Nhị Anh gửi cho mình bài thơ mang tựa đề "Khổng Tử" của nữ sĩ Vi Khuê.
Khổng Tử
Mỗi ngày tôi đều gọi tên Ông một lần
Và không biết nói gì hơn là thầm
Cảm ơn Ông
- Ông Khổng Tử -
Và không biết nói gì hơn là thầm
Cảm ơn Ông
- Ông Khổng Tử -
Cách đây trên hai ngàn năm
Ông đã bỏ tù tổ tiên tôi
trong chiếc nhà giam
thật êm ái
mà trong đó mỗi người
đều cảm thấy mình thật vĩ đại
trong khi mỗi phút mỗi giờ
đều thở
bằng hơi thở
của Ông
Ông đã bỏ tù tổ tiên tôi
trong chiếc nhà giam
thật êm ái
mà trong đó mỗi người
đều cảm thấy mình thật vĩ đại
trong khi mỗi phút mỗi giờ
đều thở
bằng hơi thở
của Ông
Chúng tôi
ngày nay
không ao ước gì hơn
môt chiếc nhà giam êm ái ấy
để yên trí mình thật vĩ đại
ngày nay
không ao ước gì hơn
môt chiếc nhà giam êm ái ấy
để yên trí mình thật vĩ đại
Chúng tôi
ngày nay
hèn mọn
bơ vơ...
ngày nay
hèn mọn
bơ vơ...
Vi Khuê
Có lẻ người phụ nữ Việt, lớn lên trong một xã hội với nếp sống Văn hoá Khổng-Việt, với những bất công đối với họ nên cảm nhận được cái sai trái từ một học thuyết lai căng, biến chế từ những Nho sĩ dốt, bất tài, tôn vinh lên thành một Quốc giáo. Họ vinh danh cái nghèo là cái mục đích tối thượng của con người để đạt đến hạnh phúc tuyệt đối của cuộc đời. Họ tự nhốt mình trong một Thiên đàng "vĩ đại" để rao giảng, tôn vinh những biến chứng, quái thai không hợp thời của một nhà tư tưởng mà thời đó, các vua chúa đã nhận ra và không dùng.
Cuối tuần rồi, vợ chồng mình đi ăn tối với một người bạn học của vợ khi xưa, trước khi anh ta về lại Maui. Trong lúc trò chuyện, anh ta hỏi tại sao người Việt mình lại hay chê bai lẫn nhau, không thể nào làm việc chung, giúp đỡ, xây dựng Việt Nam.
Mình nói ngày nào, người Việt được tẩy nảo, trục xuất nền Văn hoá Khổng -Việt thì mới có chút gì hy vọng cho Việt Nam, có một tương lai sáng lạng. Khổng Tử dạy học trò của ông là nước nào an bình thì đến, nước nào có chiến tranh thì tránh, nếu không tìm được một vị minh quân thì ở ẩn. Đọc Tam Quốc Chí, thấy Lưu Bị thân chinh, đi mời Khổng Minh, Gia Cát Lượng 3 lần mới được. Trong sử Tầu có nhắc đến Tào Tháo cũng đã thân chinh 3 lần nhưng không gặp.
Tại sao Khổng Minh lẫn trốn Tào Tháo, Lưu Bị,...là vì ông ta theo lời dạy của Khổng Khâu. Lúc loạn lạc thì nên tránh, chỉ tìm minh quân mà thờ. Mình đoán Lưu Bị cho gián điệp, dò xem khi nào Khổng Minh có nhà để đến. Khổng Minh bị bắt gặp quả tang nên phải theo Lưu Bị. Lí do là thời đó, nếu không thuyết phục được người tài giỏi, phục vụ cho mình thì vua chúa sẽ giết để tránh người này, giúp kẻ thù của mình tương tự người ta tiêu diệt các Đảng phái khác sau 1945, tiêu biểu ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khải bị ám sát. Nhạc sĩ Văn Cao, từng một thời là đại uý đặc công, ám sát nhiều người đối lập với chủ trương của Đảng mình.
Ông Khổng Khâu khuyến khích ở ẩn, lẫn trốn là hành động của kẻ sĩ, sản phẩm của Khổng Giáo từ mấy ngàn năm nay. Tương tự như "ta dại ta tìm nơi vắng vẽ, người khôn, người đến chốn lao sao" của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau này tinh thần được nối tiếp qua Tú Xương, Tản Đà,...mà ngày xưa, mình bị bắt học thuộc lòng mấy câu thơ trên nên chúng ta không ngạc nhiên những kẻ sĩ ngày nay, viện đủ cớ để khỏi tham gia các sinh hoạt Cộng đồng. Có người tham gia các diễn đàn thân hữu, nhưng không bao giờ đóng góp chút gì cho Cộng đồng dù tải về một bài thơ, bài viết đã đọc,...
Ông Nguyễn Công Trứ, vừa giỏi văn lại vừa giỏi võ, đến năm 43 tuổi mới đổ bằng ra làm quan. Không phải ông ta dốt nhưng vì thấy ông ta giỏi quá nên các giám khảo đánh rớt mấy lần thi trước, để giúp ông ta học được cái tính khiêm nhường, để khi làm quan sẽ không lộn xộn. Sau này ông ta bị gián chức đầy ra biên ải, mới có bài Trấn Thủ lưu Đồn, để lại cho hậu thế.
Trong bài Kẻ Sĩ, ông ta khuyên chúng ta, bắt chước Khương Tử Nha, đi câu cá, đợi Minh Quân. Tại sao phải đợi một Minh quân giáng thế? Tại sao chúng ta không tự làm lấy lịch sử. Cũng vì đầu óc nô lệ hoá của Khổng Việt mà ông Nguyễn Trải bị tru đi 3 họ. Tác giả Bình Ngô Đại Cáo là một trong những tinh hoa của lịch sử Việt Nam. Trong chiến tranh Bắc Nam của thế kỷ trước, Hà nội đã nghiên cứu rất kỷ về Nguyễn Trãi để dùng chiến tranh tâm lí, hầu đánh thắng miền Nam.
Nguyễn Trãi rất tài giỏi nhưng vì có đầu óc kẻ sĩ, đợi minh quân. Lê Lợi, không tài cán gì nhưng đứng ra tự nhận là minh quân. Nhiều khi mình tự hỏi nếu những người tài giỏi như Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ,..., không bị huấn luyện sống theo kẻ sĩ, thay vào với tinh thần dấn thân, lập nghiệp của Tây phương thì có lẻ Việt Nam, ngày nay đã có một kết cục khác.
Ông Nguyễn Du đi xứ sang Tầu, đọc được Đoạn Trường Tân Thanh, nên dựa vào ấy viết Truyện Kiều, kể lại tâm tình của ông ta; dù làm quan với triều Nguyễn nhưng lúc nào cũng thương nhớ về vị minh quân của mình, Nhà Lê tương tự Thuý Kiều, làm điếm cho Tú Bà nhưng không bao giờ quên Kim Trọng. Ông Trần Trọng Kim, một sĩ phu gốc Bắc, khinh miệt Bảo Đại, hậu duệ của Gia Long đã tiêu diệt nhà Lê nên chỉ làm thủ tướng ngắn ngũi. Ông Hoàng Xuân Hãn, rất giỏi nhung rồi cũng đi Pháp, ẩn dật theo khổng giáo cho nên đất nước chỉ còn những kẻ dốt, nắm vận mệnh của dân tộc nên mang lại thành quả ngày nay.
Người ta hoan hô một anh bần cố nông, giải thích cho anh ta là anh em với các dân bần cố nông khác trên thế giới, Liên Xô, Trung Cộng,...., nhưng người ta dạy anh phải căm thù thằng địa chủ, tiểu tư sản trong làng của anh. Người ta tự hào là đêm đêm , canh gác cho các đàn anh yên giấc. Đó là tinh thần kẻ sĩ, thân thương với những Tô Đông Pha bên dòng sông Lịch nhưng coi thường, khinh miệt những nông dân trong làng có cùng tiếng nói với mình.
Nếu quan sát kỹ thì Người Việt không có tinh thần yêu nước. Người Việt có thể yêu nhớ làng quê, nơi chôn nhau cắt rún, quê hương của họ, nhưng cụm từ đất nước, tổ Quốc rất trừu tượng đối với họ. Từ Thức, Lưu Nguyễn trở về quê xưa, chớ không nghe nói trở lại tổ quốc họ. Từ ngày lập quốc đến nay, người Việt sống dưới chế độ quân chủ chuyên chế, ảnh hưởng của Khổng Giáo, một nền Văn hoá chỉ đề cao vua là tất cả. Coi truyền hình về xứ Triều Tiên thì ta có thể nhận thấy cha ông ta sinh sống ra sao vào thế kỷ 19, 20. Ông ngoại mình là đội Thất của lính Khố Đỏ, kể là khi vua đi chơi thì toàn dân , phải quỳ xuống, đợi kiệu của Vua đi qua mới được ngước mặt kên, nếu không sẽ bị chém đầu. Nhìn được dung nhan của vua hay các Lăng của vua xưa, là niềm ước ao tối cao của kẻ sĩ.
Dân là con của vua, vua bảo chết thì phải chết. Cuộc đời họ được định đoạt bởi ông vua, họ không có quyền tự quyết định cho tương lai của họ. Vua có thể lấy nhà cửa, đất đai của mình. Ngày nay, lịch sử vẫn tiếp tục dưới danh từ "cưỡng chế", đất đai của nông dân để xây dựng các sân cù trong khi dân đói. Vua có thể chém cả ba đời. Khổng Tử phải đi nước khác cầu thực như người Việt Hải ngoại ngày nay. Cụm từ Tổ Quốc, Quốc Gia Việt Nam chỉ mới được phôi pha, thành hình năm 1945 sau khi vua Bảo Đại thoái vị, tuyên bố hãnh diện làm công dân Vĩnh Thuỵ của một nước Việt Nam độc lập,...
Nhưng sau Hiệp định Genève, thì Việt Nam được chia làm hai cho nên mình lớn lên 18 năm ở Đà Lạt , qua hai nền Cộng Hoà. Nhiều khi ngồi nghĩ lại, đất nước đang thời kỳ chiến tranh, tại sao mình bố mẹ mình không cho tham gia Nhân Dân Tự Vệ, để bảo vệ khu phố của mình như Nguyễn Đình Tài, Dương Quang Trí và những tên học chung khác. Tại sao mình không gia nhập trường Võ Bị như thằng Hùng, ở xóm Pasteur trên đường Thi Sách, sau khi đổ Tú Tài. Lại bỏ lại tất cả để đi Tây? Chứng tỏ mình không phải một kẻ yêu Tổ Quốc. Mình được nhào nắn trở thành kẻ sĩ, ích kỷ, muốn tìm một nơi vắng vẻ, tránh xa cuộc chiến mà dân tộc đang chịu đựng.
Tương tự, ngày nay, ai có khả năng là cho con họ du học rồi tìm cách ở lại. Ngay cả cán bộ, khi xưa chửi mỹ, đánh cho mỹ cút nguỵ nhào, nay cũng muối mặt về hưu ở mỹ, đáp an toàn cho những ngày trong tuổi già.vỗ ngực tự xưng là người di dân thay vì tỵ nạn cộng sản.
Một gia đình hạnh phúc nếu có tình yêu thương giữa cha mẹ, anh em đùm bọc lẫn nhau, tương tự một Quốc gia cần có tinh thần ái quốc của toàn dân, đùm bọc nhau để bảo vệ lãnh thổ. Người Do Thái được Liên Hiệp Quốc cho thành lập tổ quốc của họ sau đệ Nhị thế chiến sau mấy ngàn năm tha phương cầu thực. Họ sẵn sàng chiến đấu cho sự sống còn của họ. Họ biết nếu họ không đoàn kết thì các cuộc diệt chúng như Dachau, Trimblinka,... , mà mình có viếng thăm sẽ tái diễn cho dân tộc họ. Mình có cô bạn, làm chung khi xưa ở New York, kể là nước cô ta, Do Thái, trai gái đều đi quân dịch hai năm. Vì đó là sự sống còn của dân tộc họ.
Khổng Khâu đã dạy; nước nào an bình thì đến, còn nước loạn thì tránh. Nước Việt Nam Cộng Hoà được thành lập năm mình ra đời, cho nên cụm từ Tổ Quốc còn sơ khai, chưa ăn sâu vào người dân miền Nam. Có người nhận bảo lãnh ở Tây thì bố mẹ cho mình đi Tây vì sợ ở lại, đi lính chết. Sau này ra trường, dù mang ơn chính phủ Pháp đã nuôi mình ăn học nhưng mình cũng chả làm gì để đáp lại công nuôi dưỡng, dạy dỗ, cho học bổng. Mình không đi quân dịch cho nước pháp, lại lang thang sang các nước Âu Châu khác làm việc, nghĩ ra không khác chi những gì Khổng Tử đã rao giảng khi xưa.
Mình nhớ coi phim Zulu ở rạp Hoà Bình với Trần Trọng Ân. Phim này kể lại trận đánh, năm 1879, quân đội Anh Hoàng bị tổn thất nặng nề nhất khi chiếm đóng các vùng đất nam Phi Châu. Trước súng ống của quân đội Anh, các người dân của Bộ lạc Nam Phi, cầm dáo, liều chết xông lên dù những lớp trước bị đạn bắn. Họ sẵn sàng chết để bảo vệ quê hương của họ.
Đọc tài liệu về Việt Nam, cho thấy quân đội Pháp chiếm đóng Việt Nam với 150 binh lính, đa số là dân phi châu, Á rập,... Họ bắn vài quả đại bác vào thành Hà Nội, Gia Định, rồi dẫn lính lên bộ với vài khẩu Mousqueton, là bắt được thành. Trong khi Đề Thám hay nhóm Giặc Cờ Đen lại gây tổn thất cho quân đội Pháp khá nặng. Hoàng Hoa Thám đã cầm chân, chống phá quân đội viễn chinh Pháp trong vòng 25 năm đến khi bị Lương Tam Kỳ, giặc cờ đen, bị mua chuộc, làm nội ứng cho Pháp hạ sát. Nhóm thủ hạ của Đề Thám sinh hoạt như một tập hợp, một đám cướp, anh hùng lương Sơn bạc như trong Thuỷ Hử, không chịu bị lệ thuộc bởi triều đình, tương tự nhóm Tây Sơn khi xưa hay Nhóm Bình Xuyên của Bảy Viễn, Đại Thế Giới (le Grand Monde), Kim Chung . Binh lính, thủ hạ của họ sẵn sàng chết , chiến đấu cho chủ tướng của họ nhưng không ai muốn chết cho nhà vua vì vua chẳng có nuôi họ, đem lợi lộc gì về cho họ.
Quân lính của Triều Nguyễn, mang tinh thần kẻ sĩ nên thấy súng ống của Pháp mạnh quá thì bỏ chạy, đầu hàng vì họ không muốn chết cho vua. Cuộc đời họ vẫn không thay đổi, làm nô lệ cho vua này hay cho ông Tây vẫn vậy. Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết vì bắt buộc. Nếu trở về gặp vua thì sẽ bị trị tội, làm mất thành, cả dòng họ 3 đời sẽ bị tru di tam tộc. Họ phải quyên sinh, để cứu lấy mạng của gia đình, họ tộc chớ không vì vua. Cái chết của họ khác với sự tuẫn tiết của các tướng tá của VNCH, sau ngày 30/4/75. Các tướng Trần Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai,...tự sát vì họ chiến đấu cho lí tưởng tự do hay tổ quốc đã được hình thành trong tim của họ. Trong khi đó, bao nhiêu tướng tá của miền Nam bỏ chạy ra hải ngoại vì cụm từ Tổ Quốc chưa được hình thành trong tâm khảm của họ.
Năm 1979, Đặng Tiểu Bình xua quân qua biên giới để dạy cho Hà Nội một bài học thì nghe kể dân miền Nam rất mừng, mặc dù một nước ngoại đang xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Mấy năm nay, thấy có phong trào biểu tình chống Trung Cộng, xâm phạm lãnh thổ như Trường Sa, Hoàng Sa. Nhìn hình ảnh video các cuộc biểu tình thì chỉ thấy èo uột chưa đến trăm người hay ít hơn. Có người viết báo hỏi sao nhân dân VN lại thờ ơ với đất nước.
Lí do là Văn hoá Khổng Mạnh đã ăn sâu vào DNA của người Việt. Tổ Quốc quá xa vời, người tầu cai trị hay người Việt cai trị thì cuộc đời họ cũng chả khá hơn. Những cụm từ Tự Do, Độc Lập, Dân Chủ, Tổ Quốc quá xa vời. Họ chỉ muốn mỗi ngày có cơm ăn, đâu có thì giờ nghĩ tới những thứ trừu tượng ngoài lo chạy gạo hàng ngày. Sinh viên học, chỉ mong sau này kiếm được công việc cho một công ty nước ngoài, vì làm cán bộ thì đã được cơ cấu cả rồi. Một ái nữ của một ủy viên TƯ, mới 24 tuổi, chưa bao giờ đi làm, học lực thì chắc thi lí lịch, được nâng điểm, được cơ cấu làm tổng giám đốc một công ty Quốc doanh lớn.
Đọc báo, nghe kể có con gái ông cán bộ nào lớn, đút lót đi thi được điểm cao toàn quốc. Cái điểm hay là đã gian dối thì câm mõm lại, đây cô nữ sinh, con của cán bộ cao cấp còn lên tiếng khuyên các học sinh cùng thế hệ, phải năng nổ học tập ra sao để được điểm cao như cô ta. Quái thật. Đã dốt lại còn lên tiếng dạy thiên hạ.đó là lãnh đạo tương lai của Việt Nam.
Mấy tuần nay, ta thấy các cuộc biểu tình ở Hương Cảng, sinh viên học sinh biểu tình. Họ đã sống dưới luật pháp Anh Quốc trên 99 năm, bắt đầu quen lối sống dân chủ nên không muốn bị áp chế bởi một triều đình xa lạ tận Bắc Kinh. Nên nhớ Trung Hoa là tập hợp của những tiểu quốc với nhiều ngôn ngữ khác nhau, được thống trị bởi người Hán, các vùng Tân Cương, Tây Tạng,...đang bị đô hộ. Trên mạng, thường thấy những video, quay các người Hoa lục địa mà dân chúng Hương Cảng rất kinh tởm, khinh miệt.
Có lần mình nói chuyện với một cô bạn gốc Đại Hàn, học anh văn với mình. Cô ta kể là đã trở về đạo, rữa tội vào đạo Tin Lành nên mình hơi thắc mắc. Sau này thấy Cộng đồng người Nam Hàn, rất đông người theo đạo Tin Lành thì mới bắt đầu hiểu lí do tại sao khi các ông cố đạo sang Việt Nam, truyền giáo thì người dân bỏ Lương theo Giáo.
Khi một người sinh ra và lớn lên trong nền Văn hoá Khổng -Việt thì họ phải tuân theo những điều răn của Khổng giáo. Trung với vua, hiếu với cha mẹ,... Thật ra cả đời họ, chỉ đi làm quần quật, đóng thuế cho vua quan như một kẻ nô lệ. Ngược lại vua quan chả đem lại gì cho họ. Trong khi các nhà truyền giáo, cho rằng ai cũng bình đẳng trước Thiên Chúa, khi chết sẽ về đất Chúa. Thiên Chúa Giáo cho họ một hi vọng cho các thế hệ mai sau cho nên mấy chục ngàn con chiên, hiên ngang bước ra pháp trường vì tội theo Thiên Chúa Giáo. Rữa tội là một hành động cách mạng, thoát ly khỏi sự thống trị của Văn hoá Khổng Việt. Khổng Việt không thể dung tha những tôn giáo khác ngoài sự tôn vinh ông vua, con trời. Những người giết các con chiên là những người tham gia phong trào Văn Thân, Cần Vương, những chiến sĩ, những thập tự quân bảo vệ Khổng Giáo. Tôn Thất Thuyết và tứ trụ của triều đình, chống đối cuộc đô hộ của người Pháp vì quyền lợi của họ bị mất chớ không vì hạnh phúc no ấm của người dân Việt.
Người Pháp đô hộ Việt nam gần 100 năm, họ đem điện nước, xây đường xá, xe lửa,...đến cho dân địa phương để đổi lấy những thành quả của nhân dân sở tại đã lao động, làm giàu cho họ. Trong khi các triều đại vua chúa từ mấy ngàn năm Văn hiến, không làm gì cả cho người dân , ngoài việc thu thuế, xây Lăng tẩm, tuyển cung nữ để vua chơi gái.
Nhật Bản, may mắn ở ngoài biển, không có biên giới với Trung Hoa cho nên ít bị ảnh hưởng của Nho Giáo. Nước này không có tài nguyên, bị tai họa Thiên nhiên như động đất nên họ trở thành một khối, giúp nhau trong hoạn nạn như đã kí bản "Social Contract" như Jean Jacques Rousseau đã nêu ra. Trong kỳ động đất sóng thần vừa qua, thế giới khâm phục cách thể hiện của dân Nhật, đứng xếp hàng, đợi đến phiên mình được giúp đỡ. Tháng trước, ở Mỹ tại tiểu bang Missouri, có cuộc bạo động sau khi một người da đen bị cảnh sát bắn chết, một thiểu số lợi dụng cơ hội, đập phá hôi của.
Chúng ta, người Việt "vĩ đại" theo quan niệm Khổng Việt vì chúng ta có trên 4,000 năm Văn hiến nhưng nếu xét về sự đóng góp cho lịch sử nhân loại thì chúng ta quá "hèn mọn" vì trong quá trình lập nước, cha ông ta không có đóng góp gì cả cho nền Văn hoá của nhân loại.
Gần đây có một cán bộ cao cấp nhận xét: 40 năm về trước, Nam Hàn và Việt Nam như nhau. Ngày nay có 90,000 công dân Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam, tương tự khoản 90,000 người Việt sống tại Hàn Quốc, chỉ khác nhau là người Hàn Quốc làm chủ tại Việt Nam còn người Việt thì làm Ôsin, vợ hay lao động tại xứ Hàn. Cùng có một lịch sử tương tự, bị Khổng Giáo đàn áp, áp chế nhưng ngày nay họ đã vượt xa Việt Nam. Nhìn Đài Loan và Hàn Quốc, chúng ta có một niềm hi vọng cho tương lai rất xa.
Sơn ngu khu đen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét