Múi Giờ tại Hoa Kỳ

Hồi nhỏ học anh ngữ, cuốn English For Today của Lê Bá Kong thì khám phá ra vụ giờ giấc lấy chuẩn Greenwich ở xứ Anh Quốc nhưng chả hiểu lý do. Đến khi mình sang Luân Đôn làm việc, mới hiểu Greenwich ở đây là khu vực toạ lạc của Royal Observatory, đài quan sát thiên văn của Anh Quốc.
Đế quốc Anh dùng giờ giấc ở đây khi quan sát mặt trời vào lúc 12 giờ trưa thay vì 12 giờ đêm như các nước khác. Do đó để khỏi lộn xộn, người ta ngày nay tính theo 12 đêm là Universal Time gọi tắc là UTC. Ngày nay các nước còn sử dụng GMT thuộc khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth), đa số là các cựu thuộc địa của Anh Quốc.
Họ còn gọi giờ GMT (Greenwich mean time). Lấy chuẩn là vào trưa thì mặt trời sẽ chiếu thẳng vào ngôi làng này. Trái đất xoay theo quỹ đạo hình ellipse nên vào lúc trưa 12:00, mặt trời ít khi rọi đúng vào vị trí của làng Greenwich. Do đó họ mới sử dụng cụm từ Greenwich mean time.
Khi mình sang Hoa Kỳ thì mới chới với vì khám phá ra xứ này có mấy múi giờ trải đều từ miền Đông sang tây Hoa Kỳ. Gọi điện thoại phải canh giờ đủ trò.

Mình thắc mắc là phi thuyền bay lên không gian, hay máy bay bay lòng vòng từ nước này sang nước nọ thì lấy giờ giấc ra sao. Tháng tư vừa rồi, ngồi trên máy bay đi Nhật Bản thì mình mới để ý là máy bay cứ bay nhưng lại đề thời gian cất cánh GMT. Hoá ra phi cơ bay trên không đều theo giờ GMT hết.
Nếu không sử dụng giờ giấc GMT thì máy bay sẽ đụng nhau trên không như điên. Máy bay có đường bay của mỗi chiếc, cao thấp. Thí dụ: máy bay cất cánh từ Cali lúc 10:00 địa phương thì chiếc máy bay khác cũng cất cánh ở Utah, cũng 10:00 địa phương có nguy cơ là đụng nhau. Nên hàng không xứ nào cũng phải bay theo giờ GMT. Già trên 60 tuổi mới giác ngộ được vụ này. Tại sao mấy ông thầy khi xưa không dạy mình. Chắc thầy cũng chả biết. Chán Mớ Đời
Ngày nay, sự toàn cầu hoá cho thấy người ta có thể làm việc 24 /24. Một người ở á châu có thể mua bán chứng khoán và cũng được ghi nhận theo thời gian GMT. Một côn gty đa quốc chia đều có nhân viên làm việc không nghỉ khắp thế giới.
Có hai giáo sư của đại học Johns Hopkins: Dick Henry và Steve Hanke đề nghị, huỷ bỏ các múi giờ. Nghĩa là 10:00 ở new York, cũng là 10:00 tại Hà Nội, 10:00 ở Hạ Uy Di. Cứ 5, 6 năm thì chúng ta có thêm 1 tuần lễ nên tiêu chuẩn của lịch mới là thứ hai ngày 1 tháng giêng, đều như mọi năm.
Hai ông thần cho rằng lúc đầu sẽ bị lộn xộn một vài năm nhưng sau đó nhân loại sẽ không bao giờ thay đổi giờ nữa. Mình nghĩ thời đại trí tuệ nhân tạo, sẽ đưa đến sự thay đổi này vì người máy nó sống 24/24 mà cứ phải nối kết với người máy ở trên cung trăng hay bên tàu,… hơi mệt.
Mình lò mò kiếm tài liệu đọc thì khám phá ra 150 năm trước đây, cũng có người thay đổi giờ giấc mà ngày nay chúng ta sử dụng tại Hoa Kỳ.
Lý do đơn giản là dạo ấy kỹ nghệ xe lửa đã thay đổi thế giới như ngày nay Internet.
Vào thế kỷ 19, sự quan tâm đến thời gian, đồng hồ của người Mỹ rất mơ hồ. Đa số người Mỹ là nông dân, họ sống theo mặt trời. Điện nước không có. Nhớ khi xưa, lúc nghe gà trống gáy là mình thức dậy, không cần đồng hồ báo thức gì cả. Ngày nay thì khi nghe đồng chí gái ngáy là mình thức giấc. Nhỏ có gà lớn có vợ. Không cần đồng hồ nguyên tử gì cả (Atomic Clock). Xong om.
Dạo ấy, khi người ta muốn di chuyển bằng xe ngựa (coach) mà xem phim cao bồi hay thấy chiếu. Đồng hồ thời ấy nhiều khi chỉ có một kim đồng hồ, lên dây cót nên khi người phu xe, kêu gọi hành khách lên xe. Ông ta phải lắc cái chuông nhưng thời gian rời bến khá dây thung, kiểu đi ăn cứoi người Việt. Mời 6 giừo nhưng thiên hạ lò mò đến 8 giờ. Chán Mớ Đời
Dần dần, tàu bè hơi nước, công xưởng được thành hình nên người ta thống nhất về đồng hồ trong làng ở nhà thờ hay thành phố. Nếu không anh đi làm ở hãng mà trễ hay sớm 10, 30 phút là bị đuổi việc.
Dạo ấy Hoa Kỳ có nhiều giờ địa phương: nội tiểu bang Indiana có đến 23 giờ địa phương, Illinois có 27, Michigan có 38,… khác nhau mỗi nơi độ 3, 5, 10 phút vì mặt trời. Nhớ hồi nhỏ học sử, người ta dùng cái cây đinh để xem cái bóng mặt trời chỉ lên số mấy. Nếu mình không lầm thì ở La Mã có cái này. Mình có xem bên Tây đủ trò mấy loại động hồ này.
Trước khi xe lửa ra đời, người Mỹ di chuyển bằng ngựa. Muốn đi từ New york đến Chicago, phải mất cả tháng trời trong khi xe lửa chỉ ngủ 2 đêm là tới nơi. Khi xe lửa chạy qua các thành phố, tiểu bang thì phải chạy qua hàng trăm giờ địa phương khiến lịch trình khá lộn xộn và xe lửa có thể tông nhau. Do đó công ty xe lửa phải tìm cách làm sao cho bớt lộn xộn tránh gây tai nạn và trễ nãi cho hành khách.
Khi hai công ty hoả xa Union Pacific và Central Pacific kết hợp nhau để thành côngty hoả xa Pacific Railroad mà sau này còn được gọi Transcontinental Railroad, có 8,000 thành phố sử dụng giờ địa phương của họ và có trên 53,000 dậm đường rày trên nước Mỹ. Các giám đốc công ty hiểu vấn đề giờ giấc rất quan trọng cho sự vận hành các chuyến xe lửa.
Hãng xe lửa gặp nhau mỗi 6 tháng mà họ gọi là General Time Convention để xét lại thời khoá biểu của mấy chuyến xe lửa dựa trên giờ giấc địa phương. Nếu xe ở New York thì họ dùng thời gian của Albany, N.Y., thủ đô của tiểu bang New York. Xem như xe lửa có đến 7 loại giờ. Ngày nay mình tuy là nông dân thấy không phức tạp vì quen nhưng thời ấy khá nhức đầu.
Ở ga xe lửa, họ có mấy cái đồng hồ chỉ giờ New York, giờ San Francisco, Chicago,…cách nhau vài phút như ngày nay ra phi trường quốc tế, chúng ta thấy đồng hồ chỉ giờ ở Tokyo, Bắc Kinh,…
Người ta thấy xe lửa giờ Boston, giờ Chicago, đủ trò,…và nếu chúng ta sang trọng có cái đồng hồ thì sẽ khác với những giờ trên đồng hồ vài phút. Kinh. Hành khách phải mò để biết giờ nào leo lên chuyến xe lửa của mình.
Vào những năm 1870, xe lửa gia tăng nhiều do nhu cầu thị trường, thiên hạ di chuyển rất đông nên các lộ trình xe lửa như vào mê cung. Xuất hiện một ông nhân viên của công ty xe lửa, có nhiệm vụ xem xét các lộ trình xe lửa, tên là William Allen.
Ông này nghe mấy người đài khí tượng than phiền là họ không thống nhất được giờ giấc khắp Hoa Kỳ. Họ đề nghị Hoa Kỳ được chia thành nhiều múi giờ. Ông ta quyết định tiêu chuẩn hoá giờ giấc và ông ta muốn mọi người theo một tiêu chuẩn giờ.
Thật ra trước ông này đã có nhiều người khác đã nghĩ đến vụ múi giờ nhưng không muốn kể dài.
Ông ta bắt đầu lobby các thành phố, thị trưởng và các đài thiên văn. Mọi người đều đồng ý với ý tưởng theo chung một giờ tiêu chuẩn cho tất cả thành phố.
Ông ta đến đại học Harvard nói chuyện với các nhà thiên văn và họ đồngý với ý tưởng đó. Rồi ông ta trở về New york, kêu là Boston muốn như vậy khiến dân New York phải nhất trí.
Thời đại mới khởi đầu cùng một ngày. Ngày 18 tháng 11 năm 1883, Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn giờ chung và lúc được chia thành 5 múi giờ từ Đông sang Tây. 1 ở Đại Tây Dương và 4 ở lục địa Hoa Kỳ.
Eastern Time: ở kinh tuyến 75
Valley Time: ở kinh tuyến 90, sau này được gọi là Central Time.
Mountain Time: ở kinh tuyến 105 và
Pacific Time: ở kinh tuyến 120.
Họ đồng ý là giờ xe lửa sẽ không khác biệt với giờ địa phương quá 30 phút. Giờ chuẩn của công ty hoả xa sẽ được sử dụng cho thời khoá biểu các xe lửa. Giờ tiêu chuẩn chỉ cách nhau 1 tiếng.
Báo chí, truyền thông báo cho mọi người Mỹ biết và khi 12 giờ trưa ngày chủ nhật 18 tháng 11. Các đài thiên văn khắp nước mỹ quan sát để cho biết giờ. Như đài thiên văn Hải Quân ở Hoa Thịnh Đốn đợi cho múi giờ miền đông. Đúng thời điểm, công ty điện tín Western Union trong khi ở New York sẽ có trái cầu, rớt đúng 12 giờ trưa như ngày nay chúng ta thấy đêm giao thừa, ai cũng đứng ở Time Square để xem qua năm mới. Tàu bè, xe lửa đều theo hết mà người ta gọi là giờ xe lửa và điện tín (Railroad and telegraph time).
Giờ địa phương thứ 12 của New York đến sớm hơn giờ chính thức và từ đó người ta mới nói đến ngày có 2 lần 12 giờ trưa (Day of Two Noons ). Mọi việc thông suốt tương tự năm 2000 Y2K. Ai cũng sợ nhưng mọi chuyện đều vui vẻ.
Có nhiều thành phố vẫn giữ giờ của họ đến năm 1918 thì chính phủ liên bang mới sử dụng giờ của công ty xe lửa và chính thức bỏ giờ giấc cũ năm 1966. Côngty xe lửa cho biết, ai muốn theo giờ nào thì cứ tự nhiên nhưng nếu muốn đi xe lửa cho đúng giờ thì phải theo giờ giấc của công ty xe lửa. Dần dần người Mỹ theo giờ giấc xe lửa, không còn bướng bĩnh khư khư ôm cái đồng hồ có người lái của mình.
Nay đi á châu hay lộn xộn vì đi vào 12 giờ đêm hay một giờ sáng. Giờ này là đã lên giường nên nếu đổi giờ chắc khoẻ hơn.
Ngày nay, nếu ai đi xe lửa đến Hoa Thịnh Đốn thì cố tìm tấm bảng tưởng niệm ông William F. Allen để nhớ ơn ông ta đã cố gắng thay đổi giờ giấc ở nhà ga khá đẹp. Năm ngoái mình đưa bà cụ thăm Hoa Thịnh Đón, tính đi xe lửa để chỉ cho bà cụ, giải thích về múi giờ nhưng giờ chót phải mướn xe cho tiện.
Nếu mình không lầm thì trước 1975, giờ Hà Nội đi trước giờ Sàigòn một tiếng vì lý do chính trị, dù cùng nằm trên một kinh độ. Ở Hoa Kỳ, tiểu bang Florida nằm trên 2 múi giờ nên xẩy ra vụ đài truyền hình tuyên bố ông Gore thắng cử Florida sau 9:00 giờ tối miền Đông, trong khi người dân của tiểu bang thuộc múi giờ trễ hơn vẫn tiếp tục đi bầu khiến ông Gore mừng hụt, cãi nhau đủ trò.
Kỹ nghệ xe lửa đã thay đổi lối sống tính thời gian của con người mấy ngàn năm qua. Ngày nay với sự toàn cầu hoá, cách mạng 5 Gờ, trí tuệ nhân tạo, mình đoán là mấy mấy quan nhớn chắc đã nghĩ tới việc thống nhất giờ GMT, để khỏi phí thời gian, viết lập trình cho dễ, bớt vụ múi giờ, chỉ có khác biệt tuỳ địa phương 12 giờ có thể là tối cũng có thể là trưa cũng là chiều.
Hy vọng mình sẽ thấy thiên hạ khắp thế giới, một ngày nào đó sẽ không dùng múi giờ mà sử dụng giờ giấc GMT và sử dụng đồnghồ nguyên tử. Lúc đó chỉ cần cho Việt Nam biết giờ để gọi điện thoại về Việt Nam, ai cũng theo đồng hồ GMT. Chỉ khác nhau là 12 giờ Việt Nam thì ở cali đang ngủ. He he he
Nhưng có lẻ người ta sẽ dùng kinh tuyến số 0 hay chi đó, thí dụ xứ Equador thay vì cái làng Greenwich ở gần Luân Đôn, làm chuẩn cho giờ của toàn thế giới.
Xong om

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét