hát cho con trở về


Nhớ năm 9 ème, ông Tây bà đầm dạy, bắt đọc học bài fils prodigue hay le retour de l ‘enfant prodigue, thêm mấy chuyện hai anh em trong kinh thánh nhưng chả hiểu gì cả. Sau này đọc cựu ước và tân ước, Tora thì mới hiểu sự việc về đứa con hoang đàng. Một người con bỏ cha ra đi để tìm thực hiện giấc mơ của mình khiến người cha vẫn chờ vẫn đợi trong khi người con trai đầu thì chăm sóc cha, làm ăn làm ruộng chăm chỉ. Khi đứa con hoang, sau khi tiêu hết tiền, phải đi làm công cho một người chủ khắc nghiệt nên giác ngộ cách mạng trở về với cha. Ông cha mừng quá kêu gia nhân giết cừu để liên hoan khiến người con đầu ganh tị với người em, đứa con hoang đàng.


Có lẻ vì vậy người công giáo hay dùng cụm từ “trở về đạo” khi kêu gọi những người lương trở về đạo. Mình nhớ có lần đến nhà một cô quen đang đả thông tư tưởng thì bà mẹ kêu mình; anh là người lương, anh phải trở về đạo. Anh đã bỏ chúa đi nên nay phải trở về đạo. Mình ngu cãi nhà cháu 10 đời đâu có ai là công giáo khiến mối tình chưa hữu nghị với cô bạn đã biến thành mối tình lương giáo chưa kịp hữu nghị nên đành phải chia tay, Adieu sois heureuse. Chán Mớ Đời 


Mình nhớ đến câu chuyện này khi nghe bài hát « still waiting at the door » do ÂY AI dàn dựng khiến nhiều người thích và chỉ trích này nọ. Người dàn dựng bài hát và video có thể mang tâm sự một người cha, trông chờ gặp lại người con trai hoang đàng đã bỏ mình ra đi thực hiện giấc mơ. Có lẻ cuộc sống đã khiến người con đã quên, nhớ, gọi điện, hỏi thăm cha. Bài hát có thể nói lên tâm sự của nhiều bậc cha mẹ, về già, con cháu ở xa, cô đơn, chỉ mong con cháu về thăm hay gọi điện thăm hỏi.


Bên Phật giáo, họ có định nghĩa về con có 3 loại; ưu sinh, tuỳ sinh và liệt sinh. Người con sinh ra xuất sắc, vượt hơn mong đợi của cha mẹ, được gọi là ưu sinh. Người con sinh ra, được mình nuôi nấng, làm theo sự hướng dẫn của mình được gọi là Tuỳ Sinh và người con sinh ra, khiến mình lo lắng nói không bao giờ nghe, loại này thì được gọi liệt sinh. Trong gia đình đông con thường hay nãy sinh ra vụ này. Có nhiều đứa chăm sóc cho bố mẹ nhưng không đoái hoài đến, ngược lại đứa phá nát, tiều tiền như pha, hết tiền về nả cha mẹ thì bố mẹ lại cưng chiều này nọ khiến anh em ganh tỵ với nhau. Nhà Phật gọi là Nợ. Kiếp trước bố mẹ nợ đứa con Liệt Sinh nên kiếp này, nó trở lại phá của mình, khiến mình buồn bực nhưng vẫn lo lắng cho đứa con này, còn mấy đứa kia thì kiếp trước có nợ với mình nên kiếp này trở lại làm con báo Hiếu trả nợ. 


Có anh bạn kêu còn loại con được gọi là Súc Sinh nữa khiến mình thất kinh. Anh ta kể có bà nào đại gia giàu có lắm ở Việt Nam, có thằng con quay lai-chiêm kêu bà đưa tiền cho nó, nếu không khui ra sự thật này nọ của gia đình,… cho thấy cuộc đời không biết đâu là bến bờ. Ở Cali, gần đây họ nhắc có hai anh em con nhà giàu giết cha mẹ mấy chục năm trước để lấy tiền ăn xài. Nay sắp được thả mãn tù.


Mình thuộc loại đứa con hoang đàng, 18 tuổi bỏ cha bỏ mẹ, bỏ em út đi Tây. Nhất là 3 năm sau 30/4/75, mất tin tức nhà, không biết sống chết ra sao. 20 năm sau mới trở lại thăm Đà Lạt. Cứ lâu lâu về thăm nhà được vài ngày rồi lại ra đi.  Tương tự ông cụ mình cũng vậy. Bị du kích vây bắt ở quê để giết nên bỏ trốn vào nam đi lính đến trên 40 năm sau mới trở lại quê thăm bà nội, làng xưa cảnh cũ.


Người ta nói nước mắt lúc nào cũng chảy xuôi, cha mẹ lúc nào cũng lo Âu cho con cái. Mình lo nhưng không lo lắm vì nghĩ nhân duyên, Phước phần của con mình từ kiếp trước. Chỉ hổ trợ khi nào chúng cần. Trong khi đồng chí gái thì cứ lo tới lo lui. Mất công vì không làm gì được. Chỉ biết đó là lòng mẹ. 


Có anh bạn kể là hết nợ với mẹ anh ta dù mẹ còn sống nhưng bị trả nhớ về không, không nhận ra anh ta. Có một anh bạn bác sĩ kể tội lắm. 13 tuổi nhà nghèo ở Vĩnh Điện, cha mẹ cho vào làng mồ côi SOS của Đức ở. Sau đó anh ta được một ông Mỹ qua Việt Nam rồi thấy anh ta thông mình nên nhận làm con nuôi đem về nước. Sau này lớn lên học y khoa ra trường liên lạc được với gia đình. Anh ta về quê nhưng không nói chuyện được với mẹ vì xa cách quá lâu thêm văn hóa khác biệt. Mẹ anh ta cứ theo thói quen hàng ngày đi mót củi về nấu ăn. Không hỏi anh sống làm sao ở mỹ. Hạnh phúc hay không vì mấy chuyện này theo văn hóa ở quê anh ta ít ai hỏi. Mình nghĩ anh ta là con ưu sinh. Bà mẹ sinh ra rồi anh ta tự sống, so với gia đình thì anh ta vượt quá chỉ tiêu của gia đình cũng như làng anh ta. Xem như là con ưu sinh.


Trở lại bài hát “still waiting at the door” do trí tuệ nhân tạo tạo dựng cho thấy trong tương lai các phim ảnh truyện sẽ đa dạng. Không chỉ có nghệ thuật thứ 7 là như xưa mà nay, trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra kịch bản, lời ca. Một người có thể không biết hát, không biết nhạc nhưng vẫn làm được bản nhạc.


Xem xong video này khiến mình muốn làm mấy cái clip về Đà Lạt thời xưa với những tấm ảnh cũ. Nếu có bác nào có cùng sở thích xin nhắn tin với em. Em có trên 3000 tấm ảnh cũ Đà Lạt trước 75. Có thể tạo dựng lại trung tâm thành phố Đà Lạt khi xưa.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét