Áo lụa Hà Đông

Hôm qua, hai vợ chồng đi dự sinh nhật của một chị bạn từ San Jose xuống. Có cô bạn thân tổ chức ở miền nam. Lúc đầu tính độ 10 người bạn rồi có người mời thêm bạn rồi ai đó đem lên Facebook nên nhiều người muốn tham dự nên họ tổ chức sinh nhật, yêu cầu các bà bận áo dài, lấy tựa đề "áo lụa Hà Đông."
Ngày xưa ở Đà Lạt mình có nghe bài hát Áo Lụa Hà Đông do ông Ngô Thụy Miên phổ nhạc từ thơ Nguyên Sa nhưng dạo ấy còn nhỏ nên có nghe nhưng cứ như nước đổ đầu vịt, không hiểu gì hết.
Lần đầu tiên dự Tết Việt Nam ở hội trường Maubert, Paris thì mình mới chợt ngộ lần đầu tiên trên nước Pháp, thấy mấy cô sinh viên vận áo dài Việt Nam. Rất cảm động tưởng chừng muốn khóc vì lần đầu tiên thấy lại một vật gì đặc trưng cho người Việt mà khi xưa không bao giờ để ý. Mình muốn chạy lại ôm mấy cô gái sinh viên của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam nhưng ngại ngùng, đứng nhìn dáng mấy cô dù không có cô nào đẹp như đối tượng một thời của mình ở Đàlạt.
Kể từ đó, mỗi năm mình luôn luôn tham dự đêm Tết của tổng hội sinh viên để được ngắm lại chiếc áo dài Việt Nam, để nhớ những câu thơ của ông Nguyên Sa:
Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Đêm Tết Paris lạnh buốt xương nhưng cứ thấy mấy chiếc áo dài lượn qua lượn lại khiến mình cảm thấy ấm áp vô vàn. Nhớ đến ngày tháng của tuổi học trò, tập tành ngắm trộm mấy cô gái học chung trường hay trong xóm.

Có lần Tết ở Luân Đôn, cô bạn gái từ Boston bay sang ăn Tết với mình, bận chiếc áo dài, đẹp nước nở.
Mình đọc ở đâu thì được biết là lụa Hà Đông có màu như cháo lòng chớ không phải màu trắng, lý do là tơ "tự nhiên" được tạo bởi một loại sâu bướm, không thể nuôi như tằm dâu nên khó nhuộm hơn loại tơ do tằm dâu tạo ra. Do đó mình đoán câu thơ của ông Nguyên Sa "thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng", chắc là lụa của tằm ăn dâu. Nghe kể là lụa tự nhiên có một đặc điểm khác là khi bướm nở ra trước, có thể làm hư mấy cái kén khác nên những sợi tơ dài tạo nên cái kén bị đứt ra thành nhiều sợi ngắn hơn do đó cái áo tứ thân từ đó mà ra. Mình đọc đâu đó họ nói là cái khung rất ngắn nên họ phải đâu 4 mảnh vãi mới may được cái áo do đó người ta gọi là áo tứ thân, chắp 4 miếng vãi may lại.
Nói đến Tơ thì có nhiều loại tơ:
Tơ mà có chất lượng kém thì gọi là sồi, đũi,…, tuy thô nhưng lại rất bền
Lãnh mà khi xưa nghe nói mấy bà may quần lãnh Mỹ A, vì lụa dệt dày, dùng nhiều sợi mắc rồi họ phết hồ, có câu ca dao để dễ nhớ:
Quay tơ ra mắc, ra mành
Mắc là sợi dọc, mành là sợi ngang
Nốt son anh dệt đầu làng
Nốt cục đem bán cho nàng Kẻ Đơ
Đoạn giống như lãnh nhưng dày hơn nữa, căng nhiều sợi mắc, thường dùng làm áo nhồi bông mặc vào mùa lạnh.
The là hàng dệt dùng sợi mỏng và dệt thưa, có thể nhìn qua được mà bài hát "về đây nghe em, về đây bận áo the, đi guốc mộc,…." Năm kia mình về Đà Lạt, có gặp lại thầy An, kể khi xưa thầy đi học, mang guốc mộc bận áo the, lúc đó mới hiểu chớ nghe người lớn nói hay đọc sách thì bù trớt, không hiểu lý do.
Xuyến là hàng dệt giống như the nhưng chia ra vài sợi thưa, rồi lại vài sợi mau. Khi xưa mình có người dì làm thợ may áo dài, cứ nói vãi xuyến, the đủ loại chỉ nghe nhưng chả hiểu mô tê.
Khi nói đến lụa Hà đông thì người ta muốn nói đến cái làng Vạn Phúc, nổi tiếng dệt lụa từ xưa mà vua chúa ngày xưa dùng để may áo quần. Làng này khi xưa tên là Vạn Bảo, sau này có ông vua triều Nguyễn nào tên Bảo chắc là Bảo Đại nên đổi tên thành Vạn Phúc. Ngày nay, người ta nhập cảng lụa Trung Quốc rồi hô là của làng Vạn Phúc này, nghe nói 70% lụa Vạn Phúc là đồ nhập từ Trung Quốc. Thêm nữa họ dùng máy móc, công nghệ hoá nên chỉ còn vài gia đình còn đeo duổi nghề này.
Khi xưa, dân làng này bỏ công nuôi tằm kéo tơ nhưng ngày nay chủ yếu họ thu mua từ các làng chuyên trồng dâu nuôi tằm ở lân cận. Các công đoạn như dệt, sấy, hấp, phơi,… đều được thực hiện bằng máy trong xưởng dệt nên chắc trong một tương lai gần đây không còn ai làm thủ công nghệ, để dệt tơ. Sẽ không còn những buổi hẹn hò như trong một truyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà mình đã đọc nhưng không nhớ tên. Có kể đoạn một cô gái đang quay tơ dệt vãi thì bổng ngữi được mùi thơm của hoa Lài mà anh tình nhân ném qua cửa sổ thì ngưng quay tơ, rón rén chạy ra đồng để hẹn hò với người yêu khác với ngày nay, chỉ nhắn tin qua điện thoại là xong om.
Tuần trước, cây Thần Tài ở nhà mình bổng nhiên trổ hoa, tối đến mùi thơm khắp nhà suốt cả tuần. Ban ngày thì không ngữi được mùi thơm mà cứ 8 giờ tối trở đi là ngạt ngào khắp nhà khiến mình nhớ đến cây Dạ Lý Hương khi xưa ở nhà. Sau này ai nói là ma hiện về núp ở cây đó nên ông cụ đốn mất.
Cách đây đâu 10 năm, gia đình mình có xem cuốn phim "Áo lụa Hà Đông", diễn đạt được 70% hoàn cảnh gia đình của mình. Mình có ông chú bị Tây Bắn như trong phim khi đi ruồng bắt trên cánh đồng, ông cụ mình thì suýt bị Việt Minh thủ tiêu, may trốn được chạy vào Nam, một ông chú ruột khác đi bộ đội vượt Trường Sơn bị B52 dập chết được phong chức liệt sĩ, ông bà nội thì bị đấu tố,…. Chán mớ đời!
Đang ăn thì bổng nhiên có ông thần nào cầm micro hát bản nhạc "áo lụa Hà Đông" rồi mấy bà lần lượt đi tới đi lui theo hình Bát Quái. Ai nấy đều bận áo dài cả, đủ thứ màu nhưng sao mình không còn rung động như xưa, thời sinh viên, khao khát hàng năm để được xem các cô bận áo dài để hoài niệm về một ký ức, đã bỏ lại sau lưng tại Đà Lạt.
Có lẻ ngày nay áo dài được cải tiến, hoa sắc sặc sở khiến không nhìn ra khuôn mặt của người bận áo nữa. Chán Mớ Đời
anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
mà mua thu dài lắm ở chung quanh
linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
bay vội vã vào trong hồn mở cửa
gặp một bữa, anh đã mừng một bữa
gặp hai hôm thành nhị hỹ của tâm hồn
thơ học trò anh chất lại thành non
và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
em không nói đã nghe từng gia điệu
em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
anh trông lên bằng đôi mắt chung tình
với tay trắng, em vào thơ diễm tuyệt
em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu
nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại
để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại
giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
em đi rồi, sám hối chạy trên môi
những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng
em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng (Nguyên Sa)
Nhs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét