Vợ tôi làm nhạc sĩ


Anh thấy vợ anh giỏi không?” Đang ngủ mà mụ vợ lay lay đánh thức mình dậy để hỏi chuyện mình biết từ lâu. Mình mắt nhắm mắt mở kêu quá giỏi. Đồng chí gái hỏi thiệt không, mình trả lời quá thiệt. Rồi ngủ tiếp. Ai đời cuối đời tối đi ngủ có vợ đánh đàn hát em ru anh ngủ một tối mùa hạ, một tối mùa đông không cho anh ngủ. Anh phải thức giấc để nghe em hát em ru.  Chán Mớ Đời 

Đồng chí gái trình diễn nhạc thiền với bạn

Số là gần năm nay, đồng chí gái đi học đàn Tây ban cầm nên mỗi ngày phải tập gõ đàn. Lúc đầu thì cũng mệt tai mình khi nghe cô nàng lên dây đàn từng từng từng từng từng tửng tượng… nhưng sau bao nhiêu ngày gian khổ tập luyện, thấy trình độ có nhích lên một chút. Mình cũng vui là đồng chí gái tìm được niềm vui đi học đàn sau khi nghỉ hưu chớ không thì mệt mình. Nhớ dạo covid, đồng chí gái lo ngại đủ trò, sợ nên không cho mình đi đâu cả suốt 3 tuần lễ, khiến mình lo cho cái vườn cần chăm sóc. Nay thì chả thấy mặt cô nàng nữa. Hết đi học đàn đến học hát rồi đi hát nên khi nghe tiếng đàn ở phòng khách là biết cô nàng ở nhà, không dám làm động, mất cảm hứng đến tiếng đàn của đồng chí gái. Tối mình đi ngủ cũng không biết mụ vợ ở đâu vì đi tập với mấy bà bạn đến khuya mới về. Rồi vào phòng đánh lắng lòng nghe tiếng chuông Huyền diệu, khỏ lóc cóc bong bong giúp mình phiêu diêu về miền cực lạc. 


https://youtu.be/h7U4WvPbSEM?si=USBIhY-21vEc4ioT


Qua Ý Đại Lợi năm rồi, gặp lại anh bạn du học sinh khi xưa thì khám phá ra anh ta là tác giả bản nhạc “khi tôi chết đừng đem tôi ra biển” phổ thơ của ông trung tá Thủy Quân Lục Chiến, khiến mình thất kinh vì khi xưa nghe anh ta hát giọng quảng nay lại gặp mụ vợ chuyển ngữ lời nhạc ngoại quốc. Ai cũng thành nhạc sĩ hết.  Kinh


Về già đa số mấy người quen đều trở thành ca sĩ karaoke hay nhạc ca sĩ hết. 


Chuyến đi chơi vừa qua, mụ vợ rên là nhớ đàn này nọ nên tháng 9 này mình đi Âu châu một mình. Mụ vợ mê học đàn hơn là đi du lịch. Nhất là mình đi bộ từ thành phố Lucca về đến La Mã gần 4 tuần lễ mà ăn ở không phải ở khách sạn 5 sao nên mụ vợ đi không nổi. Đi trung bình 25 cây số mỗi ngày mà lại ngủ tại các lữ quán của những người hành hương. Con đường này gọi Via Francigena khởi đầu từ Canterbery ở Anh quốc khi xưa các ông cố Đạo đi hành Hương xuống tòa thánh Vatican. Mình định đi vùng Toscana và xuống Lazio La mã. Họ có con đường đi đến Santiago de Compostella ở Tây Ban Nha nhưng Dạo này thiên hạ đi đường này như đi chợ nên đông người lắm thôi hẹn lần sau. Mình thích thức ăn Ý Đại Lợi hơn luôn tiện ghé thăm mấy người bạn để ôn lại một thời sinh viên du học. 


Thường cô nàng có một giang sơn trong phòng khách để tập đàn, với giá nhạc, đèn đuốc này nọ. Vấn đề là mình đi ngủ sớm vì sáng thức giấc vào 4 giờ sáng để đi tập ở Đông Phương Hội thì cô nàng sợ ở một mình dưới nhà nên lại vác đàn lên lầu vào phòng ngủ. Mình đang nằm lơi bơi về miền đâu đâu thì bắt đầu nghe tiếng mụ vợ lên dây đàn. Từng tưng từng tửng tựng,… giúp mình tu theo khổ hạnh dây đàn từ gần 1 năm nay. Cứ mụ lên dây đàn thì thân thể mình lại uốn éo theo sợi dây đàn được nâng lên. Tâm hồn mình rướm lệ khi nghe đồng chí gái yêu tôi hay yêu đàn. Mình thì chỉ muốn ngủ. 


Khi mới về hưu, nghe ai khiến mụ vợ đòi tu, đi chục cái chùa bắt mình đi mua chuỗi lần hạt, mua về kêu nhỏ quá, đòi 108 hạt nên ông chủ quán bán đồ tu rất vui. Mua chuông mua mõ về thêm cái iPad để đọc kinh. Cô nàng nói đọc Chú Đại Bi nên mình tìm trên YouTube có ông thầy Thích Trí Thoát, mở cho mụ vợ nghe để tụng theo. Vấn đề là mụ không đeo kính thì không thấy đường vì bị lão thị. 


Mỗi lần zoom màn ảnh lên thì lại mất nhiều chữ nên xoay qua xoay lại làm mất chỗ, câu tiếp theo. Mới đọc được “nam mô hắc ra thì xoay lại xoay qua bà lô yết đế”. Mình nói không phải nhảy đoạn rồi, lại phải bắt đầu lại từ đầu. Mình dặn khi nào anh đánh chuông cái boong thì bắt đầu xá rồi khi gõ cái mõ lóc cóc thì đọc, khi nào hết hơi thì khỏ cái chuông, để rồi vái một cái. Coi vậy về già tu khó chớ không phải dễ, vừa đánh chuông, gõ mõ theo nhịp đọc của mình, vừa nhìn IPad đọc cho ăn khớp rất khó. Lúc đầu mình đánh chuông, gõ mõ giúp mụ nhưng mụ cứ xà nay với zoom cái IPad lên xuống rồi đọc là thấy mệt nên mình ngưng để mụ vợ tập đọc. Được cái là đọc vài lần thì mình thuộc kinh luôn. Nhớ khi mới phát hiện ra mối tình hữu nghị, cô nàng rủ đi chùa thì mình đọc kinh say sưa khiến mụ vợ ngạc nhiên. Số là năm Mậu thân có người em chết trẻ mình phải đọc kinh suốt 49 ngày mỗi chiều cúng cơm cho em nên quen. 


Đồng chí gái đọc kinh Chú Đại Bi rất khó khăn vì phiên âm không phải tiếng việt nên nghe cực kỳ khó tả nhất lại đọc theo giọng Huế. Nam mô hặc ra hặc vô Nam mô a rị  ra da bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Cứ thêm dấu nặng khắp nơi. Mình phải tập kiên nhẫn để trợ duyên cho vợ tu. Thiên thủ thiên nhản mà mụ vợ đọc thành thiên thụ thiên nhạn, xem như một ngàn cái đầu thành 1000 cây 1000 con chim nhạn. Chán Mớ Đời 


Đùng một cái mụ nghe lời bạn bè đi học đàn, thế là vụ tu hành xin gác lại cho mai sau. Được cái là giúp mình thẩm âm về tài năng vô giá của mụ khi lên dây đàn. Cứ từng từng từng tứng từng tưng. 

Mỗi tối cứ đang lơi bơi về miền đất ngủ là nghe mụ vợ lên dây đàn, phải mở mắt ra. Không dám than thở với ai cả vì thủ trưởng đang tập đánh đàn. Rồi mụ thâu tiếng hát trong đêm thâu mở cho mình nghe rồi hỏi hay không. Cứ  về nhà là nghe mụ hát với đánh đàn giúp không khí vui cả lên. 


Từ từ mụ học thiền ca, lại đánh đàn thêm gõ chuông gõ mõ. Cứ lên dây đàn xong là lên tiếng chuông mõ. Chiều chiều dắt mạ qua đèo là boong. Ruột đau chín chiều lóc cóc lóc cóc boong noong. 


Mình mừng là mụ vợ tìm ra một đam mê khi về hưu nếu không thì hơi mệt. Cứ  ngồi một chỗ rồi rên đau đây đâu đó này nọ. Lâu lâu có trình diễn của lớp nhạc mình phải đi ủng hộ mụ vợ. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Người hàng xóm Đà Lạt xưa


Hôm qua có ông thần gần xóm mình muốn kết nối trên Facebook khiến mình thất kinh. Lý do là nhà ông thần số 49 C Hai Bà Trưng, mình phải mất một thời gian khá lâu để tìm lại trong ký ức hình ảnh căn nhà của gia đình anh ta. Lý do là nhà gỗ được làm sau Mậu Thân. Cư xá ty Công Chánh chấm dứt với căn nhà số 49B của bác Ngọc, bên dãy số chẵn là số 50, nhà của ông Sâm, trưởng ty Công Chánh, bố của thằng Chiến mà mình hay chơi khi xưa hồi học tiểu học.


Mình đoán ông thần trên mình vài tuổi vì thấy là bạn của anh Hạnh Trần, Chính Trị Kinh Doanh, người đi leo núi Kilimanjaro với mình. Có lần ông thần này hỏi mình về căn nhà màu đen của gia đình anh ta khiến mình như bò đội nón. Có nhiều người hỏi mình nhiều chuyện quái đản. Cứ làm như mình là ma xó của thầy Chiêm. Nghe một ông trưởng ty cảnh sát ở Huế kể, mệ ngoại mình lấy chồng xứ Xiêm-La, rồi buồn quá vì ông chồng có vợ bé hay sao đó, nên mệ ngoại ôm con về lại Việt Nam, đem theo cái tượng Phật về Huế. Sau này lấy ông Ngoại mình. Bố của thầy Chiêm xin tượng Phật rồi nổi tiếng thầy bói từ đó ở Huế rồi truyền cho thầy Chiêm sau này vào Đà Lạt làm ăn. Sau này vợ thầy CHiêm qua đời nên thầy lấy em vợ cho trọn tình gia cảnh. Vợ thầy Chiêm mua lại cái xập của dì Bộ, cạnh hàng mẹ mình nên mình hay gặp thầy Chiêm khi xưa ở chợ. chiều ông ta ra đón vợ về.


Dì Bộ, khi xưa làm cho cô Ba CHỉ, tiệm Bình Lợi, để dành tiền, ra riêng, mua cái xập, rồi lấy hàng của cô Ba Chỉ bán. Đến khi lấy chồng, gặp thằng lười, đánh bài mắc nợ nên phải bán cái xập để trả nợ cho chồng. Khi xưa, ở Đà Lạt nhất là ngoài chợ, cảnh chồng đánh bài mắc nợ mình thấy hoài nên sau này, không bao giờ mình đánh bài.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao cung kiếm cho thủ khoa Nguyễn Đức Phống, khóa 22B. Anh này khi xưa mình hay ghé nhà anh ta ở cư xá Kiến Thiết. Thấy anh ta lúc nào cũng học. Ra trận đầu tiên chết. Hồi nghe anh ta đậu thủ khoa Võ Bị, mình cũng ham vào trường Võ bị nhưng mấy tháng sau nghe anh ta chết nên mình dám đi lính. 

Cạnh hàng dì Bộ, là hàng dì Liên, cũng một thời làm việc cho cô Ba Chỉ, tiệm Bình Lợi, bán dừa. Lúc mình đi Tây thì dì chưa chồng nên không biết sau này ra sao.


Trở lại ông thần ở số 49 C Hai BÀ Trưng. Mình đoán là nhà của thằng Hiếu, học Yersin với mình khi xưa, số 51 nên khi nhà ông thần xây căn nhà gỗ hai tầng, sơn verni để giữ cho gỗ tốt, khỏi mục nên lâu ngày thành màu đen. Do đó mới lấy số 49 C, thêm số của tiếp theo nhà của bác Ngọc là 49 B. Hồi đầu năm đi Úc Đại Lợi lại quên đi tìm bác Ngọc. Bác này khi xưa hay đánh bài với ông cụ mình, bạn đánh bài hay gọi bác là Rô-be, chắc tên thánh của bác. Lý do là có dạo hai người con gái của bác ở Úc có liên lạc với mình. Mình khi xưa có chơi với thằng Chân, con trai của bác, đến khi gia đình này đổi về Sàigòn trước 75 thì mất tông tích. Nghe kể thằng Chân bị pháo kích của Việt Cộng trong những ngày cuối cùng của chiến tranh và chết.


Been phair thấy một phần chỗ ông Hai và ông Thạc làm đồ thiết như vòi tưới nước vườn
Bên phải có con dốc đi lên đường Hàm Nghi
Thư viện Đà Lạt đường Yersin 
Hình này sau 75

Bệnh viện Phương Lan 

Kế nhà bác Ngọc 49B, là nhà bác Hân, có con gái khá đông. Chỉ nhớ chị Huệ, chị Hương học Việt Anh. Sau này chị Hương lấy ông Tôn Thất Trai, dạy toán ở trường Trần Hưng Đạo, cắm dùi miếng đất trước nhà, xây căn nhà nhỏ. Nghe nói sau này bán bún bò nổi tiếng lắm. Nay nghe nói ở San Diego nhưng mình chưa tìm lại được. có gửi i-meo qua nhóm thân hữu Đà Lạt nhưng không được hồi âm.

Giữa hai căn 49 B và 49 C là cổng vào vườn của bà làm vườn, không nhớ tên. Chỉ nhớ mình và thằng Khánh Ù, con ông Phúc, hò nhau ăn cắp  buồng chuối của bà ta, bị chửi mất dép cả tháng, rồi đem quăng  buồng chuối lại qua hàng rào. Chỗ này tới mùa bắp sú hay xà lách là xe hàng đến đậu rồi mấy người chặt sú, quăng lên xe. Thường là được những người có tiền ở Đà Lạt như bà Marcel, ở đường Phan đình Phùng, cạnh Ga-ra Phan Xứng bỏ tiền ra mua trước nên rẻ. Lý do là nhà làm vườn cần tiền để chuẩn bị cho đợt tới như mua phân bón này nọ, nên hay phải bán non sú, hay choux fleurs trước khi đến mùa hái. Ở Đà Lạt , mình phục bà Marcel, bà ta lái xe hàng đi mua rau cải Đà Lạt chở về Sàigòn bán,… ông Marcel hình như có 3 vợ, 18 người con nên nuôi mệt thở. Có dạo mình học với Dương Quang Phước, sau qua Văn Học thì học với em hắn là Dương Quang Trí. Trí dễ thương lắm hay đi lái máy cày vì ông Marcel có vườn trên Đa Thiện. Anh chàng cày đất của bố mình xong, mấy nhà vườn bên cạnh nhờ cày luôn nên anh ta có tiền, lâu  lâu chạy qua nhà mình rủ đi ăn chè Mây Hồng, ở đường Tăng Bạt Hổ. Tên này kết chị Nga con bác Tám, chè Mây Hồng nên hay rủ mình vì quen chị Nga là vậy. Sau này về Đà Lạt, mình có gặp Trí lại một lần thì mấy tháng sau nghe qua đời. Chắc uống rượu nhiều quá.


Ông thần 49 C nên biết khá nhiều người trong khu vực đó như anh Phống, thủ khoa Võ Bị, ra trận đầu tiên chết, hay trước nhà anh ta có bác gì quên tên, hình như Lê, anh của bác Tô trên đường Thi Sách và nhà của hai dì Thanh Trúc, con bà gì quên tên. Mình có gặp lại dì Trúc tại Nam Cali sau này dì dọn ra Riverside thì hết gặp.


Nói chung ai đọc bài mình kể chuyện Đà Lạt xưa thì ít ai biết mình nên họ hay thắc mắc hỏi. Thậm chí như anh Ngọc, đai đen Thái Cực Đạo, ở xóm Pasteur, khi xưa đánh bóng bàn với mình hay đi ăn chè, cũng không nhớ cho nên mình quen cảnh thiên hạ cứ hỏi tông tích mình. Mới nhận được còm của anh Ngọc “Sony NguyenUsa Nhớ ra rồi, Sơn đánh bóng bàn hay, có lần hạ Hoàng mạnh Toàn ở nhả ô Nghi. Còn nụ cười khó nghe mình hay chọc AE khi đánh bóng bàn , có lần bác Tô nghe, góp ý với Toàn, sợ quá không dám cười nữa! Chắc gần 60 rồi!. Xung quanh xóm còn nhiều cái hay lắm; như trên Calmette có 3 người nổi tiếng : anh Ng Đức Quang( k1 CTKD- du ca), anh Huỳnh bá Tuệ Dương (k3 CTKD- phó ty KT và giảng ở CTKD Dalat), chị Lệ Khánh ( con ông Dương Mân- em là gái trời bắt xấu); xóm công Chánh có 3 người đẹp: Hoàng  Giang (đối diện nhà ô Lào ), Lâm Đồng (em Lâm Viên , ở sát nhà Sơn), Hải ( con mụ Đàn, cũng sát nhà Sơn) tuy không sắt như Bích Thuỷ (?) dốc Nga ba Chùa nhưng cung làm siêu lòng mấy anh thế he mình. Hôm nay nhớ rõ Ku Sơn rồi, chắc hết ‘ chán mớ đời’”.


Anh Ngọc nhắc đến Hoàng Giang, nghe nói đi vượt biển rồi mất tích luôn, Lâm Đồng con bà Hiển, em của anh Kiệt, an ninh quân đội, nghe nói sau 75 lấy ca sĩ Duy Quang thì phải, còn Hải con bác Đàn thì mình không biết vì đến ở sau 75. Mình chỉ nhớ nhà bên cạnh bà Đàn là nhà bà Ron. Em bác Phú, nay ở Seattle, trên 100 tuổi. Mình có gặp lại năm ngoái chị Mẫn, con của hai bác ở Seattle. Nay thằng Long xây căn nhà to đùng nơi sân khi xưa mình hay chơi bắn bi với đám trong xóm. Nghe nói con Thu ở căn nhà cũ nhưng thấy xây lại mấy tầng. Mình về không gặp lại, chỉ nghe nhà kể thôi.

Còn chị Lệ Khánh con bác Mân, pháo trưởng ty cảnh sát thì hồi nhỏ hay gặp chị đi ngang nhà. Có lần cả đám con nít đang chơi ở đường Thi Sách thì có ông sinh viên Võ Bị đi ngang hỏi nhà chị Lệ Khánh. Mình và thằng Thọ con Ấm Thảo lanh chanh kêu biết rồi dẫn lên Calmette. Thằng Thọ kêu chị Khánh ơi thì chị ra ra ban công hỏi thì nó nói có anh này muốn gặp chị. Anh ta nói gì mình không nhớ rồi bỏ đi. Chán Mớ Đời 


Còn nhà Khánh Ù, con ông Phúc thổi kèn cho ban nhạc trường Võ Bị, bán lại cho con ông Thạc, cư xá Địa Dư. Ông Thạc tuy làm cho nha Địa dư nhưng cũng có cái xập, cuối tuần ra chợ làm thợ Hàn với ông Hai, anh thì phải. Làm mấy cái đồ tưới cây cho nhà vườn, gánh nước tưới cây. Ngoài chợ hay gọi ông Hai thợ thiếc. Hàn đối diện tiệm Bình Lợi của cô Ba Chỉ. Hai người này có người em út tên gì quên tên. Khi xưa thích dì Gấm, làm cho nhà mình. Nên hay lên nhà mình thỏ thẻ tán dì gấm. Đùng cái có tin dì Gấm mang bầu với ông Tư Thân, trên số 4, chạy giặc Mậu Thân xuống ở nhà ông Tước. Buồn đời anh ta đi lính và chết trước 75. Dì Gấm về Huế sinh con, được thằng con trai nên bà Tư Thân về Huế năn nỉ xin đem vào Đà Lạt nuôi. Nghe nói người con sau này vẫn ở Số 4.


Như có ai nói ở xóm Địa Dư nhưng sao không biết mình. Mình chỉ kể về xóm Địa Dư chớ đâu có ở cư xá Điạ Dư. Xóm này mình chỉ biết hai mạng là Phạm Ngọc Liên, học chung ở Yersin khi xưa và Văn Tài Phát. Liên thì mình có gặp lại tại Cali mấy lần, còn Văn Tài Phát thì mình có i-meo trước khi về Đà Lạt nhưng hắn ít khi xem i-meo nên khi mình rời Đà Lạt, hắn mới đọc thì quá trễ. Sau này có con của bác Nguyễn Văn Tước, hay chạy chiếc xe Lambretta, có liên lạc với mình. Mình có điện thoại cho bác Tước ở Gia-nã-đại, hỏi thăm dùm cho bố mẹ mình một lần. Nghe nói bác bây giờ đi đứng khó khăn. Ông thần Dũng này học trên mình vài năm, sau đi lính, ngành an ninh quân đội nên khá rành dân trong xóm , xóm trên xóm dưới. Hắn mê chị Lan, con bác Tân Gầy, số 47A, học Bùi Thị Xuân. Mình có hỏi muốn liên lạc không vì chị Lan nay ở San Jose. Mình cho điện thoại. Dân xóm Địa Dư thì mình có gặp lại một người rất nổi tiếng, làm lớn ở Việt Nam tại Hà Nội. Cô nàng cho biết là biết em mình, bố mẹ mình, hoá ra em của thằng Hùng mà mình hay đá banh khi xưa. Nhà sát nhà chú Be và ông Lào. Còn như gia đình chú Be, ông Lào thì mình không có dịp gặp lại. Lý do họ không biết mình, chỉ biết bố mẹ mình thôi. Còn Chú Be thì dọn đi đâu.


Xóm Địa Dư gồm 3 dãy nhà hai tầng, không nhớ mỗi dãy có bao nhiêu căn hộ, 3 hay 4. Phía trên thì có chiếc cầu gỗ đi từ đường Hai Bà Trưng đi vào, còn phía dưới thì phải đi xuống mấy thang cấp. Dãy đầu tiên, đi từ dốc Hai Bà Trưng thì mình chỉ nhớ có gia đình ông Thạc, thợ thiết với ông Hai. Có đường hẻm băng từ Hai Bà Trưng qua Phan Đình Phùng, sau đó đến dãy nhà Phạm Ngọc Liên và Văn Tài Phát. Sau này hình như gia đình Phạm Ngọc Liên mua được nhà bên đường Hàm Nghi nên dọn về bên đó. Có ông anh du học. Sau đó có mấy thang cấp đến một sân lớn, mấy ông công chức khi xưa ở xóm này hay chơi Pétanque. Mình hay bò xuống đây bắn bi hay đá banh với đám con nít cùng lứa với mình. Chỗ này có nhà vệ sinh cho cả xóm. Hình như có 3, hay bốn nhà cầu, một phía có cái bể nước để bà con giặt quần áo. Sau đó thì đến dãy nhà ông Lào, Chú Be và TTM. Đến con đường hẻm đi qua đường Phan Đình Phùng, chỗ cái giếng vườn ông Ba Đà và bà Tôn Sanh, bà con chi với mẹ mình. Rồi đến xóm Công Chánh.


Năm 1992, về Đà Lạt lần đầu tiên thì mình có đến thăm gia đình bác Bửu Duy. Hình như có ai hỏi mình có nhớ đến anh Tý, con trai đầu của bác Duy, con bà trước. Nhớ chớ. Còn thì nghe thằng Vinh, Dũng, con Hương chết. Thằng Hồ thì nghe nói di dân qua Mỹ, ở đâu Texas nhưng chưa gặp lại. Chắc còn nhỏ nên không nhớ mình. Con Hà thì ở Úc Đại Lợi. Có ghé thăm bác Nhị, cạnh nhà ông Lào. Nghe nói thằng Miều đã chết, còn thằng Toàn thì ở Hoa Kỳ thì phải còn thằng Bảo thì ở Vũng Tàu. Thằng Bảo học Yersin trên mình một lớp. Khi xưa, hai thằng nuôi vịt để bán. Vịt mình mới lớn một tí, ông cụ kêu người làm làm thịt nên mình mất vốn luôn, hết nuôi. Cũng chấm dứt cuộc đời chăn nuôi vịt. 


Ở Cali mình có gặp lại gia đình bác Bửu Ngự, tiệm Thanh Nhàn khi xưa ở khu Hoà BÌnh. Sang Cali, gia đình bác mở tiệm Thanh Nhàn tại Bolsa nên mình tìm ra. Mình nhớ ơn bác Bửu Ngự, khi xưa lúc ông cụ mình bị bắt, lên án 18 năm tù, không ai dám ghé nhà mình, sợ liên luỵ với gia đình phả động. Chỉ có bác Ngự ghé lại thăm và khuyên mẹ mình ráng giữ gìn sức khoẻ để nuôi bầy con 10 đứa. Mình có đi ăn đám cưới thằng Hội, con trai đầu của bác. Lấy Giáng Ngọc, con gái của nhạc sĩ Tùng Giang. Đám cưới này lạ lắm vì tổ chức ngày thứ 5. Lý do là các ca sĩ đi show vào cuối tuần. Con của hai bác đều thành công. Có cô con gái thứ nhì lấy con trai của đại tá Phạm Ngọc Thảo. Thiếu tá Phong, đại đội 302, tiểu đoàn 204 khi xưa, kể là đi ăn đám cưới, lần đầu tiên mới thấy bác Ngự gái cười. Nghe nói bác Ngự trai đã qua đời, còn bác gái nay trả nhớ về không. 


Mình có ghé thăm bác Tân Gầy, mẹ của thằng Đôn, hay đánh lộn với thằng Thọ, con ông cai trường Đa nGhĩa. Sau này nghe nói bác nằm một chỗ nên chỉ hỏi thăm cô con gái Út tên Tú thì phải. Nghe nói Bác cũng mới qua đời.


Mình có gặp lại thầy Trịnh Minh Đức, dạy Pháp văn mình khi xưa. Thầy là con của ông Điện, nhà bên cạnh bác Nhị. Gia đình dì Tân, bà con với mình, con bà Dụ, chị bà Võ Quang Tiềm thì mình gặp mỗi lần về Đà Lạt, có ông thần Thăng, bà con khi xưa hay chơi với nhau. Bên cạnh là nhà của ông Võ Văn Địch. Mình có chơi với Võ Việt Điểu khi xưa, anh tên Thắng, có liên lạc lại , nay ở Virginia. Nghe nói làm cho cơ quan CIA thì phải. Đinh gia Trực cho mình I-mèo của chị Lực nhưng lâu quá cũng không liên lạc lại. Ở xa quá, chỉ mừng là biết hàng xóm còn sống thôi.


Hàng xóm thì mình có gặp lại chị Hợp, chị Hiền ở san Jose, Hiếu, Hà còn bác Hoà. Tí Em, Nguyên con bác Tước, còn thằng Bi, Bé Lớn , Bé Nhỏ thì không. Chị Gái thì ở Cali nhưng lái xe mất cả 2 tiếng nên cũng chưa có dịp gặp lại. Chị Gái khi xưa hay cho mình mượn truyện để đọc. Về Sàigòn thì Tí Em và Nguyên mời đi ăn, cái tiệm rất ngon, có thực đơn dầy như cuốn tự điển bách khoa. Kỳ về Sàigòn qua, chỉ có 1 ngày ở Sàigòn nên tranh thủ gặp mấy người em họ bên ông ngoại mình. Hàng xóm có nhà bà Vinh nhưng từ khi dọn xuống CHi Lăng thì gia đình không còn liên lạc nữa. Bà Vinh có mấy người con như anh Thanh đi Pháo Binh, anh Tú, học khoa học ở Sàigòn, chị Tân, rồi đến thằng Tiến thua mình 1 tuổi, rồi đến con Tâm, con Tuyết. (Còn tiếp)

Mình được thiên hạ gửi cho đâu trên 2000 tấm ảnh về Đà Lạt xưa. Để khi nào rảnh mình lựa ra một số ảnh rồi kể chuyện đời xưa. 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tiến thoái lưỡng nan

 


Bom dội khắp nơi trên xứ Ba Tư khiến thiên hạ nhảy đùng đùng, kêu gọi người dân xứ 1001 đêm, xuống đường đánh đỗ chế độ thần quyền đủ trò. Kêu gào rất dễ vì chỉ ngồi nơi bàn, uống cà phê rồi lướt bàn phím tự xưng là người yêu chuộng hoà bình, mong muốn mọi người sống dưới chế độ dân chủ đủ thứ. 


Vấn đề là người dân xứ Ba Tư đang đối mặt một vấn đề rất khó khăn, không phải yếu tố chính trị mà là hiện sinh. Họ đang ở tình trạng tiến thoái lưỡng nan của hai cấu trúc đang sụp đổ không do họ định đoạt hay lập ra. Một là trong nước, một ngoài nước. Trong quốc nội họ phải đối mặt với một chính phủ do lãnh tụ tối cao và các thể chế không được người dân tự nguyện bầu.


Từ ngày cách mạng hồi giáo đánh đổ chế độ quân chủ năm 1979 đến nay, kinh tế được chế độ mới quản lý một cách yếu kém, thêm bị ngoại quốc cấm vận, một mặt người dân bị đàn áp bất đồng chính kiến và kiểm soát tư tưởng một cách tàn bạo đã khiến nhiều thế hệ xa lánh. Không ai tin vào cải cách nữa, tuyên truyền…


Có đọc một status của một phóng viên người Nga, ông ta đi đi lại lại vô xứ BA Tư nhiều lần để viết bài,… ông ta cho biết cảm thấy chế độ Ba Tư ngày nay như chế độ Sô Viết ở thế kỷ trước. Cái gì cũng mua chuộc, tham nhũng hết. Điển hình là các cô gái ăn sương, nghe nói sẽ bị ném đá chết này nọ nhưng trên thực tế đầy đường vì họ trả tiền cho các vệ binh cộng hoà hồi giáo chi đó. Hay cho hưởng chút của lạ đợi ngày lên thiên đàng gặp 72 trinh nữ. 


Hiện nay có một nghịch lý: người dân rất sợ chế độ sụp đổ, vì họ đã chứng kiến hậu quả của sự can thiệp của Tây phương vào các quốc gia như Iraq, Libya, Syria và Á Phủ Hãn, Yemen,.. nói chung là các nước lân cận trong vùng mà cựu tổng tư lệnh NATO, tướng Wes Clark tuyên bố họ cho ông ta biết chiến dịch đánh chiếm 7 nước ở trung đông sau vụ khủng bố 9/11. Năm nay Ba Tư là nước thứ 7 bị dội bom.


Mỗi quốc gia đều được hứa hẹn về tự do, dân chủ như hình ảnh tượng của Sadam Hussein bị kéo đỗ rồi mỗi quốc gia lại rơi vào hỗn loạn, nội chiến hoặc bị nước ngoài chiếm đóng. Vì vậy, người Ba Tư không tin tưởng Hoa Kỳ hay Israel. Không phải vì họ ủng hộ chế độ thần quyền, mà vì họ biết cách các thế lực đế quốc đối xử với các quốc gia 'giải phóng' ở Trung Đông. 


Theo ngôn ngữ của họ, tự do thường có nghĩa là chân không, hỏa hoạn và bất ổn vĩnh viễn. Hiện tại, nhiều người Ba Tư đang sống với ba sự thật cùng một lúc: Cộng hòa Hồi giáo đã phá sản về mặt đạo đức và chính trị. Các giải pháp thay thế do các tác nhân nước ngoài đưa ra không phải là giải phóng mà là sụp đổ. Một chính phủ tồi vẫn có thể tồn tại. Không có chính phủ nào không thể tồn tại vĩnh viễn.


Người dân thận trọng vì họ đã học được quá rõ điều gì sẽ xảy ra khi các siêu cường quyết định "giúp đỡ". Ba Tư là một quốc gia bị chính chế độ của mình bắt làm con tin, nhưng lại bị ám ảnh bởi số phận của những người hàng xóm. Họ bị mắc kẹt trong một ngôi nhà mà họ chán ghét, nhưng xung quanh là những đám cháy khiến họ sợ hơn.


Khi mình thấy hình ảnh tượng đài cha già dân tốc của Sadam Hussein, Khadafi,…bị người dân kéo xuống thì mừng cho người dân của họ thoát được chế độ độc tài nhưng vài tháng sau khi thấy dân tình thay vì hưởng được tự do lại lâm vào cảnh te tua hơn trước.


Từ đó mình thấy tốt nhất để dân họ tự xử, ngoại nhân đừng có xía vào. Các cường quốc nhân danh tự do dân chủ bú xua la mua để dành các mỏ dầu chớ hạnh phúc người dân bản địa thì họ đâu có kể.


Mình mới đi du lịch ở Trung Á về. Thấy các đường cao tốc và xe hoả do Trung Cộng đang xây dựng, xe vận tải từ biên giới Trung Cộng tràn sang, chở chạy khắp nơi. người Tàu qua mấy xứ này xây dựng đường xá, trong chương trình Vành đai và Con ĐƯờng.

23% dầu khí mà Trung Cộng mua hàng năm là từ xứ BA Tư dù bị cấm vận, Trung Cộng mua rẻ dưới giá thị trường. Ngày 25 tháng 5, 3 chuyến xe lửa chạy thẳng từ Trung Cộng đến cảng Asprin Dry của Ba tư chở hàng hoá. Và sẽ chở dầu hỏa về Trung Cộng chỉ mất 2 tuần lễ, thay vì đi đường biển mất cả tháng trời. 10 ngày sau đó thì họ bắt đầu xây dựng con đường xe hoả nối với Nga. Trục giao thông của BRICS sẽ được hoàn tất. 


10 ngày sau chuyến xe lửa đầu tiên nối con đường lụa của thế kỷ 21, bổng nhiên DO Thái và Hoa Kỳ bỏ bom xứ này. Tại sao họ không bỏ trước kia như với Syria và Iraq? Mình không tin vào sự ngẫu nhiên.

con đường lụa của thế kỷ 21 nối liền Trung Cộng và Ba Tư mà mình có dịp hiển thị tại mấy nước này ngoại trừ Ba Tư

Truyền thông Hoa Kỳ đem ông thái tử của ba tư ra kêu gọi nhân dân đánh đổ chế độ như khi xưa người dân đánh đổ chế độ của ông bố. Được Tây phương đưa lên sau khi lật đổ chính phủ dân chủ của thủ tướng Mossadegh, được người dân Ba Tư bầu lên. Ông này phạm một lỗi lầm là tin vào người Tây phương, vào nền dân chủ được kêu gọi giúp đất nước giàu sang.  Quốc hữu hoá các giếng dầu của British Petrolum để lấy tiền nuôi dân và phát triển đất nước. Dân chủ nhưng không được đụng đến quyền lợi của tao. 


Trong phim “my name is nobody” có cảnh một con chim con loay hoay rớt từ trên tổ chim xuống đất, đúng vào bão phân bò. Thối quá nên con chim vùng vẩy kêu toán lên. Từ xa một con sói nghe tiếng chim kêu gào, cầu cứu thế là hắn bò lại. Từ từ lượm con chim ra khỏi bãi cứt bò và bỏ vào mồm. Do đó khi lấy vợ, mình không kêu ca gì nữa. Chấp nhận làm thằng hèn sợ vợ. Chán Mớ Đời 


Có lần mình xem người ta phỏng vấn một người đàn ông Palestine, ông ta cho biết chỉ muốn có cuộc sống yên ổn, không muốn đánh phá DO Thái này nọ. Muốn đi xứ khác cùng với gia đình để tạo cuộc sống mới vì từ khi sinh ra đời, cứ thấy chiến tranh, chém giết nhau. Những kẻ cầm quyền, họ muốn chiến tranh hoài. Lý do để họ hưởng lợi. Yasser Arafat khi chết người ta khám phá ra bà vợ giữ tài sản rất nhiều ở Paris. Họ đoán là Do Thái đã giết ông ta chậm chậm với thuốc độc.


Cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023 đã khiến hơn 1,200 người Do Thái  thiệt mạng. Xin nhắc lại dân số Do Thái vào thời gian đó độ 9.75 triệu dân. Cứ tưởng tượng Việt Nam có dân số 100 triệu, gấp 10 lần do thái, trong một ngày có một đám khủng bố giết 12,000 ngàn người Việt thì quân đội Hà Nội sẽ tìm mọi cách để kiếm cho bằng được các con tin còn bị bắt và bỏ bom các nơi ẩn nấu của bọn khủng bố. Ngược lại người ta hoan hô nhóm Hamas, biểu tình trong đại học. 


Sự tàn nhẫn khi thấy dân Palestine ăn bom của do thái và chết. Nghe nói đến may đã lên trên 50,000 người. Người do thái không muốn bị diệt chủng và mình nghĩ đa số người Palestine chỉ muốn sống hòa bình nhưng ngoại quốc cứ xía vào xúi một thiểu số đánh nhau với do thái.    Ca ngợi nhóm Hamas trên nguyên tắc không đại diện cho người Palestine. Hay ở Hoa Kỳ dân số gấp 40 lần của do thái như có 50,000 người Mỹ bị giết và bắt cóc trong một ngày. Người Mỹ có xuống đường hoan hô nhóm khủng bố?


Tương tự ở Bolsa mình được giới thiệu nhiều người Việt từ Việt Nam, giàu có nhưng lại muốn sang Hoa Kỳ sinh sống. Con cái đều được cho du học tại Hoa Kỳ rồi ở lại, tạo dựng sự nghiệp. Mình không dám hỏi họ lý do.


Nói chung ai cũng muốn có môi trường tốt để họ sinh sống thay vì bị bắt buộc đánh nhau, giết người. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nhs

Người xưa năm cũ

Cuối tuần rồi nói chuyện với bà cụ sau mấy tuần ở trên núi. Nghe mẹ mình kể là Bà Lào, xóm địa dư mới qua đời tuần trước. Xem như trong xóm nơi khu nhà mình ở thì thế hệ của mẹ mình nay chỉ còn mẹ mình và ông Mai, bố thằng Banh. Bà Lào cùng tuổi mới chết. Ông Lào hình như mấy năm trước cũng ra đi. Rất thọ.

Thầy Phạm Kế Viêm nay ở Pháp, còn thầy Hàn đã qua đời

Đường Hai Bà Trưng khi xưa toàn là các cư xá công chức, khởi đầu là cư xá của viện Pasteur ngay dốc Hai Bà Trưng, chỗ trường Nữ Công Gia Chánh. Có dạo mình tập Vovinam tại đây. Kế đến là khu cư xá của Nha Địa Dư, ty Công Chánh, rồi lên chút nữa gần trường Đa Nghĩa là cư xá của ty Bưu Điện và ty Kiến Thiết.


Cư xá Công Chánh và Nha Địa Dư gần nhau nên con nít của hai cư xá hay chơi với nhau và đánh lộn. Nhớ hồi nhỏ, xóm Công Chánh có thằng Dư, anh con Thuý, thằng Sửu và thằng Hiệp con ông Tô hay bắn bi, đánh lộn với đám xóm Địa Dư, khiến chúng rượt chạy về xóm, lấy ná bắn nhau. Đám con nít Địa dư, lấy đá quăng, rớt vào nhà vệ sinh công cộng, làm bể ngói, trời mưa bị dột. Mình còn nhỏ nên chỉ biết núp với thằng Đắc, con anh Bình, xem chúng bắn nhau. Thằng Sửu chơi bắn bi dỡ nhất, hắn cứ xúi mình mua bi để hắn bắn dùm. Chỉ nhớ tên Hiệp, con ông Tô là bắn bi giỏi nhất đám thêm hắn có tài làm diều giấy bóng. Hắn chơi đã rồi, kêu dụ mình mua con diều của hắn. Thả vài cái thì gió thổi cái bụp, con diều đứt chỉ bay qua mấy cái vườn sau xóm Địa Dư.

Chỗ thang cấp lên trường Văn Học Đà Lạt xưa.

Hôm trước buồn đời, có anh Ngọc, đai đen Thái Cực Đạo xóm Pasteur, còm hỏi mình là ai. Khiến mình thất kinh. Lâu lâu có người Đà Lạt còm hỏi mình là ai là chới với. Mình nhớ họ nhưng chả ai biết mình, ngoại trừ hàng xóm gần nhất. Như thằng Bi, con đại uý Hải, Đinh Gia Lành, nghe tên mình là hắn nhớ chiếc xe Bridgestone khi xưa, ông cụ mua lại của thằng Sửu, cắt ống Pô, chạy tiếng to inh ỏi. Hay anh Toàn con ông Tô, rể của bác Nguyễn Đình Thừa. Anh Ngọc cứ lênh bênh mấy ngày, còm qua còm lại, tự hỏi sao anh ta không nhớ mình, chỉ nhớ ông Châu bên cạnh nhà anh ta. Mình thì nhớ anh ta có giọng cười hề Văn Chung. Dạo hè cả xóm xúm nhau đánh bóng bàn ở nhà ông Nguyễn Văn Nghi, trồng răng. Anh ta cứ cười hé hé chát chúa mà 60 năm sau mình vẫn có thể nhái giọng cười của anh ta. Ông Nghi có người em trai tên Đức đánh bóng bàn khá, tay trái nhưng sau này mình hạ hết trong xóm. Hình như anh Ngọc, có cô em gái cùng tuổi với mình học BÙi Thị Xuân. Mình chỉ đánh bóng bàn thua Nguyễn Minh Dũng, con hai bác Nguyễn Đình Thừa.

Chỗ này trên đường Hải Thượng, bêb tay phải là cổng vào trường Việt Anh, nơi vợ thầy Viêm đưa thầy đi dạy rồi chạy ra cổng tông vào xe của mình đang chạy trên đường Hải Thượng. Cả hai đều không có bằng lái xe. Gần đi Tây mình mới thi bằng lái xe vì mới đủ 18 tuổi. Đến ty công chánh, bạn ông cụ kêu chở chạy vòng vòng, mình chả biết luật lệ gì cũng đậu. Đổi bằng quốc tế oai như Tây. Sang Pháp đem đổi bằng lái xe của Tây đến giờ.

Trong xóm Địa Dư, trội nhất là mấy đứa con ông Lào. Chỉ nhớ mỗi năm đến Trung Thu, là chúng cải trang giả làm ông Địa, rồi mấy anh em cầm trống đánh cà xình cà xình lắc cắc Tùng tùng múa Lân, dẫn đầu đám con nít trong xóm Địa dư đi rước đèn đến nhà ông Sâm rồi quay lại. Dạo ấy nhỏ nên phục chúng lắm. Chúng lớn hơn 2, 3 tuổi nên chả nhớ tên gì nhưng mình phục đám anh em này. Lâu lâu có đá banh với đám Địa Dư. Mấy tên con trai của ông Lào rất giỏi tính toán làm ăn. Khi ông Lào lãnh thầu đóng thùng gỗ để đựng rau cải xà lách bán cho Mỹ thì mình xuống nhà, mấy tên này sắp xếp cho mình đóng thùng rồi ghi sổ ra sao để ông Lào trả tiền. Dạo ấy vui, đi đến xóm Địa dư và Công Chánh là nghe tiếng búa đóng đinh đóng thùng gỗ. Nghe nói con ông Lào sau này đều khá hết, chạy xe hàng,…


Xóm Địa Dư khi xưa, hè mình hay chơi dích hình với thằng Banh, con ông Mai, em của ông Lào. Hình như ông Lào có hai cô em gái, quên tên. Ông ta có người em trai tên Út thì phải, ở khu nhà chú Hồng, số 15 Hai Bà Trưng, cạnh nhà thầy Thành Bắp Sú. Mình ghét tên này lắm. Lý do là tuần nào thứ hai hắn cũng bò lên nhà mình dụ ông bà cụ mình mua Lô Đề, hắn đi biên số Đề kiếm ăn. Mấy năm trời chỉ trúng có một lần. Mình thấy ông bà cụ chơi đề mà sót ruột, thua ná thở còn tên này thì cứ bàn mua con Dê số 35, con rắn số 32, nằm mơ thấy con vịt mua số mấy. Không biết còn sống hay không. Lâu lâu thấy chị thằng Banh, còm trên bờ lốc của mình. Mình không nhớ mặt mũi chị nó ra sao. Thấy tự giới thiệu thì nhớ mại mại. Nghe nói ông Mai nay về xóm ở để được con cháu săn sóc. Vườn tược dưới Phi Nôm không biết ai chăm sóc.


Nhắc đến thầy Thành Bắp Sú, nổi tiếng Đà Lạt. Mình có gặp lại thầy tại San Jose một lần khi họp mặt cựu học sinh Văn Học. Sau này thầy yếu nên không tham dự lần thứ hai và đã qua đời mấy năm trước. Hình như khi xưa thầy khởi đầu dạy ở trường Văn Học, sau đó thầy mở trường bán công Quang Trung. Có thời gian thầy ra ứng cử nghị viên hội đồng thị xã Đà Lạt, lấy danh hiệu “Bắp Sú”, đặc trưng của người Đà Lạt nên từ đó thiên hạ gọi thầy là Thành Bắp Sú. Sau này vượt biên qua Hoa Kỳ, định cư tại San Diego. Thầy không biết ông cụ mình khi xưa, mình cũng không có kỷ niệm với thầy ở Đà Lạt. 


Hôm trước có người còm nói khi xưa có học trường Hiếu Học. Số 8 đường Hai Bà Trưng do thầy Chử Bá Anh thành lập. Ông cụ mình có học đêm để thi bằng tiểu học ở đây. Nhớ tối tối mình đi đón ông cụ học ra. Sau này thầy Chử Bá Anh mở trường Văn Học ở số 4 Hoàng Diệu, để lại cho thầy Trần Đình Bảng, em rể, đổi tên thành trường Thăng Long. Nhưng rồi cũng dẹp vì Đà Lạt ra nhiều trường quá nên ít học trò. Không như hồi chia đôi đất nước.


Có ai gửi tấm ảnh thầy Phạm Kế Viêm và thầy Hoàng Trọng Hàn, chụp thời Đà Lạt. Mình có theo học khoá hè lớp 11 ở trường Việt Anh, chuẩn bị qua trường việt nên có học hình học với thầy Phạm Kế Viêm mấy tuần lễ. Thầy người Bắc, dạy trường Võ Bị Quốc Gia. Dư thời gian thì đi dạy luyện thi tú tài ở trường Văn Học vào buổi chiều. Dạo ấy môn toán là do thầy Viêm dạy, môn Vật Lý là thầy Thân Trọng Bình, người Huế đảm trách và môn Hoá Học do thầy Nguyễn Bào, người Huế dạy. Khóa hè đâu 8 tuần gì đó chỉ có thầy Viêm và thầy Bình dạy còn thầy Bào thì mình học với thầy trên viện đại học Đà Lạt mấy tuần trước khi đi du học. Còn môn hoá học ở Việt Anh, khoá hè thì có ông thầy nào quên tên, người Nam, học chung Nhật ngữ với mình vào buổi tối. Đi học Nhật ngữ thì anata watashi bú xua la mua vào lớp thì thầy em.


Dạo ấy, trường Văn Học có lớp luyện thi tú tài do 3 giáo sư Viêm, Bình, Bào đảm trách. Học sinh Đà Lạt cứ chiều là đến trường Văn Học học luyện thi của bộ Tam Sư này. Sau này, có vấn đề gì đó, 3 ông thầy này, không hợt tác với tường Văn Học, di tản qua trường Việt Anh. Thế là một số lớn học sinh Văn Học kéo chạy qua Việt Anh như Phạm Minh Tuấn, nhà ở khu giếng ông Ba Tây. Hắn rủ mình nhưng lười đi theo. Tên Tuấn nay ở Bôn Sa làm nghề khai thuế nhưng mình chưa gặp lại. Có điện thoại được 2 phút thì vợ hắn kêu cúp.

Lớp nơi mình học Nhật ngữ vào buổi tối khi xưa.

Mình có kỷ niệm khá sống động với cô Diệu Tâm, vợ thầy Viêm, chị bà con chi đó với dượng Ân, rể ông bà Phúng, ở Sydney. Số là khi xưa, chưa có bằng lái xe, nhưng mình vẫn lái xe Jeep của ông cụ, chở mấy đứa em đi học ở trường Hùng Vương vào buổi chiều. Một hôm chạy về nhà thì chạy ngang trường Việt Anh, bổng nhiên có chiếc xe con cóc VW từ trong trường Việt Anh chạy ra, tông xe mình cái rầm. Mình mặt xanh như đít nhái, ngừng xe lại, thấy chiếc xe của thầy Viêm, do cô Diệu Tâm lái. Mình thì run như nghe Việt Cộng pháo kích còn cô thì ngồi trong xe mặt như người xem phim ma. Ai đó chạy vào trường nói gì thì thấy thầy Viêm đi ra, gặp mình, hỏi con ông Đoài, tên ông cụ mình. Mình gật đầu, thầy kêu đi đi. Hú vía. Sau này có ai gửi cho mình bài viết của cô kể lái xe ở Đà Lạt, không có bằng lái xe. Kinh


Còn thầy Hàn thì có dạy mình năm 12 B môn anh văn. Thầy du học ở Hoa Kỳ về, kỹ sư nhưng dạy môn anh văn. Thầy có người anh tên Hoàng Trọng Cang làm lớn ở Đà Lạt. Có dạo thầy làm hiệu trưởng trường Trần Hưng Đạo sau đó được bổ nhiệm làm chức vụ lớn hơn về giáo dục ở Đà Lạt, không nhớ chức vụ. Năm 1986, sang Hoa Kỳ chơi, Chử Nhất Anh có cho điện thoại của thầy để mình gọi hỏi thăm. Thầy chả nhớ mình là thằng sơn đen nào vì học trò đông quá. Cách đây hai ba năm, có chị bạn học kêu đi ăn cơm với cô Xuân Lan, sang Cali thăm con cháu. Cô vẫn đẹp và vui vẻ như xưa. Hình như mình có người em học với cô khi xưa ở trung tâm giáo dục Hùng Vương.


Mình có kỷ niệm vui về thầy Hàn khi dạy anh văn. Hôm đó thầy dạy về số ít số nhiều thì phải thay đổi ra sao như “y” thì số nhiều đổi thành “ies”. Đặc biệt có những từ như Foot thì số nhiều là Feet, hay Tooth thì số nhiều là Teeth. Thầy nói tiếng Huế nên trong lớp chúng cũng đọc lại bằng giọng Huế. Mình mê nhất là khi thầy kể chuyện thời du học ở Mỹ. 


Trong Campus, có máy bán đồ ăn. Lúc đó ở Việt Nam đâu biết chỉ nghe thầy kể thì mượn tượng ra sao đến khi ra Hải ngoại mới biết cái máy gọi vending machine. Cái tủ rồi họ móc kẹo bánh hay chai nước uống với số mã. Mình muốn mua loại nào thì bỏ tiền vào rồi bấm số mã thì máy nhả món ăn đó xuống thùng, chỉ mở nắp lên lấy ăn. Thầy nói có tên bạn, cứ mỗi lần đi mua thức ăn, hắn lúc nào cũng tình nguyện hết. 


Sau khám phá ra hắn tới đập đập vào cái máy bị hư rồi thức ăn rớt xuống hay cà phê này nọ khỏi phải nộp tiền. Nay ở Hải ngoại thì bình thường nhưng dạo ấy, những gì thầy kể khiến mình càng náo nức muốn đi du học như thầy.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn