Ngày Từ Mẫu hay ngày mẹ được thương mại hoá

Nói cho ngay, mình chỉ tham dự ngày lễ từ mẫu từ khi lấy vợ vì ở Việt Nam thì có Vu Lan, rồi đi Tây có vụ Fête des Mères. Hình như cuối tháng 5. Fête des mères bên Tây, để tôn vinh mấy bà mẹ, cùng lúc khuyến khích mấy bà đầm đẻ thêm vì Pháp nướng bao nhiêu triệu người trong thế chiến thứ 1. Hình như 1.4 triệu lính.

Ngày Mother’s Day (Ngày của Mẹ), mình dịch Ngày Từ Mẫu tại Hoa Kỳ là một ngày lễ quan trọng để tôn vinh và tri ân các bà mẹ, được tổ chức hàng năm vào Chủ nhật thứ hai của tháng Năm. Sự khởi sinh của ngày này có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử và gắn liền với những nỗ lực của nhiều cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, nhằm ghi nhận vai trò của các bà mẹ trong gia đình và xã hội.


Ý tưởng về một ngày dành riêng để tôn vinh các bà mẹ có thể được truy nguyên từ các truyền thống cổ xưa, như lễ hội tôn vinh các nữ thần mẹ trong văn hóa Hy Lạp và La Mã, hoặc “Mothering Sunday” ở Anh vào thế kỷ 17, khi mọi người trở về thăm mẹ và nhà thờ chính của họ vào Chủ nhật thứ tư của Mùa Chay. Tuy nhiên, Mother’s Day hiện đại tại Hoa Kỳ có nguồn gốc cụ thể từ thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, gắn liền với các phong trào xã hội và cá nhân tại Mỹ. Và từ đó lây lan khắp thế giới. Cho thấy văn hoá Mỹ diễn biến hoà bình khắp nơi.


Trong thời nội chiến Hoa Kỳ, bà Julia Ward Howe, một nhà hoạt động vì hòa bình, ngày nay người ta gọi phản chiến và tác giả của bài hát “Battle Hymn of the Republic”, là một trong những người đầu tiên đề nghị một ngày dành cho các bà mẹ tại Hoa Kỳ. Năm 1870, sau khi chứng kiến sự tàn phá của Nội chiến Hoa Kỳ và Chiến tranh Pháp-Phổ, bà Howe viết bản tuyên ngôn Ngày Từ Mẫu “Mother’s Day Proclamation”, kêu gọi các bà mẹ trên thế giới đoàn kết vì hòa bình. Ngày nay các tín đồ Trump và Kamala nên hợp tác, đoàn kết vì hòa bình thay chửi nhau. Có bà Mỹ được tổng thống Biden đề nghị cho quan toà tối cao pháp viện, kêu không thể định nghĩa được phụ nữ là gì. Nay có chuyển giới tính, đồng tính đủ trò nên có thể vài năm nữa họ sẽ không cho gọi ngày từ mẫu. Gọi ngày từ mẹ.


 Bà đề nghị một ngày cho người mẹ Hoà Bình “Mother’s Day for Peace” được tổ chức vào ngày 2 tháng 6 hàng năm, nhấn mạnh vai trò của các bà mẹ trong việc ngăn chặn chiến tranh và thúc đẩy hòa bình. Mặc dù ý tưởng của bà Howe không được áp dụng rộng rãi, nó đã truyền cảm hứng cho các phong trào sau này và đặt nền móng cho việc tôn vinh các bà mẹ sau này.


 Ann Reeves Jarvis, một nhà hoạt động xã hội ở tiểu bang Tây Virginia, đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho Mother’s Day tại Hoa Kỳ. Trong và sau Nội chiến Hoa Kỳ (1861–1865), bà tổ chức các “Mothers’ Day Work Clubs” để cải thiện điều kiện y tế và vệ sinh, hỗ trợ các bà mẹ chăm sóc con cái trong bối cảnh chiến tranh. Có nhiều bà mẹ, con trở về bại tướng cụt chân, hay vĩnh viễn ra đi trên chiến trường. Nên cần có sự hổ trợ về mặt tinh thần.


Sau chiến tranh, Jarvis tổ chức “Mothers’ Friendship Day” để hòa giải các gia đình và cộng đồng bị chia rẽ giữa phe Liên bang (Bắc) và Liên minh (Nam). Nói như ngày nay là hòa hợp hoà giải bên thắng cuộc và bên thua cuộc. Những hoạt động này nhấn mạnh vai trò của các bà mẹ trong việc hàn gắn xã hội Hoa Kỳ sau cuộc nội chiến. Tinh thần cộng đồng và sự cống hiến của bà Jarvis đã truyền cảm hứng cho con gái bà, Anna Jarvis, người sau này biến Mother’s Day thành một ngày lễ quốc gia. Sau 30/4/75 nếu Việt Nam có mấy bà kêu gọi đoàn kết nam Bắc thay vì mấy tượng người mẹ anh hùng tốn tiền người dân. 


Bà Ann Jarvis (1864–1948) được công nhận là người sáng lập Mother’s Day hiện đại tại Hoa Kỳ. Sau cái chết của mẹ mình, bà Ann Reeves Jarvis, vào năm 1905, Anna quyết tâm thực hiện ước mơ của mẹ về một ngày đặc biệt để tri ân các bà mẹ.


Năm 1907, Anna Jarvis bắt đầu chiến dịch vận động cho một ngày lễ quốc gia dành cho các bà mẹ. Bà tổ chức một buổi lễ tưởng niệm mẹ mình tại Nhà thờ Giám lý Andrews ở Grafton, Tây Virginia, vào ngày 10 tháng 5 năm 1908. Đây được coi là lễ Mother’s Day chính thức đầu tiên tại Hoa Kỳ. Trong buổi lễ, Ann tặng 500 bông hoa cẩm chướng trắng, loài hoa yêu thích của mẹ bà, cho những người tham dự, tượng trưng cho tình yêu và sự tinh khiết của tình mẫu tử. Hoa cẩm chướng trắng sau này trở thành biểu tượng của Mother’s Day. 

Hình như màu trắng dành cho ai đã mất mẹ, và màu đỏ dành cho ai còn mẹ.


 Anna Jarvis không ngừng vận động để Mother’s Day được công nhận trên toàn quốc. Bà viết thư cho các chính trị gia, tổ chức tôn giáo, và các nhà lãnh đạo cộng đồng, nhấn mạnh rằng các bà mẹ xứng đáng được tôn vinh vì những hy sinh thầm lặng. Xin nhắc lại dạo ấy phụ nữ chưa được phép đi bầu hay đi làm, đa số ở nhà lo nấu ăn cho chồng con, làm việc nội trợ, nên ý tưởng tôn vinh sự hy sinh của người mẹ được nhìn nhận. Năm 1910, Tây Virginia trở thành bang đầu tiên công nhận Mother’s Day là ngày lễ chính thức. Các bang khác nhanh chóng theo sau.


 Năm 1914, sau nhiều năm vận động, Tổng thống Woodrow Wilson ký tuyên bố chính thức công nhận Mother’s Day là ngày lễ quốc gia, được tổ chức vào Chủ nhật thứ hai của tháng Năm hàng năm. Tuyên bố này kêu gọi người dân treo cờ để bày tỏ tình yêu và sự kính trọng đối với các bà mẹ trên toàn quốc. Ngày nay chả thấy ai treo cờ cả.


Vấn đề là chúng ta ở xứ Mỹ, trung tâm của xứ tư bản nên mọi thứ đều được diễn biến hoà bình để làm tiền. Ngày Từ Mẫu cũng được thương mại hoá để thiên hạ chi tiêu và bán hàng. Trái với ý tưởng ban đầu, là ngày người Mỹ đi thăm viếng mộ mẹ đã qua đời, hay ngồi nhớ lại, ôn lại kỷ niệm về mẹ. 


 Sau năm 1914, Mother’s Day nhanh chóng trở thành một ngày lễ phổ biến tại Hoa Kỳ. Người dân tổ chức bằng cách tặng hoa, thiệp, quà, hoặc dành thời gian bên mẹ. Hoa cẩm chướng trắng (tượng trưng cho mẹ đã qua đời) và đỏ/hồng (cho mẹ còn sống) trở thành biểu tượng phổ biến.


 Anna Jarvis ban đầu hình dung Mother’s Day như một ngày để bày tỏ tình cảm cá nhân, không phải cơ hội thương mại. Tuy nhiên, vào những năm 1920, các công ty hoa, thiệp chúc mừng, và quà tặng bắt đầu khai thác ngày lễ để kiếm lợi nhuận. Điều này khiến Anna Jarvis phẫn nộ. Bà dành phần đời còn lại để đấu tranh chống lại sự thương mại hóa, thậm chí kiện các công ty và tổ chức sử dụng tên “Mother’s Day” vì mục đích lợi nhuận. Bà ta cho rằng gửi mấy thiệp mua ở chợ cho mẹ là vô nghĩa. Tố thơn là viết những gì mình nói với mẹ thay vì mua những sáo ngữ qua các thiệp. Mình nhớ hồi mới lấy vợ cũng hay mua mấy cái thiệp này cho mụ vợ khi có sinh nhật, hay Tết nhất. Mấy lời rất hay nhưng khi có con rồi thì hết. Để dành tiền mua tả cho con. Mất hết lãng mạn tính, nên đồng chí gái kêu mình thuộc dạng lãng xẹt. Năm 1948, khi qua đời, Anna Jarvis sống trong nghèo khó và không hài lòng với cách ngày lễ mà bà sáng lập đã bị biến đổi.


Mình nghĩ tại sao phải đợi đến ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 để tôn vinh mẹ mình. Mấy ngày khác mình không nhớ mẹ. Người gài họ rất cô đơn, chỉ mong con cháu gọi điện thoại hỏi thăm, có dịp ghé thăm là họ mừng lắm. 


Hình như Việt Nam cũng tổ chức ngày Từ Mẫu cùng ngày với Hoa Kỳ.

Sáng nay chạy lên vườn mình thấy ngay góc đường hai bên lề mấy người Mễ đứng bán mấy bó hoa. 


Đúng ra thì ý nghĩa của ngày từ mẫu vẫn còn đó. Ngày này không phải vì tiền bạc mà là ngày để nhớ đến công sinh thành của người mẹ. Nói theo từ của Hà Nội là ngày tưởng nhớ đến người mẹ anh hùng trên toàn thế giới. Một ngày để chúng ta nhớ đến sự hy sinh của mẹ, công sức, sự bình tĩnh, vững chãi nuôi chúng ta khôn lớn, những khi đau ốm phải thức khuya dậy sớm. 


Một ngày không vì các món quà mà một ngày để cảm ơn sự hy sinh của mẹ. 

Muốn ăn mừng ngày này, làm những điều giản dị. Gọi điện thoại mẹ, viết cho mẹ lá thư hay viếng mộ của mẹ để thắp nén hương. Quan trọng nhất là khi mẹ còn sống nên viếng thăm thường xuyên. Đừng để mẹ mất rồi tuyên bố đổi thiên thu lấy nụ cười của mẹ. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét