Hôm nay, có anh bạn đến từ sớm rũ mình đến hội Hoa Hà Đông, cạnh chùa Linh Giác nơi tụ tập các di tích về sự thành hình của ấp Hà Đông, Đàlạt. Có người đại diện của hội tiếp 2 thằng. Ông này gốc Hà Nội, vào Đàlạt sau 75 nhưng lại yêu mến, sự thành hình của ấp Hà Đông tại Đàlạt từ thời tây trước chiến tranh chống pháp đến nay. Có lẻ nay Hà Đông được nhập vào Hà Nội nên đối với người Hà Nội, Hà Đông là Hà Nội. Mai sau chắc họ lại kêu Tiểu Hà Nội thay vì ấp Hà Đông.
Nay mới hiểu anh bạn học khi xưa rất thích hoa. Dạo ấy, mình thấy Anh ta gửi mua các hạt giống hoa ở Hoà Lan, Pháp quốc để gieo trồng ở vườn nhà anh ta ở ấp Hà Đông, cạnh am bà Cai Thỏ, nơi mà bà cụ mình đã bán cho ông 9 bà cô ở đây. Mình hỏi nay còn thích hoa, anh ta kêu vẫn còn. Mình thì thích cái gì ăn được, bán được còn hoa hiếc thì sợ lắm. Tốn công mà chả được gì cả.
Năm 1936, bố anh ta làm việc ở Hà Nội cho La Flore Générale de L’Indochine, được gửi vào Đàlạt để giúp trồng tỉa hoa ở Đàlạt, được xem là Hoàng Triều Cương Thổ của nhà Nguyễn. Lúc đầu, ở ấp Hà Đông, nơi người ta đập đá để làm đường. Rồi bố anh ta mới kêu người em vào phụ giúp, dần dần các người khác ở Hà Đông vào tương tự một số người Nghệ An và Hà Tỉnh cũng vào Đàlạt, rồi năm 1938, các di dân thành lập ấp Nghệ Tỉnh bên cạnh dân Hà Đông.
Người Nghệ An, Hà Tỉnh đa số được vào Đàlạt để làm culi, xây dựng tuyến đường xe lửa Phan Rang-Đàlạt mà mình nghe kể là ông Võ Quang Tiềm, người làng Ngọc Anh, Thừa Thiên và mấy người em rể, may quần áo, rồi gánh bộ mất 3 ngày 3 đêm mới đến những công trường để bán cho những người phu làm đường. Sau này bán rựou, và thuốc lá rê, trở nên giàu có nhất Đàlạt. Được biết dạo ấy, cọp đông lắm nhưng không biết có mánh gì để đi rừng ban đêm, tránh cọp beo vì thấy tấm hình chú của người bạn đâm chết con beo khi bấm đèn pin ở ấp Hà Đông.
Mình bắt đầu hiểu là người Huế vào Hoàng Triều Cương Thổ, rồi bảo lãnh gia đình, họ hàng vào và các người có quê ở 3 Quảng, Hà Đông, Hà Tỉnh, Nghệ An,… các tiệm bán giò chả tại Đàlạt khi xưa đều do các di dân từ Hà Đông vào như Giò chả An Lộc ở Phan Đình Phùng, giò chả Mỹ Hương ở dưới chợ Mới, phở Bắc Hương. Ở Hà Đông có một làng tên Ước Lễ, nổi tiếng làm chả giò từ trên 500 năm nay với câu “Khéo thì thợ may, vung tay chày cối”.
Khi xưa thì họ dùng cái chày và cái cối để giả thịt heo. Nay thì họ dùng máy xay cho nhanh. Làm giò phải nhanh tay nhanh mắt nên họ mới có câu “Cha mất đắp chiếu để đấy, làm xong mới lo được bởi chậm một tí là có thể hỏng cả mẻ giò”. Cha chết thì cứ để đấy, để làm giò xong rồi mới tính.
Nghe nói giò mà ngon nhất là giò làm bằng bắp đùi vì heo làng này được nuôi ngoài đồng, đi tới đi lui không nuôi công nghệ như ngày nay. Không biết có lý do người ta gọi là “Giò”, có lẻ làm bằng giò heo. Đặc biệt họ bỏ mật mía trong thịt giúp để lâu và dòn. Nghe nói khi xưa, giò là món tiến vua, ngày giỗ mà có giò là quý lắm. Đời nhà Mạc, có một cung tần về làng xây cổng làng, truyền nghề và cứ thế cha truyền con nối đến giờ.
Người làng Ước Lễ xa quê, làm giò chả đều lấy tên có từ “Hương” đi cùng như ở Đàlạt có Mỹ Hương và Bắc Hương. Có lần mình hỏi chị bạn, gia đình có lò chả Mỹ Hương, quê bố mẹ là Ước Lễ, chị ta hỏi sao biết thì mình mới nói là tục lệ dân làng này như thế.
Tương tự người làng Kế Môn, Thừa Thiên ở ấp Ánh Sáng, chuyên nghề làm vàng bạc.
Nghe kể họ có bí quyết nhưng phải ra Hà Nội, Đàlạt,… mới nổi tiếng vì ở quê thì nhà nào cũng làm. Mẹ anh bạn kể là phải dùng dao cho sắt, cắt thịt luộc, không dơ bẩn hay làm nem không sử dụng hàn the, rất độc.
Được biết ông Hoàng Trọng Phu, con của ông quan Hoàng Cao Khải, học trường bảo hộ mà ông Hồ nạp đơn xin theo học bị từ chối, về làm tổng đốc Hà Đông, là người khởi đầu cho cuộc di dân người quê Hà Đông vào Đàlạt.
Ngoài ra ông Phạm Khắc Hoè, quan quản đạo là người đem dân Hà Tỉnh và Nghệ An vào lập cư ở Đàlạt. Tò mò mình tìm đọc tài liệu trên mạng như sau:
“Quản đạo đầu tiên của Đà Lạt là Trần Văn Lý nhận thấy Đà Lạt là vùng khí hậu mát mẻ, nhiều đất hoang chưa khai phá, nhu cầu rau quả tươi sống của người Pháp cũng tăng lên. Bản thân từng làm Tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hóa), quá am hiểu nông dân miền Bắc thiếu đất canh tác, Quản đạo Trần Văn Lý đã đề nghị Tổng đốc tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu đồng thời kiêm Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội Trung ương Bắc Kỳ di dân vào lập ấp tại Đà Lạt.
Nhận lời đề nghị của Quản đạo Trần Văn Lý, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đã giao cho Thương tá Canh nông tỉnh Hà Đông là Lê Văn Định xây dựng kế hoạch và chuẩn bị thực hiện việc di dân Hà Đông vào lập ấp tại Đà Lạt.
Ông Lê Văn Định đã đứng ra vay 500 đồng từ quỹ của Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ (thời giá khi đó, 2 đồng mua được 1 tạ gạo - PV). Trong đó, ông trích ra 300 đồng gửi vào Đà Lạt nhờ Quản đạo Trần Văn Lý chuẩn bị cơ sở vật chất ban đầu để ổn định cuộc sống của di dân.Phần còn lại, ông Định dùng mua vé tàu hỏa và cấp cho những người được tuyển chọn vào đợt đầu chi tiêu và mua sắm công cụ.
Ông Lê Văn Định đã đứng ra vay 500 đồng từ quỹ của Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ (thời giá khi đó, 2 đồng mua được 1 tạ gạo - PV). Trong đó, ông trích ra 300 đồng gửi vào Đà Lạt nhờ Quản đạo Trần Văn Lý chuẩn bị cơ sở vật chất ban đầu để ổn định cuộc sống của di dân.Phần còn lại, ông Định dùng mua vé tàu hỏa và cấp cho những người được tuyển chọn vào đợt đầu chi tiêu và mua sắm công cụ.
Đầu năm 1938, hơn 30 nam giới, do chức sắc của các làng xã ven Hồ Tây đề cử, đã được tuyển chọn tập trung về trụ sở Hội Tiểu canh nông công nghệ Hà Đông. Tại đây, họ lại được ông Vũ Đình Mấm - Tham tá Canh nông tỉnh Hà Đông hướng dẫn thêm về cách trồng rau và hoa.
Ngày 29/5/1938, nhóm cư dân đầu tiên gốc Hà Đông gồm 33 người (27 nam, 6 nữ) là những nông dân khỏe mạnh thạo nghề làm vườn được huấn luyện kỹ càng phương thức canh tác tiên tiến theo mô hình châu Âu đã lên tàu hỏa vào Đà Lạt. Đầu năm 1939, thêm 19 người vào ấp. Từ năm 1940 đến năm 1942 lại thêm 47 người. Cuối năm 1943, thống kê cả ấp Hà Đông đã có tới 57 gia đình cùng nhau chung lưng xây dựng quê mới. Trong số đó có ông Ngô Văn Bính.
Sau tết Kỷ Mão (1939), mang theo 2.000 củ lay-ơn vào Đà Lạt, chỉ 2 tháng sau, thấy đây là vùng đất làm ăn tốt, ông Bính đã viết thư về quê động viên cha mẹ đến xin với ông Lê Văn Định tạo điều kiện cho vào Đà Lạt. Một trường hợp khác là ông Nguyễn Văn Bồng, cũng được Tổng đốc Hoàng Trọng Phu viết giấy giới thiệu vào Đà Lạt (năm 1941).
Theo lời kể của ông Ngô Văn Bính và ông Ngô Văn Ngôn cho con cháu, năm 1940 Tổng đốc Hoàng Trọng Phu vào thăm ấp. Bà con cử ông Ngô Văn Ất đến gặp và xin được lấy tên của Tổng đốc đặt cho tên ấp là ấp Hoàng Trọng Phu. Nhưng Tổng đốc đã khéo léo từ chối và đề nghị bà con nên lấy tên là ấp Hà Đông để mai sau con cháu nhớ về cội nguồn. Đề nghị này cũng được chính quyền Đà Lạt chấp thuận.Cái tên ấp Hà Đông chính thức ra đời từ đó. Ngày nay, ấp Hà Đông thuộc phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.”
Làng thì đất chật người đông nên nông dân tìm đường vào nam để kiếm sống như ngày nay. Mình đi taxi thì nghe mấy anh tài cho biết là chú bác của họ vào đây làm ăn được nên kêu vào, gốc Nghệ An, Hà Tỉnh hay vùng Cao Bằng Lạng Sơn.
Đó là lớp tiên phong từ Hà Đông, Hà Tỉnh, Nghệ An trước 45. Sau 75 có rất nhiều người cũng từ những nơi này vào Đàlạt lập nghiệp tại các vùng kinh tế mới rồi mấy năm sau, kêu họ hàng, con cháu vào. Nay thì họ có đất đai nên lại kêu dòng họ vào giúp họ như khi xưa, lớp di dân đầu tiên vào những thập niên 30, 40 của thế kỷ 20.
Anh này kể một chi tiếc lịch sử là ông Hồ Chí Minh có gửi tặng một nhánh Bích Đào ngoài bắc cho ông Ngô Đình Diệm, sau đó thì đưa lên Đàlạt để tỉa chiết cành do đó ngày nay Đàlạt mới có loại Bích Đào, bông to và đỏ. Nếu mình không lầm, chú của anh ta là người có công chiết cành đào này, rồi đưa cho những người khác trồng sau này. Mình nhớ khi xưa, anh bạn này cứ luối cuối lo mấy luống hoa còn cô em thì gánh nước, gánh phân ná thở sau vườn.
Được biết trước 75, có ông nào làm luận án về sự thành hình của ấp Hà Đông nên chắc phải đi tìm cuốn sách này để đọc, để hiểu lịch sử về Đàlạt. Ở trung tâm văn hoá Hà Đông Đàlạt này, thì mình thấy họ có treo mấy tấm ảnh xưa của ấp Hà Đông, Đàlạt với những vườn, máy bơm nước được sử dụng để tưới nước mà khi xưa thấy bình thường nhưng nay lại thấy quý.
Bác nào có tài liệu về Đàlạt thời xưa thì cho em xin. Có đọc lướt qua một cuốn sách dịch về hồi ký của toàn quyền Albert Saraut nhưng thấy định hướng chính trị hoá nên mình đợi về Hoa Kỳ tìm mua bản gốc bằng pháp ngữ đọc cho lành.
Mình được kể là tư duy ao làng ở quê khi xưa ở ngoài bắc. Nhà nông cứ theo phong tục cổ truyền để làm, cha truyền con nối. Điển hình họ dùng cái cuốc để cuốc đất để làm nông, không có cái chỉa ba như trong nam, để sới đất cho dễ. Trong nam, ở Đàlạt khi xưa, mình thấy trong vườn mình hay tại nhà, dùng hai cái đồ tưới. Người làm vườn gánh hai cái bình tưới hoa sen, đi bộ xuống mấy thang cấp xuống cái ao, rồi nhúng hai cái bình tưới nước để đong nước cho đầy rồi đi lên, đi giữa hai luống rau rồi tưới xuống hai luống rau. Sau này có máy bơm nước thì họ sử dùng để tưới, nhanh hơn. Trong khi ở quê ngoài bắc, họ dùng cái rỗ để tưới, không có tư duy khai phá ra cái mới để giúp nông dân ít nhọc nhằn. Nay chắc đã cơ động hoá hết.
Mình nghe kể một giai thoại về món phở. Mình đọc nhiều tin tức cho rằng món phở Việt Nam, nay nổi tiếng khắp thế giới, xuất thân từ món “Pot au Feu” của người pháp mà mình có ăn vào mùa đông ở Pháp. Nếu mình không lầm người Việt hay làm mà họ gọi là hầm lê guim, có cà rốt, poireau, khoai tây, thịt bò, hành tây, xương bò,…
Các người bồi việt sau khi dọn cho chủ ăn thì họ lấy đồ dư mang về để ăn nhưng mùi thịt bò nồng, không quen nên họ bỏ thêm hành, lá hồi,…vào để áp mùi thịt bò, ăn cho dễ, từ đó tạo nên món ăn thuần tuý của Việt Nam ngày nay. Lại nghe kể là có thể từ “Phở” đến vì người Việt làm cho tây, lấy đồ ăn còn dư của chủ, rồi bắt đống lửa để nấu lại với hành, lá hồi,… nên người ta hay gọi bếp lửa là “feu” theo tiếng pháp nên từ từ thành “Phở”.
Mình được nghe kể là ca sĩ Khánh Ly, có thời sinh sống tại Đàlạt, tên thật là Phạm thị Lệ Mai, thường được gọi là “Mai Đen”. Nghệ danh của bà được ghép bởi tên của 2 nhân vật của truyện tàu thời Đông Chu Liệt Quốc: Khánh Kỵ và Yêu Ly.
Vua Ngô Chư Phàn luôn lo sợ một ngày sẽ bị Khánh Kỵ cướp ngôi vương nên mới nghĩ cách dùng Yêu Ly để mưu sát Khánh Kỵ. Để chiếm được lòng tin của Khánh Kỵ, vua Ngô sử dụng khổ nhục kế khép Yêu Ly vào tội rồi chặt tay phải, giết chết cả vợ con của Yêu Ly.
Sau đó, Yêu Ly tới gặp Khánh Kỵ xin chiêu nạp để cùng báo thù vua Ngô. Khi Khánh Kỵ dấy quân vào đánh Ngô, Yêu Ly tìm cách mưu sát Khánh Kỵ nhưng không thành. Khánh Kỵ không những khép tội Yêu Ly mà tha cho người này tội chết. Quân thần hỏi tại sao, Khánh Kỵ bảo Yêu Ly sẽ chết vào tay vua Ngô vì một người dám giết vợ con để ám sát Khánh Kỵ thì khó mà được vua Ngô tin tưởng, dùng lại.
Sau đó, Yêu Ly tự cho mình là kẻ bất nhân, bất nghĩa và bất trí nên đã tự sát.
Anh bạn kể là sau 75, mấy người anh họ vào nam, được anh ta dẫn đi tham quan thị xã. Thấy mấy cái trường như Phù Đổng, Phan Chu Trinh bị đóng cửa thì hỏi là gì thì kêu trường học nhưng nhà nước đóng cửa. Anh họ kêu quái tưởng trong nam chỉ toàn là nhà tù.
Có bà dì không vui khi mình kể câu chuyện có thật tại Huế về bán hột vịt lộn được xem là gái bán dâm vào 7:00 sáng ở ga xe hoả vì người cán bộ không quen nghe giọng Thừa Thiên nên hôm nào rảnh mình kể tại nhà cho vợ nghe.
Gặp trung tâm nguyên tử lực thì mấy người anh họ hỏi Liên Xô làm, nói không của Hoa Kỳ cho. Xuống đập Đa Nhim thì họ ngạc nhiên là Nhật Bản làm giúp.
Chán Mớ Đời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét