Trang

Văn hoá Việt trong tôi

Mấy người lớn kể hồi bé mình nói tiếng việt ngọng ngọng, cứ xổ tiếng tây ở nhà vì học trường Tây. Dần dần cũng nói được tiếng việt đơn thuần hàng ngày nhờ những lớp Việt văn ở trường, bắt đầu đọc báo việt của ông cụ, những tờ Tuổi Hoa, mượn của hàng xóm hay mướn sách ở tiệm Minh Thu ở đường Fan Đinh Phùng. Đọc sách Việt nhưng không đọc sách báo Tây, vì không có tiền mua nên dần dần Việt ngữ của mình khá hơn còn tiếng Tây vẫn ở trình độ lớp vở lòng.
Nhà dạo đó có một chị giữ em, người miền nam hay hát cải lương nên lỗ tai mình thích cải lương từ dạo đó. Có đi xem Út Bạch Lan và Thành Được ở rạp Ngọc Hiệp. Mỗi lần nghe mấy danh ca này xuống một câu vọng cỗ là mình thấy dựng tóc gáy, lưng thấy lạnh lạnh, phê không tả nổi. Cứ nói về Sàigòn, đi coi cải lương lại nhưng đi theo mụ vợ nên đành gác lại.
Nhớ cô Ngô Thị Liên dạy Việt Văn, bắt học thuộc lòng ca dao, tuc ngữ chi đó mà chả nhớ hết bài.
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô ...
Thì đúng lúc năm đó xẩy ra vụ tổng công kích Mậu Thân nên trường học đều bị đóng cửa. Con nít hàng xóm tụ năm tụ bảy, đánh bài, chơi đủ trò nguyên cả tháng, chả cần phải học bài, làm bài tập. Hồi nhỏ mê Tết mà nay còn được nghỉ cả tháng giêng nên sướng hết lớn, cứ mong VC vào đánh nhau, đến khi nghe nói phải lên trường lấy bài tập về làm. Chán mớ đời.

Nói đến học thuộc lòng, mình nhớ Tăng Trung có một tên anh em bà con gì đó, không nhớ tên, không phải Mụ Diễm, học thuộc lòng, trả bài bằng tiếng tây mấy câu thơ như tây đầm, được ông Tây khen như Tây da vàng. Phục sát đất. Chả hiểu còn sống chết ra sao. Trong lớp khi xưa, tên này giỏi Pháp Văn nhất hay được thầy cô khen.
Mình nghe mấy người lớn xổ nho nhưng chả hiểu gì cả thì thằng Võ Ngọc Sơn, con bà Lộc Sơn ở dưới chợ, chả hiểu nó học ở đâu mà cứ đem Trạng Quỳnh ra giảng cho mình nghe. Nó kể sứ tàu sang viếng Việt Nam, vua sai Trạnh Quỳnh đi theo để hầu để chứng tỏ dân An Nam thuộc loại giỏi ngay cả thằng hầu. Một hôm, ông ta chèo ghe đưa sứ Tầu ra hồ Tây hóng mát thì bổng nhiên sứ Tàu địt một cái thật kêu, thật hoành tráng. Để khỏi xấu mặt, sứ tầu vội kêu: "Sấm động Nam vang", rồi nó giải thích nghĩa là sứ tầu nói cái địt của ông ta làm nổ rầm kinh thiên động địa trời xứ Nam. Mình cãi với nó là thủ đô của Cao Miên là Nam Vang, nó bảo mình sao ngu lâu thế. Để nó kể tiếp. Trạng Quỳnh, vội đứng dậy, vác chim ra , hướng về phía bắc tè một phát, chắc uống bia ôm với sứ Tầu hơi nhiều rồi phán: 'Vũ phong bắc quốc", nghĩa là mưa gió về nước Bắc, là nước Tầu. Mình không hiểu lắm nhưng thằng này là thầy dạy đánh bi da nên không cãi.
Nói đến địt thì mới nhớ, tuần trước thằng con về ăn Thanksgivings, cả nhà rũ nhau đi xem James Bond. Trong xe mình bổng nhiên ngửi mùi thối nên hỏi : "ai địt?" thằng con ở sau, trả lời: "I did!". Chán mới đời!
Nó kể Trạng Quỳnh ra chợ bảo các người bán thịt, là thái thịt ra cho nhỏ để hôm sau người trong hoàng cung ra lấy. Hôm sau, Trạng đi chợ thì gặp dân hàng thịt kêu đã thái thịt nhưng không có ai trong hoàng cung ra lấy. Trạng bảo hàng thịt thì chửi cái thằng Bảo Thái, ám chỉ vua, nhưng mình học lịch sử không thấy ai tên Bảo Thái làm vua cả ngoại trừ vua Thành Thái. Nó còn kêu " nam vô tửu như kỳ vô phong, nữ vô nhủ như gì.." chữ nho chùm mình chỉ biết chừng đó. Nghe nhà kể thằng dạy mình đánh bi da và chữ nho chết sau 75.
Cứ lêu bêu đến năm Seconde thì được thằng hàng xóm, học Văn Học cho cái vé đi xem văn nghệ do trường tổ chức, mời đoàn văn nghệ Tiên Rồng từ Sàigòn lên, em của nó là TNVQ không đi. Đi xem trình diễn của đoàn này mới giúp mình cọ sát lần đầu tiên trong đời văn hoá Việt Nam. Coi như lần đầu xem văn nghệ trong đời, thấy áo the, áo tứ thân,.. là cái gì.
Học trường tây thì chả biết gì nhiều văn hoá tây do ngu lâu, còn văn hoá Việt lại không rành nên đã ngu lại càng ngu lâu, ngu bền vững không có gì lay chuyển được. Chương trình làm theo trường ca "con đường cái quan" của Phạm Duy, cho mình thấy một thoáng hình ảnh về Việt Nam khiến mình mơ đến một ngày nào, khi đất nước thanh bình, đi một chuyến như người lữ khách từ ải Nam Quan cho đến Cà Mau. Nói đến 100 người con của vua Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Công chúa Huyền Trân là ai, vua cha bán cô con gái để đổi lấy Châu Ô, Châu Rí, mới hiểu câu ca dao nói cây quế giữa rừng để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.
Cũng nhờ hoạt cảnh này mà mình mới biết đến ĐỒNG Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng họ Tô, bế con đứng chờ chồng. Tiếng hò giã gạo bên sông Hương, quê của bà cụ, khiến mình tưởng tượng ông cụ mình là lữ khách đi từ Bắc vào Huế để gặp bà cụ, với chùa Thiên Mụ, leo qua cồn cát, vượt đèo Hải Vân.
Mình nhớ có mấy ban đồng ca bận áo dài vàng mà sau này trường Văn Học dùng để đi diễn hành. Ở miền Bắc thì cô gái cắt lúa hay cỏ chi đó reo anh chàng lữ khách:
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại cho em đây than đôi lời.
Đến miền Trung thì lại réo giọng mắm ruốc:
Ai đi trên đường là dặm đường
Ði mô mà vội vã, cùng hò khoan...
Mới hiểu các cô gái Huế thích hò giã gạo nên mắn con, sinh năm một như bà cụ mình.
Đến khi vào miền Nam thì cô gái quê gọi:
Bớ anh đi đường vắng đường xa
Dừng chưn đứng lại nghe em ca đôi lời.
Nghe tới gió Gò Công là ở đâu chả biết, rất độc nên chả bao giờ dám đi Gò Công dù về Việt Nam mấy lần.
Nhưng có lẻ nhạc cảnh Em đi lễ chùa Hương, thơ của Nguyễn Nhược Pháp được nhạc sĩ Trần Văn Khê soạn nhạc làm mình mê mệt với cô gái đóng vai, bận áo tứ thân với cái nón quai thao. Lần đầu tiên trong đời mới biết áo tứ thân là cái chi. Chỉ nhớ trong lớp thầy dạy là cái khung cửi làng quê khi xưa ở Hà Đông nhỏ bé nên người ta chỉ dệt vãi được khổ nhỏ rồi vá 4 mảnh vãi để may áo nên gọi là tứ thân. Ngày nay Thiên Hạ dư vãi nên dùng đủ màu để làm cái áo 4 mảnh.
Mình thấy họ làm chiếc ghe, có cái phông phía sau làm bằng vãi, có người đứng hai đầu phất lên phất xuống làm như sóng nước, đến khi mình đi viếng chùa Hương 23 năm về trước thì chả có sóng chi cả nhưng rất đẹp, đẹp hơn Ninh Bình của Đinh Bộ Lĩnh. Dạo đó thì cũng chả hiểu chi nhiều. Thấy anh chàng lữ khách, thấy gái là nổ ngay, cầm cái cọ, vẽ loạn xà ngầu trong không khí rồi bố cô gái đứng xem gật gật khen hay hay hay, Văn phong rất hay trong khi cô bé cứ ngắm trộm. Nghe kể là cô bé ấy tên Thu Ba hay Lệ Ba chi đó. Dạo mình sang Mỹ chơi thì có ôn chuyện cũ với Chị Cả, cứ thèm dựng lại Con đường Cái quan nhưng lấy vợ rồi dẹp hết mộng mơ.
Sang Tây thì mình như mê dại, tìm hiểu về Văn hoá Tây nên chả để Ý chi đến Văn hoá Việt, ngoại trừ những ngày Tết, ra rạp Maubert để tham dự chợ Tết, Văn nghệ rồi về. Mấy năm sau, mấy người em vượt biển sang thì mình chới với vì mấy người em, dùng những từ vựng hậu 75 nghe như tiếng ngoại quốc, lờ mờ hiểu đoán cái ý. Dạo đó mình đi làm ở Thuỵ Sĩ, Anh Quốc nên cũng lờ mờ, lâu lâu đọc một tờ báo khi đến nhà ai quen gốc Việt. Gặp bạn bè ở Ý, Thuỵ Sĩ, Anh,..., chúng hỏi nhạc, tranh, kiến trúc, hội hoạ của Việt Nam có cái gì thì mình y tờ, kêu chiến tranh quá nên chả có gì.
Sang Hoa Kỳ làm việc thì mình mới cảm thấy có sự ngăn cách giữa da trắng, da đen, da vàng. Có lẻ cũng đến tuổi tự hỏi mình là ai, từ đâu ra? Thêm gặp thầy CBA nhờ vẽ biếm hoạ cho báo của thầy nên được nhận báo miễn phí để đọc. Lúc đó mới bắt đầu mua báo sách Việt ngữ từ Pháp, Mỹ để đọc. Mình hay lên MIT chơi với CTA và hội sinh viên người Việt trên ấy nên quen chị Chấn, quản thủ thư viện Việt ngữ ở Harvard nên mượn sách Việt ngữ đọc mệt thở như dạo mình mới sang Tây học Văn hoá Tây. Cứ lâu lâu lên chơi, vác về một chục cuốn đọc, hết thì lại bò lên. Nghe chị Chấn kể là mấy nhà in bên Cali, nhờ chị mượn sách của thư viện rồi họ in lại kiếm tiền mệt thở.
Chẳng bù lại ngày nay, cứ lên mạng đọc mệt thở nhưng cũng nhờ vậy mà khi có con, kể chuyện Việt Nam, lịch sử,... Cho chúng học đàn tranh, đàn bầu, học việt ngữ bú xua la mua rồi chúng cũng chán mà mình cũng thấy nếu chúng thích thì sau này tự tìm nghiên cứu về văn hoá Việt Nam như mình khi xưa, chả biết gì dù sống 18 năm ở Việt Nam.
Ngày nay có nhiều thứ để học hỏi, văn hoá Tây phương, đông phương, Fi châu,..., nên không giới hạn về Việt Nam. Nói cho cùng thì so với văn hoá thế giới thì văn mình Việt Nam ít đóng góp nhiều cho kho tàng văn hoá của thế giới.
nhs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét