn Cao viết về thời ấy. Ông ta là đại uý đặc công, được lệnh ám sát các nhân vật của đảng phái khác. Kinh hoàng! Người Việt sát hại người Việt vì mang 2 tiếng yêu nước. Chán Mớ Đời 

Sau 1954, khi đất nước bị ngoại quốc chia đôi, mới sử dụng cụm từ Việt Cộng cho người ở miền Bắc và Quốc Gia cho người ở miền Nam. Người đi theo cộng sản ra Hà Nội, được gọi là Tập Kết như ông cậu vợ của mình, sỹ quan tuỳ viên của ông Võ Nguyên Giáp. Người bỏ quê vào Nam thì gọi là di cư. Hai cụm từ khác nhau nhưng có chung một ý nghĩa.

Mình nghe cậu Mạnh, con ông bà Phúng kể; ông Phúng khoá cửa phía trong nhà và giữ chìa khoá vào ban đêm, để mẹ không đi họp hội kín được, mẹ trổ mái nhà, dỡ mái ngói, nhảy xuống đường, đi dán truyền đơn. Kinh

Mẹ nhờ Dì Ba Ca, chị bà con, trên Số 4 may quân phục để vào chiến khu thì bị mật thám bắt, nhốt ở lao xá, ngay cầu Ông Đạo. May nhờ ông Võ Quang Tiềm, can thiệp, bảo đảm với ông thị trưởng Cao Minh Hiệu, nên được thả chung với cô con gái ông bà Võ Quang Hàm. Hình như, ông Võ Quang Hàm là cháu của ông Tiềm. Trong một lần họp mặt, thím Minh (con ông bà Võ Quang Hàm) hỏi mẹ, ai khai ra chị khiến chị bị bắt. Mẹ trả lời: “em chứ ai” Chán Mớ Đời 

Cùng thời điểm đó, có 1 mật thám tây lai, bị ám sát chết trước cửa tiệm Đức Xương Long. Kẻ ám sát, nay hiện đang ở San Francisco. Mật thám Tây, bắt đâu 21 người đem ra Cam Ly bắn để trả thù, làm gương. Có một bà tên Lan, nhà ở Số 4, sống sót hôm đó. Hình như bà ta mới qua đời trước Covid.

Mẹ kể bị mật thám trấn nước rồi hỏi đi tàu thuỷ, tàu bay lần nào chưa (trấn nước và câu dây điện). Mẹ nói tàu bay thì chưa còn tàu thuỷ thì đi rồi. Hỏi đi tàu thuỷ hồi nào, mẹ nói đi từ Tourane (Đà Nẳng) vào Phan Thiết bằng tàu thuỷ khi rời Huế năm 1948, vào Đà Lạt. Mẹ nói mấy ông làm ơn chỉ tui cách khai đi. Tui đâu có biết đọc, biết viết mà làm cách mạng. Muốn tui khai cái gì cũng được, miễn sao cho tui về, đi làm để có tiền nuôi mạ tui và em tui ngoài Huế. Một tên mật thám kêu: con này sao nó ngu vậy, chắc không biết gì, còn một tên khác thì kêu: lù đù vác cái lu chạy. Hoá ra mình thừa hưởng được cái “Ngu lâu dốt sớm” từ mẹ. Từ bé đến nay, ai cũng kêu mình ngu. Chán Mớ Đời 

Hình mẹ chụp thời con gái, ngay hồ Đội Có

Sau này, mẹ ra riêng, đi buôn mía ở Nha Trang, đem về Đà Lạt bán, để dành tiền mua một cái sập tại Chợ CŨ Đà Lạt. Sau 1961, xuống Chợ Mới, bán hàng xén đến khi về hưu. Mẹ kể bà Phúng, em dâu bà Võ Quang Tiềm, cho mượn mấy trăm, mẹ mua rau cải Đà Lạt, chở xuống Nha Trang bán, rồi mua mía từ Nha Trang, chở lên Đà Lạt bán. Lời được 500. Bà Phúng kêu Con ơi, kiếm cái sập mà bán chớ đi buôn xa xôi, thân gái dậm trường”. 

Mẹ ra chợ hỏi thì có bà Đài, em chồng của bà Lộc Sơn, mẹ của Võ Ngọc Sơn, học Yersin với mình, về HUế nên để lại cho cái sập. Bà Lộc Sơn này khi xưa, vào nhà của bà, thấy bà ta mến mình lắm, tưởng vì bạn với con trai bà ta. Sau này mới khám phá ra bà ta và một ông cậu, em chú bác ruột với mẹ mình, khi xưa thương nhau. Cậu mình dạy cho bà ta học nhưng bố của cậu mình không cho lấy vì kêu con quan thì phải lấy nhà quan. Chú ruột mẹ mình khi xưa làm quan triều đình nhà Nguyễn. Sau này bà lấy ông Sáu Có, sinh ra Ngọc Sơn, học chung với mình ở Yersin. Mẹ đặt cọc 500, rồi buôn bán trả dần, kiểu mình mua nhà trả góp sau này. Cậu mình buồn đời đi kháng chiến bị tây bắn chết ở Phan Thiết.

Mẹ rất hãnh diện về sự nghiệp buôn bán. Mẹ kêu người ta lấy bột mới khuấy nên hồ, còn mẹ thì lấy nước lã để khuấy thành hồ. Mượn đầu heo nấu cháo. Không có vốn thì mẹ lấy hàng của bà Phúng, và mấy tiệm tàu như Vĩnh Sanh ở khu Hoà Bình, đối diện Vĩnh Chấn, đầu đường Duy Tân, đem ra bán rồi trả tiền lại cho họ. Họ lời và mẹ mình có tiền nuôi con.

Mẹ lấy chồng năm 1955. Bố mình, lính Ngự Lâm Quân của Bảo Đại, đóng quân tại Đà Lạt, phát hiện ra mối tình hữu nghị Trung Bắc của Mẹ mình. Đám cưới tại nhà hàng Mekong. Sáng hôm sau, phải lên đường ra đơn vị như bài thơ “màu tím hoa sim”. Mẹ mướn nhà ở Ấp Ánh Sáng, khởi đầu cuộc đời người chinh phụ. Khi Bảo Đại thoái vị, ông cụ được thuyên chuyển qua sư đoàn 3, đóng quân ở Quy Nhơn, Bình Định.

Khi mẹ sinh mình ra được mấy tháng thì bị mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm bắt. Mẹ bồng mình vào lao, ở đường Trần Bình Trọng, sau này là trung tâm Cảnh Sát Dã Chiến. Có người theo Việt Cộng, nằm vùng, tìm cách liên lạc với mẹ mình, bà này bị bắt. Đến khi họ cho mẹ đối mặt bà kia thì kêu: chị kêu tui mua nước mắm, tui không mua rồi chị kêu tui theo Việt Cộng. Bà kia, người Phan Thiết, nghe vậy, xin lỗi, kêu họ đánh đau quá thì tui nhớ ai tui nói. Sau 75, bà này làm lớn ở Phan Thiết, có ghé thăm mẹ nhưng dạo ấy mẹ thuộc thành phần, vợ của ác ôn, giai cấp phản động.

Đúng lúc đó, bố mình đi phép về Đà Lạt để thăm con đầu lòng mới sinh. Cùng mấy người đồng đội khác, chạy lên đồn mật vụ, kêu được cấp trên cho phép về, để đưa vợ con ra đơn vị. Bố mình bảo lãnh hai mẹ con ra tù. Mình đã từng vào khám khi lên 3 tháng. Kinh. 

Mẹ bồng mình ra Quy Nhơn, nơi ông cụ mình đóng quân để tránh mật vụ. Dạo ấy, ông cụ là y tá trưởng của tiểu đoàn. Mẹ mượn người xây căn chòi để buôn bán và ở. Hoá ra mình đã có thời sinh sống tại Quy Nhơn được 6 tháng. Mẹ thấy xứ này không khá nên bán nhà, về Đà Lạt lại. Nếu không có lẻ cuộc đời mình đã có khúc quanh khác.

Nói chung trong mấy chị em, chỉ có mẹ là chu cấp cho Mệ ngoại và ông ngoại. Mấy người kia thì viện cớ mẹ là chị, lớn tuổi hơn. Hôm qua, em út của mẹ gọi điện thoại, kể khi xưa, Mệ Ngoại, bắt cậu nghỉ học chữ, đi học nghề thợ may. Mẹ nói với Mệ Ngoại, để cho cậu tiếp tục đi học, mẹ sẽ lo cho cậu ăn học. Cậu tiếp tục đi học đến tú tài, đi sĩ quan, sau này đi cải tạo mấy năm mới được đi Hoa Kỳ theo diện H.O., thay đổi đời mấy người con, nay đều thành đạt. Chỉ có ông cậu còn nhớ đến sự hy sinh của mẹ, mấy người con không đến thăm mẹ khi sang Hoa Kỳ. Người thành đạt, ít khi muốn nhìn lại những nơi mình xuất xứ.

Mỗi năm ông cụ về phép, mẹ lại mang bầu, theo chu kỳ hai năm sinh một, đến khi ông cụ giải ngủ thì xem như năm một. Mẹ có mang 14 lần, sinh đâu 11 người con. Thú thật mình không nhớ có bao nhiêu người em. Mỗi lần ai hỏi đến, phải làm tính cộng tính trừ vì có mấy người đã qua đời.

Từ khi lớn lên đến khi đi tây, mình thấy hình ảnh mẹ mình luôn luôn mang bầu, như chữ “Hảo”  好 . Vừa hết ở cử là nghe tin mẹ có bầu lại. Khi giải ngủ, ông cụ thi đậu vào làm công chức ở ty Công Chánh Đà Lạt, được cấp một căn nhà công chức ở khu cư xá Công Chánh, đường Hai Bà Trưng. Gia đình mình dọn về đây ở đến nay, đỡ tốn tiền mướn nhà ở Ấp Ánh Sáng. Xem như từ năm 1962 đến nay. Gần 60 năm. Dạo ấy mẹ mua được 2 căn nhà ở Ấp Ánh Sáng. Kinh

Mẹ ở Nhật Bản. Hôm đi chụp hình, mướn áo quần Nhật Bản đi dạo phố, mẹ rất vui, cứ như trẻ con. Có lẻ hôm ấy, mình hạnh phúc nhất khi đi bên mẹ. Qua Nhật Bản, đi ngoài đường, thấy ai bận kimono, là biết du khách người Tàu, mướn bận đi tá lả. Tương tự sang Thái Lan thái ai bận đồ Thái Lan là biết du khách từ Việt Nam.

Ngày ngày, nắng mưa, mẹ mình cuốc bộ từ nhà ở Hai Bà Trưng ra chợ Đà Lạt với bụng mang dạ chữa. Leo dốc Nhà Làng. Có lần, ông cụ mình bị đổi lên Ban Mê Thuột, mẹ phải nhờ ông Đổ Cao Lụa, bố của tướng Đổ Cao Trí, bạn nhậu của ông Hai, hàng xóm. Nhờ ông con, can thiệp để được đổi về lại Đà Lạt. May quá, ông cụ về Đà Lạt xong thì ông Trí tử nạn trực thăng. Lớn lên, mẹ mua cho chiếc xe gắn máy, mình chở mẹ đi chợ và giao gạo đến nhà người mua. Khởi đầu cuộc đời kiến tha lâu đày tổ của mình. Tiền boa của mẹ cho, mình gửi vào quỹ tiết kiệm ngân hàng. Đến khi đi tây, thì thấy có đến gần 2 tháng lương của ông cụ. Mình rút ra hết đưa cho mẹ.

Mẹ mình bán hàng xén nhưng có bán chui gạo và đường vì không có môn bài. Mẹ lấy hàng cô Ba CHỉ, tiệm Bình Lợi để bán. Ai mua gạo, ngại thuê xe Lam chở về, mẹ nói sẽ chở gạo đến nhà. Mình là tên chở gạo, giao cho họ. Sau ăn trưa, mình ra chợ, hỏi chở gạo cho ai rồi đem đi giao. Được tiền boa thì mình bỏ trương mục tiết kiệm ở Đông Phương Ngân Hàng, cạnh nhà hàng Nam Sơn. Sau này đi Tây, mình rút ra được trên 40,000 đồng, đưa cho mẹ.

Hình chụp từ dãy hàng bán trái cây, của dì Bê, bạn của mẹ mình, có thời theo kháng chiến, ở tù chung. Phía sau là dãy hàng thịt, cạnh hàng bà Phòng, có bà bán bánh căn mà mình hay ăn. Rẻ. Bên tay trái là hàng dừa, gần chỗ hàng của mẹ mình

Hồi nhỏ, mình và cô em kế ra phụ mẹ dọn hàng vào cuối tuần. Dọn xong thường được thưởng gói xôi, bọc tỏng lá chuối hay bánh căn ở hàng thịt, sau lưng hàng bà Phòng. Bà bán bánh căn ở đây, sau này dọn lên Dốc Nhà Làng, nổi tiếng đến giờ. Mình hay ra kéo đòn, ngồi ăn bánh căn ở đây. Có lần thấy mấy cô, học trường Tây với mình, đi ngang, nhìn mình như bò đội nón. Lâu lâu mẹ thưởng thêm cho cái trứng vịt, mua của dì Gái, con bà Cáp, có tên là Ngụ, đem ra đưa cho bà đổ bánh căn, phải canh bà ta, sợ bà ta bỏ trứng vào bánh của thiên hạ. 

Nghĩ lại, mẹ mình khi xưa, cũng nghỉ hè hàng năm như tây đầm. Khi bể bầu, phải ở cử, nằm lò than, xoa nghệ với long não 1 tháng trời như nghỉ hè chỉ có không đi đâu, ở nhà, tiền không vào. Sau này, mẹ được đi Pháp, đi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cao Miên, Mã Lai, Thái LAn, Nam HÀn, Trung Cộng, Tân Gia Ba và Dominican Republic, và năm ngoái Dubai. Hoa Kỳ, mẹ mình đi nhiều tiểu bang, Cali, New York, Philadelphia, Virginia, Maryland, Nevada, Utah, Arizona, Texas,…gần đây đi Dubai. Nhiều người lưu dân sang Hoa Kỳ mấy chục năm, chỉ loanh quanh ở phố Bôn-sa. Mẹ ở Cali buồn nên mình đưa về lại Việt Nam.

Có lẻ Đà Lạt, thế hệ của mẹ mình, ít ai được đi nhiều xứ ở hải ngoại như mẹ mình. Mình muốn đưa mẹ đi viếng Úc Đại Lợi nhưng không biết thực hiện được không với Covid, thêm lớn tuổi. Qua Tết mình về Việt Nam, đi viếng Sơn Đòng xong, sẽ đưa mẹ đi Phuket chơi một tuần.

Ông cụ mình may mắn, có người vợ biết lo buôn bán. Sau này, ông cụ đâm ra chơi bời, đánh bài, gái gú. Dạo mới giải ngủ, ông cụ mình chịu khó lắm, đi chích thuốc dạo, kiếm tiền mua sữa cho con,… Mẹ mình nghe ai, mua mấy mẫu đất trong Suối Tía, để làm vườn, trồng sú, khoai tây bán cho mỹ. Mình có kể vụ này rồi. Ông cụ hồ hởi được mấy tuần lễ, sau thấy mệt quá nên mướn người thượng làm rồi vòi tiền của mẹ, kêu phải mua phân, mua máy tưới nước,…gấp 3, 4 lần để đánh bài. Mẹ lỗ vốn rất nhiều vì ông cụ thua bài. Bác Bửu Ngự bảo, ba mày không biết đánh bài, ai cũng muốn rủ ông cụ mình đánh để ăn. May quá, sau Mậu Thân thì không có ai được hoãn dịch cả. Trai tráng đều đi quân dịch, không có người làm vườn nên mẹ ngưng làm vườn.

Có lần, Mẹ dẫn mình vào nhà bác Cháu ở ấp Ánh Sáng, chào anh Lê Công Vui, đi du học ở Nhật Bản. BÁc Cháu là chị dâu của dì Lan, có 10 người con. Bán mắm gần đồn cảnh sát, cạnh hàng mẹ của Lâm Thị Đức, tảo tần nuôi con ăn học, đi du học. Là một trong những gương sáng của những người mẹ trùng khơi của chợ Đà Lạt khi xưa. Nay ở hải ngoại, mình thấy mấy bà đi làm nail, nuôi con ăn học đến thành tài, dù tiếng tây tiếng u lớ ngớ. Hy sinh đời mẹ củng cố đời con.

Mẹ không nói gì nhưng cứ giới thiệu mình cho mấy người đi du học, như thăm cậu Nghị, con ông bà Đàng, trước khi cậu đi du học bên Tây,… gặp những người này khiến mình bắt đầu, có ý định, giấc mơ đi Tây. Sau này mình đi du học, cũng nhờ mẹ. Mẹ không bao giờ nói về giấc mơ của mẹ, chỉ giới thiệu các người đi du học, để cấy vào đầu mình ý tưởng đi du học, chịu khó học.

Ngày mình đi du học, mẹ đang có mang cô út gần sanh. Mẹ dẫn mình đi chào mấy bạn hàng của mẹ, rồi quay mặt đi, như để che các giọt nước mắt. Như bài thơ của ông Đổ Trung Quân kể về một người bạn:

 “ngày xưa chào Mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
10 năm rồi lại thêm 10
Ta về thì khóc, mẹ cười lạ không”

20 năm sau, mình trở về Đà Lạt. Mình may mắn hơn người bạn của nhà thơ Đổ Trung Quân. Mẹ mình chưa trả nhớ về không, vẫn còn nhận ra mình. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc. Khóc cho vơi đi nổi nhớ nhung, cho trôi đi oán hận. Bao nhiêu tủi hờn của 20 năm qua, chịu đựng những hà khắc dưới chế độ Hà Nội. Mẹ khóc như những ngày mưa bão Đà Lạt, những giọt nước mắt chảy dài trên má, kể lại những nổi khổ, nổi đau chịu đựng suốt 20 năm qua. Suốt con đường từ Sàigòn lên Đà Lạt, mẹ kể lại cuộc đời đã trải qua từ 20 năm trong tủi nhục. Thời con gái đi theo cách mạng, bị tù hai lần để rồi khi cách mạng thành công, lại đày đoạ mẹ. Hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng như bao nhiêu phụ nữ Việt Nam đã trải qua sau 75. Như nhà thơ Hồ Dzếnh có nói qua bài “Cảm Xúc”:


Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già

Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi

Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ, hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ

Dãi lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!

Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi


Mẹ trước hí viện Los Angeles

Trong cuộc đời lưu dân, buồn xa nhà, mình thường nhớ đến mẹ. Xa em út, gia đình từ năm 15 tuổi. Vào Đà Lạt làm ô-sin, hy sinh đời chị củng cố đời em. Rồi vài năm sau, em út học xong tú tài, với bàn tay trắng, lập nên sự nghiệp, trở thành triệu phú trước năm 1975, dù cả đời, chưa bước chân vào lớp học. Mẹ học đọc và viết khi ở trong tù, được mấy người trong tù dạy đánh vần chữ “Khổ”. Từ này đã đi theo mẹ suốt 70 năm trời. Chỉ có khác là thừoi Việt Nam Cộng Hoà thì đánh vần Ca hát ô khô hỏi khổ, còn thời cách mạng thì đánh vần Khờ Ô Khô hởi KHổ. Thời nào mẹ cũng khổ chỉ khác là thời Việt Nam Cộng Hoà, thì mẹ khổ nhưng còn ca còn hát được, còn thời cách mạng thì Khổ nhưng KHờ luôn. Chán Mớ Đời 

Sau này, mình gửi quà về cho mẹ, khăn choàng mua ở Luân Đôn nơi mình làm việc,… hoá ra mẹ không dùng, chỉ đem đi bán để nuôi con ăn học và chồng học tập cải tạo để trở thành con người mới, yêu xã hội chủ nghĩa.. lúc nào cũng động viên chồng học tập tốt, các con trở thành cháu ngoan của bác, cho xứng đáng con người xã hội chủ nghĩa để qua mắt công an khu vực, dân CM30.

Năm 1992, mình về Đà Lạt thăm nhà. Ông cụ được thả sau 15 năm cải tạo. Mình nghe họ thả ra khi gần ngáp ngáp nên cố về thăm bố một chuyến để sau này khỏi ân hận. Khi bước ra khỏi phi trường Tân Sân Nhất, thấy cánh cửa sắt, những bàn tay thò vào kêu ơi ới. Bổng mình nghe tiếng của mẹ gọi tên mình. 20 năm mới được nghe lại giọng của mẹ, không thể nào quên. Chỉ một tiếng “Sơn” độc nhất nhưng sao êm ấm đợi chờ từ 20 năm qua. Nước mắt tự trào ra.

Mình đẩy xe hành lý ra cửa phi trường, thấy mẹ chạy cà thọt đến. Đúng là cách mạng, giải phóng Mẹ khỏi cuộc đời phong kiến. Khi xưa, mình chưa bao giờ thấy mẹ mình ra đường bận áo bà 3. Đi chợ, lúc nào cũng bận áo dài như các cô gái Huế. Nay thấy mẹ bận bà ba, hình ảnh người mới của xã hội chủ nghĩa. Mẹ mừng gặp lại mình sau gần 20 năm xa vắng. Mình thấy mẹ đi khập khiễng nên hỏi. 

Mẹ đi thăm nuôi bố, trời mưa, băng rừng lội suối, bị trợt chân, gãy cái xương chậu. Sau này, mình có giúp các em Chu-Ru, xe đạp và học bổng để trả ơn cho bố mẹ họ khi xưa đã cưu mang mẹ khi đi thăm nuôi bố mình. Cho ngủ lại trong buông thượng, khi trời mưa bão, xe bị lún xình,.. Từ đó, đi khập khiễng. Trời lạnh Đà Lạt thì đau buốt. Sau này, cô em kế ở Pháp làm giấy tờ cho ông bà cụ sang pháp để mổ cái xương chậu. Hai anh em hùn tiền trả y phí cho mẹ. Mẹ kêu thuốc tiên, đi lại bình thường. Nếu không mổ, có lẻ mẹ bệnh nhiều sau này. Nghe nói nay hơi đau lại.

Trên đường từ Sàigòn về Đà Lạt, mẹ ngồi kể lại đoạn trường sau 75. Chồng cải tạo, hàng xóm Cm30 lên án, vùi dập, ngoài chợ đủ trò. Chỉ có tình thương vô bờ của người mẹ, mới vượt qua khỏi những đoạn đường cách mạng vô sản hoá, bần cùng hoá con người. Bao nhiêu của cải đều bị mất hết khi di tản. 1 thân một mình nuôi một đàn con, người chồng cải tạo giữa bầy lang sói.

Ăn cưới với bạn hàng ngoài chợ. Đa số mấy dì này ở tù chung với mẹ mình. Trước khi đi Tây, mình được mẹ đưa ra chào mấy dì.

Lên xe, mẹ bắt đầu kể chuyện cho tới khi xe ngừng. Câu chuyện lúc nào cũng khởi đầu bằng “Con ơi! Thời cách mạng vào Khổ lắm con”. Hai tiếng “con ơi” tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa đầy uẩn ức của một thời, có lẻ gian nan nhất cuộc đời mẹ. Thời chống Pháp, ở tù còn được Tây thực dân nuôi ăn sướng hơn thời “cách mạng không có gì”. Thời tây, ở tù, mẹ được cử ra chợ để mua thức ăn, rau quả, thịt về nấu cho tù ăn. Thời cách mạng chỉ ăn bo bo và khoai sắn.


Khi Đà Lạt bỏ ngõ, gia đình mình chạy về Bình Tuy, rồi về Sàigòn. Tiền bạc mất hết. Khi trở về Đà Lạt với hai bàn tay trắng như lần đầu tiên đến Đà Lạt vào năm 1948.

Làm lại cuộc đời với bàn tay trắng như khi xưa, từ Huế vào Đà Lạt, chỉ khác là có thêm 10 miệng ăn và nuôi chồng cải tạo hàng tháng suốt 15 năm liền. Ngày đi buôn, tối về phải đi họp tổ dân phố, để nghe bọn CM30 tố vợ phản động, phản quốc đủ trò, đề nghị đi kinh tế mới…. Có những người Đà Lạt mến yêu, giúp đỡ mới sống sót đến ngày nay. Mấy người CM 30, sau này, Hà Nội cho người vào thay thế hết, chả được cái gì. Mình về không dám đi gặp họ.

Mẹ không thù hằn họ, vẫn nói chuyện với họ như thường. Chỉ nói, họ cũng vì con cháu họ, tìm cách lập công cách mạng thôi. Đó là bồ tát nói. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 


Bạn hàng của Mẹ 1

Mình ra chợ Đà Lạt mỗi ngày từ khi còn nằm trong bụng mẹ đến khi đi Tây. Bà cụ mình, khởi nghề buôn bán ở chợ Cũ (khu Hoà Bình), trước đó người ta gọi Chợ Gỗ, hay Chợ Cây vì cấu trúc làm bằng gỗ ván ép xây vào năm 1932.

Đến thời thị trưởng Trần VĂn Phước, cho xây dựng một ngôi chợ mới rộng lớn hơn do người Việt di dân đến Đà Lạt rất nhiều sau 1954 và tân trang lại Chợ Cũ thành hí viện Hoà Bình và các tiệm xung quanh. Mẹ mình dọn xuống chợ mới, xây trên mảnh đất trồng rau cải mà các bạn hàng thường gọi Chợ Mới. Chợ này do KTS Nguyễn Duy Đức thiết kế và thi công bởi nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu, chủ khách sạn Mộng Đẹp, mà thời mỹ qua được đặt tên Modern, cho lính mỹ mướn. 

Thiên hạ hay lộn, kêu kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế chợ Đà Lạt. Ông ta chỉ thiết kế cái cầu thang nối kết với chợ trên lầu và hai dãy phố ở hai bên hông chợ thêm cái cầu thang đi xuống chợ, chia cách khách sạn Mộng đẹp và nhà hàng La Tulipe Rouge và mấy căn nhà từ chợ đi ra bùng binh cầu Ông Đạo, có Nam Đô Ngân Hàng, cà phê Hạnh Tâm. Còn chợ mới do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế.

Mình nghe bà cụ kể khi chưa xây chợ thì mỗi lần trời mưa thì khu vườn này bị ngập nước vì bao nhiêu nước mưa từ các đồi xung quanh như đường Phan Bội Châu, khu Hoà Bình hay dinh tỉnh trưởng đều đổ xuống thung lũng này nên họ trồng rau muống nhiều hơn.

Sau này các ống cống được thành lập giúp nước mưa thoát ra cái suối Cam Ly gần ấp Ánh Sáng cạnh cầu ông Đạo. Mình ngạc nhiên khi thấy bản thiết kế đầu tiên của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, về dãy tiệm từ cà phê Hạnh Tâm đi vào chợ Đà Lạt. Tạo dựng một khu vườn kiểu Anh quốc nhưng sau này, làm thẳng bong từ chợ chạy ra bùng binh cầu Ông Đạo. Sau này về lại mình mới hiểu lý do vì bao nhiêu ống cống của chợ Đà Lạt, nước thải, phạt làm ống cống cho chảy ra suối Cam Ly ở đầu ấp Ánh Sáng.
Hình ảnh của mấy người bạn hàng, thân của mẹ mình khi xưa. Người đứng bên cạnh mẹ mình là Dì Bê, bán Chuối. Người ngồi trước mẹ mình bên tay trái là Dì Huệ, bán trái cây, Dì Rọm và Dì Khá. Trong 5 người thì mình nghĩ chỉ còn mẹ mình sống sót đến nay qua cuộc bể dâu. Dì Bơn mới chết cách đây 2 năm thì phải. Mình về lần cuối, có gặp dì. Toàn là mấy cô, gốc xứ hUế, đeo Kiềng,..Ngoại trừ dì Bê, mấy dì kia đều đi tù với mẹ mình, khi theo Việt Minh.

Bà cụ mình bốc thăm được phép bán hàng xén nên mua một gian hàng ở Chợ Dưới thay vì Chợ Trên (lầu 2) như bác Đoàn Mừng gái, có tiệm may ở đường Duy Tân. Chợ Trên thì trần nhà thấp hơn và có cửa sổ đóng mở theo mùa nên tương đối ấm hơn về mùa mưa bão nhất là sạch và ít hôi hơn Chợ Dưới vì các gian hàng toàn bán vãi, quần áo, áo len, giày dép, sách vỡ,... 
Xem tấm ảnh này, đa số đã qua đời. Ăn cưới nhà bạn hàng Đà Lạt. Hình Couvent des Oiseaux con gái của bác nào gửi mà mình không biết mặt. Hình như ở Ấp Ánh Sáng xưa. Ai nhớ thì cho em xin. Người đứng đầu bên trái là chú Hồng, nhà ở ngay dốc Hai Bà Trưng, cạnh nhà thầy Thành Bắp Sú, đã qua đời.

Nếu có gian hàng ở Chợ Dưới thì khi mưa bão là một cực hình, gió thổi vào bốn bề nên rất lạnh thêm đường đi trơn trợt vì mưa tạt vào nhưng tiện cho việc di chuyển hàng hoá vì hàng xén rất nặng, cho nên nếu có gian hàng ở trên lầu thì phải khiên vác lên cầu thang nên khách hàng cũng ngại vì phải khiên đi xa. Hàng bà cụ mình nằm cạnh dãy hàng ăn, bên hông chợ nằm ngay cầu thang số 1, cạnh bể nước. Chợ có 4 cầu thang để lên lầu, thường gọi là số 1,2, 3,4 thêm một bể nước ở bên cạnh chợ cá. Có dịp mình sẽ kể rõ về cấu trúc, gian hàng của chợ mới.
Đây là góc chợ, nơi có gian hàng của Mẹ mình. Thấy hai cầu thang (phía ngoài và phía trong đi lên chợ Trên). Bể nước là nơi mình và cô em kế, hay ngồi rửa chén đĩa khi người ta thuê chén đĩa để tổ chức đám cưới tại nhà hay tiệc tùng tại công sở. Gian hàng đầu tiên lợp tôn, là của hai anh em tên Ba và Thạc , thợ thiếc, thợ hàn, chuyên làm mấy đồ tưới vườn, gian thứ hai là của Chú Lìn, bán cà phê và hủ tíu Triều Châu. Hình như mình có kể về tấm ảnh này rồi. Ai tò mò tìm đọc. Hình này chụp trước khi họ xây dãy phố do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Đoán là vào năm 1962.

Dạo đó có Sính, con đầu của ông bà Sở ở hàng cạnh bên, lớn hơn mình mấy tuổi nhưng vẫn xưng mày tao, cho có vẻ dân chủ tập thể. Thiên hạ kêu mình mất dạy vì lớn bé gì đối với mình đều mày tao. Hắn chạy chiếc xe Honda 90 cc thời đó tại Đà Lạt rất hiếm, đeo kính mát Rayban, được ông bà Sở rất cưng vì con trai đầu, hay ăn thịt bò bít tết ở hàng chú Lìn, thêm cái trứng gà au plat, uống cốc cà phê sữa, rít điếu thuốc lá Pall Mall rồi phà khói lên trời như Loan Mắt Nhung, làm mình thèm thuồng, không biết ngày nào mới được thưởng thức món này. 

Chú Lìn pha cà phê bằng chiếc tất, chú bỏ bột cà phê xay vào trong cái tất, cột vào cái quai tay cầm của cái vá lưới dùng luộc mì, nhúng trong cái ấm nhôm rồi đổ nước sôi vào ngâm ít phút rồi chế cho khách hàng uống nên dù có thèm nhưng mình không bao giờ uống cà phê vì hình ảnh bi hùng ấy. Trước khi đi Tây, chú Lìn đãi mình một miếng bít tếc thêm một cái hột gà au plat với bánh mì quẹt thêm tí bơ Bretel. Mình cắn miếng thịt bò bằng ba ngón tay rồi nhai từ từ để hương vị thịt bò lắn dần trong tâm khảm. Sau này ăn thịt bò bít tếc khắp nơi trên thế giới nhưng mùi vị thịt bò bít tếc lần đầu tiên ăn tại hàng cô chú Lìn vẫn theo mình đến ngày nay. 

Cô chú Lìn có nhà ở dốc Nhà Làng, ngay ngõ hẻm từ mấy thang cấp đối diện với khách sạn Cẩm Đô, cạnh phòng mạch bác sĩ Đào Huy Hách đi lên Minh Mạng, khúc Tăng Bạt Hổ có cái ống rãnh đen xì và hôi thối đỗ từ đường Minh Mạng xuống Phan Đình Phùng. Sau 79 thì gia đình chú Lìn, gốc tàu bị đuổi nên chạy sang Mỹ, nghe nói có lần về thăm bà cụ mình, nay đã qua đời.

Sính có con em tên Bê, lớn hay nhỏ hơn mình đâu một tuổi, rất đô con, ra chợ dọn hàng, còn Sính chỉ chạy xe Honda ra ăn hàng, xin tiền đánh bi da. Sau này rớt tú tài, chạy giấy tờ giả về Saigon học, làm cô nào có bầu, rồi đám cưới nên mình không có dịp gặp lại, nghe nói đang ở bên Mỹ. Con Bê thì tội lắm, to con lại học dốt nhưng rất chăm làm, chăm buôn bán sau bỏ học để bán hàng sĩ nên khuân vác mệt nghỉ, lại lo 5-6 đứa em. Có lần mình thấy nó vác mấy bao gạo chạy như điên còn mình thì vác bao 50 kí là oải rồi. Hình như bà Sở bán đường nữa thì phải. Bà bán sĩ cho thiên hạ. Ông Sở thì có xe hàng chạy Sàigòn Đà Lạt, có thời bị tù nhưng mình không hiểu lý do nên bà Sở phải mướn tài xế đi xe hàng về Sàigòn lo mua bán. Có lẻ vì vậy mà con Bê nghỉ học, lo trông hàng ngoài chợ.
Nghe nói nay nó có xe hàng chạy Saigon Đà Lạt, khá sung túc, lại mua căn tiệm của ông bà Nguyễn Văn Ngạch. Ông bà Sở có chiếc xe hàng chạy chở hàng Saigon-Đà Lạt, lấy hàng ở Saigon đem về cho bà cụ mình và những người khác trong chợ rồi chở rau về Saigon. Trước khi xuống Saigon thì ông ta đi một vòng chợ, thâu tiền rồi bà cụ mình dặn mua hàng nào thì ông ghi rồi lấy tiền để trả cho các công ty ở Saigon. Có lần đường bị tăn-bo, Việt Cộng đắp mô, xe hàng của ông ta bị Việt Cộng tịch thu.

Ngoài ra, bà cụ còn mua hàng xén của lò Thiên Nhiên ở Trại Mát, Vĩnh Tường ở Fi Nôm,..Ông Sở dạy mình cách xài máy tính tàu Abacus, hay chất hàng của bà cụ mình cuối cùng nên khi xe hàng của ông ta về chợ thì mình có thể lấy hàng ngay đem vào kho sớm hơn mọi người, không phải đợi các người khác dỡ hàng xong nên có thể về sớm. Mỗi lần hàng về là mệt, mình nhớ vác mấy cái lò than làm bằng đất sét màu đỏ bọc thiếc rồi chén đĩa, ly tách, đũa,..mà phải cẩn thận vì dễ bể nếu không là ốm đòn.
Lò đất nấu than khi xưa, khiến cả nhà đen xịt vì khói. Mỗi lần xe hàng về, là khiên mấy lò này mệt thở, độ 20 cái cho mỗi tháng hay 2 tuần. Vào dịp Tết thì nhiều hơn. Khi mình lớn lên một tí, sau Mậu Thân thì người ta bắt đầu xài lò dầu hôi, nhẹ hơn và hết mua than. Hình như dân làm than trong rừng, đa số theo Việt Cộng 

Hồi nhỏ như đa số gia đình sinh sống tại Đàlat, nhà mình xài loại bếp than, trong nhà có ba cái lò đất nấu than, có dây kẻm ràn xung quanh để khỏi bị nứt. Sau này, mọi người dùng lò dầu hôi, bây giờ thì xài lò ga mệt nghỉ. Xài lò than khá tốn công nhất là khói bay mịt mù làm nhà bếp đen thui vì lọ nghẹ. 

Lò có hai tầng; tầng trên để than và có mấy cái lỗ tròn nhỏ để tro tàn rơi xuống tần dưới, lâu lâu phải hốt tro đem đi đỗ, bón cây trồng ngoài vườn. Lâu lâu có ông bán than, ở đường Phan đình Phùng, cạnh nhà hai bác Nguyễn Đình Thừa, chạy chiếc xe camionnette qua nhà, giao một bao tải to đựng than. Than này được đốt bằng gỗ dài như khúc cũi nên phải chẻ nhỏ trước khi dùng do đó bụi than bay đầy nhà. Lò có ba cái chân để kê nồi niêu cho vững, nghe người lớn nói là tượng trưng cho hai ông Táo và bà Táo nhưng không biết có đúng không. 

Sáng sớm, thức dậy là mình phải chẻ ngo mua từ những người Thượng hay Việt Nam Mới ra từng khúc nhỏ nhỏ bỏ vào tầng 2, rồi chặt than bỏ lên trên, bê ra sân để mồi lửa để tránh khói bay khắp nhà đến khi lửa hồng thì bê vào bếp đun nước sôi, pha trà và chế vào bình thuỷ để khi mấy đứa em dậy thì pha sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ hay bột gạo lức Bích Chi để ăn sáng. 

Mỗi lần than gần tàn thì phải chêm thêm than thì khói bay mịt mù. Có lẽ vì vậy mà mặt mình lúc nào cũng đen? Dạo đó chưa có nồi cơm điện nên chỉ nấu bằng than, sau khi nước cạn thì người ta hay gắp mấy cục than đỏ ở tầng 2, bỏ trên nắp nồi cơm để tránh cơm bị sống ở phía trên. 

Sau này, xài lò dầu hôi thì khoẻ hơn chỉ cần khơi cái tim đèn, thắp lửa bằng cây hương rồi châm lửa thoải mái chỉ ngữi mùi dầu hôi hay khi bị cúp điện thì nhà nào cũng dùng đèn dầu hôi, khói đen bay lên đầy nhà nên lâu lâu phải giặt mùng vì bị khói bám với bột giặt Viso với nhãn hiệu con ngỗng mà hảng này hay cho xe Lam chạy vòng vòng các đường khuyến mãi. Ở Bolsa, mỗi lần vào nhà người Việt thì thường thấy họ lấy giấy bạc che trần nhà để khói hương nơi bàn thờ không làm đen trần nhà, làm mình hay nhớ đến thời còn bé, ngồi học bên đèn dầu hôi vì hay bị tắt điện, sáng ra thì lọ nghẹ đầy lỗ mũi.

Nhiều khi đường bị tăn-bo, ra chợ là mấy người xôn xao nên xe hàng của ông Sở về trễ thì cực lắm, phải thức khuya để lấy hàng lại đói nữa vì hàng quán đóng cửa khoảng 6:00 chiều, khi về nhà là coi như giới nghiêm. Ngày nay, mình thấy quán xá mở rất khuya, có chợ Âm Phủ. Dạo đó, chỉ mở khuya mấy tuần trước Tết vì có chợ đêm. Mình phải lấy hàng để các người khác lấy hàng vì hàng của họ được chất phía trong xe, trong khi ông Sở và tên lơ xe, chăm sóc máy xe, dầu nhớt để về lại Saigon. 
Thường hàng về thì xe ông Sở hay đậu chỗ cầu nổi, gần đồn cảnh sát để cho bạn hàng có thể lấy hàng dễ. Khúc đầu bên tay phải là hàng của ông Ba thợ thiếc. Sau đó là quán ăn cơm.

Ông bà Sở người Quảng, siêng làm lại tiết kiệm, ở đâu trong xóm Mỹ Lộc, sau lưng đồi Phan Đình Phùng, cạnh chùa Linh Sơn. Sau này, họ mua nhà ở đường Hàm Nghi rồi tiệm Nguyễn Văn Ngạch ở chợ dưới để mấy đứa con gái quản lí còn đám con trai thì được Sính bảo lãnh sang Mỹ.

Mình không bao giờ thấy họ ăn hàng ngoài chợ, lúc nào cũng đem cơm nấu ở nhà ra chợ rồi cả gia đình ngồi ăn ngoại trừ Sính là được ăn hàng thoải mái. Bà Sở rất giỏi về buôn bán nhưng rất dữ, ngoài chợ không ai muốn đụng tới bà lại hay la chồng bai bãi ngoài chợ còn ông Sở thì rất hiền, cam phận làm thằng đàn ông, cười nhe cái răng vàng sáng chói. Sau này, lấy vợ mình mới thông cảm và bắt chước ông Sở, tịnh khẩu khi vợ nói như người ta nói: “1 sự nhịn 99 sự lành”. Thật sự, lấy bà vợ dữ nhưng biết làm ăn thì có Phước, không nên cãi lại. Vô Phước lấy vợ ngu cũng không nên cãi lại. Vì cãi chứng tỏ mình cực ngu.

Bán hàng xén nhưng bà cụ mình còn cho mướn chén đĩa, muỗng, đũa, ly tách,.. cho những đám cưới hay tiệc tùng thường vào tháng Chạp hay cuối năm. Thường thường sau đám cưới thì người mướn không rữa ly tách,...trước khi trả lại. 

Có lẽ vì bận đi tuần trăng mật nên trả tiền cho mình và cô em gái rữa ở cái bể nước bên cạnh hàng nên có tiền bỏ heo đất nhưng rất mệt vì phải về khuya nhưng nhờ vậy mà khi sang Tây đi làm bồi rửa chén cho tây đầm cũng chuyên nghiệp. Rửa xong lấy dây lạt buộc lại để bán cho khách hàng. Dạo trong lớp tổ chức bán chè, làm văn nghệ thì mình có mượn bà cụ chén đĩa cho lớp nên có lời tổ chức đi picnic ở thác Datanla. Mấy bà ban C có làm bể mấy cái nhưng mình không bắt đền. Xem như bà cụ bị lổ.

Bên cạnh hàng bà Sở thì có hàng bà Tàu tên Cẩu, bán tương ớt dưới cầu thang. Hai ông bà Tàu này có hai thằng con thua mình đâu 4-5 tuổi không nhớ tên, ngoài tương ớt thì có bán tầu vĩ yểu, hột vịt muối, cam thảo,...nói chung đồ tạp phô của người Tàu. Sau 75, khi gia đình mình chạy di tản về Đàlạt thì hết vốn. Em ruột mẹ mình, đem hàng hoá đi bán tháo khi Đà Lạt di tản, không đưa lại tiền cho mẹ mình. Bà Cẩu cho bà cụ mình mượn tiền để buôn bán, vẫn nói chuyện thăm hỏi khi ông cụ mình bị lên án 18 năm tù. Thêm dì Gái (Gụ), đứng ra bảo kê cho mẹ mình đi buôn lại. Thời đó, bố mình ở tù, hàng xóm muốn đuổi cả nhà đi kinh tế mới.

Cạnh hàng bà cụ mình thì có hàng dì Gái, tên mụ là Gụ, con bà Cáp người Huế bán đồ khô như đường, muối, bột ngọt, ớt bột, đậu mà mình đã kể rồi. Có lần bà Cáp đau mình có lên nhà trên số 4 thăm, thấy cái bụng to như đàn bà có chữa, nghe nói bị ai thư nên lúc thầy bùa móc ra toàn là tóc và tóc, không biết ai thù ghét nhưng rồi cũng chết. Mỗi lần bà cụ mình đi sinh ở nhà bảo sanh Tôn Thất Chí thì dì Gái hay đem biếu một đòn chả lụa Mỹ Hương và một lố hột gà. Hột gà để uống với soda còn chả lụa để kho tiêu với thịt ba chỉ. Mỗi lần mình đem cơm cho bà cụ thì hay được ăn ké vì cơm nấu ở nhà bảo sanh không ngon lại đắt tiền. Dạo ấy hột gà đắt tiền hơn hột vịt.

Cạnh dì Gái là hàng dì Nhâm bán dừa, người Bắc được xem là người hàm hồ nhất khu đó. Có lần dì Nhâm chửi lộn với bà Sở, bên giọng Bắc cầy bên giọng Quảng nghe muốn bể tai. Mình thích hóng nghe họ chửi nhau, rất hay, rất dân giả. Sau đó có cãi lộn với mấy bà trong xóm, binh con vì em mình hay kheenhj Con họ. Hình như với bà Ron, hàng xóm.

Mỗi lần người đi mua, trả giá mà không mua là bị dì chửi toát móng heo luôn, khỏi cần đốt phong long. Mẹ truyền con nối lúc đầu mẹ dì Nhâm bán rồi dì Nhâm là con đầu, nghĩ học phụ mẹ rồi khi tay nghề chửi lộn đạt chỉ tiêu của dòng họ bán dừa thì bà mẹ giao lại cái xập, về nhà nghĩ hưu. Sau này dì lấy chồng lính, nay ở bên Mỹ với chồng con ở Minnesota. Khi mẹ mình sang, có điện thoại nói chuyện nhưng ở xa quá nên mình không đưa đi thăm. Dì có 2 thằng em lớn tuổi hơn mình, hay nói chuyện vớ vẩn nhưng không thân lắm.
Phía sau hàng cô Gái, bán trái cây, là gian hàng bán dừa của Dì Nhâm, bên cạnh là hàng bà Sở, có chút chút hàng mẹ mình. Hàng của cô Gái là nơi mấy thùng giấy ở trước, không hiểu sao lại đứng ngay hàng bà Tạo. Chắc bà Tạo đi đâu, nhờ ngó hàng dùm. Hay thấy Mỹ chụp hình thì tránh đi. Cô Gái người Bắc, không có chồng.

Mình nhớ cách chặt dừa của dì Nhâm nên sau này trong chợ á đông có bán dừa tươi của Thái Lan, hay mua về chặt cho đồng chí gái uống. Dì Nhâm hay ngồi nạo dừa bằng cái đồ nạo dừa, đầu tròn với bán kính khoảng 2-3 cm, có những răng cưa quanh vòng tròn. Dì cắt trái dừa khô làm hai rồi lấy một bàn chân đè lên cái nạo dừa, nhiều khi thấy dì ấy gãi chân nên đất nơi chân lọt vào thùng dừa nạo để bán cho những người làm xôi bắp, bán chè để họ làm nước dừa. Mỗi lần xe chở dừa từ lục tỉnh về là phải mướn mấy ông gánh mướn ở chợ, gánh mấy cần xé vì dừa dính từng chùm mà mỗi trái khá nặng hay dừa khô thì cũng bỏ cần xé.

Ông trước ông sau xỏ cái gậy tròn qua mấy sợi dây thừng cột ở bốn góc của cái cần xé nếu nặng còn nhẹ thì cột dây ở hai cái quai cần xé để gánh. Mình có học chung ở Văn Học với một tên người Huế ở ấp Ánh Sáng nhưng không nhớ tên, thân với Huỳnh Kim Sang, chiều là hắn ra chợ đi gánh thuê cho mấy hàng dừa, đường, gạo,..mà hắn rất nhỏ con nhưng gánh tài lắm sau này không thấy mặt nữa chắc bị động viên khi bị Đôn quân năm 1973 sau mùa hè đỏ lửa. Hay vào Bưng không chừng.

Đối diện Dì Nhâm thì có dì Liên cũng bán dừa, ngày xưa làm công cho cô Ba Chỉ, tiệm Bình Lợi. Sau cô Ba Chỉ cho mượn thêm vốn để mua cái xập buôn bán, sau này chắc cũng có chồng con vì mình không bao giờ gặp lại. Mình chỉ nhớ trước khi đi Tây có đến chào thì dì bảo mẹ mày mất một đứa con, ngẫm lại đúng vì mình đi luôn cho tới nay, chỉ về thăm gia đình được vài lần.

Nói đến dừa làm mình nhớ đến mức dừa. Mọi năm vào tháng chạp ta thì bà cụ mình tối đi chợ về thì làm mức bỏ mối cho mấy tiệm hay bán ở cửa hàng. Sau này, bác Ngự gái, tiệm Thanh Nhàn trong xóm thầu hết. Cứ sáng còi vừa hụ báo hết giới nghiêm là bà chạy lên nhà mình lấy hết mức mới làm đêm qua vì sợ các tiệm khác đến lấy. Bà cụ mua dừa khô về cắt làm hai, lột võ rồi bào mỏng, luộc sơ cho khỏi hôi mùi dừa vì trong cơm dừa có dầu. Nếu không luộc thì lâu ngày sẽ bốc mùi dầu hay chảy dầu ra ướt mức, rồi rim với đường cát trắng.

 Tương tự như mứt gừng, gừng cắt ra cũng luộc nhưng lấy kim chỉ xâu chung mấy lát gừng thành từng xâu để khi rim, phải trở nguyên xâu gừng để tránh gãy vụng. Gừng vụng thì thái mỏng để làm mứt gừng dẽo cay với đậu phụng. Còn mức bí thì cắt ra tỉa bông hoa rồi luộc sơ, ngâm nước với vôi trắng để khi rim thì bí giữ được màu trắng. Bà cụ mình có món mứt dâu có một không hai ở Đà Lạt, mua dâu còn cái cuống đem luộc sơ rồi rim với đường rồi lấy ra từng trái để nơi cái mâm cho khô rồi lấy giấy bóng gói chừa cái cuống để vào hộp rồi gói giấy bóng đỏ. Ngoài ra bà cụ còn lấy dâu bị rụng cuống hay bị nát làm rượu dâu kiểu Lafaro nhưng chỉ để dùng mời khách thăm viếng trong nhà.

Cạnh hàng dì Liên là dì Bộ bán đồ khô, dầu ăn, khi xưa cũng làm công cho cô Ba Chỉ, tiệm Bình Lợi rồi ra riêng sang cái xập, lấy hàng hoá của tiệm Bình Lợi ra bán nên cũng có của ăn của để đến khi lấy chồng thì gặp tên cà bơ, đánh bài thua phải bán cái xập để trả nợ. Bà vợ của ông thầy Chiêm mua lại nên cũng thân với gia đình mình. Mình nghe ông chủ tiệm Hương Giang ở Bolsa kể; nhờ cái tượng của bà ngoại mình đem từ Thái Lan về đã giúp ông bố của thầy Chiêm và sau này đến ông nối nghiệp, nổi tiếng một thời ở Đà lạt. Ông này cũng như Kim Trọng lấy hai chị em, người vợ đầu sinh nở bị sản hậu qua đời, cô em gái đến nhà phụ chị rồi thương ông anh rể đơn côi khi bà chị qua đời nên lấy có đâu 4 mặt con. Bà cũng dễ thương, ít ai ghét lại kiếm thêm khách hàng cho chồng ở chợ. Mình có gặp thầy Chiêm vài lần ở chợ khi ông ta ra chợ phụ vợ dọn hàng nhưng chưa bao giờ vào nhà. Nghe nói có nuôi Ma Xó.

Giáp hàng bà cụ là hàng của dì Huê, con của tiệm Nguyễn Văn Ngạch, cạnh tiệm Bình Lợi, người Huế, có ông chồng trốn lính, nhà ở dốc Nhà Làng chỗ cái hẻm đi lên đường Duy Tân mà mình có lần ngủ lại nhà một vài lần. Ông chồng ban ngày thì cứ leo lên gác sinh hoạt trên đó để khỏi bị bắt đi lính nên người lúc nào cũng tái vì thiếu ánh nắng. Sau này dì sanh được vài đứa con. Cảnh sát tới nhà bắt lính không tìm thấy ông chồng nhưng cứ thấy dì sinh năm một nên bó tay chấm còm. Dì Huê này ganh tị với bà cụ mình vì cũng bán hàng xén, sau 75 nhờ chồng không đi lính nguỵ nên cũng có thớ với chế độ mới nên cũng đì bà cụ mình mệt thở. Thưa gửi lên công an trong chợ. Dạo mình về lần đầu thì có gặp, sau này, dì dọn về Saigon ở với mấy đứa con ruột. Năm ngoái, có ông nào, tự xưng là rể của ông bà Ngạch, có liên lạc với mình. Ông bà Ngạch trước kia có căn nhà hai tầng đối diện photo Hòng Châu mà trong mấy tấm ảnh chụp tước khi chợ Đà Lạt được xây cất còn thấy. Sau ông Ngô Viết Thụ thiết kế chiếc cầu nối từ khu Hoà Bình vào chợ thì bị giải toả, được đền bằng một căn nhà dưới chợ, ngay trước đồn cảnh sát. Bán gạo, rượu chi đó. Mình cũng hay vô tiệm với bà cụ mình hay bị sai vô trả tiền hàng.
Hàng bà Phòng, người Bắc, bên cạnh là hàng dì Bơn, bạn của mẹ mình, bán cam quít. Trong ảnh thấy bà ngồi dưới đất sau lưng bà Phòng là bà Bắc, làm cho gia đình dì Bơn, có con bé gái, mình đoán là con Hương, con gái đầu của dì Bơn rồi đến dì Bơn. Chồng dì Bơn là bạn nối khố với ông cụ từ trong quân đội. Sau này đi tù cũng ngày và ra trại cùng ngày. Chú mất sau khi bố mình qua đời. Gia đình mình xin được đất trong nghĩa trang gần mộ ông cụ cho chú và dì.

Cạnh hàng dừa của dì Nhâm là hàng thịt của ông Tàu tên Dồng. Mỗi chiều khoảng 3-4 giờ, thịt ở abattoir mới làm được chở ra chợ, mình thấy ông ta đội cái áo mưa nilon kiểu khăn tang của đàn bà để che đầu và cái lưng để máu không thấm qua áo rồi lấy cái móc sắt ra xe chở thịt, móc mấy con heo hay đùi bò bỏ lên vai vừa chạy vào buồng thịt vừa kêu lước sôi, lước sôi rồi móc thịt lên các thanh sắt để bán cho khách hàng.

Lâu lâu thấy mấy bà rụt rè hỏi mua ngầu pín sau này lớn lên mới hiểu ăn gì bổ nấy. Dân bán hàng ngoài chợ thì mua thịt sau 4 giờ chiều vì tươi còn dân đi mua thường là ban ngày sau một đêm phơi trên mấy cái móc, ruồi bu khá nhiều vì dạo đó không có tủ lạnh đông đá mà mình cũng không biết bây giờ trong chợ có dùng máy này chưa. Dạo học Petit Lycée thì mình hay đi ngang abattoir gần garage Trung Tín thì nghe tiếng bò kêu rống có lần chạy vào lò sát sinh xem thì thấy người ta cột con bò lại, có một ông cầm cái búa tạ, đứng trước con bò rồi giáng cái búa tạ lên đầu con bò đến khi nó ngã quỵ xuống, sau đó họ treo bò lên cái móc để lột da, mổ bụng. Cái này chắc phải hỏi lại Nguyễn Trung Thiện vì nhà hắn ở gần đó, nếu mình không lầm chính hắn rủ mình đi xem.

Cạnh đó thì có hàng bà Tạo, người Bắc, lúc nào cũng quấn khăn, răng đen ăn trầu hình như có một thằng con trai lớn hơn mình nhưng không chơi với mình. Bà này hay lấy trà của bà Tư, em dâu của ông ngoại mình ở Bảo Lộc, hãng trà Nguyễn Đăng. Dòng họ này khi xưa thuộc họ Mạc Đăng Dung, khi bị tru di tâm tộc thì một số con cháu trốn chạy vô Nam, đổi họ thành Nguyễn Đăng, lấy chữ lót Đăng để con cháu nhớ tổ tiên mình là họ Mạc Đăng, tương tự như con cháu của Hồ Quý Ly chạy vào phía Nam đổi tên họ Nguyễn sau này là có con cháu khởi nghĩa lập nên nhà Tây Sơn. Mình thường thấy bà Tư, đi xe đò từ Bảo Lộc lên với mấy bao bố trà để bỏ hàng cho chợ Đà Lạt. Đa số dân Đàlạt mua trà từng kí, bỏ bịt nilon để pha uống ở nhà còn trà gói trong bao thường để mua tặng hay đám hỏi,... Bà Tạo có bán lá vối cho người nghèo mua để pha uống. Hôm trước có anh bạn đi Việt Nam về, ghé tặng cho lá vối giúp mình nhớ lại một thời tại Đà Lạt, uống lá vối.

Mình có uống vài lần ở nhà mấy người làm vườn. Hồi còn bé mình có đi xuống Blao thăm ông ngoại nên có thấy mấy cái vườn trồng trà nhưng không nhớ cách sấy lá trà ra sao. Chỉ nhớ là xứ khỉ ho cò gáy, ông ngoại mình hay đi săn cọp, thấy chụp hình rồi da cọp treo trên tường. Sau này vì lí do an ninh, đi đường hay bị mấy ông kẹ ra bắt lính, đóng thuế nên mình không đi nữa. Mình có ghé lại Blao thăm mấy người bà con trong chuyến về thăm đầu tiên sau này thì đi máy bay cho nhanh, khỏi mất thì giờ.
Mẹ đi ăn cưới với bạn hàng

Cạnh hàng bà Tạo là hàng của dì Bê bán trái cây nhất là chuối, có ông chồng theo bà nhỏ, chị của bà Bửu Ngự. Ở dưới ấp Ánh Sáng, một mình nuôi người con trai lớn hơn mình đâu 2, 3 tuổi tên Phong, đi hướng đạo sau 75 nghe nói làm giám đốc Ngân hàng ở Đà Lạt, nay ở Hoa Kỳ, được ông bố bảo lãnh sang. 

Ngoài dãy hàng trái cây có dì Bơn bán trái cây. Dì này có đặc điểm là không bao giờ nghỉ bán hàng, quanh năm ngày nào cũng như ngày nào đi bán ngay cả ngày mồng một Tết, dì ra bán mở hàng nhưng khi thấy khách đến mua là cứ ở lì đến tối, ông chồng là bạn nối khố với ông cụ mình ở trong quân đội sau này đi tù chung trại. Nghe nói năm nay bệnh nặng nên phải ở nhà, đúng là một anh hùng lao động gương mẫu. Dì có mấy đứa con gái và thằng út. Con đầu tên Hương có tên Việt Kiều nào về cưới 20 năm trước nhưng không bảo lãnh sang, nghe nói năm trước hắn về lại dẫn đi du lịch Thái Lan, con thứ nhì tên Loan, lấy chồng nghe nói nay ở Đức còn mấy đứa sau thì không nhớ vì còn bé khi mình xa Đà Lạt.
Hàng chuối của dì Bê, phía ngoài là hàng hoa. Mình thấy dì Bê rất đẹp nhưng không hiểu sao ông chồng lại bỏ.

Phía hàng thịt đi vào khu chợ cá thì bên tay phải có các hàng giày, guốc và thuốc lá thì có hàng của cậu Liễu bán thuốc cẩm lệ mà dân gốc Huế hay hút và có bán mấy cái điếu bát để hút thuốc lào. Nó như cái ấm tròn bằng sành, nơi chứa nước đặt lên cái đĩa hay trong một cái chậu bằng sành, người ta vân vê thuốc lào bằng một viên cở ngón tay rồi têm thuốc vào cái lỗ thường gọi là nõ ở trên cùng rồi mồi lửa bằng cái đóm, cây que dài như cây kem bằng tre, lấy cái điếu cắm bào cái lổ nhỏ bên hông rồi hít chậm chậm để lửa cháy đều thuốc ở cái nõ, rồi hít dài thì nghe tiếng lạch tạch trong bình thuốc lào do hơi trong cái nõ được hút nên làm nước ở trong bì bỏm, rồi thả khói ra rất phê, uống cụm nước trà. Ông cụ mình với người bạn bắc kỳ hay hút cái này khi đánh tổ tôm. Sau này thì không thấy ông cụ hút thuốc lào nữa, lại chuyễn qua hút thuốc lá Mỹ.

Mình hay thấy cậu Liễu, con của bà Dụ, chị bà Võ Quang Tiềm, bà con với với mệ ngoại mình, ngồi trên cái sập, thái thuốc với con dao hai cán hình cung như mấy ông thầy thuốc Bắc, rồi tẩm thuốc cho thơm. Mình hay ra hàng cậu Liễu để mua thuốc Cẩm Lệ và giấy quyến cho mệ ngoại. Dì Tân, chị hay em của cậu Liễu mới qua đời.

Nếu mình không lầm, cậu học nghề thuốc Cẩm Lệ khi giúp ông bà Tiềm. Khi xưa, ông Tiềm, mua thuốc Cẩm Lệ vào Đà Lạt, rồi bán lại cho người Đà Lạt, gốc huế. Ông có môn bài bán rượu nên giàu khủng luôn. Khi mới vào Đà Lạt, ông ta làm nghề thợ may, may áo quần rồi gánh xuống Đơn Dương bán cho mấy người làm đường rầy xe lửa Phan Rang- Đà Lạt rồi từ từ mở tiệm bán rượu. Khi thiên hạ chạy tản cư, ông ta ở lại Đà Lạt, mua nhà cửa với giá hời. Đến khi thiên hạ hồi cư thì cho thuê lại nên giàu có nhất nhì được với ông chủ nhà hàng Shanghai.

Người hút thuốc cẩm lệ không cuốn tròn như thuốc lá mà cuốn theo kiểu hình ống, cuốn có cái đầu thì to còn đuôi thì nhỏ dẹp để dính nơi môi. Hút xong, họ dán điếu thuốc trên tường. Khi hết thuốc thì gỡ mấy điều thuốc trên tường ra, gom lại để vấn điều mới.

Khi nào hút thì mới cuốn thuốc hút, sau này sang tây thì thấy mấy thằng bạn tây mua thuốc Gauloise với giấy quyến để quấn tròn thành hình ống để hút. Cậu Liễu, kêu bà ngoại mình bằng O, nhà ở ngay vườn chỗ xóm Địa Dư băng qua đường Phan Đình Phùng, có cây ổi và cái am màu xanh trước nhà. Nhà cậu luôn luôn bị ngập nước khi trời mưa vì nước trên số 4 chảy về thác Cam Ly theo hai con suối dọc đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng qua trường Việt Anh, Hoàng Diệu,.. nên nền nhà được xây khá cao. Cậu hay tếu nói ở đây khi lụt để khỏi nhớ Huế. Mình hay ra hàng cậu mua thuốc Cẩm Lệ cho Mệ ngoại hút.

Lần đầu tiên về Đà Lạt sau 75 thì có gặp cậu còn lần sau về thì cậu đã qua đời.

Ngoài ra gần hàng của bà cụ có hai anh em người Bắc, tên Ba và Thạc, hàng thợ thíết nằm sát đường dưới chợ thuộc dãy hàng ăn, ở xóm địa dư.
Ông này làm cho nha địa dư nhưng có nghề tay trái là thợ hàn, chuyên đóng các thùng tưới nước cho nhà vườn. Nhà vườn lấy đòn gánh, lấy hai cái quai sắt móc hai thùng nước có vòi sen, đi xuống ao hay suối để múc rồi đi giữa hai cái vồng để tưới bên trái và phải của vồng nước. Hình như Đà Lạt chỉ có hai anh em ông này chuyên đóng thùng tưới nước nên cũng khá giả. Ông không có đồ nghề gì nhiều, cái bình phun lửa chạy bằng dầu, bỏ cái mỏ hàn có tay cầm bằng gổ cho lửa hơ nóng cái mỏ hàn rồi lấy chì hơ theo cái kẻ giữa hai tấm thiết. 

Cái khó nhất là cắt cái vòi hình ống để ráp vào cái bình để hàn, vì phải cắt theo góc 45 độ. Sau này học kiến trúc mình bị bầm dập khi học vẽ hình học cắt đủ thứ loại hình tròn, ống,...nên phục ông này. Ông này người Bắc, có lần lên nhà mình đi hỏi chị Gấm cho người em trai tên Hải nhưng không may chị này đã đi hái chè gặp thằng phải gió, sau này anh Hải này đi lính tử trận.

Cạnh hàng của ông Thạc có hàng của dì Sắc, có chồng làm cảnh sát ở trên đường Thi Sách, xóm ông Ba Tây. Dì này bán đồ Mỹ như Coca Cola, Fanta. RC Cola, bia Mỹ,... mình có kể vụ đồ hộp của quân đội Mỹ. Mỗi lần có tiền là mình chạy ra hàng dì mua mấy lon bánh Mỹ có peanut butter, khui cái lon có hai ngăn; một là bánh biscuit và một là cái hộp nhỏ đựng bơ đậu phụng để nếm mùi bơ thừa sữa cặn của đế quốc mỹ hay mua kẹo cao su thổi bong bóng to đùng rồi vỡ. Ai ngờ ăn đồ mỹ khi xưa, nay mình chạy qua mỹ luôn.

Dì cũng bán đồ chơi cho con nít như cái mũ bằng nhựa của lính La Mã mà mình hay đội khi chơi với con nít trong xóm. Tết thì bà cụ mình hay mua của dì mấy lon đồ hộp trái cây như đào, peach,...để tủ lạnh cho khách tới nhà mừng tuổi ăn. Dạo đó ở nhà 10 anh em, khui ra một lon nhỏ màu cứt ngựa, cỡ hộp sữa ông Thọ, chia nhau ăn mỗi đứa một muỗng trái Peach đến ba ngày sau vẫn còn thấy ngọt cổ. 

Dạo đó, dì hay bán mấy cục pin to đùn cở 12 inches x 12 inches x 2 inches mà lính Mỹ dùng gắn bóng đèn còn dân Việt thì gắn vào cái radio transistor nhỏ xíu để nghe vì pin thường mau hết lại khá đắt tiền. Khi hết pin thì bỏ dưới đất để chạc điện lại nhưng không nhiều lắm. Mình nhớ dạo ấy ai cũng dùng mấy cái cốc nhựa của Mỹ màu nâu nâu mà quân đội Mỹ dùng uống cà phê rớt không bể chớ mấy cái ly nhựa làm ở Chợ Lớn thì dễ bể. Hình như mẹ mình có bán mấy cái cốc này.
Mình không biết dì buôn đồ PX của Mỹ ở đâu, chỉ nhớ có một lần đến thăm nhà người bạn của ông cụ khi còn trong quân đội ở xóm nha Địa Dư gần ấp Cô Giang thì thấy ông này chuyên buôn đồ PX, nhà có cái tủ lạnh rất sang trọng, ông ta lấy mấy cục nước đá lấy từ chỗ đông lạnh mời mình uống chai Fanta sướng đến buốt óc. Mình chỉ thấy mấy cục nước đá to đùn do hai tiệm kem Việt Hưng ở đường Thành Thái và một tiệm ở dốc Minh Mạng và Phan Đình Phùng sản xuất. 

Tiệm này vớt tiền mình cũng khá nhiều với kem Eskimo, bọc chocolat. Chỗ bến xe đò Đà Lạt - Chi Lăng ngay Vũ trường La Tulipe Rouge có mấy xe bán đá nhận, mình hay ra mua, họ có cái bào tương tự như cái bào gổ của thợ mộc, nhưng để ngược rồi bào bỏ vô ly rồi nhận xuống bỏ thêm sirop. Mình không thích đá nhận lắm nhưng đọc truyện Chương Còm của Duyên Anh thấy nói đến món này thì ăn thử nhưng Đà Lạt lạnh ăn tê răng.

Đối diện hàng của dì Sắc là tiệm Lộc Sơn của bố mẹ thằng Võ Ngọc Sơn, có thời học Yersin với mình. Sau này, nó chuyên đánh bi da cá độ với Trung Ba Tai ở tiệm bi da Minh Tâm ở Phan Đình Phùng, nơi bố của Trần Trọng Ân, tiệm Luồng Điện ở Phan Đình Phùng bị bắn chết. Mình nghe nó kể là người ta đang đánh cá độ tới khúc chót, có một tên đang chuẩn bị đánh cái giò gà thì bố TTA, say đi vào xem nên đụng cái cơ của tên này khiến hắn đánh trật giúp Trung Ba Tai đi một lèo thắng độ. Tên thua độ tức quá, rút súng bắn bố TTA chết trước tiệm này. Lại có nghe là ở Chi Lăng. Tên Sơn này chết sau 75. Cạnh tiệm Lộc Sơn thì có tiệm Bình Lợi bán đồ tạp hoá của cô Ba Chỉ, không chồng con, người Nam, nuôi một đám con gái để lo buôn bán trong tiệm rồi ai lớn thì cô cho vay vốn mua cái xập ở chợ rồi lấy hàng của cô ra bán, kiểu franchise mà mình thấy bên Mỹ. Cô này có xe hàng chạy Saigon Đà Lạt. Sau 75, hiện ra nằm vùng thứ gộc của Đà Lạt, đóng góp tài chánh rất nhiều cho cách mạng, được gọi là tư sản dân tộc chi đó. Nay vẫn còn sống ở Đại Ninh.

Bên cạnh tiệm Bình Lợi là tiệm của ông bà Nguyễn Văn Ngạch, bán hàng xén và ngủ cốc, bố mẹ của dì Huê có hàng xén cạnh hàng bà cụ mình. Cùng dãy mấy tiệm này thì có tiệm của gia đình Nguyễn Văn Thuận 11B rồi Hùng Con Cua rồi Long Hưng. Khúc nhà HCC, gần chợ Cá có xập bán báo mà mình thấy bà cụ mướn tuần san phụ nữ để đọc và mình cũng hay đọc ké. Báo dạo đó in bằng khổ giấy lớn nên nhà in in nhiều trang trên một tờ rồi gấp lại làm đôi cho nên khi mua báo thì phải lấy dao rọc chổ gấp lại. Mấy người mướn tuần báo thì không rọc trang giấy nên phải đọc theo kiểu quấn tròn cuốn báo để thấy chữ phía trong mà đọc, rồi trả lại.
Hàng cá, bà ni người Huế nhưng quên tên

Đó là những người quen thân với bà cụ ở chợ dưới, còn trên lầu thì có bác Phước bán len, người Huế. Mỗi lần gặp là nghe bác kể ngày xưa khi mình mới sinh ra thì hai gia đình ở cạnh nhau trong ấp Ánh Sáng, ông cụ mình còn trong quân đội nên bác hay sang nhà, quạt than cho bà cụ mình nằm ở cử, tắm cho mình. Hồi nhỏ mình thấy tấm hình bác đang tắm cho mình treo ở nhà. Sau này bác dọn về dốc Nhà Làng, mua cái nhà của dì Thể bán vãi trên lầu, mua bán lặt vặt nhưng lần chót mình về thì nghe bác kể bị người ta giựt hụi nên phải bán nhà đền cho mấy con hụi nên phải mướn cái tiệm ở đường Minh Mạng để bán áo quần với đứa con gái. Trên 80 tuổi mà vẫn phải đi buôn đi bán trả nợ. Nay bác đã qua đời.

Hồi nhỏ mỗi lần tựu trường là mình chạy lên lầu đến hàng bác Tám bán đồ dụng cụ văn phòng, cho học sinh, mua cái plumier đựng viết, viết chì màu và giấy tập,... Mỗi năm nhà mình đều nhờ Bác 8 trai nấu bánh tét và bánh chưng. Cứ cúng ông Táo xong là bà cụ sai mình đem nếp, thịt heo và đậu xanh lên nhà bác. Bác trai không cho mình xem bác gói, bác kêu thằng Phước, con bác vô phụ bác nhưng thằng này rủ mình đi chợ tết.

Chỉ thấy bác lấy một cái chân bằng sắt bỏ vào nồi để tránh bánh ở tầng chót cạnh nồi bị cháy, rồi bỏ bánh chưng ở giữa rồi bánh tét được xếp đứng xung quanh chồng bánh chưng. Nấu một thời gian, bác lại lấy ra, đổi bánh dưới lên trên và bánh trên xuống dưới rồi châm thêm nước nóng để tránh bị sượn. Sau này bác sang lại cái xập ở chợ, mượn tiền bà cụ về nhà mở quán "Mây Hồng" bán chè ở nhà đường Tăng Bạt Hổ. Sau 75 thì xù nợ bà cụ luôn nên hai nhà không qua lại nữa. Bác có mấy người con gái nên mở tiệm cho chúng trông coi, tiếp thị con gái rồi lần lược mấy cô này đều được trai rước đi hết. Hai thằng con trai Phước và Hải thì nghe nói chết sau 75.

Trên lầu có hai bà mà bà cụ mình gọi là mợ, vợ của hai ông cậu bà con, em của bà Võ Quang Tiềm, chị em bạn dì với bà ngoại mình. Hai người này có tiệm ở đường Duy Tân là Long Hưng và Hiệp Thạnh ngay góc Trương Vĩnh Ký. Tiệm Long Hưng nối dài phía TVK có thêm khách sạn Thuỷ Tiên. Bà Phúng là chị, bán vãi và bà Đàng là em cũng bán vãi gần nhau nhưng chỉ khác một điều là bà Đàng buôn bán đắc khách hơn, Có lẽ nhờ tính lanh lẹ, ăn nói linh hoạt còn bà Phúng chỉ ngồi ngáp ruồi. Ngày xưa làm ăn phát đạt lắm, có nhà ở đường Minh Mạng chỗ nhà may Hoàng Nho, sau xây nhà ở đầu đường Duy Tân thì tự nhiên xuống. Hồi bà cụ mình lên 15 tuổi, rời Huế vô Đà Lạt làm công cho gia đình bà Phúng, tiền lương thì bà ấy gửi thẳng về Huế cho Mệ ngoại mình để nuôi mấy bà dì, ông cậu. 

Sau này lớn lên, học được tài buôn bán của gia đình này thì bà cụ xin ra riêng, ra chợ cũ ở khu Hoà Bình buôn bán, rồi lấy hàng ở tiệm bà Phúng ra bán như franchise cả hai đều được lợi vì bà cụ không cần có vốn lớn, mượn đầu heo nấu cháo. Ông Phúng và ông Đàng lúc được bà Võ Quang Tiềm đem vào Đà Lạt thì làm nghề thợ may sau rồi buôn bán mới giàu lên. Lúc có tiền thì ông Phúng chơi bời có vợ bé bỏ bê buôn bán, sau này theo đạo Tổ Tiên Chính Giáo nên không màn đến tiền bạc trong khi ông Đàng thì chịu khó lắm vì con đông, có hai người con đi du học bên Tây. Dạo mình về lần đầu thì khám phá ra bà Đàng gọi vợ mình bằng Chị vì bà phải gọi mẹ của đồng chí gái là Bác vì bà con xa bên vợ mình.

Dần dần thì mấy người em lớn lên, mình nhân danh làm anh bắt mấy cô này ra chợ phụ bà cụ nên rảnh rỗi đi đánh bi da. Sau này bà cụ mình nghe lời cô Ba Chỉ buôn thêm gạo, đường và dầu ăn vì dạo đó giá cả bị lạm phát rất nhanh. Gạo hôm nay mua 1200 đồng tuần sau lên 1500 nên bà cụ mình dùng một căn nhà để trữ gạo và đường, dầu ăn, mướn ông Tác ở gần xóm, có chiếc xe Lam chở gạo mà phải đi tối hay sáng vừa hết giới nghiêm để hàng xóm đừng để ý vì bà cụ không có tiểu bài bán gạo nên hợp với thời khoá biểu của ông Tác vì ban ngày làm công chức của viện Pasteur, còn mình thì bà cụ nhờ đi giao lẻ tại nhà khách hàng.

Dạo đó, chỉ có đại lý và tiệm có tiểu bài mới có thể bán gạo vì sợ tiếp tế cho Việt Cộng. Bà cụ mình không có tiểu bài nên mua chui rồi bán chui. Bà cụ hay mua lại gạo của mấy nhà thờ như ở Tùng Lâm, Đa Thiện,..Mỹ viện trợ gạo cho mấy giáo xứ này nhưng không dùng hết nên bán cho bà cụ mình rồi bà cụ bán lại cho cho các lò bún, lò nấu rượu hay dân thường.

Dạo đó, dân Mỹ viện trợ đồ cũ cho mấy bà sơ ở Domaine de Marie, cho đám con mồ côi được mấy bà sơ nuôi bận nhưng mấy bà sơ mang ra chợ trên bán nên dân Đàlạt bận đồ cũ mỹ rất nhiều, ngày nay họ gọi đồ Sida (AIDS). Nhà thờ này nuôi một đám trẻ mồ côi, hàng năm có tổ chức hội chợ vào mùa Noel, cũng không gì đặc sắc lắm nhưng có cớ để trai gái đi liếc nhau. Mình nhớ mấy bà sơ lấy chiếc xe camionette, kê lên mấy cục đá, tháo cái bánh xe ra, gắn cái cần sắt rồi cho máy nổ thì cái trục di chuyễn như xe đang chạy khiến cái trục sắt cũng quay mấy cái ghế có hình máy bay,.. cho con nít ngồi cũng quay theo. Ngoài ra có các trò chơi quăn lon, bắn súng, rao lô tô mà mình có lần trúng chai rượu dâu khi đi chơi với Phạm Anh Tuấn 11 B.
Có người trong quân đội ăn cắp gạo hay sao đó, bán lại cho bà cụ mình.

Dân thường thì chỉ được mua gạo ở khu phố, đem sổ gia đình lên phường, rồi họ xem có bao nhiêu người thì bán chừng đấy gạo, hình như mỗi người được mua 20-24 kí/ tháng mà gạo do phường bán thì rất xấu nên ai có tiền thì phải kiếm mua gạo thơm ăn. Nhà mình ở khu phố II nên lên số 4, đường La Sơn Phu Tử, cạnh tiệm hớt tóc mua. Thường người ta ra đại lý hay tiệm có tiểu bài mua gạo ngon rồi kêu xe lam chở về trong khi bà cụ mình giao tận nhà cho họ lại không lấy tiền nên họ thích lắm. 

Đi học về là mình ra chợ, lấy tên tuổi địa chỉ, lấy Honda chở gạo giao tận nhà cho họ, mấy lò bún, lò nấu rượu rồi cho mình tiền boa nên không có thì giờ đi đánh bi da. Lúc làm ra tiền thì mình bổng nhiên tiếc, không muốn tiêu phí phạm nên bỏ quỹ tiết kiệm ngân hàng. Có dạo mình đọc báo thấy có công ty ở Saigon bán cỗ phần thì gửi thư mua, lấy địa chỉ trường Văn Học vì sợ ông bà cụ biết mình có tiền nhưng vốn của mình ít quá nên họ viết thư cám ơn. Khi đi Tây thì mình có trong ngân hàng trên 40.000 đồng hay 40 tạ gạo có thể gửi gạo cho 40 gia đình nhưng mình rút ra đưa cho bà cụ. Của César thì trả lại cho César.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn