Nhiều khi ngồi nghĩ về lịch sử Việt Nam mà mình được học ở Việt Nam thì mới giác ngộ lí do Việt Nam không khá dù chúng ta cứ vỗ ngực bảo là 4000 năm văn hiến.
Hồi nhỏ, học ông Quân lấy bà Cơ. Dạo ấy không có đài truyền hình thậm chí chưa chắc đã có đuốc nên hai vợ chồng không biết làm gì ban đêm nên chung vô giường, che mùng để tránh muỗi cắn, "sinh bách" 100 người con. Tuần vừa rồi có tin một bà Việt Nam sinh đôi nhưng mỗi người khác cha vì xét nghiệm DNA thì khác nhau. Khoa học cho hay là bà ta giao cấu ít nhất hai người đàn ông trong thời gian rụng trứng.
Biết đâu khi ông Quân thấy bà Cơ sinh ra 100 người con mà 50 người có chung DNA nên bảo bà Âu Cơ đem 50 con tóc quăn, không có cùng DNA của mình xuống miền nam, đi lính cho ngụy quyền còn mình ở lại xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa.
Con nít lớn lên mà không có mẹ bên cạnh thì thường có vấn đề vì ông bố không biết nấu ăn, suốt ngày ngoài trời săn thú nên người Việt chỉ nghĩ đến ăn nên dùng động từ ăn như người Mỹ dùng động từ Get.
Ngay cả vua truyền ngôi cho con cũng chọn ai biết nấu ăn nên anh Liêu, đang đêm bụng đói bổng thấy bà mẹ tên Cơ, mách cho cách làm món bánh dầy, bánh chưng nên được truyền ngôi. Vua cha không chọn người con có tài như Tào Tháo, phế con trưởng để fong đế cho con thứ vì có tài. Vua Việt Nam thì xem đứa con nào cho ăn ngon là truyền ngôi nên ngày nay con cháu theo thói quen truyền thống, chạy chọt để làm quan thay vì dùng người tài.
Phần con gái, vua thay vì hỏi con gái thích ai, vua lại thách cưới kêu Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, thằng nào đem lễ vật nhiều thì sẽ gã con gái báo hại hàng năm dân chúng bị lụt phá hại mùa màng vì Thuỷ Tinh cứ đòi tình địch trả vợ vì đêm trước ngày đi hỏi vợ, nhậu quá say nên thức dậy trễ, mất vợ. Cũng may cho công chúa là lấy thằng Sơn Tinh, không nhậu nếu lấy thằng Thuỷ tinh thì sau khi xỉn là đập đánh vợ mà ngày nay con cháu họ Hùng, vẫn tiếp tục cha truyền con nối cái truyền thống đó.
Ngày nay người ta khám phá ra người Việt mượn lịch sử của dòng họ Sở Bá Vương để gá cho lịch sử 18 vua Hùng của nước mình. Lại học nghề ông Khổng Khâu nên biến đàn ông Việt đầy âm tính, fong kiến tính như ông Tú Xương khi xưa, ăn bám vợ nhưng cứ làm thơ, tưu xưng là kẻ sĩ, ăn bất cầu no.
Mình sống trên 8 quốc gia, 16 thành phố trên thế giới thì thấy đàn bà Việt Nam là khổ nhất thế giới khi vớ phải ông chồng thuộc dạng âm tính, fong kiến tính, gia trưởng. Có cô bạn đầm, tên Catherine đi viếng Việt Nam, nơi mẹ nó ra đời khi ông bà ngoại nó sang Việt Nam làm cho chính quyền thuộc địa, kêu đàn bà Việt Nam sao khổ quá, đàn ông chúng mày cứ ngồi nhậu cả ngày.
Nếu canh ngọt, con cái đàng hoàng thì xã hội kêu "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" còn nếu con hư đốn thì đổ lỗi cho đàn bà "con hư tại mẹ cháu hư tại bà". Đàn ông vỗ ngực là trụ cột của gia đình, có bổn phận xây dựng nhà nhưng nếu bất tài hay nhậu, đánh bài..., thì bao nhiêu trách nhiệm đều treo lên đôi vài gầy guộc của người đàn bà.
Cái khổ của xứ mình là đàn bà chịu nhiều bất công nhưng họ lại lấy những hy sinh ấy làm hạnh phúc cho chính họ vì tinh thần của Nho giáo đã ăn sâu vào quần chúng. Phải tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.
Ngày 8-3, họ mong đợi ở người chồng, tặng hoa hay giúp công việc nhà. Nếu được tặng quà thì họ hãnh diện sung sướng còn không nhận được thì chỉ biết khóc thầm cho số phận mình long đong, lấy phải thằng chồng vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm... Than cho số phận của mình.
Sau ngày phụ nữ thế giới thì thằng đàn ông fong kiến tính lại trở về vị trí, điệp khúc cũ, vênh mặt tự đắc với câu "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", không ngó ngàn gì công việc nhà, tiếp tục nhậu chén anh chén chú còn người đàn bà lại trở về vai trò con ô sin và hộ lý "đương khi lửa tắt cơm sôi, lợn kêu con đói chồng đòi tòm tem".
Cái khổ là họ hiểu sai. Nhất nam viết hữu là vì khi xưa, khi vua chúa cần quân để đánh nhau thì ra lệnh tòng quân. Nhà nào có tiền thì thuê thằng cùng đinh đi thế còn không thì phải gạt lệ đưa con ra mặt trận do đó người ta nói 10 cô con gái không bằng một tên con trai, để đại diện gia đình đi lính nếu không phải đóng thuế chết bỏ.
Tại sao người đàn bà Việt Nam không được bình đẳng như phụ nữ trên thế giới. Tại sao mỗi ngày không phải là ngày của họ, được chồng phụ giúp như tại mọi quốc gia văn minh khác?
Hôm trước ăn cơm tại nhà một người bạn, câu chuyện bổng nói đến đàn ông ở Việt Nam không vào phòng hộ sinh để giúp vợ vượt cạn như ở Hoa Kỳ. Bên này, trước ngày bể bầu thì người chồng đi học lamaze, chuẩn bị tinh thần để giúp vợ khi lâm bồn. Còn ở Việt Nam thì mấy ông nông dân ngày xưa, khi vợ vượt cạn thì họ, nếu thương vợ thì trầm mình xuống sông để cầu nguyện cho mẹ tròn con vuông.
Về Việt Nam, mình thấy đàn ông ngồi nhậu mọi nơi. Người giàu thì ăn nhậu trong quán sang trọng, kẻ hèn thì ngồi vĩa hè. Còn phụ nữ ngồi nhà, đợi chồng về, may thì thằng chồng xỉn không đập còn không thì phải quét dọn nôn ói. Cậu em rễ có bà chị họ, giàu có thành công ở Nha Trang. Cậu ấy hỏi lí do nào mà thành công thì được trả lời là bỏ được thằng chồng chuyên chính xỉn dù là người công giáo, không chấp nhận Chúa cho gì nhận cái đó.
Con lớn lên không sống trong môi trường bình thường như một gia đình hạnh phúc, cha mẹ thương, kính trọng lẫn nhau, đồng vợ đồng chồng thì tác biển đông cũng cạn. Xã hội là hình ảnh quán chiếu của gia đình hay gia đình là nền tảng của xã hội quốc gia.
Mình hy vọng ngày mà phụ nữ Việt Nam được xem bình đẳng, đàn ông Việt Nam thay vì nhậu nhẹt, tan sở là chạy về nhà để ăn cơm tối với vợ con, dạy con học bài đến rất gần thì tương lai Việt Nam sẽ còn hy vọng.
Nhs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét