Mình thích đọc mấy chuyện nhân văn. Người ta nói nếu mình đọc mấy chuyện hiền lành, có hậu sẽ khiến mình bắt chước hay bớt gian ác. Bộ não mình như cái máy, nếu mình tải phần mềm gian ác thì đầu óc mình cũng chạy theo đó. Sáng đi tập ở Đông Phương Hội, mình hay mở các băng giảng về đạo Phật, tu tâm dưỡng tính, để bồi dưỡng đầu ngày về đạo đức, tâm lành, tánh tốt, giúp mình bớt gian ác trong ngày. Khi xưa mình rất gian ác, con cháu địa chủ, thành phần tàn tích của chế độ cũ, phản động nhưng từ từ đồng chí gái, như Phật bà, giúp mình tắm gội nhưng tư duy cường hào ác bá nên phải đọc mấy chuyện khiến đời cho ta nhiều hy vọng mai sau. Bớt tạo khẩu nghiệp chửi bới trên mạng.
Hôm nay đọc một câu chuyện về cuộc đời của ông thợ mộc tên Dale Schroeder, rất cảm động. Ông ta sinh ngày 8 tháng 4 năm 1919 tại Iowa, trong thời kỳ khó khăn kinh tế dẫn đến cuộc Đại Suy thoái. Lớn lên trong nghèo khó đã định hình thế giới quan và đạo đức làm việc của ông. Ông không bao giờ kết hôn, không có con cái và sống một cuộc đời đơn độc, giản dị ở Des Moines. Trong suốt 67 năm, từ khi còn là thiếu niên cho đến khi qua đời ở tuổi 86 vào ngày 12 tháng 4 năm 2005, ông làm thợ mộc tại Moehl Millwork Inc., một công ty địa phương chuyên về đồ gỗ. Công việc của ông ổn định nhưng không mang lại thu nhập cao, tuy nhiên, Schroeder đã tiết kiệm một cách cần mẫn, tránh xa xa xỉ phẩm và sống theo phong cách tối giản.
Sự tiết kiệm của ông đã trở thành huyền thoại với những người quen biết. Ông chỉ tối giản cuộc đời, sở hữu hai cái quần jeans, một cái quần để làm việc và một cái quần để đi nhà thờ và lái một chiếc xe tải Chevrolet cũ rỉ sét thể hiện cách tiếp cận thực tế của ông đối với cuộc sống. Mình nói chuyện với mấy người Mỹ già, từng trải qua cuộc suy thoái vàn thập niên 1930, đa số rất lo sợ thiếu gạo thiếu bánh mì. Họ không muốn gia đình của họ phải trải qua thời gian này cũng như mẹ mình không muốn phải trở lại đời sống tem phiếu nữa.
Bạn bè mô tả ông là người trầm lặng, tử tế và có đức tin Kitô giáo sâu sắc, thường tham dự Nhà thờ Baptist Thủ đô ở Des Moines. Dù có vẻ ngoài khiêm tốn, Schroeder đã tích lũy được gần 3 triệu đô la vào thời điểm qua đời, một tài sản được xây dựng qua hàng thập kỷ lương khiêm tốn, tiết kiệm cẩn thận và có thể là một số khoản đầu tư khôn ngoan, mặc dù chi tiết cụ thể về cách ông tăng tài sản vẫn được giữ kín. Mình đoán mua cổ phiếu hay có nhà cho thuê. Đa số những người triệu Phú láng giềng đều thực hiện như vậy. (Theo cuốn The Millionaire Next Door).
Ông Schroeder không có học vấn chính quy nào ngoài trung học, điều này khiến ông trăn trở. Ông từng tâm sự với bạn mình là luật sư Steve Nielsen rằng ông tiếc nuối vì không có cơ hội học đại học do gia đình nghèo khó. Trải nghiệm cá nhân này đã thúc đẩy quyết tâm của ông trong việc giúp người khác không phải đối mặt với rào cản tương tự.
Khoảng hai tuần trước khi qua đời vì ung thư vào năm 2005, Schroeder đã gặp Nielsen, người bạn lâu năm và luật sư của mình, để hoàn thiện di chúc. Ngồi tại bàn bếp của Nielsen, Schroeder tiết lộ khoản tiết kiệm của mình, gần 3 triệu đô la và kế hoạch của ông: ông muốn số tiền này được dùng để chi trả học phí đại học cho các học sinh từ các thị trấn nhỏ ở Iowa, những người không thể tự chi trả. Ông chỉ định rằng những người nhận học bổng phải đến từ các thị trấn có dân số dưới 10.000 người, nguồn gốc nông thôn của chính ông, và theo học tại một trong ba trường đại học công lập của Iowa: Đại học Iowa, Đại học Bang Iowa, hoặc Đại học Bắc Iowa. Điều kiện duy nhất của ông là những người nhận học bổng phải “trả ơn về phía trước,” truyền lại lòng tốt mà ông đã dành cho họ. Các sinh viên dấn thân mà Lửa Việt Organization cấp học bổng, họ không chỉ học nhưng phải tham gia các công tác xã hội để giúp cộng đồng.
Sau khi ông Schroeder qua đời, Nielsen và một ủy ban tư vấn đã thành lập Học bổng Tưởng niệm Dale Schroeder. Quỹ bắt đầu phân phối học bổng ngay sau đó, chi trả toàn bộ học phí và đôi khi cả các chi phí bổ sung như sách vở, tùy thuộc vào nhu cầu của học sinh và mức phí của trường đại học. Học bổng hoạt động âm thầm trong 14 năm, từ 2005 đến 2019.
Tương tự có câu chuyện một ông làm gác dan cho đại học Boston suốt 23 năm, giúp 5 đứa con học trường đại học này miễn phí. Xem như khỏi tốn $700,000 tiền học phí. Xem như hy sinh đời bố củng cố đời con.
Đọc xong thấy rất hay. Từ bao nhiêu năm nay mình cũng có đóng góp guỹ học bổng cho sinh viên nghèo. Tuy không nhiều nhưng cách để trả ơn những ông Tây bà đầm đã giúp mình trong thời gian sinh viên ở Paris. Năm ngoái có chị nào đọc bài về các sinh viên dấn thân ở Sàigòn nên khi về Việt Nam, chị ta có liên lạc và giúp các cháu một số hiện kim. Xin cảm ơn chị, dù chưa bao giờ gặp nhau. Chúc các bác một ngày vui.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét