Trang

Vẽ = viết

Dạo còn vẽ, đúng ra khi chưa lên xe bông, bồi dưỡng chức năng nghiệp vụ làm chồng của đồng chí gái, mình hay có cuốn sổ tay bên cạnh để ghi lại những quang cảnh khi mình chứng kiến trong ngày hay ghi lại những điểm hay vừa đọc của bài báo, cuốn sách. Có thì giờ thì ngồi vẽ vài tiếng đồng hồ dù trời lạnh hay mưa gió, nắng nôi.
Mỗi tấm tranh như ghi lại những giây phút ngắn ngủi trong cuộc đời mình vào một thời điểm nào đó. Mình có triển lãm bán tranh vài lần, có dạo tính bỏ nghề kiến trúc sư để làm hoạ sĩ nhưng hai người em vượt biển sang Tây nên mình đành đi làm, kiếm tiền giúp em.
Đi làm công, làm giàu cho chủ được 13 năm rồi thời thế đưa đẩy mình chuyễn nghề qua làm thầu khoán, làm thợ hồ, lợp mái nhà rồi lang bang mua nhà cũ, sửa lại cho thuê nay làm vườn. Hôm trước, đi ăn phở với vợ con, con gái thốt lên sau lưng: "cha làm vườn, mẹ thời trang" khi thấy hai vợ chồng dắt tay nhau đi ăn phở, mình bận đồ làm vườn, mang giày ủng, còn mụ vợ thì bận đồ chiến đấu trong sở mới ra. Mụ vợ mua vải về để may cái áo đầm cho con gái đi dự dạ vũ chi đó. Hai mẹ con đi mua nhưng không có cái nào vừa ý nên mua vải về để may. Mụ vợ cứ than cái máy may cũ, bị lộn xộn hoài, có bác gái nào biết hiệu gì tốt thì cho em hay, để ngày lễ Valentine sắp đến, em mua tặng cho vợ, để mụ may để tốn tiền mua sắm áo quần. He he he.
Cuộc đời như biểu đồ sin, khi lên khi xuống. Khi xưa mình le lói với chức danh kiến trúc sư, rồi tụt xuống làm thợ hồ nay thì tận cùng bằng số làm nông dân, mỗi sáng thức dậy, đọc lại câu ca dao học trong giờ việt văn khi xưa: "lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày.." Như đọc lời khấn nguyện của kẻ tôi đày.
Dạo còn vẽ thì thân hữu hay bạn của thân hữu hay hỏi mình, fong cảnh này, phố xá nào đây. Khi được trả lời thì họ kêu à tôi có qua đây, viếng chỗ này rồi bỏ đi. Người thì hỏi vẽ, tốn bao nhiêu tiếng đồng hồ. Mình nói 10 giây đồng hồ, 2 ngày, 4 tuần thì hỏi tại sao có sự khác biệt. Làm sao mình trả lời được? Nhiều lúc, quan sát cả ngày vẫn chưa tìm được khung cảnh hay ánh sáng hoặc tâm chưa giác ngộ cách mạng được cái đẹp trước mặt.
Tương tự khi gặp một cô gái, hay một người nào đó thì mình có cảm tình ngay như đã quen tự bao giờ. Có người phải chém gió cả tháng, cả năm mới nhận ra những cái điểm hay của họ. Mình quen và học chung với tên 2 b trên 42 năm nay, nhưng nhờ qua MAVH, từ 2 năm nay mới hiểu được hắn độ 10%. Mấy người khác như 1b, hms, sssđ, ctvl,..., biết chớ không quen khi xưa, nay trên diễn đàn như có cái thâm tình từ đâu đâu. Mấy bà dì Yersin thì trong ký ức của mình, không còn dư âm, hình bóng nào của mấy bà dì này, nhưng khi gặp nhau ở Đà Lạt, vẫn có gì quyến luyến như một nốt nhạc, câu vọng cổ ngày xưa, hoà tan trong tịch lặng, được gió mùa hạ thổi nhè nhè về trong tâm khảm. Hôm nay, nhận được imeo, i miết chúc Tết, cảm thấy ấm lòng.
Đọc bài viết của Sanh Tử tiên sinh thì mình mới khám phá ra chim "không có ê" tinh gia. Lâu lâu không thấy hắn còm trên diễn đàn thì thấy thiếu thiếu cái gì như người chưa tìm ra chân lý. Thật sự, cho đến nay mình cũng không hiểu nghĩa của Chân Lý là gì? Như bà Penelope Faulkner, Ỷ Lan hỏi Chân Không là gì? Chân không mang giày, mang dép? Chân lý là cái lý của cái chân? Hay là chân đi xa vạn lý? Chán mớ đời! Có rất nhiều chữ mình đọc mà vẫn không hiểu, chỉ mường tượng nên không biết có đúng hay không.
Từ hai năm nay, bổng nhiên mavh khơi cái mạch viết của mình. Viết ngày chưa đủ tranh thủ viết đêm, đến nổi mụ vợ cứ la nên cứ phải lén mụ để viết. Mình cả đời dốt văn, không ngờ ngày nay lại viết, rồi còn được tên 2b xuất bản. Hôm trước, đọc MTSĐ thì mình khám phá ra một điều, lí do tại sao học trò của ông Khổng Khâu hay của Socrates, cứ nói Khổng tử nói hay tôi chỉ ghi lại những gì thầy tôi, Socrates đã giảng.
Họ nghe thầy của họ giảng, nói về một đề tài nào đó, rồi họ suy nghĩ như con tằm ăn lá rồi nhã tơ. Họ viết lại thành Tứ thư Ngũ kinh hay những Symposium để lại cho hậu thế nhưng vì họ khiêm nhường nên nói thầy tôi nói như thế này, ngâm như thế kia. Còn mình thì cũng đọc sách báo đâu đó, có những ý tưởng hợp với mình rồi chôm chỉa đem về, viết bú xua la mua cho vui. Giờ đọc lại cũng không ngờ mình lại viết được như vậy mà cũng không biết đã chôm chỉa từ đâu. Kệ cứ như tằm ăn dâu rồi nhả tơ. Xong om!
Thật ra trong lịch sử loài người, văn hoá được phỏng theo những cái gì hiện hữu trước đó, rồi họ biến đổi theo thời gian. Kiến trúc tây phương bắt nguồn từ kiến trúc của đế chế La Mã, đế chế này lại bắt chước Hy Lạp, từ Creta, từ Assyria, Babylon tương tự như DNA, di truyền đời này cho đến đời sau nhưng ăn uống, từ từ thay đổi con người.
Có người hỏi mình làm sao nhớ những chuyện thời Bảo Đại thì mình cũng chả hiểu lí do họ hỏi, tương tự như khi họ hỏi mình vẽ bức tranh này ở đâu. Mình chỉ biết lâu lâu có cái gì lùng bùng trong đầu thì ngồi xuống, lấy cái ipad ra như khi xưa, dở cuốn sổ tạp ghi hay giá vẽ ra. Tờ giấy trắng rồi từ từ vẽ cái khung của cái nhà rồi từ từ đi vào chi tiết cái cửa sổ, cánh cửa, đến bóng, ánh sáng rồi màu mè.
Viết tới đâu,nhớ cái gì thì ghi cái đó xuống để cho cái ý không bị gián đoạn rồi sau thêm cắt. Hôm trước có hai vợ chồng bên Tây, cựu học sinh Yersin sang chơi, họp mặt tại quận Cam. Có ĐGT tham dự, tên này là chú của ĐGL. Có lẻ vì vậy mà hắn nhớ những người lớn tuổi của Đà Lạt khi xưa rất nhiều, vì có liên hệ với bố mẹ hắn. Chỉ tiếc, hắn ít tham dự các cuộc họp mặt Yersin hay chịu khó, ghi lại ký ức của hắn. Tên này nhớ rất là nhiều, có thể hắn nhớ nhiều hơn mình về Đà Lạt, người Đà Lạt cũ khi xưa.
Nói hắn hay những người khác, kể lại như viết hay ghi âm nhưng họ lại kêu viết dỡ, không phải nhà văn. Người Việt không có thói quen viết nhật ký nên họ nghĩ khi viết là viết văn, làm luận như khi còn đi học. Mình sang Văn Học, tình cờ khám phá ra ghi lại trong nhật ký những gì vừa học hôm nay, như thể ôn lại bài, tóm tắc bài học nên bắt đầu học có tiến bộ hơn xưa và nhớ dai khi đi thi. Mình mới liên lạc được lại ôgn hàng xóm khi xưa, hay hco mình mượn sách “Học Làm Người” đọc. Ông ta kể về Sàigòn làm ăn, nay lớn tuổi lại về Đàlạt sinh sống, sáng nào cũn trả quán “Chez Nous” của em gái mình ở đườn gPhan Đình Phùng, góc Ngã 3 Chùa, uống cà phê.
Ghi lại những ký ức của mình để cho con cháu sau này đọc. Ngày nay, mình thích tìm hiểu về quê nội, quê ngoại. Khi nghe đến cầu Gia Hội, Đập Đá, Bến Ngự, chùa Thiên Mụ hay Sông Đáy, Sông Đà, Núi Tản, chùa Thầy,..., là mình mường tường đến ông bà cụ khi xưa. Đã làm gì trong cái dung dịch bất biến, không gian và thời gian khi còn trẻ, đi chăn trâu, buôn bán ở chợ Đông Ba,....
Như mình đã kể, cô gái gọi mình để tìm lại ký ức về người tình năm cũ. Những ký ức bình thường, nhiều khi vặt vụng lại của mình là một kho châu báu đối với cô gái kia, đang đi ngược dòng thời gian của cuộc đời để tìm lại những giây phút, hạnh phúc êm đềm khi xưa, của một thời biết yêu, một thời để nhớ.
Vẽ là ghi lại cảm xúc của ngoại cảnh còn viết là ghi lại cảm xúc của nội cảnh. Đại khái viết hay vẽ đều như nhau, chỉ khác là khi xưa cầm bút nay gõ ipad. Xong om!
Đúng 45 phút 18 giây!
Nhs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét