Nguy Cơ khi Thiếu Sinh Tố B12

Nhớ hồi nhỏ, ở xóm trên đường Thi Sách, có chị M, con bác T, hay xuống nhà mình chơi, hội luận với bà Dì mình về sắc đẹp vì hai người đều có rất nhiều mụn. Một hôm chị M hồ hởi chạy xuống nhà mình, nhờ bà dì nói mấy đứa em đi kêu mình về.

 

Đang bắn bi trong xóm, phải bò về thì chị ta hỏi mình “Bê đui viết làm sao?” khiến mặt mình như bò đội nón. Mình nổi tiếng học ngu từ bé nên không biết cụm từ này. Để chứng tỏ mình ngu thật tình nên dịch luôn ra tiếng tây là “veau aveugle”. Lấy từ điển Petit Larousse ra xem thì cũng không có Bê Đui bê mù gì cả. Mình thử xem béduse cũng không thấy. Ngày nay chắc họ phiên âm thành “Bờ tá”. Chán Mớ Đời 

 

Cuối cùng bà dì kêu mình chạy qua tiệm thuốc Lâm Viên, đường Phan Đình Phùng, hỏi mua. Mình đưa tờ giấy viết chữ ”Bê Đui” diễn dịch từ cách phát âm của chị hàng xóm khiến ông bán thuốc, ông này người rất thấp nhất nhì ở Đàlạt dạo ấy, cười hố hố. Ông này đứng bán thuốc mà chỉ có hai con mắt là cao hơn cái bàn. Chú ấy bảo là B 12 (phát âm tiếng tây là B douze). Hình như ông này có lần muốn đả thông tư tưởng bà dì mình, khi dì mướn một chỗ để may ở tiệm ông Ba Hoà, tiệm Viên Quang, chuyên may liễng đám ma ở bên cạnh tiệm thuốc tây Lâm Viên, ngay chợ nhỏ.


Nếu mình không lầm dạo ấy mấy chất sinh tố B12 được đựng trong các ống thuỷ tinh có 2 đầu dẹp ở hai đầu. Mỗi lần sử dụng là cưa gãy cái đầu dẹp để đổ vào ly để uống. Mỗi hộp vậy là 6 cái ống thuỷ tinh.

 

Dân an nam mít Đàlạt khi xưa, có tật hay dùng từ vựng Tây và phát âm theo giọng Quảng hay Huế nên mình không hiểu lắm. Như đường Duy Tân thời tây, có tên là Maréchal Foch mà mình hay nghe mấy người lớn bên ngoại, gốc Huế nói chuyện với nhau, kêu đường Ma ri xanh phúc. Đến khi qua tây thì mới hết ngu, khi đi ngang đường mang tên ông thống chế Foch.

 

Nghiên cứu cho thấy 25% người Mỹ thiếu sinh tố B12. Thiếu sinh tố B12, có thể đưa đến bệnh ung thư. Đa phần sinh tố này có trong các loại thịt của động vật. Nghịch lý cho thấy người Mỹ ăn rất nhiều thịt, mà lại thiếu loại sinh tố B12. Chưa kể những người kiêng cử ăn uống hạn chế dinh dưỡng vì sợ béo.

 

Sinh tố B12, còn được gọi là cobalamin, rất cần thiết cho sự cấu tạo của myelin, một tố chất giúp các tế bào nối kết với nhau. Người ta hay gọi sinh tố B12 là sinh tố năng lượng vì có chức năng giúp tiêu hoá, biến thể chất béo và tinh bột.

 

B12 giúp hấp thụ chất sắt, giúp hệ thống não bộ làm việc và tăng trưởng, rất cần thiết cho hệ thống miễn dịch trong cơ thể. B12 được tìm thấy trong thịt mà các người ăn chay thì hơi mệt, thêm có nhiều người ăn thịt nhưng không thu nhận được nhiều B12.

Những người thường thiếu sinh tố B12:

  • Trên 50 tuổi
  • Uống các loại thuốc như antacids, Metformin (loại thuốc cho tiểu đường 2), hay các thuốc có thể giảm sinh tố B12 trong cơ thể.
  • Uống cà phê nhiều
  • Có bộ tiêu hoá yếu

Theo thống kê năm 2010, 60 tới 70 triệu người Mỹ có vấn đề thu nhận B12. Lý do là hệ thống tiêu hoá của họ yếu, bị Ulcerative Colitis, Celiac,…

 

Các phân tử B12 to nên khó được hấp thụ. Intrinsic Factor được cấu tạo trong bộ tiêu hoá và giúp B12 di chuyển đến ruột non. Ai mà có vấn đề tiêu hoá thì Intrinsic Factor sẽ được sản xuất ít. Điển hình tại Anh Quốc, Pernicious Anemia, được phát triển khi thiếu Intrinsic Factor, là nguy cơ chính thiếu sinh tố B12.

 

Vấn nạn là khi người ta nhận ra thiếu sính tố B12 thì đã muộn. B12 không được truyền ra ngoài qua nước tiểu như các loại sinh tố khác mà được chứa trữ trong gan, thận,.. Nên sự thiếu sinh tố B12 chỉ được phát hiện trễ nhiều năm sau.

 

Sự liên đới chính giữa sinh tố B12 và ung thư là chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp DNA. Nếu nhận đủ sinh tố B12 hay folid acid giúp trẻ trung hoá. Thiếu B12 và Folate, DNA có thể bị phá vở khi đột biến và ung thư có thể xuất hiện.

 

Thiếu sinh tố B12 đưa đến ung thư ngực. B12 hay folate , rất cần cho “cellular Methylation”. Methylation là một quá trình biến đổi hoá học trong cơ thể, tương tự cái bougie trong xe, cần thiết cho mọi chức năng trong cơ thể.

 

Khi cellular Mythylation không xẩy ra thì các gene tốt bị ngăn cản trong khi các Gene xấu sẽ được xuất hiện. Các nghiên cứu từ 10 năm nay, cho thấy các tế bào xấu ung thư có methylation bất bình thường so với các tế bào tốt. Methylation tốt sẽ giúp thay đổi các Xeno-estrogen trở thành các estrogen bớt độc hơn, giúp giảm thiểu các nguy cơ bị ung thư ngực.

 

Những dấu hiệu cho biết thiếu B12 như sau:

Đầu óc có vấn đề mất trí nhớ. Hay cau có. Hay mệt, thiếu năng lượng. Bệnh trầm cảm, mất trí nhớ ,.. Tốt nhất là nên khám nghiệm nhưng rất khó vì B12 trong máu khó định xét rõ ràng.

 


Cách tốt nhất là nên uống thêm sinh tố B12 một thời gian để xem có tiến bộ, thay đổi. Ăn các thực phẩm có chứa các sinh tố B12 như trứng, cá, thịt, gan… Alo vera (Long Hội, nha đam).

 

Nhs

Nhịn Đói Sống Lâu


Hôm trước, có cô hàng xóm cùng tuổi khi xưa ở Đàlạt, nhắn tin, cho biết độ này đầu óc lêu bêu về miền trả nhớ về không. Một cô bạn khác lại than chỉ muốn bỏ bớt những cái gì cũ trong đầu, chừa chỗ để tọng thêm các thông tin đang cần bồi dưỡng về việc làm, cảm thấy cập nhập hoá tin tức vào óc rất khó khăn hơn trước.

 

Mình nhắn tin lại, kêu giảm cân thì mọi việc sẽ trở lại bình thường. Lý do là 2 cô này rất mũm mĩm. Để mình giải thích, không phải để chọc họ đâu vì các nghiên cứu cho thấy càng mũm mĩm thì não bộ càng nhỏ cho dù não bộ có đến 90% là chất béo.

 

Có rất nhiều nghiên cứu về nhịn ăn qua thú vật từ chuột đến khỉ của những viện y tế độc lập, không bị mua chuộc bởi các công ty dược phẩm và thực phẩm. 

 

Mình có kể vụ thử nghiệm chuột rồi. Họ cho chuột nhịn ăn thì con chuột tìm đường về lại ổ, còn cho ăn nhiều thị bị lú, tìm đường về không được.

 

Nếu gú gồ thì có trên 8,000 kết quả về Intermittent Fasting (IF). Mình thử nghiệm từ 2 năm qua thì thấy kết quả khá tốt cho cơ thể mình. Xuống được 15 cân, BMI <25, tóc bắt đầu đen lại, tập Thái Cực Quyền Dương-gia 8 thức, đi 1 lần kéo dài được 45 phút. Khi xưa, đi chừng 10 phút là oải rồi.

 

Giáo sư Mark Mattson của viện quốc gia y tế (NIH) và giáo sư của đại học John Hopkins, nghiên cứu về IF liên kết với chơi thể thao, giúp cơ thể kháng bệnh rất tốt. Ông ta cho hay nếu chúng ta không để cơ thể trải nghiệm “mild bioenergetic stress” như tập thể dục hay nhịn đói, sẽ không tốt cho các tế bào nhất là khi về già.

 

Ông giải thích: khi chúng ta tập luyện thể thao, chúng ta bắt buộc các cơ bắp và hệ thống tim mạch vận động, tạo thêm các tế bào cơ bắp và ty thể (mitochondria), được xem là các nhà máy năng lượng trong các tế bào. Các thử nghiệm cho rằng khi tập luyện thể thao, chất đạm được tiết ra từ cơ bắp, dưới dạng “Myokines” (Myo= cơ bắp, Kines = báo hiệu), hoạt động như các phân tử trong não bộ, tạo dựng các synapse giữa các tế bào não bộ (synaptic plasticity) và tạo dựng các stem Cell mới ở não bộ. Synapse giúp các neuron có thể liên lạc với nhau.

 

Hình như mình đã có kể về nghiên cứu ở Liên Xô khi xưa. Người ta khám phá ra một cách tình cờ cách chữa bệnh các người bệnh tâm thần. Sống với cộng sản thì sớm muộn gì cũng bị điên. :) Trong một viện tâm thần, một hôm có một bệnh nhân không chịu ăn nên y tá mặc kệ, không lo, ngồi uống vodka. Mấy ngày sau, thì khám phá người bệnh nhân đầu óc tỉnh táo hơn trước. Các bác sĩ cho thí nghiệm với các bệnh nhân khác thì kết quả tương tự. Họ nhận ra là khi nhịn đói, giúp tạo các neuron mới ở não bộ. Mình có xem một phim tài liệu của Nga về vấn đề này. Các bệnh viện tâm thần của nga sô ngày vẫn tiếp tục cứu chữa các bệnh nhân qua phương pháp này. Ngoài ra họ cũng áp dụng phương pháp này với những ai muốn xuống cân.

 

Hầu hết các ước tính cho biết chúng ta có khoảng 100 tỷ tế bào não (tế bào thần kinh), và gấp khoảng mười lần, hoặc một nghìn tỷ, các tế bào hỗ trợ (glia) giúp các tế bào thần kinh.  

 

Não nặng khoảng 3 cân anh, và sau 20 tuổi, người ta mất khoảng một gram khối lượng não mỗi năm. Ba cân anh là khoảng 1,4 kg.  Nếu bộ não nặng 1,4 kg (1400 gram) và có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh, có nghĩa là khoảng 70.000.000 (70 triệu) tế bào thần kinh mỗi gram.


Trung bình chúng ta mất 70 triệu tế bào thần kinh mỗi năm, tương đương khoảng 190.000 mỗi ngày, hầu hết các gram đó không thực sự là tế bào thần kinh. Một số mất mát đó là glia (tế bào hỗ trợ) chết, một số nguyên nhân là do các tế bào thần kinh co lại nhưng không chết, và một số trong đó là các tế bào thần kinh mất đi một số chất cách điện (myelin), khiến chúng chậm hơn, nhưng không chết. 

 

Chỉ có 5% gram là tế bào thần kinh thực sự chết, chúng ta sẽ mất khoảng 9.000 tế bào thần kinh mỗi ngày! Đây là trường hợp chúng ta chăm sóc kỹ lưỡng bản thân. Có rất nhiều điều người ta làm khiến tỷ lệ tế bào não chết cao hơn nhiều. Người lớn đang sử dụng một số loại thuốc làm cho các tế bào não chết. Ketamine, oxit nitơ (khí gây cười) và hít các khí hơi (keo, xăng, chất pha loãng sơn) có thể gây chết tế bào não với tốc độ bình thường gấp 30 lần - gần 300.000 tế bào thần kinh mỗi ngày! Thợ sơn của mình đều phải đeo mặt nạ khi sơn nhà vì mùi sơn rất độc.

 


Rượu Bia cũng làm tăng tỷ lệ chết tế bào não, nhưng ít hơn những thứ khác ... " Có dạo con nít tại Hoa Kỳ hay mua các lon keo xịt tóc, loại rữa sơn, để hít. Người Việt hải ngoại làm nghề nail thì chắc biết, mỗi ngày hít mấy loại sơn móng tay,… mình có biết một chị quen làm nail. Sau này, cứ mỗi tuần phải gọi xe cứu thương chở vào bệnh viện. Mỗi lần, vợ đi đâu, phải sơn móng tay là mình hết dám vào phòng. Mình có một bà dì họ, làm nail, về hưu thì vài năm sau chết vì ung thư.

 

Bệnh có thể làm tăng đáng kể tử vong neuron thần kinh.  Bệnh Alzheimer đứng đầu danh sách này cho thấy sự mất mát đáng kể của mô thị giác và mô thần kinh có thể dẫn đến mất chức năng nhận thức.

 

Mình đọc mấy cuốn sách về các người tù cải tạo, thấy họ nhớ rất nhiều những gì xảy ra trong trại, nhất là các bài thơ, bào hát của bạn tù làm. Điển hình ông Nguyễn Chí Thiện với “Hoa Địa Ngục”, ông ta nhớ rất nhiều. Đói quá giúp các neuron hoạt động và tái tạo. 


Mình có lần nhịn đói 12 ngày thì đến ngày thứ 12, bổng nhiên nhận thấy đầu óc mình cực kỳ sáng suốt, nhớ nhiều chi tiết về một vấn đề gì xảy ra trước đây. Tính nhịn thêm ít ngày để thử nghiệm thêm nhưng đồng chí gái không cho. Để hôm nào đồng chí gái đi công tác, mình làm lại vụ này xem.

 

Mình nghiệm lại khi xưa, ở Đàlạt học cực ngu. Lên năm đệ nhị và đệ nhất, nhà em út đông. Mỗi sáng mình chia phần ăn sáng của mình cho mấy đứa em. Vào lớp đói lắm nhưng bổng nhiên hai năm cuối học cực giỏi, đậu tú tài, được đi du học. Qua tây, sáng nhịn ăn vì không có tiền, đầu óc bổng sáng suốt thêm nên học khiến tây đầm sợ luôn. Ra trường sớm hơn một năm. Nay đọc tài liệu mới hiểu “nghèo học giỏi, giàu học ngu”. Chán Mớ Đời 

 

Qua các thử nghiệm, giáo sư Mattson cho biết là các tế bào cơ bắp và não bộ không được tạo ra khi tập thể dục, chơi thể thao mà chỉ được tạo ra khi cơ thể được nghỉ ngơi. Mình tập 2 tiếng mỗi ngày từ 7:00 tối đến 9:00 tối, sau đó, tắm rữa, uống nước rồi đi ngủ. Từ ngày, mình hướng dẫn các hội viên Đông Phương Hội qua Zoom thì ai nấy đều phấn chấn, không bỏ tập 1 ngày nào. Kinh

 

Theo tiến sĩ Mattson, khi tập luyện thì cơ thể thải các chất đạm, các phân tử bị hư hại. Một khi cơ thể thải được hết các loại rác này thì các chất đạm mới sẽ được cấu tạo. Các synapse được cấu tạo trong thời gian cơ thể được nghỉ ngơi và được bồi dưỡng lại. 

 

Các nghiên cứu qua các súc vật cho thấy nhịn ăn giúp rất nhiều cho autophagy, inflammation, tạo dựng các synapse nhưng cần thêm thời gian để kiểm chứng với con người. Bác sĩ bắt đầu khuyến khích bệnh nhân nhịn ăn để chữa bệnh. Mình theo dõi ông bác sĩ người Gia-nã-đại, Jason Fung thì viện y tế của ông này chữa bệnh tiểu đường loại 1, 2. Nếu lành bệnh loại 1 hay 2 thì loại 3 (Alzheimer) khỏi bị dính. Mình theo dõi nhóm này trên Facebook, thấy nhiều người chụp hình trước và sau 1 năm, rất thành công.

 

Người hồi giáo có lễ Ramadan hàng năm. Ban ngày họ không ăn từ bình minh đến hoàng hôn trong vòng một tháng. Kết quả cho thấy có sự xuống cân, chất béo, hạ áp huyết và cytokines. Ngoài ra còn cân bằng lại lượng đường Glucose.

 

Các người tập tạ, nhịn ăn điểm tâm thì lại giảm chất béo và tạo nên cơ bắp. Có nhiều thể tháo gia ngày nay, ăn chay đoạt huy chương vàng thế vận hội.

 

Qua kinh nghiệm của mình thì ăn trong vòng 8 tiếng rồi ngưng ăn trong vòng 16 tiếng (kể cả thời gian ngủ). Lâu lâu, bạn bè rũ dùng cơm tối cuối tuần thì ngày hôm sau mình nhịn ăn luôn cả ngày, giúp cơ thể có thì giờ để tái tạo lại các tế bào, nhất là các neuron, gần 2,000 cái mỗi ngày. Dạo này mình tìm cách ăn một ngày một bữa nhưng có đầy đủ chất lượng.

 

Mình có chỉ phương pháp này cho mấy tên bạn mỹ thì có 2 tên xuống 20 cân trong vòng 3 tháng và một tên xuống 40 cân trong vòng 6 tháng. Có tên hết uống thuốc tiểu đường luôn. Nó cứ hô hào mình là thánh. Kinh

 

Ngoài ra, họ thử nghiệm với người bệnh suyễn, giúp họ giảm cân và thở khá hơn. Năm 2006, tiến sĩ Mattson thử nghiệm với 10 bệnh nhân bị suyễn và béo phì (BMI >30) trong vòng 8 tuần lễ. Ông ta cho họ ăn một ngày, nhịn ăn một ngày. Họ có thể ăn gì cũng được nhưng bớt 20% lượng thực phẩm trước đây.

 

Khi về già, sự biến hoá trong cơ thể (metabolism) của chúng ta không còn đốt năng lượng như khi còn trẻ nên ăn ít lại thay vì 2,000 calories. Tiến sĩ David Sinclair của đại học Harvard, nghiên cứu về trường thọ, khuyên ăn ít lại. Một ông khác ở bệnh viện USC, chữa trị ung thư bằng cách nhịn đói. Ở Nhật Bản có một bác sĩ khuyến khích ăn mỗi ngày một bữa cơm, tạo nên phong trào OMAD (One meal a day).

 

Kết quả sau 2 tháng, các bệnh nhân này giảm được 8% sức nặng cơ thể, lượng Ketones gia tăng trong những ngày ngưng ăn. Mình có kể về phong trào dinh dưỡng Ketogenic rồi.

 

Thử nghiệm cho thấy lượng serum cholesterol, Triglyceride giảm, ngoài ra các 8-isoprostane, nitrotyrosine, protein carbonyls,  4-hydroxynonenal adducts cũng hạ theo và lượng antioxidants uric gia tăng. Ngoài ra bệnh suyễn cũng thuyên giảm.

 

Hồ hởi ông thí nghiệm thêm về nhịn ăn 2 ngày và ăn 5 ngày trong tuần. Bà Michelle Harvie, nhà dinh dưỡng của đại học Hospital South Manchester Trust và một nghiên cứu gia về ung thư ngực. Họ cho xuất bản kết quả của 2 nghiên cứu vào năm 2010 và 2013 mà ngày nay người ta gọi phương pháp nhịn ăn 5:2. Nhịn ăn 2 ngày và ăn 5 ngày trong tuần.

 

Kết quả đầu tiên của thử nghiệm với 107 phụ nữ béo phì tiền mãn kinh suốt 6 tháng trời. Chỉ có 80% trong số 107 người này là hoàn tất chương trình thử nghiệm, 20% kia bỏ cuộc sau 2, 3 tuần đầu tiên.

 

Kết quả cho thấy lượng insulin giảm rất nhiều, và leptin (một loại hormone kiểm soát ăn uống và dự trữ chất béo), không có androgen  Index (đo lường nguy cơ bị ung thư ngực), LDL Cholesterol, và Triglyceride, áp huyết giảm. Kinh Nguyệt cũng lâu hơn.

 

Họ cho thử nghiệm cho người bệnh Multiple Scherosis nhịn ăn IF 5:2. Cũng tại đại học Hopkins, hai bác sĩ Kate Fitzgerald và Ellen Mowry nghiên cứu 36 bệnh nhân bị bệnh MS trong vòng 8 tuần thì thấy có nhiều thay đổi tích cực nhưng cần thêm thời gian để nghiên cứu.

 

Họ nghiên cứu về bệnh mất trí nhớ alzheimer. Họ lựa 40 người từ 55 đến 70 tuổi, béo , bệnh tiểu đường và cho ăn theo chế độ 5:2. Người ta gọi bệnh Alzheimer là bệnh tiểu đường loại 3.

 

Sau 8 tuần thử nghiệm, họ cho MRI các bệnh nhân về các hoạt động của não bộ, sự thay đổi của máu lưu thông. Họ khám phá ra các tế bào não bộ BDNF (Brain-derived neurotrophic Factor) gia tăng. BDNF giúp đầu óc sáng suốt thêm và giúp trí nhớ.

 

Hôm qua, mình ghé thăm ông cậu bà mợ. Mợ mình hơn mình có 10 tuổi mà nay đã trả nhớ về không. Thấy thương. Mình có nhắn tin cho cô em họ, nói cho mợ uống sinh tố B3 Niacin nhưng không thấy trả lời. Não bộ rất cần sinh tố B. Có dịp mình sẽ kể vụ này.

 

Nhịn ăn vừa không mất tiền mua thức ăn, không mất thời gian ăn lại giúp có trí nhớ, một loại thuốc cực tốt nhưng thiên hạ không chịu vì họ thích ăn, nhất là đồ ngọt. Chán Mớ Đời 

 

Hôm trước, nói chuyện với anh bạn, bị tiểu đường lâu năm. Mình hỏi anh ta có theo dõi một nhóm bệnh nhân chữa bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 với phương pháp của bác sĩ Jason Fung, Gia-nã-đại. Phương pháp nhịn ăn này chữa được tiểu đường loại 1.  Hình như mình có kể vụ này rồi.

 

Anh bạn kêu có thử phương pháp này nhưng không có kết quả. Mình đoán là anh ta thử một tuần lễ rồi không có ý chí để vượt qua số phận nên bỏ. Mình thấy trên Facebook, có mấy người kiên trì tự chữa kiểu này, hơn năm trời. Giảm cân đâu 70 cân anh, người thon và quan trọng nhất là không còn phải uống thuốc tiểu đường hay cao mỡ.

 

Bệnh tiểu đường, cao mỡ, … không phải tự nhiên chúng đến mà là kết quả của một quá trình ăn uống không đúng đắng mới xuất hiện. Do đó muốn đi ngược lại quá trình cũng phải cần thời gian dài để thực hiện. Chúng ta sống trong thời đại “Fast & Furious” nên làm gì cũng muốn mau thực hiện do đó khó thực hiện. Chỉ còn uống thuốc mà thuốc sẽ đưa đến những hệ ứng phụ.

 

Bà cụ mình năm nay 88 tuổi, mỗi ngày đều đi bộ mấy cây số lên Số 4, khúc đường La Sơn Phu Tử để tập dưỡng sinh. Mẹ mình làm tính nhẩm còn nhanh hơn mình, răng vẫn đều đặn, đọc báo không cần đeo kính lão.

 

Nhs

Cắm Cỏ Nạy Thầy

Cắm cỏ nạy thầy

 

Nhớ năm 1987, nghe lời người đẹp hẹn non hẹn biển, sang Mỹ để chuẩn bị quản lí đời nhau. Mới sang New York chưa đầy 24 tiếng, cô nàng bảo em là gái thuyền quyên, cha mẹ đặt đâu ngồi đó rồi bảo mình mối tình hữu nghị của em đã phai dần theo lon sơn Bears rồi cúp cái rụp. 

 

Lúc đó mới hiểu câu nói của thầy Diễm, dạy Luận Lý khi xưa: "Đàn bà nói có là không, nói đi là ở, lấy chồng đi tu". Đau như bị bò đá nhưng mình vẫn gượng cười đi cày ngày chưa đủ tranh thủ cày đêm để quên mối tình đầu ở Mỹ như Elvis Phương rên rỉ “ôi đàn bà,…”. Tây hay nói "jamais deux sans trois" nên sau này mình lại bị đá lên đá xuống như bị dính cái huông "bị gái đá."

 

Một hôm, Sơn Taxi ghé lại nhà, nghe mình than thở, bảo có lẻ nhà mày có ma nên nó ghen, cản mày kiếm vợ, rồi chở mình lên vùng Bronx, gần đại học Columbia để gặp một thầy cúng, gốc Tây Ninh. Nghe thằng Sơn Taxi kể ông này học bùa ngải của Miên, đi vượt biển, hải tặc lấy mả tấu chém trúng người không hề hấn chi khiến chúng quỳ lạy như tế sao. Ông ta lấy nắm muối hột, đọc thần chú phun đám âm binh vào mặt chúng, tóc tai bị cháy, nhảy xuống biển hết. Dân vượt biển quỳ lạy ông ta như Thánh Sống, lên đảo được mọi người trọng vọng, cơm chiều cháo ngày rồi định cư ở New York.

 

Hình như mình đã có lần kể về tên này. Hắn cũng tên Sơn nên phải nhắc lại cả bà con tưởng lầm là mình. Hai anh em hắn gốc Bùi Chu, vượt biển rồi định cư ở New York. Nó mê ông Phạm Kim Vinh qua cuốn “đời Phi Công” nên đâm đầu đi học kỹ sư hàng không. Khi ra trường, gặp lúc kinh tế suy thoái, tổng thống Reagan dẹp bớt chương trình quốc phòng nên hắn tìm không ra việc đành lái taxi, trong khi đợi ngày mai tươi sáng hơn. Hắn có thằng em, tốt nghiệp đại học, đi làm, cuối tuần hát nghiệp dư cho ban nhạc đám cưới Hạ Trắng ở vùng New Jersey, New York.

 

Tên này ăn nói hoạt bát, tuổi Con gà, cũng đang kiếm vợ nên chỗ nào có hội hè là có mặt hắn, chỉ khổ bố mẹ mấy đối tượng nghe Cử nhân lái taxi là chê nên hay ghé nhà tâm sự với mình, cùng một lứa bên trời lận đận. Có hôm nhà thờ mách, giới thiệu cô nào đã một lần dang dỡ, hắn lên đồ đi gặp để đả thông tư tưởng. Sau đó mình có hỏi thì ông thần thở dài bảo: "tưởng nó có hai con ai ngờ nó chơi một phát 5 con. Tao tưởng 2 con thì lấy về khỏi cần đẻ, ai ngờ 5 đứa, hèn chi thằng chồng cũ bỏ trốn là phải".

 

Mình chán đời vì cứ bị đàn bà con gái đá nên đi theo nó hy vọng tìm ra chân lý cuộc đời người ế vợ. Vào căn hộ ở lầu 3 của ông thầy cúng là rợn tóc gáy, xung quanh toàn là mỹ đen với máy cassette, nhạc nổ to đại bác. Ngay trước cửa là thấy cái gương bát quái to như cái mặt trời, chiếu sừng sừng vào mặt mình. Sơn taxi bấm chuông thì có một tên bận áo quần như Khương đại vệ trong phim Tân Độc Thủ Đại Hiệp, áo trắng viền đen, cánh tay rộng, đầu bối tóc củ hành mở hé hé cửa như sợ ăn trộm. Căn phòng ngộp thở vì nhang đèn. Trên tường thì thấy treo mấy tấm sớ, bàn thờ Quan Công, Phật Ông , Phật Bà rồi có bức tranh 2 ông Hoa Đà, Biểu Thước mà ngày xưa đọc Tam Quốc Chí, có thấy hình hai ông thần dược sư. 

 

Trên tường của bàn thờ tổ thì thấy đủ lá bùa, viết nhì nhằng chữ tàu, chữ Phạn, chữ Thái,... Ngoài ra có cái lồng chim, được che phủ bới cái khăn màu trắng. Sơn Taxi chào thầy rồi giới thiệu mình, một nạn nhân trong cuộc nhân mãn thiếu phụ nữ gốc Việt. Ông thầy hỏi Sơn taxi về vụ đi gặp cô bé " ra đường em hãy còn son về nhà em đã 5 con cùng chàng". Ông thầy viết cho hắn Lá bùa trước khi đả thông tư tưởng với cô bé 5 con. Sơn taxi kể là tốt lắm, chỉ có điều hơi ngại là cô nàng có 5 con, nuôi chắc mệt lắm.

 

Thầy bảo cứ giữ cái bùa dùng khi gặp cô khác rồi thầy hỏi mình tuổi chi thì mình bảo tuổi Tý, giờ Tý thế là thầy bấm độn, nhắm mắt đọc lâm râm, vừa bấm mấy đốt tay Tí Sửu Dần Mẹo Thìn,...., rồi phán anh tuổi Tý là tuổi con chuột, Tiếng Anh gọi là ờ mau xờ, số nhiều gọi là dờ mai xờ. Chuột thì có nhiều loại, có loại chuột chù, chuột bạch, chuột đồng, chuột cống, chuột nhí,.... Anh thuộc loại chuột nhắt nên chả làm nên được sự nghiệp gì cả trong đời, sau này chỉ ăn bám vào vợ, học hành thì chả đi đến đâu. Mình tái mặt, hỏi thầy có cách nào không để giúp con trở thành chuột cống hay chuột chù. Thầy bảo Thiên cơ bất khả lộ, nhưng nom người anh thì trông trâu bò đấy nhưng được cái Tâm của anh tốt, rồi thầy chép miệng thở dài, thôi thì có duyên gặp nhau thì thầy sẽ giúp cho.

 

Thằng Sơn thúc cùi chỏ mình, ra hiệu đưa tiền cho thầy. Tuy sót của mình đành rút ra 1 vé đặt lên cái đĩa trước bàn. Thầy liếc mắt trên cái đĩa thấy 1 vé, phấn chấn liền bảo tôi quý anh lắm mới làm chuyện này vì sư phụ tôi tu 30 năm ở Núi Bà Đen với thầy Huỳnh Phú Sổ, bảo là tổn thọ. Giúp người tổn thọ lắm. Mình nghe đến thì cảm động, xá thầy 3 cái kêu con đội ơn thầy, ơn này kiếm được vợ, kiếp sau con sẽ không quên, mong thầy giúp cho được vợ vì bố mẹ ở Việt Nam, cứ viết thư bảo lấy vợ. Mình đọc tam Quốc Chí nên bắt chước Tào Tháo không bao giờ cho ngày sinh tháng đẻ cho Thiên Hạ biết. Cứ phang tuổi Tý giờ Tý tháng Tý, cứ như tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

 

Thầy đứng dậy, thắp 3 cây hương rồi vái bàn thờ tổ 2 cái, rồi đến bàn thờ Phật, bàn thờ ông Victor Hugo,... Rồi khua tay múa chân, miệng lẩm bẩm cho con xin được một quẻ, cắm ba cây hương trên bát nhang. Thầy lấy cái lồng chim, cởi tấm khăn phủ thì thấy một con chim trắng trong lồng. Thầy đem cái lồng đặt trên bàn rồi đưa mình một bộ bài loại tương tự bài chòi, tổ tôm bảo mình sóc 9 lần vì vía con trai rồi thầy rãi mấy Lá bài trước cái lồng. Từ từ mở cái cửa lồng, con chim thót nhảy ra, quơ đầu nhìn ngang nhìn dọc như đòi nợ, thầy lấy cái hộp đựng kê, bỏ vài hột cho chim ăn. Ăn xong nó chu mỏ, kéo mấy Lá bài ra rồi mổ con bài bên tay trái, thầy bảo mình cầm lá bài lên trong khi thầy thưởng con chim thêm vài hột kê rồi bỏ vào lồng, phủ cái khăn lên.

 

Thoạt đầu, mình không tin nhưng thấy con chim dùng mỏ rút quân bài thì tá hỏa tam tinh trong khi thằng Sơn taxi bảo thầy tu núi Bà Đen hay chưa, mình nhất trí ngay. Thầy bảo mình xem lật quân bài thì thấy có bức tranh vẽ một người nằm trên giường, ở góc giường thì có một người đàn bà thì chả hiểu gì cả. Thầy cúng hỏi anh thấy cái gì thì mình tình thật nói một người nằm trên giường và một cái khuôn mặt đàn bà tóc dài.

 

Thầy cầm cái bình trà, rót vào cái tách rồi từ từ cầm lên uống một ngụm rồi đặt xuống, răng nghiến lại, rít rít cho hương vị trà thấm vào cổ, súc miệng rột rột trong miệng rồi nuốt cái ực, chậm rải, từ từ thầy phán. Người nằm trên giường là anh còn người phụ nữ là người chết trong nhà anh ở. Con ma này chết oan, không ai làm lễ nhà thờ để nó về đất chúa hay đầu thai, nó ghen nên phá không cho anh gặp người tình 100 năm. Cô nào mà anh theo là nó sẽ cản. 

 

Thầy nói đến đây thì mình há mồm, tá hỏa tam tinh. Tuần rồi con Jennifer, khi không dẫn xác lại nhà không báo trước, bảo đi ngang qua Holland Tunnel bị kẹt xe, nhớ đến mình ở gần nên ghé lại thăm, đợi hết giờ cao điểm thì về. Ngồi chơi rồi cũng ôm hôn thắm thiết đến lúc cao điểm thì con Mỹ bổng tái mặt, hỏi mình có bao cao su không. Mình bảo đâu phải CHHV đâu mà có sẵn trong phòng. Thế là con bé, đứng dậy, kêu xo ri, xo ri để lần tới rồi trốn luôn.

 

Mình rùng mình, hỏi thầy giờ phải làm sao. Thầy nhìn mình với đôi mắt buồn so như Lưu Bị, lắc đầu bảo Thiên cơ bất khả lộ. Thằng Sơn taxi chen vào nhờ thầy làm ơn làm phước giúp dùm thằng bạn đói vợ, ế vợ từ Tây sang Mỹ. Thầy lắc đầu, chắt miệng bảo thất Đức lắm con ơi, thất đức lắm. Tổn thọ con à.

 

Thầy thì tuổi trẻ hơn mình độ 30 mà cứ gọi mình bằng con, muốn điên tiết nhưng muốn trừ con ma trong nhà nên phải năn nỉ, trình cho thầy thêm một vé. Mặt Thầy lại càng nhăn nhó, đau khổ, bảo anh có Duyên đến gặp tôi giờ Thân, coi như thân thuộc nên tôi xin phép tổ, cứu anh dù phải chết non. Thầy tôi có dặn là cứu một mạng người còn hơn xây 9 cái chùa. Thôi thì tôi đành chịu tổn thọ vậy. Mình quỳ thụp xuống, vái con cắn cỏ nạy thầy, giúp cho con, mắt vẫn liếc liếc 2 tờ $100, lòng xót xa. 40 tô phở Pasteur ở Chinatown. Kinh

 

Thầy bảo tuần tới, rằm sẽ ghé nhà cúng cho anh, trừ yêu đuổi tà. Anh phải sửa soạn một con gà trống thiến để con ma cái thấy thiến là nó chạy. Ra chợ Tầu mua nhang đèn, trái cây, rữa cho sạch để thầy cúng thánh thần, thổ địa. Cần nhất là anh phải tắm, chay tịnh cả tuần nhé. May mà thằng Mỹ ở chung, cuối tuần tới bay về Cleveland thăm mẹ nó chớ nhang đèn khói lửa trong căn hộ sẽ làm nó lo ngại, dám tống cổ mình ra đường.

 

Đúng giờ thằng Sơn Taxi chở thầy đến. Thầy vào phòng tắm, thay bộ đồ Tân Độc Thủ Đại Hiệp, phía sau có thêu hình Kinh Dịch Âm Dương trắng đen, tay cầm cái trống nhỏ bỏi mà hồi nhỏ mình hay mua lắc lắc nghe tưng tưng, rồi lập bàn, xếp chuối, cam, bông trên bàn thờ như Gia Cát Lượng khi xưa, lập đàn cầu mưa gió bão để đánh Chu Du và Tào Tháo. 

 

Xong xuôi thầy đốt bó hương rồi quơ tay múa nhang vòng vòng rồi chắp tay lạy bàn thờ tổ, miệng lâm râm xin tổ cho kẻ hèn này ăn mày một quẻ thì bổng nhiên tiếng chuông báo động trong hành lang kêu in ỏi. Té ra nhang khói bay ngập phòng nên cái chuông báo động phòng cháy kêu ré ré như ma thiên linh cái kêu. Mình vội chạy lại, leo ghế tháo cục pin ra rồi chạy lại bàn thờ quỳ tiếp, thành khẩn nghe thầy niệm thần chú rồi múa may như mấy bà lên đồng ở am Mệ Cai khi xưa trong tiếng nhạc cà xình tưng tưng từ cái máy Cassette.

 

Cuối cùng thầy hỏi phòng mình đâu, rồi lấy mấy Lá bùa màu vàng chữ đỏ để dán lên cửa một cái, trong phòng thì thầy cuộn một Lá bùa làm tư rồi nhét vào cái gối rồi cột mỗi chân giường một cái với băng keo trắng. Sau đó, thầy rút kiếm ra, tóc xoã ra như Khương Đại Vệ trong Thập Tam Thái Bảo trước khi bị tứ Mã phanh thây. Thầy múa kiếm, theo hình Bát Quái lâu lâu đâm mấy nhát kiếm, dương đông kích tây, miệng lâm râm niệm chú "ai tôn du, gô ờ quây, lét him ờ lôn lúc kinh pho hít quai,..."  rồi bổng nhiên thầy hô to Biến và chỉ cái cửa sổ đang mở dù mùa đông. Thầy bảo ma này là ma mỹ nên phải niệm chú bằng tiếng ăn lê. Thằng Sơn bảo mình thấy chưa thầy tu luyện Thiên Linh Cái nên học cao biết rộng, biết đủ thứ.

 

Xong xuôi thầy dán thêm một Lá bùa trên cửa sổ, thằng Sơn Taxi bảo nhỏ mình đưa thầy 3 vé, thế toi mất 5 vé để đuổi con ma cái ra khỏi phòng để tránh đàn bà hỏi vớ vẫn trong giờ cao điểm. Thằng Sơn mời thầy ra phố Tầu dùng cơm nhưng thầy bảo bận vì chiều nay có đám khác ở bên Queens nên hẹn khi khác rồi ra về với thằng Sơn. Còn lại mình phải mở cửa chính, cửa sổ ngoài phòng khách để khói hương bay ra, dọn dẹp chiến trường sau cuộc đấu trí và lực của thầy và con ma cái Mỹ ghen tương.

 

Đố các Bác chuyện gì đã xẩy ra sau đó? 

Chúc các bác trai một ngày Từ Phụ vui vẻ. (Còn tiếp)

 

Nhs

Người Cha Anh Hùng

Người Cha Anh Hùng *

 

Trong tuần, mỗi tối mình đi tập võ còn cuối tuần thì đi câu lạc bộ thể thao với đồng chí gái. Mình bơi trong khi đồng chí gái tập kickboxing hay zumba. Nhìn đồng chí gái tập đấm đá làm mình lo ngại nên ở nhà không dám làm trái ý vợ, sợ bị đòn như trong phim "Enough is Enough".

 

Khi bơi, mình thường gặp hai hình ảnh rất đẹp về "người cha anh hùng". Một người gốc Pakistan, dẫn người con trai bị bệnh tâm thần vào bơi. Ông ta hay đứng mĩm cười, nhìn con tung tăng vùng vẫy trong nước. Sau đó, vào phòng tắm, dưới vòi sen kỳ cọ, tắm rửa cho người con. Mình không dám gợi chuyện, chỉ đứng xa xa nhìn bức ảnh hiện thực về tình phụ tử mà mình từng ước mơ thời bé được ông cụ chăm sóc.

 

Tranh ảnh thường có nhiều đề tài về mẹ và con, ngay cả chữ Tàu cũng ghép chữ Mẹ và Con thành chữ Hảo . Có lẻ do ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo với các hình ảnh thiên thu; đức mẹ Maria ôm khóc Chúa Giê Su chết cho nhân loại như bức tượng La Piéta của Michelangelo,…hay người con bị ràn buột bởi cuống rốn nối liền với người mẹ.

 

Chủ nhật, trong khi cô con gái sinh hoạt hướng đạo thì vợ chồng mình đi câu lạc bộ gần đó để bơi thì thường thấy một người đàn ông gốc Tàu, ra hồ bơi để dành chỗ, sau đó có một cô huấn luyện viên đưa cô con gái bị bệnh ra bơi. Cô con gái bị khuyết tật nên phải ngồi xe lăn. Ông bố đứng trên bờ, nói nhỏ nhẹ để động viên cô con gái tập bơi với huấn luyện viên.

 

Tuần nào mình cũng thấy hình ảnh của hai "người cha anh hùng", đậm tình thương con, bỏ cả buổi sáng để chơi, chăm sóc cho người con tật nguyền nên thường cám ơn Trời Phật đã cho vợ chồng mình hai đứa con lành lặn, thông minh như mẹ chúng. Hoạ sĩ Bé Ký chuyên vẽ tranh về hình ảnh người mẹ và con. Theo chữ Hán, hai chữ mẹ và con hợp lại thành chữ Hảo. Hoạ sĩ Bé Ký mồ côi cha mẹ sớm nên khắc khoải về người mẹ. Hồi nhỏ thường nghe nói rằng; ra đường gặp đàn bà có bầu là hên, có lẻ do chữ Hảo. Không biết nếu gom hai chữ cha và con thì theo chữ hán có nghĩa gì?

 

Trong văn hoá VN hình như chỉ nói, đề cao đến tình mẫu tử, tình thương của mẹ như bài ca bất tử "lòng mẹ" của nhạc sĩ Y Vân, bài thơ "bông hồng cài áo" của ông Nhất Hạnh,... Ít khi nghe nói đến tình phụ tử, ngoài câu "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Có thể các nghệ sĩ, đa số là đàn ông nên hay nói về người mẹ hơn? Hay vì đất nước bị chinh chiến quá lâu trong lịch sử, nhiều thế hệ đàn ông phải ra trận nên ít có thời gian sống bên cạnh vợ con nên người mẹ phải gánh vác thêm vai trò của người cha vì "con không cha như nhà không nóc".

 

Có lần, một cô em nói với mình; tuy không muốn so sánh tình thương dành cho ông bà cụ nhưng cô thương bà cụ nhiều hơn. Một cô em khác kể, hồi nhỏ đi học thấy bạn học được cha chăm sóc nên cũng thèm được gặp mặt bố, có cha bên cạnh. Dạo đó, ông cụ mình đang ở trại cải tạo nên mấy đứa em mình lớn lên không thấy mặt cha trong vòng 15 năm. Khi ông cụ về thì chúng đã lớn, ra riêng nên thiếu vắng bóng cha trong những năm tháng ấu thơ. Có lẻ vì vậy, từ nhỏ mình và mấy người em, chỉ có bà cụ để nương tựa nên thương mẹ hơn. Dạo mình còn ở nhà thì sau cơm tối, ông cụ đi uống cà phê với bạn, hay đến sở để kiểm soát nhân dân tự vệ canh gác nhà máy, sợ Việt Cộng phá hoại đến gần giới nghiêm mới về nhà cho nên tuy sống chung nhà, mình hay mấy đứa em ít có dịp tâm sự với ông cụ.

 

Mình sinh sống tại Đà Lạt 18 năm nhưng chỉ sống có 9 hay 10 năm với ông cụ. Hồi nhỏ thì ông cụ còn trong quân đội. Khi giãi ngủ thì có sống với ông cụ 1 năm sau đó ông cụ bị đỗi lên Ban Mê Thuột đến gần Mậu Thân mới trở lại Đà Lạt. Dạo ấy, ông cụ còn trẻ, học chữ Nho, rất liêm chính nên không ăn hối lộ, không nhận chia chát của các đồng nghiệp nên bị họ cố tình vu oan để bị thuyên chuyển. Bố Phạm Thành Nguyên kể cho mình: khi thanh tra từ Saigon lên thì các người làm chung cơ quan, bỏ cây thuốc lá 555, rượu tây trong hộc bàn của ông cụ nên bị đổi đi xa, ở Ban Mê Thuột. Khi ông cụ được chuyển về lại Đà Lạt thì mình bắt đầu lớn nên không gần ông cụ lắm. Mình không có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu với ông cụ ngoài những trận đòn. 

 

Sau này có con, mình không muốn chúng thiếu thốn hình ảnh người cha như mình khi xưa nên đi làm về, chỉ muốn giúp con học, làm bài tập, hướng dẫn chúng chơi thể thao, nấu ăn cho con, lo điểm tâm buổi sáng và cơm trưa khi đi học. Mùa đông khi đưa con đi bơi, phải ngồi ngoài trời, mưa gió để xem con tập bơi, tuy lạnh nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì có con để chăm sóc, chia sẻ niềm vui khi con đoạt huy chương hay an ủi con không phá kỹ lục cá nhân, của đội bơi,... 

 

Tối mình đọc sách, kể chuyện VN, đời xưa, kiếm hiệp, Tam Quốc Chí, Hạng Võ Tranh Hùng, Đông Chu Liệt Quốc,.. cho hai đứa con trước khi đi ngủ. Có lần mình đi học ban đêm về khuya, thấy hai đứa con nằm ngủ trước cửa phòng của mình, đợi bố về đọc truyện, hôn lên trán nên từ dạo đó đi đâu, mình phải về trước 9 giờ tối để đọc truyện cho con.

 

Có lần vợ đi công tác 4 tuần ở New York, mình hỏi con Bé có nhớ mẹ không thì rất ngạc nhiên về câu trả lời. Con Bé nói nhớ nhưng thật ra trong ngày, nó gặp mặt mình nhiều hơn là mẹ nó khiến mình phải báo động với đồng chí gái để xử lí vấn đề này. Sáng chúng đi học thì đồng chí gái còn ngủ, chiều khi đồng chí gái về thì chúng đã ăn tối và đang làm bài tập sau khi tập bơi hai tiếng. Có lần đồng chí gái dậy sớm để chào con Bé trước khi đi học, lăng xăng đem cái cặp của con ra xe nhưng nó vùng vằng như mình khi xưa, khi được bà cụ chăm sóc. Trong xe mình phải giải thích cho con Bé là không nên làm như vậy. Mình hiểu tính nó hơn mẹ nó. Khi bơi về, mình vẫn để nó vác hai cái sắc đựng đồ bơi và trợ cụ thể thao, đem ra xe.

 

Cuối tuần mình ráng kéo gia đình họp mặt, ăn uống để có thời gian đả thông tư tưởng với nhau. Mình đọc ở đâu, nói rằng, giờ tan học là lúc dễ đả thông tư tưởng với con vì chúng mới tan học nên có những gì điều muốn kể cho một ai đó nghe nên mỗi lần đón con là mình phải hỏi con xem trong ngày ra sao. Làm ăn của mình bị lệ thuộc và giờ giấc của con nên sau 2 giờ chiều thì coi như hết làm việc, chỉ dành thời gian sau đó cho con nên phải thức dậy sớm từ 4 giờ sáng để làm việc. Dù chúng có bằng lái xe, thay vì mua xe cho chúng như đa số bố mẹ ở Cali để khỏi đưa đón nhưng mình vẫn cố gắng đưa đón con để có thì giờ đả thông tư tưởng với con. Nay thằng con đầu đi học xa nên chỉ còn cô con gái nên thư thả hơn.

 

15 năm trước có người rao bán 5 mẫu đất cách nhà khoảng 2 tiếng lái xe. Thành phố cho phép mình xây 40 căn nhà. Mình tính xây xong thì cũng lời $50,000.00/ căn nên tính dọn lên đó, để gần công trường nhưng nghĩ con còn nhỏ. Sau 3 hay 4 năm chỉ gặp con vào cuối tuần thì khi xây và bán xong 40 căn nhà thì tuy có tiền nhưng con mình lại nối gót con bà Thiếu Phụ Nam Xương, chỉ cái bóng khi đêm về, kêu là bố thì mệt nên mình quyết định không thực hiện dự án xây nhà. Ngày nay, mình cám ơn đồng chí gái đã chấp thuận sống bình dị, cùng một lứa bên trời lận đận, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống giản dị thường nhật.

 

Có lẻ kỷ niệm về ông cụ mà mình nhớ mãi là lúc chia tay nhau ở phi trường Tân Sơn Nhất, trước khi đi tây. Ông cụ chỉ nói được: " Từ nay con tự quyết định, tự đinh đoạt, Ba Má ở xa" rồi bật khóc. Có lẻ đó là lần đầu, mình thấy ông cụ khóc thật sự trước đám đông. Gần đây, mình có liên lạc được với anh của người bạn học cũ Đàlạt xưa, anh ta kể là sau khi mình đi du học, có lần anh ta gặp ông cụ mình lên nhà anh ta, nói nhớ mình quá.

 

Sau này, không được trao đổi thư từ với ông cụ trong thời gian 15 năm ông cụ ở trại cải tạo cho nên sự liên hệ của mình với ông cụ không được bồi dưỡng nghiệp vụ làm con. Mỗi lần gọi điện thoại về VN thì mình nói chuyện với bà cụ nhiều hơn vì ông cụ bị lãng tai nên trong điện thoại khó nghe. Sau này, con mình đi học xa, bên âu châu hay á châu, gọi điện thoại cho mẹ chúng thì mình cũng chỉ đứng bên cạnh để nghe, hai mẹ con nói chuyện đủ vui tương tự ông cụ mình khi xưa.

 

Thói quen của 15 năm trong trại cải tạo vẫn còn nên có mua cho ông cụ máy trợ thính nhưng ông cụ sợ tốn pin nên không sử dụng. Nghe kể ông cụ chắt chiu từng cái lưỡi lam để cạo râu, bàn chãi đánh răng,... thì thấy thương "người cha anh hùng" của mình, bị phe thắng cuộc đày đoạ sau cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.

 

Trong bản nhạc "papa" của Paul Anka có câu " your children will live through you". Mình quan sát mấy đứa con thì nhận thấy: chúng có những tính, suy nghĩ cũng gàn gàn, bướng bướng như mình thì nghiệm lại những đức tính di truyền đó mình thừa hưởng từ ông cụ. Mỗi tối cả nhà tập Trạm Trang Công trước khi đi ngủ. Khi mỏi thì vợ ngưng nhưng hai đứa con vẫn kiên trì, có lần con bé khóc, mẹ nó bảo ngưng nhưng nó vẫn quyết đứng cho xong 15 phút khiến mình mĩm cười. Hổ phụ sinh hổ tử. Bọn chúng hay nói chuyện với mình về chính trị, kinh tế, văn chương tây phương. Mình nhờ khi xưa học trường tây, sau này sang Tây học về Mỹ Thuật nên biết nhiều về địa lí, lịch sử tây phương hơn đồng chí gái nên khi làm bài tập chúng đều hỏi mình.

 

Mình quen đọc sách báo từ nhỏ vì ông cụ mua báo hàng ngày. Khi giãi ngủ thì ông cụ đi học thêm ban đêm để thi bằng tiểu học để được vô ngạch. Sau này mình và mấy cô em gái cũng chịu khó đi học đêm thêm, thừa hưởng tinh thần cầu tiến của ông cụ. Trong nhà chỉ có một cô em làm cán bộ nhà nước, ty thuế vụ, thừa hưởng cái tính liêm chính của ông cụ nên nghèo, tuy giỏi nhưng vì lí lịch gia đình nên không được thăng chức, nhưng tổ trưởng hay giao đi công tác ở các thành phố xa để kiểm toán các công ty lớn, cần cán bộ có trình độ cao.

 

Có lẻ thời gian 15 năm, ông cụ ở trại cải tạo là thời gian mình nhớ và nghĩ đến ông cụ nhiều nhất. Khi ăn một bửa cơm ngon ở trời Tây thì nghẹn ngào khi nghĩ đến ông cụ trong trại cải tạo, đang chịu đựng sự trả thù của chế độ mới hay đàn em 10 đứa lầm than ở VN. Dạo đó có bản nhạc của Việt Dũng rất thịnh hành "Một chút quà cho quê hương" càng khiến mình te tua khi nghĩ về gia đình, quê hương. Mình đọc cuốn "trại Đầm Đùm" nhiều lần để mường tượng đến không gian mà ông cụ đang thoi thóp, mỏi mòn trên quê hương khốn khổ, hay hát "Ai về xứ Việt", thơ của cô Minh Đức Hoài Trinh, người dạy mình đàn tranh, được Phan Văn Hưng phổ nhạc. 

 

---- 

Ai đi về xứ Việt, thăm dùm ta người ấy ở trong tù

Cho ta gửi một mảnh trời xanh biếc

Thay dùm ai màu trời Ngục âm u

Bố của ta ơi! Bao giờ được thả?

Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi?

Được lắng nghe tiếng chim cười?

Đến bao giờ? Đến bao giờ....

 

Sau này mình không đụng đến cái đàn vì những bài hát hoài cố hương, nhớ gia đình khiến mình chán nản, không thiết làm gì nên tránh các sinh hoạt của người Việt để chú tâm học cho xong. 

 

Có nhiều người sống vài năm trong trại cải tạo, viết sách kể về những năm tháng tù đày trong Quần Đảo Ngục Tù nhưng mình không thấy ông cụ nói gì về những năm tháng trong trại. Hình như ông cụ không muốn nhắc lại những tủi nhục của những năm tháng đoạ đày, trong sự trả thù, hả hê của kẻ chiến thắng. Như con thú bị thương chỉ muốn tìm một chỗ yên tịnh để tự hàn gắng vết thương. Cũng có thể đời sống 15 năm trong trại cải tạo, sự trả thù của quản giáo, kiểm điểm, sợ bị ăng ten chỉ điểm nên ông cụ quen dấu kín những suy nghĩ riêng tư, không cho người khác biết.

 

Mình nhớ lần đầu về VN, sau khi nghe tin ông cụ được thả. Mình bay về VN để thăm vì nghe nói khi họ thả là coi như gần chết. Tuy không muốn về nhưng phải khắc phục, bay về gặp ông cụ để sau này không ân hận như khi xưa ông cụ không gặp được ông nội sau 27 năm. Khi gặp ông cụ ốm gầy, đôi mắt vẫn sáng quắt như xưa. Ông cụ chỉ nói được câu: " sao giống Nhật Bổn thế". Ông cụ thích ăn m&m, khi hết thò tay lấy thêm một gói nữa thì cô em út kêu "7,000 đó Ba" khiến ông cụ hốt hoảng rút tay về như người bị phỏng nơi bếp. "Thế à" ngắn gọn như một người thất chí chấp nhận số phận nghiệt ngã mà ông trời dành cho mình. Mình vội nói cứ để ông cụ ăn. Có lẻ đó là giây phút đẹp, bức tranh hiện thực nhất nhìn ông cụ ăn kẹo m&m như đứa bé được thưởng kẹo.

 

Mình nghe mấy ông chú họ ở quê kể ; ông cụ không muốn làm ruộng, lại muốn giang hồ, đi đây đi đó nên đăng lính Ngự Lâm Quân của vua Bảo Đại. Có lần về quê thăm nhà, buổi chiều đi trên đê, nghe tiếng huýt sáo, kêu gọi nhau trên núi nên nghi ngờ. Tối đó nhóm du kích bao vây nhà, ông cụ chỉ kịp thưa bà Nội "con đi" rồi leo hàng rào nhà bên cạnh, băng ruộng trốn thoát vào nam. Ông bà Nội đinh ninh là ông cụ bị du kích giết đêm đó rồi thủ tiêu xác nên lấy ngày đó làm ngày giổ của ông cụ. May quá, ông cụ tránh được kết cuộc của “Người Anh Vĩnh Bình” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, hàng xóm của mình ở Đàlạt xưa.

 

Sau 75, khi nhận thư của ông cụ gửi về quê, ông bà Nội mừng quá vì tưởng bị tuyệt tự nay nghe nói có đàn cháu 10 đứa. Ông cụ mình có hai người em trai; một người bị Tây giết trên đường đi học về khi mới 15 tuổi còn một người đi bộ đội bị B52 dập chết trên đường vào Nam. Sau ông cụ bị bắt nên không có cơ hội về thăm quê, ông Nội mình vào Nam nhưng chế độ mới không cho gặp mặt. Sau đó, ông Nội về quê rồi mất, không gặp lại người con trưởng xa cách trên 27 năm. Mình may mắn hơn ông cụ là được gặp lại người cha sau 20 năm cách xa. Sau này mình có dịp về thăm quê Nội thì phải cám ơn ông cụ đã thoát ly, bỏ lại làng quê vào nam vì nếu không cuộc đời mình chắc sẽ có một kết cuộc khác.

 

Mình không biết mặt ông bà Nội nên có mời hai ông bà cụ sang Mỹ chơi để gặp cháu Nội, sau này có đem tụi nó về thăm quê Nội. Nói với chúng là nếu ông Nội không thoát ly cuộc đời làm nông dân thì có lẻ ngày nay bố con mình cũng làm ruộng như mấy người bà con. Ngồi ăn cơm, ruồi nhặng bay đen đặc, ngoài sân có mấy ụ rơm thối mùi phân. 

 

Có người trách ông cụ là dại. Trước 75, ông cụ là đoàn trưởng Nhân Dân Tự Vệ, ngày Đàlạt bỏ ngỏ, ông cụ chôn dấu súng của các đoàn viên. Sau này, các người làm dưới quyền ông cụ là Việt Cộng nằm vùng, nên dụ ông cụ tổ chức phục quốc, chống chế độ bị bắt lên án 18 năm tù nhưng mình vẫn phục ông cụ, người cha anh hùng, làm người chân thật. Như bài Thơ "Lời Mẹ dặn" của nhà thơ Phùng Quán.

....

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi 

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã 

Bút giấy tôi ai cướp giật đi  

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. 

 

Cuộc đấu tranh vô vọng như Kinh Kha sang Tần của ông cụ tuy ngắn ngủi nhưng để lại dấu ấn, hậu quả khá sâu đậm cho đàn con. Các em mình học khá nhưng vì lí lịch nên không được học tiếp đại học trong khi con cán bộ được ưu tiên dù dốt. Không được đi học nên mấy đứa em, đứa đi học thợ may, đứa học thợ rèn, đứa đan len,... Như nhà văn Albert Camus từng nói: "Khi một thiếu số, nhân danh công lí nổi dậy đấu tranh thì vô hình trung tạo nên một sự bất công khác.." Mình có một người em rễ vì lấy con gái của nguỵ quyền thêm phản động nên bao nhiêu năm được bầu làm đối tượng đoàn nhưng không thể nào được kết nạp vào Đảng dù gia đình hắn "Hồng 3 đời " có công với Cách mạng, được giấy khen của ông Hồ. 

 

Người Việt mình hay giữ các cảm xúc riêng cho mình, không để lộ ra ngoài, khác với người ngoại quốc, cho nên cha con lâu ngày gặp nhau thì qua ánh mắt trao cho nhau có thể nói lên những nổi nhớ, vui mừng khi hội ngộ. Mình hi vọng hè năm tới về thăm, luôn tiện tổ chức 60 năm đám cưới cho ông bà cụ, sẽ hỏi thêm về những trải nghiệm cuộc đời ông cụ. Tuy không nói ra nhưng qua ánh mắt, mình biết ông cụ rất vui khi gặp lại mình, hãnh diện về những thành tựu của mình. Những hi sinh của ông cụ, những đoạ đầy mà ông cụ đã chịu đựng trong suốt 15 năm trong tù, hy sinh đời bố để củng cố đời con cháu đã không bị lãng phí.

 

Có dạo mình hay hát bản nhạc "Anh Tôi" của Văn đoàn Lam Sơn, tổng hội sinh viên Paris nhưng mình đổi lời thành "Cha tôi". Có lần mình hát và đánh đàn chung với Chử Tam Anh trong đêm Văn nghệ ở M.I.T.

 

Cha tôi đã lớn lên trong niềm cay đắng

Tai tuổi thơ vang tiếng bom người Mỹ

Nay bàn chân xích gông xiềng Nga Tàu...

 

Cha tôi đã ước mơ những ngày tươi sáng

Mơ ngày mai sẽ sống đời tự do

Mơ cuộc sống sẽ thoát vòng lao tù...

 

Cha ơi! Đã có con lên đường thay cha

Con đường sáng chan chứa bao tình thương

Con đường mới dắt ta về tình người

Có có có có con

Có con đi xây niềm thương

Có con đi xây tình người...

ĐI XÂY TÌNH NGƯỜI!

 

Sơn đen