Cái bàn là


Hôm trước, thấy đồng chí vợ ngồi ủi đồ khiến mình nhớ khi xưa, ở nhà ủi đồ là mệt, không đơn giản như ngày nay. Cái bàn ủi hay mấy người hàng xóm di cư kêu là “Bàn Là” dạo ấy nặng như quả tạ, lại có cái khoá hình con gà ở phía trước để khoá lại để than hồng không văng ra khi người ủi quần áo. Có lẻ có con gà nên người Việt hay gọi là bàn ủi con gà.
Ở Việt Nam, người ta bắt đầu chế bàn ủi con gà vào năm 1930 ở Huế. Lúc đầu người Pháp sang, có đem theo nhưng xa xôi, người Việt bắt chước làm khoẻ ru. Nhưng có lẻ để tránh bị thưa kiện, thay vì làm 12 lỗ như bên tây, họ làm 9 lỗ, rồi làm con gà khác vì mình xem hình thì thấy khác nhau, được biến chế một chút.

Bên tây có một viện bảo tàng về mấy cái bàn ủi, tên Musée de Lavage et Repassage có khá nhiều dụng cụ về vụ ủi đồ từ xưa đến nay. Ai rảnh thì đi xem để thấy sự tiến bộ, văn minh loài người từ sử dụng đá để ủi đồ đến ngày nay với bàn là có phun hơi nước,…
Khi xưa, nhà mình có bà dì làm thợ may nên hay dùng bàn ủi con gà để ủi áo quần. Bà dì dùng bàn ủi làm bằng gan nên nặng kinh hoàng. Tây kêu là “fonte” mà người Việt lại kêu là đồng nên mình ngáp dài vì “cuivre” mới có nghĩa là đồ đồng. Từ ngữ sau 75 khiến mình hơn loạn, có người gọi là đồng lạnh. Bác nào hiểu nhiều về vụ này thì cho em biết.
Nhà mình khi xưa có một cái bàn ủi con gà. Mỗi lần bà dì dùng để ủi quần áo hay chị người làm ủi áo quần cho ông cụ thì mình có nhiệm vụ quạt than. Mình đem cái lò 3 cẳng ra sân, chẻ ngo mua của mấy người thượng ra từng cọng nhỏ, bỏ vào lò rồi bỏ mấy cục than lên, xong châm lửa ngo. Than làm bằng gỗ nên bắt lửa rất nhanh rồi mình quạt lửa cho mau hồng.
Trong khi chờ đợi than hồng, lấy cái bàn ủi ra, lắc lắc nghiêng về một bên để tro của than cháy tàn, lọt ra ngoài. Thường mình rắc tro trên mấy luống rau vì nghe nói làm phân cho cây chi đó. Khi than hồng thì đẩy cái con gà tới là mở khoá cái nắp bàn ủi, lấy đôi đũa sắt gắp mấy cục than hồng bỏ vào rồi đậy nắp lại, kéo con gà lui thì ở dứoi có cái móc sẽ khoá cái nắp lại. Kêu bà dì hay chị người làm, bàn ủi xong rồi thì đi chơi. Xong om
Cái bàn ủi thường đi kèm cái đế để bàn ủi lên tránh cháy bàn hay mền vì dạo ấy, khi ủi đồ, nhà mình hay dùng cái mền nhà binh của ông cụ, khi xưa đi lính đem về để mình và cô em kế ngủ đắp chung. Cái mền này, về thăm nhà không còn thấy nữa vì khi xưa, có mấy lỗ bị bàn ủi làm cháy khét lẹt.
Bàn ủi có mấy lỗ để có oxygen vào nếu không thì than bị tắt. Phía dưới cũng có 4 lỗ lớn để rắc tàn của than hồng ra. Sau này thời lính mỹ qua thì nhà có sắm cái bàn ủi điện nên mình khoẻ đời, đi chơi mút mùa lệ thuỷ, không phải làm ba cái việc nhà thêm em út lớn, mình bàn giao lại hết. Khà khà
Mình nhớ ở khu Hoà Bình, có ông người bắc, ngồi làm bọc nhựa giấy tờ, có hai người con học trường Trần Hưng Đạo, cuối tuần hay ra phụ ông ta. Xem như toàn Đàlạt, ai muốn bọc nhựa giấy tờ hay hình ảnh, là đem ra cho ông này làm. Mỗi lần có thẻ hoản dịch mới, thẻ học sinh, nhân dân tự vệ là mình đem ra đưa cho ông ta làm.
Ông ta ngồi trên cái đòn, có cái bàn gỗ và cái bàn là than. Ông ta lấy cuộn plastic ra đo cái khổ giấy tờ rồi cắt, sau bỏ cái thẻ học sinh vào, hai mặt đều có plastic rồi lấy sợi fermature ra, để lên cạnh của thẻ rồi lấy cái khăn đắp lên tấm plastic, lấy cái bàn là ủi một đường lên trên khăn. Độ nóng của cái bàn là khiến cái fermeture ịn lên plastic, niêm lại. Sau đó ông ta lấy thẻ được bọc giấy rồi đưa lên cái bàn cắt cho ngay ngắn. Xìa tay lấy tiền. Khoẻ re.
Làm xong trong vòng 2 phút là ẩm của mình mấy chục. Thiên hạ đứng đợi như điên, kiếm tiền rất nhiều. Lần chót gặp ông ta, khi mình đem cái thẻ hoản dịch cho ông ta làm. Hình như lần đầu tiên về Đàlạt, mình có gặp lại ông ta cũng ngồi ngay chỗ xưa. Sau này thì không thấy nữa. Đó là hình ảnh bàn ủi mà mình thấy ngoài đường phố ở Đàlạt.
Qua cái viện bảo tàng về đồ giặt ủi thì được biết người Tàu khi xưa đã dùng đến bàn là. Có bức tranh ở thế kỷ thứ 8, có 2 người phụ nữ trung hoa ở hai đầu, cầm lụa kéo căng cuốn lụa ra, một người cầm cái chảo rồi bỏ than hồng lên trên rồi là áo quần trong khi một phụ nữ khác kéo lụa căng bên kia.
Ở Tây phương thì đến thế kỷ 9, hay 10 mới thấy xuất hiện cái “Lissoir”, một cục đá hay bằng chai thuỷ tinh, người ta dùng nó để làm thẳng áo quần. Sau đó thì họ làm mấy đồ dùng để ủi bằng gỗ mà người Pháp gọi là “planche à calandrer” rồi từ đó họ mới làm thành cái máy được gọi là “Calandreuse à pierre” hay “mangle”. Một loại bàn làm bằng gỗ, họ để áo quần ở dưới rồi đè lên bàn một tấm ván khác, bỏ trên đó đá nặng để đè áo quần cho thẳng, kiểu mình khi xưa, bỏ áo quần dưới nệm rồi ngủ trên đó, sáng hôm sau có áo quần thẳng thẳng một tí bận đi làm.
Sau đó là thời đại trung cổ, người tây phương bị nhà thờ khống chế tư tưởng nên không ai chế biến gì cả đến thế kỷ 17, 18 mới thấy xuất hiện mấy cái bàn là làm bằng sắt, bỏ vào lửa cho nóng rồi rồi áp lên áo quần để ủi. Bàn là kiểu này có nguy hiểm là hay làm cháy áo quần vì nóng quá nên từ từ họ nghĩ ra cách làm nóng từ trong bàn là.
Họ làm ra bàn là, có nắp, rồi bỏ than hồng trong đó nên có thể kiểm soát độ nóng của mặt phẳng của bàn là. Chỉ có vấn đề là than thả ra Oxyde de Carbone nên gây bệnh lao khá nhiều vào thời đó.
Ngoài bàn ủi áo quần, người ta còn chế tạo những thứ để ủi mấy dentelles, corset,…cho phụ nữ như “fers à coque », les fers à tuyauter », « à plisser » có hình dáng như mấy cái kéo, kẹp để ủi. Có loại họ gọi “kabyles” để ủi mấy cổ tay áo….
Rồi họ có những bàn ủi đặc biệt dùng cho việc riêng như “Les fers de giletières” hay “Fers étroits gọi « Pagode »” hay “fer des tailleurs” hay “Les fers de chapeliers”, loại này được làm bằng nhôm và bỏ vào nước sôi. Có thể nói nhờ nó mà người ta chế ra bàn ủi có nước để xịt hơi nước. Mình thấy bà dì mỗi lần ủi cái li áo quần là ngậm nước rồi phung phèo phèo lên áo quần rồi ủi.
Sau này, họ khám phá ra điện rồi được sử dụng vào việc chế bàn ủi, chêm nước vào, khi cần xịt nước thì nhấn nút khoẻ re. Dạo mình qua tây có mua một cái bàn ủi hiệu Calor để ủi áo quần khi đi boum,…
Từ ngày lấy vợ thì chả cần ủi. Đi đâu, mình cứ lấy áo quần chưa ủi bận là đồng chí gái la, bắt cởi ra để cô nàng ủi nên quen dần, mỗi lần đi ăn tiệc đám cưới là đồng chí gái ủi trước áo quần cho mình khoẻ re. Ai nói lấy vợ khổ?
Xong om

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét