Budapest 2018

Hôm nay, cả nhà được xe van 8 chỗ đến đón, mụ vợ kêu sang quá vì xe Mercedes, loại ở Việt Nam cũng có, chở du khách nhưng thiết kế bên trong xịn hơn. Mình kêu tài xế ghé lại thủ đô Bratislava để viếng rồi dùng cơm trưa luôn để khỏi ấm ức không ghé lại thủ đô của Slovakia.
Coi như chuyến đi này đi qua 5 thủ đô; Tiệp Khắc, Slovakia, Hung Gia Lợi, Hy Lạp, Áo quốc và 2 tỉnh của Ý. Chuyến sau sẽ đi Istambul, Lỗ Ma Ni, Bảo Gia Lợi và Ba Lan.
Thủ đô Bratislava nhỏ, có đâu nữa triệu dân, đông hơn Đàlạt, Lâm Đồng một chút. Trên xa lộ thì thấy nhà cửa mới xây sau thời cộng sản nhiều hơn, cũng màu lợt lợt kiểu Art Nouveau, vào thành phố thì tương tự, ít người. Mình kêu tài xế dừng lại cạnh khu phố cổ rồi hai vợ chồng và thằng con đi bộ ra dòng sông Danube.

Đồng chí gái hỏi sao nó không màu xanh, mình nói khi ông Johann Strauss II làm bản nhạc này có lời nhưng ca từ dỡ nên suýt tí nữa là khúc nhạc này mất luôn trong lịch sử đến khi ông ta dẹp lời, chỉ chơi nhạc thôi thì mới được công chúng đón chào như lần ông ta chơi ở Paris thì được khán giả yêu cầu chơi lại 20 lần. Mình có xem phim nói về ông nhạc sĩ và ông bố cũng nhạc sĩ này ở Pháp nhưng lâu quá không nhớ tên. Màu xanh đây là màu xanh da trời để nói lên hy vọng. Ông Phạm Duy có đặt lời tiếng Việt làm mình tưởng sông màu xanh đến khi đến Vienna thì thấy sông Donau (Danube), màu vàng đỏ đục ngầu. Chán Mớ Đời
Ghé một tiệm ăn ngay một quãng trường có bể nước khá đẹp. Ăn xong thấy họ chặt 20% thuế TVA, 10% tiền phục vụ rồi cô bồi bàn kêu trả tiền mặt, mình kêu không có tiền mặt thì cô ta móc cái máy cà thẻ tín dụng ra. Nếu du khách trả tiền mặt là họ lời thêm 30% khỏi phải đóng thuế cho chính phủ.
Ăn xong mình nhắn tin cho anh tài xế, đón mình rồi thẳng đường về Budapest. Xe chạy qua biên giới là điện thoại thoại báo tin ngay vì chuyễn roaming qua nước khác. Cuộc đời thay đổi, mấy chục năm trước muốn qua biên giới mấy xứ này là bị chặn xét đủ trò, nay cứ chạy phon phon, chỉ thấy cái bảng chống bên đường nhỏ xíu, báo hiệu biên giới. Cánh đồng ở Tiệp Khắc thì có đồi tựa tựa vùng Normandie của Pháp, cánh đồng Slovakia thì ít đồi hơn nhưng khi chạy qua Hung Gia Lợi thì thẳng băng như về đồng bằng sông Cửu Long.
Họ sử dụng hệ thống tưới nước kiểu Hoa Kỳ trên mấy cánh đồng, nhiều vùng có mấy cái quạt gió để thu năng lượng như ở Cali. Mình thấy họ trồng bắp bên đường, thấp như bắp vườn mình trồng ngày xưa ở Đàlạt, đâu 1 thước cao là tối đa. Chắc bắp hữu cơ, không phải GMO ở Mỹ cao hơn đầu người. Xe vào thủ đô thì kẹt xe vì giờ cao điểm. Tài xế nói là giờ nào cũng kẹt vì đường có 1 làn. Khác với Tiệp Khắc và Slovakia, ở đây có vẻ bị vi rút tư bản mỹ xâm chiếm nhiều vì thấy quảng cáo đủ trò, nhất là điện thoại Huawei, ngân hàng của tàu khựa. Tiệm ăn McDonalds, Burger King. Subway,… đầy nơi. Xe chạy qua sông Danube, xem như tỉnh Pest ngày xưa thì có một đại lộ, nhà cửa với kiến trúc tương tự như ở Paris khiến mụ vợ kêu sao giống Paris rứa hè.
Khu mình ở cạnh đại lộ Andrássy Út (đại lộ theo tiếng Hung), rộng như ở Paris, với các tiệm thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Michael Kors với nhiều hàng quán, khách ngồi ngoài đường cứ như ở Paris. Có ngã tư họ gọi là Octagon, 4 góc nhà thêm 4 con đường, thấy đủ MacDonalds, Burger king, Starbuck,..thêm Costa Coffee, được thành lập từ năm 1971, do hai anh em người Ý, di cư sang Anh quốc năm 1960, sau được công ty Whitbread mua, nay nghe nói Coca cola mua lại. Cho thấy Starbuck chưa làm chủ thị trường hoàn toàn ở Âu châu.
Về nhà xong thì bà chủ nhà nói tiếng Hung bà ta hiểu, mình chỉ quan sát tay của bà ta để hiểu khi bà ta chỉ đi chợ ở đâu. Có iphone nên không sợ lạc đường. Cửa khoá vào nhà xứ này lạ. Muốn khoá phải vực cái tay cầm lên thì mới quay chìa khoá được. Phía ngoài cửa có một cái cửa sắt khác, 2 ổ khoá khác nhau. Nội khoá cửa hay mở cửa là oải. Sau đó cả nhà bò ra bờ sông Danube thì công nhận đường phố tương tự Paris , lề đường cũng tương tự, có mấy trụ gắn bích chương tròn tròn nhưng cao hơn ở Paris, cây cối đầy, lá vàng. Đẹp! Cứ như đi trên đại lộ Saint Germain, có mấy quán cà phê, tiệm ăn, thiên hạ ngồi ngoài đường khá dễ thương.
Mình nghe đến thành phố Budapest lần đầu tiên khi đọc Tống Văn Bình, Z-28 của người thứ 8 (nhà văn Bùi Anh Tuấn), có kể đến chàng điệp viên này đến thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi với những cô gái tóc vàng đẹp như tiên. Nói đúng hơn là hai thành phố tên Buda (ảnh hưởng văn hoá Slavic) và Pest (ảnh hưởng văn hoá Đức) nằm bên dòng sông Danube mà nhạc sĩ Johann Strauss II bất tử hoá dòng sông này với bản nhạc Valse mà ông Phạm Duy đã dịch lại thành Dòng Sông Xanh từ Le Beau Bleu Danube. Sẽ kể khi mình đến Wien, Áo quốc.
Vào thế kỷ 12 thì con cháu của Thành Cát Tư Hản chiếm đóng, cướp phá hai thành phố này rồi đến thế kỷ 16, bị đô hộ bởi đế quốc Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ nên vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay như Spa. Đến xứ này chắc mình phải đưa vợ con đi tắm Spa Thổ Nhỉ Kỳ, chỉ tiếc là không có hamam thôi. Đến năm 1873 thì hai thành phố Pest và Buda được nhập chung lại dưới sự cai trị của đế quốc Áo-Hung đến năm 1918, khi đế quốc Áo-Hung bị giải thể sau khi thua đệ nhất thế chiến. Đế quốc Áo-Hung một thời được xem là rộng lớn nhất Âu Châu với Sissi nữ hoàng của đế quốc này mà mình được biết đến khi xem phim Sissi do tài tử khi còn trẻ Romy Sneider đóng, đẹp nức nở.
Năm 1945, sau khi đệ nhị thế chiến kết thúc thì nước này bị hồng quân Nga Sô chiếm đóng và bị bắt buộc theo chế độ cộng sản. Dân xứ này có nổi dậy vào năm 1956 thì bị hồng quân đem xe tăng đến dẹp tắc một cách tàn bạo, khiến dân xứ này hết dám hó hé đến khi Liên Xô bị tan rả.
Nay có viện bão tàng tội ác, kể về tội ác của Nazi và cộng sản để lưu lại cho hậu thế. Chỗ này có làm một cái mái dài ra đường có cắt chữ “TERROR” to đùng, do kiến trúc sư Attila Kovacs thiết kế, bên lề đường có cái tượng, với dây xích xoắn xoàn nói lên tội ác cộng sản, thấy hình bóng của Lenin với chữ Bức Màn Sắt to tổ bố. Thấy có đường tên Attila, vua của đoàn quân Hun. Chắc cũng lờ mờ sinh ra trong những vùng này, con vua bị đày sang La Mã làm con tin, thông minh nên học hỏi về quân sự, văn hoá người La Mã, sau này đánh tan nát quân đội La Mã. Cuối cùng bị thua rồi bị con gái một vua bị bắt làm vợ ám sát chết.
Sáng nay, đồng chí gái thức dậy lúc 12:00 trưa, la toán lên, sao không kêu cô nàng dậy. Lúc đó mình mới hiểu tu tại gia khó nhất. Kêu dậy sớm thì cô nàng la ó, cả ngày lờ đờ như cá ngừ mà không kêu thì cũng bị chửi. Hỏi croissant đâu? Mình nói là cô nàng kêu có đồ ăn thêm hôm qua mua trái cây ăn sáng. Kêu thèm ăn croissant. Chán Mớ Đời
Đi qua cầu trắng rồi leo lên núi đến lâu đài vua chúa ngày xưa, có vườn thượng uyển đẹp nức nở, kiến trúc baroque, rất đẹp và hùng vỉ. Chỉ có một điểm là tên nào đột phá tư duy, thay mấy tấm cửa sổ màu trắng bằng nhựa hay nhôm, trông thấy ngu không thể tả. Có lẻ thời cộng sản, họ không bảo trì nên cửa sổ bị mục hư nên nay có tiền, chơi một phát làm cửa sổ bằng nhôm hay nhựa rẻ tiền và hoành tráng hơn. Nếu vậy thì làm màu nâu cho khoẻ, tiệp vào tường,… chắc tên nào lo vụ này được lại quả của công ty bán cửa sổ chớ không thể ngu đến mức độ này. Hậu quả của bao nhiêu năm được cộng sản giáo dục.
Đi viếng ba cái lâu đài thấy đúng là làm vua chúa sướng, có nhà cửa to đùng để ở nhất là có người hầu miễn phí. Vườn tược đẹp như thiên đàng. Nay mấy lâu đài này làm viện bảo tàng, có một triễn lãm của Frida nhưng hết muốn vào như ngày xưa nhất là đồng chí gái đã oải rồi. Đồng chí gái muốn đi vệ sinh, mình thì chưa đổi được tiền Florin của xứ này bị vợ chửi nát tai. Đi cầu tốn 1 Euro. Kéo vợ đi về, xuống đường thì thấy có một viện bảo tàng nhỏ đang triễn lãm một nghệ nhân gốc tàu nào, vì kiến trúc sư, nhìn thoáng là biết chỗ mô là phòng vệ sinh nên dẫn vợ xuống. Xong xuôi thì mụ vợ thương mình lại, hết chửi.
Mụ vợ kêu đói nên kêu ráng đi bộ tới chợ lớn của thủ đô xem có gì ăn. Chợ sạch sẽ, không hôi mùi thịt mà lạ không thấy họ bán cá. Mụ vợ kêu trong tiệm ăn, không thấy có món cá. Vùng này có sông Danube, người nào nhảy xuống tắm là chết liền nên không có cá mà ăn, còn biển thì xứ này không thấy. Kỳ này thì mình thấy nước sông Danube không đục ngầu đỏ như 40 năm về trước, có lẻ dạo ấy mình đi vào tháng 4, tuyết tan nên nước đỏ ngầu.
Cạnh chợ lớn có một chỗ tên là Banha, cạnh bờ sông, để đậu xe dưới hầm còn ở trên thì giữa hai toà nhà cổ, họ chơi một cái mái cong hiện đại mà dân trong vùng kêu là Cá Voi. Vào trong thì thấy bán mấy gian hàng đồ thủ công nghệ, ế như chùa bà đanh. Kiếm chỗ cho vợ đi vệ sinh rồi ra.
Kêu vợ đi bộ tới tiệm ăn Tukory mà thằng chủ nhà giới thiệu. Vợ cứ hỏi đến chưa, cô nàng đừ rồi. Hôm qua đi bộ được 9 dậm, 15 cây số. Vào tiệm kêu được món goulash và thức ăn Hung Gia Lợi. Chuẩn đem ra mấy cái khay bằng gỗ to với phần ăn còn nhiều hơn ở Hoa Kỳ. Hèn gì mấy bà người Hung, chân có bắp đùi to như đòn chả thủ. Kinh! Phụ nữ đây hút thuốc kinh hoàng lại béo nữa.
Đi đường có tiệm ăn Việt Nam gọi là Quán Nón. Mụ vợ kêu chán đồ ăn hung tiệp rồi. Mai đi ăn cơm Việt Nam. Chán Mớ Đời
Sáng nay, dậy sớm đi mua croissant cho vợ thấy trời âm u, lạnh lạnh bổng nhớ đến bản nhạc “sombre Dimanche” của nhạc sĩ người Hung Rezso Seress, đã một thời làm bao nhiêu người tự tử trên thế giới khiến chính phủ cấm bản nhạc này, rồi năm 1968 tác giả của bài hát, chắc nghe hoài bản này trong đầu cũng tự tử luôn.
Đi mua croissant và pain au chôcolat cho vợ bổng tư duy đột phá một câu khá sến sến:
Đi khắp thế gian không ai thương mình bằng vợ
Gian khổ một đời không ai khổ bằng Sơn Đen
Vợ dậy bổng kêu long thể bất an nên bao nhiêu toan tính hôm qua đều thay đổi. Bỏ vụ đi tắm Spa vì sợ lạnh. Đi ra viếng quốc hội của xứ này, kiến trúc kiểu Neo-gothique, màu trắng tinh, làm nhớ đến quốc hội Anh quốc cũng tựa tựa sau đó xuống thuyền đi dạo trên sông Danube. Dọc bên bờ có mấy chiếc tàu du thuyền trên dòng sông Danube mà mấy người bạn đi về có kể. Thuyền đi ban đêm, sáng cập bến, ghé lại tỉnh nào rồi lên bờ chơi, chiều tối lại xuống tàu đi tiếp.
Dọc bờ sông thì thấy khách sạn Intercontinental và Marriott mới xây to đùng rồi có dãy nhà dân cư to lớn mới xây, chắc cho dân giàu rồi có nhà hát lớn mới được thành lập, nghe nói lúc đầu muốn làm ở trong thành phố sau thì bị cấm, phải dời ra vùng này. Mấy chiếc cầu chạy ngang thì không có chi là đặc biệt ngoại trừ cây cầu màu trắng mà người ta kêu là mang tên nữ hoàng Sissi. Không biết có thật hay không, chỉ nghe quảng cáo trên tàu.
Mua vé đi xem ca nhạc cổ truyền Hung Gia Lợi cho tối rồi ghé Quán Nón cho đồng chí gái ăn phở, rồi lết về nhà nghỉ ngơi trước khi đi xem nhạc lại. Quán người Việt đi từ Hà Nội nên để “NỘm” thay vì “gõi” làm mụ vợ cứ hỏi tới hỏi lui Nộm nà cái gì. Phở thịt bò khá dai, không mềm như thịt bò của Phở Holic. Thấy có bán cả Tom Yum của Thái Lan.
Về nhà đánh một giấc 2 tiếng xong thì chuẩn bị đi xem nhạc. Có ban nhạc chơi nhạc thêm 5 cặp múa đôi, đủ loại múa của mỗi miền. Có màn mấy cô múa để chai rượu trên đầu hay hay màn vũ gitanes khá vui, áo quần thì công nhận phụ nữ xứ này thêu đẹp, đủ hoa màu. Đang xem có một cặp khán giả lớn tuổi đứng dậy ra về, vừa đến cửa, bà vợ lăn đùng ra, được khiêng ra ghế ngồi. Phải ráng đi chơi cả vài năm nữa, chống gậy để đi. Hy vọng bà ta không bị gì, thấy nằm nơi ghế, có cô phục vụ quạt cho mát còn ông chồng đưa ly nước cho uống. Ở Hoa Kỳ thì chắc họ đã gọi xe cứu thương cho chắc ăn vì có thể bị đột quỵ.
Coi xong lại lội bộ về, chuẩn bị mai đi Vienna. Mụ vợ kêu sáng mai, không mua croissant sô cô la nữa, ớn rồi, mua baguette. Hôm trước mua baguette bị la. Ôi đàn bà!
Chán Mớ Đời
Cạnh bờ sông có mấy đôi giày của những người tự tử để lại. Kinh ( có người kêu là để tưởng nhớ những nạn nhân diệt chũng Do Thái. Mình nghe tên trên tàu nói như vậy, nhưng cũng không để ý lắm vì xem kiến trúc nhiều hơn)


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét