Trang

Tiền bạc không mang lại hạnh phúc?

Lâu lâu mình nhận email từ bạn bè gửi đến với bài viết của những thiền sư hay triết gia đương đại, như ai đó đang xeo phì lại những cụm từ, sáo ngữ mang đầy tính chất “thiền” hay “triết lý” như “đời là vô thường”, “hãy tu mau kẻo trể” còn cao siêu hơn thì kêu “có tiền để làm gì?”…. Lâu lâu gặp họ thì thấy họ cũng son phấn, áo quần hàng hiệu, chê bà này trách mụ kia đủ trò, khiến mình ngơ ngơ ngác ngác.
Đi Nhật Bản và Việt Nam về, lùng bùng trong đầu không hiểu cái gì sẽ giúp mình mạnh khoẻ và vui vẻ, để tiếp tục đi trên đường đời. Mình phải đầu tư thời gian và sức lực vào môi trường nào để đạt được hạnh phúc và có một thể lực tốt.
Có một nghiên cứu về giới trẻ ngày nay, hỏi họ những gì quan trọng nhất trong đời, thì trên 80% cho biết là mục đích chính trong đời là làm giàu. 50% của nhóm này cho biết có một điểm quan trọng khác là được người nổi tiếng.
Ở âu châu rồi qua Hoa Kỳ, khiến mình bị chới với vì mức độ nhịp sống của người Mỹ quá nhanh, luôn luôn tranh nhau để đạt những gì họ ham muốn. Lần đầu tiên xem truyền hình là chới với, họ nói nhanh rồi quảng cáo ào ào. Mình có cảm tưởng là họ cố gắng lao động rất nhiều, ít nghỉ hè như ở âu châu, luôn luôn tiến tới để đạt những thành quả, mộng tưởng của họ. Bên tây người ta cứ xem đi nghỉ hè ở đâu còn người Mỹ thì chả thấy nghỉ hè gì cả.

Khi chúng ta về già, nếu có ai hỏi về những chọn lựa hồi còn trẻ có đạt những kết quả, tiêu chí mà chúng ta mong đợi, mơ tưởng hay không thì đa số không ai nhớ gì cả. Chúng ta quên gần như đa số những gì đã xẩy ra trong cuộc đời và rồi từ từ trí nhớ của chúng ta trả nhớ về không.
Như người ta xeo phì rất nhiều khi đến chỗ nào lạ, chụp ảnh chụp bóng bỏ lên mạng quên nhìn cảnh vật xung quanh, tiếng người rao hàng, tiếng chim hót hay ngọn gió đang thì thầm bên tai. Rồi chả nhớ đã ăn cái gì, cách nấu nướng, trình bày của tô phở, cái bánh, mùi vị của cà phê tường như người ta đang sống ảo với cuộc đời. Tạm gọi là văn hoá xeo phì, tự sướng.
Lâu lâu, đồng chí gái nói là muốn đi đâu đó chơi, hay ăn ở tiệm nào vì nghe bạn bè nói đến, mình nói là đi rồi, vợ chê kêu không thích, năm đó tháng nọ thu kia, có gặp ai đó thì đôi mắt đồng chí gái nhìn mình như hai viên đạn đồng AK, rồi kêu “Really! Sao không nhớ”. Ngược lại những tiêu cực mà mình làm thì mụ vợ nhớ phanh phách. Lâu lâu đem ra nói tới nói lui rồi nói lui nói tới và mình có bổn phận ngồi nghe vợ thuyết pháp, không được cãi lại. Chán Mớ Đời
Tưởng tượng có thể nhìn cuốn phim về cuộc đời của chúng ta từ bé đến nay. Thử hỏi chúng ta có thể nghiên cứu con người từ khi bé đến khi già để biết được một cách chính xác lý do giúp họ sống khoẻ mạnh và hạnh phúc trong cuộc đời.
Đại học Harvard có làm một nghiên cứu từ 81 năm nay, vẫn còn tiếp tục đến con cháu của những người đã và đang có trong danh sách của những người đang được nghiên cứu.
Từ 1938 đến nay, nghiên cứu này theo dõi 724 người đàn ông. Hàng năm, hỏi họ về công ăn việc làm, đời sống cá nhân gia đình và sức khoẻ của họ và những mộng tưởng của họ có đạt như ý muốn của họ từ bé.
Trong số 724 người đàn ông trẻ, người ta chia ra làm hai loại; nhóm đầu tiên là sinh viên năm thứ 2 của đại học Harvard và nhóm thứ 2 là một số thanh niên cư ngụ tại những khu phố nghèo của Boston.
Khi họ bắt đầu cuộc nghiên cứu, người ta đến nhà để phỏng vấn cha mẹ, kể xuống những hoàn cảnh xã hội của tất cả những thanh niên đủ mọi thành phần của thập niên 30 của thế kỷ 20. Sau khi ra trường, đa số đi quân đội, tham chiến ở đệ nhị thế chiến. Sau đó họ trở thành thợ, công nhân, bác sĩ kỹ sư, và một người trở thành tổng thống Hoa Kỳ (JFK). Một số trở thành nghiện rượu, một số bị điên. Một số nghèo khổ trở thành giàu có, địa vị trong xã hội Hoa Kỳ, ngược lại một số con nhà giàu quyền quý lại tuột hậu, té xuống đáy cuả xã hội.
Ngày nay trong số 724 người tình nguyện cho cuộc nghiên cứu, còn lại 60 người sống sót, vẫn được tiếp tục khảo sát thường niên. Đại học Harvard bắt đầu nghiên cứu đến con cháu của họ và phối ngẫu, cộng lại đâu trên 2,000 người.
Sau mấy năm chục, hàng hàng sa số tài liệu được thu nhặt, người ta khám phá một điều.
Không phải tài sản, tiền bạc hay có địa vị, nổi tiếng trong xã hội đã giúp họ có một đời sống hạnh phúc. Sau 81 năm nghiên cứu, người ta đi đến kết quả là những liên hệ mật thiết với gia đình, thân hữu giúp con người hạnh phúc và mạnh khoẻ hơn.
Đi chơi với mẹ mình tháng trước ở Nhật Bản thì mình khám phá ra hay kiểm nghiệm lại kết quả của nghiên cứu đại học Harvard mà mình đã đọc 5 năm về trước. Sau đó mới bắt đầu, viết kể lại đời mình để xem mình nhớ tới đâu, xem lại khúc phim của đời mình. Bác nào hứng lên thì nên viết lại những kỷ niệm ngày bé đến nay. Bảo đảm là rất vui.
Bà cụ mình thì vui vẻ, thích nói chuyện, dễ thân thiện, lúc nào cũng nghĩ đến người khác. Vào vườn mình thì hái bơ, quít để đem đi cho thiên hạ. Mình hỏi hái chi nhiều rứa vì mình vác ra xe nặng thì nói để cho mấy bà bạn mới quen. Mẹ mình không đòi hỏi gì cả, con cháu cho cái gì thì nhận, không bao giờ rên rĩ là con mình bất hiếu, không chăm sóc mình,… ngược lại ông cụ mình thì đổi thành họ “Than”. Mình về thăm, hỏi có khoẻ không thì lắc đầu, kêu Mệt Lắm, ăn không được,…đi không nổi,… mình hỏi đi ăn phở thì ông cụ mình gật đầu ngay, rồi đi te te tước mình lên dốc như bộ đội vượt Trường Sơn. Sau đó đi bộ với mình ra hồ Xuân Hương, rồi qua chợ, cũng độ 5 cây số. Cho thấy ông cụ còn khoẻ nhưng vì muốn quan trọng hoá về mình trong đám con cháu bận biệu với đời sống thường nhật.
Ông cụ mình ở tù cải tạo đến 15 năm nên bạn bè thân hữu cũng bị giới hạn. Đàlạt chỉ còn một vài người bạn nên ông cụ trở về, bạn hữu đi xa hay cũng ngại đến thăm hỏi nên cô đơn. Nghiên cứu cho thấy càng cô đơn thì khi đau ốm tinh thần lại xuống thấp, cảm thấy đau hơn một người như mẹ mình rất hoà đồng với con cháu, không bao giờ trách con cháu thì có đau ốm, mẹ mình cũng không than, giúp mẹ mình yêu đời hơn thay vì yếm thế như đa số người lớn tuổi mà mình biết.
Nghiên cứu cho thấy người ta hạnh phúc vì có gia đình, con cháu bên cạnh, tham gia các hội hè, làm việc giúp nhà thờ, các công tác từ thiện, họ khỏe mạnh, đi đây đi đó. Ngược lại những người ít bạn hữu, cô đơn thì sức khoẻ của họ bị tuột dốc nhanh, chết sớm hơn. Ơ Hoa Kỳ 20% người Mỹ cho biết là họ cô đơn.
Sáng nay đi ăn sáng với đám bạn già hơn mình, trung bình hơn 20 tuổi thì có tên Sandy, gốc Do Thái, lâu nay không gặp. Tên này kể là có một căn hộ bỏ trống, chưa có ai thuê từ 4-5 tháng nay, khiến mình ngạc nhiên vì khi xưa tên này, vặn người mướn nhà như xiết bù lon để lấy tiền. Bao nhiêu năm hà tiện, hà tặng, không dám lấy vợ để rồi về già, ngồi chốc ngốc, rên đau,… trong nổi cô đơn của hoàng hôn đời người.
Từ mấy năm nay, đồng chí gái hay đi chơi riêng với bạn học cũ khi xưa, hay tụ họp với mấy người này, làm ca sĩ viện dưỡng lão, giúp các hội từ thiện nên cô nàng có vẻ yêu đời hơn xưa, chịu khó đi tập thể dục, đi dã ngoạn cuối tuần, thay vì nhìn cái mặt đen xì của mình thì đen hoá cuộc đời của vợ. Mình thì ngược lại, chỉ gặp mấy tên bạn mua nhà cửa cho thuê rồi vào vườn xem coyote, tối thì đi hướng dẫn thiên hạ tập nội công và Thái Cực Quyền,.. Cuối tuần thì bạn bè thay phiên rũ nhau đến nhà ăn cơm đấu láo. Không có gì đặc biệt.
Trải nghiệm thực tế cho thấy tiền không mua được hạnh phúc nhưng mình chưa bao giờ nghe ai tuyên bố là họ cảm thấy hạnh phúc hơn vì nghèo, không có tiền. Chán Mớ Đời
“Tiền không mua được hạnh phúc” khiến mình suy nghĩ vài phút nhưng không thể nào biện minh cho câu này được tương tự như “đời là vô thường” như ai đó hay chuyền cho nhau để đọc. Mình chưa nghe ai mở mồm kêu 1 triệu đô không làm họ hạnh phúc hơn cả. Nhìn xung quanh, cái gì cũng cần tiền cả.
Tiền giúp chúng ta kiểm soát được đời sống thường nhật; có thể hưu trí sớm, nuôi chúng ta hay gia đình, có khả năng mua sắm hay trải nghiệm những điều mình mong muốn, có sự chọn lựa khi thân hữu mời đi ăn, hay du lịch,… nhớ hồi hai vợ chồng mới quen nhau, chỉ vào tiệm Pollo Loco ăn gà nướng hay khi có con, vào tiệm chỉ dám nhìn món rẻ tiền, còn mấy món hải sản phải tự dối lòng mình, kêu có cholesterol nhiều nên không dám gọi.
Ai rảnh thì vào trang nhà của đại học Yale, ghi danh học lớp miễn phí qua mạng với cái tên “ The Science of Well-Being,” mà thiên hạ kêu là lớp được ưa chuộng nhất của đại học này. Hàng trăm người kể là lớp này đang thay đổi cuộc đời họ sau khi học xong lớp này. Mình nghe nhiều người than phiền là sau 75, không được đi học nhưng ngày nay, về hưu thì cứ la cà đi nhậu hay cà phê, trong khi họ có thể lên mạng các đại học danh tiếng Hoa Kỳ, âu châu để học miễn phí. Còn không thì mua sách hay mượn về đọc.
Về Việt Nam, mình không vào được trang nhà BBC,…bị tường lửa chặn nhưng vào đại học Harvard thì vô tư, nên không thể nào kêu là không học được nhất là miễn phí.
Lớp này do bà Laurie Santos, giáo sư về tâm lý học giảng dạy. Bà ta nêu ra những điều mà chúng ta mong muốn trong đời nhưng trên thực tế, không làm chúng ta hạnh phúc. Bà ta cho rằng thủ phạm tâm lý này là hiện tượng mà bà ta dùng cụm từ “Miswantings”, không biết tiếng Việt dịch ra sao, đại khái là những ao ước, mong muốn sai lầm.
Tương tự hiện tượng này cũng nói lên người ta “mispredict” tiên đoán sai về cuộc đời họ trong tương lai. Có nhiều người học tập đủ trò để thực hiện giấc mơ của họ nhưng rồi tương lai lại làm chuyện khác như mình học cho cố để tốt nghiệp kiến trúc sư, nay làm nông dân.
Khi xưa, mình có quen một cô, bố mẹ cô ta có châm ngôn: “phi bác sĩ bất thành phu phụ”. Bao nhiêu trai đến tán đều bị từ chối rốt cuộc cô nàng lấy một anh đạo sĩ. Không bằng cấp chi cả nhưng cô nàng lại hạnh phúc, cho thấy những đòi hỏi, cứ tưởng có những thứ ấy hcusng ta sẽ hạnh phúc nhưng trên thực tế khác hẳn.
Bà Santos nêu lên những tính năng tư duy trong não bộ, gây phiền nhiễu, làm chúng ta chạy theo những gì không làm chúng ta thật sự hạnh phúc. Một trong những quan niệm sai lầm là Tiền Bạc.
Đại học Princeton ở New Jersey có làm một nghiên cứu, phân tích các câu trả lời của trên 450,000 người Mỹ về lợi tức và cách sống tốt đẹp nhất của họ. Nghiên cứu kết luận là hạnh phúc gia tăng theo lợi tức của mỗi người. Vào thời điểm bản nghiên cứu được xuất bản một thập kỷ trước đây, họ cho rằng lợi tức hàng năm là $75,000. Tuỳ theo tiểu bang vì Cali thì phải nhân gấp 2 lần.
Mình có xem truyền hình phỏng vấn một gia đình gốc Mễ, ông chồng làm tài xế xe buýt. Một cân rau cải giá $2.99 còn một cái hamburger giá $0.99, họ phải chọn cái nào rẻ dù biết ăn rau cải tốt cho sức khoẻ vì ông chồng bị tiểu đường, tốn trên $70 tiền thuốc mỗi tháng. Cho nên khi mình nhận email kêu Tiền không mang lại hạnh phúc thì mình muốn gửi cho người gửi xem cái video này.
Năm 2012, Skandia International’s Wealth Sentiment Monitor, cho rằng “lợi tức hạnh phúc” là có lợi nhuận trên $160,000. Gần đây một nghiên cứu của đại học Harvard năm 2018 cho rằng đối với triệu phú thì “great wealth does predict greater happiness”. Càng giàu càng hạnh phúc cho những ai có tài sản trên 8 triệu mỹ kim. Đa số chúng ta ít ai có tài sản trên 8 triệu nhưng các nghiên cứu khẳng định là tiền bạc có liên quan đến hạnh phúc con người. Kiểu có xe hơi, không cần biết là loại xe gì nhưng cần xăng nhớt hay điện mới chạy được. Xe xịn thì tốn xăng nhiều hơn loại xe rẻ tiền.
Ngoài ra, các sinh hoạt như chơi thể thao, tập luyện Thiền, để thời gian cho các giao lưu, nối kết xã hội, từ thiện đem lại những ảnh hưởng cho đời sống thường nhật. Đồng chí gái với mấy người bạn ca sĩ viện dưỡng lão, đi hát mỗi tuần cho người hưu trí hay đan mũ len cho người già với hội từ thiện SAP-VN, đem lại cho họ, một chút ý nghĩa trong cuộc đời. Những trải nghiệm này dễ dàng hơn là có tài sản trên 10 triệu đô la.
Mình có quen vài người triệu phú mỹ như ông Larry, ông Sandy, ông Howard. Ba ông này gốc Do Thái, ông Sandy thì rên có 2 triệu đô trong ngân hàng mà không biết làm gì, nay lại có một căn hộ chưa cho mướn được vì chưa quét sơn lại. Hai ông này rất thân với nhau, không muốn lấy vợ vì sợ ly dị, chia gia tài nên khá cô đơn. Ông Sandy thì có bồ với một cô từ 25 năm nay nhưng nhất quyết không lấy nhau. Cô bạn gái bỏ đi lấy chồng rồi 3 năm sau lại ly dị, trở lại với ông Sandy.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy tiền bạc không gia tăng hạnh phúc của chúng ta như chúng ta thường nghĩ. Lý trí của chúng ta đã phản hồi sai lầm về ảnh hưởng của tiền bạc cho hạnh phúc của chúng ta.
Trong lớp có phần bà Santos có phỏng vấn bà Elizabeth Dunn, đồng tác giả cuốn “Happy Money”. Họ nói chuyện về lý do chúng ta tiêu tiền để trải nghiệm cuộc sống thay vì những đồ vật, giúp chúng ta hạnh phúc. Chúng ta có thể mua đồ xịn, để cảm thấy mình có đẳng cấp, đeo vàng vòng như ông đại gia nào ở Việt Nam mới bị bắt, để được thiên hạ trầm trồ, khen ngợi. Có ông đại gia nào mua cái giường mấy triệu đồng để cho thiên hạ biết mình có đẳng cấp nhưng mình đoán cái giường kia, hai vợ chồng ông ta không ngủ vì quá cũ, kêu cột kẹt khi hò giả gạo.
Dạo còn sinh viên, mình đi du lịch bằng quá giang xe, ngủ bờ ngủ bụi, vẽ tranh bán, đem lại cho mình hạnh phúc, vừa đi chơi vừa có tiền. Nay mình đi lại những thành phố đã dừng chân một thời, ăn ở trong khách sạn 5 sao thì vẫn có một niềm hạnh phúc khác nhưng nói chung thì mình thích đi du lịch ngày nay hơn. Không phải lo ngại còn tiền ăn trưa hay có chỗ ngủ đêm nay.
Lớp học kết thúc với câu hỏi: “ tiền bạc có làm nên hạnh phúc? Nếu chúng ta sống ở Hoa Kỳ với lợi tức $10,000/ năm thì vâng, có thêm tiền sẽ giúp chúng ta hạnh phúc”. Còn đa số thì có thêm tiền, (trên $160,000/ năm) không thay đổi hạnh phúc của chúng ta.
Cho thấy tiền bạc không làm nên hạnh phúc nhưng không có tiền thì không ai hạnh phúc cả.
5 năm trước, mình mua một cái vườn bơ, 20 mẫu, tính để xây nhà nhưng mỗi lần lên vườn, mình cảm thấy bình yên, dù thấy coyote, mèo rừng, rắn chuông, sóc,… thứ nhất, 1450 cây bơ đem lại nhiều oxygen thêm giúp mình tìm lại thiên nhiên. Nghe chim kêu mấy con cú hú hay tiếng rắn chuông kêu rẹt rẹt hay mấy con coyote rống lên khi máy bay bay ngang, đem lại cho mình một sự bình yên nên nghĩ sẽ không bán hay chỉ xây cất 1 phần còn giữ lại để có chỗ lên viếng thăm.
Hôm trước, đi Kanab chơi thì anh bạn đề nghị làm một căn nhà sử dụng mấy container thấy có lý nên có lẻ sẽ mua 4, 6 cái cũ đem về vườn rồi ráp lại để khi đồng chí gái la thì chạy lên đây. Hay làm chừng một chục cái như vậy rồi làm một trung tâm thiền thiết gì đó, cho thiên hạ đến cuối tuần làm vườn, trải nghiệm đời nông dân, lấy tiền.
Hôm qua vào Home Depot thấy hoa lan đẹp nên rinh về một chậu cho đồng chí gái. Lâu lắm chưa có mua hoa cho vợ. Sáng nay, đang ngồi nhìn ngoài trời mông lung, mụ vợ đi xuống, ôm hun một chụt rồi bỏ đi.
Sơn đen nhưng tâm hồn sơn trong trắng
Nhà sơn nghèo giang nắng sơn đen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét