Hoang tàn trên tuổi trẻ

Về Việt Nam, gặp bạn học cũ, nói chuyện nhưng vẫn có cái gì xa xa, khó tả. Có thể mình ở hải ngoại quá lâu, không quen giao thiệp với người Việt tại Việt Nam. Người mà tâm sự với mình nhiều nhất là bà cụ vì đã sống chung thời trước 75, còn em út thì còn quá nhỏ vào dạo ấy, cũng khó diễn đạt, còn bạn bè thì ngờ ngờ, ngây ngây ngá ngá.
Có lần đi ăn với mấy người bạn học cũ ở Sàigòn, trước khi lên máy bay, chuyến bay đêm. Một số đảng viên, một số không nên không khí có gì không tự nhiên lắm. Mình hỏi riêng thì được biết nhóm đảng viên thích chơi chung với nhau còn đám không phải đảng viên thì không muốn dây dưa với đảng.
Mình có dịp gặp lại một anh bạn học chung khi xưa, không thân lắm. Anh ta học giỏi, đậu tú tài xong thì được nhận vào đại học y khoa Huế. Anh ta kể là sau 75, lên năm thứ 2 thì đang ngồi trong lớp, công an vào lôi đầu anh ra, không cho học nữa. Lý do: con cháu nguỵ quân nguỵ quyền. Mình có mấy người em cũng lâm vào tình trạng này, không được đi học dù đậu đủ điểm vào đại học. Về nhà học đan len, làm thợ Hàn, thợ may… Anh ta nói năm 75 đang học năm thứ nhất nên chưa ai phát hiện, đến năm thứ 2 thì cách mạng đã truy ra lý lịch của anh.
Một anh bạn khác, khi xưa học chung, có học Hội Việt Mỹ. Sau 75 thì không được đi học vì con nguỵ quân nguỵ quyền. Được cái anh ta đi làm công nhân, vẫn tiếp tục nghe lén đài BBC để học anh ngữ hàng tuần. Đến khi đổi mới thì họ cần những người biết anh ngữ nên họ phải trọng dụng anh ta. Nay thành đạt, hình như là đảng viên. Có anh, mình rất mến khi xưa, hình như anh ta đậu Bình, tập võ chung với mình mỗi sáng tại hãng cưa Xu Huệ, kể tìm cách vượt biển 10 lần không được, đành chạy xe hàng, dù khi xưa học đại học Đà Lạt. Nói chung thì bạn học khi xưa, nay khá là Đảng viên hay gia đình không có nợ máu với cách mạng. Còn thì như bèo dạt mây trôi bên lề quê hương.
Có trường hợp khác, thành phần không thuộc giai cấp nguỵ quân nguỵ quyền, có anh bạn kể anh ta là thủ khoa ở Huế, được xét lý lịch cho đi du học ở Liên Xô, cho vào Võ Văn Tần để học ngoại ngữ trước khi lên đường. Cuối cùng, mấy ông từ Bắc vào, làm sao để giấy tờ có nghi vấn, để con họ đi. Cuối cùng anh ta , xuống tàu vượt biển, nay rất thành đạt tại Hoa Kỳ. Điều buồn nhất là năm đó có một anh thủ khoa miền Nam, cũng bị gạt bỏ hồ sơ du học nên tự tử luôn. Cho thấy nhân tài mà lý lịch tốt nhưng không có quyền hành thì vẫn bị dẹp qua một bên để con cháu lãnh đạo đi thay. Mình có quen vài người, con cháu cán bộ du học bên Liên Xô, nay từ bỏ thiên đường Mù, chạy qua Hoa Kỳ hết, công nhận sự việc, họ là hạt giống đỏ của chế độ. Ngày nay thì còn kinh hoàng hơn, nghe kể có con cán bộ nào chạy bao nhiêu tiền để được đậu thủ khoa rồi lên báo chỉ dạy tuổi trẻ Việt Nam, nhỏ không học lớn đậu thủ khoa. Khi xưa, ông Lê Quý Đôn, vì châm chước cho con mình khi đi thi, đã bị giáng chức. Nay thì cơ cấu cả rồi. Chán Mớ Đời 
Anh buồn như bị trầm cảm, ít nói, vợ ly dị để dẫn con đi Mỹ. Nay ngồi nhà, giữ cháu ngoại. Bao nhiêu giấc mơ tuổi trẻ, làm thầy thuốc để trị bệnh cho người nghèo,…đều tan biến theo 30/04/75. Nếu mình không đi du học bên tây, vài tháng trước khi Sàigòn mất thì có lẻ cuộc đời mình đã cùng chung số phận với anh bạn sinh viên y khoa Huế, thậm chí có thể đi tù với ông cụ. Hình ảnh anh bạn bị cấm thực hiện giấc mơ của mình chỉ vì con của kẻ thua cuộc đã nhắc nhở mình về sự may mắn của cuộc đời mình. Cố gắng sử dụng cơ hội tại Hoa Kỳ để sống cuộc đời tốt thay vì nhậu nhẹt với bạn bè.
Khi xưa, con cháu của mấy người nằm vùng, bị bắt vẫn được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cho đi học đàng hoàng, không có trả thù đến 3 đời như sau 75. Con ông đại tá Phạm Ngọc Thảo, nằm vùng được Hà Nội tuyên dương, vẫn được đi học đàng hoàng, sau này có người trở thành bác sĩ ở Hoa Kỳ.
Nhìn mấy đứa cháu chạy đua với trào lưu, học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm để rồi khi thi tú tài, vô đại học mới đụng chạm đến thực tế, quy trình lý lịch. Hôm trước ở Sàigòn, có cô cháu, dẫn anh bạn trai đến thăm mình. Mình hỏi anh bạn trai, đã điều nghiên lý lịch trích dọc ba đời chưa. Anh ta cho biết gốc Bến Tre, quê hương đồng khởi, thành trì cách mạng. Ông ngoại cô cháu là thành phần phản quốc, bị tù 15 năm. Mấy người lấy mấy dì của cô cháu, phấn đấu vô đảng nhưng không được, khiến con đường quan lộ bị cụt. Có tham vọng cao thì không nên lấy con cháu Nguỵ quân nguỵ quyền. Anh bạn trai kêu chắc con không vô đảng, mình hỏi chắc không Quê hƯơng Đồng Khởi, Thành Trì Cách Mạng.
Như những câu hát, mình nghe khi xưa:
Bạn bè của tôi là nhân chứng cho cả thế hệ này
Mười thằng bạn thân,
Mười con số trong một kiếp trần
Từng chiếc lá trong trận bão dân tộc
Tuổi trẻ đôi mươi bị lãng phí như cỏ rác thôi
Thằng thật tài ba thì đạp xích lô
Còn thằng giàu cha là thằng ma cô
(Phan Văn Hưng)
Có người bạn kể rằng:
Giải phóng đến đột ngột, con người không chỉ những hoá đá không thôi mà ngày càng trở nên chai đá luôn ôn ạ. Việc ai thì người ấy làm, chuyện ai thì người ấy lo, không mắc chi mình thì đừng dính vào mà rước hoạ vào thân...Cũng có lúc thấy thương, thấy đâu lắm,... Nhưng mình giúp gì được cho ai? Cái thân mình, cái nhà mình còn chưa yên thì nói chị đến chuyện ngoài đàng ... “
Mình bắt đầu hiểu cách giao tiếp ở Việt Nam, bị ảnh hưởng hơn 48 năm sống dưới chế độ mới khi được một người bạn tâm sự riêng, như để nói lên những gì bạn đã giấu kín hơn 2/3 đời người. Người dân Đàlạt lo sợ về bản thân mình, sợ bị CM30 châm chọc như bà cụ mình kể bị họ viết thư nặc danh phản động, lén gửi đến tổ khu phố để lấy điểm hay để cướp căn nhà của gia đình mình.
Người bạn kể tiếp:
Cả thành phố Đà Lạt sống trong buồn thảm gật gờ bởi lỡ có người nào đó nó biết lý lịch nhà mình có một ông anh và một bà chị bên Pháp hay chi chi đó thì làm răng... Cho nên bạn bè, bà con, làng xóm bổng phớt lờ nhau, xầm xì bàn về nhau:trên xóm trên có con nhà kia nằm vùng, xóm dưới nhà bà nọ có ông chồng đi tập kết mới về, thằng TTA bây giờ là công an nhân dân chính hiệu, nhà kia ông chồng vừa bị bắt vì có nợ máu với dân ta,... Thôi thì đủ chuyện.
Mẹ mình kể, gia đình mình được ghép vào thành phần phản động, bố mình bị lên án 18 năm lao tù, em út mình thì nhỏ dại, đậu đại học nhưng không được đi học, ở nhà học may vá, đan len. Ngày đi buôn ngoài chợ, tối về nấu cơm cho con rồi tranh thủ đi họp tổ dân phố, bị dân 30 đấu tố nhưng nhờ trời, mẹ mình cũng may mắn vượt qua. Tham gia các tổ chức của phường xóm, để gia đình không bị đuổi đi kinh tế mới, cướp nhà. Xem như trời phật độ mẹ mình. Dì Bá, khi dượng Ngô Viết Thụ đi tù, đã qua đời nên họ hàng kêu mẹ mình ráng giữ gìn sức khoẻ để nuôi con. Lý do là dì Bá cùng tuổi với mẹ mình, và dượng Thụ cũng cùng tuổi với bố mình.
48 năm sau, người Việt vẫn tiếp tục ra đi, hôm qua được tin 14 người Việt chết chìm khi tàu đưa họ đến Đài Loan bị lật.
Người bạn kể tiếp:
Đó là kể lâu lâu họp tổ dân phố một lần, hàng xóm không vừa ý nhau đem ra tố khổ nhau, ui chầu... Ui chầu... Không còn ra cái thể thống của tình làng nghĩa xóm khi xưa, hỏi có đâu không chứ?! Nhưng ai dám nói gì? Cái đạo đức muôn đời về "tắt đèn hàng xóm có nhau" bây giờ chỉ còn chồng chất lòng "hận thù và ghi điểm" ... Bây giờ thinh thoảng bạn bè ngồi lại kể cho nhau nghe chuyện hồi đó bổng thấy sao mình hèn hết sức...! Chưa kể đến chuyện ăn uống trong nhà của người giàu, người nghèo cũng được rình rập, lòng đố kỵ và ghen tỵ thi nhau bùng nỗ... Chào ôi! Còn chuyện chi hèn hạ hơn bởi miếng ăn…
Có người bạn kể về Hà Nội, cô vợ thấy người ta chặt gà rất đẹp, không như ở miền nam nên tò mò hỏi. Người Hà Nội kể là sau 54, hàng xóm rình mò nên lâu lâu có con gà hay con gì nấu ăn, họ phải dùng cái kéo cắt lốp xe để tránh gây tiếng động khi chặt thịt trên thớt. Sợ hàng xóm tố giác tiểu tư sản nên từ đó quen dùng kéo thay vì dao và thớt như ở trong nam.
Có lẻ vì vậy mình về Đàlạt, thấy nhà nào đều có cổng to đùng, không còn nói chuyện với nhau. Mình hỏi ai ở bên cạnh thì mấy người em, chỉ nói tên nhưng không qua lại như khi xưa. Mỗi lần nhà mình, có kỵ giỗ là đem sang hàng xóm chén chè, đĩa xôi để lấy thảo và ngược lại, lâu lâu họ cũng đem cho cái bánh hay quả xoài,…nay chỉ là hoài niệm về tình hàng xóm.
Khi xưa, ông vua Gia Long nói: “có đói nói mới nghe” nên trong trại cải tạo hay nhà tù lớn ở ngoài, người dân phải tranh thủ từng miếng ăn, hại nhau vì miếng thịt, cọng rau,… Bên tàu, Mao thị sử dụng chế độ “Hộ Khẩu” mà Hà Nội bắt chước rất chuyên nghiệp. Anh không có hộ khẩu thì anh không có sổ gạo, lương thực, tem phiếu,..khiến ở Việt Nam, mình nghe những từ ngữ rất lạ tai như “mặt buồn như mất sổ gạo, sổ lương”. Nếu anh mất sổ lương thực thì gia đình sẽ đói, vì không được mua thức ăn, gạo,… nghe nói Hà Nội đang có chương trình bắt người Việt làm thẻ căn cước như Việt Nam Cộng Hoà khi xưa, để thay đổi chứng minh thư nhân dân.
Người ta sử dụng chính sách “không phục tùng thì đói, không có cơm ăn”. Có lẻ vì vậy từ ngàn xưa, ông bà ta đã nói: ‘miếng ăn là miếng tồi tàn”. Ngày nay, có lẻ vì hệ luỵ của những ngày đói khi xưa, mà dân Việt Nam cứ gặp nhau là nhậu, ăn uống như trả thù những ngày năm cũ đói rách. Anh không phục tùng chế độ thì anh sẽ chết đói. 48 năm qua, con người Việt Nam được uốn nắn trong sự phục tùng, không thắc mắc, không có tư duy, luôn luôn nhất trí với lãnh đạo, không có suy nghĩ riêng.
Về Việt Nam, gặp bạn bè mình chỉ thích ngồi nói chuyện, kể chuyện đời xưa, xem ai mất ai còn nhưng hay bị lôi kéo vào những vụ ăn uống, có hại cho sức khoẻ vì bệnh tòng khẩu nhập. Mình chỉ thích ngồi uống nước hay trà, nói chuyện, chia sẻ những kinh nghiệm sống. Chuyến về Đàlạt vừa qua, mình có anh bạn học cũ đến nhà chở đi chơi suốt mấy hôm ở Đàlạt thì thấy vui, có đối thoại học hỏi được chút gì về Đàlạt ngày nay, nhân sinh quan của người Việt tại Việt Nam. Giúp mình nối kết lại với Việt Nam.
Đạo diển Trần Văn Thuỷ, trong cuốn sách của ông ta kể về cuộc đời làm phim, cho rằng ở xứ mình, có cái gì nó bao phủ trên đầu, quyết định hết mọi việc cho từ khi sinh ra cho đến chết.
Em sinh ra em làm người Việt Nam
Và sinh ra trong cuộc lầm than
Sinh ra trong đời bấp bênh gian truân vô vọng …
(Phan Văn Hưng)
Người Đàlạt, xưa nay được tiếng hiền hoà, bổng nhiên trở thành các diễn viên bất đắc dĩ của một màn kịch đại trà. Mình nghe em út kể, thiên hạ bận quần áo vá đụp tùm lum. Thời trang bổng biến thành theo trào lưu “Bần Cố Nông là cao quý”, ngược với trước 75, ai nấy cũng muốn làm giàu cả. Người ta muốn bị nghèo nhưng lại thích ăn uống ngon như trước 75. Cậu em mình kể cô em út, sinh năm 75, hay hỏi trước Giải Phóng, sống sung sướng hả anh?
Như người bạn tâm sự tiếp: “Tự nhiên mọi người tự động tỏ ra nghèo khổ, ai cũng ước chi minh trở thành giải cấp bần cố nông, hay có người thân dính dáng đến cách mạng... Thì cái mặt sẽ được vểnh lên trời. Những bộ đồ hồi xưa cất trong cái học tủ mốc meo nào đó (để dành làm khăn lau nhà) được móc ra mặc. Chao ôi, cả thành phố trở thành một màu tối tâm , nghèo khổ ngày tức khắc... Tôi còn nhớ ngày xưa đi học chỉ toàn là quần jean, vấy đầm, dăm ba chiếc áo dài để điệu đà thục nữ... .“
Ông cụ mình kể Việt Cộng họ dùng con nít để lấy tin tức, thông tin về cha mẹ. Đến trường, họ hỏi nhà ăn cái gì, bố mẹ làm cái gì, nói cái gì. Con nít tình thật kể hết nhất là những đứa nào muốn phấn đấu làm trò ngoan của thầy, cháu ngoan của bác. Trong phim “Killing Fields”, ông Dith Pran có kể phần này, kinh hoàng. Đọc trên mạng, có nhiều người kể là khi con làm việc cho công ty nước ngoài thì mới dám trao đổi với con cái hay ai có con du học thì nói chuyện với con cởi mở hơn. Sự lo sợ khiến cha mẹ không dám thố lộ suy nghĩ mình cho con cháu vì con nít có thể đưa mình vào tù. Mình có gặp mặt ông Dith Pran vài lần ở Nữu Ước.
Người bạn kể tiếp: “Khi giải phóng về gần như tôi không thể ra đường được vì có một nhóm thiếu nhi đứng dài dài ngoài đường sẽ bắt chặng các cô cậu nào ăn mặc mà theo chúng là không đẹp, không đạo đức hay là khiêu dâm chị đó, nhất là quần patte mà lúc đó gọi là quần ống loe thì sẽ bị mấy đứa nhỏ này dùng kéo cắt. Muốn ra đường phải có được một cái quần đen vãi ú , (tui thì Cao1, 6 mét nên khi nhà nước bán vãi may thì nó ngắn lên trên mắc cá chân, , đó là chưa kể vãi bị rút nên phải nối ở lưng quần khoản một tất.) thế thì là phụ nữ còn gái chúng tôi ra đường cứ như những con quạ đen thui. Càng đen càng tốt, hay càng xấu càng tốt... Thế là hát bài "Thành phố buồn" là chính xác nhất.” (Trích)
Ngày nay, hình ảnh Việt Nam được tải lên mạng thì kinh hoàng, gấp trăm lần đồi truỵ hơn Việt Nam Cộng Hoà. Đem ma tuý vào Việt Nam vẫn không bị gì. Kinh
Ngày nay trên 60 tuổi, mình thấy đã thực hiện khá nhiều trò. Giang hồ khắp nơi khi còn sinh viên, đi làm việc tại 6 quốc gia, sống đâu trên 20 thành phố, du lịch trên 45 quốc gia,… Còn mấy người bạn học cũ của mình, ở lại Việt Nam nhìn lại đời quá rong rêu. Cho nên khi gặp nhau, mình cũng ít nói về mình, sợ họ buồn, ngồi im nghe thiên hạ nói chuyện. Họ đã bị cướp tuổi xanh của họ. Những lần về đầu tiên, mình không dám đi tìm bạn bè ngày xưa vì sợ họ buồn. Hôm ở Sàigòn, có chị bạn học kể bố chị là người thoát chết trong chiếc xe Jeep bị Việt Cộng bắn tại khi Hoà Bình. Lần đầu tiên về Đà Lạt, ông cụ mình có gặp anh bạn thân ngày xưa, đậu tú tài pháp hạng Assez Bien nhưng ông bố mới mua chiếc xe đò nên không đủ tiền cho đi du học, kêu anh bạn lên nhà ăn cơm. Nay anh ta chạy xe ôm nuôi vợ con, bỏ học đại học Khoa Học Sàigòn. Mình có đưa anh ta ít tiền nhưng sau này về, không gặp lại nữa. Nhà mình không còn gặp anh ta ở Đà Lạt.
Có chị bạn kể: “mình thù Việt Cộng lắm”, mình muốn học cao lên đại học, muốn theo bước chân của bà Marie Curie , để rồi 75 tới, đang học bị kêu tên ra cửa, không kịp một lời từ giả với bạn bè mà bạn bè cũng không muốn dây dưa vì sợ liên luỵ, giao lưu với con cháu chế độ cũ.
Về Việt Nam, thấy nhiều người bạn học cũ, nghỉ hưu, hỏi làm gì trong những thời gian rảnh rổi thì họ kể là trông cháu, tạo điều kiện cho con họ đi lao động. Họ không nói nhưng mình đoán là họ rất buồn ngơ ngác khi thấy hoàng tàn trên tuổi trẻ của họ, bao nhiêu mộng ước trước 75 đều tan biến khi cụm từ “giải phóng” được ụp lên đầu họ, như một vòng kim cô vô hình nào đó, tước bỏ hết những giấc mơ của tuổi trẻ. Nếu không tâm sự như người bạn của mình thì không bao giờ hiểu rõ những mất mát của họ thay vì giả vờ bại liệt lương tri và ý thức như từ 75 đến nay, suốt 2/3 cuộc đời.
Mình cũng không ngờ người bạn học cũ dám thố lộ những mất mát của cá nhân, giúp mình gần gũi thêm với người ở Việt Nam như một bài học nhân ái trong tình người Việt. Có thể đây là khởi đầu cho sự cởi mở lòng để giúp chúng ta tìm lại tình thân ái, tình người giữa người Việt với nhau, nhất là trong gia đình, cha mẹ không còn ngại thố lộ tư duy thầm kính của mình cho con cái.
Ở hải ngoại, khi về hưu, người ta có thể học thêm hay làm những gì mình ưu thích mà trong thời gain đi làm kiếm gạo, không có thời gian. Có ông Mỹ, 97 tuổi cho biết là sau khi nghỉ hưu vào năm 65 tuổi, ra tiêu chí, cứ mỗi 5 năm để học hay làm một cái gì đó như học sinh ngữ, hội hoạ, trồng cây,… con người mình từ từ sẽ khám phá ra các tài năng khác như đánh đàn, tập võ, hội hoạ, đọc sách, sinh ngữ, làm vườn,… bạn bè mình ở Việt Nam, hay ở Hoa Kỳ, hưu trí, chỉ biết ở nhà trông cháu ngoại, lâu lâu có ai rủ đi nhậu, cà phê thì đi thôi. Về Đà Lạt, chỉ có anh bạn thân khi xưa, vẫn còn đam mê học hỏi, nghiên cứu thêm, còn đa số mình không có dịp tâm sự riêng để nghe tâm tư cua họ.
Bạn bè của tôi là nhân chứng cho cả thế hệ này
Đi lây lất trong cuộc sống vô vọng
Từng ngày từng đêm…
Mờ đôi mắt vì một miếng ăn
Thằng thì nghèo tơi gục đầu trần ai
Còn thằng làm oai cũng chỉ loay hoay
Bị chia cách theo làn ranh căm hờn
Mười thằng bạn thân…
Nào có biết thương và ghét không
Thằng ngụy gần điên nằm tù mục xương
Còn thằng đảng viên sống trong ân hận
(Phan Văn Hưng)
Để kết mình xin trích đoạn văn của đạo diễn Trần Văn Thuỷ như để nói về các mất mát của những người bạn cũ của mình:
Hình như trên đời này chẳng có mấy ai khi nhắm mắt xuôi tay lại không nuối tiếc việc nọ, việc kia. Phần tôi, tự xét mình là thường dân nhưng đã cố gắng trong mọi hoàn cảnh, mọi bổn phận. Sức của tôi có hạn, tôi chỉ thương xót cho bọn trẻ, con cháu tôi và con cháu chúng ta. Chúng thừa hưởng một gia tài quá bề bộn của tiền nhân để lại. Không dễ gì để chúng có được một cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa mà thế hệ chúng ta hằng mơ ước cho chúng.
Dẫu sao, tôi xin chân thành cầu chúc cho mọi người được sống trong niềm vui, trong an bình và sự thanh thản của một xã hội lương thiện, tử tế hơn”.
Mấy ngày nay, được tin nhà văn Dương Thu Hương đoạt giải Cino Del Duca. Cho thấy người việt, thông minh, giỏi, phải thoát khỏi hệ thống Việt Nam mới có thể viết lách, được thế giới ca tụng, cảm phục.
48 năm rồi mà người Việt vẫn tiếp tục ra đi. Tuần này, nghe nói có 14 người Việt chết khi tàu của họ vượt biển để đến Đài Loan. Năm ngoái thì nghe có 32 người Việt bị chết trong xe tải trên đường qua Anh quốc, lao động chui. Tại sao người Việt tiếp tục bỏ nước ra đi sau gần nữa thế kỷ. Họ chỉ thấy hoang tan trên tuổi trẻ.

Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét