Chạy lụt miền Trung

 Dạo này thấy trên mạng các hình ảnh về lũ lụt miền Trung khiến mình nhớ về thời còn bé, mỗi năm sau khi nhập học là có chương trình cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung. Cô giáo hay thầy giáo kêu về nhà xem áo quần cũ, nhất là áo ấm, lựa ra đem vào lớp để gửi tặng đồng bào miền Trung với những khẩu hiệu “Lá lành đùm lá rách”. Lớn lên thì lại tham gia đi quyên tiền với bạn học trong lớp.

 

Cứ mỗi lần như vậy, mẹ mình lục tủ để xem, lựa áo quần cũ gói để mình đem lên trường. Nhà mình thì đông anh em nên áo quần thường được theo gia tục cha truyền con bận, chật anh em bận tiếp nên khi được lựa ra để tặng đồng bào thì chắc chỉ bận vài lần là mục hết. Chán Mớ Đời 

 

Dạo ấy mệ ngoại mình còn bán ở chợ Đông Ba, chưa nghỉ hưu nên lại thấy mẹ mình gửi tiền bạc về Huế cho Mệ ngoại, để nuôi người em trai ăn học. Mình chỉ biết quê ngoại qua lời kể của mẹ và mấy người bà con ở Đàlạt như mình đã từng kể cho con khi còn bé về Việt Nam.

 

Dạo ấy, có bài hát mình quên tên, chỉ nhớ người ta chế lại lời “ quê em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hạ thời thiếu ăn. Trời hành cơn lụt mỗi năm, cứt nổi lình bình chảy đầy sông Hương à ớ à,….” Sau này, đồng chí gái cấm mình không được hát bài này, bôi nhọ quê hương của vợ.

 


Đó là hình ảnh về lũ lụt miền Trung mình ghi khắc trong đầu đến khi về thăm quê vợ ở Hội An mấy năm trước. Gia đình vợ mình gốc Huế nhưng bố vợ vào Hội An làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hoà khá lâu nên bạn thời bé còn nhiều nên mỗi lần về Việt Nam là phải ghé quê vợ thứ 2.

 

Mình nhớ ở khách sạn do một người bạn của đồng chí gái đặt dùm. Đến nơi, mình thấy chỗ xe đỗ xuống, phải leo lên mười mấy cái thang cấp mới vào đến phòng lễ tân nên ngạc nhiên. Lý do; người ta thiết kế chỗ vào khách sạn dễ dàng, không bắt khách leo thang cấp cao độ 1.5 mét vì có khách khuyết tật hay lớn tuổi. May có người của lễ tân, ra đón và xách Vali vào dùm.

 

Thắc mắc của mình được trả lời 24 tiếng sau đó. Mình nhớ xem phim “áo lụa Hà Đông” của một đạo diễn gốc việt hải ngoại về quay cảnh lụt ở Hội An. Nhìn biển nước mênh mông nên ông Bắc kỳ di cư đặt tên “Lụt” cho cô con gái đầu lòng. Chán Mớ Đời 

 

Tắm rữa xong xuôi thì đi ăn tối với mấy người bạn của đồng chí gái ở phố thì trời bắt đầu mưa. Xe taxi chạy được một đoạn thì tài xế kêu phải đi bộ vì đường bị ngập nên hai vợ chồng và mẹ mình xuống xe đi bộ.

 


Mình thấy đồng chí gái đi lội giữa đường vì quen cảnh lụt này. Giữa đường là điểm cao nhất vì hai bên đường thường là được thiết bị ống cống để nước chảy. Mình thấy nước ngập tới gần lưng quần của vợ. Nước ngập thì chắc chắn cũng ngập cầu tiêu nên nhớ đến bài hát đổi lời.

 

Ăn xong thì cô bạn của đồng chí gái kêu người quen có ghe, sẽ đưa tụi này về khách sạn. Nước chảy siết và lên khá cao. Mình hỏi hai mẹ con chèo ghe, bà mẹ tuy nhỏ tuổi hơn mình nhưng thấy ốm yếu, gầy còm, kêu lụt giúp họ có thêm lợi nhuận, chèo ghe nhưng không được bồi dưỡng nhiều lắm. Về tới khách sạn thì thắc mắc hồi chiều của mình được giải thích. Mình thấy nước dâng vào phòng lễ tân, cao hơn mặt đường 1.5 mét. Kinh

 

Chụp từ phòng lễ tân, cao hơn mặt đường 1.5 mét. Đang chuẩn bị để ghe đến đưa đi ra phi trường 


Hồi chiều, phải leo lên 10 thang cấp, nay thì ghe đậu sát cửa khách sạn, chỉ cần nhúng người phi thân vào cửa. Chán Mớ Đời 

 

Điện nước gì đều tắt hết vì ngập. Quản lý khách sạn cho biết; sáng mai sẽ có ghe đến để di tản mẹ mình và vợ chồng mình. Muốn đổi khách sạn tối này cũng được nhưng trời tối nên mình ngại, đành đợi trời sáng. Mẹ mình kêu đi chơi mà như chạy giặc Việt Cộng.

 

Tối đó mình sống lại thời xưa, bị cúp điện, xài nến. 4 giờ sáng mình bò dậy chuẩn bị di tản. Không điện, không nước nên phải lấy nến đi vòng vòng, có phòng bên cạnh, cặp vợ chồng du khách gốc Bồ Đào Nha, hé cửa hỏi mình. Mình kể là di tản nên hai vợ chồng mặt xanh như đít nhái.

 

Xuống phòng lễ tân thì họ đã làm sẵn các hộp thức ăn để mình đem theo ăn. Ghe vào khách sạn, chở mình chạy ra khu cao nhất của Hội An. Cô bạn đồng chí gái đã có mặt, thuê xe chở mẹ và vợ chồng mình ra phi trường Đà Nẵng, bay lên Đàlạt.

 

Sau vụ chạy lụt miền Trung, mình tò mò tìm kiếm tài liệu đọc về lý do nạn lụt miền Trung không bao giờ chấm dứt. Đọc tài liệu của các chuyên gia trong nước về đồng bằng sông Cửu Long, Trường Sơn thì mình thất kinh.



Thời chiến tranh, quân đội mỹ đã thả thuốc khai quang nhưng không tiêu diệt được rừng Việt Nam. Thời bình, các ông cách mạng đã thực hiện cuộc cách mạng phá rừng, để xây biệt phủ cho các nhà cách mạng khiến rừng không còn. 


 


Nghe kể cán bộ phá rừng, xây đập để tạo ra điện lực để bán cho dân nên càng ngày mưa lũ càng gia tăng, khiến dân tình khổ sở. Mình xem không ảnh của Việt Nam thì thất kinh.

 

Có lẻ khi xưa, các ông núp trong Trường Sơn nên mơ mộng xây dựng biệt phủ bằng cây rừng nên sau khi cách mạng thành công, thay vì hóa đóa lan rừng về tặng người em gái hậu phương, các ông cho đốn rừng, đem về xây dựng biệt phủ.

 

Hà Nội rêu rao là quân đội mỹ tàn ác, phá rừng gây thiệt hại thiên nhiên, đòi Hoa Kỳ đền bù nhưng với việc phá rừng như vậy thì ai mà tin Hà Nội.

 

Mình có viếng Campuchia và Lào, cũng theo chế độ cộng sản nhưng họ không phá rừng nhiều như cách mạng Việt Nam. Có lẻ họ phải học thêm ở người cộng sản Việt Nam và Trung Cộng để xây biệt phủ. Chán Mớ Đời 

 

Nhs

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét